SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 746, CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN – B, LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ, 06/06/2021

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 14, 12-16. 22-26)

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: “Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: ‘Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?’ Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó”. Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.
Đang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa”. Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Tấm Bánh Tình Yêu ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
“Ăn Lễ” Vượt Qua Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
“Giọt Máu Cho Đi – Cuộc Đời Ở Lại” Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Quà Tặng Cao Quý Nhất Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7

THƠ TIN MỪNG

Thánh Thể Tình Yêu Hạt Nắng Trg 9
Hy Lễ Cuộc Đời Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Tiệc Thánh Giữa Đời M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Hy Lễ Cuộc Đời Nắng Sài Gòn Trg 12
Thánh Thể – Tình Trao Ban A.P Mặc Trầm Cung Trg 13

Tấm Bánh Tình Yêu

Mỗi khi chiêm ngắm Thánh Thể Chúa, tôi không ngừng ngỡ ngàng trước tình yêu của Người. Tình yêu ấy vô cùng cao cả nhưng lại rất đỗi đơn sơ. Đơn sơ như hình ảnh tấm bánh.

Tấm bánh, tình yêu gần gũi.
Sao Chúa không hoá thân làm viên kim cương quý giá mà lại làm một tấm bánh? Tấm bánh bình thường, quen thuộc quá. Từ khi kinh tế phát triển, bánh càng ngày càng xuống giá, bớt được quý trọng.

Tuy bình thường, nhưng bánh vẫn là lương thực cần thiết cho con người. Cũng như khí trời, như nước, bánh đi vào sinh hoạt hằng ngày của con người. Bình thường lắm nhưng không có không được.

Chúa trở thành tấm bánh để gần gũi với loài người, để đi vào sinh hoạt đời thường của con người. Con người có thể đến với Chúa dễ dàng, không e ngại, sợ sệt. Chỉ là một tấm bánh vừa tầm tay mọi người. Chỉ là một tấm bánh sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con người. Thật khiêm nhường mà đầy ý nhị. Thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu xa vì tấm bánh nói lên tình yêu tự hiến.

Tấm bánh, tình yêu tự hiến.
Bánh sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu chỉ để trưng bày cho người ta chiêm ngắm. Bánh chỉ có ý nghĩa khi được sử dụng. Được sử dụng là bị bẻ ra, bị nghiền nát, bị tan biến, bị tiêu hoá. Vì thế, trở thành tấm bánh là chấp nhận chịu đau đớn, chịu huỷ hoại. Đây không phải là một chấp nhận bất đắc dĩ, vì tấm bánh bao giờ cũng mời mọc tiêu thụ.

Khi xưng mình là bánh bởi trời, Chúa Giêsu bày tỏ một tình yêu tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, tan biến, chịu chết cho nhân loại. Chúa chịu chết cho ta được sống. Chúa chịu huỷ hoại cho ta được lành lặn các thương tích. Chúa bé nhỏ đi cho ta được lớn mạnh. Tấm bánh bị tiêu hoá để thực hiện một tình yêu hiệp thông.

Tấm bánh, tình yêu hiệp thông.
Chúa Giêsu tha thiết với sự hiệp thông. Người không ngừng mời gọi con người đến sống thân mật với Người. Người tự nhận mình là cây nho và mời gọi mọi người hãy trở thành cành nho gắn kết với cây nho.

Hôm nay, Người còn chủ động trở thành tấm bánh để hoà vào từng giòng máu, từng thớ thịt của con người trong một kết hiệp sâu xa. Người tự tiêu huỷ mình để trở thành thịt máu của con người. Không còn sự kết hợp nào sâu xa khăng khít hơn nữa.

Tấm bánh gợi lên một bàn tiệc tại đó anh em quây quần trong tình thương, chia sẻ lương thực và chia sẻ tâm tình. Không còn gì đẹp hơn. Chính Chúa Kitô tự hiến mình để quy tụ chúng ta. Chính Chúa Kitô bị bẻ ra để cho tình huynh đệ nhân loại được mặn mà thắm thiết.
Với những gợi ý như thế, Chúa hướng dẫn tôi trong tình yêu mến, trong cử hành và trong cách sống Bí tích Thánh Thể.

Yêu mến Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là trở nên hiền lành khiêm nhường, sống gần gũi với những người nhỏ bé nghèo hèn?

Cử hành Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là chấp nhận hao mòn, quên mình, thiệt thòi vì Chúa và vì anh em?

Sống Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là xây dựng tình đoàn kết, tình huynh đệ với những người sống quanh ta, trong mọi môi trường cuộc sống?

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa. Con chúc tụng ngợi khen Chúa muôn đời. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ:
1) Khi dâng lễ, tấm bánh có gợi lên cho bạn điều gì về tình yêu của Đức Giêsu không?
2) Khi bạn rước lễ, bạn có cảm nghiệm được tình yêu của Chúa không?
3) Phép Thánh Thể thôi thúc bạn làm gì?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

‘Ăn Lễ’ Vượt Qua

Thánh Thể là bữa tiệc Vượt Qua, điều này tôi đã được nghe nói tới nhiều lần, nhưng lại có quá ít dịp tìm hiểu và đào sâu nội dung đích thực của nó. Tại sao Bí Tích Thánh Thể trước hết phải là một ‘bữa tiệc’ chứ không phải là ‘bánh rượu’ trở nên ‘Mình và Máu Thánh Chúa’?

Thời điểm Đức Giêsu ăn bữa biệt ly với các môn đệ được Marcô xác định là ‘ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua’ (như vậy ngay cả việc xác định hôm đó là thứ năm (Tuần Thánh) cũng chỉ là một ước lệ?); ngoài ra Thánh Sử Marcô còn tường thuật việc chuẩn bị cho bữa tiệc này với khá nhiều chi tiết tỉ mỉ khác nữa. Nếu quả là như thế thì việc Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể trong ngày sát tế chiên Vượt Qua đâu chỉ đơn thuần là trùng hợp ngẫu nhiên về thời gian. ‘Đây là mình Thầy… đây là máu Thầy’ của Tân Ước phải có mối liên hệ rất chặt chẽ với ‘chiên Vượt Qua’ giải phóng dân riêng khỏi ách nô lệ, và với cuộc xuất hành tiến về đất hứa của Cựu Ước. Phải là người Do Thái đích thực như các môn đệ ta mới hiểu được ý nghĩa của việc ăn lễ Vượt Qua. Họ thực sự ăn lễ, chứ không chỉ ‘mừng lễ’. Mỗi gia đình ăn thịt chiên nướng với rau đắng và bánh không men, họ ‘ăn’ sự giải thoát của toàn dân, của chính mình cũng như của bạn bè thân quyến. Thịt chiên họ cùng nhau ăn, và máu chiên họ rẩy trên mình như một tập thể, lặp lại việc bôi máu trên ngưỡng cửa ngày xuất hành ra khỏi đất Ai Cập. Đối với họ, cuộc giải phóng này liên quan tới đời sống từng người, tới lịch sử của cả một dân tộc. Chính vì thế mà trải qua hàng nghìn năm, người Do Thái vẫn trang trọng ăn lễ Vượt Qua của giải phóng.

Cái chết thập giá của Đức Giêsu chính là thực hiện giao ước Xuất Hành tới mức toàn diện và hoàn hảo nhất; còn giao ước Sinai, với việc rảy máu thú vật trên dân và đón nhận lề luật, chỉ là thể hiện được sự giải phóng trong một giới hạn nào đó (Xh 24:7-8). Nếu dân Do Thái ăn chiên và rảy máu chiên trên mình để tưởng nhớ và tham dự vào cuộc xuất hành giải phóng mang tính xã hội và chính trị (thoát khỏi ách thống trị của bạo chúa Pharaô), thì Kitô hữu ăn thịt và uống máu Chiên Vượt Qua là để tưởng niệm và thông phần vào ơn cứu độ sung mãn và dứt điểm. “Chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”. Đức Giêsu muốn ăn lễ Vượt Qua của Người với các môn đệ thân yêu vào chính ‘ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua’ là thế. Trong cả hai cử hành Vượt Qua, ăn là công việc chủ yếu. Chỉ thị Vượt Qua của Cựu Ước xác định rất rõ ràng ai mới được ăn và ai không được ăn, đồng thời qui định tỉ mỉ phải ăn như thế nào, theo cách nào (Xh 12:43-51). Marcô, trong tường thuật về bữa tiệc ly biệt, cũng không thể bỏ qua các chi tiết ăn uống tỉ mỉ: ‘Người cầm lấy bành, rồi bẻ ra, trao cho các ông; Người cầm chén rượu…, trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này’. Đặc biệt hơn, khi triển khai đề tài ‘bữa tiệc của Chúa, bữa tiệc huynh đệ và hiệp nhất’ (1Cr 11:23-34), Phaolô đã đặc biệt xoáy sâu vào chủ đề ‘ăn và uống’. “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm tới Mình và Máu Chúa…’ Và lệnh truyền ‘anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy’ (lặp lại hai lần) được các Kitô hữu tiên khởi hiểu, chắc chắn không chỉ là cử hành một nghi lễ, mà phải thực hành luôn cả việc ăn và uống, ‘mỗi khi uống’ (câu 25).
Như vậy, dứt khoát việc ‘xem lễ hay dự khán Thánh Lễ’ không thể trở thành qui định chính yếu (buộc ‘xem lễ’ ngày Chúa Nhật…); thậm chí trong Cựu Ước, để tưởng niệm Vượt Qua, ‘Toàm thể cộng đồng Israel ăn chiên và bánh không men’. Qui định Xuất Hành xác định rõ các đối tượng không được phép ăn, và do đó cũng không được tham dự vào cuộc vượt qua của toàn dân. Cũng vậy, theo Phaolô, vấn đề chính là phải ăn bữa tiệc của Chúa sao cho xứng đáng nhất; xứng đáng đây không hệ tại ở việc sạch hay không sạch tội, mà chính yếu hệ tại ở phân biệt được, nhận thức được hay không Thân Thể Đức Kitô hiến mình cho ta trong cuộc giải phóng thập giá, vì Người là Con Chiên của cuộc Vượt Qua trong giao ước mới. Rước lễ (ăn) với cõi lòng rộng mở đón nhận ơn giải phóng dứt khoát và hữu hiệu của Chúa Kitô – Chiên Vượt Qua mới là điều bất cứ người môn đệ nào của Đức Kitô cũng buộc phải thi hành, không như một luật buộc nhưng như một đòi hỏi thiết thân của việc tham dự vào hồng ân cứu độ.

Vì thế, Kitô hữu chúng ta cần chân thành và khiêm tốn ăn lễ Vượt Qua, ăn thịt Chiên Con bị sát tế, vì quả thật Bí Tích Thánh Thể đối với chúng ta trước hết phải là ăn và uống Minh Máu Thánh Chúa, là thông phần vào cuộc giải phóng vĩnh viễn mà Đức Giêsu đã thực hiện trên Thập Giá!

Lạy Chiên Con bị sát tế trên thập giá, Chúa đã ban cho chúng con ơn giải phóng qua hiến tế thập giá đau thương. Thế nhưng con chỉ có thể tiếp nhận ơn giải phóng này cách hữu hiệu và dứt khoát nhờ vào việc ăn và uống Thịt và Máu Con Chiên. Xin cho con, mỗi khi cử hành Thánh Thể, luôn có tâm hồn khiêm tốn biết đón nhận sự giải thoát đầy nhân hậu, qua việc cung kính rước Mình và Máu Thánh Chúa vào cõi lòng, cho dầu có bất xứng và tội lỗi, nhưng rất chân thành mong mỏi đón chờ ơn cứu độ. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

 

“Giọt Máu Cho Đi – Cuộc Đời Ở Lại”

Một lần tới bệnh viện thăm người thân tôi thấy một lời kêu gọi hiến máu với dòng chữ: “Giọt máu cho đi- cuộc đời ở lại”. Từ đó tôi bắt đầu hiến máu mỗi khi có dịp thuận tiện. Tôi thuộc nào máu O RH ++. Người ta một cộng còn tôi hai cộng nên bác sĩ bảo máu này rất hiếm nên quý. Máu này có thể truyền cho mọi người nhưng tìm được người cùng máu để nhận lại khó. Điều đó làm cho tôi càng vui vì mình sẽ có nhiều cơ hội cứu người.
Cảm giác đi hiến máu thật hạnh phúc. Hạnh phúc bởi vì một phần máu trong cơ thể của mình rồi đây sẽ góp phần giúp cho một người nào đó, một trường hợp nào đó qua cơn nguy kịch; cho người bệnh, người thân của người bệnh một niềm hy vọng được cứu sống, được chữa khỏi bệnh. Giúp được người khác mà bản thân mình cũng nhận lại được nhiều món quà vô giá: Tình thân – niềm vui – sức khỏe.
Có lần ở giáo xứ Bình Lâm tổ chức hiến máu, tôi nghe có người nói rằng: ”ai mà được truyền máu của cha chắc sướng lắm”. Tôi hỏi rằng: lý do tại sao sướng? Người kia trả lời: vì cha tốt bụng nên ai được truyền máu của cha cũng sẽ trở thành người rộng lượng như cha.
Lời thật đơn sơ nhưng muốn nói con người sẽ đổi tâm tánh khi được thay máu. Tiếp máu của người tâm địa tốt sẽ biến họ nên tốt. Và hình như là thế. Tôi thấy có người khi xưa không uống rượu nhưng từ khi thay máu thì anh ấy uống không biết say. Rồi cũng có người khi xưa ăn cơm phải có rượu, nhưng từ khi thay máu tới giờ một giọt cũng không dám.
Hôm nay, Chúa Giêsu bảo: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống vĩnh cửu. Và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54).
Khi Chúa Giêsu nói ăn và uống Mình Máu Chúa là Ngài muốn nhân loại đón nhận chính Sự Sống Phục Sinh của Ngài. Con người được truyền chính sự sống thần linh của Chúa để mai sau cũng sẽ được phục sinh như Ngài. Như thế, qua dấu chỉ thức ăn, thức uống bình thường của con người là bánh và rượu. Sự sống vĩnh cửu đã hé nở ngay từ đời này và sẽ viên mãn ở đời sau.
Chính qua việc đón rước Mình Máu Thánh Chúa chúng ta được chính Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài nên một với chúng ta như kiểu nói của thánh Phaolô: “từ nay tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Đức Kitô sống trong tôi”. Bởi vì, chính Chúa Giêsu đã nói: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56).
Trong mỗi thánh lễ chúng ta được mời gọi ăn bánh hằng sống chính là Mình Máu Thánh Chúa để từ đây sức sống của Chúa lưu chảy trong ta, và sẽ biến đổi chúng ta nên giống Ngài. Điều quan yếu là trong tâm hồn ta, trong máu huyết ta có còn những vật cản dòng chảy ân sủng Chúa trong tâm hồn chúng ta do tội lỗi, do những tính hư nết xấu hay không? Con người chỉ có thể trở nên giống như Thiên Chúa khi can đảm tháo gỡ những vật cản trong tâm hồn khi dũ bỏ tội lỗi và nhưng ý hướng bất chính. Chỉ khi đó, sự sống của Chúa mới thẩm thấu vào trong con người chúng ta và làm cho chúng ta trở nên tạo vật mới trong Chúa Kitô.
Xin cho chúng ta biết dọn mình xứng đáng để đón rước Chúa, và xin cho chúng ta can đảm từ bỏ nết xấu và tội lỗi để được Chúa biến đổi mỗi khi đón rước Mình Máu Thánh Chúa. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Quà Tặng Cao Quý Nhất

Điều mà mỗi người trên dương gian đều khao khát và khao khát cách mãnh liệt nhất, tha thiết nhất là gì ? Không phải là tiền bạc, không phải là địa vị hay nhan sắc… mà là được sống, sống lâu, sống khỏe, sống vui!

Khi gặp thiên tai, núi non sạt lở chôn vùi hết ruộng vườn, nhà cửa nhưng chủ nhà thoát chết thì vẫn được xem may mắn và có phúc.

Người ta tìm đủ mọi cách để duy trì sự sống với bất cứ giá nào, và khi bị bệnh tật đe dọa mạng sống, biết mình chỉ còn sống được chừng ba tháng, bệnh nhân cảm thấy kinh hãi, rụng rời và sẵn sàng trút hết tất cả tiền bạc, của cải, tài sản mình có để chạy chữa, may ra có thể sống thêm một thời gian. Đúng là “mạng sống hơn đống vàng !”

Sự sống của loài người quý thật, nhưng sự sống này có thể bị bệnh tật, tai ương… cướp đi bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, có một sự sống rất đỗi tuyệt vời, không bao giờ lụi tàn, không bao giờ mất đi… Đó là Sự Sống của Thiên Chúa.

Vì yêu thương con người là tạo vật ưu việt của mình, Thiên Chúa ban cho con người đủ mọi thứ cần thiết trên đời, nhưng trong những món quà Thiên Chúa tặng ban, thì món quà quý báu nhất là Sự Sống của chính Ngài.

Nhưng làm thế nào đem sự sống của chính mình ban tặng cho người khác được?

Chúng ta không thể thông truyền sự sống của mình cho người khác.

Một người con hiếu thảo thấy mẹ hấp hối, sắp lìa đời, thì đau xót lắm… và dù có muốn lấy sự sống của mình truyền qua cho mẹ, để mẹ sống thêm vài năm nữa, cũng không thể làm được. Không ai trên đời có thể truyền ban sự sống mình cho người khác.

Tuy nhiên, Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Ngài có thể làm được mọi sự. Ngài có thể truyền Sự Sống của chính Ngài cho tôi, cho bạn, cho mỗi người chúng ta.

Bằng cách nào?

Muốn cho cành nho tiếp nhận được sự sống của thân nho, thì nó phải được tháp nối nên một với thân nho. Không tháp nối với thân thì không có sự sống.

Muốn cho một bàn tay bị lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể. Không được tháp nối nên một với thân thể thì không thể nhận được sự sống.

Vậy muốn cho loài người tiếp nhận được Sự Sống của Chúa Giêsu Phục Sinh thì phải làm cho họ kết hợp nên một với Chúa Phục Sinh. Để thực hiện việc này, Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, hiến ban Thịt và Máu của Ngài, dưới hình bánh rượu, làm của ăn cho nhân loại, để cho những ai lãnh nhận Mình Máu thánh Ngài thì được nên một với Ngài, được ở lại trong Ngài như lời Ngài phán: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy”(Ga 6,56).

Và nhờ nên một với Chúa Giêsu, nên Sự Sống của Chúa Giêsu sẽ được thông truyền cho người đó, như sự sống của thân thể thông truyền cho bàn tay.

Điều tuyệt vời là Sự Sống mà Chúa Giêsu thông ban cho những ai tiếp nhận Mình Máu Ngài, không phải là sự sống sinh vật có thể bị lụi tàn theo năm tháng mà là Sự Sống vĩnh cửu không bao giờ tàn phai.

Chúa Giêsu khẳng định điều này qua câu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51).
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54).

Lạy Chúa Giêsu. Chúa ban chính Mình Máu thánh Chúa cho chúng con để chúng con được nên một với Chúa, được đón nhận Sự Sống của Chúa, nhờ đó, được sống hạnh phúc muôn đời. Đây là quà tặng quá đỗi tuyệt vời, là hồng ân vô cùng cao quý, không gì sánh được.

Xin cho chúng con đừng thờ ơ, hờ hững với món quà vô giá này nhưng biết sốt sắng lãnh nhận hồng ân vô giá này với tâm tình cảm tạ sâu xa.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

 

Thánh Thể Tình Yêu
Lễ Mình Máu Thánh Chúa – B
(Mc 14, 12 – 16. 22 – 26)

Giao ước Vượt Qua giữa đất trời

Chiên Con hiến tế cứu muôn người

Thịt tan dâng hiến tha lầm lỗi

Máu đổ trao ban xóa tội đời

Nhân loại giao hòa trời rạng rỡ

Thần Linh kết nối đất xinh tươi

Nên nguồn lương thực cho trần thế

Thánh Thể Tình Yêu Chúa gọi mời.

Hạt Nắng

 

Hy Lễ Cuộc Đời
Lễ Mình Máu Thánh Chúa – B

Tình yêu Chúa mênh mông như bển cả,
giải thoát trần gian khỏi bóng tối gian tà.
Khỏi sự chết do tội lỗi gây ra,
kế hoạch cứu độ đưa con người về nguồn sự sống.
Tình giao hòa, Máu Chiên Con cao trọng,
tẩy sạch bợn nhơ nên Giao Ước đền bồi.
Chén rượu đào ép từ trái nho tươi,
nên Máu Thánh ban cho đời Ơn Cứu Rỗi.
Tình tự hiến khát khao hằng mong đợi,
trao thân mình làm Lương Thực Thần Linh.
Tình thật gần nơi tấm bánh trắng tinh,
đơn sơ khiêm nhượng chịu đớn đau nghiền nát.
Như hạt lúa biến tan trong lòng đất,
nên thần lương nguồn hạnh phúc khôn lường.
Hy lễ cuộc đời trải nghiệm khắp muôn phương,
Tình Hiện Diện cho đến ngày tận thế.
Tình Nên Một hòa tan trong từng chi thể,
Tình Dạt Dào vẫn gánh tội đền thay.
Dâng mình làm của lễ,
trên đồi xưa trong Thánh Lễ hằng ngày,
cho người tội lỗi tìm thấy Tình Yêu tha thứ.
Tấm Bánh nhỏ nơi Tình Yêu trú ngự,
thật tuyệt vời thật cao quý huyền siêu,
hồng ân vô giá thông ban nguồn cứu độ.
***
Trên đĩa thánh cuộc đời giữa muôn vàn giông tố,
xin dâng Ngài tấm bánh nhỏ đời con.
Quy phục Ngài lòng chung thủy sắt son,
trung kiên thập giá noi gương Ngài hiến tế.
Dù khổ đau giữa tình đời dâu bể,
hy lễ cuộc đời gieo hạt giống yêu thương.
Thầm lặng hy sinh nhân chứng giữa đời thường,
cùng Ngài “bẻ bánh” trao cho đời hạnh phúc.
Hy lễ mới tiếng tình yêu thôi thúc,
trong chén thánh cuộc đời xin dâng trọn đời con.

Bâng Khuâng Chiều Tím

 

Tiệc Thánh Giữa Đời
Lễ Mình Máu Thánh Chúa – B

Chúa vẫn chờ con lặng lẽ nơi Nhà Chầu,
Chúa vẫn đợi con nỗi buồn bên Bàn Tiệc Thánh.
Chuyện tình Can-vê máu hồng Giao Ước trời xanh,
lễ dâng đền tội Chiên hiến tế mối tình thâm sâu.

Con vẫn mải mê trần thế quên đường về,
tháng năm ngủ mê bàng hoàng tâm hồn kiệt sức.
Thầm gọi Cha ơi! Rủ tình thương xót thứ tha,
thánh ân giao hòa hồn bừng sáng giũ sạch đam mê.

Ôi! Lễ dâng tuyệt vời, tình Chúa quá huyền siêu,
tự nguyện hy sinh,
chuộc tội nhân sinh,
Thịt – Máu Ngài, ban sự sống, sức mạnh thần linh.
Ôi! Xiết bao nhiệm mầu, Bàn Tiệc Thánh tình yêu,
dào dạt thương yêu,
hiện diện đơn sơ,
luôn mong chờ, được sưởi ấm cõi lòng hoang liêu.

Chúa vẫn cùng con nhịp bước vui hành trình,
chứng nhân tình yêu loan truyền Tin Mừng Sự Sống.
Phục vụ hy sinh cùng Ngài “bẻ bánh” hiệp thông,
Bánh thơm rượu nồng Bàn Tiệc Thánh giữa đời trung trinh.

M. Madalena Hoa Ngâu

Hy Lễ Cuộc Đời
Lễ Mình Máu Thánh Chúa – B

Đĩa thánh cuộc đời Chúa đã hiến trao,
trên ngọn đồi cao thân xác rã rời.
Hạt lúa mì trong trắng tinh khôi,
nát tan đi dâng tình hy lễ mới.

Chén thánh cuộc đời Chúa đã hiến dâng,
gánh tội trần gian, máu – nước tuôn tràn.
Rượu giao hòa thanh khiết nho tươi,
dâng tình yêu mang sự sống cho đời.

Ôi! Nhiệm mầu Thập Giá – Giao Ước Vượt Qua.
Ôi! Nhiệm mầu Thịt – Máu – Chiên Con hiến tế.
Xóa tội trần gian, mối tình hiệp thông,
sự sống tuôn tràn, tặng ban lương thực thần linh.

Đĩa thánh cuộc đời Chúa đã trao con,
giữa ngàn điêu linh dâng lễ ân tình.
Hạt lúa mì nên bánh yêu thương,
dẫu tai ương dâng niềm vui công chính.

Chén thánh cuộc đời Chúa đã thương trao,
sóng đời lao đao dâng lễ đời mình.
Rượu ân tình trao hiến tha nhân,
dâng mồ hôi mang hạnh phúc cho đời.

Nắng Sài Gòn

 

Thánh Thể – Tình Trao Ban
Lễ Mình Máu Thánh Chúa – B – (Mc14, 12-16. 22-26)
Đồi cao tiếng vọng gọi mời,
gọi người tri kỷ đáp lời dấn thân.

Tình tự hiến khiêm nhường sâu thẳm,
để con người chiêm ngắm dung nhan.
Bỏ trời ngự xuống trần gian,
chết cho nhân loại trao ban chính mình.

Thật gần gũi chân tình thanh khiết,
thật đơn sơ thắm thiết, sâu xa.
Chịu nghiền nát chịu tan ra,
nên nguồn lương thực bao la ơn lành.

Nên nguồn suối chữa lành tội lỗi,
Máu giao hòa kết nối hiệp thông.
Tình yêu liên kết cộng đồng,
trần gian giao kết tình nồng trời cao.

Tình vô biên ngọt ngào Thánh Thể,
cùng đồng hành nhân thế khắp nơi.
Đồi cao tiếng vọng gọi mời,
gọi người tri kỷ đáp lời dấn thân.

Nên tấm bánh, hiến dâng cuộc sống,
nên chứng nhân sống động yêu thương.
Hy lễ thánh giữa đời thường,
trao nhau hạnh phúc miên trường ngát hương.

Tấm Bánh nhỏ Chúa nêu gương,
giúp con trung tín bước đường trần gian.
Hồng ân thánh sủng tuôn tràn …

AP. Mặc Trầm Cung