Các bài suy niệm LỄ HIỆN XUỐNG – Năm B
Lời Chúa: Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23
MỤC LỤC
1. Hãy nhận lấy Thánh Thần – Huệ Minh 8
2. Luồng Gió Mới 13
3. Thánh Thần đổi mới lòng ta – Huệ Minh 19
4. Chúa Thánh Thần – Tôn sư nội tâm 24
5. Chúa Thánh Thần. 28
6. Ơn đổi mới 30
7. Suy Niệm của Lm. Anthony Trung Thành 32
8. Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành 37
9. Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành 41
10. Thực hiện nhiệm vụ hiệp nhất – ViKiNi 45
11. Xin đổi mới – ViKiNi 49
12. Lễ Hiện Xuống Mới – ViKiNi 53
13. Đổi mới 56
14. Chúa Thánh Thần. 58
15. Chúa Thánh Thần – canh tân cuộc sống 61
16. Ra đi-tha thứ – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt 64
17. Lễ Hiện Xuống mới 67
18. Khai sinh Giáo Hội truyền giáo – Thiên Phúc 70
19. Chứng nhân cho Chúa – Thiên Phúc 73
20. Ý nghĩa cuộc sống. 76
21. Bình an giữa chốn phong ba – Thiên Phúc 79
22. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 82
23. Anh em biết Người, vì Người luôn ở trong anh em 86
24. Thần Khí sự thật và sự thật toàn vẹn 90
25. Đấng Bao trợ – ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên 93
26. Tặng phẩm Chúa Thánh Thần 96
27. Thần Linh nối kết trời đất 99
28. Chúa Thánh Thần là Đấng bảo trợ Giáo Hội 102
29. Chúa Thánh Thần đến sửa sai 106
30. Xin hiệp nhất chúng con – Lm. Jos Tạ Duy Tuyền 108
31. Lễ Hiện Xuống 111
32. Sống hiệp thông với Chúa Thánh Thần 114
33. Năng lực Thánh Thần 118
34. Ngọn lửa Thánh Linh soi chiếu 121
35. Cuộc sáng tạo mới – Lm Ignatiô Trần Ngà 124
36. Chúa Thánh Thần. 127
37. Qùa tặng Thần khí – Peter Feldmeier 129
38. Ngũ Tuần – Lm. Giuse Trần Việt Hùng 133
39. Đâng phù trợ 138
40. Ơn Bảy Nguồn – Lm. Giuse Trần Việt Hùng 140
41. Nói được các thứ tiếng. 145
42. Hãy nhận lấy Thánh Thần. 148
43. Hãy nhận lấy Thánh Thần 151
44. Thánh Thần Thiên Chúa 156
45. Thánh Thần Thiên Chúa 160
46. Thánh Thần Tình Yêu. 164
47. Đấng thánh hoá 166
48. Người thổi hơi vào các ông. 169
49. Suy niệm của Lm. Trầm Phúc 172
50. Lửa Thánh Thần – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt 175
51. Đấng đổi mới – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt 178
52. Chúa Thánh Thần – Sự Sống mới 180
53. Đấng ban Sự Sống – ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt 184
54. Niềm vui bởi Chúa Thánh Thần – Achille Degeest. 187
55. Chúa và nguồn sinh khí. 189
56. Thánh Thần tác động – Lm Giuse Nguyễn Hữu An 193
57. Chân lý đòi hỏi rất nhiều – Achille Degeest. 200
58. Thần Khí đổi mới. 202
59. Hơi thở của Thiên Chúa. 206
60. Suy niệm của Lm. John Nguyễn Tươi 210
61. Ngọn gió. 214
62. Đổi mới 217
63. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 220
64. Vai trò của Thần Khí – McCarthy. 223
65. Bình an cho các con – R. Veritas 227
66. Đón nhận – Radio Veritas Asia 230
67. Bình an 232
68. Lãng quên 236
69. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 240
70. Tác động của Chúa Thánh Thần. 243
71. Đổi mới. 246
72. Mùa xuân của Thánh Thần. 250
73. Suy niệm của ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng 252
74. Suy niệm của ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm 257
75. Chúa và Nguồn Sinh Khí. 262
76. Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần 266
77. Quà tặng cho linh hồn – Arthur Tone. 268
78. “Anh em hãy nhận Thánh Thần” – Noel Quesson. 270
79. Đấng sáng tạo. 272
80. Thánh Thần trong đời sống 276
81. Thời kỳ ân điển của Thần Khí. 280
82. Suy niệm của Lm Đỗ Xuân Quế 285
83. Thần Khí. 290
84. Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 292
85. Sức mạnh. 295
86. Ngôn ngữ tình yêu. 299
87. Sức mạnh. 302
88. Cầu nguyện. 305
89. Yêu thương nhau. 307
90. Hiện hữu mới. 310
91. Nhờ Chúa Thánh Thần 313
92. Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 316
93. Suy niệm của Lm. Giuse M. Lê Quốc Thăng. 319
94. Sự thật trọn vẹn. 323
95. Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ – JKN 326
96. Ngôn ngữ toàn cầu 332
97. Ân huệ Chúa Thánh Thần – Lm. Nguyễn Hữu An. 339
98. Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An 343
99. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần 351
100. “Tôi đến đây để loan báo Tin Mừng” 356
101. Dưới tác động Thánh Thần. 363
102. Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến! 367
103. Sống trong Thần Khí – AM Trần Bình An 371
104. Suy niệm của Lm Nguyễn Minh Hùng. 376
105. Chúa Thánh Thần sức mạnh nâng đỡ đức tin 379
106. Suy niệm về Kinh Đức Chúa Thánh Thần 383
107. Ngày sinh nhật của Giáo Hội 385
108. Đức Chúa Thánh Thần, nguồn suối nước sự sống 390
109. Suy niệm của Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long 394
110. Lời kinh tạ ơn Đức Chúa Thánh Thần 401
111. Ngọn lửa Đức Chúa Thánh Thần 403
112. Ngôn ngữ của toàn cầu 408
113. Thần hứng – Lm Đam. Nguyễn Ngọc Long 411
114. Lột xác 415
115. Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống 418
116. Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 421
117. Gió-Lửa-Nước 426
118. Lửa Thiêng 432
119. Như một lần Thêm Sức 438
120. Đức Kitô thứ năm 443
121. Người trồng cây sồi – Lm Mark Link. 447
122. Nguồn Ơn Bảy Nguồn Tái Tạo Thế Giới 451
123. Nóng sốt, âm vang và dữ dội- Lm Vincent Travers 457
124. Chú giải và suy niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long 462
125. Sống tha thứ và hoà giải trong Chúa Thánh Linh 471
126. Vị thông ngôn quyền năng nhưng thầm lặng. 477
127. Suy niệm của Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn 482
128. Suy niệm của Lm Cao Tấn Tĩnh 485
129. Quyền năng tha tội – Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn 491
130. Ơn Chúa huấn luyện và thêm sức cho ta 496
131. Chú giải mục vụ của Alain Marchabour. 499
132. Chú giải của Noel Quesson. 501
133. Chú giải của Fiches Dominicales. 507
134. Chú giải của Fiches Dominicales 513
135. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt. 518
136. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt 524
137. Chú giải của William Barclay. 530
138. Lễ Hiện Xuống 532
139. Suy niệm của Lm. Jos. Vinc. Ngọc Biển 535
140. Chúa Thánh Thần – Đấng Tác Sinh mọi sự 539
141. Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý 543
142. Chúa Thánh Thần là Đấng tác sinh 549
143. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần 552
144. Hãy mở cửa ra! 556
145. Hoa trái Thánh Thần 561
146. Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 566
147. Hiệp nhất 570
148. Tái tạo 572
149. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống 575
150. Những lời trịnh trọng sau hết 580
151. Chúa Thánh Thần, Đấng thông ban mọi sự 583
152. Suy niệm của Lm Lâm Thái Sơn 587
153. Nguồn sống 591
154. Suy niệm của JKN 594
155. Hãy lên đường 599
156. Đấng an ủi và giáo huấn 602
157. Hiện diện 605
158. Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 609
159. Đâu là sức mạnh làm thay đổi? 621
160. Xin Ơn Hiệp Nhất 626
161. Thời đại Chúa Thánh Linh – AM. Trần Bình An 629
162. Sống trong Chúa Thánh Thần 634
163. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 637
164. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 640
165. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 643
166. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 647
167. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 649
168. Đấng ban bình an 651
169. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 655
170. Ơn làm nghĩa tử – Lm. Vũ Đình Tường 658
171. Chung hình ảnh – Lm Vũ Đình Tường 661
172. Vô hình vô dạng – Lm Vũ Đình Tường 663
173. Việc làm – Lm. Vũ Đình Tường 666
174. Suy niệm của Anmai, CSsR 668
175. Mở lòng đón nhận Ơn Thần Khí – Anmai, CSsR 675
176. Cuộc đổi mới kỳ diệu – Jos. Hồng Ân 680
177. Suy niệm của Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng 683
178. Suy niệm của Lm. Phêrô Nguyễn Hương 686
179. “Thánh Thần khấn xin ngự đến…” 690
180. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 695
181. Suy niệm của Lm. Nguyễn Hữu Thy 698
182. Thánh Thần và ác thần 703
183. Canh tân thế giới 706
184. Sứ mạng truyền giáo – Lm. Minh Vận, CRM 711
185. Chúa Thánh Thần hiện diện 716
186. Sức mạnh Chúa Thánh Thần 720
187. Lễ Hiện Xuống 723
188. Thánh Thần – Nguồn hiệp nhất 726
189. Veni Creator, Spiritus 729
190. Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ 735
191. Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ 739
192. Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến 743
193. Chúa Thánh Thần, Đấng Tác Sinh 747
194. Tất cả được tràn đầy Thánh Thần 751
195. Những người rao giảng Tin Mừng đầy Thánh Thần 755
196. Việc làm cản trở Ơn Chúa Thánh Thần 759
197. Suy niệm của Lm. Trần Bình Trọng 762
198. Thánh Thần, khấn xin hiệp nhất chúng con 765
1. Hãy nhận lấy Thánh Thần – Huệ Minh
Lễ Hiện Xuống chính là ngày lễ 50 của Cựu Ước. Đó là cao điểm kết thúc cho mùa mừng lễ Vượt Qua, ngoài ra đó còn là ngày lễ tạ ơn vì Chúa đã cho mùa màng tốt tươi, cũng như để kỷ hiệm ngày Chúa công bố lề luật qua Môsê trên đỉnh núi Sinai. Lễ Hiện Xuống, Thánh Thần được ban cho các môn đệ để hướng dẫn, để đồng hành với các môn đệ sau khi Chúa Giêsu lên Trời.
Ngày xưa Chúa Thánh Thần bay lượn trên nước và đã biến cái đám hỗn mang thành một vũ trụ có trật tự thế nào, thì bây giờ Ngài cũng bay lượn, cũng hiện diện trong tâm hồn để biến con người tội lỗi, vô trật tự của chúng ta thành một Kytô hữu đích thực, Ngài sẽ cởi bỏ con người cũ của chúng ta, biến chúng ta trở nên một tạo vật mới, một con người mới.
Chắc hẳn bề ngoài chúng ta vẫn như trước vẫn giống với mọi người, có đầu, có mắt, có trái tim, nhưng cách thức chúng ta nhìn ngắm, cách thức chúng ta suy nghĩ, cách thức chúng ta yêu mến thì lại hoàn toàn thay đổi, như lời tiên tri Êgiêkiel đã diễn tả: Ta sẽ rảy nước tinh tuyền trên các ngươi và các ngươi sẽ được trong sạch. Ta sẽ cất khỏi các ngươi trái tim bằng đá, nhưng sẽ ban cho các ngươi một trái tim bằng thịt. Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới và một thần khí mới.
Trước khi về trời Chúa Giêsu đã hứa không để cho chúng ta phải mồ côi, Người sẽ gởi đến cho chúng ta một Đấng an ủi, để nhắc lại những điều Người đã giảng dạy. Ngày hôm nay, Chúa Thánh Thần vẫn còn hoạt động trong Giáo Hội cũng như trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ tưởng đến Ngài, và chúng ta có thể gặp gỡ Ngài ở khắp mọi nơi. Ngài ngự trị trong tâm hồn chúng ta kể từ ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, để biến tâm hồn và thể xác chúng ta thành đền thờ cho Thiên Chúa, như lời thánh tông đồ đã khuyên nhủ: Anh em không nhớ rằng thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần hay sao.
Hãy mang lấy Thiên Chúa và hãy tôn vinh Người trong thân xác anh em. Chúng ta sẽ dễ dàng trở nên thánh thiện, nếu chúng ta luôn ý thức rằng Chúa Thánh Thần đang ngự trị trong chúng ta. Còn đối với Giáo Hội, Chúa Thánh Thần luôn thánh hoá và hoạt động bằng các bí tích. Chúa Giêsu đã về trời và trở nên vị trung gian bầu cử cho chúng ta trước toà Đức Chúa Cha.
Chúa Thánh Thần chính là linh hồn của Giáo Hội. Và như chúng ta đã biết Giáo Hội là nhiệm thể của Đức Kitô. Thân xác muốn sống thì phải có linh hồn. Vai trò của linh hồn thật là quan trọng, nó là nguyên lý của sự sống, nếu linh hồn lìa khỏi thì thân xác sẽ phải chết. Cũng vậy Chúa Thánh Thần là linh hồn của nhiệm thể Giáo Hội, chính Ngài trao ban và bảo tồn đời sống ơn sủng trong chúng ta. Nhờ Ngài mà chúng ta có thể cầu nguyện và làm được những việc tốt lành.
Khi ban Thánh Thần trên các môn đệ, Đức Giêsu đã thổi hơi vào các ông và bảo: “Hãy nhận lấy Thánh Thần”. Thánh Thần chính là làn hơi của Thiên Chúa, Ngài như là gió. Người ta không thấy gió, người ta không biết gió bắt nguồn từ đâu và đến đâu thì dừng lại. Cho dù các nhà khí tượng học có bao trước được các trận bão, ta vẫn có cảm tưởng mình bị một sức mạnh vừa huyền bí vừa mạnh mẽ bao trùm. Gió thổi và gây tiếng động. Gió bẻ gãy và nhổ bật lên. Gió tàn phá, nhưng cũng làm cho đất đai ra phì nhiêu. Có khi gió quạt mát, có lúc gió thiêu đốt. Về làn gió Thánh Thần cũng thế. Ngài mạnh mẽ, Ngài len lỏi vào mọi sự. Nếu chúng ta mở lòng ra với Ngài, Ngài sẽ bẻ gãy, Ngài nhổ tung và phá hủy tất cả những gì chống lại tình yêu Thiên Chúa; Ngài cũng làm cho các con tim nên dồi dào phong phú. Ngài liên tục làm việc trong lòng chúng ta, như thánh Phaolô đã nói: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà liên tục kêu lên: “Abba, Cha ơi!” (Gl 4,6).
Bởi phép Chúa Thánh Thần, Lời của Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể, Ước gì các tín hữu Kitô cũng biết để cho Chúa Thánh Thần tràn ngập tâm hồn mình, để nhờ Lời của tình yêu Thiên Chúa cũng trở thành xương thịt nơi họ và cuộc sống của họ cũng trở thành ngôn ngữ của cảm thông, của yêu thương, của gặp gỡ và của hiệp nhất nên một vơí nhau trong tư tưởng và trong hành động.
Thánh Thần tác động trong Cộng Đoàn Hội Thánh: Sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại như sau: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi. Bỗng từ trời phát ra một tiếng động như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần , họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-4).
Thánh Thần biến đổi các Mục Tử của Hội Thánh: Thời sơ khai, Thánh Thần đã tác động để biến đổi các Tông đồ (x. 1 Cr 12,4-11): Từ tình trạng nhút nhát sợ hãi trở nên can đảm và công khai làm chứng cho Chúa Giê-su trước mặt đám đông (x. Cv 2,14-36); Từ tình trạng kém hiểu biết Lời Chúa, trở nên khôn ngoan, hiểu rõ mọi điều Chúa đã truyền dạy trước đó (x. Ga 16,12-13); Từ tình trạng buồn chán thất vọng và muốn thoái lui, trở nên nhiệt thành yêu mến Chúa, tràn đầy niềm vui hy vọng (x. Lc 24,32-35). Nhờ Thánh Thần mà các Tông đồ đã đón nhận nhiều tín hữu bày tỏ lòng sám hối và xin chịu phép Rửa gia nhập Hội Thánh (x. Cv 2,41).
Thánh Thần liên kết muôn người nên một: Lúc đó tại Giêrusalem, có những người Do Thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các Tông đồ nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Galilê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?” (Cv 2, 5-8). Đã có 15 dân tộc nghe các Tông đồ rao giảng. Trái với nhân loại thời Tổ phụ Nôe, do kiêu ngạo muốn thách thức Thiên Chúa đã hè nhau xây tháp Ba-ben, và đã chia rẽ thành nhiều dân tộc nói các thứ tiếng khác nhau (x St 11,1-9), thì hôm nay chính Thánh Thần đã hiệp nhất các dân tộc để cùng tuyên xưng một đức tin.
Thánh Thần soi lòng mở trí giúp lương dân đón nhận chân lý: Sau bài giảng đầu tiên của Tông đồ Phêrô, nhờ ơn Thánh Thần tác động nên đã có tới ba ngàn người đang ở tại Giêrusalem tin theo Chúa Giê-su và đã chịu phép rửa gia nhập vào Hội Thánh (Cv 2,41). Những tín hữu này đã họp thành cộng đoàn Hội Thánh Sơ Khai.
Thánh Thần thúc đẩy sự hiệp nhất trong Hội Thánh Sơ Khai: Cũng nhờ ơn Thánh Thần mà Cộng đoàn tín hữu đầu tiên ở Giêrusalem đã luôn sống hiệp nhất với nhau, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng. Nhờ sự hiệp thông này mà số người xin gia nhập Hội thánh ngày một gia tăng (x. Cv 2,42-47).
Với lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta đã kết thúc 50 ngày mùa Phục Sinh. Từ giây phút này trở đi, chúng ta sẽ làm chứng, như trong các bản văn Tân Ước, về đời sống mà Chúa Thánh Thần mang lại cho Giáo Hội. Chúng ta gọi hôm nay là “sinh nhật của Giáo Hội”. Rõ ràng chính thái độ mâu thuẫn của các Tông Đồ trong suốt hành trình sứ vụ của Đức Giêsu và sự phân tán khi Người bị bắt và bị giết chết, cho thấy rằng nếu không có sự can thiệp của Thiên Chúa, thì đã không có một Giáo Hội đi loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô – đó là tầm quan trọng và sự cần thiết của Lễ Hiện Xuống.
Lễ Hiện xuống không chỉ là ngày khai sinh Giáo hội, mà Lễ Hiện Xuống vẫn còn tiếp diễn, nghĩa là Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động trong Giáo Hội. Người ta gọi Công đồng Vatican II là một Lễ Hiện Xuống mới, một luồng gió mới đã thổi vào Giáo Hội để canh tân cho thích hợp với độ chóng mặt của thế giới ngày nay.
Thánh Thần đang thực hiện một sự thống nhất mới cho nhân loại, hay nói đúng hơn một nhân loại mới trong đó người người có thể hiểu nhau, cảm thông với nhau đang được khai sinh, một nhân loại mới trong đó mọi người đã có thể hiểu nhau và cảm thông vơi nhau trong cùng một ngôn ngữ mà chính Thiên Chúa đã ban cho con người và ngôn ngữ mới ấy chính là Chúa Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa ngỏ với con người. Chính nhờ Thánh Thần mà Thiên Chúa đã ngỏ với con người, đã trở thành con người.
2. Luồng Gió Mới
(Suy niệm của Huệ Minh)
Có quá nhiều dấu ấn trong Giáo Hội Công Giáo, nhưng có lẽ dấu ấn Công đồng Vaticano II để lại trong lòng người tín hữu không những sự đổi mới của các nghị sự, của quyết định của công đồng nhưng có lẽ ấn tượng nhất là người quyết định khai mở công đồng.
Chắc có lẽ mọi người không thể quên vị Giáo Hoàng có sáng kiến mở công đồng Vaticano II. Bình thường cũng đã nhớ khi một vị Giáo Hoàng khai mở công đồng nhưng đặc biệt ở vị Giáo Hoàng khai mở công đồng này khi Ngài đã luống tuổi. Nhiều người không chỉ nhận định mà tin rằng đây chính là luồng gió mới mà Thánh Thần thổi vào Giáo Hội.
Nhờ Luồng Gió mới, nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã triệu tập Công đồng vào ngày 11 tháng 10 năm 1962. Công đồng này được Chân Phước Giáo hoàng Phaolô VI kết thúc ngày 8 tháng 12 năm 1965.
Nhìn lại một chút lịch sử, ta thấy suốt những năm 1950, những người Công giáo nghiên cứu về thần học và Kinh Thánh bắt đầu quay khỏi chủ nghĩa tân kinh viện và kiểu giải thích Kinh Thánh theo nghĩa đen. Giáo hội đã áp dụng cách hiểu này từ Công đồng Vatican I để trả lời dị giáo đổi mới. Có thể nhận thấy thay đổi này đối với các nhà thần học như Karl Rahner S.J., và John Courtney Murray S.J., họ cố gắng giải thích kinh nghiệm con người hiện đại để hợp với những điều giáo lý Kitô giáo; những người như là Yves Congar, Joseph Ratzinger (tức là Giáo hoàng Biển Đức XVI), và Henri de Lubac tìm hiểu về Kinh Thánh và Giáo hội một cách được cho là chính xác hơn, dùng nó là nguồn phục hồi.
Cùng lúc đó, các Giám mục trên thế giới có nhiều vấn đề khó khăn trước mặt do thay đổi chính trị, xã hội, kinh tế, và công nghệ. Trong số đó có Giám mục muốn tìm cách mới để giải quyết các vấn đề này. Công đồng Vatican I đã được tổ chức gần 100 năm về trước nhưng bị cắt ngắn khi Quân đội Ý vào thành phố Rôma vào cuối thời kỳ Thống nhất nước Ý. Vì thế, công đồng chỉ có thì giờ tranh luận về vai trò của chức Giáo hoàng, còn các vấn đề mục sư và giáo lý mà có thể ảnh hưởng đến cả Giáo hội chưa được giải quyết.
Và như vậy, rất nhiều người nghĩ rằng Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII sẽ là một Giáo Hoàng thích yên ổn vì khi đó tuổi đã cao. Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII được bầu lên ngày 28-10-1958, một cụ già đã 77 tuổi lại có thể làm nên một mùa xuân cho giáo hội. Có thể nói, chính tương quan của giáo hội và thế giới lúc đó đã tạo ra bầu khí ngột ngạt hối thúc vị Giáo hoàng già nua phải làm một cái gì đó như Ngài nói: “ít nhất phải mở toang cánh cửa ra để thoáng khí hơn”.
Nhờ ơn Chúa thúc đẩy, Ngài công bố mục đích triệu tập Công đồng ngày 25 tháng 1 năm 1959, chưa ba tháng sau khi được bầu tháng 10 năm 1958. Trong khi Ngài tỏ ý kiến đầy đủ về công đồng trong nhiều bức thư vào giai đoạn ba năm, một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất là khi Giáo Hoàng trả lời câu hỏi tại sao cần triệu tập một công đồng.
Rất đơn giản, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII mở cửa sổ và nói “Hãy mở những cánh cửa sổ ra. Hãy tìm hiểu nhìn xem những dấu chỉ thời đại. Hãy lắng nghe con người và tìm hiểu những suy nghĩ thắc mắc của họ”.
Thật sự, không chỉ phải ở Công Đồng Vaticano II mới có sự hiện diện của Thánh Thần nhưng Thánh Thần đã có, đang có và vẫn có, vẫn hiện diện, vẫn sống với Giáo Hội. Thánh Thần chính là Đấng làm mới, làm tươi mới lại khuôn mặt cứng tin, khuôn mặt cằn cỗi của con người trước một Thiên Chúa quyền năng.
Quá nhiều lần con người cố thủ trong cái nhìn nhỏ hẹp của mình để rồi quên lãng đi sự hiện diện rất quan trọng của Ngôi Ba Thiên Chúa. Ngôi Ba Thiên Chúa đóng vai trò rất quan trọng trong công trình sáng tạo, trong công trình cứu độ của con người.
Ta còn nhớ trong sách Sáng Thế, Thần Khí Thiên Chúa bay là là trên mặt nước: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Chúa bay lượn trên mặt nước.” (St 1,1-2)
Và ta thấy Thánh Thần trong mầu nhiệm tạo dựng con người. Thánh Thần là Đấng ban sự sống thể lý cho con người: “Chính hơi thở của Thiên Chúa đã làm ra tôi, khí Shadday đã cho tôi sự sống” (G 33, 4). Chính Thánh Thần phục sinh kẻ chết về thể lý cũng như tinh thần. Người phục hồi sự sống cho những bộ xương khô, biểu tượng của sự chết: “Ta sẽ ban Thần Khí của Ta xuống trong các ngươi. Và các ngươi sẽ được sống” (Ed 37, l4). Và Thánh Thần, Đấng bảo tồn toàn thể sự sống trên trái đất. Khi Giavê Thiên Chúa rút hơi thở Người lại, thì không tạo vật nào còn sống: “Nếu Người chỉ nghĩ đến Người, nếu Người rút về làn khí hơi thở của Người, thì mọi xác phàm sẽ chết cùng một lúc, và con người sẽ trở về với cát bụi” (G 34, 14-15).
Không chỉ hiện diện nhưng Thánh Thần đã làm cho con người không chỉ sống nhưng hơn nữa là khi có ơn Thánh Thần thì người nhận ơn Thánh Thần sẽ khôn ngoan, sức mạnh … như các trang Thánh Kinh ghi lại.
Ơn khôn ngoan cho những người lãnh đạo.
Thánh Thần được Thiên Chúa ban cho những người được Ngài đặt lên để cai trị Dân của Ngài.
Trường hợp Môsê với 70 trưởng lão (Ds 11, 16-17. 25-26).
Trường hợp Giôsua được Thiên Chúa chọn kế vị Môsê (Ds 27, 28-33).
“Giôsua con của Nun, đã được đầy Thần Khí Khôn Ngoan, vì Môsê đã đặt tay trên ông” (Đnl 34, 9).
Việc xức dầu cho các vua là dấu hiệu sự hiện diện của Thánh Thần trong việc cai trị của họ: “Samuel cầm lấy sừng dầu mà xức dầu cho cậu giữa các anh và Thần Khí đã đáp xuống trên Đavít từ ngày ấy về sau” (1Sm 16, 13).
Sức mạnh và lòng can đảm cho một số trường hợp đặc biệt.
Trong thời kỳ các Quan Aùn là một trong những thời kỳ đen tối nhất của dân Israel, Thánh Thần đã được phú ban cho các vị, nhờ đó các vị có một sức mạnh hay uy quyền đặc biệt: “Thần Khí Thiên Chúa đến trên ông (Otniel) và ông đã làm thẩm phán trên Isrel. Oâng đã xuất chinh và Giavê đã phó nộp Cushan-Rishơataim, vua Aram trong tay ông…” (Tl 3, 10).
“Thần Khí Giavê xuống phủ trùm người Ghêđêôn, và ông thổi tù và” (Tl 6, 34).
“Thần Khí Chúa đến trên Giéptê và ông đã qua Galaađ và Manassê” (Tl 11, 29).
“Thần Khí Giavê xuống trên ông (Samson) và ông đã xé mảnh con sư tử như thể người ta xé mảnh con dê … Bấy giờ Thần Khí giáng xuống trên ông, và ông đã xuống Asqalon và giết 30 người … Khi ông đến gần Lêkhi, Thần Khí Giavê giáng xuống trên ông: các chão trên tay ông đã ra ngay như sợi dây gai cháy xèo trong lửa …” (Tl 14, 6. 19 ; 15, 14).
Hiểu biết và sáng kiến trong khoa học và nghệ thuật.
Hai người thợ (Bơxalêel và Oholiab) đã nhận được ơn thông minh và tài khéo để thực hiện “Trướng Tao Phùng”:
“Người đã ban cho nó (Bơxalêel) đầy Thần Khí Thiên Chúa về khôn ngoan, minh mẫn, hiểu biết và bách nghệ … Người đã ban cho chúng đầy tài khôn khéo…” (Xh 35, 30-35).
Việc xây dựng đền thờ cũng do Thần Khí hướng dẫn Đavít vẽ mẫu và trao lại cho Salômon: “Bấy giờ Đavít trao cho Salômon con ông, mẫu của tiền đường và mẫu của chính điện… ; và mẫu của tất cả những gì ông đã được Thần Khí hứng cho về các Tiền đình của Nhà Giavê và các phòng xung quanh” (1Sbn 28, 11-12).
Tóm lại, mọi thành phần Dân Chúa Trong Cựu Ước đều tin tưởng cách đơn sơ và thực tế vào hoạt động của Thánh Thần của Thiên Chúa trong đời sống cũng như lịch sử.
Đặc biệt nhất, có lẽ chúng ta thấy Thánh Thần luôn đồng hành cùng với Chúa Giêsu từ khi nhập thể cho đến khi Chúa Giêsu rời thế gian mà về với Cha. Trước khi tắt thở, Chúa Giêsu đã trút hơi thở và phó thác cho Thần Khí. Thần Khí, Thánh Thần mà Chúa Giêsu trao phó cũng chính là Thánh Thần mà Chúa Giêsu hứa ban cho các môn đệ khi Chúa Giêsu về Trời: Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. (Ga 14, 16.17).
Thánh Thần vẫn hiện diện, vẫn hoạt động trong Giáo Hội, trong mỗi người. Thế nhưng, đáng tiếc thay ngày hôm nay người ta chạy theo lợi ích cá nhân, chạy theo cái tôi của mình để rồi dập tắt đi Thần Khí mà Thiên Chúa ban cho mỗi người, Thiên Chúa ban cho Giáo Hội.
Còn đó sự giằng co giữa Thần Khí và xác thịt, Thánh Thần và con người.
Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để chúng ta khơi lên Thần Khí mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta vào ngày chúng ta lãnh bí tích Thanh Tẩy và Thêm Sức. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chắc chắn chúng ta sẽ được sống và được sống dồi dào cũng như có những ơn cần thiết để sống giữa cuộc đời tạm bợ này.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ra để cho Luồng Gió mới chính là Thần Khí thổi trong con người chúng ta, đổi mới con người chúng ta.
3. Thánh Thần đổi mới lòng ta – Huệ Minh
Cao điểm kết thúc cho mùa mừng lễ Vượt Qua là ngày lễ tạ ơn vì Thiên Chúa đã cho mùa màng tốt tươi. Mừng ngày này cũng để kỷ hiệm ngày Chúa công bố lề luật qua Môsê trên đỉnh núi Sinai. Trở về với Cựu Ước, ta thấy Lễ hiện xuống chính là ngày lễ 50 của Cựu Ước.
Hôm nay, cử hành Lễ Hiện Xuống là ta cũng cử hành cao điểm kết thúc cho mầu nhiệm Phục sinh. Hẳn ta còn nhớ ngày Lễ Hiển Linh đối với ngày Giáng Sinh thế nào thì ngày lễ Hiện Xuống cũng vậy đối với lễ Phục Sinh như vậy.
Trở về với Cựu Ước, ta thấy vài hình ảnh thật mù mờ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Khi Đức Kitô, người Con duy nhất của Thiên Chúa đến và mạc khải, chúng ta mới thấy được cái đặc tính cốt yếu của Thiên Chúa đó là một Thiên Chúa của tình yêu.
Chúa Thánh Thần mà ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính là Ngôi Ba Thiên Chúa cũng là Đấng ban sự sống. Chúa Thánh Thần là kết quả của tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Ngài cũng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, Ngài đã dùng các tiên tri mà phán dạy.
Thiên Chúa Cha đã tỏ lộ tình yêu của Ngài cho chúng qua chính người con duy nhất của Ngài là Chúa Con. Thánh Gioan đã xác quyết: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài, để những ai tin nơi Con Một Ngài thì sẽ có sự sống vĩnh cửu. Ngay từ thuở đời đời, Chúa Cha đã sinh ra Chúa Con và sợi dây liên kệ thắm thiết và đầy yêu thương ấy chính là Chúa Thánh Thần.
Qua thật, Chúa Thánh Thần chính là sợi dây yêu thương nối kết Chúa Cha và Chúa Con, chi phối nhịp điệu của đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng như toả lan cho tất cả chúng ta. Như thế, qua Chúa Thánh Thần chúng ta hiểu được bản chất tình yêu của Thiên Chúa. Đồng thời Chúa Thánh Thần cũng đã trực tiếp cộng tác vào công trình cứu độ, một công trình của tình thương yêu mà Thiên Chúa đã ươm mơ từ muôn thuở trước.
Đức Kitô vâng theo thánh ý của Chúa Cha và với sự cộng tác của Chúa Thánh Thần đã chết đi để đem lại sự sống cho trần gian. Kể từ khi được diễm phúc làm con cái Thiên Chúa, chúng ta đã được Ngài yêu thương như lời thánh Phaolô đã xác quyết: Nhờ Chúa Thánh Thần mà tình yêu Thiên Chúa được toả lan trong tâm hồn chúng ta. Chính vì lẽ đó, tất cả những tình yêu trong lành nhất của chúng ta đều là một tia sáng, một phản ánh trung thực cho tình yêu của Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa là tình yêu và chúng ta chỉ có thể yêu thương một cách đúng nghĩa khi liên kết với Ngài.
Qua bài trích sách Công Vụ Tông Đồ, ta lại thấy Đức Chúa Thánh Thần là Đấng đổi mới.
Ngài đã đổi mới lòng trí các Tông đồ. Các Tông đồ là những người làm nghề chài lưới, ít học hay còn nữa là quê mùa.
Ròng rã 3 năm dài ở bên cạnh Chúa Giêsu, các ngài đã được Chúa dạy rất nhiều điều nhưng rồi các ngài không hiểu. Thế nhưng, có điều lạ là sau khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, trí hiểu của các ngài như được mở ra. Không những các ngài hiểu biết về Chúa, hiểu biết giáo lý của Chúa, mà còn có thể đi giảng dạy cho người khác nữa. Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Ngài đã biến những con người thất học nên hiểu biết. Ngài đã đổi những tâm trí u mê thành sáng suốt.
Thánh Thần là Đấng tiếp tục công trình của Đức Giêsu trong thế giới và Giáo Hội. Ngài luôn luôn thúc đẩy sự đổi mới trong Giáo Hội, để Giáo Hội ảnh hưởng tốt đến thế giới. Nhưng để được làm điều ấy, Thánh Thần luôn luôn phải hoạt động trong mỗi cá nhân. Cá nhân có thay đổi thì Giáo Hội mới thay đổi, cá nhân có nên thánh thì Giáo Hội mới thánh thiện. Tất cả mọi đều bắt đầu từ những cá nhân, và lan truyền từ cá nhân này sang cá nhân khác.
Kế hoạch của Thiên Chúa để xây dựng Nước Trời là chiến lược “men trong bột” (Mt 13, 33), “muối ướp đời” (Mt 5, 13) hay “đèn sáng cho trần gian” (Mt 5, 14).
Men là một chất có hoạt tính, có khả năng biến đổi chất bột tiếp xúc với mình trở nên giống như mình. Mất hoạt tính này, men không còn là men nữa, nó trở thành một thứ bột vô dụng. Muối hay đèn cũng có hoạt tính tương tự. Một hình ảnh khác là lửa, nhưng lửa có tác dụng lan truyền mạnh mẽ và nhanh chóng. Chính vì thế, Thánh Thần khi hiện xuống trên các tông đồ đã lấy hình lưỡi lửa làm biểu trưng cho mình.
Ngài đã đổi mới tâm trí các Tông đồ. Các Tông đồ sống trong sợ hãi từ khi Chúa Giêsu bị bắt và bị kết án. Các ngài đã trốn chạy và có ngài còn chối Chúa. Các ngài đã ẩn nấp trong nhà đóng kín cửa vì sợ người Do Thái. Thế nhưng từ khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, con người các ngài hoàn toàn thay đổi. Các ngài mở tung cửa ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người.
Dẫu rằng mạng sống bị đe doạ nhưng các ngài vẫn không sợ. Bị đánh đòn, các ngài vẫn kiên cường. Không gì có thể ngăn cản các ngài rao giảng, làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh. Sau cùng tất cả các ngài đã chịu đổ máu, hiến mạng sống mình để làm chứng cho Chúa, ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Ngài đã biến những con người yếu đuối nên vững mạnh. Ngài đã biến những con người nhút nhát nên can đảm.
Chúa Thánh Thần đã đổi mới con tim các Tông đồ. Trước kia các ngài còn mang nặng những ước mơ trần tục. Theo Chúa để mong được chức trọng quyền cao. Mong được ngồi bên tả bên hữu Chúa. Tranh dành nhau chỗ cao chỗ thấp. Có thể nói, trước kia các ngài theo Chúa vì bản thân, vì chính các ngài. Các ngài chưa yêu mến Chúa bằng yêu mến bản thân. Nhưng từ khi được ơn Chúa Thánh Thần, trái tim của các ngài đã hoàn toàn thay đổi. Từ nay các ngài dành trọn trái tim cho Chúa, yêu mến đến sẵn sàng chịu mọi đau khổ, và nhất là sẵn sàng chết vì Chúa. Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Đã biến đổi những trái tim chai đá thành những tái tim bằng thịt. Đã biến đổi những trái tim ích kỷ thành trái tim yêu thương.
Khi nói về Chúa Thánh Thần, ta thường nghĩ đến bảy ơn Người ban qua bí tích Thêm Sức. Ta như người lãnh nhận một cách thụ động. Và những ơn Người ban chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống ta. Đó thực là một quan niệm sai lầm tai hại. Thực ra, Đức Chúa Thánh Thần là nguồn sự sống mãnh liệt, là sự trẻ trung của Giáo Hội, là năng lực đổi mới thế giới. Hãy đọc lại bài đọc I, ta sẽ thấy sức mạnh đổi mới của Người mãnh liệt như thế nào. Người như luồng gió cường tráng. Người như ngọn lửa bừng bừng. Luồng gió và ngọn lửa ấy đã khơi dậy nguồn năng lực tiềm ẩn nơi những bác thuyền chài thất học, biến họ thành những con người thay đổi thế giới. Nhận lãnh ơn Đức Chúa Thánh Thần là nhận lãnh sứ mạng hành động.
Trong ngày lễ Hiện Xuống, Giáo Hội mừng kính Chúa Thánh Thần, Giáo Hội mừng kính tình yêu của Thiên Chúa, được tượng trưng qua hình lưỡi lửa trên đầu các tông đồ. Giáo Hội cũng muốn chúng ta thành khẩn kêu xin: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin hãy ngập tràn tâm hồn các tín hữu Chúa và xin thắp lên trong chúng con ngọn lửa tình yêu Chúa. Ngài không phải là một vị Thiên Chúa vô danh và bị quên lãng. Trái lại Ngài luôn ở giữa chúng ta và hoạt động.
Hàng năm, Giáo Hội cử hành Lễ Hiện xuống không phải là để nhớ một ký ức, nhớ một kỷ niệm trống rỗng nhưng để nhắc nhớ ta rằng đây là một ngày lễ đổi mới chúng ta trong quyền năng và hoạt động của Thánh Thần. Và rồi, lòng ta có mở ra để đón nhận Ngài hay không? Những gì Chúa Thánh Thần đã làm nơi các tông đồ xưa kia, bây giờ Ngài cũng thực hiện nơi chúng ta.
Chúa Thánh Thần đem lại đức tin và tình yêu. Chính đức tin và tình yêu sẽ tạo nên nơi chúng ta một cái nhìn mới.
Ước gì mỗi người chúng ta hãy cộng tác với Ngài bằng cách thắp lên một ngọn lửa yêu thương, bởi vì chỉ có tình yêu mới có thể làm tiêu tan thù hận, thất vọng và tăm tối.
4. Chúa Thánh Thần – Tôn sư nội tâm
(Suy niệm của Dã Quỳ)
Trong chương trình tình yêu kỳ diệu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, Chúa Cha đã yêu thương đến nỗi ban chính Con Một là Chúa Giêsu đến ở cùng và cứu độ chúng ta. Sứ vụ của Chúa Giêsu kết thúc nhưng Người yêu thương các môn đệ và Giáo hội đến cùng. Thế nên Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần được sai đến để tiếp nối sứ vụ huấn luyện các môn đệ. Người sẽ dạy dỗ, hướng dẫn, làm cho các môn đệ và tất cả chúng ta nhớ, hiểu, làm những gì Chúa Giêsu đã nói.
Sau biến cố Tử Nạn của Chúa Giêsu, các môn đệ quá sợ hãi! Sợ nên mới đóng kín cửa. Cái sợ tột cùng nhất là sợ mất mạng sống. Biết rõ tâm trạng của môn đệ, sau khi sống lại Chúa đã đến với họ. Chúa không chỉ trấn an mà còn ban cho họ chính bình an của Chúa. Tâm hồn có bình an thì sợ hãi sẽ rời xa. Khi các môn đệ đã tin, nhận ra Chúa thực sự sống lại và được bình an; Chúa tiếp tục trao ban Thánh Thần của Chúa cho môn sinh và sai các ông ra đi tiếp nối sứ mạng của Người nơi trần gian.
Chính Chúa Giêsu đã sai Chúa Thánh Thần đến với các môn đệ “nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.” (Ga 16,7c) Thánh Gioan mô tả Chúa thổi hơi vào các môn đệ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20, 22) Vậy từ nay, Chúa Thánh Thần có một sứ vụ đặc biệt trong Giáo Hội, trong mỗi tâm hồn người môn đệ và Kitô hữu.
+ Chúa Thánh Thần là Đấng gợi hứng và hành động. Người hướng dẫn chúng ta cách rõ ràng, mạc khải cho chúng ta biết ý muốn của Thiên Chúa và tất cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa, vì Người là Thần Trí của Thiên Chúa và phát xuất từ Chúa Cha (x. Ga 15,26)
Chính vì thế, khi nói về Thiên Chúa hay Lời của Người, chúng ta không dùng lời lẽ từ trí khôn của mình nhưng là lời do Thánh Thần Chúa soi sáng linh hứng và là những gì ta đã học được từ Chúa.( x. 1Cr 2, 10-16) Thế nên, Thánh Phaolô đã nhắc nhở tín hữu hãy nhớ “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Chúa ngự trong anh em sao?”( 1Cr 3,16-17). Một khi xác tín chúng ta là Đền Thờ và Chúa Thánh Thần luôn ngự trị, là tôn sư hướng dẫn, chúng ta sẽ tín thác vào Chúa và lắng nghe Người chỉ dạy.
Ma quỉ làm chúng ta bối rối, lo lắng và đưa ta đến thất vọng. Còn Chúa Thánh Thần, Người sẽ hướng dẫn ta cách thực hiện thánh ý Thiên Chúa, biết hy sinh. Người khiển trách ta cách nghiêm nghị nhưng luôn nâng đỡ ta trong dịu êm như người cha, như thầy thuốc. Những tư tưởng tốt lành trong ta đều đến từ Chúa Thánh Thần. Người gợi hứng, chỉ dạy chúng ta mọi điều như lời Chúa Giêsu dặn “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều.”( Ga 14,26)
Khi ta biết bàn hỏi với Chúa Thánh Thần trong những công việc, những quyết định, ta sẽ nhận được ơn bình an và tinh thần sáng suốt. Chính vì thế, Thánh Phaolô đã dặn dò mỗi Kitô hữu chúng ta hãy sống theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và khi ấy ta sẽ được tràn đầy hoa trái của Người là: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ.” (Gl 5,22) Vậy ta hãy năng trò chuyện với Chúa Thánh Thần và lắng nghe Người.
+ Chúa Thánh Thần là Đấng dạy chúng ta yêu và cầu nguyện. Chúa Thánh Thần luôn ở giữa chúng ta và ở trong chúng ta. (x. Ga 14,17) Người dạy chúng ta biết yêu mến Thiên Chúa, yêu thương nhau và chúng ta yêu bằng tình yêu của chính Người ở trong tim ta. Người biến đổi con tim của chúng ta. Mọi sự thánh thiện, mọi nhân đức và mọi hành động tốt lành của ta đều do Người hình thành và hoàn thiện vì Người là Thánh Thần thánh hóa.
Người còn dạy chúng ta biết cầu nguyện, tôn vinh chúc tung Thiên Chúa thế nào cho phải vì lời lẽ của ta không xứng hợp và chính Người cầu thay nguyện giúp cho ta. (x. Rm 8,26-27) Hơn thế nữa, người biển đổi chúng ta thành con của Thiên Chúa, chứng thực chúng ta có quyền gọi Thiên Chúa là Cha và được quyền đồng thừa kế với Chúa Kitô. (x. Rm 8,15-17)
+ Chúa Thánh Thần là Đấng đào luyện. Người huấn luyện, làm cho chúng ta trở nên những Kitô hữu và là chứng nhân của Chúa Kitô “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20, 21-22) Khi có Chúa Thánh Thần, chúng ta trở nên con người mới và tràn đầy ân sủng.
Chính Chúa Thánh Thần đã biến đổi các môn đệ từ những con người nhút nhát nay dám mở toang cửa ra, vững tin và can đảm hăng say ra đi loan báo Tin Mừng. Chúa Thánh Thần là tác nhân chính trong Giáo Hội, là Đấng không ngừng hướng dẫn đoàn dân Chúa. Người luôn hiện diện và soi dẫn trong từng lời môn đệ rao giảng “Chúng tôi xin làm chứng cùng với Thánh Thần.” (Cv 5,32) hay trong những quyết định “Thánh Thần và chúng tôi quyết định.”(Cv 15,28) Hơn nữa, Người là Đấng luôn kiện toàn và hiệp nhất Giáo Hội, hiệp nhất chúng ta.
Hôm nay, Chúa Thánh Thần vẫn luôn đào luyện mỗi chúng ta trở nên Kitô hữu thực sự và là sứ giả Tin Mừng giữa lòng đời. Người giúp chúng ta biết nhìn thực tại thế giới này trong ánh sáng của Chúa và Người dạy ta biết phân định, nhận ra những dấu chỉ thời đại. Chúa Thánh Thần cũng không ngừng canh tân chúng ta và ban sức mạnh giúp ta vượt thắng được những khó khăn trong cuộc sống ơn gọi Kitô hữu. Nhưng quan trọng chúng ta cần kết hợp với Người và cộng tác với Người, cách cụ thể là cầu nguyện và thân thưa với Người. Hãy đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và chúng ta sẽ biết phải làm gì, sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa.
Ngày Lễ Chúa Thánh Thần được gọi là ngày khai sinh Giáo Hội. Nguyện xin Chúa Thánh Thần ngự đến trong mỗi người chúng ta, trong Giáo Hội và trên toàn Thế giới, như một ngọn gió mới tái tạo trái đất và Giáo Hội Chúa. Để rồi nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta biết sống hiệp nhất, yêu thương và trở nên một thân thể duy nhất trong Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa đã yêu thương chúng con vô bờ bến nên đã gởi Chúa Thánh Thần đến. Xin Chúa Thánh Thần luôn là Tôn Sư ở trong chúng con, dạy dỗ và biến đổi chúng con mỗi ngày thành Kitô hữu đích thực và thành chứng nhân của Chúa Kitô. Amen.
5. Chúa Thánh Thần.
Có một phóng viên đã đặt câu hỏi với một chuyên viên Kinh Thánh như sau: Nếu nhờ khoa học tiến bộ, người ta sáng chế ra đươc một máy quay phim ngược thời gian. Máy này có thể thu lại tất cả hình ảnh và lời giảng dạy của Chúa Giêsu cách đây hơn 2000 năm. Vậy bộ phim ấy có khả năng thay thế được bốn sách Tin Mừng hay không? Nhà chuyên viên trả lời: Không thể được, bởi vì đức tin không phải do mắt thấy tai nghe, nhưng là do ơn Chúa Thánh Thần tác động.
Thực vậy bọn biệt phái ngày xưa đã từng nhìn thấy Chúa, nghe lời Chúa giảng, chứng kiến những việc Chúa làm thế mà họ không những không tin mà còn thù ghét và cuối cùng đã đóng đinh Chúa vào thập giá. Còn các tông đồ mặc dù đã theo Chúa, nhưng cũng chỉ thực sự có đức tin và dám sống chết cho Ngài sau biến cố tử nạn và phục sinh nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động trong ngày lễ Ngũ Tuần. Vậy Chúa Thánh Thần đã đổi mới các tông đồ, Giáo Hội và người tín hữu như thế nào?
Trước hết Chúa Thánh Thần đổi mới các tông đồ. Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giêsu phục sinh hiện ra, thổi hơi trên các tông đồ và phán: Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Qua cử chỉ này, Chúa Giêsu nhắc lại công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa được diễn tả bằng hình ảnh: sau khi nắn đất sét thành người, Ngài đã thở hơi ban sự sống để nó trở thành người sống. Qua việc thở hơi trên các tông đồ, Chúa Giêsu muốn làm một cuộc sáng tạo mới. Ngài ban Chúa Thánh Thần để biến đổi các ông nên những con người mới, có đủ khả năng chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Sách Tông đồ công vụ cho hay trong ngày lễ Ngũ Tuần, người ta thấy một cơn gió lốc ùa vào nhà các tông đồ đang ở và có cái gì giống hình lươi của lửa xuất hiện trên đầu mọi người và lập tức các ông được đổi mới. Trước kia các ông u mê dốt nát thì nay các ông được thống suốt giáo lý của Chúa. Trước kia các ông nhát đảm sợ hãi thì nay các ông được can đam, sẵn sàng rao giảng Tin Mừng, tuyên xưng đức tin và chấp nhận chịu khổ cực và chịu chết vì danh Đức Kitô.
Tiếp đến Chúa Thánh Thần đổi mới Giáo Hội. Thực vậy, Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và không ngừng tác động đe canh tân Giáo Hội tuỳ theo nhu cầu thời đại, chẳng hạn như Augustinô, Đôminicô, Phanxicô, Ignatio, Têrêsa… nhờ các ngài Giáo Hội vượt qua được những giờ phút khủng hoảng và đen tối nhất. Và gần đây hơn, Công đồng Vatican II cũng được coi là một lễ Hiện Xuống mới vì Công đồng này mà Giáo Hội có dịp nhìn lại mình để lau sạch những tì vết và bụi bặm do lịch sử để lại, đồng thời đổi mới Giáo Hội về nhiều phương diện để nhờ đó đi sát với Tin Mừng mà vẫn thích nghi với một thế giới không ngừng biến động và tiến bộ hơn.
Sau cùng Chúa Thánh Thần đổi mới mỗi người chúng ta. Thực vậy ngày hôm nay Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục tác động nơi các tín hữu, tuy âm thầm, nhưng không kém phần hậu quả. Vậy chúng ta phải làm gì?
Việc thứ nhất là hãy tạo cho mình một bầu khí thinh lặng nội tâm, tránh đi những lo toan thái quá về vật chất đời thường như cơm áo gạo tiền. Hãy lo tìm Nước Thiên Chúa trước còn những sự khác, Ngài sẽ ban cho chúng ta sau. Việc thứ hai là phải chăm chỉ lắng nghe lời Chúa, tìm hiểu ý Chúa và tham dự nghi thức bẻ bánh, như hai môn đệ làng Emmaus ngày xưa. Việc thứ ba là phải đồng tâm nhất trí, chuyên tâm cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ trong đó có Đức Mẹ Chúa Giêsu và với những anh em của Ngài. Nhờ đó, mà cuộc đời và bản thân chúng ta mỗi ngày một đổi mới.
6. Ơn đổi mới
Qua Kinh Thánh chúng ta được biết sau khi Chúa Giêsu lên trời các môn đệ thường họp nhau cầu nguyện. Nơi họp là một nhà tư và khi họp thì cửa đóng kín. Thế nhưng khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, các ông đã ra khỏi nhà và bắt đầu rao giảng cho mọi người về Đức Kitô. Từ đó chúng ta nhận thấy dưới tác động của Chúa Thánh Thần, một sự đổi mới đã xảy ra trong tâm hồn các môn đệ. Sự đổi mới này chính là tinh thần cởi mở với hai đường hướng rõ rệt.
Trước hết, nhờ ơn Chúa Thánh Thần đổi mới, tâm hồn các ông đã mở ra hướng về Đức Kitô như trung tâm điểm của đời sống đức tin. Các ông nhận ra Đức Kitô là nguồn ơn cứu độ, là đường, là sự thật và là sự sống. Các ông xác tín về mọi lời Ngài dạy. Lời Ngài là Tin Mừng. Và loan báo Tin Mừng là bổn phận của người tin theo Đức Kitô. Các ông không rao giảng một giáo lý nào khác, ngoài giáo lý của Đức Kitô. Các ông không đưa ra hình ảnh nào khác về Thiên Chúa ngoài hình ảnh Đức Kitô, là hình ảnh trung thực nhất của Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Cùng với sự đổi mới này, các ông tỏ ra lạc quan và lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa. Thực vậy, trước khi các ông đang lo âu sợ hãi, thì giờ đây các ông sống trong hoan lạc và giờ cầu nguyện chính là giờ các ông ngợi khen Thiên Chúa. Các ông giống như người đã tìm thấy một kho tàng quý giá. Đúng thế, một khi đã thấy được vẻ đẹp tuyệt vời của niềm tin vào Đức Kitô, các ông chỉ còn ca tụng, và cảm tạ Chúa. Niềm tin là một khám phá lạ lùng. Cả những trường hợp các ông bị bắt bớ khổ nhục vì Đức Kitô các ông vẫn có những phản ứng chan chứa bình an. Các ông vui mừng khi bị oan ức vì Đức Kitô. Các ông coi những dịp xảy ra như thế là một hạnh phúc phải han hoan đón nhận với tất cả tâm tình cảm tạ. Nguồn hoan lạc của các ông là Đức Kitô. Chính nhờ Ngài với Ngài và trong Ngài mà các ông dấn thân.
Tiếp đến các môn đệ nhờ ơn Chúa Thánh Thần đổi mới, đã mở ra hướng về tình bác ái yêu thương. Sách Tông đồ Công vụ kể lại: Sau khi Giáo Hội của Đức Kitô được thành lập với nhóm nhỏ các tông đồ. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, tình thương đã trở thành dấu chỉ thực sự của những người thuộc về Giao Hội. Họ để mọi của cải làm của chung. Họ nâng đỡ nhau một cách chân thành và quảng đại. Đối với họ Giáo Hội là hiệp thông một cách sống động. Họ nhìn những người ngoài Giáo Hội với cái nhìn kính trọng, đầy khiêm tốn. Giáo Hội nói chung và từng tín hữu nói riêng đã tỏ ra mình là khí cụ bình an của Chúa. Họ sống như một dấu chỉ của sự hoà giải. Giáo Hội lúc đó không bao giờ cho mình là một thế lực, và tổ chức của Giáo Hội cũng nhẹ nhàng, đơn giản hơn nhằm mục đích phục vụ với tinh thần bác ái.
Hai định hướng trên đây có thể gợi ý cho chúng ta trong thời điểm hiện nay là thời điểm của cởi mở. Đây là cơ hội có nhiều tiềm năng. Nếu được vận dung hướng về cái tốt thực sự, thì sự cởi mở sẽ giúp cho đạo đức đi lên. Còn nếu để mặc cho tự do trôi dạt, hoặc hướng về những điều xấu, thì cởi mở sẽ là như một cái đà cho phong trào phá hoại đạo đức.
Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.
7. Suy Niệm của Lm. Anthony Trung Thành
Thiên Chúa có Ba Ngôi: Ngôi Nhất là Cha, Ngôi Hai là Con, Ngôi Ba là Thánh Thần. Trong thực tế, chúng ta thường hay nói về Chúa Con, ít nói tới Chúa Cha, và rất hiếm khi nói về Chúa Thánh Thần.
Hôm nay, ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là dịp thuận tiện để chúng ta nói về Chúa Thánh Thần: Ngài là ai? Hoạt động của Ngài như thế nào? Bổn phận của mỗi người Kitô hữu chúng ta đối với Ngài?
1. Chúa Thánh Thần là ai?
Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Ngài là Thiên Chúa thật, cùng một bản tính và một quyền năng như Chúa Cha và Chúa Con. Ngài còn được gọi là “Đấng ban Sự Sống” (Ga 6, 63), “Đấng Bảo Trợ” (Ga 15,26 ) và “Thần Chân Lý” (Ga 16,13).
Kinh Thánh thường dùng những hình ảnh sau đây để chỉ về Chúa Thánh Thần: Nước, Lửa, Xức dầu, Áng mây và Ánh sáng, Dấu ấn, Bàn tay, Ngón tay và Chim bồ câu.
Mỗi hình ảnh đều mang một ý nghĩa biểu tượng: Nước: Tượng trưng cho sự tái sinh; Lửa: Tượng trưng cho năng lực biến đổi của các hành vi Chúa Thánh Thần; Xức dầu: Đồng nghĩa với danh xưng Chúa Thánh Thần; Áng mây và Ánh sáng: Vừa mạc khải Thiên Chúa vừa che khuất vinh quang siêu việt của Người; Dấu ấn: Đóng ấn ơn Chúa Thánh Thần vào người lãnh nhận bí tích Rửa tội, Thêm sức và Truyền chức thánh; Bàn tay: Tượng trưng cho sự chữa lành; Ngón tay: Tượng trưng cho quyền năng tác động; Chim bồ câu: Tượng trưng cho bình an, hoà bình.
2. Hoạt động của Chúa Thánh Thần
Thời Cựu Ước, Chúa Thánh Thần hiện diện trong mọi hoạt động quan trọng như: Khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, khi Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Độ, trong các cuộc thần hiện và trong niềm mong đợi Đấng Cứu Thế.
Sang Tân Ước, Chúa Thánh Thần hằng hướng dẫn đời sống và hoạt động của Chúa Kitô từ khi nhập thể cho đến phục sinh: Đức Trinh Nữ Maria mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần (x. Lc 1, 35); Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu trên đầu Chúa Giêsu khi Ngài chịu phép rửa tại sông Giođan(x. Lc 3,22); Chúa Thánh Thần dẫn Chúa Giêsu vào sa mạc để chịu ma quỷ cám dỗ (Lc 4,1; Mt 4,1; Mc 1,12); Quyền năng của Chúa Thánh Thần đã toả ra trong các hành vi của Chúa Giêsu để chữa lành các bệnh tật và ban ơn cứu độ (x. Lc 6,19; 8,46); Chúa Thánh Thần cũng làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết (x. Rm 1,4).
Chúa Thánh Thần hoạt động cách mạnh mẽ nơi các môn đệ trong ngày lễ Ngũ Tuần (x. Ga 20, 22-23). Ngày lễ Ngũ Tuần cũng là ngày khai sinh của Giáo Hội. Chính trong ngày này, các môn đệ được biến đổi, nói được các thứ tiếng lạ, can đảm loan báo Tin mừng và sẵn sàng làm chứng cho Chúa Kitô. Trong việc xây dựng Hội Thánh và loan báo Tin Mừng, các Tông Đồ đều khẳng đinh rằng: “Thánh Thần và chúng tôi làm chứng” (Cv 5, 32).
Chúa Thánh Thần không những khai sinh nên Giáo Hội mà còn xây dựng và làm cho Giáo Hội được hình thành. Ngài cư ngụ trong Giáo Hội và trang bị cho Giáo Hội bằng Lời Chúa. Nhờ đó, Giáo Hội tin Lời Chúa, thực hành Lời Chúa và dùng Lời Chúa để giáo huấn. Thánh Thần còn trang bị cho Giáo hội bằng các Đặc Sủng, Ngài ban ơn cho các chi thể tuỳ theo ý muốn của Ngài. Thánh Syrilô nói: “Thánh Thần dùng miệng người này để giảng sự khôn ngoan, lấy lời ngôn sứ mà soi trí lòng người kia, ban cho kẻ này quyền xua trừ ma quỷ, cho kẻ kia ơn giải thích Thánh Kinh, thêm sức cho kẻ này sống tiết độ, dạy cho kẻ kia biết thương người, cho người này biết ăn chay và tập sống đời khổ hạnh, cho người kia biết khinh chê những thú vui thể xác, cho kẻ khác nữa ơn chuẩn bị tử đạo. Khác nơi những kẻ khác, còn Người không bao giờ khác với chính mình như có lời chép: Thánh Thần tỏ mình ra cho mỗi người một cách, là vì ích chung”.
Nơi các Kitô hữu, Chúa Thánh Thần là Thần khí Tái Sinh, Thánh Hoá và làm cho họ được Vinh Hiển.
Chúa Thánh Thần là Thần khí Tái Sinh: Vì Ađam, con người trở thành nô lệ tội lỗi, trở nên kẻ thù của Thiên Chúa, bất tuân Thiên Chúa dẫn đến sự hư mất đời đời. Tự con người không thể thay đổi được tình trạng đó. Thánh Thần Thiên Chúa đã can thiệp để thay đổi con người. Trước hết, bằng việc tái sinh qua Bí tích Rửa tội (x. Ga 3, 5-6). Sau đó, bằng việc tái sinh qua bí tích Giao Hoà. Nghĩa là, Chúa Thánh Thần soi sáng để người kitô hữu nhận ra mình là kẻ có tội, cần được thanh tẩy để hưởng ơn cứu độ. Chúa Thánh Thần còn giúp các kitô hữu biết hoán cải để lãnh nhận Bí tích Giao Hoà.
Chúa Thánh Thần là Thần Khí Thánh Hoá: Chúa Thánh Thần giúp chúng ta chiến thắng con người cũ, giết chết việc làm của xác thịt (Rm 8,13) để chúng ta xứng đáng là đền thờ của Ngài. Thánh Phaolô kê khai các việc của xác thịt như: “Dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (x. Gl 5, 19-21). Chúng ta không thể chiến thắng được, nếu không nhờ Thần Khí. Khi chúng ta nhờ Thần Khí mà chiến thắng các việc của xác thịt trên, thì chúng ta sẽ thu lượm được những hoa quả dồi dào của Thần Khí, đó là: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (x. Gl 5,11-23). Chúa Thánh Thần còn cho chúng ta biết sự thật, dạy chúng ta biết cầu nguyện, thúc đẩy chúng ta sống mến Chúa yêu người và làm chứng cho Chúa Kitô.
Chúa Thánh Thần đã làm cho Đức Kitô được phục sinh vinh hiển, thì Ngài cũng sẽ làm cho chúng ta được sống lại vinh quang. Con người và thân xác của chúng ta không còn nô lệ sự hư nát, nhưng sẽ sáng láng vinh hiển, thông phần sự sống bất diệt của Thiên Chúa Ba Ngôi (1Cr 15,42-45).
3. Bổn phận của chúng ta đối với Chúa Thánh Thần
Người Kitô hữu chúng ta cần xa tránh các tội phạm đến Chúa Thánh Thần, có bốn tội phạm đến Chúa Thánh Thần:
Thứ nhất, lộng ngôn chống lại Thánh Thần (Mt 12, 31-32). Đó là tội “Cứng tin”, không chấp nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần trong công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô.
Thứ hai, dập tắt Thần Khí (1Tx 5,19-22) thường được giải thích theo nghĩa “không biết tôn trọng các đặc sủng” mà Thánh Thần ban cho để xây dựng Hội Thánh.
Thứ ba, đối đầu với Thần Khí. Đó là chiều theo xác thịt, để các khuynh hướng xấu đưa tới hành vi xấu, nghĩa là phạm tội thực sự. Mỗi lần để cho xác thịt làm động lực chi phối hay làm chủ cuộc sống là một lần đối đầu với Thánh Thần.
Thứ tư, làm phiền lòng Thánh Thần. Khi mọi hành vi và các cư xử không phù hợp với cương vị của người Kitô hữu đều làm mất lòng Thiên Chúa làm phiền lòng Thánh Thần (Ep 4,30).
Tóm lại, Thánh Thần là hồng ân vô giá mà Thiên Chúa ban cho những kẻ tin vào Đức Kitô. Mỗi người Kitô hữu chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, đặc biệt là khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thêm Sức. Vì vậy, chúng ta không những cần phải xa tránh các tội phạm đến Chúa Thánh Thần, mà còn cần phải tin kính, thờ phượng, năng cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng để chúng ta biết sống theo lương tâm ngay thẳng, cùng tôn trọng hồn xác ta là đền thờ của Người (x. 1Cr 6,19).
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến, xin tiếp tục đồng hành với chúng con trong bổn phận xây dựng Giáo Hội và loan báo Tin Mừng. Xin giúp chúng con biết xa tránh tội lỗi tôn trọng thân xác là đền thờ của Người. Amen.
———————
Tài liệu tham khảo:
1. Khái Quát về Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh, ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc
2. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 683-747
8. Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành
Có thể nói, đa số các Tông đồ bắt đầu đi theo Đức Giêsu đều nhằm mục đích trần thế: Mong muốn Đức Giêsu làm vua thế gian để được làm ông nọ bà kia trong nước của Ngài. Bằng chứng là việc bà mẹ của Gioan và Giacôbê đã có lần xin cho hai con được ngồi một đứa bên hữu một đứa bên tả trong nước của Ngài (x. Mt 20, 20-21). Còn các Tông đồ khác thì lại tranh dành xem ai lớn ai bé? (x. Mc 9,34).
Trong suốt ba năm theo Đức Giêsu, các Tông đồ chưa hiểu thấu những giáo huấn và những phép lạ Ngài làm. Chẳng hạn, khi Đức Giêsu nói với những người Do thái hãy phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xâu dựng lại (x. Ga 2,19). Những người Do thái và chính các Tông đồ không hiểu điều Đức Giêsu nói. Thánh Gioan cho biết: “Nhưng Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói”(Ga 2,21-22). Khi Đức Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của mình, các môn đệ chẳng hiểu điều Ngài muốn nói và họ sợ hãi không dám hỏi Ngài (x. Mc 9,31-32).
Chính vì không hiểu hết về giáo huấn của Đức Giêsu nên các môn đệ khó chấp nhận, đặc biệt là những giáo huấn đó đòi hỏi sự hy sinh, từ bỏ. Cụ thể, Thánh Phêrô đã bị Đức Giêsu mắng cho một trận “đồ Sa-tan,” vì ông dám ngăn cản Ngài bước vào cuộc khổ nạn (x. Mc 8,32-33). Cũng vì không hiểu được ý nghĩa của cuộc khổ nạn Thầy mình phải chịu nên Phê-rô đã chối Thầy ba lần trước một tớ gái (x. Mt 26,69-75). Các Tông đồ còn lại thì bỏ trốn hết. Vì chưa hiểu hết giáo huấn của Đức Giêsu nên khi Đức Giêsu chịu chết, các ông đã vào phòng đóng kín cửa lại vì sợ người Do Thái, sợ mình cũng chung với số phận của Thầy.
Tại sao các Tông đồ lại mê muội, không thấu hiểu hết giáo huấn và phép lạ Đức Giêsu? Vì các ông chưa được ban Chúa Thánh Thần. Chính Đức Giêsu đã nói: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga 16, 12-14). Ngài còn cho biết thêm: “Chúa Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy cho các con mọi sự và sẽ nhắc nhở cho các con mọi điều Thầy đã nói với các con”(Ga 14,26).
Nhưng khi được ban Chúa Thánh Thần, các Tông đồ được biến đổi, trở thành những con người mới, những con người của Tin mừng. Thật vậy, sau khi sống lại, Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ và ban Thánh Thần cho các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha, các con cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,23). Đặc biệt, hôm nay trong ngày lễ Ngũ Tuần, khi mà các môn đệ đang tề tựu một nơi, có cả những người Do thái từ khắp nơi tụ về, một hiện tượng kỳ lạ đã xảy đến như chúng ta vừa nghe sách Công Vụ Tông đồ kể lại: “Bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói” (Cv 2,2-4). Đây là một đặc sủng ngôn ngữ: Chúa Thánh Thần tác động trực tiếp trên các Tông đồ để các ông nói được các ngôn ngữ. Bởi vì, chính các thính giả hôm đó làm chứng rằng họ hiểu những gì các Tông đồ nói: “Chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Chúa” (Cv 2,11).
Từ khi được ban Chúa Thánh Thần, các Tông đồ hiểu thấu đáo về giáo huấn và phép lạ của Đức Giêsu, nên họ có một cái nhìn khác về Đức Giêsu và về sứ mạng của Ngài. Vì thế, các Tông đồ can đảm thực hành những gì mà Đức Giêsu đã trao phó. Thánh Phê-rô công khai rao giảng Tin mừng Đức Giêsu đã chết và phục sinh. Bài giảng đầu tiên của Ngài đã có khoảng 3000 người xin lãnh nhận Bí tích Rửa Tội (Cv 2,41). Sau đó, các ngài phân chia nhau đi khắp mọi nơi rao giảng Tin mừng và làm chứng về Đức Giêsu. Đi liền với lời rao giảng và làm chứng đó là sự bắt bớ, tù đày. Dẫu bị cấm cách, bắt bớ, tù đày, nhưng các Ngài không sợ hãi. Trái lại, lòng họ còn cảm thấy hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su (x. Cv 5, 41). Cuối cùng, các Tông đồ đã can đảm chấp nhận cái chết để làm chứng cho lời mình rao giảng.
Nhờ đâu, các Tông đồ làm được như vậy? Đó là nhờ sự tác động của Chúa Thánh Thần. Đúng như lời Đức Giêsu đã nói: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”(Ga 16,13). Chúa Thánh Thần “sẽ tố cáo thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt. Về tội lỗi vì họ đã không tin vào Thầy. Về sự công chính, vì Thầy về cùng Cha, và các con sẽ không còn thấy Thầy. Về án phạt, vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử”(Ga 16,8-11). Chúa Thánh Thần còn nói thay cho các Tông đồ, nhất là những khi bị bắt bớ tù đày: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10,19-20).
Tóm lại, Chúa Thánh Thần đã làm thay đổi đời sống nơi các Tông đồ. Chúa Thánh Thần giúp các Tông đồ hiểu thấu những giáo huấn và phép lạ của Đức Giêsu đã làm. Chúa Thánh Thần tiếp tục thực hiện vai trò đó nơi Giáo hội cho đến tận thế.
Mỗi người chúng ta được lãnh nhận Chúa Thánh Thần khi chịu Phép rửa tội. Đặc biệt, chúng ta được lãnh nhận một cách sung mãn với bảy ơn cả Chúa Thánh Thần trong ngày chịu Phép Thêm Sức. Chắc chắn Chúa Thánh Thần đã, đang và sẽ giúp chúng ta như xưa Ngài đã giúp các Tông đồ. Vì vậy, chúng ta hãy luôn cầu xin Chúa Thánh Thần, nghe theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm để Ngài cũng biến đổi chúng ta trở thành những người của Tin mừng giống như khi xưa Ngài đã biến đổi các Tông đồ.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến và canh tân đời sống chúng con. Amen.
9. Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành
Bài Tin mừng hôm nay Thánh Gioan tường thuật lại sự kiện Đức Giêsu phục sinh hiện ra với các Tông đồ đang khi họ ngồi trong phòng và đóng kín cửa lại. Đức Giêsu lần lượt thực hiện những việc sau đây:
Thứ nhất, Đức Giêsu ban bình an cho các Tông đồ. Đây là một ơn đặc biệt và rất có ích cho các Tông đồ trong lúc này, bởi vì từ khi Đức Giêsu bước vào cuộc khổ nạn, các Tông đồ bắt đầu cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Nhất là sau khi Đức Giêsu chết và được mai táng trong mồ thì các Tông đồ lại càng lo lắng và sợ hãi hơn. Bằng chứng: hầu hết các ông bỏ trốn, Phêrô thì chối Thầy ba lần, các ông vào phòng đóng kín cửa lại. Đức Giêsu hiểu thấu điều đó, nên khi hiện ra, hành động đầu tiên của Ngài là ban bình an cho các ông. Ngài nói: “Bình an cho các con”.
Thứ hai, Đức Giêsu cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài. Đây cũng là một sự trấn an cho các Tông đồ. Vì Tin mừng kể lại có lần Đức Giêsu phục sinh hiện ra thì các ông tưởng là ma. Thậm chí, khi nghe các Tông đồ khác kể lại việc Đức Kitô phục sinh hiện ra, thì ông Tôma đã không tin, ông còn đòi xem tay và cạnh sườn Ngài. Vì thế, giờ đây Đức Giêsu cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài. Khi cho các ông xem tay và cạnh sườn của mình, Ngài muốn khẳng định chắc chắn với các ông rằng “chính Thầy đây.” Thầy đã sống lại thật rồi. Các ông hãy tin tưởng để làm chứng cho Thầy.
Thứ ba, Đức Giêsu sai các ông đi: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” Như vậy, sau khi ban bình an và cho các ông xem tay và cạnh sườn của mình, Đức Giêsu sai các ông đi thi hành nhiệm vụ. Nhiệm vụ mà Đức Giêsu muốn sai các Tông đồ thi hành cũng là nhiệm vụ của chính Ngài. Đó là nhiệm vụ loan báo Tin mừng. Ngài mời gọi các ông ra khỏi căn nhà đóng kín để đến với muôn dân. Các Tông đồ đã vâng lời Đức Giêsu ra đi thi hành nhiệm vụ. Bài giảng đầu tiên của Thánh Phêrô có khoảng 3 ngàn người trở lại. Sau đó, các ông phân chia nhau đi rao giảng Tin mừng khắp mọi nơi. Cuối cùng các ông đã dùng cái chết để làm chứng cho lời mình rao giảng.
Thứ tư, Đức Giêsu thổi hơn và ban Chúa Thánh Thần. Trong ba năm sống với các Tông đồ, Đức Giêsu đã nhiều lần hứa ban Thánh Thần cho các ông. Giờ đây Ngài bắt đầu thực hiện lời hứa đó. Thực ra, Đức Giêsu đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ ngay sau khi Ngài sống lại, nhưng ngày lễ Ngũ Tuần hôm nay Ngài ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ một cách sung mãn và đầy đủ hơn. Nhờ được ban Chúa Thánh Thần nên các Tông đồ thêm sức mạnh để can đảm ra đi rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Thầy khắp mọi nơi. Sự can đảm đó được thể hiện nơi lời nói cảu Thánh Phêrô và các Tông đồ rằng: “thà vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người đời.” Sự can đảm đó cũng được thể hiện nơi cái chết Tử Đạo của các Ngài.
Thứ năm, Đức Giêsu ban cho các Tông đồ quyền tháo cởi và cầm buộc. Chính Ngài đã nhiều lần gặp gỡ và tha thứ tội lỗi cho nhiều người. Ngài tha thứ tội lỗi cho ông Giakêu. Ngài tha thứ tội lỗi cho ông Mathêu. Ngài tha thứ tội lỗi cho người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Ngài tha thứ tội lỗi cho người bất toại. Ngài tha thứ tội lỗi cho bà Maria Mađalêna. Ngài tha thứ tội lỗi cho kẻ trộm lành. Ngài tha thứ tội lỗi cho những kẻ đóng đinh Ngài vào thập giá. Ngài còn dạy Thánh Phêrô phải tha thứ không phải 7 lần mà là 70 lần 7. Sau khi sống lại, Ngài tha thứ tội lỗi cho Phêrô và các Tông đồ. Hôm nay, Ngài còn ban cho các Tông đồ quyền tha thứ tội lỗi. Quyền đó cũng được trao cho Giáo hội mãi cho đến tận thế.
Như vậy, ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay là ngày lễ Tình thương. Vì yêu thương nên Đức Giêsu mới ban bình an cho các Tông đồ. Vì yêu thương nên Ngài mới cho các Tông đồ xem tay và cạnh sườn Ngài. Vì yêu thương và tin tưởng nên Ngài mới trao cho các ông tiếp tục sứ mạng của Ngài. Vì yêu thương nên Ngài mới ban Thánh Thần cho các ông. Vì yêu thương nên Ngài mới trao cho các ông quyền tháo cởi và cầm buộc.
Mỗi người chúng ta và các kitô hữu qua mọi thời đại cũng được thông phần vào những ơn mà Đức Kitô phục sinh ban cho các Tông đồ khi xưa. Đặc biệt, chúng ta được lãnh nhận Chúa Thánh Thần khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Chúng ta nhận Chúa Thánh Thần một cách sung mãn và đầy đủ khi lãnh nhận Bí tích Thêm sức. Mỗi lần chúng ta phạm tội nhưng với lòng sám hối ăn năn và đi xưng tội thì chúng ta được Giáo hội tháo cởi. Vì thế, chúng ta hãy cảm tạ Chúa. Đồng thời, chúng ta hãy góp phần mình làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh như các Tông đồ đã làm. Để làm được điều đó, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thấn ban ơn để chúng ta biết sống hiệp thông liên kết với nhau trong Chúa Thánh Thần giống như những người tham dự ngày lễ Ngũ tuần khi xưa. Bài đọc I, cho chúng ta thấy, hôm ngày lễ Ngũ Tuần có rất nhiều người, ở khắp mọi nơi, thuộc các dân tộc khác nhau trở về Giêrusalem vì nhân dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái. Tất cả trong số họ đều nghe rõ và hiểu những lời các Tông đồ rao giảng. Đó là một điều lạ lùng vô tiền khoáng hậu, nên chính những người tham dự hôm đó nêu lên thắc mắc rằng: “Tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mésopotamia, Giuđêa, Pontô, Tiểu á, Phrygia, Pamphilia, Ai cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ tại đây , là Do thái và tòng giáo, là người Crêta và Ảrập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa”(Cv 2, 8-11). Như vậy, chính Chúa Thánh Thần là nguyên lý làm nên sự hiệp nhất giữa các dân tộc và mọi người với nhau. Bởi vì, chính Chúa Thánh Thần là nguyên nhân giúp họ nghe và hiểu những lời các Tông đồ rao giảng.
Sự hiệp nhất đó cũng được Thánh Phaolô mời gọi chúng ta qua nội dung bài đọc II hôm nay, Ngài nói: “Cũng như chỉ có một thân thể, nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng trong cùng một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần” (1 Cr 12,12-13). Ngài nói tiếp: “Có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần, có nhiều chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa, có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa là Đấng hoàn thành mọi sự trong mọi người”(1Cr 12,3).
Tóm lại, Chúa Giêsu đã ban nhiều ơn cho các Tông đồ, đặc biệt là Ngài ban Chúa Thánh Thần cho họ. Xin Ngài cũng ban Chúa Thánh Thần cho Giáo hội và cho mỗi người chúng ta để mọi thành phần trong Giáo hội sống hiệp thông liên kết với nhau tiếp tục làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh. Amen.
10. Thực hiện nhiệm vụ hiệp nhất – ViKiNi
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
1) Lễ Chúa Thánh Thần chính là lễ hiệp nhất muôn dân. “Ngài hiện xuống nơi họ tụ họp… Chúng ta từ các dân thiên hạ trở về Giêrusalem, đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan truyền những kỳ công của Thiên Chúa” (Bài đọc I – Cv. 2, 1-11).
a) Chính sức mạnh của Thánh thần đã hiệp nhất các môn đệ lại nhà Tiệc ly, đã hiệp nhất các dân thiên hạ lại Giêrusalem, chính Thánh thần đã cho họ nghe tiếng nói của mình về những kỳ công của Thiên Chúa. Tiếng nói đó chính là tiếng nói của Thánh thần.
Tại sao muôn dân nghe được tiếng nói của Thánh Thần? Thưa Thánh Thần đã hiệp nhất họ nên một thân thể của Đức Kitô. Trong Bài đọc II Thánh Phaolô đã giải thích: “Tất cả chúng ta là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đều đã chịu phép rửa nhờ một Thánh Thần để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thánh Thần duy nhất” (1Cr. 12, 13). Đức Kitô và Thánh thần hiệp nhất nên một, thì tất cả các bộ phận trong Đức Kitô cũng tràn đầy Thánh thần nên họ đều nghe, đều hiểu, đều lãnh nhận được tiếng của Thánh thần.
b) Thánh Phaolô còn cho thấy rõ: Đây là sự hiệp nhất trong đa dạng, không phải thứ hiệp nhất trong đơn điệu, gò ép, buồn tẻ: Có nhiều đặc trưng khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Thần, có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa, có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa hoạt động trong mọi người. Thánh Thần tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.
Người thì được ơn khôn ngoan để giảng dạy
Người thì được ơn hiểu biết để trình bày
Người thì được ơn Đức tin để hoạt động mạnh mẽ
Người thì được ơn chữa bệnh
Người thì được ơn làm phép lạ
Người thì được ơn nói tiên tri
Người thì được ơn nói tiếng lạ
Người thì được ơn giải thích tiếng lạ
Nhưng chính Thánh Thần duy nhất làm tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách theo ý Ngài (1Cr. 12, 4-11)
Chỉ có Thánh thần mới đầy sức mạnh quy tụ được muôn dân thiên hạ, làm cho muôn bản chất, sắc thái văn hóa của muôn người khác nhau nên một trong Đức Kitô.
Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ vạn vật với muôn hình vạn trạng tinh vi kỳ diệu khác nhau, nhưng hòa điệu duy nhất với nhau để hòa tấu nên một bài ca chúc tụng quyền năng lạ lùng của Thiên Chúa.
Trong công trình cứu độ, còn hơn nữa, Chúa Thánh thần tuôn tràn sức sống mãnh liệt của Thiên Chúa, như tiếng gió ào ào vang dội khắp muôn phương để thánh hóa muôn dân sống thể hiện bản chất văn hóa thiêng liêng cao quý của mình, của dân tộc mình, làm rạng rỡ vinh quang Thiên Chúa như muôn loài hoa phô bày hương sắc riêng của chúng làm đẹp thiên nhiên, làm thơm môi trường.
2) Trước những chuyển biến của thời đại ngày nay, Đức Giáo Hoàng Gioan 23 cùng với Công đồng Vatican II đã cầu xin cho Giáo hội, cho thế giới “một lễ Hiện xuống mới”. Công đồng Vatican II, một Công đồng vĩ đại nhất trong lịch sử Giáo hội, cũng là một hội nghị hiệp nhất vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới, vì trong hội nghị của Công đồng, ngay kỳ họp I năm 1962 đã có 2.152 nghị phụ, cho đến kỳ họp IV năm 1965 đã có 2.391 nghị phụ gồm Hồng Y, Giám mục từ khắp nơi trên thế giới về Rôma để họp, chưa kể hàng ngàn chuyên gia lỗi lạc khác.
Công đồng đã chứng tỏ cho thế giới thấy tầm quan trọng và khẩn thiết của sự hiệp nhất, đề cao sự hiệp nhất lên hàng đầu, cho nên có 4 kỳ họp thì 3 kỳ của 3 năm đầu đều nói đến hiệp nhất.
Kỳ họp I từ 11 tháng 10, đến 8 tháng12 năm 1962 đã thảo luận đến sự hiệp nhất Kitô hữu và Giáo hội.
Kỳ họp II từ 29 tháng 9 đến 4 tháng 12 năm 1963 bàn về lược đồ hiệp nhất.
Kỳ họp III từ 14 tháng 9 đến 21 tháng 11 năm 1964 chung quyết và công bố các sắc lệnh hiệp nhất với 2137 phiếu thuận, 11 phiếu không đồng ý và không có phiếu nào chống đối.
Chính Đức Giáo Hoàng Gioan 23 lúc hấp hối, miệng Ngài đã liên lỉ lập lại câu này: “Làm sao để trở nên một” (Lữ Hành Hy Vọng 556).
3) Tại sao phải trở nên một?
Bởi vì chính Thiên Chúa là Đấng duy nhất đã sai “Con Một mình đến thế gian để cứu chuộc nhân loại, đoàn tụ họ nên một. Trước khi tự hiến làm lễ vật tinh tuyền trên Thánh giá, Người đã cầu cùng Chúa Cha cho các tín hữu rằng: “Xin cho hết thảy được hiệp nhất như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để chính họ cũng được nên một trong Ta, cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga. 17, 21). Người đã thiết lập trong Giáo hội của Người nhiệm tích Thánh Thể kỳ lạ vừa là dấu chỉ, vừa thể hiện sự hiệp nhất của Giáo hội. Người ban cho các môn đệ một giới răn mới là tình thương yêu nhau và ban Thánh thần an ủi, bảo trợ và sự sống để ở với họ mãi mãi (Sắc Lệnh Hiệp Nhất – số 2).
Thế giới cũng đang đi về hướng hiệp nhất: Hiệp nhất Châu Âu, hiệp nhất Đông Nam Á, Thái Bình Dương, Trung Đông… để sống hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, đúng câu “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.
Chúa Thánh thần hiện xuống đã thúc đẩy các môn đệ mở tung căn phòng đóng kín, ra đi thực hiện nhiệm vụ hiệp nhất muôn dân như Chúa Giêsu đã trao phó cho các ông trước lúc Người lên trời “Hãy nhận lấy Thánh thần để đến với muôn dân, rửa tội cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần để muôn dân trở nên môn đệ Thầy” (Mt. 28, 29).
Không còn thứ hiệp nhất nào hơn nữa: Một sự hiệp nhất Thiên Chúa với loài người, một sự hiệp nhất nên một gia đình Thiên Chúa, một sự hiệp nhất trời và đất. Không có gì phá vỡ sự hiệp nhất đó, trừ có tội lỗi. Chính tội lỗi đã cắt đứt dây tình yêu hiệp nhất giữa Thiên Chúa và loài người.
Nay Con Thiên Chúa đã chiến thắng tội lỗi, rửa sạch tội lỗi trong Thánh thần, cho nên bài Tin mừng hôm nay nói: “Hãy nhận lấy Thánh thần, hãy tha tội cho họ”, để thực hiện một kỳ công hiệp nhất, “cho họ nên một trong Chúng Ta” (Ga. 17, 21).
Lạy Cha, xin ban cho Giáo hội “một lễ Hiện xuống mới” để canh tân bộ mặt trái đất, xin Thánh thần Tình yêu xuống đốt lửa kính mến trong lòng chúng con và mọi người để thực hiện sự hiệp nhất, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha muôn dân.
11. Xin đổi mới – ViKiNi
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ – Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
Một người tội lỗi (Henri Ghéron) trong thế chiến thứ hai, đã kể lại lúc xưng tội của ông như sau: “Hai tay tôi ôm đầu, miệng bập bẹ run run, tôi đổ dòng tội tuôn ra như thác… Tôi cảm thấy một thứ cặn đắng, từng ngụm, từng ngụm trào ra khỏi các thớ thịt con tim tôi với tất cả khối nặng đó, với tất cả chất độc đó đã đè nén tôi suốt hai mươi năm nay. Tôi cố cựa quậy đổ dốc nó ra cho Linh mục giải tội. Và Thiên Chúa đã nghe lời tôi: “Hãy về bình an, Thánh Thần đã ngự trong con!”. Tôi trẻ lại hai mươi tuổi; hai mươi năm tội lỗi. Một niềm vui sướng mới lạ tràn ngập tâm hồn tôi: Tôi chạy, tôi nhảy, tôi bay, tôi không còn cảm thấy xác thịt nặng nề của tôi nữa”. Bởi đâu người xưng tội này được chan chứa niềm vui như vậy?
Thưa, bởi Đức Giêsu đã ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ để tha tội cho ai xưng tội, như Người nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần anh em tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha”. Lần khác, trong một đêm gió mát trăng thanh, ông Nicôđêmô, một thủ lãnh Do Thái, đến gặp Đức Giêsu. Người cũng tỏ cho ông biết thế này: “Thật, tôi bảo thật ông: Không có ai có thể vào nước Thiên Chúa nếu không sinh bởi nước và Thánh Thần. Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra, thì là xác thịt; cái gì mà bởi Thánh Thần mà sinh ra, thì là linh thánh” (Ga. 3, 5-6).
Xác thịt sinh ra những cái gì? Thánh Phaolô cho giáo đoàn Galata biết: “Những việc do xác thịt gây ra thì ai cũng rõ: Đó là dâm bôn, ô uế, phóng đãng, phù phép, thờ quấy, hận thù, bất hoà, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén và những điều khác giống như vậy” (Galata 5, 19-21) Đó là những thứ làm cho con người ra ô uế, hư hỏng, hư thối.
Thánh Thần sinh ra những gì? Là “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Galata 5, 22-23) Đó là những hoa quả của Thần khí làm cho con người sống tươi mới, xinh đẹp, thanh khiết thánh thiện.
So sánh hai lối sống, ta thấy khác nhau như cũ với mới, như chết với sống: “Những ai sống theo xác thịt thì hướng về xác thịt. Những ai sống theo thần khí thì thuộc về thần khí. Hướng về xác thịt là sự chết, hướng về thần khí là sự sống và bình an” (Rm. 8, 5-6)
Các môn đệ từ trước đến giờ vẫn sống theo hướng xác thịt. Thánh Luca đã chứng tỏ cho ta thấy rõ điều đó: Sau khi Chúa sống lại: “Trong bốn mươi ngày, Người hiện ra nói chuyện với các ông về nước Thiên Chúa” và lúc Người sắp sửa lên trời, “bấy giờ những người đang tụ họp ở đó mới hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Phải chăng đã đến lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel?”. Người phải cực lòng trả lời: “Anh em không cần phải biết thời giờ và kỳ hẹn Chúa đã toàn quyền sắp đặt” (Cv. 1, 6-7). Lối sống hướng về xác thịt của các ông chỉ mong muốn được Thầy cai trị nước Israel, cai trị nước thế gian để các ông được làm Thủ tướng, bộ trưởng, đầy giầu sang, danh vọng, quyền quý.
Phải chờ đến Chúa Thánh Thần hiện xuống thổi một luồng gió mới vào tận tâm hồn các ông, biến đổi các ông nên mới, đốt một ngọn lửa mới soi sáng tâm trí các ông hướng về thần khí mà từ bỏ hướng xác thịt. Lúc đó: “Hết thảy các ông được tràn đầy ơn Thánh Thần và bắt đầu nói nhiều tiếng nước ngoài, tùy theo Thánh Thần ban cho”.
Ơn Thánh Thần ban xuống trên các tông đồ qua các tác động mạnh mẽ như: Tiếng gió ào ào, lưỡi lửa, và nhiều thứ tiếng nói.
1- Tác động của gió ào ào: Đây là sức sống thần khí, khi Thiên Chúa dựng nên con người, Thiên Chúa đã thổi hơi vào thằng người được nặn bằng bùn đất. Hơi thở thần khí đã biến bùn đất thành Adam sống động. Từ đó Adam trở thành người đầy sức sống tốt lành và tràn đầy sinh lực hạnh phúc. Luồng gió mới của thần khí nay cũng thổi vào khắp các cơ thể xác thịt của tông đồ biến đổi các ông thành chi thể mới của Đức Kitô chứa đầy những đặc sủng để các ông phục vụ nhiều việc khác nhau vì ích chung nhờ Thánh Thần đang hoạt động trong các ông.
2- Tác động của lưỡi lửa: Đấy là ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa làm thành hào quang trên đầu Môsê, để Môsê lãnh nhận mười điều răn trên núi Sinai, để ông soi sáng dậy dỗ dân Chúa sống trong đường lối công chính và thánh thiện của Ngài. Nay các môn đệ được hào quang đó, để đi rao giảng lời Chúa chiếu sáng khắp muôn dân từ Giêrusalem đến tận cùng thế giới. Các ông đã thực hiện lời Thầy dậy: “Các con là ánh sáng thế gian” mà “Thầy đã đem ánh sáng đó đến thế gian. Thầy mong muốn cho nó cháy sáng lên soi mọi người”.
3- Tác động của các thứ tiếng nói: Đây là đặc sủng riêng của các tông đồ, Thánh Thần ban cho các ông, từ trước tới nay chưa hề có, để các ông qui tụ muôn dân. Muôn dân đã bị chia rẽ, phân tán khi tổ tiên họ kiêu ngạo đòi xây cây tháp Babel chọc trời và đã bị Thiên Chúa phạt: mỗi người nói một thứ tiếng. Họ không còn hiểu nhau, mỗi người một phách, họ đoạn tuyệt với nhau và trở nên hận thù đàn áp xâm chiếm lẫn nhau. Nay Thánh Thần hiện xuống tái lập sự hợp nhất: Ban cho các tông đồ nói một thứ tiếng lạ cho muôn dân hiểu biết Thiên Chúa, hiểu biết nhau, đoàn kết nên một dân mới, tuyên xưng một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha nhân ái và mọi người đều là anh em trong một thân thể của Đức Giêsu Kitô.
“Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến đổi mới chúng con, cho tâm hồn chúng con, dùlà Do Thái hay chư dân, tự do hay nô lệ, đều được nhuần thấm sức sống mạnh mẽ của Thánh Thần và cháy lửa yêu mến Ngài”.
12. Lễ Hiện Xuống Mới – ViKiNi
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
1. Sách Công vụ Tông đồ mô tả ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống như một biến cố vĩ đại làm rung chuyển từ căn nhà gia đình đến rung chuyển cả thành Giêrusalem, làm chấn động đoàn môn đệ đến vang dội cả thiên hạ. Đó là ngày lễ lớn của gia đình, của dân tộc và cả thiên hạ.
– Trong gia đình: Mọi người đang tụ họp đều nghe thấy tiếng vang dội từ trời xuống, mãnh liệt như gió bão ào ào. Tất cả đều thấy những hào quang xuất hiện tỏa sáng trên đầu mỗi người. Cả gia đình đều được tràn đầy Thánh Thần và nói nhiều thứ tiếng.
– Trong thành thánh: Người ta thấy ồn ào, mọi người tuôn đến. Họ kinh ngạc, sửng sốt và thán phục. Họ sốt sắng lắng nghe những lời chân lý lạ lùng do mot tập đoàn đang rao giảng.
– Từ khắp muôn phương thiên hạ: Người Rôma, người Hy Lạp, người Ai Cập đến những người trung đông đều được nghe loan báo những kỳ công của Thiên Chúa bằng tiếng mẹ đẻ của mình, bằng văn hóa dân tộc địa phương mình.
2. Ai đã làm rung chuyển cả thế giới như thế? Thưa là “Chúa Thánh Thần”. Thánh Phaolô đã trả lời cho giáo đoàn Corintô như thế (1Cr. 12, 3-7): “Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta đã được tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, biết được chỉ có một Thiên Chúa, nhờ Thánh Thần, chúng ta được thanh tẩy để xứng đáng trở nên chi thể của Đức Kitô.
Thánh Thần đã tạo dựng một cộng đoàn mới, một dân tộc mới, một thế giới mới, một nhân loại mới, sống thành một gia đình tuyên xưng Thiên Chúa là Cha mình. Họ sống thành tông đồ đoàn, thành giáo đoàn, thành Giáo Hội, thành dân tộc của Thiên Chúa, lan rộng muôn phương. Tất cả đều uống một Thánh Thần với nhiều đặc sủng, nhiều việc khác nhau, tất cả đều hợp nhất với nhau nên một thân thể Đức Kitô, tất cả đều hoạt động cho muôn dân thấy những kỳ công của Thiên Chúa đang thương yêu cứu độ họ.
Ngày nay, trước một thế giới đầy biến động và phân hóa khôn lường. Đức Giáo Hoàng Gioan 23 đã kêu gọi họp Công Đồng Vaticano II để cầu nguyện cho Giáo Hội và thế giới “Một lễ Hiện xuống mới”. Tất cả các Hồng Y, Giám Mục và Viện Phụ từ khắp mặt đất đều đồng tâm nhất trí về họp tại Vatican từ năm 1962 đến năm 1965. Có bốn kỳ họp, mỗi kỳ hơn hai tháng gồm từ 2152 đến 2391 nghị phụ với hàng ngàn chuyên gia lỗi lạc: linh mục, tu sĩ và giáo dân, soạn thảo hàng tram văn kiện, được thảo luận đúc kết, và bỏ phiếu tán thành bốn Hiến Chế: Phụng Vụ, Tín Lý Giáo Hội, Tín Lý Mặc Khải và Mục Vụ Giáo Hội trong thế giới ngày nay, với 9 Sắc Lệnh về Truyền thông xã hội, về các Giáo Hội: Công giáo, Đông Phương, về Nhiệm vụ Giám Mục, về đời sống Dòng tu, về đào tạo Linh mục, về Tông đồ giáo dân, về Hoạt động truyền giáo, về Chức vụ Linh mục, về Hiệp nhất, và 2 Tuyên ngôn: về Giáo dục Kitô giáo, ve liên lạc Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo.
Đó là một Lễ Hiện xuống mới để trở về với Đức Kitô, thực hiện tin mừng tình thương cứu độ của Ngài cho muôn dân. Muôn dân đã được nghe lời Chúa bằng tiếng mẹ đẻ của mình trong Thánh lễ, trong các phép Bí tích, không còn cảnh ngơ ngác phải nghe tiếng Latinh xa lạ.
Từng gia đình đã được gần gũi lời Hằng sống bằng những cuốn Kinh thánh quý giá in chữ viết của mình. Từng thánh đường được thấm nhuần lời Thánh ca bằng những âm điệu bản sắc văn hóa của mình.
“Họ đã được nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Thần … Thánh Thần đã tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung … để tất cả đeu được tràn đầy một Thánh Thần duy nhất” (Bài đọc 2).
Muôn lạy Chúa Thánh Thần, xin mau mau ngự đến, cho tâm hồn tín hữu cháy lửa yêu mến Ngài, cho Giáo Hội trinh trong hiệp nhất muôn thế hệ, cho trần gian thấm nhuần muôn ơn phúc. Lạy Ngài xin đổi mới lòng trí con. Amen.
13. Đổi mới
Lạy Chúa Thánh Thần, xin đổi mới tâm hồn chúng con. Bài đọc thứ nhất, trích sách Tông đồ Công vụ cho chúng ta thấy: Chúa Thánh Thần đã đổi mới các tông đồ như thế nào. Các tông đồ mặc dù đã được tiếp xúc với Chúa Giêsu sống lại, nhưng xem ra vẫn chưa được an tâm cho đủ, bởi vì các ông còn âu lo, còn dao động về những sự việc đã xảy ra cho Thầy mình mà các ông đã chưng kiến. Những tiếng la ó của đám đông thù địch như vẫn còn văng vẳng đâu đây, khiến các ông phải thu mình lại trong một căn phòng mà cửa thì đóng kín. Thế nhưng các ông đã trở nên những con người hoàn toàn khác sau khi Chúa Thánh Thần đến với các ông dưới hình lưỡi lửa.
Hôm ấy là ngày lễ Ngũ tuần được mừng 50 ngày sau lễ Vượt qua của người Do Thái, để tưởng nhớ giao ước tại Sinai giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Từng đoàn người Do Thái từ nhiều nước khác nhau kéo về Giêrusalem vào dịp này. Như thế, việc ban Chúa Thánh Thần được diễn ra trong một khung cảnh có thể nói được là hùng vĩ. Hiện tượng ấy diễn ra dưới hình thức các tông đồ nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho các ông nói, khiến mọi người nghe đều bỡ ngỡ vì mọi người đều nghe các tông đồ nói tiếng thổ âm của mình. Hiện tượng này còn khiến chúng ta nhớ lại biến cố xảy ra tại tháp Babel, làm cho nhân loại bị phân rã. Hôm nay Chúa Thánh Thần lập lại sự thống nhất ngôn ngữ đã bị phá huỷ vì ngọn tháp kiêu căng ấy. Thời cứu độ sẽ là thời quy tụ muôn dân và các tông đồ cũng như các môn đệ của Chúa có sứ mang loan báo Tin Mừng cho mọi người thuộc mọi ngôn ngữ, mọi tiếng nói.
Tiêu biểu cho sự đổi mới dưới tác động của Chúa Thánh Thần là thánh Phêrô tông đồ. Ông đã mở toang cửa nhà họp, đối diện với đám đông mà ông đã từng e ngại. Ông ngỏ lời với họ và nói lên niềm xác tín của mình về Đức Kitô, Đấng mà người Do Thái đã đóng đinh cách đây không lâu. Những kẻ chứng kiến không hiểu nổi sự việc đã cho rằng ông say. Đúng là Chúa Thanh Thần đã làm cho ông ra như say. Nhưng không phải là say rượu mà là say với Thần Khí của Chúa, say với niềm tin, say với lý tưởng. Hiệu lực của việc ban Chúa Thánh Thần quả là rõ ràng, nhưng đó cũng mới chỉ là điểm khơi đầu của một công cuộc hết sức to lớn, kéo dài cho tới ngày hôm nay.
Người Kitô hữu hôm nay cũng được mời gọi trở nên say như Phêrô trong ngày lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Bởi đó, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đến và đổi mới con người chúng ta, nhờ đó chúng ta trở nên hăng say với Tin Mừng cứu độ, với lý tưởng xây dựng một xã hội, một cuộc đời tốt đẹp hơn, trong lành hơn.
14. Chúa Thánh Thần.
Lễ hiện xuống chính là ngày lễ 50 của Cựu Ước. Đó là cao điểm kết thúc cho mùa mừng lễ Vượt Qua, ngoài ra đó còn là ngày lễ tạ ơn vì Chúa đã cho mùa màng tốt tươi, cũng như để kỷ hiệm ngày Chúa công bố lề luật qua Môsê trên đỉnh núi Sinai.
Đối với chúng ta hôm nay, thì lễ Hiện Xuống cũng chính là cao điểm, kết thúc cho mầu nhiệm Phục sinh. Như ngày Hiển Linh đối với ngày Giáng Sinh thế nào thì ngày lễ Hiện Xuống cũng vậy đối với lễ Phục Sinh. Tôi xin đưa ra một vài hình ảnh để so sánh.
Trong ngày lễ Phục sinh, Đức Kitô như mặt trời hừng đông ló dạng. Còn trong ngày lễ Hiện xuống thì mặt trời ấy đã đứng bóng, chói loà và đem lại sức sống. Trong ngày lễ Phục sinh thửa vườn của Giáo Hội nở bông với những tín hữu mới được lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Còn trong ngày lễ Hiện xuống, những bông hoa ấy đã kết thành trái chín vàng trên cành cây. Người làm vườn là Đức Kitô đã trồng những mầm non mới. Còn mặt trời làm cho trái chín vàng đó là Chúa Thánh Thần. Trong ngày lễ Phục sinh chúng ta mới chỉ là những trẻ nhỏ của Thiên Chúa, chúng ta cần đến sữa mẹ là Chúa Thánh Thần. Chúng ta lớn lên trong nhà mẹ là Giáo Hội, một cách vô tư và hạnh phúc như những em nhỏ. Nhưng khi chúng ta trưởng thành, Giáo Hội, người Mẹ hiền của chúng ta, không ngần ngại bảo cho chúng ta biết rằng khoảng thời gian êm đẹp và thơ mộng ấy đã qua đi, giờ đây chung ta là những lữ khách, sẽ gặp phải nhiều đau khổ, nhiều buồn phiền. Với lễ Hiện xuống, chúng ta trở nên là những người trưởng thành. Với lễ hiện xuống Chúa Thánh Thần làm việc và tác động.
Trước khi về trời Chúa Giêsu đã hứa không để cho chúng ta phải mồ côi, Người sẽ gởi đến cho chúng ta một Đấng an ủi, để nhắc lại những điều Người đã giảng dạy. Ngày hôm nay, Chúa Thánh Thần vẫn còn hoạt động trong Giáo Hội cũng như trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ tưởng đến Ngài, và chúng ta có thể gặp gỡ Ngài ở khắp mọi nơi. Ngài ngự trị trong tâm hồn chúng ta kể từ ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, để biến tâm hồn và thể xác chúng ta thanh đền thờ cho Thiên Chúa, như lời thánh tông đồ đã khuyên nhủ: Anh em không nhớ rằng thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần hay sao. Hãy mang lấy Thiên Chúa và hãy tôn vinh Người trong thân xác anh em. Chúng ta sẽ dễ dàng trở nên thánh thiện, nếu chúng ta luôn ý thức rằng Chúa Thánh Thần đang ngự trị trong chúng ta. Còn đối với Giáo Hội, Chúa Thánh Thần luôn thánh hoá và hoạt động bằng các bí tích. Chúa Giêsu đã về trời và trở nên vị trung gian bầu cử cho chúng ta trước toà Đức Chúa Cha. Nhưng Giáo Hội trên trần gian hằng được Chúa Thánh Thần giúp đỡ và hướng dẫn. Trong bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu thực sự hiện diện, nhưng Ngài không thể tiep nối những hành động mà ngày xưa Ngài đã thực hiện ở Palestin. Trong bí tích Thánh Thể Người chỉ là của lễ và của ăn cho chúng ta,. Thế nhưng, bí tích Thánh Thể lại chính là một dụng cụ Chúa Thánh Thần dùng để thánh hoa chúng ta.
Chúa Thánh Thần chính là linh hồn của Giáo Hội. Và như chúng ta đã biết Giáo Hội là nhiệm thể của Đức Kitô. Thân xác muốn sống thì phải có linh hồn. Vai trò của linh hồn thật là quan trọng, nó là nguyên lý của sự sống, nếu linh hồn lìa khỏi thì thân xác sẽ phải chết. Cũng vậy Chúa Thánh Thần là linh hồn của nhiệm thể Giáo Hội, chính Ngài trao ban và bảo tồn đời sống ơn sủng trong chúng ta. Nhờ Ngài mà chúng ta có thể cầu nguyện và làm được những việc tốt lành. Bởi đó, trong ngày mừng kính Ngài hôm nay, chúng ta hãy mặc lấy ba tâm tình sau đây: Tâm tình thứ nhất là tâm tình vui mừng. Chính vì thế mà Giáo Hội đã mời gọi chúng ta qua lời kinh Tiền Tụng: Trong niềm hân hoan chứa chan, toàn thể vũ trụ đều nhảy mừng. Tâm tình thứ hai là tâm tình tin tưởng vào sự hiện diện và vào quyền năng của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội cũng như trong tâm hồn mỗi người. Chúng ta phải cảm nghiệm và nhận ra quyền năng ấy. Và sau cùng chúng ta hãy mong mỏi xin Ngài ngự đến như lời Giáo Hội tha thiết nguyện cầu: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến và đổ tràn đầy trong lòng các tín hữu những hong ân của Ngài.
15. Chúa Thánh Thần – canh tân cuộc sống
(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)
Khi nói đến hình ảnh Chúa Thánh Thần, Thánh Kinh thường nói đến: Hơi thở, Gió, Lửa, Nước, chim bồ câu, dầu. Cụ thể, trong các bài đọc hôm nay chúng ta thấy Chúa Thánh Thần hiện xuống với chúng ta bằng hình ảnh: GIÓ – NƯỚC VÀ LỬA. Gió,lửa, nước là những thứ mềm nhất và bình thường nhất, nhưng lại mạnh nhất và quan trọng nhất, và thiết yếu nhất cho cuộc sống chúng ta. Cho nên, Chúa Thánh Thần là vị Chúa không thể thiếu cuả cuộc sống tâm linh chúng ta.
Gió là không khí. Không khí là thứ tối cần thiết, vì thiếu không khí trong vài phút thì người ta không thể sống nổi. Lửa làm người ta ấm áp trong mùa đông giá lạnh, hay có thể làm chín thức ăn cho ta. Nước để ta uống hay tắm rửa… Điều đáng chú ý ở đây: Gió, Lửa và Nước luôn luôn hoạt động để có ích cho con người. Nếu không khí không có khí oxy, thì con người tắt thở. Nếu nước không chảy, đó là nước tù, nước dơ bẩn. Lửa không cháy, thì tối um và vô dụng. Vậy, nước lửa gió là những nguyên tố tự nhiên luôn hoạt động để mưu ích cho cuộc sống từ muôn ngàn đời. Và Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa xuống thế mang những hình ảnh đó để nói rằng Ngài luôn hoạt động để cuộc sống của chúng ta thêm phong phú, tươi sáng và hạnh phúc.
Chúa Thánh Thần như luồng gió cường tráng, ngọn lửa bừng bừng, dòng nước trào tràn. Luồng gió, dòng nước và ngọn lửa ấy đã khơi dậy nguồn năng lực tiềm ẩn nơi các thánh tông đồ đầy sợ sệt, nhút nhát. Chúa Thánh Thần làm cho các ông hoạt động mạnh mẻ thay vì quyền rủa bóng đêm. Ngài khơi thông nước tù của họ là sợ chết, ích kỷ, nay thành dòng nước đem lại sức sống mới cho các tông đồ và bây giờ họ ra đi và loan báo Tin Mừng cứu độ. Ngài thổi luồng gió sức mạnh vào sự kém lòng tin của các ông để các ông sẵn sàng tha thứ. Cuối cùng, Ngài đốt lên ngọn lửa tình yêu, và họ đã ra đi biến đổi chính mình và cả thế giới đang chìm trong bòng đêm tội lỗi và sự chết thành một thế giới đầy tình thương và sự sống. Vì vậy, các tông đồ xưa và chúng ta hôm nay đón nhận Đức Chúa Thánh Thần đồng thời lãnh nhận sứ mạng hoạt động của Chúa Thánh Thần đó là làm chứng, yêu thương và đặc biệt là tha thứ.
“Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha”. Trong cuộc sống gia đình, cộng đoàn, xã hội hay Giáo hội luôn xảy ra những chuyện bất hòa, chúng gây ra những mối hận thù, ghen ghét và đố kỵ nhau. Con người là bất toàn, hơn nữa sống chung đương nhiên là có bất đồng, xung khắc hay đụng nhau. Nhưng, nếu cứ mỗi lần có xung khắc, ta loại trừ đi một người bạn, thì cuối cùng ta sẽ chẳng còn người bạn nào. Không ai là một hòn đảo, mỗi người đều cần đến người khác. Sống chung với nhau là một nhu cầu. Vì thế, việc tha thứ, hoà giải là vô cùng cần thiết. Hoà giải hệ tại ở hai động tác: xin lỗi và tha lỗi. Hai việc đều khó làm. Vì con người đầy tự ái. Dù biết mình lỡ lầm, nhưng ít có ai đủ can đảm nhận lỗi và xin lỗi. Xin lỗi đã khó, tha lỗi còn khó hơn. Chính vì thế, việc hoà giải cần rất nhiều ơn Chúa Thánh Thần. Và một khi đã có ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta làm được hai việc đó một các dễ dàng và bình an. Cụ thể, sau khi bình phục sức khỏe, Thánh giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vào tận nhà tù để tha thứ cho kẻ ám sát mình. Rồi, để chuẩn bị đón mừng Năm Thánh 2000, Thánh Giaó Hoàng Gioan Phaolô II đã làm một cử chỉ ngoạn mục chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội. Đó là Người công khai nhìn nhận những lỗi lầm của Giáo Hội để xin mọi người tha thứ. Đây quả là một hoạt động của Chúa Thánh Thần để thanh tẩy Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã được ơn Chúa Thánh Thần nên đã ra đi làm hoà với mọi người. Chính cử chỉ khiêm nhường ấy đã giúp đổi mới Giáo Hội, đem đến cho Giáo Hội một khuôn mặt mới trẻ trung hơn, một sức sống mới dồi dào hơn, một phong cách hiện diện mới dễ thương dễ mến hơn.
Trong Tông Sắc về Năm về Năm Lòng Thương Xót tới đây, Đức Thánh Cha phanxicô nói rằng: “Lòng thương xót không phải chỉ là hành động của Chúa Cha, nhưng còn trở thành tiêu chuẩn để hiểu ai là những người con đích thực của Chúa. Trong thực hành, tất cả chúng ta đều được kêu gọi sống lòng thương xót vì lòng thương xót đã được áp dụng cho chúng ta trước tiên: vì thế, tha thứ những xúc phạm người ta làm cho chúng ta chính là một mệnh lệnh mà các tín hữu Kitô không thể tránh né hoặc bỏ qua. Tha thứ dường như là điều khó khăn, nhưng tha thứ chính là phương tiện đặt trong những bàn tay mong manh của con người để đạt tới sự thanh thản trong tâm hồn, để sống hạnh phúc”.
Ước gì, sức mạnh của Lời Chúa và với ơn Chúa Thánh Thần chúng nhận được mỗi ngày, xin cho mỗi người chúng ta có nhiều lửa tình yêu, nước bình an và gió sức mạnh để chúng ta sẵn sàng xin lỗi nhau, tha thứ cho nhau hầu cộng đoàn chúng ta, gia đình và xã hội chúng ta được hạnh phúc, bình yên và tươi mới. Amen.
16. Ra đi-tha thứ – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Khi nói về Chúa Thánh Thần, ta thường nghĩ đến bảy ơn Người ban qua bí tích Thêm Sức. Ta như người lãnh nhận một cách thụ động. Và những ơn Người ban chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống ta. Đó thực là một quan niệm sai lầm tai hại. Thực ra, Đức Chúa Thánh Thần là nguồn sự sống mãnh liệt, là sự trẻ trung của Giáo Hội, là năng lực đổi mới thế giới. Hãy đọc lại bài đọc I, ta sẽ thấy sức mạnh đổi mới của Người mãnh liệt như thế nào. Người như luồng gió cường tráng. Người như ngọn lửa bừng bừng. Luồng gió và ngọn lửa ấy đã khơi dậy nguồn năng lực tiềm ẩn nơi những bác thuyền chài thất học, biến họ thành những con người thay đổi thế giới. Nhận lãnh ơn Đức Chúa Thánh Thần là nhận lãnh sứ mạng hành động. Hôm nay, Chúa Giêsu tóm tắt sứ mạng hành động đó qua 2 nhiệm vụ: Ra đi và Tha thứ.
Nhiệm vụ thứ nhất mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là RA ĐI: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nhận lãnh Chúa Thánh Thần là được sai đi. Chúa Thánh Thần là sức mạnh hành động. Người không thể bị giam hãm trong những căn phòng đóng kín cửa. Người không ưa thích những tâm hồn khép kín trong ủ rũ điêu tàn. Người đến đâu là mở tung cửa nhà ra đến đấy. Mở ra để đón lấy những luồn gió mới tươi mát. Mở ra để đón nhận mọi người đến với mình. Và nhất là mở ra để mình đến với mọi người. Một cuộc sống không giao tiếp sẽ trở nên nghèo nàn, tàn lụi. Một tâm hồn chỉ quy hướng về bản thân sẽ chẳng khác một vũng ao tù, ô nhiễm. Ra đi sẽ giúp ta nên phong phú, mạnh mẽ. Ra đi không phải là lang thang không mục đích, nhưng là đi đến những địa chỉ Thánh Thần muốn gửi ta đến. Những địa chỉ Thánh Thần muốn ta đến đó là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19). Chúa Thánh Thần sẽ mở tung cánh cửa ích kỷ. Người sẽ phá tan cánh cửa hẹp hòi. Người sẽ củng cố những tâm hồn nhút nhát. Người sẽ quét sạch mọi lớp bụi bặm rêu phong. Người sẽ đổ tràn vào hồn ta nguồn nhựa sống mới giúp ta hăng hái lên đường.
Nhiệm vụ thứ hai mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là THA THỨ: “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha”. Tha thứ, hoà giải luôn là một vấn đề lớn của thế giới. Trên thế giới, những cuộc chiến tranh, chia rẽ, xung khắc xảy ra hầu như hằng ngày. Con người là bất toàn, nên sống chung là có bất đồng, xung khắc. Nếu cứ mỗi lần có xung khắc, ta loại trừ đi một người bạn, thì có lẽ cuối cùng ta sẽ chẳng còn người bạn nào. Người ta khong thể sống một mình. Mỗi người đều cần đến người khác. Sống chung với nhau là một nhu cầu. Vì thế, việc tha thứ, hoà giải là vô cùng cần thiết. Hoà giải hệ tại ở hai động tác: xin lỗi và tha lỗi. Hai việc đều khó làm. Vì con người đầy tự ái. Dù biết mình lỡ lầm, nhưng ít có ai đủ can đảm nhận lỗi và xin lỗi. Xin lỗi đã khó, tha lỗi còn khó hơn. Chính vì thế, việc hoà giải cần rất nhiều ơn Chúa Thánh Thần, ở đây, ta phải nhìn vào Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô như tấm gương sáng chói. Người là tấm gương sáng về sự ra đi. Cuộc đời Người là một cuộc ra đi không biết mệt mỏi. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng Người vẫn lên đường đi đến với mọi dân tộc, mọi đất nước. Người tiếp xúc với tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, chính kiến, mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ. Người đi đến với cả những kẻ chống đối, bất hoà và thù nghịch với Người. Để chuẩn bị đón mừng Năm Thánh, Ngươi đã làm một cử chỉ ngoạn mục chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội. Đó là Người công khai nhìn nhận những lỗi lầm của Giáo Hội để xin mọi người tha thứ. Đây quả là một hoạt động của Chúa Thánh Thần để thanh tẩy Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã được ơn Chúa Thánh Thần nên đã ra đi làm hoà với mọi người. Chính cử chỉ khiêm nhường ấy đã giúp đổi mới Giáo Hội, đem đến cho Giáo Hội một khuôn mặt mới trẻ trung hơn, một sức sống mới dồi dào hơn, một phong cách hiện diện mới dễ thương dễ mến hơn.
Ta hãy biết noi gương Đức Thánh Cha. Hãy biết ra đi, không chỉ là đi hành hương viếng nhà thờ để lãnh ơn toàn xá, nhưng còn là ra đi đến với những người bé nhỏ, nghèo hen, những người bị bỏ rơi, những người kém may mắn ở đời, những người ta không ưa thích, những người chống đối ta, cả những người làm hại ta nữa. Nhất là hãy gieo rắc sự tha thứ. Tha thứ cho anh em để anh em cũng tha thứ cho ta, để chúng ta xứng đáng trở thành con Thiên Chúa. Đức Chúa Thánh Thần muốn đổi mới Giáo Hội. Nhưng việc đổi mới phải bắt đầu từ mỗi tâm hồn. Đức Chúa Thánh Thần sẽ canh tân bộ mặt thế giới, nhưng việc canh tân phai khởi đi từ mỗi con người. Ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhân ơn Chúa Thánh Thần và hăng hái cộng tác với chương trình của Người.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đổi mới tâm hồn con.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Đức Chúa Thánh Than mời gọi bạn ra đi đến với người khác. Bạn có thường đi thăm viếng những người nghèo hèn, nhất là những người bạn không có cảm tình không?
2- Bạn có muốn tha thứ, làm hoà với người khác không? Bạn đã có cố gắng nào để làm hoà trong Năm Thánh?
3- Bạn nghĩ gì về việc Đức Thánh Cha xin lỗi?
4- Bạn có sẵn sàng để Đức Chúa Thánh Thần biến đổi bạn không?
17. Lễ Hiện Xuống mới
1. Sách Công vụ Tông đồ mô tả ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống như một biến cố vĩ đại làm rung chuyển từ căn nhà gia đình đến rung chuyển cả thành Giêrusalem, làm chấn động đoàn môn đệ đến vang dội cả thiên hạ. Đó là ngày lễ lớn của gia đình, của dân tộc và cả thiên hạ.
– Trong gia đình: Mọi người đang tụ họp đều nghe thấy tiếng vang dội từ trời xuống, mãnh liệt như gió bão ào ào. Tất cả đều thấy những hào quang xuất hiện tỏa sáng trên đầu mỗi người. Cả gia đình đều được tràn đầy Thánh Thần và nói nhiều thứ tiếng.
– Trong thành thánh: Người ta thấy ồn ào, mọi người tuôn đến. Họ kinh ngạc, sửng sốt và thán phục. Họ sốt sắng lắng nghe những lời chân lý lạ lùng do một tập đoàn đang rao giảng.
– Từ khap muôn phương thiên hạ: Người Rôma, người Hy Lạp, người Ai Cập đến những người trung đông đều được nghe loan báo những kỳ công của Thiên Chúa bằng tiếng mẹ đẻ của mình, bằng văn hóa dân tộc địa phương mình.
2. Ai đã làm rung chuyển cả thế giới như thế? Thưa là “Chúa Thánh Thần”. Thánh Phaolô đã trả lời cho giáo đoàn Corintô như thế (1Cr. 12,3-7): “Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta đã được tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, biết được chỉ có một Thien Chúa, nhờ Thánh Thần, chúng ta được thanh tẩy để xứng đáng trở nên chi thể của Đức Kitô.
Thánh Thần đã tạo dựng một cộng đoàn mới, một dân tộc mới, một thế giới mới, một nhân loại mới, sống thành một gia đình tuyen xưng Thiên Chúa là Cha mình. Họ sống thành tông đồ đoàn, thành giáo đoàn, thành Giáo Hội, thành dân tộc của Thiên Chúa, lan rộng muôn phương. Tất cả đều uống một Thánh Thần với nhiều đặc sủng, nhiều việc khác nhau, tất cả đều hợp nhất với nhau nên một thân thể Đức Kitô, tất cả đều hoạt động cho muôn dân thấy những kỳ công của Thiên Chúa đang thương yêu cứu độ họ.
Ngày nay, trước một thế giới đầy biến động và phân hóa khôn lường. Đức Giáo Hoàng Gioan 23 đã kêu gọi họp Công Đồng Vaticano II để cầu nguyện cho Giáo Hội và thế giới “Một lễ Hiện xuống mới”. Tất cả các Hồng Y, Giám Mục và Viện Phụ từ khắp mặt đất đều đồng tâm nhất trí về họp tại Vatican từ năm 1962 đến năm 1965. Có bốn kỳ họp, mỗi kỳ hơn hai tháng gồm từ 2152 đến 2391 nghị phụ với hàng ngàn chuyên gia lỗi lạc: linh mục, tu sĩ và giáo dân, soạn thảo hàng trăm văn kiện, được thảo luận đúc kết, và bỏ phiếu tán thành bốn Hiến Chế: Phụng Vụ, Tín Lý Giáo Hội, Tín Lý Mặc Khải và Mục Vụ Giáo Hội trong thế giới ngày nay, với 9 Sắc Lệnh về Truyền thông xã hội, về các Giáo Hội: Công giáo, Đông Phương, về Nhiệm vu Giám Mục, về đời sống Dòng tu, về đào tạo Linh mục, về Tông đồ giáo dân, về Hoạt động truyền giáo, về Chức vụ Linh mục, về Hiệp nhất, và 2 Tuyên ngôn: về Giáo dục Kitô giáo, về liên lạc Giáo Hội với các tôn giao ngoài Kitô giáo.
Đó là một Lễ Hiện xuống mới để trở về với Đức Kitô, thực hiện tin mừng tình thương cứu độ của Ngài cho muôn dân. Muôn dân đã được nghe lời Chúa bằng tiếng mẹ đẻ của mình trong Thánh lễ, trong các phép Bí tích, không còn cảnh ngơ ngác phải nghe tiếng Latinh xa lạ.
Từng gia đình đã được gần gũi lời Hằng sống bằng những cuốn Kinh thánh quý giá in chữ viết của mình. Từng thánh đường được thấm nhuần lời Thánh ca bằng những âm điệu bản sắc văn hóa của mình.
“Họ đã được nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Thần… Thánh Thần đã tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung… để tất cả đều được tràn đầy một Thánh Thần duy nhất” (Bài đọc 2).
Muôn lạy Chúa Thánh Thần, xin mau mau ngự đến, cho tâm hồn tín hữu cháy lửa yêu mến Ngài, cho Giáo Hội trinh trong hiệp nhất muôn thế hệ, cho trần gian thấm nhuần muôn ơn phúc. Lạy Ngài xin đổi mới lòng trí con. Amen.
18. Khai sinh Giáo Hội truyền giáo – Thiên Phúc
(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’)
Giải Nobel Hòa bình năm 2000 đã được trao cho Tổng Thống Hàn Quốc Kim Dae-Jung, một con người đã từ 30 năm nay đấu tranh không mệt mỏi cho công bằng, dân chủ và hòa hợp.
Tổng Thống Kim là một người Công giáo, được Đức cố TGM Seoul rửa tội vào năm 1956. Trong một đất nước chỉ có 10% dân số là Công giáo thì sự kiện này cũng đang nhắc nhở về sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo tại lục địa Á Châu này.
Phần thưởng này đã được các vị lả đạo và chức sắc tôn giáo ở Hàn Quốc hân hoan chúc mừng. Một vị Hòa thượng lãnh đạo một Tông phái Phật giáo lớn nhất ở Hàn Quốc nhận định như sau: “Tổng thống Kim Dae-Jung sẽ được ghi nhớ như một vị lãnh đạo nổi bật của thế giới”.
***
Lễ Hiện xuống là lễ khai sinh một Giáo hội truyền giáo. Và nỗ lực đấu tranh cho công bằng, dân chủ và hòa bình với danh nghĩa là người Công giáo như Tổng thống Kim Dae-Jung chính là một công cuộc truyền giáo.
“Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Rồi Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 21-22). Các Tông đồ đã nhận lãnh Thánh Thần để ra đi truyền giáo. Chính Thánh Thần đã làm cho các ngài hoàn toàn đổi mới.
Từ chỗ không hiểu gì cả, thì nay các ngài đã hiểu rõ tất cả.
Từ sự nhát đảm run sợ, cửa đóng then cài, thì nay các ngài mạnh dạn can đảm mở toang cửa ra.
Từ những dân chài ít họ, thì nay các ngài nói được nhiều thứ tiếng khác nhau.
Bằng chứng là Pherô, trước đây run sợ trước câu hỏi của một cô đầy tớ, thế mà nay dám đứng lên rao giảng giữa những người đã giết chết Thầy mình, khiến cho 3000 người gia nhập Giáo hội với chỉ một bài giảng duy nhất.
Không những các ngài can đảm rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh, mà còn dám hy sinh cả tính mạng vì danh thánh ấy. Tất cả các ngài đều đã chịu tử vì đạo. Và sau Pherô, 39 vị Giáo hoàng tiên khởi đều anh dũng chết vì đạo thánh.
Người ta tưởng các ngài say rượu, nhưng thật sự thì các ngài đang say Chúa.
Người ta nghĩ các ngài điên dại, nhưng quả thật thì các ngài đang đầy tràn Thánh Thần.
Lễ Hiện xuống không chỉ là ngày khia sinh Giáo hội, mà Lễ Hiện Xuống vẫn còn tiếp diễn, nghĩa là Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động trong Giáo Hội. Người ta gọi Công đồng Vatican II là một Lễ Hiện Xuống mới, một luồng gió mới đã thổi vào Giáo Hội để canh tân cho thích hợp với độ chóng mặt của thế giới ngày nay. (năm nay 1963-2013 kỉ niệm 50 Công đồng Vatican II, năm Đưc Tin của Giáo Hội Công giáo do Đức Thánh Cha Bênedictô XVI công bố)
Công đồng đã long trọng khẳng định: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo” (TG 2). Đức Gioan Phaolô II nhận định: “Đã đến lúc phải dốc toàn lưc trong Giáo Hội vào một cuộc loan báo Tin Mừng mới và vào sứ vụ đến với muôn dân. Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo Hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này: Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc” (Sứ vụ Đấng Cứu Độ, 3).
Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ sau khi tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ bảy liên Hội đồng Giám mục Á Châu đã có cảm nhận rất sâu sắc này: “Giáo Hội tại Châu Á phai là một giáo hội truyền giáo”. Ngài giải thích: “Vì Chúa Giêsu là người châu Á, Giáo Hội Thiên Chúa đã được phát sinh tại châu Á, và ý định của Thiên Chúa là cứu độ hết mọi người, thế mà hôm nay lại rất ít người châu Á biết Chúa và tin theo Chúa” (CGDT số 1250). Quả thật, tại châu Á, đông dân nhất năm châu mà chỉ có 3% dân số tin theo Chúa. Đó là nỗi ray rứt của mỗi người chúng ta, mà cũng là thách thức từng ngày của mỗi tín hữu Kitô.
***
Lạy Chúa, xin hãy thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, văn minh và an bình cho tha nhân, nhất là khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới; nhưng trước hết, là cho những người bên cạnh chúng con bằng đời sống phục vụ và yêu thương. Amen.
19. Chứng nhân cho Chúa – Thiên Phúc
(Trích trong “Như Thầy Đã Yêu”)
Ngày 12 tháng 10 năm 1999, một cậu bé nặng 3,55 kg đã chào đời lúc 00:03 tại Sarajevo, Bosnia. Cậu đã được Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Anna chào đón như là biểu tượng của người dân thứ 6 tỷ của Thế giới (C 6 B: Day of 6 billionth person). Sự chọn lựa này chỉ là ngẫu nhiên, do ông Tong Thư ký đang công tác ở Bosnia.
Chỉ trong ngày 12-10, ước tính có khoảng 370.000 trẻ em trên thế giới chào đời, phân nửa trong số đó là trẻ em Châu Á. Các chuyên gia dân số thế giới chào đón ngày này với sự … lo lắng, vì hầu hết số trẻ ấy sẽ sống trong nghèo đói và thất học… Chỉ trong thế kỷ 20, dân số thế giới đã tăng gấp ba và nếu tính trong vòng 12 năm, dân số thế giới tăng độ một tỷ người. LHQ ước đoán dân số thế giới sẽ là 8,9 tỷ vào năm 2050. Nhà sinh thái học David Pimentel của Đại học Cornell cảnh báo: “Đến năm 2100, sẽ có 12 tỷ con người khốn khổ chịu đựng cuộc sống khó khăn trên trái đất”.
Nhưng không phải ai cũng đồng tình với nỗi lo ve “ngày ảm đạm, u tối”, khi dân số thế giới đạt đến con số 6 tỷ. Nhà kinh tế học Stephen Moore lại cho rằng: “Dân số thế giới đạt 6 tỷ là món quà tặng cho sự khéo léo và khả năng sáng tạo của con người”.
***
Mỗi Lễ Hiện Xuống là một ngày khai sinh mới của Giáo Hội. Chúa Thánh Thần chính là linh hồn của Giáo Hội. Người hằng huy động, hướng dẫn, hiệp nhất dể xây dựng Giáo Hội. Giáo hội đã có một lịch sử dài suốt 20 thế kỷ. Cần một luồng gió mạnh thổi đến, lùa vào, đổi mới mọi sự.
Công đồng Vatican II, chính là ngày “Lễ Hiện Xuống mới” của Giáo hội. Nếu ngày xưa thánh Phero đã mở tung cửa đón nhận Thánh Thần Thiên Chúa, thì ngày nay đức Thánh Cha Gioan 23 cũng đã khai mở Công đồng như một ngày “lễ Hiện Xuống mới”, đem lại cho Giáo Hội một luồng sinh khí mới, một bộ mặt mới. Để rồi từ đó, muôn dân nước được nghe Lời chúa bằng tiếng mẹ đẻ trong Thánh lễ và trong các Bí tích, được hát Thánh ca bằng ngôn ngữ dân tộc mình. Với 4 Hiến Chế, 9 Sắc Lệnh và 3 Tuyên Ngôn, giáo hội đã mở rộng ra với thế giới, để bắt kịp đà tiến triển của thời đại văn minh.
Qua làn hơi thở của Chúa, qua sức mạnh của Chúa Thánh Thần, hôm nay chúng ta cũng trở nên chứng nhân của Chúa cho đến tận cùng trái đất: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). Thế giới hôm nay đã bước sang thế kỷ 21, với 6 tỷ người chen chúc trong đó, nhưng chỉ có trên 1 tỷ người Công giáo. Đó là trách nhiệm của mỗi người chúng ta, là nỗi trăn trở và day dứt khôn nguôi của người tín hữu: những chứng nhân của Nước Trời.
Chúng ta là chứng nhân cho Chúa, khi chúng ta ngồi lại với nhau, giải quyết tranh chấp, xây dựng hòa bình.
Chúng ta là chứng nhân cho Chúa, khi chúng ta chăm lo cho người nghèo, quan tâm đến trẻ thơ và người già yếu.
Chúng ta là chứng nhân cho Chúa, khi chúng ta đem niềm vui đến cho những người bất hạnh, mang lại nụ cười cho những kẻ khổ đau.
Thiên Chúa rất cần những chứng nhân như thế, để đổi mới bộ mặt trái đất, làm tươi mát khuôn mặt địa cầu.
Thiên Chúa rất cần những chứng nhân đi xây dựng một thế giới, nơi đó con người yêu thương nhau hơn.
Thiên Chúa rất cần những chứng nhân đi thánh hóa trần gian bằng đời sống tin tưởng, tràn đầy niềm vui.
***
Lạy Chúa Thánh Thần, xin cho chúng con gặp được Người trong những nụ cười trao cho nhau, trong những hy sinh vô vị lợi, và trong nỗi thao thức xây dựng một thế giới huynh đệ hơn. Amen.
20. Ý nghĩa cuộc sống.
Chúa Thánh Thần đem lại gì cho chúng ta. Đó là câu hỏi chúng ta cùng nhau tìm hiểu. Và ơn huệ đầu tiên Ngài đem lại đó là đức tin. Chính đức tin sẽ tạo nên nơi chúng ta một cái nhìn mới.
Kể từ nay, chúng ta không còn cúi mặt nhìn xuống đất, mà còn có thể ngước mắt nhìn lên trời. Và qua những thực tại trần gian, chúng ta sẽ tìm thấy những giá trị siêu nhiên. Chúa Thánh Thần sẽ mở ra một chân trời mới, sẽ hướng dẫn chúng ta bước vào cõi sống đời đời. Hẳn rằng đã hơn một lần chúng ta băn khoăn và tự hỏi: Hỡi người, người là ai? Tại sao người lại sống trên mặt đất này. Rồi người sẽ đi về đâu? Mục đích cuộc sống của người là gì? Ý nghĩa cuộc sống của người là gì?
Có một nhà hiền triết nọ cũng đã suy tư như thế. Hôm đó, ông đi lang thang trong rừng, miệng không ngừng lặp lại câu hỏi: Đâu là ý nghĩa của cuộc sống? Bỗng một con họa mi bay đến và nói: Ý nghĩa cuộc sống ư? Chỉ là tiếng hót véo von. Rồi nó bay đi nhưng vẫn con vương lại những âm thanh dễ mến. Nghe vậy, chú chuột chù phản đối: Đời là một cuộc chiến đấu không ngừng với bóng tối.
Thế nhưng chị bướm lại lắc đầu không chịu: Cuộc sống chỉ là hưởng thụ và vui thú. Bấy giờ bác ong mật phát biểu: Cuộc sống không chỉ là vui thú, mà còn là lao động, lao động nhiều hơn vui chơi. Cô phượng hoàng thì vỗ cánh và nói: Chẳng ai có lý hết, đời sống chính là tự do, được tung bay trên khắp khoảng trời xanh. Cu tùng bách thì lắc đầu và bảo: Đời sống là một cố gắng để vươn cao. Nhưng cô hồng nhung lại quả quyết: Cuộc đời chỉ là những tháng ngày trau chuốt cho vẻ đẹp được thêm duyên dáng. Còn chàng mây lang thang lại thở dài: Đời sống chỉ là những lần chia ly, khổ đau, cay đắng và nước mắt. Còn bà sóng thần thì bảo: Đời là một sự đổi thay không ngừng.
Nhà hiền triết hốt hoảng và chạy trốn khỏi khu rừng để không còn nghe tiếng nói của muôn loài trước một vấn nạn chưa được giải quyết.
Còn chúng ta thì sao? Rất có thể chúng ta cũng đã băn khoăn như nhà hiền triết, để rồi cảm thấy như bế tắc, không tìm ra đáp số cho bài toán.
Thế nhưng với biến cố Hiện xuống, các môn đệ đã nhìn rõ vấn đề, đã thấu suốt được những chân lý mà Chúa Giêsu đã truyền dạy. Với ơn Chúa Thánh Thần chúng ta cũng sẽ nếm thử được niềm an bình và nỗi mừng vui, bởi vì chúng ta xác tín rằng: quê hương chúng ta không phải ở mặt đất này, nhưng là ở chốn trời cao. Cuộc sống tạm bợ phù du này sẽ kết thúc để rồi mở ra một chân trời hạnh phúc, kéo dài tới vĩnh cửu. Nhờ đức tin lãnh nhận, chúng ta có được cái nhìn mới và biết đánh giá đúng mức những thực tại trần gian, biết xử dụng chúng để xây dựng cuộc sống siêu nhiên.
Thánh Cyrillo đã so sánh: Chúa Thánh Thần tác động trong chúng ta như ánh sáng mặt trời tác động trên con mắt. Nếu đi từ bóng tối ra ánh sáng, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều vật trước kia chúng ta không nhìn thấy. Cũng vậy, với Chúa Thánh Thần chúng ta sẽ nhìn xem tất cả bằng cặp mắt siêu nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra những giá trị thiêng liêng cho cuộc sống tạm gửi này, để rồi chúng ta sẽ không dừng lại, sẽ không đầu tư cho những vui thú chóng qua, nhưng sẽ tìm kiếm và đầu tư cho hạnh phúc vĩnh cửu.
Ngày xưa Chúa Thánh Thần bay lượn trên nước và đã biến cái đám hỗn mang thành một vũ trụ có trật tự thế nào, thì bây giờ Ngài cũng bay lượn, cũng hiện diện trong tâm hồn để biến con người tội lỗi, vô trật tự của chúng ta thành một Kytô hữu đích thực, Ngài sẽ cởi bo con người cũ của chúng ta, biến chúng ta trở nên một tạo vật mới, một con người mới. Vậy con người mới ấy là như thế nào? Chắc hẳn bề ngoài chúng ta vẫn như trước vẫn giống với mọi người, có đầu, có mắt, có trái tim, nhưng cách thức chúng ta nhìn ngắm, cách thức chúng ta suy nghĩ, cách thức chúng ta yêu mến thì lại hoàn toàn thay đổi, như lời tiên tri Êgiêkiel đã diễn tả: Ta sẽ rảy nước tinh tuyền trên các ngươi và các ngươi sẽ được trong sạch. Ta sẽ cất khỏi các ngươi trái tim bằng đá, nhưng sẽ ban cho các ngươi một trái tim bằng thịt. Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới và một thần khí mới.
Với Chúa Thánh Thần ngự trong tâm hồn, chúng ta sẽ nhìn cuộc sống, nhìn những người anh em, nhìn thế giới, nhìn dòng lịch sử một cách khác. Chúng ta sẽ nhìn những khổ đau, những thử thách và những đắng cay một cách khác. Chúng ta sẽ tìm thấy được những giá trị siêu nhiên của chung.
Bởi đó, hãy mở cửa đón nhận Chúa Thánh Thần, hãy lắng nghe tiếng nói của Ngài, hãy bước đi dưới sự soi dẫn của Ngài, hãy sống theo những gì Ngài chỉ bảo. Đừng dập tắt ngọn lửa của Ngài, để nhờ đó, Ngài sẽ hun đúc đức tin, để nhờ đó chúng ta biết đánh giá đúng mức những thực tại trần gian.
21. Bình an giữa chốn phong ba – Thiên Phúc
(Trích “Như Thầy Đã Yêu”)
Báo Tuổi Trẻ Chúa nhật số ra ngày 29-4-2001 có đăng bài “sự bình an” như sau: Một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều họa sĩ đã cố công. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một.
Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình an thật hoàn hảo.
Bức tranh kia cũng có những ngọn núi nhưng những ngọn núi này trần trui và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xóa. Bức tranh này trông thật chẳng bình an chút nào.
Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ong thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó, giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang an nhiên đậu trên tổ cua mình. Bình an thật sự.
Nhà vua công bố: “Ta chấm bức tranh này! Sự bình an không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cự nhọc. Bình an có nghĩa ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp ta vẫn cam thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của bình an.
***
Sau khi Đức Giêsu chịu chết, các tông đồ sợ người Do Thái lùng bắt, nên đã trốn vào phòng, cửa đóng then cài.
Giữa cơn phong ba bão táp, Đức Giêsu sống lại, hiện ra với các ông, như chim mẹ an nhiên đậu trên tổ canh giữ bầy con, Người mang lại cho các ông sự bình an đích thực: “Bình an cho anh em!”
Bình an của Đấng Phục Sinh không phải là thứ bình an không có sóng gió. Bình an của Người là bình an trong tâm hồn. Bình an ấy không loại trừ phải đối đầu với kẻ thù. Bình an ấy giúp ta đối diện với khổ đau và nỗi chết. Chính vì thế mà sau khi trao bình an, Đức Giêsu đã cho các môn đệ “xem tay và cạnh sườn” Người. Đó là bằng chứng của một cuộc chiến đấu đầy gian truân mà các môn đệ sẽ phải đi tới.
“Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,21-22). Nhận được bình an, lòng tràn ngập hân hoan, các môn đệ không còn nhát sợ. Với sức mạnh của Thánh Thần các ngài mạnh dạn tung cửa ra ngoài, hiên ngang rao giảng về Đức Giêsu, Đấng đã bị người ta giết chết, nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại. Người đang hiện diện sống động giữa các ngài và đang hoạt động mãnh liệt trong các ngài.
Lễ Hiện Xuống nhắc nhở người tín hữu về một Thánh Thần bình an đã hoạt động trong lòng Giáo Hội suốt hơn 2000 năm qua. Người cũng đang hiện diện trong những người đã lãnh nhận Bí tích Thêm Sức để sai họ đi làm chứng nhân cho Tin Mừng.
Làm chứng cho Tin Mừng là để Thánh Thần mở toang cánh cửa tâm hồn, không còn nhát sợ nhưng can đảm chiến đấu với thử thách, khổ đau trong cuộc sống.
Làm chứng cho Tin Mừng là để Thánh Thần dẫn dắt chúng ta đến với người nghèo khổ, bất hạnh, để tận tình yêu thương và kính trọng họ cho xứng với phẩm giá con người.
Làm chứng cho Tin Mừng là để Thánh Thần là để Thánh Thần thúc đẩy chúng ta đến với những người chưa nhận biết Chúa bằng đời sống dấn thân phục vụ trong hân hoan.
Nếu mỗi người tín hữu biết mềm mại để Thánh Thần canh tân đổi mới, nếu mỗi chúng ta biết lắng nghe tiếng nói thầm lặng nhưng mạnh mẽ của Thánh Thần, thì mọi người sẽ thấy những biến đổi kỳ diệu trên toàn thế giới.
***
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến như ngọn gió mát, thổi vào cuộc đời chúng con luồng sinh khí mới để cả trái đất này được thay da đổi thịt trong cùng một Thánh Thần Tình Yêu. Amen!.
22. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và đồng hành với con người. Ngài hiện diện cách sống động và xuyên suốt trong cuộc đời mỗi người nhưng nhiều khi danh Ngài không được nhắc đến với đầy đủ ý thức của con người. Qua giáo lý ta biết Ngài là Ngôi Ba Thiên Chúa. Đôi khi vô tình ta đóng khung Ngài trong 7 ơn mà ta lãnh nhận trong ngày chịu Bí tích Thêm sức. Trong các giờ kinh cũng thế, ta chỉ kêu cầu danh Ngài lúc khởi sự nhưng về sau thì không khi nào nhắc đến danh Ngài nữa. Nếu như ta chỉ nhớ và kêu cầu Chúa Thánh Thần cách vắn tắt ở đầu giờ kinh hay chỉ giới hạn hoạt động của Chúa Thánh Thần trong một vài Bí tích đó là điều vô cùng thiếu sót.
Chúa Thánh Thần đã xuất hiện ngay từ buổi đầu cuộc tạo dựng. Trong suốt lịch sử dân Chúa, Ngài luôn hiện diện, trong cuộc đời Chúa Giêsu Ngài luôn đồng hành, và nhất là trong hội thánh Ngài luôn hoạt động, dạy dỗ, ủi an, đổi mới con người. Bài Tông Đồ Công Vụ trình bày sư kiện Chúa Thánh Thần xuất hiện cách bất ngờ và biến đổi cuộc sống các tông đồ đến tận gốc rễ. Tiếng gió ùa mạnh vào cả căn nhà, những hình lưỡi lửa lần lượt đậu trên đầu các ông, ai nấy đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần.
Ngày nay mỏ dầu, mỏ than là nhưng nguồn năng lượng đang cạn dần trên thế giới và sẽ biến mất đi. Nhưng gió và lửa là nguồn năng lượng vật chất vô cùng phong phú, không bao giờ cạn và luôn mới mẻ. Gió và lửa là biểu tượng cho những nguồn sức mạnh tinh thần, là ơn lành của Chúa Thánh Thần trao ban. Chúa Thánh Thần đến để làm mới lại bộ mặt trái đất. Đổi mới tâm hồn con người để họ rao truyền Nước Thiên Chúa. Hoạt động của Ngài liên lĩ không lúc nào gián đoạn, nghỉ ngơi.
Chúa Thánh Thần đổi mới ý chí các tông đồ.
Từ ngày Chúa Giêsu bị bắt và bị giết chết, các tông đồ sống trong sợ hãi. Các ông đã chối thầy và đã trốn chạy. Cửa nha lúc nào cũng khoá chặt, đóng kín. Chúa Thánh Thần xuất hiện, giờ đây các ông mạnh dạn mở toang cửa phòng, ra đi rao giảng Tin mừng Phục sinh cho hết mọi người. Bị bắt bớ, các ông không sợ. Bị đánh đòn các ông vẫn kien trung. Sau cùng các ông đã dùng chính máu mình làm chứng cho nhưng lời rao giảng. Chúa Thánh Thần hoạt động thật lạ lùng nơi những con người yếu đuối.
Chúa Thánh Thần đổi mới những toan tính bất chính
Làm môn đệ Chúa Giêsu, các ông đều ấp ủ cho riêng mình những ước mơ trần tục. Theo Chúa để được chức trọng quyền cao, theo Chúa để được ngồi bên tả, bên hữu. Ai cũng muốn là người lớn nhất, quan trọng nhất. Các ông theo thầy mà không yêu mến thầy, trái lại chỉ yêu chính bản thân mình. Từ khi được ơn Chúa Thánh Thần các ông đã không còn tranh giành hơn kém, cao thấp nữa. Từ nay các ông hoạt động cho Thiên Chúa và sẵn sàng chết đi vì yêu mến Chúa. Chúa Thánh Thần đã hướng những ước mơ thấp hèn nơi các ông thành những ước mơ cao thượng. Biến đổi những trái tim chai đá thành trái tim bằng thịt. Biến đổi những trái tim chỉ biết yêu mình giờ đây biết yêu rung động yêu thương người khác.
Chúa Thánh Thần biến đổi trí khôn các tông đồ.
Các ông là những người chài lưới, ít học, một chữ cắn đôi cũng không biết. Suốt những năm theo thầy, các ông được dạy nhiều điều nhưng hiểu thì chẳng bao nhiêu. Chúa Thánh Thần hiện đến, trí khôn các ông như bừng tỉnh sau cơn mê kéo dài. Các ông hiểu biết về Chúa, hiểu biết về giáo lý của Chúa và có thể ra đi giảng dạy cho nhiều người thuộc mọi dân tộc khác nhau. Chúa Thánh Thần cho các ông có khả năng nói nhiều tiếng lạ. Các ông say sưa rao giảng đến nỗi nhiều người bảo “họ đầy rượu rồi”. Các ông không say rượu nhưng là đang say Chúa, đang say sưa rao giảng Tin mừng Nước Chúa. Người ta nghĩ các ông điên dại nhưng thực ra các ông đang tràn đầy Chúa Thánh Thần.
Anh chị em thân mến, Giáo hội được khai sinh từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo hội đã có một trang sử kéo dài đã 20 thế kỷ rồi. Giáo hội vẫn tiếp tục cần những luồng gió mạnh của Chúa Thánh Thần ùa đến, lùa vào để đổi mới mọi sự. Mỗi dịp mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một dịp khai sinh mới của Giáo hội. Qua làn hơi, Chúa Thánh Thần trao ban sự sống cho chúng ta. Qua hình lưỡi lửa Chúa Thánh Thần tẩy xoá tâm hồn ta khỏi mọi tội lỗi. Đồng thời Ngài ban sức mạnh để ta trở nên những chứng nhân của Chúa đến tận cùng trái đất.
Ngày nay, Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động và biến đổi không ngừng bộ mặt trái đất. Như xưa Ngài biến đổi các tông đồ thế nào, thì hôm nay Chúa Thánh Thần tiếp tục làm cho cuộc sống con người thêm mới bằng cách biến đổi cuộc sống từng người.
Các tông đồ từ chỗ không hiểu biết gì, Chúa Thánh Thần cho các Ngài hiểu biết tất cả. Chúa Thánh Thần cùng sẽ mở trí khôn để ta hiểu biết Lời Chúa, nhận biết thánh ý của Thiên Chúa.
Các tông đồ từ chỗ nhát đảm, sợ sệt, suốt ngày cửa đóng then cài. Khi Chúa Thánh Thần xuất hiện các Ngài đã mở tung cửa và đi rao giảng. Chúa Thánh Thần cũng sẽ thôi thúc ta thi hành điều tốt đẹp cho người khác, mạnh dạn làm chứng cho Chúa ở trần gian.
Các tông đồ từ một trái tim chỉ biết sống cho mình, Chúa Thánh Thần cho các tông đồ một trái tim biết sống cho Chúa và cho người khác. Chúa Thánh Thần đến biến đổi trái tim chúng ta luôn biết yêu thương, gắn kết với hết mọi người trong niềm vui, niềm hy vọng và sự cảm thông.
Anh chị em, cho dù ta muốn hay không muốn, tin hay không tin thì Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động trong Giáo Hội và biến đổi từng người. Chớ chi ta biết mở mắt tâm hồn để nhận ra bao cuộc hiện xuống của Chúa Thánh Thần trong đời mình. Biết mở rộng tâm hồn để sống theo ơn Ngài thôi thúc hầu cuộc sống được Chúa Thánh Thần không ngừng đổi mới trong yêu thương, sẵn sàng làm chứng cho Tin Mừng Nước Chúa ở trần gian.
23. Anh em biết Người, vì Người luôn ở trong anh em
(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)
Trước khi về với Chúa Cha, và trong quyền năng của Đấng Phục Sinh, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ Thần Khí của Người, ‘Người thổi hơi vào các ông và bảo: “anh em hãy nhận lấy Thánh Thần!”; vậy thì Thánh Thần là ai mới được?
Phúc âm ghi lại hai từ vựng Đức Giêsu dùng để chỉ nhân vật này: ‘Thần Khí’ (Divine Spirit) có nguồn gốc Cựu Ước, và ‘Đấng Bảo Trợ’ (Paraclet) một danh xưng hoàn toàn mới.
Trong Cựu Ước thần khí Chúa có nghĩa là ‘sức mạnh của Đức Chúa’, tức đơn thuần là một thuộc tính của Thiên Chúa. Trong ngôn ngữ Tân Ước của Đức Giêsu, Thần Khí là một nhân vật biệt lập: Thánh Thần (Holy Spirit) xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con. Và còn hơn thế nữa, khi chuyển từ Cựu Ước qua Tân ước, chính nội dung của thuộc tính ‘sức mạnh’ cũng đã bị thay đổi hầu như hoàn toàn: từ sức mạnh của quyền uy biến thành sức mạnh của lòng thương xót, từ sức mạnh của phán quyết xét xử trở thành sức mạnh của cứu độ thứ tha. Chính vì lẽ đó mà một danh xưng mới cần được chế tác để biểu thị nhân vật này đó là: ‘Đấng Bảo Trợ’.
Đương nhiên là hiểu được nội dung của từ vựng mới này (nguyên ngữ Hy Lạp là parakletos) không phải chuyện đơn giản; đây đã từng là điều gây tranh cãi giữa các nhà chú giải và dịch thuật Thánh Kinh. Tác giả Gio-an đã sử dụng từ vựng này cả trong cuốn Phúc âm thứ tư lẫn trong lá thư thứ nhất của ngài (xem Ga 14:16.26, 15:26,16:7, 18:36; và 1 Ga 2:1). Danh xưng này được áp dụng cho chính Đức Giêsu trước hết, và cho nhân vật sẽ được Người phái đến sau này: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một ‘Parakletos’ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14:16). Parakletos có thể hiểu là người bênh vực, là trạng sư, là cố vấn, là người an ủi đỡ nâng, là người đứng về phe kẻ tin trước tòa án tối cáo để khỏi bị kết án… Trong 1 Ga 2:1 chính Đức Giêsu được gọi bằng danh xứng Parakletos: “Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha; đó là đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính”. Do đó, Thánh Thần chỉ là ‘Đấng Bảo Trợ khác’ (Allon Parakleton) được phái đến sau khi Đức Giêsu trở về nhà Cha.
Thánh Thần chính là: ‘khí lực cứu độ và thứ tha của Đức Kitô Giêsu’. Hiểu biết Thánh Thần trong nội dung đó quả là điều tối quan trọng. Toàn bộ cuộc đời Đức Giêsu, suốt cuộc sống và nhất là qua cái chết thập giá của Người, chỉ là biệu hiện và thực thi lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa là Cha; do đó chỉ trong Thần Khí, Kitô hữu mới thật sự thấu hiểu được một Thiên Chúa từ nhân, như Đức Giêsu muốn mạc khải cho biết: “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều” (Ga 14:26). Sau ngày Đức Giêsu về trời, điều kiện tối cần để trở thành môn đệ chính là nhận lãnh Đấng Bảo Trợ này, “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”; về điều này Đức Giêsu khảng định cách thẳng thắn: “Thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14:17). Như vậy, Thánh Thần không phải là một nhân vật xa lạ gì đối với các tín hữu: Người hòa nhập vào niềm tin của mỗi Kitô hữu đặt nơi Đức Giêsu – Parakletos. Thánh Phao-lô đã hiểu và diễn tả Thánh Thần như thế trong tất cả các thư của ngài (đặc biệt xem Rm 8:15 và Gl 4:6).
Đức Giêsu trước khi ra đi để về với Cha, đã hứa ban Đấng Bảo Trợ của Người cho các môn đệ; sau khi sống lại từ cõi chết Người đã thổi hơi Thánh Thần trên môn đệ; trong ngày lễ Ngũ Tuần, Parakletos – Thánh Thần đã bốc cháy dữ dội trên các tông đồ và mọi kẻ tin (với tâm điểm hiện diện là Đức Maria); và thế là niềm tin vào Giêsu – Paracletos bắt đầu bùng lên trên khắp mặt đất. Kể từ ngày đó, Hội thánh trở thành một tập thể những người được Thánh Thần tác động, để có thể tuyên xưng và loan truyền cho mọi người, mọi thế hệ biết: “Giêsu Kitô là Cứu Chúa”, là Thiên Chúa – Đấng từ nhân.
Rồi cũng trong tác động của cùng một Thánh Thần này, mà Đức Maria – đệ nhất tín hữu đã được các thế hệ Kitô hữu sau này cầu khẩn dưới danh xưng ‘trạng sư’ (advocata nostra); tước hiệu này quả xác đáng lắm thay! Nhưng không chỉ Đức Maria, mà toàn thể Hội Thánh và mỗi Kitô hữu chúng ta, đặc biệt các linh mục của Đức Kitô trong Thần Khí, cũng phải trở thành người bảo trợ – trạng sư (parakletos – advocatus) cho những người nghèo khổ và tội lỗi nhất, để minh chứng cách cụ thể rằng Thánh Thần Chúa vẫn còn tiếp tục hiện diện cách sinh động giữa lòng nhân thế. Don Bosco đã từng là như thế đối với các thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi; do đó ngài đòi các tu sĩ Sa-lê-diêng của mình chính xác điều này: ‘trở thành dấu chỉ và người mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho các thanh thiếu niên’. Cũng vậy, rất nhiều vị thánh khác như cha sở họ Ars – thánh Jean Marie Vianney, hay Mẹ Tê-rê-xa Kơn-ka-ta đã đối sử với các tội nhân đớn hèn và những kẻ cùng khổ, thông qua việc trao ban bí tích giải tội và các việc bác ái phục vụ. Chính qua việc thể hiện mình là ‘parakletos’ mà chúng ta có thể đo lường được đức tin của mình và sức sống Thánh Thần trong ta!
Lạy Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, xin hãy ở lại trong con bằng sức mạnh yêu thương mà chính Người đã nhận được từ Đức Kitô Giêsu; xin Người nối kết con với Đức Giêsu Thập Giá, để con có thể đón nhận cách trọn vẹn sự bảo trợ thần linh của Người. Trong và nhờ sự dẫn dắt của Mẹ Maria, xin hãy biến đổi con, và mọi phẩm trật trong Hội Thánh Chúa, được trở thành các tác nhân mang lại niềm hy vọng và cậy trông cho hết thảy mọi người, đặc biệt những ai tội lỗi, yếu đuối và nghèo hèn nhất… trong tác động mãnh liệt của Người là Thánh Thần bảo trợ và là Đấng ủi an. Amen.
24. Thần Khí sự thật và sự thật toàn vẹn
(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB)
Tôi vẫn thường thắc mắc về ý nghĩa hay nội dung đích thực của ‘sự thật toàn vẹn’. Nhiều bản văn Thánh Kinh Anh ngữ dùng các từ ‘all truth, whole truth, all the truth’ để dịch từ ‘aletheia pase’ tiếng Hy Lạp. Đối với tôi, vấn đề chính ở đây là xác định được nội dung của ‘sự thật’ hay ‘chân lý’ mà Đức Giê-su nhiều lần đề cập tới, thậm chí có lúc còn tự đồng hóa mình với aletheia (xem Ga 14:6). Nói như thế vì tôn giáo nào cũng thường cho mình là dạy dỗ sự thật, hoặc mình thủ đắc chân lý duy nhất đúng, và đề ra cả một hệ thống thuyết giáo phức tạp để quảng diễn chân lý hay sự thật đó. Trong lãnh vực này, thiết tưởng đạo Công giáo chúng ta cũng không là ngoại lệ.
Thế nhưng nếu có thứ chân lý của hiểu biết, thì cũng có chân lý hay sự thật của cứu rỗi. Khi tuyên bố với các kỳ mục trong Hội Thánh Ê-phê-xô rằng: ông đã rao giảng cho họ ‘tất cả ý định của Thiên Chúa’, Phao-lô chỉ đơn thuần khảng định rằng, ông rao truyền cho họ tất cả những hiểu biết cần thiết để tiến tới ơn cứu độ (Cv 20:17-35). Ông cũng nói với các tín hữu Cô-rin-tô rằng: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu… mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì!” (1 Cr 13:2). Chính Đức Giê-su đã từng khảng định rằng: có sự thật giải thoát, có chân lý thánh hóa’ (Ga 4:22; 17:17-19). Trong cuộc đối đáp giữa Người với Phi-la-tô, thuật ngữ ‘sự thật’ đã được hai người hiểu rất khác nhau là thế. Rõ ràng ‘chân lý toàn vẹn’ không thể chỉ là hiểu biết, mà phải là ‘sự thật cứu rỗi’.
“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi”. Có điều gì các môn đệ không chịu nổi hay chậm hiểu? Các lý luận thần học hay các tín lý trong đạo chăng? Đương nhiên là mấy ông môn đệ đó khó có thể hiểu nổi…, nhưng Đức Giê-su đâu có đòi điều này nơi những người bình dân chất phác như các ông. Không, tất cả các ông đều đang đi tìm sư cứu rỗi cho mình và cho toàn dân Ít-ra-en; tuy nhiên cũng như phần đa các người Do Thái khác, các ông cho rằng sự cứu rỗi rõ ràng hệ tại ở việc tuân giữ lề luật. Thực hiện Giao Ước với Gia-vê như thể con đường duy nhất dẫn tới giải thoát, cả về mặt chính trị lẫn thiêng liêng. Vấn đề ở đây là, làm sao các ông chịu hiểu ra rằng, sự cứu rỗi và giải thoát duy nhất phải tới từ Đức Ki-tô, từ cuộc tử nạn của Người, vì qua đó Thiên Chúa mới biểu lộ được trọn vẹn tình yêu và lòng nhân ái của Người?
Rõ ràng, khi giáo huấn các môn đệ bằng các dụ ngôn và lời giảng dạy, Đức Giê-su cố giải thích cho các ông hiểu nội dung cứu rỗi này. Người coi việc thực hiện trước mắt các ông nội dung này, qua việc chính các ông phải là những chứng nhân của cuộc tử nạn và thập giá Người chịu, là điều tối quan trọng. Tiếp theo, trong suốt thời gian sau khi sống lại, Người vẫn không ngừng giải thích cho các ông hiểu sự thật giải thoát này. Tuy nhiên xem ra các ông vẫn chưa thấm; đúng là các ông không có sức chịu nổi, và sẽ chẳng bao giờ chịu nổi, bao lâu còn bị truyền thống xã hội và tôn giáo ngàn năm bao vây. Do đó Đức Giê-su thấy cần phải “sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha… một Đấng Bảo Trợ”. Công việc chính của Đấng này là ‘làm chứng về Thầy’, là làm cho Đức Giê-su được nhận biết, nhất là qua cuộc tử nạn thập giá và phục sinh Người, như dấu chỉ chân thực nhất của mạc khải vĩ đại ‘Thiên Chúa đã yêu thế gian tới nỗi đã ban Con Một Người…’ (Ga 3:16). Phải chăng ‘sự thật toàn vẹn – all truth – aletheia pase’ hệ tại chính ở điều này, đó là sự thật của cứu rỗi giải thoát, chứ không chỉ là sự thật của hiểu biết suy tư? Và sự thật này thì chỉ Thần Khí Chúa mới ‘dẫn’ tới được! Phao-lô từng khảng định với các Ki-tô hữu gốc Do Thái đang sinh sống tại Rô-ma rằng: không có Thần Khí này, họ vẫn chỉ là ‘nô lệ và phải sợ sệt như xưa’, nhưng một khi lãnh nhận Thần Khí “Anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên Áp-ba! Cha ơi!” (Rm 8:14-17). Chính vì thế mà Đức Giê-su gọi Chúa Thánh Thần là ‘Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha’ (Ga 15:26). Và công việc của Thánh Thần không chỉ là dạy dỗ các tín hữu biết mọi lẽ đạo, mà phải là ‘làm chứng về Thầy…’, và ‘cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu’.
Thần học hay giáo lý, chủ yếu vẫn là công việc của trí tuệ và hiểu biết của con người. Điều mà cá nhân tôi và mọi ki-tô hữu thực sự cần là ‘sự thật toàn vẹn’, có sức cứu roi và giải thoát. Vì thế sống Thánh Thần liên tục là điều kiện thiết yếu để tôi vun trồng niềm tin yêu vào Thiên Chúa cứu độ trong Đức Ki-tô Giê-su… và biến đời tôi thành nhân chứng sống động của tình yêu nhân hậu đo. Vì từng là một linh mục của thần học và trí tuệ, tôi càng có khuynh hướng coi sự thật chỉ là hiểu biết và lý luận; chính vì thế mà tôi càng cần xác tín về ‘sự thật cứu rỗi’ này và nhận ra sự cần thiết tuyệt đối cua nó, nhất là cho chính mình.
Lạy Đấng Bảo trợ là Thánh Thần Thiên Chúa đang hiện diện nơi thẳm sâu cõi lòng con, xin không ngừng dẫn con tới ‘sự thật toàn vẹn’ mà rất nhiều khi con bị trí tuệ làm cho quên lãng. Trong mọi hoàn cảnh, nhất là giữa những thử thách yếu đuối và sa ngã, xin hãy cứ tiếp tục ‘rên siết khôn tả’ trong con (Rm 8:26), cho tới khi con dám chân thành mở miệng thốt lên từ đáy lòng mình: ‘Áp-ba! Cha ơi!’ Amen.
25. Đấng Bao trợ – ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên
Một câu chuyện vui kể lại, có anh thanh niên đang học giáo lý dự tòng, khi học kinh Chúa Thánh Thần, anh học mãi mà không thuộc. Khó nhất là nhiều lần cứ lặp đi lặp lại “Chúa Thánh Thần xuống… Chúa Thánh Thần lại xuống….”. Anh sốt ruột nói với bà xơ dạy giáo lý: “Sao không thấy Chúa Thánh Thần lên mà thấy cứ xuống hoài?” Bà xơ trả lời: “Nếu Chúa Thánh Thần mà lên thì thế giới này sẽ bị hủy diệt còn ghê gớm hơn là bom nguyên tử!”
Kinh Chúa Thánh Thần nhắc lại một biến cố quan trọng trong lịch sử cứu độ: đó là ngày lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Thần đến để canh tân Giáo Hội. Kể từ ngày ấy, Chúa Thánh Thần luôn hiện diện để nâng đỡ và bảo trợ Giáo Hội. Sở dĩ người tín hữu cầu xin Chúa Thánh Thần, vì họ xác tín rằng, mọi hoạt động, nếu muốn thành công, cần có ơn của Chúa Thánh Thần, vì Ngài là Đấng Bảo trợ.
“Thày sẽ sai Đấng Bao trợ đến với anh em” (x.Ga 16, 7). Chúa Thánh Thần đã đến để quy tụ nhóm các môn đệ đang hoang mang sợ hãi, biến đổi lòng họ và làm cho họ trở thành những nhân chứng trung kiên của Đấng Phục Sinh.
Lịch sử Giáo Hội, nhất là mở miền Bắc Việt Nam, chứng minh sức mạnh kỳ diệu của Chúa Thánh Thần. Trong những năm tháng khó khăn, thiếu vắng linh mục, không có lớp giáo lý, không có những hoạt động tông đồ, nhưng Chúa Thánh Thần vẫn âm tham hoạt động. Ngài tác động nơi những ông trùm, bà quản, văn hóa rất khiêm tốn, nhưng lại mạnh mẽ lạ thường. Lý lẽ của họ rất đơn giản mà mang tính thuyết phục. Kiến thức của họ rất sơ sài mà lại là nền tảng cho một đức tin chắc chắn. Có những cụ ông cụ bà đạo đức thánh thiện truyền lại đức tin cho con cháu chỉ bằng những lời kinh đơn sơ. Nhờ những “chứng nhân đức tin” này mà biết bao ngôi thánh đường được gìn giữ, biết bao cộng đoan đức tin được duy trì, tồn tại ….. Chúa Thánh Thần hoạt động nơi người tín hữu và ban cho họ sức mạnh, soi sáng cho họ biết những gì cần phải làm. Giáo Hội tồn tại là nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, thông qua những con người bình dân và trung tín ấy. Là Đấng Bảo trợ, Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn và làm cho Giáo Hội phát triển.
Và hôm nay, hai mươi thế kỷ sau sự kiện Ngũ Tuần, Ngôi Ba Thiên Chúa vẫn đang từng giờ từng phút bảo trơ Giáo Hội và làm cho Giáo Hội sống. Cũng như Chúa Thánh Thần luôn làm cho vũ trụ được sống, Ngài cũng luôn luôn thông truyền sức sống siêu nhiên cho Giáo Hội “Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay, và chúng trở về chỗ tro bụi của mình. Nếu Ngài gởi hơi thở tới, chúng được tạo thành, và Ngài canh tân bộ mặt trái đất” (Tv 103,29). Nếu một ngày nào đó, không có ơn Chúa Thánh Thần nâng đỡ, Giáo Hội sẽ trở thành xác không hồn. Chính Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội của Chúa Ki-tô lan tỏa một vẻ đẹp diệu kỳ. Vẻ đẹp ấy thể hiện qua tình hiệp nhất giữa các tín hữu, qua sức mạnh của đức tin, qua tính linh thiêng của những nghi thức phụng vụ. Chúa Thánh Thần còn làm cho vẻ đẹp Giáo Hội rạng ngời nơi khuôn mặt và cuộc đời các tín hữu, giúp họ dấn thân hy sinh, kiên vững trung thành sống chết vì Chúa.
Sách Giáo lý của Giáo Hội công giáo đã liệt kê những biểu tượng chỉ Chúa Thánh Thần như: nước, sự xức dầu, lửa, áng mây và ánh sáng, dấu ấn, bàn tay, ngón tay, chim bồ câu. Tất cả những biểu tượng trên diễn tả những nhu cầu cần thiết để con người có thể sống trên trần gian. Thế gian sẽ vắng bóng sự sống nếu không có Chúa Thánh Thần. Cuộc sống con người sẽ mất định hướng nếu không có Chúa Thánh Thần.
Ca Tiếp liên của phụng vụ hôm nay cũng diễn tả những hoạt động đa dạng của Ngôi Ba Thiên Chúa. Ngài luôn thực thi sứ mạng “bảo trợ” trong suốt đời sống con người và đời sống đức tin “Nếu không có Chúa hộ phù, trong con người còn chi thanh khiết?”.
Nhờ sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần mà các tín hữu được liên kết với nhau trong tình hiệp thông. “Tất cả chúng ta đã lãnh nhận cùng một Thần Khí duy nhất là Thánh Thần, nên một cách nào đó chúng ta được kết hợp với nhau và với Thiên Chúa. Mặc dầu chúng ta nhiều người và mặc dầu Đưc Ki-tô đã làm cho Thần Khí của chúa Cha và của Người cư ngụ trong mỗi người chúng ta” (thánh Cyrillô thành Alexandria). Bài đọc I và bài đọc II trong Phụng vụ đều diễn tả vai trò của Chúa Thánh Thần là Đấng liên kết moi tín hữu nên một. Lễ Ngũ Tuần hàn gắn những chia rẽ đổ vỡ của thời Ba-ben trong Cựu ước. Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội sống động như một thân thể, gồm nhiều chi thể khác nhau, nhưng cùng chung một sự sống.
Việc nhận lãnh Chúa Thánh Thần giúp người tín hữu thực hiện được biết bao điều kỳ diệu. Khi Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần cho các môn đệ, Người cũng ủy thác cho các ông quyền tha tội và cầm buộc và biết bao quyền năng khác, đến nỗi các ông có thể làm được phép lạ, như chính Chúa Giêsu đã làm. Khi chúng ta được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ thực hiện được những “phép lạ” trong cuộc sống, đó là vượt lên sự chết, canh tân đổi mới cuộc đời để sống cuộc sống mới.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến canh tân cõi lòng chúng con. Xin soi sáng cho chúng con và mọi người trong thế giới hôm nay, để hết thảy cùng chung tay xây dựng một thế giới an bình hạnh phúc. Amen.
26. Tặng phẩm Chúa Thánh Thần
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Hãng tin Catholic News Service cho biết: Một trong rất nhiều khoảnh khắc thu hút sự chú ý của báo giới là lúc trao đổi quà lưu niệm giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và tổng thống Obama.
Tổng thống Mỹ tặng Đức Thánh Cha một hộp đầy hạt giống các loại cây và rau được trồng khu vườn của Nhà Trắng.
Ngoài ra, tổng thống Mỹ còn chuyển tới Đức Thánh Cha món quà của tổ chức Thomas Jefferson’s Monticello. Đó là số hạt giống đủ để sản xuất vài tấn sản phẩm. Quà này sẽ được Đức Thánh Cha giao lại cho bất kỳ tổ chức nhân đạo nào mà Đức Thánh Cha chọn.
“Mòn quà là ghi nhận những nỗ lực của Đức Thánh Cha khi gieo trồng những hạt giống hòa bình cho các thế hệ tương lai”. Phát ngôn viên Tòa Thánh cho biết như vậy.
Đức Thánh Cha tặng lại tổng thống hai huy chương lớn bằng đồng, có hình một thiên thần- biểu tượng cho sự đoàn kết và hòa binh. “Vị thiên thân đang ôm ấp và bảo vệ trái đất trước sự lấn tới của con quái thú”. Vatican cho biết như vậy.
Chúa Giêsu cũng tặng cho nhân loại một quà tặng vô giá là Chúa Thánh Thần. Ngài chính là sứ giả của hòa bình, của hiệp nhất yêu thương. Ngài là biểu tượng của hòa bình. Ngài là hạt giống của hòa bình được gieo vào nhân gian.
Chúa Thánh Thần là món quà vô giá vì Ngài là chính Chúa Ngôi Ba, là một trong Ba Ngôi hằng có đời đời. Ngài hiện diện sống động trong hoàn vũ, trong mọi công trình tạo dựng đều có sự tác động của Ngài. Ngài cũng trở nên sống động nơi mỗi người nếu biết đón nhận Ngài và để cho Ngài hoạt động theo chương trình của Ngài.
Chúa Thánh Thần được ban cho Giáo Hội. Giáo Hội thông ban Chúa Thánh Thần đến cho các tín hữu. Các tín hữu có bổn phận làm cho ơn ban là Chúa Thánh Thần được sinh hoa kết trái trong chính đời sống hằng ngày của mình. Mỗi người tín hữu đều được lãnh nhận Chúa Thánh Thần trong bí tích Rửa Tội và được lãnh nhận một cách tròn đầy qua bí tích Thêm sức. Nhờ đó mỗi người sẽ được Chúa Thánh Thần tác động trở nên chứng nhân cho Tin mừng.
Trong công trình tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp là nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Trong việc khai sinh Hội Thánh cũng nhờ Chúa Thánh Thần đã biến đổi các tông đồ nên một con người mới, có khả năng canh tân thế giới. Chính nhờ Chúa Thánh Thần đã thổi tan những sợ hãi nơi các môn đệ để các ngài dấn thân rao giảng Tin mừng.
Thực vậy, các tông đồ là những người yếu đuối, đầy bất toàn, thế nhưng nhờ ơn Chúa Thánh Thần các ngài trở nên mạnh mẽ, can trường. Các ngài còn trở nên tác nhân chính để canh tân bộ mặt trái đất. Thử hỏi, nếu không có ơn Chúa Thánh Thần làm sao các tông đồ có thể chu toàn sứ vụ Chúa trao trong thời kỳ bách hại đầy nguy nan. Có những cuộc bách hại đẫm máu nhưng các ngài vẫn xác tín: “Máu của các thánh tử đạo sẽ trổ sinh muôn vàn các tín hữu”. Các ngài đã vượt qua nỗi sợ hãi để can trường làm chứng cho Tin mừng. Nhất là nhờ Chúa Thần Thần đã bù đắp những khiếm khuyết bất toàn nơi các Tông đồ để các ngài có đủ năng lực chu toàn sứ vụ Chúa Giêsu đã trao.
Hôm nay, mừng kính Chúa Thánh Thần là dịp nhắc nhở chúng ta về hồng ân cao quý này. Hãy biết đón nhận Chúa Thánh Thần. Hãy để Chúa Thánh Thần canh tân đổi mới cuộc đời chúng ta. Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng canh tân bộ mặt trái đất. Hãy cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần để đoi mới trần gian. Ước gì mổi người chúng ta đều được Chúa Thánh Thần thánh hóa thành con cái Chúa thì cũng được Chúa Thánh Thần thúc đẩy ra đi loan báo tin mừng. Ước gì chúng ta cũng trở thành chứng nhân cho thế giới về tình yêu, sự hiệp nhất, bình an mà Chúa Thánh Thần sẽ mang đến cho trần gian. Amen.
27. Thần Linh nối kết trời đất
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Có ai đó nói rằng: “Nếu cuộc đời vắng bóng Thánh Linh, thì Thiên Chúa sẽ nghìn trùng xa cách”.
Nhưng nhờ Thánh Linh, Thiên Chúa đã ngỏ lời với con người. Ngài hiện diện giữa con người. Ngài trở nên gần gũi với con người. Nhờ Thánh Linh mà con người có thể tiếp xúc với Thiên Chúa một cách thân tình, gần gũi trong tình cha con.
Lần giở lại những trang đầu của Kinh Thánh, nhờ thần khí Chúa mà thế gian hết u minh. Bóng tối bị đẩy lùi. Thiên Chúa đã viếng thăm trái đất và ở lại cùng trái đất. Thần Linh Chúa đã làm nên sức sống cho địa cầu. Thần Linh Chúa bay lượn trong cõi u minh và nhờ đó mà mọi loài được đi vào trật tự, vào quy trình của sự sống, và Thiên Chúa đã và đang hoạt động trên mọi loài Ngài đã dựng nên nhờ Thần Linh là Ngôi Ba Thiên Chúa.
Qua Tân ước, cũng nhờ quyền năng của Thánh Linh mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã hiện diện trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Từ nay, Thiên Chúa trở nên con người giống như con người. Thiên Chúa lưu lại nơi con người qua thân xác con người. Thiên Chúa trở thành Emanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Thiên Chúa trở nên mọi sự cho mọi người, khi Ngài dấn thân phục vụ mọi người, khi Ngài ban phát ơn lành đến cho mọi người. Nhờ Thánh Linh mà con người nhận lãnh được biết bao ơn huệ của Thiên Chúa ban xuống cho con người. Cũng chính nhờ Thánh Linh đã phục sinh Đức Ky-tô từ cõi chết sống lại. Nhờ Thánh Linh mà Đức Ky-tô đã vinh thăng khải hoàn về trời.
Ở thời đại này, người ta tin ở tài năng của con người, ở kỹ thuật của con người, ở tiền vàng đô la hơn là tin ở quyền năng vô biên của Chúa Thánh Linh. Thế nhưng, Giáo hội vẫn tin rằng: sự hình thành và phát triển của mình là nhờ quyền năng của Chúa Thánh Linh. Thử hỏi, sau khi Đức Kitô về trời, Hội Thánh tiên khởi vỏn vẹn chỉ có 12 tông đồ, với hai bàn tay trắng và một số vốn kiến thức không đáng gì, nhưng các ông đã ra đi trong lòng tin vào Chúa Thánh Linh. Thế mà chưa đầy ba mươi năm sau, Tin Mừng đã đi đến tận cùng trái đất khởi đầu từ Giê-ru-sa-lem – dọc Địa Trung hải – lan tỏa khắp Châu Âu… Dù rằng nhân sự không được đào tạo như hôm nay, để trở thành một linh mục cũng mất hơn mười năm, Thế nhưng, ngày đó: “Trong mỗi Hội Thánh các ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, các ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin” (Cv 14,23), vì các tông đồ tin rằng chính Thiên Chúa đã mở cửa đức tin cho dân ngoại chứ không phải các ngài. Chính Chúa Thánh Linh đào tạo con người tông đồ và sai đi.
Là người ky-tô hữu chúng ta phải tin vào sự hiện diện của Thánh Linh đã làm nên Hội Thánh. Một Hội Thánh kiên vững giữa thế gian đầy gian ác luôn muốn loại trừ Hội Thánh. Một Hội thánh tinh tuyền dù rằng sống giữa thế gian đầy bóng tối của dâm ô, sa đọa. Chúa Thánh Linh đã được ban xuống cho các tông đồ qua Đức Giê-su. Chính Đức Giêsu Phục Sinh đã “thổi hơi trên các Tông Đồ, ban Thánh Thần và bình an”. Và nhờ Thánh Thần liên kết họ lại với nhau trong một Giáo hội Công giáo – Duy nhất – Thánh thiện và Tông truyền. Nhờ Chúa Thánh linh mà Giáo hội đã quy tụ muôn dân gồm đủ mọi sắc tộc, màu da thành một cộng đoàn những người tin theo Chúa Ky-tô và cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa.
Như thế, sứ mạng của Chúa Thánh linh là nối kết con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Nhờ Thánh linh mà con người được dìm mình trong lòng thương xót của Chúa. Nhờ Thánh Linh mà con người được sống sung mãn trong nguồn ân thánh của Thiên Chúa. Cũng nhờ Thánh Linh mà con người trở nên một gia đình của Thiên Chúa, là anh chị em với nhau và cùng tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi. Bên cạnh đó, hoa trái của Thần Khí chính là: “yêu mến, vui mừng, bình an, quảng đại, tốt lành, lương thiện, tín trực…” Kitô hữu nào đón nhận Thánh Thần Chúa Kitô, thì có khả năng thông ban sự vui mừng, bình an của ơn cứu độ sang người khác. Vì thế, nơi nào có Thần Khí Chúa Kitô Phục Sinh, thì nơi đó có yêu mến, vui mừng và bình an. Nơi nào không có Thần Khí Đức Kitô, thì nơi đó chỉ có xôn xao, gay gắt, ganh tỵ, dè chừng lẫn nhau và mất bình an vô tận.
Thế nên, là người ky-tô hữu chúng ta phải được lãnh nhận Chúa Thánh Linh. Nhờ Thánh Linh mà ta có thể đón nhận Đức Ky-tô và trở nên sứ giả hòa bình của Đức Ky-tô. Ước gì chúng ta biết nhận ra hồng ân của Chúa Thánh Linh để luôn dâng lời tạ ơn Chúa, đồng thời biết sống theo sự dẫn dắt của Thánh Linh mà bước theo chân lý vẹn tuyền để trở thành một sứ giả của bình an, hoan lạc cho thế gian.
Nguyện xin Chúa Thánh Linh ngự đến tràn đầy trong tâm hồn chúng con. Xin ban cho chúng con thần trí của Chúa để chúng con luôn biết khôn ngoan chọn lựa những giá trị vĩnh cửu hơn là những vinh hoa phú quý trần gian mau qua. Xin cho chúng con luôn tràn đầy Chúa Thánh Linh để chúng con hân hoan ra đi gieo rắc niềm vui và bình an đến cho muôn người. Amen.
28. Chúa Thánh Thần là Đấng bảo trợ Giáo Hội
(Trích trong ‘Cùng Nhau Suy Niệm’ – Lm Tạ Duy Tuyền)
Nhìn lại lịch sử với những thăng trầm, với những sóng gió, với những bóng tối của Giáo hội, đôi lúc người ta tưởng Giáo Hội đã tàn lụi. Người ta tưởng thế gian đã chiến thắng. Giáo hội của Chúa sẽ tan rã thê lương. Có những lúc kẻ cường quyền đã đè bẹp Giáo hội bằng những sắc chỉ cấm đạo, bằng những án tử hình ghê rợn, nhưng bạo chúa nào rồi cũng qua đi. Giáo hội vẫn tồn tại. Có những lúc Giáo hội đi vào những khúc quanh đen tối của dòng lịch sử khi mà thế quyền điều khiển Giáo hội, Giáo hội chỉ là con cờ trong tay chính quyền sai khiến, thế nhưng triều đại nào rồi cũng qua đi, bàn tay Thiên Chúa vẫn dẫn dắt Giáo hội đi theo thánh ý Chúa. Có những lúc Giáo hội tưởng như đã đổ xập xuống khi mà người điều hành Giáo hội lại sống thiếu bổn phận, thiếu trong sạch và đạo đức, nhưng Thiên Chúa vẫn giúp Giáo hội vượt qua những khủng hoảng, những mây mù đen tối để có thể tiếp tục bay cao, bay xa và đi đến tận cùng trái đất.
Giáo hội vẫn trường tồn qua mọi thời đại dầu có phải đương đầu với bao khó khăn, bất trắc và hiểm nguy vì linh hồn của Giáo hội chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa mãi hằng sống. Thiên Chúa vẫn hiện hữu giữa lòng Giáo hội. Chúa Giêsu Ngài đã chiến thắng thế gian. Ngài hứa ở cùng Giáo hội mọi ngày cho đến tận thế. Ngài là sức mạnh của Giáo hội đến nỗi cửa hoả ngục cũng không thắng được. Ngài là thành luỹ chở che Giao hội giữa những phong ba bão tố cuộc đời. Ngài còn ban cho Giáo hội Ngôi Ba Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần hằng hoạt động trong lòng Giáo Hội. Chính Chúa Thánh Thần sẽ bù đắp lại chỗ khiếm khuyết của Giáo Hội. Chính quyền năng Chúa Thánh Thần sẽ hiển trị nơi sự yếu hèn của những phần tử trong Giáo Hội. Chính Chúa Thánh Thần sẽ uốn nắn những tư tưởng, những đường lối lệch lạc, sai lầm của con người phải thuận theo thánh ý Thiên Chúa. Lịch sử cứu độ đã từng chứng minh cho thấy: con người từng toa rập với ma quỷ để phá đổ chương trình của Chúa, nhưng Thiên Chúa đã sửa sai và làm cho tốt hơn. Điển hình là tội của Adam đã phá vỡ những điều tốt đẹp trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã biến thành Tội Hồng Phúc để ban Đấng Cứu Thế cho nhân trần. Giuse đã từng bị các anh bán qua Ai Cập, nhưng đó lại là cơ hội để cứu giúp cho cả dòng tộc Giacop… Va còn, còn rất nhiều những lần Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử để đưa lịch sử trở về với chương trình của Thiên Chúa.
Hôm nay lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là dịp nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy tin vào quyền năng Chúa Thánh Thần. Hãy hân hoan bước đi trong lòng Giáo hội vì vẫn có bóng Thánh Thần che phủ trên hành trình Giáo hội. Giáo hội không thuộc về con người, nên cường quyền, thế quyền và thế lực của ma quỷ không thể làm cho Giao hội biến chất hay hư hoại. Thế gian luôn thù ghét Giáo hội. Thế gian luôn tìm cách phân chia Giáo hội. Vì Giáo hội thuộc về Thiên Chúa nên thế gian tìm cách loại trừ. Chúa Giêsu Ngài đã biết trước những khó khăn sẽ tới với Giáo hội, Ngài đã ban Chúa Thánh Thần là Đấng bảo trợ đến để gìn giữ, canh tân Giáo hội. Chúa Thánh Thần là Thầy dạy chân lý sẽ bảo vệ đức tin và hướng dẫn Giáo hội đi trong chân lý vẹn tuyền. Sự hiên diện của Chúa Thánh Thần trong lòng Giáo hội như muốn nói với chúng ta: Giáo hội không tồn tại bởi những con người cụ thể. Giáo hội càng không phát triển dựa vào tài trí một con người nào đó. Giáo hội luôn được lớn mạnh vì có sức sống thần linh của Ngôi Ba Thiên Chúa hoạt động trong Giáo hội.
Thực vậy, có ai nghĩ rằng chỉ vỏn vẹn 12 tông đồ yếu kém về trình độ học thức, về nghị lực lại có thể mang tin mừng Chúa trải rộng khắp Năm Châu? Có ai nghĩ rằng Phêrô vụng về năm nào lại có thể mang về cho Nước Chúa biết bao mẻ cá kỳ diệu là các tín hữu ky-tô? Có ai nghĩ rằng Giáo hội phát triển không nhờ tài trí con người, không nhờ những thoả hiệp với thế gian, những bổng lộc của vua quan mà Giáo hội phát triển, vươn lên mạnh mẽ qua những gian truân, những nước mắt và máu đổ, như lời Tertuniano đã từng nói: “Máu các thánh tử đạo sẽ làm trổ sinh các tín hữu”? Ở thế kỷ 20, có ai ngờ rằng biểu tượng sáng giá cho đời sống chứng nhân tin mừng lại nằm trong một con người nữ tu nhỏ bé thành Calcutta là Mẹ Têrêsa? Tất cả những điều kỳ diệu đó đều là hồng ân của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần có thể biến các tông đồ nhút nhát thành can trường. Chúa Thánh Thần có thể ban ơn khôn ngoan cho những con người yếu hèn để họ có thể làm việc của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần cũng có thể biến đổi kẻ từng bách hại đạo thành Chúa thành một tông đồ nhiệt thành ra đi mở mang Nước Chúa.
Vì thế, là người ky-tô hữu thiết tưởng chúng ta đừng nhìn Giáo hội với con mắt trần thế, chúng ta sẽ không thấy tương lai. Vì Giáo hội vẫn còn bất cập, vẫn còn những lập trường cá nhân hàm hồ, vẫn còn những khiếm khuyết nên có thể chúng ta sẽ thất vọng về những gì đang diễn ra trong Giáo hội. Hãy nhìn Giáo hội với con mắt của đức tin để dầu trong hoàn cảnh nào chúng ta vẫn trung thành với Giáo hội. Chúa sẽ có cách để gìn giữ Giáo Hội. Chương trình của Chúa chắc chắn sẽ cao hơn những gì chúng ta thấy, chúng ta nghĩ. Tư tưởng của Chúa luôn là sự kinh ngạc đến lạ thường mà con ngươi mãi mãi không thể hiểu được! Hãy tín thác vào Chúa để dầu trong hoàn cảnh nào chúng ta vẫn đứng về phía Giáo hội để cầu nguyện, để bảo vệ, để giúp Giáo hội vượt qua những khó khăn trước mắt. Đừng ngồi đó để nguyen rửa nhau hay giận dỗi nhau, nhưng hãy cùng nắm tay nhau đi chung một con đường có tên Giêsu. Con đường của Giêsu là con đường âm thầm, mục nát để đem lại sự sống cho đời. Con đường của Giêsu đến để phục vụ chứ không tìm vinh quang cho mình. Con đường đó Chúa muốn mỗi người chúng ta hãy trở nên như muối men giữa đời làm cho đời tốt hơn chứ không đảo lộn thế gian. Đừng bắt ai theo quan điểm của mình. Đừng lôi kéo ai theo phe nhóm mình. Hãy tìm lối sống hoà hợp giữa thế gian. Không hoà tan nhưng vẫn giữ được giá trị của phúc âm từ chính đời sống hiệp nhất yêu thương trong lòng Giáo hội.
Ngày 28 tháng 10 năm 1958, Đức hồng y Angelo Giuseppe Rollcali lên ngôi giáo hoàng lấy tước hiệu Gioan 23. Một ông lão không tiếng tăm lên lãnh đạo Giáo hội, nhiều người nghĩ rằng sẽ chẳng có gì mới với một ông lão gần đất xa trời. Thế nhưng, ông lão này đã làm nên một kỳ diệu được coi là le Chúa Thánh Thần hiện xuống lần thứ hai khi Ngài triệu tập công đồng Vaticano II để canh tân Giáo Hội. Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm những việc kỳ diệu cho dân Người. Chúng ta hãy hân hoan bước đi trong niềm tín thác vào Chúa. Và với lòng cậy trông chúng ta cùng thưa lên cùng Chúa Thánh Thần: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến thánh hoá chúng con trong chân lý và tình thương”. Amen.
29. Chúa Thánh Thần đến sửa sai
(Suy niệm của Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)
Nhìn vào xã hội hôm nay chúng ta thấy có quá nhiều những sai lầm. Những sai lầm được tích lũy từ thế hệ này chuyển qua thế hệ sau trở thành căn bệnh nan y. Hay có thể nói những sai lầm của người trẻ hôm nay là do thế hệ đi trước không cương quyết giáo dục họ và đôi khi còn làm gương mù gương xấu cho họ. Chúng ta thử ôn lại những điều sai lầm của người trẻ hôm nay là do lối sống của thế hệ trước ảnh hưởng trên lối sống của họ như thế nào?
Trước tiên đó là một xã hội vô thần. Không có Thiên Chúa. Không có Trời Phật. Con người chỉ là vật, sinh ra chết là hết. Điều đáng tiếc là nhiều người hưởng ứng. Không ai dám mạnh dạnh phản đối lý thuyết sai lầm ấy. Một thời gian rất dài chúng ta đã bị sự giáo dục vô thần ấy khiến con cái chúng ta đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa để rồi cổ vũ cho lối sống đạo tại tâm là theo ý mình, không theo luật Chúa.
Thứ đến là Cổ súy đạo tại tâm không cần cầu nguyện lễ lạy. Nhiều người cha không đến nhà thờ, coi thường luật lệ dẫn đến giới trẻ cũng không cảm thấy đi lễ, giữ luật Chúa là cần. Có cậu trẻ nói: ba ơi bao giờ con mới bằng ba. Ba hỏi: con hỏi để làm gì? Con thưa: để bằng ba thì con khỏi đi lễ.
Giáo dục học đường không đưa ra tiêu chuẩn luân lý trong giới tính mà chỉ dạy cho bọn trẻ cách tránh thai đã dẫn đến một số đông giới trẻ tự do luyến ái mà không hề có trách nhiệm về hành vi của mình.
Như vậy, một xã hội không dạy cho trẻ niềm tin, không dạy về luật lệ, và để cho trẻ tự do luyến ái đã dẫn đến một bộ phận giới trẻ sống buông tuồng, vô kỷ luật và phạm pháp.
Hôm nay lễ Chúa Thánh Thần là dịp để chúng ta nói lên vai trò của Chúa Thánh Thần là đến trần gian để an ủi, là dậy dỗ và uốn nắn con người. Thế nên, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần đến sửa sai cho thế gian. Xin Ngài hãy uốn nắn con người hôm nay cho khỏi những sai lầm. Xin Ngài dậy dỗ con người đi theo chân lý và tình yêu.
Dường như Chúa Giê-su đã nhìn thấy những sai lầm của thế gian do ma quỷ dẫn dắt đã và đang làm cho con người đi trong những sai lầm. Ma quỷ đời nào cũng cổ vũ một xã hội không tôn giáo để rồi sống chiều theo bản năng và coi thường luật lệ. Ma quỷ đời nào cũng tìm mọi cách dẫn dắt con người đi theo những đam mê trần tục để đánh mất chính mình trong thói hư tật xấu hay trong những đam mê tội lỗi.
Chúa Thánh Thần đã đến để canh tân thế giới. Nhờ Ngài mà thế giới đã được nghe tin mừng. Nhờ Ngài tác động mà hàng ngàn, hàng vạn người luôn tiếp nối nhau ra đi xây dựng Nước Chúa. Nhưng cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối dường như chưa kết thúc, lúc nào cũng có những bóng tối làm cho người ta ra mê muội lầm lạc. Lúc nào cũng có những bóng tối của tham vọng cuồng loạn dẫn đến loạn lạc chiến tranh và đau khổ.
Đây là lúc mà Giáo hội cần những chứng tá tin mừng để mang Chúa Thánh Thần đến cho thế giới. Xin hãy để Chúa Thánh Thần sử dụng chúng ta như khí cụ mang bình an cho thế giới, nhất là cùng với Chúa Thánh Thần để sửa những sai lầm của thời đại. Hãy can đảm sửa sai từ chính bản thân mỗi người biết đi theo đường lối Chúa. Hãy can đảm sửa sai cho những người thân trong gia đình để gia đình luôn tràn ngập ánh sáng của tin mừng. Hãy mạnh dạn sống tin mừng trong một thế giới có quá nhiều sai lầm ngõ hầu canh tân thế giới này mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
Xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên mỗi người chúng ta như xưa đã ngự xuống trên các tông đồ để nhờ đó chúng ta can đảm làm chứng cho tin mừng. Amen.
30. Xin hiệp nhất chúng con – Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Trong mỗi dịp sinh nhật, người ta thường đặt những ngọn nến tượng trưng cho mỗi năm tháng cuộc đời.
Bên ánh nến lung linh huyền bí, người ta trao gửi những ước nguyện, những ưu tư trăn trở sâu thẳm nhất của cõi lòng mình. Có lần tôi hỏi một em bé mừng sinh nhật rằng: “Em ước điều gì trong ngày sinh nhật của em?”. Em trả lời: “Em ước mơ cha mẹ tha thứ cho nhau và về chung sống trong một mái ấm gia đình”.
Một điều ước thật bình dị và cũng thật thiết thực. Cha mẹ em đã ly dị. Họ không còn yêu thương nhau. Họ chia tay nhau cũng đồng nghĩa chiếc nôi êm ấm của gia đình đã tan nát. Thế nên, em mong ước cho cha mẹ đoàn tụ để xây dựng lại mái ấm gia đình đã đổ vỡ. Một mái ấm đã từng rộn rã tiếng cười và đầy ắp yêu thương mà nay không còn nữa. Một mái ấm mà “ai đi xa” cũng nhớ về mà nay chỉ còn sự tiếc nuối xót xa, vì chồng một nơi, vợ một nơi!
Hôm nay là ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cũng là ngày khai sinh của Giáo Hội. Giáo Hội mừng sinh nhật thứ 2015 của mình. Chúng ta ước mơ điều gì? Giáo Hội còn những ưu tư, trăn trở nào mà bao nhiêu năm nay vẫn chưa hoàn thành ước nguyện? Phải chăng đó là sự hiệp nhất nên một trong Chúa? Phải chăng đó là bầu khí yêu thương mà sách Tông đồ Công vụ đã từng diễn tả: “Họ đồng tâm nhất trí với nhau. Họ coi mọi sự là của chung. Họ cử hành Thánh Thể với việc chia sẻ cơm bánh với nhau để không ai phải thiếu thốn” (Cv 2,42-46).
Thực vậy, hơn 2000 năm đã qua rồi, nỗi niềm khao khát quy tụ thành một đoàn chiên duy nhất của Thầy Chí Thánh Giêsu vẫn còn đó! Ngài khao khát cho ngọn lửa của yêu thương được bùng cháy mọi nơi, được lan toả đến mọi nhà và sưởi ấm mọi con tim đang giá băng! Thế mà lửa yêu thương vẫn còn nguội lạnh nơi nhiều gia đình, nhiều cộng đoàn và xứ đạo! Hơn 2000 năm đã qua, thế mà ngọn lửa hiệp nhất và yêu thương của Chúa Thánh Thần trong ngày Lễ Ngũ Tuần vẫn còn loe loét giữa thế giới mênh mông này. Đức Kitô đã bị “chia năm xẻ bảy” bởi Cong giáo – Chính Thống – Tin Lành – Anh giáo. Niềm tin con một Cha trên trời cũng bị phân tán bởi Do Thái giáo – Hồi giáo và Công giáo… Đây cũng là nỗi niềm khát khao của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khi mà Ngài đặt chân đến những vùng đất được coi là cấm địa của Hồi giáo, của Do Thái giáo. Ngài đang cùng với Thánh Thần đến để tìm lại tiếng nói chung, để xây dựng lại tình hiệp nhất của những người con Một Cha trên trời. Ngài đang thực hiện lại những bước chân hào hùng của các Tông đồ khi đầy tràn Chúa Thánh Thần năm xưa. Khi được đón nhận Chúa Thánh Thần, các ngài đã tháo cởi những ràng buộc trong căn phòng đóng kín. Các ngài đi đến với muôn dân. Các ngài dùng ngôn ngữ của Thánh Thần nên ai cũng hiểu. Ai cũng cảm thấy sự gần gũi của Giáo Hội. Một ngôn ngữ của tình yêu. Một ngôn ngữ tạo nên sự hiệp nhất thay cho sự chia ly thời Babel năm xưa.
Vâng, Thánh Thần cua Đấng Phục Sinh đã đến. Ngài đã mở ra cho các môn đệ chân trời mới của cuộc sống, khiến các ông phải mở tung cánh cửa đang khép kín mà đến với muôn dân, mà thổi vào lòng nhân thế tình yêu và sức sống của Chúa. Ngon gió Thánh Thần đó vẫn tiếp tục mang lại sự đổi mới cho con người hôm nay nếu chúng ta biết mở lòng ra cho ơn Chúa tác động, nếu chúng ta dám quên đi cái tôi của mình để Chúa Thánh Thần hoạt động trong chính cuộc đời chúng ta và biến chúng ta thành sứ giả của yêu thương, của hiệp nhất và bình an.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến trong tâm hồn chúng con và nhóm lên ngọn lửa tình yêu Chúa trong lòng chúng con, để chúng ra đi xây dựng tình hiệp nhất và yêu thương cho con người hôm nay. Amen.
31. Lễ Hiện Xuống
Ngày nay, hơn bao giờ hết nhân loại đang mong muốn hoà bình. Nền hoà bình mang lại cho con người sự tự do đích thật, bình an đích thật. Có hoà bình, người ta an tâm học hành, làm việc và phát triển các chiều kích vật chất, tinh thần và tâm linh. Như thế, hoà bình hay bình an đích thật chính là nỗi khát mong tự bao đời của con người.
Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống là ngày lời hứa của Chúa Giêsu được thự hiện: “Thầy sẽ xin Cha và Cha sẽ ban cho chúng con một Đấng an ủi khác đến ở với các con mãi mãi”. Đấng ấy sẽ ban cho chúng ta sự bình an đích thật trong tâm hồn. Đấng ấy sẽ giúp cho chúng ta tìm kiếm và thi hành sự bình an đích thật.
Trong Tin Mừng, sự bình an, đặc biệt sự bình an trong tâm hồn, được coi là một giá trị hết sức quan trọng. Khi Đức Giê-su sinh ra, muôn vàn thiên thần đã hát mừng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Khi sai các môn đệ, Đức Giêsu khuyên: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy” (Mt 10,12; x. Lc 10,5). Rồi sau khi chữa lành bệnh, Đức Giêsu cũng chúc bình an cho người ấy (x. Mc 5,34; Lc 8,48). Đặc biệt, sau phục sinh, khi hiện ra cho các môn đệ, Đức Giêsu luôn nói: “Bình an cho các con!” (Lc 24, 36; Ga 20, 19; 20, 26).
Còn chính trong cuộc sống đời thường của mình, chúng ta thấy bình an là một điều kiện quan trọng để sống vui tươi hạnh phúc và để phát triển. Hơn hết, trong đời sống thiêng liêng, con người cần sự bình an biết mấy. Bởi vì sự bình an trong tâm hồn là điều kiện quan trọng để đời sống tâm linh được phát triển. Vì thế mà Đức Giêsu đã nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27). Thật vậy, trong ngày Lễ Ngũ Tuần, mà hôm nay chúng ta nghe Thánh Gioan thuật lại Đức Giêsu Đức Giêsu thổi hơi và ban Thánh Thần cho các tông đồ, Ngài đã nói “Bình an cho anh em!”. Như vậy, phải chăng để nhận lãnh Thánh Thần, thì điều kiện quan trọng là phải có tâm hồn bình an? Và đồng thời bình an cũng lại là kết quả của một tâm hồn tràn đầy Thánh Thần (x. Gl 5, 22).
Trong sách Tông đồ Công vụ, thánh Luca đã mô tả quang cảnh ngay lễ Hiện xuống: “Tất cả các tông đồ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến lùa vào đầy nhà, nơi họ đang tu hợp lại, với những lưỡi như thể hình lửa xuất hiện và đậu trên từng người”. Chúa Thánh Thần như Lửa của tình yêu Thiên Chúa nung đốt chúng ta. Trong tình yêu của Chúa, tất cả chúng ta không còn khác biệt nhau nữa mà trở thành con của Chúa, sống trong tình yêu duy nhất của Người.
Do đó, có thể nói để nhận được ơn bình an, ơn Thánh Thần thì chúng ta phải có tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Nhờ sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa, ta sẽ có sự bình an trong tâm hồn
“Như Cha sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Mỗi người chúng ta đã được lãnh nhận những ơn lành của Chúa một cách nhưng không thì cũng hãy biết cho đi nhưng không. Hãy biết chia sẻ và mang bình an đến cho những người chúng ta gặp gỡ. Chúng ta hãy tự vấn lòng mình, để xem chúng ta có thật sự là “khí cụ bình an của Chúa” để đem đến cho những người mà chúng ta gặp gỡ chưa?
Ngày nay, hơn bao giờ hết, có lẽ con người thật sự cần thiết có được sự bình an. Chúng ta có thể sản xuất để cung ứng cho mình mọi thứ theo ý muốn. Nhưng nếu chúng ta không có bình an, chúng ta sẽ không có gì hết. Để tìm thấy được bình an đích thực, Thánh Phaolô chỉ cho ta: “Đức Giêsu Kitô, Ngài là bình an thật của chúng ta” (Ep 2, 14).
Do đó, để tìm thấy được sự bình an đích thực, chúng ta hãy tránh xa những dịp tội, đừng để mình kéo dài tình trạng sống trong tội, chúng ta hãy mau quay trở về với Chúa, sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa. Khi chúng ta có được sự bình an, thì chúng ta cũng hãy biết mang bình an đó lại cho những người mà chúng ta gặp gỡ.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con bình an, sự bình an đích thật chính là Chúa Thánh Thần. Có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, chúng con sẽ được bình an, phát triển đời sống vật chất, tinh thần và thiêng liêng. Có Chúa Thánh Thần, chúng con sẽ dễ dàng lắng nghe và thi hành điều ngay, lẽ phải, dám sống và làm chứng cho tình yêu Chúa và can đảm đem bình an, tình yêu và niềm hạnh phúc cho tha nhân. Amen.
32. Sống hiệp thông với Chúa Thánh Thần
(Suy niệm của Lm Jos Nguyễn Minh Chánh)
Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Nguồn Trợ Lực. Đời sống của chúng ta không thể thiếu bóng dáng Ngài. Vì thế, nhìn vào đời sống Đức Giêsu trong mối tương quan với Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu sẽ giúp ta hiểu rõ sự cần thiết của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta.
Đức Giêsu Kitô là Đấng tràn đầy Chúa Thánh Thần từ lúc ban đầu đến sau khi phục sinh và mãi mãi.
Thực vậy ngay từ lúc Đức Giêsu thụ thai trong cung lòng Mẹ Maria, chúng ta đã khám phá rất rõ về mối hiệp thông giữa Ngôi Lời nhập thể và Chúa Thánh Thần. Biến cố truyền tin đã dạy chúng ta rằng: Đức Maria cưu mang Đức Giêsu trong lòng là do Chúa Thánh Thần, Chúa Thánh Thần đã đến và bao phủ quyền năng của Ngài nơi bào thai của Đức Maria, nơi sự sống của Ngôi Hai Thiên Chúa là Đức Giêsu sẽ hình thành trong cung lòng của một con người.
Chúa Thánh Thần còn đến với Đức Giêsu khi Ngài chuẩn bị thi hành sứ mạng Messia. Vì sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả tại sông Giođan trước khi rao giảng Tin mừng, khi ” vừa lên khỏi nước, Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người” (Mt 3, 16)
Chúa Thánh Thần còn đến với Đức Giêsu trong những giờ phút sống thân tình với Chúa Cha. Chúa Thánh Thần đã tác động nơi Đức Giêsu để Đức Giêsu được hưởng những thời gian chìm đắm trong lời cầu nguyện với Chúa Cha. Tin mừng thánh Mátthêu thuật lại khi Đức Giêsu vào hoang địa ăn chay và cầu nguyện ròng rã bốn mươi đêm ngày, thì đó cũng là do tác đông của Chúa Thánh Thần, Chúa Thánh Thần đã dẫn Đức Giêsu vào tình yêu sâu thẳm với Chúa Cha trong thời gian này (x.Mt 4,12).
Chúa Thánh Thần còn đến với Đức Giêsu trong khi rao giảng tin mừng yêu thương và phục vụ cho mọi ngườ. Phúc âm thánh Luca thuật lai khi bắt đầu rao giảng thì Chúa Giêsu “được quyền năng Thần Khí thúc đẩy” (Lc 4,14). Sự tác động của Chúa Thánh Thần nơi Đức Giêsu như là sức mạnh, nhờ đó Đức Giêsu có thể hoàn thành sứ mạng mà Chúa Cha đã trao phó cho Ngài.
Chúa Thánh Thần còn đến với Đức Giêsu trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời Ngài. Khi Đức Giêsu hấp hối trong vườn cây dầu, mọi sự đối với Đức Giêsu trong lúc này hình như bị bế tắc, bị thất bại, bị tuyệt vọng. Một lần nữa, Chúa Thánh Thần là “Ngón Tay Thiên Chúa” là Sức Mạnh đã đến với Đức Giêsu, đã nâng đỡ bổ sức cho Đức Giêsu trong lúc Đức Giêsu đang bị cô đơn vì sự bỏ rơi của nhiều người, đang phải sắp hứng chịu với cái đau đớn của roi đòn trên thân xác. Thậy vậy, nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần nâng đỡ mà Chúa Giêsu đã chiến thắng được cám dỗ từ bỏ chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Ngài đã can đảm từ bỏ ý riêng để xin vâng theo ý Chúa Cha. Chúa Giêsu xin vâng ý Cha khi đau khổ và còn xin vâng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá.
Vai trò của Chúa Thánh Thần rất quan trọng trong đời sống và sứ vụ của Đức Giêsu. Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với Đức Giêsu trên mọi nẻo đường rao giảng Tin mừng. Ngài luôn tác động nơi Đức Giêsu trong mọi hoàn cảnh, nhờ vậy mà chương trình của Đức Giêsu luôn được hoàn thành tốt đẹp.
Từ kinh nghiệm sống hiệp thông với Chúa Thánh Thần, nên Đức Giêsu xem việc trao ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ phải là cần thiết. Vì việc ban Chúa Thánh Thần chính là điều kiện để các Tông đồ có khả năng hành động trong khi rao giảng tin mừng như Đức Giêsu. Vì vậy trước khi rời khỏi thế gian để về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã từng hứa ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ. Rồi sau khi sống lại, Đức Giêsu đã hiện ra cũng trao ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ, như trong trang Tin mừng hôm nay chúng ta vừa nghe. Đặc biêt sau khi Chúa Giêsu về trời, trong ngày lễ Ngũ tuần thì Chúa Thánh Thần đã được trao ban trên các Tông đồ trong bầu khí thật uy phong trong khi các Ngài đang cầu nguyện. Hình ảnh này chúng ta đã vừa cảm nhận trong bài đọc một hôm nay.
Khi khám phá mối hiệp thông giữa Đức Giêsu và Chúa Thánh Thần, cũng như hình ảnh Chúa Thánh Thần đã được ban cho các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ tuần thì đó cũng là bài học Chúa dạy chúng ta: Nếu cuộc sống con người vắng bóng Chúa Thánh Thần, thì cuộc sống đó sức sống tự nhiên và siêu nhiên sẽ không tăng trưởng, sẽ chết dần trong năm tháng, vì Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống. Và nếu cuộc sống con người vắng bóng Chúa Thánh Thần, thì đời sống ấy sẽ không biết yêu thương, vì Chúa Thánh Thần là Tình Yêu để nối kết con người với Thiên Chúa, và nối kết giữa con người với nhau. Hay khi cuộc sống con người vắng bóng Chúa Thánh Thần, thì đời sống ấy sẽ lạc lối, sẽ đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa, vì Chúa Thánh Thần là sức mạnh để giúp con người can đảm từ bỏ ý riêng để khiêm tốn luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa. Nói chung nếu cuộc sống con người không có Chúa Thánh Thần thì cuộc sống ấy sẽ không giống Đức Giêsu.
Từ những cảm nghiệm trên, chúng ta hãy noi gương Mẹ Maria và các Tông đồ trong bài đọc một hôm nay. Hãy thường xuyên ở lại chung với nhau để cầu nguyện với Đức Giêsu Kitô, là Đấng sinh bởi Thánh Thần, là Đấng đầy tràn Thánh Thần. Xin Chúa Giêsu Kitô ban Chúa Thánh Thần là Hồng Ân của Ngài cho chúng ta, nhờ đó trong mọi hành động chúng ta sẽ trở nên giống Chúa hơn.
Lạy Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, xin ban đầy tràn Chúa Thánh Thần xuống tâm hồn chúng con. Amen.
33. Năng lực Thánh Thần
Trước ngày Chúa Thánh Thần đến, các Tông Đồ sống lẫn trốn trong phòng. Một sứ vụ lớn lao được trao phó cho các ngài nhưng vì các ngài chưa có sức mạnh và ý hướng để thi hành sứ vụ đó. Chỉ sau ngày Thánh Thần đến, các ngài trở nên những con người được biến đổi hoàn toàn. Các ngài bắt đầu rời bỏ những nơi ẩn trốn và bắt đầu trở nên can đảm rao giảng Tin Mừng.
Vậy Thánh Thần đã làm gì trên các ngài? Trong lời hứa ban Thánh Thần, Chúa Giêsu nói với họ: “Khi Thánh Thần đến, các con sẽ nhận được sức mạnh và sẽ làm chứng cho Thầy không phải chỉ ở Giêrusalem, nhưng… đến tận cùng trái đất” (Cv 1,18).
Thiết nghĩ, từ chìa khóa trong lời hứa ấy chính là “sức mạnh”. Đây chính là thứ mà các Tông Đồ đang cần nhất. Vì ngay giờ phút đó, các ngài trở nên mạnh mẽ và hoàn toàn loại bỏ được yếu hèn, sợ hãi những mặc cảm… trước đó. Họ đã mạnh mẽ thực hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu các công khai. Sau cùng các ngài đã làm chứng về những gì đã xảy ra nơi Đức Giêsu. Họ cần sự can đảm, cần một ai đó ban sức mạnh cho họ.
Việc trao ban “năng lực” là một trong những từ ngày nay dùng với ẩn ý sâu xa. Điều này hoàn toàn có nguyên nhân chính đáng. Chúng ta thử quan sát một vài cá nhân hay một nhóm người mà ban đầu họ cảm thấy bất lực trước tình huống khó khăn, nhưng thình lình họ trở nên có khả năng để xoay chuyển tình huống ấy khi có một ai đó thêm sức mạnh cho họ. Chúng ta thấy trong một đội bóng đá, người quan trọng và có thể làm thay cho cả đội ấy là người biết khích lệ tinh thần, biết thúc đẩy để đồng đội chơi tích cực hơn. Khi những cầu thủ khác thiếu tự tin thì nhờ lời động viên, khích lệ họ trở nên mạnh mẽ và đầy tự tin, từ đó có thể chơi hay hơn, thậm chí họ có thể chơi hay hơn đến nỗi không thể hay hơn được.
Vậy việc trao ban “năng lực” nghĩa là gì? Trước hết, nó diễn tả việc ban quyền năng hay sức mạnh cho ai đó. Điều này không đúng với hoàn cảnh của các Tông Đồ. Vì không phải khi Thánh Thần đến họ mới được ban quyền năng mà thật ra các ngài đã nhận từ Chúa Giêsu
Trường hợp thứ hai, có nghĩa trao cho ai khả năng để họ có thể làm một việc nào đó. Đây là cách nghĩ thông thường với từ “được ban năng lực” và diễn tả cách chính xác trường hợp các Tông Đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần.
Khi người ta được năng lực, họ trở nên có khả năng và có ý hướng để thay đổi tình huống. Họ không chờ đợi ai khác để làm thay họ. Họ chấp nhận và tự mình có thể gánh vác trọng trách ấỵ
Chúa Thánh Thần đã ban năng lực cho các Tông Đồ. Ngài đã ngự xuống trên các ngài qua hình thức và gió lửa. Gió và lửa (sức nóng) là hình ảnh tượng trưng cho sức mạnh. Gió có sức mạnh di chuyển, nhổ lên. Lửa có sức mạnh toi luyện và biến đổi.
Sức mạnh mà chúng tượng trưng ở đây chính là sức mạnh của Thiên Chúạ Ở đây, chúng tượng trưng cho sự hiện diện và hành động của Thiên Chúạ Chúa Thánh Thần đến để cung cấp cho các Tông đồ năng lượng, động lực, sự hăng say, sự cam đảm và tình yêu để các ngài có thể đảm nhận sứ vụ mà Chúa Giêsu đã ủy thác. Chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp các ông, nhưng Ngài không làm thay cho các ông.
Tuy nhiên, chúng ta không được nghĩ rằng sự biến đổi nơi cácTông đồ xảy đến trong chốc lát. Nhưng nó là cả một quá trình tiệm tiến, là một tiến trình lớn lên. Đôi khi sự lớn lên này có thể diễn ra cách chậm chạp và mang lại đau đớn. Vì chúng ta không dễ để từ bỏ những lối sống cũ, những thói quen cũ, tập quán cũ và những thái độ cũ…
Người ta chỉ có thể thay đổi khi được một ai đó còn biết hy vọng vào họ; khi một ai đó đặt niềm tin nơi họ mà trao cho họ một nhiệm vụ nào đó; khi một ai đó còn quan tâm đến họ. Nhưng vượt trên tất cả là họ chỉ thay đổi khi họ cảm thấy mình được yêu thương. Khi đó, họ sẽ chui ra khỏi cái vỏ mặc cảm và nhận ra được có một sức mạnh đã tiểm ẩn từ lâu trong họ. Chỉ có phép lạ của người biến đổi mới là phép lạ thật sự.
Chúng ta cũng cần một ai đó ban năng lực, đánh thức chúng ta để chúng ta có được động lực trong cuộc sống, để sống đáp lại một cách có trách nhiệm. Điều này có nghĩa là chúng ta phải biến đổi những gì cần được biến đổị Nhưng đặc biệt, chúng ta cần nguồn năng lực để có thể làm chứng cho Chúa Giêsu, cho đức tin Công giáo của chúng ta. Năng lực đã biến đổi các Tông đồ ngày xưa vẫn còn có giá trị đối với chúng ta hôm naỵ Chính Chúa Thánh Thần là động lực và sức mạnh cho tinh thần của chúng ta, sưởi ấm và biến đổi con tim ta trở nên tinh tuyền. (Viết theo Floy McCarthy).
34. Ngọn lửa Thánh Linh soi chiếu
(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)
Vào năm 1976, ngay xóm tôi ở có em gái nghèo chừng mười lăm tuổi đi giúp việc nhà cho một gia đình giàu có. Gia đình nầy vừa mới tậu một bức tranh thêu rất đẹp nên bức hoành phi sơn son thếp vàng cũ kỹ có mấy chữ mạ vàng khá lớn, lâu nay được treo ở gian giữa ngôi nhà, giờ đây bị tháo xuống để nhường chỗ cho bức tranh thêu quý giá. Trong thâm tâm bà chủ nghĩ rằng bức hoành phi nầy có chữ mạ bằng thứ giấy vàng rẻ tiền nên giá trị chẳng là bao.
Bà chủ giao bức hoành cho cô gái giúp việc đem về nhà tuỳ nghi sử dụng. Cô gái đem về cho em chơi. Chơi chán rồi chúng xé vụn phần bằng giấy ra, xé luôn cả những chữ vàng, xả rác đầy nhà, khiến người mẹ phải mất công quét dọn và đổ ra hố rác.
Khi đốt rác vào lúc trời tối, bọn trẻ phát hiện những dòng chữ vàng trên bức hoành phi không bị thiêu rụi mà lại sáng ngời lên trong lửa và kết tụ lại thành những vụn nhỏ ngời sáng ánh vàng. Hoá ra những dòng chữ trên bức hoành là thứ chữ mạ bằng vàng thật chứ không phải là giấy mạ vàng!
Thế là người nhà hăm hở xăm xoi đào bới, sàng sảy đống tro tàn để tìm kiếm và cuối cùng thu lại được năm sáu chỉ vàng!
Cả gia đình vui mừng quá đỗi, vì vào thời đó, kiếm được chừng ấy vàng chẳng khác gì trúng lô độc đắc.
Như thế, nếu không nhờ ngọn lửa, những chữ vàng quý giá kia đã bị xé vụn, quẳng vào đống rác và hoá thành bụi tro. Nhưng may sao nhờ lửa cháy lên, người ta mới nhận ra những dòng chữ bằng vàng rất quý báu!
Hôm nay mỗi người chúng ta cũng được Chúa Giêsu trao tận tay một cuốn sách đáng giá ngàn vàng. Đó là một kho báu không hề vơi cạn, chứa đựng những điều khôn ngoan ngàn đời của Thiên Chúa được Chúa Giêsu từ trời mang xuống ban tặng cho thế gian, một cuốn sách chứa đựng những bí quyết đem lại bình an hạnh phúc cho muôn người, một kiệt tác được kết tinh bằng tình yêu, bằng trí tuệ, bằng tim óc của Chúa Giêsu và được hình thành trong suốt 33 năm dương thế của Ngài.
Nhưng tiếc thay, khi nhận được Tin Mừng trên tay, chúng ta xem đó là thứ quà rẻ mạt, như một cuốn sách tầm thường, như một mớ chữ không hồn. Thế nên số phận cuốn Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu cũng hẩm hiu không kém!
Sở dĩ Kho Tàng Tin Mừng của Chúa Giêsu không được xem là quan trọng và quý giá vì những dòng chữ nầy chưa được ngọn lửa của Chúa Thánh Linh soi chiếu.
Thượng Phụ Athénagoras nhận định rằng: “Nếu Hội Thánh vắng bóng Thánh Linh, thì Thiên Chúa trở nên nghìn trùng xa cách, Đức Giêsu trở thành một huyền thoại và Phúc Âm của Người trở thành một mớ chữ không hồn.”
Quả vậy, nếu không có lửa của Chúa Thánh Thần soi sáng thì lời dạy của Chúa Giêsu như: “những gì các ngươi làm cho các anh em bé mọn của Ta đây là làm cho chính Ta” (Mt 25,40) trở thành những dòng chữ chết, không thể lay động lòng người, nhưng đối với mẹ Tê-rê-xa Calcutta, nhờ ánh sáng Thánh Linh tác động, lời đó trở thành châm ngôn vàng ngọc thúc đẩy mẹ hiến cả đời mình yêu mến và phung sự Chúa Giêsu nơi những con người bất hạnh và đau thương.
Nếu không có lửa của Thánh Linh soi chiếu thì những lời nhắc nhở như: “được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì chẳng được ích gì” (Mt 16,26) là những lời vô nghĩa, nhưng đối với thánh Phanxicô Xavie, nhờ ngọn lửa của Thánh Linh soi sáng, lời đó trở thành sức mạnh vạn năng giúp ngài từ bỏ công danh địa vị để dấn thân vào những miền đất xa lạ, đem ơn cứu độ đến cho các dân tộc Á châu.
Không có Chúa Thánh Thần, không ai có thể nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu.
Không có Chúa Thánh Thần, những trang Tin Mừng chỉ là những dòng chữ chết.
Không có Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa trở thành Đấng nghìn trùng xa cách.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thánh Thần Chúa cho chúng con, để nhờ ánh sáng Thánh Linh soi dẫn, chúng con nhận biết, yêu mến Chúa và tìm được nơi kho tàng Tin Mừng những lời thần thiêng đem lại cho chúng con sức sống mới.
35. Cuộc sáng tạo mới – Lm Ignatiô Trần Ngà
Sau khi tạo dựng vũ trụ càn khôn cùng muôn vật diệu kỳ trong hoàn vũ, Thiên Chúa vẫn chưa hài lòng với tác phẩm của mình. Người muốn sáng tạo thêm một kiệt tác trổi vượt tất cả những gì Người đã dựng nên.
Thế là Ba Ngôi Thiên Chúa quyết định tạo dựng con người: “Chúng ta hãy sáng tạo con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để chúng làm chủ cá biển chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1, 26)
Thiên Chúa lấy bùn đất, nắn thành hình một con người, nhưng hình tượng nầy vẫn còn trơ trơ bất động, vô cảm, vô tri …
Thế rồi Thiên Chúa thổi hơi vào lỗ mũi của hình tượng nầy và điều kỳ diệu đã xảy ra: khối đất vô hồn mang hình dạng con người đang nằm im lìm bất động bỗng cựa mình đứng lên trở thành người sống: có tư duy, co tình cảm, có tự do, có óc sáng tạo… mang đậm dấu ấn và bản sắc của Thiên Chúa. Thế là Thiên Chúa đã hoàn thành kiệt tác Ađam là nguyên tổ của loài người.
* * *
Con người cũ bị băng hoại vì tội lỗi
Nhưng tiếc thay, tội lỗi đã thấm nhập vào thế gian làm băng hoại con người. Kiệt tác của Thiên Chúa đã bị biến chất thảm hại nên Thiên Chúa phải theo đuổi một kế hoạch tạo dựng mới.
Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người khởi đầu công cuoc nầy. Người quy tụ những môn đệ đầu tiên, và dùng những vị nầy làm nhân tố phát sinh một dân mới.
Nhưng sau khi Chúa Giêsu sống lại và lên trời, các môn đệ cảm thấy lạc lõng bơ vơ như đoàn chiên không chủ, như rắn mat đầu. Các ngài sống âm thầm, im hơi lặng tiếng, co cụm trong phòng đóng kín vì sợ người Do-Thái, tựa như Ađam lúc chưa được hơi thở của Thiên Chúa thổi vào. (Ga 20,19)
Con người mới được tác sinh
Thế rồi “vào chiều ngày hom ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái, Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”
Và như thuở ban đầu Thiên Chúa thổi hơi vào mũi A-đam đe ban cho ông sự sống, thì nay Chúa Giêsu “thổi hơi vào các môn đệ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,19. 22)
Theo ngôn ngữ Kinh Thánh (bằng tiếng Do-thái cổ), Chúa Thánh Thần được gọi là Ru-ah, nghĩa là Hơi Thở hay Thần Khí.
Thổi hơi vào các môn đệ có nghĩa là Chúa Giêsu truyền ban Thần Khí (= Chúa Thánh Thần) cho các ông.
Như hôm xưa Ađam vươn vai chỗi dậy sau khi đón nhận hơi thở của Thiên Chúa, các môn đệ một khi đã lãnh nhận Hơi Thở ban Thần Khí của Chúa Giêsu cũng được tái sinh, cựa mình chỗi dậy, thoát ra khỏi căn phòng đóng kín như mộ địa giam nhốt mình để đi đến với muôn dân, loan truyền Tin Mừng cứu độ cho toàn thế giới, sẵn sàng hy sinh ca mạng sống vì Nước Trời…
Thế là nhân loại mới đã được tác sinh từ biến cố trọng đại nầy, khởi từ ngày hôm ấy.
* * *
Lạy Chúa Giêsu,
Nếu không có làn hơi của Thiên Chúa thổi vào, A-đam chỉ là một khối đất vô tri bất động và không hề có sự sống.
Nếu không được Chúa thổi hơi ban Thần Khí, các tông đồ xưa cũng chỉ là một nhóm người bạc nhược, ươn hèn.
Và hôm nay, nếu không được đón nhận Thần Khí Chúa ban, chúng con cũng chỉ là những kito hữu nguội lạnh, thiếu nhiệt thành và luôn đứng bên lề Hội Thánh.
Nguyện xin Chúa thổi hơi ban Thần Khí cho chúng con như đã ban cho các môn đệ năm xưa, để chúng con được đón nhận Sự Sống Mới và kiên quyết lên đường thi hành sứ mạng loan Tin Mừng cho muôn dân.
36. Chúa Thánh Thần.
Trong phần chia sẻ sáng hôm nay tôi muốn đưa ra một câu hỏi như thế này: Chúa Thánh Thần là Đấng nào? Với câu hỏi này chúng ta đi sâu vào bản tính Thiên Chúa, nhưng chỉ có đức tin mới trả lời được cho chúng ta mà thôi. Đúng thế, thánh Tôma tiến sĩ đã nói: Hiện tại chúng ta không thể nào hiểu thấu vì mầu nhiệm ấy vượt quá khả năng hạn hẹp của trí khôn con người.
Trong Cựu Ước chúng ta chỉ ghi nhận được một vài hình ảnh thật mù mờ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta phải chờ đến Đức Kitô, người Con duy nhất của Thiên Chúa đến và mạc khải, chúng ta mới thấy được cái đặc tính cốt yếu của Thiên Chúa, đó là tình yêu.
Còn về Chúa Thánh Thần, trong kinh Tin Kính chúng ta đã tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa ngôi thứ ba, là Đấng ban sự sống, Ngài bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Ngài cũng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, Ngài đã dùng các tiên tri mà phán dạy.
Qua Chúa Con, Thiên Chúa Cha đã tỏ lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta như lời thánh Gioan đã xác quyết: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài, để những ai tin nơi Con Một Ngài thì sẽ có sự sống vĩnh cửu. Ngay từ thuở đời đời, Chúa Cha đã sinh ra Chúa Con và sợi dây liên kệ thắm thiết và đầy yêu thương ấy chính là Chúa Thánh Than.
Thực vậy, Chúa Thánh Thần chính là sợi dây yêu thương nối kết Chúa Cha và Chúa Con, chi phối nhịp điệu của đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng như toả lan cho tất cả chúng ta. Như thế, qua Chúa Thánh Thần chúng ta hiểu được bản chất tình yêu của Thiên Chúa. Đồng thời Chúa Thánh Thần cũng đã trực tiếp cộng tác vào công trình cứu độ, một công trình của tình thương yêu mà Thiên Chúa đã ươm mơ từ muôn thuở trước.
Đức Kitô vâng theo thánh y của Chúa Cha và với sự cộng tác của Chúa Thánh Thần đã chết đi để đem lại sự sống cho trần gian. Kể từ khi được diễm phúc làm con cái Thiên Chúa, chúng ta đã được Ngài yêu thương như lời thánh Phaolô đã xác quyết: Nhờ Chúa Thánh Thần mà tình yêu Thiên Chúa được toả lan trong tâm hồn chúng ta. Để rồi từ đó, tất cả những tình yêu trong lành nhất của chúng ta đều là một tia sáng, một phản ánh trung thực cho tình yêu của Thiên Chúa. Bơi vì Thiên Chúa là tình yêu và chúng ta chỉ có thể yêu thương một cách đúng nghĩa khi liên kết với Ngài.
Đúng thế Ngài ở giữa những cặp vợ chồng để họ biết trung thành và hy sinh cho nhau. Ngài ở giữa những người con để họ biết nói lên hai tiếng thưa ba, thưa má với tất cả tấm lòng chân thành của mình. Ngài ở giữa những người bạn để họ biết tâm đầu ý hiệp với nhau.
Trong ngày lễ Hiện Xuống hôm nay, Giáo Hội mừng kính Chúa Thánh Thần, Giáo Hội mừng kính tình yêu của Thiên Chúa, được tượng trưng qua hình lưỡi lửa trên đầu các tông đồ. Giáo Hội cũng muốn chúng ta thành khẩn kêu xin: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin hãy ngập tràn tâm hồn các tín hữu Chúa và xin thắp lên trong chúng con ngọn lửa tình yêu Chúa. Ngài không phải là một vị Thiên Chúa vô danh và bị quên lãng. Trái lại Ngài luôn ở giữa chúng ta và hoạt động. Ước gì mỗi người chúng ta hãy cộng tác với Ngài bằng cách thắp lên một ngọn lửa yêu thương, bởi vì chỉ có tình yêu mới có thể làm tiêu tan thù hận, thất vọng và tăm tối.
37. Qùa tặng Thần khí – Peter Feldmeier
(Lm. GB. Văn Hào SDB, chuyển ngữ)
“Và họ được đầy Thánh Thần” (Cv 2,4)’
Lễ Hiện xuống mang một ý nghĩa sâu xa đặc biệt đối với từng người chúng ta, cũng như đối với các tông đồ năm xưa. Chúng ta khởi đầu với lễ Hiện xuống nơi các tông đồ, rồi đến chúng ta ngày hôm nay. Các tông đồ quy tụ lại mừng lễ ngũ tuần của người Do Thái, tưởng nhớ việc Chúa ban bố lề luật cho dân trên núi Sinai. Biến cố gợi nhắc đến việc Thiên Chúa quyền năng đã đưa dân ra khỏi Ai Cập, dùng cột lửa soi sáng ban đêm trong hành trình sa mạc và đã tỏ lộ uy quyền của Ngài trên đỉnh núi Sinai. Lễ ngũ tuần ngày xưa là dịp tưởng niệm việc Thiên Chúa tặng ban lề luật, là quà tặng đặc thù Thiên Chúa gửi trao cho dân. “Chúa bày tỏ Lơi Người cho nhà Gia cóp, chiếu chỉ luật điều cho Israel. Chúa không đối xử với dân nào như vậy, không cho họ biết những luật điều của Người” (Tv 147,19-20).
Chúng ta cũng gợi nhắc việc Gioan tẩy giả công bố phép rửa “Bằng lửa và Thần khí” (Lc 3,16). Trong lễ Hiện xuống đầu tiên, Thiên Chúa cũng thực hiện lời tiên báo của Thánh Gioan. Ngài cũng đem Thần khí và lửa từ trời xuống trên các tông đồ. Bài đọc trong sách Tông đồ công vụ của phung vụ hôm nay đã mô tả: “Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho (Cv 2,1.4). Sự việc đó diễn ra, khiến mọi người hiện diện, kể cả các du khách đến từ mọi nơi, thuộc các nen văn hóa và các ngôn ngữ khác nhau, có thể nghe và hiểu những gì các tông đồ nói theo ngôn ngữ riêng của mình. Sự kiện đó biểu thị hành động uy quyền của Thiên Chúa. Chúng ta đừng nên nghĩ rằng các tông đồ lúc ấy đang cầu nguyện bằng tiếng lạ giống như một ơn xuất thần mà Thánh Phaolô đã nhắc tới trong thơ gửi giáo đoàn Côrinthô (1 Cor 14). Nhưng, lễ Hiện xuống đầu tiên là thời điểm Tin mừng được quảng bá rộng khắp cho mọi dân mọi nước. Qùa tặng Thần Khí là động thái cuối cùng của Mầu nhiệm Vượt qua. Cũng như Đức Kitô biến đổi tình trạng tội lỗi nơi Adam, Thần Khí cũng biến đổi tình trạng hủy diệt nơi sự kiện tháp Babel ngày xưa. Khi xây tháp Babel, con người đã tỏ ra kiêu ngạo và cố chấp, nên Thiên Chúa đã phân rẽ họ ra thành nhiều nhóm ngôn ngữ để họ không thể thông tri được với nhau. Ngược lại, khi Thần Khí được ban xuống, Ngài nối kết muôn người thuộc mọi sac tộc và ngôn ngữ. Điều này cũng biểu thị sứ mạng của Hội thánh, đó là công bố Tin Mừng cho mọi dân mọi nước. Bởi lẽ, tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa được ban tặng cho tất cả mọi người.
Động thái cuối cùng của Mầu nhiệm Vượt qua, mà ngày hôm nay chúng ta mừng kính, là tột đỉnh và tóm kết lễ Phục Sinh. Thiên Chúa thực hiện việc chuẩn miễn thần thiêng sâu xa nhất: Đó là ban Thánh Thần để Thần khí giờ đây thuộc về chúng ta. Đay là điểm nhấn mà Thánh Phaolô nói tới trong bài đọc thứ hai của phụng vụ hôm nay. Thánh Phaolô đã khuyến cáo tín hữu Galat hãy đón nhận tự do thực sự trong Đức Kitô, chứ không phải tự do qua việc tuân thủ luật Moise. Luật lệ cựu ước rất thánh thiêng. Nó giúp tôi luyện và rèn dũa con người đi vào khuôn phép. Nhưng khi Đức Kitô đến, thời đó đã qua (Gal 3,24). Bây giờ là thời của Thần Khí, thời mà chúng ta được thông dự vào chính sự sống của Đức Kitô trong Thánh Thần.
Với suy nghĩ như thế, Thánh Phaolô đưa ra sự đối kháng giữa hoa trái của Thần khí và những công việc của xác thịt. Từ ngữ “xác thịt” (sarx) ở đây không phải chỉ nói về thân xác (soma), nhưng nói về cả tổng thể con người khi sống dưới sự khống chế của những đam mê tội lỗi. Thánh Phaolô liệt kê một loạt những đam mê thuộc về “xác thịt”, từ việc dâm dật đến những hành vi tôn thờ ngẫu tượng đang xảy ra giữa dân. Cụ thể như tội dâm bôn, sự ô uế, phong đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa chè chén… Đối nghịch với những tội lỗi theo xác thịt là hoa trái của Thần khí: Tình yêu, niềm vui, bình an, kiên nhẫn, nhân hậu, quảng đại, trung tín, hiền lành, tiết độ (Gal 5,20-23). Đây là hai phạm trù tương phản và đối kháng nhau mà Thánh Phaolô nhấn mạnh. Thánh Phaolô không nhằm đến việc nêu ra những nhân đức để chúng ta thực thi hầu hoàn thiện chính mình. Ngài muốn nói rằng, nơi một tâm hồn có những phẩm tính cao đẹp này, chính là dấu chỉ có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần bên trong. Chúng là dấu chứng cụ thể biểu tỏ sự hiện lộ của Thần Khí.
Thánh Phaolô muốn nói cho chúng ta phương cách nhận ra sự hiện diện năng động của Thánh Thần nơi các tâm hồn. Mọi người đều biết rằng, một con người bề ngoài xem ra có vẻ nghiêm túc về mặt luân lý, nhưng đôi khi đầu óc lại rất u tối, đồng thời trái tim của họ lại quá chật hẹp và sơ cứng. Tôi sợ rằng khi đến trước cổng Thiên đàng, họ sẽ nghe tiếng Chúa nói: “ Ta không biết các người là ai, hãy đi cho khuất mắt ta” (Mt 7,23). Thánh Phaolô nhắc nhở: “ Khi anh em được Thần khí hướng dẫn, anh em không còn sống dưới lề luật”. Luật bắt chúng ta phải tuân phục, còn Thần khí thì mời gọi đi vào tình yêu và sự hiệp thông. Những ai sống tràn ngập yêu thương trong Thần khí, đương nhiên sẽ hiển thị hoa trái của sự hiệp thông sâu xa này.
Mỗi lần chúng ta hát thánh thi Veni Sancte Spiritus, chúng ta khẩn nài xin Chúa Thánh Thần đến, nhưng thực sự Ngài đã đến và đã hiện hữu sẵn nơi ta. Tuy nhiên chúng ta cần phải làm hiện lộ sung mãn hoa trái của Ngài. Tất nhiên với tự do, con người có thể cản che hoặc làm suy yếu hoạt động của Thánh Thần nơi họ, nhưng chúng ta không thể chối từ một sự thật, đó là Thần khí đã được ban cho chúng ta và thuộc về chúng ta. Đó là món quà cao quý nhất mà Thiên Chúa đã hiến tặng. Thánh Thần chính là quà tặng được ân ban cách nhưng khong, còn chúng ta, chúng ta phải khai mở món quà đó ra và để Thánh thần tác động. Ngay bây giờ và ngay tại nơi đây, chúng ta cần phải thực hiện công việc này.
38. Ngũ Tuần – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Hơi thở là nguồn sự sống. Thiên Chúa ban sự sống cho tất cả mọi loài thụ tạo. Riêng con người, Thiên Chúa trực tiếp thổi sinh khí ban cho sự sống: Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật (St 2,7). Bao lâu còn hơi thở, bấy lâu chúng ta còn đang sống. Tắt thở là chết. Mọi loài sinh vật cùng chung một nguyên lý sự sống. Tạo Hoá đã an bài một không gian bầu khí vô tận để mọi sinh vật cùng được hưởng nguồn sự sống. Chúa Thánh Thần chính là nguồn ban sự sống. Sách Tông đồ Công vụ diễn tả về ngày Lễ Ngũ Tuần của người Do thái: Khi đến ngày Lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp (Cv 2,1-2). Hôm nay, Giáo Hội mừng Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sự hiện diện của Thần Linh qua làn gió mạnh bao phủ tất cả khoảng không gian mang lại nguồn sinh lực dồi dào cho các Tông đồ.
Chúng ta tuyên xưng: Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Sách Giáo lý Đạo Công giáo dạy rằng: Tin vào Chúa Thánh Thần là tuyên xưng Ngài là Ngôi Thứ Ba của Ba Ngôi Cực Thánh. Ngài xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con. Ngài được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Trong Ba Ngôi, không thể phân chia. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần phân biệt với nhau, nhưng không tách rời. Chúa Thánh Thần là Đấng Vô Hình, nhưng chúng ta nhận ra Ngài qua tác động của Ngài. Ngài mạc khải Ngôi Lời cho chúng ta và Ngài hoạt động trong Hội Thánh. Chúa Thánh Thần xây dựng, linh hoạt và thánh hoá Hội Thánh. Là Thánh Thần tình yêu, Ngài làm cho những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội nhận lại được ơn giống hình ảnh Thiên Chúa đã bị đánh mất vì tội lỗi. Nhờ các Bí tích, Chúa Kitô thông truyền Thánh Thần của Người và ân sủng của Thiên Chúa cho các chi thể trong thân thể Người. Ân sủng này mang lại hoa trái cho đời sống mới theo Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần là Thầy dạy cầu nguyện.
Chúng ta phải rất cẩn thận trong vấn đề tín lý và sống đức tin. Bảy nguồn ơn sủng của Chúa Thánh Thần, đặc biệt là các ơn Khôn Ngoan và ơn Hiểu Biết giúp chúng ta nhận ra chân lý. Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa. Chúng ta không nên cụ thể hóa tác động ân sủng của Chúa Thánh Thần. Đôi khi chúng ta bị chìm đắm mải mê tin tưởng qua một số hành động và nghi thức bên ngoài do con người tạo nên. Chúng ta nguyện xin Chúa Thánh Thần phải đến và phải hành động theo cách thế và ước muốn của chúng ta. Một số hiện tượng xảy ra hàng loạt đã được gắn kết cho tác động của Chúa Thánh Thần. Nhớ rằng trong Sách Giáo lý dạy: Đức Chúa Thánh Thần đã hiện ra trong hai dịp quan trọng: Một là khi Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan và hai là trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khi các thánh Tông đồ đang họp nhau cầu nguyện cùng với Đức Mẹ Maria.
Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ lãnh nhận ơn sủng của Chúa Thánh Thần tràn đổ xuống tâm hồn qua hình lưỡi lửa: Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một (Cv 2,3). Ân sủng của Chúa Thánh Thần tác động sâu thẳm và đổi mới tâm hồn một cách toàn diện: Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho (Cv 2,4). Ơn Chúa Thánh Thần là một ân sủng cao siêu tuyệt vời thấu tận tâm can. Chính Chúa Giêsu thổi hơi ban Thánh Thần cho các tông đồ cùng với sứ mệnh: Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và nói: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần (Ga 20,22). Chúa ban ân sủng và quyền năng cho các tông đồ làm hành trang sứ vụ trong cuộc lữ hành của Giáo Hội trên trần thế: Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ (Ga 20,23).
Trong Giáo Hội hiện nay, có nhiều khuynh hướng hay phong trào muốn lôi kéo thị hiếu của người nhẹ tin vào những hiện tượng cảm tính và xúc động tâm linh như những cảnh người té ngã nằm đó ca hát, nói các thứ tiếng lạ, múa nhảy và ngủ lịm được nhiều người ưa thích. Chúng ta không dừng lại nơi những cảm tính nhất thời đó. Ân sủng của Chúa giúp chúng ta đổi đời, canh tân và sống đạo thực sự. Chúa mời gọi chúng ta ra đi làm nhân chứng cho sự thật. Sau khi Chúa Giêsu về trời, Đức Chúa Thánh Thần đã ban ơn soi sáng trí khôn, thêm sức mạnh và thánh hoá các Tông đồ để các ngài đi rao giảng Phúc Âm và làm chứng về Chúa Kitô. Dấu chỉ hoa trái của Chúa Thánh Thần chính là sự đổi đời, canh tân cuộc sống và làm nhân chứng cho tình yêu Chúa Kitô. Các Tông đồ trở thành những con người mới đầy lòng can đảm, thấu triệt lẽ khôn ngoan và anh dũng làm nhân chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh và chịu hiến thân đổ máu đào minh chứng niềm tin.
Niềm tin của tất cả các Kitô hữu đều quy về một mối là Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa đã chịu đóng đinh, chịu chết và sống lại. Ngài là trung tâm điểm của mọi lời rao giảng. Chúa Kitô Phục Sinh là cốt lõi của mọi niềm tin và niềm hy vọng. Tuy khác biệt về các mối tương quan và cách thế duy trì niềm tin, các tín hữu đều chung kết trong một Chúa Thánh Thần: Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung (1 Cr 12,7). Mọi Kitô hữu cùng quay về một hướng và cùng chung một đích điểm. Thánh Thần ban cho mỗi người một đặc sủng riêng. Tuy các ân sủng khác nhau nhưng cùng phục vụ trong một thân thể. Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa (1 Cr 12,5-6).
Chúng ta thấy có nhiều tổ chức xã hội, đảng phái chính trị hay kinh tế thương mại luôn trong tư thế tranh đua và lập thành tích. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng nếu nhiều người quy họp lại trong cùng một băng nhóm hay một đoàn thể chính trị mà xoay lưng lại với nhau để mỗi người nhìn về một hướng thì dễ bề phân rẽ. Khi sự liên đới ràng buộc không còn, thì mỗi người sẽ bung ra chạy theo những khuynh hướng khác nhau. Những chính sách, luật lệ và nguyên tắc của mỗi chế độ chính trị và tổ chức xã hội có thể thay đổi theo tâm thức và thị hiếu của con người từng thời đại. Nhưng đối với các Kitô hữu, xưa cũng như nay, niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh không thay đổi. Chúng ta có thể thay đổi cách thế thực hành đạo, các phương tiện và cơ cấu tổ chức. Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi luôn hiện hữu.
Mỗi cộng đoàn giáo xứ bao gồm nhiều thành viên. Mỗi thành viên có những ân điển đặc thù về nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Mỗi người khác nhau từ dòng dõi, gia cảnh, trình độ học vấn, kiến thức, sự hiểu biết và nơi môi trường văn hoá riêng biệt. Mỗi người có cá tính và bản sắc riêng nhưng chúng ta cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô: Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy (1 Cr 12,12). Chúng ta cùng sống chung trong một cộng đoàn giáo xứ. Cuộc sống đạo của mỗi thành viên cần được thấm nhuần vào các sinh hoạt chung. Nhưng điều quan trọng là mỗi người phải tự đứng trên đôi chân của mình. Đời sống đạo đức và nhân cách phải tự rèn luyện và vun xới. Chúng ta không thể vay mượn hành động sống đạo và hành đạo.
Khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các tông đồ, Chúa nói: Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em (Ga 20,21). Lạy Chúa, xin ban sự bình an đích thực cho tâm hồn chúng con, để chúng con sẵn sàng ra đi làm nhân chứng cho Chúa trên mọi nẻo đường.
39. Đâng phù trợ
(Suy niệm của Lm. Giuse Trần Việt Hùng)
Chúa Giêsu về trời, thiên thần Gabriel đón hỏi Chúa rằng: Vậy mọi người có hiểu biết tình yêu của Ngài dành cho họ không? Chúa Giêsu trả lời: Không, chỉ có một nhóm nhỏ hiểu biết thôi. Thiên thần Gabriel giật mình lo ngại và hỏi Chúa: Vậy số còn lại làm sao họ có thể biết? Chúa Giêsu đáp rằng: Nhóm người đó sẽ nói với họ. Thiên thần nói nhưng nếu họ làm Ngài thất vọng hay nếu họ chán nản thì sao? Chúa có làm lại một chương trình khác không? Chúa nói: Ta hoàn toàn tin tưởng vào họ sẽ không để Ta thất vọng.
Sau khi Chúa về trời, Ngài đã sai Chúa Thánh Thần xuống trên các Tông đồ để giúp các ngài đủ sức mạnh tiếp tục đi truyền rao chân lý tin mừng. Nhóm nhỏ 12 Tông đồ được Chúa ủy thác, họ như men trong bột. Họ đã tiếp tục đốt lên ngọn lửa mà Chúa trao ban để giúp lửa cháy lên lan tràn. Ngày Lễ Ngũ Tuần, ơn Chúa Thánh Thần như hình lưỡi lửa đáp xuống trên các Tông đồ. Các Ngài lãnh nhận tràn đầy sức mạnh và hăng hái ra đi rao giảng tin mừng Chúa Giêsu chịu đóng đinh, đã chết và đã sống lại. Hãy sám hối và tin vào Tin mừng.
Chúa Thánh Thần là nguồn sinh lực đã khai mở Giáo Hội với một nguồn sức mới. Các Tông đồ được lãnh nhận những ân huệ khác nhau: người được ơn nói tiếng lạ, kẻ được ơn chữa bệnh, người nói tiên tri và người được ơn làm phép lạ. Mỗi người được ban cho tùy theo ơn Chúa Thánh Thần để sinh lợi ích chung cho Giáo Hội.
Chúa Giêsu đặt niềm tin tưởng và vào sự nhiệt thành của các Tông đồ, các môn đệ và những người tin theo Chúa. Biết rằng ngay từ những giây phút đầu tiên, Giáo Hội đã gặp phải biết bao gian khổ, chống đối, bắt bớ, tra tấn, giết chóc… nhưng sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã thắng vượt tất cả. Chúa Thánh Thần tiếp tục hoạt động trong Hội Thánh qua các thế hệ. Giáo Hội vẫn nỗ lực không ngừng truyền rao chân lý Phúc âm. Hiện nay có gần hai tỷ người đã được nhận biết Chúa.
Hạt giống đức tin tiếp tục triển nở qua các thời đại. Mỗi người chúng ta hãy góp chút công sức để Giáo Hội được phát triển không ngừng. Chúng ta không thể trốn tránh trách nhiệm và ỷ lại vào người khác. Mỗi người đều lãnh những ơn khác nhau, kẻ nhiều người ít nhưng ai cũng lãnh nhận. Hãy cho nhưng không những gì chúng ta sẽ lãnh nhận nhưng không. Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần Chúa xuống tràn ngập tâm hồn chúng con để chúng con ra đi làm nhân chứng cho Chúa.
40. Ơn Bảy Nguồn – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, các tín hữu thuộc Giáo Hội Công Giáokết thúc Mùa Phục Sinh trong niên lịch phụng vụ. Chữ Pentecost trong tiếng Hy Lạp nghĩa là ngày thứ năm mươi và đây cũng là tên gọi tiếng Việt là Lễ Ngũ Tuần. Lễ Ngũ Tuần bắt nguồn từ lễ Năm Mươi của người Do-thái khi xưa tại Sinai. Trong cuộc lữ hành nơi hoang địa cũng như khi đã vào miền đất hứa, dân Do-thái luôn nhớ tưởng niệm ngày Thiên Chúa ban lề luật cho dân Do-thái trên núi Sinai. Đây là ngày thứ năm mươi sau ngày Lễ Vượt Qua và năm mươi ngày sau lễ Chúa Kitô Phục Sinh.
Bắt nguồn từ câu truyện trong Kinh Thánh Cựu Ước, sau khi dân chúng bị trận lụt Đại Hồng Thủy, họ đã xây tháp Babel để tránh nạn lụt. Họ nói: “Nào! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất.”(Stk 11, 4). Với lòng kiêu hãnh bởi sức người đã tao nên sự phản bội trong tâm hồn. Họ đã bị Chúa phạt để tháp Babel sụp đổ đè chết một số người và gây phân tán khả năng ngôn ngữ không còn hiểu nhau. Sự kiêu ngạo đã tạo nên bức tường phân rẽ và thù ghét bạo hành.Bởi vậy, người ta đặt tên cho thành ấy là Babel, vì tại đó, Đức Chúa đã làm xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất, và cũng từ chỗ đó, Đức Chúa đã phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất (Stk 11,9).
Vào ngày Le Ngũ Tuần, thánh Luca đã diễn tả biến cố này như là một Giao Ước Sinai mới. Giáo Ước với dân chúng qua ân sủng của Chúa Thánh Thần. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, các tông đồ và những người thân hữu tụ nhau cầu nguyện không ngừng. Khi mọi người đang họp nhau trong phòng Tiệc ly, nơi Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể, bỗng có làn gió thổi mạnh và xuất hiện các hình lưỡi lửa trên đầu các tông đồ để ban các ơn sủng: Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một (Tđcv 2,3).Các ngài đã lãnh nhận tràn đầy hồng ân của Chúa Thánh Thần, nhất là ơn ngôn ngữ. Các tông đồ đã can đảm xuất hiện trước dân chúng để loan báo tin vui. Các ngài nói tiếng bản xứ của mình, nhưng mọi người từ khắp vùng lân cận đã tụ họp lắng nghe và hiểu rõ lời giảng của các ngài: Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tieng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho (Tđcv 2,4).
Tác giả sách Tông Đồ Công Vụ đã ghi chú những nhóm người đã nghe lời giảng của các tông đồ đến từ nhiều miền khác nhau: Chúng ta đây, có người là dân Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pontô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai-cập, Libya, Cyrênê; nào là những người từ Rôma đến đây; nào là người Do-thái và tòng giáo; nào là người đảo Crêta hay người Ảrập, vậy mà chung ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa! (Tđcv 2, 9-11). Đây là sự kiện lạ tiên khởi bởi ơn ngôn ngữ qua biểu tượng của lưỡi lửa. Mọi người đã nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình. Các tông đồ nói một thứ tiếng nhưng các người được nghe, đều hiểu theo ngôn ngữ của mình. Như vậy, ơn Chúa Thánh Thần đã tác động trong từng tâm hồn để họ đón nhận tin mừng. Họ là những chứng nhân tiên khởi đã tản mát về khắp nơi đem tin mừng cứu độ đến cho nhiều người tại quê hương của họ.
Trong thơ của thánh Phaolô tông đồ gởi cho tín hữu Corintô, ngài xác tín rằng: Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung (1Cor 12,7). Mỗi người lãnh nhận ơn sủng và chức vụ riêng, nhưng chỉ có một Chúa Thánh Thần. Có người được ơn khôn ngoan, có kẻ được ơn hiểu biết, có người được ơn làm phép lạ, có vị được ơn chữa bệnh, ơn nói tiên tri, có kẻ được ơn nói tiếng lạ và giải thích tiếng lạ. Tất cả mọi người đều được thanh tẩy để làm nên một Nhiệm Thể Chúa Kitô trong cùng một Chúa Thánh Thần.
Như lời Chúa Giêsu đã hứa với các tông đồ, Chúa sẽ sai Thánh Thần đến để dẫn dắt các ngài đến sự thật trọn hảo: Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến (Ga 16,13). Trải qua hai thiên niên kỷ, trên nền tảng niềm tin của các tông đồ, Giáo Hội Công Giáo vẫn duy trì kiên vững hai nguồn Thánh Kinh và Thánh Truyền cùng các giáo huấn của Giáo hội. Qua các biến cố thăng trầm, chúng ta tin Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục gìn giữ, thánh hóa và canh tân Hội Thánh ở trần gian.
Chúa Thánh Thần có những danh hiệu như Đấng Bảo Trợ, Đấng Bào Chữa, Đấng An Ủi, Thần Chân Lý, Chúa Thánh Linh và Ngôi Ba Thiên Chúa. Những hình ảnh biểu tượng về Chúa Thánh Thần như Nước, Gió, Lửa, Xức dầu, Áng mây, Ánh sáng, Ấn tín, Đặt tay và Chim bồ câu… Có bảy ơn Chúa Thánh Thần, gọi là ơn Bảy Nguồn: Ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn biết lo liệu, ơn sức mạnh, ơn thông minh, ơn đạo đức và ơn kính sợ. Các ơn sủng của Chúa Thánh Thần giúp chúng hiểu biết sâu xa hơn về chân lý đức tin và can đảm quyết tâm thi hành sống đạo. Không phải chúng ta chỉ ngồi ca hát, khẩn cầu, van xin và ước mong, mà phải vận dụng tất cả các khả năng Chúa ban để sinh lợi trong đời sống hằng ngày. Chúa không ban ơn sủng để chúng ta cất dấu hay làm lợi cho riêng mình, nhưng là mang lại lợi ích chung cho mọi người. Ai lãnh nhận nhiều thì phải cho lại nhiều. Cái gì chúng ta nhận lãnh nhưng, không cũng hãy cho nhưng không: Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy (Mt 10,8).
Đức Chúa Thánh Thần ngự trong những người có ơn thánh hóa và ban các ơn cần thiết giúp ta sống xứng đáng là môn đệ Chúa. Ai trong chúng ta cũng lãnh nhận ơn Chúa, nhất là ơn sự sống. Chúa Thánh Thần còn ban ơn sủng qua các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Rửa tội, Thêm Sức và Truyền Chức. Các ơn sủng siêu nhiên soi sáng giúp chúng ta bước theo đường lối và làm nhân chứng cho Chúa. Ơn Chúa không tách biệt chúng ta để trở thành một thành phần ưu tuyển nào cả. Chúng ta có thể nhận diện được hoa qủa của ơn Chúa Thánh Thần trong đời sống thường ngày của mỗi người tín hữu. Xem qủa thì biết cây. Còn hoa quả của Thần Khí là: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế (Gal 5, 22-23).
Chúng ta phải tôn kính, thờ phượng và cầu xin Chúa Thánh Thần. Vâng theo ơn Người soi sáng, cùng ton trọng hồn xác ta là đền thờ của Người. Trong mỗi giây phút sống, chúng ta đều cảm nhận được những ơn lạ. Tất cả mọi luân chuyển sinh động trong thân xác và ngoài vũ trụ đều là sự nhiệm mầu ngoài tầm tay kiểm soát của con người. Chúng ta nên phân biệt rõ ràng về vai trò của Chúa Thánh Thần và lòng ước muốn của con người. Cầu xin là việc của chúng ta, còn ban ơn sủng là thuộc về quyền năng Thiên Chúa. Trình thuật của thánh Gioan rất vắn gọn khi viết về Thánh Thần. Ngày thứ trong tuần, Chúa Giêsu đã hiện đến với các tông đồ và phán: “Bình an cho anh em” và Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần (Ga 20, 22).
Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta hãy cầu xin Ơn Bảy Nguồn. Để mở lòng đón nhận ơn Chúa Thánh Linh, chúng ta hãy sửa đổi những thói hư tật xấu. Chấm dứt những bê tha mê lầm. Buông bỏ những tị hiềm, ghen ghét và thù oán. Quay trở về với con đường chính thật. Mặc lấy ơn sủng tình yêu của Chúa Thánh Thần. Giống như các tông đồ xưa, chúng ta mạnh dạn bước ra khỏi phòng và ra đi làm nhân chứng. Chúng ta sẽ vui thỏa trong bình an và hoan lạc. Lay Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!
41. Nói được các thứ tiếng.
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Lễ Ngũ Tuần là một lễ lớn của người Do Thái.
Nhiều người Do Thái sùng đạo từ nước ngoài về Giêrusalem dự lễ.
Còn Nhóm Mười Hai và mấy phụ nữ, trong đó có Đức Maria, thì cầu nguyện tại lầu trên một căn nhà trong thành.
Chính trong bầu khí của một cộng đoàn cầu nguyện mà Thánh Thần, Đấng Cha hứa ban, đến với họ.
Thánh Thần chẳng có một khuôn mặt để ta ngắm nhìn nhưng ta vẫn nhận ra Ngài nhờ những dấu chỉ khả giác: một tiếng từ trời như tiếng gió thổi dữ dội, những lưỡi lửa tản ra và đậu xuống từng người.
Bổng chốc Thánh Thần đầy tràn mọi người hiện diện.
Có cái gì đó được mở tung, để tự do bay bổng. Có ngọn gió ùa đầy nhà làm căng buồng phổi. Có ngọn lửa ấm lan tỏa trong trái tim.
Có cái gì thôi thúc người ta mở cửa, đi ra và cất tiếng.
Phải kêu to cho mọi người, chẳng co gì phải sợ, về những kỳ công Thiên Chúa đã làm cho Thầy Giêsu.
Trước mặt mười hai ông đánh cá quê mùa ít học, người từ khắp nơi trên thế giới đổ về.
Họ là những người Do Thái sinh sống ở nước ngoài, nên họ đã kinh ngạc, sửng sốt, thán phục, khi họ nghe các ông nói được tiếng của vùng đất họ sống.
Ơn nói được nhiều thứ tiếng là ơn của Thánh Thần, nhằm giúp cho việc loan báo Tin Mừng nơi mọi dân tộc.
Tin Mừng bằng tiếng mẹ đẻ giup người nghe cảm thấy gần gũi.
Rồi Tin Mừng ấy lại trở thành gạch nối liên kết mọi người, thuộc mọi ngôn ngữ, màu da, xã hội, văn hoá khác biệt.
Như thế Thánh Thần làm con người hiểu nhau, gần nhau, và giúp Hội Thánh trở thành Hội Thánh của mọi dân tộc.
Thánh Thần làm vết thương của tháp Babel được lành.
Đã có lúc những người nói cùng một thứ tiếng mà vẫn không hiểu nhau.
Lễ Hiện Xuống là lễ khai sinh một Hội Thánh truyền giáo.
Đức Giêsu đã chào đời tại Châu Á từ 2,000 năm. Làm sao để người Châu Á hiểu được Tin Mừng: đó là vấn đề mà tất cả chúng ta hết sức quan tâm.
Hiểu được là bước đầu để đón nhận và tin theo.
“Chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (c.11).
Làm sao chúng ta sử dụng nhuần nhuyễn các ngôn ngữ Á Châu để trình bày mặc khải của Đức Giêsu Con Thiên Chúa? Phong tục, văn hoá, tín ngưỡng, luân lý, truyền thống của họ cũng là những thứ ngôn ngữ mà ta cần trân trọng tìm hiểu.
Xin Thánh Thần giúp ta học được ngôn ngữ Việt Nam hôm nay, để nói cho người Việt hiểu và hiểu được điều họ nói.
Xin cho Hội Thánh biết khiêm tốn và can đảm học lại ngôn ngữ của những người mà Chúa sai ta đến.
Kinh Thánh đã được dịch ra 2,197 ngôn ngữ.
Chúng ta còn cần dịch ra một thứ ngôn ngữ ai cũng hiểu, đó là ngôn ngữ của phục vụ và yêu thương.
Gơi Ý Chia Sẻ
Nhờ sức mạnh Thánh Thần, những ông đánh cá đã mạnh dạn đứng lên loan báo Tin Mừng. Bạn đã nhận Thánh Thần khi được rửa tội và thêm sức; có khi nào bạn dám can đảm nói lên niềm tin của bạn không?
Gia đình, cuộc sống, nghề nghiệp của bạn cũng là những thứ ngôn ngữ. Bạn có thấy mình nói về Chúa qua những ngôn ngữ ấy không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa là Thần Khí Sự Sống và Tình Yêu, xin ban cho con một thời để yêu và một thời để sống; để con sống vì tình yêu Thiên Chúa, để con yêu vì cuộc sống muôn loài.
Xin dạy con biết yêu những điều tốt đẹp, cao quý và biết ghét những điều đê tiện, xấu xa.
Xin dạy con luôn sống vì những điều mình yêu, và dám chết vì những điều mình ghét.
Xin cho con biết đưa tình yêu vào cuộc sống để mỗi giây phút sống con đều cảm nhận được niềm hạnh phúc yêu thương.
Xin cho con biết đưa cuộc sống vào tình yêu để từng giây phút yêu, con đều làm cho cuộc sống thêm giá trị.
Cuối cùng, xin cho con biết hoà nhập cả hai nên một: để sống là yêu và yêu là sống, vì hiểu được rằng Thiên Chúa Hằng Sống cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu. Amen.
42. Hãy nhận lấy Thánh Thần.
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Lúc đến Êphêsô, Phaolô hỏi một số môn đệ ở đó: “Khi vào đạo, các ông đã nhận lãnh Thánh Thần chưa?”. Họ trả lời: “Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói tới” (Cv 19,1-2).
Chúng ta đã được nghe nói và đã lãnh nhận Thánh Thần, nhưng có thể Ngài vẫn là Đấng xa lạ với ta.
Bí tích Thêm sức chỉ còn là một kỷ niệm đẹp, nhưng nó không làm ta ý thức về sự hiện diện của Thánh Thần, Đấng đang ở trong ta và sai ta đi làm chứng.
Khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ, Ngài đã làm một việc quan trọng, đó là mời họ tiếp tục sứ mạng mà Ngài đã bắt đầu.
“Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).
“Hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Trong Tin Mừng hôm nay, Đấng phục sinh nói với các môn đệ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21)
Đức Giêsu cho các môn đệ được tham dự vào sứ mạng của mình. Chỉ có một sứ mạng duy nhất là sứ mạng Chúa Giêsu nhận được từ Chúa Cha. Sứ mạng của các môn đệ nối dài sứ mạng duy nhất ấy.
Ai sẽ giúp các ông thực hiện sứ mạng này? Ai sẽ cho các ông sức sống để dám mở toang cánh cửa mà lên đường loan báo Tin Mừng phục sinh?
Sức sống ở nơi hơi thở.
Đức Giêsu phục sinh đã trao hơi thở của mình, hơi thở của sức sống thần linh cho các môn đệ.
Khi được trao ban Thánh Thần, họ trở thành con người mới, sẵn sàng lên đường.
Thánh Thần chẳng ở xa mỗi người chúng ta.
Ngài có mặt khi ta rung động trước một đoạn Lời Chúa, và muốn sống Lời Chúa trong đời thường.
Ngài có mặt khi ta gọi tên Chúa Giêsu trên môi (1Cr 12,3), và gọi Thiên Chúa là Cha đầy lòng từ ái (Rm 8,15).
Ngài có mặt khi ta muốn tiến một bước mới trong đời sống cầu nguyện, trong đời sống thiêng liêng.
Thánh Thần chẳng ở xa Giáo Hội.
Ngài làm cho Giáo Hội được hiệp nhất bằng cách ban những đặc sủng khác nhau cho nhiều người để họ phục vụ lợi ích chung.
Ngài hiện diện nơi các vị lãnh đạo Giáo Hội, nhưng Ngài cũng có mặt nơi các nhóm giáo dân.
Ngài hiện diện trong các bí tích, trong mỗi thánh lễ. Ngài thánh hóa bánh rượu để chúng trở nên Mình và Máu Đức Kitô.
Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội; không có Ngài, Giáo Hội chỉ là một cơ cấu đáng ngờ.
Nếu chúng ta mềm mại hơn để cho Ngài dẫn dắt, nếu chúng ta bớt cứng cỏi để cho Ngài canh tân, nếu chúng ta đừng dập tắt tiếng của Ngài, thì chúng ta sẽ thấy những biến đổi kỳ diệu.
Gợi Ý Chia Sẻ
1. Bạn có thấy Chúa Thánh Thần soi sáng và nâng đỡ bạn trong cuộc sống hàng ngày không? Ngài có hoạt động trong nhóm của bạn không?
2. Trong thế giới hôm nay, thế giới gồm cỏ lùng và luau, bạn có thấy hoạt động âm thầm nhưng hiệu quả của Chúa Thánh Thần không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Thánh Thần,
Xin Ngài hãy đến như cơn gió mát thổi vào đời con, thổi vào Giáo Hội, thổi vào thế giới, để đem lại cho chúng con sự tươi mới nhẹ nhàng, sự tự do thanh thoát.
Xin Ngài hãy đến như dòng nước trong chảy vào đời con, chảy vào Giáo Hội, chảy vào thế giới, để cuốn trôi đi mọi nhơ nhớp, khô cằn, cứng cỏi, và làm bật dậy những mầm xanh sự sống nơi chúng con.
Xin Ngài hãy đến như ngọn lửa hồng chiếu sáng đời con chiếu sáng Giáo Hội, chiếu sáng thế giới, để chúng con không còn đồng lõa với tối tăm, nhưng mang trong tim một ước mơ nóng bỏng, đó là làm cho vũ trụ này rực sáng Tình yêu.
43. Hãy nhận lấy Thánh Thần
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Minh)
Cách đây 50 ngày, Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu Phục Sinh, và Chúa Nhật tuần trước, lễ Chúa Giêsu lên trời. Hôm nay Giáo hội mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống và cũng là thánh lễ kết thúc Mùa Phục Sinh.
Trong thánh lễ hôm nay, cộng đoàn chúng ta suy ngắm hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lịch sử ơn cứu độ, và sự hiện diện hoạt động của Ngài nơi các Tông đồ và trong Giáo hội để chúng ta biết sống niềm tin theo sự hướng dẫn của Ngài.
1. Hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lịch sử cứu độ
Chúng ta không thể tìm trong Cựu ước Mạc khải trọn vẹn về Chúa Thánh Thần như trong Tân ước, nhưng chúng ta có thể tìm trong đó rất nhiều tư tưởng phong phú và nhiều màu sắc về thực tại được gọi là Thánh Thần Thiên Chúa.
Trước hết, trong sách Sáng thế, câu đầu tiên ghi: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.” (St 1,2)
Như vậy, sự hiện diện của “Thần Khí Thiên Chúa” bay là là trên mặt nước là một cách diễn tả quyền năng của Thiên Chúa biến đổi hư vô, tối tăm và sự chết thành sự hữu, ánh sáng và sự sống. Và qua Lời Thiên Chúa phán mọi sự được tạo dựng: Ánh sáng, trời đất, tinh tú, cỏ cây, súc vật…
Còn khi tạo dựng sự sống con người-biến xác thể bùn đất thành thân thể sinh động-Thiên Chúa trao ban hơi thở, Thần Khí của Ngài cho con người để con người có sự sống: “Thiên Chúa đã nắn hình người với bụi lấy từ đất đai và Người hà hơi vào mũi nó và người đã thành mạng sống” (x.St 2,7)
Như thế “thổi hơi” gợi lại công trình sáng thế, đặc biệt với con người. Và qua lời tiên báo về việc tái tạo Israel của ngôn sứ Ezechiel (x.Ed 37,9), ngôn sứ cũng nói về việc Thiên Chúa trao ban Thần khí mới, quả tim mới cho con người. Như thế, Thần Khí Thiên Chúa đã thực hiện việc tạo dựng mới.
Rồi trong Tân ước, cũng chính Thần Khí, hơi thở của Thiên Chúa luôn hiện diện từ khi Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người cho đến ngày Giáo hội được khai sinh.
Mở đầu sứ vụ, Đức Giêsu được Thần Khí Thiên Chúa Thánh hiến và sai đi loan báo năm hồng ân của Thiên Chúa. Trên bước đường truyền giáo, Ngài đã rao giảng về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, luôn rộng lượng thứ tha cho người tội lỗi ăn năn hối cải để được ơn tha tội.
Trong ngày Phục sinh, Chúa Kitô sống lại hiện ra với các Tông đồ, Thánh Gioan nhấn mạnh: “Ngài thổi hơi trên họ và nói với họ: Hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Thần Khí nơi Chúa Kitô Phục sinh làm cho các Tông đồ nên những con người mới: từ sợ hãi nên vui mừng hân hoan. Thần Khí đã tác động và biến đổi các Tông đồ kể từ lễ Ngũ Tuần sau Phục sinh, trở thành những chứng nhân can đảm, bất khuất, vượt qua mọi khó khăn, dù bị tù đày để loan báo Tin Mừng (x.Cv 2,28)
2. Chúa Thánh Thần, sức mạnh các hoạt động Tông đồ:
Biến cố Ngũ tuần cũng gọi là lễ Hiện Xuống là bước khởi đầu cho những hoạt động kế tiếp mà Thánh Thần thực hiện trên toàn thế giới và trong cuộc sống con người.
Sách Công vụ Tông đồ mô tả sự kiên này một cách thi vị và theo trình tự thời gian: 40 ngày sau khi sống lại, 10 ngày sau khi lên trời: “Chúa Thánh Thần ngự đến trong khung cảnh tiếng động, gió mạnh và lưỡi lửa đậu trên đầu mỗi người và ai nấy được đầy tràn Thánh Thần” (Cv 2,1-4).
Còn bài Tin mừng thánh lễ hôm nay (Ga 20,19-22), Thánh Gioan tường thuật lại Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra đứng giữa các Tông đồ và nói rằng: “Bình an cho anh em. Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em… Hãy nhận lấy Thánh Thần”.
Như thế trước lúc về trời, Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông đồ rao giảng sự thống hối và làm phép rửa cho muôn dân được tha tội và được ơn cứu độ.
Vì thế, sứ vụ chính yếu của Người Tông đồ là rao giảng sự thống hối và cầu bình an cho mọi người. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Corintô đã quả quyết: “mọi sự đều do tự Thiên Chúa, Đấng đã giảng hoà ta lại với chính mình Người nhờ Đức Kitô và đã ban cho chúng tôi được giúp việc giảng hòa” (2Cr 5,18). Nhưng chỉ trong sức mạnh của Thánh Thần, người Tông đồ mới đảm nhận được sứ vụ cao cả ấy. Chính Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được những hoa trái phát sinh khi có Thánh Thần trong mình, Ngài nói: “Hoa trái của Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”.
Ngày xưa, Thánh Thần của Đấng Phục Sinh đã đến, Ngài mở ra cho các môn đệ một chân trời mới của cuộc sống mới. Các môn đệ đã mạnh dạn đi vào thế giới, mang tin vui đến cho mọi người, dù hoàn cảnh có thuận buồm xuôi gió hay gặp những trắc trở gian nan. Ngày nay, người Kitô hữu cũng lãnh nhận Thánh Thần, để có thể đi ra khỏi cánh cửa khép kín vì sợ hãi, mà mở rộng cõi lòng đón nhận và đến với tha nhân với vòng tay nối kết mang nguồn vui ơn cứu độ của Chúa đến cho con người. Do đó, lễ Hiện xuống không chỉ là ngày khai sinh Giáo hội, mà lễ Hiện xuống vẫn đang tiếp diễn, nghĩa là, Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động trong Giáo hội, để canh tân thế giới ngày nay.
3. Vai trò thiết yếu của Chúa Thánh Thần trong đời sống Kitô hữu:
Ngày nay trước viễn cảnh một thế giới ngập tràn bạo lực và khủng bố, chỉ dựa vào những giải pháp trần thế nhân loại không thể đẩy lùi được bao lực và khủng bố, bởi vì “oán không bao giờ diệt được oán”. Vậy chỉ có tình thương tha thứ “dĩ hòa vi quý” mới là giải pháp tối ưu giải quyết tận căn của chủ nghĩa bạo lực và khủng bố.
Do đó, điều quan trong trong công việc: “Tông đồ giáo dân” người Kitô hữu phải trở nên “khí cụ bình an của Chúa” (Mt 10,12; Rm 12,18) phải cảm nghiệm được tình yêu thương của Thiên Chúa đang ở trong mình và biết chia sẻ tình yêu đó với mọi người xung quanh (1Tx 2,8). Để thực thi được sứ mạng đó, Giáo hội phải truyền giáo, nhất là: “Giáo hội tại Châu Á phải là một Giáo hội truyền giáo. Theo ý định của Thiên Chúa là cứu độ hết mọi người, thế mà hôm nay rất ít người Châu Á biết Chúa và tin theo Chúa”. Quả thật Châu Á, trong đó có Việt Nam, có số dân đông nhất năm châu, mà chỉ có 3% dân số tin theo Chúa. Đó là nỗi thao thức của Người Kitô hữu trong Giáo hội.
Vì thế, hơn bao giờ hết, người tín hữu cần ý thức vai trò quan trọng thiết yếu của Chúa Thánh Thần, vì Ngài chính là căn nguyên sự sống và hoạt động của Giáo hội. Không có Thánh Thần thì cũng chẳng có điều chi thành tựu. Ngài đến để thông ban sự sống, để thánh hóa, để canh tân, để khai mở một cộng đoàn gia đình nhân loại mới trong Đức Kitô. Là Thần Chân Lý, Ngài đến để soi sáng cho mọi người biết điều hay lẽ phải, thúc giục người tội lỗi trở về nẻo chính đường ngay, hướng dẫn và đổi mới tâm tư nên người thánh thiện, biến đổi thế giới nên công bình bác ái.
Vậy cộng đoàn phụng vụ hãy mở rộng cõi lòng để đón Chúa Thánh Thần. Xin Người ban lửa thiêng để tấm lòng được ấm áp và lộ trình cuộc đời được soi sáng, tránh xa u mê lầm lạc, luôn biết đi theo và đi đúng con đường Ngài chỉ dẫn.
Hãy canh tân và đổi mới tâm hồn ngõ hầu người tín hữu trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần.
Hãy làm điều gì cho Chúa, cho Hội Thánh và có ích cho anh chị em mình. Cụ thể như tận tình yêu thương, kính trọng phẩm giá của những người bất hạnh, nghèo khổ…
“Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” lệnh truyền đó của Chúa Giêsu hôm nay cũng được chuyển đạt đến người Kitô hữu chúng ta, để chúng ta lên đường với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta nhiệt tâm làm chứng cho sự thật, cho Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa trong thời đại hôm nay như các Tông đồ ngày xưa.
44. Thánh Thần Thiên Chúa
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)
Mùa Phục Sinh kết thúc với lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Chúa Nhật kế tiếp Giáo Hội sẽ mừng lễ Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính nhờ Đức Giêsu mà người ta biết một cách đặc biệt về Thánh Thần Thiên Chúa.
I. Đức Giêsu đã nói về Thánh Thần
Quyển sách đầu tiên của Kinh Thánh đã đề cập đến Thần Khí của Thiên Chúa: “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St.1, 2). Trong sách Thánh Vịnh, người ta đọc thấy: “Sinh khí của Ngài, Ngài gởi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv.103, 30). Thần Khí (hơi thở) của Thiên Chúa đã được biết tới trong Cựu Ước.
Các tông đồ chỉ nhận ra căn tính của Đức Giêsu một cách đặc biệt sau khi Đức Giêsu phục sinh từ cõi chết. Cùng với dân chúng, các tông đồ nhận ra Đức Giêsu là một tiên tri, là Đấng Kitô (Mt.16, 16: Đấng Thiên Chúa xức dầu, Đấng Thiên Sai) ngay khi Ngài còn sống đời tại thế; nhưng chỉ sau biến cố Đức Giêsu phục sinh từ, các tông đồ mới nhận ra Ngài ngang hàng với Thiên Chúa, ngự bên hữu Thiên Chúa. Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa, hay một cách chính xác hơn Ngài là Lời Thiên Chúa nhập thể. Chính nhờ Đức Giesu, mà con người biết về Thánh Thần một cách rõ ràng hơn.
Tin mừng theo thánh Gioan cho thấy chính Đức Giêsu mặc khải cho con người biết về Thánh Thần một cách đặc biệt. Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ sẽ được Thiên Chúa sai gởi tới nhân danh Đức Giêsu, để ở với mãi với con người (Ga. 14,16.26). Có một tương quan đặc biệt giữa Thiên Chúa, Đức Giêsu, và Thánh Thần Đấng Bảo Trợ. Không ai biết rõ Cha trừ Con và những người Con muốn mặc khải (Mt.11, 27). Cũng chính Đức Giêsu nói cho con người biết về Thánh Thần. Thánh Thần có nguồn gốc nơi Thiên Chúa Cha, và được chính Thiên Chúa Cha sai gởi (Ga.14, 16.27). Thánh Thần cũng được Đức Giêsu sai gởi nữa (Ga.15, 26).
II. Sứ mạng của Thánh Thần
Thánh Thần luôn ở với con người. Thánh Thần được sai tới, để ở mãi với con người (Ga.14, 16). Thánh Phaolô diễn tả: “anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá hủy đền thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh em” (1Cor.3, 16-17). Ở với con người, đó là sứ mạng chính của Thánh Thần. Hiện tại Thánh Thần đang ở với mỗi người chúng ta. Thánh Thần đang hiện diện nơi cung lòng mỗi người. Không bao giờ Thánh Thần rời bỏ chúng ta.
Thánh Thần là Đấng thánh hóa, Đấng làm cho con người nên thánh, Đấng lam cho con người thuộc về Thiên Chúa. Một ngôn từ khác để diễn tả tác động làm con người thuộc về Thiên Chúa, đó là tha tội (Ga.20, 22-23). Thiên Chúa như người cha nhân từ luôn tha thứ tội lỗi cho con người, ngay cả khi người con chưa kịp nói lời xin lỗi. Chính Thánh Thần Thiên Chúa thúc đẩy làm cho con người sám hối trở lại với Thiên Chúa. Không phải chờ cho tới lúc con người tới tòa hòa giải để nghe lời xá giải qua trung gian linh mục, Thánh Thần Thiên Chúa mới tác động tha thứ tội lỗi con người; nhưng ngay ý định thống hối, hành vi thống hối đầu tiên, đã là do tác động của Thánh Thần rồi. Vị linh mục nơi tòa hòa giải là dấu chỉ hữu hình của lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa.
Thánh Thần là Thầy dạy dỗ con người về Thiên Chúa (Ga.14, 26; 16, 12-13). Không ai có thể dạy con người về Thiên Chúa. Con người có thể nói về Thiên Chúa, hoặc lặp lại những lời về Thiên Chúa, nhưng không thể dẫn con người tới gặp gỡ và cảm nghiệm Thiên Chúa. Chính Thánh Thần Thiên Chúa đã làm điều này nơi các tín hữu (Rm.8). Thánh Thần dạy mỗi người về Thiên Chúa, làm chứng về Thiên Chúa cho con người, lam con người trở thành những chứng nhân tình yêu của Thiên Chúa (Ga.15, 26).
III. Sống dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần
Vũ trụ bao la là những “lời” hoặc những “dấu chỉ” cho thấy Thiên Chúa hiện hữu và tốt lành, v.v.. Qua vu trụ thiên nhiên, Thiên Chúa “nói” với con người một cách nào đó. Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa, Lời Thiên Chúa nhập thể. Đức Giêsu cho con người biết nhiều về Thiên Chúa. Với Đức Giêsu, con người nhận ra Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng, Thiên Chúa sẵn sàng đánh đổi tất cả để được con người. Thiên Chúa là Đấng yêu thương con người vô cùng.
Thánh Thần được ban cho con người, cũng vì yêu thương. Thánh Thần Thiên Chúa soi sáng tâm trí mỗi người, giúp mỗi người nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa, ý định của Thiên Chúa qua lý trí của mình. Hãy lắng nghe Thiên Chúa nói qua Kinh Thánh, qua những lời giảng dạy của những vị có thẩm quyền, qua tha nhân và ca qua những biến cố hằng ngày nữa. Thiên Chúa đang nói với con người, và Thánh Thần đang soi sáng hướng dẫn con người. “Đừng dập tắt Thần Khí” (1Thes.5, 19). Thiên Chúa có thể nói với mỗi người qua những trung gian và thời điểm khác nhau, hãy lắng nghe dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, để nhận ra và thực hiện thánh ý Thiên Chúa.
Thiên Chúa muốn chúng ta sống bình an hạnh phúc. Những gì giúp chúng ta bình an và hạnh phúc thật, đều đến từ Thiên Chúa; những gì làm chúng ta bất an, lo lắng, giận hờn thù ghét, không đến từ Thiên Chúa. Hãy tập nhận định để mỗi người được sống an bình thanh thản hơn trong Thiên Chúa. Chính Thánh Thần là nước mát rửa sạch tâm hon con người; cũng chính Thánh Thần là lửa mến sẽ hun đốt lòng con người cháy lửa tình yêu đối với Thiên Chúa. Thánh Thần giúp tất cả mọi người, để tất cả sống trong tình yêu của Thiên Chúa.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Thanh Thần là ai? Dựa vào đâu bạn biết Thánh Thần là Thiên Chúa?
2. Thánh Thần hiện đang ở đâu? Nhiệm vụ, sứ mạng của Thánh Thần là gì?
3. Làm sao nhận ra tác động của Thánh Thần? Thế nào là sống theo Thần Khí?
45. Thánh Thần Thiên Chúa
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ.)
Đức Giêsu đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các môn đệ khi Ngài từ cõi chết phục sinh: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga.20, 22-23). Khi Đức Giêsu còn ở dương thế, Ngài đã xin Thiên Chúa Cha để Cha ban Thánh Thần cho các môn đệ (Ga.14, 16); và khi Ngài sống lại từ cõi chết, Ngài đã ban Thánh Thần như Ngài đã hứa trước (Ga.15, 26). Khi tại dương thế, Ngài sống thân phận con người, nên Ngài tùy thuộc tất cả nơi Thiên Chúa. Trong mọi chuyện, Ngài phải xin Thiên Chúa. Ngài tùy thuộc ý Thiên Chúa như con người cần của ăn: “của ăn của thầy là làm theo ý Đấng đã sai thầy” (Ga.4, 34).
Đức Giêsu tùy thuộc Thiên Chúa trong mọi chuyện, đến độ “tất cả những gì con có đều là của Cha, tất cả những gì Cha có đều là của con” (Ga.17, 10). “Ta và Cha là một” (Ga.10, 30). Đức Giêsu đã đồng nhất với Thiên Chúa trong tất cả, nhưng Ngài vẫn là Ngài, khác với Cha. Ngài vẫn cầu nguyện (Mc.1, 35), vẫn luôn tìm ý Thiên Chúa Cha trong mọi lúc, đặc biệt nơi vườn dầu (Lc.22, 42), có lúc Ngài cũng có cảm tưởng Thiên Chúa bỏ rơi Ngài (Mc.15, 34) nhưng Ngài vẫn hoàn toàn phó thác tất cả cho Thiên Chúa (Lc.23, 46). Ngài tùy thuộc Thiên Chúa đến độ Ngài không còn là Ngài nữa, mà là Thiên Chúa hiện diện nơi Ngài (Ga.14, 10-11). Ngài tùy thuộc Thiên Chúa đến độ có thể nói Ngài là Thiên Chúa: “Ông là người mà dám cho mình là Thiên Chúa” (Ga.10, 33).
Thánh Thần cũng tùy thuộc Thiên Chúa Cha, và là Đấng được sai bởi Thiên Chúa Cha (Ga.14, 16). Thánh Thần cũng được chính Đức Giêsu Phục Sinh ban tặng cho các tông đồ (Ga.20, 22). Thánh Thần sẽ nhận lấy những gì của Đức Giêsu mà loan báo cho các tông đồ, vì tất cả những gì Đức Giêsu có đều là của Cha (Ga.16, 13-15). Nơi Thánh Thần cùng Đức Giêsu Phục Sinh và Thiên Chúa Cha, tất cả đều là chung; tuy nhiên vẫn phân biệt Cha, Đức Giêsu Phục Sinh, và Thánh Thần. Đức Giêsu nói với Philíp: “anh không tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy sao?” (Ga.14, 9-10). Đức Giêsu và Thiên Chúa Cha tuy là một nhưng vẫn là hai, là Thiên Chúa Cha và là Đức Giêsu. Thiên Chúa Cha, Đức Giêsu Phục Sinh, và Thánh Thần tuy là ba nhưng vẫn là một trong mọi sự. Thánh Thần tùy thuộc Thiên Chúa Cha và Đức Giêsu Phục Sinh, đến độ có thể nói Thánh Thần là Thiên Chúa.
Khi dùng cụm từ “đến độ có thể nói,” có thể làm cho người ta hiểu rằng Đức Giêsu Phục Sinh và Thánh Thần khác và kém Thiên Chúa Cha, nhưng thực ra không muốn nói như vậy. Cả ba là một trong tất cả, nên không có vấn đề hơn kém nhau ở đây. Thiên Chúa chỉ là một; không có Con thì không có Cha; có Con có Cha thì có Thánh Thần Tình Yêu.
Thánh Thần đã được ban cho con người, để ở mãi với con người (Ga.14, 16). Thánh Thần sẽ dạy con người những gì cần thiết (Ga.14, 26), Ngài sẽ giúp các môn đệ làm chứng cho Đức Giêsu, và chính Ngài cũng làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh qua những con người (Ga.15, 26). Thánh Thần dẫn con người vào sự thật trọn vẹn (Ga.16, 13). Không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, mà không nhờ bởi Thánh Thần (1Cor.12, 3). Mười tông đồ và các chị phụ nữ loan báo tin mừng phục sinh cho một tông đồ Thomas trong suốt cả một tuần nhưng vẫn không thành công (Ga.20, 24-25) nhưng với ơn của Thánh Thần, các tông đồ đã được biến đổi, các tông đồ đã làm được những điều kỳ diệu.
Thánh Thần biến đổi con người. Là những người ít học, nhát đảm sợ sệt nhưng khi Thánh Thần tỏ hiện quyền năng trong ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ đã can đảm đứng ra rao giảng làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh. Chính Thánh Thần đã quy tụ dân chúng lại để cho các tông đồ rao giảng (Cv.2, 5-6), cũng chính Thánh Thần làm cho những người nghe được hiểu và tin nhận lời rao giảng của các tông đồ, giúp họ tin vào Đức Giêsu, và cho họ chịu phép rửa (Cv.2, 37.41). Điều con người không làm được, thì Thánh Thần đã làm một cách tuyệt vời (Ga.14, 12).
Trong suốt dòng lịch sử, Thánh Thần vẫn đã và đang tiếp tục làm những điều kỳ diệu. Bao nhiêu người đã tin vào lời rao giảng của các tông đồ và của những người tin vào Đức Giêsu Phục Sinh. Bị bách hại, các tông đồ và các Kitô hữu tiên khởi đã không hề sợ hãi, sẵn sàng bỏ nhà cửa tài sản để sống niềm tin vào Chúa Phục Sinh. Chính đời sống tự do, hân hoan, và tràn đầy niềm tin sức sống của họ đã trở thành lời rao giảng và là bằng chứng của Chúa Phục Sinh và Thánh Thần của Người, đã làm nhiều người tin vào Đức Giêsu Phục Sinh. Chính Thánh Thần đã làm tất cả những điều này trong dòng lịch sử.
Trong dòng lịch sử, bao nhiêu giáo đoàn của những nơi xa lạ đã được các nhà truyền giáo tới rao giảng. Những nhà truyền giáo là những người của Thánh Thần. Họ sẵn sàng bỏ tất cả để sống theo tác động của Thánh Thần. Họ bỏ cha mẹ, anh chị em họ hàng, bao nhiêu ước vọng của tuổi trẻ, để trở thành tình yêu của Thiên Chúa nơi đất khách quê người, nơi những dân tộc xa lạ. Chính Thánh Thần vẫn tiếp tục làm lời rao giảng của họ được tiếp nhận cho dù họ rao giảng với những giới hạn của ngôn ngữ nơi địa phương xa lạ. Và rồi với những bách hại do hiểu lầm, do những thế lực ác, Thánh Thần vẫn làm các nhà truyền giáo trung kiên sống giữa môi trường nguy hiểm đó, vẫn làm các ngài coi nhẹ cái chết để loan báo Tin Mừng, vẫn làm những tín hữu tiên khởi dám hy sinh mạng sống để trung thành với Thiên Chúa, giữ vững đức tin.
Ngày nay, Thánh Thần vẫn đang hoạt động trong lòng mỗi người, nơi những người sống đời dâng hiến cũng như những người đang sống trong những môi trường khác nhau. Để trở thành những người con ngoan của Thiên Chúa, con người vẫn cần Chúa Thánh Thần một cách đặc biệt, để sống trung thành và yêu mến, cả trong môi trường tu viện và trong môi trường đời. Thánh Thần vẫn đang hiện diện nơi những môi trường bị sự dữ thống trị, để đánh động, để nâng đỡ những người khốn khổ đang quằn quại dưới ách sự ác, để làm bao người tội lỗi ăn năn sám hối trở lại với Thiên Chúa, sống theo đường ngay nẻo chính. Thánh Thần quả là Đấng tuyệt vời, đang ở gần gũi mỗi người, để dạy dỗ, hướng dẫn, thêm sức, và giúp con người tự do hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Bạn có kinh nghiệm “bất lực” và cần Thiên Chúa giúp bạn làm điều tốt không?
2. Bạn có ý thức và cầu nguyện với Chúa Thánh Thần không? Theo kinh nghiệm của bạn, Thánh Thần là ai? Ngài có chỗ trong đời bạn không? Xin chia sẻ kinh nghiệm.
46. Thánh Thần Tình Yêu.
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)
Mùa phục sinh kết thúc với Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chúa Nhật sau lễ Chua Thánh Thần hiện xuống là lễ Chúa Ba Ngôi, và Chúa Nhật sau lễ Chúa Ba Ngôi là lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu.
Các con hãy nhận lấy Thánh Thần
Buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện ra cho các tông đồ. Ngài thổi hơi trên các ông và bảo: “các con hãy nhận lãnh Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì người ấy được tha”.
Trong ca tiếp liên: “Nếu không có Chúa trợ phù, trong con người chẳng còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội. Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa lành nơi thương tích”. Trong lời tha tội của bí tích xá giải, linh mục đọc: “Thiên Chúa là Cha nhân từ hay thương xót, Chúa đã dùng cái chết va sống lại của Con Chúa để giao hoà thế gian với Chúa, và đã ban Thánh Thần để tha tội…”
Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá, Đấng làm cho con người được giao hoà với Thiên Chúa, Đấng tha tội cho con người, Đấng làm cho con người trở thành con Thiên Chúa.
Thánh Thần- Đấng trợ phù
“Không ai có thể nói ‘Đức Giêsu là Chúa’ mà không nhờ bởi Thánh Thần”. Thánh Thần giúp con người tin vào Đức Giêsu. Không có ơn của Chúa Thánh Thần, không ai co thể tin vào Đức Giêsu được.
Có nhiều ân sủng, có nhiều đặc sủng, nhưng chỉ do một Thánh Thần. Thánh Thần ban cho người này ơn tiên tri, ban cho người kia ơn thông hiểu, ban cho người khác ơn lãnh đạo,… Có nhiều chức vụ, nhiều đặc sủng, nhưng tất cả đều do bởi một Thánh Thần. Cũng chính Thánh Thần liên kết chúng ta nên một, dù chúng ta thuộc thành phần nào, dân tộc nào, chúng ta vẫn làm nên một thân thể trong Đức Giêsu, cũng nhờ chỉ một Thánh Thần. Thánh Thần làm cho con người hiểu nhau, thông cảm lẫn nhau, thương yêu nhau, giúp đỡ lẫn nhau.
Thánh Thần giúp chúng ta cầu nguyện, giúp chúng ta sống đẹp lòng Chúa, làm chúng ta trở nên con người mới. Thánh Thần là Đấng làm mới tất cả.
Thánh Thần là Thiên Chúa
Nhờ Đức Giêsu phục sinh, và các tông đồ nhớ lại những gì Đức Giêsu đã nói với các ngài khi Đức Giêsu còn sống đời dương thế, các tông đồ “với ơn của Thánh Thần” đã nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa, và sau đó Thánh Thần là Thiên Chúa.
Thánh Thần có cùng nguồn gốc nơi Thiên Chúa, Ngài ở nơi Thiên Chúa “Khi Đấng bảo trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha” (Ga 15, 26), được Cha và Đức Giêsu sai gởi “Nhưng Đấng bảo trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga.14, 26).
Sứ mạng của Thánh Thần là ở với con người: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em Đấng bảo trợ khác, đến ở với anh em luôn mãi” (Ga.14, 16), dạy con người mọi sự (Ga.14, 26), làm chứng cho Đức Giêsu (Ga.15, 26), dẫn con người tới sự thật trọn vẹn (Ga.16, 13).
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Bạn có cảm nghiệm Thánh Thần luôn ở với bạn, và gần gũi với bạn không?
2. Thánh Thần có thể làm bạn trở thành “con người mới”. Bạn hiểu “con người mới”, là người như thế nào?
3. Lời kinh nào về Chúa Thánh Thần mà bạn thích nhất?
47. Đấng thánh hoá
Chúng ta còn đang trong bầu khí vui mừng của mùa Phục Sinh. Tin Mừng Phục Sinh làm cho sự sống của mọi tạo vật trên trần gian được biến đổi. Hôm nay sự sống và niềm vui của trần gian được thêm tràn nay qua biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống. Có thể nói biến cố hiện xuống đã làm thay đổi một kỷ nguyên mới cho trái đất và làm khai sinh một Giáo Hội mang tên con Thiên Chúa – Giáo hội Kitô. Giáo Hội sẽ được chính Chúa Thánh Thần tác động, hướng dẫn, điều khiển theo chương trình của Chúa Cha.
Thánh Thần là ai? Thưa Ngài là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Thần chân lý, là Đấng bảo trợ, Đấng an ủi, Đấng ban sự sống… là Đấng Thánh hoá.
Vậy Thánh hoá là gì? Thưa là một sự biến đổi làm cho trở nên thánh theo chiều hướng: ác thành thiện, xấu – tốt, yếu – mạnh, buồn – vui, đau khổ – hạnh phúc…
Giờ đây, hãy trở lại với Cựu ước. Ngay từ thuở tạo thiên lập địa trong việc tạo dựng Chúa Thánh Thần đã thể hiện vai trò Thánh hoá của Ngài. Thiên Chúa dùng bụi đất nắn lên hình ảnh con người giống hình ảnh Chúa. Chắc giống như một hình nộm bất động. Nhưng khi thổi sinh khí vào mũi thì nó trở thành con người. Đấy, từ một nắm đất trong tay Thiên Chúa mà Người đã thánh hoá và biến đổi nó thành một con người mới.
Tiếp tục trong Cựu ước câu chuyện của gia đình Ông Gia-cóp Cho thấy từ sự dữ mà Thiên Chúa biến đổi và thánh hoá nó thành điều lành để chuẩn bị cho dân riêng của Người.
Đến thời Tân ước đặc biệt là bối cảnh của bài Tin Mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay, cho ta thấy rõ hơn vai trò Thánh hoá của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu chết đã làm cho các tông đồ tuyệt vọng. Các ông đang trong tình trạng sợ hãi, sợ người Do thái. Có thể nói các ông đang trốn chui trốn nhủi. Không dám công khai. Rõ ràng hôm nay các ông đang ở trong phòng kín. Chắc chắn các ông lo lắng và suy nghĩ nhiều điều về nỗi sợ hãi, một sự lo lắng không có lối thoát. Hạnh phúc thay ngay lúc đo Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa các ông mà nói “Bình an cho Anh em… nói xong Người thổi hơi và ban thánh Thần cho các ông”. Lập tức các ông vui mừng hân hoan, niềm tin như đã được củng cố từ bao giờ. Các ông mở toang cưa ra từ một tâm trạng buồn bã trở nên vui mừng, từ sợ sệt nay lại mạnh mẽ ra đi loan báo Tin mừng nước trời.
Một Phêrô trối Chúa nay lại tin tưởng, một Phêrô sợ sệt nay mạnh mẽ, một Phêrô ngu muội không hiểu được những dụ ngôn nay lại thông minh sáng suốt, một Phêrô cọc cằn, nóng nảy ăn nói vụn về nay trở thành nhà hùng biện.Sau bài giảng đầu tiên có hơn ba ngàn người xin theo đạo. Đó là do chính Phêrô nỗ lực hay là một ai đó đã biến đổi ông? Biến đổi nhanh như vậy?
Chúa Thánh Thần vẫn luôn tiếp tục hoạt động và biến đổi Giáo hội mỗi ngày. Giờ nay đến phần chúng ta. Qua bài Tin mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay mang lại cho ta một y nghĩa nào không? Anh chị em hãy tự hỏi mình đi, tự vấn mình đi…
Chúng ta có được Chúa Thánh Thần thánh hoá hay chưa? Thưa chúng ta đã và đang được thánh hoá hằng ngày. Nhờ Bí Tích Rửa Tội chúng ta được biến đổi. Từ một tạo vật như mọi tạo vật nay được trở thành con cái Thiên Chúa đặc biệt là trở thành chi thể của Đức Kitô. Nhờ bí tích hoà giải làm biến đổi chúng ta từ những con người nhơ nhớp tội lỗi, xấu xa. Nay lại trở nên tinh tuyen và thánh thiện trước mặt Thiên Chúa. Với bí tích thêm sức chúng ta được thêm vững mạnh trong đức tin trở thành những chiến sĩ loan báo Tin mừng Nước Trời.
Có bao nhiêu người trong cộng đoàn chúng ta ý thức được ân huệ lớn lao này?
Mỗi ngày chúng ta ý thức hơn về những ân sủng mà ta lãnh nhận từ Chúa. Noi gương thánh Phêrô mạnh dạn ra đi loan báo Tin mừng bằng chính đời sống chứng nhân của mình. Hãy dùng những ân sủng và hoa trái của Thánh Thần để biến đổi và thánh hoá chính mình, để mọi ngày trong đời sống đều là một lễ hiện xuống cho ta.
1. Mỗi sáng trước khi rời khỏi giường ngủ, chúng ta hãy làm dấu mà nói “con xin dâng lên Chúa ngày mới này. Xin Chúa chúc lành và thánh hoá..”.
2. Trước khi dùng bữa chúng ta hãy nhớ đến Chúa. Nếu đọc được Kinh lạy cha thì tốt, còn không thì hãy nói “xin Chúa chúc lành và thánh hoá của ăn chúng con sắp lãnh nhận”.
Ít nhất nhờ những lần như thế trong ngày, Chúa Thánh Thần có cơ hội đến với ta ở trong ta, để biến đổi và thánh hoá chúng ta. Vì vậy, mỗi ngày trong đời sống chúng ta thật là một Lễ Hiện Xuống. Amen.
48. Người thổi hơi vào các ông.
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Những vết chân trên cát cho ta biết có người đã đi qua.
Nhìn hàng cây xa lay động, ta biết có gió.
Đức Giêsu đã ví Thánh Thần như cơn gió: “Gió muốn thổi đâu thì thổi… Chẳng ai biết gió từ đâu đến và sẽ đi đâu” (Ga 3,8).
Chúng ta chỉ thấy những dấu vết hoạt động của Thánh Thần, nhưng không thấy được chính Ngài, cũng không nắm được đường đi nước bước của Ngài.
Bài Tin Mừng hôm nay đã mo tả Thánh Thần như hơi thở của Chúa Phục Sinh.
Hơi thở là dấu hiệu của Sự Sống.
Thiên Chúa đã thở hơi vào Ađam vă cho ông sống. Đức Giêsu Phục Sinh đã thở hơi trên các môn đệ, để họ nhận một sự sống mới hoàn toàn.
Đời sống Kitô hữu là đời sống trong Thánh Thần.
Ngay từ giây phút đầu tiên trong lòng mẹ, Đức Giêsu đã được đầy tràn Thánh Thần.
Khi lãnh nhận phép rửa của Gioan, Ngài đã được Thánh Thần ngự xuống và lưu lại.
Cũng chính Thánh Thần đưa Ngài vào sa mạc để cầu nguyện, ăn chay và định hướng cuộc đời.
Tại Galilê, Đức Giêsu đã bắt đầu sứ mạng trong quyền năng của Thánh Thần (Lc 4,14).
Ngài đã nhờ Thánh Thần mà đuổi quỷ (Mt 12,28), và khi được hân hoan trong Thánh Thần, Ngài đã thốt lên lời ca ngợi Cha (Lc 10,21).
Quả thật Đức Giêsu là con người sống trong Thánh Thần, Đấng mà Ngài đã nhận được một cách vô hạn (Ga 3,34).
Đôi khi chúng ta cảm thấy xa lạ với Ngôi Ba, dù thực sự Ngài là người Bạn, người Thầy quá ư gần gũi và cần như hơi thở.
Tôi gọi Thiên Chúa là Cha, cũng nhờ Ngài (Rm 8,15).
Nhờ Ngài tôi biết cầu nguyện, và nếm được sự ngọt ngào của Lời Chúa.
Nhờ Ngài Hội Thánh vẫn được canh tân liên tục bằng những luồng gió bất ngờ, những lôi cuốn mạnh mẽ không sao cưỡng lại.
Xin cho tôi can đảm để cho ngọn gió của Ngài thổi tung mọi sợ hãi, rụt rè, khép kín.
Xin cho tôi lưỡi lửa để tôi ra đi loan báo Tin Mừng với trái tim bừng cháy.
Xin cho tôi hơi thở của Ngài để tôi biết sống và yêu nồng nàn.
Gợi Ý Chia Sẻ
Mọi sáng kiến canh tân đều có thể là do Thánh Thần thúc đẩy. Trong giáo xứ, gia đình, cộng đoàn hay nhóm của bạn, bạn có gặp thấy những người biết thao thức và dám đưa ra sáng kiến canh tân không?
Thánh Thần vẫn lên tiếng qua những người có trách nhiệm, qua bạn bè, qua hoàn cảnh mới cần thích nghi. Có lần nào bạn nghe được lời mời của Thánh Thần không? Bạn đáp lại ra sao?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban sức sống cho chúng con.
Xin cho cuộc đời Kitô hữu chúng con đừng rơi vào sự đơn điệu nghèo nàn, vào những lối mòn quen thuộc, nhưng xin canh tân và tái tạo chúng con mỗi ngày.
Xin nuôi chúng con bằng những thức ăn mới, cho chúng con khám phá ra những chiều sâu khôn dò của Đức Kitô, và ý nghĩa thâm thúy của Tin Mừng.
Lạy Chúa Thánh Than là Đấng Ban Sự Sống, thế giới hôm nay luôn bị đe dọa bởi bạo lực, khủng bố, chiến tranh; mạng sống con người bị coi rẻ.
Xin cho chúng con biết say mê sự sống, và gieo vãi sự sống khắp nơi.
Ước gì Chúa ban cho nhân loại một lễ Hiện Xuống mới, để con người có thể hiểu nhau hơn và đón nhận nhau trong yêu thương.
49. Suy niệm của Lm. Trầm Phúc
Hôm nay chính là ngày khai sinh của Giáo Hội. Giáo Hội được sinh ra trong lời cầu nguyện và trong Chúa Thánh Thần, trong ngọn gió và trong ngọn lửa thần linh. Thánh Luca, trong sách Tông đồ công vụ đã tường thuật lại một cách khá tỉ mỉ, biến cố trọng đại nầy. Trong suốt mười ngày, các tông đồ đã cùng với Mẹ Maria cầu nguyện trong nhà tiệc ly, và đến ngày lễ Ngũ Tuần, khi mọi người hăm hở đua nhau đi dự lễ ở Đền thờ, thì Chúa Thánh Thần ngự xuống. Ngài đến như một cơn gió mạnh. Chúa Giêsu đã nói gió muốn thổi đi đâu thì thổi. Khoa học hôm nay có thể đo sức mạnh của gió, nhưng gió Thánh Thần thì không có khoa học nào đo lường được. Ngọn gió thần linh đó đã thổi vào tâm hồn các tông đồ và trong cánh buồm của Giáo hội sơ khai và con thuyền của Giáo Hội bắt đầu ra khơi. Đọc sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta thấy rằng chính Chúa Thánh Thần hoạt động nơi các tông đồ, điều khiển mọi hoạt động của các ngài, chỉ dẫn các ngài phải làm gì. Hơn hai mươi thế kỷ, qua bao nhiêu cơn sóng gió, giông bão, con thuyền Giáo Hội vẫn tiếp tục đi tới, mang theo trong mình ơn cứu rỗi. Thánh Thần vẫn tiếp tục hoạt động.
Ngọn gió đó hôm nay vẫn thổi ào ạt vào trong tâm hồn các kitô hữu và trong thế giới. Không một cái gì tốt đẹp xảy ra trong cuộc sống chúng ta mà không do Thánh Thần.
Thánh Thần đến với chúng ta dưới hình thức ngọn lửa. Ngài là ngọn lửa thiêng đốt nóng tâm hồn những kẻ tin, giúp họ thắng vượt mọi khó khăn để trung thành với tình yêu Chúa, giúp họ hăng say bước theo Chúa Giêsu. Ngọn lửa tình yêu đó đã nung đốt tâm hồn các kitô hữu trong những cơn bách hại. Nhờ đó họ vui mừng liều mạng cho Chúa mà không sợ sệt, chân thành phục vụ mọi người. Ngọn lửa của Ngài mang lại ánh sáng cho mọi tâm hồn thiện chí, giúp chúng ta nhìn thấy được những thực tại vô hình, nhìn thấy Chúa trong cuộc sống, và trên hết, giúp chúng ta yêu mến Chúa sâu đậm hơn.
Thánh Thần Chúa, theo thánh Phaolô, dạy cho chúng ta biết Chúa Cha, dạy chúng ta gọi Chúa Cha như Chúa Giêsu đã gọi, với tất cả tỉnh yêu con thảo: Abba, lạy Cha. Ngài cầu nguyện trong chúng ta, cầu cho chúng ta. Chúng ta là đền thờ của Ngài. Ngài ngự trong chúng ta và ban cho chúng ta sự sống mới, sự bình an của Ngài. Chúa Giêsu, sau khi sống lại, đã hiện ra cho các tông đồ và ban bình an cho các ngài và thổi hơi Thánh Thần vào họ, sai họ đi rao giảng Tin Mừng, mang ơn tha thứ cho mọi người: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha…”
Thánh Thần Chúa cũng là Thánh Thần của sự hiệp nhất. Ngài quy tụ mọi người trong một Giáo Hội duy nhất, không phân biệt chủng tộc màu da, tất cả đều là một trong Ngài. Ngài biến Giáo Hội thành một thân thể duy nhất, tuy có rất nhiều chi thể khác nhau, nhưng tất cả chỉ là một. Ngài là Thánh Thần Tình Yêu, Ngài giúp mọi người hiệp nhất: “ Chỉ có một Thân Thể và một Thánh Thần…một Thiên Chúa”.
Chúng ta biết Chúa Thánh Thần, hằng ngày chúng ta luôn cầu nguyện với Ngài, nhưng ít người để ý đến Ngài, vì chúng ta không thấy Ngài. Chúng ta là những con người vật chất, những gì chúng ta không thấy, chúng ta dễ lãng quên. Vì thế nhiều người không chú ý đến Chúa Thánh Thần, đang lúc Ngài chính là Đấng Bảo Trợ luôn kề cận chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Thánh Phalô khuyên chúng ta đừng giập tắt Chúa Thánh Thần bằng những hành động tội lỗi… Đừng làm phiền lòng Thánh Thần”bằng sự thờ ơ lãnh đạm, bằng sự ươn lười làm việc lành, nhất là bằng những hành động thiếu bác ái. Thánh Thần Tình Yêu không thể chấp nhận những ganh tị, giận hờn, loại trừ anh em.
Chúng ta không thể lãng quên Thánh Thần, vì Ngài giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả”.
Nơi bàn thờ nầy, chính Thánh Thần Chúa làm cho bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Giêsu, để chúng ta luôn có lương thực cần thiết để tình yêu Chúa trong chúng ta không suy giảm, nhưng càng ngày càng thấm thiết hơn, mãnh liệt hơn. Thánh Thần Chúa sẽ làm cho chúng ta gắn bó hơn với Đấng đã liều mạng cho chúng ta, sống lại cho chúng ta để chúng ta không còn sống cho chính mình nữa mà sống cho Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta.
50. Lửa Thánh Thần – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã nhiều lần hứa sẽ gửi Thánh Thần đến an ủi các mon đệ. Quả thật, các ngài không phải chờ đợi lâu. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần xuống đầy tràn trên các ngài. Ơn Chúa Thánh Thần thật mãnh liệt. Chúa Thánh Thần đã đụng chạm đến các ngài. Chúa Thánh Thần như nguồn nhựa sống thấm tẩm vào từng chân tơ kẽ tóc làm cho các ngài thay đổi da thịt, trở thành con người mới. Các ngài đã cảm nghiệm được sự tác động ấy. Đó là cảm nghiệm về một ngọn lửa.
Chúa Thánh Thần là ngọn lưa thanh luyện.
Giống như ngọn lửa thanh luyện vàng và kim loại khỏi các tạp chất, ngọn lửa Thánh Thần tẩy sạch con người cũ của các tông đồ. Trước kia các tông đồ là những người nhỏ nhen ích kỉ, ham hố danh vọng, thường tranh nhau chỗ cao chỗ thấp. Nhưng khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các Ngài trở nên quảng đại, hy sinh quên mình, chỉ nghĩ đến phục vụ Nước Chúa. Trước kia các Tông đồ là những người nhút nhát, dễ thay đổi. Nhưng khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các Ngài đã trở nên cam đảm, trung thành làm cho Chúa đến nỗi dám hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa. Hơi ấm của Chúa Thánh Thần băng bó những vết thương làm cho tâm hồn các Ngài liền da liền thịt, sạch hết mặc cảm, trở nên những con người hoàn toàn mới.
Chúa Thánh Thần là ngọn lửa soi sáng.
Ai đã có lần đi trong hang động tối tăm mới hiểu được nỗi khổ của người mò mẫm lần từng bước dò đường đi. Những tảng đá lởm chởm, những thú vật độc ác, những vực sâu hiểm nghèo đang rình chờ cướp mạng sống của người mạo hiểm. Hạnh phúc biết bao khi có ánh sáng tới. Đường đi xuất hiện rõ ràng. Khách bộ hành an tâm mạnh dạn tien bước.
Trước kia, các Tông đồ giống như người đi trong đêm tối, không biết đường biết hướng về đâu. Lửa Chúa Thánh Thần đến soi sáng trí khôn biến những bác ngư phủ quê mùa trở nên sáng suốt thông minh, hiểu biết Lời Chúa. Lửa Chúa Thánh Thần soi sáng đường đi, biến những môn đệ mất Thầy như bầy ong vỡ tổ trở nên những người lãnh đạo dẫn đường cho một đoàn dân mới tiến về Quê Trời.
Chúa Thánh Thần là ngọn lửa sự sống.
Sau ngày Chúa Giêsu chịu chết, các Tông đồ sợ hãi tản lạc tứ phía. Các ngài phải trốn chạy. Các ngài phải ẩn nấp, Các ngài sống trong sợ sệt lo âu. Các ngài phải đóng kín cửa nhà vì sợ người Do thái. Các ngài sống như tựa như đã chết. Các ngài giống như cái xác không hồn. Nhưng sau khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các ngài nhận được nguồn sống. Các ngài bừng tỉnh như sau một giấc ngủ. Các ngài mạnh mẽ như người hồi phục sau cơn trọng bệnh. Sư sống mãnh liệt trào tuôn khiến các ngài không còn có thể bó gối ngồi một chỗ, nhưng mạnh mẽ mở cửa ra đi rao giảng Lời Chúa. Sự sống mãnh liệt trào tuôn khiến các cộng đoàn phát triển mau chóng. Ngọn lửa Chúa Thánh Thần đã đem lại sự sống, sự sống lại và là sự sống mới cho các Tông đồ, cho các tín hữu.
Ngày nay chúng ta cảm ơn Chúa Thánh Thần hơn bao giờ hết. Trong bản thân cũng như trong cộng đoàn chúng ta có nhiều tì tích hoen ố. Chỉ có ngọn lửa của Chúa Thánh Thần mới có thể thanh luyện tâm hồn chúng ta. Thế giới hôm nay đầy những bóng tối. Chỉ có ngọn lửa Chúa Thánh Thần mới có thể soi sáng cho chúng ta biết đường lối mà đi. Thế giới hôm nay chứa đầy văn minh sự chết, đưa con người tới huỷ diệt. Chỉ có ngọn lửa Chúa Thánh Thần mới hồi phục, đưa ta vào sự sống mới trong Đức Kitô.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Ngọn lửa Thánh Thần có tác dụng gì trên các Tông đồ, làm cho các ngài thay đổi mãnh liệt?
2) Bạn có cảm nhận được Chúa Thánh Thần trong đời bạn không?
3) Để mình bị biến đổi, để mình bị thúc đẩy trên đường dấn thân làm việc phục vụ, dễ hay khó?
51. Đấng đổi mới – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN, ĐẤNG ĐỔI MỚI
(Cv 2,1-11)
Qua bài trích sách Công Vụ Tông Đồ, ta thấy Đức Chúa Thánh Thần là Đấng đổi mới.
Ngai đã đổi mới trí khôn các Tông đồ. Các Tông đồ là những người làm nghề chài lưới, ít học. Suốt 3 năm ở bên cạnh Chúa Giêsu, các ngài đã được Chúa dạy dỗ nhiều điều. Nhưng các ngài không hiểu. Nhưng sau khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, trí khôn các ngài như được mở ra. Không những các ngài hiểu biết về Chúa, hiểu biết giáo lý của Chúa, mà còn có thể đi giảng dạy cho người khác nữa. Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Ngài đã biến những con người thất học nên hiểu biết. Ngài đã đổi những tâm trí u mê thành sáng suốt.
Ngài đã đổi mới ý chí các Tông đồ. Từ khi Chúa Giêsu bị bắt và bị kết án, các Tông đồ sống trong sợ hãi. Các ngài đã trốn chạy. Các ngài đã chối Chúa. Các ngài đã ẩn nấp trong nhà đóng kín cửa. Nhưng khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, con người các ngài hoàn toàn thay đổi. Các ngài mở tung cửa ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Bị đe doạ, các ngài vẫn không sợ. Bị đánh đòn, các ngài vẫn kiên cường. Không gì có thể ngăn cản các ngài rao giảng, làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh. Sau cùng tất cả các ngài đã chịu đổ máu, hiến mạng sống mình để làm chứng cho Chua, ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Ngài đã biến những con người yếu đuối nên vững mạnh. Ngài đã biến những con người nhút nhát nên can đảm.
Ngài đã đổi mới trái tim các Tông đồ. Trước kia các ngài còn mang nặng những ước mơ trần tục. Theo Chúa để mong được chức trọng quyền cao. Mong được ngồi bên tả bên hữu Chúa. Tranh dành nhau chỗ cao chỗ thấp. Có thể nói, trước kia các ngài theo Chúa vì bản thân, vì chính các ngài. Các ngài chưa yeu mến Chúa bằng yêu mến bản thân. Nhưng từ khi được ơn Chúa Thánh Thần, trái tim của các ngài đã hoàn toàn thay đổi. Từ nay các ngài dành trọn trái tim cho Chúa, yêu mến đến sẵn sàng chịu mọi đau khổ, và nhất là sẵn sàng chết vì Chúa. Ơn Chúa Thánh Thần thật lạ lùng. Đã biến đổi những trái tim chai đá thành những tái tim bằng thịt. Đã biến đổi những trái tim ích kỷ thành trái tim yêu thương.
Đời sống ta có quá nhiều yếu đuối. Trí khôn ta u mê không hiểu Lời Chúa, không nhận biết thánh ý Chúa. Ý chí ta bạc nhược không đủ sức làm việc lành, hèn nhát không dám làm chứng cho Chúa. Trái tim ta nhơ uế vì những ích kỷ nhỏ nhen, vì những ham muốn trần tục. Hôm nay ta hãy tha thiết xin ơn Chúa Thánh Thần đến đổi mới con người xưa cũ của ta. Để ta thấu hiểu Lời Chúa, thấu hiểu thánh ý Chúa muốn trong đời. Để ta mạnh mẽ can đảm làm chứng cho Chúa trong đời sống và để trái tim ta được thanh luyện luôn quảng đại cho đi, dâng hiến.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Đức Chúa Thánh Thần đã đổi mới các thánh Tông đồ như thế nào?
2. Trong tôi còn những gì xưa cũ cần đổi mới?
3. Ai cũng có nhu cầu đổi mới nhà cửa, đời sống vật chất. Bạn có thấy nhu cầu đổi mới tâm hồn không?
52. Chúa Thánh Thần – Sự Sống mới
(Suy niệm của Đức TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)
Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Đấng Ban Sự Sống. Tin Mừng hôm nay thuật lại: Chúa Giêsu thổi hơi vào các môn đệ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Cử chỉ này nhắc ta nhớ lại việc Thiên Chúa tạo dựng con người. Sách Sáng thế 2,7 tường thuật: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật”. Hơi thở là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là sự sống. Không phải là một sự sống bình thường như sự sống của các sinh vật khác. Đây là sự sống của Thiên Chúa với tất cả những chiều kích cao sâu phong phú của nó. Trong khuôn khổ Lời Chúa hôm nay ta có thể thấy sự phong phú của sự sống Chúa Thánh Thần.
Đó là sự sống thiêng liêng. Sự sống là tất cả. Nên sự sống là món quà quí nhất Thiên Chúa tặng ban cho con người. Không có sự sống là không có gì hết. Còn hơn thế nữa. Chúa ban cho ta sự sống của chính Thiên Chúa. Cho ta giống hình ảnh cao đẹp của Chúa. Cho ta được chung hưởng sự sống hạnh phúc với Chúa.
Đó là cuộc sống trong bình an. Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra một định nghĩa mới về sức khoẻ. Khoẻ mạnh không phải chỉ là không có bệnh tật gì mà còn phải là cuộc sống bình an. Chúa Thánh Thần là sự sống bình an. Nên các môn đệ đang lo âu sợ hãi bỗng trở nên mạnh mẽ, can đảm. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhưng các ngài vẫn vui tươi và bình an.
Đó là cuộc sống hiệp thông. Con người không sống đơn độc, nhưng sống với người khác. Cuộc sống xã hội làm con người nên phong phú. Nhưng cuộc sống xã hội chỉ phát triển trong sự hiệp thông. Đó chính là ơn Chúa Thánh Thần. Ngày Lễ Ngũ Tuần, thế giới tràn ngập ơn hiệp thông. Nên người muôn dân muôn nước, dù khác biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ vẫn hiểu biết và sống chan hoà. Sách Công vụ Tông đồ đề cập đến người thuộc 17 địa phương khác nhau. Ta nghĩ đến 70 lần 7. Con số vô vàn vô số chủng tộc có thể sống với nhau trong tình hiệp thông chan hoà.
Đó là cuộc sống yêu thương. Chúa Thánh Thần là tình yêu muôn đời giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Là tình yêu nguyên thuỷ. Là tình yêu của mọi tình yêu. Giáo hội sơ khai được ơn Chúa Thánh Thần nên sống với nhau trong tình yêu thương. Mọi người đối xử với nhau như anh em ruột thịt. Bỏ của cải làm của chung. Nên không ai bị thiếu thốn.
Đó là cuộc sống hài hoà. Thánh Phaolô diễn tả cuộc sống theo ơn Chúa Thánh Thần khiến xã hội trở nên hài hòa như trong một thân thể. Mỗi người làm việc riêng theo chức năng của mình. Nhưng hài hoà với mọi người, như các chi thể trong một thân thể. Mỗi chi thể làm việc riêng nhưng đều hướng về lợi ích của toàn thân. Ta hãy xem một cầu thủ đá bóng. Khi thấy bóng, mắt phải quan sát. Trí óc phải phán đoán. Chân tay phải chuyển động. Và cả mắt nhìn, cả trí phán đoán, cả chân tay chuyển động là làm sao đưa bóng đến mục đích. Như thế mọi thành phần trong cơ thể đều kết hợp hài hoà để đạt được ích lợi chung.
Nhìn vào tình hình thế giới hôm nay, ta thấy cuộc sống do Thiên Chúa tạo dựng đang bị phá vỡ. Lực lượng sự dữ tàn phá hình ảnh Thiên Chúa nơi con người; xúi giục con người sống theo thú tính; khiến khuôn mặt con người trở nên méo mó; đánh mất vẻ đẹp của hình ảnh Thiên Chúa; tàn phá lương tâm khiến con người không còn phân biệt thiện ác; tàn phá thiên nhiên khiến thế giới trở nên khó sống. Thiên nhiên nổi giận. Khí hậu biến đổi đang tác hại đến sự sống của con người. Tệ hại hơn nữa, lực lượng sự dữ tàn phá chính sự sống. Và tồi tệ nhất là con người huỷ diệt chính sự sống khi giết hại thai nhi là chính con người, chính con cái của mình. Sự xấu làm cho cuộc sống mất bình an. Con người phải sống trong lo sợ. Sợ bị mất mạng. Sợ bị mất tiền của. Sợ bị mất danh dự. Sợ bị mất tự do. Sợ hãi làm cho con người sống mà như đang chết đi. Sự xấu làm mất tình hiệp thông. Người trong một nước nói cùng ngôn ngữ mà không hiểu nhau. Người trong một gia đình trở nên xa lạ vì mỗi người đều nghĩ đến quyền lợi riêng. Cuộc sống thiếu tình yêu thương. Đang có những tình anh em kiểu Cain và Abel. Rủ nhau ra đồng để giết hại nhau. Tình đồng chí kiểu môi hở răng lạnh. Nhưng răng cắn môi đau. Và cuộc sống thiếu sự hài hoà; khiến cho các tập thể trở nên rời rạc. Vì mỗi người không nhìn đến lợi ích chung của toàn thân. Chỉ biết vun quén cho riêng mình.
Chính trong tình hình này, ta cần ơn Chúa Thánh Thần hơn bao giờ hết. Chỉ có Chúa Thánh Thần Đấng Ban Sự Sống mới có thể thay đổi, phục hồi và phát triển sự sống cho thế giới. Vì thế, ta phải tha thiết kêu van xin Chúa Thánh Thần ngự đến.
Lạy Đấng Ban Sự Sống xin hãy đến. Xin hãy thổi hơi thần linh để con người được có lại sự sống của Thiên Chúa.
Lạy Đấng Bảo Trợ xin hãy đến. Chúa là nguồn mạch bình an. Xin hãy ban bình an cho chúng con.
Lạy Nguồn Ơn Hiệp Thông xin hãy đến. Ngài là sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Xin hãy ban ơn hiệp thông để thế giới ngày càng gần gũi hiểu biết nhau hơn chí người trong cùng một nhà mà cũng như xa lạ, không thể hiểu nhau.
Lạy Thánh Thần Tình Yêu xin hãy đến. Ngài là tình yêu của mọi tình yêu. Là tình yêu nguyên thủy giữa Chúa Cha và Chúa Con. Xin cho chúng con sống với nhau trong tình bác ái huynh đệ chân thực.
Lạy Thánh Thần Hài Hoà xin hãy đến. Ngài làm cho tất cả “dầu là Dothái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, nếu đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí đều trở nên một thân thể”. Và mọi chi thể trong thân thể đều kết hợp hài hoà nhịp nhàng ăn khớp để hoạt động vì cùng một mục đích là ích lợi cho toàn thân.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến và đổi mới mặt đất này. Nhưng mặt đất này do con người tàn phá. Nên xin hãy đổi mới tâm hồn con người. Xin đổi mới mọi sự trong ngoài chúng con. Để chúng con nên con người mới, xây dựng một thế giới mới chan hoà sự sống, chan hoà bình an, chan hoà tình yêu thương.
Lạy Mẹ Maria, xưa kia Mẹ đã cùng với các Tông đồ trong nhà Tiệc Ly cầu nguyện xin Chúa Thánh thần ngự đến; nay xin Mẹ cũng tiếp tục cầu nguyện để chúng con được đón nhận Chúa Thánh Thần.
53. Đấng ban Sự Sống – ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt
ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN, ĐẤNG BAN SỰ SỐNG
(Ga 20,19-21)
Hơi thở tượng trưng cho sự sống. Còn thở là còn sống. Hết thở là hết sống. Hôm nay, Đức Giêsu thổi hơi ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ. Thổi hơi để chỉ rằng Đức Chúa Thánh Thần là hơi thở. Thở hơi để truyền sự sống. Ta vẫn thường tuyên xưng trong kinh Tin Kính: Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Đấng Ban Sự Sống.
Đức Chúa Thánh Thần là Đấng ban Sự Sống. Điều này được diễn tả trong sách Sáng Thế. Thuở tạo thiên lập địa, cả vũ trụ chưa nên hình nên dạng, chưa có sự sống. Trời đất là một khối hỗn mang. Thánh Thần Chúa bay là là trên mặt nước (cf. St 1,1). Thánh Thần Chúa bay lượn trên mặt nước để vũ trụ được định hình. Thánh Thần Chúa ban cho trời đất một diện mạo. Và trên hết Thánh Thần Chúa ban sự sống cho muôn loài.
Đức Chúa Thánh Thần ban sự sống lại. Ngôn sứ Êdêkien đã được thấy trong một thị kiến như sau: “Tay Đức Chúa đặt trên tôi. Đức Chúa dùng Thần Khí đem tôi ra, đặt tôi giữa thung lũng; thung lũng đầy xương cốt. Người đưa tôi đi ngang, đi dọc giữa chúng. Những xương ấy nằm la liệt trên mặt thung lũng và đã khô đét. Người bảo tôi: “Hỡi con người, liệu các xương này có hồi sinh được không?”. Tôi thưa: “Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, chính Ngài mới biết điều đó”. Bấy giờ Người bảo tôi: “Ngươi hãy tuyên sấm trên các xương ấy; ngươi hãy bảo chúng: Các xương khô kia ơi, hãy nghe lơi Đức Chúa. Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Đây Ta sắp cho Thần Khí nhập vào các ngươi và các ngươi sẽ được sống… Ngươi hãy nói với Thần Khí: Từ bốn phương trời, hỡi Thần Khí, hãy đến thổi vào những người đã chet này cho chúng được hồi sinh. Thần Khí liền nhập vào những người đã chết; chúng được hồi sinh và đứng thẳng lên”” (Ed 37,1-10). Thánh Phaolô quả quyết: Đức Chúa Thánh Thần đã làm cho Đức Giêsu sống lại cũng sẽ làm cho chúng ta sống lại trong ngày sau hết.
Đức Chúa Thánh Thần ban sự sống mới. Sách Công vụ Tông đồ thuật lại: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-4).
Từ khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các tông đồ trở nên khác hẳn. Trước kia các ngài nhút nhát sợ hãi, nay các ngài mạnh dạn hăng hái. Trước kia các ngài chỉ là những ngư phủ thất học, không am hiểu giáo lý, nay các ngài cất tiếng rao giảng Tin Mừng cho mọi người thuộc đủ mọi tầng lớp, mọi chủng tộc. Trước kia các ngài còn nghĩ đến bản thân, tranh giành nhau chỗ cao chỗ thấp, nay cac ngài chỉ nghĩ đến Nước Chúa, sẵn sàng hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa. Ơn Chúa Thánh Thần đã đổi mới tâm hồn các ngài. Các ngài đã nhận được sự sống mới, sự sống của Chúa, để sống vì Chúa và sống cho Chúa.
Ngày chịu phép rửa tội, ta đã nhận được sự sống của Chúa. Tuy nhiên có nhiều chỗ trong linh hồn ta không có sự sống vì tội đã ngăn cản ơn thánh và làm chết đi nhiều phần trong linh hồn. Những dục vọng, đam mê, tham vọng, tinh thần thế tục giống như vi trùng len lỏi vào linh hồn làm cho sự sống của Chúa bị tổn thương. Linh hồn suy nhược không còn tha thiết làm việc lành. Hôm nay ta hãy xin Đức Chúa Thánh Thần xuống Phục Sinh những thành phan chết chóc trong tâm hồn ta. Và nhất là xin Người ban sự sống mới cho tâm hồn ta. Giúp ta biết tẩy bỏ lối sống, lối suy nghĩ, lối cư xử xưa cũ theo tinh thần thế tục, để sống một đời sống mới, sống nhiệt thành, sống bac ái, sống quên mình, sống dấn thân phục vụ Thiên Chúa và tha nhân hơn.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Đức Chúa Thánh Thần ban sự sống lại và ban sự song mới. Bạn có thấy linh hồn bạn cần những sự sống này không?
2. Sau khi nhận ơn Đức Chúa Thánh Thần, các Tông đồ đã thay đổi đời sống. Bạn cũng đã nhận ơn Chúa Thánh Thần, đời sống bạn có thay đổi gì không?
3. Đức Chúa Thánh Thần luôn sai đi. Hôm nay bạn cảm thấy Chúa Thánh Thần sai bạn đi làm gì?
54. Niềm vui bởi Chúa Thánh Thần – Achille Degeest.
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Hôm nay chúng ta hãy dừng lại ở câu: “Các môn đệ được đầy tràn vui mừng”. Các ông vui mừng vì giữa lúc hoang mang lại thấy Chúa và việc ấy đã khiến các ông tìm lại niềm cậy trông. Các ông đã đặt niềm hy vọng nơi Chúa Giêsu. Thập giá đã khiến các ông bàng hoàng kinh khiếp; và nay Chúa Giêsu lại hiện ra sống động. Niềm hy vọng của các ông được bảo toàn và củng cố. Vì thế niềm vui các ông bao la. Dịp này nhắc nhớ chúng ta rằng Chúa Thánh Thần do Chúa Giêsu ban là Thánh Thần của vui mừng.
1) Phúc Âm mở đầu bằng một mầu nhiệm vui mừng Chúa Thánh Thần, từ khởi đầu cuộc sống nhân loại của Chúa Giêsu tạo ra hai lần bộc lộ niềm vui: Isave, chị họ Đức Maria, thốt lên tiếng vui mừng vì mẹ Đấng Cứu Thế đến thăm bà; Đức Maria hát lên nỗi vui sướng của mình trong kinh Magnificat. Sau đó không lâu, các thiên thần loan báo cho các mục đồng một Trẻ Thơ sinh ra, sẽ khiến cho toàn dân hân hoan… Thánh sử Gioan sau lại nói rằng cụ tổ Abraham đã nhảy mừng khi nghĩ đến ngày xuất hiện hoa quả của Thánh Thần. Cụ đã thấy và đã vui mừng (Ga 8, 5-6). Chúng ta có vui mừng niềm vui của kinh Magnificat, vì Chúa Thánh Thần do đức tin vào Đức Kitô nảy sinh trong chúng ta hay không? Ngược lại, chúng ta thử tưởng tượng nỗi buồn và u uất vô cùng, nếu chẳng may thiếu mất lòng tin vào Đức Kitô.
2) Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Hãy lãnh nhận Thánh Thần. Làm như thế Ngài thực thi một lời hứa Ngài đã báo trước cho các môn đệ sẽ có một lúc các ông sẽ không còn thấy Ngài. Đó là thời thất vọng, khóc lóc và buồn sầu. Nhưng nỗi buồn sẽ mau biến thành niềm vui: Ta sẽ gặp lại các con, tâm hồn chúng con sẽ vui mừng, vì niềm vui các con lúc ấy không ai có thể lấy đi được (Ga 16,22). Có phải giới hạn ý nghĩa lời nói ấy của Chúa Giêsu vào giai đoạn gặp gỡ trong những lần hiện ra hay không? Không, Chúa nghĩ đến sự hiện diện liên tục của Ngài trong Giáo Hội nhờ tác động của Thánh Thần. Thời của Giáo Hội là thời của niềm vui mặc dù cũng là thời tiếp tục Thánh Giá. Chúng ta có vui mừng vì nghĩ rằng nhờ Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu hiện diện trong đời sống chúng ta hay không?
3) Thánh Phaolô nói về niềm vui từ Chúa Thánh Thần đến (1Tx 1,6). Niềm vui ấy là niềm vui của cậy trông và bác ái. Có thể trong cuộc sống riêng của chúng ta và trong cuộc sống với người khác, chúng ta mắc ảo tưởng, ít nhiều chán nản, thoái chí. Chúng ta cần sống trong Thánh Thần bác ái. Biết rằng mình được yêu mến, chúng ta hãy vui mừng. Quả thực tình yêu Thiên Chúa không bao giờ thất vọng vì chúng ta. Về phía chúng ta, đừng bao giờ nản chí yêu thương anh em chúng ta. Niềm cậy trông hoà hợp với đức bác ái trong lòng chúng ta khởi đầu một con sông hân hoan do Chúa Thánh Thần khơi nguồn.
55. Chúa và nguồn sinh khí.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Các nước và các dân tộc trên thế giới đang hướng về năm 2000, khởi đầu cho ngàn năm thứ ba. Các chương trình quốc tế hay quốc gia đều được hoạch định nhằm năm 2000 như là tiêu điểm.
Bước vào ngàn năm thứ ba, điều đó mang ý nghĩa hai ngàn năm đã qua từ lúc “thời gian đã mãn”, là lúc Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người, là năm sinh của Chúa Giêsu Kitô. Lịch sử nhân loại được chia làm hai giai đoạn: Trước Chúa Giêsu Kitô giáng sinh và sau Chúa Giêsu Kitô giáng sinh. Nếu có nói về một công nguyên, thì sự tính toán vẫn quy về lúc Chúa Giêsu Kitô giáng sinh.
Để chuẩn bị cho Năm Toàn Xá, Năm Thánh vào năm 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Tông thư “Tiến đến Ngàn Năm Thứ Ba” vào ngày 10.11.1994. Đức Giáo Hoàng đệ nghị ba năm cuối của thế kỷ này được hiến dâng cho từng Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa: Năm 1997 hiến dâng cho Chúa Giesu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người; năm 1998 cho Chúa Thánh Thần, và năm 1999 cho Thiên Chúa Cha. Đức Thánh Cha còn muốn cho các tín hữu học hỏi thông điệp về Chúa Thánh Thần trong sinh hoạt của Giáo Hội và thế giới. Thông điệp mang tựa đề: “Chúa và Nguồn Sinh Khí” trong những năm chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000. Bởi vì, Đức Thánh Cha đã nói: “Giáo Hội không thể chuẩn bị Ngàn Năm mới bằng cách nào khác hơn là ở trong Chúa Thánh Thần”.
Thưa anh chị em,
Là “Chúa và là Nguồn Sinh khí”, Chúa Thánh Thần đã hiện diện và đã đóng một vai trò tích cực ngay từ khởi thuỷ lịch sử sáng tạo và cứu độ. Ngay đối với Chúa Giêsu trong cuộc sống ẩn dật và công khai, Chúa Thánh Thần luôn tác động trên Ngài, nhất là trong những biến cố quan trọng, như khi lãnh Phép Rửa ở sông Giođan, như khi vào sa mạc chịu ma quỉ cám dỗ, như khi cất bước rao giảng Tin Mừng khắp các làng mạc ở Palestin. Nhưng chỉ sau khi Chúa Giêsu hoàn tất sứ mạng bằng cái chết và sống lại từ cõi chết, Ngài mới có thể ban Thánh Thần. Tin Mừng hôm nay cho thấy vào buổi chiều sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện đến, thổi hơi trên các môn đệ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Cử chỉ thổi hơi trên các môn đệ gợi lại hành động Thiên Chúa lúc bắt đầu tạo dựng con người. Thiên Chúa đã thổi vào Ađam hơi thở của sự sống và con người nên sống động (St 2,7). Cũng có thể, khi Chúa Giêsu thổi Thánh Thần trên các môn đệ, các ông nhận được sự sống mới. Thánh Thần là “Chúa và là Đấng ban sự sống” như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.
Sách Công vụ Tông đồ còn cho thấy Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ như gió thổi, như lưỡi lửa, vào chính ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái, được mừng 50 ngày sau lễ Vượt Qua, để tưởng nhớ Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Israel tại núi Sinai. Dịp lễ này đã quy tụ đông đảo người Do Thái từ các nước khác nhau trở về Giêrusalem. Chính trong bối cảnh của ngày lễ trọng đại này mà hoạt động đầu tiên của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội được biểu lộ. Hoạt động đã được biểu lộ qua các Tông đồ “nói tiếng khác nhau” và “mọi người thuộc các ngôn ngữ khác nhau đều hiểu được lời rao giảng của các Tông đồ”. Ở đây, ân sủng của Chúa Thánh Thần đã tái lập sự thống nhất ngôn ngữ đã bị chia rẽ, phân tán tại Tháp Babel khi xưa và đồng thời nói lên tính cách phổ quát đại đồng của ơn cứu độ do Chúa Giêsu đem đến và do Chúa Thánh Thần thực hiện.
Trong thư gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô đã nhấn mạnh đến vai trò hiệp nhất của Chúa Thánh Thần: “Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do Thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do, tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thánh Thần duy nhất”. Nếu chỉ có Thánh Thần mới làm cho những kẻ tin nói được: “Đức Giêsu là Chúa”, thì cũng chỉ có Thánh Thần mới làm cho những con người khác nhau hợp nhất với nhau mà vẫn tôn trọng sự khác biệt của nhau. Vì vậy, Thánh Phaolô đã kêu gọi chúng ta “hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau”. Bởi vì, giữa những người cùng thờ một Chúa, cùng tuyên xưng một niềm tin, cùng lãnh nhận một bí tích, cùng hy vọng một tương lai Nước Trời, mà lại chia rẽ nhau, là điều không thể hiểu nổi, là gương xấu không thể tha thứ được. Chính vì thế mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặt năm 2000 là tiêu điểm để hoạt động cho các Kitô hữu của các Giáo Hội anh em được hiệp nhất như ý Chúa muốn.
Anh chị em thân mến,
Đời sống Kitô hữu là một đời sống theo Thánh Thần, như thánh Phaolô đã nói: “Ai sống theo xác thịt thì hướng về những điều thuộc về xác thịt, còn ai sống theo Thánh Thần thì hướng về những điều thuộc Thánh Thần. Nhưng hướng theo xác thịt là chết, còn hướng theo Thánh Thần là sống và bình an” (Rm 8,5-6). Muốn sống theo Thánh Thần, chúng ta phải nhìn ngắm Chúa Giêsu trong Tin Mừng, ước muốn nên giống Ngài, để có thể đi vào trong tình hiếu thảo của Chúa Giêsu, trong cầu nguyện, trong nghèo khó, tuân phục, trong khiêm tốn, phuc vụ, trong tình huynh đệ, xả kỷ của Chúa Giêsu đối với mọi người. Hãy sống theo Thánh Thần, như vậy anh em sẽ không theo những khuynh hướng ích kỷ của xác thịt. Và đây là hiệu quả của Thánh Thần, đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần, thì hãy để Thánh Thần hướng dẫn đời ta”. (Gl 5,16.22-25).
Tất cả những gì giúp thăng tiến đời sống con người, tạo đieu kiện cho mối tương quan huynh đệ giữa người với người, những gì tạo nên sự hiệp thông vô biên giới phải là những tiêu chuẩn cho hành động của chúng ta. Bởi vì những gì giới hạn hoặc chia rẽ, đều nghịch với Thánh Thần của Đức Kitô. Thánh Thần luôn chăm lo hiệp nhất Thân Thể Đức Kitô, duy trì sự hiệp thông và quy tụ mọi người hiệp nhất với Ngài.
56. Thánh Thần tác động – Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Hồng Y Carlo Martini nói: “Kinh nghiệm của Lễ Hiện Xuống (Cv 2,3-13) chính là Tin Mừng truyền thông”.
Truyền thông là làm cho con người có khả năng để nghe để hiểu, có khả năng để loan báo và có khả năng để chuyển thông một sứ điệp. Trong ngày Lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần đã khai thông mọi tương giao, phá vỡ bức tường đã bị đóng kín từ sự kiện tháp Babel. Truyền thông Tin Mừng chính là mang tin vui đến cho mọi người.
Năm Thánh 2000, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận giảng tuần tĩnh tâm cho Giáo Triều Rôma, trong bài giảng “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần”, ngài kể về tác động của Chúa Thánh Thần như một ân ban chuyển thông ánh sáng và niềm tin cho anh chị em người Hmong.
“Chúa Thánh Thần sống và hoạt động trong trái tim những kẻ nghèo nàn và khiêm hạ, trong tâm hồn đạo đức bình dân, trong tình liên đới, trong đau khổ. Ngài ở đó như trạng sư và thông dịch các ứớc muốn và lời cầu xin của chúng ta.
Tôi còn nhớ câu chuyện này.
Một ngày nọ, một cha sở miền Bắc Việt Nam thấy có một nhóm người dân tộc thiểu số Hmong muốn đến gặp ngài. Cha hỏi họ:
– Anh chị em từ đâu đến?
– Chúng con từ Lai Châu, (nơi quân đội Pháp đã thua trận Điện Biên Phủ năm 1954). Chúng con đã vượt núi rừng đi bộ suốt 6 ngày nay.
– Lạy Chúa tôi! Để làm gì vậy?
– Chúng con muốn được rửa tội ngay bây giờ.
– Không thể được! Không có một linh mục hay giáo lý viên nào cả trong vùng của anh chị em, anh chị em không biết gì về đạo hay kinh nguyện, thì làm sao chịu phép Rửa tội được.
– Chúng con đã học tất cả từ một đài phát thanh phát đi từ Phi luật tân.
– Mà đài phát thanh nào? Đâu có đài phát thanh Công giáo nào có chương trình bằng thổ ngữ của anh chị em đâu!”
– Đó là đài phát thanh “Chân Lý”.
– Một đài phát thanh Giáo Hội Công Giáo, và bây giờ anh chị em lặn lội đến đây để xin trở thành Công giáo. Thật là điều lạ!
-Vị linh mục thật cảm kích bỗng thốt lên: Đây là một lễ Hiện Xuống mới. Đây chính là tác động của Chúa Thánh Thần!
Rồi cha lại hỏi nhóm người Hmong: Anh chị em có thể ở lại đây lâu hơn không?
– Thưa cha, không the được. Chúng con chỉ đem theo 14 ngày cơm: 12 ngày đi đường và 2 ngày học hỏi và đọc kinh cầu nguyện.
Cả nhóm đã được rửa tội và chịu phép Thêm sức, rồi được dự Thánh lễ đầu tiên trong đời và được rước Mình Thánh Chúa.
– Anh chị em sẽ không có Thánh Lễ nào nữa, anh chị em không có nhà thờ. Anh chị em sẽ làm thế nào?
– Ban chiều tối, chúng con tụ họp nhau từng hai ba gia đình để nghe đài phát thanh và cầu nguyện chung và cùng nhau học hỏi ve đạo. Ngày Chúa Nhật chúng con ra ruộng cày cấy, nhưng đúng 9 giờ 30, chúng con ngưng làm việc thả trâu tự do ăn cỏ và chúng con dự Thánh Lễ qua đài phát thanh Chân Lý phát từ Manila. Một Lễ Hiện Xuống mới của thế kỷ XX.” (Chứng Nhân Hy Vọng, trang 235-237).
Hiến chế Tín lý về Mạc khải của CĐ Vaticanô II có nói: “Mạc Khải là việc Thiên Chúa ‘Truyền Thông Chính Mình’ cho nhân loại” (DV 6). Với biến cố Hiện Xuống, việc truyền thông của Thien Chúa được hoàn tất nơi Đức Kitô và tiếp tục được nối dài trong Giáo Hội nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Lễ Hiện Xuống khai mở những “kênh truyền thông” mới. Vì thế, “Giáo Hội Công Giáo nhận thấy mình có bổn phan dùng các phương tiện truyền thông xã hội để loan báo ơn cứu độ và dạy con người biết sử dụng chúng cho đúng đắn” (Inter Mirifica, số 3). Chúa Thánh Thần là linh hồn Giáo Hội. Ngài tác động và canh tân Giáo Hội thực thi sứ vụ loan Tin Mừng: “Giáo Hội canh tân và thanh tẩy chính mình không bao giờ ngừng dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần” (Vui mừng và Hy vọng, 21). Sách Công Vụ Tông Đồ đã minh chứng hùng hồn về điều ấy.
Suốt mùa Phục Sinh, các bài đọc 1 được trích trong sách Công Vụ Tông Đồ.
Một nhà chú giải Thánh Kinh đã gợi hứng đổi Công Vụ Tông Đồ thành Công Vụ của Chúa Thánh Thần. Bốn sách Tin Mừng là Phúc Âm của Chúa Giêsu, còn Công Vụ Tông Đồ chính là Phúc Âm của Chúa Thánh Thần.
Sách Công Vụ Tông Đồ là một trong những tài liệu lịch sử quý giá nhất của Thánh Kinh. Đó là lịch sử hiện hữu duy nhất của Kitô giáo được viết ra trước thế kỷ thứ III. Nhờ đó chúng ta biết rõ sự lớn dậy của Kitô giáo ở Palestina hay về công cuộc Truyền Giáo tại Syria, Tiểu Á, Hylạp và Rôma. Bình minh của một kỷ nguyên mới bắt đầu ló dạng.
Giáo Hội đã sống tuổi thanh xuân của mình giữa lòng Đế quốc Rôma. Giáo Hội đối diện với ba thách đố lớn là Do thái giáo, chính trị Rôma và triết học Hy lạp. Giáo Hội phải bung ra khỏi Do thái giáo, hội nhập vào triết học Hylạp để lan rộng trên toàn đế quốc Rôma. Chỉ vơi những người dân chài Galilê ít học, chỉ với một Phaolô nhiệt thành, thế mà Giáo Hội lớn mạnh không ngừng trước bao thử thách thời đại.
Chính Chúa Thánh Thần đã không ngừng dẫn dắt Giáo Hội. Đúng như lời Thánh Irênê đã nói: “Ở đâu có Thánh Linh của Đức Kitô ở đó có Hội Thánh. Ở đâu có Hội Thánh ở đó có Thánh linh và ân sủng”.
Sách Công Vụ Tông Đồ trình bày lịch sử dưới ánh sáng đức tin. Sau khi Phó tế Stêphanô bị ném đá thì khởi đầu cuộc bắt bớ rộng lớn chống Giáo Hội ở Giêrusalem. Cộng đoàn Kitô hữu ở đây bị phân tán, nhiều tín hữu thoát khỏi đô thị đi tìm nơi ẩn náu. Họ đi tới đâu là rao giảng Tin Mừng tại đó. Chính đây là lúc câu nói thời danh của văn hào Tertuliano được ứng nghiệm “Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống làm nảy sinh các Kitô hữu”.
Các cộng đoàn Diaspora được thành lập. Họ hội nhập vào văn hoá địa phương để rao giảng Tin Mừng.
Kinh nghiệm sống đức tin của cộng đoàn tín hữu sơ khai là bài học quý giá cho chúng ta. Họ bị nhận chìm trong gian truân thử thách, nhưng chính lúc ấy họ cảm nhận sự hiện diện và hoạt động mãnh liệt của Chúa Thánh Thần. Như ngọn gió cuốn bay những hạt giống để rồi hạt giống lại gieo mầm sống mới ở nơi khác, ngọn gió Chúa Thánh Thần qua những cơn bách hại cũng mang lại những hiệu qủa lạ lùng. Càng bị bách hại Giáo Hội càng lớn mạnh không ngừng.
Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam; sau sắc dụ cấm đạo của vua Cảnh Thịnh, các cuộc bắt đạo gay gắt khiến cho những người tín hữu ở các vùng Quảng Trị, Cổ Vưu, Thạch Hãn, Hạnh Hoa chạy vào rừng núi La Vang để trốn tránh. Đức Mẹ đã hiện ra an ủi, trợ giúp. La Vang đã trở thành trung tâm hành hương của Giáo Hội Việt Nam. Các chỉ dụ cấm đạo dưới thời vua Minh Mạng, Tự Đức đã phân tán các cộng đoàn Kitô hữu. Họ xuôi vào Nam trốn tránh, đen vùng đất mới, rừng thiêng nước độc. Họ khai khẩn điền địa và lập nên những cộng đoàn mới. Nhờ đó, khi các vị Thừa Sai đến Truyền Giáo, hạt giống Đức Tin được nảy mầm và phát triển nhanh chóng.
Như hạt giống gieo xuống đất và chờ đợi, những cơn mưa đầu mùa tuôn đổ, hạt giống âm thầm đón nhận sức sống, nảy mầm, bén rễ, lớn nhanh. Những cộng đoàn tín hữu đang sống đức tin thầm lặng đã gặp được các chủ chăn nên lớn mạnh và nhiều giáo xứ đã được thành lập. Chỉ trong nhãn giới đức tin, chúng ta mới nhận ra sức tác động mãnh liệt Chúa Thánh Thần. Trong mọi thử thách, Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần nâng đỡ. Trong mọi biến cố đau thương, Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần an ủi dẫn dắt. Mỗi biến cố xảy đến trong cuộc đời đều là lời mời gọi, lời nhắn nhũ, lời cảnh báo. Đi tìm Thánh Ý Chúa, con người cần biết giải mã các biến cố ấy trong ánh sáng đức tin.
Ngày nay, có lẽ không còn những cơn bắt bớ và bách hại như xưa. Thế nhưng, những gian nan, những thử thách vẫn không thiếu trong đời sống đức tin. Thời đại hôm nay là thời đại xẻ núi lấp sông, vượt trùng dương, chinh phục không gian, xa lộ thông tin, kỹ thuật số, toàn cầu hoá…Nhưng xã hội hôm nay đang bị tục hoá với muôn ngàn cám dỗ ngọt ngào tinh vi của ma quỹ. Xã hội đang đánh mất chiều kích siêu hình, không còn cảm thức về tội lỗi. Giáo Hoi phải đối diện với một xã hội mà như triết gia hiện sinh Jean Paul Sartre đã nói: “Thiên Chúa phải chết để cho con người được tự do”.
Người ta đang xây dựng một xã hội không có Thiên Chúa, tôn giáo bị tách ra khỏi xã hoi. Con người mãi mê chạy theo lối sống hưởng thụ thực dụng, cá nhân chủ nghĩa.
Như thế người Kitô hữu phải sống và diễn tả niềm tin của mình như thế nào đây?
Lời Chúa chiếu ánh sáng soi đường. Chúa Giêsu đã loan báo: “Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con” (Ga 14, 26).
Khi được Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn thieng trong đời, chúng ta sẽ yêu mến Chúa, được Chúa Cha và Chúa Giêsu ngự đến trong tâm hồn (Ga 14,21), được Chúa ban sự bình an tuyệt vời, bình an không như thế gian ban tặng (Ga 14,27). Chúa Thánh Thần chính là chìa khoá mở ra cuộc sống mới trong Đức Kitô. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta làm được mọi sự trong ân sủng Đức Kitô. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta sống Tin Mừng, vượt qua các thách đố thời đại như cộng đoàn tín hữu sơ khai đã vượt qua mọi trở ngại để loan báo và mở rộng Nước Chúa.
Chúa Thánh Thần luôn bảo đảm cho sự nguyên vẹn của mạc khải. Ngài dẫn dắt Giáo Hội ngay giữa những kênh truyền thông mới mẻ của thế giới kỹ thuật số hôm nay. Kitô hữu phải là con người biết lắng nghe, lắng nghe Thiên Chúa và lắng nghe con người để qua sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông, sứ điệp Tin mừng được lan xa. Các phương tiện truyền thông xã hội như sách báo, phim ảnh, thi ca, nghệ thuật, sân khấu, tuồng kịch, thánh nhạc, kiến trúc, hội họa, truyền thanh, truyền hình, internet…đều có tầm ảnh hưởng lớn đối với công cuộc truyền thông Tin Mừng trong thời đại hôm nay.
Giáo Hội luôn thao thức những vấn đề của thời đại mình đang sống. Chúa Thánh Thần là ngọn gió thổi các cánh buồm của Giáo Hội hướng đến đại dương của “nền văn hóa mới” này.
Thư Chung HĐGMVN 2011 đưa ra định hướng: “Trong tác động của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tại Việt Nam cần xác tín và sống đúng với căn tính của mình, củng cố sự hiệp thông, phát huy nhiệt tình truyền giáo, để chu toàn sứ vụ yêu thương và phục vụ của Đức Kitô trên đất nước này”. (Số 9).
Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình thuộc HĐGMVN đã đưa ra bản “Nhận định một số tình hình tại Việt Nam hiện nay” vào ngày 15/5/2012. Bản Nhận Định đã lần lượt điểm qua tình hình trong các lãnh vực về nền kinh tế Việt Nam, luat đất đai, môi trường xã hội, pháp luật, chủ quyền quốc gia về biên cương và hải đảo, môi trường sinh thái, vai trò của trí thức, giáo dục và y tế, tôn giáo. Trong mỗi lãnh vực, có nhìn nhận những thành tựu, nhưng chủ yếu là vạch rõ, nhiều lúc bằng những ngôn từ mạnh, các mặt tiêu cực bệnh hoạn đang làm cho đất nước lâm nguy. Một điều có ý nghĩa là bản Nhận Định đề ngày “15 tháng 5 năm 2012, kỷ niệm 121 năm Thông Điệp Rerum Novarum”. Bức thông điệp của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII được coi như mở đường cho các đường lối, chủ trương và hoạt động xã hội của người Công Giáo từ hơn một thế kỷ nay (Năm ngoái trong Giáo Hội đã có nhiều sinh hoạt để đánh dấu tròn 120 năm ngày công bố thông điệp này; dĩ nhiên Rerum Novarum còn được bổ túc và triển khai liên tục bởi các thông điệp khác sau này, cũng thường được công bố vào các ngày kỷ niệm 15/5, để cập nhật với những biến chuyển của xã hội). Như vậy là khi chọn ngày 15/5 để đưa ra bản Nhận Định, Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục đã có ngụ ý kêu gọi Dân Chúa dấn thân phục vụ xã hội ngay trong các lãnh vực mà xã hội chúng ta đang mắc phải những “căn bệnh trầm kha”. (Lm Vũ Khởi Phụng).
Ở đâu có Thần Khí là ở đó bừng lên niềm vui. Mùa xuân làm cho vạn vật bừng dậy màu xanh sự sống, Thần Khí làm cho mọi tâm hồn tràn đầy sức sống mới. Gioan Tẩy Giả “nhảy mừng trong lòng mẹ”. Đức Maria hát lên bài ca Magnificat. Các Mục đồng hớn hở đi Bêlem. CácTông Đồ trở nên những con người mới. Các Thánh Tử Đạo hiên ngang tiến ra pháp trường. Và chúng ta cũng được trở nên con cái Thiên Chúa, sống chứng nhân cho tình yêu, can đảm loan báo Tin Mừng Phục Sinh trên mọi nẻo đường phục vụ.
57. Chân lý đòi hỏi rất nhiều – Achille Degeest.
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Chúa phán bảo các môn đệ: Hãy chịu lấy Thánh Thần. Chúng ta lưu ý mấy nét đặc biệt về Chúa Thánh Thần, nhất là cung cách thánh Gioan nói đến Chúa Ngôi Ba.
1) Người là Thần Khí sự thật.
Ta sẽ xin Cha và Cha sẽ ban cho các ngươi một Đang Bầu Chữa khác để Người ở với các ngươi luôn mãi, là Thần Khí sự thật, thế gian không thể lĩnh nhận vì không thấy cũng không biết Người, còn các ngươi biết Người vì Người lưu lại với các ngươi và ở trong các ngươi (Ga 14,16-17). Đấng Bàu Chữa mà từ nơi Cha, Ta sẽ sai đến với các ngươi, Thần Khí sự thật từ Cha mà ra, chính Người sẽ làm chứng về Ta. Chúng ta nhớ lại, Đức Giêsu tuyên bố chính Người là Sự Thật. Tác động Chúa Thánh Thần la dẫn đưa chúng ta đến hiệp nhất với Đức Kitô. Ngôi Ba Thiên Chúa tác động trong chúng ta cách thích hợp, khiến chúng ta cảm ứng đối với Đức Kitô, với ngôi vị của người, với giáo huấn của Người. Bất cứ học thuyết, chủ thuyết, tư tưởng nào từ ngoài đến, nếu không phù hợp với sự cảm hoá tâm hồn đối với Đức Giêsu Kitô, chúng ta phải đặt nghi vấn. Chúa Thánh Thần làm chứng cho Đức Kitô trong chúng ta. Chúng ta phải làm chứng về Đức Kito trong môi trường sinh hoạt của mình. Nếu chúng ta thật sự biết nghe lời Thần Khí sự thật, lời chứng của chúng ta sẽ phát xuất từ nguồn mạch thông thái thiêng liêng duy nhất của chúng ta là Đức Kitô. Sau này thánh Phaolo sẽ nói: Tôi chỉ muốn nơi anh em về Đức Kitô mà thôi. Có lẽ chúng ta nên cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta bảo tồn ý nghĩa chân truyền của Phúc Âm, đặc biệt trong thời buổi có nhan nhản những sự mập mờ đáng nghi trong việc sử dụng Phúc Âm.
2) Người là Thần Khí thánh thiện.
Sự thánh thiện của người Kitô hữu không có nghĩa là làm được những điều phi thường, mà phải khởi sự từ đức tin. Trong đức tin, người Kitô hữu cố gắng cách ngay thẳng nhất ở trong tình bằng hữu với Thiên Chúa. Muốn được thế, phải từ trong thâm tâm thiết tha gắn bó với sự thật – không chỉ có đức tính tri thức là thành thật ngay thẳng, đó là điều tối thiểu phải có, mà phải đon nhận cách mật thiết tác động của Chúa Thánh Thần. Như chúng ta biết, bất cứ sự thật nào cũng đòi hỏi phải tích cực, Thần Khí sự thật đòi hỏi rất nhiều nơi người Kitô hữu. Philatô bỏ chạy khi nghe Chúa đáp: Kẻ nào thuộc về sự thật thì nghe sự thật. Người ta có thể trốn tránh sự thật vì lẽ sự thật đòi hỏi rất nhiều. Trái lại, tâm trí kẻ nghe Lời Chúa Thánh Thần giống một bầu trời gió thổi càng mạnh càng vén sạch mây mù, nền trời càng trở nên quang sáng. Ở đây là một sự vâng lời thực tiễn, là thái độ không một giây phút chậm trễ sống những điều trí khôn hiểu được về chân lý. Thái độ ấy mệnh danh là cư xử theo chân lý, là “đi trong sự that”. Thánh Gioan nhắn nhủ các tín hữu: tôi vui mừng quá đỗi vì đã gặp trong hàng con cái Bà có những kẻ đi trong sự thật (thư thứ 2,4). Được như vậy, trong con người Kitô hữu, lời nguyện của Đức Giêsu sẽ thực hiện: Xin Cha hãy thánh hoá chúng trong sự thật… (Ga 17,17).
58. Thần Khí đổi mới.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Tại một giáo xứ ở miền Sicilia, thuộc miền Nam nước Ý, có một tập tục khá ngộ nghĩnh và lý thú. Mỗi năm vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sau bài Tin Mừng, cha xứ ra lệnh thả ra trong nhà thờ một con chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Khi con chim câu nầy đậu xuống trên vai hay đầu ai thì người ấy không được tránh né hoặc đuoi đi, nhưng phải quyết tâm thực hiện một công tác cụ thể, to hoặc nhỏ tùy theo khả năng của mình, để chứng tỏ rằng mình làm công việc ấy là do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.
Lịch sử giáo xứ ấy có ghi lại một số sự kiện điển hình như sau:
– Một lần chim câu đã đậu xuống trên vai ông hiệu trưởng. Kết quả là ông đã quyết tâm thực hiện một cuốn sách giáo khoa rất có giá trị.
– Lần khác, chim câu đáp xuống trên đầu một công tước vùng ấy, khiến ông ta phải ra tay nghĩa hiệp, bỏ tiền xây một hệ thống dẫn nước được đặt tên là “hệ thống dẫn nước Chúa Thánh Thần”.
– Có một linh mục trẻ được chỉ định đến thay thế cho cha xứ già đã đến tuổi hưu. Dù không tán thành nhưng cũng chưa dứt khoát bỏ đi tập tục đã thành truyền thống kia. Vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đầu tiên của ngài ở xứ mới, vị linh mục trẻ vẫn cho giữ thông lệ thả chim câu, nhưng ra lệnh mở hết tất cả các cửa chính và cửa sổ với hy vọng là chú chim câu sẽ bay ra ngoài để tung cánh trong bầu trời cao rộng. Trớ trêu thay, sau khi bay lượn vài vòng từ đầu này đến đầu kia của nhà thờ, chim câu đã đáp xuống vai phải của cha xứ mới trong tiếng vỗ tay vang dội của giáo dân. Phải hứa làm gì cụ thể bây giờ đây? Cha xứ mới chỉ tuyên bố là ngài sẽ đầu tư mọi khả năng và thời giờ để phục vụ tốt cộng đoàn giáo xứ. Và ngài đã giữ lơi hứa.
Thưa anh chị em,
Với mỗi người chúng ta hôm nay, Chúa Thánh Thần vẫn là Đấng thiêng liêng. Chúng ta không thể giới hạn cách thức tỏ hiện của Ngài trong hình thức của trận cuồng phong, lưỡi lửa, của chim bồ câu hay bất cứ một hình thức nào khác. Quả thực, Ngài không ngừng hiện diện và tác động nơi chúng ta cách tự do và rộng khắp. Ơn của Ngài nhằm thôi thúc chúng ta phải làm gì cụ thể trong việc đổi mới đời sống con cái đối với Thiên Chúa, góp phần phục vụ tha nhân, phục vụ cộng đoàn.
Bài sách Công vụ Tông đồ hôm nay kể lại cho chúng ta những sự lạ đã xảy ra bên trong và bên ngoài ngôi nhà nơi các môn đệ đang hội họp, có Đức Maria ở giữa. Bên trong có tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào nhà. Có những lưỡi lửa xuất hiện trên mỗi người. Họ tràn đầy Thánh Thần. Bên ngoài dân chúng bỡ ngỡ kéo đến bao vây. Sự gì đã xảy ra? Phêrô, con người nhát đảm ấy, hôm nay mở tung cửa và bước ra, theo sau là các môn môn đệ khác. Họ lâng lâng như người say rượu, khiến dân chúng bàn tán, nhưng họ không say rượu mà say Chúa! Vì hôm nay, ứng nghiệm lời tiên tri Gioel đã tiên báo: “Ta sẽ đo Thánh Thần xuống và chúng sẽ nói tiên tri”. Phêrô giảng bài đầu tiên làm cho 3.000 người trở lại. Các Tông đồ khác cũng bắt đầu sứ mạng rao giảng, với đặc ân Thánh Thần ban cho là nói được tiếng bản xứ của mỗi thính giả từ các nơi đổ về.
Giáo Hội sinh từ ngày Thánh Thần hiện xuống. Ngày nay Giáo Hội đã có một trang sử dài gần 20 thế kỷ. Giáo Hội cũng cần một luống gió mạnh thổi đến, lùa vào hầu có thể đổi mới mọi sự. Xưa Phêrô đã mở tung cửa đón nhận Thần Khí Thiên Chúa thì ngày nay các vị đại diện Phêrô cũng đã khai mở Công Đồng “như một lễ Hiện Xuống mới”, đem lại cho Giáo Hội một bộ mặt mới, một luồng gió mới.
Mỗi lễ Hiện Xuống là một ngày khai sinh mới của Giáo Hội, Thánh Thần là ai? – Thánh Phaolô, trong bài đọc II đã giải thích gồm tóm trong ý tưởng rằng, Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội. Thánh Thần ban cho mọi tín hữu nhận lãnh Phép Rửa mot niềm tin duy nhất, là “Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã sống lại”. Chúng ta phải tin, phải sống và phải loan báo. Tuy rằng đưcq tin là một, nhưng Thánh Thần sẽ ban cho mỗi người, mỗi thời đại, những đặc sủng riêng tư, thích hơp cho từng dịch vụ, từng sinh hoạt, từng nơi chốn. Thánh Thần như linh hồn của Giáo Hội, hằng huy động, hướng dẫn, thống nhất để xây dựng Giáo Hội.
Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII là một điển hình. Khi mới được bầu làm Giáo Hoàng, Ngài là một cụ già đã 77 tuổi, cục mịch như một cha xứ nhà quê, ai cũng cho là “một Giáo Hoàng giao thời”. Nhưng ai ngờ con người ấy, trong triều đại chỉ 5 năm, trở thành dụng cụ của Chúa Thánh Thần để đổi mới, để thực hiện chính sách mà Ngài gọi là “ cập nhật hóa” (aggiomento), mở cửa để Giáo Hội bắt gặp đà tiến triển của thời đại văn minh. Ngày nay, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông thư “Tiến tới Thiên niên kỷ thứ ba” chuẩn bị cho toàn thể Giáo Hội mừng Đại Năm Thánh 2000 đã kêu gọi “trân trong đặc biệt tất caw những gì Chúa Thánh Thần đã nói với Giáo Hội và với Giáo Hội (Kh 2,7) cũng như những gì Thánh Thần nói với các cá nhân qua các đoàn sủng phục vụ cộng đoàn”. Đức Thánh Cha nói tiếp: “Tôi muốn nhấn mạnh những gì mà Chúa Thánh Thần gợi ý cho các cộng đoàn khác nhau, từ những cộng đoàn nhỏ nhất- như gia đình, đến những cộng đoàn lớn hơn – như cac quốc gia, các tổ chức quốc tế, kể cả những nền văn hóa, văn minh và những truyền thống lành mạnh” (TMA. Số 23).
Nhiều người tín hữu ngày nay vẫn còn có thái độ như nhóm nhỏ Tông đồ ngày xưa. Họ sợ sệt, cửa đóng then cái, e rằng Thầy ra đi là đi mãi, tương lai mù mịt. Nhưng Thánh Gioan cho biết, ngay chiều Phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện đến trấn an các ông: “Bình an cho các con”. Rồi Ngài thổi hơi trên các ông: “các con hãy nhận lấy Thánh Thần”. Ai lại không liên tưởng đến “ làn hơi Thiên Chúa” thổi đến trên mặt nước “trong ngày khai thiên lập địa” (St 1,2) đến làn sinh khí mà Thiên Chúa thổi vào con người trong ngày tạo dựng Ađam (St 2,7). Ngày nay, làn hơi ay chính là Chúa Thánh Thần, là làn hơi ban sự sống (Ga 3, 5-6) và là sức mạnh tầy xóa mọi tội lỗi: “các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha, các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại” (Ga 20,23). Qua làn hơi thở của Chúa, qua sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các Tông đồ cũng như chúng ta ngày nay phải trở nên những chứng nhân của Chúa cho đến tận cùng trái đất.
Anh chị em thân mến,
Ngày lễ Chúa Thánh Thần ngày khai sinh của Giáo Hội, là ngày nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội mở rộng vòng tay ôm cả thê1 giới. Chúa Thánh Thần thôi thúc bên trong để chúng ta hành động cụ thể, tỏ lộ ơn Ngài ra bên ngoài và chúng ta sẽ chỉ có thể vững tin rằng mình đang sống dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, khi mọi nỗ lực của chúng ta luôn theo sát với giáo huấn của Chúa Kitô và đều hướng đến việc kiến tạo tình yêu thương cảm thông nhau hơn. Chớ chi từ nay, chúng ta luôn biết mở mắt tâm hồn của mình để nhận diện ra bao cuộc hiện xuống của Chúa Thánh Thần trong đời mình và mở rộng tâm hồn sống theo ơn Ngài thôi thúc, hầu cuộc sống của chúng ta có thể đổi mới không ngừng trong tình yêu thương xây dựng.
59. Hơi thở của Thiên Chúa.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Trong kho tàng văn chương Ấn giáo có ghi lại câu chuyện như sau: Có một đệ tử đến thưa với vị linh đạo của mình: “Thưa thầy, con muốn gặp Chúa”. Vị linh đạo chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng.
Ngày hôm sau, người môn sinh trở lại và bày tỏ cũng một ước muốn. Vị linh đạo vẫn mỉm cười tiếp tục giữ sự im lặng cố hữu của ông. Một ngày đẹp trời no, ông đưa người thanh niên đến một dòng sông. Thầy trò cùng trầm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát, bất thần vị linh đạo túm lấy anh và dìm xuống nước hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy đế trồi lên mặt nước. Lúc bấy giờ vị linh đạo mới hỏi anh: “Khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?”. Không một chút suy nghĩ, người đệ tử đáp: “Thưa thầy, con cần có không khí để thở””.
Lúc bấy giờ vị linh đạo mới dẫn giải: “Con cảm thấy cần gặp Chúa như con cần khí thở không? Nếu con cảm thấy cần như thế, con sẽ gặp được Ngài tức khắc. Ngược lại, nếu con không hề cảm thấy cần như thế thì cho dù con có vận dụng tất cả tài trí và cố gắng, con cũng sẽ không bao giờ gặp được Ngài”.
Anh chị em thân mến,
Sự sống của chúng ta là do Thiên Chúa ban tặng. Chính nhờ tham dự vào sự sống của Ngài mà chúng ta được sống. Bao lâu còn hơi thở là còn sống. Tắt thở là chết. Trong buổi đầu công trình tạo dựng. Thiên Chúa đã thổi hơi vào Ađam, con người đầu tiên, để Ađam có sự sống, để Ađam trở nên bạn hữu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu Phục Sinh cũng đã lặp lại hành động ấy khi Ngài xuất hiện giữa các môn đệ và thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Nhận lấy Thánh Thần là nhận lấy sự sống của Thiên Chúa, là nhận lấy tinh thần của Thiên Chúa. vì Thánh Thần là Thần Khí, là Hơi Thở của Thiên Chúa.
Ađam đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa để sống vai trò nguyên tổ của loài người. Các môn đệ cộng đoàn Phục Sinh đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa để làm chứng về Chúa Giêsu Kitô. Mỗi người chúng ta, cũng đã nhận được hơi thở của Thiên Chúa khi chúng ta được dìm trong Nước Thánh Tẩy và được xức dầu trong bí tích Thêm Sức. Hơi thở, sức sống, tinh than của Thiên Chúa được “hà hơi” vào trong ta. Vấn đề là chúng ta có biết sống bằng hơi thở Thần Linh ấy không. Thánh Phaolô khi nói về các ơn sủng Thiên Chúa ban cho mọi chi thể thuộc thân thể Đức Kitô đã đề cao Đức Ái như một đặc ân của Thánh Thần.
“Đức Ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức Ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7).
Sống đức Ái, sống yêu thương là sống bằng hơi thở của Thiên Chúa, là kết hợp với Thiên Chúa Tình Yêu, là sống trong Thánh Thần. Chỉ có yêu thương mới làm cho con người sống và phát triển thực sự. Chỉ có yêu thương mới làm cho con người thay đổi, canh tân, hoán cải. Ai yêu thương nhiều là người ấy thay đổi nhiều, vì tình yêu sẽ dẫn đưa chúng ta đến chốn vô cùng, vô tận của cuộc sống. Ai yêu thương nhiều và yêu thương thực tình sẽ không còn là mình nữa, mà là dụng cụ của Tình Yêu Thiên Chúa, sẽ nên giống như Thiên Chúa.
Thưa anh chị em,
Một cộng đoàn thiếu yêu thương thì không bao giờ có hợp nhất, không bao giờ có sức thuyết phục được những người chung quanh. Vì chỉ có yêu thương mới san bằng được những khoảng cách, mới lấp đầy những cách biệt, mới giúp bổ túc cho nhau giữa những cái chênh lệch, khác biệt nhau. Các tín hữu tiên khởi đã bán hết của cải ruộng đất để làm của chung, để sống giới răn yêu thương của Thầy. Đó phải là hình ảnh gợi ý cho những sáng kiến yêu thương của chúng ta. Chỉ khi nào mỗi thành viên của Hội Thánh đem hết tài năng, đặc sủng của mình đã nhận lãnh làm thành của chung của cộng đoàn, thì lúc ấy mới có sự hợp nhất thực sự của một thân thể nhiều chi thể là Hội Thánh Chúa Kitô.
Nhưng chúng ta chỉ biết sống yêu thương nếu như chúng ta biết đặt mình dưới sức tác động của Thánh Thần: Chẳng những Ngài là Đấng An Ủi, soi sáng mà Ngài còn là Đấng Thanh Tẩy chốn nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, chữa lành thương tích, uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng… (Ca tiếp liên). Chỉ có Thánh Thần mới làm cho các tổ chức của con người có sức sống, có tinh thần Tin Mừng… Đổi mới tư duy, đổi mới đời sống, đổi mới cơ chế xã hội đều cần đến sức mạnh và ân sủng của Thánh Thần Thiên Chúa, vì Ngài là hơi thở của Thiên Chúa, hơi thở không ngừng làm sống mọi tạo vật.
Anh chị em thân mến,
Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận những luồng gió mới mà Thánh Thần Chúa đang thổi trong lòng các dân tộc, trong lòng con người trước ngưỡng cửa Thiên Niên Kỷ Thứ Ba. Chớ gì Thánh Thần Thiên Chúa cũng thổi vào lòng chúng ta, vào cộng đoàn chúng ta một luồng gió đổi mới cũng mạnh liệt như thời các Tông đồ, để Hội Thánh luôn tươi trẻ và tràn đầy sức sống.
Xin hãy đến, lạy Chúa Thánh Thần và xin canh tân bộ mặt trái đất của chúng con.
60. Suy niệm của Lm. John Nguyễn Tươi
VAI TRÒ CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI
Trong sách giáo lý Công Giáo có ghi: “Chúa Cha là Đấng sáng tạo; Chúa Con là Đấng cứu chuộc; và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa chúng ta.” Chúng ta không thể sống nếu không có hoạt động của Chúa Thánh Thần. Vì Chúa Thánh Thần là Thấn Khí ban sự sống cho chúng ta. Ngài có vai trò rất quan trọng trong thế giới này và trong mỗi con người chúng ta. Hôm nay, chúng ta cùng nhau khám phá ra vai trò của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta. Ngay cả Chúa Giêsu,Ngài đã đón nhận ơn Chúa Thánh Thần khi chịu phép rửa tại sông Giođan. Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần ban cho các tông sức mạnh và ơn can đảm để đi rao giảng Tin Mừng, và Giáo Hội được khai sinh. Tuy nhiên, để hiểu được vai trò hoạt động của Chúa Thánh Thần trong thế giới này, chúng ta có thể thấy ba biểu tượng nổi bậc nói về Chúa Thánh Thần, đó là: Lửa, Nước và Khí.
Trước tiên là Lửa. Lửa mang lại cho chúng ta hơi ấm. Vào mùa đông người ta cần có lửa để sưởi ấm. Nếu mùa đông giá buốt mà không có lửa, thì chúng ta sẽ bị chết lạnh. Lửa rất cần thiết trong đời sống con người. Lửa dùng để nuôi sống con người. Mặc khác, Lửa không chỉ mang lại sự sống và giá trị vật chất mà là còn mang ý nghĩa giá trị tinh thần cho con người. Đó là ngọn lửa của Chúa Thánh Thần cho các tông đồ thuật lại trong tin Mừng hôm nay. Khi Chúa Giêsu chết, các tông đồ sợ hãi không dám ra ngoài, vì người Do-thái. Trong lúc hoang mang sợ hãi đó, Chúa Thánh Thần mang ngọn trên đầu các tông đồ, ngọn lửa Chúa Thánh Thần biến đổi các ông thành những con người mới. Sách Công vụ Tông Đồ thuật lại rằng: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào căn nhà nơi mọi người đang tụ họp. Họ thấy xuất hiện những hình lưỡi lửa tản ra đậu trên từng người. Ai nấy lòng tràn ngập ơn Chúa Thánh Thần, họ bắt đầu nói nhiều thứ tiếng lạ khác nhau và trên đầu các ông có hình lưỡi lửa.” Đó chính là Chúa Thánh Thần, Ngài đã ban cho các tông đồ ngọn lửa đức tin, ngọn lửa của niềm vui, và ngọn lửa bình an và hoan lạc để các ngài can đảm ra đi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng khắp nơi trên thế giới.
Kế đến là Nước. Nước mang lại sự sống cho các sinh vật trên trái đất này. Nếu không có nước, con người và sinh vật không thể sống được trên trái đất này. Chúng ta có thể nhịn đói, nhưng không thể nhịn khát được. Cũng vậy trong đời sống thiêng liêng, chúng ta múc lấy nguồn nước ân thiêng từ nơi Chúa Thánh Thần khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức. Chính Gioan Tẩy giả dìm Chúa Giê-su xuống dòng sông Gio-dan. Ngài kêu gọi dân chúng rằng: ” Ai chịu phép rửa sẽ được ơn cứu độ.” Nếu nước là tượng của sư sống, thì tái sinh bắt nguồn từ nơi Đức Kitô. Tại giếng Gia-cóp, Chúa Giê-su nói với người phụ nữ: ” Nước tôi cho chị uống thì sẽ không bao giờ khác”, đó là Máu và Nước của Ngài chính là nguồn ơn cứu độ cho chúng ta. Thánh Phao-lô đã xác quyết rằng: “Chúng ta đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể.” Phép rửa là để thanh tẩy tội lỗi con người, và tái sinh làm con cái Chúa là nhờ lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần. Thánh Gioan nói:” Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em, anh em hãy lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần.”
Sau cùng là Khí. Mỗi ngày chúng ta sống được là nhờ hít thở không khí, mà Thánh Thần là Thần Khí ban sự sống cho chúng ta. Trong Kinh Thánh đã diễn tả. Khi Thiên Chúa tạo dựng con người, thì Ngài lấy đất nắn thành hình người, rồi Ngài hà hơi vào lỗ mũi và ban cho con người sự sống. Chúng ta sống được là nhờ hít thở không khí. Chúa Thánh Thần là thần khí dưỡng nuôi chúng ta. Do đó, chúng ta mới nói rằng sự sống hay chết là do Chúa.Một biểu tượng khác, chúng ta có thể cảm nhận được hoạt đông của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống, đó là gió. Con mắt thường chúng ta không nhìn thấy gió, nhưng chúng ta có thể cảm nhận được gió qua sự rung chuyển của cây, hoặc qua cảm giác mát lạnh của gió. Một bài hát chúng ta thường hát nói về Thần Khí Chúa Thánh Thần như sau:
“Thần khí Chúa đã sai tôi đi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng.
Thần khí Chúa đã thánh hiến tôi, sai tôi đi Ngài sai tôi đi.
Sai tôi đến với người nghèo khó, sai tôi đến với người lao tù, mang Tin Mừng giải thoát. Thiên Chúa đã cứu tôi”
Tóm lại, ba biểu tượng: Lửa, Nước và Khí, chúng ta có thể hiểu được vai trò hoạt động của Chúa Thánh Thần là rất quan trọng trong thế giới này và trong mỗi con người chúng ta. Ba biểu tượng này đã được khắc họa trong Kinh Thánh từ công cuộc tạo dựng vũ trụ. Sách Giáo lý Công Giáo đã dạy: Chúa Cha là Đấng tạo dựng, Chúa Con là Đấng cứu chuộc, và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa. Khi hiểu như thế thì chúng ta thấy rằng, Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sự sống, thánh hóa và biến đổi chúng ta trong tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Như lời thánh Gioan viết, Giêsu đã thổi hơi và thần khí cho các tông đồ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
Như lời thánh Phaolô dạy: hoa quả của Chúa Thần Khí là bác ái, hoan lạc,bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Đó là cách ta sống theo Thần Khí. Còn tính xác thịt gây ra, đó là: dâm ô, phóng đãng, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén và những thứ khác giống như vậy.
Lời Nguyện:
Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương.
Xin ban cho chúng con ngọn lửa Thánh Thần, để chúng con xóa tan bóng tối của hận thù, chia rẻ và bất công.
Xin ban cho chúng con nguồn nước Thánh Thần, để chúng con cho những ai đang khát về chân lý và tưới gội những tâm hồn khô khan.
Và xin cho chúng con Thần Khí, để chúng con mạnh dạn ra đi rao giảng Tin Mừng cho những ai đang thất vọng, họ sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong Chúa. Amen.
61. Ngọn gió.
Bấy giờ các môn đệ họp lại ở một nơi. Bỗng dưng có tiếng từ trời đến, ào ào như gió thổi khắp nhà các đấng đang ngồi. Lại thấy có hình lưỡi lửa tỏa ra, đổ trên đầu từng người một và tất cả đều được tràn đầy Thánh Linh. Qua vài dòng tường thuật ngắn ngủi trên, chúng ta cùng nhau chia sẻ về hình ảnh ngọn gió.
Hậu quả đầu tiên mà gió đem lại, đó là quét sạch bụi bặm và rác rưởi. Chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng gió, nhưng lại không biết gió từ đâu mà đến và sẽ đi về đâu, những kẻ sinh bơi Thần Khí cũng thế. Thực vậy, gió thổi chỗ này, gió thổi chỗ khác. Không ai có thể vạch đường cho gió. Gió thổi theo những luật lệ riêng của gió. Cũng vậy, tình yêu chân thực sẽ vượt qua mọi thúc ép bên ngoài. Và khi tình yêu cao cả nhất là Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ, thì đó cũng là lúc những thái độ bên ngoài, những nghi lễ của Môisen, những quan niệm hẹp hòi của bọn biệt phái bị sụp đổ. Tin Mừng tràn lan như mot ngọn gió. Và Tin Mừng ấy thổi đến đâu, thì sẽ lật đổ mọi tượng thần nhảm nhí, làm cho trong sạch và dịu mát bầu khí luân lý và đạo đức vốn đã bị ô nhiễm. Cùng với ngọn gió của ngày lễ Hiện Xuống, một con người mơi được sinh ra với một lý tưởng mới và những khát vọng mới. Một thế giới được khởi đầu đó là thế giới Kitô giáo. Thế giới cũ không thể nào chống lại sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Như một bức tường xiêu vẹo và đổ nát, không thể nào cản được sức mạnh của cơn gió xoáy.
Giáo hội khởi đầu chỉ là một nhóm nhỏ gồm mười hai tông đồ. Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần đã hoạt động trong các ông, thôi thúc các ông ra khơi và thả lưới, lên đương và chinh phục thế giới về cho Đức Kitô. Ý tưởng này làm cho chúng ta thêm phấn khởi và cảm thấy được an ủi. Dù hoàn cảnh có đen tối, dù số phận có thê thảm, dù giông tố có nổi lên, dù bắt bớ có xảy ra, nhưng co Chúa Thánh Thần hoạt động trong cộng đoàn tín hữu, thì không có một thế lực nào, không một gian nguy thử thách nào có thể chiến thắng nổi chúng ta. Mọi sự sẽ qua đi, nhưng Chúa Thánh Thần sẽ chẳng qua đi bao giờ.
Trong thời gian khó khăn tại Liên Xô, chỉ có một chủng viện nhưng phải sinh hoạt âm thầm và lén lút. Ngày kia một ký giả may mắn gặp được một thanh niên hơn hai mươi bốn tuổi, với khuôn mặt sáng sủa và thân hình gầy còm vì đoi. Anh cho biết mình là một đại chủng sinh, đang chuẩn bị lãnh nhận chức phó tế. Ban ngày anh phải đi làm như một người thợ, một công nhân. Ban đêm mới học. Học không sách vở, học không ánh sáng. Họ sống và cầu nguyện chung với nhau, nhưng luôn phải canh chừng. Phải chăng Kitô giáo đã tàn lụi trên đất nước Liên Xô? Không phải thế. Dù chỉ còn một nhóm nhỏ thì Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động. Để rồi cuối cùng, mọi sự sẽ qua đi, nhưng Chúa Thánh Thần sẽ chẳng qua đi bao giờ.
Biết bao lần chúng ta thất vọng khi nhìn thấy tội ác thắng thế và cất cao tiếng cười ngạo nghễ. Biết bao lần chúng ta hoài nghi vì thiện chí của chúng ta bị coi thường và xuyên tạc. Thế nhưng, nếu thực sự có Chúa Thánh Thần ngự trị, chúng ta sẽ không bao giờ ngờ vực, sẽ không bao giờ thất vọng. Vậy chúng ta phải có thái độ nào? Chúng ta hãy lắng nghe lời thánh Phaolô khuyên nhủ: Đừng làm buồn lòng Chua Thánh Thần và đừng dập tắt ngọn lửa của Ngài. Nhưng thế nào là làm buồn lòng Chúa Thánh Thần, thế nào là dập tắt ngọn lửa của Ngài? Chúng ta sẽ làm buồn lòng Chúa Thánh Thần nếu chúng ta chống lại những hành đong hướng dẫn, giáo huấn và thánh hóa của Ngài. Chúng ta hãy để cho Ngài thúc đẩy, để chúng ta chỉ suy nghĩ những tư tưởng của Chúa, chỉ lắng nghe những lời Chúa nói. Chúa Thánh Thần là người nghệ sĩ, còn tâm hồn chúng ta là cây đàn. Nếu chúng ta để cho Ngài gẩy, thì tâm hồn chúng ta sẽ vang lên những khúc nhạc tuyệt vời. Chúng ta có thể nói cuộc đời của người có Chúa Thánh Thần ngự trị sẽ là như một con đường ngập ánh nắng mặt trời, dù họ phải đi qua bóng tối của gian nan và thử thách. Hơn nữa, cuộc đời của người có Chúa Thánh Thần ngự trị sẽ là một khúc hoan ca, dù họ gặp phải những cay đắng chua xót. Ngoài ra, cuộc đời của người có Chúa Thánh Thần ngự trị sẽ là một ngày hội lớn, một ngày khải hoàn chiến thắng, dù họ phải luôn chiến đấu không ngừng.
Ngọn gió của Chúa Thánh Thần có thể thổi đến với tôi bất kỳ lúc nào và bất kỳ ở đâu: trong giờ kinh nguyen, trên đường phố, bên giường bệnh nhân, trong cơn cám dỗ…sức mạnh của Chúa Thánh Thần sẽ truyền sang cho tôi. Và thật là diễm phúc, nếu tôi biết lắng nghe và tuân theo sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần, bởi vì tôi se được Ngài hướng dẫn và ủi an.
62. Đổi mới
Anh chị em thân mến.
Khi chúng ta trải qua đêm dài trong tăm tối, trong đêm tối mọi người đều phải lo chuẩn bị mọi sự: cửa nhà lo đóng kín, mọi công việc lo cho yên nơi yên chỗ, kể cả con người chúng ta cũng nằm yên bất động. Trong đêm tối nhiều người còn sống trong sự lo sợ, vì bóng đêm không nhìn thấy được sự vật chung quanh, những nguy hiểm cũng lợi dụng bóng đêm mà đến với con người bất cứ giờ phút nào.
Khi mặt trời bắt đầu ló dạng, mọi sự dường như được chuyển mình. Vạn vật mỉm cười đón ánh nắng mới, một sức sống mới cùng với ánh mặt trời mang dến cho vạn vật. Con người cũng thế, mọi người vui mừng hoạt động trở lại với những công việc mới. Cùng với ánh mặt trời, không ai có thể nằm yên bất động như trong đêm tối, mà mọi người đều đứng lên, mở cửa nhà mình ra và cùng hoạt động với sức sống mà ánh mặt trời mang lại cho họ. Nếu ánh mặt trời đến mà có người còn nằm yên bất động, thì đó là những người vô ích, ngày giờ kết thúc cuoc đời của họ đã đến.
Các Tông Đồ đang sống trong đêm tối của sự lo sợ và cô đơn, các ông vào trong nhà, đóng kín cửa lại. Các ông lo sợ người khác làm hại đến mình, vì các ông vừa chứng kiến cảnh đau thương của thập giá. Cảnh dau thương làm cho các ông sụp đổ hoàn toàn, các ông mất đi những ước mơ và hy vọng vọng bấy lâu nay, trong thời gian mà các ông theo Chúa Giêsu, các ông hy vọng rất nhiều, ước mơ rất nhiều. Nhưng giờ đây mọi sư không còn gì hết. Những lời Chúa Giêsu nói với các ông, dạy bảo, nhắc nhở, tất cả không còn gì hết. Các ông đóng kín cửa, thu mình lại trong nỗi lo sợ. Nhưng Chúa Giêsu lại đến trong lúc các ông đang lo sợ, Ngài vẫn vào nhà trong lúc cửa các ông vẫn đóng kín, ngài mang bình an đến cho những con người đang sống trong bất an. Ngài còn trao cho các ông một sứ mạng quan trọng là đem bình an đến cho những người khác: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con…” Ngài đến như vầng thái dương xuất hiện, không cho các ông ngồi yên trong sự sợ hãi nữa, không cho các ông đóng kín cửa tâm hồn của mình nữa, mà bảo các ông hãy ra đi.
Các ông đã nhận được sức mạnh, đã đứng lên và đã hành động. Các ông đã sống trong ánh sáng, các ông đã can đảm thi hành sứ mạng trong sự đỗi mới của một ngày mới. Đêm tối của các ông qua đi, giờ đây các ông đang sống và hoạt động dưới ánh sáng ban ngày, ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh.
Ánh sáng Chúa Kitô Phục Sinh đã làm cho các Tông Đồ đổi mới. Ánh sáng đó cũng làm cho rất nhiều người được đổi mới qua suốt hơn 2000 năm lịch sử. Nhưng ánh sáng đó có đổi mới được những con người của ngày hôm nay, có đổi mới được mỗi người trong chúng ta không?
Mỗi người để một ít phút thinh lặng, nhìn lại cuốn phim cuộc đời. Trải qua bao nhiêu năm, từ ngày lãnh Bí Tích Rửa Tội, Bí tích Thêm sưc, biết bao hồng ân chúng ta nhận được qua các Bí Tích. Chúng ta mang danh là người công giáo, nhưng chúng ta chỉ là người công giáo trên danh nghĩa hay là một người công giáo thật sự.
Nếu trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta vẫn cứ sống theo những gì mình thích, làm những gì mình muốn làm, nói những gì mình muốn nói, mà bất chấp đến những người chung quanh, không cần biết phản ứng của họ như thế nào, cho dù họ có đau khổ, cho dù họ có kêu than, cho dù họ có van xin, chúng ta cũng không cần biết đến. Chúng ta chỉ ung dung tự tại miễn sao mình được lợi ngày càng nhiều, đường mà chúng ta gọi là danh vọng, ngày càng nâng cao, như thế là đủ. Vậy thì những lần đến nhà thờ, những lời kinh chúng ta đọc hằng ngày, những lời giảng dạy và lệnh truyền của Chúa Giêsu, đối với chúng ta không hiệu quả gì sao? Chúng ta không thể đổi mới để thi hành lệnh Chúa cho tốt được sao? Không lẽ sức mạnh của ánh sáng Phục Sinh không mở được cánh cửa lòng đóng kín của chúng ta được sao?
Nếu chúng ta nhìn thấy được trách nhiệm hằng ngày trong cuộc sống, nhìn thấy được những điều cần làm và phải làm, cho dù phải vất vả khổ nhọc, chúng ta vẫn không từ chối vì biết đây là điều tốt. Khi đó, chúng ta đang được đỗi mới nhờ ơn Chúa.
Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa ban sức mạnh của Thánh Thần Chúa sức đổi mới tâm hồn và cuộc sống của moi người chúng ta.
63. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
(Suy niệm của Lm. Gioan Võ Đình Đệ)
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, đặc biệt sách Tông Đồ Công Vụ, bày tỏ cho chúng ta về Chúa Thánh Thần vừa là một sức mạnh tỏa lan trên cong đoàn vừa là sức mạnh thức tỉnh tâm linh tín hữu.
1. Chúa Thánh Thần, sức mạnh tỏa lan trên cộng đoàn.
Sự kiện “hiểu nhau” của những con người có ngôn ngữ khác nhau trong tường thuật của bài sách Công Vụ Tông Đồ là một hồng ân của Thánh Thần. Đây là một sự kiện trái ngược với sự kiện dân xây tháp Babel trong Cựu Ước được sách Sáng Thế Ký tường thuật (St 11,1-9). Vì ngôn ngữ bất đồng, việc xây dựng tháp Babel bị bất thành. Vì “hieu nhau”, những người xa lạ trở thành cộng đoàn hiệp thông. Điều nầy cho thấy Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta xác tín căn tính kitô hữu của mình đồng thời liên kết chúng ta hiến thân phục vụ Hội Thánh cách vô vị lơi. Thánh Phaolô cũng nhắc đến: “Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra mỗi người mỗi cách là vì ích chung” (Bài đọc 2).
2. Chúa Thánh Thần, sức mạnh thức tỉnh tâm linh người tín hữu.
Các tông đồ là những con người hằng ngày bám gót theo Chúa Giêsu. Các ngài đã từng sững sờ trước những phép lạ Chúa làm, đã từng nghe tận tai những lời Chúa dạy, nghe rõ mục tiêu Chúa qui tụ mình, đã từng mục sở thị phong cách sống của Chúa trong khi thi hành sứ mạng. Dẫu vậy, tính “máu thịt” vẫn đeo bám các tông đồ, các ngài vẫn tranh nhau chỗ cao thấp, vẫn vấn vương sự “úy tử tham sinh”, bất tín, bất trung, sợ hãi, trốn chạy khi Chúa chịu khổ nạn. Như người lâm cơn trọng bệnh được phục hồi sức khỏe nhờ gặp được thầy thuốc giỏi, sau khi được Chúa Thánh Thần đổ đầy ơn thánh vào lòng, nội tâm các tông đồ đã được đổi chiều. Các ngài đã trở nên cam đảm, thà chết chứ không chịu nín lặng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29), trở nên say mê, trung thành đến độ dám hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa. Phong cách nầy là dấu chỉ của những “người con được sinh ra theo thần khí” (Gal 4,29), tức là những con người dám làm theo những đòi hỏi của một lương tâm trong sáng, ngay thẳng.
Dưới tác động của Thánh Thần, các Tông đồ đã khám phá ra chiều kích thần linh của mình: Con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Sự thật này cần được không ngừng tái khám phá dưới ánh sáng của Đức Kitô phục sinh, khuôn mẫu cho mọi mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, vơi vũ trụ vạn vật và con người với nhau. Nhờ Chúa Thánh Thần, các Tông đồ đã được thanh tẩy khỏi những “tạp chất máu thịt” kia, để từ đó có thể thong dong hoàn thành ơn gọi làm người, ơn gọi làm kitô hữu và hoàn thành sứ mạng tông đồ đặc biệt của mình.
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Bài Tin Mừng), một mệnh lệnh đâu phải dễ thực hiện. Chúng ta đang sống trong xã hội văn minh có nhiều tiến bộ, có gương lành gương tốt nhưng cũng đầy những bóng tối, mà nhiều khi tưởng chừng cuộc sống đã bị bóng tối bao trùm bởi cái vụ lợi được xem trọng hơn cái lý tưởng, bởi “tranh công, chối tội, đổ lỗi, thanh minh” được yêu chuộng hơn là công bình và sự thật, bởi tâm lý “ngồi bia bọt cả giờ dễ hơn chờ nửa giây đèn đỏ” đã len lỏi trong trong nếp sống đạo: Quên lãng kinh nguyện gia đình, biếng nhác cầu nguyện cá nhân. Đi sau về trước trong thánh lễ Chúa Nhật, thậm chí bỏ lễ Chúa nhật vì công ăn việc làm, vì một cuộc dã ngoại với bạn bè…
Để tinh thần đức tin, đức cậy, đức mến được sinh động trong các ngóc ngách hoạt động hằng ngày của chúng ta, để không khiến cho lương dân ngờ ngợ nhận ra điều gì không phải Tin Mừng cứu độ, không phải đạo Chúa, không phải Hội thánh Chúa trong các hoạt động của chúng ta, chúng ta cần bám sát Chúa Thánh Thần.
Đứng giữa một bên là giới hạn, yếu đuối và tội lỗi, còn mot bên là mầu nhiệm của ân sủng, chúng ta phải gắn bó với Thánh Thần để biết mau mắn đón nhận ân sủng. Gió Thánh Thần vẫn tiếp tục thổi, Lửa Thánh Thần vẫn tiếp tục cháy và này đây “Thánh Thần đến nâng đỡ sự yếu đuối của chúng ta” (Rm 8, 26) để chúng ta yêu được, chọn được những giá trị lớn hơn phía sau những cái “hiện đại”, “hoành tráng” hấp dẫn mà mau qua đang vây bủa chúng ta.
64. Vai trò của Thần Khí – McCarthy.
Suy Niệm 1. ƠN CỦA THẦN KHÍ
Chúng ta muốn bám chat vào một người mà chúng ta yêu mến và phụ thuộc. Chúng ta không thể chịu nổi ý tưởng người ấy rời bỏ chúng ta. Khi Đức Giêsu nói với các Tông đồ rằng Người sắp rời bỏ họ, họ rơi vào sự u sầu. Nhưng Người nói với họ: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em”.
Các Tông đồ khó mà hiểu được bằng cách nào Đức Giêsu ra đi thì có lợi cho họ. Những minh hoạ sau đây sẽ chiếu soi một số ánh sáng trên đề tài ấy.
Bạn hãy tưởng tượng bạn đang ngắm mặt trời lặn xuống. Và khi nó lặn, có vẻ như nó đem cả thế giới này theo nó.
Đồng thời, mặt trăng lên cao trong bầu trời. Nhưng mặt trăng mờ nhạt đến nỗi bạn phải nhìn kỹ mới thấy. Dường như mặt trăng không đóng góp điều gì cho trái đất.
Rồi bạn nhận thấy một điều đẹp đẽ và kỳ lạ. Mặt trời càng xuống thấp trong bầu trời, mặt trăng càng trở nên sáng hơn. Sau cùng, mặt trời rồi cũng biến mất khỏi quang cảnh, mặt trăng được biến đổi hoàn toàn. Và giờ đây, mặt trăng đương nhiên là vật sáng nhất trong bầu trời. Và khi bạn nhìn chung quanh, bạn ngạc nhiên và thích thú nhận thấy rằng thế giới cũ kỹ này không những đã được phục hồi hoàn toàn đối với bạn, nhưng còn được làm cho mới mẻ, sáng tươi và quyến rũ. Chỉ khi mặt trời rút lui, bạn mới có thể thấy sự đóng góp của mặt trăng.
Yêu thương đôi khi lúc có nghĩa phải sống xa cách người mình yêu. Điều này có nghĩa là người ta được tự do phát triển theo đường lối của riêng mình. Người được yêu thương cảm thấy mình đã góp phần xây dựng nên tình cảm đó và được tự do tiếp nhận từ một người khác.
Tuy nhiên, chúng ta thường bám chặt ánh đèn sân khấu. Chúng ta muốn lúc nào cũng có mặt ở đó. Chúng ta không biết nên rút lui khi nào hoặc bằng cách nào. Vì thế, bằng một thái độ vô tâm và vị kỷ, chúng ta làm chủ những người khác. Chúng ta bóp nghẹt sự phát triển của họ. Chúng ta đặt họ vào vị trí phụ thuộc, và kết quả là họ ở mãi trong tình trang kém phát triển.
Điều này đem lại cho chúng ta một sự hiểu biết sâu sắc điều Đức Giêsu muốn nói khi Người cho rằng Người ra đi thì có lợi cho các Tông đồ, nếu không có Thần Khí sẽ không đến. Nếu Người cứ duy trì sự hiện diện thể chất với họ thì chính họ sẽ không bao giờ trưởng thành nổi.
“Tôi không có gì cho người khác; nhưng tôi có bổn phận hướng người ấy về với chính cuộc đời người ấy và chấp nhận người ấy là chính người ấy” (Michel Quoist).
Không bao giờ có người nào tỏ ra tín nhiệm và tôn trọng con người như Đức Giêsu. Người đã không thống trị họ. Người đã cho họ một cơ hội để toả sáng. Người chuyển giao toàn bộ công trình của Người cho họ. Người biết rằng họ vẫn cần được giúp đỡ. Đó là lý do Người sai Thần Khí đến với họ.
Điều mà Thần Khí đã làm là biểu lộ ra bên ngoài những sự việc đã có bên trong họ. Tình yêu của Thần Khí đánh thức những năng lực có bên trong họ mà họ không biết đã có đó, vì thế họ có thể làm được những việc mà họ không nghĩ rằng họ có khả năng làm. Sau ngày Hiện Xuống, tâm hồn họ như lửa đốt và có gió thổi mạnh vào sau lưng.
Chúng ta cũng cần có Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần Người giúp đỡ chúng ta thực hiện quyền bính và những ơn đã có trong chúng ta. Chúng ta cần Người khai thác quyền bính ấy và phát huy những ơn Người ban ngõ hầu chúng ta cũng có thể trở thành nhân chứng không sợ hãi cho Đức Kitô.
Suy Niệm 2. PHÉP LẠ CỦA SỰ ĐỔI THAY
Trước khi Chúa Thánh Thần đến, các Tông đồ gần như sống trốn tránh trong một phòng trên lầu. Đức Giêsu đã giao phó cho họ một nhiệm vụ cao cả. Tuy nhiên họ đã không có cả sức mạnh lẫn ý chí để bắt tay vào việc. Nhưng sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, họ là những người đã thay đổi.
Vậy Chúa Thánh Thần đã làm gì cho họ và phép lạ làm thay đổi chính xác như thế nào? Mặc dù chúng ta không biết một tí gì về điều đó.
Chúng ta phải nhận thức rằng các Tông đồ là những người bị tổn thương. Họ bị tổn thương bởi nghi ngờ và đau buồn, bởi sợ hãi và thất bại, và trên tất cả bởi ý thức về sự bất toàn.
Jean Vanier là một người biết rất nhiều về điều gì giúp đỡ những người bị tổn thương thay đổi. Ông đã thiết lập những cộng đoàn nhỏ khắp thế giới cho những người thiểu năng (tâm thần). Khi người thiểu năng bị nhốt trong những cơ chế, người ta đã gây ra cho tâm trí họ sự thiệt hại khủng khiếp. Một thân thể bị tổn thương sẽ lành lại một cách tự nhiên, nhưng một tâm hồn bị tổn thương thì không như thế. Một tâm hồn tổn thương sẽ chai cứng; chỉ để sống còn và vì thế đầy ắp sự tức giận và cay đắng.
Nhưng khi người thiểu năng được đưa ra khỏi những cơ chế ở đó họ cảm thấy chán ghét, và được đặt vào những cộng đoàn ở đó họ được yeu thương. Vanier đã nhiều lần chứng kiến phép lạ làm họ thay đổi.
Điều này giúp chúng ta hiểu được điều gì xảy ra cho các Tông đồ. Khi nói rằng các Tông đồ bị tổn thương, người ta không có ý nói họ bị tổn thương ở mức độ như những người thiểu năng. Nhưng dù sao họ cũng bị tổn thương. Tuy nhiên sau khi Chúa Thánh Thần đến, họ là những con người đã thay đổi. Họ rời bỏ nơi họ trốn tránh và bắt đầu rao giảng Tin Mừng.
Chúng ta không nên nghĩ rằng sự thay đổi chỉ thực hiện trong trong một lúc. Nó phải là một việc có cấp bậc và một quá trình phát triển. Sự phát triển có thể chậm chạp đau đớn. Chúng ta không dễ dàng gạt bỏ những tập quán và thái độ cũ.
Con người thay đổi khi có người mang lại cho họ niềm hy vọng; khi có người tin tưởng họ và cho họ một nhiệm vụ để hoàn thành. Nhất là, họ thay đổi khi họ được yêu thương. Họ bước ra khỏi vỏ ốc của mình và những năng lực giấu kín của họ được giải phóng từ bên trong họ. Phép lạ làm con người thay đổi là một phép lạ chân thật.
Mọi người chúng ta đều có khả năng làm điều tốt. Chúng ta có tay để có thể chăm sóc, có mắt để có thể nhìn, có tai để có thể nghe, có lưỡi để có thể nói, có chân để có thể đi và trên hết có một tấm lòng để có thể yêu thương.
Nhưng mỗi người chúng ta đều có một khuyết tật kềm hãm không cho chúng ta giải phóng bản thân chân thật và tràn đầy. Chúng ta cần có một ai đó đánh thức những gì ở bên trong chúng ta. Một ai đó kêu gọi chúng ra sống và giúp đỡ chúng ta trưởng thành.
Đối với chúng ta, những môn đệ của Đức Kitô, một ai đó chính là Chúa Thánh Thần. Quyền lực đã biến đổi các Tông đồ, quyền lực hiền hoà của Chúa Thánh Thần cũng có giá trị và hiệu lực đối với chúng ta. Thần Khí ấy đánh thức những năng lực trong chúng ta, kêu gọi chúng ta sống, giup đỡ chúng ta trưởng thành. Nhà thơ Pablo Neruda đã nói: “Tôi muốn làm cho bạn điều mà mùa xuân làm cho cây anh đào”. Đó là điều mà Thần Khí đang thực hiện.
65. Bình an cho các con – R. Veritas
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’)
Hôm nay chúng ta tưởng niệm và sống lại biến cố đã xảy ra cách đây hơn 2.000 năm. Nhân ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên các tông đồ, từ những con người nhát đảm, dốt nát, quê mùa, Thánh Thần đã biến đổi các ngài trở thành những con người can đảm và hiểu biết để loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người và Thánh Thần đó đã thành linh hồn của Giáo Hội.
Anh chị em thân mến!
Lịch sử của nhân loại hẳn phải là lịch sử của tìm kiếm và xây dựng sự thống nhất. Khát vọng thống nhất thể hiện qua sự phát sinh và bành trướng của không biết bao nhiêu đế quốc.
Thời xa xưa, chỉ có đế quốc Trung Hoa, đế quốc Babylon, đế quốc La Mã, đế quốc Pháp… Nhưng hợp rồi tan. Có thịnh vượng đến đâu, bành trướng đến đâu thì những đế quốc đó cũng đi đến sự sụp đổ vì họ đã cố gắng xây dựng sự thống nhất không phù hợp với lòng người. Bao lâu con người còn chối bỏ lẫn nhau, bao lâu con người còn khước từ Thiên Chúa thì bấy lâu những cố gắng thực hiện sự thống nhất ấy chỉ mang lại những thảm họa mà thôi.
Ngay từ những trang đầu tiên Kinh Thánh đã nói đến những thảm họa ấy qua câu chuyện xây tháp Babel sau nạn hồng thủy, con cái loài người muốn đoàn kết với nhau để chống lại Thiên Chúa bằng cách xây một ngọn tháp cao tận trời mây, thế nhưng công trình phải bỏ dở bởi vì con người không còn nói với nhau bằng một thứ ngôn ngữ chung nữa. Thống nhất, đoàn kết để khước từ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống thì con người cũng tự chia rẽ nhau, đó là chân lý mà Kinh Thánh muốn phơi bày qua câu chuyện xây tháp Babel.
Anh chị em thân mến!
Qua dòng lịch sử của nhân loại, đã có không biết bao nhiêu tháp Babel được dựng lên để rồi cũng tự ngã đổ. Nhân loại không thể tự mình đạt được sự thống nhất nếu sự thống nhất đó chỉ xây dựng để khước từ Thiên Chúa và chối bỏ lẫn nhau. Chỉ có Thiên Chúa mới mang lại sự thống nhất đích thực cho con người.
Sự thống nhất đích thực ấy đã được khai sinh trong ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái, khi Thánh Thần ngự xuống trên các môn đệ của Chúa Kitô, Một trong những dấu chỉ của sự thống nhất ấy là sự kiện con người có thể hiểu nhau vượt lên trên những cá biệt của mình. Các môn đệ của Chúa Giêsu có lẽ đã không nói các tiếng lạ. Đúng hơn, những người ngoại quốc tại Giêrusalem trong ngày hôm đó hiểu được các ngài ngay trong những tiếng nói bản xứ của họ.
Quả thực, Thánh Thần đang thực hiện một sự thống nhất mới cho nhân loại, hay nói đúng hơn một nhân loại mới trong đó người người có thể hiểu nhau, cảm thông với nhau đang được khai sinh, một nhân loại mới trong đó mọi người đã có thể hiểu nhau và cảm thông vơi nhau trong cùng một ngôn ngữ mà chính Thiên Chúa đã ban cho con người và ngôn ngữ mới ấy chính là Chúa Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa ngỏ với con người. Chính nhờ Thánh Thần mà Thiên Chúa đã ngỏ với con người, đã trở thành con người.
Thánh Gioan tông đồ đã tóm gọn tất cả chân lý ấy trong một câu rất ngắn gọn: “Lời đã hóa thành nhục thể”. Lời của Thiên Chúa đã ngỏ cho con người và như thế không còn là một âm thanh xa lạ nhưng đã trở thành xương, thành thịt trong con người và đã hy sinh cho nhân loại bằng một cái chết đau thương nhục nhã nhất. Lời của Thiên Chúa ngỏ với con người do đó cũng là Tình Yêu. Từ nay chỉ có một thứ ngôn ngữ duy nhất để cho con người xích lại gần nhau, nói chung với nhau, cảm thông với nhau. Ngôn ngữ ấy chính là Chúa Giêsu Kitô, là tình yêu của Thiên Chúa hóa thân làm người. Đó là ngôn ngữ mà Thánh Thần đã thông ban cho các môn đệ và đám đông dân chúng tại Giêrusalem trong ngày lễ Ngũ Tuần cách đây 2.000 năm. Nhờ Thánh Thần, Lời ấy lại tiếp tục trở thành ngôn ngữ tình yêu để nhờ đó con người có thể xích lại gần nhau, đối thoại với nhau, cảm thông với nhau.
Anh chị em thân mến!
Ngôn ngữ của tình yêu ấy qua Phép Rửa, Chúa Thánh Thần cũng thông ban cho mỗi người Kitô hữu chúng ta. Sự thể đã diễn ra trong ngày lễ Ngũ Tuần cách đây 2.000 năm, cũng đang tái diễn trong từng giây phút trên khắp thế giới. Thật thế, cái khát vọng cao cả nhất trong lòng người, đó là khát vọng hòa bình, ai ai cũng muốn được xích lại gần nhau, nói chuyện cảm thông với nhau và khát vọng ấy chỉ có thể được thỏa mãn khi con người biết nói với nhau bằng một thứ ngôn ngữ duy nhất, đó là ngôn ngữ của Tình Yêu mà thôi.
Bởi phép Chúa Thánh Thần, Lời của Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể. Ước gì các tín hữu Kitô cũng biết để cho Chúa Thánh Thần tràn ngập tâm hồn mình, để nhờ Lời của tình yêu Thiên Chúa cũng trở thành xương thịt nơi họ và cuộc sống của họ cũng trở thành ngôn ngữ của cảm thông, của yêu thương, của gặp gỡ và của hiệp nhất nên một vơí nhau trong tư tưởng và trong hành động.
66. Đón nhận – Radio Veritas Asia
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Các bài đọc thánh lễ Chúa Thánh Than Hiện xuống xoay quanh hai chủ đề chính: Thứ nhất tường thuật biến cố lịch sử việc Chúa Thánh Thần Hiện xuống trên các tông đồ như lời Chúa Giêsu đã hứa biến đổi con người yếu đuối của các ngài thành những kẻ hiểu biết và phân phát mầu nhiệm Thiên Chúa. Và ý nghĩa thứ hai là ý nghĩa thiêng liêng đi liền với biến cố lịch sử, một biến cố Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Chúa Thánh Thần là linh hồn của đời sống Kitô hữu trong nhiệm thể duy nhất của Chúa Kitô.
Biến cố Chúa Thánh Thần Hiện xuống vào ngày lễ Ngũ tuần của người Do thái, 50 ngày sau lễ Vượt qua. Người Do thái mừng lễ Giao ước, nhắc lai giao ước Thiên Chúa đã ký kết với dân Thiên Chúa đã chọn, và mỗi thành phần của dân Chúa chọn cam kết sống trung thành với giao ước này. Chúa Giêsu đến để thiết lập giao ước mới bằng chính Máu của Ngài trên thập giá, và qua việc chọn ngày lễ Ngũ tuần để thực hiện bien cố Chúa Thánh Thần Hiện xuống trên các tông đồ, Chúa Giêsu muốn cho các ngài hiểu rằng, từ nay, Giáo Hội được khai sinh và cũng từ Giao ước mới này mỗi tín hữu được mời gọi sống đời sống mới, một cuộc sống làm chưng cho Chúa Kitô.
Mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, mỗi người chúng ta được mời gọi dấn thân thực hành và nhớ lại Giao ước mới đã được Chúa Giêsu Kitô thực hiện cho mỗi người chúng ta. Chúa Thánh Thần hiện diện trong Giáo Hội, hướng dẫn Giáo Hội trải qua các thời đại vẫn phát triển, vẫn trung thành, mặc dù đôi khi còn những sa ngã, những sai lầm, những tội lỗi làm cho một số người xa lìa Giao ước mới.
Biến cố lịch sử Chúa Thánh Thần Hiện xuống trên các tông đồ không những chỉ có chiều kích thiêng liêng canh tân cá nhân mà thôi, nhưng còn mang chiều kích Giáo Hội nữa. Đó là liên kết mọi kẻ tin Chúa mà lãnh nhận Thánh Thần trong một cộng đoàn, mot thân thể, sống liên đới với nhau như bài đọc II nhắc lại cho chúng ta, nhưng đồng thời cũng là một cộng đoàn có tổ chức, có người lãnh đạo, chịu trách nhiệm thừa hành quyền lãnh nhận từ Chúa, như được nhấn mạnh nơi bài Phúc âm: Chúa Giêsu đến ban bình an, đổi mới các tông đồ rồi trao quyền cho họ: “Chúng con hãy nhận lãnh Thánh Thần, chúng con tha tội cho ai thì tội người đó được tha, chúng con cầm tội ai thì tội người đó bị cầm buộc”.
Các tông đồ lãnh nhận Chúa Thánh Thần và đồng thời chia sẻ quyền bính tha tội của Chúa, sống bên cạnh Chúa, thực hiện những phép lạ để chứng minh quyền tha tội của Ngài, nên khi nghe lời Chúa phán, các tông đồ hiểu rõ hơn ai hết những lời này có nghĩa gì? Các ngài được biến đổi để trở thành những kẻ tiếp tục sứ mạng của Chúa: “Hãy ra đi rao giảng cho mọi dân nước những gì Thầy đã truyền cho chúng con, dạy họ tuân giữ những gì Thầy truyền và rửa tội cho họ”.
Mỗi thành phần trong Giáo Hội đều đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, nhưng trong những cấp bậc khác nhau qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức, Bí tích Truyền Chức thánh trở thành thừa tác viên thánh của Chúa. Mỗi người chúng ta đều đã được canh tân, được biến đổi để chu toàn những trách vụ khác nhau nhưng cùng một Thánh Thần.
Ước chi ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống mời gọi mỗi người chúng ta trở về với ơn gọi nguyên thủy của mình, trở về với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, canh tân đời sống cá nhân và chu toàn sứ mạng trong sự hiệp nhất và hiệp thông với Nhiệm thể Chúa Kitô. Xin Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và hướng dẫn cuộc đời chúng ta, để giúp chúng ta thực hiện thánh ý Chúa một cách trọn vẹn và tốt đẹp hơn.
67. Bình an
Nhà sản xuất bộ phim có tựa đề là: “Tìm lửa” đã cố ý dựng nên một câu chuyện để ca tụng phát minh vĩ đại của con người cách đây 80.000 năm để nhân loại không bị họa diệt vong. Và theo nhà xuất bản bộ phim này, phát minh vĩ đại đó để con người khỏi họa diệt vong, đó là phát minh ra lửa. Từ đó, lửa đã chiếm một chỗ quan trọng trong đời sống con người, nhưng thử hỏi có ai trong chúng ta ý thức về một biến cố quan trọng khác, quan trọng nhất, vĩ đại nhất, đó là biến cố Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, không phải cách đây 80.000 nam mà ngay từ khởi đầu vũ trụ. Chúng ta không biết là bao nhiêu ngàn hay bao nhiêu triệu năm, nhưng vào ngay khởi đầu vũ trụ, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ này và tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài. Và từ đó Ngài đã luôn gìn giữ con người khỏi họa diệt vong, mặc cho con người trong dòng thời gian đã không ngừng phản bội lại tình yêu thương, không sống tình yêu thương như Chúa muốn mà đã phạm biết bao tội ác.
Nhìn vào thế kỷ XX mà chung ta đã kết thúc, chúng ta cũng đã nhận ra biết bao tội ác con người giết hại lẫn nhau và hiện tại trong giây phút này, khởi đầu của thế kỷ XXI chúng ta cũng biết được nhiều tin tức về những bạo lực, chiến tranh, chém giết, những hận thù vẫn còn xảy ra trên thế giới này. Nhưng Thiên Chúa, Ngài không bao giờ để cho con người bị họa diệt vong. Ngài đã thực hiện nhiều sáng kiến trong lịch sử và cách đây hơn 2000 năm, một sáng kiến vĩ đai khác Thiên Chúa đã thực hiện, đó là sáng kiến cho Con Một Ngài xuống thế làm người để cứu rỗi con người, để mang đến cho con người ơn tha thứ tội lỗi và dẫn con người trở về nhà Cha.
Vào lúc kết thúc cuộc đời của Con Thiên Chúa trên trần gian, Thiên Chúa thực hiện một biến cố vĩ đại khác là trao ban Chúa Thánh Thần, sức sống mới từ Thiên Chúa cho con người.
Trong bài Phúc âm hôm nay chúng ta vừa đọc lại, tác giả thánh Gioan đã dùng một từ ngữ để diễn tả biến cố Chúa Giêsu trao ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ, cho tất cả mọi đồ đệ của Ngài trong thời gian. Từ ngữ đó là “thổi hơi” và việc thổi hơi này nhắc lại một hành động mà Thiên Chúa đa thực hiện vào khởi đầu của lịch sử vũ trụ cũng như lịch sử của con người, đó là trong việc sáng tạo con người.
Thiên Chúa khi tạo dựng con người, Ngài đã thổi hơi sự sống vào con người đầu tiên là Ađam, cho con người đo được sống như hình ảnh của Thiên Chúa, và giờ đây Chúa Giêsu thổi hơi và ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ. Việc này nhắc lại cho mỗi người chúng ta một công cuộc tạo dựng mới, ban cho mỗi người chúng ta được trở nen tạo vật mới. Trong Chúa Thánh Thần, Ngài mời gọi chúng ta sống cuộc sống mới, đây là một phát minh vĩ đại khác để con người chúng ta, để nhân loại không phải bị họa diệt vong. Mỗi người chúng ta được mời gọi cộng tác vào công việc tái tạo này mỗi ngày, qua những hành động yêu thương như Chúa đã yêu thương và cho hình ảnh Thiên Chúa của tình thương được thực hiện nơi mỗi người chúng ta.
Chúa nhật 27.5.2001, khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng cùng với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhắc trước về biến cố Chúa Thánh Thần Hiện xuống được mừng trong Chúa nhật hôm nay như sau: “Thầy sẽ sai xuống trên chúng con Đấng mà Cha Thầy đã hứa”. Chúa Giêsu nói đây về Chúa Thánh Thần và cả chúng ta nữa cũng như những môn đệ ngày xưa, chúng ta chuẩn bị sẵn sàng đón nhận hồng ân này trong ngày lễ Hiện xuống. Chỉ có sức tác động huyền nhiem của Chúa Thánh Thần mới có thể làm chúng ta trở thành những tạo vật mới, và chỉ có quyền năng mầu nhiệm của Ngài mới làm chúng ta có khả năng rao giảng những kỳ công của Thiên Chúa.
Vì thế, chúng ta đừng sợ, chúng ta đừng sống đóng kín nơi chính mình, nhưng tốt hơn chúng ta hãy sẵn sàng, hãy cộng tác với Chúa, ngõ hầu ơn cứu rỗi được Thiên Chúa cống hiến cho mỗi người chúng ta trong Chúa Kitô có thể hướng dẫn toàn thể nhân loại đen cùng Thiên Chúa Cha.
Chúng ta hãy chờ đợi Chúa Thánh Thần ngự xuống như các môn đệ xưa trong nhà Tiệc ly cùng với Mẹ Maria. Và hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, chúng ta hãy hiệp với Mẹ Maria và xin Mẹ Maria hiện diện với chúng ta, cầu nguyện với chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta được tràn đầy Chúa Thánh Thần, cho mỗi người chúng ta trở thành một tạo vật mới. Qua đó chúng ta biết cộng tác với Chúa để tái tạo vũ trụ này, tái tạo cuộc sống con người, cho chúng ta được trở thành những môn đệ xứng đáng của Chúa.
Xin Mẹ cầu cùng Chúa cho chúng ta được trở nên những chứng nhân can đảm cho Con Mẹ trên trần gian này, và xin Mẹ làm cho tất cả mọi tín hữu trên trần gian một khi đã chia sẻ sự sống mới, thông hiệp vào ơn ban Chúa Thánh Thần, được trở nên một gia đình hiệp nhất trong tình yêu thương và hòa bình.
Đó là những lời Đức Thánh Cha nhắn nhủ cho tất cả mọi người tín hữu trên thế giới sống ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Chúa nhật hôm nay chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trong đời sống mỗi người chúng ta, để làm cho chúng ta được trở thành tạo vật mới, thực hiện tình yêu thương, làm cho hình ảnh của Thiên Chúa được sáng chiếu trong chính chúng ta và trong đời sống của anh chị em. Xin Chúa gìn giữ mỗi người chúng ta trong đức tin mà chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh tin kính.
68. Lãng quên
Sách thánh kể rằng: khi thánh Phaolô đặt chân tới kinh thành Nhã Điển, thủ đô nước Hy Lạp, ngài đã rảo qua một vòng phố xá, ngài nhận thấy dân Nhã Điển thật sùng mộ các thần minh. Đường phố nào cũng có những bàn thờ, những chùa miếu. Nhưng ngài để ý thấy một bàn thờ, trên đó khắc ghi hàng chữ “Kính thần vô danh”. Và ngài bắt đầu bài giảng về Đức Kitô như thế này: “Vị thần vô danh mà quí vị thờ kính nhưng lại không biết đến, thì giờ đây tôi xin loan báo để quí vị được rõ: vị thần vô danh ấy chính là Đức Kitô”. Điều thánh Phaolô nói về Đức Kitô với người Nhã Điển, thì bây giờ chúng ta cũng có thể nói như vậy về Chúa Thánh Thần.
Phải, là người Kitô hữu, chúng ta biết rất nhiều về Chúa Cha cũng như về Chúa Con. Thế nhưng nếu có ai hỏi chúng ta về Chúa Thánh Thần, về những việc Ngài đã làm cũng như về vai trò của Ngài trong cuộc sống, thì rất có thể chúng ta sẽ trả lời không hơn gì những tín hữu Ephêsô thuở trước. Thực vậy, thánh Phaolô đã hỏi họ: “Các ngươi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần chưa?”. Và họ đã trả lời: “Chúng tôi chưa hề hay biết có một Chúa Thánh Thần”. Phải, Chúa Thánh Thần chính là vị Thiên Chúa vô danh, vị Thiên Chúa bị quên lãng nhiều nhất trong cuộc sống. Vậy Ngài là ai? Ngài có phải là vị Thiên Chúa chúng ta tôn thờ hay không?
Sách giáo lý đã cho biết: Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Thứ Ba, bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, cùng một bản tính, một quyền năng như hai Ngôi cực trọng ấy. Làm sao chúng ta biết được Thiên Chúa có ba ngôi và ngôi thứ ba lại là Chúa Thánh Thần? Sở dĩ chúng ta biết được là vì Chúa Giêsu đã tỏ lộ, đã dạy bảo.
Thực vậy, khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giorđan, thì Tin Mừng đã ghi nhận: bấy giờ trời mở ra, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ cau mà ngự xuống, rồi từ trời có tiếng phán: “Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”.
Trước khi về trời, Chúa Giêsu cũng đã truyền cho các môn đệ: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, rửa tội cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Nếu không có Chúa Thánh Thần thì ba ngôi Thiên Chúa sẽ không hoàn toàn và niềm tin của chúng ta sẽ bị thiếu sót. Thực vậy, Chúa Giêsu đã thực hiện chương trình cứu độ, nhưng Chúa Thánh Thần mới la Đấng áp dụng công phúc cứu độ ấy cho chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ: “Thầy sẽ xin với Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho các con một Đấng phù trợ mới. Ngài là chính chân lý sẽ luôn ở với các con. Các con hãy ở trong thành cho đến khi được mặc lấy sức mạnh từ trời cao”. Tất cả những điều này đã được thực hiện trong ngày hôm nay, ngày lễ Hiện xuống, ngày các môn đệ được đầy tràn Chúa Thánh Thần.
Các tín hữu sơ khai cũng đã xác tín Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. Thực vậy, thánh Phaolô đã nhắn nhủ: “Tất cả những ai được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn sẽ là con Thiên Chúa. Ngài đã ban Thánh Thần xuống trong tâm hồn chúng ta.
Thánh Luca trong sách Công vụ Tông đồ kể lại câu chuyện hai vợ chồng Anania và Saphira bán ruộng, đã đồng tình xén bớt một phần tiền rồi mới đem nộp cho thánh Phêrô. Và thánh Phêrô đã nói với họ: “Hỡi Anania sao ma quỉ đã cám dỗ lòng ngươi dối trá Chúa Thánh Thần mà giữ lại một phần tiền. Làm như thế, ngươi không chỉ lừa gạt người ta mà còn lừa gạt cả Thiên Chúa nữa”. Còn thánh Gioan thì xác quyết: “Trên trời có Ba Đấng lam chứng, đó là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Bấy nhiêu mà thôi cũng đã đủ để chúng ta xác tín và tuyên xưng: “Chúa Thánh Thần chính là Thiên Chúa Ngôi thứ Ba, Đấng chúng ta phải tôn thờ.
Trong mạch sống Giáo Hội, tác động của Chúa Thánh Thần thật vô cùng quan trọng cho Giáo hội cũng như cho mỗi người chúng ta. Không những cần cho các thừa tác viên của Giáo hội để chu toàn phận sự mà còn cần cho mọi người để sống đức tin và bác ái. Mọi cố gắng của Giáo hội và của mỗi người đều cần có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, nếu không sẽ trở nên lố bịch và vô vọng, như Đức Thượng phụ Athênagôrat, Giáo chủ Contantinốp đã nói: “Nếu cuộc sống thiếu vắng Chúa Thánh Thần thì Thiên Chúa sẽ nghìn trùng xa cách. Đức Kitô chỉ là một nhân vật quá khứ. Tin Mừng chỉ là một mớ chữ không hồn. Giáo hội khác nào một cơ cấu cứng nhắc, biến quyền bính thành thống trị điêu ngoa, và giảng dạy chỉ là tuyên truyền láo khoét, việc thờ phượng chỉ là phù phép, và luân lý sẽ thành xiềng xích vong nô”.
Chúa Thánh Thần vô cùng quan trọng như vậy, thế mà chúng ta thật vô tâm, vô ý thức đến thơ ơ cũng như không biết có Chúa Thánh Thần ở trong lòng mình ngày đêm. Thử hỏi nếu ai có 10 lượng vàng trong túi, có lẽ nào họ thờ ơ đến nỗi để mất số vàng đó khi nào mà họ không hay biết không? Trái lại, phải chăng bất kỳ đi đâu hay làm gì họ cũng sờ tay vô túi coi vàng còn hay không? Và nếu mất rồi, tâm hồn họ bãi hoải, tâm trí rối loạn, buồn phiền, chán nản biết bao! Vậy sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn không co giá trị bằng 10 lượng vàng sao? Thế mà ngày này qua ngày khác chúng ta hầu như chẳng để ý đến một lần. Ý thức sự vô tâm và thiếu sót đó, cũng như hiểu biết được sự quan trọng và cần thiết của Chúa Thánh Thần trong đời sống, từ nay chúng ta hãy năng nhớ đến Chúa Thánh Thần hơn, bằng cách cầu xin Ngài hằng ngày, xin Ngài soi sáng, hướng dẫn và trợ giúp để chúng ta luôn sống tốt đẹp và làm mọi việc đúng thánh ý Chúa.
Lạy Chúa, giờ đây một lần nữa con muốn tuyên xưng tự đáy lòng con: Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.
69. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu, và xin nhóm lữa tình yêu Chúa trong lòng ho.
Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ, nhưng thật ra, chẳng có nơi nào trong Kinh thánh diển tả rõ ràng hình dáng Chúa Thánh Thần ra sao. Sách Tông đồ công vụ thì nói đến “tiếng gió thổi mạnh” “những lưỡi như thể bằng lửa” “các tông đồ nói nhiều tiếng khác nhau”. Bài Phúc âm thì tả, Chúa hiện ra và phán: “bình an cho các con” và “Người thổi hơi” trên các tông đồ. Qua Kinh Thánh, có nhiều biểu tượng về Chúa Thánh Thần như: gió – lửa – chim bồ câu – các ơn lành khác nhau ban xuống trên các tông đồ. Vậy mà sự hiện diện của Chúa Thánh Thần rất quan trọng và cần thiết cho Hội thánh. Một vị mục sư Tin lành rất nổi tiếng, khi trở lại Công Giáo đã nói một câu chí lý: “Hội Thánh Công Giáo dù có nhiều khuyết điểm, thiếu sót, nhưng tôi nhận ra qua đó có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh..” Mừng kính Chúa Thanh Thần hôm nay, kính mời anh chị em cùng suy niệm…
a/. Một vài danh từ chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa:
* thổi hơi: đây là một cử chỉ chúc phúc. Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ, là để chúc phúc cho họ, cũng để trao ban Thánh Thần và ơn sủng Người cho các ông.
* hãy nhận lấy Thánh Thần (Ga 20, 22): tiếng Hêbrơ dịch là: Ruah; Hi lạp dịch là: Pneuma; la tinh thì dịch là: spiritus: có nghĩa gió, hơi thở – khi dùng từ gió và hơi thở để chỉ về Chua Thánh Thần, điều đó muốn nói: Chúa Thánh Thần là Đấng có năng lực kỳ diệu như gió, như hơi thở, Đấng trao ban sự sống. Dù Ngài thật thần thiêng, nhưng lại hoạt động mãnh liệt trong nội tâm mọi người cùng với chính Thiên Chúa.
b/. Chúa Thánh Thần là ai? Tại sao người giáo dân ít biết về Chúa Thánh Thần?
* Chúa Thánh Thần là ánh sáng, là ơn khôn ngoan: Chúa Thánh Thần được Kinh thánh gọi là Lời của Thiên Chúa, thì đây, nhờ sự khôn ngoan, nhờ ánh sáng của Thánh Thần, các môn đệ mới hiểu rõ được những lời giảng dạy của Chúa Giêsu.
* Chúa Thánh Thần là sức mạnh, là ơn can đảm: các môn đệ của Chúa Kitô sau ngày lễ Ngũ tuần đã trở nên can đảm phi thường. Chính Thánh Thần thúc đẩy họ mở bung cửa phòng Tiệc ly, trước đó đóng kín bưng vì sợ người Do thái. Cũng chính Thánh Thần thúc đẩy họ chổi dậy và lên đường đem Tin Mừng sự sống đến cho mọi loài. Gương anh hùng của các Thánh Tử đạo Việt Nam , gương can đảm của các nhà truyền giáo, đã là những tấm gương sáng chói cho chúng ta về ơn sủng và tác động của Thánh Thần.
* Chúa Thánh Thần là Đấng hòa giải của con người: Con người vốn mỏng dòn yếu đuối, nhờ Chúa Thánh Thần, họ biết được đường ngay nẻo chính, biết tự chọn cho mình lối đi, biết sống đúng ơn gọi mà Thiên Chúa mời đến. Nhờ ơn sủng của Thánh Thần, họ can đảm lãnh nhận sứ mạng hòa giải con người với Thiên Chúa theo như lời mời gọi của Đức Kitô: “Anh em hãy đi dạy dỗ muôn. Anh em tha tội ai, thì tội người ấy được tha.” Bản chất của Thánh Thần chính là hòa giải và hiệp thông, nên khi được Chúa Con sai đến với Hội thánh, Thánh Thần sẽ hoạt động mạnh mẽ trong Hội thánh, trong mọi tâm hồn tín hữu. Chính Thánh Thần đã ban cho các tông đồ và các người kế vị, sức mạnh, khôn ngoan, can đảm, để các ông tiếp tục công việc của Đức Kitô, là lên đường đem Tin mừng hòa giải và hiệp thông cho mọi người trên khắp thế giới…
c/. Gợi ý sống và chia sẻ: Qua 20 thế kỷ, Hội Thánh vẫn còn tồn tại, dù bao nhiêu sóng gió, bao nhiêu cuộc bắt bớ muốn tiêu diet Hội thánh khỏi mặt đất này. Đó chính là bằng chứng Hội thánh Chúa Kitô luôn có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần; ta có tin không? Khi ta tin vào Chúa Thánh Thần, ta có muốn năng chạy tới, cầu nguyện với Người cho ta và cho Hội thánh không?
70. Tác động của Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần làm gì cho chúng ta? Đó là vấn đề chúng ta cùng nhau tìm hiểu và chia sẻ trong một vài phút ngắn ngủi này.
Đọc lại Phúc âm, chúng ta thấy các môn đệ, mặc dù đã bước theo Chúa, mặc dù đã được lắng nghe những lời khôn ngoan Chúa day, mặc dù đã được nhìn thấy những việc lạ lùng Chúa làm, thế nhưng các ông cũng chẳng lĩnh hội được bao nhiêu và đức tin cũng chưa bén thể rễ sâu trong cõi lòng các ông.
Sở dĩ như vậy vì đầu óc các ông còn u mê dốt nát và mang nặng tinh thần thế gian.
Thực vậy, cũng như phần đông những người Do Thái khác, các ông đang trông chờ, mong đợi một đấng cứu thế trong lãnh vực chính trị và xã hội.
Đấng ấy phải hùng mạnh như Đavít với kỵ binh và cbiến mã rợp trời. Đấng ấy phải khôn ngoan như Salômon, khiến cho muôn dân nước phải nể phục. Đấng ấy sẽ đến để giải thoát họ khỏi ách nô lệ của đế quốc La Mã, dẫn đưa dân tộc họ bước vào một thời đại hoàng kim.
Và lúc bấy giờ các ông sẽ được làm lớn và giữ những chức vụ quan trọng trong vương quốc của Ngài, cùng với một cuộc sống nhiều đặc ân và bổng lộc, giàu sang và quyền thế, theo kiểu “vinh thân phì gia”.
Chính vì thế, các ông thường tranh cãi xem ai là người cao trọng nhất, đồng thời các ông không thể nào chấp nhận được những khổ đau và cái chết tủi nhục trên thập giá mà Chúa Giêsu đã tiên báo.
Thế nhưng, sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, các ông đã đổi đời, đã thoát xác, đã trở nên những con người mới, am hiều và thông suốt về giáo lý của Chúa Giêsu, nhất là về màu nhiệm thập giá, để rồi hôm nay, ngày lễ Ngũ tuần, Phêrô thay mặt cho nhóm mười hai đã lên tiếng rao giảng về chính những điều trước đây ông đã không hiểu cũng như không muốn hiểu.
Ngoài ra, Chúa Thánh Thần còn làm gì nữa?
Nhìn vào các tông đồ, chúng ta thấy các ông không phải chỉ là những kẻ u mê và dốt nát, mà còn là nhưng kẻ hèn nhát và sợ sệt. Phúc âm đã ghi lại như sau:
Khi thấy sóng gió nổi lên, các ông đã hoảng sợ đến cuống cuồng, khiến Chúa Giêsu phải lên tiếng trách:
– Hời những kẻ hèn tin, tạo sao các con sợ hãi.
Sự sợ hãi này còn được biểu lộ một cách rõ rệt hơn nữa trong cuộc thương khó. Giuđa đã bán Chúa với giá ba mươi đồng bạc, giá bán một tên nô lệ, và chỉ bằng một phần mười giá bán một chai thuốc thơm, Mađalêna đã dùng để xức vào chân Chúa Giêsu. Phêrô đã chối Chúa ba lần trong sân nhà thầy cả thượng phẩm chỉ vì một câu hỏi vu vơ. Còn các môn đệ khác đều đã bỏ Chúa mà chạy trốn, ngoại trừ Gioan là đã theo Chua đến cùng và đã có mặt dưới chân cây thập giá. Ngay cả sau khi Chúa đã sống lại, các ông tụ họp với nhau trong phòng, mà cửa thì đóng kín vì sợ người Do Thái.
Thế nhưng, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, các ông đã hoàn toàn đổi mới: từ những kẻ hèn nhất và sợ sệt, các ông đã trờ nên những con người can đảm và hăng say rao giảng Tin mừng.
Hơn thế nữa, các ông còn sẵn sàng chấp nhận cái chết, cũng như đổ ra cho đến giọt máu cuoi cùng để làm chứng cho tình yêu của Đức Kitô.
Thực vậy, trong số mười hai tông đồ, thì đã có tới mười một ông hy sinh mạng sống cho Tin mừng, chỉ trừ một mình Gioan là đã chết già tại cộng đoàn Êphêsô mà thôi.
Còn chúng ta thì sao?
Rất có thể lúc này chúng ta cũng đang là những kẻ mê muội và dốt nát, chẳng hiểu biết được bao nhiều về giáo lý của Chúa.
Rất có thể lúc này chúng ta cũng đang là những kẻ hèn nhát và sợ sệt, chúng ta sẵn sàng bán Chúa và chối bỏ Ngài bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào và bất cứ vì lý do gì.
Chính vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trong tâm hồn, để biến đổi chúng ta trở thành những con người mới luôn hiểu và sống Tin mừng, cũng như luôn hăng say phục vụ Chúa nơi những người anh em bất hạnh và khổ đau.
71. Đổi mới.
Cách đây 50 ngày, chúng ta đã mừng lễ Chúa Giêsu Phục sinh và Chúa nhật trước, lễ Chúa Giêsu lên trời. Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống và cũng là lễ kết thúc mùa Phục sinh.
Chính hôm nay Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Hôm nay Chúa Giêsu Phục sinh thực hiện lời hứa và ban Thánh Thần cho chúng ta. Viec Thánh Thần đến vào ngày lễ Ngũ tuần là dấu chỉ Đức Kitô được tôn vinh, Ngài được ngồi bên hữu Chúa Cha, được đặt làm “Chúa”. Chúa Thánh Thần đã được hứa ban, Người tới, Người hiện diện đó và Người hoạt động để thực hiện một cuộc đổi mới, tạo dựng một nhân loại mới. Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cùng khám phá lại hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi các tông đồ, về sự hiện diện và hoạt động của Ngài nơi mỗi người chúng ta đe rồi chúng ta biết sống theo sự hướng dẫn của Ngài.
Thời Cựu ước ngôn sứ Edêkien đã tiên báo là Thần khí sẽ đến và ban cho con người một tâm hồn mới, một trái tim mới.
Thật vậy, trong bữa tiệc ly Chúa Giêsu cũng đã nhắc lại lời hứa đó và báo trước là Chúa Thánh Thần sẽ đến trong lòng các tín hữu để soi sáng họ, nhắc nhở họ những lời của Thiên Chúa, và thanh tẩy họ bằng cách tha thứ các tội lỗi.
Bài trích sách Công vụ Tông đồ thuật lại. Vào ngày lễ Ngũ tuần đang khi các tông đồ họp nhau cầu nguyện thì Thánh Thần đến như một cơn gió, bất ngờ và không thể cưỡng lại. Thánh Thần phủ trên cả nhóm tông đồ đang tụ họp nhưng cũng được ban phát cho từng người dưới hình lưỡi lửa.
Thánh Thần đã thực hiện một cuộc biến đổi ngoạn mục nơi các tông đồ: từ những người nhút nhát, sợ sệt, chậm hiểu họ đã được biến đổi thành những người can đảm, xác tín và dấn thân vào công cuộc rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại: Vào chiều ngày Phục sinh Đức Giêsu đã hiện ra, thổi hơi trên các tông đồ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Hình ảnh “thổi hơi” gợi lại tác động của Giavê Thiên Chúa, lúc tạo dựng đã thổi hơi trên Ađam để ban sự sống. Nhận lấy Thánh Thần là nhận lấy sự sống của Thiên Chúa. Vì Thánh Thần là Thần khí, là hơi thở của Thiên Chúa.
Sự sống mới mà hôm nay Đức Giêsu trao ban cho các tông đồ cũng là sự sống bởi Thánh Thần. Nhưng đây là Thánh Thần của Đấng Phục sinh, Thánh Thần của Đấng đã chiến thắng tử thần, và vì thế, sự sống đó chính là sự sống đời đời. Chính Thánh Thần của Đức Giêsu Phục sinh đang thực hiện một cuộc tạo dựng mới, tạo dựng một nhân loại mới.
Sau khi đã được giải thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi và sự chết, nhân loại mới này đã đón nhận được sự sống mới, sự sống đời đời.
Sự sống mới này, ngày nay cũng được tiếp tục trao ban cho các Kitô hữu là những người tin vào Chúa Kitô.
Chúa Thánh Thần là hơi thở của Chúa Giêsu Phục sinh, hơi thở ấy Chúa Giêsu Phục sinh chuyển thông cho Giáo hội để Giáo hội sống chính đời sống của Người, đời sống làm con cái Thiên Chúa. Qua Bí tích Rửa tội các Kitô hữu nhận lãnh Chúa Thánh Thần, được tái sinh trong đời sống mới.
Chúa Thánh Thần tẩy rửa mỗi tâm hồn khỏi tội lỗi và làm cho trở nên chi thể của Chúa Kitô và là con cái của Chúa Cha, thánh Gioan nhấn mạnh tới vai trò của Chúa Thánh Thần trong mỗi tâm hồn. Sau khi ban Thánh Thần rồi Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Các con tha tội cho ai, tội người ấy được tha”. Ơn tha tội phát xuất từ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần mà Giáo hội thông ban qua Bí tích Rửa tội và Hòa giải. Chính qua hai bí tích ấy mà mỗi người được giao hòa với Thiên Chua được trở thành một tạo vật mới để sống một đời sống mới.
Chúng ta còn có thể thấy rõ tác động của Chúa Thánh Thần nơi các Kitô hữu là sự hiệp nhất. Ngày xưa, tại tháp Babel tội lỗi chia rẽ loài người làm cho mỗi người nói một thứ tiếng. Nay Chúa Thánh Thần thiết lập lại sự hiệp nhất, Thánh Thần mà các Kitô hữu lãnh nhận qua Bí tích Rửa tội là Thánh Thần đem lại bình an: bình an của ơn tha thứ và hòa giải. Thật vậy, hiệu quả đau tiên của Chúa Thánh Thần chính là làm cho mọi người tuy khác biệt về màu da chủng tộc, ngôn ngữ mà vẫn có thể hiểu nhau và hiệp nhất thành một cộng đoàn.
Lễ Hiện xuống mà chúng ta cử hành hàng năm không phải là một kỷ niệm trống rỗng: đây là một ngày lễ đổi mới chúng ta trong quyền năng và hoạt động của Thánh Thần, nếu chúng ta đón nhận Ngài. Những gì Chúa Thánh Thần đã làm nơi các tông đồ xưa kia, bây giờ Ngài cũng thực hien nơi chúng ta.
Hôm nay khi tưởng niệm lại việc Đức Kitô Phục sinh đã ban Thánh Thần cho các tông đồ, chúng ta hãy ý thức là chúng ta cũng đã được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần nhờ Bí tích Thanh tẩy và Thêm sức. Nhờ ơn Thánh Thần, chúng ta chẳng những có sự sống tự nhiên, mà nhất là sự sống siêu nhiên tức là địa vị làm con cái Thiên Chúa như Đức Kitô vậy. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta. Cũng như lý trí soi dẫn cuộc đời bình thường của con người thế nào, thì chúng ta cũng xin Chúa Thánh Thần, là khôn ngoan, là sức mạnh và là tình yêu của Thiên Chúa soi sáng, sưởi ấm và củng cố tâm hồn chúng ta.
Rồi trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cố gắng sống cho đẹp lòng Chúa Thánh Thần. Và vì Chúa Thánh Thần là Thần chân lý, là Thần tình yêu, nên sự cố chấp, sự gian dối, sự chia rẽ là những điều trực tiếp phản nghịch với Chúa Thánh Thần. Trái lại, nếu chúng ta cố gắng sống khiêm nhường, chân thành và bác ái thì Chúa Thánh Thần sẽ không ngừng ở với ta. Người sẽ soi sáng chúng ta, dẫn dắt chúng ta dần dần tiến sâu vào vương quốc của Thiên Chúa, la vương quốc của tình thương và bình an, bởi vì hoa trái của Chúa Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an. Nói cách khác, Nước Thiên Chúa là đời sống trong Chúa Thánh Thần với những hậu quả cụ thể là sự công chính, bình an và hoan lạc trong mỗi tâm hồn tín hữu cũng như trong các tương quan với nhau.
Một trong những dấu hiệu cụ thể và rõ ràng nhất về sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần là tinh thần bác ái và phục vụ cộng đoàn. Trong bài đọc thứ hai thánh Phaolô đã ví Giáo hội như là thân mình của Đức Kitô trong đó các chi thể yêu mến nhau và phục vụ lẫn nhau. Nếu chúng ta cố gắng thể hiện ra trong đời sống tinh thần yêu thương, tinh thần phục vu, thì chúng ta có thể tin chắc là chúng ta đang để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta. Đó là dấu hiệu chúng ta là con cái của Thiên Chúa.
72. Mùa xuân của Thánh Thần.
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Quang cảnh thánh Gioan thuật lại ở đây, tóm tắt và thực hiện lời nói của Đức Giêsu trong diễn văn giã từ của Ngài trước lúc ra đi chịu chết. Đức Giêsu loan báo Ngài sẽ ra đi, nhưng thực tại thần linh mà Ngài đã thiết lập và chính là Ngài vẫn lưu lại nơi các môn đệ. Cử chỉ hà hơi trên các môn đệ để biểu hiện ơn Chúa Thánh Thần, khơi dậy nơi họ một đời sống mới và trao ban cho họ một sứ mạng.
Theo não trạng Do Thái, sống, chính là lãnh nhận tư Thiên Chúa, một phần “hơi thở sự sống”. Người ta đi đến chỗ cắt nghĩa gió và hơi thở như một thực tại làm cho sống, ít nhiều siêu vật chất, phát xuất từ Thiên Chúa. Sách Sáng thế ký nói: “Bấy giờ, Thiên Chúa nặn hình con người từ bụi đất và hà hơi sống vào mũi nó, và người trở nên vật sống động” (Stk 2,7). Chúng ta hiểu rằng Đức Giêsu đã sử dụng yếu tố não trạng này của các môn đệ và hà hơi trên họ để nói lên ý nghĩa một đời sống mới và một sứ mạng mới khởi sự nơi họ.
Làm sao giải thích ơn huệ Chúa Thánh Thần chiều ngày Phục Sinh và làm sao hiểu được sứ mạng Đức Giêsu giao phó cho các môn đệ?
1) Ơn huệ Chúa Thánh Thần khai mào một đời sống mới. Đây là một sự bắt đầu. Người ta có thể tự hỏi tại sao Đức Giêsu lại ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ trước biến cố Hiện xuống. Lễ Hiện xuống vẫn giữ tất cả ý nghĩa của nó như là việc biểu lộ chính thức sư khai sinh của Giáo Hội. Nhưng sự khai sinh này không phải là một cuộc nổi lên đột ngột, và chung cuộc. Trái lại nó liên tục: bắt đầu bằng việc sinh ra, nó lớn lên và không ngừng tăng trưởng mãi cho đến tận cùng lịch sử nhân loại, ví tựa như một loài có sự sống đang phát triển không ngừng. Chúa Thánh Thần đã bắt đầu sinh hạ trong nhân tính với chính Đức Kitô. Đoạn qua các các giai đoạn kế tiếp nhau, linh hồn của Giáo Hội tức là Chúa Thánh Thần, đã dần dần biểu lộ sự hiện diện sống động của mình. Mầu nhiệm hoạt động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn các môn đệ, luôn kính trọng các định luật phát triển của sự sống: đi từ nhựa sống, ngang qua các mam, bông hoa rồi tiến đến trái trăng. Ơn huệ Chúa Thánh Thần được trao ban cho các môn đệ đang tụ họp, là một lúc trong mùa xuân của Giáo Hội. Chúng ta lưu tâm đến mùa xuân của Chúa Thánh Thần trong chúng ta hay là tác động chín mùi của Chúa Thánh Thần?
2) Trong đoạn trích dẫn của thánh Gioan, sứ mạng trao ban cho các môn đệ là quyền tha tội. Tư tưởng truyền thống của Giáo Hội nhận ra trong các lời nói của Đức Giêsu cái nền tảng của bí tích Giải tội. Nhưng còn phải hiểu rõ thế nào là “tội”. Đó là những kháng cự với ý muốn của Thiên Chúa và các lỗi lầm đi kèm theo. Nhưng trong nhãn giới của thánh Gioan tội nặng nhất là từ-chối-có-hiểu-biết tin vào Đưc Giêsu, Con Thiên Chúa. một trong những khía cạnh của sứ mạng các môn đệ trước nhất là loan báo Lời Chúa. Lời đem lại cho con người niềm tin nơi Đức Giêsu, và tiếp theo là việc xét xử. Các môn đệ là các quan án; và tuỳ theo đức tin này được chấp nhận hay từ chối, họ phán quyết người nào đang ở trong tình bạn với Thiên Chúa hay xa cách Thiên Chúa; họ có quyền xét xử người nào là đáng lãnh nhận ơn tha thứ và tình bạn của Thiên Chúa, mà họ là các thừa tác viên, dựa trên việc các người này có chấp nhận hay không niềm tin vào Đức Giêsu Kitô Cứu thế, (niềm tin mà trước nhất họ đã đề ra).
73. Suy niệm của ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng
Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, có thể nói đây là ngày khai nguyên Giáo Hội, ngày mà cộng đồng các tín hữu đầu tiên được thành lập và ra mắt thế giới. Trong bài này, tôi sẽ nói về vai trò của Chúa Thánh Thần trong cộng đồng các tín hữu Chúa Ki-tô.
Trong đời sống cộng đồng các tín hữu, Chúa Thánh Thần có một vai trò rất quan trọng và cần thiết, tương tự như vai trò của linh hồn đối với các phần mình trong thân xác con người. Thân xác chúng ta có nhiều bộ phận, nhiều thành phần khác nhau: có đầu, mình, chân tay, mắt mũi, miệng. Các thành phần đó hòa hợp, thông cảm với nhau là nhờ có linh hồn bên trong. Khi linh hồn ra khỏi xác thì các phần thân xác tuy vẫn còn, nhưng không thông cảm với nhau nữa. Khi còn linh hồn bên trong nếu chân ta giẵm phải cái gai thì cả thân thể đều thông cảm và hiệp lực để giúp đỡ: mắt nhìn xem gai ở đâu, mình cúi xuống, tay rút gai ra, rửa vết thương và rịt lại cho cầm màu. Khi linh hồn lìa xác nếu ta có chặt cái chân đi thì cái tay cũng bất động và thân thể cũng không cảm thấy đau. Thế rồi, trong ít lâu, các tế bào tan rữa, thit xương trở nên tro bụi, tại sao thế? – Tại vì thiếu hồn sống bên trong, có hồn sống bên trong thì các phần thân thể mới hợp nhất và thông cảm với nhau. Không có hồn sống thì các phần thân thể sẽ bị phân hủy và tách lìa nhau. Vai trò của Chúa Thánh Thần trong cộng đong các tín hữu cũng tương tự như vậy. Nghĩa là Chúa Thánh Thần là linh hồn sống bên trong làm cho các tín hữu thông cảm và hợp nhất với nhau thành Thân thể Mầu nhiệm của Chúa Ki-tô.
Theo sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại thì ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần hiện xuống, có rất đông người thuộc nhiều dân tộc khác nhau, nhưng đều hiểu tiếng nói của Các Tông đồ như tiếng mẹ đẻ của mình. Thánh Phê-rô thay mặt các Tông đồ giảng về Đức Giesu chính là Đấng Cứu thế đã chết và sống lại. Khi ấy họ hết sức cảm động, hỏi ông Phê-rô rằng: “Chúng tôi phải làm gì?” – Ông Phê-rô đáp: “Anh chị em hãy thồng hối và chịu phép Rửa tội nhân danh Chúa Ki-tô cho được khỏi tội sau đó anh chị em sẽ được lĩnh ơn Chúa Thánh Thần…”. Những người tin lời ông Phê-rô đã xin chịu phép Rửa tội, ngày đó có độ 3000 người xin theo Đạo. Các người này chăm chỉ nghe các Tông đồ giảng dạy, siêng năng cung nhau dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện. Các tín hữu sống hiệp nhất và để mọi của cải làm của chung. Họ bán ruộng đất, gia sản lấy tiền phân chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu (Tđcv 2,37-44).
Đấy, vai trò của Chúa Thánh Thần trong cộng đồng các tín hữu cần thiết và quan trọng như vậy. Nếu không có Chúa Thánh Thần thì chúng ta không thể hiểu nhau, không thể tin nhau và không thể đoàn kết với nhau thực sự và lâu bền được, tại sao thế? – Tai vì mỗi người đều mang trong mình tính ích kỷ và lòng tự ái. Tính ích kỷ là chứng bệnh di truyền, nằm trong mình con người từ lúc sinh ra và nó còn lớn lên với tuổi đời. Một em bé con chưa làm ích gì cho ai đã biết ích kỷ roi: khi cha mẹ chia quà cho các con, đứa nào cũng tranh phần hơn, khi cha mẹ chia công việc, đứa nào cũng muốn chọn việc nhẹ, đấy là ích kỷ. Lòng tự ái cũng là con sâu mọt đục khoét sự hợp nhất. Kinh nghiệm cho thấy có những người rất nhiệt tình trước công việc chung, nhưng chỉ nhiệt tình khi nào ý kiến của họ được nghe theo, bản thân họ cũng được đề cao, còn khi người khác phê bình hay bác bỏ ý kiến của họ thì họ bất mãn, phá ngang và bo dở công việc, tại đâu? – Thưa: Tại lòng tự ái. Ích kỷ là chứng bệnh di truyền, tự ái là con mọt phá hoại sự cảm thông và tình đoàn kết. Cũng một câu nói, một từ ngữ mà người hiểu thế này, người hiểu thế khác, như vậy thì đoàn kết thế nào được? Sống chung với nhau mà hiểu lầm nhau, chia rẽ nhau, thật là bất lợi và nguy hiểm. Không nói gì những đoàn thể lớn như quốc gia quốc tế, ngay một đoàn thể nhỏ như gia đình, vợ chồng mỗi ngươi một ý kiến, mỗi người một tính tình, đời sống chung rất khó chiu, nói ra thì cãi nhau, không nói thì nặng nề, ai cũng thấy khổ nhưng không làm cách nào giải quyết. Nhưng nếu có Chúa Thánh Thần thì người ta sẽ tránh được bao nhiêu chuyện phức tạp gây chia rẽ và người ta sẽ cảm thông đoàn kết với nhau một cách dễ dàng.
Sau đây, ta rút ra mấy bài học thực hành:
1) Ta hãy năng cầu xin Chúa Thánh Thần đem lửa tình thương từ trời xuống, làm bùng cháy lên trong nhân loại, để phá tan những căm thù chia rẽ đang làm xáo trộn khắp nơi trên thế giới.
2) Khi có sự bất bình chia rẽ xẩy ra trong gia đình ta hoặc trong mối quan hệ giữa ta với người khác, ta đừng kêu ca phàn nàn, cũng đừng đổ lỗi cho ai, như vậy chẳng giải quyết được gì, mà càng đào sâu hố ngăn cách. Tốt hơn hết là ta hãy ngửa mặt cầu xin Chúa Thánh Thần, là Thần Hợp Nhất, ngự xuống trong tâm hồn mỗi người để phá tan sự hiểu lầm, hàn gắn mọi chia rẽ đang đe dọa đời sống cộng đồng của chúng ta.
Như vậy sẽ kết quả hơn bất cứ một giải pháp nào. Bởi vì nếu Chúa không xây nhà thì thợ xây cũng vô ích, nếu Chúa không canh thành thì lính canh cũng luống công. Kinh Thánh dạy như vậy.
Để kết luận, tôi kể lại đây câu chuyện biến ngôn của một nhà văn Thụy Điển đại ý như sau: Một hôm, vào một buổi sáng mùa hè, trời quang mây tạnh, các sinh vật, thực vật trong một khu rừng tranh luận với nhau về ý nghĩa đời sống. Một con họa mi mở đầu, lên tiếng nói: Đối với tôi, cuộc sống chỉ là ca hát, có thế thôi. Nói rồi nó ngẩng cao cổ, tung lên bầu trời một giọng hát trong trẻo tuyet diệu.
Nghe thế, con chuột chũi liền lẩm bẩm: Cuộc sống không phải là ca hát, không, hoàn toàn không, nhưng cuộc sống là liên tục đấu tranh trong hầm tối.
Một chị bướm ngắt lời: Như vậy thì thật vô lý. Nhưng cuộc sống phải là thỏa thích vui chơi bay lượn.
Đến lượt con ong lên tiếng: Chị bướm ơi, chị lầm rồi. Đời sống không phải là vui chơi bay lượn, nhưng là chăm chỉ làm việc.
Một chú kiến vênh râu, tỏ ý tán thành quan điểm của con ong.
Bong một con phượng hoàng từ trời nói vọng xuống: Tất cả các chú không ai nói đúng cả. Theo ý tôi thì cuộc sống có ý nghĩa nhất là tự do bay bổng trên mây xanh.
Tới đây, các cây trong rừng cũng nhao nhao lên lên tiếng tham gia vào cuộc tranh luận: Một cây thông cao vút, cành lá reo vui trong gió, dưới ánh bình minh , lên tiếng khen ý kiến của con phượng hoàng là đúng: Đời sống là vươn mình lên không trung, coi thường những cái nhỏ nhen sà sa mặt đất. Cây bìm leo liền phản đối và đồng tình với chị kiến, chú ong: Đời sống là cần lao phấn đấu.
Cây hồng thắm và cây huệ trắng thì về phe với cô bướm, đồng thanh nói: Đời sống chỉ là vui chơi bay lượn.
Lúc ấy, một đám mây bay qua, buông rơi mấy hạt mưa xuống đám sinh vật, thực vật, đồng thời phát biểu: Đời sống chỉ là giọt lệ cay đắng và nước mắt.
Một dòng suối chảy ngang qua đó cũng xen vào một câu: Đời sống chỉ là mau qua biến chuyển không ngừng.
Trong lúc mà cuộc tranh luận về ý nghĩa đời sống giữa các sinh vật, thực vật và cả mây trời suối nước lên tới cao điểm, nhưng không đi tới kết thúc, thì chuông nhà thờ lên tiếng ngân vang báo hiệu mừng lễ Hiện Xuống làm cho cuộc tranmh luận đang sôi nổi bỗng im bặt. Tất cả đều nhất trí rằng câu trả lời đúng nhất về ý nghĩa đời sống là sự bình an, vui mừng, sức mạnh và hòa hợp trong Chúa Thánh Thần.
Thưa anh chị em thân mến,
Trên đây chỉ là một câu chuyện biến ngôn, không có thực, nhưng nói lên sự thực này là Chúa Thánh Thần có một vai trò rất quan trọng, vai trò chính yếu trong việc điều hòa vũ trụ vạn vật nói chung và loài người nói riêng. Không có Chúa Thánh Thần thì mọi sự sẽ hỗn độn, mọi loài sẽ bất đồng, loài người sẽ chia rẽ nhau. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến tác tạo mọi sự và làm cho mặt đất này được đổi mới. Amen.
74. Suy niệm của ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
“Các con hãy nhận lấy Thánh Thần…”
Trong những năm gần đây phong trào canh tân đoàn sủng phát triển mạnh trong Giáo Hội Tin Lành và trong giáo Hội Công Giáo, có người gọi đó là mùa xuân của Giáo Hội đang là sức sống mới. Nhưng cũng có ngừơi đang nhìn phong trào này với thái độ cảnh giác. Họ sợ rằng nó sẽ đi xa đường lối của Giáo Hội. Tôi không có ý phân tích phê phán, nhưng theo tôi phong trào có một điểm mà chúng ta có thể ghi nhận. Phong trào giup cho ta ý thức hơn về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời Kitô Hữu. Một vai trò mà nhiều khi chúng ta lãng quên. Có lẽ phần nào nó cũng giống như một nhà khoa học ở trong phòng thí nghiệm. Ông ra sức nghiên cứu về không khí như là một vật thể và mô tả không khí bằng những công thức khoa học có vẻ phức tạp mà ông quên rằng từng giây từng phút mình đang được ngủ lặng trong không khí mà đôi khi mình quên hít thở. Cho nên sự sống thân xác của mình mỗi lúc mỗi tàn tạ.
Tôi xin lấy một hình tượng quen thuộc trong Kinh Thánh để diễn tả về Chúa Thánh Thần. Thánh Luca mô tả: Vào ngày lễ ngũ tuần các môn đệ tề tựu cầu nguyện. Khi ấy có những lưỡi như lươi lửa rải rác đậu xuống trên mỗi người. Lửa là hình tượng Kinh Thánh dùng để diễn tả về Chúa Thánh Thần trong chúng ta.
Hôm nay tôi xin nhắc lại và đào sâu hơn hình tượng Thánh Gioan Thánh Giá sử dụng. Ngài là người co kinh nghiệm thần bí sâu sắc đồng thời là một nhà thơ cho nên ngài đã vận dụng ngôn ngữ thi ca để diễn tả kinh nghiệm thần bí đó. Đó là hình ảnh của lửa, của củi.
Chúng ta thử tưởng tượng cảnh mùa đông băng giá ở Chau Âu, ngoài vườn có một khúc củi nằm cô đơn giữa tiết trời băng giá. Cái lạnh làm cho làn da của nó xần xùi, xấu xí. Thế rồi nó được ông chủ nhà đem vào quăng vào lò sưởi. Hơi nóng làm khúc củi cảm thấy ấm áp, hanh phúc. Nó cảm nhận được đầy sự an ủi không tả được.
Nhưng tiếc rằng sự sung sướng kéo dài chẳng được bao lâu. Trong khỏanh khắc ngọn lửa ôm chặt lấy nó. Sức nóng của lửa nung nấu khiến cho nhựa cây rỉ ra bên ngoài làm thành một lớp da sần sùi như da cóc. Nó tỏa ra một mùi thật khó chịu. Khúc củi quằn quại trong than hồng một thời gian. Cuối cùng nó trở nên một với lửa. Nó không còn là củi mà chỉ là lửa. Lửa đem ánh sáng, lửa đem hơi ấm cho những người trong phòng.
Gioan Thánh Giá dùng hình ảnh tuyệt vời ấy để diễn tả về tác động của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta. Hình ảnh ấy giúp chúng ta thấy được đâu là cùng đích của đời sống trong Thánh Thần. Cái cùng đích ấy là Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được nên một với Thiên Chúa. Như Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu nói: “Ta trở thành một giọt nước hoà trong đại dương”. Sự nên một ấy chỉ trở thành trong đơi sống vĩnh cữu cho những người mà Chúa ban cho kinh nghiệm thần bí, những người cảm nghiệm được sự nên một hồng phúc với Thiên Chúa.
Chúng ta chưa có được kinh nghiệm huyền bí đó. Nhưng tôi nghĩ: Nếu chúng ta thực hiện đúng những bí tích mà Giáo Hội cử hành là chúng ta đã đi đúng mục đích của Giáo Hội, dẫn ta đến chỗ nên một với Thiên Chúa. Khi ta rước mình Thánh Chúa và để Máu Thánh Chúa hoà vào máu thịt ta để ta nên một với Ngài.
Sự nên một xét trên một bình diện mà người ta gọi là hữu thể học đó hoàn toàn có thật nhưng không ai thấy được. Sự nên một ấy phải diễn tả qua cuộc sống bên ngoài theo kiểu nói của thánh Phaolô. “Anh em hãy mang trong anh em những tâm tư như đã có trong Chúa Giêu Kitô”. Cho nên khi nào chúng ta nên một với Chúa thật thì ta sẽ suy nghĩ như Chúa Giêsu, phản ứng như Chúa Giêsu, cảm xúc, yêu thương như Chúa Giêsu. Đấy là dấu chỉ cụ thể. Đấy la cùng đích.
Nhưng để đạt được tới cùng đích nên một trong Thiên Chúa ấy thì chúng ta phải trải qua một hành trình thanh tẩy của Thánh Thần. Hành trình này khởi đầu bằng một niềm an ủi ngọt ngào. Có một số kinh nghiệm nói lên điều ấy. Có anh chị em dự tòng nói với tôi: “Thưa Cha, con xin gì Đức Mẹ cũng cho con hết”. Những tu sinh hoặc những nữ tu mới chập chững bước vào đời sống tận hiến: “Thưa Cha, con cảm thấy hạnh phúc vô cùng.”. Những luc ấy ai cũng ca ngợi Chúa, cảm thấy rất ư là dễ thương. Chúa yêu ta vô cùng.
Thưa anh chị em. Đấy chỉ là giai đoạn đầu. Sớm hay muộn gì chúng ta cũng được Chúa Thánh Thần dẫn vào giai đoạn thanh tẩy, giai đoạn đau đớn, giai đoạn này sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn. Vì nó đau đớn cho nên ta không muốn bước vào, không dễ chấp nhận.
Tôi nghĩ có hai lý do chính và cũng là hai giai đoạn chính.
Lý do thứ nhất: Thánh Thần giúp chúng ta chấp nhận con người thật của mình. Có lẽ nhiều người sẽ ngỡ ngàng khi nghe thế. Chúa Giêsu nói: “Hãy yêu tha nhân như chính mình.” Nếu tôi không yêu chính mình thì tôi không thể yêu người khác được. Yêu chính mình là chấp nhận con ngươi thật của mình. Chấp nhận hình hài mà Chúa đã ban cho mình. Anh chị em thử kiểm nghiệm lại đời sống của mình xem. Đã biết bao lần ta mơ ước những điều mà chúng ta không có. Ví dụ: Phải chi Chúa ban cho mình sóng mũi cao hơn tí nữa thì đẹp biết bao. Hay phải chi da mình được trắng như bạn mình nhỉ… Những mơ ước ấy biều lộ điều chúng ta không chấp nhận chính mình.
Những suy nghĩ ấy làm cho ta tự mình dằn vặt mình. Tự mình hành hạ mình, tự gây đau khổ cho mình bằng những tự ti mặc cảm. Phải đau đớn lắm, phải tự đấu tranh mới chấp nhận chính con người thật của mình. Chúng ta hãy kêu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta thực hiện để chúng ta tự nhủ rằng: Dù tôi thế nào đi nữa Chúa vẫn yêu tôi. Chúa tạo dựng tôi cho Chúa. Cảm nhận được như thế sẽ làm cho ta thấy bình an hạnh phúc hơn.
Lý do thứ hai: Chấp nhận được chính mình rồi thì đến giai đoạn hai của sự thanh tẩy. Đi từ chỗ “tôi đang là” đến chỗ “tôi được mời gọi để trở thành…” Ở đây đòi hỏi sự bỏ mình. Cuộc sống Thánh Augustinô là một điển hình. Lúc trẻ ông xa vào con đường ăn chơi, mê đắm trên con đường tình dục, biết là sai nhưng ông vẫn biện minh cho mình, không nhìn nhận sự thật của chính mình, ông bảo: “Sở dĩ tôi bê bối thế vì ông thần ác ở trong hoành hành”. Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần Thánh Augutinô mới đủ can đảm nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi. Từ đấy ông đã bước vào giai đoạn hai. Ông trở thành một người sống như Chúa Giêsu, yêu thương, phục vụ, suy nghĩ như Giêsu. Một con người trong Chúa Thánh Thần.
Chúng ta phải trở thành cái mà Chúa mời gọi chúng ta. Đó là gì? Thưa là mỗi ngày tôi trở thành người hơn. Cho dù tôi sống bậc gia đình hay tu sĩ, cho dù tôi hành động gì nhưng vẫn hàm ẩn tất cả bên trong là cái tính người, là tính Kitô Hữu. Và hành trình đó đòi chúng ta phải tự bỏ mình mỗi ngày. Công việc ấy rất khó, một mình ta không thể làm được mà phải có tác động của Chúa Thánh Thần. Hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần sống như không khí tràn ngập vũ trụ, vấn đề là tôi có hít thở không? Chúa Thánh Thần như dòng suối tràn lan mọi nơi. Vấn đề là tôi có múc mà uống không? Chúa Thánh Thần là ngọn lửa hừng hực, vấn đề là tôi có nhóm lên hay không? Cho nên cầu nguyện là tự tạo cho mình một nội tâm thích hợp. Mở lòng ra cho gió ùa vào, làm rỗng chính mình cho dòng nước chảy vào, và nhóm ngọn lửa lên cho đời mình.
Nếu chúng ta chấp nhận trở về với chính mình trong thinh lặng, nhìn lại đời mình, ta có thể khám phá ra những gì mà Lời Chúa hướng dẫn chúng ta hôm nay.
Tôi xin kết thúc suy niệm này bằng tâm tình của Thánh Augustinô. “Lạy Chúa là vẻ đẹp ngàn đời, vẻ đẹp cổ xưa nhưng vẫn luôn luôn mới mẻ. Con đã chạy tìm những cái đẹp bên ngoài vốn chỉ là phản ánh èo uột của vẻ đẹp vĩnh hằng. Chúa là vẻ đẹp vĩnh hằng ở trong con thì con lại không kiếm tìm. Vì thế, xin Chúa cho con biết trở về với chính lòng mình mỗi ngày, để ở đó con gặp được Chúa, hít thở Chúa. Con đón nhận dòng nước ân sủng và lòng con được đốt cháy ngọn lửa Thánh Thần. Amen.”
75. Chúa và Nguồn Sinh Khí.
Bước vào ngàn năm thứ ba, điều đó mang ý nghĩa hai ngàn năm đã qua từ lúc “thời gian đã mãn”, là lúc Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người, là năm sinh của Chúa Giêsu Kitô. Lịch sử nhân loại được chia làm hai giai đoạn: Trước Chúa Giêsu Kitô giáng sinh và sau Chúa Giêsu Kitô giáng sinh. Nếu có nói về một cong nguyên, thì sự tính toán vẫn quy về lúc Chúa Giêsu Kitô giáng sinh.
Để chuẩn bị cho Năm Toàn Xá, Năm Thánh vào năm 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố Tông thư “Tiến đến Ngàn Năm Thứ Ba” vào ngày 10.11.1994. Đức Giáo Hoàng đệ nghị ba năm cuối của thế kỷ này được hiến dâng cho từng Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa: Năm 1997 hiến dâng cho Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người; năm 1998 cho Chúa Thánh Thần, và năm 1999 cho Thiên Chúa Cha. Đức Thánh Cha còn muốn cho các tín hữu học hỏi thông điệp về Chúa Thánh Thần trong sinh hoạt của Giáo Hội và thế giới. Thông điệp mang tựa đề: “Chúa và Nguồn Sinh Khí” trong những năm chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000. Bởi vì, Đức Thánh Cha đã nói: “Giáo Hội không thể chuẩn bị Ngàn Năm mới bằng cách nào khác hơn là ở trong Chúa Thánh Thần”.
Là “Chúa và là Nguồn Sinh khí”, Chúa Thánh Thần đã hiện diện và đã đóng một vai trò tích cực ngay từ khởi thuỷ lịch sử sáng tạo và cứu độ. Ngay đối với Chúa Giêsu trong cuộc sống ẩn dật và công khai, Chúa Thánh Thần luôn tác động trên Ngài, nhất là trong những biến cố quan trọng, như khi lãnh Phép Rửa ở sông Giođan, như khi vào sa mạc chịu ma quỉ cám dỗ, như khi cất bước rao giảng Tin Mừng khắp các làng mạc ở Palestin. Nhưng chỉ sau khi Chúa Giêsu hoàn tất sứ mạng bằng cái chết và sống lại từ cõi chết, Ngài mới có thể ban Thánh Thần. Tin Mừng hôm nay cho thấy vào buổi chiều sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện đến, thổi hơi trên các môn đệ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Cử chỉ thổi hơi trên các môn đệ gợi lại hành động Thien Chúa lúc bắt đầu tạo dựng con người. Thiên Chúa đã thổi vào Ađam hơi thở của sự sống và con người nên sống động (St 2,7). Cũng có thể, khi Chúa Giêsu thổi Thánh Thần trên các môn đệ, các ông nhận được sự sống mới. Thánh Thần là “Chúa và là Đấng ban sự sống” như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.
Sách Công vụ Tông đồ còn cho thấy Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ như gió thổi, như lưỡi lửa, vào chính ngày lễ Ngũ Tuan của người Do Thái, được mừng 50 ngày sau lễ Vượt Qua, để tưởng nhớ Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Israel tại núi Sinai. Dịp lễ này đã quy tụ đông đảo người Do Thái từ các nước khác nhau trở về Giêrusalem. Chính trong bối cảnh của ngày lễ trọng đại này mà hoạt động đầu tiên của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội được biểu lộ. Hoạt động đã được biểu lộ qua các Tông đồ “nói tiếng khác nhau” và “mọi người thuộc các ngôn ngữ khác nhau đeu hiểu được lời rao giảng của các Tông đồ”. Ở đây, ân sủng của Chúa Thánh Thần đã tái lập sự thống nhất ngôn ngữ đã bị chia rẽ, phân tán tại Tháp Babel khi xưa và đồng thời nói lên tính cách phổ quát đại đồng của ơn cứu độ do Chúa Giêsu đem đến và do Chúa Thánh Thần thực hiện.
Trong thư gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô đã nhấn mạnh đến vai trò hiệp nhất của Chúa Thánh Thần: “Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy đe làm nên một thân thể, cho dù là Do Thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do, tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thánh Thần duy nhất”. Nếu chỉ có Thánh Thần mới làm cho những kẻ tin nói được: “Đức Giêsu là Chúa”, thì cung chỉ có Thánh Thần mới làm cho những con người khác nhau hợp nhất với nhau mà vẫn tôn trọng sự khác biệt của nhau. Vì vậy, Thánh Phaolô đã kêu gọi chúng ta “hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau”. Bởi vì, giữa những người cùng thờ một Chúa, cùng tuyên xưng một niềm tin, cùng lãnh nhận một bí tích, cùng hy vọng một tương lai Nước Trời, mà lai chia rẽ nhau, là điều không thể hiểu nổi, là gương xấu không thể tha thứ được. Chính vì thế mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặt năm 2000 là tiêu điểm để hoạt động cho các Kitô hữu của các Giáo Hội anh em được hiep nhất như ý Chúa muốn.
Đời sống Kitô hữu là một đời sống theo Thánh Thần, như thánh Phaolô đã nói: “Ai sống theo xác thịt thì hướng về những điều thuộc về xác thịt, còn ai sống theo Thánh Thần thì hướng về những điều thuộc Thánh Thần. Nhưng hướng theo xác thịt là chết, còn hướng theo Thánh Thần là sống và bình an” (Rm 8,5-6). Muốn sống theo Thánh Thần, chúng ta phải nhìn ngắm Chúa Giêsu trong Tin Mừng, ước muốn nên giống Ngài, để có thể đi vào trong tình hiếu thảo của Chúa Giêsu, trong cầu nguyện, trong nghèo khó, tuân phục, trong khiêm tốn, phục vụ, trong tình huynh đệ, xả kỷ của Chúa Giêsu đối với mọi người. Hãy sống theo Thánh Thần, như vậy anh em sẽ không theo những khuynh hướng ích kỷ của xác thịt. Và đây là hiệu quả của Thánh Thần, đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần, thì hãy để Thánh Thần hướng dẫn đời ta”. (Gl 5,16.22-25).
Tất cả những gì giúp thăng tiến đời sống con người, tạo điều kiện cho mối tương quan huynh đệ giữa người với người, những gì tạo nên sự hiệp thông vô biên giới phải là những tiêu chuẩn cho hành động của chúng ta. Bởi vì những gì giới hạn hoặc chia rẽ, đều nghịch với Thánh Thần của Đức Kitô. Thánh Thần luôn chăm lo hiệp nhất Thân Thể Đức Kitô, duy trì sự hiệp thông và quy tụ mọi người hiệp nhất với Ngài.
76. Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần
(Suy niệm của Lm GB. Hoàng Văn Khanh)
Chiều ngày phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ đang quy tụ trong phòng Tiệc ly, cửa đóng kín vì sợ người Do thái. Ngài chúc bình an và ban Thần Khí cho các ông, để từ nay các môn đệ dấn thân loan Tin mừng và làm chứng về Đức Kitô cho mọi người, trong quyền năng của Chúa Thánh Thần.
1. Chúa Thánh Thần là Đấng canh tân
Biến cố chiều thứ sáu tử nan làm tiêu tan mọi ước mơ của các môn đệ. Họ đã theo Chúa suốt 3 năm trời với hy vọng Ngài sẽ phục hưng dân tộc và thiết lập vương quốc Messia. Nhưng Ngài đã bị kết án chết thập giá. Họ chán nản buồn sầu, kẻ trở về quê cũ, số còn lại quy tụ nhau trong gian phòng đóng kín vì sợ người Do Thái. Cửa phòng khép kín mà tâm hồn họ cũng đang đóng khung trong lo âu, sợ hãi, thất vọng. Chính lúc ấy, Chúa phục sinh hiện ra, ban bình an và thông ban Thánh Thần: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”, như Ngài đã hứa trong đêm tiệc ly: “Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng Bảo Trợ đến với anh em” (Ga 16,7). Được đầy Thánh Thần, các môn hoàn toàn biến đổi: từ những người nhút nhát, sợ hãi, họ trở thành quả cảm, vui tươi, đầy tin yêu và mạnh dạn lên đường thực thi sứ mệnh mà Chúa Phục sinh trao phó, cũng chính là sứ mệnh mà Ngài đã nhận từ Cha: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”, đó là loan báo Tin Mừng cứu độ và làm chứng Đức Giêsu đã sống lại. Sách Công vụ Tông đồ thuật lại vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa, biến đổi các ông toàn diện, ban cho các ông nói tiếng lạ và thúc đẩy họ làm chứng nhân cho Đức Kitô phục sinh (Cv 2,1-14). Chúa Thánh Thần là Đấng canh tân tâm hồn, soi sáng lòng trí, làm vững mạnh đức tin, mang bình an và dũng lực để các tín hữu can đảm loan Tin mừng và làm chứng Đức Kitô cho mọi người.
2. Chúa Thánh Thần là Đấng hòa giải
Đức Kitô được Chúa Cha ủy thác sứ mệnh cứu độ là ban ơn tha thứ và hòa giải con người với Thiên Chúa, hầu đưa vào hiệp thông sự sống của Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu trao cho các tông đồ sứ mệnh tiếp nối Ngài là hòa giải con người với Thiên Chúa: “Các con tha tội cho ai thì người ấy được tha. Các con cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ”. Các Tông đồ được Chúa Giêsu thông ban quyền tha tội. Họ chỉ có thể thực hiện quyền này trong quyền năng Chúa Thánh Thần. Chính vì thế, khi thông ban quyền tha tội, Chúa Giêsu đã thổi “Thần Khí” trên các ông và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì người ấy được tha”. Từ nay, Chúa Thánh Thần là sức mạnh, quyền năng để các Tông đồ và Giáo hội hoạt động tiếp nối công trình cứu độ của Chúa Giêsu.
3. Chúa Thánh Thần là Đấng hiệp nhất
Vì tội lỗi và kiêu căng mà nhân loại đã bị phân rẽ (St 11,1-11). Ngày lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần đã ban cho các Tông đồ nói tiếng lạ, để mọi người đều nghe như tiếng bản xứ của mình mà đón nhận sứ điệp Tin Mưng. Ước mơ ngày nào của Môisê mong cho toàn dân được ơn Thần Khí mà nói tiên tri (Ds 11,26-30) cũng như sấm ngôn của Gioen về thời thiên sai (Ge 3,1-5), nay được hiện thực. Chúa Thánh Thần là nguyên lý hiệp nhất, liên kết mọi con người, mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ với nhau, để tất cả đều lắng nghe và đón nhận sứ điệp Tin mừng. Chúa Thánh Thần là Đấng kiến tạo sự hiệp nhất trong Giáo hội, sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu ước mong và cầu khẩn với Cha trong lời nguyện hiến tế: “Xin Cha cho họ được hiệp nhất nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”.
77. Quà tặng cho linh hồn – Arthur Tone.
Phil lớn hơn em nó là Joe 2 tuổi, chúng thích rừng, thích hồ ao xung quanh thành phố của chúng, trên vùng Michigan. Đó là lý do chính chúng ngưỡng mộ chú Bill, một người độc thân lớn tuổi. Chú thông thạo săn bắn và câu cá. Hai đứa nhỏ thần tượng hóa chú Bill. Chúng vui mừng vô cùng khi nghe tin chú Bill sắp đến ở với chúng. Chú Bill thường mua quà cho các cháu, luôn luôn là những dụng cụ dùng ngoài trời: chiếc địa bàn, con dao, đèn pin, búa, cung và tên, balô và khi chúng lớn, chú còn cho một khẩu súng trường.
Hôm nay chúng ta kỷ niệm Chúa Thánh Linh, Ngôi Ba Thiên Chúa Ba Ngôi, ban cho chúng ta bảy ơn quý giá; chúng ta gọi là bảy ơn Chúa Thánh Thần. Quà của chú Bill cho Phil và Joe luôn hữu ích cho cuộc sống ngoài trời. Ơn huệ của Chúa Thánh Thần rất cần thiết và hữu ích cho đời sống thiêng liêng. Ơn huệ của Chúa Thánh Thần là gì? Chúng ta phải sử dụng làm sao?
Tất cả là ơn huệ thiêng liêng, là sức mạnh thiêng liêng trợ giúp cho linh hồn chúng ta.
Ơn khôn ngoan là ơn giúp chúng ta nâng cao tâm hồn lên trên mọi sự vật mau qua trên mặt đất, để hướng về những sự không mau qua, những sự vĩnh cửu.
Ơn thông hiểu: như một đèn pha thần thánh, chiếu tỏa sáng lân chan lý Chúa tỏ ra cho chúng ta, giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa các chân lý ấy.
Ơn lo liệu: như một địa bàn ơn thần thánh, trong những khó khăn, bối rối trong đời sống. Chúa Thánh linh giúp chúng ta biết phải làm gì để vinh danh Chúa và cứu vớt linh hồn chúng ta cũng như anh em chúng ta.
Ơn sức mạnh: nghĩa là can đảm. Chúa Thánh Linh cho chúng ta sự can đảm thiêng liêng cần thiết để giữ luật Chúa và luật Giáo Hội. Tử đạo là điển hình cao nhất của ơn sức mạnh.
Ơn hiểu biết: là ơn giúp ta phán đoán đúng đắn các tạo vật, giúp ta biết sử dụng kiến thức đúng đắn. Ơn hiểu biết không phải chỉ để thâu thập các sự kiện về thế gian, nhưng là đặt chúng trong liên quan và trật tự.
Ơn đạo đức: là tình yêu và lòng nhiệt thành của người con đối với Cha mình, là ước muốn của người con mong làm đẹp ý Cha mình. Như một ân huệ của Chúa Thánh Thần, ơn đạo đức giúp ta tôn kính và yêu mến Chua là Cha chúng ta. Nó giúp ta thi hành những gì đẹp lòng Chúa, yêu giúp đỡ anh em, yêu cầu nguyện và yêu lời Chúa.
Ơn kính sợ Chúa là ơn giúp ta sợ làm mất lòng Chúa. Không phải sợ hãi như nô lệ sợ chủ; nhưng sợ làm phiền lòng Đấng yêu thương chúng ta. Đấng chúng ta yêu mến. Như Kinh Thánh nói: “Kính sợ Chúa là khởi đầu sự khôn ngoan”.
Hôm nay, chúng ta vui mừng vì Chúa Thánh Linh đã cho chúng ta tất cả những ơn trợ giúp đó. Phil và Joe trong câu chuyện đã sung sướng nhận những món quà để sinh hoạt ngoài trời. Chúng ta hân hoan đón nhận ân huệ của Chúa Thánh Linh giúp chúng ta trong đời sống với Chúa.
Xin Chúa chúc lành bạn.
78. “Anh em hãy nhận Thánh Thần” – Noel Quesson.
Một cha sở già miền núi phía nam nước Ý thường dùng các ví dụ cụ thể để diễn tả mầu nhiệm trong đạo. Vào lễ Thánh Linh hàng năm, Ngài ra lệnh thả một chim câu trong nhà thờ. Và khi chim đậu xuống ai, người đó phải cố thực hiện một công tác cụ thể phục vụ cộng đoàn. Có lần chim đậu xuống một thầy hiệu trưởng, ông này đã cam kết và thực hiện một cuốn sách giá trị. Lần khác chim đậu xuống một vị công tước và công tước đã bỏ tiền xây hệ thống dẫn nước. Một Linh mục trẻ được sai tới thay thế cha sở già. Cha sở mới không thích kiểu cách cha sở cũ nhưng chưa tiện hủy bỏ. Vào ngày Lễ Thánh Linh ngài bảo cứ thả chim câu, và cho mở rong hết các cửa, nghĩ rằng chim sẽ bay ra ngoài. Nhưng con chim bay lượn một vòng quanh nhà thờ và đậu ngay xuống vai cha sở mới, cả nhà thờ vỗ tay mừng rỡ. Cha sở mới phải lên tiếng hứa sẽ đem hết sức lực và thì giờ phục vụ giáo xứ, và ngài đã giữ lời.
Câu chuyện vui nầy diễn tả phần nào những hoạt động của Chúa Thánh Thần, Người thúc giục, soi sáng và hướng dẫn ta trong mọi ý hướng, mọi sáng kiến phục vụ anh em. Chúa Giêsu nói về hoạt động của Thánh Linh: Người như gió, muốn thổi đâu thì thổi (Ga 38). Và Chúa cũng nhắc nhở ta trong vai trò quan trọng của Thánh Linh trong việc giúp hiểu Tin Mừng, trong việc truyền bá giáo lý của Chúa: “Thầy sẽ xin Cha ban cho các con một Đấng phù trợ, Người là Thần Chân lý” (Ga 14,16): “Khi Thần Chân lý tới, Người sẽ dạy cho các con biết tất cả sự thật” (Ga 16,13).
Khung cảnh Tin Mừng chúng ta mới nghe chứng tỏ điều Chúa nói. Chúa đã phục sinh, chuyện nầy các tông đồ đều đã biết, nhưng các ông vẫn lo âu, tụ họp nhau trong phòng đóng kín cửa vì sợ. Chúa Giêsu định phó thác cho các ông nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo trên khắp hoàn vũ. Nhưng bây giờ các ông còn đang run sợ, lẩn trốn, như vậy làm sao các ông thực hiện nổi nhiệm vụ Chúa trao phó?
Trong tình trạng lo âu trốn tránh đó, Chúa Giêsu đã tới giữa công đoàn, thở hơi và các ông và nói: “Anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần”. Hành động của Chúa Giêsu làm ta nhớ tới việc Chúa sáng tạo sự sống (Kn 2,7; Ed 37,9). Theo thánh Gioan thì biến cố nầy xảy ra ngay vào ngày Chúa sống lại. Tác động đầu tiên của Thánh Linh là mang tơi sự sống, và Chúa Giêsu là người trước hết lãnh nhận tác động đó. Chúa Thánh Thần đã làm nên sự Phục Sinh của Chúa Giêsu trong quyền lực Chúa Cha. Danh hiệu đầu tiên của Thánh Linh là “Thiên Chúa ban sự sống”.
Chúa Thánh Thần còn đem lại cho ta ơn tha tội: “Các con tha thứ cho ai, người ấy được tha”. Thực sự ơn tha tội đã được Thiên Chúa trao ban đầy tràn kể từ cái chết cứu độ của Chúa Giêsu. Vấn đề còn lại ở phía con người, chúng ta có ý thức và sẵn sàng đón nhận ơn tha thứ của Chúa hay không.
Sau khi các tín hữu nhận lãnh sự sống và ơn cứu độ. Thánh Linh sẽ trao ban sứ mệnh, chuyển thông ơn cứu độ, sự tha thứ, sự Thánh thiện cho mọi người. Đó là nhiệm vụ của Giáo Hội và của mỗi Kitô hữu. “Giáo Hội là cơ quan mở mang cho nhân loại cộng đồng tình yêu”. Từ khi Thánh Linh hiện xuống, tình trạng đã đổi khác. Các Tông đồ không còn run sợ trốn tránh trong phòng kín, nhưng bắt đầu ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi. Các ông làm chứng lời giảng bằng chính cuộc sống và cả tính mạng của mình.
Lạy Chúa, xin ban Chúa Thánh Thần cho chúng con, nhờ Người, chúng con có đủ khôn ngoan, can đảm phục vụ và làm chứng cho Chúa trước mặt thiên hạ.
79. Đấng sáng tạo.
Như chúng ta đã biết: đứng trước câu hỏi Chúa Thánh Thần là Đấng nào, sách giáo lý đã trả lời: Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi thứ ba. Câu trả lời này thật đúng, nhưng lại quá trừu tượng, khiến chúng ta khó có thể hình dung Ngài ra làm sao.
Các thánh Giáo phụ và các nhà thần học đã cố gắng dùng những hình ảnh cụ thể để diễn tả về Chúa Thánh Thần. Các ngài đã sánh ví Chúa Thánh Thần chính là sợi dây tình yêu liên kết Chúa Cha với Chúa Con.
Thánh Bernađô thì nghĩ rằng: Chúa Cha và Chúa Con yêu thương nhau, còn Chúa Thánh Thần chính là nụ hôn ngọt ngào và mầu nhiệm mà hai ngôi ấy trao ban cho nhau.
Nhà thần học Scheeben thì lại coi Chúa Thánh Thần như là một sự tỏa lan của đời sống Thiên Chúa, như là một làn hương thơm thánh thiện của Chúa Cha và Chúa Con.
Thế nhưng ngôn ngữ của loài người thì bất lực, không thể diễn tả nổi mầu nhiệm cao vời ấy, nếu không muốn nói là nhiều khi đã bóp méo sự thật. Để có được một vài ý niệm nào đó. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu về những tước hiệu, vốn được Giao Hội quen dùng để xưng tụng Chúa Thánh Thần.
Một trong những ca khúc nổi tiếng của Giáo Hội từng được hát lên để cầu xin Chúa Thánh Thần trước khi chúng ta làm một việc gì, đó là ca khúc “Veni Creator Spiritus”, Lạy Chúa Thánh Thần, là Đấng sáng tạo, xin hãy đến. Tước hiệu Giáo Hội quen dùng để xưng tụng Chúa Thánh Thần, đó là Đấng Sáng Tạo. Vậy tại sao lại như thế?
Lý do thứ nhất, như chúng ta đã biết: Trong phạm vi vật chất. Thiên Chua đã dựng nên vũ trụ vì yêu thương. Nếu Thiên Chúa chỉ là Đấng Khôn ngoan và thông biết, chắc Ngài sẽ không dựng nên vũ trụ, bởi vì vũ trụ này dù có hoàn hảo đến đâu chăng nữa, thì vẫn còn cách biệt với ý muốn cua Thiên Chúa. Thế nhưng Thiên Chúa còn là Đấng nhân từ và thương xót, Ngài là Tình Yêu, một tình yêu phong phú. Và chính bởi tình yêu ấy. Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ.
Người tín hữu, với con mắt đức tin, sẽ nhìn thấy nơi mọi tạo vật dấu ấn sâu đậm của tình yêu Thiên Chúa, hay nói đúng hơn, dấu ấn sâu đậm của Chúa Thánh Thần, chẳng hạn nơi những chồi non của một ngọn cây mới nhú, nơi tiếng hót véo von của một loài chim nhỏ, nơi giấc ngủ thiên thần của một em bé. Chính là Thánh Thần tình yêu đã là nguyên nhân của công cuộc sáng tạo. Chính Thần Khí của Thiên Chúa đã làm cho mọi vật được sống động.
Hơn thế nữa, Chúa Thánh Thần còn kiện toàn công cuoc sáng tạo ấy và duy trì cái trật tự tuyệt vời trong vũ trụ. Sách Sáng Thế Ký đã ghi nhận: Thánh Thần Chúa bay lượn trên nước và trên vũ trụ đã được tạo thành, như một sức mạnh để bảo tồn và duy trì sự hài hòa cân đối. Thánh vịnh 32 cũng đã xác quyết:
Một lời Chúa phán, làm ra chín tầng trời.
Một hơi Chúa thở, tạo thành muôn tinh tú.
Vũ trụ đang phát triển và sẽ còn phát triển cho đến tận cùng thời gian. Không có Chúa Thánh Thần, thì tất cả chỉ là một đám hỗn mang, vô trật tự, vô tổ chức, không mục đích và chìm ngập trong tăm tối. Nhưng với Chúa Thánh Thần, vũ trụ sẽ đi vào một đường hướng nhất định và sẽ thực hiện được mục đích cuối cùng cua mình: xuất phát từ Thiên Chúa, thì sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Chúng ta gọi Chúa Thánh Thần là Đấng Sáng Tạo, bởi vì Ngài đã làm nên và duy trì cái trật tự lạ lùng trong vũ trụ.
Lý do thứ hai đó là trong lãnh vực thiêng liêng, Chúa Thánh Thần đã khởi công và còn đang tiếp tục một cuộc tạo dựng mới cho loài người ân sủng, cho con người được cứu độ của chúng ta. Cuộc tạo dựng mới này được khởi đầu qua việc Ngôi Lời nhập thể dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Thực vậy, sứ thần Gabriel đã nói với Mẹ Maria: Uy quyền Thiên Chúa đã bao phủ bà và con trẻ do bà sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Đấng Tối Cao.
Thiên thần Chúa cũng đã nói vơi thánh Giuse trong giấc mộng như sau: Hỡi Giuse, đừng sợ. Hãy nhận lấy Maria làm vợ, vì Maria mang thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần.
Chính vì thế, trong kinh Tin Kính, chúng ta đã tuyên xưng: Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần. Người đã nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria và đã làm người.
Và bây giờ, Ngài vẫn còn tiếp tục công cuộc sáng tạo ấy, bằng cách hướng dẫn, dìu dắt và thánh hóa các tâm hồn trong Giáo Hội. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta: Thầy đã xin với Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ mới. Ngài là Thần chân lý và sẽ ở cùng các con luôn mãi. Chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội và chọn lựa những người điều khiển Giáo Hội của Chúa.
Chúa Giêsu đã thực hiện và hoàn tất chương trình cứu độ, nhưng Chúa Thánh Thần mới là Đấng ban phát công nghiệp ấy cho chúng ta qua các Bí tích. Với một tình yêu bao la, Ngài đã theo chúng ta từ khi chúng ta mở mắt chào đời cho đến khi chúng ta nhắm mắt buông tay vĩnh biệt cuộc sống. Ngài không phải chỉ đi bên cạnh chúng ta, mà hơn thế nữa, còn ngự trị trong chúng ta, như lời thánh Phaolô: Anh em không biết rằng thân xác anh em là đền thờ cho Chúa Thánh Thần hay sao? Không một ngày nào, không một phút giây nào mà Chúa Thánh Thần chẳng ở bên chúng ta để trao ban cho chúng ta những ân huệ của Ngài.
Thánh Augustinô đã có lý khi nói: Như linh hồn ở trong thân xác thế nào, thì Chúa Thánh Thần cũng ở trong Giáo Hội, thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô như vậy.
Khi mùa đông qua đi, mùa xuân trở lại, chúng ta thấy như có một sức sống mới tràn lan, khiến cho cây cối đâm chồi nẩy lộc. Cũng vậy, Chúa Thánh Thần ở trong chúng ta và ban cho chúng ta sự sống của Thiên Chúa. Việc thánh hóa và tạo dựng thiêng liêng này là một kỳ công vĩ đại của Thiên Chúa: Ngài đã tạo dựng chúng ta một cách tài tình, nhưng Ngài còn cải tạo chúng ta một cách tài tình hơn nữa.
Bởi đó, hãy cộng tác với Chúa Thánh Thần, hãy để Ngài hoạt động hầu biến đổi chúng ta thành những con người mới, theo tinh thần của Chúa Giêsu, ngập tràn ân sủng và tình yêu.
80. Thánh Thần trong đời sống
Ngày lễ ngũ tuần có nguồn gốc sâu xa, được cử hành hàng năm của người Do Thái xưa họ mừng 50 ngày sau lễ Vượt Qua, còn gọi là ngày lễ Ngũ Tuần. Lễ này, người ta ăn mừng mùa gặt mới, đồng thời nhớ lại biến cố Thiên Chúa ban hành lề luật qua Môsê trên núi Sinai. Y nghĩa này nói lên tuyển dân là dân giao ước, Thiên Chúa đã chọn và gọi giữa các dân tộc và trong thử thách sa mạc Sin.
Dĩ nhiên trên đây không phải là lịch sử chi tiết của ngày lễ, nhưng để chúng ta có chút khái niệm về nguồn gốc và ngộ ra nội dung súc tích của lễ này đối với tín hữu tiên khởi. Như vậy lễ Năm Nươi có liên hệ trực tiếp với lễ Vượt Qua, kỷ niệm khổ nạn, cái chết, phục sinh và lên trời của Chúa Giêsu. Nó cũng mừng mùa gặt mới. Bởi lẽ các môn đệ tụ họp nhau ở gian phòng trên lầu, nơi Chúa Giêsu ăn bữa tiệc ly cùng các môn đệ, để lãnh nhận “Thánh Thần”, nghĩa là mùa gặt mà Chúa Giêsu đã gieo trồng bằng cuộc đời, khổ nạn, cái chết, phục sinh và lên trời của Ngài. Chắc chắn mùa gặt này đầy nước mắt và đau khổ. Trong Công Vụ Tông Đồ có điễn tả những điềm lạ khi Chúa Thánh Thần xuất hiện “Khi đến ngày lễ ngũ tuần… Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào nhà… Và ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần, họ bắt đầu nói thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho…”. Và kết quả là: mọi người từ các nơi quy tụ về Gierusalem: Từ Pacthia, Mêđia, Pontô, Elam… để nghe các tông đồ rao giảng và chứng kiến các điềm thiêng dấu lạ. Nhưng để được điều này cac ong cần phải
1. Để Thánh Thần hướng dẫn.
Chúa Thánh Linh là dấu hiệu của sự hợp nhất Công Vụ khởi đầu bằng việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Hội Thánh non trẻ, chẳng mấy chốc sẽ “hành động” một cách rất tích cực, nhờ Thánh Linh, mà loan truyền danh Đức Kitô cho đến tận cùng hành tinh, bất chấp vất vả, khó khăn, bách hại và cái chết. Nhưng ngày nay, những nhà truyền giáo trong nhung lụa, tiện nghi, biện minh rằng để “tiện lợi” cho việc tông đồ. Người ta quen đặt tên cho Công vụ là Phúc Âm của Thánh Linh. Điều đó không hề sai, nếu chúng ta nghiền ngẫm hoạt động của Ngài trong Hội Thánh tiên khởi. Ngày xưa các tông đồ rao giảng bằng sự soi sáng của Thánh Thần. Còn chúng ta ngày nay rao giảng bằng ngôn ngữ gì? Có lẽ tiền bạc, chức quyền, khoái lạc, hứa hẹn? Toàn là mị dân, thảo nào, chẳng ai hiểu được! Vậy thì lễn Năm Mươi vẫn chính xác là lễ “mùa gặt mới”. Chúng ta góp công thế nào vào mùa gặt thiêng liêng này?
Chúa Kitô đã gởi Chúa Thánh Thần xuống và chúng ta đã lãnh nhận. Hãy bắt trước các tông đồ, ra đi khắp thế gian rao giảng Đấng phục sinh cho muôn dân, dạy dỗ họ hy vọng lớn lao: thân xác dầu phải chết, cũng sẽ sống lại. Còn sứ vụ nào cao quý và chân thật hơn? Đấu tranh giai cấp, thần học giải phóng, hiện sinh, tiến hoá, Freud, Jung, Karl không thể so sánh bằng. Đốt cháy cả bản thân bằng lửa nhiệt thành truyền giáo vẫn chẳng nhằm nhò gì! Quý vị có cảm nhận như vậy chưa? An hưởng sung sướng, tiện nghi không mang ích lợi cho sứ vụ Chúa trao trong thời gian “đợi chờ” này. Chúng ta là một cộng đồng “chờ đợi” với các môn đệ tiên khởi của Chúa Giêsu, hoặc xa hơn nữa với các tổ phụ Do Thái trong đức tin chân chính.
2. Để Thánh Thần biến đổi
Vì thế giới này chưa phải là thiên đàng để vui hưởng khoái lạc. Một cái nhìn nhang chóng vào tình hình địa cầu ắt sẽ hiểu rõ ràng như vậy: Nghèo khó, chiến tranh, chém giết, biết bai trận khủng bố. Chưa hết, còn trong những đoàn thể Công Giáo, xem ra như đoàn kết với những phương châm lý tưởng, nhưng cũng không ít chia rẽ giáo xứ, tu viện, đoàn thể, ly khai khỏi Giáo Hội hoàn vũ vẫn là vấn đề nhức nhối triền miên của các môn đệ Chúa Kitô. Đáng lý, những sự kiện này phải là nhắc nhớ sống động cho chúng ta, chứ không phải nhởn nhơ như chuyện của thiên hạ, ngày ngày chỉ lo thư giãn, dã ngoại, đình đám, kỷ niệm. Vì thế, điều trước mắt là chúng ta hãy đem ngọn lửa Thánh Thần đến những nơi này và cầu xin cho các đau khổ của thế giới chấm dứt, cho đổ vỡ của Giáo Hội được hàn gắn, cho gia đình và thiên nhiên khỏi bị phá hoại, cho ước mong của Chúa Giêsu mau trở thành hiện thực.
Vậy lễ Hiện Xuống phải nên như biến cố nhắc nhở môn đệ thực sự của Chúa Kitô: Thiên Chúa không hề bỏ rơi Hội Thánh. Chúa Giêsu tuy không còn hiện diện hữu hình nữa, nhưng như Ngài đã hứa không để tín hữu mồ côi, Ngài sẽ sai Thánh Linh xuống dạy dỗ, an ủi, thánh hoá họ. Hôm nay, lời hứa đó đã được thực hiện và Giáo Hội đã ra đời, một cuộc khai sinh đầy hứa hẹn. Các môn đệ quy tụ ở phòng tiệc ly đã trở nên một cộng đồng, có đầy đủ thân xác và linh hồn. Thân hình này khởi sự một sức sống mới, thở hơi thở của Thần khí vĩnh cửu và toàn năng. Ngoài ra, người ta rao giảng nhiều về hiệp nhất và tình yêu, nhưng chỉ là mông lung tưởng tượng chứ thực chất không hiểu chi về ý nghĩa của lưỡi lửa. Nó cụ thể, hữu hình và đốt cháy. Các môn đệ tiên khởi đã cảm nghiệm đúng thực tại ấy, các kẻ theo Chúa ngày nay thì sao? Nếu như họ được lưỡi lửa thiêu đốt thực thì không còn như hiện trạng, nguội lạnh và ươn lười. Thiên Chúa luôn sẵn sàng gửi Thánh Linh của Ngài xuống, để giúp đỡ họ giao lưu thân thiện với Đức Kitô, bất chấp những sự ác hiện tại: chiến tranh khốc liệt, nghèo đói cùng cực, khai thác tài nguyên cạn kiệt, bạo lực không phân biệt.
Lạy Chúa, xin cho con biết mở rộng lòng đón nhận tất cả dưới “lưỡi lửa” của tình yêu. Không còn chia rẽ, phân tán, thất vọng, bất đồng ý kiến, thương yêu giả hiệu, lừa dối trục lợi. Nhưng hiệp nhất trong mối dây tình yêu chân thành. Amen.
81. Thời kỳ ân điển của Thần Khí.
(Suy niệm của Lm. G.B. Trần Văn Hào)
Khi tổng thống Washington lên cầm quyền, vào thời điểm nước Mỹ mới được thành lập, ông và 55 nhà ái quốc đã nhóm họp tại Philadelphia để soạn thảo bản hiến pháp đầu tiên cho quốc gia này. Sau bốn tuần làm việc cật lực, họ vẫn không đạt được kết qủa nào vì có qúa nhiều ý kiến bất đồng, thậm chí đối kháng lẫn nhau. Mọi người toan tính bỏ cuộc. Một nghị viên tên là Benjamin Franklin đứng lên phát biểu: “Thưa Ngài Tổng thống và thưa toàn thể hội nghị, sức lực và trí tuệ của con người rất giới hạn và mong manh, cụ thể sau một tháng làm việc chúng ta vẫn chưa gặt hái được thành quả nào vì đầu óc chúng ta quá tăm tối. Vậy tôi đề nghị, chúng ta phải xin ơn trên soi sáng để có thể tiếp tục công việc”. Ý kiến trên được mọi người chấp nhận. Từ ngày hôm ấy trước mỗi phiên họp, các nghị viên đều đứng lên cung kính cầu nguyện để xin Chúa Thánh Thần soi dẫn. Chẳng bao lâu sau, nước Mỹ đã có được một bản hiến pháp lịch sử mà các sử gia vẫn xem đó là công trình vĩ đại nhất của nứớc Mỹ, được hoàn thành bởi ơn trên cùng với sự cộng tác của con người. Bản hiến pháp ấy đã trở thành quy chuẩn để nhiều quốc gia khác trên thế giới soi chiếu và noi theo. Người ta cho in hàng chữ ‘Chúng tôi tín thác vào Thiên Chúa’ (In God we trust) trên tờ Đôla Mỹ để ghi nhớ biến cố này. Qủa thật, nếu không mở lòng cho Thánh Thần tác động, chúng ta sẽ không làm được bất cứ công việc gì.
Chúa Thánh Thần là ai?
Trong kinh Tin kính chúng ta vẫn tuyên xưng: “Tôi tin Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy”. Đó là 4 tín điều căn bản của giáo lý Công giáo về Chúa Thánh Thần mà phụng vụ hôm nay gợi nhắc.
Tuy nhiên, khi chúng ta đặt câu hỏi Chúa Thánh Thần là ai, chúng ta dễ rơi vào tâm trạng giống như dân Ephêsô ngày xưa khi họ trả lời thánh Phaolô: “Thưa ông, ngay cả việc có Chúa Thánh Thần hay không, chúng tôi còn chưa biết đến”(Cv 19,2). Kinh thánh nói khá nhiều về Thần khí của Thiên Chúa với nhiều biểu tuợng, nhưng chúng ta không thể hình dung Chúa Thánh Thần qua một hình ảnh hay qua một danh xưng. Nhà thần học Simeon vẫn hướng về Chúa Thánh Thần với lời cầu nguyện: “Xin hãy đến, lạy Đấng mà chúng con không hiểu được, cũng không biết được”. Đấng mà chúng ta không hiểu, không biết, nhưng với cảm thức đức tin, chúng ta vẫn có thể trải nghiệm được sự hiện diện và tác động của Ngài tận thâm sâu trong cõi lòng mỗi người.
Vì thế, nói về Chúa Thánh Thần không phải là một điều giản đơn hay chúng ta có thể tự nghĩ ra. Chúa Giêsu đã từng nói với Nicôđêmô: “Gió muốn thổi đâu thì thổi. Ông nghe tiếng gió nhưng không biết gió từ đâu đến và đi đâu (Ga 3,8)”. Thánh Thần là Đấng mà chúng ta không thể nhốt kín trong một phạm trù cứng ngắc, hoặc trình bày Ngài như một khái niệm xơ cứng. Chúng ta cảm nhận sự hiện diện của Ngài bằng đức tin, đồng thời chúng ta suy tư về Chúa Thánh Thần dựa trên Kinh thánh và những giáo huấn của Giáo hội. Tóm lại, để trả lời câu hỏi Chúa Thánh Thần là ai, chúng ta có thể trích mượn tư tưởng của thần học gia Jacques Guillet: “Người ta không thể thông hiểu về Chúa Thánh Thần như hiểu biết về Chúa Cha và Chúa con. Thánh Thần không có dung mạo cũng chẳng có danh xưng. Chúng ta không thể đặt mình trước Chúa Thánh Thần để cầu nguyện hay chiêm ngắm Ngài, theo dõi các hành động của Ngài. Nhưng chúng ta vẫn có thể cảm thấu sự hiện diện của Chúa Thánh Thần như Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ năm xưa: “Anh em sẽ nhận biết Ngài vì Ngài ở trong anh em” (Ga 14,17).
Những biểu tượng về Chúa Thánh Thần.
Biểu tượng mà Kinh thánh sử dụng nhiều nhất để nói về Thần Khí, là gió hay hơi thở, diễn tả qua hạn từ ‘Spiritus Sanctus’ trong tiếng Latinh, ‘Holy Spirit’ trong tiếng Anh, ‘Pneuma’ trong tiếng Hy Lạp, và tiếng Do Thái gọi là ‘Ruah’. Chính Chúa Giêsu cũng đã dùng biểu tượng này khi nói với Nicôđêmô: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió và không biết gió từ đâu đến”. Trong sách Tông đồ công vụ, lễ Hiện xuống (Pentecost) được khởi đầu với một làn gió mạnh thổi vào căn nhà nơi các Tông Đồ đang tụ họp. Khi sống lại, Chúa Giêsu cũng thổi hơi trên các môn đệ, trao ban bình an và tuôn đổ Thần Khí trên các ông (Ga 20,22). Ngay từ đầu sách khởi nguyên, tác giả cũng đã trình thuật về công trình tạo dựng qua đó Đức Chúa Giavê thổi hơi ban sinh khí vào ‘nắm đất’ để dựng nên con người (St 2,7). Đó là những đặc nét và biểu tượng nói về Thần Khí, Đấng tác sinh và ban sự sống.
Biểu tượng thứ 2 nói về Chúa Thánhh Thần là mạch nước. Trong thị kiến của tiên tri Ezekiel, dòng nước chảy từ bên phải đền thờ phát sinh sự sống tiên báo về thời kỳ ân điển của Thần Khí (Ez 47). Cũng vậy, trong Tin mừng Gioan, Chúa nói với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp về nguồn nước sự sống phát nguyên từ nơi Ngài, là chính Thần Khí của đấng Phục sinh, đem lại cho con người ơn cứu rỗi (Ga 4,13). Rõ nét nhất, Tin mừng Gioan thuật lại cho chúng ta: “Vào cuối cuộc lễ, Đức Giêsu đứng dậy và hô lớn tiếng: “Ai khát hãy đến với tôi, ai tin vào Tôi hãy đến mà uống… Đức Giêsu muốn nói về Thần khí mà những kẻ tin vào Ngài sẽ lãnh nhận. (Ga 7,37-38).
Kế đến là biểu tượng ngọn lửa. Sách Tông đồ Công vụ thuật lại bối cảnh lễ Hiện xuống đầu tiên với hình lưỡi lửa đậu xuống trên các tông đồ (Cv 2,3). Lửa có sức đốt cháy những vẩn đục và rác rưởi của tội lỗi để biến đổi tâm can con người. Chúa Giêsu cũng đã từng tuyên bố: “Thầy đem lửa từ trời đến thế gian, và Thầy ước mong cho ngọn lửa ấy bùng lên”. Thánh Phaolô cũng khuyến mời giáo đoàn Thesalonica: “Anh em đừng dập tắt Thánh Thần (1Th 5,14). Hai môn đệ trên đường về làng quê Emmaus khi nghe Chúa Giêsu cắt nghĩa Kinh thánh, đã cảm thấy như một ngọn lửa đang bừng cháy nơi tâm hồn mình (Lc 24,32). Đó là dấu chứng về sự tác động của Thần Khí.
Ngoài 3 biểu tượng nói trên, chúng ta còn thấy khá nhiều biểu tượng khác trong Kinh thánh ám chỉ về Chúa Thánh Thần, như chim bồ câu hoặc như việc xức dầu thánh hiến. Kinh thánh dùng những biểu tượng trên để nói về Ngôi Ba Thiên Chúa, là ngôi vị không có hình thể, không có danh xưng nhưng chắc chắn chúng ta có thể cảm nghiệm sự tác động nhiệm mầu của Ngài trong đời sống đức tin của chúng ta.
Kết luận
Tuần trước chúng ta mừng kính việc Chúa về trời, vừa hữu hình vừa vô hình. Tin mừng Gioan liên kết các sự kiện thành một mầu nhiệm duy nhất: Chúa sống lại đi vào trong vinh quang với Chúa Cha, và trao ban Thánh thần để Ngài tiếp tục hiện diện giữa Hội thánh. Cũng vậy, tuần này chúng ta cũng mừng kính việc Chúa Thánh Thần hiện xuống, vừa hữu hình vừa vô hình, là cao điểm của mầu nhiệm Phục sinh. Thánh Phaolô trong thơ gửi giáo đoàn Rôma đã viết: “Hướng đi của Thánh Thần là bình an và hoan lạc (Rm 8,6)”. Khi chúng ta có bình an và niềm vui thực sự trong tâm hồn, chúng ta thực sự đang sở đắc Chúa Thánh Thần. Ngài chính là nguyên lý của bình an và hạnh phúc. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần đến trong tâm hồn chúng ta mỗi ngày.
82. Suy niệm của Lm Đỗ Xuân Quế
CHÚA THÁNH THẦN TRONG HỘI THÁNH
1. Hội thánh được thành lập vào ngày lễ Ngũ Tuần, ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Từ đây với một nhóm người nhỏ bé, dần dần Hội thánh trở nên lớn mạnh và lan rộng khắp nơi. Có thể nói hồn sống và động lực của Hội thánh là Chúa Thánh Thần, đúng như lời Chúa Giêsu đã hứa với các Tông đồ: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.”(Ga 16,13) Chính vì tin tưởng vào lời hứa ấy mà trải qua bao thăng trầm và biến động suốt mấy ngàn năm lịch sử, Hội thánh vẫn không tỏ ra nao núng. Nếu không có Chúa Thánh Thần và không được Người bảo trợ, Hội thánh đã biến mất từ lâu rồi. Về điểm này, một tác giả đã viết: “Không có Thánh Thần thì Thiên Chúa vẫn còn ở xa, Chúa Kitô vẫn thuộc về dĩ vãng, Tin Mừng là những hàng chữ chết, Hội thánh là một tổ chức đơn thuần, truyền giáo là tuyên truyền, thờ phượng là hồi tưởng, hành động Kitô giáo là một thứ luân lý nô lệ.”1
Nhưng may thay đã có Chúa Thánh Thần và Người vẫn đang hoạt động từ xưa cho đến nay. Thiết tưởng chúng ta nên đọc lại một vài đoạn về Người trong sách Công vụ Tông đồ để thấy được vị trí và ảnh hưởng của Người trong Hội thánh. Sở dĩ nói đến Công vụ Tông đồ vì đó là một cuốn sách trong các sách Tân Ước nói về Chúa Thánh Thần nhiều hơn cả.
Trong mấy câu trích dẫn trên đây, phần trước là lời ngôn sứ loan báo từ ngàn xưa (Ge 3,1-3), phần sau là điều đã được thực hiện thời các Tông đồ (Cv 2). Quả vậy ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống cũng là ngày ứng nghiệm lời loan báo của các ngôn sứ, đặc biệt là ngôn sứ Gio-en (3,1-2). Ơn Chúa Thánh Thần được ban cho mọi người, dù có lúc thánh Phê-rô và các thánh Tông đồ khác chiếm một vị trí riêng và đóng một vai trò nổi bật. Khi giải thích cho quần chúng sự việc đang xảy ra trước mắt họ, thánh Phê-rô loan báo Chúa đã sống lại và cho biết thành quả của cuộc thọ hình là tuôn đổ Thần Khí. Các Tông đồ đã được tràn đầy Thần Khí: “Họ cầu nguyện xong thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.” (Cv 4,31)
Thần Khí được tuôn đổ xuống trên các Tông đồ ngày lễ Ngũ Tuần. Từ ngày ấy về sau, Thần Khí vẫn không rời khỏi các ông, nhưng mức độ cao thấp, mạnh yếu thì có thay đổi lên xuống tùy lúc tùy thời. Điều ấy giải thích được tại sao có phong trào Thánh Linh hiện nay. Tất cả những người đã chịu phép Rửa và phép Thêm sức đều đã nhận được ơn Chúa Thánh Thần, nhưng ơn ấy có thể hoạt động bất cứ lúc nào ở những mức độ khác nhau, theo như gió muốn thổi đâu thì thổi (Ga 3,8) nghĩa là theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.
2. Công vụ 5,3
3 “Ông Phê-rô mới nói: “Anh Kha-na-ni-a, sao anh lại để Xa-tan xâm chiếm lòng anh, khiến anh lừa dối Thánh Thần mà giữ một phần giá thửa đất.”
Trên đây là một câu nói về trường hợp ông Kha-na-ni-a bán đất đem nộp tiền cho các Tông đồ. Nhưng ông không nộp hết, còn giữ lại một phần. Hành động này bị coi như một lời nói dối. Nói dối người đại diện Hội thánh cũng là nói dối Chúa Thánh Thần. Hội thánh và Chúa Thánh Thần đồng hóa với nhau. Sự đồng hóa này cho thấy mối dây ràng buộc Hội thánh với Chúa Thánh Thần chặt chẽ như thế nào, khiến thánh I-rê-nê phải viết: “Ở đâu có Hội thánh, ở đấy có Thần Khí của Thiên Chúa. Ở đâu có Thần Khí của Thiên Chúa, ở đấy có Hội thánh và tất cả nguồn ân sủng của Người. Và Thần Khí chính là chân lý, là sự thật.”2 Nói dối ai là nói dối một người nào đó, ở đây nói dối Chúa Thánh Thần cũng là nói dối một người. Người đó là một Ngôi Vị, Ngôi Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa.
3. Công vụ 5,32 và 15,28
32 “Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng giữ Lời Người.”
28 “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này.”
Thánh Thần được trưng dẫn như người làm chứng và quyết định cùng với các Tông đồ. Như thế có nghĩa là Chúa Thánh Thần đóng một vai trò trọng yếu trong việc điều khiển Hội thánh và các Tông đồ là những người làm việc dưới quyền điều động và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Vai trò và ảnh hưởng của Người thật lớn lao.
4. Cv 8,29.39; 10,19; 13,2-4
29 “Thần Khí nói với ông Phi-líp-phê: “Tiến lên, đuổi kịp xe đó.” 39 Khi hai ông lên khỏi nước, Thần Khí Chúa đem ông Phi-líp-phê đi mất, và viên thái giám không còn thấy ông nữa. Nhưng ông tiếp tục cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỉ.”
19 “Ông Phê-rô vẫn còn phân vân về thị kiến thì Thần Khí bảo ông: “Kìa có ba người đang tìm ngươi.”
2 “Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay thì Thánh Thần phán bảo: “Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sao-lô cho Ta,để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm. 3 Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi. Vậy, được Thánh Thần sai đi, hai ông xuống Xê-lêu-ki-a, rồi từ đó đáp tàu đi đảo Sýp.”
Đọc những dòng trên đây, chúng ta thấy gì?
Trước hết là thấy Thánh Thần sai đi. Người sai ông Phi-líp-phê đi gặp viên thái giám để làm phép Rửa cho ông ấy. Thứ đến là Người sai ông Phê-rô tới gặp đại đội trưởng Co-nê-li-ô, giảng dạy rồi làm phép Rửa cho ông này và cả gia đình ông. Cuối cùng, Người chọn riêng ông
Phao-lô sai đi giảng dạy các người ngoại giáo.
Như vậy đã rõ là ở đây Chúa Thánh Thần đóng vai trò kêu gọi và sai phái. Người kêu gọi và sai đi làm việc tông đồ. Đó là nhiệm vụ của Hội thánh trong buổi sơ khai và mãi mãi sau này. Nếu không có Chúa Thánh Thần khơi động và thúc đẩy, chắc chắn công việc không thể tiến triển như chúng ta thấy. Vì thế phải nói là Chúa Thánh Thần đóng một vai trò rất quan trọng trong mọi sinh hạot của Hội thánh, nhất là trong công cuộc truyền giáo lúc ban đầu.
5. Công vụ 9,31
3 “Hồi ấy trong khắp miền Giu-dê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri, Hội thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông nhờ Thánh Thần nâng đỡ.”
Đây là một thời kỳ rất tốt đẹp: “Hội thánh được bình an và xây dựng vững chắc. Không còn hồ nghi gì nữa: cảnh tưởng đó là một ơn huệ lớn lao của Chúa Thánh Thần. Phải có bàn tay của Chúa Thánh Thần, Hội thánh mới được như vậy.
Còn nếu không được như thế thì sao? Đó cũng là do ý của Chúa Thánh Thần. Người muốn như thế để thanh luyện và làm cho Hội thánh ý thức rằng mình không có thành trì nào vững chắc ở trần gian. Có điều, dù vậy, Hội thánh vẫn không bị tan vỡ vì luôn luôn có Chúa Thánh Thần giữ gìn che chở. Người ta bảo rằng ít có khi nào Hội thánh được bằng yên năm mươi năm liền: được bằng yên ở chỗ này thì gặp rắc rối ở chỗ kia. Âu đó cũng là số phận thông thường của Hội thánh, và có như vậy Hội thánh mới tin vào sự nâng đỡ và sức hoạt động của Chúa Thánh Thần mà kiên trì tiến bước. Thông thường người ta dễ ru ngủ mình bằng những thành công và do đấy có thể bị sa lầy lúc nào chẳng hay. Có lẽ vì muốn cho Hội thánh phải luôn luôn cảnh giác mà Chúa Thánh Thần để cho Hội thánh sống trong tình trạng bấp bênh và an ninh tạm thời trong từng gian đoạn, để Hội thánh nhớ rằng mình vẫn phải cậy dựa vào Chúa Thánh Thần. Vả lại, Chúa Giêsu cũng đã nói: “Giả như anh em thuộc về thế gian thì thế gian yêu thương cái gì thuộc về nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em ra khỏi thế gian,nên thế gian ghét anh em.” (Ga 15,19)
Nếu từ trước đến nay, phần đông chúng ta quen nghĩ rằng Thánh Thần xa xôi và trừu tượng lắm, thì bây giờ qua mấy đoạn văn tiêu biểu trích dẫn trong sách Công vụ Tông đồ, chúng ta nên thay đổi lối nhìn và cách nghĩ về Người. Người ở trong chúng ta và giữa lòng Hội thánh. Người đã chỉ huy, điều khiển sinh hoạt của Hội thánh lúc ban đầu và luôn canh chừng Hội thánh trong suốt dòng lịch sử. Gần đây, Qua Công đồng Va-ti-ca-nô II, Người vẫn chứng tỏ sự hiện diện và gần gũi của Người bên cạnh Hội thánh. Nếu hiện nay, có những người thích cầu nguyện chung hay riêng một cách sâu sắc, thích trở về với sự chiêm niệm như xưa và nhấn mạnh đến việc ngợi khen Chúa, ước ao hiến mình trọn vẹn cho Chúa Kitô, luôn sẵn sàng đáp lại tiếng gọi của Thánh Thần, siêng năng đọc Kinh thánh nhiều hơn, tận tâm giúp đỡ anh em và sẵn sàng phục vụ Hội thánh thì chúng ta có thể coi đó là hoạt động kín đáo và mầu nhiệm của Thánh Thần, hồn sống của Hội thánh.3
Cuối cùng, nếu cố gắng mang Thánh Thần ở trong mình, chúng ta sẽ giống như những đồ vật sạch trong, khi được ánh mặt trời chiếu vào, sẽ trở nên rực rỡ và và phát ra một thứ ánh sáng mới. Những ai mang Thần Khí, được Thần Khí soi dẫn thì cũng thành những con người thiêng liêng chiếu giãi ân sủng lên những người khác như vậy.4
83. Thần Khí.
Trong tiếng Hípri, người ta dùng cùng một chữ để diễn tả “gió”, “hơi thở” và “thần khí”. Cũng như người ta không thể nhìn thấy gió mà chỉ thấy hậu quả của nó. Thần Khí của Thiên Chúa chỉ được nhận ra nơi những người được tác động và làm theo sự hướng dẫn của Thần Khí Thiên Chúa.
Hơi thở thì gắn bó chặt chẽ với sự sống; hơi thở là dấu chỉ của sự sống. Với phương pháo cấp cứu miệng qua miệng, chúng ta có thể đem lại sự sống cho một người mà phổi đã ngưng hoạt động, nhờ hơi thở ta.
Trong sách Sáng Thế, chúng ta đọc thấy Thiên Chúa thổi hơi vào Ađam và ông trở nên sống động. Khi Thiên Chúa chọn những người để thi hành các sứ vụ đặc biệt, chẳng hạn như ông Samson, vua Saun, vua Đavid và những người khác nữa, thì “thần khí của Thiên Chúa” cũng được ban cho họ. “Thần khí của Thiên Chúa” được xem như nguồn mạch của sự sống và của mọi thành tựu lớn lao của dân Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ.
Trong bối cảnh này, chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa việc Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ. Đó la dấu chỉ ngoài sự sống thể lý, họ còn lãnh nhận một sức sống thiêng liêng và họ được sai đi thi hành một sứ vụ lớn lao. Mọi sự đều biến đổi trong cuộc sống của họ. Sự sợ hãi đổi thành vui mừng và can đảm; sự dữ cua tội lỗi bị đánh bại bởi quyền năng của ơn tha thứ. Khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức, chúng ta cũng được lãnh nhận Chúa Thánh Thần một cách đặc biệt. Chúng ta được tái sinh và được tuyển chọn để thi hành một sứ vụ đặc biệt. Chúng ta trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần. Nghe có vẻ rất tốt đẹp, nhưng chúng ta có cảm nghiệm được quyền năng của Chúa Thánh Thần trong chúng ta không?
Thực ra, Chúa Thánh Thần không phai là vấn đề của cảm xúc, nhưng là việc chúng ta có mở lòng ra để Thần Khí của Thiên Chúa tràn vào cuộc sống của mình. Đó là việc chúng ta có sẵn sàng từ bỏ mọi kế hoạch, mọi ý riêng, và không tự mình hướng dẫn mình nhưng để cho Thần Khí dẫn dắt chúng ta. Dĩ nhiên, đây là một cuộc mạo hiểm nhưng là một cuộc mạo hiểm đem lại sự giải thoát. Một khi để cho Thần Khí của Thiên Chúa ban sự sống, tăng cường sức mạnh, như chúng ta đã nhìn thấy nơi cuộc đời của các thánh tông đồ sau ngày lễ Ngũ Tuần, thì cuộc sống của họ liền được biến đổi hoàn toàn. Tại sao không để cho Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong tâm hồn bạn, sử dụng quyền năng của Người mà biến đổi toàn diện cuộc đời của bạn?
Lạy Chúa, ngày xưa Chúa đã ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ và cuộc đời của các ngài đã được biến đổi hoàn toàn. Giờ đây, xin Chúa cũng ban Chúa Thánh Thần xuống trên con để con vượt thắng mọi trở ngại mà trở nên một môn đệ can đảm của Chúa giữa trần gian.
84. Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Qua bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, thánh Gioan tông đồ tường thuật lại việc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và sai các ông đi loan báo Tin Mừng Phục sinh cho muôn dân. Để các ông đủ khả năng để thi hành sứ vụ, thì liền sau đó, Chúa Giêsu đã trao ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ.
Hôm nay là lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, với Lời Chúa chúng ta vừa nghe, nói cho chúng ta biết hai bài học quan trọng về Chúa Thánh Thần: Bài học thứ nhất: Làm cách nào để có được Chúa Thánh Thần hiện diện trong cuộc đời của mình? Bài học thứ hai: Khi đã có Chúa Thánh Thần hiện diện trong đời mình, chúng ta phải làm gì?
1. Bài học thứ nhất: Phải làm gì để được Chúa Thánh Thần hiện diện trong cuộc đời của mình?
Chúng ta vừa nghe bài Phúc âm. Xin được hỏi, trong khi các môn đệ họp với nhau ở phòng tiệc ly, với tâm trạng sợ hãi, thì bất ngờ điều già xảy ra? (Chúa Giêsu hiện ra) Khi Chúa Giêsu hiện đến, Ngài ban bình an cho các môn đệ, ngài sai các ông đi rao giảng, và Ngài còn làm một điều quan trọng nữa là gì? (Ban Chúa Thánh Thần cho các ông). Như vậy, đến đây chúng ta hiểu rằng để có được Chúa Thánh Thần thì cuộc đời chúng ta phải có Chúa Giêsu, Chúa Giêsu là Đấng giới thiệu Chúa Thánh Thần cho chúng ta. Vậy để có Chúa Thánh Thần trong cuộc đời, chúng ta phải năng rước Chúa Giêsu vào lòng. Những ai chưa rước lễ hoặc những người gặp khó khăn trong đời sống đạo không thể rước Chúa được thì năng cầu nguyện với Chúa Giêsu mỗi ngày. Ngoài ra, để có Chúa Thánh Thần trong đời, chúng ta hãy tập thói quen sau khi ngủ một đêm, vừa thức dậy là đọc kinh sáng, dâng một ngày sống cho Chúa Thánh Thần. Bên cạnh đó, bất kỳ làm một điều gì đó cũng đều cầu nguyện với Chúa Thánh Thần để Ngài hướng dẫn. (Tóm lại cách để có Chúa Thánh Thần trong cuộc đời mình: 3 việc)
2. Bài học thứ hai: Khi đã có Chúa Thánh Thần hiện diện trong đời mình, các em phải làm gì?
Chúng ta hãy nhớ lại xem, khi thiên thần đến truyền tin cho Đức Mẹ thì nói rằng: Thánh Thần sẽ rọp bóng trên bà. Đức Mẹ được tràn đầy Chúa Thánh Thần sau khi nhận lời Thiên thần truyền tin. Sau đó, mẹ làm một việc bác ái được ghi trong Phúc âm là đi viếng thăm giúp đỡ bà chị họ là bà Isave. Còn Chúa Giêsu, khi chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần với hình chim Bồ câu đậu xuống trên người. Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Chúa Giêsu làm nhiều việc bác ái cho mọi người: chữa bệnh, tha tội, cho người chết sống lại, và cao điểm là chết trên Thánh giá chuộc tội nhân loại. Trong bài Tin Mừng hôm nay, các tông đồ được sai đi rao giảng Tin Mừng, rao giảng tình thương cứu chuộc của Chúa cho mọi người. Liền sau đó, Chúa Giêsu trao ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ để đi thực hiện sứ vụ tình thương. Đến đây, chúng ta hiểu rõ rằng, có Chúa Thánh Thần hiện diện trong đời, thì điều Ngài hướng dẫn chúng ta là yêu thương người khác. Việc yêu thương đối với chúng ta không phải là gặp người đi xin ngoài đường cho họ vài trăm ngàn. Mà đối với các em, bác ái là là hiếu thảo, vâng lời cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ những công việc nhỏ nhặt trong nhà như quét nhà, rửa chén, nấu cơm, lau bà; bác ái là biết nhường nhịn, không dành ăn, không dành chơi với em út mình; bác ái là vô lớp giáo lý không chơi để cho các bạn khác học; bác ái là ra đường gặp người lớn, gặp thầy cô biết chào hỏi;… bác ái là biết quan tâm giúp đỡ bạn bè cùng trường, cùng lớp với mình.
Chúng ta biết, giới răn trọng nhất của người Kitô hữu là sống yêu thương mà Chúa Thánh Thần là Đấng xuất phát từ tình yêu Chúa Cha và Chúa con mà ra. Do vậy, sống giới luật yêu thương trong đời sống đạo thì không thể thiếu Chúa Thánh Thần. Từ nay, xin mọi người hãy cố gắng cầu nguyện nhiều với Chúa Thánh Thần để luôn có Ngài hiện diện trong cuộc đời mình. Ngài sẽ giúp chúng ta hoàn thành tốt bổn phận yêu thương trong đời sống đạo để mai này được về Thiên đàng hưởng phúc với Thiên Chúa Ba Ngôi.
85. Sức mạnh.
Khi đến giảng cho dân chúng tại Êphêsô, thánh Phaolô đã hỏi họ: “Anh chị em đã lãnh nhận Thánh Thần chưa”? Tất cả mọi người có mặt lúc đó đều ngạc nhiên, nhìn nhau không hiểu gì hết. “Thánh Thần là gì? Thánh Thần là ai? Chúng tôi chưa hề nghe thấy ai nói đến nhân vật xa lạ đó, phương chi là đã lãnh nhận hay không”. Đó là câu trả lời của những người ở Êphêsô khi nghe thánh tông đồ hỏi họ về Chúa Thánh Thần.
Đối với chúng ta, chắc chắn khác hẳn những người ở Êphêsô, chúng ta đều đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, vì chúng ta đã chịu phép Rửa tội va Thêm sức. Nhưng có lẽ Chúa Thánh Thần vẫn còn là một nhân vật xa lạ trong tâm tư và trong cuộc sống của nhiều người chúng ta. Nói rằng chúng ta không nghe nói hoặc không biết gì về Chúa Thánh Thần thì không đúng, may ra chỉ biết hơn những người ở Êphêsô một chút thôi. Chúng ta đã được học về Chúa Thánh Thần, nhưng học quá sơ sài, quá vội vàng một chương sách giáo lý về Chúa Thánh Thần ngày chúng ta học giáo lý để rước lễ lần đầu hay thêm sức. Rồi từ đó, có lẽ Chúa Thánh Thần đã thành một người khách quý ghé thăm một lần xa xưa mà không để lại địa chỉ, thậm chí còn có thể tưởng tượng là Chúa Thánh Thần đã đến có một lần rồi đi luôn. Trong khi đó Chúa Thánh Thần có liên hệ thật sâu xa đến đời sống của Giáo hội và cuộc đời mỗi người chúng ta.
Tất cả chúng ta đều biết Chúa Thánh Thần là ngôi thứ ba, vì thế, chắc chắn không ai hiểu lầm là Chúa Thánh Thần chỉ bắt đầu có từ lễ Hiện Xuống, và cũng không phải đợi tới ngày Chúa Giêsu Phục sinh hoặc ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần mới bắt đầu hoạt động nơi trần thế, nhưng ngay từ đầu lịch sử loài người, Ngài đã hoạt đong, chỉ khác là trong Cựu ước, Ngài chưa hoạt động công khai, và người ta cũng chưa biết rõ Ngài. Với biến cố Hiện Xuống, mọi người hiểu thêm, hiểu rõ về Ngài và hoạt động của Ngài.
Quả thực, ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống thật là quan trọng, vì đánh dấu bắt đầu một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần, kỷ nguyên áp dụng ơn cứu độ. Bởi vì như Chúa Giêsu đã xác quyết với các môn đệ: Ngài vẫn tiếp tục ở với các ông, Ngài ở với các ông không bằng thân xác hữu hình nữa, nhưng cách thiêng liêng, nghĩa là bằng Chúa Thánh Thần. Như vậy, Chúa Thánh Thần nối dài sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi trần gian, nên Ngài cũng tiếp nối công trình cua Chúa Giêsu, và đưa công trình ấy đến chỗ hoàn thành, tức là công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu vẫn được tiếp tục thực hiện dưới sự hướng dẫn và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.
Quả thực, chúng ta thấy lịch sử Giáo hoi là một chuỗi dài những tác động của Chúa Thánh Thần. Khởi đầu với các tông đồ, ngày lễ Hiện Xuống, các ông đã lãnh nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Sức mạnh ấy đã khiến cho các ông ra khỏi bản thân khép kín và sợ hãi để đi khắp nơi loan báo Tin Mừng và lấy cái chết làm chứng cho Tin Mừng. Trước đây, ai cũng nghĩ rằng: các môn đệ tầm thường ấy không thể làm nên trò trống gì, nhưng lịch sử cho thấy các ông đã thực sự lam thay đổi thế giới. Rồi xuyên suốt hai ngàn năm qua, biết bao người đã tiếp nối sứ mạng của các tông đồ để Giáo hội được đứng vững và phát triển, tất cả cũng đều nhờ vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Cho tới ngày hôm nay, sức mạnh của Chúa Thánh Thần vẫn còn được ban cho Giáo hội và mỗi người chúng ta, vẫn còn là sức sống của Giáo hội và mỗi người chúng ta. Không phải là sức mạnh chuyển núi rời sông, chuyện này từ xưa vua Pharaon của Ai Cập đã làm được, khi trưng dụng hàng ngàn nô lệ vào công việc phá núi, chuyển đá, dựng nên các kim tự tháp. Và ngày nay, người ta dùng mìn nổ, máy xúc đất, máy hút bùn, cần trục… thừa sức làm hơn các Pharaon.
Nhưng không một sức mạnh nào của khoa học kỹ thuật hay quyền lực thế gian… làm mềm được trái tim con người đã thành sắt đá, hay chuyển đổi con người từ cõi âm u, của lạnh nhạt, ghen ghét, hận thù qua miền ánh sáng của tình nghĩa, của yêu thương. Chỉ “quyền năng của Chúa Thánh Thần”, chỉ sức mạnh của lòng tin bằng hạt cải ngày hôm qua cũng như ngày hôm nay có thể đẩy một Kôn-bê bước lên mấy bước để tình nguyện chết thay cho một bạn tù còn trách nhiệm với một vợ và bảy con. Hoặc là có thể đưa một bà cụ trên 80 tuổi như mẹ Têrêxa Calcútta tiếp tục đi từ nước này đến nước khác, kể cả Việt Nam, để phục vụ những con người khốn khổ nhất. Hoặc là có thể khiến một dì Hai Bến Sắn, chỉ nắm lấy tay, nói một lời, là đưa được anh người phong nào đó”dữ lắm”, không vừa ý ai là anh cắn, ngay cả đến công an cũng chịu thua anh, từ chợ Bến Thành trở về trại phong Bến Sắn.
Chỉ quyền năng Chúa Thánh Thần, chỉ sức mạnh của lòng tin ngày hôm nay cũng có thể khiến từng em bé bẻ đôi chiếc bánh ngọt chia cho bạn mình ở sân trường, hoặc là đẩy người hàng xóm vượt qua được khoảng đường hẻm, chỉ rộng không quá hai mét, nhưng sẵn tỵ hiềm cao hơn núi, nghi kỵ sâu hơn sông, để chào hỏi người hàng xóm ở đối diện nhà mình. Chính sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã giúp cho lòng chung thủy thầm kín của vợ chồng với nhau, đã giúp cho các bà mẹ gia đình chu toàn bổn phận trong âm thầm, đã tăng nghị lực, can đảm cho người bạn trẻ chống lại các cám dỗ, đã giúp cho người tín hữu ham thích cầu nguyện trong thinh lặng, kiên nhẫn trong lúc đau khổ và vui mừng vì có lương tâm ngay thẳng… Chúng ta có thể kéo dài bảng thống kê này thành một bài mô tả tất cả đời sống Kitô hữu. Đó là công trình của Chúa Thánh Thần đang tác động trong thế giới và nơi mỗi người.
Tóm lại, trong mạch sống của Giáo hội, tác động của Chúa Thánh Thần thật vô cùng quan trọng cho Giáo hội cũng như cho mỗi người để sống đức tin và bác ái. Nhưng chúng ta hãy nhớ: Chúa Thánh Thần là Đấng phù trợ, nghĩa là nâng đỡ, trợ giúp chúng ta chứ không làm thay chúng ta. Chúng ta phải cố gắng làm hết sức mình, hết khả năng mình, phải học hỏi, phải nghiên cứu, phải thực hiện hết sức mình, Chúa Thánh Thần sẽ phù trợ thiện chí của chúng ta, Ngài không làm thay chúng ta. Nói cách khác, chúng ta phải hợp tác với Chúa và sử dụng mọi phương tiện thông thường Ngài ban trước khi chúng ta cầu xin Ngài can thiệp vào một số trường hợp đặc biệt. Ai trong chúng ta cung biết câu châm ngôn cổ xưa: “Hãy tự giúp mình trước, rồi trời sẽ giúp mình sau”, và như thế có thể nói: Chúng ta phải tự mình làm trước, rồi Chúa Thánh Thần sẽ trợ giúp cho.
86. Ngôn ngữ tình yêu.
Tôi xin bắt đầu phần chia sẻ sáng hôm nay bằng câu chuyện về ngọn tháp Babel trong Cựu ước.
Bấy giờ thiên hạ chỉ nói một thứ tiếng, sau khi định cư tại đồng bằng Senna, họ bàn luận với nhau:
– Ta hãy nung gạch và xây một ngọn tháp chọc trời, trước khi phân tán tới mọi miền trên mặt đất.
Trước ý định đầy kiêu căng và ngông cuồng này, Thiên Chúa đã khiến tiếng nói của họ trở nên lộn xộn, người này không còn hiểu được người kia. Thế là họ đành phải ngưng việc xây tháp và ra đi mỗi người một ngả.
Đây chỉ là một hình ảnh tượng trưng nói lên tính kiêu căng và tình trạng chia rẽ của con người.
Thế nhưng, nhìn vào ngày lễ hôm nay, chúng ta thấy khác hẳn. Thực vậy, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, một tình trạng mới đã được nảy sinh.
Sách Tông đồ Công vụ kể lại:
Bấy giờ các môn đệ đang tụ họp ở một nơi, bỗng dưng có tiếng từ trời đến, ào ào như gió thổi, ùa vào nhà nơi các ông đang hội. Lại thấy có hình lưỡi lửa tản ra và đỗ trên từng người. Tất cả đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần và bắt đầu nói được nhiều thứ tiếng khác nhau.
Trong thời gian lễ Ngũ tuần, có nhiều người Do thái từ khắp các nơi trở về Giêrusalem. Nghe tiếng ồn, họ liền tuốn đến. Và ai nấy đều bỡ ngỡ vì mỗi người đều nghe các tông đồ nói tiếng của mình.
Họ ngạc nhên và bàn tán cùng nhau:
– Phải chăng chúng ta đều nghe họ dùng tiếng thổ âm cua mình mà nói đến những sự cao trọng của Thiên Chúa.
Đây chính là một cuộc tụ họp đông đảo kể từ thời ngọn tháp Babel, trong đó mọi người đều hiểu được nhau và cảm thông với nhau. Sở dĩ như vậy là do tác động của Chúa Thánh Thần.
Qua hình ảnh lưỡi lửa và ơn nói nhiều thứ tiếng nơi các tông đồ, tôi nhận thấy ngôn ngữ Chúa Thánh Thần đã dùng để liên kết và tạo lấy sự cảm thông chính là thứ ngôn ngữ của tình yêu.
Thiếu vắng Ngài, thiếu vắng tác động của Ngài, hay nói đúng hơn, thiếu vắng tình yêu, chúng ta không thể hiểu biết nhau, xích lại gần nhau và cảm thông với nhau, để rồi hận thù sẽ bùng nổ.
Vào năm 1887, một người Ba Lan tên là Zamenhof, đã tạo ra và cổ động cho một thứ ngôn ngữ quốc tế, để mọi người có thể sử dụng một cách dễ dàng. Tuy nhiên, thứ ngôn ngữ quốc tế này đến nay vẫn giậm chân tại chỗ và thế giới vẫn còn tràn ngập những hận thù và chiến tranh. Sở dĩ như vậy vì người ta không sử dụng thứ ngôn ngữ của tình yêu và không đặt tình yêu làm nền tảng cho mọi mối liên hệ.
Tôi nghĩ rằng tình yêu chân chính, được coi như là hoạt động của Chúa Thánh Thần, sẽ là một thứ ngôn ngữ mà ai cũng có thể hiểu được. Nó không phải chỉ được nói bằng lời, bằng tiếng, mà còn được nói bằng thái độ, bằng cử chỉ, bằng việc làm và bằng cả cuộc sống ngập tràn tình bác ái của mình.
Thực vậy, ai trong chúng ta cũng có thể hiểu được một ánh mắt thông cảm, một cử chỉ thân thiện, hay một việc làm giúp đỡ. Thứ ngôn ngữ tình yêu này không phải chỉ giúp chúng ta hiểu được nhau, mà hơn thế nữa, còn giúp chúng ta hiểu được chính Thiên Chúa và tiến đến với Ngài. Vì Thiên Chúa là gì, nếu không phải là tình yêu như thánh Gioan đã định nghĩa.
Rất nhiều khi nhờ những hành động bác ái yêu thương mà những kẻ tội lỗi biết đường ăn năn trở về cùng Chúa.
Trong đời sống gia đình cũng như trong sinh hoạt xã hội, đừng nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ của hận thù, của đấm đá. Đừng nói với nhau bằng ngôn ngữ của chia rẽ, của nghi kị.
Nhưng hãy nói với nhau bang thứ ngôn ngữ của tình yêu, ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần. Vì ngôn ngữ của tình yêu chính là ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần, là thứ ngôn ngữ tạo được sự cảm thông và là thứ ngôn ngữ bất cứ ai cũng có thể hiểu được.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy thắp lên trong lòng chúng con ngọn lửa tình yêu Chúa.
87. Sức mạnh.
Có một câu chuyện kể rằng: Một hôm thần dữ Satan triệu tập tất cả các sứ giả của hắn lại, để sai đến trần gian với sư mạng duy nhất là giải thích cho con người biết Thiên Chúa đã chết rồi. Các sứ giả ra đi. Nhưng không bao lâu sau tất cả trở về. Thần dữ Satan ngạc nhiên hỏi: “Tại sao các ngươi thực hiện công tác nhanh như thế, hay là có chuyện gì trục trặc?”. Các sứ giả đồng thanh đáp: “Thưa ngài, chúng tôi không còn việc gì để làm nữa. Bởi vì tất cả những nơi chúng tôi đi qua trên trần gian, nơi nào con người cũng sống như thể Thiên Chúa đã chết thật rồi. Họ ghen ghét nhau, họ gian tham, trộm cắp, sa đọa, họ chém giết nhau… không có gì xấu mà con người không làm. Dù nhiều người vẫn còn xưng mình là kẻ tin Thiên Chúa, nhưng cách sống của họ không hề biểu lộ niềm tin này, mà ngược lại như là loan báo Thiên Chúa đã chết rồi. Như vậy chúng ta đâu cần tốn công thuyết phục con người nữa”.
Con người sống như thể Thiên Chúa đã chết. Đó là một lời cảnh tỉnh nghiêm trọng đáng cho chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu, suy nghĩ để kiểm điểm lại đời sống của mình. Vài chục năm gần đây, người ta tỏ ra lo ngại cho Giáo hội, khi thấy có một số đông Kitô hữu tại nhiều nước Au Châu dửng dưng với đạo. Đạo hầu như chẳng còn ảnh hưởng gì đối với họ; đạo hầu như đứng ngoài cuộc sống của họ. Phải chăng Kitô giáo đã qua những ngày hưng thịnh và đang đi vào giai đoạn lụi tàn? Phong trào “thời mới”, một phong trào mang tính tôn giáo huyền bí hàm hồ, đang phát triển tại Mỹ và Au Châu xác tín rằng: kỷ nguyên Kitô giáo sắp qua đi và một kỷ nguyên mới với một tôn giáo mới đang xuất hiện.
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã đến trần gian để thi hành sứ mạng cứu chuộc loài người. Ngài đã sống kiếp người như chúng ta, Ngài đã giảng dạy, loan báo Tin Mừng. Cuối cùng, Ngài đã chấp nhận đau thương và chết nhục nhã trên thập giá để hoàn tất sứ mạng cứu chuộc của Ngài. Ngài đa chết thật, nhưng không phải là chết luôn, trái lại, Ngài đã sống lại và sống mãi. Ngài vẫn hiện diện trên trần gian dưới nhiều hình thức, đặc biệt là qua Chúa Thánh Thần.
Quả thực, ngay từ khi tại thế, Chúa Giêsu đã sống dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, nhưng Ngài chưa ban Thánh Thần cho các môn đệ. Chúa Giêsu phải ra đi, rồi mới cử Thánh Thần đến với họ được, nghĩa là Ngài phải được tôn vinh, mới có thể ban Thánh Thần cho ho. Vì thế, ngay buổi chiều ngày Phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra thổi hơi vào các môn đệ và ban Thánh Thần cho họ; đồng thời ban cho họ quyền tha tội. Như vậy, Chúa Giêsu đã ban Chúa Thánh Thần, và các tông đồ đã nhận được Chúa Thánh Thần ngay chiều ngày Phục sinh.
Tuy nhiên, để đánh dấu việc các tông đồ thực sự thoát khỏi tình trạng “khép kín” vì sợ hãi hay nuối tiếc quá khứ, và “mở cửa” lao mình về phía trước để công bố Tin Mừng Phục sinh cho các dân tộc, đem ơn hòa giải đến cho mọi người, hầu qui tụ mọi người vào trong đại gia đình của Thiên Chúa… Chúa Thánh Thần đã hiện xuống với các tông đồ một cách long trọng và rõ ràng với những dấu hiệu bề ngoài như gió thổi mạnh, lưỡi lửa xuất hiện trên đầu họ. Gió và lửa là những dấu hiệu để chứng tỏ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Và liền theo đó, mọi người được tràn đầy Chúa Thánh Thần.
Như vậy, Chúa Thánh Thần đã đến với các tông đồ, đã biến đổi họ thành những con người mới, đã tác động nơi họ để họ trở thành những chứng nhân cho Đức Kitô và loan báo Đức Kitô cho mọi người. Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa và ngọn lửa Ngài đậu trên đầu các tông đồ không gì khác chính là ngọn lửa tình yêu. Chính ngọn lửa đó đã thúc giục các tông đồ mở toang cánh cửa đã đóng kín vì sợ hãi, để mạnh dạn ra đi loan báo Tin Mừng tình yêu. Từ đó cho đến nay, Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hoạt động nơi từng con người thiện chí, từng Kitô hữu, đang hăng say hoạt động để đem chân lý, bình an, yêu thương và hy vọng đến với những người chung quanh.
Mỗi người Kitô hữu hôm nay cũng đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần khi chịu phép Rửa tội và Thêm sức. Nhưng chúng ta đã cộng tác với Chúa Thánh Thần thế nào? Chúng ta có để Chúa Thánh Thần gọt giũa, loại bỏ khỏi chúng ta tính ích kỷ, hẹp hòi không? Chúng ta đã làm gì và đang làm gì cho thế giới này, cho những người sống chung quanh chúng ta được sưởi ấm bởi ngọn lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận? Thật là đau đớn cho Thiên Chúa và Giáo hội khi những người mang danh Kitô hữu, những môn đệ của Chúa, lại sống ích kỷ, ghen ghét nhau, cạnh tranh nhau… Nếu ngày nay biết bao người chưa biết đến tình yêu thương của Chúa, có lẽ một phần trách nhiệm là do chúng ta; có lẽ chúng ta phải đấm ngực mình mà nhận rằng: vì chúng ta chưa sống tốt, chưa làm chứng nhân, vì trong chúng ta còn nhiều ích kỷ, nhỏ nhen, hẹp hòi…
Mừng lễ Chúa Thánh Thần, Giáo hội nhắc nhở chúng ta vai trò quan trọng cua Chúa Thánh Thần trong cuộc sống từng người chúng ta, và mời gọi chúng ta cùng cộng tác với Chúa Thánh Thần để đổi mới chính mình, đổi mới cuộc sống của mình, để cuộc đời chúng ta trở thành chứng tá cho Thiên Chúa tình yêu. Chúng ta phải dùng chính cuộc sống tốt lành của mình để làm chứng cho Thiên Chúa hằng sống, để xác quyết rằng: Thiên Chúa đang sống và đang hành động trong trần gian.
88. Cầu nguyện.
Trong các Tin Mừng, chúng ta có được một phần trong lời cầu nguyện long trọng của Đức Giêsu tại bữa Tiệc Ly. Ở đây, Người cầu nguyện cho các môn đệ, mà Người sắp bỏ lại, để thực hiện công trình của Người. Tương tự như Chúa Cha đã sai Đức Giêsu đi vào thế gian này, Đức Giêsu cũng sai các môn đệ đi khắp thế giới. Họ phải mang lời của Người đến với những kẻ khác. Trong suốt bữa Tiệc Ly, khi biết rằng chẳng bao lâu nữa. Người sẽ rời bỏ họ, Đức Giêsu đã cầu nguyện vơi Cha trên trời cho họ. Người cũng cầu nguyện cho cả chúng ta nữa. Người cầu xin những ơn gì vậy?
Người cầu xin cho họ giữ được lòng trung thành “Xin giữ các môn đệ mà Cha đã ban cho con trong danh Cha”. Công việc của chúng ta không phải là sự thành công, nhưng chỉ cần lòng trung thành mà thôi.
Người cầu xin cho sự hiệp nhất giữa họ: “Để họ nên một như Cha và Con là một”. Sự không hiệp nhất giữa các môn đệ ảnh hưởng xấu đến việc làm chứng của họ.
Người cầu xin cho họ được thánh hiến trong sự thật: “Xin cho họ được thánh hiến trong sự thật”. Sự thật ở đây là Đức Giêsu chính là Đấng mặc khải về Thiên Chúa vô hình.
Và Người cầu xin cho họ được chiến thắng vượt lên trên sự dữ: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần”. Các môn đệ được sai đi để thách đố thế gian, để chuyển từ bóng tối đến ánh sáng. Trong việc mang lời chứng, họ phải chuẩn bị để chịu sự ghét bỏ của thế gian.
Như vậy, Người cầu xin cho lòng trung thành, hiệp nhất, sự thật và chiến thắng vượt lên trên sự dữ.
Người nhìn thấy trước rằng cuộc sống sẽ khó khăn đối với họ, nhưng Người không cầu xin cho họ được miễn phải chịu đựng thử thách và đau khổ, nhưng cầu xin cho họ giữ được lòng trung thành, bất chấp những yếu tố đó. Người không đưa ra cho họ một lối giải thoát khỏi các vấn đề, nhưng cầu xin cho ho sức mạnh để đương đầu với những vấn đề đó.
Thật sai lầm khi than phiền với Thiên Chúa về những rắc rối của chúng ta. Thiên Chúa ở với chúng ta trong những lúc chúng ta bị thử thách. Chúng ta phải hướng tới Người, trong những lúc gặp rắc rối, để được an ủi, sức mạnh, kiên nhẫn và hy vọng.
Đây là cách Mà Đức Giêsu đã cầu nguyện cho các tông đồ của Người, và cũng là cách mà chúng ta nên cầu nguyện. Chúng ta cầu xin không phải để đươc miễn chịu thử thách, nhưng xin Thiên Chúa giúp đỡ chúng ta đương đầu với bất cứ thử thách nào, mà cuộc đời gửi đến chúng ta.
89. Yêu thương nhau.
Một người đàn ông đi đến cổng thiên đàng, tại đó, ông gặp thánh Phêrô và Kẻ Biện Hộ cho ma quỉ. Cả hai người đều xem xét bản báo cáo của ông ta.
Kẻ biện hộ cho ma quỉ nói “Ông ta không phải là một người nhiệt thành lắm. Ông ta quá lơ đễnh và vô tư. Ông ta có thể làm được nhiều điều tốt đẹp hơn cho bản thân”.
Thánh Phêrô nói “Đúng vậy. Ông ta có thể kiếm được nhiều tiền, nhưng ở đây, tôi nhận thấy rằng ông ta là một người hàng xóm tốt, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác”.
Kẻ biện hộ cho ma quỉ nói “Nếu ngài hỏi tôi, tôi sẽ nói rằng ông ta quá hào phóng về tài sản riêng của ông ta. Người ta nhìn vào ông ta như là một người quá dễ tiếp cận, thậm chí còn hơi điên rồ nữa”.
Thánh Phêrô nói “Có lẽ ông ta hơi hào phóng. Và sự thật là đôi khi, người ta lợi dụng được ông ấy. Nhưng đó không phải là một tội”.
Kẻ biện hộ cho ma quỉ vội vàng bổ sung “Ồ, ông ta cũng phạm tội nữa. Đôi khi, ông ta vẫn có thể dập tắt được cơn nóng gian của ông ta, và khi làm như vậy, ông ta vẫn có thể sử dụng một số ngôn ngữ chọn lựa chứ”.
Đến đây, thánh Phêrô trả lời “Nhưng tôi nhận thấy ông ta không hề giữ lòng hận thù hoặc bất mãn. Ông ta nhìn vào mối hận thù như là một thứ thuốc độc vậy. Đối với ông ta, bất cứ lối trả thù nào cũng đều đáng căm ghét cả”.
Kẻ biện hộ cho ma quỉ kháng cự lại “Nhưng ông ta không phải là một người đạo đức cho lắm. Không có dấu hiệu nào cho thấy ông ta được gọi là một con người thánh thiện. Và chắc chắn rằng không một người nào có thể được vào thiên đàng, mà không sống thánh thiện”.
Thánh Phêrô phản đối “Đúng vậy, nhưng sống thánh thiện có nghĩa là gì vậy? Đối với tôi, rõ ràng chúng ta đang giải quyết cho một người không có khả năng gây đau khổ cho người khác, một con người có lòng thương xót, hết sức trung thực trong tất cả mọi hành động, tôi sẽ để cho ông ta vào”.
Kẻ biện hộ cho ma quỉ kêu lên “Xin ngài chờ một phút! Tôi chưa nói xong. Ông ta còn một tội khác nữa, mà tôi sắp nói ra đây”
Thánh Phêrô nói cụt ngủn “Tôi không muốn nghe nói về bất cứ lỗi nào của ông ta nữa. Tôi chỉ thích một điểm duy nhất: Ông ta là một con người tử tế, một người biết yêu thương. Đó là một điều quan trọng. Và thế là đủ rồi”.
Với câu nói đó, ngài để cho người đàn ông này đi vào thiên đàng.
Thánh Gioan nói với chúng ta rằng Thiên Chúa là tình yêu (Bài đọc 2). Chính Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước. Thiên Chúa không yêu thương chúng ta bởi vì chúng ta tốt lành. Và bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta, nên chúng ta phải yêu thương nhau. Chúng ta bày tỏ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa, bằng cách yêu thương nhau.
Thánh Phêrô nói “Tình yêu thương che lấp được rất nhiều tội lỗi…”. Khi Phêrô chối Đức Giêsu, Người đã không hề xua đuổi ông đi. Người vẫn tiếp tục yêu thương ông. Và Người đòi hỏi Phêrô phải đáp trả lại điều gì? “Hãy chăm sóc đàn chiên của Thầy”. Nói cách khác, Người đòi hỏi ông phải chứng tỏ lòng mến của ông, bằng cách chăm sóc những anh chị em trong cộng đoàn.
Cuộc sống của Kitô hữu không phải là sự theo đuổi các nhân đức đưa dẫn tới sự hoàn thiện của tình yêu, nhưng là một quá trình bắt đầu bằng tình yêu, và phát triển đến mức độ hoàn hảo, khởi sự tư điểm bắt đầu này. “Căn bệnh lớn nhất của thế giới ngày nay, đó là sự thiếu vắng tình yêu” (Mẹ Têrêsa). Tình yêu là tất cả mọi sự. Tình yêu đòi hỏi điều tốt đẹp nhất nơi chúng ta, và mang lại cho chúng ta điều tốt đẹp nhất.
90. Hiện hữu mới.
Trong thời Thế Chiến II, có rất nhiều binh lính đóng đô trên những hòn đảo ngoài Thái Bình Dương. Trong thời điểm đầu của thế chiến, các binh lính phải sống trong những túp lều và ăn uống trong những dãy nhà bê bối không có tủ lạnh hay những tiện nghi.
Những chuyên viên dinh dưỡng của chính phủ muốn cho các binh sĩ này có những thức ăn như sữa và trứng. Thế nhưng, điều này không thể thực hiện, bởi vì không có tủ lạnh để chứa. Nếu những binh sĩ muốn những thức ăn như thế, thì những thức ăn này phải được biến đổi thành trạng thái khác mà không cần đến tủ lạnh.
Và như thế, một loại thức ăn mới đã được biến chế: thức ăn bột. Trứng và sữa đã được biến dạng thành bột, đóng hộp, và di chuyển đến những binh sĩ ngoài Thái Bình Dương.
Chỉ cần quậy thức ăn bột với nước lã là các binh sĩ sẽ có trứng và sữa trong một hình thể mới – một hình thể mà có thể dọn bữa hằng ngày mà không cần đến tủ lạnh.
Câu chuyện trứng sữa có liên quan gì đến Ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống chúng ta mừng kính hôm nay?
Lễ Hiện Xuống đánh dấu một thời điểm mà Thiên Chúa bắt đau ngự trị giữa dân Ngài trong một hình thức hoàn toàn mới mẻ.
Qua 30 năm, Thiên Chúa đã ngự giữa dân Ngài bằng hình thức con người Chúa Giêsu. Thế nhưng, Chúa Giêsu thật sự là một con người, sự hiện diện của Ngài giữa dân Thiên Chúa bị giới hạn chỉ trong quãng cuộc sống nhân loại mà thôi.
Quả thật, nếu Thiên Chúa còn tiếp tục ngự trị giữa chúng ta sau quãng đời sống của Chúa Giêsu, thì sự ngự trị này phải bằng một hình thức khác với thân xác nhân loại.
Lễ Hiện Xuống đánh dấu một thời điểm khi Thiên Chúa khởi đầu ngự trị giữa chúng ta trong một hình thức hoàn toàn mới lạ, không phải qua con người thể xác của Chúa Giêsu, nhưng trong sự hiện diện thần linh của Chúa Thánh Thần.
Và như thế, câu truyện biến chế sữa và trứng cho chúng ta một khái niệm về việc biến dạng của sự hiện diện Thiên Chúa giữa chúng ta được bắt đầu vào Ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Tuy thế, Lễ Hiện Xuống còn đánh dấu sâu xa hơn cuộc biến dạng của sự hiện diện Thiên Chúa giữa chúng ta. Nó còn đánh dấu sự biến dạng của sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa chúng ta. Giờ đây Chúa Giêsu hiện diện giữa chúng ta cũng trong một hình thể khác.
Giờ đây, Ngài hiện diện giữa chúng ta không phải như là một người sống bên chúng ta, nhưng mà là một người sống trong chúng ta.
Đấy chính là những gì Chúa Giêsu có ý muốn nói khi Ngài phán dạy các môn đệ của Ngài, “Ta ra đi, thì ích lợi hơn cho các ngươi.” Và lại một lần nữa, khi Ngài dạy họ, “Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu; Ta sẽ “lại” đến với các ngươi.”
Và như thế, Lễ Hiện Xuống đánh dấu một thời điểm khi Thiên Chúa và Chúa Giêsu khởi đầu ngự trị giữa chúng ta trong một hình thức hoàn toàn mới lạ.
Ngoài việc là ngày khởi đầu của sự hiện diện mới của Thiên Chúa giữa từng cá nhân chúng ta, nó còn chính là ngày khởi đầu của sự hiện diện mới của Thiên Chúa giữa chúng ta nói chung. Vì chưng, Chúa Giêsu ngự trong chúng ta, chúng ta được liên kết với Ngài trong một hình thức mới. Chúa Giêsu phán với các môn đệ của Ngài trong bữa Tiệc Ly:
“Đến ngày ấy “khi Thánh Thần đến” các con sẽ nhận biết rằng Ta ở trong Cha và các con ở trong Ta cũng như Ta ở trong các con vậy.”
Và qua việc liên kết mới của chúng ta với Chúa Giêsu đó, giờ đây chúng ta hiep thành một nhiệm thể với Ngài. Thánh Thần liên kết chúng ta nên những gì mà Thánh Phaolô gọi là Thân Thể Chúa Kitô.
Quả thật, Lễ Hiện Xuống không chỉ là ngày khởi sự của sự hiện diện mới của Thiên Chúa giữa từng cá nhân chúng ta, nó còn chính là ngày khởi sự của sự hiện diện mới của Thiên Chúa giữa chúng ta nói chung.
Nó chính là ngày sinh nhật của Thân Thể Chúa Kytô, là Giáo Hội. Nó cũng chính là ngày sinh nhật của một gia đình Thiên Chúa mới.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận biết rằng mối dây liên kết mới này nói cho chúng con một trách nhiệm mới. Trách nhiệm đó là việc truyền bá Phúc Âm không chỉ trong giáo xứ chúng con nhưng còn khắp tận cùng trái đất.
91. Nhờ Chúa Thánh Thần
“Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.
Có rất nhiều cách gọi về Chúa Thánh Thần và những tên gọi đó nói lên những công việc mà Chúa Thánh Thần chuyên làm. Ví dụ như Đấng Bảo Trợ, Thần Chân Lý, Đấng An Ủi, Thần Khí Lời Hứa, Thần Khí Đức Chúa, Thần Khí Vinh Hiển. Và chính nhờ những khả năng “bẩm sinh” đó mà Chúa Thánh Thần đã nâng đỡ cho con người trên mọi nẻo đường của cuộc sống cũng như giúp cho con người gắn kết với Thiên Chúa nhiều hơn.
Chính nhờ bàn tay đa tài của Chúa Thánh Thần mà chúng ta được tái sinh và được nhận biết Cha làm con Chúa qua phép rửa bởi Thánh Thần. Ta hãy nghe lời của Thánh Irênê: “Bí Tích Thánh Tẩy ban cho chúng ta ơn tái sinh trong Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Vì những ai mang trong lòng Thánh thần của Thiên Chúa, họ được dẫn đến Ngôi Lời, nghĩa là Ngôi Cha. Chúa Con dâng họ cho Chúa Cha và Chúa Cha ban cho họ sự sống bất diệt. Vậy không có Thánh Thần thì không thể thấy Thiên Chúa Cha, không có Chúa Con không ai đến gần Chúa Cha, vì chỉ có Chúa Con mới nhận biết Chúa Cha, và nhận biết Chúa Cha là nhờ Chúa Thánh Thần”. Vậy chính Thánh Thần là Đấng khởi sự niềm tin và khơi nguồn sự sống cho chúng ta. Nhờ Thánh Thần mà ta nhận biết Chúa Cha và Đấng Cha đã cử đến là Đức Giêsu Kitô (x. Ga 17,3). Thánh Phaolô đã nhấn mạnh lại điều này: “Nếu không được Thánh Thần giúp sức cho không ai có thể nói rằng: Giêsu là Đức Chúa” (1 Cr 12,3). Rồi cũng phải nói thêm rằng, nếu không có Thánh Thần chúng ta không thể giữ được niềm tin ấy. Đức Giêsu đã hứa cho chúng ta nghị lực của Thánh Thần để bên vực giúp ta “bước đi vững vàng theo thánh chỉ và thi hành những ước muốn của Người”, giúp chúng ta đối mặt với kẻ thù. “Anh em đừng sợ phải nói gì vì Thánh Thần sẽ nói trong anh em”. Đó là một lời hứa đã có từ trong Cựu Ước – thời mà Thánh Thần còn mù mờ trong con mắt của con người. “Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm” (Ge 3,1). Lời ấy được thực hiện trong ngày lễ Ngũ Tuần. Các tông đồ đầy tràn Thánh Thần, bắt đầu lên đường loan tin mừng Chúa phục sinh mà không sợ hãi bất cứ một thế lực nào. Nếu các ngài không có “lửa” của Thánh Thần thì các ngài không thể làm được việc gì. Như lời Phaolô khẳng định: “Thần Khí mà chúng ta lãnh nhận không phải là Thần Khí nhát sợ”.
Thánh Thần còn làm cho cuộc sống chúng ta nên mật thiết với Thiên Chúa hơn. “Nhờ Thánh Thần mà chúng ta sống chứ xác thịt nào có ích gì” (Ga 6, 63). Nhờ thánh Thần mà trong tâm tình nghĩa tử chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha và trờ nên đồng thừa tự. “Cha của Thầy cũng là Cha của Anh em”. “Vì đã chịu phép rửa trong cùng một Thánh Thần nên chúng ta đầy tràn một Thánh Thần duy nhất” (1 Cr 12,13). “Chính thánh Thần là nước trường sinh chảy ra từ cạnh sườn Đức Kitô chịu đóng đinh thập giá và chảy thành sự sống đời đời cho chúng ta” (GLHTCG 694). Và trong tư cách là Đấng Bảo Trợ, Thánh Thần sẽ giúp đỡ cho chúng ta là những kẻ yếu hèn. “Chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8, 26). Cũng do Thánh Thần biết rõ chúng ta cần gì và điều gì thì đẹp ý Chúa hơn nên khi Thánh Thần cầu xin thì chúng ta được Chúa dễ dàng được nhậm lời.
Chúa Thánh Thần quan trọng trong cuộc đời chúng ta. Chính Đức Kitô đã phải chết để cho chúng ta nhận lãnh dồi dào Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, gần như chúng ta ít khi nghĩ về Chúa Thánh Thần và cầu xin cùng Ngài, nghe theo sự hướng dẫn của Ngài. Ngài chính là nội lực dẫn dắt chúng ta về với sự thật và tình yêu. Không nhờ Thánh Thần chúng ta không sinh được hoa trái nào tốt đẹp. Mất Chúa Thánh Thần đời chúng ta như cây không còn nước: khô khan, mệt mõi, lạnh lẽo và sẽ chết dần chết mòn. Vậy chúng ta hãy sám hối để được tha tội và anh em sẽ được ân huệ Thánh Thần (x. Cv 2, 38).
“Lạy Chúa Thánh Thần, xin sự thánh thiện của Người hoạt động trong con, để con có thể nghĩ về Thiên Chúa; đánh động con, để con có thể hành động cho Thiên Chúa; khích lệ con để con có thể yêu mến Người; tăng sức cho con, để con có thể trung tín với Người; xin giữ con để con không bao giờ lìa bỏ Người” (Thánh Augustinô. Trích từ bài giảng số 17 của Thánh Gioan Maria Vianney).
92. Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Hiện Xuống, chúng ta kỷ niệm việc Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trên các Thánh Tông Đồ. Mừng lễ hôm nay, chúng ta vui mừng và xác tín vì chúng ta có một chuyên viên toàn năng, thông biết mọi sự, sẵn sàng và có thể hướng dẫn chúng ta trong những nỗi khó khăn.
Bài Phúc Âm hôm nay (Ga 20, 19-23) diễn tả niềm vui và cảm nghiệm quí báu nhất của các Tông Đồ khi xem thấy Chúa, Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín. Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình anh cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” Rồi Người thổi hơi trên họ và nói: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga 20,19-22). Các ông vui mừng vì mình được ơn Chúa Thánh Thần, họ cảm nghiệm được sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa Giêsu ở với họ. Một cảm nghiệm về tình yêu sâu xa của Chúa dành cho họ qua sự chết, và sống lại của Người. Nhờ Chúa Thánh Thần, họ gắn bó trọn vẹn cuộc đời của họ với Chúa Giêsu và trở nên những môn đệ trung thành dấn thân phục vụ Ngài trong việc rao giảng Tin mừng.
Là người Kitô hữu, trong bậc sống là cha mẹ trong gia đình, nếu chúng ta muốn con cái lớn lên trong tình yêu và sự tin tưởng nơi Thiên Chúa, nếu chúng ta muốn chúng yêu thương và tin tưởng nơi chúng ta, nếu chúng ta muốn chúng cũng yêu thương và tự tin nơi chính bản thân mình, điều trước hết là chúng ta phải làm là, thể hiện tình yêu thương thật sự, vì qua tình yêu, nó giúp con cái tự nhận ra được những cảm nghiệm yêu thương sống động này trong cuộc đời của chúng (2 Tx 3, 7). Chẳng hạn, khi cha mẹ dạy dỗ con cái, hãy nói với con cái rằng cha mẹ yêu thương con. Cha Mẹ yêu thương con không phải vì con được điểm cao, học giỏi hay tài năng, cũng không phải vì con đã làm tốt, nhưng yêu thương con chỉ vì con là con của Cha mẹ. Nên nhớ rằng, mặc dù điều này rất đơn giản, nhưng nó có một hiệu quả tốt hơn là những đòi hỏi phải vâng lời dựa trên sự sợ hãi và đe dọa. Con cái trẻ sẽ cảm nghiệm tuyệt vời rằng: “Mình được yêu bởi vì mình là mình” đây là tình cảm có tính cách chữa lành đối với con cái. Một cảm nghiệm về sự hiện diện yêu thương của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng.
Bằng tình yêu thương tha thiết, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, trong thân xác sống lại của Ngài, thân xác Vinh Quang của Thánh Thần để các môn đệ cảm ghiệm được niềm vui và sự an bình mới lạ trong đời sống của họ (Lc 24, 39). Điều quan trọng nhất trong công việc mục vụ của một Kitô hữu là trở nên “khí cụ bình an của Chúa” (Mt 10,12; Rm 12, 18), là cảm nghiệm được tình yêu thương của Thiên Chúa đang ở với chúng ta và chia sẻ tình yêu đó ra cho mọi người xung quanh (1Tx 2, 8; Pl 1, 8; ĐGH Phaolô VI – Evangelii Nuntiandi đoạn 79). Thiên Chúa cũng muốn chúng ta khám phá ra rằng chính chúng ta phải là những nhân chứng đã cảm nghiệmđược sự hiện diện của Đức Kitô qua ThánhThần để mang lại nguồn vui và sự bình an cho mọi người (1Ga 3,16-18). Chúa Giêsu cũng hứa ban Chúa Thánh Thần khi Ngài sai chúng ta đi vào thế giới đang cần đến chúng ta. Chúa Thánh Thần làm cho cuộc sống của chúng ta dường như trống rỗng được biến đổi trở nên đời sống mới trong Chúa Giêsu Kitô (2 Cr 4, 7). Ngài làm cho chúng ta vui tươi và bình an như Tin mừng công bố: “Bình an cho các con” (Ga 20,19) cuộc sống vẫn luôn luôn đẹp vì có Chúa Thánh Thần là món quà vô giá của Thiên Chúa ban cho chúng ta (1 Cr 1, 4-9). Thế giới vẫn luôn được Thánh Thần hướng dẫn và mang chúng ta đến để hoàn thành công trình sáng tạo và cứu rỗi của Người (Ep 1, 3-14; Gl 5, 22-23; Gaudium et Spes đoạn 11). Trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần là Đấng phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta cảm nghịêm được sự ngọt ngào của tình yêu Thiên Chúa (Ga 14, 16; Cv 7, 55; 1, 8;Ep 1, 14; 1Pr 1, 12).
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta đứng trước sự lựa chọn: chọn một nghề để sống, chọn một người bạn đời, chọn một cách thức đối xử với nhau. Chúng ta có nhiều lựa chọn. Lựa chọn nào tốt nhất? Chúa Thánh Thần sẽ chỉ cho chúng ta, nếu chúng ta hướng về Ngài và xin Ngài chỉ dẫn. Có lúc chúng ta không có ý tưởng gì về điều chúng ta có thể làm: tình cảnh xem ra vô vọng, vô phương như trước cái chết của một người thân, trước sự thất bại của công việc chúng ta không biết phải làm gì. Hãy xin Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ chỉ dẫn cho bạn. Rẩt may mắn nếu tôi có một người bạn làm luật sư, một bác sỹ, một tâm lý gia, một cố vấn hôn nân, một chuyên viên về mọi lãnh vực, một người bạn biết mọi vấn đề, một người bạn rất thân thiết mà tôi có thể lui tới bất cứ lúc nào, ngày cũng như đêm và giả thiết người ấy sống trong nhà tôi. Đó là Chúa Thánh Thần, Ngài đang sống trong tôi. Ngoài việc chỉ cho chúng ta điều chúng ta phải làm, Chúa Thánh Thần còn giúp chúng ta thực hiện nữa vì Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Toàn Năng cũng như thông biết mọi sự. Chúng ta kêu cầu người trong Ca tiếp liên trong thánh lễ hôm nay; ” Xin hãy đến, Lạy ánh sáng của tâm hồn’. Nhiều lần trong kinh nguyện Thánh Thể chúng ta cầu xin với Ngôi Ba Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã hứa “Người sẽ dạy chúng con tất cả sự thật”
Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng chúng con. Amen.
93. Suy niệm của Lm. Giuse M. Lê Quốc Thăng.
Từ Pentêkostê chỉ có 2 lần được nhắc đến trong Cựu ước (Tobia 2, 1 và ở 2 Mcb 12, 31- 32). Từ này xuất xứ từ tiếng Hy-lạp, là một tính từ để chỉ thứ “50”; hiểu ngầm từ Hêmera, tức là “ngày thứ 50”. Từ này dùng để dịch từ Hipri hag schabu’ôt, tức là ngày lễ lớn của người Do-thái: Xh 23, 14- 17; Đnl 16, 16: “mỗi năm ba lần, tất cả đàn ông con trai của anh em phải đến trình diện Đức Chúa, ở nơi Người chọn: vào dịp lễ bánh Không Men lễ Ngũ Tuần và lễ Lều. Người ta sẽ không đến trình diện Đức Chúa hay không nhưng mỗi người sẽ đem lễ vật theo khả năng, tuỳ theo phúc lành Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, ban cho anh em.
Lề luật ban đầu còn mù mờ nhưng thường gắn bó với mùa gặt (Xh 34, 22). Theo Đnl 16, 9 người ta tính 7 tuần lễ từ ngày lưỡi liềm cắt giá lúa đầu tiên. Theo Lv 29, 15- 16 người ta tính 7 tuần lễ sau ngày dâng giá lúa đầu tiên lên Đức Chúa. Như thế lễ này là lễ Tạ ơn sau mùa gặt, hơn là dính dáng đến Lễ Vượt Qua. Điều này nhắc dân chúng về việc Đức Chúa đã ban Đất hứa, đã định cư và được mùa. Nghi thức chính yếu của nghi lễ này là dâng các của lễ Đầu Mùa: Ngươi cũng sẽ giữ tục lệ mừng lễ mùa gặt, lễ dâng của đầu mùa, do sức lao động của ngươi làm ra do công ngươi giao nắng ngoài đồng” (Xh 23, 16). “Ngươi sẽ mừng lễ các Tuần, dâng lúa mì đầu mùa” (Xh 34, 22). Sách dân số gọi ngày này là “Ngày hoa trái đầu mùa”. “Ngày hoa trái đầu mùa, khi dâng tiến Đức Chúa lễ phẩm mới vào lễ các Tuần” (Ds 28, 26). Theo sách Lêvi người ta dâng 2 bánh dậy men và nhiều lễ vật khác: “Các ngươi phải đem đến hai chiếc bánh để làm nghi thức tiến dâng, bánh làm bằng chín lít tinh bột và trộn men mà nướng: “đó là của đầu mùa dâng Đức Chúa” (Lv 23, 15- 20).
Chúng ta thấy lễ Ngũ Tuần chỉ là một lễ gắn liền với mùa gặt của dân định cư, không dính dáng gì đến lịch sử cứu độ. Nhưng sau thời lưu đày ở Babylon, nhiều địa phương đã gắn lễ này với giao ước Sinai. Tác giả quyển 2 Sử biên niên (16, 10- 15) cho thấy dân chúng lập lại lời thề trung thành với giao ước Sinai, vào tháng thứ ba dưới triều đại vua Asa. Nhóm Qumran cũng lấy lễ Ngũ Tuần làm ngày lễ lập lại lời giao ước Sinai.
Theo phụng vụ phương Tây, lễ này gắn kết với lễ Đầu Mùa: Đấng Phục sinh dâng lên Thiên Chúa Cha của lễ đầu mùa của mình trong ngày lễ Hiện xuống và mời tất cả môn-đệ của mình vào bàn Tiệc Thánh. Vì thế cho đến mãi thời Trung Cổ, lễ này là một trong ba ngày lễ buộc phải rước lễ. Chủ đề mùa gặt cũng như chủ đề về Thánh Thần như là hồng ân của ngày cánh chung được nổi bật trong thánh lễ này. Tại Rôma, thánh lễ này là thời điểm thứ hai để làm phép rửa tội cho các em bé, Giáo Hội Rôma chỉ rửa tội một lần trong đêm vọng phục sinh. Nhưng nếu có dự tòng nào bị bệnh đi xa chưa về kịp phải đền tội, phụ nữ ở cử, trọn ngày có thắng…thì rửa tội cho họ vào ngày lễ Hiện xuống.
I. Gợi Ý Bài Giảng
1. Chúa Thánh Thần Với Thế Giới: Giáo Hội luôn khẩn cầu: ‘Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến đổi mới mặt Địa cầu’ Trong Hiến Chế Gaudium et Spes số 38, Công đồng Vat. II đã minh xác: “Đức Kitô hoạt động trong lòng con người nhờ quyền năng Thánh Thần của Người không những bằng cách khơi dậy những khát vọng đời sau, nhưng còn từ những khát vọng đó cổ võ, tinh luyện và củng cố những ước vọng quảng đại thúc đẩy gia đình nhân loại biến cải cuộc sống của mình trở nên nhân đạo hơn và qui phục trái đất về cùng đích ấy. Quả thực ơn Chúa Thánh Thần tác động mỗi người một khác: có những người được gọi làm chứng nhân tỏ tường cho sự mong đợi quê trời bảo tồn chứng tích sống động trong gia đình nhân loại, một số khác được gọi để hiến thân phục vụ con người trong phạm vi thế trần, dùng sự phục vụ ấy chuẩn bị chất liệu cho nước trời. Người giải thoát tất cả, để sau khi từ bỏ lòng vị kỷ và tập trung mọi năng lực trần thế cho cuộc sống con người, tất cả hướng về ngày mai, ngày mà nhân loại trở nên của lễ đẹp lòng Thiên Chúa.” Thế giới này, với biết bao nỗ lực của nhân loại đang xây dựng những điều tốt đẹp, chắc chắn sẽ không bị phá hủy nhưng được đổi mới nhờ Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đang hiện diện và tác động nơi những con người đang hết lòng cổ võ, xây dựng hòa bình và công lý; Chúa Thánh Thần đang hiện diện và tác động trong những gì là Chân-Thiên-Mỹ nơi các tôn giáo và các nền văn hóa.
Giáo Hội và các Kitô hữu có trọng trách làm cho ơn Chúa Thánh Thần nảy sinh những hoa trái tốt đẹp cho con người và thế giới hôm nay. Cần phải đọc ra sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần nơi các tôn giáo, các nền văn hóa, nơi những anh em ngoài tôn giáo mình để biết tôn trọng và nhiệt thành cộng tác trong công cuộc xây dựng thế giới.
2. Chúa Thánh Thần Với Giáo Hội: Giáo Hội được khai sinh vào ngày lễ Ngũ Tuần, ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ. Khi Chúa Giêsu thổi hơi trên các Tông đồ và ban Chúa Thánh Thần cho thấy rằng: sức sống và hơi thở của Giáo Hội là Chúa Thánh Thần. Nhờ Chúa Thánh Thần Giáo Hội mới trường tồn, nơi Ngài Giáo Hội mới phát triển và không ngừng canh tân. Lịnh sử Giáo Hội đã minh chứng điều đó, một Công Đồng Vaticanô II thành công rực rỡ không ai có thể phủ nhận đó chính là luồng gió Chúa Thánh Thần thổi vào Giáo Hội. Mọi hoạt động của Giáo Hội đều phát xuất và được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần cũng chính là tác nhân chính thúc đẩy Giáo Hội ra khơi theo lệnh truyền của Thầy Chí Thánh. Sức sống và tình yêu của Ngài giúp cho Giáo Hội và từng người trong Giáo Hội, đặc biệt là các vị Thừa sai có khả năng hội nhập, đi vào trong từng con tim của con người, vào từng dân tộc, từng nền văn hóa khác nhau để thực sự trở nên muối men và ánh sáng cho con người và cho thế giới. Có Chúa Thánh Thần Giáo Hội sẽ không đứng bên lề thế giới nhưng sẵn sàng nhập cuộc cùng the giới để làm cho hướng đi của nhân loại ngày càng tiến về một trời mời đất mới.
3. Chúa Thánh Thần Với Kitô Hữu: Thánh Tông đồ khẳng định: anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Là đền thờ có nghĩa là nơi cư ngụ, Chúa Thánh Thần đang ở trong mỗi người. Ngài ở trong chúng ta không phải một cách thụ động như khách tạm trú qua đường nhưng rất tích cực hoạt động nơi mỗi người. Kinh Thánh đã cho thấy sự họat động của Ngài như thế nào: hướng dẫn, ban ơn trợ lực, ban sự sống, thánh hóa, bầu chữa, an ủi … Toàn bộ cuộc sống của người Kitô hữu đều được Ngài chi phối bao bọc. Mỗi người cần phải khám phá ra sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời mình. Tôi đã thấy Ngài hiện diện ở đâu? Ngài đã và đang làm gì nơi tôi? Không chỉ khám phá sự hiện diện và các hoạt động của Ngài mà còn phải biết kiểm điểm đời sống xem đã bước theo Thần khí hay chưa? Đã bươc theo như thế nào? Như Thánh Phaolô dạy dỗ: “Hãy sống theo Thần khí…nếu chúng ta sống nhờ Thần khí, thì cũng hãy nhờ Thần khí mà tiến bước” (Gl 5, 16. 25). Đời Kitô hữu là đời sống và làm việc theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
94. Sự thật trọn vẹn.
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Ai trong chúng ta cũng muốn biết sự thật, và căm ghét sự lừa lọc dối trá. Nhưng không dễ gặp được sự thật nơi người khác, cũng như nơi chính mình.
Để nói lên một sự thật, cần phải trả giá. Dám nghe một sự thật nhỏ, cần một can đảm lớn!
Đời người là một cuộc ruổi dong tìm sự thật.
Sự thật vừa đáng sợ, lại vừa đáng yêu.
Khi sống ở đời, Đức Giêsu đã nói và làm nhiều đieu, để cho các môn đệ thấy sự thật về mình. Ngài cho họ biết mọi điều Ngài nghe được từ Cha. Tuy vậy, Ngài vẫn còn nhiều điều phải nói với họ mà bây giờ họ không kham nổi (x. Ga 16,12).
Đức Giêsu không có thái độ bao cấp. Ngài chẳng đòi các môn đệ phải hiểu hết con người Ngài. Thánh Thần sẽ giúp họ làm điều đó sau khi Ngài phục sinh.
”Khi nào Thần Khí sự thật đến,
Người sẽ dẫn anh em tới sự thật trọn vẹn” (Ga 16,13)
Để biết sự thật trọn vẹn về Đức Giêsu, để hiểu việc làm và lời nói của Ngài, chúng ta cần có Thánh Thần làm người hướng đạo.
Đức Giêsu là một mầu nhiệm sâu thẳm khôn dò. Nhờ Thánh Thần, ta thấy Đức Giêsu luôn luôn mới. Càng đến gần, ta càng thấy Ngài siêu việt. Càng biết rõ Ngài, ta càng thấy Ngài lôi cuốn.
Nhờ Thánh Thần, Lời Chúa Giêsu luôn luôn mới. Đó không phải là những dòng chữ chết khô, nhưng là ánh sáng cho mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Nhờ Thánh Thần, Hội Thánh luôn luôn mới. Ngài là luồng gió mát lúc Hội Thánh gặp khó khăn, là luồng gió mạnh làm Hội Thánh chuyển mình thức tỉnh.
Chúa Thánh Thần không sống cho mình, nhưng cho Đấng sai mình là Đức Giêsu Kitô (x. Ga 15,26). Ngài chỉ mong cho Đức Kitô được tôn vinh (x. Ga 16,14)
Chúa Thánh Thần là phát ngôn viên của Đức Kitô. Ngài chỉ nói những gì Ngài đã nghe Đức Kitô nói. Ngài không loan báo điều gì mới lạ, nhưng chỉ giúp ta nhớ lại, hiểu và sống Tin Mừng.
Chúng ta cũng là những chứng nhân của Đức Kitô như Thánh Thần. Cần làm chứng như Ngài trong thái độ khiêm nhu từ bỏ.
Dù chúng ta là Kitô hữu, là người công giáo, chúng ta vẫn tren đường tìm kiếm sự thật trọn vẹn.
Sự thật bao giờ cũng lớn hơn suy nghĩ của ta. Sự thật ở nơi người khác tôn giáo, khác quan điểm…
Đừng tìm cách làm chủ hay độc quyền sự thật.
Hãy để cho sự thật chiếm lấy mình.
Hãy mềm mại để Thánh Thần dẫn vào sự thật, sự thật về Thiên Chúa, về Đức Kitô, về tôi và tha nhân.
Có những sự thật rất thường, rất nhỏ, nhưng khó nuốt.
Chỉ khi chấp nhận chúng, tôi mới gặp được Đức Kitô.
Ngài là Sự Thật viết hoa, Sự Thật đem lại tự do (x. Ga 8,32).
Gợi Ý Chia Sẻ
Chúa Thánh Thần hoạt động ở khắp nơi. Ngài đem lại sức sống cho mọi người. Có khi nào bạn thấy Ngài hoạt động nơi những người ngoài Kitô giáo không? Có khi nào bạn thán phục vì lối sống siêu thoát của một phật tử không?
Sự thật vừa đáng sợ lại vừa đáng yêu. Bạn có sợ biết sự thật về mình không? Bạn có can đảm nói sự thật một cách đầy yêu thương không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban sức sống cho chúng con. Xin cho cuộc đời Kitô hữu của chúng con đừng rơi vào sự đơn điệu nghèo nàn, vào những lối mòn quen thuộc, nhưng xin canh tân và tái tạo chúng con mỗi ngày. Xin nuôi chúng con bằng những thức ăn mới, cho chúng con khám phá ra những chiều sâu khôn dò của Đức Kitô và ý nghĩa thâm thúy của Tin Mừng.
Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống, thế giới hôm nay luôn bị đe dọa bởi bạo lực, khủng bố, chiến tranh; mạng sống con người bị coi rẻ. Xin cho chúng con biết say mê sự sống, và gieo vãi sự sống khắp nơi.
Ước gì Chúa ban cho nhân loại một lễ Hiện Xuống mới để con người có thể hiểu nhau hơn và đón nhận nhau trong yêu thương.
95. Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ – JKN
Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn quan niệm thế nào về Thánh Thần? Ngài có đóng vai trò gì quan trọng trong đời sống Kitô hữu của bạn không? Cụ thể là gì?
2. Kế hoạch phát triển Giáo Hội của Thiên Chúa là «men trong bột». Nếu Thánh Thần kêu gọi bạn trở nên «men» cho mọi người, bạn có đáp lại lời mời gọi ấy không?
3. Muốn thật sự gặp gỡ Thánh Thần, phải thực hiện sự gặp gỡ ấy thế nào?
Suy tư gợi ý:
1. Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ, nhưng… bị quên lãng
Từ khi Giáo Hội khai sinh, vai trò và hoạt động của Thánh Thần mới được chú ý tới nhiều, qua sự ý thức và nhấn mạnh của Giáo Hội, đặc biệt của Đức Giêsu, của các tông đồ. Trước khi về trời, Đức Giêsu đã hứa ban Đấng Bảo Trợ, An Ủi cho Giáo Hội: «Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi» (Ga 14,16). Và Đấng Bảo Trơ ấy chính là Thánh Thần: «Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em» (Ga 14,26). Đức Giêsu đã ra đi để giao lại nhân loại và Giáo Hội cho Thánh Thần: «Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em» (Ga 15,26). Chính vì thế, hiện nay chúng ta đang sống trong thời hoạt động của Thánh Thần, Ngài đang hoạt động mạnh mẽ trong Giáo Hội và trong chính tâm hồn ta. Nhưng ta ít chú ý tới Ngài. Chúng ta thường tập trung quan tâm của mình vào Chúa Cha, nhất là Đức Giêsu. Vì thế, Thánh Thần trở thành vị Thiên Chúa bị quên lãng. Do đó, chúng ta ít hợp tác với Thánh Thần, và Thánh Thần không biến đổi ta một cách hữu hiệu được. Vì dù hoạt động mạnh mẽ thế nào, Thánh Thần vẫn luôn luôn tôn trọng tự do của con người. Thánh Thần luôn luôn mời gọi, nhưng con người vẫn luôn luôn có thể làm ngơ vì không quan tâm, hoặc từ chối lời mời gọi đó. Chính vì thế, công việc của Thánh Thần thật het sức khó khăn.
2. Kế hoạch của Thiên Chúa
Thánh Thần là Đấng tiếp tục công trình của Đức Giêsu trong thế giới và Giáo Hội. Ngài luôn luôn thúc đẩy sự đổi mới trong Giáo Hội, để Giáo Hội ảnh hưởng tốt đến thế giới. Nhưng để được làm điều ấy, Thánh Thần luôn luôn phải hoạt động trong mỗi cá nhân. Cá nhân có thay đổi thì Giáo Hội mới thay đổi, cá nhân có nên thánh thì Giáo Hội mới thánh thiện. Tất cả mọi đều bắt đầu từ những ca nhân, và lan truyền từ cá nhân này sang cá nhân khác. Kế hoạch của Thiên Chúa để xây dựng Nước Trời là chiến lược «men trong bột» (x. Mt 13,33), «muối ướp đời» (x. Mt 5,13) hay «đèn sáng cho trần gian» (x. Mt 5,14). Men là một chất có hoạt tính, có khả năng biến đổi chất bột tiếp xúc với mình trở nên giống như mình. Mất hoạt tính này, men không còn là men nữa, nó trở thành một thứ bột vô dụng. Muối hay đèn cũng có hoạt tính tương tự. Mot hình ảnh khác là lửa, nhưng lửa có tác dụng lan truyền mạnh mẽ và nhanh chóng. Chính vì thế, Thánh Thần khi hiện xuống trên các tông đồ đã lấy hình lưỡi lửa làm biểu trưng cho mình.
Trong quá trình phát triển từ xưa đến nay, Giáo Hội vẫn theo chiến lược «men trong bột», nhưng phải nói rằng Giáo Hội đã phát triển theo chiều rộng nhiều hơn chiều sâu. Nội dung lan truyền chủ yếu là danh nghĩa, hình thức tôn giáo bên ngoài, hơn là đ¨ªch thực sống tinh thần Tin Mừng bên trong. Biết bao Kitô hữu chỉ giữ đạo theo tập tục (siêng năng đọc kinh, dâng lễ, chịu các bí tích), nói chung là chuộng những thực hành thấy được, và lấy đó làm đủ, mà ít sống đạo, ít đi vào chiều sâu tâm linh, ít khi thật sự gặp gỡ Thiên Chúa. Việc thờ phượng Thiên Chúa chưa đúng với tinh thần «thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật» (Ga 4,24), mà còn mang nặng tính thể lý, bên ngoài, nên còn nhiều tính gia dối, không trung thực (ngoài và trong khác nhau). Vì thế, Giáo Hội dường như không còn phát triển mạnh như những thế kỷ trước nữa, thậm chí dừng lại hoặc sút giảm về mặt tỷ lệ dân số (mặc dù số lượng vẫn tăng theo đa phát triển dân số).
Chiến lược «men trong bột» đòi hỏi phải có những cá nhân thật tốt, thật nhiệt thành. Những cá nhân tốt ấy sẽ ảnh hưởng tốt sang những cá nhân khác bằng gương sáng, bằng những hoạt động nhiệt thành và tích cực, biến họ nên tốt, nên nhiệt thành như mình. Nhờ đó, những cá nhân tốt càng ngày càng được nhân lên. Càng nhiều cá nhân tốt thì Nước Trời càng phát triển, càng lớn mạnh. Nhưng ai sẽ là men đây? Thánh Than luôn mời gọi chúng ta trở nên «men,», không chỉ là «men» mà còn là «men tốt». Mỗi khi lắng đọng tâm hồn lại, chúng ta đều nghe thấy tiếng Ngài mời gọi.
3. Làm sao trở thành men tốt?
Trong chiến lược phát triển Nước Trời, «men trong bột» phải có một «hoạt tính» rất mạnh, nghĩa là có khả năng biến đổi người khác nên tốt và nhiệt thành giống như mình. Như vậy, chính mình phải là người tốt và nhiệt thành đã, chính mình phải thật sự sống tinh thần Tin Mừng đã. Muốn thế, ta phải tiếp xúc với Thánh Thần, nguồn phát sinh «hoạt tính» ấy. Nhưng làm sao tiếp xúc với Thánh Thần? Bằng cách kêu cầu Ngài với những kinh hay những bài ca về Thánh Thần chăng? Phải nói đo là những cách thấp nhất để tiếp xúc với Thánh Thần, thường chỉ dành cho những người chưa thể cầu nguyện tự phát hay chưa biết cách cầu nguyện. Muốn có một đời sống nội tâm thật sự, muốn tiến triển trên con đường tâm linh, ta cần phải tiếp xúc với Thánh Thần một cách thật sự và hữu hiệu.
4. Làm sao để tiếp xúc với Thánh Thần thật sự và hữu hiệu?
Muốn tiếp xúc với Ngài, trước hết phải biết Ngài ở đâu, bản chất của Ngài thế nào. Thánh Thần là thần khí (spirit = tức tinh thần), hiện diện khắp nơi, tràn đầy trong vũ trụ, trong không gian và thời gian. Chúng ta có tinh thần, và tinh thần của ta cũng là thần khí. Một cách nào đó, tinh thần của ta phần nào đồng bản chất với Ngài. Chính vì thế, muốn gặp gỡ Thánh Thần, phải gặp bằng chính thần khí hay tinh thần của ta. Đức Giêsu đã nhắc nhở: «Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật» (Ga 4,24). Nếu ngày xưa thánh Phaolô nói: «Chúng ta, những người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần Khí của Người, mới thật là những người được cắt bì» (Pl 3,3), thì ngày nay ta cũng có thể nói: chỉ những ai thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí mới là người Kitô hữu đích thực. Đó là những người thờ phượng Thiên Chúa bằng tinh thần, bằng tâm hồn, bằng ý thức và bằng tình yêu, bằng việc thật sự gặp gỡ và sống trong Thánh Thần, chứ không phải chỉ bằng những nghi thức bề ngoài, dù những nghi thức này lắm khi cũng cần thiết. Thờ phượng Thiên Chúa bên ngoài mà không có bên trong là thờ phượng trong giả dối, không phải là trong chân lý.
Thánh Thần tuy tràn lan trong vũ trụ, nhưng lại hiện diện «đặc sệt» và tràn đầy nhất trong tâm hồn ta: «Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?» (1Cr 3,16); «Thanh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần mà chính Thiên Chúa đã ban cho anh em» (1Cr 6,19). Vì thế, muốn gặp gỡ Thánh Thần, không gì tốt hơn là gặp Ngài trong chính bản thân mình, bằng tinh thần của mình. Việc gặp gỡ Ngài rat dễ dàng: chỉ cần hồi tâm lại, ý thức Ngài đang hiện diện ngay trong bản thân mình, và muốn được tan hòa vào trong Ngài. Điều quan trọng trong việc gặp gỡ Thánh Thần là những ý thức và tâm tình có thực bên trong, chứ không phải là những lời cầu nguyện phát biểu ra, dù là phát biểu trong tâm trí. Tuy nhiên, nếu những lời ấy tự nhiên bộc phát ra từ đáy lòng, thì cũng là điều rất tốt. Tuyệt đối không nên sáng tác ra bất kỳ lời nào khi không có những tâm tình đích thực bên trong, vì cầu nguyện như thế là thờ phượng trong giả dối. Lời bộc phát ra phải luôn luôn phù hợp với tâm tình có thực bên trong mới là thờ phượng trong chân lý.
5. Ý thức và tâm tình phải có khi tiếp xúc với Thánh Thần
Khi hồi tâm để tiếp xúc với Thánh Thần, ngoài việc ý thức sự hiện diện thật sự của Ngài trong tâm hồn ta, ta nên ý thức rằng Ngài là nguồn sức mạnh, nguồn yêu thương của ta. Hãy giục lòng tin tưởng rằng: nếu năng tiếp xúc với Ngài thì sức mạnh và khả năng yêu thương vô biên của Ngài sẽ truyền sang ta, như năng lượng từ dòng điện truyền sang dụng cụ điện, làm dụng cụ ấy hoạt động. Thường xuyên tiếp xúc với Ngài như vậy, nội lực và tình thương của ta ngày càng tăng lên một cách cảm nghiệm được.
Ngoài ra, ta cần tan hòa trong Thánh Thần bằng tâm tình «tự hủy» (kenosis), «tự sát tế» của Đức Giêsu. Nghĩa là có sự quyết tâm muốn quên mình, xóa bỏ mình trước Thiên Chúa và tha nhân, không tự coi bản thân mình, ý riêng của mình, và những gì của mình là quan trọng. Tâm tình ta cần có là: «Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi» (Ga 3,30), nhỏ đi chừng nào tốt chừng nấy.
Song song với tâm tình «tự hủy» cần phải có là tâm tình «vị tha». Nghĩa là có sự quyết tâm sống cho Thiên Chúa và tha nhân, đặc biệt sẵn sàng làm tất cả những gì Thánh Thần đề nghị để gieo tình thương và hạnh phúc nơi nơi, cho tất cả mọi người chung quanh ta.
Và cuối cùng là lắng nghe tiếng của Thánh Thần vang dội trong lòng mình. Tiếng của Ngài ngày càng trở nên rõ ràng và mạnh mẽ nếu ta luôn luôn quảng đại đáp lại lời mời gọi của Ngài. Tiếng của Ngài sẽ dần dần yếu đi nếu ta bỏ lơ hay không đ¨¢p lại lời mời gọi ấy.
Thường xuyên gặp gỡ Ngài như thế, chắc chắn cuộc đời của ta sẽ biến đổi và trở nên men tốt, muối tốt và ánh sáng rực rỡ cho xã hội, Giáo Hội và đặc biệt cho môi trường chung quanh ta. Và đó chính là cách ta «thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật».
Cầu nguyện
Lạy Cha, Cha đã ban Thánh Thần cho thế giới. Nhưng dường như sự hiện diện của Ngài trong thế giới ít được người Kitô hữu quan tâm đến trong đời sống thực tế của mình. Nếu có thì thường chỉ được nhắc đến trong phụng vụ. Xin Cha giúp con năng tiếp xúc với Thánh Thần để được tan hòa trong Ngài và nhận được tràn đầy sức mạnh và khả năng yêu thương của Ngài. Nhờ đó con trở nên muối men cho đời, cho những người chung quanh con, để biến họ nên tốt lành và hạnh phúc hơn.
96. Ngôn ngữ toàn cầu
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
1. Câu chuyện Tháp Babel
Sách Sáng Thế 11,1-9 kể câu chuyện về Tháp Babel.
Bấy giờ thiên hạ chỉ nói một thứ tiếng, sau khi định cư tại đồng bằng Senna, họ bàn luận với nhau: Ta hãy nung gạch và xây một ngọn tháp chọc trời, trước khi phân tán tới mọi miền trên mặt đất.
Trước ý định đầy kiêu căng và ngông cuồng đó, Thiên Chúa đã khiến tiếng nói của họ trở nên lộn xộn, người này không còn hiểu được người kia. Thế là họ đành phải ngưng việc xây tháp và ra đi mỗi người một ngả.
Hình ảnh tháp Babel mượn từ các tháp Ziggurat miền Lưỡng Hà: tháp vuông, nhiều tầng, càng cao tầng nhỏ lại. Những tháp này xây trong khu vực đền thờ với mục đích tôn giáo là để bắt liên lạc với thần trên cao bằng dâng lễ vật và làm bệ để thần lên xuống với con người. Ngày nay còn có nhiều di tích về các tháp này. Tác giả Thánh kinh mượn hình ảnh các tháp Ziggurat để cắt nghĩa tại sao loài người lại chia rẽ và phân tán, từ đó dạy bài học tôn giáo. Babel bởi động từ balal (làm cho lộn xộn). Tác giả dùng hình ảnh xây tháp Babel để chỉ tội cộng đồng của con người, muốn dựa vào sức lực và tài năng của mình để chống lại Chúa, gạt bỏ Chúa mà tự quyết định cho mình. Trong Cựu ước, Babel là kinh đô của một đế quốc hùng mạnh tượng trưng cho sự kiêu căng.
2. Chúa Thánh Thần là nguyên lý hiệp nhất.
Một khi con người đã loại bỏ Chúa, tự nhiên chia rẽ và phân tán với đồng loại. Kiêu căng gây chia rẽ. Thiên Chúa là duy nhất và là giềng mối hiệp nhất. Sự hiệp nhất chỉ có thể được tái lập bởi và quanh Thiên Chúa. Ngày Hiên Xuống, Thánh Thần sẽ hiệp nhất nhân loại quanh Đức Kitô Phục Sinh (Cv 2,1-11). Thánh Thần làm vết thương của tháp Babel được lành. Thánh Thần là nguyên lý đoàn kết và hiệp nhất. Thánh Thần làm cho con người hiểu nhau, gần nhau, và giúp Giáo Hoi trở thành Giáo Hội của mọi dân tộc.
Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, một tình trạng mới đã được nảy sinh. Bài đọc 1, sách Công vụ kể: Bấy giờ các môn đệ đang tụ họp ở một nơi, bỗng dưng có tiếng từ trời đến, ao ào như gió thổi, ùa vào nhà nơi các ông đang hội họp. Lại thấy có hình lưỡi lửa tản ra và đậu xuống trên từng người. Tất cả đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần và bắt đầu nói được nhiều thứ tiếng khác nhau.
Trong thời gian lễ Ngũ Tuần, có nhiều người Do thái từ khắp các nơi trở về Giêrusalem. Nghe tiếng ồn, họ liền tuốn đến. Và ai nấy đều bỡ ngỡ vì mỗi người đều nghe các Tông đồ nói tiếng của mình. Họ ngạc nhiên, sửng sốt, thán phục và bàn tán cùng nhau: Phải chăng chúng ta đều nghe họ dùng tiếng thổ âm của mình mà nói đến những sự cao trọng của Thiên Chúa?
Đây chính là một cuộc tụ họp đông đảo mà mọi người đều hiểu được nhau và cảm thông với nhau. Có được như vậy là do tác động của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là nguồn sức sống mãnh liệt. Chúa Thánh Thần là sự trẻ trung của Giáo hội. Chúa Thánh Thần là năng lực đổi mới thế giới. Ngài như luồng gió cường tráng. Ngài như ngọn lửa bừng bừng. Luồng gió và ngọn lửa ấy đã khơi dậy nguồn năng lực tiềm ẩn nơi những bác thuyền chài thất học, biến họ thành những con người thay đổi thế giới. Nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần là nhận lãnh sứ mạng hành động.
Qua hình ảnh lưỡi lửa và ơn nói nhiều thứ tiếng nơi các Tông đồ, chúng ta nhận thấy ngôn ngữ Chúa Thánh Thần dùng đã liên kết và tạo nên sự cảm thông. Đó chính là thứ ngôn ngữ của tình yêu. Thiếu vắng Ngài, thiếu vắng tác động của Ngài là thiếu vắng tình yêu, chúng ta không thể hiểu biết nhau, không thể xích lại gần nhau và không thể cảm thông với nhau. Khi đó hận thù sẽ bùng nổ.
Chương 17, Tin mừng Gioan là lời cầu nguyện đẹp nhất trong toàn bộ Kinh thánh mà Phụng vụ Lời Chúa đọc trong tuần lễ này, trong đó Chúa Giêsu với tư cách là Thượng tế, là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người đã dâng Chúa Cha lời khấn nguyện. Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha tôn vinh Ngài qua cái chết và sự sống lại của Ngài. Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và cầu nguyện cho những ai tin vào Ngài được hiệp nhất trong yêu thương. Chúa Giêsu không cầu xin cho họ có sức mạnh, vì sức mạnh thường đưa con người vào nguy cơ ỷ lại chính mình, kiêu căng tự mãn. Chúa Giêsu cũng không cầu xin cho họ có quyền lực vì quyền lực dễ đưa con người vào hố sâu tham vọng, tham vong thống trị, tham vọng giàu sang và nhiều tham vọng khác. Khi cầu nguyện cho Giáo hội, Chúa Giêsu không xin cho Giáo hội được phát triển bằng sức mạnh và quyền lực, nhưng Ngài chỉ xin cho tất cả được hiệp nhất trong Ngài và hiệp nhất với nhau, để Ngài ở đâu thì họ cũng được ở đó và để họ được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là thần Chân Lý và Sự Thật, gìn giữ Giáo hội trong tình thương, hiệp nhất Giáo hội trong Chân Lý và thánh hiến Giáo hội trong Sự Thật.
3. Ngôn ngữ tình yêu
Vào năm 1887, một người Ba Lan tên là Zamenhof, đã tạo ra và cổ động cho một thứ ngôn ngữ quốc tế. Ông ước mong mọi người có thể sử dụng ngôn ngữ ấy một cách dễ dàng. Tuy nhiên, thứ ngôn ngữ quốc tế này đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Thế giới vẫn còn tràn ngập những hận thù và chiến tranh. Không đạt kết quả vì người ta không sử dụng thứ ngôn ngữ của tình yêu và khong đặt tình yêu làm nền tảng cho mọi mối liên hệ.
Tình yêu chân chính là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Tình yêu là một thứ ngôn ngữ mà ai cũng có thể hiểu được. Tình yêu không chỉ được nói bằng lời, bằng tiếng. Tình yêu còn được nói bằng thái độ, bằng cử chỉ, bằng việc làm và bằng cả cuộc sống đong đầy tình bác ái huynh đệ.
Một ánh mắt thông cảm, một cử chỉ thân thiện, một việc làm giúp đỡ, ngôn ngữ tình yêu dễ hiểu dễ gần nhau. Ngôn ngữ này giúp con người hiểu được nhau và hiểu được chính Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là tình yêu nên ai yêu thương thì gặp được Thiên Chúa.
Rất nhiều khi nhờ những hành động bác ái yêu thương mà những kẻ tội lỗi biet đường ăn năn trở về cùng Chúa. Người thời nay không còn tin vào những lý thuyết đẹp, những lời nói hay, những hứa hẹn xa vời thực tế. Những lý thuyết đẹp phải được kiểm nghiệm bằng những kết quả đẹp. Những lời noi hay chỉ có giá trị khi đi đôi với những việc làm tốt. Vì thế, muốn làm chứng cho Chúa, người tín hữu phải có một đời sống đạo gương mẫu. Đời sống đạo gương mẫu không phải chỉ là siêng năng đi đọc kinh, đi lễ. Nhưng nhất là phải gương mẫu trong cách ăn nết ở.
Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt chia sẽ câu chuyện thật cảm động: Thỉnh thoảng tôi có dịp gặp một ông trùm xứ Long Châu. Long Châu là một giáo xứ thuộc giáo phận Nam ninh. Trước đây, chỉ có gia đình ông tin Chúa. Gia đình ông tích cực rao giảng Lời Chúa. Kết quả là sau 20 năm hầu như cả làng gần 500 khẩu đã tin theo Chúa. Cứ mỗi dịp lễ Phục Sinh và Giáng Sinh có khoảng 20 người xin rửa tội. Tôi hỏi ông nhờ bí quyết nào mà việc truyền giáo của ông có kết quả tốt đẹp như thế. Ngẫm nghĩ một lát, ông trả lời: “Nhờ đời sống gia đình”. Bên Trung quốc, đời sống gia đình trong thời đại mới đang gặp khủng hoảng. Vợ chồng bất hoa với nhau. Con cái không vâng lời cha mẹ, có khi còn hành hung cả cha mẹ. Số gia đình tan vỡ ngày càng tăng lên. Trong khi đó gia đình ông trùm vẫn trên thuận dưới hoà, vợ chồng thương yêu kính trọng nhau, con cái vâng lời cha mẹ, anh chị em thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Thấy thế, người trong làng bảo nhau: “Đây là đạo tốt vì có thể gìn giữ được hạnh phúc gia đình”. Nhờ tấm gương sống đạo của gia đình ông trùm mà mọi người trong làng tin theo Chúa. Những anh em ngoài Công giáo cũng nhìn vào đời sống của chúng ta. Nếu người Công giáo thật sự sống tốt thì không cần rao giảng mọi người cũng tin. Đời sống công bình bác ái, khiêm nhường nhịn nhục, đoàn kết yêu thương có sức thuyết phục hơn tất cả mọi lời nói hay đẹp.
Trong đời sống gia đình cũng như trong sinh hoạt xã hội, đừng nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ của hận thù, hiềm khích. Đừng nói với nhau bằng ngôn ngữ của chia rẽ, nghi kị. Hãy nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ của tình yêu, ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần. Vì ngôn ngữ của tình yêu chính là ngôn ngữ tạo được sự cảm thông và bất cứ ai cũng có thể hiểu được.
Máy vi tính là phát minh hiện đại của con người. Máy cũng có một thứ ngôn ngữ riêng. Ngôn ngữ của máy vi tính xây dựng trên cơ sở lý luận toán học và sự chính xác. Ngôn ngữ máy vi tính giúp con người rất nhiều trong việc thông tin và trao đổi liên lac với nhau nhanh chóng.
Trong đời sống, con người dùng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ như Anh, Pháp, Việt Nam… cho nhu cầu thông tin liên lạc với nhau. Nhưng có một thứ ngôn ngữ ngay từ thuở sơ sinh ai cũng có, ai cũng biết. Đó là ngôn ngữ tình yêu, ngôn ngữ vỗ về âu yếm, ngôn ngữ sưởi ấm tâm hồn. Khi ngôn ngữ này được nói ra bằng âm thanh hay biểu lộ qua nét mặt nụ cười của ông bà cha mẹ, anh chị em, tất cả mọi người đều hiểu được cả.
Ngôn ngư tình yêu phát xuất từ trái tim tâm hồn, nên gọn nhẹ trong sáng và truyền đi tín hiệu nhanh chóng nhạy cảm ngay từ những giây phút đầu tiên của sự sống một con người. Qua ngôn ngữ tình yêu, mối liên lạc tình người được xây dựng từ cha mẹ tới con cái, con người với nhau trong đời sống.
Ngôn ngữ tình yêu không viết bằng mẫu tự A B C hay hình vẽ biểu tượng như chữ Nho, chữ Thái lan, chữ Ả rập… cũng không bằng những dấu hiệu chương trình ly luận toán học như ngôn ngữ của máy vi tính. Ngôn ngữ tình yêu từ bẩm sinh đã nằm ẩn sâu trong trái tim tâm hồn mỗi người. Ai ai cũng có chương trình ngôn ngữ đó và đều có thể sử dụng được chương trình này.
Dù là tiếng mẹ đẻ, ta cũng cần phải học, phải mài giũa, phải sửa đổi mới hoàn chỉnh trong sáng văn phạm cùng câu cú. Dù là ngôn ngữ đã được hệ thống và cài sẵn chương trình chạy trong máy vi tính, người sử dụng máy cũng vẫn phai học cách sử dụng điều khiển sao cho đúng không bị sai lầm.
Những sai lầm trong tiếng mẹ đẻ và trong ngôn ngữ máy vi tính là do con người sử dụng gây ra. Cần phải điều chỉnh lại cách sử dụng sao cho đúng. Trong ngôn ngữ tình yêu cũng thế, khi chương trình ngôn ngữ này sai lỗi là do con người gây ra. Thiên Chúa ghi trong tâm hồn mỗi người chương trình ngôn ngữ tình yêu. Khi sử dụng hoặc là con người không dùng đúng chương trình hoặc là muốn sử dụng sai của riêng mình. Vì thế sinh ra sai lầm và không còn truyền đi tín hiệu thông tin, không hiểu nhau được nữa.
Những sai lầm đó là do thiếu tình liên đới với nhau, do chỉ chú ý tìm quyền lợi riêng tư cho mình. Ngôn ngữ tình yêu kêu gọi sự hiểu biết thông cảm với nhau, niềm vui, niềm hy vọng, sự tha thứ làm hòa và tình liên đới trong cuộc sống.
Ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, các thánh Tông đồ đã tìm ra được ngôn ngữ chung cho cả nhân loại. Ngôn ngữ tình yêu do Chúa Thánh Thần mang đến và ghi khắc trong tâm hồn con người. Qua ngôn ngữ này ai cũng hiểu được Tin mừng ơn cứu độ của Chúa Giêsu và đến với nhau rồi cùng nhau tìm về với Thiên Chúa. Ngôn ngữ Thánh Thần kiến tạo một gia đình, mọi người là anh em con một Cha trên trời.
Chúa Thánh Thần mang từ trời cao đến cho con người ngôn ngữ của Chúa Cha, ngôn ngữ này khác gì là “tiếng mẹ đẻ” của con người: ngôn ngữ tình yêu – ngôn ngữ của toàn cầu.
Kinh Thánh đã được dịch ra hơn hai ngàn ngôn ngữ. Chúng ta còn cần dịch ra một thứ ngôn ngữ ai cũng hiểu, đó là ngôn ngữ của phục vụ và yêu thương.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy thắp lên trong lòng chúng con ngọn lửa tình yêu, để chúng con luôn nói với nhau bằng ngôn ngữ của Ngài, ngôn ngữ yêu thương và hiệp nhất. Amen.
97. Ân huệ Chúa Thánh Thần – Lm. Nguyễn Hữu An.
Khi hai người quý mến nhau, hay thương yêu nhau, để biểu lộ tình yêu họ sẽ tặng cho nhau những món quà quý giá: một cánh hoa, một tấm thiệp, một món quà… Một tặng phẩm hay một ân huệ mà một người đem tặng cho người khác là do lòng quảng đại và nhân hậu. Quảng đại vì người tặng hoàn toàn tự nguyện. Nhân hậu vì tình thương được thể hiện qua tặng phẩm.
Sự sống, sức khoẻ, tài năng, bình an, của cải, con cái… là những ân ban của Thiên Chúa cho con người. Ân huệ lớn nhất, ơn trọng đại nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại là Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là Ân Ban lớn lao cho Giáo Hội và cho Đức Maria.
1. Ân huệ Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội
Đức Kitô là người đầu tiên đã quan niệm tình yêu một cách vị tha chưa ai từng nghe thấy: “ Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng mình vì bận hữu” (Ga 15, 13). Vì yêu thương con người, Ngài đã chịu khổ nạn, đã phục sinh và trao ban sự sống mới cho nhân loại. Đó là sự sống thần linh, là Chúa Thánh Thần.
Hôm nay đây trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông Đồ đang họp nhau cầu nguyện trong nhà Tiêc Ly cùng với Đức Maria. Chúa Thánh Thần đã Hiện Xuống dưới hình lưỡi lửa đậu trên đầu mỗi người, ban tràn đầy sức sống mới. Quyền năng Chúa Thánh Thần đến trên Giáo hội với sức lay động và chuyển thông.
Sức lay động vì Chúa Thánh Thần đã đến như thể cuồng phong thổi vang dậy đầy nhà. Ghế bàn không bay bổng, tường – mái nhà vẫn nằm yên, nhưng lòng người đã được lay động. Quyền năng Chúa Thánh Thần như gió mạnh đã làm bật tung cac ổ khoá, các cửa to cửa nhỏ của ngôi nhà các Tông Đồ đang ẩn náu. Quyền năng Thánh Thần tung họ ra khỏi pháo đài để với hai bàn tay không và một trái tim đầy nhiệt huyết họ đi vào thế giới rao giàng Tin Mừng Đức Giesu Phục Sinh.
Được sức lay động và đầy lửa Thánh Thần, các Tông Đồ cùng lên tiếng cao rao những kỳ công của Thiên Chúa. Thánh Phêrô, lòng đầy Thánh Thần, đã hùng hồn thuyết giảng vể Chúa Giêsu Thương Khó và phục sinh. Có 3.000 người xin được Rửa Tội. Giáo Hội được khai sinh từ đó vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Thánh Thần đến, Giáo Hội khai sinh.
Tác động của Chúa Thánh Thần trên Giáo Hội thật mãnh liệt. Chỉ một nhóm Tông Đồ nhỏ bé, sợ hãi, co cụm, hoang mang, lúc nào cũng cửa đóng then cài. Thế mà giờ đây khi được tràn đầy Thánh Thần họ đã trở nên mạnh mẽ phi thường, hiên ngang, can trường làm chứng và loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Các Ngài được trang bị bằng quyền năng Thánh Thần để bẻ gãy sức mạnh của sự dữ, tội lỗi.
Dù bị đe dọa đòn vọt, dù gông cùm tù tội, các ngài vẫn trung kiên một niềm tin vào Chúa. Các Ngài đã lấy máu đào minh chứng cho lời rao giảng. Dù bị đàn áp bách hại, Giáo Hội vẫn lớn mạnh không ngừng. Hai mươi thế kỷ qua, con thuyền Giáo Hội do người dân chài Galilê cầm lái vẫn lướt qua mọi thăng trầm của lịch sử với muôn vàn thử thách giông tố để luôn đi tới.
Vậy thì bí quyết ẩn tàng trong đó và lý do tồn tại vĩnh cửu của Giáo Hội là gì nếu không phải chính là sức mạnh là quyền năng Chúa Thánh Thần.
Ngày nay, Giáo Hội vẫn chỉ có một sức mạnh đặc biệt, đó là quyền năng Chúa Thánh Thần. Với quyền năng này Giáo Hội không bao giờ chịu đóng chặt cửa để an hưởng hay cố thủ. Nhưng luôn ra khỏi tháp ngà để rao truyền Tin Mừng, dấn thân vào cuộc sống muôn mặt của thời đại, đồng hành và thích ứng với nhân loại trong thế giới ngày nay.
Công Đồng Vatican II là một Lễ Hiện Xuống Mới của Giáo Hội. Chúa Thánh Thần vẫn luôn thổi sinh khí mới và ban cho Giáo Hội những ân huệ lớn lao. Mẹ Têrêxa Calcutta, Cha Thánh Piô, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là những gương mặt vĩ đại đã và đang làm bừng lên sức sống tình thương, hoà bình của Chúa Thánh Thần trong thế giới sục sôi vì chiến tranh và hận thù này.
2. Ân huệ Thánh Thần cho Đức Maria
Ngày Lễ Ngũ Tuần, Đức Maria cũng tràn đầy Thánh Thần. Khi các Tông Đồ ra đi rao giảng tin mừng thì Đức Mẹ lại rút vào nơi thanh vắng, thinh lặng sống ẩn dấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa (Col 3, 3). Chính Đức Mẹ đã khai sáng trong Giáo Hội ơn gọi sống đời ẩn dật và cầu nguyện bên cạnh đời sống tông đồ hoạt động.
Điều đó cho chúng ta thấy, trong Giáo Hội hoạt động cho dù vì Nước Trời chưa phải là tất cả. Giáo hội còn cần đến những tâm hồn cầu nguyện để lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần trước khi dấn thân vào sứ vụ. Thư Mục Vụ năm 1999 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã xác định: “Người loan báo Tin mừng phải là một nhà chiêm niệm trong hoạt động” (Số 14). Giao Hội cần lời cầu nguyện cũng như cần hoạt động cho công cuộc Truyền Giáo. Đức Mẹ là nguyên mẫu cho đời sống cầu nguyện này. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu suốt đời sống trong Dòng Kín, thế mà Giáo Hội đã đặt Ngài làm Bổn Mạng các xứ Truyền Giáo.
Lễ Ngũ Tuần kết thúc chu kỳ Phụng Vụ mùa Phục sinh với Ân Huệ Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội cầu nguyện và hoạt động. Mỗi người tín hữu được mời gọi sống hai chiều kích ấy mỗi ngày để hoa trái Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, hiền hoà, tiết độ… được trổ sinh trong tâm hồn và cuộc sống chúng ta (Gl 5, 23 – 23).
98. Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Chúa Thánh Thần hiện xuống khai mở “những kênh truyền thông” mới
Chúa Nhật tuần trước Lễ Thăng Thiên cũng là Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội. Giáo Hội khuyến khích người Công Giáo ở các quốc gia trên toàn cầu sử dụng tốt hơn các phương tiện truyền thông và các hình thức thông tin khác để chia sẻ Tin Mừng cho tất cả mọi người nam nữ.
Sứ điệp Truyền thông năm nay nêu bật tầm quan trọng của các trang mạng xã hội như là “cổng thông tin của sự thật và đức tin”, và là “không gian mới cho việc loan báo Tin Mừng”.
Cuối năm ngoái, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã mở tài khoản Twitter Giáo hoàng đầu tiên. Ngài mời gọi mọi người công nhận tiềm năng của các mạng truyền thông xã hội và thúc giục các tín hữu trong Năm Đức Tin cân nhắc xem làm thế nào để sự hiện diện của mình trên các mạng có thể giúp truyền bá thông điệp Tin Mừng của tình yêu Thiên Chúa cho tất cả mọi người.
Kể từ bản tweet đầu tiên do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI gởi vào ngày 12/12/2012, hơn 6 triệu người đã theo dõi.
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục sáng kiến đó, sử dụng các mạng lưới xã hội. Hiện nay tài khoản @Pontifex đăng các bản tweet bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, La Tinh, Ba Lan và Ả Rập. Con số bản tweet do Đức Giáo Hoàng Phanxicô gởi đi gia tăng rất nhanh.
Đức Hồng Y Carlo Martini từng nói: “Kinh nghiệm của Lễ Hiện Xuống (Cv 2,3-13) chính là Tin Mừng truyền thông”.
Truyền thông là làm cho con người có khả năng để nghe để hiểu, có khả năng để loan báo và có khả năng để chuyển thông một sứ điệp. Trong ngày Lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần đã khai thông mọi tương giao, phá vỡ bức tường đã bị đóng kín từ sự kiện tháp Babel. Truyền thông Tin Mừng chính là mang tin vui đến cho mọi người.
Năm Thánh 2000, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận giảng tuần tĩnh tâm cho Giáo Triều Rôma, trong bài giảng “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần”, ngài kể về tác động của Chúa Thánh Thần như một ân ban chuyển thông ánh sáng và niềm tin cho anh chị em người Hmong.
“Chúa Thánh Thần sống và hoạt động trong trái tim những kẻ nghèo nàn và khiêm hạ, trong tâm hồn đạo đức bình dân, trong tình liên đới, trong đau khổ. Ngài ở đó như trạng sư và thông dịch các ứớc muốn và lời cầu xin của chúng ta.
Tôi còn nhớ câu chuyện này.
Một ngày nọ, một cha sở miền Bắc Việt Nam thấy có một nhóm người dân tộc thiểu số Hmong muốn đến gặp ngài. Cha hỏi họ:
– Anh chị em từ đâu đến?
– Chúng con từ Lai Châu, (nơi quân đội Pháp đã thua trận Điện Biên Phủ năm 1954). Chúng con đã vượt núi rừng đi bộ suốt 6 ngày nay.
– Lạy Chúa tôi! Để làm gì vậy?
– Chúng con muốn được rửa tội ngay bây giờ.
– Không thể được! Không có một linh mục hay giáo lý viên nào cả trong vùng của anh chị em, anh chị em không biết gì về đạo hay kinh nguyện, thì làm sao chịu phép Rửa tội được.
– Chúng con đã học tất cả từ một đài phát thanh phát đi từ Phi luật tân.
– Mà đài phát thanh nào? Đâu có đài phát thanh Công giáo nào có chương trình bằng thổ ngữ của anh chị em đâu!”
– Đó là đài phát thanh “Chân Lý”.
– Một đài phát thanh GH công Giáo, và bây giờ anh chị em lặn lội đến đây để xin trở thành Công giáo. Thật là điều lạ!
– Vị linh mục thật cảm kích bỗng thốt lên: Đây là một lễ Hiện Xuống mới. Đây chính là tác động của Chúa Thánh Thần! Chúa Thánh Thần!
Rồi cha lại hỏi nhóm người Hmong: Anh chị em có thể ở lại đây lâu hơn không?
– Thưa cha, không thể được. Chúng con chỉ đem theo 14 ngày cơm: 12 ngày đi đường và 2 ngày học hỏi và đọc kinh cầu nguyện.
Cả nhóm đã được rửa tội và chịu phép Thêm sức, rồi được dự Thánh lễ đầu tiên trong đời và được rước Mình Thánh Chúa.
– Anh chị em sẽ không có Thánh Lễ nào nữa, anh chị em không có nhà thờ. Anh chị em sẽ làm thế nào?
– Ban chiều tối, chúng con tụ họp nhau từng hai ba gia đình để nghe đài phát thanh và cầu nguyện chung và cùng nhau học hỏi về đạo. Ngày Chúa Nhật chúng con ra ruộng cày cấy, nhưng đúng 9 giờ 30,chúng con ngưng làm việc thả trâu tự do ăn cỏ và chúng con dự Thánh Lễ qua đài phát thanh Chân Lý phát từ Manila. Một Lễ Hiện Xuống mới của thế kỷ XX.” (Chứng Nhân Hy Vọng, trang 235-237).
Hiến chế Tín lý về Mạc khải của CĐ Vaticanô II có nói: “Mạc Khải là việc Thiên Chúa ‘Truyền Thông Chính Mình’ cho nhân loại” (DV 6). Với biến cố Hiện Xuống, việc truyền thông của Thiên Chúa được hoàn tất nơi Đức Kitô và tiếp tục được nối dài trong Giáo Hội nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Lễ Hiện Xuống khai mở những “kênh truyền thông” mới. Vì thế, “Giáo Hội Công Giáo nhận thấy mình có bổn phận dùng các phương tiện truyền thông xã hội để loan báo ơn cứu độ và dạy con người biết sử dụng chúng cho đúng đắn” (Inter Mirifica, số 3). Chúa Thánh Thần là linh hồn Giáo Hội. Ngài tác động và canh tân Giáo Hội thực thi sứ vụ loan Tin Mừng: “Giáo Hội canh tân và thanh tẩy chính mình không bao giờ ngừng dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần” (Vui mừng và Hy vọng, 21). Sách Công Vụ Tông Đồ đã minh chứng hùng hồn về điều ấy.
Suốt mùa Phục Sinh, các bài đọc 1 được trích trong sách Công Vụ Tông Đồ.
Một nhà chú giải Thánh Kinh đã gợi hứng đổi Công Vụ Tông Đồ thành Công Vụ của Chúa Thánh Thần. Bốn sách Tin Mừng là Phúc Âm của Chúa Giêsu, còn Công Vụ Tông Đồ chính là Phúc Âm của Chúa Thánh Thần.
Sách Công Vụ Tông Đồ là một trong những tài liệu lịch sử quý giá nhất của Thánh Kinh. Đó là lịch sử hiện hữu duy nhất của Kitô giáo được viết ra trước thế kỷ thứ III. Nhờ đó chúng ta biết rõ sự lớn dậy của Kitô giáo ở Palestina hay về công cuộc Truyền Giáo tại Syria, Tiểu Á, Hylạp và Rôma. Bình minh của một kỷ nguyên mới bắt đầu ló dạng.
Giáo Hội đã sống tuổi thanh xuân của mình giữa lòng Đế quốc Rôma. Giáo Hội đối diện với ba thách đố lớn là Do thái giáo, chính trị Rôma và triết học Hy lạp. Giáo Hội phải bung ra khỏi Do thái giáo, hội nhập vào triết học Hy lạp để lan rộng trên toàn đế quốc Rôma. Chỉ với những người dân chài Galilê ít học, chỉ với một Phaolô nhiệt thành, thế mà Giáo Hội lớn mạnh không ngừng trước bao thử thách thời đại.
Chính Chúa Thánh Thần đã không ngừng dẫn dắt Giáo Hội. Đúng như lời Thánh Irênê đã nói: “Ở đâu có Thánh Linh của Đức Kitô ở đó có Hội Thánh. Ở đâu có Hội Thánh ở đó có Thánh linh và ân sủng”.
Sách Công Vụ Tông Đồ trình bày lịch sử dưới ánh sáng đức tin. Sau khi Phó tế Stêphanô bị ném đá thì khởi đầu cuộc bắt bớ rộng lớn chống Giáo Hội ở Giêrusalem. Cộng đoàn Kitô hữu ở đây bị phân tán, nhiều tín hữu thoát khỏi đô thị đi tìm nơi ẩn náu. Họ đi tới đâu là rao giảng Tin Mừng tại đó. Chính đây là lúc câu nói thời danh của văn hào Tertuliano được ứng nghiệm “Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống làm nảy sinh các Kitô hữu”.
Các cộng đoàn Diaspora được thành lập. Họ hội nhập vào văn hoá địa phương để rao giảng Tin Mừng.
Kinh nghiệm sống đức tin của cộng đoàn tín hữu sơ khai là bài học quý giá cho chúng ta. Họ bị nhận chìm trong gian truân thử thách, nhưng chính lúc ấy họ cảm nhận sự hiện diện và hoạt động mãnh liệt của Chúa Thánh Thần. Như ngọn gió cuốn bay những hạt giống để rồi hạt giống lại gieo mầm sống mới ở nơi khác, ngọn gió Chúa Thánh Thần qua những cơn bách hại cũng mang lại những hiệu qủa lạ lùng. Càng bị bách hại Giáo Hội càng lớn mạnh không ngừng.
Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam; sau sắc dụ cấm đạo của vua Cảnh Thịnh, các cuộc bắt đạo gay gắt khiến cho những người tín hữu ở các vùng Quảng Trị, Cổ Vưu, Thạch Hãn, Hạnh Hoa chạy vào rừng núi La Vang để trốn tránh. Đức Mẹ đã hiện ra an ủi, trợ giúp. La Vang đã trở thành trung tâm hành hương của Giáo Hội Việt Nam. Các chỉ dụ cấm đạo dưới thời vua Minh Mạng, Tự Đức đã phân tán các cộng đoàn Kitô hữu. Họ xuôi vào Nam trốn tránh, đến vùng đất mới, rừng thiêng nước độc. Họ khai khẩn điền địa và lập nên những cộng đoàn mới. Nhờ đó, khi các vị Thừa Sai đến Truyền Giáo, hạt giống Đức Tin được nảy mầm và phát triển nhanh chóng.
Như hạt giống gieo xuống đất và chờ đợi, những cơn mưa đầu mùa tuôn đổ, hạt giống âm thầm đón nhận sức sống, nảy mầm, bén rễ, lớn nhanh. Những cộng đoàn tín hữu đang sống đức tin thầm lặng đã gặp được các chủ chăn nên lớn mạnh và nhiều giáo xứ đã được thành lập. Chỉ trong nhãn giới đức tin, chúng ta mới nhận ra sức tác động mãnh liệt Chúa Thánh Thần. Trong mọi thử thách, Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần nâng đỡ. Trong mọi biến cố đau thương, Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần an ủi dẫn dắt. Mỗi biến cố xảy đến trong cuộc đời đều là lời mời gọi, lời nhắn nhũ, lời cảnh báo. Đi tìm Thánh Ý Chúa, con người cần biết giải mã các biến cố ấy trong ánh sáng đức tin.
Ngày nay, có lẽ không còn những cơn bắt bớ và bách hại như xưa. Thế nhưng, những gian nan, những thử thách vẫn không thiếu trong đời sống đức tin. Thời đại hôm nay là thời đại xẻ núi lấp sông, vượt trùng dương, chinh phục không gian, xa lộ thông tin, kỹ thuật số, toàn cầu hoá… Nhưng xã hội hôm nay đang bị tục hoá với muôn ngàn cám dỗ ngọt ngào tinh vi của ma quỹ. Xã hội đang đánh mất chiều kích siêu hình, không còn cảm thức về tội lỗi. Giáo Hội phải đối diện với một xã hội mà như triết gia hiện sinh Jean Paul Sartre đã nói: “Thiên Chúa phải chết để cho con người được tự do”.
Người ta đang xây dựng một xã hội không có Thiên Chúa, tôn giáo bị tách ra khỏi xã hội. Con người mãi mê chạy theo lối sống hưởng thụ thực dụng, cá nhân chủ nghĩa.
Như thế người Kitô hữu phải sống và diễn tả niềm tin của mình như thế nào đây?
Lời Chúa chiếu ánh sáng soi đường. Chúa Giêsu đã loan báo: “Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con” (Ga 14, 26).
Khi được Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn thiêng trong đời, chúng ta sẽ yêu mến Chúa, được Chúa Cha và Chúa Giêsu ngự đến trong tâm hồn (Ga 14,21), được Chúa ban sự bình an tuyệt vời, bình an không như thế gian ban tặng (Ga 14,27). Chúa Thánh Thần chính là chìa khoá mở ra cuộc sống mới trong Đức Kitô. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta làm được mọi sự trong ân sủng Đức Kitô. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta sống Tin Mừng, vượt qua các thách đố thời đại như cộng đoàn tín hữu sơ khai đã vượt qua mọi trở ngại để loan báo và mở rộng Nước Chúa.
Chúa Thánh Thần luôn bảo đảm cho sự nguyên vẹn của mạc khải. Ngài dẫn dắt Giáo Hội ngay giữa những kênh truyền thông mới mẻ của thế giới kỹ thuật số hôm nay. Môi trường này mang nơi mình ngôn ngữ thời đại, vì một thông điệp được phát đi từ nơi đây thường kèm theo hình ảnh và âm thanh. Điều này rất thuận lợi cho truyền thống của Kitô giáo, vốn mang rất nhiều yếu tố biểu tượng từ trong phụng vụ, kiến trúc nghệ thuật nơi các thánh đường, ảnh tượng thờ kính…Hơn nữa, Kitô giáo còn đi tiên phong trong các lãnh vực nghệ thuật, âm nhạc với mục đích diễn tả chân lý đức tin.
Kitô hữu phải là con người biết lắng nghe, lắng nghe Thiên Chúa và lắng nghe con người để qua sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông, sứ điệp Tin mừng được lan xa. Các phương tiện truyền thông xã hội như sách báo, phim ảnh, thi ca, nghệ thuật, sân khấu, tuồng kịch, thánh nhạc, kiến trúc, hội họa, truyền thanh, truyền hình, internet…đều có tầm ảnh hưởng lớn đối với công cuộc truyền thông Tin Mừng trong thời đại hôm nay.
Giáo Hội luôn thao thức những vấn đề của thời đại mình đang sống. Chúa Thánh Thần là ngọn gió thổi các cánh buồm của Giáo Hội hướng đến đại dương của “nền văn hóa mới” này. Có Chúa Thánh Thần đồng hành và hướng dẫn, chúng ta trở nên những chứng nhân của Chúa Giêsu đem Tin Mừng đến khắp muôn nước muôn dân.
Ở đâu có Thần Khí, ở đó bừng lên niềm vui. Mùa xuân làm cho vạn vật bừng dậy màu xanh sự sống. Thần Khí làm cho mọi tâm hồn tràn đầy sức sống mới. Gioan Tẩy Giả “nhảy mừng trong lòng mẹ”. Đức Maria hát lên bài ca Magnificat. Các Mục đồng hớn hở đi Bêlem. CácTông Đồ trở nên những con người mới. Các Thánh Tử Đạo hiên ngang tiến ra pháp trường. Và chúng ta cũng được trở nên con cái Thiên Chúa, sống chứng nhân cho tình yêu, can đảm loan báo Tin Mừng Phục Sinh trên mọi nẻo đường phục vụ.
99. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)
Suốt các Chúa Nhật Phục Sinh, các bài đọc 1 được trích trong sách Công Vụ Tông Đồ. Một nhà chú giải Thánh Kinh đã gợi hứng đổi Công Vụ Tông Đồ thành Công Vụ của Chúa Thánh Thần. Bốn sách Tin Mừng là Phúc Âm của Chúa Giêsu, còn Công Vụ Tông Đồ chính là Phúc Âm của Chúa Thánh Thần.
Công vụ Tông đồ muốn trình bày Chúa Giêsu là người Tôi Tớ mà Isaia đã loan báo, là Đấng Kitô đến đem ơn cứu rỗi cho tât cả mọi người nhờ sự chết và sống lại của Ngài. Các Tông đồ là những chứng nhân trực tiếp được Ngài trao sứ mệnh đi rao giảng và làm chứng. Vâng lệnh Chúa truyền, các Tông đồ đã nhiệt thành rao giảng và làm chứng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu độ duy nhất và phổ quát. Các ông kêu gọi mọi người hãy tin và trở lại để lãnh nhận phép Thánh tẩy hầu được tha thứ tội lỗi và bước đi trên con đường cứu rỗi nhờ vào các ân huệ Thần khí.
Được các Tông đồ dạy dỗ và hướng dẫn, những Kitô hữu làm thành một cộng đoàn hiệp nhất bằng mối dây tình yêu, sự cầu nguyện, việc bẻ bánh và cuộc sống vui tươi giữa trăm chiều thử thách. Họ làm thành Giáo hội của Chúa Kitô, Dân mới của Thiên Chúa, thừa hưởng và hoàn thành những gì đã được trao cho dân cũ là Israel.
Lý tưởng của cộng đoàn: kiên trì nghe lời dạy của các Tông đồ (2,42), sống hiệp thông huynh đệ (2,44), hiệp nhất với nhau: một tấm lòng, một linh hồn (4,32), sống sự chia sẻ vật chất (2,44), hiệp thông trong bẻ bánh (2,42). Cộng đoàn được đặt dưới sự hướng dẫn và trách nhiệm của các Tông đồ, nhóm 7 phó tế, các Niên trưởng được các Tông đồ cắt đặt (14,23) và các ngôn sứ được Thánh Thần linh hứng để dạy dỗ, khuyên nhủ và khích lệ (11,27; 15,32).
Sách Công Vụ Tông Đồ là một trong những tài liệu lịch sử quý giá nhất của Thánh Kinh. Đó là lịch sử hiện hữu duy nhất của Kitô giáo được viết ra trước thế kỷ thứ III. Nhờ đó chúng ta biết rõ sự lớn dậy của Kitô giáo ở Palestina hay về công cuộc Truyền Giáo tại Syria, Tiểu Á, Hylạp và Rôma. Bình minh của một kỷ nguyên mới bắt đầu ló dạng.
Giáo Hội đã sống tuổi thanh xuân của mình giữa lòng Đế quốc Rôma, phải đối diện với ba thách đố lớn là Dothái giáo, chính trị Rôma và triết học Hylạp. Giáo Hội phải bung ra khỏi Dothái giáo, hội nhập vào triết học Hylạp để lan rộng trên toàn đế quốc Rôma. Chỉ với những người dân chài Galilê ít học, chỉ với một Phaolô nhiệt thành, thế mà Giáo Hội lớn mạnh không ngừng trước bao thử thách thời đại.
Chính Chúa Thánh Thần đã không ngừng dẫn dắt Giáo Hội. Đúng như lời Thánh Irênê đã nói: “Ở đâu có Thánh Linh của Đức Kitô ở đó có Hội Thánh. Ở đâu có Hội Thánh ở đó có Thánh linh và ân sủng”
Sách Công Vụ Tông Đồ trình bày lịch sử dưới ánh sáng đức tin. Sau khi Phó tế Stêphanô bị ném đá thì khởi đầu cuộc bắt bớ rộng lớn chống Giáo Hội ở Giêrusalem. Cộng đoàn Kitô hữu ở đây bị phân tán, nhiều tín hữu thoát khỏi đô thị đi tìm nơi ẩn náu. Họ đi tới đâu là rao giảng Tin Mừng tại đó. Chính đây là lúc câu nói thời danh của văn hào Tertuliano được ứng nghiệm “Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống làm nảy sinh các Kitô hữu”.
Các cộng đoàn Diaspora được thành lập. Họ hội nhập vào văn hoá địa phương để rao giảng Tin Mừng. Đoạn sách Công Vụ Tông Đồ của Chúa Nhật hôm nay kể lại vị sứ giả đầu tiên đã mang Tin Mừng đến cho người ngoại giáo, đó là người Dothái nói tiếng Hylạp, phó tế Philipphê. Ngài tới thủ đô Samari rao giảng làm phép lạ, chữa lành nhiều bệnh tật. Người ta vui mừng đón nhận và xin theo Đạo (Cv 8, 5-8). Sau khi xứ Samari được đón nhận Tin Mừng, các Tông Đồ đã cử Phêrô và Gioan đến cũng cố Niềm Tin cho các tân tòng (Cv 8, 14-24).
Kinh nghiệm sống đức tin của cộng đoàn tín hữu sơ khai là bài học quý giá cho chúng ta. Họ bị nhận chìm trong gian truân thử thách, nhưng chính lúc ấy họ cảm nhận sự hiện diện và hoạt động mãnh liệt của Chúa Thánh Thần. Như ngọn gió cuốn bay những hạt giống để rồi hạt giống lại gieo mầm sống mới ở nơi khác, ngọn gió Chúa Thánh Thần qua những cơn bách hại cũng mang lại những hiệu qủa lạ lùng. Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội, càng bị bách hại Giáo Hội càng lớn mạnh không ngừng.
Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, sau sắc dụ cấm đạo của vua Cảnh Thịnh, các cuộc bắt đạo gay gắt khiến cho những người tín hữu ở các vùng Quảng Trị, Cổ Vưu, Thạch Hãn, Hạnh Hoa chạy vào rừng núi La Vang để trốn tránh. Đức Mẹ đã hiện ra an ủi, trợ giúp. La Vang đã trở thành trung tâm hành hương của Giáo Hội Việt Nam. Các chỉ dụ cấm đạo dưới thời vua Minh Mạng, Tự Đức đã phân tán các cộng đoàn Kitô hữu. Họ xuôi vào Nam trốn tránh, đến vùng đất mới, rừng thiêng nước độc, họ khai khẩn điền địa và lập nên những cộng đoàn mới. Nhờ đó, khi các vị Thừa Sai đến Truyền Giáo, hạt giống Đức Tin được nảy mầm và phát triển nhanh chóng.
Như hạt giống gieo xuống đất và chờ đợi, những cơn mưa đầu mùa tuôn đổ, hạt giống âm thầm đón nhận sức sống, nảy mầm, bén rễ, lớn nhanh, những cộng đoàn tín hữu đang sống đức tin thầm lặng đã gặp được các chủ chăn nên lớn mạnh và nhiều giáo xứ đã được thành lập. Chỉ trong nhãn giới đức tin, chúng ta mới nhận ra sức tác động mãnh liệt Chúa Thánh Thần, trong mọi thử thách Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần nâng đỡ, trong mọi biến cố đau thương luôn có Chúa Thánh Thần an ủi dẫn dắt. Mỗi biến cố xảy đến trong cuộc đời đều là lời mời gọi, lời nhắn nhũ, lời cảnh báo. Đi tìm Thánh Ý Chúa, con người cần biết giải mã các biến cố ấy trong ánh sáng đức tin.
Ngày nay, có lẽ không còn những cơn bắt bớ và bách hại như xưa, thế nhưng những gian nan, những thử thách vẫn không thiếu trong đời sống đức tin. Thời đại hôm nay là thời đại xẻ núi lấp sông, vượt trùng dương, chinh phục không gian, bùng nổ thông tin, toàn cầu hoá… Nhưng xã hội hôm nay đang bị tục hoá với muôn ngàn cám dỗ ngọt ngào tinh vi của ma quỹ. Xã hội đang đánh mất chiều kích siêu hình, không còn cảm thức về tội lỗi. Giáo Hội phải đối diện với một xã hội mà như triết gia hiện sinh Jean Paul Sartre đã nói: “Thiên Chúa phải chết để cho con người được tự do”.
Người ta đang xây dựng một xã hội không có Thiên Chúa, tôn giáo bị tách ra khỏi xã hội. Con người mãi mê chạy theo lối sống hưởng thụ thực dụng, cá nhân chủ nghĩa.
Như thế người Kitô hữu phải sống và diễn tả niềm tin của mình như thế nào đây?
Lời Chúa hôm nay chiếu ánh sáng soi đường. Chúa Giêsu đã loan báo: “Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con” (Ga 14, 26).
Khi người tín hữu chúng ta được Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn thiêng trong đời, chúng ta sẽ yêu mến Chúa, được Chúa Cha và Chúa Giêsu ngự đến trong tâm hồn (Ga 14,21), được Chúa ban sự bình an tuyệt vời, bình an không như thế gian ban tặng (Ga 14,27). Chúa Thánh Thần chính là chìa khoá mở ra cuộc sống mới trong Đức Kitô. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, người tín hữu làm được mọi sự trong ân sủng Đức Kitô. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta sống Tin Mừng, vượt qua các thách đố thời đại như cộng đoàn tín hữu sơ khai đã vượt qua mọi trở ngại để loan báo và mở rộng Nước Chúa. “Trong tác động của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tại Việt Nam cần xác tín và sống đúng với căn tính của mình, củng cố sự hiệp thông, phát huy nhiệt tình truyền giáo, để chu toàn sứ vụ yêu thương và phục vụ của Đức Kitô trên đất nước này”. (Thư Chung 2010, số 9).
Ở đâu có Thần Khí là ở đó bừng lên niềm vui. Mùa xuân làm cho vạn vật bừng dậy màu xanh sự sống, Thần Khí làm cho mọi tâm hồn tràn đầy sức sống mới. Gioan Tẩy Giả “nhảy mừng trong lòng mẹ” Đức Maria hát lên bài ca Magnificat. Các Mục đồng hớn hở đi Bêlem. CácTông Đồ trở nên những con người mới. Các Thánh Tử Đạo hiên ngang tiến ra pháp trường. Và chúng ta cũng được trở nên con cái Thiên Chúa, sống chứng nhân cho tình yêu, can đảm loan báo Tin Mừng Phục Sinh trên mọi nẻo đường phục vụ.
100. “Tôi đến đây để loan báo Tin Mừng”
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
Ngày 4.6.2014, Dòng MTG Phan thiết tổ chức lễ Khấn Dòng cho 22 Nữ tu Khấn Trọn Đời và 34 Nữ Tu Khấn Lần Đầu.
Từ câu chuyện sơ Cristina Scuccia tham gia chương trình “The voice of Italy” của đài TV RAI 2, ĐGM Giuse Vũ Duy Thống đã ban huấn từ trong buổi gặp gỡ các tân Khấn Sinh sáng 24.05.2014, tại Dòng MTGPT.
“Hơn hai tháng nay (từ 20.03.2014), qua các phương tiện truyền thông, người ta nhắc nhiều đến tên tuổi của một nữ tu: sơ Cristina Scuccia, 25 tuổi, thuộc Hội Dòng Ursuline Thánh Gia, Milano. Đơn giản chỉ vì sơ tham gia chương trình The voice of Italy của đài TV RAI 2 mùa giải năm nay và đã vượt qua được những vòng thi đầy hứng thú. Ở vòng giấu mặt, khi nghe sơ hát bài hit “No One” của Alicia Keys, cả 4 giám khảo (2 nam, 2 nữ) đều nhanh chóng quay mặt lại, tròn xoe đôi mắt kinh ngạc từ chăm chú đến thích thú. Trên YouTube, màn trình diễn của sơ chỉ qua ba ngày đã đạt 13 triệu lượt xem. Tính đến nay, số lượt xem đa hơn 49 triệu.
Alicia Keys, tác giả bài hát đã bày tỏ sự thán phục bằng chữ “beautiful”. Diễn viên nổi tiếng Whoopi Goldberg, vai chính trong phim “Sister Act” cũng để lời tán thưởng. Đặc biệt, Hồng y Gian Franco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Văn Hóa, trên trang Twitter đã khích lệ bằng một câu Kinh Thánh: “Mỗi người hãy dùng ơn Chúa ban để phục vụ người khác (1Pr 4,10)”.
Giải thích về việc tham gia cuộc thi, sơ Cristina cho biết: “Vì ĐGH Phanxicô kêu gọi hãy mang tiếng nói của Chúa đến với mọi người”. Chính với câu nói đơn giản này, người ta thấy xuất hiện tiếng nói của Chúa và bóng dáng của ĐGH một trật. Báo chí dựa vào đây để khẳng định tiếng hát của sơ là cách đem Chúa đến với mọi người, nhất là các bạn trẻ vốn gần gũi với ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời cũng cho thấy dẫu là môi trường đời hay ngay cả những bài hát đời, nếu trình bày với hết tâm hồn, cũng có thể quy hướng người ta về nguồn chân thiện mỹ là chính Thiên Chúa. Còn chúng ta ở đây lại muốn nói đến sự gắn bó với Giáo Hội qua việc nêu danh ĐGH Phanxicô và lời kêu gọi của ngài cho công cuộc truyền giáo mới vốn cần đen nhiệt tình mới, phương pháp mới và ngôn ngữ mới. Hát chính là một trong những ngôn ngữ hiệu quả rất nên được khai thác và sử dụng khi thi hành sứ vụ truyền giáo. Kinh nghiệm, các chị em cũng biết đó: người ta thuộc lời bài hát hơn là nhớ lời bài giảng!
Được hỏi có ngại gì không nếu Tòa Thánh biết việc nữ tu tham dự cuộc thi, sơ Cristina nói: “Hy vọng ĐGH Phanxicô sẽ điện thoại cho tôi bây giờ!”. Hát do gợi ý của vị cha chung và hát xong lại mong được tiếp nguồn vào sứ vụ chung của Giáo Hội.”…
Sơ Cristina đã dùng đặc sủng Chúa Thánh Thần ban cho mình để sống chứng nhân: Tôi có một món quà để trao tặng. Tôi đến đây để loan báo Tin Mừng.”.
Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống, bài đọc 1 kể: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho… mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2, 1-4).
Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy, tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1, 8).
Với sức mạnh của Thánh Thần, Thánh Phêrô và các Tông Đồ đã ra đi rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất. Trong mọi thời đại, bằng mọi ngôn ngữ, Giáo Hội khắp thế giới tiếp tục tuyên xưng những kỳ công Thiên Chúa và kêu gọi các dân tộc, các quốc gia tiến đến với đức tin, hy vọng và cuộc sống mới trong Đức Kitô.
1. Làm chứng trong quyền năng Thánh Thần
Chúa Giêsu nói đến sứ vụ làm chứng của Chúa Thánh Thần: “ Là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em từng ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15, 26-27). Làm chứng cho Chúa Giêsu chỉ có thể thực hiện trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, chứ không thể chỉ bằng sức lực của con người.
2. Giáo hội tiếp nối sứ mạng Chúa Giêsu
Chúa Giêsu là Người Con có kinh nghiệm trọn vẹn về tình yêu của Chúa Cha, biết rõ ý muốn của Chúa Cha, biết rõ chương trình cứu độ của Chúa Cha. Ngài là chứng nhân trung thành của Chúa Cha, chỉ nói những điều Chúa Cha muốn, thi hành những điều Chúa Cha truyền dạy.
Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Chúa Thánh Thần tiếp nối sứ mạng chứng tá của Chúa Giêsu, cùng với Giáo hội và trong lòng Giáo hội.
Sứ mạng làm chứng của Giáo hội luôn luôn thể hiện cùng với và trong Chúa Thánh Thần. Giáo hội đa được Chúa Phục Sinh thổi hơi vào và trao ban Thánh Thần. Chúa Thánh Thần từ đó luôn ở với Giáo hội và trong Giáo hội. Giáo hội đã luôn nổ lực làm chứng cho Chúa Giêsu, trải dài suốt hai nghìn năm lịch sử, trải qua nhưng thăng trầm những phong ba bão táp của trần thế.
3. Sứ mạng làm chứng của người Kitô hữu:
Mỗi người Kitô hữu được sinh ra nhờ phép rửa ở trong lòng Giáo hội và được xức dầu thánh một cách đặc biệt trong Bí tích Thêm sức, được lãnh nhận Chúa Thánh Thần để thông phần sứ mạng làm chứng của Giáo hội.
Trong Bí tích Thêm Sức nhận lãnh, không những các ơn Chúa Thánh Thần, mà là chính Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta như một sức mạnh từ trên cao, như là “Thần lực của Thiên Chúa”. Đó là sức mạnh của Tình yêu mạnh hơn sự chết biểu lộ nơi Sự Sống lại của Chúa Giêsu, sức mạnh của Chân lý và Sự Thật. Đó là sức mạnh cuốn hút của cái Đẹp không phai tàn của Thiên Chúa, của cái Đẹp thần linh tiềm ẩn trong mọi cái đẹp đích thực.
4. Nhạc sĩ, Ca sĩ làm chứng cho Thiên Chúa Tuyệt Mỹ
Chúa là Chân Thiện Mỹ, nên sức mạnh của Chân Thiện Mỹ là “Thần Lực” của chính Chúa. Muon làm chứng cho Chúa là Chân Thiện Mỹ, phải có Thần lực của Chúa. Nếu chúng ta có sức mạnh của Chúa để làm chứng cho Ngài, thì đó là làm chứng chứng cho Thiên Chúa là cội nguồn của Chân Thiện Mỹ.
Có thể diễn tả net đặc trưng: các Giám mục, Linh mục là những chứng nhân cho chân lý; những người làm việc bác ái xã hội làm chứng cho sự thiện; Nhạc sĩ, Ca sĩ làm chứng cho cái đẹp.
Chiêm ngắm và diễn tả vẽ đẹp thần linh có tác dụng làm cho con người say mê. Những nghệ sĩ chân chính như các nhạc sĩ, ca sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư hay cả những biên đạo múa…đều là những người phục vụ cho cái đẹp, cũng là những chứng nhân rất cần thiết cho thế giới. Dĩ nhiên trong thế giới nghệ thuật, cũng như trong mọi lãnh vực khác của cuộc sống, vẫn có những phản chứng từ, có thể có tác dụng huỷ hoại tâm linh con người, như những thứ âm nhạc kích thích lòng tà dâm, những phim đồi truỵ, các thứ phim ảnh bạo lực…
Khi yêu những bông hoa, dòng suối, núi non, biển cả, chúng ta chìm vào trong thiên nhiên, ca hát ngợi khen Thiên Chúa cùng với các tiếng nói đa dạng của thiên nhiên, đó la làm chứng cho Thiên Chúa Đấng Tuyệt Mỹ.
Nhạc sĩ là chứng nhân cho vẻ đẹp thần linh. Nhạc sĩ viết thánh ca phụng vụ cùng chung mục đích với phụng vụ là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá con người.
Thánh nhạc phải thánh thiện vì nó có nguồn gốc là thánh, kèm theo lời ca của phụng vụ thánh, kèm theo những tác động thánh của phụng vụ và vì đó là lời cầu nguyện của Dân Chúa.Thánh nhạc được viết vì phụng vụ.Nhạc sĩ viết thánh ca để giúp người khác cầu nguyện. Lời của những bài thánh ca sử dụng chính thức trong phụng vụ luôn là lời cầu nguyện của Giáo hội. Như vậy người sáng tác thánh ca phải cầu nguyện mà sáng tác ra. Nếu như Linh mục cầu nguyện để soạn bài giảng thì Nhạc sĩ cầu nguyện để viết thánh ca. Một bài thánh ca hay được tạo ra bởi 2 lần cầu nguyện: người sáng tác cầu nguyện và người hát cầu nguyện, đựơc như vậy thì hát hay là cầu nguyện 2 lần.
Ca đoàn hát lễ cũng hát trong cung cách cầu nguyện. ĐGH Urbanô nói rằng: Nhạc là vì lễ chứ không phải lễ vì nhạc.Trong thông điệp “ Đấng Trung Gian”, ĐGH Piô XII đã viết “Ước gì tiếng hát toàn dân vang lên tới trời”. Giáo hội muốn giao dân tham dự tích vào phụng vụ và thánh ca là lời cầu nguyện của Dân Chúa.
“Hiến Chế Thánh Nhạc Trong Phụng Vụ” số 121, nói đến vai trò các nhạc sĩ Công Giáo. Ngoài kiến thức chuyên môn, Giáo hội đòi hỏi các nhạc sĩ những tiêu chuẩn cơ bản là nhạc sĩ phải có đời sống Kitô hữu đích thực thể hiện qua đức tin mạnh mẽ, đời sống đạo đức và tinh thần cầu nguyện. Nhạc sĩ sáng tác trong lúc cầu nguyện, không chỉ trong nhà thờ mà mọi nơi mọi lúc, nhạc sĩ chân chính có thể cầu nguyện để viết thánh ca.
ĐGH Piô X cũng dạy rằng: Thánh nhạc phải thánh, phải loại bỏ những gì là phàm tục không phải chỉ nơi bản chất thánh nhạc mà cả nơi người sáng tác và cách thể hiện.
Thánh nhạc đòi hỏi rất nhiều nơi các nhạc sĩ. Nhưng thực tế của cuộc sống với biết bao khó khăn. Phải bôn ba để nuôi sống gia đình, ít khi được quan tâm. Nhạc sĩ làm việc âm thầm vì Chúa vì Giáo hội. Đổi lại sư lao nhọc trong công việc, nhạc sĩ có nhiều niềm vui và hạnh phúc nơi các đứa con tinh thần của mình. Nhiều người đón nhận, nhiều Nhà thờ, nhiều cộng đoàn hát thánh ca của mình để tôn vinh Thiên Chúa, ca ngợi Đức Mẹ, các Thánh, đó là phần thưởng lớn lao cho nhạc sĩ sáng tác.
Nếu như cách loan báo Tin mừng Tình yêu hay nhất và hữu hiệu nhất của người Kitô hữu là loan báo bằng cuộc sống yêu thương và phục vụ thì Nhạc sĩ loan báo Tin mừng bằng những bài thánh ca đựơc viết khi cầu nguyện; dấn thân phục vụ trên con đường nghệ thuật cao quý. Nhạc sĩ làm chứng nhân cho cái đẹp thánh thiện nâng tâm hồn con người lên với Thiên Chúa Tuyệt Mỹ.
Đức cha Giuse cũng mong muốn các nữ tu hòa nhập vào xã hội bằng khả năng Chúa ban để loan báo Tin mừng: “Báo chí khẳng định tiếng hát của sơ Cristina là cách đem Chúa đến với mọi người, nhất là các bạn trẻ vốn gần gũi với ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời cũng cho thấy dẫu là môi trường đời hay ngay cả những bài hát đời, nếu trình bày với hết tâm hồn, cũng có thể quy hướng người ta về nguồn chân thiện mỹ là chính Thiên Chúa…Tham gia sinh hoạt văn hóa là điều bình thường của các nữ tu trong xã hội. Nhiều sơ đàn giỏi hát hay vũ đẹp, nhiều sơ được gửi đi học nâng cấp chuyên sâu về các lãnh vực. Rất đáng khích lệ. Để nối dài cánh tay phục vụ khi tham gia đời sống mục vụ tai Giáo Hội địa phương… Nhưng góp mặt tại một chương trình đời thuần túy như dự thi The voice of Italy của sơ Cristina thì quả là họa hiếm. Giả như có nữ tu nào tham gia tiếng hát Idol của đài truyền hình TP.HCM chắc người ta sẽ thấy lạ lắm, ấy là không muốn nói đến hiệu ứng bên lề nữa”.
Ở đâu có Thần Khí là ở đó bừng lên niềm vui. Mùa xuân làm cho vạn vật bừng dậy màu xanh sự sống. Thần Khí làm cho mọi tâm hồn tràn đầy sức sống mới. Gioan Tẩy Giả “nhảy mừng trong lòng mẹ”. Đức Maria hát lên bài ca Magnificat. Các Mục đồng hớn hở đi Bêlem. Các Tông Đồ trở nên những con người mới. Các Thánh Tử Đạo hiên ngang tiến ra pháp trường. Các Nhạc sĩ, Ca sĩ sống chưng nhân cho cái đẹp, loan báo Tin Mừng Phục Sinh trên mọi nẻo đường phục vụ.
101. Dưới tác động Thánh Thần.
Suốt các Chúa Nhật Phục Sinh, các bài đọc 1 được trích trong sách Công Vụ Tông Đồ. Một nhà chú giải Thánh Kinh đã gợi hứng đổi Công Vụ Tông Đồ thành Công Vụ của Chúa Thánh Thần. Bốn sách Tin Mừng là Phúc Âm của Chúa Giêsu, còn Công Vụ Tông Đồ chính là Phúc Âm của Chúa Thánh Thần.
Sách Công Vụ Tông Đồ là một trong những tài liệu lịch sử quý giá nhất của Thánh Kinh. Đó là lịch sử hiện hữu duy nhất của Kitô giáo được viết ra trước thế kỷ thứ III. Nhờ đó chúng ta biết rõ sự lớn day của Kitô giáo ở Palestina hay về công cuộc Truyền Giáo tại Syria, Tiểu Á, Hy-lạp và Rô-ma. Bình minh của một kỷ nguyên mới bắt đầu ló dạng.
Giáo Hội đã sống tuổi thanh xuân của mình giữa lòng Đế quốc Rô-ma, phải đối diện với ba thách đố lớn là Do-thái giáo, chính trị Rô-ma và triết học Hy-lạp. Giáo Hội phải bung ra khỏi Do-thái giáo, hội nhập vào triết học Hy-lạp để lan rộng trên toàn đế quốc Rô-ma. Chỉ với những người dân chài Galilê ít học, chỉ với một Phaolô nhiệt thành, thế mà Giáo Hội lớn mạnh không ngừng trước bao thử thách thời đại.
Chính Chúa Thánh Thần đã không ngừng dẫn dắt Giáo Hội. Đúng như lời Thánh I-rê-nê đã nói: “Ở đâu có Thánh Linh của Đức Kitô ở đó có Hội Thánh. Ở đâu có Hội Thánh ở đó có Thánh linh và ân sủng”
Sách Công Vụ Tông Đồ trình bày lịch sử dưới ánh sáng đức tin. Sau khi Phó tế Stê-pha-nô bị ném đá thì khởi đầu cuộc bắt bớ rộng lớn chống Giáo Hội ở Giê-ru-sa-lem. Cộng đoàn Kitô hữu ở đây bị phân tán, nhiều tín hữu thoát khỏi đô thị đi tìm nơi ẩn náu. Họ đi tới đâu là rao giảng Tin Mừng tại đó. Chính đây là lúc câu nói thời danh của văn hao Tertuliano được ứng nghiệm “Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống làm nảy sinh các Kitô hữu”.
Các cộng đoàn Diaspora được thành lập. Họ hội nhập vào văn hoá địa phương để rao giảng Tin Mừng. Đoạn sách Công Vụ Tông Đồ của Chúa Nhật hôm nay kể lại vị sứ giả đầu tiên đã mang Tin Mừng đến cho người ngoại giáo, đó là người Do-thái nói tiếng Hy-lạp, phó tế Phi-lip-phê. Ngài tới thủ đô Sa-ma-ri rao giảng làm phép lạ, chữa lành nhiều bệnh tat. Người ta vui mừng đón nhận và xin theo Đạo (Cv 8, 5 – 8). Sau khi xứ Sa-ma-ri được đón nhận Tin Mừng, các Tông Đồ đã cử Phêrô và Gioan đến cũng cố Niềm Tin cho các tân tòng (Cv 8, 14 – 24).
Kinh nghiệm sống đức tin của cộng đoàn tín hữu sơ khai là bài học quý giá cho chúng ta. Họ bị nhận chìm trong gian truân thử thách, nhưng chính lúc ấy họ cảm nhận sự hiện diện và hoạt động mãnh liệt của Chúa Thánh Thần. Như ngọn gió cuốn bay những hạt giống để rồi hạt giống lại gieo mầm sống mới ở nơi khác, ngọn gió Chúa Thánh Thần qua những cơn bách hại cũng mang lại những hiệu qủa lạ lùng. Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội, càng bị bách hại Giáo Hội càng lớn mạnh không ngừng.
Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, sau sắc dụ cấm đạo của vua Cảnh Thịnh, các cuộc bắt đạo gay gắt khiến cho những người tín hữu ở các vùng Quảng Trị, Cổ Vưu, Thạch Hãn, Hạnh Hoa chạy vào rừng núi La Vang để trốn tránh. Đức Mẹ đã hiện ra an ủi, trợ giúp. La Vang đã trở thành trung tâm hành hương của Giáo Hội Việt Nam. Các chỉ dụ cấm đạo dưới thời vua Minh Mạng, Tự Đức đã phân tán các cộng đoàn Kitô hữu. Họ xuôi vào Nam trốn tránh, đến vùng đất mới, rừng thiêng nước độc, họ khai khẩn điền địa và lập nên những cộng đoàn mới. Nhờ đó, khi các vị Thừa Sai đến Truyền Giáo, hạt giống Đức Tin được nảy mầm và phát triển nhanh chóng.
Như hạt giống gieo xuống đất và chờ đợi, những cơn mưa đầu mùa tuôn đổ, hạt giống âm thầm đón nhận sức sống, nảy mầm, bén rễ, lớn nhanh, những cộng đoàn tín hữu đang sống đức tin thầm lặng đã gặp được các chủ chăn nên lớn mạnh và nhiều giáo xứ đã được thành lập. Chỉ trong nhãn giới đức tin, chúng ta mới nhận ra sức tác động mãnh liệt Chúa Thánh Thần, trong mọi thử thách Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần nâng đỡ, trong mọi biến cố đau thương luôn có Chúa Thánh Thần an ủi dẫn dắt. Mỗi biến cố xảy đến trong cuộc đời đều là lời mời gọi, lời nhắn nhũ, lời cảnh báo. Đi tìm Thánh Ý Chúa, con người cần biết giải mã các biến cố ấy trong ánh sáng đức tin.
Ngày nay, có lẽ không còn những cơn bắt bớ và bách hại như xưa, thế nhưng những gian nan, những thử thách vẫn không thiếu trong đời sống đức tin. Thời đại hôm nay là thời đại xẻ núi lấp sông, vượt trùng dương, chinh phuc không gian, bùng nổ thông tin, toàn cầu hoá… Nhưng xã hội hôm nay đang bị tục hoá với muôn ngàn cám dỗ ngọt ngào tinh vi của ma quỹ, xã hội đang đánh mất chiều kích siêu hình, không còn cảm thức về tội lỗi. Giáo Hội phải đối diện với một xã hội mà như triết gia hiện sinh Jean Paul Sartre đã nói: “Thiên Chúa phải chết để cho con người được tự do”.
Người ta đang xây dựng một xã hội không có Thiên Chúa, tôn giáo bị tách ra khỏi xã hội. Con người mãi mê chạy theo lối sống hưởng thụ thực dụng, cá nhân chủ nghĩa. Như thế người Kitô hữu phải sống và diễn tả niềm tin của mình như thế nào đây? Bài Phúc Âm chiếu ánh sáng soi đường. Chúa Giêsu đã loan báo: “Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con” (Ga 14, 26).
Khi người tín hữu chúng ta được Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn thiêng trong đời, chúng ta sẽ yêu mến Chúa, được Chúa Cha và Chúa Giêsu ngự đến trong tâm hồn (Ga 14, 21), được Chúa ban sự bình an tuyệt vời, bình an không như thế gian ban tặng (Ga, 14, 27). Chúa Thánh Thần chính là chìa khoá mở ra cuộc sống mới trong Đức Kitô. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, người tín hữu làm được mọi sự trong ân sủng Đức Kitô. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta sống Tin Mừng, vượt qua các thách đố thời đại như cộng đoàn tín hữu sơ khai đã vượt qua mọi trở ngại để loan báo và mở rộng Nước Chúa.
Ở đâu có Thần Khí là ở đó bừng lên niềm vui. Mùa xuân làm cho vạn vật bừng dậy màu xanh sự sống, Thần Khí làm cho mọi tâm hồn tràn đầy sức sống mới. Gioan Tẩy Giả “nhảy mừng trong lòng mẹ” Đức Maria hát lên bài ca Magnificat. Các Mục đồng hớn hở đi Bê-lem. CácTông Đồ trở nên những con người mới. Các Thánh Tử Đạo hiên ngang tiến ra pháp trường. Và chúng ta cũng được trở nên con cái Thiên Chúa, sống chứng nhân cho tình yêu, can đảm loan báo Tin Mừng Phục Sinh trên mọi nẻo đường phục vụ.
102. Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến!
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
40 ngày sau Đại lễ Phục Sinh, Giáo hội long trọng cử hành mầu nhiệm cao cả Chúa về Trời, tiếp đến là cầu nguyện thiết tha: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; lạy Đấng an ủi tuyệt vời, xin ngự đến.
Giáo hội xin Ngài đến để làm gì? Thưa, để rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa cho lành nơi thương tích. Uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ trat đường… (Ca tiếp liên).
Đúng 10 ngày sau khi Chúa về Trời, chúng ta cử hành lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống với niềm vui khôn tả, Ngài là Đấng mà Đức Giêsu đã hứa với chúng ta (x. Ga 16, 7). Ngài “hiện diện” trong lịch sử Giáo hội, và hành động không biết mệt mỏi. Giáo hội sẽ tiếp tục nói các thứ tiếng cho đến muôn đời, giao tiếp với hết mọi dân tộc trên toàn thế giới, và con người ở mọi nơi mọi thời sẽ còn tiếp tục sửng sốt va bỡ ngỡ, (x. Cv 2, 6), vì những người rao giảng Tin Mừng luôn đầy Thánh Thần. Khắp mọi nơi, người ta sẽ nghe thấy Giáo hội diễn tả cùng một Đức tin trong ngôn ngữ của chính dân tộc ấy (x. Cv 2, 6), và vì thế, phép lạ ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần sẽ luôn đồng hành với Giáo hội để Ngài tiếp tục làm nhiệm vụ đổi mới và canh tân. Thần Chân Lý đã “nhập thể” trong Hội Thánh. Như lời ca nhập lễ diễn tả: “Thánh Thần Chúa tràn ngâp địa cầu, liên kết hết mọi người, thông thạo mọi ngôn ngữ. Hallêluia.”
Sách Tông đồ Công vụ thuật lại: “Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ noi” (Cv 2, 4). Thật là một kỷ niệm tuyệt đẹp về ngày Chúa Thánh Thần trong ngày Ngài hiện xuống trên các thánh Tông đồ và những người qui tụ chung quanh họ, ngày mà chúng ta có lại được hồng ân vô giá mà mưu chước Quan Thù và sự yếu đuối của nhân loại đánh mất là phúc Thiên Đàng.
“Bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp” (Cv 2, 2).
Gioan Taulê (1300-1361), tu sĩ dòng Daminh ở Strasbour nói: Ngôi nhà, sách Tông đồ Công vụ nói ở đây tượng trưng trước hết cho Hội Thánh, nơi Thiên Chúa ngự, nhưng cũng là biểu tượng của mỗi người chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần ngự trị. Một ngôi nhà có nhiều tầng, nhiều phòng, nhiều công dụng, cũng như nơi con người có những khả năng, giác quan và nghị lực khác nhau, Chúa Thánh Thần viếng thăm tất cả cách đặc biệt. Khi Chúa Thánh Thần đến, Ngài nhào nặn, cổ vũ và gợi ý nơi con người một số khuynh hướng tốt, Ngài tác động và soi sáng họ. Cuộc viếng thăm và tác động nội tâm này, hết thảy mọi người đều được ơn không ai giống ai. Mặc dù Chúa Thánh Thần là Đấng duy nhất hoạt động nơi con ngươi. (Trích bài giảng số 26, 2 ngày lễ Ngũ Tuần)
Chúa Thánh Thần ở nơi những con người có lòng ngay thật, cũng như bất cứ ai muốn trở nên dễ uốn nắn bởi Chúa Thánh Thần trong hòa bình và trật tự, người nào càng nhiệt tâm đón nhận, người ấy càng hiểu biết hơn về sự thể hiện nội tâm này và ngày càng gia tăng ơn của Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho con người ngay từ ban đầu.
Những “Hoa quả của Thần khí là: mến yêu, vui mừng, bình an, rộng rãi, tốt lành, lương thiện, tín trực” (Gal 5, 22).
Phải khẳng định rằng “Chúa Thánh Thần đến vì chúng ta. Ngài không chỉ đến “để ở với Giáo hội luôn mãi” (Ga 14, 16). Như lời Chúa Giêsu hứa: “Để Người ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Ngày hiện xuống, Chúa Thánh Thần còn đổ tràn đầy ân sủng và ơn đoàn sủng xuống trên Giáo hội thật phong phú dồi dào! Chúng ta đọc thấy trong sách Tông đồ Công vụ (…) Chúa Thánh Thần hiện xuống một cách hữu hình trên những người chịu phép rửa tội và làm cho họ ngập tràn niềm vui. Ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần hiện xuống một cách hữu hình trên các Tông đồ; kể từ ngày hôm đó, Giáo hội, Vương Quốc của Đức Giêsu lan rộng khắp địa cầu, chính Chúa Thánh Thần cùng với Chúa Cha và Chúa Con điều khiển Giáo hội. Bằng sự thánh thiện, Ngài kiện toàn nơi tâm hồn con người ngay từ lúc khởi đầu Ơn Cứu Chuộc. Thánh Tôma Aquinô nói: “Ngài là linh hồn của thân thể nhiệm mầu là Giáo hội” (Tổng luận Thần học, I-II, q.106, a.1c.). Ngài ngự trong Giáo hội cách thường hằng, Ngài không ngừng trao ban sự sống và thánh hóa Giáo hội như lời Thánh Phaolô nói: “Vì Ngài lưu lại nơi các ngươi và ở trong các ngươi” (Ga 14, 17). Vì là Thần khí Sự Thật, “khi nào Ngài đến, Ngài sẽ hướng dẫn trong Chân Lý” (Ga 16, 13) và gìn giữ khỏi mọi sai lầm. Chính Ngài làm bừng lên trong Giáo hội sư phong phú siêu nhiêu: làm nảy sinh và triển nở những nhân đức anh hùng nơi tâm hồn các thánh trinh nữ; các thánh tử đạo, các thánh hiển tu, ẩn tu, đó là một trong những dấu chỉ sự thánh thiện. Tóm lại, Chúa Thánh Than hoạt động trong tâm hồn nhân thế; nhờ linh hứng trong Hội Thánh, nhờ máu châu báu của Đức Giêsu Kitô đổ ra,”tinh tuyền, không vết nhơ, không tì ố” (Ep 5, 27), ngõ hầu tất chúng ta xứng đáng trình diện trước tòa Thiên Chua là Cha Đức Giêsu trong ngày thẩm phán.
Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI nói: Đây là mầu nhiệm của Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí con người, và qua việc soi sáng cho họ biết về Chúa Kitô chịu đóng đinh, chết và đã sống lại, Chúa Thánh Thần chỉ cho biết con đường để trở nên giống Chúa hơn, nghĩa là trở nên “sự biểu lộ và phương thế” của tình yêu, một tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa (x. Thiên Chúa là Tình Yêu, số 33).
Cùng với Mẹ Maria và toàn thể các thánh trên Trời, chúng ta cùng cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin hãy đổ tràn xuống tâm hồn các tín hữu, và đốt lên trong họ ngọn lửa Tình Yêu Chúa trong lòng họ!” Amen.
103. Sống trong Thần Khí – AM Trần Bình An
Vào ngày 18/5/1996, tôi được thụ phong Linh mục. Có ai đó nói với tôi rằng, vào dịp này bất cứ điều gì tôi cầu xin đều được lãnh nhận. Vì vậy tôi thưa với Chúa Giêsu, khi tôi nằm sấp trên nền cung thánh: “Lạy Chúa Giêsu, con biết con sẽ là một Linh mục theo ý nghĩa bí tích, nhưng con cũng muốn được rửa trong Thánh Thần theo ý nghĩa Lễ Ngũ Tuần.” Hai ngày sau khi lãnh chức, ngày 20/5/1996, tôi dự một nghi lễ cầu nguyện tại một giáo xứ địa phương, và tôi được rửa trong Thánh Thần.
Vào ngày được truyền chức, bạn tôi, Mary Beth, nói rằng em bé người hàng xóm của cô ấy bị bệnh nặng. Và những tháng sau khi chào đời, bé vẫn phải ở trong bệnh viện. Cô ấy xin tôi cầu nguyện cho nó. Tôi đã bỏ dở bữa tiệc và đi đến bệnh viện. Tôi nhớ hình ảnh đủ thứ ống dây cắm vào em bé. Tôi hỏi bố mẹ nó: “Anh chị có tin nếu tôi xức dầu cho em bé, thì nó sẽ được chữa lành không?” Họ đáp “có”, và tôi đã xức dầu cho nó. Ba ngày sau tôi gọi điện thoại và được biết em bé đã khỏi bệnh cách lạ lùng. Tôi nghĩ đó là biểu tượng cho bí tích đầu tiên tôi cử hành là xức dầu cho em bé bị bệnh nặng và nó được bình phục. Từ ngày đó việc cầu nguyện chữa lành là phần quan trọng trong thừa tác vụ của tôi. (Lm Stefan P. Starzynski, Tiếp tục tác vụ chữa lành của Chúa Giêsu)
Trong Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay Chúa Giêsu trao ban Đức Chúa Thánh Thần cho các tông đồ qua nghi thức biểu tượng “thổi hơi.”Ngay từ khi nhập thế và nhập thể, Chúa Thánh Thần đã đồng hành cùng Chúa Giêsu trên từng chặng đường cứu độ.
Nguồn Sống
Chinh từ Thần Khí phát sinh nguồn sống vạn vật. Thần Khi Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước. (St 1, 2) Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. (St 1, 7)
Đức Mẹ Maria đã thụ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. (Mt 1, 18). Khi Chúa Giêsu vừa chịu phép rửa bới ông Gioan Tiền Hô, thì Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. (Mt 3, 16). Sau đó, Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu quỷ cám dỗ. (Mt 4, 1)…
Đấng Bảo Trợ
Ngay sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh, Người đã hiện ra và trao ban cho các môn đệ Thần Khí. Nhưng còn thiếu sự cộng tác, thiếu sự chuẩn bị đón nhận, thiếu sự hiệp thông, nên Thần Khí Chúa chưa thật sự tác động trên các ngài. Do vậy, mà cửa vẫn khóa, then vẫn cài chắc chắn, vì các ngài còn mãi hoảng sợ, kinh hãi người Do Thái, tâm hồn vẫn mất bình an và niềm vui.
Chỉ khi các ngài cùng nhau hiệp ý, đều đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện, thì Thần Khí Chúa mới thật sự xuống với các ngài. Tái sinh, đổi mới, cùng bảo trợ các ngài.
Sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh, vào chiều ngày Thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông, chúc bình an và sai đi rao giàng. Nói xong, người thổi hơi vào cac ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần… (Ga 20, 19-22)
Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín…(Ga 20, 26)
Trở về Giêrusalem, các tông đồ đều đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu. (Cv 1, 14) Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động, như tiếng gio mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần. (Cv 2 1-4)
Sống trong Thần Khí
Các Kitô hữu cũng được Chúa Thánh Thần ngự xuống khi lãnh nhận các phép Bi tích Rửa Tội và Thêm Sức. Thế nhưng tôi chẳng thấy được tái sinh, được biến đổi và được bảo trợ. Hình như tôi chẳng nhận được Bảy Ơn căn bản của Chúa Thánh Thần: Khôn ngoan, thông hiểu, lo liệu, sức mạnh, hiểu biết, đạo đức và kính sợ Chúa. Phải chăng Chúa Thánh Thần bỏ rơi tôi, quên tôi rồi sao?
Không, chính vì tôi chưa sẵn sàng đón nhận Ngài, chưa trân trọng kính mời Ngài đến thăm. Phải chăng tôi đang bị những nhân khí, âm khí và tà khí hiệp lực, vây hãm chặt chẽ và nặng nề.
Nhân khí là những bản năng, những ham muốn vinh thân phì gia, những đam mê xác thịt. Âm khí là những khuynh hướng thế gian sa đọa. Tà khí là những cám dỗ ma quỷ, kiêu căng, hận thù, ganh ghét, giận dữ. Tất cả chúng biến tôi thành kẻ nô lệ xác thịt, nô lệ xã hội thực dụng và hưởng thụ, nô lệ ma quỷ kiêu căng, chống lại sự thật, sự công chính và sự sống viên mãn.
Tôi trở nên nhạy cảm với thú vui trần gian, xa dần Thần Khí, rồi dửng dưng và chống lại Thần Khí. Tôi đánh mất dần nhận thức tội lỗi. Tôi đương nhiên thuộc về cộng đồng, mà ngôn sứ Isaia đã phải thất vọng thốt lên: “Dân này thờ kính Ta bằng môi bằng miệng, nhưng tâm hồn chúng thì xa Ta.” (Is 29. 13).
Tôi thường vào mạng internet lùng sục, ngấu nghiến coi những tin tức giật gân, những xì căng đan các thần tượng, những chuyện tình, tiền, tù, tội. Thay vì truy cập vào các trang web nhà đạo, để tìm hiểu, học hỏi Lời Chúa, để suy tư nguyện ngẫm, nâng tâm hồn lên bằng những hạt giống tốt lành, có thể củng cố, phát triển, bồi dưỡng các nhơn đức Tin, Cậy, Mến,…
Tôi không có thì giờ hằng ngày đến với kinh nguyện, chầu lễ. Nhưng tôi vẫn thường xuyên vui vẻ thoải mái hằng giờ bên bạn bè đàn đúm. Yên tâm sống đạo bình thường như bao người khác. Riết rồi sống tầm thường và tầm bậy lúc nào chẳng hay.
Mẹ Têrêsa đã thuật lại kinh nghiệm nội tâm này: “Tôi luôn ý thức tôi không thể làm gì. Vì thế, tôi để mặc cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong tôi va Người muốn làm gì tùy ý. Đó là thành công của tôi”. Nhờ đó, một mình Mẹ đã lập 5 loại dòng tu khác nhau trên thế giới ngay cảở Liên xô, Rumani, Cuba, Albani… để làm việc truyền giáo..
Ngày lễ hôm nay, xin Chúa Thánh Thần ban cho tất cả chúng con được ơn tái sinh, biến đổi để trở nên con người mới phù hợp với thời đại. Xin Chúa Thánh Thần đến an ủi kẻ âu lo, bệnh tật, tù đày, đau khổ… và đến giúp đỡ cho các thanh niên thiếu nữ và trẻ em biết sống cuộc sống của Chúa Kitô phục sinh. (ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Bài giảng 43: Chúa Thánh Thần, Chúa Nhật 19/5/1991)
Xin Mẹ dạy chúng con luôn biết cầu nguyện, khấn xin Chúa Thánh Thần luôn đổ tràn hồng ân trên chúng con. Amen.
Lời nguyện:
Chúa Thánh Thần hằng gìn giữ, hướng dẫn, thánh hóa và canh tân Hội Thánh.Lạy Chúa, chúng con cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh, luôn được tràn đầy Bảy ơn Đức Chúa Thánh Thần, mà hướng dẫn cộng đoàn dân Chúa. Thành tâm chúng con cầu xin Chúa.
Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ và phán: “Các con hãy nhận lãnh Thánh Thần”..Lạy Chúa, chúng con cầu xin cho các Kitô-hữu, vâng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mà trung thành sống đạo và trở nên ánh sáng cho trần gian. Thành tâm chúng con cầu xin Chúa.
Chúa Giêsu phán: “Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con Đấng Bàu Chữa”..Lạy Chúa, chúng con cầu xin cho những người nghèo khổ, đau yếu, bệnh tật, được ơn Chúa Thánh Thần nâng đỡ ủi an, mà vững tin trong đời sống đạo. Thành tâm chúng con cầu xin Chúa.
Chúa Thánh Thần làm cho các Tông đồ hiểu Lời Chúa, và can đảm loan báo Tin Mừng..Lạy Chúa, chúng con cầu xin cho các Kitô-hữu, chân thành sống đạo Chúa, sống Đức Tin trong ơn sức mạnh can đảm của Chúa Thánh Thần. Thành tâm chúng con cầu xin Chúa.
Chúa Thánh Thần hiệp nhất các Kitô-hữu..Lạy Chúa, chúng con cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng con, nhờ tác động Chúa Thánh Thần, trở nên một cộng đoàn yêu thương, và cùng giúp nhau tiến về nhà Cha trên trời. Thành tâm chúng con cầu xin Chúa.
104. Suy niệm của Lm Nguyễn Minh Hùng.
SỨC MẠNH NÂNG ĐỠ ĐỨC TIN TRONG Ý THỨC TRUYỀN GIÁO
Ai mà không ít là một lần thấm thía nỗi đau, nỗi bất hạnh? Ban và tôi, khi sống trong cuộc đời này, lại không có những lần đức tin bị thử thách đó sao. Chẳng hạn khi ta phải bước đi trong lầm lũi, đi trong thất bại và chán nản: Đó có thể là cái chết bất ngờ của một người thân, một cơn bạo bệnh, một tình yêu bị phụ bạc… Đó cũng có thể là cái nghèo, cái dốt, là đứa con chưa ngoan, vợ chồng thiếu tin tưởng nhau… Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, đức tin bị chùn bước chăng?
Suy nghĩ về tính bấp bênh của thân phận, ta sẽ nhận ra ơn Chúa Thánh Thần là một mãnh lực lớn biết bao nhiêu giúp ta vượt qua và tin vững vàng. Nhất là những lúc ta phải sống chứng nhân cho Tin mừng của Chúa Kitô, dẫu là đang trong hạnh phúc hay khi rơi vào nỗi ô nhục, chán chường. Bởi thế, ta có thể nói mạnh rằng: CHÚA THÁNH THẦN LÀ SỨC MẠNH NÂNG ĐỠ ĐỨC TIN TRONG CHÍNH Ý THỨC TRUYỀN GIÁO NƠI MỖI NGƯỜI.
Ngày xưa, các thánh tông đồ cũng thế. Chúa Thánh thần đã nâng đỡ đức tin các thánh tông đồ nhiều lắm. Người đã từng hiện diện với các ông trong từng bước chân truyền giáo. Chính Chúa Thánh Thần đã làm cho kết quả của ơn gọi truyền giáo mà các thánh tông đồ nói riêng, các môn đệ Chúa Kitô nói chung, thực hiện trở thành một kết quả lớn lao, không phải chỉ một nơi chốn hay một khoảnh khắc nào, nhưng lan tỏa khắp thế giới, qua mọi thời, mọi thế hệ…
Vì tính người mỏng dòn, nên đức tin can được tôi luyện. Các thánh tông đồ đã được tôi luyện như thế: Chúa Giêsu, người mà thánh Phêrô đã từng đại diện anh em mình tuyên xưng là Con Thiên Chúa; người đã từng hiển dung trước mặt Phêrô, Gioan, Giacôbê; người đã từng làm phép lạ như “Đấng có uy quyền” trước mặt các ngài, bây giờ chỉ là một người bị đánh bại thê thảm. Có ai có thể tưởng tượng nỗi một Giêsu mà mình muốn đặt hết hy vọng vào đó như một cứu chúa, một nhà giai phóng để đưa dân tộc Do thái thoát khỏi bàn tay đô hộ của đế quốc La mã, bây giờ lại bị chính quyền kết án, bị các nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái treo lên thập giá, phơi thây giữa trời giữa đất, xuống không nổi. Trong hoàn cảnh đó niềm hy vọng của các tông đồ như một tim đèn chực tắt. Đức tin đang lụn dần. Có lẽ trong lòng các môn đệ của Chúa Giêsu lúc đó chỉ còn có thể réo lên ba tiếng “Mất tất cả!”.
Bài Tin Mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay chứng minh điều đó. Thánh Gioan kể lại: Một buổi chiều Chúa nhật, các thánh tông đồ tụ họp và “đóng kín” cửa lại – tôi xin nhấn mạnh động từ “đóng kín”. Vì các thánh tông đồ không “đóng kín” để tránh sự on ào, không “đóng kín” để tạm quyên đi những lo toan đời thường, không “đóng kín” để gặp gỡ Thiên Chúa. Nhưng “đóng kín” vì “sợ người Do thái”. Và bởi “sợ”, nên dù “đóng kín”, các ngài vẫn ở trong tâm trạng rối bời.
Nhưng khi Chúa Thánh Thần đến, đức tin của các thánh tông đồ trở nên mạnh mẽ. Chính Chúa Thánh Thần đã phá vỡ tâm trạng rối bời này. Ý thức truyền giáo phát triển từ con số không, bỗng vượt quá sức người bé bỏng của cac ngài, và tỷ lệ thuận với lòng can đảm phát xuất từ một đức tin dũng mãnh: Tin vào Đấng phục sinh. Từ đây, chính nhờ Chúa Thánh Thần tác động, làm cho các ngài mạnh dạn loan báo Lời Chúa, dám sống, dám chết cho đức tin dũng mãng ấy. Như vậy Người không chỉ nâng đỡ cách nhất thời, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào mà các ngài gặp phải như: bị chống đối, bị sỉ nhục, bị tù đày, nhất là bị sát hại.
Lẽ nào, sau khi nhận ra thái độ truyền giáo của các tông đồ, chúng ta lại trở về với cuộc sống đời thường mà không có gì thay đổi? Ngay từ bây giờ, ta hãy sắm cho mình một ý thức truyền giáo bằng chính trách nhiệm hằng ngày của ta: đó là trách nhiệm của mot linh mục, một người buôn bán, một người dạy học, một công nhân, một học sinh… Ta cũng có thể thể hiện tinh thần truyền giáo trong những việc làm hết sức nhỏ bé như: tha thứ cho một người mất lòng ta, chào hỏi những người ta quen biết…
Nếu ta có một ý thức truyền giáo trong trách nhiệm và trong những việc làm từ ngày này qua ngày khác như thế, không những đức tin không bị lung lạc giữa các môi trường ta sống, mà còn vững mạnh và có sức thu hút nữa. Bởi vì Chúa Thánh Thần đang hoạt động nơi ta, làm cho nó trở thành khí cụ đưa công việc truyền giáo thầm lặng của mọi người đạt hiệu quả.
Tôi muốn dừng lại ở đây bằng chính lời của Đấng Phục sinh noi với chúng ta: “Bình an cho anh em”. Nguyện xin Chúa Kitô ban ơn bình an ấy cho ta. Nhưng Chúa Thánh Thần chính là Nguồn Bình an. Bởi thế, xin Chúa Kitô ban ơn bình cũng có nghĩa là xin Người ban Chúa Thánh Thần cho ta.
Ơn bình an rất cần cho những người sống đời truyền giáo, ơn bình an cũng rất cần cho những biến động, những thăng trầm của cuộc đời. Xin dâng tất cả lên Chúa Thánh Thần, Đấng là sức mạnh nâng đỡ đức tin, và là Nguồn Bình an vô gia.
105. Chúa Thánh Thần sức mạnh nâng đỡ đức tin
(Suy niệm của Lm J.B. Nguyễn Minh Hùng)
Nếu sự kiện Chúa lên trời kết thúc Phúc âm theo thánh Luca, thì chính sự kiện này lại mở đầu sách Công vụ Tông đồ. Không phải ngẫu nhiên ma Luca làm thế. Trong quyển Phúc âm của mình, Luca hé mở một phần suy nghĩ khi ghi lại câu nói của Chúa Giêsu ngay trước lúc Người lên trời: “Thầy sẽ gởi cho các con điều mà Cha Thầy đã hứa” (Lc 24, 49). Và trong Công vụ Tông đồ, điều mà Chúa Cha đã hứa trở nên hiệu lực: Chúa Thánh Thần đang hoạt động mạnh mẽ trong thế giới. Như vậy điều quang trọng đối với thánh Luca, có lẽ không phải kết thúc hay mở đầu một quyển sách. Trên hết, ngài muốn nói với chúng ta rằng: Chúa lên trời kết thúc một giai đoạn lịch sử mà trong đó lời hứa cứu độ đã được thực hiện và mở ra một giai đoạn lịch sử mới, bao gồm các hoạt động của Chúa Thánh Thần. Một trong các hoạt động đó là nâng đỡ đức tin chúng ta.
1. Người nâng đỡ đức tin trong chính ý thức truyền giáo nơi mỗi người
Điều này rõ ràng qua thái độ của các tông đồ. Thánh gioan kể lại: một buổi chiều Chúa nhật, các tông đồ tụ họp và “đóng kín” cửa lại. Ở đây hai từ “đóng kín” cần được nhấn mạnh. Vì các ngài không “đóng kín” để tránh sự ồn ào, không “đóng kín” để tạm quyên đi những lo toan đời thường, không “đóng kín” vì gặp gỡ Thiên Chúa. Nhưng “đóng kín” vì “sợ người Do thái”. Và bởi “sợ”, nên dù “đóng kín”, các thánh tông đồ vẫn ở trong tâm trạng rối bời.
Nhưng khi Chúa Thánh Thần ngự đến, tâm trạng rối bời này bị phá vỡ. Ý thức truyền giáo phát triển từ con số không, bỗng vượt quá sức người bé bỏng của các tông đồ, và tỷ lệ thuận với lòng can đảm phát xuất từ một đức tin dũng mãnh: Tin vào Đấng phục sinh. Từ đây, chính Thánh Thần tác động, làm cho các ngài mạnh dạn loan báo Lời Chúa, dám sống, dám chết cho đức tin dũng mãng ấy.
Lẽ nào, sau khi nhận ra thái độ truyền giáo của các thánh tông đồ, chúng ta lại trở về với cuộc sống đời thường mà không có gì thay đổi? Ngay từ bây giờ, ta hãy sắm cho mình một ý thức truyền giáo bằng chính trách nhiệm hằng ngày của ta: đó là trách nhiệm của một linh mục, một người buôn bán, một người dạy học, một công nhân, một học sinh… Ta cũng có thể thể hiện tinh thần truyền giáo trong những việc làm hết sức nhỏ bé như: tha thứ cho một người mất lòng ta, dắt một cụ già qua đường, chào hỏi những người ta quen biết…
Nếu ta có một ý thức truyền giáo trong trách nhiệm và trong những việc làm từ ngày này qua ngày khác như thế, không những đức tin không bị lung lạc giữa các môi trường ta sống, mà còn vững mạnh và có sức thu hút nữa. Bởi vì Chúa Thánh Thần đang hoạt động nơi ta, làm cho nó trở thành khí cụ đưa công việc truyền giáo thầm lặng của mọi người đạt hiệu quả.
2. Chúa Thánh Thần nâng đỡ đức tin trong những hoàn cảnh khó khăn của đời sống
Ai mà không ít là một lần thấm thía nỗi đau, nỗi bất hạnh? Đó có thể là cái chết bất ngờ của một người thân, một cơn bạo bệnh, một tình yêu bị phụ bạc… Đó cũng có thể là cái nghèo, cái dốt, là đứa con chưa ngoan, vợ chồng thiếu tin tưởng nhau… Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, đức tin bị chùn bước chăng?
Vì tính người mỏng dòn, nên đức tin cần được tôi luyện. Các thánh tông đồ cũng từng được tôi luyện như thế. Đức Giêsu, người mà Phêrô đại diện anh em mình tuyên xưng là Con Thiên Chúa; người đã từng hiển dung trước mặt Phêrô, Gioan, Giacôbê; người đã từng làm phép lạ như “Đấng có uy quyền” trước mặt các ngài, bây giờ chỉ là một người bị đánh bại thê thảm. Trong hoàn canh đó niềm hy vọng của các tông đồ như một tim đèn chực tắt. Đức tin đang lụn dần.
Khi Chúa Thánh Thần đến, đức tin các tông đồ trở nên mạnh mẽ. Người không chỉ nâng đỡ cách nhất thời, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào mà các ngài gặp phải như: bị chống đối, bị sỉ nhục, bị tù đày, nhất là bị sát hại.
Ngày nay Chúa Thánh Thần vẫn ở với ta. Tôi có kinh nghiệm thế này: trong những hoàn cảnh xem ra bi đát nhất, tôi lại được ơn nâng đỡ nhiều nhất. Khi biến cố ấy qua rồi, tôi thường nhìn lại, và rất nhiều lần phải tự thốt lên: ôi tình yêu nhiệm mầu!
Tôi đồng cảm rất sâu với tư tưởng của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong bản góp ý cho tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục Á châu. Tư tưởng đó là: “Hội Thánh tại Á châu phải trở nên một Giáo Hội không quyền lực”. Nhìn vào Hội Thánh Việt nam, tôi thấy rất đúng! Nhưng cũng rất lạ lùng, vì một Hội Thánh như thế lại có sức sống căng tràn và đức tin vững vàng.
Cũng thế, chính tôi tận mắt hoặc nghe kể lại những cảnh đời rất bế tắc, nhưng niềm tin yêu lại sáng ngời. Có ai đã từng chứng kiến cảnh một cô gái trẻ bị bệnh ung thư sắp chết, an ủi người mẹ đang nứt nỡ chưa? Đó là một giáo lý viên. Thấy tôi đến thăm, cô nhờ tôi nói chuyện với mẹ cô để xoa dịu nỗi đau của bà. Cô hứa, trước tòa Chúa, cô sẽ cầu nguyện cho gia đình cô, cho cha sở, cho tôi và cho lớp giáo lý mà cô đang phụ trách. Trong tình cảnh đó, tôi chỉ còn biết im lặng đón nhận bài học về đức tin mà cô vừa giúp tôi nhận ra.
Bởi đâu một Giáo Hội còn trẻ trung, còn thiếu thốn nhiều mặt như Giáo Hội tại Việt Nam lại căng tràn sức sống? Bởi đâu nơi một cô gái yếu mềm lại ẩn chứa một đức tin can đảm đến thế? Chính Chúa Thánh Thần tạo nên tất cả. Đấng “Phù Trợ” mà Chúa Giêsu ban đang âm thầm nâng đỡ đức tin của Hội Thánh, của mỗi người. Chỉ cần biết mở lòng ra, chỉ cần khiêm tốn một tí, và đừng ở lỳ trong sự cứng cỏi, chúng ta sẽ khám phá ra sức mạnh của Chúa Thánh Thần đang tác động nơi niềm tin của mình. Đành rằng ai cũng sợ đối đầu với đau khổ, nhưng đau khổ lại là phương thế rèn luyện đức tin. Tin rằng Chúa Thánh Thần sẽ không để chúng ta chiến đấu một mình, Người nâng đỡ như đã từng nâng đỡ các thánh tông đồ khi xưa.
Lời của Đấng Phục sinh nói với chúng ta: “Bình an cho anh em”. Xin Ngài ban ơn bình an đó cho chúng ta, vì ơn bình an rất cần cho những người sống đời truyền giáo. Ơn bình an cũng rất cần cho những biến động, những thăng trầm của cuộc đời. Xin dâng tất cả lên Chúa Thánh Thần, Đấng là sức mạnh nâng đỡ đức tin chúng ta.
106. Suy niệm về Kinh Đức Chúa Thánh Thần
(Suy niệm của Lm. JP Vũ Minh)
MỘT SUY NIỆM VỀ KINH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN TRONG NGÀY LỄ HIỆN XUỐNG
50 ngày sau Lễ Vượt Qua là ngày Lễ Ngũ Tuần; một lễ quan trọng trong lịch sử Do Thái để tưởng nhớ ngày Thiên Chúa trao Lề Luật cho Môisê trên núi Sinai – tên của lễ này là Shavuot;…
…và người Do Thái cũng dùng lễ này để tạ ơn Thiên Chúa vì đây là thời gian họ thu hoạch ngũ cốc với vụ gặt đầu tiên… Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các thánh tông đồ 50 ngày sau khi Chúa Giêsu sống lại và ngày này được coi là ngày Sinh Nhật của Giáo Hội. Kinh Đức Chúa Thánh Thần và Lời Chúa được dùng để gợi ý cho phần suy niệm hôm nay:
Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời: Thuở xưa, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người và thổi hơi vào Adong để cho ông có sự sống (St 2:7) nhưng ông bà nguyên tổ đã phản nghịch Thiên Chúa; nay Chúa Giêsu đã thổi hơi trên các tông đồ để ban cho họ ơn Chúa Thánh Thần và trao cho các ông sứ mạng ban ơn tha tội (Ga 20:22-23), và các tông đồ đã mạnh dạn thi hành. Chúng ta là những kẻ đã nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần cũng phải sống theo lệnh truyền đó.
Và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con: Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa (Cv 2:1-13) và Ngài cũng là biểu tượng của tình yêu vì Chúa Cha và Chúa Con thương nhau mà sinh ra Chúa Thánh Thần trong tinh thần hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi… Chúng ta cũng xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta nguồn ơn của tình yêu đó trong lòng mình để ta sống đời mến Chúa và yêu người.
Chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống – (để) sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con: Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho các tông đồ sự sống mới trong Chúa Phục Sinh để họ áp dụng cho chính cuộc sống mình khi họ dùng ơn thiêng liêng đó để khống chế mọi sợ hãi trong lòng; và được linh khiến để đem ơn Chúa Thánh Thần vào môi trường chung quanh khi các ông lên tiếng thì những người khác tuy dù họ nói những tiếng nói khác nhau nhưng họ hiểu như họ được nghe như tiếng bản xứ mình. Làm sao chúng ta có thể sống và dùng ơn Chúa Thánh Thần trong thế giới hôm nay?
Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống: Chúng ta xin Chúa Thánh Thần xuống trên chúng ta để Ngài dậy dỗ chúng ta thêm về những cách và bài học mới trong cuộc sống hiện tại. Để được như thế, chúng ta có sẵn sàng sống trong nguồn ơn mới của Chúa Thánh Thần hay không?
An ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành: Thánh Phaolô đã đề khuyên các tín hữu Côrintô về cuộc sống mới trong Chúa Thánh Thần (1 Cor 12:3-13) qua việc chia sẻ và hiệp thông. Chia sẻ vì có nhiều ơn thánh sủng nhưng phát nguồn từ một Thánh Thần, và mỗi người chúng ta được ban những ơn và khả năng riêng biệt để phục vụ vì ích lợi chung; và hiệp thông vì moi người chúng ta tuy dù là cá nhân nhưng là một phần trong Chi Thể của Chúa Giêsu. Lễ Hiện Xuống dậy ta rằng: ai tin vào Chúa Giêsu sẽ cố sống đời mình theo những tiêu chuẩn kể trên với nguồn ơn thánh của Chúa Thánh Than trong suốt đời mình.
107. Ngày sinh nhật của Giáo Hội
(Suy niệm của Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long)
Ai là con người cũng có ngày mở mắt chào đời, ngày sinh nhật. Ngày đó được ghi lại trên tấm giấy khai sinh.
Hội đoàn tổ chức đời đạo nào trong xã hội cũng có ngày khai sinh thành lập. Ngày đó được ghi chép trên giấy tờ tài liệu lưu giữ của Hội đoàn tổ chức như bằng chứng.
Người Mẹ Giáo Hội Công giáo cũng có ngày sinh nhật, ngày khai sinh thành lập. Nhưng ngày này của Giáo Hội Công giáo lại không có ghi lại trên giấy tờ khai sinh hay chứng từ sổ sách ghi lại bằng chữ viết, bằng con số.
Như thế, làm sao có thể nói đến ngày sinh nhật của Giáo Hội công giáo được?
1. Tờ giấy khai sinh
Khi một em bé lọt lòng mẹ mở mắt chào đời, bệnh viện nơi em sinh ra ghi lại trên giấy tờ ngày giờ năm tháng, nơi chốn em sinh ra. Căn cứ vào chứng thư đó, sở hộ tịch làm giấy khai sinh trong sổ bộ đời sống xã hội cho em bé.
Không phải tờ giấy đó làm ra em. Nhưng sống trong cộng đồng xã hộị, em cần tờ giấy khai sinh đó. Tờ giấy khai sinh này gắn liền với đời sống em. Nó là tờ giấy căn bản hộ thân cho em, để sau này làm những giấy tờ cần thiết khác trong suốt đời sống.
Không chỉ khi làm những giấy tờ cần thiết khác ở ngoài công sở xã hội, mới cần đến giấy khai sinh. Nhưng cả khi cha mẹ em bé xin cho con mình nhận lãnh Bí tích Rửa tội gia nhập Giáo Hội Chúa Giêsu, ít là bên Giáo Hội nước Đức, cũng phải cần có kèm theo giấy khai sinh của em bé.
Tên em, ngày tháng năm sinh, nơi chốn quê quán em sinh ra là những dữ kiện quan trọng liên quan đến bản thân đời sống. Tờ giấy khai sinh giúp em giữ lại những dữ kiện đó, giữ lại chút kỉ niệm đầu đời ngày em bắt đầu đời sống trên trần gian.
Còn trong niềm tin đạo giáo có giấy tờ khai sinh không?
2. Dấu ấn giấy khai sinh
Dấu ấn Bí tích phép Rửa tội ghi khắc trong tâm hồn người được rửa tội là tờ khai sinh gia nhập đạo Công giáo. Nhưng để lưu trữ ghi nhớ sau này khi cần tra cứu, nơi nhà xứ nào cũng có sổ Rửa tội. Trong cuốn sổ đó, lần nữa ngày tháng năm sinh, nơi sinh cùng tên cha mẹ của em bé, ngày tháng năm rửa tội được ghi lại.
Nhiều người vì hoàn cảnh di chuyển, di cư nơi này sang nơi khác, mất hết giấy tờ, không còn nhớ dữ kiện ngày tháng bản thân của mình nữa. Lần tìm về nơi ngày xưa đã sinh ra, đã được Rửa tội, họ tìm lại thấy những dữ kiện đó.
Trong đạo Công giáo, khi xin cử hành bí tích hôn phối lập gia đình, người ta truy tìm lại sổ rửa tội, để biết xem có đúng là người Công giáo đã được rửa tội chưa, đã có chịu Bí tích hôn phối lập gia đình lần nào chưa. Vì sau hôn phối, có báo lại ghi thêm vào sổ đó: Đã chịu Bí tích Hôn phối.
Những người được chịu chức Thánh trong Giáo Hội, những ai khấn Dòng, những vị thẩm quyền trong Giáo Hội cũng lần dở tìm lại sổ Rửa tội để truy tìm nguồn gốc. Và sau khi người đó lãnh Chức Thánh hay Khấn Dòng báo ghi thêm vào sổ đó: đã chịu chức Thánh hay đã khấn Dòng.
Cuốn sổ Rửa tội trong Giáo Hội là giấy chứng minh để có thể tiếp tục tiếp nhận lãnh những Bí tích khác. Như thế sổ Rửa tội có khác gì giấy khai sinh đâu.
Sổ Rửa tội, một lọai giấy khai sinh trong đạo Công giáo, không chỉ cho nhu cầu đó. Nó còn là một chứng tích lịch sử nữa.
Một ai đó được Giáo Hội phong lên làm bậc Thánh, người ta truy tìm đền cuốn sổ Rửa tội nơi ngày xưa vị đó đã được Rửa tội. Lúc đó cuốn sổ Rửa tội nơi đó có tên vị đó trở nên thời danh, một chứng tích lịch sử.
Cuốn sổ Rửa tội ghi tên cùng ngày tháng Rửa tội của Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI. Joseph Ratzinger ở nhà xứ Marktl am Inn trở nên thời danh như một chứng tích lịch sử cho việc tra cứu.
Giáo Hội Công giáo của Chúa có gì giấy tờ gì chứng nhận như giấy khai sinh không?
3. Ngày sinh nhật của Giáo Hội
Giáo Hội Công giáo có ngày khai sinh khởi đầu. Nhưng ngày khởi đầu, ngày sinh nhật đó không có giấy tờ khai sinh cùng sổ sách ghi lưu lại.
Không có giấy khai sinh. Không có cuốn sổ Rửa tội. Nhưng Giáo Hội có sách Kinh Thánh ghi chép lại ngày giờ khai sinh của mình. Thánh sử Luca đã thuật lại ghi lại trong Sách Tông đồ công vụ chương hai, từ câu 1-11.
Căn cứ vào Thánh Kinh, đức Giáo Hoàng Benedicto XVI. đã diễn tả về ngày sinh nhật của Giáo Hội Chúa Giêsu:
Thánh sử Luca, người đã soạn viết công trình Kinh Thánh với những suy tư rất thận trọng. Ông trình bày quy dẫn hướng trở lại về sự nhập thể làm người của Chúa Giês. Khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên địa cầu mọi người cũng đón nhận Chúa Giêsu nữa. Thánh Thần Thiên Chúa ngự xuống đổi mới, và Giáo Hội “thân thể của Chúa Giêsu” khai sinh chào đời trong dòng thời gian lịch sử.
Điều này xảy đến qua những dấu hiệu làn gío thổi đến và ngọn lửa bùng sáng lên, nhất là qua dấu hiệu của sự lạ lùng phép lạ ngôn ngữ. Trong điều kiện đó, Giáo Hội đã loan truyền và được loan truyền đi khắp nơi, cùng được chấp nhận bằng những ngôn ngữ khác nhau. Điều này trái ngược với lịch sử xây tháp Babel ngày xưa.
Điều khác nữa, một cộng đoàn xã hội mới nảy sinh, mà Thiên Chúa qua sức mạnh của Chúa Thánh Thần, qua ngọn lửa của Thiên Chúa, đã xây dựng nên từ trong tận trái tim tâm hồn con người.
… Nếu Thánh Thần Thiên Chúa được trình bày vẽ như hình một cái lưỡi, như ngọn lửa, điều này nói lên Ngài ngự xuống trên mỗi người cách cá nhân riêng biệt. Đây là những hình ảnh căn bản diễn tả cho chúng ta hiểu, sự cư ngụ ở lại, điều mầu nhiệm bí ẩn của Thánh Thần Thiên Chúa, sự khai sinh chào đời của Giáo Hội. Và cùng với sự lạ lùng phép lạ ngôn ngữ cũng nói lên tích cách công giáo phổ quát của Giáo Hội. (Papst Benedickt, Gott und die Welt, ein Gespräch mit Peter Seewald, Von der Kirche, Knaur Verlag, April 2005, S. 376.)
Như thế, Giáo Hội Công giáo của Chúa không phải là sản phẩm của một ai, hay của một trào lưu xu hướng thời đại nào, cùng không giới hạn trong một quãng thời gian nào. Nhưng do chính Chúa qua ân đức sức mạnh Chúa Thánh Thần thiết lập nên, cùng luôn đổi mới trong dòng lịch sử thời gian trên từ hơn hai nghìn năm qua, và còn kéo dài trong tương lai tiếp nữa.
Nếu hiểu Giáo Hội của Chúa như một “Bí tích” của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong tình yêu của Chúa Thánh Thần, thì cơ cấu của Giáo Hội không chỉ là mặt tiền bên ngoài và như hàng thứ yếu. Nhưng là dấu chỉ ẩn chứa trình bày một nội dung thần học về hiệp thông trong đức tin, cùng về sự hợp nhất nên một.
“Những lời sỉ nhục bỉ báng đấng thay mặt Chúa cùng các đấng làm thầy”, như lời kinh đọc trong kinh đền tạ trái tim cực Thánh Đức Chúa Giêsu, là lời xét mình, ăn năn tạ lỗi, cùng nhắc nhở hãy có lòng yêu mến kính trọng Giáo Hội của Chúa. Đừng lạm dụng ngôn ngữ, nhân danh tự do mà coi khinh thường vô phép với Giáo Hội của Chúa, công trình của Chúa Thánh Thần.
Hàng giáo phẩm trong Giáo Hội của Chúa như Bí tích ở trần gian, là những người được Chúa tuyển chọn trao ban cho trách nhiệm gìn giữ cai quản Giáo Hội của Người. Phải, họ là những con người với những giới hạn yếu hèn, do Chúa dựng nên. Họ không phải, hay chưa là thánh. Nhưng họ có bổn phận cùng với mọi người trong Giáo Hội sống trở nên thánh thiện tốt lành như ý Chúa muốn.
Chúa Thánh Thần, Đấng khai sinh cùng nuôi dưỡng Giáo hội Chúa, hằng luôn đổi mới làm tươi trẻ trong dòng lịch sử thời gian công trình Ngài đã lập sáng tạo nên bằng bảy ân đức căn bản cho đời sống: Khôn ngoan, lo liệu, sức mạnh, thông hiểu, suy biết, đạo đức và kính sợ Chúa.
108. Đức Chúa Thánh Thần, nguồn suối nước sự sống
(Suy niệm của Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long)
Tin kính Đức Chúa Thánh Thần trong tâm hồn và tuyên xưng ra ngoài môi miệng. Nhưng không ai đã nhìn thấy Đức Chúa Thánh Thần như thế nào.
Đức Chúa Thánh Thần, vì thế, được diễn tả vẽ trình bày theo nhiều hình ảnh khía cạnh khác nhau. Một trong những hình ảnh đó là dòng nước.
1. Nước trong đời sống con người
Nước chảy thành dòng, và không thể nắm giữ lại được như một vật rắn chắc. Nếu muốn giữ nước lại, phải có ly tách, hay chậu… mới có thể quy tụ giữ nước lại được.
Nhà hiền triết Aristoteles người Hylạp, đã suy nghĩ theo lý luận triết học đi đến kết luận có bốn yếu tố quan trọng nền tảng trong thiên nhiên: đất, nước, lửa và khí. Nước là một trong bốn yếu tố nền tảng đó.
Cũng theo nhà hiền triết người Hylạp, Thales, nước là yều tố duy nhất làm nên thân thể.
Hai phần ba trái đất được bao phủ bằng nước. Không có nước, không có sự sống. Vì tất cả mọi con đường sự sống đều tùy thuộc cần đến nước.
Nước là thành phần chính yếu quan trọng của các cơ quan thân xác con người. Từ 55-60% nước chiếm trọng lượng trong thân thể con người.
Nước là viên gạch xây dựng các tế bào trong thân thể.
Nước đóng vai trò là dung dịch làm tan biến tiêu hóa những chất nặng đặc trong các cơ quan thân thể.
Nước cũng đóng vai trò vận chuyển những chất dinh dưỡng cho các cơ quan trong thân thể.
Nước điều hòa nhiệt độ nóng ấm trong thân thể con người.
Vì thế, nước là thành phần chính yếu cùng quan trọng cho cơ thể con người. Và cũng vì thế con người cần phải uống nước hằng ngày, để cho các cơ quan làm việc giúp cho sự sống phát triển và sức khoẻ được điều hòa.
2. Nước trong niềm tin các tôn giáo
Trong niềm tin các tôn giáo, nước là điều thánh thiêng cùng quan trọng.
Theo niềm tin Hồi giáo, nước là dấu hiệu khởi nguyên của sự sống, và là mối dây tương quan nối liền với Thần Thánh.
Theo Phật giáo, nước quan trọng. Vì nước là một trong bốn yếu tố trong vũ trụ. Dòng nước chảy trong sông là hình ảnh giáo lý Phật giáo, con đường chiêm niệm đời sống con người cho tới khi đạt được cứu độ nơi Niết Bàn.
Theo Ấn Độ giáo, nước là sức mạnh tẩy rửa thân thể cùng tinh thần con người.
Theo Kyto giáo, nước là khởi nguyên của mọi sự sống. Trong bài tường thuật về sáng tạo vũ trụ, Thần Linh Thiên Chúa bay là là trên nước, và Thiên Chúa sáng tạo trước tiên vũ trụ trái đất từ nước. Từ đó phát sinh nẩy nở sức sống mọi loài trong vũ trụ.
3. Nước, hình ảnh Chúa Thánh Thần
Thánh Gioan dùng hình ảnh làn nước sự sống diễn tả về Đức Chúa Thánh Thần (Ga 7,37-39).
Ai chúng ta cũng đều đã có kinh nghiệm cùng cảm nghiệm về sự phấn khởi tươi mát mang đến năng lực cho đời sống. Lúc khát nước hay khi gặp trời nóng nực mà nhận được ly nước uống vào, ngay tức thì cơn khát được hạ dịu bớt, sức sống phấn khởi bừng lên trong thân thể nơi làn da thớ thịt, cùng nơi tâm trí. Lúc đó ly nước mát quan trọng qúy gía biết chừng nào!
Vào mọi thời đại và ở nơi nơi, nước luôn là yếu tố căn bản cho phát triển về ruộng vườn, cây cối ngoài thiên nhiên; cho nhu cầu ăn uống,vệ sinh sạch sẽ của con người cùng thú động vật.
Dòng nước chảy trong dòng suối, khe lạch, nơi sông ngòi đến đâu mang chất phân bón phù sa cho cây cỏ, ruộng vườn được phát triển tươi tốt. Và dòng nước là vùng, là ngôi nhà chỗ ẩn thân sinh sống cho mọi loài cá tôm. Trong dòng nước chúng sinh sản lớn lên phát triển làm thức ăn dinh dưỡng nuôi sống con người từ ngàn xưa.
Đức Chúa Thánh Thần là sức mạnh của Thiên Chúa, tựa như làn nước làm cho sức sống sự xanh tươi chảy thông cuồn cuộn bừng lên.
Chúng ta nhìn thấy dòng nước. Nhưng Thiên Chúa, Đấng dựng nên nước, ký thác sự bí ẩn mầu nhiệm sức sống trong đó, khiến mắt ta không nhìn thấy sức mạnh ẩn dấu trong nước.
Bằng đôi mắt thường chúng ta quan sát dòng nước chảy. Nhưng tâm trí ta, dù có thể dùng phương pháp khoa học thực nghiệm phân tích chất chứa trong nước, cũng không hiểu được mầu nhiệm bí ẩn sức sống của nước do Trời cao tạo dựng nên. Sức sống ẩn chứa trong dòng nước mang lại không chỉ sự tươi mát cho da thịt, mà còn sức mạnh cho tâm hồn lẫn gân cốt bắp thịt, sự phấn khởi tỉnh táo cho tâm trí suy nghĩ biểu hiện qua nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt, trên ánh mắt con người.
Giống như mầu nhiệm sức sống ẩn chứa trong dòng nước, Đức Chúa Thánh Thần, Đấng là sức mạnh cho sự sống đức tin vào Chúa thể hiện theo nhiều phương cách, mà tâm trí ta không sao nhìn thấu cùng thông hiểu nổi, hay không như ta chờ đợi mong muốn.
Đức Chúa Thánh Thần, mà Chúa Giêsu hứa ban gửi đến cho Giáo Hội luôn hằng có mặt trong Giáo Hội. Ngài là Đấng vô hình, nhưng không phải là một „bóng ma thánh“.
Ngài là dòng nước mang sức sống đến cho đời sống thiên nhiên của Giáo Hội.
Dòng nước chảy mang đến sức sống cùng sự đổi mới. Dòng nước sức sống Đức Chúa Thánh Thần tác động âm thầm tiệm tiến trên sự đổi mới trong lòng sự sống Giáo Hội.
Chúng ta chỉ có thể tìm cách cắt nghĩa diễn tả Đức Chúa Thánh Thần bằng hình ảnh, như Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh dòng nước là nguồn sức sống nói về Thần linh Thiên Chúa, Đấng là mầu nhiệm ẩn dấu với tâm trí con người.
Đức Thánh Cha Phanxico trong bài giáo lý ngày 08.05. 2013 đã nói về đức Chúa Thánh Thần
* Con người của mọi thời đại và mọi nơi đều muốn có một cuộc sống sung mãn và tốt đẹp, công bằng và tốt lành, một cuộc sống không bị đe dọa bởi cái chết, nhưng có thể trưởng thành và phát triển một cách trọn vẹn.
Con người như một khách lữ hành, đang băng qua hoang địa cuộc đời, khát một nước hằng sống, vọt lên và tươi mát, có khả năng làm thỏa mãn ước vọng sâu thẳm tận đáy lòng về ánh sáng, tình yêu, vẻ đẹp và bình an của người ấy. Tất cả chúng ta đều cảm thấy ước vọng ấy!
Và Chúa Giêsu ban cho chúng ta nước hằng sống này: đó là Chúa Thánh Thần, Đấng phát sinh từ Chúa Cha, và là Đấng mà Chúa Giêsu đổ vào lòng chúng ta. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10).
109. Suy niệm của Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
Veni, Creator Spiritus – Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng sáng tạo, xin hãy đến.
Trong Kinh Tin Kính của Giáo Hội có lời tuyên xưng: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra”.
Tin trong tâm hồn và tuyên xưng ra ngoài bằng môi miệng như thế thật là phải đạo và chính đáng.
Nhưng như thế cũng chưa phải là tất cả những gì ta tin, ta xác tín. Ta cần nhận ra Ngài trong chính đời sống con người.
Đức Chúa Thánh Thần không có hình hài cụ thể nhất định. Nhưng là Thiên Chúa, nên Ngài có chiều kích rộng lớn hơn tâm trí ta suy tưởng về Ngài gấp bội.
Đức Chúa Thánh Thần là Đấng sáng tạo ban sự sống. Điều này khó hiểu cho tâm trí con người. Nhưng có thể nhìn vào những sự việc xảy ra trong đời sống con người mà nhận ra kết quả do Ngài làm nên.
Vậy căn cứ vào điều gì để vẽ cùng nhìn nhận ra Đức Chúa Thánh Thần trong đời sống?
Có nhiều câu trả lời cho thắc mắc này.
1. Lễ Hiện Xuống mới
Năm 2000 trong bài giảng tuần tĩnh tâm với Giáo Triều Rô-ma, đức cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận ( 1928-2002) đã nói về Đức Chúa Thánh Thần:
“Phải, Chúa Thánh Thần sống và hoạt động trong trái tim những kẻ nghèo nàn và khiêm hạ, trong tâm hồn đạo đức bình dân, trong tình liên đới, trong đau khổ. Ngài ở đó như trạng sư và thông dịch các ước muốn và lời cầu xin của chúng ta.
Tôi còn nhớ câu chuyện này:
Một ngày nọ, một cha sở miền Bắc Việt Nam thấy có một nhóm người dân tộc thiểu số H’mông muốn đến gặp ngài. Cha hỏi họ:
– Anh chị em từ đâu đến?
– Chúng con từ Lai Châu, (nơi quân đội Pháp đã thua trận Điện Biên Phủ năm 1954). Chúng con đã vượt núi rừng đi bộ suốt 6 ngày nay.
– Lạy Chúa tôi! Để làm gì vậy?
– Chúng con muốn được rửa tội ngay bây giờ.
– Không thể được! Không có một linh mục hay giáo lý viên nào cả trong vùng của anh chị em, anh chị em không biết gì về đạo hay kinh nguyện, thì làm sao chịu phép Rửa tội được.
– Chúng con đã học tất cả từ một đài phát thanh phát đi từ Phi-luật-tân.
– Mà đài phát thanh nào? Đâu có đài phát thanh Công giáo nào có chương trình bằng thổ ngữ của anh chị em đâu!”
– Đó là đài phát thanh “Nguồn Sống”.
– Một đài phát thanh Tin lành, và bây giờ anh chị em lặn lội dến đây để xin trở thành Công giáo. Thật là điều lạ!
– Vị linh mục thật cảm kích bỗng thốt lên: Đây là một lễ Hiện Xuống mới. Đây chính là tác động của Chúa Thánh Thần! Chúa Thánh Thần!
Rồi cha lại hỏi nhóm người H’mông: Anh chị em có thể ở lại đây lâu hơn không?
– Thưa cha, không thể được. Chúng con chỉ đem theo 14 ngày cơm: 12 ngày đi đường và 2 ngày học hỏi và đọc kinh cầu nguyện.
Cả nhóm đã được rửa tội và chịu phép Thêm sức, rồi được dự Thánh lễ đầu tiên trong đời và được rước Mình Thánh Chúa.
– Anh chị em sẽ không có Thánh Lễ nào nữa, anh chị em không có nhà thờ. Anh chị em sẽ làm thế nào?
– Ban chiều tối, chúng con tụ họp nhau từng hai ba gia đình để nghe đài phát thanh và cầu nguyện chung và cùng nhau học hỏi về đạo. Ngày Chúa Nhật chúng con ra ruộng cày cấy, nhưng đúng 9h30 , chúng con ngưng làm việc, thả trâu tự do ăn cỏ và chúng con dự Thánh Lễ qua đài phát thanh Chân Lý phát từ Manila. Một Lễ Hiện Xuống mới của thế kỷ XX” (Hồng Y Nguyễn văn Thuận, Chứng nhân Hy vọng, trang 233-234).
Đó chẳng phải là phép lạ do Đức Chúa Thánh Thần tác động làm ra đó sao?
2. Phép lạ lễ Hiện Xuống
Năm 1990 (Tông du lần thứ 46 từ 21 – 22/04/1990 đến Tschechoslowakei) Chân phước Giáo hoàng Gioan Phao-lô đệ nhị, lúc còn sinh tiền đã đến thăm viếng mục vụ quốc gia Tiệp Khắc vừa mới thoát ra khỏi chế độ Cộng sản cai trị từ mấy chục năm qua. Tổng Thống Valav Havel đã chào mừng Đức Giáo Hoàng bằng những lời thấm đượm tin tưởng về phép lạ lễ Hiện Xuống đã cùng đang xảy đến cho đất nước của ông ở thủ đô Praha:
“Chúng ta đang trải qua một phép lạ. Tôi không biết có phải và thế nào là một phép lạ, dẫu vậy tôi cũng cả dám nói lên tâm tình rằng, trong giây phút này tôi đang trải qua một phép lạ. Một người trước đây 6 tháng đã bị bắt giam cầm như một kẻ thù của quốc gia, hôm nay trong tư cách là Tổng Thống của đất nước đó đón tiếp chào mừng vị Giáo Hoàng lần đầu tiên trong lịch sử của Giáo Hội Công giáo, bước chân trên phần đất nước này đến thăm viếng quốc gia chúng tôi.
Tôi không biết có phải và thế nào là một phép lạ, dẫu vậy tôi cũng cả dám nói lên tâm tình rằng, trong giây phút này tôi đang trải qua một phép lạ. Trên công trường này, tại chỗ này trước đây 5 tháng tương lai của đất nước chúng tôi đã được quyết định, hôm nay vị Thủ lãnh Giáo Hội Công Giáo cử hành Thánh lễ. Có lẽ nhờ lời bầu cử của Thánh nữ Agnes xứ Bohemen, người mới đây, năm 1989, đã được tôn phong lên bậc hiển thánh trong Giáo Hội Công Giáo, đã giúp cho những sự việc bí ẩn nhiệm mầu được xảy ra tốt đẹp. Xin cám ơn Thánh nữ.
Tôi không biết có phải và thế nào là một phép lạ, dẫu vậy tôi cũng cả dám nói lên tâm tình rằng, trong giây phút này tôi đang trải qua một phép lạ. Đất nước chúng tôi đã bị ý thức hệ hận thù nghi kỵ gây nên thảm trạng tàn phá đổ nát, hôm nay đây được một sứ giả tình yêu thương đến thăm viếng.
Đất nước chúng tôi bị tàn phá đổ nát vì hệ thống cai trị bởi những người thiếu giáo dục, giờ đây bừng lên hình ảnh dấu hiệu sống động của nền giáo dục đào tạo lành mạnh.
Đất nước chúng tôi trước đây không lâu đã bị xâu xé phân tán do ý thức hệ về đối đầu và phân chia , giờ đây một sứ giả hòa bình, sứ giả của đối thoại đến thăm viếng mang lại bầu khí sự khoan dung với nhau, sự kính trọng thông hiểu trong quan hệ thông thương với nhau. Vị sứ giả đó là người loan tin về sự hợp nhất giữa những khác biệt.
Từ hàng chục năm nay Thần Linh bị xua đuổi, loại trừ, không có chỗ đứng trong quê hương đất nước chúng tôi. Thật là một vinh dự cho tôi hôm nay lúc này trở thành một nhân chứng, được đón tiếp chào mừng đầy tình thắm thiết ôm hôn vị Sứ Giả của các Tông Đồ, của Thánh Thần và của các linh hồn.”
Diễn văn chào mừng Đức Giáo Hoàng của Tổng Thống Tiệp Khắc Dr. Valav Havel.
(Trong: Klaus Vellguth (Hrsg.), Gedanken Blitze Stolper Steine, Bergmoser+Holler Verlag GMBH Aachen 1997, Pfingsten, Seite 111-112).
Đức Chúa Thánh Thần hoạt động trong những biến cố của đời sống con người. Tuy âm thầm lặng lẽ, không ồn ào, nhưng gây ra hiệu qủa lớn lao, tạo ra sự thay đổi biến chuyển cho mọi sinh hoạt trong đời sống chung cũng như tư nhân giữa lòng xã hội thế giới.
3. Những thay đổi do tác động của Chúa Thánh Thần
Chúa Thánh Thần là sợi dây nối kết tới Chúa Giê-su. Hình ảnh làn sóng phát thanh, phát hình từ trung tâm phát lan truyền qua mọi không gian đi vào tới tận mọi căn phòng ngóc ngách, là hình ảnh diễn tả sự nối liền nơi này với nơi khác mà con mắt thường không thấy có đường dây nào nối với nhau. Cũng vậy, qua nhờ Chúa Thánh Thần, không nhìn thấy bằng con mắt, chúng ta được nối liền với sức sống tình yêu, với ý muốn của Thiên Chúa, vào đại gia đình của Chúa. Trong đó Chúa Thánh Thần là động cơ sống động, một mầu nhiệm thâm sâu ẩn dấu, cho vạn vật cùng con người.
Chúa Thánh Thần là sức mạnh cho đời sống lúc này và nơi đây. Ngài trao tặng con người chúng ta sức sống thần linh của Thiên Chúa. Nhờ sức mạnh đó chúng ta vượt qua những thử thách khó khăn, can đảm chấp nhận sự thay đổi trong đời sống. Kinh nghiệm này, nhiều người đã trải qua, và đều nói lên rằng: nếu không có sức mạnh từ bên trong tâm hồn của Chúa ban cho, chắc tôi không thể nào có đủ sức thắng vượt qua được giai đoạn khó khăn này!
Chúa Thánh Thần có sức thu hút của một nam châm. Một cục nam châm có sức thu góp những cục kim loại sắt thép lại với nhau. Hội Thánh Chúa ở trần gian bao gồm mọi dân tộc khác nhau, mọi lứa tuổi, mọi giai cấp thành phần, mọi giống nòi với những khác biệt về mầu da tiếng nói cùng văn hóa phong tục tập quán, nhưng Chúa Thánh Thần đã thu hút họ lại thành một gia đình Hội Thánh trong cùng một Chúa, một đức tin, một phép rửa.
Nam châm Chúa Thánh Thần thu hút cùng nhắc Giáo Hội nhớ đến giáo lý lời Chúa Giê-su đã truyền lại. Chính nhờ sức thu hút nam châm Chúa Thánh Thần mà Giáo Hội cũng như người tín hữu Chúa Giê-su đã thắng vượt những thử thách cám dỗ chạy trốn khỏi trường học của Thiên Chúa, khỏi bến bờ tình yêu thương của Chúa.
Chúa Thánh Thần là thửa đất cấy trồng nuôi dưỡng, là khí hậu cho hoa trái phát triển tươi tốt nơi cây đời sống của con người chúng ta. Cây cối rau cỏ ngoài vườn luôn cần có phân đất mầu mỡ, nước cùng ánh sáng cho phát triển đơm bông sinh sản hoa trái. Cũng vậy âm thầm trong tâm trí, Chúa Thánh Thần khơi động thúc đẩy cho trí khôn ta vươn lên đi học hỏi tìm tòi, phát triển khả năng tiềm tàng luôn ẩn chứa nơi thân thể trí óc của ta.
Chúa Thánh Thần là làn gió gợi hứng ý tưởng mới cho tâm trí. Và vì thế Ngài gìn giữ cho tâm trí con người trước sự cứng nhắc ngủ quên, nhất là trong lãnh vực đức tin. Có những vấn đề, những thắc mắc được đặt ra vào từng giai đoạn đời sống hôm nay cùng tương lai ngày mai, đòi hỏi phải có câu trả lời cho đổi mới, thích ứng. Vì đời sống xã hội như dòng sông luôn biến chuyển thay đổi.
Lẽ tất nhiên Giáo Hội không thể nào, cùng không được phép bỏ quên nền tảng giáo huấn của Chúa Giê-su để lại như kho tàng bảo chứng của đức tin. Giáo Hội và mỗi người cần sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần tìm ra câu trả lời thích hợp cho những thách đố mới của thời đại về lãnh vực bảo vệ sự sống, bảo vệ giá trị luân lý, gia đình, bảo vệ đức tin và lý luận khoa học. Gìn giữ, bảo vệ và mềm dẻo thích ứng là khả năng Chúa Thánh Thần luôn ban cho tâm trí con người trong đời sống.
“Lạy Chúa Thánh Thần,
Xin hà hơi vào tâm hồn con, để con suy tư điều chân chính thánh thiện,
Xin thúc đẩy tâm trí con, để con làm điều thiện hảo tốt lành,
Xin gợi hứng trí khôn con, để con biết yêu mến điều tốt đẹp,
Xin ban ân đức cho tâm hồn con, để con biết gìn giữ những gì là chân thiện mỹ,
Xin gìn giữ đời sống con, để con đừng bao giờ lạc xa điều chân thiện mỹ.”
(Thánh Augustinô)
110. Lời kinh tạ ơn Đức Chúa Thánh Thần
(Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long)
Xin dâng lời tạ ơn Đức Chúa Thánh Thần,
Đấng là Thần linh sáng tạo không ngừng biến đổi sự lộn xộn hỗn mang trong vũ trụ trở nên cho có trật tự lớp lang.
Đấng hằng luôn đồng hành thăm viếng tâm hồn con người, và ban ơn đức cho đời sống được vươn lên niềm hy vọng.
Xin tấu lên khúc hát lòng biết ơn Đức Chúa Thánh Thần,
Đấng đã tạo dựng nên sự sống thân xác cùng trí khôn tinh thần con người từ giây phút đầu tiên trong cung lòng mẹ cha và trong suốt dọc đời sống.
Đấng ban niềm an ủi những khi tinh thần chùng xuống gặp thất vọng lo âu.
Xin cùng với ánh nến lòng cám ơn hướng tâm hồn về Đức Chúa Thánh Thần,
Đấng luôn luôn phân phát ân đức khả năng suy nghĩ sáng tạo phù hợp cho đời sống con người vào từng giai đoạn đường đời.
Đấng là hơi thở sự sống của Thiên Chúa cho trần gian được gìn giữ không bị héo tàn.
Xin đốt lên ngọn lửa lòng tri ân Đức Chúa Thánh Thần,
Đấng thúc đẩy tâm trí con người mạnh dạn can đảm dấn thấn sống làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa bằng lời nói, bằng sự hy sinh đời sống cho việc bác ái giữa lòng xã hội.
Đấng khơi lên ngọn lửa lòng yêu mến Giáo Hội, tình tự quê hương đất nước dân tộc giống nòi nơi con người.
Xin dâng tâm tình cảm tạ Đức Chúa Thánh Thần,
Đấng giúp con người biết suy nghĩ lo liệu cho đời sống thoát ra khỏi vòng lung lạc chao đảo, cùng tìm đến con đường ngay chính chân thật có bình an.
Đấng như làn gió vực dậy phấn chấn tinh thần con người, những khi họ bị sống trong thất vọng, bị chà đạp đối xử bất công.
Xin ghép thành dòng chữ ca tụng Đức Chúa Thánh Thần,
Đấng hằng trợ giúp tâm trí con người biết phân biệt thế nào là điều phải và lẽ trái, ánh sáng và bóng tối, tốt và xấu, niềm vui và đau khổ, yêu thương và hận thù, thánh đức và tội lỗi, hòa bình và chiến tranh, công lý và bất công.
Đấng là ngọn lửa chiếu ánh sáng cho lương tâm con người tìm đường đi về bờ bến nơi Thiên Chúa, nguồn sự sống và tình yêu thương tha thứ.
Xin cùng với dòng nước chảy ngoài thiên nhiên âm thầm nói lên tâm tình của người lãnh nhận ân đức từ Đức Chúa Thánh Thần,
Đấng là hình ảnh sự hợp nhất và tình yêu của Ba ngôi Thiên Chúa cho đời sống con người trong Giáo Hội, trong xã hội và trong gia đình.
Đấng như bọt nước sôi khơi gợi lên những ý tưởng cho tâm trí đi tìm tòi ý nghĩa đời sống, và nhận ra Chúa Giêsu là Thiên Chúa mang ơn cứu độ đến cho trần gian.
111. Ngọn lửa Đức Chúa Thánh Thần
(Suy niệm của Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long)
Hằng năm Giáo hội mừng đại lễ kính Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống kết thúc mùa Phục Sinh.
Đức Chúa Thánh Thần là Ngôi Thứ Ba Thiên Chúa. Nhưng Ngài lại không có một hình tượng cụ thể nhất định nào.
Chim bồ câu là hình tượng chỉ về Chúa Thánh Thần. Hình ảnh này nói lên sứ điệp hòa bình, sự nhẹ nhàng thanh thoát của Đức Chúa Thánh Thần trong không gian.
Làn gió, dòng nước, ngọn lửa cũng là hình ảnh diễn tả về Đức Chúa Thánh Thần. Những hình ảnh này vẽ lên sức sống cùng sự nồng nhiệt vươn lên tràn đầy niềm hy vọng của Đức Chúa Thánh Thần.
Đức Chúa Thánh Thần là một nhân vật, nhưng lại được diễn tả trình bày bằng những hình ảnh biểu tượng, và hơn nữa bằng con số bảy.
1. Đâu là ý nghĩa của con số 7?
Con số 7 là con số toán học diễn tả nhiều biểu tượng về sự hiểu biết cùng khôn ngoan, là con số căn bản về cấu trúc, về sự trọn vẹn tràn đầy.
Số liên kết do hai số 4 và 3 cộng lại với nhau diễn tả sự hòa hợp về trật tự, và có giá trị như một con số “thánh”.
Một tuần lễ có 7 ngày. Thành phố thủ đô Rô-ma được xây dựng trên 7 qủa đồi. Thế giới có 7 kỳ quan theo quan niệm thời Thượng cổ.
Trong âm nhạc có bảy nốt cung nhạc: Do, Re, Mi, Fa, Sol, La, Si.
Trong Do-thái giáo cây nến có bảy ngọn tỏa ra như một hình quạt là biểu tượng về ánh sáng thần linh thánh đức. Đây là một biểu tượng nguyên thủy lâu đời trong đạo Do-thái.
Trong Phật Giáo nói đến 7 tầng trời khác nhau. Thời thượng cổ xa xưa người ta biết đến 7 hành tinh trong đó bao gồm cả mặt trời và mặt trăng.
Người Hy-lạp nói dến con số 7 trong những truyện thần thoại: 7 cổng thành của Theben, 7 người con trai của Helios, 7 sự lạ lùng trong thế giới…
Trong Kinh Thánh nơi sách Khải huyền của Thánh Gio-an nói đến 7 Giáo đoàn, 7 dấu ấn, 7 tầng trời nơi có Thiên Thần ngự.
Trong Giáo Hội Công giáo có 7 Bí tích: Rửa tội, Thêm sức, Giải tội, Mình Thánh Chúa, Hôn phối, Truyền chức và Xức dầu.
Ngày trước thời Công đồng Vatican II (1965) các Giáo sỹ trong Giáo Hội được truyền 7 chức thánh. Nhưng từ sau Công đồng chỉ còn: chức Phó tế và chức Linh mục.
Giáo Hội theo truyền thuật lại nơi sách tiên tri Isaia 11, 2 nói về bảy ân đức của Đức Chúa Thánh Thần: ” Khôn ngoan, thông minh, lo liệu, sức mạnh, hiểu biết, đạo đức và kính mến Chúa”
2. Đâu là ý nghĩa của 7 ân đức Chúa Thánh Thần cho đời sống đức tin?
2.1. Ngọn lửa ơn khôn ngoan
Khôn ngoan đây không phải là sự biết nhiều, biết giỏi cùng khá hơn người khác, nhưng là cách sống và là một nhân đức của một tâm hồn biết nhìn nhận sự chân thành, biết giới hạn của mình, cùng nhận ra hoàn cảnh đời sống và người khác.
Vì thế, trong những hoàn cảnh khó khăn phức tạp chúng ta cầu xin ngọn lửa Chúa Thánh Thần soi sáng cho tâm trí nhìn rõ việc phải làm phải quyết định cho đúng.
“Qủa vậy, nơi Đức Khôn ngoan có một Thần Khí tinh tường và thánh thiện” (Titô 3,6).
2.2. Ngọn lửa ơn thông minh
Thông minh đây không phải là học qua hay đọc qua là hiểu hết, nhưng là biết suy nghĩ tìm hiểu cho sâu rộng thêm. Nơi nào thiếu điều này, nơi đó thiếu phát triển mở rộng, đổi mới, cùng học hỏi thăng tiến thêm lên.
Chúng ta người tín hữu Chúa Kitô cầu xin ngọn lửa ơn thông minh của Chúa Thánh Thần như ánh sáng thần thánh như sức mạnh cùng sự sâu rộng giúp cho tâm trí mạnh mẽ phấn khởi vươn lên.
“Ta sẽ ban tặng các ngươi một qủa tim mới, sẽ đặt Thần khí mới vào lòng các ngươi” (Edekien 36,26)
2.3. Ngọn lửa ơn biết lo liệu
Xưa nay ai cũng cần lời an ủi trợ giúp trong hoàn cảnh đời sống. Lời trợ giúp không phải là mệnh lệnh truyền, nhưng là lời khuyên nhủ ẩn chứa tôn trọng sự tự do cùng quyết định của người khác.
Vì thế chúng ta cầu xin ngọn lửa ChúaThánh Thần ơn biết lo liệu trong những khi trên đường hoài nghi còn đang đi tìm kiếm cho quyết định trong đời sống.
“Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, dedể tôi loan báo Tin mừng” (Lc 4,18)
2.4. Ngọn lửa ơn sức mạnh
Sức khoẻ, sức mạnh mọi người đều cần có, nhất là sứ mạnh tinh thần. Có sức mạnh tinh thần đời sống mới vươn lên niềm hy vọng, mới có niềm vui phấn khởi xây dựng đời sống đi lên.
Những khi tinh thần uể oải, hoài nghi chùng xuống là những lúc cần thiết phải cầu xin ngọn lửa ơn sức mạnh của Thánh Thần giúp củng cố vực dậy đứng lên tiếp tục con đường sống.
“Anh em sẽ nhận được suúc mạnh của Thánh Thần khi người ngự xuống trên anh em” (Cv 1,8)
2.5. Ngọn lửa ơn hiểu biết
Sự hiểu biết dù chỉ là những sự thông thường nhỏ bé trong đời sống luôn cần thiết trong cuộc sống. Sự đào tạo giáo dục là căn bản cho sự hiểu biết. Trong đời sống đức tin sự hiểu biết không hẳn là biết nhiều, nhưng là hiểu biết nguồn gốc đời sống, nguồn gốc vũ trụ là do Thiên Chúa tạo dựng nên.
Sự hiểu biết sâu rộng giúp đời sống dễ dàng chấp nhận khoan dung với người khác hơn. Xin ngọn lửa ơn hiểu biết của Đức Chúa Thánh Thần giúp ta thaót ra khỏi vùng bóng tối lộn xộn làm tâm trí ta hoang mang chao đảo.
“Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ thần khí mà tiến bước” ( Galata 5,25).
2.6. Ngọn lửa ơn đạo đức
Đạo đức không phải chỉ là giữ những thói quen tốt lành, nhưng là sự ngay thẳng chân thật trong đời sống.
Ngọn lửa ơn đạo đức của Chúa Thánh Thần giúp tâm hồn con người tìm nhận Thiên Chúa chân thật nguồn yêu thương tha thứ.
“Anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em” (1 Cr 3,16).
2.7. Ngọn lửa ơn kính mến Chúa
Kính mến Chúa là lòng kính trọng mầu nhiệm bí ẩn về Thiên Chúa mà tâm trí con người không làm sao cắt nghĩa hiểu được. Đây không phải là sự sợ hãi trước mầu nhiệm thần thánh, nhưng là lòng tôn kính gìn giữ điều không thể cắt nghĩa bằng lời cũng như hiểu thấu bằng suy nghĩ lý luận được. Kính mến Chúa cũng đồng thời giúp tâm trí sống lòng khiêm nhượng trước Đấng Toàn Năng.
Xin ngọn lửa ơn kính mến Chúa của Chúa Thánh Thần giúp tâm trí không chạy theo những thân tượng gỉa tạo. Nhưng tin theo một Thiên Chúa chân thật, Đấng là mầu nhiệm ẩn dấu cho tâm trí con người, cùng gần gũi với con người hơn cả.
“Thánh Thần ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa” (Cv 10,44).
112. Ngôn ngữ của toàn cầu
Ngôn ngữ là phương cách thông tin, biểu lộ tâm tình cho nhau và dùng để liên lạc với nhau trong cuộc sống. Bất cứ dân tộc nào trên mặt đất cũng đều có ngôn ngữ cho mình. Trong niềm tin đạo giáo chúng ta dùng ngôn ngữ gì để bày tỏ tâm tư của mình với Chúa? Và Chúa dùng ngôn ngữ gì để thông tin nói với ta?
Nói với Chúa chúng ta dùng ngôn ngữ của ta, vì Ngài hiểu được hết. Còn khi Chúa nói với chúng ta, Ngài cũng dùng ngôn ngữ của chúng ta. Nhưng khi nói loan truyền lời Chúa cho các dân tộc khác nhau về ngôn ngữ, ngôn ngữ gì được xử dụng để mọi người có thể nghe hiểu được?
Kinh Thánh thuật lại phép lạ ngày lễ Chúa Thánh hiện xuống như sau: Gió thổi đến và lửa chiếu dọi ánh sáng cùng mang hơi nóng trên các Tông Đồ. Đó là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, người từ nay thay Chúa Giêsu cùng đồng hành với họ và trong Hội Thánh Công Giáo. Khi Chúa Thánh Thần xuống trên các Tông Đồ, Ngài mang đến cho các Ông luồng gió mới. Luồng gió mới này làm các ông phấn khởi tung cửa đứng ra trước công chúng nói về Chúa Giêsu là con Thiên Chúa đã sinh ra, đi khắp nơi rao giảng tin mừng nước Thiên Chúa, chữa lành bệnh tật cho người đau ốm, mang niềm an ủi cho người bị bỏ rơi, bị đau khổ, sau cùng đã chết và đã sống lại. Các ông được ơn lạ nói những thứ ngôn ngữ của tất cả những người hôm đó hiện diện nghe các ông. Chúa Thánh Thần ban cho các Tông Đồ ân đức nói thứ ngôn ngữ mà tất cả mọi người cùng hiểu được, bất kể họ đến từ xứ sở nào…
Phép lạ này nói lên quyền năng của Thiên Chúa thực hiện nơi con người. Ngày xưa, con người cũng đã có lần toan tính xây cây tháp Babel chạm tới tầng trời, nhưng Thiên Chúa đã phá huỷ toan tính kiêu ngạo của họ bằng các ngôn ngữ khác nhau. Vì ngôn ngữ bất đồng, họ không thể thông hiểu nhau, nên công trình đó đã tan hoang. (St 11, 1-9)
Máy vi tính ngày nay là phát minh mới lạ của con người. Máy cũng có một thứ ngôn ngữ riêng. Ngôn ngữ của máy vi tính xây dựng trên cơ sở lý luận toán học và sự chính xác. Ngôn ngữ máy vi tính giúp con người rất nhiều trong việc thông tin và trao đổi liên lạc với nhau nhanh chóng.
Trong đời sống, con người chúng ta dùng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ như Anh, Pháp, Việtnam… cho nhu cầu thông tin liên lạc với nhau. Nhưng có một thứ ngôn ngữ ngay từ thuở sơ sinh ai chúng ta cũng có, cũng biết: ngôn ngữ tình yêu, ngôn ngữ vỗ về âu yếm, ngôn ngữ sưởi ấm tâm hồn. Khi ngôn ngữ này được nói ra bằng âm thanh hay biểu lộ qua nét mặt nụ cười của ông bà cha mẹ, anh chị em, tất cả mọi người đều hiểu được cả.
Ngôn ngữ tình yêu này phát xuất từ trái tim tâm hồn, nên gọn nhẹ trong sáng và truyền đi tín hiệu nhanh chóng nhậy cảm ngay từ những giây phút đầu tiên của sự sống một con người. Qua ngôn ngữ này mối liên lạc tình người được xây dựng từ cha mẹ tới con cái còn thơ bé, con người với nhau trong đời sống, Thiên Chúa với công trình sáng tạo của Ngài trong hoàn vũ và con người với Thiên Chúa.
Ngôn ngữ này không viết bằng mẫu tự A B C hay hình vẽ biểu tượng như chữ Nho, chữ Thailan, chữ Arập… cũng không bằng những dấu hiệu chương trình lý luận toán học như ngôn ngữ của máy vi tính. Nhưng ngôn ngữ này từ bẩm sinh nằm ẩn sâu trong trái tim tâm hồn mỗi người. Mỗi người đều có chương trình ngôn ngữ này và đều có thể sử dụng được chương trình này.
Dù là tiếng mẹ để, ta cũng cần phải học, phải mài dũa, phải sửa đổi mới hoàn chỉnh trong sáng văn phạm cùng câu cú. Dù là ngôn ngữ đã được hệ thống và cài sẵn chương trình chạy trong máy vi tính, người sử dụng máy cũng vẫn phải học cách sử dụng điều khiển sao cho đúng không bị sai lầm.
Những sai lầm trong tiếng mẹ đẻ và trong ngôn ngữ máy vi tính là do con người sử dụng gây ra. Và chúng ta phải điều chỉnh lại cách sử dụng cho đúng. Trong ngôn ngữ tình yêu cũng thế, khi chương trình ngôn ngữ này chạy không đúng là do con người gây ra. Thiên Chúa ghi trong tâm hồn mỗi người chương trình ngôn ngữ này, nhưng khi sử dụng hoặc là con người không dùng đúng chương trình này hoặc là muốn sử dụng chương trình sai riêng của mình. Vì thế sinh ra sai lầm và không còn truyền đi tín hiệu thông tin, hiểu nhau được nữa.
Những sai lầm này là thiếu tình liên đới với nhau, khi chỉ chú ý đến quyền lợi riêng tư của mình. Ngôn ngữ tình yêu kêu gọi sự hiểu biết thông cảm với nhau, mang niềm vui, niềm hy vọng, sự tha thứ làm hoà và tình liên đới trong cuộc sống.
Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm xưa, các Thánh Tông Đồ đã tìm ra được ngôn ngữ chung cho hết mọi người. Ngôn ngữ này do Chúa mang đến và ghi khắc trong tâm hồn con người. Qua ngôn ngữ này ai cũng hiểu được tin mừng ơn cứu độ của Chúa và cùng nhau tìm về với Chúa, với nhau là anh em con một Chúa: ngôn ngữ tình yêu.
Chúa Thánh Thần mang từ trời cao đến cho con người ngôn ngữ của Chúa Cha, ngôn ngữ này khác gì là “tiếng mẹ đẻ” của con người: ngôn ngữ tình yêu – ngôn ngữ của toàn cầu.
113. Thần hứng – Lm Đam. Nguyễn Ngọc Long
Khi tìm hiểu về một người hay một dân tộc, đất nước nào đó, chúng ta thường tìm về gốc gác, tên tuổi, hình dạng, sự nghiệp hay những đặc điểm của họ, để nhận dạng. Còn khi tìm hiểu về Thiên Chúa, nhất là Chúa Thánh Thần, ta căn cứ vào điểm gì để nhận diện Ngài? Ai có thể phác họa về thân thế, hình dạng Ngài? Ngài là Đấng vô hình, nào ai có thể phác họa thân thể, hình dạng Ngài được! Lẽ tất nhiên không vì thế, mà có thể nói: Ngài không có hay chỉ là do óc tưởng tượng của con người chúng ta vẽ ra!
Không kiếm ra hình hài, gốc gác thân thế, sự nghiệp, nhưng vẫn có thể căn cứ vào đặc điểm, vào thành tích, vào dấu vết việc làm, để biết về một người. Điều này còn diễn tả chính xác hơn về bản thân người đó.
Tìm hiểu diễn tả về Chúa Thánh Thần, điều này lại càng cần thiết và sát với thực tế hơn hết. Vì dấu vết của Ngài hiện diện khắp mọi nơi, nơi từng người, nơi mọi công trình trong thiên nhiên vào mọi thời đại.
Khi trong người cảm thấy khoan khoái, suy nghĩ ra ý tưởng mới, tìm được giải đáp cho vấn đề suy nghĩ từ lâu. Khi xem, nghe được những câu nói đánh động gây chú ý, gây hứng khởi bừng rộn lên niềm vui, gợi ý suy nghĩ… Tất cả những ý tưởng đó xuất hiện như làn gió tươi mát thổi đến. Ta cho đó là được gợi hứng từ trong tâm hồn, từ trong trí khôn.
Hứng đó không phải tự nhiên từ khoảng chân không thổi đến, nhưng có chủ từ và túc từ, cùng đối tượng. Túc từ là hứng mới, đối tượng là ta, nhưng chủ từ là ai?
Trong thế giới khoa học kỹ thuật, kỹ nghệ tân tiến, của multimedia, của lý luận, người ta sẽ không do dự trả lời: Trí óc con người, phát minh khoa học, hay computer chứ còn ai vào đó nữa!
Câu trả lời ngắn gọn và gần như đánh đúng vào tầm hiểu biết của con người. Nhưng sao tâm hồn, con người vẫn cảm thấy bình an, vẫn chưa thoả mãn, vẫn còn thấy chưa đầy đủ, vẫn còn thấy khuyết điểm thiếu sót… Chúng ta còn khao khát điều gì đó mang đến cho đời sống ý nghĩa, nhân vị, giá trị và niềm Vui. Và qua đó có thể phát triển những khả năng còn tiềm tàng trong con người. Đó là nhu cầu tinh thần, nhu cầu thiêng liêng của con người.
Saint-Exupéry cách đây hơn nửa thế kỷ đã có nhận xét như sau về nhu cầu nầy của con người: “Hai tỷ người trên địa cầu chỉ còn biết tuân lệnh của chú Rô-bô-tơ. Họ hiểu biết chú, và ngày nào đó họ sẽ trở thành chú Rô-bô-tơ. Bây giờ chỉ còn vấn đề duy nhất: làm sao khơi dậy đời sống tinh thần, đời sống thần linh. Đời sống này vượt trên mọi tư duy hiểu biết của lý trí. Chỉ đời sống này mới làm thỏa mãn con người được”.
“Catch the Spirit!” Hãy nắm bắt lấy Thần hứng!
Catch the Spirit! Câu này tôi đọc thấy trên áo T-Shirt (áo thung) của một bạn trẻ đi ngoài đường phố. Câu này gợi suy nghĩ: Phải chăng người viết câu này, và có thể cả người đang mặc chiếc áo với hàng chữ này, đang có suy nghĩ về đời sống tinh thần? Và chúng ta có thể nắm bắt được thần hứng không? Tôi không tin là có thể làm được chuyện này. Vì thần hứng làm gì có hình hài vuông tròn, mầu sắc đen trắng, xanh đỏ… hay thân xác như con người chúng ta, như một vật nào đó, mà nắm bắt giữ lại được.
Những gì xuất hiện trong tâm hồn, gợi hứng trong tâm trí, như buồn vui, yêu ghét, giận dữ, phấn khởi, hào hứng, cảm động, ý tưởng mới lạ… Nào ai có thể nắm bắt giữ được, có chăng là cảm nghiệm thấy, và diễn tả ra qua lời noi, cử chỉ thái độ, hành động, chữ viết thôi. Ai cũng có kinh nghiệm về tình yêu cha mẹ con cái, vợ chồng, tình yêu quê hương đất nước… Tình yêu chỉ có thể cảm thấy thôi, và không thể chiếm đoạt được như đồ vật. Vì tình yêu vô hình.
Cũng như không khí có đó và cần thiếu cho sự sống. Không có không khí, sự sống sẽ tàn lụi và biết mất. Nhưng không khí lại vô hình, vô sắc, vô thanh, luân chuyển không ngừng và không thể bắt giữ lại được.
Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Chúa Giêsu về Chúa Thánh Thần, Ngài trả lời: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; khi gió thổi ta có thể nghe tiếng gió, nhưng không biết từ đâu đến và đi về đâu. Thần Linh Thiên Chúa cũng vậy, Ngài ở trong những ai sinh ra bởi Ngài.” (Ga 3,8).
Nhà thần học Karl Rahner, khi suy niệm về chủ từ của thần hứng, đã viết lại những dòng như sau:
“Kinh nghiệm về Thần Hứng, về Tự do về Ân Đức, mổi người đều có tùy theo hoàn cảnh đời sống cá nhân của họ:
– Khi nhận lãnh trách nhiệm và chu toàn tới nơi tới chốn. Và cả khi làm việc mà không nhìn thấy kết quả.
– Khi cảm thấy sự thong dong tự do của mình không bị giới hạn.
– Khi phải chấp nhận sống trong giờ phút đen tối, sợ hãi, như bước khởi đầu cho một giai đoạn được chúc phúc, mặc dù không hiểu nổi.
– Khi bình thản chấp nhận thất vọng trong đời sống hằng ngày xảy đến, dù phải chịu đựng tới cùng sức.
– Khi kiên nhẫn cầu nguyện trong thinh lặng, trong u tối. Vì tin rằng thế nào cũng được nhận lời, mặc dù không có dấu hiệu thấy hiệu quả của lời cầu xin kêu khấn.
– Khi chấp nhận từ bỏ không có điều kiện gì. Vì tin rằng chính sự từ bỏ mang lại chiến thắng thật sự cho đời sống.
– Khi trong cuộc sống hằng ngày, bình thản sống và sẵn sàng chấp nhận sự chết xảy đến.
– Và còn rất nhiều cảnh huống nữa trong đời sống mỗi người… “
Tất cả những điều đó là Ân Đức của Thiên Chúa. Ân đức này, người Kitô hữu chúng ta gọi là Đức Chúa Thánh Thần. (K. Rahner trong Pfingsten entgegengehen, Freiburg. Basel. Wien 1986, tr 86).
114. Lột xác
Nhận xét về quyển sách Tông Vụ Tông đồ, Jerome Crowe đã nói: “Quyển sách thứ 2 của thánh Luca được coi là một loạt những lễ Hiện xuống” (His second volume can be regarded as a series of Pentecosts). Chúa Thánh Thần hiện xuống với các tông đồ (Cv 2, 1-4), hiện xuống với nhóm môn đệ (Cv 4,31), hiện xuống với lương dân (Cv 10, 44), hiện xuống với nhóm môn đệ của Gioan Tẩy giả khi Phaolô đặt tay trên họ (Cv 19,6).
Quả thật, khi đọc sách Công vụ tông đồ, chúng ta không khỏi ngạc nhiên trước công trình của Chúa Thánh Thần thực hiện cho Giáo hội thời sơ khai. Với biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Giáo hội của Chúa Kitô chính thức được khai sinh, và cũng từ đấy, Giáo hội không ngừng lớn mạnh và lan tràn khắp nơi. Với tác động, hướng dẫn và soi sáng của Chúa Thánh Thần, các tông đồ được biến đổi cách lạ lùng. Có thể nói, các ngài đã đi từ thái cực này đến thái cực kia: từ nhát đảm, sợ hãi đến dũng cảm, hiên ngang; từ quê mùa, dốt nát trở thành trí thức, khôn ngoan và hùng biện tài tình. Đây là mot cuộc lột xác của các tông đồ trong Chúa Thánh Thần.
Như vậy, có nhiều người thắc mắc rằng: ngày nay, Chúa Thánh Thần có còn hiện xuống với Giáo hội nữa hay không? Đâu là những tác động và biến đổi của Ngài trên cuộc đời chúng ta?
Là những tín hữu đích thực, chắc chắn chúng ta đã được nghe nói, được giảng dạy về Chúa Thánh Thần, được lãnh nhận Chúa Thánh Thần qua Bí tích Thêm sức, nhưng rất có thể Ngài vẫn còn là Đấng quá xa lạ đối với chúng ta. Rất có thể, Bí tích Thêm sức chỉ còn là một kỷ niệm đẹp trong nhiều biến cố xảy ra trong đời sống hằng ngày của chúng ta mà thôi. Bí tích Thêm sức không làm cho chúng ta ý thức về sự hiện diện của Chua Thánh Thần trong chúng ta và sai chúng ta đi làm chứng nhân cho Đức Giêsu Kitô.
Đâu rồi những tác động của Chúa Thánh Thần trên cuộc đời của chúng ta? Có lẽ, chúng ta đang chờ đợi Chúa Thánh Thần đến làm những chuyện “kinh thiên động địa” nơi chúng ta hay sai chúng ta đi một cách trực tiếp để làm những chuyện “dời non lấp bể”!
Chúa Thánh Thần không ở xa mỗi người chúng ta đâu. Ngài luôn có mặt khi chúng ta chân thành mở sách thánh để đọc Lời Chúa, rung động trước một đoạn Lời Chúa và muốn sống Lời Chúa trong đời thường. Ngài có mặt khi chúng ta âu ếm gọi tên Chúa Giêsu trên môi miệng chúng ta (1Cr 12,3) hay gọi Thiên Chúa là Cha đầy lòng từ ái (Rm 8,15). Ngài có mặt khi chúng ta quyết tâm hoán cải sau một lỗi lầm hay khi ta muốn tiến lên một bước mới trong đời sống cầu nguyện và đời sống thiêng liêng.
Chúa Thánh Thần là tình yêu trọn hảo của Chúa Cha và Chúa Con. Ai biết sống yêu thương tha thứ, cho đi và hi sinh thì sẽ được tháp nhập vào tình yêu trọn hảo ấy để sống trong sự sống của Thiên Chúa.
Chúa Thánh Thần chẳng ở xa Giáo hội hôm nay. Ngài luôn hiện diện và thổi những luong sinh khí mới cho Giáo hội. Ngài làm cho Giáo hội được hiệp nhất và bình an bằng cách ban những đặc sủng khác nhau cho nhiều người để họ phục vụ lợi ích chung. Ngài hiện diện nơi các vị lãnh đạo Giáo hội, nhưng Ngài cũng có mặt nơi những nhóm giáo dân, như xưa kia, Ngài đã hiện xuống trên các tông đồ, trên nhóm môn đệ và trên cả lương dân vậy. Ngài đang hiện diện trong các Bí tích, trong mỗi Thánh lễ. Ngài thánh hoá bánh rượu để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô. Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo hội; không có Ngài, Giáo hội chỉ là cơ cấu đáng nghi ngờ.
Chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần tự do hoạt động trong chúng ta. Hãy mở tung các cánh cửa nơi tâm hồn chúng ta để Chúa Thánh Thần thổi những luồng sinh khí mới vào lòng chúng ta. Chúng ta sẽ thấy những biến đổi kỳ diệu khi chúng ta trở nên mềm mại hơn để cho Ngài dẫn dắt; khi chúng ta bớt cứng cỏi để cho Ngài canh tân; khi chúng ta không dập tắt tiếng nói của Ngài nơi cõi lòng của chúng ta.
Chúa Thánh Thần vẫn đang hiện xuống trong mỗi khoảnh khắc của cuộc đời chúng ta.
115. Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống
Trong phụng vụ của Giáo hội và trong các việc đạo đức hàng ngày, chúng ta thường nghe nhắc tới Chúa Thánh Thần rất nhiều. Khi làm dấu thánh giá, khi bắt đầu một việc đạo đức, khi cử hành các bí tích, chúng ta thường cầu xin Chúa Thánh Thần. Đặc biệt khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức là chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Vậy Chúa Thánh Thần có vai trò thế nào trong đời sống Giáo hội và trong cuộc đời của mỗi người chúng ta?
Khi học giáo lý chúng ta biết được Chúa Thánh Thần là Ngôi thứ Ba bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, cùng một bản tính và một quyền năng như Hai Ngôi cực trọng ấy. Điều này chứng tỏ Chúa Thánh Thần đã có từ thuở đời đời. Ngay từ đầu lịch sử nhân loại, Chúa Thánh Thần đã có mặt trong công trình sáng tạo. Sách sáng thế nói “Lúc khởi đầu Thiên Chúa đã sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thần Khí của Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,1-2). Như vậy ngay từ giây phút đầu tiên Thánh Thần Thiên Chúa đã có mặt để thực hiện việc sáng tạo nên vũ trụ và con người.
Rồi trong thời Tân ước, cũng chính Thánh Thần đó đã có mặt ngay từ lúc Ngôi Hai nhập thể làm người cho đến ngày Giáo hội được khai sinh. Và Ngài tiếp tục hoạt động trong Giáo hội và trong tâm hồn của mỗi người chúng ta cho đến tận thế.
Nhờ sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, các môn đệ mới hiểu được phần nào về con người và sứ mạng của Chúa Giêsu. Mặc dù đã theo Thầy bao năm, nhưng nhiều lần Phúc Âm ghi lại, các tông đồ đã không hiểu những lời nói và việc làm của Thầy. Chẳng hạn, trước khi bước bước vào cuộc Thương khó, Chúa Giêsu đã 3 lần tiên báo “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta, họ sẽ giết chết Người nhưng ngày thứ 3 Người sẽ sống lại nhưng các ông không hiểu điều Người muốn nói”. Cho nên Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ, tự sức các ông sẽ không thể hiểu nổi nhưng phải đợi “Chúa Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy cho các con mọi sự và nhắc nhở cho các con mọi điều Thầy đã nói cho các con” (Ga 14,26).
Trong ngày Lễ Hiện Xuống, các tông đồ đã lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Sức mạnh ấy đã làm biến đổi toàn bộ cuộc sống các ông. Từ những con người nhát đảm, sợ sệt giờ đây các ông công khai rao giảng về một Đức Giêsu đã bị giết chết và đã sống lại. Từ những con người ít học, không biết ăn nói giờ đây lại nói năng đầy thuyết phục và khôn ngoan. Phêrô, một người ngư phủ, học hành không bao nhiêu vậy mà sau bài giảng đầu tiên của ông lại có hơn 3000 người xin chịu phép rửa. Người ta nghĩ rằng những con người tầm thường đó sẽ không làm nên trò trống gì, vậy mà các ông đã làm thay đổi thế giới. Rồi xuyên suốt hơn 2000 năm qua, Giáo hội Chúa đã trải qua biết bao chống đối bách hại thế nhưng con thuyền Giáo hội vẫn đứng vững. Tất cả đều do và nhờ Chúa Thánh Thần.
Ngày hôm nay Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động mạnh mẽ trong lòng Giáo hội và trong tâm hồn của mỗi người chúng ta. Sở dĩ chúng ta có thể tin Chúa, yêu mến Chúa là nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô nói “không ai có thể gọi Đức Giêsu là Chúa mà không do tác động của Thánh Thần”. Khi chúng ta phạm tội, Chúa Thánh Thần thúc giục lương tâm để chúng ta hoán cải để trở về với Chúa qua bí tích giải tội. Chính sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, biết bao người đã quảng đại hy sinh cuộc đời mình để phục vụ những người nghèo, những kẻ cô thế cô thân, các bậc cha mẹ chu toàn bổn phận săn sóc và làm gương cho con cái, các bạn trẻ can đảm chống lại những cám dỗ trong cuộc sống. Và nhờ Chúa Thánh Thần chúng ta mới có thể yêu thương và tha thứ cho những người xúc phạm đến mình. Bởi vì hoa trái của Thánh Thần đó là yêu thương, bình an, hiền hoà, quảng đại.
Cuộc sống hôm nay có quá nhiều tác động bởi những bon chen, tranh giành bởi hơn thua, còn mất. Những tác động đó có thể làm cho chúng ta không còn nghe được tiếng Chúa, trở nên vô cảm trước những đau khổ của đồng loại mình. Chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Bởi Ngài sẽ dạy chúng ta cầu nguyện, Ngài sẽ dạy chúng ta biết sống thế nào cho đẹp lòng Chúa. Và Ngài sẽ phù trợ để chúng ta kiên nhẫn trong lúc đau khổ và vui mừng trong các việc lành phúc đức.
Dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa Thánh Thần đổi mới tâm hồn của mỗi người chúng ta, để chúng ta luôn biết sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Biết kêu cầu Chúa Thánh Thần trong mọi công việc, nhờ đó chúng ta can đảm làm chứng cho Chúa phục sinh bằng một cuộc sống đầy hy vọng, yêu thương và phục vụ anh chị em mình.
116. Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
(Suy niệm của Lm Augustine, SJ)
Một thiếu nữ mới từ thành phố Paris của nước Pháp trở về. Cả thân xác và tinh thần của Ma-đa-len đã bị hao mòn tột độ. Cha mẹ cô lấy làm ghê sợ trước những lời nói phạm thượng và thô tục thường xuyên phát ra từ miệng lưỡi của đứa con hư hỏng.
Một người thuộc làng bên cạnh chỉ quen biết với gia đình Ma-đa-len sơ qua mà thôi, đó là chị Mônica. Mônica cảm thấy không thể dửng dưng trước hiện tượng nói trên. Một hôm, Mônica đến gần căn nhà bi thảm ấy, thì nghe thấy Mađalen đang gào théo một bản nhạc thô tục và chán đời với những điệp khúc gợi cảm nhớp nhúa và khiêu khích. Chị Mônica tự nhiên muốn rút lui nhưng bất ngờ nghe thấy chính tiếng của người mẹ của Mađalen gào thét:
Mày là đồ gái điếm trơ trẽn
– Mày là đồ gái điếm trơ trẽn… có im cái mồm mày đi không?
Mađalen càng giận dữ hét lên:
Bà đừng la lối làm chi mất công! Tôi sẽ tự tử ngay bây giờ đây. Như thế cho tiện. Chẳng phiền hà gì đến ai, cả bà lẫn tôi.
Chị Mônica đứng sững sờ. Nghe những tiếng la hét loại đó, chị không thể không rợn tóc gáy. Chị cảm thấy có bổn phận phải can thiệp. Trước khi gõ cửa, chị hắng giọng để báo trước. Rồi chị bước qua cánh cửa đã bị mọt ăn một cách thê thảm.
Khi ấy Mađalen đang ngồi gần lò sưởi với vẻ giận dữ ghê gớm. Cô đang lồng lộn sẵn sàng tuôn ra những lời thô tục. Nhưng ánh sáng từ cặp mắt của người mới bước vào bao trùm và ngăn cản Mađalen. Mônica tiến lại bên Mađalen với tất cả sự trìu mến như chưa bao giờ người thiếu nữ này đã nhận được từ nơi gia đình mình. Mônica nhẹ nhàng lên tiếng:
– Chị đi ngang qua đây… Em có thể cho chị xin một ly nước được không?
Mađalen đứng dậy lấy nước cho khách. Khách lặng lẽ uống thứ nước táo rữa ấy rồi nói:
– Em vui lòng đan cho chị mấy búp len này. Việc này, bình thường chắc chẳng thích thú gì đối với em. Nhưng chị rất lấy làm quí được có tương quan với em.
Chị Mônica vừa nói vừa tiến lại ngồi trên chiếc ghế thấp bên cạnh Mađalen. Đột nhiên chị ấp ủ đôi bàn tay của Mađalen trong bàn tay của chị và nói:
– Mađalen ơi, em đã đau khổ quá nhiều. Nếu em muốn, em có thể coi chị như một người bạn.
Một sức mạnh tinh thần tỏa ra từ Mônica. Mađalen nghiệm thấy sức mạnh đó nên chấp nhận để yên đôi bàn tay đã trở nên ngoan ngoãn của cô trong bàn tay chị Mônica. Mađalen muốn trả lời nhưng cô nghẹn ngào chỉ còn biết khóc. Những giọt nước mắt lặng lẽ nhỏ dài trên đôi má cằn cỗi của cô. Cô bắt đầu thổn thức:
– Đã ba năm nay, em không thể khóc được!
Đứa con bà giờ đây có thể được cứu
Bà mẹ của Mađalen cũng nức nở. Bà biết rằng đứa con của bà giờ đây có thể được cứu thoát.
Nhân vật Mônica trong câu chuyện nói trên thực tỏ ra là một con người có sức thu hút phi thường. Chỉ xuất hiện trong chốc lát, con người ấy đã hoàn toàn làm chủ được tình hình.
Từ đâu phát sinh ra một ơn biến đổi lạ lùng đến như vậy, cả nơi người con, lẫn người mẹ? Phải chăng đó chính là biến cố của Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vẫn còn nối dài trong lịch sử? Chính lúc tội giết chết là lúc Thiên Chúa biểu dương quyền lực để mang lại sự sống cho kẻ tuyệt vọng.
Họ đau đớn hỏi: Chúng tôi phải làm gì?
Xưa tông đồ Phêrô đã đặt người Do Thái vào đúng bối cảnh của tội ác là họ đã giết chết Đấng Kitô của Thiên Chúa nên họ đã đau đớn trong lòng và hỏi ông Phêrô và các tông đồ rằng: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?” Rồi Phêrô đã cho họ biết rằng họ phải sám hối và mỗi người phải chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được ơn tha tội. Và hôm đó đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo (Cv 2,36-41). Nay trong giây phút cực kỳ giận dữ với người mẹ, Mađalen chỉ còn thấy tự sát là con đường duy nhất ở trước mặt. Đó là lúc chị Mônica cảm thấy có sức mạnh nội tâm đòi chị phải can thiệp để cứu sống một linh hồn. Chị là hiện thân của tình yêu và lòng quí chuộng đối với những giá trị cao quí nhất còn thức tỉnh nơi cõi lòng Mađalen. Cuối cùng Mađalen đã chọn tình yêu và sự sống thay vì chọn hận thù và sự chết. Mađalen đã ngoan ngoãn để bàn tay mình ở yên trong lòng bàn tay chị Mônica. Và Mađalen đã khóc trong khi mẹ cô cũng nức nở với hai hàng lệ sám hối. Quả thật, đúng như lời thánh tông đồ Phaolô nói là: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rom 5,20). Tất cả biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đều được tóm gọn trong câu nói đó.
Riêng bài Tin Mừng hôm nay về Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ gồm hai phần. Trước hết Đức Giêsu cho các môn đệ thấy tay và cạnh sườn Người để các ông thâm tín rằng đó là chính Thầy các ông: Đấng đã chịu khổ hình thập giá nhưng nay đã sống lại (cc.19-20). Kế đến Đức Giêsu ban cho các ông Thánh Thần và sai các ông đi với sứ mạng tháo gỡ tội khỏi loài người để họ được tự do (cc.21-23).
Đấng Toàn năng và Toàn mến
cc.19-20 cho thấy một Đức Giêsu không những là Đấng toàn năng mà còn là Đấng toàn mến. Hãy đặt mình vào bối cảnh các môn đệ còn trong tình trạng lo âu sợ hãi. Nguồn gốc của lo âu ấy chính là Thầy các ông: Nếu Thầy các ông mà bị người ta đấu tố, bị lên án và bị giết trên khổ hình thập giá, thì số phận riêng của các ông thật là chao đảo. Nhưng toàn bộ nỗi lo âu sợ hãi đó đã được tháo gỡ nơi Đức Giêsu toàn năng, Đấng đã toàn thắng mọi gian nan thử thách và tử thần! Tùy ở mức độ các môn đệ tin vào quyền năng của Thầy các ông mà các ông được tự do và bình an. Nhưng Thầy các ông nay sống lại còn là Đấng toàn mến. Hãy coi các dấu đinh trên tay, nhất là hãy coi cạnh sườn Thầy bị đâm thâu qua: Tất cả đều cho thấy Thầy các ông là Đấng toàn mến. Không có dấu vết nào nơi hiện hữu của Thầy mà lại không phải là để ban tặng cho các môn đệ: “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần Người đã chịu thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria và đã làm người. Người đã chịu chết thời Phongxiô Philatô…” Đó là lời tuyên tín về Đấng toàn mến như các tông đồ đã để lại.
c. 21 Không chỉ cho các môn đệ thấy Đức Giêsu phục sinh sai phái các ông, mà còn cho thấy việc sai phái đó tiếp nối chính việc Chúa Cha sai phái Chúa Giêsu. Các ông được sai đi để tham dự vào chính công trình cứu nhân độ thế do Chúa phục sinh thực hiện.
Một cuộc tạo dựng mới
c. 22 Chúa Giêsu phục sinh “thổi hơi vào các môn đệ.” Ở đây điều được hiểu về một cuộc tạo dựng mới vượt trên cuộc tạo dưng về sự sống tự nhiên (St 2,7; Kn 15,11). Chúa Giêsu ban cho các môn đệ Thánh Thần là nguyên ủy của sự sống mới. Hồng ân Thánh Linh gắn liền với việc các ông được sai phái. Vì lời Đức Giêsu nói là thần khí và là sự sống mới (Ga 3,34; 6,63).
Các môn đệ được sai đi là để rao giảng Lời Đức Giêsu hầu làm cho người nghe trở nên Con Thiên Chúa (x. Ga 13,20).
c. 23 Đức Giêsu đã được ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu là Chiên Thiên Chúa Đấng xoá tội trần gian (Ga 1,29). Các môn đệ của Đức Giêsu sẽ tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu là ban ơn tha tội. Quyền năng được ban cho các ông để tha tội gắn liền với Chúa Thánh Linh là Đấng thanh luyện và ban sự sống cho loài người (Ed 36, 25-27; 37, 3-6).
Như vậy việc cô Mađalen ra mềm lòng đã là một ơn lạ lùng. Nhưng ơn đó cần được tiếp nối bằng quá trình gặp gỡ Chúa Giêsu là Đấng toàn năng và toàn mến. Người mới có những lời mang lại sự sống đời đời (Ga 6,68). Chính do Người mà ơn tha tội được ban ngang qua những thừa tác viên được Người sai phái.
Một số câu hỏi gợi ý
1. Điều gì nơi cách hành xử của chị Mônica đã khiến cô Mađalen ra mềm lòng: Cái nhìn trìu mến đầu tiên? Một số hành vi nhờ cậy trong tầm tay của Mađalen như xin một ly nước, yêu cầu đan mấy búp len? Lời đề nghị đáp ứng đúng nhu cầu nơi Mađalen là “Em đã đau khổ quá nhiều. Nếu em muốn, em có thể coi chị như một người bạn”? Hay bạn nghĩ tới những điều khác?
2. Theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay điều gì cần được tiếp nối cuộc biến đổi đầu tiên nơi Mađalen? Gặp gỡ Đức Kitô trong cầu nguyện hàng ngày? Trở nên người môn đệ của Chúa Giêsu qua việc hấp thụ lời Người giảng dạy? Chịu phép rửa tội? Lãnh nhận bí tích hoà giải? v.v…
117. Gió-Lửa-Nước
(Suy niệm của Trầm Thiên Thu)
Gió, Lửa và Nước “bộ ba độc đáo” gồm những thứ mềm nhất và bình thường nhất, nhưng đó lại là những thứ mạnh nhất và quan yếu nhất trong cuộc sống, ba thứ ấy mạnh đến nỗi không gì có thể cưỡng lại.
GIÓ có thể tiếp nhận, thổi bay và chuyển hóa mọi thứ, dù những thứ xấu xa và dơ bẩn nhất. Gió luôn tự hào, không buồn khổ hay tủi nhục. Gió có dung tích rộng lớn, gọi là Đại Phong, có khả năng di động và chuyển hóa phi thường.
LỬA có thể tiếp nhận và đốt cháy mọi thứ, dù những cái xấu xa và dơ bẩn nhất. Lửa không vì thế mà cảm thấy buồn tủi, chán chường, hoặc ghen ghét. Lửa có dung tích rộng lớn, gọi là Đại Hỏa, có khả năng thiêu đốt và chuyển hóa tất cả mọi thứ.
NƯỚC có thể tiếp nhận và rửa sạch mọi thứ, dù những cái xấu xa và dơ bẩn nhất, người ta có đổ xuống nước mọi thứ nhưng nước vẫn bình thản, không lệ thuộc hoặc cảm thấy oán hờn, tủi nhục. Nước cũng có dung tích rộng lớn, gọi là Đại Thủy, có khả năng di động và chuyển hóa kỳ diệu.
Gió, Lửa và Nước luôn dạy chúng ta nhiều bài học sống: Nếu tâm chúng ta có khả năng chuyển hóa và di động, chúng ta cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi thứ đau khổ mà người khác trút lên chúng ta, và những thứ ấy không thể gây xáo trộn tâm hồn chúng ta, không thể tước mất sự bình an và hạnh phúc trong tâm hồn chúng ta: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu” (Rm 8:39).
Nước liên quan Phép Rửa, cũng gọi là Bí tích Thánh tẩy: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Ngài thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Ngài” (Mt 3:16). Như vậy, Nước cũng liên quan Chúa Thánh Thần.
Những gì đơn giản nhất thường bị coi thường. Chúa Thánh Thần cũng thường không được chúng ta “nhắc tới”, dù Ngài không ngừng hoạt động trong cuộc đời chúng ta. Hãy thành tâm thân thưa với Chúa Thánh Thần: “Lạy Ngôi Ba Thiên Chúa, chúng con xin lỗi Ngài!”.
TIẾP NHẬN THÁNH THẦN…
Sách Công vụ Tông đồ kể: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một” (Cv 2:1-3).
Hai hình ảnh xảy ra liên tiếp: Gió và Lửa. Gió là không khí. Không khí là thứ tối cần thiết, vì thiếu không khí trong vài phút thì người ta không thể sống nổi. Làn gió do quạt máy không làm người ta sảng khoái, nhưng chỉ một chút gió hiu hiu cũng đủ làm người ta tỉnh táo và cảm thấy hồi phục ngay. Tuy nhiên, nếu gió mạnh quá thành lốc hay bão thì chẳng gì có thể chống lại, cả tòa nhà cao lớn cũng bị gió thổi sập trong tích tắc. Lửa làm người ta ấm áp trong mùa Đông giá lạnh, một đốm lửa dễ dàng bị thổi tắt, nhưng đốm lửa đó cháy lan như những vụ hỏa hoạn thì con người chỉ biết đứng nhìn mà “cười ra nước mắt”. Nước cũng rất mềm, dễ ngăn cản, ai muốn làm gì thì làm, nhưng một khi Nước “nổi giận” thì con người không thể ngăn cản, chạy cũng không kịp: Triều cường, vỡ đê, lụt lội, sóng thần,…
Gió, Lửa và Nước như thế đấy, vừa yếu vừa mạnh, vừa mềm vừa cứng. Và đó chính là Thần Khí Chúa, là Đức Chúa Thánh Thần, là Thánh Linh, là Thần Chân Lý, là Ngôi Ba Thiên Chúa.
Khi Gió thổi tới và Lửa đậu trên đầu thì mọi người được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. Hiện tượng “nói tiếng lạ” xảy ra ngay lập tức, nhiều người ngạc nhiên và hỏi nhau: “Thế nghĩa là gì?” (Cv 2:12), nhưng một số khác lại chế nhạo: “Mấy ông này say bứ rồi!” (Cv 2:13). Không lạ sao được khi họ nói đủ thứ tiếng vậy mà họ vẫn hiểu nhau, đặc biệt là ai nghe cũng thấy họ nói tiếng của mình. Nhưng tất cả là để “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!” (Cv 2:11; Tv 86:11).
Có Chúa Thánh Thần thì người yếu đuối cũng thành khỏe mạnh, người nhút nhát cũng thành người bạo dạn, người run sợ cũng thành người can đảm. Chắc hẳn mỗi chúng ta cũng đã từng cảm nghiện được Chúa Thánh Thần tác động như vậy. Vì thế, chúng ta phải thốt lên: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi! Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!” (Tv 104:1). Thiên Chúa tạo dựng mọi thứ, nếu “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi” (Tv 104:29). Thật vậy, “sinh khí của Ngài do Ngài gửi tới, chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104:30). Chính Chúa Thánh Thần là Đấng canh tân mọi thứ, chúng ta có làm được gì cũng là nhờ Ơn Chúa, do đó chúng ta phải quyết tâm: “Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Ngài vui thoả, đối với tôi, niềm vui là chính Chúa” (Tv 104:34).
… ĐỂ SỐNG CHỨNG NHÂN
Chúa Giêsu đã nhiều lần động viên chúng ta: “Đừng sợ!” (Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5 & 10; Mc 5:36; Mc 6:50; Lc 1:13 & 30; Lc 2:0; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20). Sách Khải Huyền nhắc lại và giải thích: “Đừng sợ! Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ” (Kh 1:17-18). Lúc sinh thời, chính Chân phước GH Gioan Phaolô cũng rất thích câu nói đó: “Đừng sợ!”. Không sợ thì mới dám “vào đời”, dám “ra khơi”, dám hành động và dám bảo vệ công lý, dám sống theo chân lý của Thiên Chúa (Tv 26:3).
Thánh Phaolô nói: “Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa” (Gl 5:16), và giải thích: “Tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn” (Gl 5:17). Thánh Phaolô nói chi tiết hơn: “Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa. Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gl 5:18-21a). Chắc chắn rằng “những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (Gl 5:21b).
Trên đây là những điều ngược với Chúa Thánh Thần, còn những điều thuận với Chúa Thánh Thần? Đó là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5:23). Tất nhiên, chẳng có luật nào chống lại những điều như thế – dù là luật đời. Thánh Phaolô nói: “Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5:24). Trong Chuỗi Mân Côi, ở mầu nhiệm thứ 5 của Mùa Thương, Giáo hội dạy: “Ta hãy xin cho được đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá Chúa”. Đó là từ bỏ chính mình theo tác động của Chúa Thánh Thần. Và “nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước. Chúng ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ nhau” (Gl 5:25-26).
Chúa Giêsu đã hứa: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Ngài là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Ngài sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15:26). Và Ngài cũng đã giữ đúng lời hứa đó. Nhưng Ngài cũng trao trách nhiệm cho mỗi chúng ta: “Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15:27). Sống chứng nhân là bổn phận chung. Chúa Giêsu nói “anh em” không có nghĩa là chỉ có phái nam, còn phái nữ “khỏe re”. Lúc đó Ngài nói với các Tông đồ nên chỉ nói “anh em”, không có từ “chị”, nữ giới đừng vì thế mà “tự ái”, “đùn đẩy” hoặc “né tránh” trách nhiệm. Nhưng ngày nay phải được hiểu là “anh chị em” (ngôi thứ hai số nhiều – you, vous, vosotros, voi), cả nam và nữ.
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã nhắn nhủ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi” (Ga 16:12). Ngài biết chúng ta “không có sức chịu nổi” vì chưa được lãnh nhận Thần Chân Lý. Ngài xác định: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Ngài sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Ngài sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Ngài nghe, Ngài sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Ngài sẽ tôn vinh Thầy, vì Ngài sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16:13-14). Vì Ba Ngôi là Một nên Chúa Giêsu nói: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (Ga 16:15a). Và một lần nữa, Chúa Giêsu nhắc lại: “Ngài lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16:15b). Vậy là đã rõ ràng và chắc chắn, đúng như Đức Kitô đã hứa: “Thầy ở cùng anh chị em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28).
Lạy Chúa, xin soi sáng và dẫn chúng con đi theo đường chân lý của Ngài (Tv 25:5). Cuộc sống phàm nhân luôn nhiêu khê đủ thứ, xin Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ chúng con theo đúng Thánh Ý của Ngài, để chúng con can đảm thể hiện yêu thương mọi người trong từng nhịp thở. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.
118. Lửa Thiêng
(Suy niệm của Trầm Thiên Thu)
Theo tự điển Glossary of Wildland Fire Terminology, lửa là quá trình ôxy hóa nhanh chóng của một vật liệu trong phản ứng hóa học tỏa nhiệt, giải phóng ra nhiệt, ánh sáng, và các sản phẩm phản ứng khác. Để tạo ra lửa, phải cần và đủ 3 yếu tố: chất cháy, ôxy và nguồn nhiệt. Người ta gọi phản ứng dây chuyền này là “tam giác lửa”. Thiếu một trong các yếu tố trên hoặc các yếu tố trên không đủ thì sự cháy sẽ không xảy ra. Mỗi chất khác nhau có nhiệt độ bốc cháy khác nhau.
Lửa không chỉ chiếu sáng mà còn sức nóng. Theo nghĩa bóng, độ nóng là sự nhiệt thành, nhiệt tâm, nhiệt huyết. Sử gia Thomas Fuller (1608-1661, người Anh) nói: “Nhiệt huyết thiếu tri thức chỉ là lửa thiếu ánh sáng”. Còn Ralph Waldo Emerson (1803-1882), thi sĩ và triết gia người Mỹ, so sánh: “Nhiệt huyết là mẹ của nỗ lực, nếu không có nó, chúng ta không thể đạt được điều gì to lớn”. Và tác giả Thánh Vịnh nói: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân” (Tv 69:10).
Lửa rất lạ. Một đốm lửa nhỏ có thể thổi tắt dễ dàng, nhưng đốm lửa đó có thể lây lan thành đám cháy lớn, khó dập tắt, gió thổi càng mạnh càng cháy lớn. Lửa chia sẻ không mất, không hết, càng chia sẻ càng có nhiều lửa. Đêm vọng phục sinh, các Kitô hữu cùng nhau chia sẻ lửa từ ngọn nến phục sinh – tượng trưng Đức Kitô phục sinh chiếu sáng chúng ta.
Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, Đấng thường xuất hiện qua ba dạng: Lửa (Cv 2:3), Gió (Ga 3:8; Cv 2:2), và Chim Bồ Câu (Mt 3:16).
Sách Tông Đồ Công Vụ cho biết: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2:1-4).
Khi các Tông Đồ giảng đạo, người nghe đều hiểu theo ngôn ngữ bản xứ của họ (Cv 2:11). Hoạt động của Chúa Thánh Thần vô cùng kỳ diệu. Cùng một việc, một hoàn cảnh, nhưng Chúa Thánh Thần tác động khác nhau nơi từng người. Đơn giản như âm nhạc, chỉ có bảy nốt và năm hình nốt phổ biến nhất (tròn, trắng, đen, móc đơn, móc đôi), nhưng có cả hàng tỷ bài nhạc đủ thể loại được tạo nên với thiên hình vạn trạng. Con người không thể làm được nếu không có Chúa Thánh Thần tác động. Các lĩnh vực khác cũng tương tự. Quá đỗi kỳ diệu!
Vì thế, tác giả Thánh Vịnh tự nhủ: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!” (Tv 104:1a). Và rồi tác giả chân thành thân thưa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!” (Tv 104:1b). Vì không thể trì hoãn, tác giả Thánh Vịnh lại tiếp tục hân hoan xưng tụng: “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất” (Tv 104:24).
Không khí là thứ vô hình, không ai thấy, nhưng lại là “vật chất”. Lạ quá! Không khí đơn giản nhưng lại vô cùng cần thiết, không thể thiếu, dù chỉ trong chốc lát. Chúa Thánh Thần là Thần Khí, Ngài cũng vô cùng cần thiết cho sự sống, cả đời thường và tâm linh, cả thể lý và linh hồn: “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104:29-30).
Uóc gì chúng ta khả dĩ nhận thức đầy đủ, và luôn tâm niệm thành kính: “Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thoả, đối với tôi, niềm vui là chính Chúa” (Tv 104:34).
Con người rất dễ ảo tưởng, do đó mà kiêu ngạo. Làm được gì gọi là “hơn người” một chút thì vội vênh vang, tự cho mình giỏi hơn người, thậm chí có thể muốn “loại bỏ” Thiên Chúa, chống lại Thiên Chúa, muốn thay thế Thiên Chúa bằng sự cai trị độc tài chuyên chế – khởi đầu là cuộc cách mạng Bôn-sê-vích (Bolshevik Revolution) của nước Nga, lan truyền chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu từ năm 1917.
Có thể chúng ta chưa bị cộng sản hóa, nhưng chúng ta lại dễ quên rằng tất cả đều nhờ hồng ân, chứ chính bản thân chúng ta chẳng có thể làm nên trò trống gì cả! Thánh Phaolô phân tích: “Chẳng có ai ở trong Thần Khí Thiên Chúa mà lại nói: Giêsu là đồ khốn kiếp! Cũng không ai có thể nói rằng Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12:3). Chúa Thánh Thần tác động tích cực trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, không thể thiếu vắng Ngài, dù chỉ trong giây lát.
Quả thật, Chúa Thánh Thần đã làm những kỳ công mà không ai có thể phủ nhận. Chẳng hạn việc phổ biến Kinh Thánh. Tính đến tháng 5-2015, Kinh Thánh trọn bộ đã được dịch ra 542 ngôn ngữ, riêng Tân Ước đã được dịch ra 1.324 ngôn ngữ. Không một cuốn sách nào được dịch ra nhiều ngôn ngữ như vậy, và càng ngày người ta càng chú trọng Kinh Thánh – với những ngôn từ được Chúa Thánh Thần linh hứng mà chúng ta gọi chung là Lời Chúa.
Thiên Chúa quan phòng và tiền định cho mỗi người một việc, mỗi người một cách. Anh giỏi cái này, chị chuyên cái kia, tôi biết cái khác. Thật vậy, Thánh Phaolô giải thích về đặc sủng, và xác định là có nhiều nhưng vẫn chung một nguồn gốc: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12:4-7).
Thánh Phaolô nói về Nhiệm Thể Đức Kitô: “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12:12-13). Rõ ràng không ai có thể viện vào bất cứ lý do gì để mà tự cao tự đại. Thánh Phaolô nói: “Ai tưởng mình hiểu biết điều gì thì chưa hẳn là đã hiểu biết như phải hiểu biết” (1 Cr 8:2).
Và hãy lưu ý Kinh Thánh nói về thói kiêu căng, tự tôn, tự mãn:
– Kiêu hãnh đi liền với ô nhục, khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường (Cn 11:2).
– Kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào (Cn 16:18).
– Tính tự cao hạ đứa tự cao xuống, người tự hạ sẽ được tôn vinh (Cn 29:23).
Chính Đức Maria, khi đến thăm Bà Chị Ê-li-da-bét, đã ca vang bài Magnificat: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1:51-52).
Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, sau khi Chúa Giêsu phục sinh, các cửa đều đóng kín nơi các môn đệ ở. Bất ngờ Đức Giêsu xuất hiện giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20:19). Hú hồn! Sao thế nhỉ? Vì các ông đang sợ người Do Thái làm khó dễ. Nhưng rồi họ cảm thấy an tâm khi Sư Phụ cho họ xem tay và cạnh sườn. Ôi, Thầy mình thật rồi! Các môn đệ vui mừng lắm, vui vì được gặp lại Thầy.
Rồi Ngài nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20:22-23).
Đúng như lời Ngài đã hứa lúc trước: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14:16). Đấng đó như thế nào? Chúa Giêsu cho biết: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14:26).
Chúa Thánh Thần có nhiều ơn, nhưng chúng ta thường “quen” nhắc tới 7 ơn mà Is 11:1-3 liệt kê: Khôn ngoan (cao minh), hiểu biết (thâm hiểu), thông minh (minh luận), lo liệu (chỉ giáo), đạo đức (sùng hiếu, hiếu thảo), sức mạnh (dũng cảm), kính sợ Chúa. Ai có Chúa Thánh Thần sẽ sinh nhiều hoa trái, Thánh Phaolô liệt kê 12 hoa trái: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hòa, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, thanh khiết (x. Gl 5:22-23). Quả thật, Chúa Thánh Thần vô cùng cần thiết. Có Ngài là có tất cả. Hàng ngày, mỗi khi làm bất cứ việc gì, ước gì mỗi chúng ta không ngừng tha thiết cầu xin: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến! – Veni Sancte Spiritus!” (*).
Ai có Chúa Thánh Thần sẽ làm được nhiều việc, nhưng vẫn cảm thấy làm chưa đủ mức, càng làm nhiều càng cảm thấy mình hèn mọn, vô dụng. Đó là nhờ Lửa Thiêng do Chúa Thánh Thần thắp lên trong lòng họ: Lòng nhiệt thành và sự khiêm nhường. Hãy tiếp tục cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến, và cứ để cho Ngài tác động không ngừng…! Quả thật, Chúa Giêsu đã có lần nhắc nhở: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5).
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết biết đón nhận Chúa Thánh Thần, sống theo Thần Khí, thực hiện đúng hướng dẫn của Ngôi Ba Thiên Chúa. Nguyện xin Thiên Chúa thổi bùng Ngọn Lửa Thiêng trong tâm hồn chúng con. Nguyện xin Chúa Thánh Thần mau đến biến đổi thế giới, biến đổi nhân tâm cho hợp Ý Chúa. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
—————–
(*) Veni Sancte Spiritus, K. 47, của thiên tài âm nhạc Mozart:
119. Như một lần Thêm Sức
(Suy niệm của PM Cao Huy Hoàng)
Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Tin Mừng (Ga 20,19-23) gợi lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu ban Bí tích Thêm Sức đầu tiên cho các Tông đồ, và mời gọi chúng ta nhớ lại Bí tích Thêm Sức chính chúng ta đã lãnh nhận, cùng mong ước mỗi chúng ta dùng ơn Thánh Thần mà sinh hoa kết trái trong đời sống Đức Tin.
Mỗi tín hữu được lãnh Bí tích Thêm Sức như Ấn Tín Chúa Thánh Thần với nguồn Bảy Ơn cao trọng ơn Khôn Ngoan, ơn Hiểu Biết, ơn Biết Lo Liệu, ơn Sức Mạnh, ơn Thông Minh, ơn Đạo Đức và ơn Biết Kính Sợ Chúa. Bí tích Thêm Sức chỉ lãnh nhận một lần trong đời, nhưng hiệu quả thì trường cửu, ấn tín không hư mất.
Như vậy, ơn Chúa Thánh Thần đã ban sẵn sàng cho mỗi tín hữu như một vốn liếng quý giá, như gói tư trang thiêng liêng để mỗi tín hữu được trưởng thành hơn, vững vàng hơn khi bước vào cuộc đời để sống Đức Tin và làm chứng cho Thiên Chúa.
Thế nhưng, thiết tưởng, trong khi Chúa Thánh Thần không hề quên chúng ta, thì ngược lại chúng ta quên Chúa Thánh Thần. Bởi, ơn thì đã nhận, nhưng nhận rồi để đấy hay cất đâu đấy, không dùng, hoặc không ý thưc mình cần phải dùng, nên mới có nguy cơ chuốc lấy những thất bại trong hành trình Đức Tin.
Còn tệ hơn nữa, đôi khi ta không dùng ơn Khôn Ngoan của Chúa Thánh Thần để xua trừ sự dại dột trong ta, mà còn kiêu căng cậy dựa, khoe khoang tự đắc về sự khôn ngoan của mình, nên chi, chúng mình đã tự lao đầu vào vực trầm luân dại dột.
Các Ơn khác của Chúa Thánh Thần cũng vậy, phải là nguồn sức thiêng kỳ diệu giúp chúng ta vượt qua những thử thách, gian nan và anh dũng bước đi trong ân sủng, trong bình an chứ? Tại sao các tín hữu của Chúa lại vong ân bội nghĩa đến mức vô tâm vô tình với 7 Ơn cao trọng như thế?
Mỗi khi làm việc gì, ta đọc, ta hát kinh Đức Chúa Thánh Thần, hoặc kinh “Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con đặng biết việc phải làm…”, nhưng trong thực tế, chúng ta lại muốn làm việc chúng ta thích làm, hơn là chịu làm theo sự hướng dẫn của Thần Khí.
Đến khi vỡ chuyện rồi, thất bại rồi, có người vẫn chưa ngộ ra lý do vì chúng ta đã cậy sức mình quá lẽ, mà không cậy vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Mẹ tôi dặn: “Mỗi khi con cầu nguyện với Chúa Thánh Thần và thinh lặng lắng nghe Ngài hướng dẫn, ấy là một lần con được thêm sức”.
Cụ thể hơn, trong suốt cuộc đời, từ trẻ làm Nữ Hộ Sinh ở Bệnh viện Grall Qui Nhơn, cho đến lúc về già làm “Bà Mụ Vườn”, mẹ tôi vẫn thầm thĩ nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần trong từng ca giúp người ta sinh nở. Có lần mẹ tôi kể cho chị em chúng tôi: “Bệnh viện thì xa, phương tiện không có, mà thai có dấu hiệu nguy tử trong bụng rồi, mẹ chỉ còn cách xin Chúa Thánh Thần giúp cho biết phải làm gì để cứu sống cả mẹ cả con. Và chỉ trong một thoáng rất nhanh, Người đã giúp Mẹ có giải pháp tức khắc. Kết quả là tốt đẹp. Mẹ tròn, con không được vuông lắm, nhưng cứu kịp. Chúa Thánh Thần tinh thông mọi nghề nghiệp, mọi công việc và Người có đủ giải pháp tốt nhất cho mọi tình huống con à!”
Lời mẹ tôi dặn ngày ấy, tôi nghĩ, đã được rút ra từ những kinh nguyện Chúa Thánh Thần và kinh nghiệm sống của mẹ trước những thách đố hết sức gay go của đơi sống Đức Tin.
Vâng, bóng tối ngập tràn thế gian. Tội lỗi chồng chất. Đau thương ngút ngàn. Mỗi tâm hồn, mỗi gia đình đều có mảng tối đang bao vây, đang che chắn ánh sáng của Tin Mừng, ánh sáng thiêng liêng của nguồn Bình An. Nhưng dù cửa nhà ta, cửa cõi lòng ta có đóng kín như cửa nhà các môn đệ Chúa Giêsu vì sợ hãi hay vì một lý do nào khác, thì Chúa Giêsu vẫn có thể hiện đến và ban Thánh Thần của Thiên Chúa cho chúng ta.
Tại sao chúng ta đóng kín cửa, vô tâm với Chúa Thánh Thần, hoặc không màng đến nguồn trợ lực thiêng liêng, quý giá của Chúa Thánh Thần? Vì cảnh nghèo khổ cơ bần chăng? Hay vì những đau thương quá sức chịu đựng của kiếp người không còn phẩm giá, nhân vị, hoặc trong tình trạng thấp dưới mức bình thường? Vì bị xem thường, đàn áp, có la đến khản giọng khàn hơi cũng không hề nghe được lời đáp cứu chăng?
Trong phút giờ bi đát ấy, có bao giờ ta khẩn thiết kêu cầu đến Chúa Thánh Thần: “Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; Đấng ban ân huệ, Đấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!” Và có lúc nào chúng ta nhận ra mình đang có được Chúa Thánh Thần là “Đấng an ủi tuyệt vời, là khach trọ hiền lương của tâm hồn, là Đấng uỷ lạo dịu dàng, là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than, là niềm an ủi trong lúc lệ rơi” như một lần được thêm sức chưa?
Hãy khiêm tốn nhìn nhận sự yếu hèn của mình, để khẩn khoản sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Hãy thinh lặng cung kính đi vào lối sâu thẳm của thượng trí Thiên Chúa để nhận ra trí hiểu biết bé nhỏ nông cạn của mình. Hãy loại trừ tính chủ quan kiêu căng về khả năng, quyền lực của mình, để đón nhận Ánh Sáng Người soi dẫn.
Xin chia sẻ một chút, chúng tôi là một nhóm làm công việc hơi chuyên biệt, và may mắn là chúng tôi có một anh trưởng nhóm rất đạo đức, quen gọi là anh Ba. Anh Ba có nhiều sáng kiến hay, kế hoạch mới, và cũng đã có nhiều sáng kiến, kế hoạch luôn thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, không phải là tất cả. Một lần, anh Ba đưa ra một kế hoạch, một dự phóng để anh em bàn bạc. Đa số không thuận vì thấy không khả thi. Anh Ba mời mọi người vào phòng cầu nguyện, xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Sau một giờ thinh lặng cầu nguyện, anh Ba trở lại phòng họp và tuyên bố: “Như vậy là đúng ý Chúa Thánh Thần rồi. Chúng ta chỉ việc bắt tay vào thực hiện thôi”. Hơn một năm thực hiện, xảy ra bao điều bất ổn, có thể nói là kế hoạch ấy… thất bại! Chúng tôi ngồi lại với nhau để rút kinh nghiệm: Đừng áp đặt ý chủ quan của mình thành ý của Chúa Thánh Thần. Nhưng cũng qua lần thất bại ấy, chúng tôi như được thêm một lần thêm sức.
Quả thực, nếu thành tâm với Chúa Thánh Thần trong hành trình Đức Tin, cách nào đó, chúng ta được ơn nhận ra sự can thiệp kỳ diệu của Chúa Thánh Thần trong mọi tình huống và mỗi lần ấy, như một lần thêm sức.
Anh N., hơn 30 năm ca trưởng nhiệt thành của một giáo xứ trong 5 giáo xứ kỳ cựu nhất giáo phận, có tuổi hơn một thế kỷ, tâm sự với tôi chuyện gia đình:
“Anh ơi, em bị cha sở phạt “thẻ đỏ” rồi anh H. ơi, phải “ra sân” hội đồng mục vụ, “ra sân” cả bên ca đoàn nữa, chỉ vì con gái em nó lỗi luật. Đã vậy, nhà trai không cho con họ theo Đạo, đòi cưới luôn, không phép tắc. Để giữ thai đứa cháu ngoại 4 tháng, vợ chồng em đành buông xuôi, mặc họ tổ chức đám cưới bên nhà họ. Mình không làm gì. Em đã trình bày với cha sở, nhưng cha khuyên em nên nhận… “thẻ đỏ” để làm gương! Một tháng nay rồi. Phó thác het cho Chúa, nhưng vẫn không thấy bình an. Mấy ngày đầu nản lắm, tủi nhục tư bề, đau khổ triền miên, vợ chồng em mất ăn mất ngủ. Sau một tuần kinh nguyện, em ngộ ra điều này: nơi đâu có tội lỗi, nơi đó có ân sủng. Ân sung chắc chắn không qua con đường Bí tích, vì tình trạng tội lỗi của con gái em, nhưng em tin và cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, Người sẽ giúp con gái của em làm chứng cho Chúa trong gia đình nhà người ta. Vậy, em yên tâm được một chút rồi, mới gọi điện chia sẻ với anh đây”.
Ước gì mỗi chúng ta nhận ra điều kỳ diệu của Chúa Thánh Thần trong thế giới hôm nay, như anh bạn ca trưởng đã khám phá chiều kích mới của ân sủng: Sự can thiệp Chúa Thánh Thần trong mọi tình huống, như một lần thêm sức.
Lạy Chúa Thánh Thần, “Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con đặng biết việc phải làm, cùng khi làm, xin Chúa giúp đỡ, cho mỗi kinh mỗi việc chúng con từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen”.
120. Đức Kitô thứ năm
(Suy niệm của Mark Link, S.J.)
Nhiều năm trước đây Leonard LeSourd, cựu chủ bút tờ Guidepost, ngồi ăn tối với mười người khác. Họ đang bàn tán về một cuốn phim về Đức Giêsu. Bỗng dưng một phụ nữ trẻ, hiển nhiên là nhàm chán cuộc đối thoại, lên tiếng, “Nói cho cùng, có ai muốn giống Đức Giêsu đâu?” Một sự im lặng nặng nề lan ra cả phòng. Sau đó cuộc đối thoại chuyển sang một hướng khác.
Về sau LeSourd tự nhủ, “Tại sao nhận xét của người phụ nữ đó đã tạo nên một sự im lặng nặng nề?”
Ông kết luận rằng, một số người cảm thấy bị đe doạ bởi nhận xét đó. Những người khác, có lẽ, cũng nhàm chán cuộc đối thoại như bà này. Và những người khác nữa đã không biết nhiều về Đức Giêsu để thấy rằng họ có thích Người hay không.
Sau đó LeSour tự hỏi mình về sự hiểu biết về Đức Giêsu. Ông kết luận rằng, trong cuộc đời ông từng biết đến năm Đức Kitô.
Đầu tiên ông gặp Đức Giêsu trong lớp giáo lý. Ông được giới thiệu về Đức Giêsu dưới hình thức một người có cái nhìn nghiêm khắc mà hình ảnh được treo đầy trên các tường lớp giáo lý.
Hình ảnh Giêsu này không tạo được một ấn tượng nơi đứa trẻ chín tuổi mà nó chỉ thích chơi banh hơn là tìm hiểu về một người đã sống cách đây 2,000 năm trong một nước thật xa.
Và vì vậy Đức Giêsu đầu tiên mà LeSourd biết đến là một “Đức Kitô không có thật”, chỉ hiện diện trong tâm trí non nớt của ông.
LeSourd gặp Đức Giêsu thứ hai trong khuôn viên đại học. Đây là Đức Kitô trong lịch sử. Đó là Đức Kitô có ấn tượng mạnh mẽ trên lịch sử đến nỗi ngay cả những người không phải là Kitô Hữu cũng gọi Người là “nhân vật vĩ đại nhất lịch sử.”
Nhưng Đức Kitô lịch sử này không chạm đến ông LeSourd một cách cá biệt. Người cũng chỉ là một vĩ nhân, giống như Lincoln. Ông nói, “Đưa Đức Kitô vào khung cảnh này là một giải pháp đơn giản trong thời gian đại học và bốn năm làm phi công cho Không Quân. Đức Giêsu lịch sử này không dính dáng đến bất cứ gì tôi muốn thi hành.”
Và như thế Đức Kitô thứ hai mà LeSourd gặp là “Đức Kitô lịch sử.”
LeSourd gặp Đức Kitô thứ ba sau khi ra khỏi quân ngũ, ông kiếm được một công việc với tờ Guidepost là phỏng vấn người ta về đức tin. Trong thời gian phỏng vấn này, ông ngạc nhiên khi biết nhiều người thành công trong đời đã sống theo những giảng dậy của Đức Giêsu.
Không bao lâu, ông thấy mình tìm đọc Phúc Âm để biết nhiều hơn về những giảng dậy này. Và như thế LeSourd gặp Đức Kitô thứ ba là “Đức Kitô bậc Thầy”.
LeSourd gặp Đức Kitô thứ tư trong cuộc tĩnh tâm. Chủ đề của buổi tĩnh tâm là cam kết với Đức Giêsu. Trong buổi tĩnh tâm, một người trẻ đứng lên và nói với người khác nghe làm thế nào anh đã đi đến một nguyện đường, quỳ xuống, và cam kết cuộc đời cho Đức Giêsu.
LeSourd cảm thấy bối rối vì sự hoàn toàn cởi mở của người trẻ này. Nhưng đồng thời, ông cũng muốn có được điều mà người trẻ này đã tìm thấy trong nguyện đường đó.
Bởi thế, trước khi cuộc tĩnh tâm chấm dứt, LeSourd đến một nhà nguyện, quỳ xuống, và cam kết cuộc đời mình cho Đức Giêsu. Ông nhớ lại giây phút không thể quên đó như sau:
“Tôi thấy mình ở trong nhà nguyện, quỳ trước bàn thờ, nói lời cầu thật đơn sơ, ‘Lậy Chúa, con không biết làm thế nào con lại ở đây, nhưng con muốn trao phó cuộc đời của con cho Chúa.’”
Và như thế LeSourd gặp gỡ Đức Giêsu thứ tư. Đó là “Đức Kitô Cứu Thế”. Đó là Đức Kitô đã sống trong ông một cách sâu xa và riêng tư.
Từ ngày đó trở đi, Đức Giêsu trở nên tâm điểm và hướng đi đời ông.
Và như thế sự hiểu biết của LeSourd về Đức Kitô đi từ “Đức Kitô không có thật” đến “Đức Kitô lịch sử” đến “Đức Kitô bậc Thầy” và đến “Đức Kitô Cứu Thế.”
Điều này đưa chúng ta đến Đức Kitô thứ năm và sau cùng. LeSourd gặp gỡ Đức Kitô sau cùng một cách bất ngờ.
Một ngày kia ông thấy mình bị cám dỗ dữ dội. Đó là loại cám dỗ lớn mà tất cả chúng ta đều thỉnh thoảng cảm thấy.
LeSourd cảm thấy mình sa ngã. Ông cuống cuồng tìm đến điều gì đó để bám víu vào. Ông tìm thấy điều đó trong sự cam kết mà ông đã thực hiện với Đức Giêsu nhiều năm trước đây trong cuộc tĩnh tâm.
Ông cũng tìm thấy những điều khác nữa. Ông đã tìm thấy sự tương giao ý nghĩa nhất chưa từng có với Đức Giêsu.
Đó là sự tiếp xúc với “Đức Kitô ở bên trong”. Đó là sự tiếp xúc với Đức Kitô Phục Sinh, là người đã khởi sự sống ở bên trong các môn đệ khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ vào Chúa Nhật Hiện Xuống cách đây 2,000 năm.
Giờ đây mọi sự trong Tân Ước bắt đầu phù hợp với nhau.
LeSourd nhìn thấy làm thế nào các Tông Đồ thường cam kết với Đức Giêsu trong sự tha thiết bất chợt. Nhưng khi sự cám dỗ lớn đến với họ, họ đã rơi vào con đường cũ.
Giuđa phản bội Đức Giêsu, Phêrô chối bỏ Người, và phần còn lại đã bỏ trốn.
Mãi cho đến ngày Hiện Xuống, khi các ông nhận được Thần Khí của Đức Giêsu, lúc đó các Tông Đồ mới thực sự biến đổi.
Vào ngày Hiện Xuống đầu tiên 2,000 năm trước, thần khí của Đức Giêsu phục sinh bắt đầu ngự trong các môn đệ cách mạnh mẽ.
Và đó là điều chúng ta cử mừng hôm nay. Chúng ta mừng ngày quan trọng đó trong lịch sử Kitô Giáo khi, qua sự ngự đến của Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu phục sinh bắt đầu ở trong các môn đệ với một sự hiện diện cá biệt.
Chúng ta có thể so sánh sự gia tăng từ từ của LeSourd trong sự hiểu biết về Đức Giêsu với năm giai đoạn tăng trưởng của một thực vật.
Đức Kitô đầu tiên, “Đức Kitô không có thật” của thời thơ ấu của ông, tương ứng với hạt mầm của cây này. Đó chỉ là khởi đầu.
Đức Kitô thứ hai, “Đức Kitô lịch sử”, tương ứng với thân phát sinh từ hạt giống.
Đức Kitô thứ ba, “Đức Kitô bậc thầy”, tương ứng với nụ hoa mà nó từ từ sẽ hình thành ở đầu cuống hoa.
Đức Kitô thứ tư, “Đức Kitô Cứu Thế”, tương ứng với bông hoa nở ra từ nụ.
Đức Kitô thứ năm, “Đức Kitô ở bên trong”, tương ứng với trái cây được hình thành từ bông hoa của cây này.
Chính giai đoạn thứ năm và sau cùng này mà chúng ta mừng lễ Hiện Xuống. Đó là sự hiện diện của “Đức Kitô ở bên trong” trong Hội Thánh như một tổng thể và trong mỗi người chúng ta một cách riêng tư.
121. Người trồng cây sồi – Lm Mark Link.
“Lễ Hiện Xuống thách đố chúng ta phải cụ thể hóa bí tích thêm sức thành việc phục vụ của Kitô giáo.”
Vào năm 1983, trong khi Israel chiếm đóng Lebanon, thì tại Evanston thuộc tiểu bang Illinois, có một cậu bé 13 tuổi làm lễ Bar Mitzvah để được công nhận đã tới tuổi trưởng thành. Sau nghi lễ, cậu bé liền đọc lá thư cậu tính gởi cho Thủ Tướng đương thời của Israel là Menachem Begin. Cậu giới thiệu cho các bạn về lá thư đó như sau:
“Nghi Lễ Bar Mitzvah tôi vừa lãnh nhận đánh dấu thời điểm tôi trở thành một người Do Thái trưởng thành… Tôi có bổn phận nói lên cảm nghĩ của mình… Vì vậy tôi tính viết một lá thư gởi cho Thủ Tướng Begin. Tôi xin đọc cho các bạn nghe:
“Trọng kính Thủ Tướng Begin, nhân dịp cháu nhận lãnh nghi lễ Bar Mitzvah cháu cảm thấy mình có bổn phận nói lên cảm nghĩ về cuộc chiến ở Labanon…”
“Cháu hiểu được lý do khiến ngài đã hành động, tuy nhiên cháu vẫn nghĩ rằng chiến tranh là một phương cách sai trái. Nếu điều này có xảy ra lần nữa, cháu khuyên ngài nên là kẻ dấn thân đầu tiên vào việc tìm kiếm hoà bình… Bằng cách đi đến từng quốc gia Ả Rập giống như ngài Sadat đã đến Israel. Nếu Israel sống hoà bình với người Ả Rập thì PLO (Mặt trận giải phóng Palestine) sẽ không còn căn cứ để gây tổn thương và giết chóc dân Do Thai ở Israel nữa.”
Kết thúc lá thư, cậu bé viết: “Thay vì mua những vật trang hoàng bàn ăn, cũng như kẹo và hạt dẻ để ăn tiệc mừng lễ Bar Mitzvah của cháu, cháu đã xin gia đình gởi món tiền ấy cho bệnh viện ở Netanya tại Israel, nơi những người Do Thái bị thương trong chiến tranh hiện đang điều trị. Kính thư. Peter Burgh”
Trong ngày lễ Hiện Xuống hôm nay, lá thư vào dịp lễ Bar Mitzvah cũng như món tiền Peter gởi đến bệnh viện Do Thái nói lên điều gì với chúng ta đây?
Nghi thức Do Thái Bar Mitzvah uỷ nhiệm cho thanh niên Do Thái một vai trò tích cực hơn trong cộng đồng Do Thái. Nghi thức ấy mời gọi họ vào việc phụng sự và trách nhiệm dành riêng cho người đã trưởng thành. Nghi thức Do Thái Bar Mitzvah khá giống với Bí Tích Thêm Sức Kitô giáo. Bí tích Thêm Sức cũng uỷ nhiệm cho thanh niên Kitô giáo vai trò tích cực hơn trong cộng đồng Kitô Giáo. Mời gọi họ vào việc phụng sự và trách nhiệm dành riêng cho người trưởng thành.
Lá thư và món tiền của Peter Burgh cho thấy nỗ lực thi hành những trách nhiệm mới mẻ dành cho người trưởng thành nơi cậu ta. Chúng trình bày cho thấy nỗ lực dấn thân ngay vào dịp nhận nghi thức Bar Mitzvah của cậu.
Đây là một trong những mục đích chúng ta mừng lễ Hiện Xuống hàng năm. Lễ Hiện Xuống tác động như một lời mời gọi chúng ta phụng sự. Lễ này nhắc nhở kitô hữu trên toàn thế giới phải dấn thân ngay sau nghi thức Thêm Sức của mình. Phải chuyển nghi thức ấy thành hành động cụ thể.
Đối với một số kitô hữu, điều này có nghĩa là được mời gọi đảm nhận vai trò phụng sự thuộc cấp cao hơn, tức là làm chứng cho Phúc âm một cách rõ ràng công khai truyền hoặc giảng Phúc Âm và thi hành quyền lãnh đạo công khai trong cộng đồng Kitô giáo. Còn đối với những Kitô hữu khác, việc dấn thân này lại mang ý nghĩa việc phụng sự thuộc tầng cấp thấp hơn, tức là làm chứng cho Phúc âm một cách ít rõ ràng hơn. Chẳng hạn như cầu nguyện và hy sinh cho cộng đồng kitô giáo giống trường hợp Peter Burgh đã làm đối với cộng đồng Do Thái của cậu ta.
Việc phục vụ của ngươi kitô hữu khác biệt nhau bởi vì ân sủng thiêng liêng của người kitô hữu cũng khác nhau. Thánh Phaolô đã nêu ra điểm này trong thư thứ nhất gởi tín hữu Corintô như sau: “Có nhiều loại ân sủng thiêng liêng khác nhau nhưng cũng đều do một Thần Khí ban cho. Có nhiều phương cách phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Đức Chúa được phụng sự. Có nhiều khả năng phụng sự khác nhau nhưng chỉ có một Thiên Chúa ban cho mỗi người một khả năng phục vụ rieng” (1 cr 12: 4-6).
Lễ Hiện Xuống mời gọi mỗi người chúng ta thực hành các ân sủng thiêng liêng mà chúng ta nhận lãnh vào dịp lễ Thêm Sức của chúng ta. Lễ Hiện Xuống mời gọi chúng ta hành động và bảo chúng ta phải dấn thân ngay sau nghi thức lãnh nhận bí tích Thêm Sức và chuyển biến nó thành hành động.
Tôi xin minh hoạ điều ấy bằng câu chuyện sau:
Vào thập niên 1930, có một du khách trẻ đi thám hiểm, dãy núi Alpes thuộc nước Pháp. Anh ta đi đến một dải đất trọc rộng mênh mông. Dải đất này vừa hoang vắng, vừa cấm lai vãng, lại vừa xấu xí nữa. Đúng là một nơi mà qúi bạn sẽ vội vã đi ngay.
Đột nhiên người du khách trẻ dừng sững lại trên lối đi. Ngay giữa vùng đất hoang vu mênh mông là một ông già đang khom lưng mang trên túi hạt sồi, tay cầm một ống sắt dài bốn bộ (cỡ 1m2). Ông ta đang dùng ống sắt ấy đâm xuống làm thành những chiếc lỗ trong đất đoạn bốc ra từ chiec túi những hạt sồi rồi đặt vào mỗi lỗ một hạt. Ông nói với chàng du khách: “Tôi đã trồng hơn 100 ngàn hạt sồi. Có lẽ chỉ một phần mười số hạt sẽ mọc lên”. Vợ con ông đã chết cả rồi, và ông dồn những năm cuối đơi để làm việc này. Ông nói: “Tôi muốn làm một điều hữu ích.”
Hai mươi năm sau, người du khách về lại miếng đất hoang vu dạo trước. Điều trông thấy trước mắt khiến chàng sửng sốt đến nỗi chàng không thể tin vào mắt mình. mảnh đất hiện được phủ rợp bởi một cánh rừng xinh đẹp rộng hai dặm và dài năm dặm. Nơi đây có chim chóc ca hát, các loài thú nô đùa và hoa rừng ngát hương.
Người du khách đứng lặng ở đó vừa nhớ lại mảnh đất hoang vu trước đây bây giờ đã thành mảnh đất xinh đẹp. Tất cả là đều do có người chăm sóc nó.
Lễ Hiện Xuống có một lời mời gọi hành động. Lễ này mời gọi chúng ta góp phần mở rộng Nước Chúa trên traí đất. Quí vị cũng như toi có thể thay đổi một phần của nó như ông già đã làm.
Chúng ta đã nhận lãnh túi đựng hạt sồi và khúc ống sắt khi chúng ta chịu bí tích Thêm Sức. Bây giờ chúng ta phải làm nên một cái gì với những vật dụng trên. Chỉ cần một ít can đảm — giống như lòng can đảm của Peter Burgh biểu lộ trong việc viết thư cho Thủ tướng Begin hoặc lòng can đảm của ông già trong việc trồng hạt sồi.
Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện.
“Xin hãy đến!
Lạy Chúa Thánh linh, xin Ngài hãy đến!
Xin hãy đến làm ánh sáng hứơng dẫn chúng con.
Xin hãy đến làm sức mạnh nâng đỡ chúng con.
Xin hãy đến, lạy Chúa Thánh linh.
Xin Ngài hãy đến!
Xin hãy giúp chúng con đổi mới bộ mặt trai đất.”.
122. Nguồn Ơn Bảy Nguồn Tái Tạo Thế Giới
(Suy niệm của Lm. Giuse Trương Đình Hiền)
Ngày xưa, cách đây hơn 2.000 năm, có một chú bé người Phi châu tên là Emmanuel dễ thương và hay thắc mắc, tò mò. Ngày nọ, chú đã hỏi vị thầy giáo trong làng: “Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào?”. Thầy giáo chỉ biết gãi đầu và nói: “Nói thực là Thầy không biết”. Sau đó Emmanuel đến với nhà trí thức, các bậc trưởng thượng trong vùng cũng với câu hoi đó, nhưng tất cả chẳng ai biết. Và thế là chú lang thang từ vùng này qua xứ nọ để tìm cho được câu trả lời cho vấn nạn: “Thiên Chúa nói bằng ngôn ngữ nào?”. Nhưng từ Đông sang Tây, từ châu lục này đến châu lục kia… Emmanuel vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Thế rồi một đêm nọ, sau khi đã kiệt sức vì muôn dăm đường dài, Emmauel cũng đến được một thành phố nhỏ nọ, tên là Bêlem. Chú bé cố đi tìm một chỗ nghỉ đêm trong quán trọ. Nhưng cac quán trọ đều cửa đóng then cài vì đầy người. Thế là chú bé Emmanuel đành lặn lội ra giữa cảnh đồng hoang tìm một cái hang ngoại thành để qua đêm. Tới mãi khuya chú mới tìm được một cái hang đang còn leo lét bóng đèn dau. Nhưng khi bước vào, thì ra trong hang đã có một đôi vợ chồng và một hài nhi bé tí mới sinh đang trú ngụ. Nhìn thấy chú, bà mẹ trẻ liền nói: “Hân hạnh đón chào Emmanuel, chúng ta đang mong chờ con”.
Chú bé quá sửng sốt! Làm sao bà nầy biết tên chú? Và chú càng ngạc nhiên hơn khi nghe bà nói: “Đã từ lâu con đi tìm kiếm khắp thế giới để hỏi xem Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào. Giờ đây, hành trình của con kể như đến đích, vì đêm nay chính mắt con đã thấy được Thiên Chúa nói bằng thứ ngôn ngữ nào. Ngài nói bằng “ngôn ngữ tình yêu”. Bởi vì “Thiên Chúa đã yêu thế gian đên nổi đã ban Con Một” (Ga 3,16).
Trái tim Emmanuel trào dâng xúc động. Chú vội vã quỳ gối xuống trước hài nhi và mừng rỡ khóc lên. Giờ đây, chú đã biết rằng thiên Chúa nói bằng thứ tiếng của tình yêu, thứ tiếng mà mọi người thuộc bất cứ dân tộc hay thời đại nào cũng đều có thể hiểu được…
Và thế la Emmanuel vui mừng ở lại hang Bêlem vài ngày để giúp Đức Maria và Thánh Giuse, sau đó đã lên đường loan báo cho mọi người “Tin Mừng” vừa mới nhận được: Thiên Chúa nói bằng ngôn ngữ tình yêu. Emmanuel đã ra đi trong tâm niem rằng: “Nếu tôi muốn kể cho mọi người biết Chúa dùng thứ tiếng nào để nói, thì chính tôi cũng phải nói bằng thứ tiếng Chúa nói, tức ngôn ngữ của tình yêu. Bởi đó chính là thứ tiếng duy nhất mà mọi người trên thế gian đều hiểu được. Và kể từ ngày đó, trên muôn dặm đường dài cuộc sống, Emmanuel đã dùng “ngôn ngữ tình yêu’ để nói và sống với mọi người…
Thế giới mà chúng ta đang sống hôm nay có quá nhiều thứ ngôn ngữ: ngôn ngữ chính trị, ngôn ngữ ngoại giao, ngôn ngữ làm ăn, ngôn ngữ thương mại, ngôn ngữ bụi đời… Và cũng vì có quá nhiều thứ ngôn ngữ mà lại thiếu vắng ngôn ngữ tình yêu nên đã xảy ra bao nhiêu là tấn thảm kịch: chiến tranh, khủng bố, bạo lực, bóc lột, kỳ thị, hận thù… Đứng trước một thế giới như thế, phải chăng sứ điệp của ngày Lễ Hiện Xuống là một nhắc bảo, một gọi mời để tất cả chúng ta hãy tìm lại thứ ngôn ngữ của Thiên Chúa đã dùng để nói với chúng ta: ngôn ngữ tình yêu.
Quả thật, ngôn ngữ của chính trị, ngoại giao, thương mại, kinh tế, đảng phái… không bao giờ là ngôn ngữ của yêu thương, hoà bình, khoan dung, tha thứ. Nếu có chăng, thì chỉ là những hư từ rỗng tuếch, mị dân, giả dối để che đậy những âm mưu đen tối bên trong.
Cũng vì lẽ đó mà ngang qua biên giới của các dân các nước trên thế giới hôm nay, vẫn còn ngổn ngang những tháp “Babel dang dở của tình liên đới, hoà bình, hiệp nhất”.
Ai cũng biết, nhân loại đã có một thời thất bại khi cùng nhau xây tháp Babel. Lý do đơn giản vì “ngôn ngữ bất đồng” và không ai hiểu được tiếng nói của nhau (x. St 11,1-8).
Trước khi xảy ra sự kiện đó, Kinh Thánh đã nói với chúng ta rằng: có một nguyên do đã làm cho con người thay đổi cái ngôn ngữ thuở ban đầu Thiên Chúa đã dạy cho: nguyên do đó chính là tội lỗi. Chính tội lỗi đã khiến Ađam không còn nhìn nhận Eva như “xương bởi xương mình, thịt bởi thịt mình” để bao bọc, chở che, mà sẵn sàng đỗ thừa để khỏi dây dưa hệ luỵ: “chính người đàn bà…”. Cũng chính tội lỗi đã khiến người anh ruột Cain đã không còn nói với em là Abel bằng ngôn ngữ của huynh đệ tình thâm, máu mủ ruột thịt, nhưng bằng ngôn ngữ của ghen tương, đố kỵ đến nổi ra tay sát hại em ruột giữa cánh đồng.
Quả thật khi con người không còn nói Lời của Thiên Chúa, không còn sử dụng ngôn ngữ của Thiên Chúa, ngôn ngữ của những người con cùng một Cha, ngôn ngữ của anh chị em trong một mái nhà của gia đình Thiên Chúa… thì tội lỗi và sự chết đã nhập vào thế gian.
Và Thiên Chúa đã hoạch định cả một chương trình kỳ diệu để “Lời của Thiên Chúa”, để ngôn ngữ của Thiên Chúa được sử dụng trên trần gian hầu mang sự sống lại cho nhân loại.
Phải chăng, để khởi đầu cho lộ trình dài thăm thẳm đó, Thiên Chúa đã dùng dòng nước vĩ đại của cơn Đại Hồng Thuỷ để thanh tẩy địa cầu; tiếp theo là ngọn lửa hỏa hào với cuồng phong sấm nổ trên đỉnh núi Sinai để hình thành một dân tộc của Giao ước tiến về hứa địa. Nước đại hồng thuỷ hay lửa trên đỉnh Sinai đều là nhưng chuẩn bị và báo trước dòng nước sống và lửa thanh tẩy của Thánh Thần trong thời Giao ước mới.
Thật vậy, kể từ phép rửa khai mạc sứ vụ cứu thế của Chúa Giêsu nơi dòng sông Giođan; hay chính xác hơn, kể từ khi có những dòng “máu và nước tuôn ra từ trái tim của Đấng Bị Đóng Đinh”, Lời của Thiên Chúa đã tái lập sự sống, ngôn ngữ của Thiên Chúa đã chiến thắng tội lỗi, sự chết, hận thù, chia rẽ… Kể từ dạo ấy, kẻ nào “đến với Ngài và tin vào Ngài thì từ nơi họ sẽ tuôn chảy một nguồn nước sống”. Nguồn nước sống ấy chính là sức mạnh của Chúa Thánh Thần, sức mạnh tác sinh sự sống từ cõi chết, sức mạnh tẩy sạch tội khiên, sức mạnh dựng xây hiệp nhất.
Trước cửa nhà các Thánh Tông đồ hôm nay, sách Công vụ Tông đồ đã mô tả thật chính xác, thật sinh động về cuộc khai trương một “công trình Babel mới” mà tất cả các công nhân trên công trường này cho dù muôn phương cách biệt, muôn sắc tộc, màu da… đều có thể nghe và hiểu chung một sứ điệp, một Tin Mừng do các Tông đồ loan báo, những người được chính Đức Kitô ban tặng Thánh Thần trước tiên ngay khi Ngài vừa mới sống lại: “Anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần…”; những người mà hôm nay, Chúa Thánh Thần đã long trọng tuôn xuống bằng những hình lưỡi lửa để biến đổi toàn diện con người các ông và trao cho các ông sứ vụ loan báo Tin Mừng và xây dựng Hội Thanh: “… vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11).
Một nhân loại bị phân tách và chia rẽ của tháp Babel ngày xưa giờ đây được Chúa Thánh Thần quy tụ về mot mối nhờ hồng ân của nhiệm tích Thánh Tẩy. Từ đây, đoàn Dân Mới này sẽ nói với nhau bằng một thứ ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của Tin Mừng, ngôn ngữ tình yêu của con cái Thiên Chúa.
Thế nhưng xem ra, sau 2.000 năm, Hội Thánh, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, miệt mài với công trình xây dựng Vương quốc Thiên Chúa, dạy dỗ và quảng bá ngôn ngữ của Tin Mừng của Đức Kitô, xem ra nhân loại chưa đón nhận và thực hiện được bao nhiêu. Ngươi ta còn dành lại cho mình quá nhiều thứ ngôn ngữ ích kỷ, kiêu căng, hẹp hòi và thù ghét.
Vì thế, “Ngày Lễ Ngũ Tuần” lại cần thiết biết bao phải được thể hiện trên mọi miền Giáo Hội, trên mọi cộng đoàn Dân Chúa. Tất cả mọi thành phần Hội Thánh cần phải được Ngọn Lửa của Thánh Linh thanh tẩy thường xuyên để tẩy sạch những cáu bẩn của kiêu căng và tự ái, của giả hình và thoả hiệp, của mị dân và trần tục, của khiếp nhược và bất khoan dung…
Nói cách khác, phải để Chúa Thánh Thần làm nguyên lý sự hợp nhất trong Giáo Hội chứ không phải nhân danh một thế lực hay một trào lưu, một ý thức hệ nào, bởi vì mọi đặc sủng và ơn thánh đều bắt đầu từ mot Thần Khí, một Chúa là Thiên Chúa duy nhất.
Khẳng định trên đây của Thánh Phaolô không phải chỉ mang tính thời sự trong bối cảnh của cộng đoàn Kitô Côrintô đang gặp sự chia rẽ mà phải chăng, đang rất thời sự trong bối cảnh Giáo hội Việt Nam và Hội Thánh hoàn vũ. Qua ơn thánh của Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, mọi tín hữu phải ý thức trở lại sự hiệp nhất này, sự hiệp nhất trong Chúa Giêsu Kitô, Con Người mới, Ađam mới, ông tổ của một nhân loại mới.
Chính trong ý hướng này, chúng ta cùng lặp lại lời cầu nguyện trong kinh Ca tiếp liên để cầu cho nhau và cho Hội Thánh:
Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,
và chữa cho lành nơi thương tích.
Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,
chỉnh đốn lại chỗ trật đường.
Xin Chúa ban cho các tín hữu,
là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn.
Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức,
được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời.
Amen. Alleluia!
123. Nóng sốt, âm vang và dữ dội- Lm Vincent Travers
Điều đã xảy ra vào ngày Lễ Hiện Xuống lần thứ nhất có thể nói được là đoạn cuối của một câu chuyện mà thật ra đã bắt đầu vào ngày lễ Giáng Sinh lần thứ nhất. Giáng Sinh là câu chuyện Chúa sinh xuống trần với loài người chúng ta như thế nào để giúp đỡ chúng ta sống như Ngài mong muốn. Giáng Sinh là lễ Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Hiện Xuống là lễ Thiên Chúa ở trong chúng ta.
Trước khi Chúa Giêsu trở về trời vào ngày Thăng Thiên, Ngài đã nới với bạn hữu của Ngài nên trở lại Giêrusalem chờ đợi cho tới khi một việc quan trọng sẽ xảy đến. Và họ đã chờ đợi như thế. Họ đã trải qua hầu hết ngày giờ ở nơi căn phòng lầu trên nào đó trong kinh thành Giêrusalem. Chúng ta có thể phác họa cảnh tượng họ bàn tán với nhau về những biến cố thích thú xảy ra trong ít tuần trước đó, họ đọc kinh cầu nguyện, vui sướng hợp quần với nhau và dùng hết ngày giờ để chờ đợi – chờ đợi biến cố đó, cho dù như thế nào – như Chúa Giêsu đã hứa sẽ xảy ra ngày sắp tới và biến đổi cuộc đời của họ.
Ngay trọng đại
Và rồi cuối cùng, mười ngày sau lễ Thăng Thiên, ngày trọng đại đã đến khi Chúa Giêsu đã giữ lời hứa. Khi họ đang cùng nhau cầu nguyện, một việc kinh hoàng xảy ra. Thánh Luca, người thuật lại câu chuyện đó, cố gắng tìm những ngôn từ để diễn tả sự việc lạ lùng đó. Giống như cơn bão dữ dội thổi qua, giống như toàn bộ căn nhà bốc cháy. Họ như bị cướp đi và như ở trên lửa bỏng chẳng khác nào những nhân tình trẻ tuổi. Sự nhiệt tình của mối tình đầu thật kỳ diệu nếu được trường tồn, nhưng thường giảm bớt cường độ và hy vọng thay thế vào đó bằng một điều gì sâu lắng và mãnh liệt hơn. Vào ngày Hiện Xuống các tông đồ cảm thấy mình tràn đầy một năng lực phi thường và lập tức họ nhận biết chính là Đức Thánh Linh mà Chúa Giêsu đã hứa. Họ chứng nghiệm việc Đức Thánh Linh đến như điều gì nóng sốt, âm vang và dữ dội. Đối với một số vị điều đó xem ra bối rối, ngay cả làm cho họ hoảng hốt. Điều nên ghi nhớ là sự hăng say cảm nhận được vào giai đoạn nhất thời đó không duy trì được lâu nhưng đã có thật. Điều đó giúp các tông đồ tiếp tục và bắt đầu một điều gì vĩ đại hơn. Khong thể bỏ qua ở đây sự kiện đã xảy ra rất khoan khoái và tăng sinh lực. Kết quả là các tông đồ và thế giới xưa cũ sẽ không bao giờ như thế nữa. Điều đó có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay?
Lời kêu gọi tỉnh thức
Vào một sáng Chúa nhật, một người mẹ vội vàng chạy vào phòng ngủ của con trai. Anh ta còn ngủ. Bà đánh thức dậy và nói: “Hôm nay Chúa nhật. Đây là lúc thức dậy và đi nhà thờ.” Từ dưới chăn đắp anh ta lầu bầu nói: “Con không muốn đi nhà thờ.” Bà mẹ nói: “Con nói gì? Con không muốn đi nhà thờ? Thật là vớ vẩn. Con phải đi nhà thờ.” Anh ta đáp lại: “Con nói cho mẹ biết hai lý do tại sao con không muốn đi nhà thờ. Trước hết, con không thích những người ở nơi nhà thờ và thứ đến, họ không thích con.” Bà mẹ trả lời lại: “Rõ ràng thật ngớ ngẩn. Con phải đi nhà thờ và mẹ nói cho con hai lý do tại sao con phải đi. Trước hết, con đã năm mươi mốt tuổi rồi. Thứ đến, con là cha xứ.”
Sau khi Đức Thánh Linh hiện đến giống như Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ: “Hãy ra khỏi nơi đây. Các con đã ba mươi hay bốn mươi tuổi rồi. Các con là những tông đồ và là những kể loan báo Tin Mừng. Hãy đi loan truyền tin mừng về tình yêu và lòng lân tuất của Chúa. Sứ vụ của các con là tiếp nối công việc mà Thầy đã khởi đầu.” Và Thánh Luca nói với chúng ta rằng họ đã lập tức cầm lên cây gậy mà Chúa Giêsu đã trao phó. Họ đã mở toang cửa ra và tuôn tràn xuống những nẻo đường đông đúc ở Giêrusalem với một mùa xuân trên những bước đi mà trước đó chưa có. Họ đi từ nhãn cầu nầy đến nhãn cầu khác và nhìn vào mặt đám đông. Khi người ta hỏi nhà thám hiểm David Livingstone chuẩn bị đi tới đâu, ông trả lời: “Tôi chuẩn bị đi bất cứ đâu, bao lâu còn hướng về phía trước.” Đó là tâm trạng của các tông đồ khi họ xông ra các đường phố Giêrusalem dưới tac động và ảnh hướng của Đức Thánh Linh.
Lễ Hiện Xuống ngày nay
Sứ vụ của Chúa Giêsu là cho mọi thời và mọi lứa tuổi. Điều đã khởi đầu ở Giêrusalem có nghĩa là còn tiếp tục ngày nay. Các tông đồ đã chết và đã qua đi. Họ đã đi vào lịch sử. Họ đã làm phần việc nhỏ bé của họ. Những người khác đã thế chỗ họ qua thời gian. Ngày nay đến lượt chúng ta tiếp tục điều mà Chúa Giêsu đã bắt đầu ở Giêrusalem. Đó là ơn gọi của chúng ta va không có ơn gọi nào cao quí hơn nữa. Thực tế, Chúa Giêsu đang nói: “Thầy nói cho các con hai lý do tại sao các con nên tiếp tục sứ vụ của Thầy: Các con đã trưởng thành đủ và Thầy đã chọn các con!”
J.R. Moehringer, một phong viên của LA Times đã đoạt giải Pulitzer mấy năm trước đây về một bức ảnh đầy cảm hứng của một cộng đoàn sinh sống ở một ven sông hẻo lánh ở Alabama là những con cháu mà tổ tiên xưa kia là nô lệ. Ông đã bắt đầu cau chuyện như thế nầy: Bà Mary Lee Bendolph hy vọng phà không tới. Nhưng nếu phà tới, bà sẽ bước lên. Bà run rẩy khi từ dưới đất bước lên phà vì bà không biết lội và bà không thể quên bao nhiêu lần bà đã đi qua con sông nâu dị hợm đó để rồi chỉ gặp thêm nhiều điều dị hợm hơn ở bên kia bờ sông.
Nhưng nỗi lo sợ không bao giờ quật ngã Mary Lee Bendolph được và không giòng sông nào có thể ngăn chặn bà được. Bà sẽ lên phà đó nếu nó tới, bởi vì có điều gì đó nói với bà là bà phải leo lên và vì hết thảy những người mà bà yêu thương nhất đều lên phà với bà. Nếu có một điều mà bà đã học được trong cuộc sống khó khăn của bà, đó là: “Khi đến lúc sang sông, bạn đừng đặt câu hỏi. Bạn chỉ vượt qua sông mà thôi.”
Lễ Hiện xuống là điều thiết thực đã đem xuống trên mặt đất
Đôi khi người ta nói tôn giáo như thể điều gì không thực dụng, chỉ toàn trên mây gió và không chut liên hệ đến thế giới hiện thực. Đối với nhiều người, không có điều nào trong tôn giáo mơ hồ hơn, tối nghĩa hơn hay không thể nắm bắt với thế giới hiện thực hơn cho bằng điều liên quan đến Đức Thánh Linh. Không có đieu gì xa vời chân lý hơn. Thật ra Đức Thánh Linh là điều chính xác mà ở đó tôn giáo hiện thực và thực dụng đã đâm rễ chắc chắn ở trên mặt đất. Thánh Thần Ngôi Ba Thiên Chúa không phải là một Thiên Chúa trừu tượng, được che giấu ở nơi xa xôi nào đó trên thiên đàng. Đó là Thiên Chúa ở trong tâm tưởng chúng ta, ở trong tính khí và nhân cách chúng ta, ở trong bản năng và huyết quản chúng ta. Điều đó có nghĩa là mỗi một ý tưởng đứng đan, độ lượng, ân cần, cao thượng và nhạy cảm xuất hiện trong đời sống chúng ta là chính Thiên Chúa đang hoạt động ở trong chúng ta. Giờ đây chúng ta tự hỏi có điều gì có thể thực tế hơn, thực dụng hơn và có tính cách tran thế hơn? Mầu nhiệm Hiện Xuống mời gọi chúng ta hòa nhịp với Thiên Chúa hằng sống, hiện thực và linh hoạt ở trong cuộc sống chúng ta. Vấn nạn ở đây không phải là sự hiện diện của Thiên Chúa mà là sự đáp ứng của chúng ta đối với điều đó.
Một chị trẻ tuổi nghe tin bà hàng xóm ngoại bát tuần sống một mình, đang đau nặng. Chị quyết định qua ngủ đêm bên cạnh giường bà đó. Ý tưởng cao quí đó từ đâu tới? Từ Chúa Thánh Linh tới. Theo Thánh Phaolồ: “Chúng ta không thể nói Chúa Giêsu là Chúa, trừ khi chúng ta ở dưới ảnh hưởng của Đức Thánh Linh.” Nhưng Đức Thánh Linh không phải là một Thần Trí hung ác và vô tri. Thần Trí thì dịu hiền tự bản chất và sẽ khong áp đăt ngược với ý muốn chúng ta. Chị trẻ tuổi đó đã đáp ứng một cách tự do bởi tác động của Thần Trí vì chị hòa điệu với sự hiện diện dịu hiền và sống động của Thiên Chúa ở bên trong chị.
Lễ Hiện Xuống đem đến cho chúng ta linh đạo cho mỗi ngày và ở bất cứ đâu. Lễ Hiện Xuống có thể biến đổi đời sống chúng ta và làm cho chúng ta có thể vượt bất cứ sông nào ở trước mặt chúng ta, nhìn vào mặt bất cứ đám đông nào và cứ tiến tới, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào vì lợi ích của Tin Mừng.
Ở cạnh bàn của Chúa
Một cô giáo cho học sinh xem bức tranh của Leonardo da Vinci vẻ Buổi Tiệc Ly và hỏi: “Chúa Giêsu nói điều cuối cùng nào với các tông đồ ở căn phòng lầu trên ở Giêrusalem?” Không em nào có thể trả lời đúng ý cô giáo hết. Cô bảo Chúa Giêsu nói như thế nầy: “Nếu các con muốn ở trong bức tranh, các con phải ở cạnh bàn nầy!” Một linh mục tuyên úy lao xá Mountjoy đã kể lại câu chuyện đó vào một buổi sáng nhân Lễ Hiện Xuống. Sau Thánh Lễ, một tù nhân đã theo cha vào trong phòng thánh và xin xưng tội. Khi xưng tội xong, anh ta mỉm cười và nói: “Giờ đây con ở cạnh bàn của Chúa!” Và đó là nơi thuộc về chúng ta.
Phỏng theo bài suy niệm “HOT, LOUD AND VIOLENT” (Nóng Sốt, Ầm Ĩ và Dữ Dội) của cha Vincent Travers O.P. trong sách “IN STEP WITH GOD” (Đồng Hành Với Chúa).
124. Chú giải và suy niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long
ĐỨC GIÊSU HIỆN RA VỚI CÁC MÔN ĐỆ
Thánh Thần chính là làn hơi của Thiên Chúa, Người như là gió.
1.- Ngữ cảnh
Dựa theo bố cục tổng quát của TM Ga, đoạn văn này nằm trong chương 20 là chương cuối cùng của phần B (Sách về Giờ của Đức Giêsu), kèm theo lời kết cho thấy mục tiêu của tác giả khi viết Tin Mừng.
Trong tình trạng tranh tối tranh sáng lúc bình minh, Maria Mácđala đi đến mộ Đức Giêsu và thấy mộ đã được mở và trống không. Cho tới nay, có hai sứ điệp của Đức Giêsu Phục Sinh đã bao trùm ngày Phục Sinh (20,2.17). Vào buổi chiều ngày dài này, Đấng Phục Sinh đã đến gặp các môn đệ Người. Người gặp họ khi họ đang ở trong phòng cửa đóng kín: họ còn đang ở trong mộ của nỗi sợ hãi, chứ chưa được thông dự vào sự sống của Người. Đức Giêsu đã đưa các môn đệ ra khỏi tình trạng bế tắc do phản bội, do sợ hãi. Và Người đã trao sứ mạng để các ông trở thành sứ giả đi khắp nơi mà ban ơn tha tội, ban sự bình an.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Lời chào “bình an” thứ nhất với việc chứng minh sự Phục Sinh (20,19-20);
2) Lời chào “bình an” thứ hai với sứ mạng và trao ban Thánh Thần (20,21-23).
3.- Vài điểm chú giải
– Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần (19): Cuộc hiện ra xảy ra tại Giêrusalem vào ngày Chúa Nhật. Bản văn Lc 24,33-49 cho biết Đức Giêsu hiện ra vào buổi chiều, bởi vì vào lúc xế chiều, Người đã ngồi ăn với hai môn đệ tại Emmau, rồi hai ông đã trở lại Giêrusalem ngay trước khi Đức Giêsu hiện ra với cả nhóm. Rất có thể tác giả dùng từ ngữ “ngày ấy” mà chỉ ngày Chúa Nhật ấy là có ý coi đây là ngày cánh chung, ngày mà Đức Giêsu ban Thánh Thần để ở lại mãi mãi với các môn đệ (xem thêm cc. 14,20; 16,23.26).
Tác giả dùng công thức “Ngày thứ nhất trong tuần” cho cả hai lần hiện ra ở đây (lần sau đúng một tuần sau) rất có thể là vì ông muốn nhắc đến thói quen của các Kitô hữu cử hành Thánh Thể vào “ngày thứ nhất trong tuần” (Cv 20,7; xem thêm 1 Cr 16,2).
– các cửa đều đong kín (19): Lý do nêu ra trong bản văn là “vì các ông sợ người Do-thái”, nhưng có lẽ tác giả cũng còn muốn cho thấy là thân thể Đức Giêsu Phục Sinh có thể đi qua cửa đóng kín.
– Bình an cho anh em (19): Trong tiếng Do-thái, shalôm (= bình an) là một lời chào thông thường. Nhưng trong văn cảnh long trọng ở đây, lời của Đức Giêsu có ý nghĩa khác, không phải chỉ là “Cầu chúc anh em được bình an”, như thể họ còn phải chờ đợi sự bình an đến trong tương lai. Ở đây, lời Đức Giêsu nói là một nhận định về thực tại: chắc chắn họ đang có sự bình an của Người.
– Như Chúa Cha đã sai Thầy (21): Trong các Tin Mừng khác, cũng có lời sai đi này (x. Mt 28,19; Lc 24,47), nhưng ở đây, mẫu mực cho việc sai đi là quan hệ của Con với Cha (một đề tài thần học của Ga, xem 17,18).
– Người thổi hơi vào các ông… Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần (22): Hành động này nhắc nhớ đến làn hơi sáng tạo của Thiên Chúa trong St 2,7. Làn hơi của Đức Giêsu chính là Thánh Thần. Trên thập giá, Người đã “trao Thần Khí” (paredôken to pneuma; trước đây, vì không quan tâm đến thần học của tác giả Ga, người ta đã dịch là “trút hơi thở”) (19,30): Ngươi đã trao ban Thánh Thần cho những người đứng dưới chân thập giá, đặc biêt cho thân mẫu Người, tượng trưng Hội Thánh hoặc Dân mới của Thiên Chúa, và cho người môn đệ Người thương mến, tượng trưng các Kitô hữu.
– Anh em tha tội cho ai…; anh em cầm giữ ai… (23): Câu này có vọng lại Ds 22–24 bằng tiếng Hy-lạp (Bản LXX), Truyện Bilơam: chẳng hạn so sánh Ga 20,23 // Ds 22,6 LXX. Theo bản văn Híp-ri, vua Balác xác tín rằng “kẻ nào bị ông nguyền rủa thì mắc họa/bị nguyền rủa” (Ds 22,6 Híp-ri), nghĩa là sẽ bị nguyền rủa qua lời nguyền Bilơam tuyên bố. Ông không bận tâm với quyền năng của Thiên Chúa Israel, là Đấng có đồng ý thì Bilơam mới có thể chúc phúc hoặc nguyền rủa (Ds 22,12; 23,8). Ngược lại, trong bản văn Hy-lạp, lời của Balác ở 22,6 có một ý nghĩa hàm hồ: có thể hiểu “được phúc” (eulogêntai) và “mắc họa/bị nguyền rủa” (kekatêrantai) vừa theo nghĩa một hậu quả sẽ xảy ra trong tương lai gần (bản văn Híp-ri: dạng phân từ và vị hoàn), vừa theo nghĩa một lời thú nhận không chủ ý rằng chỉ những ai đã được Thiên Chúa chúc phúc hoặc bị Thiên Chúa nguyền rủa thì Bilơam mới có thể chúc phúc hoặc nguyền rủa. Đó chính là điều Thiên Chúa đã nói với Bilơam: “Ngươi không được đi với chúng! Không được nguyền rủa dân đó, vì nó đã được chúc phúc (estin gar eulogêmenon)”. Bilơam không thể nguyền rủa kẻ đang sống trong tình trạng đươc chúc phúc, từ đó chúng ta hiểu là kẻ nào ông nguyền rủa được, kẻ ấy đã đang bị Thiên Chúa nguyền rủa rồi. Balác đã nói như thế và ông có lý, mà ông không biết.
Dạng hoàn thành apheôntai (“được tha”) và kekratêntai (“bị cầm giữ”) ở Ga 20,23 có thể được hiểu như thế.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Sau khi Đức Giêsu đã bị bắt, bị xử tử và được an táng, tình trạng của các môn đệ thật đáng thương: các ông về nhà đóng kín tất cả các cửa, vì sợ người Do-thái. Các ông hoàn toàn mất bình an. Trong khi các môn đệ còn ở trong tình trạng bế tắc cùng cực, Đức Giêsu Phục Sinh đã đến với họ, tự mình đi vào ngày giữa lòng tình trạng thê thảm đó.
* Lời chào “bình an” thứ nhất với việc chứng minh sự Phục Sinh (19-20)
Khi hiện ra với các ông, điều đầu tiên Đức Giêsu nói là: “Bình an cho anh em!” (19,19). Nhưng nói mà thôi thì không đủ, Người còn cho các môn đệ thấy rằng các ông có Người đang sống giữa các ông. Người không chỉ nói về bình an, Người cung cấp nền tảng chắc chắn cho lời của Người: các vết thương. Vậy Người chính là Đấng đã chết trên thập giá, nhưng nay Người đã trở lại với cuộc sống trong tư cách vừa là Đấng Tử Nạn vừa là Đấng chiến thắng cái chết. Các vết thương cũng là dấu chỉ cho thấy tình yêu vô biên của Người. Trong cùng một lúc, Người cho các ông được gặp Người như Đấng Chịu Đóng Đinh và Đấng Phục Sinh. Do đó, Người chính là sự bình an và nguồn mạch tuôn trào niềm vui cho các môn đệ (c. 20).
Đoạn văn này còn có một ý nghĩa sâu xa hơn. Lời Đức Giêsu chào “Bình an cho anh em” (eirênê hymin) khiến chúng ta nghĩ đến ý nghĩa Thần Khí học của đoạn văn: eirênê lần đầu tiên được dùng ở Ga 14,27, ngay sau một lời nhắc đến Đấng Bảo Trợ sẽ đến (14,26). Câu tiếp theo “Thầy ra đi và đến với anh em” (14,28) là một quy chiếu về việc Đức Giêsu ra đi va Thánh Thần đến (x. 16,7). Như thế, lời Đức Giêsu nói về sự bình an của Người ở c. 27 rất có thể cũng phải được giải thích như là một quy chiếu về việc ban Thánh Thần trong tương lai, do chỗ các động từ “Thầy để lại” (aphiêmi) và “Thầy ban” (didômi) đều có nghĩa tương lai, cũng như “Thầy đến” (erchomai) ở c. 28. Các lời hứa – sai Thánh Thần, ban bình an, và lại đến – nay đã được hoàn tất.
Một chi tiết nữa cũng liên hệ đến Thánh Thần, là “cạnh sườn” (pleura); từ này tạo một liên kết với cuộc đóng đinh và hành vi người lính đâm cạnh sườn Đức Giêsu (19,31-36). Rất có thể coi nước chảy từ cạnh sườn Đức Giêsu là một biểu tượng về Thánh Thần: nước và Thánh Than được đặt song song tại 3,5 và cái chết của Đức Giêsu là một điều kiện cần thiết để Thánh Thần đến (7,39; 16,7). Ở 7,38-39, tác giả Ga minh nhiên đồng hóa những dòng nước hằng sống, sẽ chảy ra từ Đức Giêsu, với Thánh Thần. Điều này được hoàn tất ở 19,34. Bây giờ, khi Đức Giêsu cho các môn đệ xem cạnh sườn bị đâm, Người không chỉ chứng minh Người là con chiên Vượt Qua đã chết trên thập giá, nhưng nay đã sống lại; Người còn cho thấy rang Thánh Thần đã tuôn trào ra từ Người và bây giờ có thể được ban cho các môn đệ.
* Lời chào “bình an” thứ hai với sứ mạng và trao ban Thánh Thần (21-23)
Sau khi chúc bình an lần thứ hai, Đức Giêsu nói đến việc sai phái cac môn đệ (c. 21). Trước đây, tác giả TM IV cũng đã nói đến một việc sai phái các môn đệ tương tự việc Chúa Cha sai phái Đức Giêsu (13,20; 17,18). Thiên Chúa sai phái Đức Giêsu đi nói các lời của Thiên Chúa và giảng dạy (3,34; 7,16; 8,26; 12,49; 14,24), để thực hiện ý muốn và các công việc của Thiên Chúa (4,34; 5,30.36; 6,38-39; 9,4), và cứu độ thế gian (3,17). Từ ngữ “như” (kathôs) ở 20,21 khiến nhớ lại nhiều đoạn trong TM IV cho hiểu rằng các môn đệ phải làm việc như các ngôn sứ của Đức Giêsu, y như Đức Giêsu đã làm việc như là ngôn sứ của Cha Người. Như Đức Giêsu đã thấy Chúa Cha, họ cũng đã thấy Đức Giêsu; qua việc thấy Đức Giêsu, họ cũng đã thấy Chúa Cha (14,7-9). Bởi vì Đức Giêsu đã cho họ tất cả được biết những gì Người nghe được từ Chúa Cha (15,15), những gì họ đã nghe được từ Đức Giêsu bây giờ là lời của Chúa Cha (14,24). Các lời (rhêmata) đã được Chúa Cha ban cho Đức Giêsu, Đức Giêsu đã ban cho các môn đệ (17,8). Như Đức Giêsu đã làm chứng về những gì Người đã thấy và nghe (3,11.32), các môn đệ Người cũng phải làm chứng về Người (15,27). Như một cành nho không thể sinh hoa trái tư mình (aph’ heautou) nhưng chỉ nhờ ở lại trên cây nho, họ cũng phải ở lại trong Đức Giêsu, “vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (15,4-5). Đức Giêsu đã ban cho họ vinh quang (doxa) mà Chúa Cha đã ban cho Người (17,22). Như vậy, các đặc điểm ngôn sứ trong sứ mạng của Đức Giêsu nay được gán cho các môn đệ sau khi Người đã chết, sống lại và lên trời vinh hiển.
Nói xong, Người “thổi hơi vào” (enephysêsen) các môn đệ; nói như thế là tác giả giải thích rằng hơi thở của Đức Giêsu là Thánh Thần. Y như sự cố Thần Khí xuống đã đánh dấu khởi đầu sứ vụ của Đức Giêsu (1,32-33), nay ân ban Thần Khí khai mạc sứ mạng của các môn đệ. Trước đây Đức Giêsu đã nói đến Thần Khí sự thật, Đấng ở lại (menei) với các môn đệ (14,17) như Ngài đã ở lại (emeinen) trên Đức Giêsu (1,32). Đây là Thần Khí ngôn sứ, theo như Đức Giêsu đã giải thích: “Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả nhưng gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến (16,13). Ở đây nhiều đặc tính ngôn sứ được áp dụng cho Thần Khí: Ngài vừa nghe vừa nói/loan báo những điều giấu kín, và Ngài là trung gioan truyền tải sứ điệp. Ngài sẽ làm chứng cho Đức Giêsu và như thế cung cấp cho các môn đệ một điển hình (15,26-27).
Động từ emphysian (“thổi hơi vào”) ở Ga 20,22 đã được dùng tại St 2,7 LXX là chỗ nói về việc Thiên Chúa thổi hơi mang sức sống vào Ađam. Dựa vào đó, có những nhà chú giải đã giải thích rằng, chức năng của Thần Khí là rửa sạch các môn đệ khỏi tội lỗi và làm cho họ thành một cuộc tạo dựng mới. Nhưng ở đây Thần Khí được ban cho các môn đệ không phải vì lợi ích cá nhân họ, nhưng vì những kẻ khác.
“Anh em tha tội ai… anh em cầm giữ ai…” (c. 23): Câu này nói đến quyền tha và buộc tội. Dưới ánh sáng của Chu kỳ Bilơam (Ds 22–24), các thì hoàn thành của Ga 20,23 không có ý nói là Thiên Chúa cứ “nhắm mắt” phê chuẩn bất cứ hành vi tha tội và cầm tội nào mà các môn đệ tự do công bố. Đúng hơn, các thì này diễn tả điều này: nhờ Thánh Thần ngôn sứ được ban cho các ông, các môn đệ sẽ có khả năng tha tội cho những người và chỉ cho những người mà Thiên Chúa hoặc Đức Giêsu đã tha tội cho.
+ Kết luận
Ân ban căn bản của Đấng Phục Sinh là sự bình an (20,19.21.26). Ngay trong các diễn từ cáo biệt, Đức Giêsu đã hứa ban sự bình an này cho các môn đệ. Người có tư cách để ban sự bình an này vì Người về cùng Chúa Cha (14,27) và vì Người thắng thế gian (16,33). Nay Người đã thực sự thắng cái chết, là dấu chỉ tối hậu về sức mạnh tiêu diệt của thế gian, và đã thật sự lên cùng Chúa Cha. Người đã đạt tới mục tiêu của Người, Người lại đang sống giữa các môn đệ trong tư cách là Đấng chiến thắng. Chính Người là nền tảng của sự bình an của các ông, hoặc nói theo thư Êphêxô, “chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Các ông có thể ra đi thực hiện chương trình cứu độ, nhớ Thánh Thần của Người.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Đức Kitô mà chúng ta gặp trong Lời Chúa, trong các buổi cử hành Phụng vụ, trong giờ cầu nguyện giữa cộng đoàn anh chị em, là Đức Kitô Phục Sinh. Người ban cho chúng ta bình an và Thánh Thần, và sai chúng ta đi hân hoan chia sẻ niềm tin và niềm hy vong ấy. Chúng ta cần phải để Người đưa chúng ta ra khỏi ngôi mộ của sợ hãi, của ích kỷ, của những sai lầm, để tin tưởng đi vào lòng thế giới. Quả thật, Đức Giêsu không giải thoát các môn đệ khỏi những ưu phiền (x. 16,33), nhưng ban cho chúng ta sự vững vàng, không lay chuyển và sự tin tưởng an bình.
2. Các môn đệ của Đức Giêsu cần xác tín rằng Đấng đang sống giữa họ cũng chính là Đấng đã chết trên thập giá; các ông cũng phải nhận biết rằng Người vẫn mang những vết tích của cuộc Thương Khó, dù đã sống lại; Người chính là “Con Chiên đứng như thể đã bị giết” (Kh 5,6). Các vết thương ấy là dấu chứng tỏ tình yêu vô biên của Người, nhưng cũng là dấu cho thấy sự tàn ác của loài người: dấu của tình yêu vô biên, để họ luôn luôn tin tưởng dấn thân; dấu của sự tàn ác con người, để họ có cái nhìn thực tế, biết rằng mình dấn thân vào trong thế giới nào.
3. Khi ban Thánh Thần trên các môn đệ, Đức Giêsu đã thổi hơi vào các ông và bảo: “Hãy nhận lấy Thánh Thần”. Thánh Thần chính là làn hơi của Thiên Chúa, Người như là gió. Người ta không thấy gió, người ta không biết gió bắt nguồn từ đâu và đến đâu thì dừng lại. Cho dù các nhà khí tượng học có bao trước được các trận bão, ta vẫn có cảm tưởng mình bị một sức mạnh vừa huyền bí vừa mạnh mẽ bao trùm. Gió thổi và gây tiếng động. Gió bẻ gãy và nhổ bật lên. Gió tàn phá, nhưng cũng làm cho đất đai ra phì nhiêu. Có khi gió quạt mát, có lúc gió thiêu đốt. Về làn gió Thánh Thần cũng thế. Người mạnh mẽ, Người len lỏi vào mọi sự. Nếu chúng ta mở lòng ra với Người, Người sẽ bẻ gãy, Người nhổ tung và phá hủy tất cả những gì chống lại tình yêu Thiên Chúa; Người cũng làm cho các con tim nên dồi dào phong phú. Người liên tục làm việc trong lòng chúng ta, như thánh Phaolô đã nói: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà [liên tục] kêu lên: ‘Áp-ba, Cha ơi!'” (Gl 4,6).
4. Nếu chúng ta chờ đợi một sự biến đổi đột ngột, tức khắc và lạ lùng sau khi được rửa tội, chắc chắn chúng ta phải thất vọng. Thánh Thần triển khai các hành động của Người như một hạt giống nhỏ bé trong tim chúng ta. Hạt giống ấy sẽ lớn lên dần dần trong âm thầm thinh lặng, nhưng chắc chắn sẽ kết quả.
125. Sống tha thứ và hoà giải trong Chúa Thánh Linh
(Tổng hợp theo: Smith & Jude Sicilianô – Lm Thomas Trần Ngọc Túy)
Nói về quan hệ với miền Trung Đông, đặc biệt với thế giới Hồi Giáo, một nhà báo, bình luận gia của một tờ báo lớn phương Tây đã viết: “Làm thế nào chúng ta có thể nói chuyện với các dân tộc nhận mình có quan hệ trực tiếp với Thượng Đế?”. Nhà báo vô tình nhận xét ve hiện trạng của các tín hữu Kitô. Chúng ta cũng có quan hệ ấy. Đó là Đức Thánh Linh mà hôm nay là lễ của Ngài. Lễ của Thiên Chúa tình yêu đích thực và duy nhất.
Nhưng xin hãy tưởng tượng: tình yêu sẽ như thế nào khi thể hiện hữu hình cho người ta thấy? Tông đồ công vụ kể: “Khi đến ngày lễ ngũ tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Roi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được đầy tràn ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho ”. Như vay hình dáng của Tình Yêu là cái lưỡi, lưỡi bày tỏ trái tim ra bên ngoài. Trước hết chỉ có một lưỡi, sau đó phân tán thành nhiều và cư ngụ trên mỗi người. Phải chăng đó là thần khí của sự thật mà Đức Kitô đã hứa? Như vậy tình yêu là sự thật trong hành động mà chúng ta đã suy niệm ở CN V Phục Sinh vừa qua về bổn phận của các tín hữu phải chuyển tải cho thiên hạ qua dây siêu dẫn (superconductor). Dây siêu dẫn không làm hao hụt năng lương khi phân phối điện năng (tức hiệu suất điện trở bằng zero từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ). Người tín hữu chuyển tải sự thật và tìnhh yêu Thiên Chúa cho thế giới cũng phải trong trạng thái tuyệt đối như vậy.
Cho nên Thánh Thần ngự xuống bằng tiếng gió mạnh và xuất hiện như hình lưỡi lửa. Gió mạnh là năng lượng không trông thấy được, nhưng thổi đến đâu là hiệu quả đến đó. Lưỡi lửa tượng trưng cho tình yêu nồng cháy diễn tả cảm tình yêu mến của con tim. Liệu người tín hữu nào lại không khao khát hiện diện trong ngày lễ ngũ tuần? Năm 1987, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II xuất hiện trên truyền hình toàn cầu buổi chiều hôm trước ngày lễ ngũ tuần và khap mọi ngôn ngữ đều có thể nghe Ngài cầu nguyện. Một hình ảnh tuyệt đẹp diễn tả lại lễ hiện xuống ngày khởi đầu giáo hội.
Cả ba bài đọc Chúa Nhật hôm nay đều diễn tả hành động của Chúa Thánh Linh trong vai trò hướng dẫn sự thật và tình yêu. Bài công vụ tiếp tục viết: “Nào là những người Roma đến đây, nào là người Do Thái cũng như người đạo theo, là người đảo Creta hay người Ả Rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa”. Kỳ công nào nếu không phải là việc làm của tình yêu và sự thật về Thiên Chúa, và thân phận con người nơi Đức Giêsu Kitô? Nghĩa là Thánh Thần ngự xuống trên họ, làm thay đổi, kiện cường và sai họ đi khắp thế gian thu nhận môn đệ về cho Thiên Chúa. Đức Thánh Linh cư ngụ trong linh hồn mỗi tín hữu tiên khởi, như trong chúng ta hôm nay, chia sẻ cho họ đoàn sủng, sứ vụ và phục vụ. Biến ho thành các dây điện siêu dẫn, tức không điện trở. Chẳng lạ gì họ thâu lượm được nhiều kết quả.
Hãy để thánh thần tỏ rõ Đức Giêsu trong mỗi người rao giảng, linh mục cũng như tu sĩ, giáo dân để thiên hạ trông thấy nhưng kỳ công của Thiên Chúa và khâm phục, cảm tạ Ngài. Vì thế, bài Phúc Âm thuật lại Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ để họ nhận lấy thần khí, mạnh dạn rao giảng cho thế gian: “Đến đây chúng ta thấy rõ câu trả lời cho nghi vấn trên: tình yêu khả thị sẽ như thế nào?”. Chúa Cha tỏ tình yêu và sự thật và tình yêu của Ngài cụ thể nơi Đức Giêsu Kitô. Đức Kitô hứa sai Thánh Thần để hướng dẫn chúng ta sống sự thật và tình yêu ấy. Thánh Thần linh hứng cho Hội Thánh viết Phúc Âm, dạy dỗ chân lý mạc khải. Hôm nay Thánh Thần hiện hình để cho biết Ngài có mặt trong Giáo Hội, trong từng linh hồn tín hữu tin kính Đức Kitô, biến toàn bộ thành dây siêu dẫn cua Thiên Chúa.
Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta nghĩ sao đây? Vấn đề đúng là như vậy. Vì khi sống gió nổi lên trong lòng hội thánh về đức tin. Các tông đồ đã cho hay sự hướng dẫn của Thần Khí Đức Kitô trong công nghị đầu tiên ở Giêrusalem: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định rằng: không nên đặt thêm gánh nặng ngoài những chi cần thiết trên vai họ, gánh nặng mà cha ông chúng ta cũng không mang nổi”. Rõ ràng các tông đồ đã khẳng định Thánh Thần đang dẫn dắt Hội Thánh Chúa, chúng ta dám xác tín như vậy không? Thánh Thần là thần khí của sự thật và tình yêu, luôn âm thầm hướng dẫn hội thánh trong suy nghĩ, học thuyết một cách không sai lầm, chứ không nông nổi tuyên bố lung tung như các diễn giả thời nay. Thánh Irênêo viết về Hội Thánh tiên khởi: “Ở đâu có Hội Thánh, ở đấy có Thánh Thần, ở đâu có Thánh Thần, ở đấy có Giáo Hội”. Chúng ta nên suy nghĩ câu nói ấy để hành xử cho tốt, kẻo gây nhiều thiệt hại cho Giáo Hội.
Ở miền nam Hoa Kỳ, giáo dân có câu châm ngôn: “God has no grandchildren” (Thiên Chúa không có cháu chắt). Ý nói đức tin không phải là của gia bảo, hay đơn thuốc gia truyền, đời nọ thừa kế đời kia, từ đời ông cho đến đời cha, rồi con cái cháu chắt. Dĩ nhiên chúng ta phải giáo dục đức tin cho các thế hệ kế tiếp. Nhưng các tín hữu thời nay không phải là các hậu duệ của các tín hữu tiên khởi, của thế hệ Hội Thánh trực tiếp lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Không phải vậy. Hội Thánh bây giờ vẫn là Giáo Hội “tiên khởi” được Chúa Thánh Thần sinh ra qua bí tích rửa tội và được sai đi rao giảng tin mừng cho thế hệ mình. Chỉ khác nhau về thời gian. Chúng ta không được phép nuối tiếc: giả như tôi có mặt lúc bấy giờ. Phép thanh tẩy, các bí tích mà tín hữu lãnh nhận, Chúa Thánh Linh ngự xuống trong ngày hôm nay vẫn y nguyen như thời các tông đồ, mới mẻ và tinh tuyền, đầy sức sống và ơn thánh. Thiên Chúa không có cháu chắt, toàn bộ là con, là thế hệ tiên khởi, sinh ra trong thần khí Chúa.
Điều rõ nét là phúc âm hôm nay, Gioan cho chúng ta hay: “Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đế, đứng giữa các ông và nói: bình an cho anh em … Nói xong Người thổi hơi vào các ông và nói: anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần”. Cả một sự tạo dựng mới. Nhân loại lại trở về ân huệ cũ: hình ảnh và hoạ ảnh của Thiên Chúa. Lần này thì không ai làm hư hỏng được nữa, vì Adam chính là Con Thiên Chúa, đức Giêsu Kitô. Các tông đồ, mặc dù được trao sứ mệnh ra đi rao giảng tin mừng cho nhân loại, nhưng vẫn sợ sệt, phần vì lãnh đạo Do Thái đe doạ, phần vì xấu hổ đã phản bội thầy. Vì thế Chúa làm hoà trước: bình an cho anh em. Ngài nói tới hai lần trong một đoạn văn ngắn, để đảm bảo với các ông sự tha thứ của Ngài. Sau đó Ngài sai các ông đi rao giảng cho thế gian. Nhưng chẳng thể tha thứ được nếu không có tình yêu. Ở đây là vai trò của Thánh Linh. Và hơn thở của Thiên Chúa chính là Thánh Linh: “Chúng con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì người ấy được tha”. Thánh Linh không loại trừ ai, ngoài những kẻ từ chối tình yêu của Thiên Chúa.
Ngày nay chúng ta cũng cần Chúa tha thứ: bình an cho anh em. Vì chúng ta cũng đã phản bội. Lòng chúng ta cũng đầy xao xuyến lo âu vì tội lỗi cũ, những tội còn ghê gớm hơn là các tội của các tông đồ, vì dầu sao các ông hèn nhát là do không đủ kiến thức. Còn chúng ta, được học hỏi, biết rõ Chúa, nhưng vẫn chối bỏ tình yêu của Ngài vì dục tình, vì chạy theo thế gian, rồi biện minh bằng những lý lẽ ngô nghê. Bình an cho anh em. Chúng ta cũng cần Chúa tha thứ và đảm bảo như vậy. Ngõ hầu cảm thấy được làm hoà với Thượng Đế, được tạo dựng lại. Làm những thụ tạo mới qua lời Chúa như các tông đồ. Con người đầy tội lỗi, hèn nhát, mù tối, nguội lạnh, thoả hiệp với thế gian, bây giờ được tha thứ và can đảm để bắt đầu một cuộc sống mới trong “ngày thứ nhất” như các môn đệ xưa mà nhận lãnh Thánh Thần qua hơi thở của Đức Kitô.
Xin lưu ý, Chúa bao giờ cũng làm gương trước rồi mới dạy dỗ sau: Ngài rửa chân cho các môn đệ rồi mới nói: anh em cũng phải rửa chân cho nhau, phải thương yêu và phục vụ lẫn nhau. Phúc Âm hôm nay cũng vậy. Ngài tha thứ và làm hoà với các ông: bình an cho anh em, rồi mới sai các ông đi rao giảng thứ tha. Các tông đồ y hệt chúng ta: yếu đuối và hèn nhát, nhưng có thể tha thứ và rao giảng thứ tha vì họ được hơi thở của Đức Giêsu tạo dựng mới: Thiên Chúa không có cháu chắt, chúng ta không thuộc hàng cháu chắt của đức tin. Chúng ta là con trực tiếp. Vậy thì cũng phải làm như vậy: tha thứ và rao giảng hoà giải cho thế giới đầy những bất ổn, tranh chấp, chia rẽ, đánh nhau, chém giết.
Lưu ý thứ hai là theo như Gioan trong Phúc Âm hôm nay, Chúa không trì hoãn việc tha thứ và hoà giải với các môn đệ. Ngài thực hiện ngay chiều ngày thứ nhất trong tuần, khi vừa trỗi dậy từ cõi chết. Ngài ban cho họ thần khí tha thứ để họ tiếp tục ngay công việc cua Ngài: anh em hãy đi rao giảng và thu thập môn đệ cho thầy. Chúng ta nghĩ thế nào về thái độ của mình; tẩy rửa và làm dây siêu dẫn cho Ngài hay chìm sâu trong nết xấu và đam mê tiện nghi thế gian?
Lưu ý thứ ba là Chúa cho các ông xem các vết thương chân tay và cạnh sườn Ngài. Rao giảng không đơn giản đâu. Nó cũng gây nên các vết thương cho người xây dựng hoà bình. Dĩ nhiên việc xem thấy Chúa phục sinh mang đến cho các tông đồ niềm vui khon tả, nhưng đi rao giảng, thi hành sứ vụ Ngài trao cũng có nghĩa chịu thương tích. Xin đừng trốn tránh, hoặc lựa chọn những dễ dãi, mà phải cắm mắt nhìn vào các vết thương nơi chân tay và cạnh sườn Chúa. Chúng ta phải trả giá cho việc rao giảng tha thứ và hoà giải. Thực tế đã có nhiều môn đệ trả giá bằng cái chết của mình như xưa nay vẫn thường xảy ra. Chúng ta phải noi gương các vị, ít là từ bỏ những phù phiếm hàng ngày để làm gương.
Dĩ nhiên có những người từ chối tha thứ và hoà giải, và nhiều nữa là khác. Thậm chí cả một quốc gia, một dân tộc. Nhưng chính những quốc gia, dân tộc ấy sẽ lãnh nhận bản án cho mình vì quay mặt đi khỏi tha thứ hoà giải cua Chúa. Phần mình, chúng ta phải cố gắng trở nên những dây siêu dẫn (super conductors) không làm hư hao năng lượng thứ tha và hoà giải, tình yêu và sự thật của Thiên Chúa qua tính mê nết xấu của mình. Có như vậy, chúng ta mới xứng đáng mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Amen.
126. Vị thông ngôn quyền năng nhưng thầm lặng.
(Suy niệm của P. Ngô Suốt)
Ngày xưa, sau khi sống lại, trong một lần hiện ra với các Tông đồ, Chúa đã hứa ban Thánh Thần xuống cho các ngài. Hôm nay Chúa đã thực hiện lời hứa, ban xuống Đấng có quyền tha tội Chúa phán:“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”(Ga 20:22-23). Hôm nay được coi là sinh nhật của Giáo Hội, chúng ta cùng tìm hiểu xem Ngài là ai, và ảnh hưởng thế nào đối với từng người chúng ta nói riêng, cũng như Hội Thánh Công Giáo nói chung.
Trong ba ngôi Thiên Chúa, Ngôi Ba được gọi bằng nhiều tên nhất: Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ, Thần Chân Lý, Đấng An Ui, Đấng Bào Chữa, Đấng Ban Sự Sống v.v. nhưng Ngài cũng là vị Thiên Chúa bị lãng quên nhiều nhất.
Trong Kinh Thánh chúng ta chỉ nghe Thiên Chúa Cha phán, Chúa Giêsu dạy dỗ, nhưng Chúa Thánh linh tuyệt nhiên không phán lời nào. Có thể do sự thầm lặng mà nhiều khi chúng ta quên Ngài, trong khi Ngài là tất cả, Ngài là Thần khí, là hơi thở của Thiên Chúa, nếu không có Ngài chúng ta chỉ như một cái xác biết đi, đắm chìm trong mê muội, thiếu Ngài vũ trụ này sẽ náo loạn, đi đến chỗ sụp đổ hoàn toàn. Khi chúng ta mở máy vi tính mà thấy hiện lên hàng chữ “Missing Interpreter” (thiếu bộ phận giải thích) là ôi thôi rồi, máy chết cứng. Chúng ta cũng vậy, nếu cơ thể thiếu hơi thở, cơ thế ấy chết; linh hồn không có “thần khí” linh hồn cũng coi như chết, tha hồ đắm chìm trong tội lỗi.
Cả chiều dài của cuộc đời Chúa Kitô tại thế gian, và mãi mãi, chúng ta thấy rõ một điều là: Chúa Kitô hướng dẫn, dạy dỗ chúng ta từ bên ngoài, còn Chúa Thánh Linh là kẻ tác động chúng ta từ bên trong. Trong sách Tông Đồ Công vụ hôm nay Thánh Luca thuật lại việc Chúa Thánh Thần hiện xuống với những hiện tượng kỳ lạ, biểu thị cho chính Người, Người như cơn gió mạnh ùa vào nhà, như lưỡi lửa đậu trên đầu các Tông đồ, khiến các Ngài nói được nhiều thứ tiếng. Đúng ra các Ngài vẫn nói thứ tiếng Do Thái mộc mạc, nhưng Chúa Thánh Linh -Vị Thong Ngôn quyền năng- đã giải thích, làm cho mọi người hiểu được, như đang nghe tiếng nói nước mình.
Khi xưa các Tông đồ không hiểu về ý nghĩa cái chết và sự sống lại của Thầy mình, không hiểu về ba ngôi Thiên Chúa. Mãi đen hôm nay, khi Chúa Thánh Thần đến giải thích, soi lòng dạy dỗ các Ngài, các Ngài mới hiểu ra, các Ngài hăng hái lên đường, đem cả mạng sống mình làm chứng cho Tin Mừng (trong 12 Tông đồ, chỉ có Thánh Gioan là chết già, còn lại 11 vị đều tử đạo).
Thánh Phaolô còn đi xa hơn, Ngài cho biết không ai có thể gọi Giêsu là Chúa nếu không nhờ Thánh linh, bạn có thể phát âm chữ Giêsu, nhưng bạn không biết Giêsu là Đức Kitô con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, Chủ tể vũ trụ nếu không có Thánh linh. Đức Cha Fulton Sheen viết: “Hôm nay bạn tin vào Thiên tính của Đức Kitô đó là nhờ Thánh linh, tôi chỉ cung cấp cho bạn những động lực chính, đáng tin, nhưng phần còn lại là do Thánh linh. Chiếc viễn vọng kính không tỏ lộ chính mình nhưng tỏ lộ chi tiết của những vị sao phía trên, Chúa Thánh thần cũng vậy, Ngài không cho biết về Ngài nhưng về Đức Kitô. Chúng ta thử nghĩ với nền văn minh hiện nay nhờ vô tuyến, làn sóng điện, ánh sáng, chúng ta có thể liên lạc đi mọi nơi trên trái đất một cách nhanh chóng, tại sao Thiên Chúa toàn năng của chúng ta ở Thiên quốc không thể rút ngắn khoảng cách để thì thầm với chung ta qua Thần khí của Ngài!”
Rất nhiều người không hiểu về Đức Kitô, về sự cứu chuộc của Ngài, họ xem Ngài như những người bình thường khác, tại sao? Xin thưa vì họ không có Thần khí. Tại sao họ không có Thần khí? Xin thưa vì họ không giữ giới luật của Chúa. “Nếu yêu mến Ta thì hãy giữ lời Ta” rồi Chúa Thánh Linh sẽ đến và làm cho họ hiểu.
Mục đích của Chúa Thánh linh như một họa sĩ, Ngài vẽ Chúa Kitô trên đồi Canvê, Ngài làm cho Chúa Kitô trở thành hiện thực, sống động để cho chúng ta hiểu mà tin theo Ngài. Sau khi tin Ngài, giữ giới luật của Ngài, Chúa Thánh linh sẽ tiết lộ, thôi thúc chúng ta nên nói và nên làm những gì.
Trên đời này không ai ghét Chúa Kitô bằng Phaolô. Phaolô bắt bớ, tra tấn, nếu cần sẽ giết chết những ai tin theo Chúa Giêsu (Thánh Stêphanô là một đơn cử). Thế mà sau khi lãnh nhận Thần Khí, Phaolô trở thành “Lửa” và có thể nói trên đời này khong ai khôn ngoan, thánh thiện, nhiệt tình và liều lĩnh rao giảng Tin Mừng như Thánh Phaolô. Cuối cùng Ngài cũng tử đạo.
Mỗi người chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần: một lần Chúa nói với những người Pharisiêu “ Hãy phá đền thờ này đi, Ta sẽ xây lại trong 3 ngày”. Ngài muốn nói cơ thể Ngài là đền thờ, là nơi Chúa cư ngụ. Vì Ngài là con Thiên Chúa làm người, nên thân xác Ngài là đền thờ tối cao. Chúng ta nhờ ân sủng được kết hiệp với Ngài trong linh hồn chúng ta, chúng ta cũng trở thành đền thờ. Thiên Chúa được tôn vinh hai lần, một lần với Cha Ngài khi Ngài được ngồi bên hữu, và một lần được tôn vinh bởi chúng ta. Ngài nói “Người sẽ tôn vinh Ta” (Ga:16:14), Thánh linh sẽ tôn vinh Ngài qua chúng ta bằng cách làm chúng ta trở thành nhân chứng cho Ngài, mỗi lần chúng ta tuyên xưng Ngài bằng suy nghĩ và hành động của mình.
Mục đích then chốt của Chúa Thánh Linh: Ngài đến để hợp nhất, thánh hóa và ở lại trong Giáo hội, bởi vậy dù cho vật có đổi sao có dời thì Giáo hội vẫn tồn tại. Đây cũng là lý do chúng ta đặt niềm tin tuyệt đối và chỉ tin vào Chúa Giêsu Kitô, con Thiên Chúa hằng sống và Giáo hội do Ngài thành lập. “Ở đâu tội lỗi càng nhiều thì ở đấy ân sủng càng dồi dào”. Giáo hội Hoa kỳ đang trải qua thời kỳ đen tối, chúng ta hãy chờ xem, nhưng chắc chắn sẽ có những biến cố trọng đại xảy đen, vì vị thông ngôn vô cùng quyền năng nhưng thầm lặng của chúng ta biết, Ngài phải làm gì để củng cố, duy trì Giáo hội của Ngài một cách tốt đẹp nhất.
Tóm tại, dù chúng ta có nhìn nhận hay phủ nhận về sự hiện diện của Chúa Thánh Linh, thì Ngài vẫn hiện hữu, vẫn thương yêu chúng ta. Ngay từ thuở chưa có trời đất, vạn vật thì thần khí Thiên Chúa đã bay lượn trên mặt nước, Ngài xuất hiện trước khi vạn vật được tạo thành. Rồi đến khi Chua Giêsu xuống thế. Chính Chúa Thánh Linh đã hoạt động trước tiên, Thánh Thần Thiên Chúa đã bao trùm trinh nữ Maria. Chúng ta có thể nói rằng phép lạ đầu tiên của Tin Mừng là phép lạ của Chúa Thánh Thần làm cho Đức Bà thụ thai, và sinh con nhưng vẫn còn trong trắng. Ngài là Tình Yêu, vì Ngài ban phát tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa cho chúng ta, và cũng chính Ngài làm cho chúng ta hướng tâm hồn đến Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài có thể làm cho trái tim chai cứng, lạnh lùng của mỗi người biết rung động, biết mở ra trước những nhu cầu của anh em đồng loại. Cũng chính Ngài làm cho chúng ta: không chỉ hướng về Chúa Kitô mà còn nhìn nhân loại với cái nhìn của Đức Kitô. Hôm nay chúng ta hân hoan vì là sinh nhật của Giáo Hội, mà Chúa Kitô là đầu của thân thể mầu nhiệm này, nên cũng có thể nói rằng hôm nay là sinh nhật thứ hai của Chúa Kitô. Giáo Hội Công Giáo đã trải qua nhiều thăng trầm, tai biến. Nhưng nhờ Chúa Thánh Linh nên mới tồn tại. Đức cố Tổng Giám Muc Fulton J. Sheen viết: “Không phải lúc nào trong lịch sử, Giáo hội cũng phi thường, được vẻ vang cả. Nói đúng hơn, Giáo hội đã trải qua hàng ngàn lần phục sinh sau hàng ngàn lần bị đóng đinh. Hồi chuông xử tử Giáo hội lúc nào cũng ngân vang, nhưng nhờ bởi sức mạnh của Thần Linh nên “giờ hành quyết” muôn đời bị đình hoãn”.
Để kết thúc xin mượn lời nguyện sau đây của Thánh Gregory Tiến sĩ:” Lạy Chúa, hôm nay Ngài đã soi lòng, dạy dỗ các môn đệ trung thành của Ngài bằng ánh sáng của Chúa Thánh Linh; xin thương ban cho chúng con cùng một Thánh Linh: để chúng con biết phân biệt, nhận xét và phán đoán tất cả mọi sự việc một cách chính xác; luôn luôn được vui thú trong Đấng Ủi An đến từ Thiên Chúa”.
127. Suy niệm của Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn
THÁNH THẦN HIỆP NHẤT YÊU THƯƠNG
Đúng năm mươi ngày sau Lễ Chúa Giêsu Phục Sinh, Giáo hội long trọng mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, Đấng đã đến để đốt lên lửa mến yêu và truyền ban lòng can đảm loan báo Tin Mừng cho các môn đệ.
Không hiểu sao tuy đã được chứng kiến tận mắt Chúa Phục Sinh, được đàm đạo và ăn uống với Ngài, được nghe tận tai lời sai bảo làm nhân chứng cho Nước trời, ấy thế mà các người theo Chúa vẫn lo sợ. Chỉ biết cửa đóng then cài. Mãi cho đến một hôm, đang lúc họ hội nhau đông đủ trên phòng kín, thì bỗng từ trời có cơn gió mạnh. Tiếng rào rào như thể cuồng phong. Và lập tức, một quang cảnh kỳ lạ diễn ra: những lưỡi lửa xuất hiện, đậu trên từng người. Kết quả là ai nấy đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần.
Hiện tượng gió thổi trong ngày lễ Hiện xuống nhắc lại sự việc “khí thần bay là trên mặt nước” trong sách Sáng Thế Ký; bên cạnh đó, hình ảnh các tông đồ đầy tràn thần khí cũng gợi lên hình ảnh con người đầu tiên được thổi vào mình đầy hơi sự sống. Như thế, biến cố Hiện xuống đã trở nên một cuộc tạo thành mới, với Thánh Thần Thiên Chúa được thổi vào thế giới để khai sinh một nhiệm thể sống động là Giáo hội của Đức Kitô.
Bằng việc loan báo Tin Mừng, khởi đi từ các thánh tông đồ, một thời đại mới đã khởi đầu. Đó là thời đại mà Giáo hội được hướng dẫn và thánh hoá dưới tác động của Ngôi Ba Thiên Chúa.
Đặc sủng loan báo Tin Mừng được Chúa Thánh Thần ban xuống qua hình lưỡi lửa đậu trên đầu các tông đồ. Hình lửa này tượng trưng cho sự hiện diện đầy quyền năng của Thiên Chúa, như xưa kia Moisen đã tiếp cận sự hiện diện thần linh qua ngọn lửa cháy nơi bụi gai (Xh 3).
Ngay sau khi tiếp nhận ơn Chúa Thánh Thần, như lời tường thuật của Luca trong sách Tông Đồ Công Vụ, các môn đệ đã thay đổi thái độ sống. Họ mở tung cánh cửa của rụt rè nhát đảm. Họ mạnh bạo cất tiếng nói. Tiếng nói đã phát ra từ miệng lưỡi của những con người đánh cá quê mùa, thất học. Nhưng tiếng nói ấy đã được dân chúng từ 13 vùng đất–đại diện cho các dân tộc từ bắc chí nam, từ đông sang tây–nghe và hiểu. Tất cả đều là nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Ngày xưa, khi lòng dạ con người kiêu căng ngạo mạn với trời, đ¨°i xây tháp Baben để lên đương đầu với Thiên Chúa, tiếng nói của họ, tuy là anh em một nhà, đã trở nên bất đồng. Mầm mống rối loạn, mơ hồ, kình địch, và phân ly đã nảy sinh. Người ta không còn hiểu nhau. Kết quả là phân tán. Ngày nay, Thần Khí đã xuống để qui tụ con cái từ muôn nước về cùng một mối, giúp họ hiểu nhau trong cùng một thứ ngôn ngữ là tình yêu và vinh quang của Thiên Chúa.
Theo niềm tin Kitô giáo, Thánh Thần là sức mạnh của yêu thương mà qua đó Chúa Cha đã trao ban trọn vẹn chính mình cho Chúa Con. Chúa Con đón nhận trọn vẹn sự sống từ nơi Cha, và rồi trong tình yêu của Thánh Thần, Ngài đã dâng lại trọn vẹn cho Cha. Như thế, Chúa Thánh Thần chính là Tình Yêu Hiệp Thông trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài cũng chính là nguồn ơn thông hiệp mọi tâm hồn trong cùng một niềm tin vào Đức Giêsu.
Như lời Thánh Phaolô khẳng định: “Trong Thần Khí độc nhất, hết thảy chúng ta nhờ thanh tẩy mà được nhập vào Thân Mình độc nhất…, và hết thảy đều đã được cùng uống một Thần Khí độc nhất” (1 Cor 12:13). Như thế, những hành vi, thái độ hay lời nói gây nên phân rẽ, rối loạn trong lòng Giáo hội đều tương phản với đường lối của Thánh Thần.
Thần Khí độc nhất liên kết mọi thành phần Kitô hữu chính là Thần khí thương yêu. Vì chỉ có yêu thương mới có nên một. Có yêu thương mới có the đạt đến việc cùng nhau thông hiệp trọn vẹn trong Thiên Chúa. Thánh Gioan đã nhấn mạnh: “Nếu ta yêu mến nhau, thì Thiên Chúa mới lưu lại trong ta. Nơi điều này mà ta biết là mình lưu lại trong Người và Người ở trong ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho ta” (1 Ga 4:13-14).
Thánh Phaolô cũng cùng một niềm xác tín: “Lòng mến của Thiên Chúa đã được đổ xuống lòng ta nhờ bởi Thánh Thần Người đã ban cho ta” (Rm 5:5).
Như thế, nhờ Thánh Thần mà ta có thể cất bước trên lối đường thương yêu, đi vào sự nên một với tha nhân trong Đức Kitô. Lắm khi người ta hay than trách: “không thể nào yêu nổi con người ấy.” Có phải vì họ đã tận tâm tận lực nhưng không thành, hay vì chưa có Thần Khí Yêu Thương tác động và đỡ nâng?
Chỉ cần một luồng gió của ngày lễ Ngũ Tuần thổi qua, con người sẽ có dư can đảm mở tung cánh cửa tâm hồn để đến với anh chị em. Chỉ cần một đốm lửa của ơn Thánh Thần, bạn và tôi sẽ có đủ sức mạnh để công bố Tin Mừng Yêu Thương cho mọi người chung quanh.
Nhưng vấn đề là người ta có biết cùng nhau tề tựu để cầu nguyện như các tông đồ ngày xưa hay không. Thế nên để kiến tạo hiệp nhất và xây đắp tình yêu, con người cần phải cùng nhau ngồi xuống cầu nguyện.
128. Suy niệm của Lm Cao Tấn Tĩnh
Theo Phụng Niên của Giáo Hội, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay đây là thời điểm mở màn cho Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh, cũng như Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa mở màn cho Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh vậy. Riêng Phụng Vụ Lời Chúa cho Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay, nếu để ý chúng ta thấy có một một chi tiết hết sức kỳ lạ, giữa bài đọc thứ nhất theo Sách Tông Vụ của Thánh Luca, và bài Phúc Âm theo Thánh Gioan hôm nay, đó là, Chúa Thánh Thần được Chúa Kitô Phục Sinh thở hơi trên các tông đồ trong bài Phúc Âm, và Thánh Thần Hiện Xuống trên các tông đồ trong Ngày Lễ Ngũ Tuần theo Sách Tông Vụ, có khác nhau chăng? Nếu khác thì khác ở chỗ nào? Nếu chỉ là một Thánh Thần thì tại sao các tông đồ lại nhận được hai lần?
Trước hết, theo tôi, Thánh Thần được Chúa Kitô Phục Sinh thở hơi trên các tông đồ và Thánh Thần Hiện Xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần chỉ là một Thánh Thần duy nhất. Thế nhưng, nếu là một Thánh Thần duy nhất tại sao các tông đồ lại lãnh nhận hai lần, theo tôi, lý do của sự kiện này có thể được căn cứ vào thời điểm các vị lãnh nhận cũng như vào cứ điểm xuất phát của Đấng các vị lãnh nhận. Thật vậy, các tông đồ lãnh nhận cùng một Thánh Thần hai lần, lần thứ nhất vào thời điểm các vị đang sợ hãi ẩn nấp vì Thày của các vị đã chết, và lần thứ hai vào thời điểm các vị đang hân hoan thao thức chờ đợi Ngài đến; đó là về thời điểm các tông đồ lãnh nhận Thánh Thần, còn về cứ điểm xuất phát của Đấng các vị lãnh nhận, thì lần thứ nhất các vị đã lãnh nhận Thánh Thần qua thân xác phục sinh của Chúa Kitô, và lần thứ hai các vị đã lãnh nhận Thánh Thần từ trời hay từ Cha. Căn cứ vào hai yếu tố thời điểm các vị tông đồ lãnh nhận Thánh Thần và cứ điểm xuất phát của Đấng các vị lãnh nhận, như vừa nhận định và phân tách, theo tôi, các vị tông đồ lãnh nhận Thánh Thần lần thứ nhất là để Chúa Kitô Phục Sinh có thể sống trong các vị, và lần thứ hai là để các vị có thể làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh.
Đúng thế, các vị tông đồ đã lãnh nhận Thánh Thần lần thứ nhất “vào buổi tối Ngày Thứ Nhất trong tuần”, khi “cửa nhà của các vị còn đang đóng kín vì sợ người Do Thái” (Jn 20:19), qua hơi thở từ thân xác của Chúa Kitô Phục Sinh, là để Chúa Kitô Phục Sinh có thể sống trong các vị, đúng như lời Người tiên báo cho các vị trong Bữa Tiệc Ly, ở Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 14 câu 18 và 19: “Thày sẽ không để các con mồ côi đâu; Thày sẽ trở lại với các con. Chỉ còn một ít lâu nữa thôi thế gian không còn trông thấy Thày nữa, nhưng các con thì thấy, vì Thày sống và các con cũng sẽ sống. Vào ngày ấy các con sẽ biết rằng Thày ở trong Cha Thày, và các con ở trong Thày cũng như Thày ở trong các con”. Các tông đồ còn lãnh nhận Thánh Thần lần thứ hai nữa, là để các vị có thể làm chứng về Chúa Kitô Phục Sinh, như lời Người cũng đã nói cho các vị biết, sau khi các vị đã nhận lãnh Thánh Thần qua hơi thở từ thân xác của Người, tức sau khi các vị nhờ Thánh Thần lãnh nhận lần thứ nhất này để nhận ra Thày mình đã thực sự sống lại. Lời Chúa Kitô Phục Sinh tiên báo cho các tông đồ biết về việc các vị sẽ lãnh nhận Thánh Thần lần thứ hai này đã được ghi nhận trong Phúc Âm Thánh Luca đoạn 24 câu 45-49 như sau: “Bấy giờ Người mở tâm trí họ ra để họ hiểu các lời Thánh Kinh. Người nói cùng các vị: ‘Như đã ghi chép, Đấng Thiên Sai phải chịu khổ nạn và sống lại từ trong cõi chết vào ngày thứ ba. Phải nhân danh Người mà rao giảng cho tất cả mọi dân nước về lòng thông hối để họ được ơn tha tội, bắt đầu từ Giêrusalem. Các con là những nhân chứng ve điều này. Thày sai đến với các con lời Cha hứa ban. Các con hãy ở đây trong thành này cho đến khi các con được mặc lấy quyền lực từ trên cao’”. Thánh Ký Luca còn lập lại lời Chúa Kitô Phục Sinh này một lần nữa trong Sách Tông Vụ đoạn 1 câu 8 như sau: “Các con sẽ nhận được quyền năng khi Thánh Thần xuống trên các con; đoạn các con phải là những nhân chứng của Thày, chẳng những ở Giêrusalem, khắp Giuđêa và Samaria, mà cho đến tận cùng thế giới nữa”.
Nếu vậy thì hình như có một tiến trình phát triển Thánh Thần nơi các vị tông đồ giữa hai lần các vị lãnh nhận Ngài thì phải, như thể Chúa Kitô Phục Sinh dần dần lớn lên trong các vị, từ lúc các vị nhận biết Thày đã sống lại, cho tới khi Thánh Thần Hiện Xuống trên các vị, làm cho các vị thực sự trưởng thành và có đầy đủ sức mạnh để làm chứng cho Chúa Kitô?
Đúng thế, một trong những dấu chứng tỏ tường cho thấy các tông đồ đang trưởng thành và thực sự trưởng thành cho tới tầm mức trọn vẹn giữa hai lần các vị lãnh nhận cùng một Thánh Thần, điển hình nhất là nỗi lòng của các vị tỏ ra sau khi Vị Tôn Sư vô cùng dấu ái của các vị hoàn toàn bỏ các vị mà về cùng Cha. Thánh Ký Luca đã ghi nhận rõ dấu hiệu trưởng thành này ở 4 câu kết Phúc Âm của mình trong đoạn 24, từ câu 50 đến câu 54, như sau: “Bấy giờ Người dẫn các vị đi đến gần Bêtania, rồi giơ tay lên chúc phúc cho các vị. Đang khi ban phép lành, Người rời các vị mà lên trời. Các vị phục xuống tôn kính Người, đoạn vui mừng hớn hở trở về Giêrusalem. Ở đó người ta thấy các vị liên lỉ ở trong đền thờ chúc tụng Thiên Chúa”. Sở dĩ các tông đồ không còn buồn thương và chán chường như thời gian Chúa Kitô bỏ các vị mà đi tử nạn nữa, trái lại, các vị còn “vui mừng hớn hở” và “chúc tụng Thiên Chúa” sau khi vĩnh viễn không còn được thấy Vị Thày vô cùng khả kính khả ái của mình trên trần gian này nữa, là nhờ có Thánh Thần các vị đã lãnh nhận lần nhất qua hơi thở của thân xác phục sinh của Thày. Ở vào thời điểm Chúa Kitô Phục Sinh Thăng Thiên về trời này, đời sống của các vị tông đồ trong Thánh Thần các vị lãnh nhận lần thứ nhất, có thể nói, đã đạt tới chỗ các vị trở thành “những kẻ thực sự tôn thờ Thiên Chúa”, thành phần, như Chúa Kitô nói cho người đàn bà Samaritanô biết ở bờ giếng Giacóp, được Phúc Âm Thánh Gioan ghi lại nơi đoạn 4 câu 23, đó là: “Những ai thực lòng tôn thờ Thiên Chúa sẽ tôn thờ Cha trong Thần Linh và chân lý. Thật vậy, Cha tìm kiếm những người tôn thờ chân chính này”.
Phải, các tông đồ sẽ không thể nào làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh, nếu trước hết các vị không trở thành “những kẻ thực sự tôn thờ Thiên Chúa”. Bởi vì, thành phần “tôn thờ chân chính mà Cha tìm kiếm này” là thành phần “tôn thờ Cha trong Thần Linh và chân lý”, tức là những người thực sự tin vào Thiên Chúa, Đấng thực sự hiện thân nơi Đấng Thiên Sai của Ngài, hay nói cách khác, họ là những người “tin rằng chính Cha là Đấng đã sai Con” (Jn 17:8, 25), và những người “tin rằng Thày ở trong Cha và Cha ở trong Thày” (Jn 14:11, 20) như thế chính là những người có “sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Đức Giêsu Kitô” (Jn 17:3). Thế nhưng, để nhận biết Thiên Chúa nơi Đấng Thiên Sai của Ngài là Đức Giêsu Kitô, tự mình các tông đồ không thể làm được, mà phải có Thánh Thần. Đó là lý do Thánh Phaolô khẳng định trong bài đọc hai hôm nay: “Không ai có thể nói: ‘Đức Giêsu là Chúa’ nếu không có Thánh Thần”. Như thế, Thánh Thần các tông đồ lãnh nhận lần thứ nhất qua hơi thở của thân xác Chúa Kitô Phục Sinh là để các vị nhận biết Thiên Chúa và Đấng Ngài sai, nhờ đó, sửa soạn các vị “được rửa trong Thánh Thần”, như bài đọc 1 hôm nay nói tới, tức sửa soạn cho các vị lãnh nhận Thánh Thần lần hai, “Vị Thánh Thần”, như Thánh Phêrô khẳng định trước Hội Đồng Do Thái trong Sách Tông Vụ đoạn 5 câu 32:”Thiên Chúa ban cho những ai thuận phục Ngài“.
Thật vậy, nếu Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, con người duy nhất được đầy Thánh Thần từ giây phút đầu thai trong lòng mẹ, sau khi thưa lời “xin vâng” với sứ thần Gabiên, đã được “Thánh Thần ngự xuống và quyền phép Đấng Tối Cao bao phủ” (Lk 1:35), để Mẹ có thể “thụ thai và hạ sinh… Con Đấng Tối Cao” (Lk 1:31, 32) thế nào, các tông đồ cũng vậy, vì đã “tin vào Thiên Chúa và tin vào Thày” (Jn 14:1), được thể hiện bằng việc “ở lại trong thành” như Thày dăn dò, mà các vị đã thực sự “mặc lấy quyền lực từ trên cao”, để có thể thụ thai và hạ sinh Chúa Kitô Phục Sinh trong lòng của 3 ngàn người lắng nghe chứng từ của các vị, qua bài giảng tiên khởi vị trưởng tông đồ Phêrô sau biến cố được Sách Tông Vụ trình thuật trong bài đọc thứ nhất hôm nay là: “Bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió thổi mạnh, lùa vào đầy nơi các vị đang tụ họp nhau. Cũng có lưỡi như lửa xuất hiện đậu trên từng vị. Hết thẩy mọi người đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu nói tiếng khác nhau tùy theo Thánh Thần khiến họ nói”.
Khía cạnh tu đức này được phản ảnh nơi khía cạnh phụng vụ. Thật vậy, nếu các tông đồ lãnh nhận cùng một Thánh Thần hai lần, lần đầu là để nhận biết Chúa Kitô Phục Sinh và lần hai là để có khả năng làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh, thì thành phần Kitô hữu tân tòng cũng thế, sở dĩ họ trở lại với Chúa Kitô là nhờ Thánh Thần soi động họ vào một lúc nào đó trong đời họ, để rồi, khi họ tuyên xưng đức tin qua việc lãnh nhận phép rửa, họ lại được lãnh nhận Thánh Thần nơi Bí Tích Thêm Sức ngay sau khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội để có thể làm chứng cho Chúa Kitô. Thế nhưng, vấn đề ở đây là, đã được lãnh nhận Thánh Thần qua Phép Rửa, Kitô hữu chúng ta đã tin Chúa Kitô ra sao, và được lãnh nhận Thánh Thần nơi Phép Thêm Sức rồi, chúng ta đã hiên ngang làm chứng cho Chúa Kitô chưa…?
129. Quyền năng tha tội – Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn
Trong một lần giáo huấn, Đức Giêsu đã quả quyết với các Tông đồ: “Sự gì các con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc. Sự gì các con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở” (Mt 18: 18). Và hôm nay, sau ngày phục sinh, trong một lần hiện ra với họ, Chúa Giêsu đã phán: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại” (Gn 19:22-23). Khi nói lên lời đó, Ngài chính thức thiết lập Bí tích Giải tội, uỷ thác cho Hội thánh quyền năng tha thứ và cầm buộc. Quyền năng này không chỉ được trao ban cho các Tông đồ nhưng còn thông chuyển đến các đấng kế vị là các Giám mục và những linh mục hiệp thông với các ngài.
Qua lời tuyên bố thiết lập Bí tích Giao hoà, Chúa Giêsu muốn nói với các thừa tác viên đầu tiên và những người kế nghiệp rằng: một khi dưới đất họ đọc lên lời tha tội “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” thì lập tức trên trời Ngai sẽ chuẩn y, và dù tội con người có thẫm như máu đào cũng sẽ được biến đổi tinh trắng như bông.
Trong Tông thư Reconciliation and Penance (“Hoà Giải & Đền Tội), Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô đã khẳng định: “Khơi dậy lòng sám hối và thay đổi tâm hồn nhân thế cùng trao ban cho con người tặng phẩm giao hoà chính là sứ mạng đặc thù của Hội thánh khi tiếp nối công trình cứu độ của Đấng Sáng lập”.
Thời Giáo hội sơ khai, việc xưng tội để đón nhận ơn giao hoà với Thiên Chúa và chữa lành tâm hồn thường được các Kitô hữu chân thành thực thi, không cần đến sự thúc giục của các vị chủ chăn, dù rằng lúc ấy lắm việc đền tội kéo dài rất lâu và không kém khắt khe.
Đến thế kỷ 13, để gia tăng ơn ích thiêng liêng cho các linh hồn, Đức Giáo hoàng Innocent ra sắc lệnh buộc mọi người Công giáo đến tuổi lớn khôn phải xưng tội một năm ít là một lần.
Có người đặt vấn đề: Tại sao lại phải đi xưng tội với một linh mục? Tới thẳng với Chúa không được sao?
Đến với Chúa để tìm ơn tha thứ cho bao tội mình phạm là điều rất đúng. Nhưng đến với Ngài như thế nào là điều ta cần thi hành theo lời chỉ dẫn của Chúa Giêsu. Không lý nào Chúa lại trao quyền tha tội cho các linh mục khi chính Ngài có thể tha thứ và không cần đến họ. Thử hỏi nếu ta được trao cho chiếc chìa khoá của một căn nhà với đặc quyền mở cửa cho kẻ ra người vào. Chiec chìa khoá và đặc quyền đó có ý nghĩa gì khi ta khám phá ra rằng ai ai cũng có một chiếc chìa khoá như vậy và họ ra vào lúc nào tuỳ ý.
Lẽ dĩ nhiên Đức Giêsu có trăm muôn ngàn cách tha thứ tội lỗi con người, nhưng phương cách Ngài “làm người” để cứu thế và “chọn con người” để thi hành quyền năng tha tội là một ý định tỏ tường. Tuy nhiên, bên cạnh ý định của Thiên Chúa cũng có đó một số lý do khiến cho việc xưng tội với một linh mục trở nên cần thiết.
Catholicism and Life (“Công Giáo & Sự Sống”) có chỉ ra những lý do như sau:
Thứ nhất, vì “có những tội được tha và có những tội bị cầm” nên hối nhân phải xưng tội mình ra thì linh lục mới có thể xác định được tội nào được tha và tội nào bị cầm.
Thứ hai, việc xưng tội với một linh mục sẽ giúp cho con người trở nên khiêm tốn. Người ta dễ chừa tội hơn khi biết rằng nếu mình phạm, mình sẽ phải xưng.
Thứ ba, chắc chắn hối nhân sẽ đón nhận được ơn thánh hoá từ bí tích Hoà giải. Nhưng trước đó, họ sẽ nhận được những lời khuyên hữu ích từ vị linh mục, giúp họ thăng tiến hơn trên đường thiêng liêng.
Thêm vào đó, có không ít khuynh hướng nhiệm nhặt hay buông thả khiến cho có người quá khắc khe, thấy điều chi cũng tội, hay có người quá lỏng lẻo đến nỗi bao tội tày trời cũng cho là chẳng có gì ghê gớm. Thậm chí có khi còn biện minh để lương tâm thấy tội nhẹ bớt hay không còn tội lỗi gì nữa. Vì vậy, nếu không có sự trợ giúp của vị linh mục làm sao người ta có thể quân bình với chính mình và chân thành với Thiên Chúa được.
Cuối cùng, khi ban ơn tha tội, vị linh mục thay mặt Chúa sẽ bảo đảm ơn tha thứ cho hối nhân. Đối với người đi “xưng thẳng” với Chúa, ai sẽ đoan quyết cho điều đó? Chắc chắn không ai hết.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cảnh cáo những người cho mình không cần bí tích Giải tội như sau: “Thật là điên rồ và kiêu căng đối với những ai tự ý coi thường phương thế trao ban ơn sủng và cứu thoát mà chính Chúa Giêsu thiết lập, nhất là đối với những kẻ cho rằng không cần đến bí tích giải tội để được tha tội”.
Có nhiều người vì ý thức lệch lạc nên coi thường xưng tội, nên không còn thấy cần đi xưng tội nữa. Thậm chí có người xấu hổ ngại ngùng khi phải thú nhận tội mình với kẻ khác. G.K. Chesterton, một nhà văn trở lại Công giáo đã viết: “Không việc gì phải xấu hổ về những dại dột của mình… Đã là con người không ai không có lỗi lầm, nhưng lỗi lầm kinh khủng nhất của con người là cho mình không có lỗi”. Thánh Gioan Tông đồ viết thẳng thừng hơn: “Nếu ta nói: ta không có tội là ta tự lừa dối mình, và sự thật không có trong ta” (1 Gn 1:8). Trái lại, “Nếu ta xưng thú tội lỗi mình thì Người trung tín và công chính đủ để tha thứ tội lỗi cho ta, và tẩy ta khỏi mọi bat chính” (1 Gn 1:9). Một điều luôn gắn liền với Bí tích Giải tội là “ấn toà” mà tất cả mọi linh mục phải tuân giữ. Không một điều gì nghe trong toà mà cha giải tội lại được phép nói ra cho người thứ ba, dù tính mạng của mình bị đe doạ hay an ninh quốc gia được bảo toàn.
Lịch sử Giáo hội ghi nhận biết bao hình ảnh hào hùng của những con người dám lấy máu đào bảo vệ đức tin, trong đó có hình ảnh của những linh mục dám lấy mạng sống bảo vệ “ấn toà giải tội”.
Cha Gioan Nepomucene là mẫu gương tiêu biểu trong thế kỷ 14. Ngài là cha giải tội của Hoàng hậu Jane, nước Bohemia. Vua Wenceslaus là người đa nghi và ghen tuông. Vì muốn biết Hoàng hậu đã làm điều chi thầm lén nên nhà vua yêu cầu cha Gioan thuật lại những gì nàng xưng ra với ngài.
Tưởng rằng quyền lực và uy thế của mình có thể khui được ít nhiều bí mật nơi miệng cha Gioan, nhưng vua đã lầm. Vị linh mục của Chúa nhất quyết không hé lộ bất cứ điều gì. Kết quả, ngài bị nhốt vào hầm tối. và một đêm kia, bị nhận nước cho đến chết.
Ba trăm năm sau, khi khai quật lăng mộ cha Gioan, những người hữu trách đã ngỡ ngàng chứng kiến thân thể ngài mục nát hoàn toàn, ngoại trừ chiếc lưỡi vẫn nguyên vẹn như lúc còn sống. Ngày nay, trên chỗ ngài bị giết người ta dựng lên một tượng đài, phía dưới chân có khắc dòng chữ: “Nơi đây vị chứng nhân của Ấn toà Giải tội đã nằm xuống”.
Gần đây nhất là biến cố cha Demoulin, người pháp, bị kết tội giết người vào năm 1899 và phải ở tù chung thân. Số là ông quản nhà thờ đã gây nên án mạng rồi dấu vũ khí trong phòng cha. Để bịt miệng ngài, ông xin xưng tội và thú nhận phạm tội giết người. Thế rồi, vì không thể tiết lộ danh tánh phạm nhân, nên cuối cùng cha Demoulin bị toà kết án chung thân khổ sai.
Sau 25 năm, thân thể cha Demoulin tàn tạ theo thời gian và sự khốn cực lao tù. Ông quản ngày nào đang hấp hối trên giường bệnh và tha thiết xin gặp một linh mục. Thế rồi trước khi nhắm mắt lìa đời, ông đã kịp xưng thú với mọi người về tội sát nhân năm xưa, đồng thời xin ơn tha thứ qua bí tích giải tội mà ông đã lợi dụng để đưa một linh mục vô tội vào tù (x. Catholicism and Life).
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao ban cho các Tông đồ món quà vô giá là Chúa Thánh Thần và quyền năng tha tội. Sứ mạng của các ngài và những người kế vị là làm nảy sinh hoa trái cho toàn nhân loại. Biết khiêm tốn mở lòng đón nhận ơn tha thứ, con người sẽ tìm thấy bình an và sự sống đích thực, dù thần chết có đang hăm he rình chờ. Biết tìm đến cùng toà cáo giải, tâm hồn sẽ được chữa lành và ngập tràn hân hoan.
130. Ơn Chúa huấn luyện và thêm sức cho ta
(Suy niệm của Lm. Fx. Nguyễn Hùng Oánh)
Chúa Kitô ban ơn Thánh Thần cho các Tông đồ không phải ban một lần, nhưng ban nhiều lần.
Sống lại, Chúa hiện ra với các Tông đồ chiều hôm đó, Chúa chúc bình an, cho các Tông đồ thấy vết đinh để chứng tỏ Chúa là con người thực sống lại, chứ không phải là bóng ma hiện về, rồi Chúa chúc bình an và thổi hơi ban Thánh Thần với tất cả quyền bính do Thánh Thần tác động được diễn tả theo ngôn ngữ “cầm buộc hoặc tháo gỡ” (Ga 20,19-23)
Lúc về trời, Chúa căn dặn các Tông đồ, môn đệ chờ đợi Thánh Thần xuống. Thánh sử Luca diễn tả Chúa Thánh Thần hiện xuống dưới sức gió mạnh và hình lưỡi lửa trong ngày lễ Ngũ Tuần tức là 50 ngày sau khi Chúa sống lại. Như vậy, các Tông đồ lãnh nhận Chúa Thánh Thần nhiều lần.
Điều đó đúng với tâm lý con người, vì con người phải được nuôi dưỡng dần dần mới lớn lên; về mặt tâm linh, nhận ơn Chúa dần dần, nhiều lần mới trưởng thành. Đàng khác, Thánh Thần hoạt động luôn luôn và tự do, ban ơn cho ta có lúc mạnh, lúc nhẹ để làm sao không cưỡng ép ta, trái lại để cho ta được tự do lãnh nhận và cộng tác với ơn Chúa trong tự do và trưởng thành.
Điều quan trọng phải suy nghĩ hôm nay là Chúa Thánh Thần chỉ được ban phát do mầu nhiệm Vuơt qua của Chúa Kitô (chết, sống lại, lên trời vinh hiển). Thánh Thần là ơn huệ phục sinh của Chúa Kitô ban cho chúng ta. Thứ tự hành động của Chúa Kitô cho biết điều đó (hiện ra chúc bình an, chỉ vết đinh, thổi hơn ban Thánh Thần) và đời sống cứu chuộc nhân loại của Chúa Kitô cũng nói rằng hoa quả của ơn cứu độ là Thánh Thần.
Chúa ban Thánh Thần cho Hội Thánh thi hành sứ mệnh của Chúa Kitô trao phó, chứ không phải thụ hưởng, nhận lãnh Thánh Thần để làm việc theo ý Chúa chứ không phải để nhìn ngắm, nên Chúa Kitô thở hơi trao ban Thánh Thần với quyền bính “cầm buộc, thứ tha”, để Hội Thánh tiếp tục sứ mệnh của Chúa là cứu độ mọi người. Sách Tông đồ Công vụ cho biết sau khi lãnh nhận Thánh Thần diễn tả bằng sức mạnh của gió, sức nóng và sáng của lửa ngôn ngữ của hình lưỡi, các Tông đồ mở toang cửa ra, rao giảng Chúa Kitô cho mọi người. Ta thấy rõ vai trò cần thiết của Chúa Thánh Thần.
Hội Thánh hoạt động được là nhờ Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô nói ta tuyên xưng Chúa Kitô là Thiên Chúa là do Thánh Thần. Điều nầy dễ hiểu vì công nhận Chúa Kitô là Thiên Chúa hết sức khó đối với người Israen (từ trước tới nay chỉ nhận có Đức Giavê là Thiên Chúa duy nhất mà thôi), nhưng cũng khó khăn đối với chúng ta nên cần Thánh Thần trợ giúp. Ngay cả việc xem ra dễ dàng nhất: kêu Thiên Chúa là Cha cũng cần Thánh Thần giúp, cần giúp vì nhận ra Thiên Chúa là Cha, ta là con cái Thiên Chúa là một mạc khải thâm sâu trong mầu nhiệm Ngôi Hai làm người là Con Một Chúa Cha.
Ta có thể nói Thánh Thần là linh hồn của Hội Thánh, Thánh Thần là ông chủ của chúng ta ở trong ta, ta là đền thờ của Thánh Thần.
Tuy Thánh Thần mạnh mẽ như vậy, nhưng nếu ta không đón tiếp Ngài, không cộng tác với ơn của Ngài thì Ngài trở thành bất lực trong ta. Ngài có thể là chủ tâm hồn ta hay chỉ là một người đứng ngoài, gõ cửa nói vào mà ta làm ngơ, ơn Ngài là sức mạnh giúp ta làm việc lành, đạt tới thành công hay ơn Ngài rơi rụng nơi ta, không sinh hoa kết quả gi. Tất cả do sự đáp ứng của ta vì Thiên Chúa luôn luôn tôn trọng tự do của ta.
Mỗi tín hữu chúng ta đã nhận Chúa Thánh Thần khi chịu bí tích Rửa tội và Thêm sức, khi cầu nguyện và Chúa Thánh Thần luôn luôn trợ giúp chúng ta. Cám ơn,cởi mở cộng tác với ơn Chúa, nhớ mình là đền thờ Chúa Thánh Thần là điều luôn luôn phải ý thức.
(Phụ chú theo bản dịch ca Cha Nguyễn thế Thuấn: cửa đã đóng cài chặt chẽ vì sợ người Do-thái (tỏ ra thân xác không còn lệ thuộc không gian thời gian nữa) thì Giêsu đã đến (chứng tỏ Chúa Giêsu đã về với Chúa Cha rồi, bây giờ Người đến), bằng an cho anh em (lời cho chuẩn bị cho một sứ mệnh) nói thề rồi Ngài thổi hơi trên họ: “Hãy chịu lấy Thánh Thần” (sứ mệnh nầy bắt nguồn từ Phục sinh) những ai được các ngươi tha tội, thì tội họ được tha, nhũng ai các ngưoi cầm giữ lại, thì tội họ bị cầm giữ (ban ơn sủng một cách đặc biệt có sức thánh hóa trong bí tích rửa tội và giải tội}
——————–
Luôn thể xin kể câu chuyện mở đầu bài giảng: Cha Thông (hưu) kể chuyện một cha sở muốn mở đầu bài giảng trong lễ Chúa Thanh Thần hiện xuống cách sống động, Ngài dặn ông trùm giúp việc nhốt một chim bồ câu trong lồng để trên trần nhà thờ, khi ngài mở đầu bải giảng: Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự xuống thì thả chim bồ câu cho chim bay xuống cung thánh. Cha lên tỏa giảng (thời xưa có tòa giảng ở gần cung thánh): Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự xuống. Không thấy gì, ngài nói to hơn: Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự xuống. Ông trùm hét to trả lời: Cha Thánh Thần mèo ăn rồi. Đức Tổng Giám mục Phaolo Nguyễn Văn Bình nghe vừa xong, đúng dậy nói: Đức Chúa Thánh Thần mèo chụp hụt rồi. Các linh mục ồ lên, vỗ tay quá sức …
131. Chú giải mục vụ của Alain Marchabour.
HIỆN RA VỚI CÁC MÔN ĐỆ
CHÚA HIỆN ĐẾN (cc. 19-20)
Cảnh tượng diễn ra có chiều ngày hôm ấy. Các tiểu đoan trước xem chừng không thay đổi cách hành xử của các môn đệ (ta có thể nghĩ rằng các môn đệ ở đây ám chỉ nhóm Mười Một, dù rằng Lc 24,33 thêm “các bạn hữu” vào nhóm Mười Một này). Các ông sống trong lo âu sợ hãi va trốn tránh. Chính trong nơi cửa đóng then cài này mà Chúa Giêsu ngự đến. Sự hiện diện của Người không còn lệ thuộc vào luật lệ thể xác và những điều bó buộc tự nhiên như những sự bó buộc của con người với thể xác mình. Không thấy nói Chúa đi xuyên qua tường: đơn giản Người có thể hiện diện cách khác hơn loài người.
Chúa đến, như thuở sinh thời, là nguồn bình an. Người nói “Chúc anh em được bình an”, điều này không chỉ là một lời chúc xã giao, mà còn có nghĩa là món quà hữu hiệu của ơn cứu độ, của niềm vui và của sự bình an. Các dấu vết đóng đinh trên tay và cạnh sườn của Chúa Giêsu chứng tỏ rằng, bất chấp các tình huống kỳ lạ về sự xuất hiện của Chúa Giêsu, thánh sử không muốn rằng độc giả xem Chúa như một bóng ma, nghĩa là ai đó khác với Đấng chịu đóng đinh. Hẳn thật sự hiện diện thể lý bình thường của Chúa Giêsu đã chấm dứt, tuy nhiên con người đang đứng ơ giữa họ là Chúa Giêsu, nghĩa là cũng một con người như Đấng họ đã biết và y trong, nhưng mà từ nay sự Phục Sinh đã làm biến đổi. Sự lo âu sợ hãi tiêu tan, các môn đệ hân hoan vui mừng.
SỨ VỤ (cc. 21-23)
Những lần hiện ra tự nó không nhằm mục đích riêng. Chúng mở màn cho một sứ vụ. “Như”: đây không chỉ là một sự so sánh, đây là căn nguyên và nền móng. Các môn đệ được sai đi (theo từng chữ “làm Tông đồ”) để kéo dài hoạt động của Chua Giêsu. Đây là lần đầu tiên trong Tin Mừng của mình, Gioan gán tước hiệu Tông đồ cho nhóm Mười Một. Chủ đề sai đi này đã được trình bày sâu rộng trong diễn từ tư tế (17,17-19). Như Thiên Chúa đã thổi sinh khí trên Ađam (St 2,7), như Thần Khí đã ngự xuống trên Chúa Giêsu (1,33-34), Chúa Giêsu mà Thiên Chúa đã tôn làm Chúa, thổi (cũng động từ Hy Lạp ở đây như trong St 2,7) quyền năng của Thần Khí trên các môn đệ (x. 14,26). Người là Đấng đến để có kinh nghiệm về cái chết, tự tỏ mình ở đây như là Chúa Tể sự sống. Còn các môn đệ, cho đến lúc ấy còn sợ hãi, bây giờ mặc lấy sức mạnh của Thiên Chúa. Như Thiên Chúa, rồi Đấng được sai đến là Chúa Giêsu, ho có thể tha tội, nghĩa là thanh tẩy tội lỗi trong quyền năng cái chết cảu Chúa Giêsu. Thần Khí kết buộc họ với Thiên Chúa chặt chẽ đến nỗi, khi họ được tha cho ai hoặc cầm giữ tội của ai, thì chính Thiên Chúa qua họ mà tha cũng như cầm giữ tội lỗi. Chúng ta có ở đây một dạng văn phạm gọi là “thì thụ động thần linh” nhằm tránh tên gọi Thiên Chúa qua thì thụ động. Ta có thể dịch như thế này: “Bất cứ người nào anh em tha… Thiên Chúa sẽ tha tội cho họ… Bất cứ người nào… Thiên Chúa sẽ cầm giữ tội họ”.
Chúa đến lần này, cũng như lần tiếp theo, đều diễn ra vào “ngày của Chúa”, nghĩa là vào lúc các Kitô hữu tiên khởi hội họp cử hành phụng vụ, thời điểm đặc biệt để Thiên Chúa hiện diện với cộng đoàn của Người và mỗi khi họ tập hợp để bẻ bánh cũng là mỗi lần hiện thực hóa một lần nữa việc sai họ đi khắp thế gian.
132. Chú giải của Noel Quesson.
Chiều tối ngày thứ nhất trong tuần
Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, chiều tối ngày Phục sinh, ngay sau khi Đức Giêsu sống lại, các môn đệ đã được ban Chúa Thánh Thần và Hội Thánh phát sinh từ hơi thở của Đức Giêsu. Trong bài tường thuật này, so với bài của Thánh Luca trong Công vụ Tông Đồ, hình như Đức Giêsu chiếm chỗ quan trọng hơn Chúa Thánh Thần. Thánh Gioan đã thường cho chúng ta thấy màu sắc thần học dưới hình thức những biểu tượng Kinh Thánh trong Tin Mừng của Người.
“Ngày đầu tuần”.
Một thế giới bắt đầu, một tạo dựng mới. Đây là một sáng thế ký mới. Chúa đã “nắm được con người trong tay”, và nhồi nắn lại con người với một thứ đất sét mới.
Và từ ngày đó, các Kitô hữu đã luôn luôn tập họp lại, từ “ngày thứ nhất trong tuần” này đến “ngày thứ nhất trong tuần” kia, nghĩa là từ Chúa nhật này đến Chúa nhật khác. Hội Thánh được hình thành từ những cuộc tập họp như thế trong suốt thời gian và ngày nay vẫn còn tiếp tục. Cũng cần phải có những buổi họp mặt Chúa nhật để hình thành một Kitô hữu, dần dần theo tiến độ những lần Đức Giêsu “hiện đến”. Chúng ta đã xa rời sự bắt buộc phải xem lễ ngày Chúa nhật với vẻ pháp lý của nó: Bây giờ, việc xem lễ là một điều cần thiết cho cuộc sống “Chúng bị bắt buộc phải thở, để lấy hơi lại”. Và không phải chỉ một năm một lần mà thôi.
Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín vì các ông sợ
Sự sợ hãi! Thế giới chúng ta luôn luôn ở trong sự sợ hãi. Nguy cơ về nguyên tử, đó là mối lo sợ!
Trước khi đi xa hơn trong việc cầu nguyện, tôi cần phải nhìn thẳng vào trong chính cuộc đời của tôi xem tôi sợ những gì? Nơi Chúa “hiện ra vào ngày Phục sinh”, là nơi các môn đệ đã tự khoá cửa lại, để tự bảo vệ; nơi các ông sợ hãi. “Nơi Chúa Thánh Thần có thể hiện ra trong đời tôi, đó chính là vết thương nội tâm của tôi, chỗ yếu nhược của tôi, nơi tôi có thể bị nguy hiểm hay đau khổ. Tình trạng “khoá chặt cửa” của tôi như thế nào? Những hoàn cảnh, tội lỗi, lo âu nào đang giam giữ tôi?
Thánh Phao lô đã có ý thức thực tại này như là một cái chết: “Cái chết đang tác động trong chúng ta. Nhưng chúng ta không mất can đảm, vì trong chúng ta, dù là con người bên ngoài đang đi đến sự hư mất, con người bên trong vẫn mỗi ngày mỗi đổi mới – Những nguy nan chóng qua của ta thật nhẹ nhàng so với sự cao quý khôn lường của vinh quang đời đời mà Chúa chuẩn bị cho ta” (2Cr 4,12-16.17).
Đức Giesu đến đứng giữa các ông.
Không phải ngẫu nhiên mà Thánh Gioan đã liên kết việc Đức Giêsu Phục sinh với việc ban Chúa Thánh Thần. Trong Kinh Tin Kính chúng ta khẳng định rằng: Chúa Thánh Thần là “Chúa, Đấng ban sự sống”. Ơn ban sự sống này, chính Đức Giêsu đã được nhận trước tiên, khi giải thoát Đức Giêsu khỏi quyền lực của sư chết, Chúa Thánh Thần đã làm được một kỳ công lớn lao.
Nơi chúng ta là tạo vật hữu hạn, không phải là Chúa “tinh thần” và “thể xác” luôn được liên kết, lúc thịnh cũng như lúc suy. Nhưng dù tinh thần của chúng ta có mạnh đến đâu, nó cũng sẽ bị một thất bại cuối cùng, nó không thể giữ lại thân xác của nó: “Con người” có nghĩa là “hay chết”. Nhưng đứng trước vũ trụ được tạo dựng và hay chết này, Đức Kitô chẳng những có khả năng giới hạn của trí khôn nơi con người mà còn có những khả năng vô hạn của Thiên Chúa.
Nơi Đức Kitô có một thần trí thức hơn hẳn trí khôn con người thường bị cái chết khống chế – Đức Kitô có được quyền năng Chúa Thánh Thần, là Đấng ban sự sống.
Đức Giêsu phá vỡ mọi rào cản. Việc người đột nhiên xuất hiện với các môn đệ đang ở trong phòng đóng kín có nghĩa là Người không bị một trở ngại nào ngăn cản không cho đến “ngự giữa các môn đệ của Người”.
Sáng hôm đó, Người đã nhận được một “hơi thở” mới, làm Người trở nên một “thân thể linh thiêng”, một thân thể sinh động do sự sống của Chúa Thánh Thần (1Cr 15,44). Trước khi trực tiếp ban hơi thở đó cho các bạn hữu mình Đức Giêsu “được Phục sinh và tôn vinh nhờ quyền năng Thiên Chúa, Cha Ngài, đã nhận từ Chúa Thánh Thần” (Cv 2,23). Chính Thánh Phêrô nói lên mạc khải lạ lùng này trong ngày Lễ Hiện Xuống – Vâng, sự Phục sinh là công trình của Chúa Thánh Thần.
Người đưa cho các ông xem tay và cạnh sườn.
Bạn đang tìm nơi Đức Giêsu xuất hiện vào ngày Phục sinh chăng? Bạn thấy khó nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần chăng?
Vậy thì bạn hãy cố tìm ra những vết sẹo, những vết thương trong tim bạn, trong cuộc đời bạn, cũng như trong thế gian và trong Giáo Hội.
“Chúc anh em được bình an”. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
Từ sợ hãi đến vui mừng, nhờ sự bình an
“Như Chúa đã sai Thầy, thì bây giờ Thầy cũng sai anh em”.
Các ông đã tự “ở trong nhà đóng kín”, bây giờ các ông “được sai đi”.
Việc phái các ông đi thi hành nhiệm vụ không hẳn được coi dưới góc độ của một tổ chức nào đo. Đây không phải là một bảng quảng cáo được dựng lên. Đức Giêsu cũng không nhắm đến những công cụ thực tiễn mà Giáo Hội sẽ tìm ra được để truyền giáo. “Chỉ có một điều quan trọng đối với Người: Nguồn gốc của sứ mang này. Đó là “mối liên hệ mật thiết kết hợp Đức Giêsu với Chúa Cha”. Nói cho cùng, chỉ một sứ mạng: Sứ mạng của Chúa Cha, cũng là sứ mạng của Chúa Giêsu, và trở thành sứ mạng của Giáo Hội.
Nói xong Ngươi thổi hơi vào các ông.
Ở đây Thánh Gioan dùng ngôn ngữ của Thánh Kinh, ám chỉ đặc biệt đến hai đoạn văn nổi tiếng:
+ Sự tạo dựng lúc đầu: “Chúa thổi vào mũi (của Adong) hơi thở sự sống”(St 2,7).
+ Sự tạo dựng sau cùng: “Hãy thổi lên đống xương khô này và chúng sẽ sống lại”(Ed 37,9).
Đã có một sự tạo dựng trong quá khứ, sự phát sinh sự sống vào lúc khởi đầu thời gian; và sẽ có một sự tạo dựng trong tương lai, sự sống lại cuối cùng, vào ngày kết thúc. Nhưng cũng có một sự tạo dựng luôn luôn hiện thực: “Hơi thở” của Chúa vẫn đang tác động. “Tôi tin Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống”.
Hơi thở sự sống! Các bạn không nhận thấy sự tài tình khi mô tả sự hiện diện của Thiên Chúa và hoạt động của Người trong thế giới bằng việc thông thường và căn bản nhất là “thở” sao?. Tất cả những sinh vật đến những dã thú to lớn, tất cả đều thở bằng khí oxy, được ban cho chúng ta trên hanh tinh này, và chính tôi cũng đang thở hơi thở của những sinh vật. Đây là một hình ảnh cảm kích của Thiên Chúa duy nhất. Đấng làm cho chúng ta sống! Với Nicôđêmô, Đức Giêsu đã dùng hình ảnh đơn giản này: “Gió thổi đến nơi nào nó muốn và làm cho người ta sống” (Ga 3,6-8).
Anh em hãy lãnh nhận
Tôi cầu nguyện với những lời này. Tâm thức con người ngày nay không thích “nhận lãnh”. Người ta khước từ, không muốn lệ thuộc kẻ khác. Đó là điều tội lỗi nhất: cao vọng được như “thần thánh”. Nhưng điều đó không thuộc quyền con người. Dù muốn dù không con người vẫn phải lệ thuộc và hoàn toàn lệ thuộc: Để sống con người phải nhận sự sống. Tôi nhận sự giúp đỡ cua cha mẹ tôi, tôi nhận sự sống từ không khí tôi thở. Tôi tùy thuộc hàng ngàn sự vật, hàng ngàn con người, hàng vô vàn điều kiện khác.
“Anh em hãy nhận lãnh Chúa Thánh Thần”.
Chúng ta phải nhận lấy “Chúa Thánh Thần”. Lạy Chúa xin cho chúng con biết đón nhận những ân huệ Chúa trao ban: Chúa Thánh Thần.
Nhân loại phải đón nhận mối thông hiệp Thần Khí giữa Chúa Cha và Chúa Con. Nhiều nhưng chỉ một. Như thế, chúng ta nhận ra rằng, trong sứ vụ của Giáo hội, không chỉ có Chúa Cha và Chúa Con mà Chúa Cha sai đến, mà là mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.
Theo Công đồng Vatican II, Giáo Hội là sự quảng diễn cho con người nhận biết cộng đồng tình yêu liên kết Ba Ngôi Thiên Chúa
Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ.
Vai trò và nhiệm vụ của Giáo Hội là loan báo sự tha thứ và ơn cứu rỗi. Sự tiến triển trong trang Tin Mừng này của Thánh Gioan thật là cảm kích. Một cộng đồng con người có kinh nghiệm của người được sống lại. Từ kinh nghiệm đó sai gởi cộng đồng này đi làm nhiệm vụ. Sự trao ban Chúa Thánh Thần giúp cho sứ mạng này có thể được thi hành. “Sứ mang” này là để loan truyền sự cứu rỗi – sự tha thứ – sự thánh thiện.
Như vậy vai trò của Giáo Hội là giải thoát! Là cống hiến cho con người tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Nói cách khác, về mặt tiêu cực, rõ ràng vai trò đó không có nghĩa là Giáo Hội có thể hành xử một thứ quyền võ đoán. Không bao giờ đặt câu hỏi: “Chúa có tha thứ cho tôi không?” Thập Giá của Đức Giêsu đã trả lời cho vấn nạn đó rồi. Nhưng câu hỏi luôn phải nêu lên là: “Tôi có lãnh hận ơn tha thứ đó không?”.
133. Chú giải của Fiches Dominicales.
ĐỨC GIÊSU PHỤC SINH BAN THÁNH THẦN
CHO CÁC MÔN ĐỆ
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1) Từ ‘ngày đầu tuần’
Phần đầu của Phúc âm Chúa nhật này đưa ta đen “sau cái chết của Đức Giêsu, vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần ngày quy tụ phụng vụ của các Kitô hữu, thời gian thuận tiện để Đức Giêsu hiện diện giữa cộng đoàn mà Người quy tụ lại để chia sẻ Lời và Bánh, va để sai họ đi vào thế giới.
Các môn đệ quy tụ lại ở cùng một nơi: một kiểu nói mà thánh sử dùng để báo trước tính giáo hội của việc Chúa hiện ra mà ngài sắp tường thuật. Các cửa đều “đóng kín” vì “sợ người Do thái? Nỗi sự hãi cho đến lúc này vốn bao trùm những người Israel, đến nỗi họ không dám tuyên bố ủng hộ Đức Giêsu, thì từ nay còn là phận của các môn đệ thân tín của Chúa: các ông đang cảm nhận một tâm trạng lo âu sọ hãi mà lát nữa đây ơn bình an sẽ đối nghịch lại và khoả lấp hết.
Người ta dễ dàng nhận ra ba tiến trình đặc biệt của những lần gặp gỡ sau phục sinh: Đức Giêsu có sáng kiến (1), Người tự tỏ mình ra cho các môn đệ (2) người uỷ thác cho các ông một sứ mạng (3).
– Sáng kiến của Đức Giêsu:
+ Đức Giêsu “đến” như vậy là Người thể hiện lời đã hứa với các môn đệ trong bài diễn từ giã biệt: “Thầy sẽ đến cùng anh em” (14,18-28).
+ Người “đứng giữa các ông”, dịch sát nghĩa là “Người đứng dậy”, chuyển từ trạng thái đang nằm, ý nói là chết sang tư thế thẳng đứng của Đấng phục sinh.
+ “Chúc anh em được bình an”. Đó là những lời đầu tiên Đấng-hằng-sống gởi cho các môn đệ của Người đang tu họp. Đây không phải chỉ là lời chào hỏi thông thường “Shalom” của những người Do thái khi gặp nhau. Càng không phải là lời cầu chúc suông, nhưng là ơn huệ mang hiệu quả thực sự của Bình an, đúng như lời Chúa hứa: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy; Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng” (14.27).
Các môn đệ nhận biết Chúa.
Đức Giêsu cho họ xem “tay và cạnh sườn Người” (đối chiếu với ngọn giáo của Gioan 19,34). Chắc chắn từ nay đã qua rồi thời gian người hiện diện thể lý, nhưng Đấng đang đứng giữa họ lúc này vẫn là Đức Giêsu, nghĩa là cũng vẫn là Đấng mà họ đã thấy chết và được mai táng, nhưng từ nay đã biến hình đổi dạng nhơ mầu nhiệm Phục sinh. Và trong cái “nhận Thầy” do lòng tin ban cho, các môn đệ “tràn đầy niềm vui” niềm vui bất tận và Chúa đã báo trước cho các ông: “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (16,22).
Trao phó sứ mạng:
Việc các môn đệ được gặp Đấng-đang-sống, cùng nhận ra Đấng đã trải qua và chiến thắng vẻ vang cơn thử thách của cái chết trên thập giá, không phải là đã hoàn tất. Cuộc gặp gỡ ấy giờ đây khai mở một sứ mệnh.
+ Sau khi đã làm mới lại ơn bình an: “Chúc anh em được bình an!”.
+ Đức Giêsu “thổi hơi vào các ông”, làm lại cử chỉ ban đầu khi tạo dựng con người, giống như trong Sáng thế ký 2,7: ơ đây hành động này càng ám chỉ rõ nét là hành động sáng tạo của Chúa, nhất nữa vì đây là lần duy nhất Tân Ước sử dụng cách diễn tả của bản văn Sáng thế ký.
Đúng là một cuộc tạo dựng mới. Đức Giêsu vinh hiển thông ban Thần Khí tái sinh cho con người. Khi cho họ được chia sẻ sự hiệp thông với Chúa. “Như (chữ ‘Như’ ở đây không phải chỉ là một so sánh, nhưng ám chỉ một nền tảng, một liên hệ sâu xa) Chúa Cha đã sai Thầy, thì bây giờ Thầy cũng sai anh em”.
+ Và nếu các môn đệ được sai đi, chính là để loan báo cho ‘mọi người tin mừng về ơn tha thứ của Thiên Chúa’. X. Leon- Dufour giải thích: “Tha/cầm giữ ” lối văn chương Do thái dùng một cặp từ trái nghĩa nhau để diễn tả một sự trọn vẹn ở đây cách diễn tả ấy có nghĩa là trọn vẹn quyền thương xót được đấng Phục sinh trao ban cho các môn đệ. Thể văn thụ động diễn tả hiệu quả đạt được đều ngụ ý rằng chính Thiên Chúa mới là Đấng ban ơn tha thứ, cách dùng thì (động từ) ở quá khứ hoàn thành có nghĩa là ơn tha thứ của Chúa là yếu tố quyết định. Người ta sẽ có thể giải thích một cách rộng rãi là khi cộng đoàn tha thứ, thì chính Thiên Chúa tha thứ vậy. (Lecture de l’evangile se lon Jean. quyển IV, Seuil. tháng 11/1996, trang 241).
BÀI ĐỌC THÊM.
1) Trái tim Chúa Cha, nguồn mạch sứ vụ truyền giáo
(Đức Cha L.Daloz, trong “Chúng tôi đã thấy vinh quang của Người”, DDB, trang 251-252).
Gioan đã xác định thời điểm cuộc gặp gỡ giữa Chúa phục sinh với các môn đệ là chiều ngày thứ nhất. Ngày phục sinh, ngày tạo dựng mới ngày “Chúa nhật”thứ nhất của các Kitô hữu. Đức Giêsu lướt qua những cánh cửa khoá chặt vì sợ hãi, – Người “đến” như đã hẹn và biến đổi sợ hãi thành vui mừng: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi, Thầy sẽ đến với các con” (14,18). Thế là niềm tin đã trào tuôn trong trái tim hai tông đồ chạy đến mo. Thế là Maria Madalena đã loan báo sứ điệp nhận được trong vườn. Và bây giờ chính Đức Giêsu, sau cơn đau đớn, đem đến bình an, thứ bình an mà không ai còn có thể mong ước gì hơn: “Bình an cho các con”. Những vết thương của Đấng chịu đóng đinh trở thành những dấu chỉ để nhận biết Đấng Phục sinh: “Người cho họ xem tay và cạnh sườn Người”? Các lời hứa được ứng nghiệm. Sau cái chết đau thương, giờ đây là tràn đầy niềm vui: “Thầy nói điều ấy với cac con để niềm vui của Thầy ở trong các con và để niềm vui của các con được trọn vẹn” (15,11).
Niềm vui của Tin Mừng này cần phải toả lan khắp vũ trụ, phải mở tung khoá cửa, ra đi khắp thế giới. Cũng như các tác giả Tin Mừng khác, Gioan khơi nguồn sứ mệnh truyền giáo nơi mặc khải của Đức Giêsu phục sinh. Thánh sử lội ngược lên tận ngọn “nguồn, đến trái tim Chúa Cha, Đấng muốn bày tỏ tình thương của Người cho mọi người: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Các môn đệ tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu. Vì giờ đây Người đã được tôn vinh, Chúa Thánh Thần có thể châu lưu trong họ như những dòng sông mang nước sự sống, như hơi thở sáng tạo bắt đầu hoạt động để tử những bộ xương khô xuất hiện một dân tộc mới: “Người thổi hơi trên các ông và bảo: hãy nhận lãnh Thánh Thần. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, trong quyền năng phục sinh, các môn đệ tụ tập được cắt đặt đi phục vụ ơn cứu độ cho anh em mình. Khi loan báo Tin Mừng, Người đặt mỗi người trước trách nhiệm của mình, và trao cho họ quyền giải phóng: “Các con tha tội cho ai, kẻ ấy được tha, các con cầm buộc ai, người ấy bị cầm buộc”. Buổi chiều phục sinh ấy là bước ngoặt lịch sử: đó đã là lễ Ngũ Tuần, và Giáo Hội khai sinh! Cùng với Đức Giêsu, cả thế giới bước vào bình minh của sự sống lại.
2) “Bổn phận của tín hữu”
(“Thư các Đức Giám mục gởi người Công giao Pháp”, Cerf, trang 25).
Dù là Kitô hữu và có lời giải đáp chân lý và sự sống, ta vẫn chia sẻ số phận chung của những con người ở xã hội ta. Chính vì thế sứ mạng và trách nhiệm trao cho ta trong thế giới này không thể cho ta niềm tự mãn, càng không cho ta phương tiện nhìn thế giới từ trên cao làm như thể ta vượt trên thế giới.
Như thế, ta được mời gọi rà soát lại tính chất mới mẻ của ân ban Thiên Chúa, của chiều sâu nội tâm đức tin cua ta khi sống trong cái xã hội đầy biến động này.
Như thế, ta được mời gọi tự mình đi kín múc nơi nguồn suối đức tin lòng can đảm và niềm hy vọng thiết yếu để đảm nhận những trách nhiệm mà không sợ hãi, không e dè.
Như thế, ta được mời gọi rao truyền Tin Mừng không như một chương trình đi ngược lại văn hoá, xã hội, nhưng như một tiềm năng đổi mới mời gọi con người, tất cả mọi người đi lên tới nguồn sự sống.
Nói cách khác, đòi hỏi phúc âm hoá là một lời mời gọi mà ta có bổn phận phải lắng nghe vì ta phải tìm và phải thấy trong Tin Mừng và trong nhân cách Đức Kitô, hiệp thông với Giáo Hội, những điểm tựa và những điểm qui chiếu có mặt vừa trong hiện hữu của ta, vừa trong những bất ổn của xã hội.
3) Tin vào Chúa Thánh Thần, trước những thách đố mà Giáo Hội phải đương đầu trong thế giới ngày nay.
(“Célébrer”, tạp chí của Uỷ ban quốc gia về Phụng vụ, số 268. trang 18).
Ba bài đọc đã thống nhất nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, tại sao không đề nghị với cộng đoàn một hành vi đức tin vào Chúa Thánh Thần, trước những thách đố mà Giáo Hội phải đương đầu trong thế giới hôm nay? Ba trong các thách đố nên lưu ý: Sự năng động truyền giáo trong một Giáo Hội cần tập trung lực lượng vào mục vụ.
Sự độc đáo của một đời sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần, trong một xã hội mà sự phân định các giá trị chân thực ngày càng tăm tối hơn. Ta sẽ chú ý rằng sự tiến bộ thiêng liêng trước hết không hệ tại nhìn ngắm chính mình, nhưng do ở phó thác cho Chúa Thánh Thần.
Sự ngoan ngoãn đối với Thánh Thần chân lý, nhân tố tự do và tiến bộ, trong một thế giới mà những phong trào bảo thủ tôn giáo và những phong trào chính thống quá khích khác nhau đang gào thét.
134. Chú giải của Fiches Dominicales
NGÀY ĐẦU TIÊN CỦA TẠO THÀNH MỚI ĐỨC GIÊSU PHỤC SINH THỔI HƠI VÀO CÁC MÔN ĐỆ VÀ BẢO ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN
1/ Đấng Phục sinh chủ động đến.
Các môn đệ tụ họp trong một căn phòng đóng kín cửa. Họ sợ người Do Thái, đúng hơn, sợ các vị chức sắc trong giáo quyền Giêrusalem. Với chi tiết này, có lẽ tác giả muốn các độc giả Tin Mừng của mình liên tưởng đến các cuộc bách hại mà tới lúc này đã lan rộng. Bị trục xuất khỏi hội đường vì dám tin nhận Chúa Giêsu là Đức Kitô (người mù bẩm sinh bị đuổi khỏi hội đường: Ga 9,34). Họ như dần dần được chỉ dẫn đức tụ họp ở một nói riêng tránh sự dòm ngó của những kẻ bách hại họ.
Họ tụ tập. Đức Giêsu đến trước mặt họ. Lời đầu tiên Người nói là lời cầu chúc bình an: Bình an cho anh em (Shalom). Không chỉ là lời chào xã giao, nhưng là một xác nhận ân huệ phát sinh: vui mừng, bình an.
2/ Nhận ra Đức Giêsu đang sống sau khi biết rõ người đã chết.
Đức Giêsu chỉ cho họ thấy tay và cạnh sườn Ngươi (liên tưởng tới lưỡi giáo đâm: Ga 19,34). Alain Marchadour chú giải rằng: Dù thuật lại những lần hiện ra lạ lùng của Đức Giêsu, thì những vết đinh đóng và cạnh sườn bị đâm thủng chứng tỏ rằng thánh sử không muốn độc giả lầm tưởng đó là bóng ma, nghĩa là, một ai khác chứ không phải Đấng chịu đóng đinh. Đúng ra, sự hiện diện thể lý thông thường đã chấm dứt, nhưng Đấng đã hiện diện trước mặt họ đây, chính là Đức Giêsu họ biết là yêu mến, từ nay đã thăng hoa bởi sự phục sinh. Không sợ hãi nữa, các tông đồ trở nên vui mừng” (“L’evangile de Jean, Centurion”. trg 246).
3/ Tiếp nhận sứ mệnh Đấng Phục sinh trao.
Đấng Phục sinh hiện đến, không phải chỉ là một chuyến ngao du, nhưng còn để trao một sứ mệnh. Sai họ đi với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Để đem Tin Mừng ơn Tha Thứ của Thiên Chúa đến cho mọi người.
BÀI ĐỌC THÊM:
1. Một hơi thở nhẹ như làn gió thoảng.
Làm thế nào mà một hơi thở từ cửa miệng lại có thể trở thành cơn bão trong lịch sử? Người ta sẽ không bao giờ nói cho hết được về làn gió thoảng đổi mới vũ trụ này. Từ buổi bình minh của vũ trụ, nó đã lên tiếng ngợi ca làm bừng lên dòng nhựa sống đầu tiên. Ngon sứ Êdêkiel đã trông thấy nó làm sống lại cả một cánh đồng đầy xương khô: đó là hình ảnh dân tộc bị lưu đày biệt xứ và bị hạ nhục vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên. Và giờ đây, Đức Giêsu đang mấp máy môi, dường như để ban cho các bạn hữu của Người đang hoảng sợ một linh hồn khác: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.
Chính Thần Khí này đã bay lượn trên làn nước nguyên sơ, đã vực các ngôn sứ đứng lên, đã đánh thức cả một dân tộc đang mê ngủ. Trong ngôn ngữ Hípri. từ Thần Khí thuộc giống cái. Dường như hơi thở của Thiên Chúa có chức năng từ mẫu là sinh sản một nhân loại tương lai, tương lai mà Người muốn cho họ được hưởng.
Hiệu quả của nó thật la khôn lường và ấm áp. Còn đâu nữa cánh cửa cài then vì sợ hãi. Nhưng bình an đang tỏa lan trên những khuôn mặt. Bình an vì không còn chinh chiến. Bình an của tâm hồn. Họ ra đi người này đến với người kia như những người đươc Thiên Chúa sai đi, giống như chàng thợ mộc thành Nadarét xưa đã chứng tỏ tình thương của Chúa Cha bằng những việc làm đầy tình thương xót. Họ sẽ mạnh hơn cả tội lỗi vốn làm méo mó, ti tiện và xuyên tạc hình ảnh con Ngươi. Vì Thiên Chúa đã ban cho họ năng lực biến đổi của Người là ơn tha thứ, một sức mạnh lạ lùng nhất của vũ trụ, có thể biến đổi những con người lúc này và mãi mãi muôn đời.
Họ sẽ không quên những thương tích của Đấng Công chính bị tử hình vì dòng họ đi đôi khi sẽ là gian khổ. Họ sẽ không quên lời Người nói vì như lời Người, men của họ sẽ làm dậy các tâm hồn. Họ sẽ không quên các việc Người làm, vì nhờ đó, họ sẽ lay chuyển và luôn thúc đẩy mọi người, mọi nhóm, mọi xã hội lại cất bước lên đường. Không hoàn cảnh thực tế nào sẽ làm cho những hạt giống này chết đi và làm tiêu ma sự bảo đảm của Thiên Chúa. “Các môn đệ lòng đầy hân hoan”.
Liệu chúng ta có biết lắng nghe và cảm nhận luồng hơi thở nhẹ như gió thoảng kia là sự sống của Thiên Chúa chăng?
2. Người Canh tân bộ mặt địa cầu:
Thần Khí luôn luôn đi đôi với những gì là đổi mới, là tái tạo là cởi mở và giải thoát, là sai đi và qui tụ. Người là tác nhân không mệt mỏi luôn canh tân và hiện tại hóa mọi sự. Từ một đám đông gồm nhiều thành phần khác nhau, Người làm nẩy sinh và khơi dậy sự hiệp nhất và cả tình hiệp thông.
Là nguồn sự sống không bao giờ cạn kiệt, Thần Khí không ra khỏi thế giới sau hành động ban đầu còn ghi trong sách Sáng thế. Và cũng vậy, sự can thiệp “ồn ào” của Người nơi các môn đệ hoảng sợ đến tê liệt, không phải là lễ Hiện Xuống duy nhất và cuối cùng, chỉ gợi cho lòng ta luyến tiếc mỗi khi nhớ lại mà thôi Thiên Chúa không ngừng gởi hơi thở của Người đến và ta vẫn còn có thể nghe biết Người, tuy không biết hơi thở từ đâu đến và sẽ đi đâu. Thế nhưng, người ta có thể cảm nhận rõ sự hiện diện và hoạt động của Người đem lại hiệu quả thực sự. Thần Khí mở toang mọi cánh. Người làm cho người ta phải bung ra khỏi những bức tường khép kín và giã từ những tổ ấm được coi là an toàn, vững chắc và đạo đức phô trương.
Thần Khí đánh thức, chỉ trích và uốn nắn. Người dứt ta ra khỏi niềm luyến tiếc về quá khứ, khỏi nỗi nhớ nhung tìm lại “thiên đường đã đánh mất” để hòa nhập với hiện tại luôn biến chuyển như bãi phù sa, cho lòng ta tràn đầy hy vọng để chuẩn bị cho ngày mai. Thần Khí làm trẻ lại những con người trì trệ, khiến người bại liệt đứng dậy và chạy nhảy. Người ban cho những ai bị suy sụp tinh thần vì thứ tôn giáo sợ sệt, vì thứ lề luật cứng ngắc và mù quáng và vì những mớ giáo lý khô khan, tìm lại được can đảm, mạnh bạo về niềm vui. Thần Khí dẫn ta vào cốt lõi của Thiên Chúa, và của con người: tức là chân, thiện, mỹ, nghĩa là mối quan hệ hoàn hảo, sự truyền thông thành công, sự hiệp thông. Thần Khí không phải là Thiên Chúa tự hiến mình đó sao? Và hoa quả đầu tiên mà người đem đến cho kẻ tiếp nhận Ngươi, không phải là đức ái đó sao?
Cũng phải kể là dấu chỉ của Thần Khí, khi tính đồng nhất nhường chỗ cho sự hiệp nhất, khi tính đa dạng được canh tân nhờ những ân huệ và đặc sủng, nhờ những chức năng và hoạt động, đẩy lui được những cám dỗ muốn thống trị và độc quyền, tính cạnh tranh là ghen tuông, tính tự tôn và những phán quyết không thể thay đổi. Thần Khí là sự dịu hiền và là sức mạnh, là nước và ánh sáng, là quyền năng và êm ái. Người là tiếng thì thầm và là gió bão, là lửa cháy. Người canh tân bộ mặt trái đất.
3. Chúa Thánh Thần hiện tại hóa sự hiện diện của Đấng Phục sinh trong đời sống Kitô hữu.
Đức Giêsu hứa sẽ gởi Chúa Thánh Thần đến cho các môn đệ, khi Người “vượt qua” trần thế để về cùng Cha, như vậy chắc hẳn ân huệ của Thánh Linh liên hệ rõ rệt với mầu nhiệm vượt qua. Tiếp nối sự hiện diện hữu hình của Đức Giêsu, giờ đây là một quan hệ khác với người, quan hệ trong Thánh Thần, Đấng được mô tả như là:
– “Paraclet”, Đấng bảo trợ, bênh vực nơi tòa án trong vụ kiện chống các nhân chứng, giống như Đức Giêsu.
– “Thầy chân lý”, giống như Đức Giêsu, chứng nhân của chân lý (18,37). Người được Chúa Cha ban “để ở với anh em luôn mãi” và ở với mọi người được sai đi. Thánh Linh như chính Đức Giêsu, hiện diện bên các môn đệ suốt thời kỳ của Hội Thánh.
Hoạt động của Người nơi các tín hữu được mô tả là:
– Người là tác nhân tạo nên sự trung thành với Lời của Đức Giêsu và Tình yêu của Người.
– Người là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện: “Chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy”.
– Người dần dần dẫn dắt họ tới sự hiểu biết đầy đủ sứ điệp của Đức Giêsu: “Người sẽ giúp anh em nhớ lại mọi điều”. Với tư cách Đấng Bảo Trợ, là Hiện diện, là Ký ức, Thần Khí hiện tại hóa sự có mặt của Đấng Phục sinh trong cuộc sống người Kitô hữu.
135. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt.
HƠI THỞ KHAI SINH GIÁO HỘI
CÁC MÔN ĐỒ TỤ HỌP (20,19-23)
Làm môn đồ là có một sứ mệnh: chúng ta đã biết điều ấy qua diễn từ giã biệt (13,16.20; 15,1-8). Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong thế gian, nay thành sự hiện diện trọn vẹn của Thiên Chúa, phải được các môn đồ nối dài. Tin Mừng Nhất lãm cũng đề cập đến những lần Chúa Giêsu hiện ra cho các nhóm môn đồ: chính lúc bấy giờ Người giao sứ mệnh cho họ (Mt 28, 16-20; Lc 24,47-49; Mc 16,15: không xác thực; xem Cv 1,8).
Nơi Gioan, cuộc hiện ra cho mấy môn đồ đang tụ họp nằm vào chính chiều ngày thứ nhất trong tuần. Các ông tụ họp đâu đó tại Giêrusalem. Về sau chúng ta sẽ biết là Tôma không có mặt lúc ấy. Mọi cửa đều đóng kín vì họ còn bị ám ảnh bởi nỗi sợ người Do thái.
Nhưng không gì ngăn chận được Đấng Phục sinh. Cách thức hiện hữu mới của Người chẳng còn bị chướng ngại vật chất nào cản trở. Chúa Giêsu đột nhiên đứng giữa họ. Trình thuật Luca 24,36-49 rất giống với trình thuật Gioan ở chỗ này. Các môn đồ thoạt tiên kinh hãi rồi được Chúa Giêsu trấn an. Người không nói như ngày xưa: Chính Ta đây… (6,20), vì sự hiện diện của Người từ nay thuộc một trật tự khác, sự hiện ấy đem lại bình an (14,27) và vui mừng (16, 20-24; 17,13). Lời chào theo thói quen: Bình an cho các con! ở đây vượt quá ý nghĩa thông thường của nó. Chúa Giêsu chúc và ban cho họ một sự bình an và một niềm vui đặc biệt, khả dĩ giup họ thắng vượt cớ vấp phạm thập giá và những âm hưởng của nó trong cuộc đời họ (14,17).
Vì không có vấn đề quên! Bởi thế Chúa Giêsu trỏ cho xem các dấu vết Tử nạn của Người. Nơi Lc 24, 36-49, Chúa Giêsu đưa tay và chân chứ không đưa cạnh sườn, vì Luca đã chẳng nói đến nhát lưỡi đòng trong trình thuật Tử nạn của ông; vả lại trình thuật của ông chú tâm đến thực tại Phục sinh hơn: các môn đồ đã không thể chỉ tin vào lời nói của mấy người đàn bà, họ chỉ tin khi Chúa Giêsu hiện ra cho Phêrô và sau đó trỏ cho các sứ đồ còn đang sợ hãi xem tay chân của người cùng bắt đầu ăn trước mặt họ. Và kết luận của Lc là Người đã sống lại thực. Nơi Gioan, Chúa Giêsu đưa tay và cạnh sườn Người trong cùng mục đích ấy: chúng ta không đứng trước một hồn ma một sản phẩm của trí tưởng tượng đâu? nhưng đồng thời thánh sử muốn nhấn mạnh rằng sự phục sinh giả thiết phải có thập giá. Thap giá không thể loại trừ khỏi tư tưởng, phủ nhận như một giấc mộng hãi hùng. Cầu mong họ được bình an, thứ bình an trước hết liên hệ tới Người (16, 33) để họ học hiểu thập giá theo Kitô giáo!
Sau đó, mặc dầu thấy các môn đồ tràn ngập vui mừng, Người cũng lặp lại một lần nữa: Bình an cho các con! Việc lặp lại này chứng tỏ đây không phải là một công thức thông lệ, đồng thời cho thấy bình an được cầu chúc là thứ bình an tích hợp mọi dau vết của cuộc Tử nạn, và như thế vượt quá bình an thông thường. Niềm đau chia ly không thể biến thành một nỗi mong thoáng qua, quên đi cuộc Tử nạn. Không, nỗi đau đó phải trở nên một niềm vui bền vững, nhờ đau khổ mà chín mùi, niềm vui của Chúa Giêsu cũng như niềm vui của họ, niềm vui không một ai cướp mất (16, 20-22). Niềm vui ấy là niềm vui của mùa gặt phát sinh từ nỗi gian khổ, cơ cực cửa Tử nạn (4,38; 17,13). Thật vậy, Chúa Giêsu giơ đây đến trao cho họ sứ mệnh Cha đã giao phó cho Người: Như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các con. Các hạn từ gần giống như trong lời nguyện thượng tế (17, 18). Chúa Giêsu ra đi, nhưng thực tại thần linh mà Người mang tới và hien thân, vẫn ở trong họ và bên họ. Phận sự của họ là từ nay mang nó đến cho thế gian còn bỏ hoang. Cảnh này quả tóm tắt và thể hiện tư tường của diễn từ giã biệt vậy (x.Mt 28, 19- 20).
Nhưng nếu đã phải có phần khí trợ giúp, các môn đồ mới hiểu được “chân lý”, thì huống là việc làm cho kẻ khác hiểu, họ lại cần Ngài phụ lực biết bao. Như Thiên Chúa đã thổi hơi sự sống vào con người đầ u tiên (St 2,7; Kn 15, 11), hôm nay Chúa Giêsu cũng thổi Thần khí vào các môn đồ để tái tạo họ cho sứ mệnh mới. Việc tuôn đổ Thần khí ở đây không hẳn có nghĩa là việc tái sinh họ trong Nước Thiên Chúa và trong sự sống (3, 3-8) cho bằng là chỉ sứ mệnh đã trao cho họ: sứ mệnh đem bao kẻ khác vào chính sự sống này.
Vì cùng với Thần khí, họ được ban quyền tha và cầm giữ tội trong Lc cũng vậy (24,47), việc loan báo đức tin có mục tiêu tha tội và có đối tượng là mọi dân nước. Trong Mt 16, 19, quyền trên được hứa cho Phêrô; trong Mt 18, 18, quyền năng cởi buộc ấy được ban cho Giáo hội. Thuật ngữ pháp lý bao hàm cả quyền phán xét. Nơi Gioan 20,23, cầm giữ đối nghịch với tha thứ (Mc 7,8; x.Hc 28, 1: diatôrein). Trong tư tưởng thánh sử, quyền này là một tia sáng chói lọi của Con Người (Mc 2, 5 và ss; Lc 7, 47- 48), Đấng từ nay được đặt làm thẩm phán (Ga 3, 19; 5, 27; 9, 39; 12, 31- 32; 17, 2). Thành ra các môn đồ nhận được ở đây một quyền xét xử thật sự; họ tham dự quyền tài phán cánh chung của Con Người là Chúa Giêsu. Thế thật hữu lý khi Giáo hội coi lời Chúa Giêsu nói đây như nền tảng của quyền tha thứ tội lỗi bằng bí tích cáo giải. Nhưng tại sao thanh sử, mà trọng tâm tư tưởng là việc mặc khải, định nghĩa ở đây sứ mệnh các môn đồ bằng quyền xét xử chứ không bằng việc loan báo lời (17, 9- 21)? Người ta có thể ngạc nhiên về điều đó. Nhưng chắc chắn là Gioan ghi lại những lời của chính Chúa Giêsu. Trong Lc 24,47, Chúa Giêsu không nói đến việc tha tội; trong Mt 28,18 thì Người để ý tới quyền phổ quát và thần linh của mình. Như đời sống và giáo huấn của Chúa Giêsu (9,39), việc rao giảng Tin Mừng đem lại sự chia rẽ trong thế gian. Các môn đồ được công bố là có thẩm quyền phân biệt xem ai đáp lại sứ điệp; họ được quyền phán xét sau cũng như trước khi người ta lãnh phép rửa tội. Dĩ nhiên quyền này không độc lập với việc rao giảng, vì xét cho cùng chính “chân lý” mới giải phóng khỏi ách nô lệ tội lỗi (8,32-34) và biến cải nên tinh tuyền (13, 10; 15,3). Lc 24,47 nhấn mạnh rnối dây liên kết chặt chẽ việc công bố đức tin.và quyền xét xử nhưng xem ra thiên về điểm đầu hơn. Trong Mt 28, 18- 20 quyền được trao ban bao gồm việc loan báo đức tin, quyền thanh tẩy và trông coi việc giữ các giới luật. Tư tưởng Gioan đặc biệt nhấn mạnh đến quyền tài phán của các môn đồ, được xem như một tia sáng của quyền Con Người.
Người ta tự hỏi tại sao Thần khí đã được ban cho các môn đồ ngay từ Phục sinh, trái ngược với cảm thức của cộng đoàn Kitô giáo sơ khai là đặt việc tuôn đổ Thần khí vào lễ Ngũ tuần (Cv 2, 1-4). Luca chỉ nói đến một lời hứa sẽ được thực hiện vào lễ Ngũ tuần. Nhưng ông có thể đưa về phần thứ hai của tác phẩm mình, tức sách Cv.; còn Gioan thì không. Vậy phải chăng ta có thể coi Thần khí như một sản phẩm có điều kiện? Được ban theo lượng theo liều? Thật ra, việc chia sẻ Thần khí được thực hiện từ từ. Ngài đâu phải là một chân lý tĩnh, đặt trong túi như một đồ vật đáng giá. Đối với Kitô hữu, thần khí là sự sống tuyệt hảo. Ngài không ngừng được phân phối, vào lễ Ngũ tuần và sau đó trở đi. Việc tuôn tràn vào lúc Phục sinh, Hiện xuống và sau đó đều là những dấu hiệu của cùng một thực tại mà, từ lúc Chúa Giêsu được tôn vinh (7,37-39), đã cách mạng cả thế giới. (3, 3-8). Lối phân biệt việc ban Thần khí vào lúc Phục sinh và Hiện xuống chỉ là thứ yếu, nhất là đối với Gioan, vì theo ông, hai biến cố đều thuộc về cùng một Giờ. Tất cả mọi cuộc tuôn đổ Thần khí chỉ là một. Ngày Phục sinh, các môn đồ nhận được Thần khí để chuẩn bị sứ mệnh; Thần khí ấy trở lại trên họ khi dân mới của Thiên Chúa được thiết lập (Cv 2, 1-4); sau đấy Ngài còn tiếp tục giúp đỡ họ không cùng.
Gioan chẳng kể lại ChúaGiêsu giã từ thế nào và môn đồ phản ứng ra sao, không phải vì ông muốn qua đó ngụ ý sự hiện diện thường xuyên của Chúa Giêsu nhờ Thánh Thần (Ga 16,7; x. Mt 28,20) nhưng vì muốn tuân theo một cơ cấu văn chương; phản ứng của Maria Mađalêna sau cuộc hiện ra cũng bỏ qua không bàn đến.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1) Khi công trình Chúa Cha trao phó cho Chúa Con thực hiện trên trần gian đã hoàn tất (x. Ga 17,4), Chúa Thánh Thần được phái đến trong ngày lễ Ngũ tuần để thánh hoá Giáo hội mãi mãi, và như thế những ai tin sẽ được tới cùng Chúa Cha qua Chúa Kitô trong Giáo hội duy nhất (x. Ep 2,18). Chính Ngài là Thánh Thần ban sự sống, là mạch nước vọt lên vĩnh cửu (x. Ga 4,14; 7,38-39); nhờ Ngài, Chúa Cha hồi sinh những kẻ đã chết vì tội lỗi, đợi đến phục sinh thân xác hay chết của họ trong Chúa Kitô (x. Rm 8,10-11). Chúa Thánh Thần ngự trị trong Giáo hội và trong tâm hồn các tín hữu như ngự giữa đền thờ (x. 1Cr 3,16). Trong họ, Ngài cầu nguyện và chứng nhận họ là dưỡng tử (x. Gl 4,6; Rm 8,15). Ngài dẫn đưa Giáo hội bằng muôn ơn theo phẩm chức và đoàn sủng; trang điểm Giáo hội bằng hoa quả của Ngài (x. Ep 4,11-12). Nhờ sức mạnh Tin mừng, Ngài làm tươi trẻ, không ngừng canh tân và dẫn đưa Giáo hội đến kết hợp hoàn toàn với Phu Quân mình. Thực vậy, Chúa Thánh Thần và Hiền Thê nói cùng Chúa Giêsu Kitô rằng: “Xin hãy đến” (x. Kh 22,17) (trích Hiến chế về Hội Thánh số 4).
2) Từ nay Chúa Kitô hoạt dộng trong lòng con người nhờ quyền năng Thánh Thần của Người, không những bằng cách khơi dậy những khát vọng đời sau, nhưng còn từ những khát vọng đó cổ vũ, tinh luyện và củng cố những ước vọng quảng đại thúc đẩy gia đình nhân loại biến cải cuộc sống của mình trở nên nhân đạo hơn và quy phục trái đất về cùng mục đích ấy. Quả thực ơn Chúa Thánh Thần tác động mỗi người mỗi khác: có những người được gọi làm chứng nhân tỏ tường cho sự mong đợi quê trời, bảo tồn chứng tá sống động trong gia đình nhân loại; một số khác được gọi để hiến thân phục vụ con người trong phạm vi trần thế, dùng sự phục vụ ấy chuẩn bị chất liệu cho Nước Trời. Ngài giải thoát tất cả để sau khi bỏ lòng vị kỷ và tập trung mọi năng lực trần thế cho cuộc sống con người, tất cả hương về ngày mai, ngày mai mà nhân loại sẽ trở nên của lễ đẹp lòng Thiên Chúa (Trích hiến chế Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 38).
136. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
THẦN KHÍ CỦA ĐẤNG PHỤC SINH
1. Vào chiều phục sinh, Chúa Giêsu đã hai lần chúc cho các tông đồ đang hội họp (có lẽ tại nhà Tiệc ly): “Bình an cho các con”, và giữa hai lần chúc này, Ngài tỏ cho họ thấy dấu đinh nơi chân tay và vết đâm cạnh sườn Ngài. Lời cầu chúc trước và sau khi nhắc lại cuộc tử nạn xem ra rất phù hợp với một ý hướng đặc biệt của Chúa Giêsu. Thật vậy, việc lặp lai lời chúc này cho thấy đây không phải là một công thức chào hỏi thông thường, như là thứ bình an hòa lẫn với các dấu vết cuộc tử nạn, và như thế vượt quá bình an thông thường. Nỗi đau khổ biệt ly không thể biến thành một niềm vui chóng qua làm ta quên mất cuộc tử nạn. Nỗi khổ đau ấy phải trở nên một niềm vui hằng cửu, được chín mùi trong đau khổ; đó là niềm vui của Chúa Giêsu cũng như của các môn đệ, thứ niềm vui không ai có thể cướp mất được (16,20-22). Niềm vui này là niềm vui của mùa gặt, kết quả của sức cần lao và khổ cực của cuộc tử nạn (4,38; 17,13).
2. Nếu phải có thần khí trợ giúp, các môn đệ mới hiểu được “chân lý” huống hồ để làm cho người khác hiểu chân lý, các ông phải cần đến thần khí dường nào nữa. Cũng như Thiên Chúa đã thổi hơi sự sống cho con người đầu tiên (St 2,7; Kng 15,11). Cũng vậy, Chúa Giêsu hôm nay thổi Thánh thần, hơi thở Thần linh cho các môn đệ (ruah trong tiếng Hy bá, và pneuma trong tiếng Hy lạp đều có nghĩa: hơi thở, gió). Giờ đây, họ được tái tạo để thi hành sứ mệnh. Việc trao ban thần khí ở đây không chủ yếu nói lên việc tái sinh các môn đệ trong nước trời và trong sự sống siêu nhiên (3,3-8), nhưng nhằm đến sứ mệnh được trao cho họ: sứ mệnh thôi thúc kẻ khác đến cùng chính sự sống ấy.
3. Tại sao Thần khí đã được trao ban cho các môn đệ ngay từ ngày Chúa phục sinh, trong lúc đó Giáo hội sơ khai cho rằng Thần khí được tuôn tràn trong dịp lễ Ngũ tuần (Cv 2,1-4). Lc chỉ nói đến một lời hứa sẽ được thực hiện vào lễ ngũ tuần (Lc 24,49), nhưng ông đưa về tác phẩm thứ hai của ông là sach Cv, còn Gioan thì không. Như vậy thần khí phải chăng là một sản phẩm có điều kiện? hoặc thần khí được trao ban cách “nhỏ giọt”?
Đã có nhiều câu giải đáp. Sau đây là hai cách giải đáp khá hấp dẫn:
a. Theo một vài tác giả, thật là sai lầm khi muốn dung hòa Gioan và Cv, bằng cách giả thiết Gioan nói đến việc trao ban Thần khí lần thứ nhất, còn Lc nói đến việc trao ban Thần khí lần thứ nhì. Không có một dấu chỉ nào cho thấy hai tác giả cua hai tác phẩm này biết tới hoặc để ý tới vấn đề mà tác giả kia bàn đến. Và như tế người ta có thể nói mỗi tác giả đều mô tả cùng một biến cố: chỉ có một thần khí được Đấng phục sinh và lên trời trao ban cho các mon đệ. Nhưng hai tác giả phúc âm đã diễn tả cách khác nhau tùy khuynh hướng, thần học riêng của mỗi người. Chúng ta không thấy hiện tượng các tác giả trình bày khác nhau cùng một biến cố thuộc sứ vụ Chúa Giêsu đó sao? Đặc biệt Gioan và Cv chỉ định hai thời gian khác nhau cho việc trao ban cùng chính một thần khí không phải là một chướng ngại bất khả vượt. Như nhiều kẻ đã lưu ý, ngày giờ mà Chúa Giêsu hiện ra lần đầu tiên cho các môn đệ, theo Gioan ghi chép, chỉ có tính cách giả tạo, vì hình như Galilê mới là nơi được hẹn để hiện ra lần đầu tiên hơn là Giêrusalem (x. Mc 16,7 và Mt 28,7), và nếu vậy thì đương nhiên loại bỏ việc xem ngày chúa nhật Phục sinh như là ngày Chúa hiện ra lần đầu tiên. Còn sách Cv lại mang nhiều yếu tố biểu tượng trong việc chọn ngày lễ Ngũ tuần, vì Lc dùng (như là hậu cảnh) chủ đề giao ước Sinai, chủ đề mà ông sẽ nối kết với lễ ngũ tuần khi diễn tả việc thần khí đến. Dù sao, có thể Lc đã giữ lại một kỷ niệm xác thực về việc Thần khí lần đầu tiên đã hiện xuống trên cộng đoàn tiên khởi vào một ngày lễ ngũ tuần nào đó. Điểm đáng chú ý là hai tác giả đều đat việc trao ban thần khí sau khi Chúa Giêsu đã về với Chúa Cha, dù hai ông đã quan niệm việc về cùng Cha cách khác nhau. Vì thế, với một ít lý do xác đáng, ta có thể nói Ga 20,22 trình bày “lễ hiện xuống” theo nhãn quan Gioan (Pêntêcôte johannique).
b. Cách giải đáp thứ hai theo một đường khác, có tính cách thần học hơn là chú giải. Một số tác giả quan niệm việc trao ban thần khí được thực hiện cách tiệm tiến. Thần khí không phải là một chân lý tĩnh, để trong túi như một đồ vật quí giá. Đối với tín hữu, Thần khí là sự sống tuyệt hảo. Ngài được trao ban không ngừng không những vào dịp lễ ngũ tuần, mà sau đó nữa. Việc tuôn tràn thần khí dịp phục sinh, Hiện xuống và các dịp sau đó đều là những dấu chỉ của cùng một thực tại đã biến đổi thế giới (3,3-8), từ khi Chúa Giêsu được tôn vinh (7,37-39). Việc phân biệt hai lần trao ban thần khí và lễ phục sinh và lễ ngũ tuần chỉ là phu tùy, nhất là đối với Gioan, vì theo ông, hai biến cố này phát xuất từ cùng một “giờ”. mọi cuộc tuôn đổ thần khí chỉ là một. Ngày phục sinh, các môn đệ nhận thần khí để thi hành sứ mệnh; Thần khí trở lại trên họ khi dân mới của Thiên Chúa được thiết lập (Cv 2,1-4) và sau đó Thần khí tiếp tục phù trợ họ.
Thật khó mà biết phải chọn lối giải thích nào. Dù sao đây là vấn đề phụ thuộc, vì những thế hệ Kitô hữu đầu tiên không mấy lưu tâm đến vấn đề, bởi lẽ họ thâu nhận vào trong kinh điển các sách linh ứng cả hai cách trình bày việc trao ban Thần khí.
4. Quyền tha tội và cầm tội trao ban ở đây cho các tông đồ và những người kế vị trong Giáo hội Đức Kitô, được diễn tả rõ ràng qua chính những lời của Chúa; mà truyền thống Kitô giáo luôn công nhận, chính những lời của Chúa; mà truyền thống Kitô giáo luôn luôn công nhận như là lời thiết lập bí tích cáo giải. Đó là điều đã được công đồng Tridentinô định tín (Ds 1670,1703) chống lại phái Luthêrô; những người này chỉ cho đó là quyền rao giảng sự tha tội cho các tín hữu hối cải ăn năn.
KẾT LUẬN
Cũng như đã được Cha sai, Chúa Giêsu sai các môn đệ vào trong thế gian để tiếp tục công việc của Ngài. Những lời nói của Ngài đây cũng chính là những lời Ngài đã dùng trong lời nguyện hiến tế ở chương 17 (c.8). Lần này nói cho các tông đồ, các lời ấy củng cố họ trong ơn gọi họ. Từ đây các ngài ra mắt với thế gian nhân danh Đức Kitô Phục sinh và trong quyền năng của thần khí.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Khi thông ban thần khí Ngài cho các tông đồ, Chúa Giêsu đã thổi hơi trên họ và phán: “Hãy lãnh nhận Thánh Thần”. Cử chỉ của Chúa Giêsu tiếp nối một trong những đề tài được ưa chuộng nhất trong Thánh Kinh: Thánh Thần, hơi thở của Thiên Chúa. Và có lẽ đây là hình ảnh minh bạch nhất để nói về Thần Khí: Ngài giống như luồng gió thổi.
Người ta không thấy gió, không biết nó đi từ đâu và ngừng lại chỗ nào. Dĩ nhiên, nhà khí tượng học có thể đưa ra cho chúng ta nhiều lý thuyết về việc phát sinh và tàn lụi của các trận bão. Nhưng người đang bị gió bão cuốn đi thì chỉ có một ấn tượng mình bị bao bọc bởi một cái gì huyền bí và mãnh liệt. Thật vậy, gió rít gào và gầm thét. Gió bẻ gãy, uốn cong và bứt tung. Chính gió chở mây, mang bụi. Chính gió tàn phá và làm cho đất được hoa màu. Đó là chủ tể của sự sống. Khi thì tưới mát, lúc thì đốt thiêu. Chúng ta không thấy được gió, chỉ nhận ra nó qua bao hiệu quả muôn vàn.
Hơi thở của thần Thiên Chúa cũng vậy, Ngài hung hăng len lỏi khắp nơi. Ngài bẻ gãy, bứt tung, tàn phá những gì trong chúng ta đang chống lại tình yêu (dĩ nhiên với điều kiện chúng ta chiều theo hoạt động của Ngài, vì Ngài bất lực trước tự do của con người từ khước) và Ngài cũng làm tươi mát, biến đổi nên phì nhiêu những tâm hồn phó thác cho hoạt động của Ngài. Hơi thở của Thiên Chúa không ngừng thổi trong tâm hồn chúng ta: ngọn gió của Thiên Chúa sẽ đưa chúng ta đến nhà Cha hay không là tùy chúng ta.
2. “Các môn đô mừng rỡ”: nỗi vui mừng này là do việc thấy lại Chúa sau khi quá chán nản thất vọng. Họ đã hy vọng vào Chúa Giêsu, nhưng thập giá đã làm cho họ nản lòng, và này đây Ngài lại hiện ra sống động, niềm hy vọng lại được đảm bảo và củng cố. Nỗi vui mừng ngập tràn. Điều này nhắc lại cho chúng ta nhớ rằng Thánh Thần Chúa Giêsu ban là thần khí của niềm vui.
Tin mừng mở ra với một mầu nhiệm vui: Thánh Thần, ngay từ đầu cuộc hiện hữu nhân loại cùa Chúa Giêsu, đã tạo nên hai niềm vui lớn: Elizabet chị họ Đức Maria, nhảy mừng vì được Mẹ Đấng cứu thế viếng thăm; và Maria, dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần hát lên niềm vui của mình trong kinh Magnificat. Ít lâu sau đó, các thiên thần loan báo cho các mục đồng một cuộc đản sinh gây bao phấn khởi vui mừng cho cả toàn dân. Thánh Gioan cũng nói “Abraham cũng hân hoan khi nghĩ đến ngày xuất hiện hoa quả của thánh thần, ông đã được thấy và đã reo mừng (Ga 8,56). Chúng ta có vui được niềm vui của kinh Magnificat vì thánh Thần làm phát sinh trong ta niềm tin vào Đức Kitô không? Ngược lại hãy thử tưởng tượng: nếu không có đức tin vào Đức Kitô, đức tin do Chúa Thánh Thần phát sinh trong ta, thì chúng ta sẽ buồn bã biết chừng nào.
3. Chúa Giêsu nói cùng các môn đệ: “Hãy lãnh nhận Thánh Thần”. Có nên giới hạn ý nghĩa lời Đức Kitô đây trong câu chuyện ghi lại các lần hiện ra không? Không! Chúa luôn nghĩ đến sự hiện diện thường xuyên của Ngài trong Giáo hội nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Thời gian của Giáo hội là thời gian Thánh Thần hiện diện trong the giới. Chúng ta có vui mừng khi nghĩ rằng Thánh Thần làm cho Chúa Giêsu hiện diện trong đời sống chúng ta không?
4. Thiên Chúa ban cho chúng ta không những chỉ các hồng ân thụ tạo và đầy giới hạn của Ngài, nhưng còn ban chính mình Ngài, với tự do của tình yêu Ngài, với vinh phúc của cuộc sống Ba Ngôi. Ân huệ cao vời này, chúng ta gọi là Thánh Thần. Ngài thuộc về chúng ta. Ngài hiện diện trong mỗi tâm hồn kêu cầu Ngài với lòng khiêm nhường và tin cậy Ngài thuộc về chúng ta đến nỗi người ta không thể nói con người là gì mà không thêm yếu tố này là Thiên Chúa cũng đã là một thành phần trong sự hiện hữu của con người. Thiên Chúa đã trở thành Thiên Chúa của chúng ta. Đó là tất cả sứ điệp của lễ Thánh Thần hiện xuống.
137. Chú giải của William Barclay.
CHÚA KITÔ SAI PHÁI (Ga 20,19-23)
Có lẽ các môn đệ vẫn tiếp tục họp tại phòng cao, nơi đã tổ chức Bữa Tiệc Ly. Nhưng họ đã họp mặt trong bầu khí đầy sợ hãi. Họ kinh hoàng vì đã biết sự cay cú độc ác của dân Do Thái vừa giết Chúa, và các môn đệ sợ rằng tiếp theo sẽ tới phiên họ. Họ đã họp lại trong sợ hãi, sợ từng tiếng chân đi ngoài hành lang, từng tiếng gõ cửa, e có tay sai của Tòa Công Luận đến bắt họ. Đang lúc đó, thình lình Chúa Giêsu hiện ra giữa họ, Ngài chào họ bằng lời chao thông thường của người Phương Đông: “Chúc anh em được bình an”. Câu ấy mang ý nghĩa nhiều hơn là: “Cầu mong cho anh em khỏi lo lắng bối rối”. Nó có nghĩa: “Nguyện Thiên Chúa ban cho anh em mọi điều tốt lành”. Sau đó Chúa Giêsu ban cho môn đệ một mệnh lệnh, sự sai phái mà Hội Thánh chẳng bao giờ được quên.
1) Ngài phán rằng Chúa Cha đã sai Ngài thế nào, Ngài cũng sai phái họ y như vậy. Đây là điều mà Westcott đã gọi: “hiến chương của Hội Thánh”. Nó có ba nghĩa.
a/ Chúa Giêsu cần Hội Thánh. Đúng như thánh Phaolô muốn nói khi ông gọi Hội Thánh là “thân thể của Chúa Kitô” (Ep 1,23; 1Cr 12,12). Chúa Giêsu đã đến với một sứ điệp cho mọi người, bây giờ Ngài trở về cùng Chúa Cha. Sứ điệp ấy sẽ chẳng bao giờ đến được với mọi người nếu Hội Thánh không loan truyền. Hội Thánh phải là cái miệng nói thay cho Chúa, là đôi chân đi những nơi Ngài cần đến, là đôi tay để làm công việc của Ngài. Sứ điệp của Chúa Kitô được đặt vào tay Hội Thánh. Vậy ý nghĩa nhất trong câu chuyện này là Chúa Giêsu tùy thuộc vào Hội Thánh.
b/ Hội Thánh cần Chúa Giêsu. Một sứ giả cần có người phái mình đi, cần có sứ điệp để mang đi, cần một thế lực, một thẩm quyền để hậu thuẫn cho sứ điệp mình mang đi, người ấy cần có người để nhờ cậy khi nghi ngờ và gặp khó khăn. Vì thế, Hội Thánh cần Chúa Giêsu. Nếu không có Ngài, Hội Thánh sẽ không có sứ điệp, không có năng lực, không có ai để nương cậy khi bị chống đối, không có gì để soi sáng cho tâm trí, thêm sức cho đôi tay, khích lệ cho tâm hồn. Vậy, câu này có nghĩa là Hội Thánh lệ thuộc vào Chúa Giêsu.
c/ Nhưng ở đây vẫn còn một điểm khác nữa. Việc Hội Thánh được Chúa Giêsu sai phái song song với việc Ngài được Chúa Cha sai phái. Không ai đọc tường thuật của sách Gioan mà không thấy tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha luôn luôn dựa trên sự vâng phục trọn vẹn và tình yêu trọn vẹn của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu làm sứ giả của Chúa Cha, chỉ vì Ngài vâng phục và yêu mến Chúa Cha cách trọn vẹn. Do đó Hội Thánh cũng chỉ làm sứ giả, công cụ cho Chúa Giêsu khi Hội Thánh yêu mến và vâng phục lời Ngài thật sự trọn vẹn. Hội Thánh không thể ra đi với các chính sách nhân tạo của mình mà phải theo ý của Chúa Giêsu. Bất cứ lúc nào cố ý dựa vào sự khôn ngoan và năng lực riêng để giải quyết vấn đề mà không tìm ý muốn và hướng dẫn từ nơi Chúa Giêsu, Hội Thánh sẽ thất bại.
2) Chúa Giêsu hà hơi trên các môn đệ để ban Thánh Thần. Khi nói như vậy chắc chắn Gioan đang nhớ lại câu chuyện sáng tạo con người. Tác giả xưa đã viết: “Thiên Chúa bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sinh khí vào lỗ mũi, thì con người trở nên một loài sinh linh” (St 2,7). Đó cũng chính là bức tranh mà Êdêkiên đã thấy trong thung lũng đầy hài cốt khô, ông nghe Chúa phán với gió: “Hỡi hơi thở, hãy đến từ gió bốn phương, thở trên những người bị giết, để cho chúng được sống” (37,9). Khi Thánh Thần đến, có sáng tạo mới, như đánh thức sự sống từ trong cái chết. Khi Thánh Thần xuống trên Hội Thánh, Hội Thánh được đánh thức và tái tạo để thi hành nhiệm vụ của mình.
138. Lễ Hiện Xuống
(Bài giảng của Lm. Giuse Nguyễn Thành Long – Bài Giảng dành cho Thiếu Nhi)
Các em Thiếu Nhi thân mến!
– Thường khi mừng Sinh Nhật hay Bổn Mạng của mình, các em thường được tặng những món quà gì?
– Có khi nào các em nhận được món quà là một con người không?
Chúa Giêsu tặng ban cho con người nhiều quà tặng, nhưng trong đó, có một quà tặng lớn lao không phải ân huệ hay sự vật mà là chính Chúa Thánh thần. Nếu Chúa Giêsu là quà tặng của Chúa Cha cho con người, thì Chúa Thánh Thần là quà tặng của Chúa Giêsu Phục sinh cho nhân loại.
– Thực sự thì Chúa Thánh Thần đã được Chúa Giêsu Phục Sinh trao ban khi nào? Khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ vào ngày thứ nhất trong tuần, tức là ngày Chúa Nhật Phục sinh.
– Hình ảnh mà thánh Gioan sử dụng đó là hình ảnh gì?
Thở hơi trên các môn đệ. Hơi thở gợi nhắc cho ta câu chuyện gì trong Cựu Ước? Câu chuyện tạo dựng con người: sau khi nắn hình hài Ađam, Thiên Chúa đã thổi hơi vào lỗ mũi và Ađam thành con người sống động. Như vậy, hơi thở tượng trưng cho sự gì? Sự sống. Muốn sống thì phải thở. Còn thở thì còn sống. Hết thở thì chết. Vì thế, việc Chúa Giêsu thở hơi trên các môn đệ muốn nói lên rằng Ngài muốn trao ban Thánh Thần để làm nên một cuộc tạo dựng mới, với sự sống thần linh, sự sống của Chúa Thánh Thần.
Hiệu quả của sự sống thần linh đó là gì? Đó là ơn tha tội và ơn đựơc tái sinh làm con cái Thiên Chúa.
– Thế còn một hình ảnh nữa mà thánh sử Luca nói đến trong sách Công Vụ Tông đồ là hình ảnh nào? Gió và lửa.
– Lửa gợi nhắc câu chuyện gì trong Cựu Ước? Câu chuyện Chúa thần hiện ở trên núi Xinai, ở đó Thiên Chúa thiết lập giao ước với dân Israel làm cho họ thành dân riêng của Ngài. Nay cũng qua hình ảnh gió và lửa, Thiên Chúa cũng muốn thành lập một dân mới là Hội Thánh Người.
– Lửa mà sách Công Vụ Tông đồ mô tả có hình dáng như cái gì vậy? Hình dáng như những cái lưỡi.
– Đậu xuống ở đâu? Đậu xuống trên đầu các Tông đồ. Đậu xuống trên đầu mà tóc có bị cháy sém không?
– Tại sao lửa lại có hình dáng như những cái lưỡi? Lưỡi tượng trưng cho điều gì? Muốn nói được thì phải có cái gì? Cái lưỡi. Không có lưỡi người ta sẽ không nói được, hay lưỡi bị ngắn, lập tức người ta sẽ bị ngọng. Vậy hình lưỡi lửa tượng trưng cho ơn ngôn ngữ. Quả vậy ngay sau khoi nhận ơn Chúa Thánh Thần, các môn đệ bắt đầu nói các thứ tiếng lạ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, cả tiếng Lào, tieng Campuchia nữa không chừng. Điều này khiến cho nhiều người ngỡ ngàng không hiểu các Tông đồ học ngoại ngữ từ lúc nào.
Hiệu quả đó là các môn đệ đã trở thành chứng nhân ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi người, nhằm thiết lập một dân mới, dân bao trùm hết mọi nước. Đó là Hội Thánh Chúa.
Vậy sứ điệp của ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta điều gì? Mời gọi ta hai điều:
1. Ý thức sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và các ân huệ của Ngài trong tâm hồn mình.
– Các em có thường nhớ đến Chúa Thánh Thần không? Có người cả đời không hề nhớ đến sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Thật đáng trách!
– Các em có năng cầu nguyện với Chúa Thánh Thần để xin Ngài thánh hoá và đổi mới không? Chúa Thánh Thần là ngôi vị Thiên Chúa rất ít được nhớ đến, có khi rất dễ bị lãng quên.
2. Sống theo sự hướng dẫn và tác động của Chúa Thánh Thần, hầu trở nên chứng tá cho Tin Mừng.
Sống chứng tá cho Tin Mừng là sống bác ái yêu thương; sống bao dung tha thứ; sống quảng đại hi sinh….
Có câu chuyện kể rằng: hai người Ailen là hàng xóm với nhau, nhưng cãi nhau suốt. Một người bị bệnh nặng. Bà vợ đón linh mục và nói: “Thưa cha, anh Pat và Mike cãi nhau luôn. Giờ anh gần chết. Cha có cách nào giúp họ làm hòa với nhau không?”
Sau nhiều lần thuyết phục, Pat đồng ý cho gọi Mike đến làm hòa. Và sau ít phút chờ đợi bên giường, Mike nói:
– “Thôi mình huề nghe Pat. Chuyện gì đã qua cho qua đi nhé”.
Pat miễn cưỡng đồng ý. Mike ra về. Nhưng khi Mike ra đến cửa, Pat nhỏm dậy, giơ nắm đấm nói:
– “Tao chỉ huề, nếu như tao chết thôi à nghe!”
Mừng Lễ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong đời sống đạo của mình. Vậy chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần đến biến đổi trái tim chúng ta để luôn biết yêu thương, và hãy cùng cộng tác với Chúa Thanh Thần để đổi mới cuộc sống của mình, nhờ đó cuộc đời chúng ta trở thành chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa. Amen.
139. Suy niệm của Lm. Jos. Vinc. Ngọc Biển
CHÚA THÁNH THẦN – QUÀ TẶNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 16). Thật vậy, từ lòng dạ thương xót của Thiên Chúa, Người yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người cho nhân loại. Đến lượt Đức Giêsu, qua việc nhập thể và nhập thế, cũng như những lời rao giảng và hành động của Ngài, Ngài đã mặc khải và diễn tả xuất sắc lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người. Đường thương xót đó không dừng lại cũng như kết thúc qua việc Đức Giêsu về trời, mà còn tiếp diễn và tồn tại muôn đời. Bởi lẽ, Đức Giêsu đã chuyển trao lòng thương xót ấy nơi Chúa Thánh Thần.
Vì thế, Chúa Thánh Thần chính là quà tặng của lòng thương xót mà Thiên Chúa trao ban cho con người. Nên từ ngày Người hiện xuống, lòng thương thương xót của Thiên Chúa như dòng sông không ngừng chảy đến với mọi người qua các chứng nhân dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
1. Chúa Thánh Thần công khai hóa Giáo Hội bằng lòng xót thương
Khi lần dở các trang Tin Mừng, chúng ta thấy trong suốt hành trình tại thế của Đức Giêsu, Ngài đã ấp ủ, cưu mang công cuộc thiết lập Giáo Hội qua việc dạy dỗ, hướng dẫn các Tông đồ cũng như dân chúng đi trong đường lối thương xót của Thiên Chúa để được cứu độ. Tuy nhiên, con đường đó đã trở nên xa lạ đối với các ông và dân chúng khi họ không hiểu được tâm tư của Thầy Giêsu, bởi vì mục đích của họ không nằm trong chương trình và kế hoạch của Thiên Chúa, mà luôn bám vào những suy tính của trần gian.
Nhưng, đến ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần chính thức công khai hóa Giáo Hội qua ơn ban bình an và lửa mến tràn ngập nơi tâm hồn các Tông đồ, qua đó, các ông đã được biến đổi từ một con người ích kỷ, vụ lợi, kiêu ngạo, sợ hãi, nhát đảm, ham sống sợ chết…, trở nên chứng nhân của lòng thương xót.
Điều này đã được các Tông đồ chứng minh bằng thái độ can đảm, hân hoan, sẵn sàng mở tung cánh cửa đã đóng kín, để ra đi loan báo về lòng thương xót của Thiên Chúa ngang qua Đấng chịu đóng đinh cho mọi người, bất chấp mọi khó nguy, liên lụy và ngay cả cái chết.
Khi nói về mục đích của cuộc đời, thánh Phaolô đã diễn tả: “Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3,8); “Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21)”; nên “Không có gì tách chúng tôi ra khỏi tình yêu của Đức Kitô”; và thánh Phêrô cũng biểu lộ tâm tình hân hoan khi: “được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5, 41).
Vì thế, các Tông đồ luôn coi việc loan báo Tin Mừng là một điều cấp thiết đến độ không thể không thi hành: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.
2. Hoa trái lòng thương xót của Chúa Thánh Thần được triển nở trong đời sống Giáo Hội
Như vậy, kể từ ngày Giáo Hội công khai hóa, các Tông đồ đã cảm thấu và đón nhận lòng xót thương của Thiên Chúa thật dồi dào, nên tâm hồn các ông tràn đầy bình an và lửa sốt mến, khiến các ông đã không giữ lại cho riêng mình, nhưng đã chuyển trao cho mọi người, nhất là những người nghèo khó, bất hạnh, bị áp bức, bất công…
Cũng thế, trải qua dòng thời gian hơn 2.000 năm qua, Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hiện diện và hoạt động cũng như làm cho kho tàng lòng thương xót của Thiên Chúa luôn được tỏa sáng như ngọn hải đăng trên con thuyền của Giáo Hội.
Những dấu ấn ghi đậm sự can thiệp của Chúa Thánh Thần như: Giáo Hội luôn gặp nhiều giông tố, bão bùng, nguy khốn; biết bao kẻ đe dọa, chống phá và muốn hủy diệt Giáo Hội ngay trong trứng nước, từ thời sơ khai và cho đến tận hôm nay! Nhưng Giáo Hội Chúa vẫn hiên ngang, đứng vững, lớn mạnh không ngừng và tồn tại muôn đời.
Sự can thiệp của Chúa Thánh Thần còn được thể hiện cụ thể qua việc biến đổi tâm hồn con người. Vì thế, biết bao người nguội lạnh, khô khan, cố chấp… Nhưng qua một biến cố hay sự kiện nào đó, họ được khai trí mở lòng, nên đã ngoan ngùy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, nhất là cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa trên cuộc đời, lập tức họ đã trở nên những người yêu mến Giáo Hội hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn.
Hay có những người “dốt đặc cán mai”; “chân lấm tay bùn”; hoặc thuộc hạng “cùng đinh” trong xã hội, nhưng sau khi được Chúa Thánh Thần đổ đầy lòng xót thương trên cuộc đời họ, họ đã trở thành những người lỗi lạc, hàn lâm, uyên bác đến lạ thường khi nói và làm chứng về Chúa cho anh chị em…!
Lại có những kẻ trước đây thuộc về thế giới ma quỷ. Sẵn sàng làm đồ đệ cho chúng và ra tay tàn ác với anh chị em đồng loại, thậm chí ngược đãi, chống phá Giáo Hội… Nhưng sau khi được Chúa Thánh Thần thánh hóa và xót thương, nay lại trở thành những chứng nhân Tin Mừng ngay giữa lòng xã hội…
Đây chính là hoa trái lòng thương xót của Chúa Thánh Thần.
3. Hãy làm cho hoa trái xót thương của Chúa Thánh Thần triển nở
Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, mỗi người được đón nhận Chúa Thánh Thần cách dồi dào và phong phú. Tuy nhiên, ơn thánh của Chúa Thánh Thần không chỉ dừng lại trên cá nhân, mà phải sinh hoa kết trái đến với người khác, để mọi người đều được chung chia niềm vui và hạnh phúc như chúng ta.
Vì thế, mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay, mỗi người hãy suy nghĩ và tự cật vấn bản thân xem: đã bao lần ta thờ ơ, khước từ ơn Chúa đến với mình; biết bao lần ta đã đóng chặt ơn Chúa cho riêng bản thân và đã vô cảm trước tiếng kêu gào thống thiết của người nghèo khổ, đói khát cơ bần nơi xó chợ, bãi rác, ngoài công viên, nơi bến xe, gầm cầu…?
Biết bao lần ta đã lựa chọn sự hời hợt, hình thức, tham lam, ích kỷ, vụ lợi, ghen tương, vu khống, kiêu ngạo, thù hận, thiếu niềm tin, lòng trông cậy và yêu mến Chúa trong đời sống đạo? Biết bao lần ta đã phớt lờ tiếng nói của Lương Tâm, để lựa chọn những hành vi tội lỗi không phù hợp với bản chất Công Giáo và giá trị Tin Mừng?
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy tha thiết xin Chúa Thánh Thần ban ơn bình an và lòng thương xót của Người cho chúng ta. Khi có được sự an bình thư thái và ngụp lặn trong tình thương của Thiên Chúa, mỗi người sẽ làm cho hoa trái của Chúa Thánh Thần được triển nở trong tâm hồn và đời sống của chúng ta ngang qua những lựa chọn đầy chất Kitô của mình.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến để biến đối tâm hồn chúng con cho phù hợp với tư cách người môn đệ của Chúa trong lòng xã hội hôm nay. Amen.
140. Chúa Thánh Thần – Đấng Tác Sinh mọi sự
(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.)
Có một câu chuyện kể về vị Giáo sư Triết Học, từng dạy tại nhiều trường đại học như sau:
Ông là người tôn thờ Đạo Ông Bà. Tuy nhiên, ngay từ khi còn nhỏ đến lúc lấy học hàm tiến sĩ Triết Học và thạc sĩ Thần Học, ông đã được ảnh hưởng rất nhiều từ nền giáo dục cũng như nơi ở của Đạo Công Giáo qua các dòng tu. Vì thế, ông luôn dành tình cảm đặc biệt đối với Giáo Hội Công Giáo nói chung và với giới nhà tu nói riêng.
Trong những lần tiếp xúc với người Công Giáo, ông thường hay kể: trong thời gian đi du học tại nước ngoài, sau khi đã lấy xong học hàm tiến sĩ Triết tại đại học Harvard, ông đã quyết định học thêm để lấy bằng thạc sĩ Thần Học. Tuy nhiên, cái khó của ông, đó là: muốn học Thần Học, phải có Đức Tin. Không có Đức Tin là một điều vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là vô lý! Lúc đó, ông cảm thấy bế tắc!
Tuy nhiên, nhớ đến vai trò của Chúa Thánh Thần mà đã nhiều lần ông được nghe biết đến! Nên ông đã quỳ gối để cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng và giúp ông hiểu được những chân lý, mầu nhiệm của Thiên Chúa qua các môn học Thánh Khoa. Quả thật, khi cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, mọi vấn đề được khai sáng. Vì thế, ông không ngần ngại xác nghiệm vai trò của Chúa Thánh Thần bằng câu nói rất dí dỏm nhưng đầy xác quyết như sau: “Mỗi khi khó khăn, hãy cầu xin với ‘Đồng Chí Thánh Thần’ là mọi chuyện sáng ra hết”. Ông còn nói thêm: “Tuy nhiên, khi cầu xin ‘Đồng Chí Ý’ là phải quỳ gối”, ý muốn nói về sự khiêm nhường.
Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ trọng kính Chúa Thánh Thần. Khi mừng lễ này, Giáo Hội muốn xác tín mạnh mẽ về vai trò tác sinh mọi sự của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội và xã hội mọi thời.
Vì thế, chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem Chúa Thánh Thần là Đấng nào?
Khi nói đến Chúa Thánh Thần, Giáo Hội luôn khẳng định Người là: Thiên Chúa Ngôi Ba; Đấng Quyền Năng (x. Lc 1,35; Mt 12,28; Mt 4,23); Tác Sinh; Thánh Hóa và Biến Đổi; Thần Khí Sự Thật của Đức Giêsu Phục Sinh; là Sức Mạnh (x. Mt 4,1-10); Nguồn Bình An (x. Ga 20,19); là Sự Sống Thần Linh (x. Ga 20,22); Đấng An Ủi, Bào Chữa và Tha Tội (x. Ga 20,23).
Với những tước hiệu khác nhau như vậy, chúng ta sẽ hiểu về vai trò Chúa Thánh Thần qua các hoạt động của Người trong Giáo Hội, như:
Khởi đi từ ngày Lễ Ngũ Tuần, “mọi người được tràn đầy ân huệ của Chúa Thánh Thần qua việc đón nhận hình lưỡi giống như lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (x. 1 Cr 12,4-11). Khi nhận được ơn sốt mến và biến đổi qua biểu tượng hình lưỡi lửa, Chúa Thánh Thần đã tác động trực tiếp đến các mục tử đầu tiên của Giáo Hội là các Tông đồ qua việc ban cho các ông một sức mạnh phi thường, lòng can đảm vô biên, nên các ông không còn hèn nhát, sợ sệt và tối trí như trước kia nữa (x. Cv 2,14-36); mà ngược lại, các Tông đồ đã mở toang cánh cửa của sự sợ hãi, sẵn sàng ra đi hiên ngang làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng mà trước đó, các ông rất lo sợ bị liên lụy!
Với những lời lẽ đầy khôn ngoan và hết sức thuyết phục (x. Ga 16,12-13), các Tông đồ đã loan báo về Đức Giêsu – Đấng đã chết và phục sinh một cách hùng hồn và đầy xác tín. Hơn nữa, ngọn lửa yêu mến đã thâm nhập vào trong tâm trí và con tim các ông, khiến các ông sẵn sàng chấp nhận thí mạng để làm chứng cho những điều mắt thấy, tai nghe. Kết quả: biết bao nhiêu người đã được ơn nhận biết Thiên Chúa (x. Cv 2,41).
Điều đặc biệt ngay trong thời kỳ đầu của Giáo Hội và mãi cho đến ngày nay, vai trò của Chúa Thánh Thần rất quan trọng trong việc quy tụ mọi người thuộc mọi dân nước và ngôn ngữ trong sự hiệp nhất (x. Cv 2,5-8) (x. Cv 2,42-47).
Khi mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay, Giáo Hội muốn mời gọi con cái mình không chỉ biết về Chúa Thánh Thần cũng như vai trò của Người không mà thôi, nhưng Giáo Hội còn đi xa hơn nữa khi kêu gọi con cái mình hãy cộng tác với Chúa Thánh Thần để làm cho ơn thánh của Người được lớn mạnh trong lòng mỗi chúng ta cũng như triển nở trong nhân loại hôm nay.
Muốn được vậy, trước tiên, mỗi người hãy trở nên ngoan hiền, khiêm tốn, giống như một dụng cụ vừa tay Chúa Thánh Thần, để Người tự do biến đổi và sử dụng chúng ta, ngõ hầu mỗi người trở thành muối thành men và ánh sáng soi trần gian.
Thành men, thành muối và ánh sáng cho trần gian, đó là: chúng ta phải sống những đặc tính của người thuộc về Thiên Chúa, là lan tỏa nét đẹp của Đạo Công Giáo bằng chính đời sống tốt lành, gương mẫu của mình, một mặt để ướp con người và thế giới này khỏi hư thối bởi sự vô cảm, dửng dưng, bất nhân, ác thú, gian dối, hình thức, lễ nghi, ăn chơi trác táng…. Mặt khác, cần chiếu tỏa nhân đức như: bác ái; vui vẻ; bình an; kiên nhẫn; nhân từ; hòa nhã; nhẫn nại; hiền lành; tin tưởng; tiết độ; trong sạch, khiêm tốn, liên đới, cảm thông….
Làm được điều đó, mỗi người cần bén rễ sâu và đắm chìm mình trong đời sống cầu nguyện với Thiên Chúa, để nhạy bén với tác động của Chúa Thánh Thần ngang qua các dấu chỉ nơi những sự kiện, biến cố trong cuộc sống của riêng ta, cũng như của xã hội và Giáo Hội.
Có thế, chúng ta mới thực sự làm cho ơn của ChúaThánh Thần tác sinh trong ta và nơi mọi người.
Mong sao, lời tuyên tín đầy xác quyết: “Mỗi khi khó khăn, hãy cầu xin với ‘Đồng Chí Thánh Thần’ là mọi chuyện sáng ra hết” của vị Giáo sư trong câu chuyện trên sẽ là nguồn động lực thúc đẩy chúng ta xác tín rằng: Chúa Thánh Thần chính là Chủ Tể mọi sự trong Giáo Hội và nơi từng người chúng ta hôm nay.
Qua đó, xin cho chúng ta thêm lòng yêu mến và gắn bó mật thiết với Người trong sự khiêm tốn, để Người biến đổi và ban ơn cho ta, ngõ hầu mỗi người trở nên chứng nhân của Đức Giêsu trong thế giới hôm nay. Amen.
141. Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý
(Suy niệm của Lm. Jos. Vinc. Ngọc Biển)
Trong lịch sử cứu độ của Dân Chúa, Chúa Thánh Thần đóng vai trò rất quan trọng trong nhiệm cục cứu độ từ khi sáng tạo cho đến ngày tận cùng của nhân loại. Chúa Thánh Thần chính là linh hồn của Giáo Hội. Người chính là Sinh Khí trong thân xác. Sự sống thiêng liêng của con người không thể sống nếu thiếu Sinh Khí là Chúa Thánh Thần.
Khi xuống trần gian, Chúa Giêsu đã mặc khải cách tiệm tiến về Chúa Thánh Thần. Cuối cùng, Ngài đã trao ban Chúa Thánh Thần cho nhân loại thông qua việc thổi hơi trên các Tông đồ. Khi Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các ông, Người đã biến đổi các ông. Ngài ban cho các ông sức mạnh, lòng cam đảm và sự trung thành để làm chứng cho Chân Lý là chính Đức Kitô.
1. Chúa Giêsu trao ban Chúa Thánh Thần để biến đổi các Tông đồ
Khi các Tông đồ phải đối diện với cái chết của Chúa Giêsu, các ông hoang mang, sợ hãi và tìm mọi cách để chạy trốn thoát thân. Hình ảnh Phêrô, một Phêrô chối Chúa, cho chúng ta thấy sự yếu đuối của con người đứng trước những thử thách. Rồi sau khi Chúa Giêsu chết, tất cả các ông đều sợ hãi, vì thế, họ đã đóng kín cửa. Các ông sợ vì Thầy mình mà họ ghét mình; họ đã giết Thầy thì họ cũng sẽ tìm cách giết môn đệ của Thầy để dẹp luôn những tư tưởng của Thầy đã gieo vào trong lòng của các ông. Nhưng điều quan trọng là các ông có thể cũng đang hoang mang về chính ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã rao giảng. Các ông cũng như những người đương thời, họ cho rằng Chúa Giêsu chết là hết. Thất vọng, chán trường và sợ hãi là tâm trạng của người thất bại. Đang lúc đó, Chúa Giêsu hiện đến, thổi hơi vào các ông và phán: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”. Chúa biết rõ các ông đang trong tình trạng tâm lý xáo trộn và bất ổn… Chúa trao ban bình an tức là trao ban chính Chúa. Những ngày các ông sống với Chúa lúc Ngài chưa chịu chết, các ông cảm thấy hạnh phúc như thế nào thì giờ đây, cũng chính Chúa Giêsu đó đem lại cho các ông sự bình an sau những ngày trốn chạy. Ngài trấn an các ông bằng chính sự hiện diện cụ thể của Ngài, qua đó, Ngài xoá đi mọi nỗi sợ sệt nơi các ông. Rồi ngay sau đó, Ngài đã trao phó sứ mạng loan báo Tin Mừng cho các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Hãy đi rao giảng, thì cũng sẽ chết như Thầy. Chết như Thầy thì mới được Phục sinh như Thầy. Qua đó, Ngài dạy cho các ông một quy luật tất yếu là: muốn vào vinh quang thì phải qua đau khổ, phải chịu chết thì mới có sự sống viên mãn. Nhưng để làm được điều đó quả thật không dễ chút nào. Chính vì vậy, Ngài đã ban Chúa Thánh Thần đến trên các ông, để Người đổi mới tinh thần, trái tim và ở cùng các ông cũng như những người đón nhận lời rao giảng của các ông mọi ngày cho đến tận thế. Người chính là Đấng làm cho các ông nhớ lại những lời Chúa Giêsu đã rao giảng và giúp các ông can đảm làm chứng về những điều mắt thấy tai nghe.
2. Chúa Giêsu trao ban cho các Tông đồ Thần Chân Lý
Chúa Thánh Thần, Người chính là Thần Chân Lý: “Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi: đó là Thần Khí sự thật”. Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý, Ngài sẽ giúp cho các môn đệ hiểu được những lời Chúa Giêsu đã rao giảng. Ngài sẽ bào chữa cho các ông khi phải ra trước mặt quan toà để làm chứng cho sự thật: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói” (Lc 12,11-12). Thật thế, nếu xét trên bình diện con người, các ông làm sao có thể thi hành một sứ mệnh cao cả và quan trọng đến như vậy. Bởi vì các môn đệ là những người rất bình thường trong những người bình thường nhất. Họ là những người quanh năm suốt tháng chỉ biết sống với nghề chài lưới, vật lộn với sóng nước biển khơi, học vấn thì kém cỏi, khả năng diễn thuyết trước công chúng thì quá xa vời đối với các ông. Thế nhưng, sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các ông đã hân hoan lên đường để làm chứng cho Chúa Giêsu, một Chúa Giêsu đã chết và sống lại. Quả thật, ngay sau Lễ Ngũ Tuần, Phêrô đã có bài giảng đầu tiên và ngay ngày hôm ấy, đã có khoảng 3.000 người tin theo (x. Cv 2,41). Như vậy, Chúa Thánh Thần chính là Đấng Bào Chữa, Đấng ban sức mạnh để các Tông đồ ra đi làm chứng cho sự thật. Một sự thật mang tính siêu việt để cứu độ qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.
3. Chúa Thánh Thần và đời sống chứng nhân của người Kitô hữu
Ngày xưa, khi các Tông đồ chưa nhận được ơn Chúa Thánh Thần thì họ lo lắng, sợ hãi, thiếu tự tin… Nhưng khi các ông đã nhận được Chúa Thánh Thần, các ông đã hân hoan lên đường để trao truyền chân lý. Các ngài đã coi đó như là mối lợi tuyết đối mà Chúa dành cho mình. Còn chúng ta ngày nay thì sao?
Trước tiên, cần phải xác định thật rõ: rao giảng chân lý là rao giảng về một chân lý tuyệt đối, bởi vì không có chuyện nước đôi hay nửa vời. Đã tôn thờ Thiên Chúa thì chỉ tôn thờ mình Ngài mà thôi. “Phải tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, ngoài Người ra, không được có thần nào khác” (x. Đnl 6,4-7). Là người Công giáo, được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, là chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần cách dồi dào. Chúng ta có trách nhiệm loan truyền Chúa Kitô và làm chứng về Ngài trong gia đình, làng xóm, xứ đạo và thế giới hôm nay bằng đời sống tôn thờ Thiên Chúa duy nhất và sống những giá trị Tin Mừng đòi hỏi.
Thế nhưng, thực tế thì khác nhiều lắm! Nếu được hỏi: “Ông bà, cô bác… có tin Chúa không?”, ngay lập tức ta sẽ nhận được câu trả lời là “có”, thậm chí còn bị mắng vốn là “hỏi thế mà cũng hỏi”; “hỏi ấm ớ…”. Nhưng thực tế, thử hỏi trong đời sống đức tin, chúng ta sống đạo hay chỉ giữ đạo? Hẳn nhiều người cũng đã chứng kiến những cảnh cãi vã nhau gay cấn ngay khi vừa ra khỏi nhà thờ sau thánh lễ và không nhân nhượng khi tuyên bố: “Tao mà không Rước lễ trong lễ vừa rồi thì hôm nay tao sẽ xé xác mày”; rồi những lần đi lễ “ôm”, những cảnh “đạo gốc” (đi lễ nhưng ngồi ở những gốc cây quanh nhà thờ). Khi buôn bán: 1kg ăn 800gr; bơm nhồi hoá chất độc hại vào những rau, củ, quả… mà mình sẽ bán, và còn biết bao nhiêu cách làm lợi bất chính khác nữa… Như vậy, trên lý thuyết: tin thì vẫn cứ tin, ít ai có khái niệm bỏ đạo, nhưng cách sống thì cứ bon chen quỷ quyệt… vẫn cứ ung dung hàng hai ta đi, không thiếu gì những khối “ung nhọt” nằm trong thân xác tráng kiện bên ngoài với cái mác hai chữ Công giáo. Lại nữa, chúng ta cũng thấy không ít người Công giáo sống đạo theo kiểu “lâm thời”. Khi gian nan thử thách đến là sẵn sàng khấn “ông nọ” vái “bà kia” thay Chúa ngay lập tức. Đây phải chăng là những căn bệnh trầm kha trong cách sống đạo của nhiều người Công giáo hiện nay.
Như vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã trao ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ, đồng thời Ngài cũng trao phó sứ vụ loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất cho những người kế vị các ông. Chúa Thánh Thần chính là Thần Chân Lý, Ngài được trao ban cho các Tông đồ để các ông nhớ lại những điều Chúa Giêsu loan báo. Ngài còn là Đấng Bào Chữa, Đấng An Ủi. Ngài đến để tăng sức mạnh cho các ông, khiến các ông sẵn sàng ra đi làm chứng cho Đức Kitô, làm chứng cho chân lý. Rồi đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải lên đường, bởi vì là người Công giáo, sứ mạng loan báo Tin Mừng thuộc về chúng ta. Chúng ta phải đảm nhận trách nhiệm đó như là cứu cánh của mình. Có nhiều cách loan báo Tin Mừng như: rao giảng; gương sáng; thật thà; vui tươi… Dẫu có gặp phải gian nan thử thách, ngay cả tù tội và chết chóc, chúng ta vẫn cứ lên đường vì biết rằng: sau cơn mưa trời lại sáng. Mây đen không thể che mãi được mặt trời, sự giả dối hay tội lỗi không thể nào phủ lấp được chân lý.
Chỉ có chân lý mới giải thoát chúng ta cách toàn diện (x. Ga 8,32). Chỉ có chân lý mới dẫn đưa ta đến sự sống đời đời, bởi vì cuộc đời con người không chỉ có ở đời này mà còn cuộc sống mai hậu nữa.
Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta cũng cầu xin Chúa cho các chứng nhân đang xả thân trên cánh đồng truyền giáo, luôn được ơn Chúa phù trợ, để kiên định trong đức tin, bền lòng trong đức cậy và nhiệt thành trong đức mến, để không ai và không có gì tách các ngài ra khỏi tình yêu Đức Kitô.
Để kết thúc, xin mượn lời của Thánh Amrôsiô khi nói về sứ mạng của người Kitô hữu khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần như sau: “Hãy nhớ, bạn đã lãnh nhận ấn tín thiêng liêng của Chúa Thánh Thần là Thần Trí khôn ngoan và thông hiểu, Thần Trí lo liệu và sức mạnh, Thần Trí suy biết và đạo đức, Thần Trí dạy cho biết kính sợ Thiên Chúa. Hãy gìn giữ những gì bạn đã lãnh nhận. Chúa Cha đã ghi ấn tín của Người nơi bạn. Chúa Kitô đã tăng sức cho bạn và đặt trong bạn bảo chứng của Chúa Thánh Thần”.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến để Người đổi mới mặt địa cầu; để Người dẫn chúng con đến sự thật toàn vẹn và xin ban sức mạnh; lòng cam đảm để chúng con sẵn sàng ra đi làm chứng cho sự thật là chính Đức Kitô và luôn sống những giá trị Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày. Amen.
142. Chúa Thánh Thần là Đấng tác sinh
(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển)
Cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta long trọng mừng Đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Khi nói đến Chúa Thánh Thần, chúng ta nghĩ ngay đến vai trò của Ngài là Đấng soi sáng, thánh hóa, đổi mới, Đấng ban sự bình an, niềm vui, can đảm, khôn ngoan, lo lieu, hiểu biết, đạo đức, kính sợ Chúa…
Như vậy, Ngài là hồn sống, hơi thở của Giáo Hội. Không có Ngài, Giáo Hội như mất đi sức sống, sinh động và trở nên trống rống. Đức Thượng phụ Athenagoras, Giáo chủ Constantinople đã nói: “Nếu cuộc sống thiếu vắng Chúa Thánh Thần thì Thiên Chúa sẽ nghìn trùng xa cách. Đức Kitô chỉ là một nhân vật quá khứ. Tin Mừng chỉ là một mớ chữ không hồn. Giáo Hội khác nào một cơ cấu cứng nhắc, biến quyền bính thành thống trị điêu ngoa, và giảng dạy chỉ là tuyên truyền láo khoét, việc thờ phượng chỉ là phù phép, và luân lý sẽ thành xiềng xích vong nô”.
Để làm sáng tỏ vai trò của Chúa Thánh Thần, các bài đọc trong thánh lễ hôm nay sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về Ngài.
1. Vài trò của Chúa Thánh Thần qua ba bài đọc
Khởi đi từ bài đọc Itrích trong sách Cv 2, 1-11, tác giả cho thấy: đến ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đệ vẫn đang tụ họp quanh Đức Maria để cầu nguyện liên lỉ và chờ mong điều Đức Giêsu đã hứa trước đó. Và, đúng như lời Đức Giêsu đã loan báo, Chúa Thánh Thần đã lấy hình lưỡi lửa để hiện xuống trên Đức Mẹ và các môn đệ. Như một sự tác sinh, lập tức, tất cả được tràn đầy Thánh Thần.
Ngay sau đó, như một đặc ân của Chúa Thánh Thần, các môn đệ từ một người ít học, nhà quê, nhát đảm, sợ sệt, nay trở nên thông thái và nói được những tiếng mới lạ, khiến mọi người đổ về hành hương đền thờ Giêrusalem nhân dịp lễ Ngũ Tuần đều nghe các môn đệ nói được tiếng bản xứ của mình. Cứ thế, các ông tiếp tục can đảm, hăng say ra đi mọi nơi để loan báo và làm chứng về Đức Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại để cứu độ nhân loại.
Sang bài đọc II,1Cr 12,3b-7.12-13, thánh Phaolô nhắc đến đặc sủng của Chúa Thánh Thần được ban xuống cho mỗi người tùy theo nhu cầu của họ. Tuy nhiên, sự đa dạng của ơn Chúa Thánh Thần trên mỗi người là khác nhau, nhưng đều chung quy một điểm, đó là hiệp nhất trong đa dạng để phục vụ cho Lời của Đức Giêsu hầu sinh ích cho cộng đoàn tín hữu.
Qua bài đọc này, thánh Phaolô nhắc các tín hữu Côrintô phải luon hiệp nhất trong ân sủng của Chúa Thánh Thần, để cùng nhau xây dựng nhiệm thể Đức Kitô trong mầu nhiệm thân thể Ngài là Hội Thánh.
Sang bài Tin Mừng, Ga 20,19-23, thánh Gioan làm toát lên sứ mạng được sai đi rao giảng Tin Mừng của các môn đệ; đồng thời, ngài cũng cho thấy căn nguyên sự sống và hoạt động của các môn đệ là do Chúa Thánh Thần.
Thật thế, sau khi ban bình an cho các ông, ngay lập tức, Đức Giêsu đã trao ban cho các ông Chúa Thánh Thần và kèm theo là quyền tha tội. Tại sao thế? Thưa! Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa, Đấng đổi mới và nguồn mọi sự bình an. Khi con người nhận được ân sủng của Ngài và khi tội lỗi được tẩy xóa, thì ắt được bình an, chan chứa niềm vui và hy vọng.
Như vậy, ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống chính là ngày Giáo Hội được khai sinh, và cũng là ngày Giáo Hội lên đường để thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình.
Hiểu như thế, thì ngày lễ hôm nay cũng là ngày lễ Hiện Xuống nơi mỗi người chúng ta. Bởi vì: nếu xưa kia các môn đệ đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần cũng như sứ vụ loan báo Tin Mừng như thế nào, thì hôm nay, mỗi tín hữu cũng đón nhận cùng một Chua Thánh Thần và cùng một sứ vụ như các ngài khi xưa.
2. Sứ mạng của Giáo Hội hôm nay
Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta đều đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, tiếp theo, qua Bí Tích Thêm Sức, mỗi người đón nhận Ngài cách dồi dào, phong phú để thi hành chức năng Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế cách triệt để hơn trong vai trò là thành phần chi thể trong thân thể mầu nhiệm Giáo Hội, có Đức Giêsu là Đầu.
Mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay, là dịp mời gọi mỗi người chúng ta nêu cao ý thức về sự tinh tuyền, trong trắng của ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, để tâm hồn chúng ta trở về tình trạng: “nhân chi sơ, tính bổn thiện”, hầu sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần. Hôm nay cũng là dịp để chúng ta làm mới lại đặc sủng của Chúa Thánh Thần ngày lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, qua đó, chúng ta hiểu được Lời Chúa, yêu mến Lời Chúa và can đảm, sẵn sàng loan báo cũng như làm chứng cho Lời Chúa.
Khi đón nhận và lắng nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ loại bỏ được những thứ mà thánh Phaolô cho là hành động do xác thịt như: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gl 5,19-21). Khi loại trừ được những thứ đó, chúng ta sẽ lãnh nhận được những hoa trái của Chua Thánh Thần như: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23).
Đạt được điều đó, mỗi người chúng ta sẽ là khí cụ hữu dụng của Chúa Thánh Thần trên và trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội hôm nay.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến vì chúng con cần Ngài. Amen.
143. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)
Một trường phái triết học tuy không mới lắm nhưng vẫn mang tính thời sự, đó là “hiện tượng luận”. Cái nhìn triết học này chủ yếu căn cứ vào các hiện tượng lặp đi lặp lại, trong tự nhiên lẫn xã hội, để rồi rút ra những quy luật nao đó khả dĩ giúp ta đặt vấn đề, dù rằng có thiên về tính chủ quan nhưng vẫn phản ảnh một điều gì đó rất thật của cuộc sống. Theo cái nhìn này, xin được nêu lên một vài hiện tượng như sau: Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần năm xưa, khi hiện ra với các môn đệ tại nhà Tiệc ly mà không có ông Tôma ở đó, Chúa Giêsu đã thổi hơi trên các ngài và ban Thánh Thần. Hôm ấy các cánh cửa của căn phòng được đóng kín vì các vị sợ người Do Thái hãm hại. Một tuần sau, các vị cũng tề tựu ở đó, có Tôma ở cùng, thế mà các cửa vẫn đóng kín (x.Ga 20,26). Một hiện tượng khác: Các em thiếu niên 13-14 tuổi xét chung đang ngoan ngoãn, siêng năng tham dự Thánh Lễ, chuyên cần học giáo lý, sau khi được Giám Mục đặt tay ban Thánh Thần qua bí tích Thêm Sức, thì một số không ít lại trở chứng, ngang bướng, lười tham dự Thánh Lễ và hay bỏ học giáo lý. Một hiện tượng khác: Đang là chủng sinh thì sống phải phép, lịch sự đủ đầy, bỗng sau khi được đặt tay ban Thánh Thần qua Nghi thức phong chức linh mục, thì có đôi vị lại hành xử theo cung cách cha chú, ta đây.
Là Kitô hữu Công giáo, chúng ta tin nhận tính “tại sự” (ex opere operato) theo thần học bí tích. Tuy nhiên tính “tại sự” ấy của bí tích không cấm chúng ta đặt vấn đề rằng cớ sao trong nhiều trường hợp như chiều ngày thứ nhất trong tuần của năm nào tại căn nhà Tiệc Ly, Thánh Thần đã được ban tặng mà hiệu quả dường như chưa thấy? Vấn nạn xem ra tuy khó có lời giải, nhưng dựa vào lời của Đấng Cứu Thế chiều hôm ấy, chúng ta có thể thấy được vấn đề. “ Hãy nhận lấy Thánh Thần!” Chúa đã thổi hơi ban Thanh Thần, nhưng các Tông đồ phải biết đón nhận. Ai trao cho chúng ta một tặng phẩm mà chúng ta không nhận hay chưa nhận thì cũng là chưa có, nói đúng hơn, là chưa có hiệu quả. Mặt trời đã mọc lên nhưng các cánh cửa căn nhà còn đóng kín thì căn nhà vẫn chìm trong bóng tối. Theo toán học thì ngoài điều kiện cần, phải có điều kiện đủ, thì kết quả mới xảy ra. Triết học gọi đó là nguyên nhân và cơ hội, còn thần học thì phân biệt nguyên nhan tác thành hay còn gọi là nguyên nhân đệ nhất và nguyên nhân đệ nhị. Anh em Phật tử lại dùng hai từ nhân và duyên.
Để hồng ân Thánh Thần mà chúng ta được trao ban, phát sinh hoa trái, thiết tưởng không thể thiếu thái độ sẵn sàng đón nhận, vì đây chính là duyên, là nguyên nhân đệ nhị, là cơ hội, là điều kiện đủ. Để sẵn sàng đón nhận hồng ân Thánh Thần cách hiệu quả, không gì hơn, hãy nhớ lại những gì Chúa Kitô và các Tông đồ nói về Thánh Thần, đặc biệt qua vài Danh xưng của Người. Người là Thiên Chúa thật trong Ba Ngôi Thiên Chúa, là Thần Chân Lý, là Đấng An ủi, Đấng Bảo Trợ, là Nguyên lý của các đặc sủng… Qua các Danh xưng của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể thấy một vài điều kiện để có thể sẵn sàng đón nhận Người.
1. Sự khiêm nhu: Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý. Người dẫn chúng ta đến sự thật, Người soi sáng cho chúng ta nhận thức sự vật hiện tượng, nhận thức chính bản thân ta và tha nhân, nhận biết Thiên Chúa và chương trình ý định của Người cách đúng đắn. Để tiếp cận với chân lý, trên hết và trước hết cần phải có sự khiêm nhu chân thành. Người khiêm nhu thì chân nhận mình còn mù mờ, thấy sự việc như trong sương, trong chiếc gương đồng (x.1Cor 13,12). Người khiêm nhu thì sẵn sàng biết lắng nghe và chân thành học hỏi. Người khiêm nhu còn can đảm nhìn nhận con người bất toàn và đầy thiếu sót lẫn sai lầm của chính mình. Thiếu nữ Maria, làng quê Nagiarét, nhờ biết khiêm nhu cách sâu thẳm, nên đã đón nhận ân sủng Thánh Thần cách đầy tràn (x. Lc 1,26-38). Trái lại, chính lòng kiêu căng đã làm cho nhiều biệt phái và luật sĩ khôn ngoan, thông thái năm xưa không thể tiếp nhận chân lý (x.Lc 10,21)
2. Sự tín thác vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa: Người biết tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa thì sẽ dễ dàng đón nhận Đấng Bảo trợ, đặc biệt trong những cơn gian nan thử thách. Các Thánh Tử đạo là những người làm chứng cho chúng ta về điều kiện này. Dù xuất thân bởi nhiều hoàn cảnh khác nhau, dù khác nhau về trình độ học vấn, dù khác nhau cả về mức độ đạo đức hay chức vị, danh phận…thì các ngài vẫn bình an trong cơn gian khổ, bách hại, vì luôn có Đấng Bảo trợ, Thần An ủi ở cùng. Sự bình an trong cơn gian nan, khốn khó là một trong những nét trỗi vượt của các thánh Tử đạo so với những anh hùng dân tộc. Cũng là chịu hy sinh cách anh dũng vì “chính đạo”, nhưng các anh hùng dân tộc thì phẩn uất, căm thù kẻ làm hại mình, còn các thánh Tử đạo thì hân hoan, an bình và còn cầu nguyện cho cả kẻ giết mình. Được như vậy là nhờ các ngài luôn tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Sự tín thác này được thể hiện bằng niềm tin rằng chính sự sống của mình là do Chúa ban tặng, tin nhận rằng Thiên Chúa không chỉ là Đấng quyền năng đã dựng nên mình từ hư vô mà còn là Người Cha nhân hậu chăm sóc mình đến từng sợi tóc (x.Mt 10,30; Lc 12,7), là Đấng trọn lành cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn tội nhân (x. Mt 5,44-45)
3. Có tấm lòng vì ích chung: Một người có tấm lòng vì ích chung, cách riêng vì ích lợi của những người nghèo, những người cô thế, kém phận thì rất dễ sẵn sàng hiến thân theo khả năng và hoàn cảnh cách hết mình. Và họ sẽ nhận được nhiều đặc sủng như chữa bệnh, làm phép lạ, nói tiên tri, phân định thần khí…do Thánh Thần ban tặng (x. 1 Cor 12,7-11). Tấm lòng vì ích chung có thể nói là đối nghịch với tâm hồn ích kỷ, chỉ biết lợi ích riêng mình. Khi đã có tấm lòng vì ích chung thì ta sẽ dễ dàng xây dựng sự hiệp nhất trong sự tôn trọng cái khác biệt của tha nhân. Trái lại khi đã đặt cái tôi của mình lên trên hết, thì ta sẽ có nguy cơ tìm cách bắt kẻ khác phục vụ mình, làm theo ý riêng mình cách độc đoán, độc tài và có thể là độc ác nếu ta có chút quyền hay chút tài lực.
Gió muốn thổi đi đâu thì thổi (x.Ga 3,8). Không ai thấy gió nhưng người ta có thể nhận ra gió qua các hiệu ứng của nó như lá bay, cây lay… Xem quả thì biết cây (x.Mt 7,16-20). Mừng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, một lần nữa xin hãy kiểm định xem chúng ta đã trổ sinh những hoa trái nào. Giả như chúng ta chưa sinh hoa kết trái tốt lành là dấu chứng tỏ rằng chúng ta chưa đón nhận hồng ân Thánh Thần mà Chúa Kitô đã ban tặng. Nếu chúng ta chưa sẵn sàng đón nhận hồng ân Thánh Thần thì cũng là dấu chứng tỏ rằng chúng ta chưa thật sự khiêm nhu, chưa biết tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, chưa biết mưu cầu ích chung, nhất là ích lợi của của người nghèo, người kém phận…
144. Hãy mở cửa ra!
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)
Cùng Hội Thánh, chúng ta kính thờ mầu nhiệm Đức Chúa Trời Ngôi thứ Ba là Chúa Thánh Thần. Đã từng được nghe giảng dạy về vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần sau khi Chúa Kitô về trời, chúng ta cũng đã được học hỏi về Chúa Thánh Thần là Ngôi thứ Ba, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người là Thiên Chúa thật, cùng một bản tính và quyền năng như hai Ngôi cực trọng ấy. Chúng ta còn biết các hình ảnh chỉ về Người như là gió, mây, nước, lữa, chim bồ câu…, rồi Người có các danh xưng là “Đấng ban sự sống”, là “Thần Chân lý”, “Đấng bào chữa”…(x. GLCG chung số 683- 701). Có vị lại ví Chúa Thánh Thần như Đấng dấu mặt. Người ta chỉ thấy hiệu quả tác động của Người chứ nào đâu thấy Người như Đức Kitô vì đã nhập thể làm người.
Nói đến hoa quả của Chúa Thánh Thần thì thật khôn xiết. Người là Thần Chân lý nên Người dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn. Người là nguồn tình yêu nên Người đưa chúng ta vào biển cả bác ái bao la. Người là nguyên lý của sự hiệp nhất nên Người làm cho chúng ta nên một trong Chúa Kitô. Người là ngọn lửa nên Người đổi mới chúng ta từ trong ra ngoài. Người là nguồn bình an nên Người đưa chúng ta vào sự an bình đích thức, một sự bình an không như thế gian ban tặng…
Chúa Thánh Thần đã được trao ban. Người đã được trao ban cho nhân loại từ Trái Tim cực thánh bị đâm thâu của Chúa Giêsu trên thập giá (x.Ga 19,31-37). Người được trao ban cho các Tông đồ, các môn đệ khi Chúa Kitô phục sinh hiện ra: “Các con hãy lãnh nhận Thánh Thần” (Ga 20,22). Người đã hiện xuống trên các Tông đồ và nhiểu người ngày Lễ Ngũ tuần dưới hình lưỡi lửa (Cv 2,1-11). Chúa Thánh Thần đã được trao ban, nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta có nhận được Người chưa? Và bằng cách thế nào để ta đón nhận Chúa Thánh Thần?
Chúng ta đã nhận được hồng ân Thánh Thần chưa? Câu trả lời xem ra không dễ. Cứ xem quả thì biết cây. Mặc dù trong đức tin, chúng ta tin nhận khi ta chịu Bí tích Thánh tẩy là ta đã nhận được hồng ân Thánh Thần. Khi ta chịu Bí tích Thêm Sức, khi ta lãnh nhận các bí tích khác như Truyền Chức Thánh, Hôn phối…, là ta đã lãnh nhận hồn ân Thánh Thần. Thế nhưng hoa trái của Thánh Thần như Thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Galata 5,22-23 là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” đã thực sự có nơi đời sống chúng ta thế nào thì thật khó trả lời. Cũng thật khó trả lời rằng ta đã đến cùng chân lý vẹn toàn, đã hiệp nhất nên một, đã đổi mới từ trong ra ngoài…
Một sự thật không riêng gì ở các xứ mà tôi đang phụ trách, đó là nhiều em thiếu niên trước khi chịu Bí tích Thêm Sức thì rất chuyên chăm học giáo lý, tham dự Thánh Lễ, làm các việc tông đồ mà các anh chị giáo lý viên đề ra. Thế nhưng sau khi lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, một Bí tích mà qua đó các em lãnh nhận hồng ân Thánh Thần cách đặc biệt, thì dường như có phần đi xuống, nếu xét hình thức bên ngoài. Cũng có thể giải thích rằng do tâm lý tuổi mới lớn có nhiều cung cách hành xử không như ý những người có trách nhiệm. Tuy nhiên dưới con mắt nhân loại, để nhận ra những thay đổi nơi các em theo hướng tích cực thì quả là khó thấy và nhiều khi lại có phần theo hướng ngược lại. Dù vậy không ai dám to gan nói rằng các em là chưa nhận lãnh hồng ân Thánh Thần!
Chúa Thánh Thần đã được trao ban cho nhân loại. Xưa, thánh Phêrô đã từng kinh ngạc khi Thánh Thần cũng đã đổ xuống trên những người chưa chịu Bí Tích Thánh Tẩy. “Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?” (Cv 10,47). Vấn đề quan trọng là làm sao để có thể nhận lãnh hồng ân Thánh Thần. Xin được đề nghị một trong những cách thế để ta có thể đón nhận hồng ân Thánh Thần đó làhãy mở cửa ra.
Ngày Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các Tông đồ, Người đã trao ban Thánh Thần cho các ngài thế mà dường như các ngài vẫn chưa nhận được. Có thể có nhiều lý do nhưng ta có thể chân nhận một trong những lý do, đó là “cửa vẫn đóng kín”. Cánh cửa vật chất của căn nhà là hình ảnh của cách cửa tâm hồn các ngài. Tâm hồn các tông đồ vẫn còn vương vẫn chuyện Thầy sẽ khôi phục nước Israel (x.Cv 1,6). Tâm hồn các ngài còn lo âu sợ hãi trước các thế lực bên ngoài. Đến ngày Lễ Ngũ tuần, gió đã ùa vào đầy cả căn nhà chứng tỏ các cánh cửa đã rộng mở (x. Cv 2,1-2). Cánh cửa tâm hồn các tông đồ và những người có mặt hôm ấy cũng đã mở rộng.
Người ta nhìn nhận Công đồng Vatican II như là một cuộc Hiện xuống lần thứ hai cho Hội Thánh Chúa. Khi được hỏi Công Đồng là gì? Đức cố Giáo Hoàng Gioan XXIII đã mở cách cửa sổ căn phòng của Ngài và nói: Công Đồng là thế đó. Mở cửa để đón nhận hồng ân Thánh Thần. Hãy mở cửa ra! Một đòi hỏi dường như mang tính tất yếu để có thể đón nhận hồn ân Thánh Thần.
Mở cửa ra để tha nhân, để thế giới nhận rõ, biết rõ con người ta, tập thể ta, Hội thánh ta. Mở cửa ra là một thái độ thẳng thắn chân thành trong sự khiêm hạ. Người có thể thấy được những mặt tốt và cả những mặt xấu xa tồi tệ của mình. Người ta có thể biết được sự thánh thiện và cả tôi lỗi của ta. Mở cửa ra là một động thái can đảm sống trong sự thật. Dù rằng không một ai có thể che dấu Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn tâm can, nhưng chúng ta lại có thể che mắt thiên hạ những gì chúng ta muốn che dấu bằng cách này bằng cách khác, với lý do này với lý do khác, có khi là rất hữu lý và hợp tình theo nghĩ suy nhân trần. Thế nhưng, đã không can đảm sống trong sự thật thì e rằng khó mà nhận được Đấng là Thần Chân Lý.
Mở cửa ra để hiệp thông với tha nhân, với nhân loại trên thế gian này, một thế gian mà Thiên Chúa đã yêu thương đến nỗi đa hiến ban chính Con Một (x. Ga 3,16), một thế gian mà Đức Kitô đã tự hiến dâng chính xác thịt mình để cho nó được sống (x.Ga 6,51). Có sự hiệp thông thì sẽ có sự liên đới, tương ái tương thân. Sự hiệp thông thúc giục ta sống liên đới với nhau, với thế gian này cả trong công nghiệp lẫn trong tội lỗi. Đức bác ái đang chớm nở. Và chúng ta sẽ nhận được Thánh Thần là nguồn tình yêu, nguồn hiệp nhất.
Mở cửa ra để đón nhận tha nhân, đón nhận thế giới cho dù là bất đồng chính kiến hay quan niệm, bất đồng về niềm tin hay cung cách hành xử. Thánh Thần đã được trao ban với Trái Tim mở ra của Chúa Giêsu. Trái Tim cực thánh của Người mở ra đón nhận Mẹ dấu yêu, người môn đệ yêu dấu… và cả những người lý hình đang sỉ nhục Người. Đón nhận không phải là chấp nhận tất cả bất kể tốt xấu, nhưng là để thánh hóa và thăng hoa. Thành quả của Công đồng Vatican II là một minh chứng cho sự mở cửa đón nhận này. Chính những vị trước đây đã bị loại trừ cách này cách khác như Yve Congar, Chenu…, đã được đón nhận cách chân thành. Và hoa trái Thánh Thần đã tỏ hiện.
Hãy mở cửa ra là hãy mở tâm hồn ra, mở vòng tay ra. Sống trong sự khiêm tốn chân thành, sẵn sàng đối diện với sự thật, sống trong sự hiệp thông liên đới với mọi người, sống trong tình thân ái, bao dung đón nhận nhau, chính là cách thế để đón nhận hồng ân Thánh Thần cách hữu hiệu. Tác giả sách Khải Huyền viết: Thánh Thần và Tân nương là Hội Thánh cầu xin: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20). Có lẽ ta đừng xin: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!”, nhưng hãy xin: “Xin cho con, cho chúng con, cho Hội Thánh biết mở cửa ra!”.
145. Hoa trái Thánh Thần
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)
Mùa Phục Sinh kết thúc với Lễ Kính Thờ Thiên Chúa Ngôi Ba, Chúa Thánh Thần, đặc biệt với việc kính nhớ mầu nhiệm Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Thánh Tông Đồ ngay Lễ Ngũ Tuần, chính thức khai sinh nên Hội Thánh. Thiên Chúa Ngôi Hai đã nhập thể, nhập thế. Chân dung của Người đã được lịch sử ghi nhận, cách riêng bốn Tin Mừng đã góp phần trình bày hình ảnh Chúa Ngôi Hai làm người cách rõ nét. Người ta cũng có thể dùng loại suy để hướng về Thiên Chúa Cha. Vì ai thấy Chúa Kitô là thấy Chúa Cha (x.Ga 14,9). Còn Chúa Thánh Thần là Đấng mà chúng ta chỉ có thể nhận ra qua, hoa trái của Người theo dòng lịch sử và đặc biệt theo dòng lịch sử cứu độ. Chúa Kitô đã từng ví Người như là gió (x.Ga 3,8). Điều này không chỉ nói lên sự tự do của Thánh Thần mà còn giúp ta nhận ra sự hiện diện của Thánh Thần qua các kết quả hành động của Người. Qua một vài hoa trái đặc trưng của Thánh Thần, chúng ta cũng có thể biết được cách thế hữu hiệu để trãi lòng mình ra đón nhận tác động của Người.
1. Ơn ngôn ngữ
Ngôn ngữ được biểu hiện dưới nhiều hình thái như chữ viết, ký hiệu… nhưng ở đây chỉ muốn đề cập đến tiếng nói. Tiếng nói là một trong những ưu phẩm của loài người trỗi vượt trên các loài thụ tạo hữu hình. Nhờ có tiếng nói mà con người có thể truyền thông cho nhau tâm tư tình cảm và những nghĩ suy của mình. Nhờ có tiếng nói con người có thể hiệp thông với nhau cách đầy đủ và hiệu quả hơn, rộng rãi và sâu đậm hơn.
Đọc Thánh Kinh, nhất là đọc Tân Ước, chúng ta có thể chân nhận một trong những hoa trái của Thánh Thần là ơn ngôn ngữ. Khi Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa hiện xuống trên các Tông đồ ngày Lễ Ngũ Tuần, Người đã ban cho các ngài ơn được nói các thứ tiếng khác nhau (x. Cvtđ 2,1-13). Sách Công vụ tông đồ cũng tường thuật nhiểu trường hợp những người lãnh nhận ơn Thánh Thần thì được ơn nói tiếng lạ, nói tiên tri (x. Cvtđ 10,45-46; 19,6-7). Chúa Giêsu an ủi động viên các tông đồ khi chịu bắt bớ thì Thánh Thần sẽ nói thay cho các ngài (x.Mt 10,20). Được Chúa Thánh Thần tác động chúng ta sẽ biết nói điều phải đạo, nói điều phải nói, nói lời tình yêu.
Các nhà y học cho ta hay một sự thật về những người vừa câm vừa điếc tư thưở mới sinh. Dân gian truyền tụng rằng vì người ta không nói được (bị câm bẩm sinh) nên trời cho luôn bệnh điếc để khỏi phải chịu nghe những lời chướng tai, phật ý. Vì nếu nghe được những lời phật ý, chướng tai mà không có thể nói lại được thì không ai có thể chịu nổi. Trái lại, theo y học thì chính vì bị tật bệnh điếc bẩm sinh nên người ta mới bị câm. Khả năng nói là một khả năng mà người ta học được nhờ bắt chước tha nhân. Không nghe được tiếng nói của tha nhân thì trẻ thơ không thể tập nói được và vì thế mất luôn kỷ năng nói. Như thế một trong những điều kiện tối cần để có thể nói là có khả năng nghe.
Từ dữ kiện ở bình diện thể lý tự nhiên trên đây chúng ta có thể diễn suy lên bình diện siêu nhiên. Để có thể nói lời phải đạo, lời đáng nói, cần nói và nên nói, để có thể nói lời chân lý, lời tình yêu, nghĩa là nói dưới tác động của Chúa Thánh Thần thì tiên vàn chúng ta cần biết nghe. Dĩ nhiên là phải biết nghe Chúa Thánh Thần thúc đẩy, biết nghe Người phán dạy.
Trong phạm vi gia đình, ta thường nghe nhiều người bố mẹ than thở rằng con cái càng lớn khôn càng khó bảo, nghĩa là càng không biết nghe. Mở rộng ra ngoài xã hội, có chăng tình trạng khi chức càng cao, quyền càng lớn thì ta càng ít biết nghe. Cũng có thể vì điều kiện hoàn cảnh bên ngoài của các tổ chức xã hội, của trách vụ nắm giữ, làm ta xa rời quần chúng, nhưng cũng có thể vì tâm lý chủ quan cho mình luôn luôn đúng, không thể sai lầm, nên chẳng cần nghe, hoặc giả như cần nghe thì chỉ nghe một đôi người thân cận, những người hợp ý mình? Hy vọng rằng tình cảnh này sẽ không có trong đời sống Hội Thánh và giả như có thì mong sao đó chỉ là cá biệt hay đặc thù.
Biết nghe là một trong những cách thế tốt đẹp để đón nhận ơn Chúa Thánh Thần. Xin hãy biết nghe bằng đời sống cầu nguyện chuyên chăm, bằng sự chiêm niệm sâu lắng. Xin hãy biết nghe lời chỉ dạy của mẹ Hội Thánh, nhất là trong lãnh vực đức tin và luân lý. Xin hãy biết nghe những nhà lãnh đạo các quốc gia, đặc biệt trong lãnh vực công bình và ích chung. Xin hãy biết nghe, bằng việc tiếp xúc tha nhân, nhất là những người nghèo, những người thấp cổ, kém phận. Xin hãy biết nghe những người không đồng thuận với chính kiến của ta, biết nghe cả nhưng người trái ý ta…trong sự trân trọng và khiêm nhu chân thành.
Một khi ta biết sẵn sàng lắng nghe, lắng nghe để thuận theo những gì phải đạo, để ngăn ngừa và phòng tránh những gì sai lạc…là lúc ta đang sẵn sàng đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần. Và khi ấy chắc chắn chúng ta sẽ biết cách nói theo hướng dẫn của Đức Chúa Trời Ngôi Ba.
2. Ơn xây dựng sự hiệp nhất:
Ngày lễ Ngũ Tuần, khi hiện xuống trên các Tông đồ, Chúa Thánh Thần một cách nào đó thông ban ơn xây dựng sự hiệp nhất. Nhiều người thuộc nhiều quốc gia, dân tộc và tiếng nói có mặt lúc bấy giờ đã hiểu những lời rao giảng của các Tông đồ (x.Cvtđ 2,13). Chúa Thánh Thần chính là nguyen lý của sự hiệp nhất. Người làm cho muôn dân nên một trong Đức Kitô.
Nói đến sự hiệp nhất là giả thiết phải nhìn nhận sự khác biệt. Có những sự khác biệt chính đáng vốn là tất yếu khách quan. Đó là sự khác nhau về màu da, chủng tộc hay ngôn ngữ. Đó là sự khác nhau về phận vị, nghề nghiệp do sự phân công, phân nhiệm của xã hội. Đó là sự khác nhau về tư tưởng, chính kiến hay quan niệm sống do bởi hoàn cảnh lịch sử hay nên văn hóa chi phối hoặc do ý thức tự chọn của mỗi người xét như một chủ thể có lý trí và ý chí tự do… Nếu không nhìn nhận và tôn trọng những khác biệt chính đáng này thì chỉ có sự đơn nhất và đồng nhất trong bạo lực của độc tài, độc đoán, độc quyền. Và sự chia rẽ sẽ xuất hiện vì nhu cầu đấu tranh sinh tồn.
Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người mỗi ơn…nhưng tất cả là để phục vụ ích chung (x. 1Cor 12,4-6). Sự hiệp nhất ở đây được thể hiện nơi việc cùng huớng đến một mục đích: ích chung. Văn hào St Exupéry hình như cảm nhận chân lý này khi nói: “yêu nhau không phải là ngồi nhìn nhau mà cùng nhau nhìn về một hướng”. Cùng với Đức Bênêđictô XVI qua bài diễn văn đọc tai Hội Đồng Lỉên Hiệp Quốc tháng 7/2008 vừa qua, chúng ta có thể nói rằng ích chung của nhân loại xét như là con người đó là nhân quyền. Những quyền lợi căn bản của con người (quyền sống, lao động, học tập, cư trú, đi lai, ngôn luận…) mà Liên Hiệp Quốc tuyên bố cách đây đúng 60 năm chính là một trong những mục đích chính yếu giúp ta hiệp nhất với nhau khi ta nỗ lực dệt xây.
Với những người tin vào Đức Kitô thì một trong những mục đích chính đó là “nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành” (x.Mt 5,48). Qua Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được thông phần sự sống thần linh của Thiên Chúa và với Người anh cả Giêsu, chúng ta là anh chị em với nhau cùng mot Cha trên trời. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Nên hoàn thiện như Cha trên trời không chỉ dừng lại ở thái độ tiêu cực là đừng làm cho tha nhân những gì mình không muốn tha nhân làm cho mình mà phải tiến đến chỗ tích cực là hãy làm cho tha nhân những gì mình muốn họ làm cho mình, vì đó là tất cả những gì được dạy trong lề luật và lời các ngôn sứ (x.Mt 7,12). Để cụ thể hóa thái độ sống này Chúa Giêsu truyền bảo chúng ta là “hãy yêu thương nhau như Người yêu thương chúng ta” (x. Ga 13,34).
Cúi xuống phục vụ người mạnh khỏe cũng như người đau yếu, cúi xuống phục vụ người sang giàu cũng như người nghèo hèn, cúi xuống phục vụ người dễ thương cung như người đáng ghét… là thái độ sẵn sàng đón nhận hồng ân Thánh Thần cách rất tốt đẹp. Vũng đất càng sâu thì nước các nơi sẽ tuôn đổ về càng nhiều. Càng khiêm nhu, bỏ mình để yêu thương phục vụ vô vị lợi thì cang xây dựng tình đoàn kết hiệp nhất, vì khi ấy Thánh Thần, nguyên lý của sự hiệp nhất đang tràn đầy trong chúng ta.
Mong sao người ta đừng đánh lận con đen giữa ích chung và ích riêng, ích riêng của cá nhân hay phe phái của mình. Mong sao hai từ phục vụ được thể hiện cách đích thực là việc làm của người tôi tớ. Cũng mong sao ngày càng hiếm dần và mất hẳn cái cảnh các “quan đầy tớ đạo đời” vinh thân phì da, miệng lưỡi gang thép, chỉ tay năm ngón…để cho đoàn đoàn lớp lớp ông chủ phải khom lưng chầu chực và cật lực hầu hạ.
Chúa Thánh Thần đã được ban cho nhân loại từ Trái Tim Cực Thánh của Chúa Kitô chịu đâm thâu trên thập giá (x. Ga 19,31-37). Chúa Thánh Thần đã được ban cho Hội Thánh cách đặc biệt ngày Lễ Ngũ Tuần. Mong sao khi “lửa cháy” và “gió lên” thì phát sinh nhiều hiệu quả tốt đẹp, nhờ chúng ta biết sẵn sàng đón nhận, nếu không thì hậu quả sẽ là “tro và bụi” that nguy hiểm và khó lường.
146. Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Tuyên)
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến!
Trong kho tàng văn chương Ấn giáo có ghi lại câu chuyện như sau: Có một đệ tử đến thưa với vị linh đạo của mình: “Thưa thầy, con muốn gặp Chúa”. Vị linh đạo chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng.
Ngày hôm sau, người môn sinh trở lại và bày tỏ cũng một ước muốn. Vị linh đạo vẫn mỉm cười tiếp tục giữ sự im lặng cố hữu của ông.
Một ngày đẹp trời nọ, ông đưa người thanh niên đến một dòng sông. Thầy trò cùng trầm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát, bất thần, vị linh đạo túm lấy anh và dìm xuống nước hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy đế trồi lên mặt nước. Lúc bấy giờ vị linh đạo mới hỏi anh: “Khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?”. Không một chút suy nghĩ, người đệ tử đáp: “Thưa thầy, con cần có không khí để thở””.
Lúc bấy giờ vị linh đạo mới dẫn giải: “Con cảm thấy cần gặp Chúa như con cần khí thở không? Nếu con cảm thấy cần như thế, con sẽ gặp được Ngài tức khac. Ngược lại, nếu con không hề cảm thấy cần như thế thì cho dù con có vận dụng tất cả tài trí và cố gắng, con cũng sẽ không bao giờ gặp được Ngài”.
***
Chúa Thánh Thần là Đấng nào?
Cùng với toàn thể Hội Thánh, hôm nay, chúng ta long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Khi nói đến Chúa Thánh Thần, có lẽ, chúng ta chỉ biết Ngài là Ngôi Ba Thiên Chúa mà thôi. Đối với không ít người Công Giáo, Chúa Thánh Thần như một Đấng xa lạ, thậm chí, Ngài chẳng có ảnh hưởng gì mấy tới đời sống của chúng ta. Nhưng thực ra, Chúa Thánh Thần có vai trò vô cùng quan trọng không chỉ trong đời sống của Giáo Hội, mà còn trong cả đời sống của mỗi người chúng ta nữa.
Vai trò của Chúa Thánh Thần trong hoạt động của Hội Thánh
Ngay từ những trang đầu của Thánh Kinh, chúng ta đã nhận thấy sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong công cuộc tạo dựng qua hình ảnh: “Thần Khí Chúa bay là là trên mặt nước”, làm tác sinh muôn loài muôn vật. Thần Khí Chúa được ban cho các ngôn sứ, các vua cũng như các vị thủ lãnh, để các ngài thi hành và chu toàn bổn phận của mình trước mặt Thiên Chúa.
Bước sang thời Tân Ước, Chúa Thánh Thần không ngừng hướng dẫn các hoạt động trong cuộc đời Chúa Giêsu, kể từ lúc Ngài thành hình trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria (Vì Chúa Giêsu thụ thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần) cho tới tận đỉnh đồi Golgotha. Sau cùng, Thiên Chúa Cha đã dùng quyền năng Chúa Thánh Thần làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết.
Kể từ sau khi Đức Giêsu về trời cho đến hôm nay, Chúa Thánh Thần hằng hoạt động để hướng dẫn Hội Thánh. Ngài làm cho Giáo Hội được hiệp nhất bằng cách ban những đặc sủng khác nhau cho nhiều người để họ phục vụ lợi ích chung. Ngài hiện diện nơi các vị lãnh đạo Giáo Hội, Ngài cũng có mặt nơi các nhóm giáo dân. Ngài hiện diện trong cac Bí Tích, trong mỗi thánh lễ. Ngài thánh hóa bánh rượu để trở nên Mình và Máu Đức Kitô. Thế nên, có thể nói rằng: Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội; không có Ngài, Giáo Hội chỉ là một cơ cấu giống như bất cứ một cơ cấu tổ chức xã hội nào khác.
Vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta
Kể từ khi lãnh Bí tích Rửa tội, Chúa Thánh Thần hằng hướng dẫn cuộc đời mỗi người chúng ta. Đặc biệt, qua Bí Tích Thêm Sức, chúng ta nhận được một cách dồi dào bảy ơn Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta trở nên “chiến sĩ Chúa Kitô”, can đảm làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời. Chúa Thánh Thần còn có mặt khi ta rung động trước một đoạn Lời Chúa. Ngài có mat khi ta muốn tiến một bước mới trong đời sống cầu nguyện, trong đời sống thiêng liêng…
Không những thế, Chúa Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp nhất các Kitô hữu. Câu chuyện tháp Baben xưa, loài người vì kiêu ngạo, muốn bằng Thiên Chúa nên đã bị chia rẽ và phân tán, thì nay, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các tông đồ có thể nói mà nhiều người thuộc các ngôn ngữ khác nhau đều hiểu được; mọi người ở các quốc gia khác nhau cùng tuyên xưng một niềm tin vào Chúa.
***
Trong khi hiện ra với các môn đệ, cùng với việc thở hơi để trao ban Thần Khí, Chúa Giêsu còn ban bình an cho các môn đệ, đang khi các ông lo lắng, phiền muộn. Như vậy, Chúa Thánh Thần còn là nguồn bình an mà Chúa Giêsu trao tặng cho mỗi người chúng ta. Khi lãnh nhận món quà đó, chúng ta cũng được mời gọi trở nên bình an cho những người chúng ta gặp gỡ, nhất là những người đang sống trong cảnh khốn cùng; để chớ gì, bất cứ nơi đâu có dấu chân của chúng ta bước tới, nơi đó có sự bình an.
Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một cơ hội nhắc nhở mọi người chúng ta suy nghĩ lại về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta. Chúa Thánh Thần, dù được cầu khấn mỗi khi chúng ta bắt đầu một công việc, nhưng dường như sự kêu cầu này đã trở nên máy móc, và chúng ta không còn ý thức đến sự hiện diện của Ngài trong đời sống của người Kitô hữu chúng ta. Chúng ta chưa lắng nghe và vâng theo sự chỉ dạy và hướng dẫn của Ngài. Làm sao để Chúa Thánh Thần có một chỗ đứng quan trọng trong cuộc đời chúng ta?
Thánh Phaolô tông đồ nói: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí” (1Cr 12,4). Như vậy, mỗi thành phần trong Giáo hội đều có những vai trò khác nhau, nhưng cùng một mục tiêu chung là xây dựng thân thể Hội Thánh. Mỗi người chúng ta hãy duyệt xét lại bản than mình xem, tôi đã sử dụng những ơn huệ Chúa ban như thế nào? Tôi đã dùng để phục vụ và xây dựng Hội Thánh Chúa, hay sử dụng vào mục đích khác?
Chúa Thánh Thần đã, đang và vẫn còn hoạt động trong Hội Thánh, thế nhưng, đôi lúc, chúng ta chưa nhận ra Ngài là vì như câu chuyện kể trên, chúng ta chưa khao khát Ngài cho đủ, chưa mong muốn Ngài thực sự. Dâng thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ hướng dẫn chúng ta, như xưa, Mẹ đã hướng dẫn các môn đệ trong nhà Tiệc Ly, để chúng ta có thể mở lòng ra, đón nhận một cách dồi dào những nguồn ơn phúc vô biên của Chúa Thánh Thần. Amen.
147. Hiệp nhất
(Trích trong ‘Sợi Chỉ Đỏ’ của Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Ai ai cũng thấy đoàn kết hiệp nhất là cần thiết, quan trọng và hữu ích:
– Ca dao có câu “Một cây làm chẳng nên non…”
– Và còn một câu khác: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.
– Còn sách Công Vụ thì kể rằng sở dĩ thuở ban đầu Giáo hội phát triển rộng là nhờ các tín hữu rất đoàn kết yêu thương nhau, người lương thấy cuộc sống hiệp nhất yêu thương ấy qúa tốt đẹp và đầm ấm nên thích và xin gia nhập Giáo hội.
Nhưng làm sao để có đoàn kết và hiệp nhất?
– Theo thiển ý, muốn có đoàn kết hiệp nhất thì trước hết phải biết tôn trọng sự dị biệt. Nhiều khi những người sống chung trong tập thể cứ hục hặc nhau hay buồn phiền nhau chỉ vì người này khó chịu vì người kia có tính tình khác mình, có cách suy nghĩ khác mình, có sở thích khác mình… Thấy người ta khác mình là mình bực bội, mình phê phán, mình ghét bỏ. Thực ra “bá nhân bá tánh”. Và khi Thiên Chúa dựng nên người ta, Người cũng dựng nên mỗi người có net riêng của người đó. Nói theo từ ngữ triết học thì mỗi người là một hữu thể độc đáo. Ta phải tôn trọng sự dị biệt nơi người khác. Đừng ai bắt ai phải có cùng một cá tính, một cách suy nghĩ, một cách làm việc, một sơ thích giống y như mình. Thấy người ta khác mình nhưng mình vẫn tôn trọng người ta, đó là cơ sở thứ nhất tạo sự đoàn kết hiệp nhất.
– Điều kiện thứ hai, khi ta đã tôn trọng sự dị biệt nơi người khác thì ta phải biết tương nhượng, nghĩa là nhường nhịn nhau. Vì bá nhân bá tánh nên có nhiều lúc trong cuộc sống chung, ý của người này và người kia khác nhau. Nếu hai bên cứ khăng khăng đòi người kia phải theo ý mình thì đương nhiên sẽ dẫn tới cãi co hoặc bất mãn không hợp tác. Cho nên mỗi bên phải nhường một chút. Quyết định chung là kết quả của sự dung hòa ý kiến của hai bên.
– Điều kiện thứ ba, nhưng là điều kiện quan trọng nhất, đó là mọi người đều ý thức rang mình có chung một nguồn gốc, một tinh thần. Cũng như anh chị em trong gia đình dễ tương nhượng nhau, dễ tha thứ nhau, dễ đoàn kết hiệp nhất với nhau và nhờ mọi người ý thức mình là con của cùng một cha mẹ sống chung trong một mái nhà. Thì cũng thế chhúng ta ý thức rằng ai ai dù thế nào đi nữa thì cũng là con người, cũng là đồng bào với nhau thì sẽ dễ đoàn kết nhau hơn. Đối với chúng ta những người Kitô hữu, nếu chúng ta ý thức thêm rằng chúng ta là môn đệ Chúa Giêsu là con Thiên Chúa thì chúng ta cũng dễ yêu thương nhường nhịn và đoàn kết với nhau hơn. Nhưng ai sẽ nhắc chúng ta ý thức điều đó và ai sẽ giúp chúng ta thực hiện đoàn kết hiệp nhất theo ý thức đó? Thưa Chúa Thánh Thần.
Hôm nay lễ Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy tha thiết cầu xin Ngài giúp chúng ta.
– Trước hết là biết tôn trọng sự dị biệt nơi những người sống chung với ta.
– Thứ hai xin Ngài giúp mỗi người chúng ta thêm khiêm tốn để có thể tương nhượng người khác khi có bất đồng.
– Và nhất là xin cho mọi người ý thức mình đều là con Chúa, đều là môn đệ Chúa cho nên đều phải yêu thương nhau.
148. Tái tạo
(Trích trong ‘Sợi Chỉ Đỏ’ của Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện các môn đệ Chúa Giêsu tự nhốt mình trong một căn phòng đóng kín các cửa, lòng đầy sợ sệt. Nhưng sau đó Chúa Giêsu đến với họ và sai họ ra đi, khi đó lòng họ vui mừng và bình an.
Chuyện xảy ra với các môn đệ ngày xưa cũng là chuyện thường xuyên xảy ra cho chúng ta ngày nay. Vậy chúng ta hãy xem lại từng bước câu chuyện này.
Bước thứ nhất: các môn đệ nhốt mình trong phòng kín. Đây là tâm lý co cụm, khép kín. Một tâm lý thường xảy ra. Chắc nhiều người đã biết chuyện Lan và Điệp. Hai người yêu nhau tha thiết. Nhưng Điệp bị gài bẫy nên bị bó buộc phải cưới một người khác. Lan buồn quá. Rồi Lan làm gì? Lan co cụm lại bằng cach đi vào trốn trong chùa. Lan không muốn gặp gỡ ai cả nên trong chùa có một chiếc chuông để khi ai muốn gặp người nào trong chùa thì kéo chuông. Lan cắt đứt luôn sợi dây chuông ấy, nghĩa là cắt đứt hẳn mọi liên hệ với mọi người khác.
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta vì nhiều lý do nên cũng rơi vào tâm lý co cụm khép kín như thế. Lý do của Lan là thất tình. Có người khác co cụm vì thất vọng. Có người khác nữa vì mặc cảm tội lỗi. Còn lý do của các tông đồ trong tường thuật này là sợ: các ông coi ai cũng là kẻ thù có thể hại mình bất cứ lúc nào nên co rút vào trong phòng và đóng kín các cửa lại. Nhưng ta nên biết con người là một hữu thể mang tính xã hội. Làm người là phải sống với những người khác. Càng sống với chừng nào thì càng đúng là người chừng nấy. Khi ai đó co cụm lại, rút vào vỏ sò thì kể như người ấy không còn là người nữa, người ấy như đã chết.
Ta hãy trở lại câu chuyện Lan và Điệp. Vì Lan đã cắt đứt dây chuông nên Điệp không đến với Lan được. Hai người không bao giờ gặp nhau nữa và dần dần chết héo chết mòn. Chuyện tình của họ đi vào ngõ cụt không lối thoát. Còn câu chuyện trong bài Tin Mừng này thì khác hẳn. Các tông đồ đóng kín cửa không muốn gặp ai, nhưng Chúa Giêsu thì chủ động tìm gặp họ. Họ không có khả năng đến với Chúa thì Chúa chủ động đến với họ. Như thế là Ngài phá vỡ một chiều hướng của sự co cụm. Nói cách khác, Chúa Giêsu mở cho họ một cánh cửa, cánh cửa mở ra phía Chúa. Ngài còn mở cho họ cánh cửa thứ hai hướng về phía tha nhân bằng cách sai họ đi, đi ra khỏi thế co cum của mình để đến với người khác. Con người là một hữu thể có tính xã hội, làm người là phải sống với người khác. Khi con người cắt đứt mọi liên hệ thì người đó kể như chết. Nay Chúa Giêsu đến với các tông đồ và còn sai họ đến với người khác tức là Ngài nối lại những mối dây liên hệ, tức là Ngài làm cho họ sống lại. Nói đúng hơn, Chúa Giêsu đã tác tạo các môn đệ.
Nhờ đâu mà Chúa Giêsu tái tạo được các môn đệ như thế. Thưa nhờ Chúa Thánh Thần. Bài Tin Mừng này có một chi tiết hàm chứa ý nghĩa rất sâu. Đó là Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ. Cũng như ngày xưa Ađam ban đầu chỉ là một tượng bằng bùn đất, nhưng ngay khi Thiên Chúa thổi hơi vào thì tượng bùn đất ấy trở thành người. Thì ngày nay cũng thế, Chúa Giêsu thổi hơi vào các tông đồ. Làn hơi ấy chính là Chúa Thánh Thần, nhờ Chúa Thánh Thần mà các môn đệ đã được tái tạo lại thành những con người mơi.
Những con người mới này có những gì đặc biệt: thưa cái đặc biệt thứ nhất là niềm vui. Bài Tin Mừng nói “các tông đồ vui mừng vì thấy Chúa”; cái đặc biệt thứ hai là bình an: không còn sợ gì nữa cả nhưng lòng rất thanh thản. Bài Tin Mừng viết “Chúa Giêsu đứng giữa các ông và nói: bình an cho chúng con”; và cái đặc biệt thứ ba là mang ơn tha thứ đến cho những người khác, bài Tin Mừng nói “Chúng con hãy nhận lấy Thánh Thần. Chúng con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha”.
Nhiều khi chúng ta rơi vào tâm trạng sợ sệt, bất an, mặc cảm tội lỗi. Khi đó chúng ta co cụm lại, rút lui vào nỗi cô đơn của mình và không muốn gặp ai cả. Tình trạng này thật là buồn chán. Phải sống trong tình trạng này thì chẳng khác nào như đã chết. Do đó cần phải có ai đó giúp chúng ta thoát khỏi tâm trạng bất thường ấy. Người ấy là ai? Thưa chính là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Đấng tái tạo những gì suy sụp và hư mất. Hôm nay cùng với Giáo hội chúng ta mừng kính Chúa Thánh Thần. Nếu có gì đang khiến chúng ta buồn sầu co cụm khép kín, chúng ta hãy bày tỏ với Ngài và xin Ngài giải thoát chúng ta, tái tạo chúng ta thành con người mới, an bình, vui tươi, vui sống với mọi người.
149. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
(Suy niệm của John Nguyễn)
1. Bình an tâm hồn, điều kiện quan trọng để phát triển tâm linh
Trong Tin Mừng, sự bình an, đặc biệt sự bình an trong tâm hồn, được coi là một giá trị hết sức quan trọng. Khi Đức Giê-su sinh ra, muôn vàn thiên thần đã hát mừng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Điều Đức Giê-su khuyên các môn đệ làm khi vào nhà mọi người để loan báo Tin Mừng là: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy” (Mt 10,12; x. Lc 10,5). Sau khi chữa lành bệnh cho ai, Đức Giê-su cũng chúc bình an cho người ấy (x. Mc 5,34; Lc 8,48). Khi gặp các môn đệ, nhất là những lần sau khi phục sinh, Đức Giê-su luôn luôn cầu chúc: “Bình an cho anh em!” (Lc 24,36; Ga 20,19; 20,26). Thánh Phê-rô và Phao-lô gọi Tin Mừng mà các ngài loan báo là “Tin Mừng bình an” (Cv 10,36; Ep 2,17; 6,15).
Trong cuộc sống đời thường, bình an là một điều kiện quan trọng để sống vui tươi hạnh phúc và để phát triển; trong đời sống tâm linh cũng vậy. Sự bình an trong tâm hồn là điều kiện quan trọng để đời sống tâm linh cũng như niềm vui nội tâm phát triển. Không có bình an trong tâm hồn, đời sống tâm linh không phát triển được. Và người có đời sống tâm linh phát triển thì tâm hồn luôn luôn bình an, bất chấp những xáo trộn, bất an do ngoại cảnh. Có bình an mới có hạnh phúc. Sự bình an mà Tin Mừng nói đến, mà Đức Giê-su cầu chúc hoặc hứa ban, chủ yếu là thứ bình an trong tâm hồn hơn là thứ bình an bị lệ thuộc vào ngoại cảnh. Bình an bên ngoài thuộc thể chất hay vật lý thì người thế gian cũng có thể ban cho ta được, nhưng họ khó có thể ban được bình an trong tâm hồn. Còn Đức Giê-su chủ trương ban sự bình an ấy: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27). Sự bình an cũng như niềm vui nội tâm ấy “không ai lấy mất được” (Ga 16,22). Đó là một thứ bình an và niềm vui độc lập với ngoại cảnh, không vì khó khăn hay rắc rối bên ngoài mà bị mất.
Người Ki-tô hữu cần phải đạt được sự bình an và niềm vui nội tâm ấy. Để đạt được, họ chỉ cần thật sự tin tưởng vào Tin Mừng sống tinh thần Tin Mừng, vì Tin Mừng này là “Tin Mừng bình an”. Sống tinh thần Tin Mừng là: sống yêu thương thật sự, tin tưởng và phó thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa, luôn tha thứ không để tâm chấp nhất lỗi lầm của bất kỳ ai, nhất là sống tinh thần tự hủy, không đặt quá nặng “cái tôi” của mình, nhận ra thánh ý Thiên Chúa luôn luôn khôn ngoan và đem lại nhiều ích lợi hơn ý riêng của mình, có tinh thần siêu thoát, không quá gắn bó với những thực tại chóng qua của trần gian…
2. Bình an nội tâm, điều kiện để lãnh nhận Thánh Thần
Trong bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ không phải vô tình mà Đức Giê-su trước khi thổi hơi và ban Thánh Thần cho các tông đồ đã lập lại một lần nữa lời cầu chúc “Bình an cho anh em!”. Như vậy phải chăng để nhận lãnh Thánh Thần, thì điều kiện quan trọng là phải có tâm hồn bình an? Và đồng thời bình an cũng lại là kết quả của một tâm hồn tràn đầy Thánh Thần (x. Gl 5,22)? Thực ra, điều kiện quan trọng để nhận được Thánh Thần là phải có tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, phải có tâm hồn trong sạch. Chính vì thế mà Giáo Hội buộc những ai lãnh nhận bí tích thêm sức – tức lãnh nhận Thánh Thần – phải sạch tội, nghĩa là có ân nghĩa với Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa. Mà một khi đã sạch tội, sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa, sống theo tinh thần của Ngài thì đương nhiên sẽ có sự bình an trong tâm hồn.
Bình an này chỉ đến với hoặc ở với những ai xứng đáng với nó, tức những người sống theo tinh thần Tin Mừng là tinh thần yêu thương, tinh thần Tám Mối Phúc của Đức Giê-su (Mt 5,3-12), là lối sống siêu thoát: “Ai đáng hưởng bình an, thì bình an sẽ ở lại với người ấy” (Lc 10,6). Những người chạy theo tinh thần thế tục, coi trọng tiền bạc, danh vọng, địa vị hơn tình nghĩa, sống ích kỷ, vụ lợi, tham lam… không thể có được thứ bình an sâu xa này. Do đó, thay vì nói có ân nghĩa và tình yêu đối với Thiên Chúa là điều kiện để lãnh nhận Thánh Thần, có thể nói cách khác: bình an nội tâm là điều kiện để lãnh nhận Thánh Thần. Thánh Thần có thể được ban cho người không có bình an vật lý hay thể lý, nhưng chắc chắn không thể ban cho người không có bình an nội tâm.
Những ai đã cảm nghiệm được sự bình an và niềm vui nội tâm thật sự – nghĩa là thứ bình an lâu dài và thường xuyên – đều cảm thấy đó là một phần thưởng rất lớn và xứng đáng cho việc sống theo tinh thần Tin Mừng của mình, vì họ đã được phần nào nếm trước hạnh phúc thiên đàng ngay tại trần thế này, thứ hạnh phúc tự tại trong lòng họ, không ai lấy mất được. Đang khi những người khác cho họ là dại dột vì từ bỏ những lợi lộc và thú vui trần tục, thì họ lại cảm thấy chính những người theo đuổi những thứ chóng qua và dễ bị cướp đoạt ấy mới là dại dột. Những người này đã từ bỏ một cái gì quí giá, sâu xa và trường tồn để đổi lấy cái mau qua, dễ mất. Các tông đồ và các Ki-tô hữu tiên khởi đã suy nghĩ như thế vì thật sự cảm nghiệm được sự bình an và Thánh Thần Đấng ban bình an luôn ở với họ. Các ngài đã quí Thánh Thần và sự bình an ấy hơn cả mạng sống và mọi thứ của cải trần gian. Còn chúng ta, những kẻ đang mang danh Ki-tô hữu, thì sao?
3. Nhận lãnh Thánh Thần để được sai đi
Ngay trước khi thổi hơi để ban Thánh Thần cho các tông đồ, Đức Giê-su không chỉ chúc bình an, mà còn nói: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Như vậy, việc lãnh nhận Thánh Thần còn có một mục đích quan trọng là để làm công việc của Thiên Chúa. Trong sách Công Vụ Tông Đồ, ngay sau khi lãnh nhận Thánh Thần, các tông đồ lập tức làm việc cho Thiên Chúa: rao giảng Tin Mừng một cách mạnh dạn, không sợ sệt, và còn làm được nhiều điều kỳ diệu: các ngài nói một cách rất bình thường nhưng ai nấy đều nghe thấy các ngài nói ngôn ngữ của mình, các ngài còn có thể trừ quỉ ám hay chữa khỏi những bệnh nan y trong chốc lát…
Thánh Thần được ban xuống trên những ai xứng đáng lãnh nhận với nhiều quyền năng kèm theo, không phải để phục vụ cho lợi ích riêng của người ấy, mà vì lợi ích chung của mọi người: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12,7). Vì thế, những ai được ơn đặc biệt của Thánh Thần đều phải dùng ơn ấy để phục vụ mọi người, nhất là để loan báo Tin Mừng, để thăng tiến đời sống tâm linh con người, để giúp ích cho Giáo Hội, cho xã hội và thế giới. Không ai lãnh nhận ơn Thánh Thần lại được phép dùng ơn ấy cho lợi ích riêng của mình: để được danh tiếng, được kính nể, nhờ đó được lên chức, được nắm quyền, được dồi dào tiền bạc, v.v… Những người có những ý hướng vị kỷ ấy cho dẫu có làm những công việc tốt đẹp, cũng không thể lãnh nhận Thánh Thần.
Vậy, muốn lãnh nhận Thánh Thần, chúng ta cần phải có “bụng chung”, biết lo lắng cho công việc chung, của Giáo Hội hay xã hội, của tập thể hay cộng đoàn, của quê hương đất nước. Vừa tha thiết xin Thánh Thần đến với mình, vừa giữ tính ích kỷ, chỉ biết vun quén cho mình, không hề nghĩ đến người khác thì chẳng khác gì muốn thổi cơm mà lại đổ cát vào nồi. Thật là “công dã tràng”, nhưng có biết bao Ki-tô hữu đang làm như vậy! Bạn có làm như vậy không? Đừng chờ đợi có ơn Thánh Thần rồi mới làm tông đồ, hãy hăng say làm tông đồ trước đi rồi tự động Thánh Thần sẽ được ban cho ta!
CẦU NGUYỆN
Tiếng Chúa nói với tôi: “Sự bình an của Cha rất quí giá, nên đã có biết bao người sẵn sàng hy sinh tất cả để có được sự bình an ấy! Họ là những người khôn ngoan. Vì chỉ có thể thứ bình an ấy mới làm cho họ hạnh phúc, thứ hạnh phúc mà thế gian không thể ban được, cũng không thể hủy hoại được. Thứ bình an ấy, Cha chỉ ban cho những người xứng đáng, những người dám thật sự sống Tin Mừng của Cha. Con chắc chắn sẽ được sự bình an ấy nếu con thật sự sống đúng những đòi hỏi của Tin Mừng. Con có dám sống như thế không? Nếu không dám thì con cũng đừng lấy làm lạ và thắc mắc tại sao Cha không ban thứ bình an ấy cho con!”.
150. Những lời trịnh trọng sau hết
Vào một buổi sáng tinh sương, các khách hàng đang ngồi ăn và xì xèo với nhau trong một tiệm ăn sáng, thì đột nhiên một người chạy vào tiệm ăn và hét lớn, “Mọi người hãy bỏ chạy nhanh lên, Big Jake đang vô đây!” Khi mọi người đang quính quít lên bỏ chạy thì một gã đàn ông to lớn đạp cửa đi vào và nói với người chủ quán, “Cho tôi một gallon cà phê.” Người chủ quán liền cấp tốc pha một gallon cà phê cho Big Jake. Sau khi uống xong, người chủ quán hỏi tiếp, “Thưa ông, ông có muốn uống thêm 1 gallon nữa không?” “Không cần đâu,” Big Jake trả lời, “Tôi cần phải đi bởi vì tôi nghe nói rằng Big Mike đang đến.”
Bài Phúc Âm hôm nay tả lại cái cảnh buổi tối ngày Chúa Nhật Phục Sinh thứ nhất. Các tông đồ đang sợ hãi trốn tránh sau cánh cửa đóng kín và khóa chặt. Họ sợ bị bắt và sẽ bị giết như chính Thầy của họ. Họ sợ rằng họ sẽ là những người kế tiếp sẽ bị đóng đinh. Tuy thế, sự sợ hãi của họ đã làm cho họ lầm lạc. Chúa Giêsu đã phục sinh và đang đến với họ.
Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín vì các ông sợ người Do thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!… Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em… hãy đón nhận lấy Thánh Thần” (Gn 20:19-22).
Vào ngày Lễ Hiện Xuống hôm nay, Chúa Giêsu đến với chúng ta. Ngài đang hiện diện ở đây và nói với mỗi người chúng ta rằng, “Bình an cho các con… như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con…” Hy vọng rằng chúng ta sẽ được giải thoát khỏi những mối bận tâm và lo lắng và chiếm đoạt được sự bình an trong tâm hồn.
Chúa Giêsu đến với con người và chứng tỏ quyền năng cao cả của Đấng Phục Sinh. Ngài đã phục sinh để qua đó chúng ta được ơn bình an trong tâm hồn, để đem đến cho chúng ta sự sung mãn, và làm cho chúng ta có thể chiếm được sự sống hoàn hảo và hoàn toàn mãi mãi.
Tất cả mọi người chúng ta đều đã cảm nghiệm được “Những Ánh Nắng của Thiên Chúa” ở ngoài bờ biển, trên núi cao, hoặc là những nơi khác. Điều đáng buồn đó là chúng ta cần những cái gì mà nó đập thẳng vào mắt của chúng ta. Cũng như thế, sự Phục Sinh của Chúa Kitô hiện diện ở khắp mọi nơi ở tạo vật, ở mọi người mà chúng ta gặp ở ngoài đường phố. Tất cả mọi sự chung quanh chúng ta đều được trang trí bằng sự hiện diện của sự thần linh của Thiên Chúa. Đó là điều mà Tân Uớc vẫn nói với chúng ta. Tuy nhiên đó chỉ là một sự bắt đầu.
Chuyện đã xảy ra cho các Kitô hữu thời sơ khai đó là Thiên Chúa đã đến và ngự giữa họ, và họ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa bằng một cách mới mẻ, mạnh mẽ, trào tràn, và đầy đủ, mà họ không thể nào giữ nổi trong mình. Họ phải đi để chia sẻ về Tin Mừng này.
Điều mà họ nhận thức được từ trong nội tâm của họ đó là sự yêu thương của Chúa Cha hiện diện ở trong Người Con của Ngài, Người Con đã đang hiện diện ở giữa họ như là một mẫu gương tuyệt hảo cho sự sống của mọi người.
Rất nhiều người nhìn thấy Chúa Giêsu, nhưng có bao nhiêu người nhận ra Ngài? Rất nhiều người nhìn thấy bóng của Ngài, dân của Ngài, và lời giáo huấn của Ngài, thế nhưng đếm ngón tay có được bao nhiêu người nhận ra Ngài? Chỉ có một số rất ít người đã nhìn thẳng vào Ngài và nói với Ngài, “Con tin rằng Ngài là Con Thiên Chúa… Ngài là nguyên nhân của sự vui mừng… Con vui mừng khi có sự hiện diện của Ngài ở giữa con.”
Trong cuốn sách trích lại những lời quí hóa cuối cùng của các vĩ nhân có ghi lại những lời của những người sau đây.
Tổng Thống Franklin D. Roosevelt đã trối, “Tôi thấy nhức đầu quá.”
Tác giả của tờ báo Washington Irving đã nói, “Thôi, tôi phải xếp gối để chuẩn bị cho một buổi tối mệt mỏi! Khi nào thì việc này mới kết thúc!”
Nhạc sĩ Beethoven đã nói, “Các bạn hãy vỗ tay, màn kịch đã chấm dứt!”
Thánh Gioan Tông Đồ đã ghi lại lời cuối cùng của Chúa Giêsu, “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”
Trong khi chúng ta ra đi như lời Chúa Giêsu đã truyền dạy, chúng ta đừng ngại làm với bàn tay lấm lét. Nếu những người láng giềng hoặc cộng đoàn cần đến sự giúp đỡ, chúng ta hãy mau mắn đáp lại. Đừng để cho sự ích kỷ trà trộn vào trong tâm hồn chúng ta. Nếu một người nào đó đang cần sự tha thứ, chúng ta đừng để cho lòng thù hận che đậy sự công chính của mình. Nếu một anh chị em đang cần giảm đi sự cô đơn, chúng ta đừng để cho mình bị bám chặt vào cái tính thờ ơ lãnh đạm.
Thế giới của chúng ta đang sống tràn đầy những đau khổ. Nhiệm vụ của chúng ta đó là làm những gì mình có thể để giảm bớt đi những khổ đau đó. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho người khác được hạnh phúc để chúng ta cũng sẽ được hưởng sự hạnh phúc. Thiên Chúa sẽ rất hài lòng với chúng ta bởi vì chúng ta làm theo lệnh Ngài truyền.
151. Chúa Thánh Thần, Đấng thông ban mọi sự
Chúa Giêsu khi chịu chết trên Thập Giá, Ngài đã bị tên lính lấy lưỡi đòng đâm thấu cạnh nương long để máu cùng nước chảy ra từ đó sinh ra nguồn sự sống cho nhân loại, khai sinh Giáo hội Chúa Kitô. Nhưng để Giáo hội ấy được giới thiệu với thế giới thì phải đợi đến 50 ngày sau tức vào ngày Lễ Ngũ Tuần, phải đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống thì dân Do Thái hay nói rộng hơn là thế giới mới nhận ra khuôn mặt của Giáo hội Chúa Kitô. Như thế, Chúa Thánh Thần đã làm một cuộc đổi mới nơi Giáo hội, đã hoàn tất những gì mà Chúa Giêsu đã thực hiện nơi đời sống dương thế của Ngài. Hôm nay mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống ta hãy suy niệm để thấy được vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội cũng như trong chính cuộc sống chúng ta.
Trước hết, Chúa Thánh Thần là Đấng hiệp nhất trong Giáo hội. Giáo hội được Chúa Kitô thiết lập mà các tông đồ là những tín hữu đầu tiên. Ngay trong cuộc thương khó của Chúa Kitô, các tông đồ, các môn đệ đã bỏ chạy tán loạn. Sau khi Chúa Phục sinh mặc dù các tông đồ có hội họp lại với nhau nhưng sự hiệp nhất này là vì sợ hơn là vì tin vào Chúa phục sinh, bằng chứng là Tôma đã có lần không cùng hiệp nhất với các môn đệ khác. Nhưng trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống các ông đã có mặt đông đủ và như trong bài đọc Tông Đồ Công Vụ 2,1-11 thuật lại rằng “Mọi người kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của họ”. Chính Chúa Thánh Thần đã biến đổi những con người tầm thường thành những con người truyền giáo, từ những người phường chài ít học trở nên người nói lời Thiên Chúa cách lưu loát và đặc biệt Chúa Thánh Thần biến đổi mọi người để họ cùng nghe và cùng hiểu Tin Mừng của Thiên Chúa được loan báo cho mọi dân tộc.
Nhìn vào Giáo hội ngày nay Chúa Thánh Thần đóng vai trò hiệp nhất trong Giáo hội cách đặc biệt. Ngài hiệp nhất muôn dân tộc, muôn người… để cùng tuyên xưng vào một Thiên Chúa duy nhất. Trong Chúa Thánh Thần không có khoảng cách, không có ranh giới. Dù có sự khác nhau về địa lý, và bản sắc văn hoá nhưng tất cả đều nên một trong Chúa Kitô.
Chúa Thánh Thần là nguồn động lực và phát kiến cho mọi hoạt động tông đồ. Trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu và ngay cả khi Chúa Giêsu Phục Sinh thì các tông đồ luôn sống trong sợ hãi, luôn sống trong hoang mang bí lối… Nhưng với sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống thì các ông đã biến đổi một cách rõ rệt. Một Phêrô nhút nhát chối Thầy nay mạnh dạn tuyên xưng: vị chịu chết trên Thập Giá là Thầy mình, là Thiên Chúa, và cùng với Gioan ông đã mạnh dạn tuyên bố “Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa điều ấy có phải lẽ không?” (Cv 4,19). Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà các tông đồ hăng say đi rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô Phục Sinh và với những con người tham sống sợ chết mà nay lại dám lấy mạng sống mình để minh chứng Đấng chịu chết trên Thập Giá là Thiên Chúa. Sự lớn mạnh của Giáo hội thời sơ khai chính là bằng chứng cho thấy rõ sự hoạt động của Chúa Thánh Thần như: Các tông đồ mạnh dạn đi loan báo Tin Mừng, thiết lập các phó tế, thành lập các giáo đoàn, Rửa tội cho dân ngoại.. Như thế chính Chúa Thánh Thần là nguồn động lực và phát kiến mọi hoạt động tông đồ.
Chúa Thánh Thần vẫn hằng hoạt động trong Giáo hội chúng ta ngày nay đơn cử như Giáo hội Việt Nam chúng ta. Năm 1553 Tin Mừng được loan báo đến nước Việt Nam chúng ta nhưng phải trải qua nhiều gian lao khó khăn. Và hàng vạn người đã lấy mạng sống mình để tuyên xưng niềm tin. Nhìn với khía cạnh con người đây qủa là một thất bại vì sự mất mát quá lớn. Nhưng dưới tác động của Chúa Thánh Thần thì những khó khăn, tù đày, nhục hình… được mặc cho một ý nghĩa lớn lao hơn, nó như là hạt giống ươm mầm cho ngày nay nước Việt Nam có hàng triệu con người Việt Nam tin vào Thiên Chúa. Và hiện nay Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động âm thầm qua những biến cố, những cảnh huống của cuộc sống để đưa dẫn mọi người vững bước trên con đường đi theo Chúa.
Còn nhiều, còn nhiều những tác động của Chúa Thánh Thần trong đời sống của Giáo hội nói chung và trong mỗi con người chúng ta nói riêng. Như thế chúng ta phải sống như thế nào để cộng tác với Chúa Thánh Thần Đấng vẫn hằng hoạt động trong chúng ta.
Chúa Thánh Thần là Đấng thiêng liêng, vô hình. Chẳng phải Chúa Thánh Thần chỉ được ví như là lửa, gió, nước… Nhưng phải nhớ rằng Ngài là Đấng thiêng liêng và hoạt động của Ngài là vô tận nên ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần để Ngài ban cho ta nhận được đâu là thánh ý Thiên Chúa muốn chúng ta hoàn thành trong đời sống của mình. Mặt khác, chúng ta đừng bó buộc Chúa Thánh Thần phải là như thế này như thế kia, nhưng Ngài là tất cả nên chúng ta phải suy ngắm để khám phá được Ngài.
Chúa Thánh Thần là Đấng hiệp nhất và Ngài muốn chúng ta là dụng cụ để Ngài thực hiện sự hiệp nhất đó trong gia đình, trong lối xóm, trong xã hội… Nên khi trong chúng ta có sự bất hoà là khi chúng ta đi ngược lại với sự tác động của Thần Khí.
Chúa Thánh Thần là nguồn và phát kiến mọi hoạt động tông đồ. Hãy để Chúa Thánh Thần hành động trong chúng ta. Hãy hoạt động hết khả năng của mình trong sự suy ngắm và cầu nguyện để rồi Chúa hoàn tất những gì Ngài muốn thực hiện.
Hôm nay mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đổi mới mọi sự trong ngoài chúng ta để chúng ta được trở nên mềm mại trong lòng bàn tay Thiên Chúa từ đó Ngài sẽ làm nên những tác phẩm đẹp ý Ngài.
152. Suy niệm của Lm Lâm Thái Sơn
Mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần
Đối với một vài quốc gia thuộc Châu Âu, lễ «Chúa Thánh Thần Hiện Xuống» là lễ trọng, do đó ngày nghĩ lễ cũng được kéo dài, có nhiều xưởng hãng cho phép «nghỉ bác cầu» từ chiều thứ năm đến sáng thứ ba tuần sau. Và ta thấy từng đoàn xe nhôn nhao rời khỏi làng hoặc thành phố nơi mình trú ngụ để đi đây đi đó, lên núi hoặc xuống miền biển nắng ấm. Nếu những ngày đó có mặt trời và ta được dịp đi biển, hẳn nhiên ta sẽ chứng kiến những cánh buồm nho nhỏ hoặc ra khơi hoặc đùa giỡn với những làn sóng biển nhờ những luồng gió thổi mạnh. Con người chỉ cần lèo lái và ung dung đùa giỡn trên mặt biển, nhưng điều cần thiết là phải có gió.
Vậy thì bài đọc thứ nhất hôm nay cũng cho chúng ta nhận thấy tầm quan trọng của Gió, vì gió và lửa biểu tượng sự hiện diện của Thần Linh Thiên Chúa: «khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió thổi mạnh, lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện, và mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần» (Cv 2,1-11).
Khi đề cập đến «gió, lửa, mây mù, sấm chớp» như dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, ta cần nhớ lại một vài đoạn Kinh Thánh: Lúc khởi đầu sáng tạo trời đất, thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước (St 1,1-2); lúc giải thoát dân It-ra-en ra khỏi đất Aicập vượt qua Biển Đỏ: Thiên Chúa cho một cơn gió đông thổi mạnh dồn biển lui, nước rẽ ra và con cái It-ra-en đi vào giữa lòng biển khô cạn (Xh 14,15-31); lúc ban mười điều luật: Cả núi Xi-nai nghi ngút khói, vì Thiên Chúa ngự trong đám lửa mà xuống và cả núi rung chuyển mạnh (Xh 19,16-24).
Gió không những biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa, mà còn tượng trưng Thần Linh Thiên Chúa, vì Thần Khí là sự sống. Với lời văn bóng bẩy, tác giả sách Sáng Thế viết: Lúc tạo dựng, Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật (St 2,7); Trong sách Gióp, ông Êlihu nói: Sinh khí Thiên Chúa đã làm ra tôi, hơi thở của Đấng Toàn Năng đã cho tôi được sống (G 33,4). Lời văn tuy giản dị nhưng rất gợi hình và đầy ý nghĩa. Phải chăng khi đề cập đến người chết, ta cũng đã từng nói rằng (ông/bà) đó đã trút hơi thở cuối cùng. Vì hơi thở là sự sống, là Thần Khí, do đó sau khi Đức Giêsu Phục Sinh: Nơi các môn đệ ở, Ngài đến giữa các ông và nói «bình an cho anh em», đoạn Ngài thổi hơi cho các ông và bảo «anh em hãy nhận lấy Thánh Thần» (Ga 20,19-23). Từ lúc đó, các môn đệ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Linh.
Và Giáo Hội cũng được khai sinh vào lúc Thần Linh Thiên Chúa ngự trên các môn đệ với những dấu chỉ gió và lưỡi lửa trong ngày lễ Ngũ Tuần. Lễ mừng kỷ niệm ngày khai sinh của dân Hy-bá tại núi Xi-nai đã trở thành ngày khai sinh của một Dân tộc mới, và từ nay Thần Khí đến thay thế Lề Luật. Ở núi Xi-nai, Lề Luật được ghi khắc bất động vào đá như một bảo chứng về lâu dài. Ngược lại, lửa và sinh khí của Thần Linh Thiên Chúa không bị chế ngự và giam kín, mà luôn soi sáng sứ điệp Tin Mừng cũng như thúc giục con người biết sống tự do không bị ràng buộc bởi tội lỗi, biết yêu thương như chính Thiên Chúa yêu thương.
Do đó, lễ Hiện Xuống được xem như biến cố phá tan những ranh giới văn hoá, sắc tộc, địa dư và tôn giáo tại Ít-ra-en. Từ nay nhân loại hoàn vũ với những khác biệt ngôn ngữ, văn hoá, não trạng và truyền thống được mời gọi làm công dân Nước Thiên Chúa, chứ không chỉ riêng một dân tộc Ít-ra-en nhỏ bé khép kín với những đặc ân thuở xưa; hơn nữa, dấu chỉ thuộc dân riêng không cần được ghi khắc vào da thịt (nghi thức cắt bì) mà khắc ghi vào tim trong hoán cải canh tân.
Sự đa dạng của các dân tộc được xem như điều phong phú cho nhân loại, tuy nhiên tính cách đó, trong bóng tối tội lỗi, có cơ nguy gây chia rẽ và thù hận giữa con người với nhau, thí dụ điển hình cho sự bất hạnh nhân loại đó là «tháp Ba-ben»: dự án xây dựng một thành phố với tháp có đỉnh cao chọc trời, một dự án ngạo mạn loại bỏ Thiên Chúa, tức nhiên chối từ tình yêu đưa đến sự xáo trộn tiếng nói và từ đó nhân loại bị phân tán khắp nơi trên mặt đất (St 11,1-9).
Vậy thì lễ Hiện Xuống được xem như một sự đối chọi vang lừng với tháp Ba-ben: Lúc đó, tại Giêrusalem vào lễ Ngũ Tuần, mọi người kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các Tông Đồ nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục… (Cv 2, 1-11), bởi vì vượt trên các thổ ngữ, có một thế giới ngữ đó là tiếng nói của tình yêu và cũng chính là ngôn từ của Thiên Chúa.
Để đánh dấu điều mới mẻ căn bản của triều đại Thần Khí và các phẩm hạnh của vương quốc cần xây dựng tại trần thế, thánh Phaolô có viết trong bài đọc hai: Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa… Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa… Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: «Áp-ba! Cha ơi!» (Rm 8,8-17).
Tóm lại, nếu không có Thần Linh Thiên Chúa thì cũng không có Giáo Hội và chúng ta cũng không trở thành anh em. Nếu chúng ta được tràn đầy Thánh Thần, chúng ta sẽ nói những thứ tiếng hoàn toàn khác với những ngôn ngữ của thế giới ngày nay đang truyền đạt sự sùng bái các thần tượng, bao gồm những đam mê danh vọng, hận thù tranh chấp, ganh tị và chia rẽ. Nếu được tràn đầy Thánh Thần, mỗi người chúng ta sẽ phát biểu tuỳ theo ơn Chúa ban cho; lúc đó chúng ta sẽ là chứng tá của Đức Kitô, là sứ giả của Tin Mừng và Thần Khí chứng thực cho chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.
153. Nguồn sống
“Chúa thổi hơi trên các ông và bảo: anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần”. Ga 14,22.
Sự sống con người có hai điều rất cần thiết và rất gần gũi: đó là hơi thở và nhịp đập của trái tim. Dĩ nhiên còn nhiều cái khác cũng rất cần thiết, ở đây ta chỉ bàn về hai điều này thôi. Trước hết, hơi thở: đó là thứ vô cùng cần thiết. Không có nó không thể có sự sống và nó đồng nghĩa với cái chết. Để diễn tả sự chết, người ta nói: nó hết thở rồi (nghĩa là đã chết). Hơi thở quan trọng như thế, vậy mà bình thường không ai để ý nó, cũng không mấy người quan tâm gìn giữ nó cẩn thận. Đợi tới khi gần chết, thiếu hơi thở, lúc đó ta mới thấy nó cần thiết vô cùng…Rồi nói tới nhịp đập của con tim: hơi thở nhiều lúc ta còn chủ động, còn dễ thấy, nhưng nhịp đập của trái tim lại là một hoạt động tự phát của cơ thể; nhiều lúc ta không thấy cần nó, nhưng nó lại là thứ không thể thiếu cho sự sống…. Hơi thở, nhịp đập con tim cần cho sự sống thể xác thế nào, thì Chúa Thánh Thần cũng cần thiết cho sự sống linh hồn ta y như vậy. Đó chính là đề tài ta sẽ suy niệm ngày lễ Chúa Thánh Thần hôm nay.
a. Một vài danh từ chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa:
* thổi hơi: đây là một cử chỉ chúc phúc. Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ người là để chúc phúc cho họ, cũng để trao ban Thánh Thần và ơn sủng Người cho các ông.
* hãy nhận lấy Thánh Thần (Gn 20, 22): tiếng Hêbrơ dịch là: Ruah; Hi lạp dịch là: Pneuma; la tinh dịch là: spiritus: có nghĩa gió, hơi thở – khi dùng từ gió và hơi thở để chỉ về Chúa Thánh Thần, điều đó muốn nói: Chúa Thánh Thần là Đấng có năng lực kỳ diệu như gió, như hơi thở, Đấng trao ban sự sống. Dù Ngài thật thần thiêng, nhưng lại hoạt động mãnh liệt trong nội tâm mọi người cùng với chính Thiên Chúa.
b. Hoạt động của Chúa Thánh Thần trong vũ trụ và trong Hội Thánh:
Ngay từ chương đầu của sách Sáng thế ký,đã có nói về Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần Thiên Chúa đã hoạt động và sáng tạo vũ trụ, sáng tạo con người cách tốt đẹp và lạ lùng… Đến khi Con Thiên Chúa, Đức Giêsu xuống trần gian, ta cũng thấy mọi công việc và hoạt động của Người đều có sự hướng dẫn và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần…Rồi chính Hội thánh Chúa Giêsu đã lập ở trần gian, trước khi Chúa về trời, Người đã giao lại cho các tông đồ, chính Hội thánh đó đã đầy ơn sủng của Chúa Thánh Thần; nhất là từ ngày lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần đã hiện diện sống động trong hội thánh trong các tông đồ từ hôm đó. Chính Người là nguyên lý, là động lực, là sức mạnh tác động trên các tông đồ, trong Hội thánh.
Người không tin Chúa Thánh Thần, họ nói: làm sao để chứng minh Chúa Thánh Thần đang hiện diện trong hội thánh? Cùng lắm Hội Thánh ở trần gian là một tổ chức hữu hình, có cơ cấu khéo léo hơn các tôn giáo khác!…Ta tin vào Chúa Thánh Thần không phải là không có căn cứ: 1. vì chính Chúa Giêsu trước khi về trời đã hứa ban Chúa Thánh Thần. 2. các tông đồ trước ngày lễ Ngũ tuần, rất nhút nhát, ít học; vậy mà sau khi được ơn Chúa Thánh Thần, họ sẵn sàng làm mọi chuyện, ngay cả hi sinh chính mạng sống mình. 3. Hội thánh qua 20 tk gặp biết bao sóng gió, tưởng có lúc tan tành rồi; vậy mà đến hôm nay vẫn đứng vững. Thực ra, nếu không có Thánh Thần, Hội thánh tự mình đứng vững được chăng?
c. Gợi ý sống và chia sẻ:
* Hoạt động của Chúa Thánh Thần, dù không thầy rõ như hai cộng hai là bốn, nhưng rõ ràng có nhiều biến cố trong Hội thánh không thể cắt nghĩa được nếu không nói đến ơn sủng của Chúa Thánh Thần. là người kitô hữu, ta có tin không?
* Chúa Thánh Thần là sức sống, ngồn mạch mọi ơn sủng, là hơi thở, là nhịp đập của con tim, không thể thiếu cho mọi kitô hữu. Ta có tin, có năng chạy tới và cầu nguyện với Chúa Thánh Thần không? Bằng mọi cách, ta có cố gắng sống theo sự chỉ dẫn của Người không?
154. Suy niệm của JKN
Câu hỏi gợi ý:
1. Ngày nay, tại sao Giáo Hội lại kém phát triển về số lượng, chưa nói tới chất lượng? Có phải vì cách loan báo Tin Mừng của chúng ta không phù hợp với thời đại? Người thời đại mong mỏi Giáo Hội làm gì cho xã hội, thế giới?
2. Con người thời đại, nhất là người nghèo, người bị áp bức, cần chúng ta thể hiện tình thương đối với họ qua sự chăm sóc, giúp đỡ, nâng họ lên, hay họ cần chúng ta rao giảng Đức Kitô cho họ? Họ cần chân lý hay tình thương?
Suy tư gợi ý:
1. Thánh Thần tạo biến đổi lạ lùng nơi các tông đồ
So sánh tâm lý của các tông đồ trong bài Tin Mừng và trong bài đọc I hôm nay, ta thấy có sự biến đổi hết sức lạ lùng trong một thời gian hết sức ngắn: chỉ hơn một tháng. Sau khi Thầy mình bị giết, các ông sợ hãi người Do Thái đến độ phải ở chung với nhau cho đỡ sợ, và phải đóng kín cửa. Thế mà ngay sau khi Thánh Thần hiện xuống, các ông trở nên hết sức dạn dĩ: dám công khai biểu lộ và làm chứng niềm tin của mình vào Đức Giêsu Kitô và sự sống lại của Ngài, bất chấp bị bắt bớ, tù đày và cả cái chết lúc nào cũng sẵn sàng đến với các ông. Bị tù nhiều lần, nhưng lần nào cũng như lần nấy, vừa ở tù ra là các ông lại tiếp tục rao giảng Đức Kitô một cách công khai, không lén lút. Chính vì thế, hầu hết các tông đồ đã bị giết một cách thê thảm vì danh Đức Giêsu.
Tâm lý con người ai cũng ham sống sợ chết, ham sướng sợ khổ, ham giàu sợ nghèo, ham vinh sợ nhục. Nhưng tình yêu đối với Thiên Chúa và nhân loại, cùng với ơn biến đổi của Thánh Thần, đã làm các tông đồ và rất nhiều Kitô hữu vượt lên những nỗi sợ đó, để dám làm những gì lý tưởng và lương tâm mình đòi buộc: «Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm» (Cv 5,29).
2. Thánh Thần biến đổi là để thi hành sứ mạng
Bài Tin Mừng cho ta thấy lời chúc bình an, lời sai đi, và việc lãnh nhận Thánh Thần đi chung với nhau. Đức Giêsu nói: «Chúc anh em được bình an! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em». Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: «Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần». Như vậy, việc lãnh nhận Thánh Thần là để thực hiện sứ mạng mà Đức Giêsu sai chúng ta làm, với tâm hồn bình an, không sợ sệt lo lắng. Thánh Thần làm cho tâm hồn các tông đồ bình an, và có bình an trong tâm hồn, các ông mới đủ can đảm để công khai làm chứng cho Đức Giêsu. Do đó, để lãnh nhận Thánh Thần và ơn bình an, chúng ta phải có lý tưởng là sẵn sàng làm chứng cho Đức Giêsu Kitô, cho Thiên Chúa, cho chân lý, cho công lý, cho hòa bình giữa mọi người. Thánh Thần không ban ơn của Ngài cho những người không có lý tưởng, không có tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Vì giả như có được ơn Thánh Thần, họ cũng chẳng ích lợi gì cho ai, mà thậm chí gây hại, vì khi không có tình yêu và lý tưởng, họ sẽ lạm dụng những ơn ấy.
3. Sứ mạng của người Kitô hữu
Ngày nay, tỷ lệ Kitô hữu tại châu Âu bị suy giảm trầm trọng, và có vẻ như không tăng lên tại châu Á. Điều ấy khiến mọi Kitô hữu phải suy nghĩ và đặt lại vấn đề cách thức loan báo Tin Mừng của mình, có thể nó không hợp với nhu cầu hay đòi hỏi của thời đại. Con người thời đại này đã thay đổi rất nhiều so với cách đây 50 năm. Hoàn cảnh (văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, trình độ khoa học kỹ thuật, nhu cầu con người, v.v…) đã thay đổi, khiến não trạng, cách nhìn, cách suy nghĩ, lối sống của con người không còn như xưa. Vì thế, nếu chúng ta vẫn giữ cách thức loan báo Tin Mừng như thời tổ tiên ta, e rằng việc loan báo không còn hợp thời và hữu hiệu nữa.
Người thời nay chịu ảnh hưởng não trạng khoa học thực nghiệm rất nhiều. Họ không thể tin vào lời nói xuông như cha ông họ cách đây 50 hay 100 năm. Họ cần thực chứng, vì đầu óc của họ thực tế hơn xưa rất nhiều. Ngày nay, người ta khong thể tin được một Kitô hữu miệng thì luôn luôn nói về tình thương, mà cách sống thì tỏ ra chẳng tình nghĩa với ai. Giới trẻ thời nay đã chán ngấy cái cảnh cha mẹ mình hằng ngày đi lễ, rước lễ, xin Chúa xót thương ban cho mình đủ thứ ơn lành, nhưng lại luôn luôn tỏ ra ích kỷ, bảo thủ quyền lợi, và lãnh đạm trước sự đau khổ hay nhu cầu cấp bách của người chung quanh. Não trạng thực tế khiến người thời đại nhìn thấy rất rõ sự tương phản giưa lời rao giảng và cách sống của những người chuyên loan báo Tin Mừng. Lời rao giảng dù có hay, hùng hồn, hấp dẫn, nhưng không được minh chứng bằng đời sống thực tế của người rao giảng, thì chẳng lôi cuốn được ai!
Ngày nay, khắp nơi trên thế giới, chỗ nào cũng có những bất công, đàn áp, người nghèo bị khinh miệt và càng ngày càng nghèo hơn, người bị gạt ra ngoài lề xã hội ngày càng nhiều, sự bóc lột giữa người với người ngày càng tinh vi, sự chênh lệch giữa người giầu và người nghèo, giữa nước giầu với nước nghèo ngày càng lớn, và biết bao thảm trạng khác. Nhưng thử hỏi: mỗi người Kitô hữu chúng ta đã làm gì trước tình trạng xấu ác đó? Biết bao Kitô hữu không hề quan tâm, đến nỗi không ý thức gì về tình trạng ấy! Biết bao Kitô hữu biết nhưng mặc kệ, ai ra sao thì ra, miễn đời sống mình bình an đầy đủ là được rồi! Biết bao Kitô hữu đã im lặng vì muốn an thân, không muốn bị liên lụy, cho dù sự lên tiếng của mình có thể cải thiện được tình trạng không nhiều thì ít! Biết bao Kitô hữu chẳng những không lên tiếng, mà còn thỏa hiệp hay hùa theo sự ác, chỉ vì quyền lợi của mình! Bất chấp và mặc kệ cho sự ác, sự khổ, bất công, nghèo đói hoành hoành, nhiều Kitô hữu vẫn an tâm rao giảng thứ Tin Mừng giải phóng, là «Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, cho kẻ bị giam cầm được tha, cho người mù được sáng mắt, cho kẻ bị áp bức được tự do, v.v…» (Mt 4,18). Làm sao người thời nay với não trạng khoa học thực nghiệm có thể tin vào lời của những ngôn sứ không hề có những hành động nào đích thực là ngôn sứ? Những người nghèo khổ, những người bị áp bức, những người bị bất công đang chờ đợi hay mong mỏi chúng ta làm gì? Họ mong chúng ta cứu họ thoát khổ, lên tiếng chống lại áp bức bất công, hay họ mong chúng ta rao giảng Đức Giêsu Kitô cho họ, hoặc cho họ biết rằng Ngài là Cứu Độ duy nhất? Họ cần chúng ta cụ thể hóa tình thương của ta đối với họ, hay họ cần chúng ta rao giảng chân lý? Chúng ta đã làm gì?
Đã từ lâu, chúng ta quá hăng say rao giảng chân lý, mà quên mất hoac không để ý đến những nhu cầu cụ thể và thực tế của dân chúng. Họ cần tình thương, nhưng chúng ta chỉ cho họ chân lý! nói đúng hơn là cho họ một mớ lý thuyết về chân lý! Đạo của chúng ta mà như thế thì còn hấp dẫn được ai? Vì thế, đừng lấy làm lạ tự hỏi tại sao Kitô giáo lại bị giảm sút tại châu Âu và không phát triển được tại châu Á. Người Kitô hữu hãy yêu nhau và yêu tất cả mọi người trước đã, đừng quan tâm tới việc rao giang vội! Chính đời sống yêu thương của người Kitô hữu mới là lời giảng hùng hồn và hữu hiệu nhất cho thời đại khoa học thực nghiệm hiện nay. Người Kitô hữu cứ sống yêu thương và thực hiện hay làm chứng cho công lý trước đã, toàn thế giới sẽ tự động trở nên Kitô hữu sau. Còn hăng say rao giảng mà không yêu thương, mà coi nhẹ công lý, thì mọi lời rao giảng đều «chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng» (1 Cr 13,1), hoàn toàn vô ích!
4. Cần có sự biến đổi
Giáo Hội hiện nay cần Thánh Thần biến đổi hơn bao giờ hết. Biến đổi trước hết là não trạng loan báo Tin Mừng. Chúng ta chỉ thích loan báo bằng lời nói, chứ không phải bằng đời sống, bằng việc làm cụ thể. Cần phải thay đổi não trạng đó nếu muốn Giáo Hội tồn tại và phát triển. Sứ mạng của Giáo Hội là sống và thực hành yêu thương hơn là rao giảng chân lý. Tôi không có ý coi nhẹ việc rao giảng chân lý, nhưng phải coi việc sống yêu thương là quan trọng hơn, và quan trọng hơn rất nhiều. Và chỉ có tình thương đích thực mới làm chúng ta mạnh dạn, can đảm như các tông đồ, dám coi thường tất cả (bắt bớ, tù đày, chết chóc) đe nói lên tiếng nói ngôn sứ của mình. Cũng như chỉ có tình thương đối với con mình mới có thể thúc đẩy người cha hay người mẹ xông vào hiểm nguy để cứu lấy con mình. Ơn Thánh Thần mà Giáo Hội và mọi Kitô hữu rất cần hiện nay là tình yêu thương.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Thánh Thần, xin đổ ơn của Ngài xuống trên từng người chúng con, đặc biệt ơn biết yêu thương, biết hy sinh vì người khác, để chúng con loan báo Tin Mừng một cách hữu hiệu bằng chính đời sống yêu thương được biểu hiện bằng những hành động cụ thể như Đức Giêsu đã dạy, chứ không chỉ loan báo bằng lời nói xuông. Amen.
155. Hãy lên đường
“Bình an cho anh em! Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”.
Ghép cành là một trong những kỹ thuật lai tạo cây giống rất được các nhà vườn ưa chuộng vì tốn ít thời gian. Cây giống phát triển nhanh nhờ có gốc cây mẹ đã ổn định. Kỹ thuật này cũng được dùng trong việc trồng hoa kiểng. Cùng một gốc, nhưng cho được nhiều màu hoa, kiểu dáng khác nhau. Điểm chung của các loại ghép nầy là cành ghép phụ thuộc hoàn toàn vào thân cây mẹ. Nếu cây mẹ sinh trưởng tốt thì các cành được ghép vào sẽ lớn nhanh, còn cây mẹ không tốt hay chết đi thì mắt ghép cũng vạ lây.
Đức Giêsu qua 40 ngày ở cùng các môn đệ sau Phục Sinh, Ngài về trời với lệnh truyền cho các môn đệ: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Nhưng lệnh truyền nầy sẽ trở nên nặng nề cho các môn đệ nếu Đức Giêsu không để lại một sự trợ giúp nào. Vâng, sự trợ giúp đó chính là Chúa Thánh Thần – nguồn lực của mọi hoạt động.
Chúa Thành Thần là Đấng nào chắc ai trong chúng ta cũng biết. Bài chia sẻ nầy tôi chỉ muốn kể với các bạn về kinh nghiệm sống với Chúa Thánh Thần. Đầu tiên, Chúa Thánh Thần nhúng tay vào cuộc đời tôi qua Bí tích Rửa tội: “Chúng ta đều đã chịu phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1 Cr 12,13). Nhờ đó mà tôi mới có thể nói lên rằng: “Đức Giêsu là Chúa”. Rồi lần lượt tôi nhận các Bí tích khác trong đời, mà Bí tích dồi dào Chúa thánh Thần nhất là Bí tích Thêm sức. Từ đây, tôi đã được đầy tràn sức mạnh để bước vào đời sống của một chứng nhân cho Đức Kitô. Những lần yếu đuối sa ngã, tôi được Thánh Thần thúc đẩy để hoán cải quay về. Bước vào đời, trước những chọn lựa, Thánh Thần lại hướng dẫn dắt dìu. Cuộc sống đầy những khó khăn trăn trở, Thánh Thần lại đến ủi an khích lệ qua tiếng nói của mẹ cha, bạn hữu, thầy cô… Ngày cuối đời trước khi về với Chúa, tôi sẽ được Thánh Thần nâng đỡ, bảo vệ khỏi mất linh hồn trước cám dỗ của ma quỷ. Có thể nói rằng, suốt cuộc đời tôi không có lúc nào vắng bàn tay Thánh Thần.
Thế mà không ít lần tôi đã để vuột mất bàn tay ấy. Tôi cao ngạo nghĩ rang, bàn tay tôi có thể che được hết bầu trời. Tôi để Thánh Thần qua một bên như người chủ quán “bỏ quên” một kẻ ăn mày không tiền. Tôi sống theo bản năng, theo đam mê, theo sở thích, tôi chấp nhận để tà thần hướng dan cuộc đời. Khi thất bại nặng nề, tôi mới giật mình nhìn lại. Chúa ơi! Đời con như lá úa.
Tôi dùng lại hình ảnh cây tháp cành để nói về mối quan hệ giữa chúng ta và Chúa Thánh Thần. Chắc chắn là Chúa Thánh Thần là một gốc mẹ tốt. Từ đó làm nảy sinh ra nhiều cành lá tốt. Vấn đề là chúng ta đã tháp vào gốc mẹ rồi, vậy chúng ta có đồng ý hút lấy nhựa sống để trổ sinh hoa trái không? “Có nhiều đặc sủng, nhưng chỉ có một Thần Khí” (1 Cr 12,4). Chỉ có một gốc mẹ thôi, nhưng từ đó có nhiều loại hoa đẹp ra đời. Bạn nghĩ sao về điều nầy? Xin bạn đừng bao giờ để Chúa Thánh Thần “chết ngạt” trong đời mình.
Đức Giêsu đã bảo đảm cho hoạt động của chúng ta được thuận lợi qua việc ban Thánh Thần cho ta. “Thầy không để các con mồ côi, Thầy sẽ ban cho các con Đấng Phù Trợ khác, Ngài sẽ ở cùng các con luôn mãi” (Ga 14,16). Ta ra đi không đơn độc, không yếu đuối mà có Thánh Thần cùng đi, có sức mạnh của Thánh Thần. Điều cần phải lo sợ là ta có can đảm dấn thân không? Ta có dám “thí mạng” theo sự hướng dẫn của Thánh Thần không?
Chúa Giêsu đã và đang cần mỗi người chúng ta tiếp bước cuộc hành trình của Người, của các Tông đồ, của các bậc tiền nhân trong cánh đồng thế trần nầy. Bạn không cần phải bận tâm cho rằng mình không đủ sức, việc đó không phù hợp với mình, hay mình còn phải lo việc khác. Thánh Phaolô đã nói là có nhiều việc phục vụ, nhưng chỉ có một Chúa, Thần Khí tỏ mình ra cho mỗi người một cách (x. 1 Cr 12,1-7). Bạn hãy làm việc cho Chúa bằng chính công việc hằng ngày của bạn. Ai làm công nhân hãy làm công nhân cho thật tốt, ai cày ruộng hãy cày ruộng cho thật chăm, ai là thầy dạy hãy dạy với tất cả lương tâm và lòng yêu mến, ai là được mời gọi sống đời thánh hiến thì tích cực sống trong ơn gọi của mình… Chính những việc làm tot đẹp của bạn sẽ minh chứng cho điều bạn kính tin.
Hãy can đảm, đừng hoang mang, đừng sợ hãi, đã có Thánh Thần. Hãy lên đường cùng Người.
156. Đấng an ủi và giáo huấn
Hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu hai tước hiệu Giáo Hội vốn thường dùng để ca tụng Chúa Thánh Thần. Trước hết, Ngài là Đấng an ủi, như trong Ca tiếp liên của thánh lễ hôm nay:
– Lạy Đấng an ủi tuyệt vời, xin hãy đến. Ngài là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than, là sự nâng đỡ trong những lúc lệ sầu.
Niềm tin tưởng vào Chúa Thánh Thần sẽ khắc ghi trong tâm trí chúng ta và làm cho cõi lòng chúng ta tràn ngập một niềm vui dạt dào. Thực vậy, theo thánh Phaolô thì hậu quả của Chúa Thánh Thần la gì, nếu không phải là yêu thương, vui mừng và bình an. Đó là tất cả những gì chúng ta cần đến trong cuộc sống.
Thực vậy, con người chúng ta luôn khao khát vì tìm kiếm niềm vui. Thế nhưng, những niềm vui mà thế gian đem lại thì chóng qua và giả trá, như chúng ta thường bảo:
– Ngày vui thì qua mau, lễ hội thì chóng tàn và khoái lạc thì chợt tắt trong giây lát, để chỉ còn lại một sự mệt mỏi, chán chường và tuyệt vọng. Khát vọng này nảy sinh ra khát vọng khác và con người chúng ta sẽ chẳng bao giờ được no thỏa.
Chúng ta hãy nghe lời cảnh cáo của thánh Phaolô:
– Nước Trời không phải là chuyện ăn uống, nhưng là công chính, bình an và mừng vui trong Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi tuyệt vời, như lời Chúa Giêsu đã phán hứa:
– Thầy đã cầu xin với Chúa Cha và Ngài sẽ sai đến với chúng con một Đấng an ủi khác. Ngài là Thần Chân Lý và sẽ ở cùng các con luôn mãi.
Sở dĩ Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi tuyệt vời vì Ngài biết chúng ta cần phải được nâng đỡ và khích lệ trong cuộc sống trần gian với biết bao nhiêu đau khổ, cay đắng, cô đơn và biệt ly. Trong tất cả những trường hợp ấy, Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta một niền an ủi và một nguồn sức mạnh.
Thế nhưng, niềm vui cao cả nhất là gì? Tôi xin thưa đó là niềm vui được làm con cái Thiên Chúa. Thực vậy, Chúa Thánh Thần là sợi dây tình yêu liên ket Chúa Cha với Chúa Con thế nào, thì Ngài cũng sẽ là sợi dây tình yêu liên kết Chúa Cha với chúng ta như vậy. Ngài sẽ thánh hóa để chúng ta xứng đáng được Chúa Cha yêu thương, cũng như để chúng ta xứng đáng được tham dư vào bản tính của Thiên Chúa, như lời thánh Phaolô đã viết:
– Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Abba! Cha ơi!”
Chúa Thánh Thần sẽ hoạt động để chúng ta nên giống Thiên Chúa, và được tham dự vào bản tính tuyệt vời của Ngài, như lời tục ngữ Việt Nam cũng đã bảo:
– Cha nào con nấy. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.
Chúa Giêsu đã thực hiện chương trình cứu độ và trao ban cho chúng ta quyền làm con Thiên Chúa. Thế nhưng, chúng ta lãnh nhận được địa vị cao cả ấy nhờ Chúa Thánh Thần, như lời thánh Phaolô đã viết:
– Không ai có thể gọi Đức Kitô là Chúa, nếu không phải bởi Chúa Thánh Thần.
Tiếp đến, Chúa Thánh Thần là Đấng giáo huấn. Thực vậy, nhìn vào đời sống của cá nhân cũng như của Giáo hội, chúng ta sẽ nhận ra hoạt đong giáo huấn của Chúa Thánh Thần.
Trước hết là nơi nơi tâm hồn mỗi người chúng ta, cho dù chúng ta đã phạm nhiều tội lỗi, thì những nhân đức cũng vẫn còn tồn tại: Nào là tuân giữ những giới răn của Chúa, nào là kìm hãm bản thân, nào là chấp nhận những hy sinh và thử thách … trong tất cả những điều đó chúng ta thực hiện được là do sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.
Tiếp đến là trong Giáo hội. Trải qua bao cơn sóng gió, Giáo hội vẫn đứng vững, vẫn phát triển truyền thống đức tin, luân lý và phụng vụ. Suốt dọc hai mươi thế kỷ, Giáo hội đã cống hiến cho nhân loại biết bao nhiêu vị thánh, biết bao nhiêu mẫu gương sáng chói. Và ngày hôm nay, Giáo hội vẫn còn là điểm qui tụ của mọi dân nước, của mọi ngôn ngữ, của mọi nền văn hóa. Hình ảnh của ngày lễ Hiện xuống với một đám đông thuộc mọi thành phần, thuộc mọi tiếng nói, nhưng đã đứng chung cùng nhau tại công trương Giêrusalem, để nghe và hiểu những lời các tông đồ truyền dạy. Đây chính là cuộc qui tụ đầu tiên của mọi dân tộc kể từ ngày bị phân tán bởi ngọn tháp Baben còn dang dở.
Và ngày hôm nay, Giáo hội vẫn còn nắm giữ vai trò nối kết, quy tụ muôn tâm hồn rải rắc trên khắp cùng bờ cõi trái đất về với mình, để rồi lấy sợi dây tình yêu của Chúa Thánh Thần mà liên kết nên một. Bất kỳ nơi nào Chúa Thánh Thần ngự trị, sẽ không còn bất hòa, khủng bố và chiến tranh.
Bởi đó, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần ngự đến để canh tân tâm hồn chúng ta cũng như được đổi mới mặt địa cầu.
157. Hiện diện
Trước khi về trời, nhiều lần Chúa Giêsu đã nói và đã hứa với các môn đệ: Ngài sẽ ban Chúa Thánh Thần xuống. Lời hứa đó đã được hoàn tất trong ngày lễ Ngũ Tuần, tức là lễ ngày thứ 50 tính từ lễ Vượt Qua của người Do Thái, và từ khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, lễ này được gọi là lễ Hiện Xuống. Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa và biến đổi các ông thành những con người mới. Như vậy, Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá là điều kiện để ban Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội. Và khi được vinh quang bên hữu Chúa Cha. Chúa Giêsu đã sai Chúa Thánh Thần xuống và ban Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội như linh hồn của Giáo Hội.
Đối với Giáo Hội nói riêng và đối với toàn thể nhân loại nói chung, ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống thật là quan trọng, vì đánh dấu một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần, kỷ nguyên áp dụng ơn cứu độ, thời kỳ cuối cùng, thời kỳ cánh chung, trước khi Chúa Kitô trở lại để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Nhưng tại sao chúng ta có thể nói hay dám nói Chúa Thánh Thần được ví như linh hồn của Giáo Hội? Bởi vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, cũng như linh hồn quan trọng đối với thân xác thế nào thì Chúa Thánh Thần cũng quan trọng đối với Giáo Hội như vậy. Bởi vì Giáo Hội được ví như một thân thể nhiệm mầu, mà Chúa Kitô là đầu và tất cả chúng ta là thân mình. Vậy nếu đã là một nhiệm thể thì cần phải có một linh hồn, linh hồn của Giáo Hội là Chúa Thánh Thần.
Thứ hai, cũng như linh hồn ở khắp thân thể và ở trong từng phần thân thể, thì Chúa Thánh Thần cũng ở trong toàn thể Giáo Hội và trong từng người. Linh hồn là nguyên ly, là căn bản của sự sống tự nhiên của thân thể, không có linh hồn thì chúng ta không sống được, không có linh hồn thì thân thể chúng ta là cái xác chết. Chúa Thánh Thần cũng là nguyên lý căn bản siêu nhiên nơi đầu là Chúa Kitô và nơi các chi thể là chúng ta, Ngài trực tiếp ban ơn thánh cho từng thành phần để sinh hoa quả là những việc lành.
Thứ ba, cũng như nơi con người, linh hồn hoạt động qua trí khôn, ý chí, tình cảm. Cũng vậy, Chúa Thánh Thần hoạt động qua những khả năng siêu nhiên là bảy ơn Chúa Thánh Thần, qua ba nhân đức đối thần là tin, cậy, mến. Chúa Thánh Thần gìn giữ, thánh hóa, biến đổi từng tâm hồn. Chẳng hạn: 12 tông đồ trước kia nhút nhát, sợ hãi, Chúa Thánh Thần đã làm cho họ mạnh bạo, can đảm. Rồi suốt hai mươi thế kỷ qua, biết bao gương anh dũng của các thánh đồng trinh, hiển tu, tử đạo… và hôm nay cả tỷ con cái Chúa đang được Chúa Thánh Thần thoi thúc bước mau về trời, Ngài hướng dẫn, trợ giúp chúng ta trên đường về trời.
Thứ tư, cũng như một linh hồn hiện diện nơi mỗi người làm cho người đó thành một người riêng biệt, khác với những người khác, thì Chúa Thánh Thần cũng hiện diện nơi mỗi tín hữu, để làm thành những tín hữu khác nhau: Chúa Giêsu, Đức Maria, các thánh, kẻ lành… và ơn Chúa Thánh Thần khác nhau, nên có những loại thánh khác nhau, rồi lại có những ơn sủng khác nhau, tùy theo chức bậc: người truyền giáo, người làm cha mẹ, người đi tu v.v…
Ngoài ra, ngày lễ Hiện xuống, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống dưới hình lưỡi lửa. Hình ảnh này thật đầy ý nghĩa: Giáo Hội của Chúa được ví như một đống củi, được lửa của Chúa Thánh Thần đốt cháy lên và sưởi ấm trần gian lạnh lẽo. Không có Chúa Thánh Thần, Giáo Hội chỉ là một tổ chức trần gian như bao hội khác trên đời này, nhưng suốt hai mươi thế kỷ qua, Chúa Thanh Thần luôn ở giữa Giáo Hội, hướng dẫn mọi hoạt động của Giáo Hội và Ngài vẫn tiếp tục hoạt động mãi cho đến tận thế.
Mỗi người chúng ta đều đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần ngày chúng ta chịu phép Rửa tội, và nhất là khi lãnh nhận phép Thêm sức, Ngài luôn ở cùng chúng ta, hướng dẫn và trợ giúp chúng ta. Vậy chúng ta chớ dập tắt Chúa Thánh Thần. Nếu dập tắt Chúa Thánh Thần thì chẳng khác gì chiếc tàu bỏ bánh lái, đoàn xe lửa bo đầu tàu, con người bỏ trái tim. Chúng ta có thể dập tắt Chúa Thánh Thần thế nào? Nhiều cách lắm, chẳng hạn: chúng ta không sử dụng tối đa những ân huệ Ngài ban, những khả năng, những tiền bạc Chúa ban để chúng ta làm lợi ích cho linh hồn, cho gia đình, chúng ta sử dụng vào những việc có hại cho mình và cho người khác. Chẳng hạn: Chúa cho chúng ta cơ hội để phục vụ Chúa và Giáo Hội, nhưng chúng ta không lợi dụng những cơ hội đó, bỏ dịp tốt qua đi đó là dập tắt Chúa Thánh Thần.
Đàng khác, Chúa Thánh Thần là Đấng Phù Trợ. Phù trợ chứ không phải là làm thay chúng ta. Chúng ta phải làm hết sức mình, hết khả năng mình, phải học hỏi, phải nghiên cứu, phải thực hiện hết sức của mình, Chúa Thánh Thần sẽ phù trợ thiện chí của chúng ta. Ngài không bao cấp làm thay chúng ta. Nếu chúng ta không cố gắng đổi mới chính mình, đổi mới môi trường của mình, nếu chỉ cậy trông suông, khoán trắng cho Chúa Thánh Thần, thì Chúa Thánh Thần sẽ không làm thay. Bởi vì trách nhiệm ấy thuộc về chúng ta, những người Chúa đã trao cho những khả năng để có thể làm được, không nhiều thì ít, không việc lớn thì việc nhỏ, ai cũng có khả năng làm việc tốt.
Xin Chúa Thánh Thần khơi dậy trong chúng ta những nguồn sinh lực mới, để chúng ta biết quyết tâm đổi mới chính mình, biết quyết tâm góp phần xây dựng thời đại chúng ta. Sự quyết tâm này chúng ta sẽ gửi gắm nơi Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ ban phép lành cho chúng ta, Ngài sẽ phù trợ cho chúng ta thực hiện. Mặc dầu hôm nay chúng ta không thấy kết quả nhưng hãy kiên trì nhẫn nại như những người gieo giống, mùa màng không thấy ngay, nhưng mùa màng nếu làm đúng, làm với cố gắng, với ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, chắc chắn sẽ thành công và hiệu quả sẽ phong phú.
158. Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
(Suy niệm của Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Chủ đề: Chúa Thánh Thần là nguyên lý hợp nhất
I. Dẫn vào Thánh lễ
Lễ Hiện xuống hôm nay kết thúc mùa Phục sinh. Chúng ta hãy nhìn lại những bước mà Phụng vụ đã dẫn chúng ta đi qua: Đức Giêsu đã nhập thế sống với loài người, Ngài đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, rồi Ngài chịu nạn chịu chết, nhưng Ngài đã sống lại và lên trời. Hôm nay Ngài sai Chúa Thánh Thần đến để thánh hóa loài người. Như thế, Chúa Thánh Thần là Đấng hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Dâng Thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa tuôn đổ đầy tràn Thánh Thần xuống trên chúng ta, để chúng ta hoàn thành sứ mạng cứu độ bản thân chúng ta và mọi người.
II. Gợi ý sám hối
Chúng ta có lỗi vì ít nghĩ đến Chúa Thánh Thần là Đấng Thiên Chúa đã ban để hỗ trợ chúng ta.
Chúng ta thường làm việc theo suy nghĩ riêng chứ không theo sự soi sáng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần muốn mọi người hiệp nhất với nhau, nhưng chúng ta thường chia rẽ.
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I: Cv 2,1-11
Tường thuật việc Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm lễ Ngũ Tuần.
Vâng theo lời căn dặn của Đức Giêsu phục sinh, các tông đồ tụ họp trong nhà Tiệc Ly để chờ đón nhận điều Ngài đã hứa.
Sáng ngày lễ Ngũ tuần, Đức Giêsu thực hiện lời hứa ấy: Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa. Lưỡi tượng trưng cho lời nói. Lửa tượng trưng tình yêu và lòng nhiệt thành. Nhờ Chúa Thánh Thần, các tông đồ đã nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, làm chứng cho Đức Giêsu.
2. Đáp ca: Tv 103
Tv này ca tụng những việc kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm do “sinh khí” của Ngài, tức là do Chúa Thánh Thần.
3. Bài đọc II: 1 Cr 12,3b-7.12-13
Thánh Phaolô kêu gọi tín hữu đoàn kết hiệp nhất nhau trong Chúa Thánh Thần:
Trong Giáo Hội sơ khai, Chúa Thánh Thần ban nhiều đặc sủng khác nhau cho các tín hữu. Nhưng mọi đặc sủng đều nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đoàn.
Vì thế, một mặt các tín hữu phải tránh chia rẽ nhau, mặt khác phải tận dụng mọi ơn ban của Chúa Thánh Thần để xây dựng thân thể Giáo Hội.
4. Tin Mừng: Ga 20,19-23
Buổi chiều chính hôm lễ phục sinh, Đức Giêsu đã ban Thánh Thần cho các môn đệ (Theo quan điểm của Luca thì Thánh Thần được ban hôm lễ Ngũ tuần).
Chúa Thánh Thần được ban đồng thời với lời chúc bình an, quyền tha tội và lời sai các ông ra đi. Từ đó, ta có thể thấy được những ý nghĩa sau:
Ơn ban cao trọng nhất của Chúa Thánh Thần là Bình an, đặc trưng của thời Messia.
Ơn cao trọng thứ hai của Chúa Thánh Thần là Tha tội: chính nhờ được tha tội mà con người được bình an thật.
Ơn ban Thánh Thần nhằm giúp Giáo Hội ra đi loan Tin Mừng cứu độ.
IV. Gợi ý giảng
1. Lưỡi lửa
Bài tường thuật của Sách Công vụ hôm nay là đối trọng của bài tường thuật tháp Babel thời Cựu Ước.
Ngày xưa, ở Babel, con cháu ông Nôe đang nói cùng một thứ tiếng, nghĩa là đang hiểu nhau và đoàn kết với nhau, bỗng dưng để cho tính kiêu ngạo xui dục muốn xây một cái tháp cao hơn trời để tỏ ra mình cao hơn Thiên Chúa, nên đã bị phạt khiến họ nói nhiều thứ tiếng, người này không còn hiểu người kia nữa, và chia rẽ nhau. Chuyện tháp Babel ngụ ý rằng khi con người không quy tụ quanh Thiên Chúa thì sẽ chia rẽ nhau, không hiểu nhau và không thông cảm cho nhau.
Hôm lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần sửa lại sự hư hại đó: tất cả mọi người dù thuộc những dân tộc và những ngôn ngữ khác nhau nhưng đã hiểu nhau. Nhờ đâu? Nhờ chính Chúa Thánh Thần, nguyên lý đoàn kết và hiệp nhất.
2. Lưỡi lửa mà con người hôm nay cần
Nói là một sinh hoạt cần thiết trong cuộc sống chung: hằng ngày khi gặp người khác, chúng ta chào nhau, hỏi thăm nhau, trao đổi ý kiến với nhau, thảo luận, tranh luận v.v. Chính vì để phục vụ cho sinh hoạt cần thiết này mà khoa học kỹ thuật ngày nay đã phát minh ra máy khuếch âm, máy ghi âm, điện thoại v.v.
Nhưng nói với nhau là một chuyện, còn hiểu nhau là một chuyện khác. Hai chuyện này chưa hẳn luôn đi đôi với nhau. Nói với nhau thì nhiều nhưng hiểu nhau chắc không được bao nhiêu. Dịch một ngoại ngữ thì dễ hơn là hiểu được ý thật, lòng thật của người đang ở sát bên cạnh mình.
Có đặt mình trong bối cảnh như thế, chúng ta mới thấy được “lưỡi lửa” mà bài sách Cv hôm nay mô tả là cần thiết thế nào cho con người hôm nay. Ngày xưa, những người có mặt hom lễ Ngũ tuần tuy nói nhiều ngôn ngữ khác nhau nhưng đều hiểu nhau. Đó là hiệu quả bởi “lưỡi lửa” của Chúa Thánh Thần. Lưỡi hình lửa là tiếng nói của tình yêu. Tiếng nói chân thật nhất là tiếng xuất phát từ cõi lòng. Tiếng nói dễ hiểu nhất là tiếng của tình yêu.
Xin “lưỡi lửa” hiện xuống tràn đầy trong mỗi người chúng ta và trong cộng đoàn chúng ta.
3. Thổi hơi
Bài tường thuật tạo dựng loài người trong sách Sáng thế kể rằng sau khi Thiên Chúa đã lấy bùn đất nắn thành hình người, Ngài đã thổi hơi vào đó, và thế là con người đầu tiên xuất hiện. “Hơi thở” của Thiên Chúa chính là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là nguyên lý tạo dựng.
Nhưng con người đã phạm tội, bị đuổi khỏi vườn Địa đàng, hạnh phúc ban đầu đã bị đánh mất.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại thổi hơi trên các tông đồ. Phải chăng đây cũng là một đối ảnh của câu chuyện trong sách Sáng thế? Và nếu đúng là thế, thì hôm nay Thiên Chúa tái tạo lại con người, cũng bằng “hơi thở” là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần cũng là nguyên lý của sự tái tạo.
4. Hiệp nhất trong đa dạng
Giáo Hội ngày nay là một Giáo Hội đa dạng: đủ thứ linh đạo, đủ loại dòng tu, đủ cách làm tông đồ, quá nhiều hội nhóm, quá nhiều khuynh hướng, quá nhiều ý kiến… Có những kẻ bi quan đã cho rằng Giáo Hội đang trong thời kỳ khủng hoảng. Nhưng thực ra, sự đa dạng này thể hiện một sức sống phong phú.
Nhưng miễn là đa dạng đừng dẫn tới chia rẽ và chống đối phá hại nhau. Miễn sao đa dạng mà vẫn hiệp nhất.
Muốn được như vậy, chúng ta phải lưu ý tới những giáo huấn rất sâu sac của Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay:
Mỗi người, mỗi nhóm hãy ý thức rằng “đặc sủng” của mình là ơn ban của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là tài sản hay tài năng riêng của mình.
Đừng khó chịu, trái lại hãy vui mừng khi thấy những người khác, nhóm khác cũng được ban cho những đặc sủng khác. Đó là dấu Chúa Thánh Thần yêu thương Giáo Hội.
Tận dụng “đặc sủng” Chúa Thánh Thần ban để góp phần mình vào việc xây dựng Giáo Hội, đồng thời ý thức rằng đó chỉ là một phần nhỏ mình góp cho Giáo Hội nên vẫn tôn trọng phần góp của người khác và hy vọng Giáo Hội được nhiều người khác góp phần xây dựng hơn nữa.
5. Chúa Thánh Thần, Đấng bị quên lãng
Chua Thánh Thần là Đấng bị quên lãng. Đúng vậy, Thiên Chúa có 3 Ngôi là Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thế nhưng thường chúng ta chỉ nhớ tới Chúa Giêsu và Chúa Cha thôi, ít khi nhớ tới Chúa Thánh Thần.
Thế nhưng Chúa Thánh Thần lại là Đấng rất kỳ diệu, Ngài mà hoạt động nơi ai thì làm phát sinh biết bao điều kỳ diệu nơi người đó. Ngài mà hoạt động nơi nào thì cũng làm phát sinh biết bao điều kỳ diệu ở nơi đó. Xin đan cử 2 bằng chứng.
– Bằng chứng thứ nhất là đoạn sách CvTđ mà chúng ta vừa nghe: Chúa Thánh Thần hoạt động nơi các tông đồ. Trước đó các tông đồ đã từng theo Chúa Giêsu 3 năm, đã từng nghe biết bao lời dạy dỗ của Chúa Giêsu, đã từng thấy biết bao phép lạ của Chúa Giêsu. Nhưng con người của các ông hầu như chẳng chịu ảnh hưởng tốt nào cả: vẫn lo tranh dành quyền lợi, vẫn sợ chết nên trốn kín trong nhà. Thế rồi Chúa Thánh Thần ngự đến trên các công và sau đó các ông được biến đổi hẳn: nhiệt thành với Tin Mừng, can đảm rao giảng Tin Mừng. Có ai ngờ một người như Phêrô đã từng run sợ chối Chúa bây bẩy trước những tên đầy tớ của vụ Thượng tế mà bây giờ lại đứng ra trước một đám đông rao giảng hùng hồn khiến cho liền ngay sa đó có 3 ngàn người xin theo đạo.
– Bằng chứng thứ hai là một bức thư rất đặc biệt. Bức thư này là của một cô gái nước ngoài gởi cho một LM. LM này trước đo có biên thư cho cô gái để trình bày những khó khăn trong bổn phận của mình. Cô gái biên thư khuyên vị LM ấy hãy can đảm, hãy cầu nguyện và mỗi ngày hãy dâng lễ sốt sắng. Cô gái còn cho biết nếp sống hằng ngày của co: ngoài những giờ làm ăn, cô tranh thủ thời giờ đi dạy giáo lý cho 2 lớp tại một trường học, buổi tối cô tham gia cầu nguyện với một nhóm giáo dân từ 8 đến 10 giờ. Một cô gái giáo dân mới hơn 20 tuổi mà nhiệt thành làm việc tông đồ như vậy và còn nhiệt thành đến nỗi dám đưa ra những lời khuyên dạy đối với một LM! Do đâu mà cô nhiệt thành sốt sắng như vậy? Thưa vì cô đang sinh hoạt trong một nhóm giáo dân giúp nhau sống theo sự hương dẫn của Chúa Thánh Thần.
Nghe những bằng chứng trên, chắc chúng ta cũng mong muốn Chúa Thánh Thần hoạt động nơi chúng ta để làm những điều kỳ diệu nơi chúng ta. Nhưng làm sao để được như vậy? Xin đề nghị 2 điều:
– Một la chúng ta hãy cầu nguyện cùng với Chúa Thánh Thần. Chúng ta đã cầu nguyện rất nhiều. Nhưng khi cầu nguyện chúng ta chỉ nói cho Chúa biết mình đang sống như thế nào, mình đang cần những ơn gì và xin Chúa ban ơn đó cho ta. Cầu nguyện như vậy là sai lầm, vì đâu phải nhở chúng ta nói mà Chúa mới biết chúng ta cần gì. Chúa là Đấng biết tất cả mọi sự kia mà. Điều quan trọng nhất không phải là ta nói cho Chúa biết ta muốn gì, mà là xin Chúa cho ta biết Chúa đang muốn gì nơi ta. Do đó ta phải cầu nguyện cùng với Chúa Thánh Thần, để Chúa Thánh Thần soi sáng cho ta biết ý Chúa và giúp ta sau đó làm theo ý Chúa. Có cầu nguyện như vậy thì sau đó cuộc đời ta mới biến đoi.
– Điều thứ hai có liên quan tới việc Xưng tội. Trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, có một điểm hơi lạ. Đó là Chúa Giêsu vừa ban Chúa Thánh Thần vừa ban quyền tha tội cho các tông đồ: “Chúng con hãy nhận lãnh Thánh Thần, chúng con tha tội cho ai… ” Tại sao Chúa Giêsu ban Chúa Thánh Thần và ban ơn tha tội chung nhau? Thưa vì 2 điều đó liên hệ chặt chẽ với nhau. Nói cách khác, nếu chúng ta muốn lãnh Bí Tích Giải Tội cho có hiệu quả tốt thì chúng ta phải Xưng tội cùng với Chúa Thánh Thộn. Ta hãy nhìn lại cách xưng tội bấy lâu nay của chúng ta. Mỗi khi xưng tội chúng ta làm 5 việc: một là xét mình xem mình có những tội gì; 2 là sau đó đọc một kinh ăn năn tội; 3 là vào toà xưng tội, kể cho kỹ hết mọi tội đừng sót tội nào; 4 là nghe cho rõ Cha giải tội dạy đọc bao nhiêu kinh; 5 là trở ra đọc cho hết bấy nhiêu kinh đó. Rồi trở về. Kết quả như thế nào? Chúng ta thấy an tâm hơn đôi chút. Nhưng cũng sống bình thường như trước, cũng phạm lại bấy nhiêu tội ấy, lần sau đi xưng tội cũng xưng bấy nhiêu tội ấy. Nghĩa là hầu như không có gì thay đổi. Xưng tội cùng với Chúa Thánh Thần nghĩa là trong phần xét mình trước khi vào toà xưng tội, chúng ta hãy xét mình cùng với Chúa Thánh Thần, xin Ngài soi sáng cho ta chẳng những thấy được mình đã phạm những tội gì mà còn tại sao mình phạm những tội đó; xin Chúa Thánh Thần soi sang cho ta thấy những tội mà mình không thấy, Td nhiều người đâu có nghĩ rằng việc mình đang tính kế hại người là có tội, nhiều người đâu có nghĩ việc mình sống ích kỷ với nhà hàng xóm là có tội. Xưng tội cùng với Chúa Thánh Thần nghĩa là sau khi xưng tội chúng ta xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho ta biết từ nay mình phải sửa đổi như thế nào. Có như vậy mỗi lần chúng ta đi xưng tội xong, cuộc sống của mình mới thay đổi tốt đẹp hơn.
6. Chúa Thanh Thần, Đấng biến đổi
Bài trích sách Tông đồ Công vụ thuật lại biến cố ngày Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ có nhiều điều rất phi thường: gió thổi ào ào như giông tố, những cục lửa có hình như cái lưỡi đậu trên đầu mỗi vị, sau đó các tông đồ nói tiếng lạ nghĩa là chỉ cần nói một thứ tiếng mà đủ mọi sắc dân khác nhau đều có thể hiểu. Những điều phi thường đó khiến cho đám đông dân chúng bở ngỡ kinh hoàng… Rồi hàng ngàn người đã xin lãnh phép Rửa Tội…
Nhưng điều quan trọng không phải là những biến cố phi thường ngoạn mục đó, mà chính là một cuộc biến đổi bên trong các tông đồ, rất âm thầm nhưng lại rất toàn diện: các ông là những người đã từng sát cánh ngày đêm với Chúa Giêsu, cùng ăn,, cùng đi, cùng làm với Chúa Giêsu suốt 3 năm trời, được Chúa Giêsu dạy dỗ rất nhiều, được chứng kiến biết bao việc làm của Chúa Giêsu… Nhưng vốn tầm thường các ông cũng vẫn còn là những kẻ tầm thường. Tầm thường đến nỗi Thầy vừa bị bắt là tất cả bỏ chạy tan hoang, trốn chui trốn nhủi trong phòng đóng kín cửa không ai dám ló đầu ra ngoài. Tại sao thế? Vì bấy lâu nay các ông đi theo Chúa với tính toán vụ lợi, các ông hiểu giáo lý của Chúa một cách phàm tục: Đi theo Chúa như đi theo một chính trị gia đang lên hương với hy vọng sau này tới ngày thành công sẽ được chia chác địa vị quyền lợi; Chúa dạy giáo lý về nước Trời mà các ông thỉ chỉ hiểu về một nước thế tục. Cái chết của Chúa Giêsu đã làn tiêu tan mọi tham vọng chính trị, những quyền lợi các ông mong chờ cũng thành mây khói luôn, và cả sự an toan của bản thân các ông cũng đang bị đe doạ nữa. Vì thế các ông sợ sệt, ẩn trốn.
Khi người ta theo Chúa với đầu óc vụ lợi, thì người ta tầm thường
Chúa Thánh Thần đến làm một cuộc thay đổi toàn diện: thay đổi lối nghĩ, lối nhìn, lối hiểu, lối tính toán của các ông: Hiểu giáo lý của Chúa cách siêu nhiên hơn chứ không phàm tục như trước nữa; từ đó các ông quyết định vẫn theo Chúa nhưng không phải vì tính toán vụ lợi mà vì tình yêu hy sinh xả thân hoàn toàn. Cuộc thay đổi ấy đã giúp các ông hết tầm thường, biến các ông trở nên những kẻ trung thành, những cột trụ của Giáo Hội, đến nỗi dù đe doạ, dù tù đày, dù tra tấn, dù gươm giáo, các ông cũng vẫn can đảm và hăng say loan truyền niềm tin vào Chúa.
Ngày nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, điều chính yếu chúng ta mong ước cũng không phải là có những hiện tượng lạ gió thổi ào ào, lưỡi lửa trên đầu và nói tiếng lạ…. mà chúng ta mong chờ chính sự biến đổi sâu xa và toàn diện ấy trong tâm hồn chúng ta.
Đó cũng chính là ý tưởng của ĐGH Phaolô VI trong bài huấn dụ của ngài hôm 29.11.1972. Ngài mô tả trong Giáo Hội có nhiều người theo đạo chỉ vì óc vụ lợi và hiểu giáo lý một cách phàm tục. Chính vì thế mà theo ngài, Giáo hội ngày nay cần có một lễ Hiện Xuống mới, để xin trích dẫn nguyên văn lời ngài “làm cho Giáo Hội được sống động, như có một luồng gió thiêng liêng làm căng buồm con thuyền Giáo Hội, là nguồn suối bên trong ban tràn đầy ánh sáng và sức mạnh cho Giáo Hội…”
Chắc chúng ta cũng ở trong tình trạng của các tông đồ trước ngày được Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Chúng ta cũng đã từng theo đạo mười mấy, hai ba chục năm trời, đã từng Rửa tội, đã bao nhiêu lần xưng tội rước lễ, đã từng lãnh bí tích thêm sức, đã bao nhiêu lần nghe giảng dạy đủ mọi điều giáo lý, Tin mừng.. nhưng con người của chúng ta vẫn cứ mãi tầm thường. Đầu óc chúng ta còn đầy tính toán vụ lợi và tinh thần phàm tục: chúng ta theo đạo để xin Chúa ban ơn cho mình, được làm ăn thành công, được khỏi nỗi buồn khổ này, được đạt đến niềm mơ ước kia. Rồi khi nào cầu xin không được hay cứ gặp khốn khó thì ta chán muốn bỏ đạo, khi gặp nguy hiểm thì ta trốn chui trốn nhủi, không dám đến nhà thờ như các tông đồ xưa trốn kín trong phong không dám ló đầu ra. Chúng ta cũng cắt nghĩa giáo lý theo kiểu cách phàm tục, không muốn tin những điều siêu nhiên, mầu nhiệm về Thiên Chúa, về linh hồn, về thiên đàng hoả ngục, về bí tích; chúng ta đòi hỏi Giáo Hội có những giải pháp dễ dãi cho cuộc sống và chống đối những chỉ dẫn của Giáo Hội mà ta cho là khắt khe, chẳng hạn về việc vợ chồng ly dị, về các phương pháp ngừa thai v.v….Tóm lại, giữ đạo một cách vụ lợi và phàm tuc như thế nên cuộc sống đạo của chúng ta nó thờ ơ, thụ động, dật dờ làm sao ấy. Ta sống đạo nhưng sống như một cái xác không hồn, không hứng khởi.
Muốn cho các xác lờ đờ này thực sự có sức sống sinh động, nghĩa là muốn cho cuộc sống đạo của chúng ta được hăng hái, tích cực, phấn khởi, thì cần phải có Chúa Thánh Thần hiện xuống trên chúng ta. Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi chúng ta toàn diện như các tông đồ ngày xưa: làm cho chúng ta hiểu giáo lý Chúa một cách siêu nhiên hơn chứ không phàm tục như trước làm cho chúng ta theo Chúa không phải vì vụ lợi muốn được điều này điều nọ mà chi vì chúng ta thực sự tin Chúa, yêu Chúa và sẵn sàng hy sinh tất cả vì niềm tin yêu đó.
V. Lời nguyện cho mọi người
CT: Anh chị em thân mến
Thể theo lời Đức Giêsu cầu xin, Chúa Cha đã ban Thánh Thần để quy tụ chúng ta thành Giáo Hội. Chúng ta cùng dâng lời cảm tạ và cầu xin.
1. Lễ Hiện xuong là ngày khai sinh Hội Thánh / Chúng ta hiệp lời cầu xin / Chúa Cha ban Thánh Thần để soi sáng / hướng dẫn / và nâng đỡ các vị mục tử / trong việc điều khiển con thuyền Hội Thánh / vượt qua mọi phong ba bão táp ở trần gian.
2. Nhiều nơi trên thế giới ngày nay vẫn còn đang sống trong cảnh chiến tranh loạn lạc / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa Cha cử Thánh Thần đến / đem yêu thương vào nơi oán thù / đem niềm vui cho người đau khổ / đem hòa bình cho những vùng còn khói lửa chiến tranh.
3. Ngày hôm nay / bạo lực và hận thù vẫn còn đang làm cho biết bao gia đình phải tan nát / biết bao người phải lâm vào cảnh khốn khổ / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa Cha ban Thánh Than là nguồn tình yêu / để đổi mới lòng trí con người trên khắp địa cầu.
4. Đường lối Thiên Chúa thì nhiệm mầu / Lời Người thì cao siêu / nhiều khi chúng ta không thể hiểu tường tận được / Vì thế chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa Cha / ban Thánh Thần cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / để Người chỉ bảo và nhắc nhở chúng ta / những điều Chúa Giêsu đã dạy lúc còn ở với các môn đệ.
CT: Lạy Chúa Cha nhân hậu, không bao giờ chúng con có thể khám pha được hết những kỳ diệu của tình yêu Chúa dành cho chúng con trong cuộc sống. Ước gì Thánh Thần Chúa thâm nhập lòng trí chúng con, và biến đổi cuộc đời chúng con nên một lời ca tụng tình thương của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ…
VI. Trong Thánh Lễ
– Trước kinh Lạy Cha: Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta và cầu nguyện thay cho chúng ta bằng những tiếng than van khôn tả. Vậy chúng ta hãy cùng Chúa Thánh Thần dâng lên Chúa Cha lời kinh Lạy Cha sau đây.
– Sau kinh Lạy Cha: “Lạy Cha xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, cách riêng là sự chia rẻ nhau. Xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an, và được hiệp nhất với nhau trong Chúa Thánh Thần. Nhờ Cha rong lòng thương cứu giúp…”
– Trước lúc rước lễ: Chúng ta sắp được ăn cùng một tấm bánh là chính Đức Giêsu. Xin Chúa giúp chúng ta hiệp nhất với nhau. “Đây Chiên Thiên Chúa…”
VII. Giải tán
Anh chị em đã được soi sáng bởi Chúa Thánh Thần và được thêm sức bởi hơi thở tình yêu của Ngài. Giờ đây anh chị em hãy ra về như những sứ giả của Tin Mừng và Bình an đối với mọi người anh chị em sẽ gặp gỡ.
159. Đâu là sức mạnh làm thay đổi?
(Suy niệm của Lm. Jos Đinh Công Phúc)
Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Một cách nào đó, chúng ta cũng mừng sinh nhật của Giáo hội. Bởi lẽ, chính biến cố hiện xuống đã đánh dấu chính thức sự hiện diện của Kitô giáo. Biến cố này không chỉ biến đổi các thánh tông đồ thành những nhân chứng kiên dũng của Đức tin Kitô giáo, nó cũng biến đổi thái độ và niềm tin của những ai gặp gỡ họ. Nhờ thế, cộng đồng Kitô giáo đã xuất hiện và phát triển. Chính từ biến cố này, sứ điệp của Tin mừng đã từng bước thẩm thấu và làm thay đổi nền văn minh của nhân loại. Bộ mặt của thế giới đã dần dần được biến đổi (x. Cv 2: 4- 11). Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống thiết nghĩ chúng ta nên nhìn lại đâu là nguồn sức mạnh thực sự đã và đang làm thay đổi bộ mặt của nhân loại và bộ mặt của thế giới này? Làm sao chúng ta có thể sử dụng nguồn sức mạnh này để được thay đổi cũng như để thay đổi lối sống và hoàn cảnh của chúng ta hôm nay?
Đức thượng phụ Ignatius of Laodicea đã nói rằng: không có Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa thật xa lạ, Đức Giêsu chỉ đơn giản là nhân vật độc đáo của lịch sử, Tin mừng chỉ là một cuốn sách cổ, Giáo hội cũng chỉ là một tổ chức như bao tổ chức khác, quyền lực là để thống trị, truyền giáo chỉ là tuyên truyền, phụng vụ chỉ là một hoài cổ, công việc của người kitô hữu chỉ là nô lệ; nhưng với Chúa Thánh Thần, Đức Kitô đã phục sinh và đang hiện diện, Tin mừng là nguồn mạch của sự sống, Giáo hội là sự hiệp nhất trong đời sống của Chúa Ba Ngôi, quyền lực là để phục vụ và giúp con người đạt được sự tự do toàn vẹn nơi Thiên Chúa, sứ mạng truyền giáo được khơi nguồn sức sống nơi chính Chúa Thánh Thần, phụng vụ là tưởng nhớ và nếm thử đời sống sung mãn của ân sủng nơi Thiên Chúa, công việc của người kitô hữu thì được thánh hóa.
Như vậy, chính Chúa Thánh Thần đã thay đổi bộ mặt của nhân loại và bộ mặt của thế giới này. Nếu không có Ngài, công việc của chúng ta trở nên vô ích và chỉ phục vụ cho những mục đích thấp hèn của con người. Tôi nhớ lại cách đây mấy năm, khi mà chúng tôi đang cắp sách tới trường thần học. Khi đề cập đến Chúa Thánh Thần và đời sống của Giáo hội. Thật bất ngờ khi mà một cha bạn của tôi xin đặt một câu hỏi cho cha giáo sư: thưa cha, thế Chúa Thánh Thần đã ở đâu và đang ở đâu, khi mà có biết bao công việc đã đi ngược lại với những đòi hỏi của Tin mừng. Một câu hỏi trời giáng đã làm yên lặng cả lớp học. Mọi người cứ ngỡ rằng Cha sẽ bị đuổi ra khỏi lớp học. Thế nhưng, cha giáo đã trả lời: đây là một vấn đề mà tất cả chúng ta cần tìm hiểu trong hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Chỉ sau khoảng hai tháng chính ngài đã có một bài “đi tìm một câu trả lời cho câu hỏi: Chúa Thánh Thần ở đâu trong thời đại của chúng ta?” Có lẽ hôm nay chúng ta cũng cần một câu trả lời cho chính chúng ta.
Chúng ta không phủ nhận dù chúng ta có nhìn thấy những tia sáng của hy vọng, nhưng tối tăm, khó khăn và những thách thức của cuộc sống luôn bủa vây cuộc đời của chúng ta. Trong hoàn cảnh này, có lẽ biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống sẽ là bài học cần thiết cho chúng ta. Các tông đồ xưa cũng đã từng phải đối mặt với những khó khăn của chết chóc, hiểu lầm, hiểu khác, hiểu sai, hiểu ngược. Và rồi bách hại, chán nản, bỏ cuộc, etc. Thế nhưng, phải nói rằng họ có một niềm tin sâu sắc đủ vào lời hứa của Đức Kitô. Họ đã kiên trì cầu nguyện. Họ đã lãnh nhận chính Chúa Thánh Thần (x. Ga 20: 21- 22). Họ đã được biến đổi và họ đã làm thay đổi thế giới (x. Cv 2: 1- 11). Phải chăng chúng ta đang cần học lại kinh nghiệm này của các thánh tông đồ?
Chúng ta tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và đồng hành với Hội thánh. Ngài hướng dẫn và thánh hóa Giáo hội. Chính vì thế mà Chúa Giêsu dám mạnh mẽ khẳng định rằng: không có quyền lực nào có thể phá đổ Hội thánh. Sẽ luôn luôn có những con người được tuôn đổ đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, để Giáo hội phát triển trong mọi mặt. Những chứng nhân nổi bật trong Giáo hội đã gây ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới trong những năm gần đây chúng ta có thể kể đến mẹ Teresa Calcuta và Đức giáo hoàng John Paul II. Có thể chúng ta chưa phát hiện ra còn nhiều những con người đang âm thầm góp sức biến đổi những tiêu cực trong xã hội của chúng ta. Rất có thể một số là chính anh em của chúng ta đây? Chúng ta có thể tin tưởng chắc chắn rằng, Giáo hội sẽ luôn đứng vững, phát triển và trao ban ơn cứu độ cho muôn dân.
Tôi nhớ một câu chuyện khá thú vị. Một ngày kia Napoleon Bonaparte, với đầy uy quyền, nói với một Đức hồng y rằng: Tôi có thể tiêu diệt Giáo hội nếu như các ngài không theo mệnh lệnh của tôi. Vị hồng y khiêm tốn trả lời: Xin chúc mừng ngài, ngài thật uy quyền! Chính chúng tôi, nhiều linh mục của Giáo hội đã cố gắng thực hiện điều đó qua nhiều thế kỷ. Thật đáng tiếc, họ đã thất bại. Giáo hội vẫn tồn tại đầy sức sống. Nhưng Napoleon Bonaparte đã thất bại, bị khổ sai, và chết trong sự nhục nhã! Chúa Thánh Thần có thể biến đổi mọi sự nên tốt đẹp, kể cả tội lỗi của chúng ta.
Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, tôi có vài câu hỏi muốn được đặt ra cho chúng ta. Đã bao nhiêu lễ hiện xuống tôi đã tham dự? Chúa Thánh Thần đã thực hiện những gì trong cuộc đời tôi? Làm sao để lễ Hiện xuống năm nay có những thay đổi thực sự trong cuộc đời tôi?
Chúng ta đã chìm sâu trong lời cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần từ lễ Chúa lên trời. Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa không ngừng tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần trên chúng ta. Câu trả lời rất có thể không phải là Chúa Thánh Thần ở một nơi nào đó và Ngài không hoạt động. Ngài luôn hiện diện và thực thi công việc của Ngài trong thế giới này. Vấn đề là ở chính chúng ta! Liệu tôi có nghe tiếng Ngài? Tôi có tìm kiếm Ngài không? Tôi có đón tiếp Ngài không? Tôi có sẵn sàng để Ngài thực hiện công việc thánh hóa của Ngài qua tôi không? Chúa Thánh Thần sẽ không thể thực hiện điều gì, nếu như chúng ta từ chối Ngài! Câu trả lời sẽ là của mỗi người chúng ta.
Để nhận ra Chúa Thánh Thần và để Ngài hoạt động trong cuộc đời chúng ta – chắc chắn chúng ta không thể hơn các thánh tông đồ xưa – chúng ta cần cầu nguyện. Chúng ta không cần nói dài, nhưng đối thoại thường xuyên hơn với Ngài. Chúng ta cũng không cần nói nhiều, nhưng hãy mở lòng ra để đón nhận. Max Handel chia sẻ: cầu nguyện giống như chúng ta bật công tắc điện lên. Chúng ta không là nguồn điện năng. Nhưng chúng ta mở đường cho nguồn điện tuôn chảy qua và trong chúng ta. Đây có phải là cách mà chúng ta thường cầu nguyện? Nếu ngược lại, ai đang hoạt động trong chúng ta?
Có Chúa Thánh Thần, không có gì là không có thể. Nếu chỉ cậy vào tài năng của chúng ta, rất nhiều chuyện sẽ không có thể. Như vậy, nếu chúng ta nghĩ rằng chuyện gì đó không thể, thì rất tiếc rằng chúng ta đang bắt Chúa Thánh Thần phục vụ cho chúng ta. Hãy tin tưởng vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần, như Đức Kitô đã và đang tin tưởng nơi chúng ta. Đây là kinh nghiệm của những người “liều” đã hiến dâng cuộc đời cho sứ điệp của Tin mừng. Chính họ đã làm thay đổi biết bao con người. Chính họ đã làm thay đổi bộ mặt của thế giới. Thật đơn giản, họ tin tưởng nơi Chúa. Họ biết Chúa có thể thực hiện những điều phi thường qua con người mỏng dòn của họ. Chính những con người đơn sơ, thậm chí không may mắn được cắp sách tới trường như hầu hết các môn đệ của Giêsu – mà một bài giảng có thể hoán cải từ 3 đến 5 ngàn người! Đâu là phép lạ? Đâu mới thực sự là sức mạnh? Khi họ chấp nhận để Chúa Thánh Thần hiện diện nơi mình. Khi họ chấp nhận để Chúa Thánh Thần nói qua con người và miệng lưỡi mình. Khi họ chấp nhận để cho “ngôn ngữ” của Chúa Thánh Thần được nói lên. Với “ngôn ngữ” của Chúa Thánh Thần, mọi sự có thể được biến đổi, lòng người có thể thay đổi, tội lỗi sẽ được tha. Chúng ta học được gì qua những kinh nghiệm này?
Có lẽ điều lo lắng lúc này không phải làm sao tôi có thể thay đổi chồng tôi, vợ tôi, bạn tôi, con tôi, kẻ thù tôi, người tội lỗi, etc? Làm sao tôi có thể dạy họ? Làm sao tôi có thể thuyết phục họ? Câu hỏi nào đang trong đầu ban? Không cần quan tâm bao nhiêu câu hỏi. Có một điều đơn giản hơn, chúng ta nên quan tâm – câu khẳng định của Đức Giêsu: Bình an cho anh em…Anh em hãy lấy Thánh Thần (Ga 20: 21- 22). Nếu chúng ta chấp nhân điều này – chính Thánh Thần sẽ là người thực hiện. Không ai trong chúng ta có thể làm phép lạ. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể thực hiện. Đâu là sức mạnh có thể làm thay đổi? Hy vọng đây sẽ là thánh lễ Hiện xuống đặc biệt trong đời chúng ta.
160. Xin Ơn Hiệp Nhất
(Suy niệm của Lm. Jos Ta Duy Tuyền)
Con người luôn mơ ước bình an hạnh phúc. Hạnh phúc không đơn thuần là không có hận thù, không có chiến tranh mà hạnh phúc còn là biết đem yêu thương vào trong những hận thù, chia rẽ. Đây cũng là lời cầu nguyen của thánh Phanxico thành Assisi trong lời kinh Hòa Bình mà có lẽ nhiều người đã từng hát. Lời kinh ấy gọi mời cầu nguyện với Chúa cho con người biết xóa bỏ hận thù, kỳ thị, tranh chấp, nghi kị, kết án lẫn nhau… để trở nên những ‘Khí cụ bình an của Chúa…Biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi ngừơi…biết đem yêu thương vào nơi oán thù…Đem an hòa vào nơi tranh chấp…’
Chung quy của lời cầu nguyện là cầu mong cho có sự hiệp nhất yêu thương. Hiệp nhất trong yêu thương. Khi có hiệp nhất người ta mới có thể xây dựng thế giới an hòa, thịnh vượng theo như mong ước của con người. Lịch sử cứu độ đã từng chứng minh về những cái chết thương tâm khi con người chia rẽ nhau. Cain đã giết chết em của mình là Abel. Tháp Babel đã không thể hoàn thành vì loài người chia rẽ đến mức độ ngôn ngữ bất đồng mà Thánh Kinh bảo rằng họ chia rẽ nhau: “Không còn nói cùng một thứ tiếng” nữa… và cũng từ đó chiến tranh luôn xảy ra trên thế giới khiến nhân loại không còn là một gia đình yên vui, êm ấm, thuận hòa.
Nguyên nhân của sự bất đồng thường là do thiếu hiểu biết và kiêu căng mà ra. Người Việt Nam dường như ai cũng biết câu chuyện về 5 Người mù xem voi. Họ bất đồng với nhau vì bản thân họ khuyết tật. Họ chia rẽ nhau vì ai cũng cố chấp và bảo thủ không nhìn nhận sự bất toàn của mình. Thật buồn cười khi ông thứ nhất quả quyết rằng con voi là cây cột nhà vì ông đang sờ vào chân của nó. Ông khác lại khẳng định rằng con voi là cái quạt vì ông đang sờ vào tai của nó. Ông kia lại tuyên bố rằng con voi như cái chổi vì ông đang sờ vào cái đuôi của nó. Và cứ như thế, không ai chịu nghe ai và cuộc tranh cãi, ẩu đả diễn ra.
Xem ra con người luôn có cái nhìn phiến diện. Con người bị giới hạn rất nhiều về khả năng. Và dường như không ai hoàn hảo đến độ có thể hiểu biết mọi sự. Nhưng đáng tiếc, là con người lại kiêu căng đến độ cho mình thông hiểu mọi sự. Đó là lý do gây nên những mâu thuẫn, những đố kỵ, ghen ghét cho cuộc sống chung của loài người.
Các tông đồ năm xưa đã tìm được sự hiệp nhất dưới mái nhà tràn đầy Chúa Thánh Thần. Các ngài nói, các ngài hành động không phải do ý mình mà là do tác động của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã làm mới con người các ngài qua hình ảnh lưỡi lửa đậu trên đầu các tông đồ. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần đã làm nên một cộng đoàn các tông đồ hiệp nhất yêu thương.
Nhờ Chúa Thánh Thần mà các tông đồ đã tìm được tiếng nói chung với nhau. Khi phải quyết định một điều gì các ngài thường nói: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định”. Như thế, các ngài làm điều gì cũng dước tái động của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần mang lại sự hiệp nhất nơi tông đồ đoàn.
Dưới mái nhà hay nơi hội đoàn có lẽ cũng cần phải làm việc dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Không ai theo ý riêng mình. Không ai áp đặt ý mình lên tập thể mà là để Chúa Thánh Thần dẫn dắt thì gia đình, cộng đoàn chắc chắn sẽ có bình an. Vì Chúa Thánh Thần là thần chân lý sẽ dẫn con người tới sự thật. Chính Ngài sẽ giúp mỗi người sống theo sự thật, theo chân lý. Và như vậy niềm vui của sự bình an hiệp nhất sẽ đến với gia đình và cộng đoàn.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến đổi mới tâm hồn chúng con. Xin cho chúng con biết lắng nghe tiếng nói của sự thật để nhờ đó chúng con được sống trong bình an. Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng con đi trong chân lý vẹn tuyen để chúng con làm chứng cho tình yêu của Chúa giữa thế gian. Amen.
161. Thời đại Chúa Thánh Linh – AM. Trần Bình An
Một ngày nọ, một Cha sở Miền Bắc Việt Nam thấy có một nhóm người dân tộc thiểu số Hmông muốn đến gặp ngài. Cha hỏi họ:
“Anh chị em từ đâu đến đây?”
“Chúng con đến từ Lai Châu (Tây Nam giáp Điện Biên Phủ). Chúng con đã vượt núi rừng đi bộ suốt 6 ngày nay”
“Lạy Chúa tôi! Để làm gì vậy?”
“Chúng con muốn được rửa tội ngay bây giờ.”
“Không thể được, không có một Linh mục hay giáo lý viên nào cả trong vùng anh chị em. Còn anh chị em không biết gì về đạo hay kinh nguyện, thì làm sao chịu phép rửa tội được?’
“Chúng con đã học tất cả từ đài phát thanh phát đi từ Phi Luật Tân.
“Mà đài phát thanh nào? Đâu có đài phát thanh Công Giáo nào có chương trinh phát bằng thổ ngữ anh chị em đâu!”
“Đó là đài phát thanh “Nguồn Sống.”
“Một đài phát thanh Tin Lành, và bây giờ anh chị em lặn lội đến đây để xin trở lại Công Giáo. Thật là điều lạ!”
Vị Linh mục thật cảm kích bật thốt lên: “Đây là một lễ Hiện Xuống Mới. Đây chính là tác động của Chúa Thánh Thần! Chúa Thánh Thần!” Rồi cha lại hỏi đám người Hmông:
“Anh chị em có thể ở lại đây lâu hơn không?”
“Thưa cha không thể được. Chúng con chỉ đem theo 14 ngày cơm: 12 ngày đi đường và 2 ngày học hỏi và đọc kinh cầu nguyện.” Cả nhóm đã được Rửa Tội và chịu phép Thêm Sức, rồi được dự Thánh lễ đầu tiên trong đời và được rước Mình Thánh Chúa.
“Anh chị em sẽ không có Thánh lễ nào nữa, anh chị em không có nhà thờ, anh chị em sẽ làm thế nào?
“Ban chiều tối, chúng con tụ họp nhau từng hai ba gia đình, để nghe đài phát thanh và cầu nguyện chung, và cùng nhau học hỏi về đạo. Ngày Chúa Nhật, chúng con ra ruộng cày cấy, nhưng đúng 9 giờ 30, chúng con ngưng làm việc, thả trâu tự do ăn cỏ và chúng con dự Thánh le qua đài phát thánh Chân Lý, phát từ Manila.”
Chúa Thánh Thần sống và hoạt động trong trái tim những kẻ nghèo nàn và khiêm hạ, trong tâm hồn đạo đức bình dân, trong tình liên đới, trong đau khổ. Ngài ở đó như trạng sư và thông dịch các ứớc muốn và lời cầu xin của chúng ta. (TGM Fx Nguyễn Văn Thuận, Chứng Nhân Hy Vọng)
Trong thời đại thông tin toàn cầu, Lời Chúa được phát đi bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, thậm chí cả những thổ ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, như tiếng Hmông, Sê Đăng, Gia rai,… Đó là dấu chỉ rất rõ ràng một Lễ Hiện Xuống Mới trên Giáo Hội Việt Nam. Những giọt máu đào của các vị Tử Vì Đạo tiền nhân hào hùng, đã nhờ Chúa Thánh Thần, biến thành những hạt giống Đức Tin đâm chồi nảy lộc trên cao nguyên Tây Bắc xa xôi, hẻo lánh.
Tin Mừng theo Thánh Gioan của lễ Hiện Xuống hôm nay, thuật lại khi các Tông Đồ đang còn hoảng hốt, lo âu, sợ hãi, cửa đóng then cài, thì Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra, chúc bình an đến hai lần. Bình an trong bối cảnh khốn quẫn, khắc nghiệt, cũng như bình an ra đi phiêu lưu rao giảng. Đức Giêsu trao ban Thánh Thần làm Đấng Phù Trợ an ủi: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.”
Đấng Phù Trợ
Trong hai chương 15 và 16 Tin Mừng Thánh Gioan, Đức Giêsu ân cần, cặn kẽ giới thiệu tầm quan trọng vô cùng của Đức Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng Phù Trợ và là Thần Chân Lý của các Tông Đo và tín hữu Kitô. Với làn gió mạnh, những Lưỡi Lửa biểu hiện, Đức Chúa Thánh Thần đã tác động tích cực đến các Tông Đồ vào ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2, 1-13). Các ngài liền mở toang cửa, can đảm bước ra ngoài, rao giảng cho toàn thể đông đảo dân chúng tứ phương, vốn bất thân thiện, đang tham dự đại lễ tại Giêrusalem. Lạ lùng thay, bất cứ dân nước nào, dân tộc nào hiện diện, cũng hiểu được lời rao giảng nhiệt thành của các Tông Đồ.
Đức Chúa Thánh Thần đã thực sự nâng đỡ, trợ giúp, hồi sinh, cải hoá, đổi mới tâm hồn, cũng như phục sức, tăng lực cho các Tông Đồ, vốn rất yếu đuối, sợ hãi, thất vọng sau cuộc khổ nạn của Thầy Giêsu. Biến đổi thật ngoạn mục, thật kinh ngạc, các ngài trở nên chứng nhân anh dũng của Đức Giêsu – Chịu – Đóng – Đinh.
Ngài còn hiệp nhất tất cả Kitô hữu nên một Hội Thánh trong tình yêu vô biên của Thiên Chúa. “Vì chưng trong cùng một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta được tràn đấy một Thần Khí duy nhất.” (1Cr 12, 13)
Ngài đem lại những điều tích cực, thiết yeu và khởi sắc cho những mối tương quan nhân loại, giữa cộng đồng, gia đình, bằng những hoa thơm trái ngọt quý giá: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ.” (Gl 5, 22-23)
“Con hãy hợp tác để tạo nên “Mùa Xuân Mới” cho Hội Thánh. Con hãy chuẩn bị các tâm hồn đón nhận “Một lễ Hiện Xuống Mới” trong Hội Thánh. Con hãy nên cánh cửa mở ra, để đón làn gió mát dịu ngập tràn, làm tươi sáng Hội Thánh.” (Đường Hy Vọng, số 657)
Thần Chân Lý
Nhờ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, các lời giảng dạy của Chúa Giêsu trước kia mới được giải mã, ngời sáng, như gạt giống được gieo vào lòng đất tốt đủ độ ẩm yêu cầu, mới có the nảy mầm đâm chồi, xanh tốt vươn lên. Ngài soi sáng mở lòng các Tông Đồ nhận biết chân lý muôn thuở, sự thật về Đức Giêsu, ý thức về Thiên Chúa Ba Ngôi, Giao Ước mới, Luật mới, cũng như sứ vụ phải thực hiện. Đồng thời, Ngài đã khai sinh ra Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, hiện diện trong môi trường thế gian thù nghịch, như ánh sáng xua tan bóng tối.
Thần Chân Lý sẽ giảng giải cho tất cả những người thiện tam, mong đợi chính đạo, sự thật và sự sống, Ngài còn đóng vai trò ngôn sứ, tiên báo, cảnh giác. Ngài cũng tôn vinh Chúa Giêsu: ‘Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình ma nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con.” (Ga 16, 13 -14)
Ngài còn là Trạng Sư, tận tình bào chữa, bảo vệ, bênh vực người Kitô hữu trước thế gian thù địch, đố kỵ, ganh ghét, đổ vạ cáo gian. Hơn nữa Ngài còn thánh hoá người Kitô hữu trở nên con cái Thiên Chúa.”Khi người ta đưa anh em ra trước hội đương, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.” (Lc 12, 11-12)
“Thời đại mới, nhu cầu mới, phương pháp mới. “Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế,” và Ngài ban cho Hội Thánh lễ Hiện Xuống mới. (Đường Hy Vọng, số 296)
Lạy Đức Chúa Thánh Thần, xin tái hiện xuống chúng con hằng ngày, hằng giờ, để chúng con luôn được tái sinh, luôn can đảm sống theo Lời Chúa, Tông truyền và giáo huấn Hội Thánh, xin thánh hoá chúng con trở nên chứng nhân hy vọng đích thực và chân truyền.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đầy ơn phúc Đức Chúa Thánh Thần, xin Mẹ cầu bầu cho chúng con cũng được lãnh nhận tràn trề bảy Ơn Đức Chúa Thánh Thần: “khôn ngoan, hiểu biết, lo liệu, sức mạnh, thông thái, đạo đức, và kính sợ Thiên Chúa,” để chúng con luôn nồng nàn kính mến, tôn thờ Chúa và yêu thương phục vụ tha nhân. Amen.
162. Sống trong Chúa Thánh Thần
Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, hiện diện và hoạt động trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ. Trong thời đại Tân Ước, Ngài chính là ân huệ của Đấng Phục Sinh và là nguồn sức mạnh nối kết muôn dân và các tín hữu nên một trong cùng một phép Rửa và một niềm tin vào Đức Giêsu Kitô.
Thật thế, Chúa Thánh Thần đã hiện diện và đã đóng một vai trò tích cực ngay từ khởi thuỷ, Ngài hiện diện và thánh hoá trong lịch sử sáng tạo và cứu độ. Ngay đối với Chúa Giêsu trong cuộc sống ẩn dật và công khai, Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và tác động trên Ngài, nhất la trong những biến cố quan trọng, như khi lãnh Phép Rửa ở sông Giođan, hay như khi Chúa Giêsu vào sa mạc chịu ma quỉ cám dỗ, như khi cất bước rao giảng Tin Mừng khắp các làng mạc ở Palestin. Thế nhưng, chỉ khi Chúa Giêsu hoàn tat sứ mạng bằng cái chết và sống lại từ cõi chết, chính Ngài mới có thể ban Thánh Thần. Trình thuật Phúc âm Thánh Gioan hôm nay cho thấy vào buổi chiều sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện đến thổi hơi vào các môn đệ và bao: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22). Cử chỉ thổi hơi trên các môn đệ gợi lại hành động Thiên Chúa lúc bắt đầu tạo dựng con người. Thiên Chúa đã thổi hơi vào ông Ađam hơi thở của sự sống và con người nên song động. Cũng thế, khi Chúa Giêsu thổi Thánh Thần trên các môn đệ, các ông nhận được sự sống mới. Thánh Thần là “Chúa và là Đấng ban sự sống” như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.
Sách Công vụ Tông Đồ còn cho thay Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ như gió thổi, như lưỡi lửa, vào chính ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái, được mừng 50 ngày sau lễ Vượt Qua, để tưởng nhớ giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel tại núi Sinai. Dịp lễ này đã quy tụ đông đảo người Do Thái từ các nước khác nhau trở về Gierusalem. Chính trong bối cảnh của ngày lễ trọng đại này mà hoạt động đầu tiên của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội được biểu lộ. Hoạt động được biểu lộ qua việc các tông đồ ” nói tiếng khác nhau” và “mọi người thuộc các ngôn ngữ khác nhau đều hiểu được lời rao giảng của các tông đồ” (CVĐ 2, 1 – 12). Ở đây, ân sủng của Chúa Thánh Thần đã tái lập sự thống nhất ngôn ngữ đã bị chia rẽ, phân tán tại tháp Babel khi xưa và đồng thời nói lên tính cách phổ quát đại đồng của ơn cứu độ do Chúa Giêsu đem đến và do Chúa Thánh Thần thực hiện.
Trong thư gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolo đã nhấn mạnh đến vai trò hiệp nhất của Chúa Thánh Thần: ” Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do Thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do, tất cả chúng ta đã được tràn đầy một Thánh Thần duy nhất”(1Cr 12, 13). Nếu chỉ có Thánh Thần mới làm cho những kẻ tin nói được: “Đức Giêsu là Chúa”, thì cũng chỉ có Thánh Thần mới làm cho những con người khác nhau hợp nhất với nhau mà vẫn tôn trọng sự khác biệt của nhau. Vì vậy, Thánh Phaolô đã kêu gọi chúng ta “hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau” “(1Cr 1, 10). Bởi vì, những người cùng thờ một Chúa, cùng tuyên xưng một niềm tin, cùng lãnh nhận một bí tích, cùng hy vọng một tương lai nước trời, mà lại chia rẻ nhau, là điều không thể hiểu nổi, là gương xấu không thể tha thứ được.
Đời sống Kitô hữu là đời sống theo Thánh Thần, như Thánh Phaolô đã nói: “Ai sống theo xác thịt thì hướng về những điều thuộc xác thịt, còn ai sống theo Thánh Thần thì hướng về những điều thuộc Thánh Thần. Nhưng hướng theo xác thịt thì chết, còn hướng theo Thánh Thần là sống và bình an” (Rm 8, 5). Muốn sống theo Thánh Thần, chúng ta phải bắt chước Chúa Giêsu, ước muốn nên giống Ngài, sống hiếu thảo như Ngài, sống yêu thương mọi người, sống khiêm tốn, hiến lành và phục vụ mọi người. Hãy sống theo Thánh Thần, chúng ta sẽ được lãnh nhận những hiệu quả của Thánh Thần. Và hiệu quả của Thánh Thần, đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, trung tính, hiền hoà, tiết độ. Nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần, thì hãy để Thánh Thần hướng dẫn đời ta”. (Gl 5, 22 – 25).
Sống trong thế giới vật chất này, con người vẫn còn cảm thấy bất an, lo lắng, lo sợ, loa toan,…Và vì thế, con người vẫn luôn khát vọng tìm nguồn bình an. Nhưng sự bình an bên trong không thể mua được bằng tiền bạc, vật chất. Do đó, đối với người Kitô giáo, Chúa Thánh Thần chính là nguồn bình an đích thực, đã hiện hữu và luôn sẵn sàng giúp con người được sống bình an. Chính Chúa Thành Thần sẽ ban cho con người sự sống viên mãn, hạnh phúc đích thực trong Chúa Kitô. Ai sống trong Chúa Thánh Thần thì được sự sống vui tươi, hoan lạc và bình an vĩnh cửu.
Tất cả những gì giúp thăng tiến đời sống con người, tạo điều kiện cho mối tương quan huynh đệ giữa người với người, những gì tạo nên sự hiệp thông vô biên giới phải là những tiêu chuẩn cho hành động của chúng ta. Bởi vì những gì giới hạn hoặc chia rẽ, đều nghịch với Thánh Thần của Chúa Kitô. Thánh Thần luôn chăm lo hiệp nhất Thân Thể Đức Kitô, duy trì sự hiệp thông và qui tụ mọi người hiệp nhất với Ngài.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh. Khi xưa Chúa đã ban Chúa Thánh Thần cho các Tông Đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần, thì hôm nay xin cho chúng con cũng biết đón nhận Chúa Thánh Thần, để chúng con cũng được biến đổi trở thành tông đồ nhiệt thành làm chứng cho Chúa trong thời đại hôm nay. Amen.
163. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Anh chị em thân mến.
Tôi đã được xem qua câu chuyện ngắn, mà nó gây ấn tượng cho tôi rất lâu. Câu chuyện mang tên Lòng mẹ, của một tác giả nhỏ còn cắp sách đến trường. Nội dung chuyện diễn tả người mẹ và đưa con gái. Gia đình nghèo, người mẹ hằng ngày nhờ vào gánh chè vào lúc đêm để nuôi sống gia đình và lo cho con ăn học.
Vào một ngày lễ của nhà trường, người mẹ cũng cố gắng lo cho con mình một bộ áo dài mới để mặc với các bạn. Đứa con cũng rất ngoan, người mẹ cũng tự hào về con mình. Khi đã mặc bộ đồ mới vào, người con rất cảm động. Nhưng nhìn lại chiếc xe đạp, cô bé không khỏi ngậm ngùi. Chiếc xe đó nó lớn tuổi hơn cô, nên giờ đay cô hơi ngần ngại. Nhưng vì thương mẹ nên cô lặng thinh không muốn làm cho mẹ phải khổ thêm.
Khi trở về, cô có vẻ như mệt nhoài và chạy vội ra sau, vừa chạy vừa khóc. Người mẹ lo lắng, chạy theo xem chuyện gì xảy ra với con mình. Cô khóc lóc, chỉ vào chiếc quần mới và chỉ vào chiếc xe. Ngưới mẹ lặng thinh, an ủi con. Sau đó, mọi chuyện tưởng như đi vào quên lãng. Một hôm cô bé đi học về, tưởng trong nhà mình có khách, vì cô nhìn thấy một chiếc xe đạp mới, dựng trong nhà. Cô hỏi mẹ xe của ai.
Người mẹ âu yếm nhìn con và nói đó là xe của con. Cô bé rất vui mừng cảm động. Cũng từ hôm ấy, mẹ cô về rất khuya. Cô học bài xong ngồi chờ mẹ mãi, vẫn chưa thay. Một hôm chờ lâu quá cô sốt ruột, nên chạy đi tìm mẹ. Cô đến chỗ mẹ thường bán, hỏi thăm thì nhìn thấy gánh chè mẹ đã bán hết và gởi đó. Cô được biết: thời gian gần đây, sau khi đã bán hết chè, mẹ cô phải đi lam thêm một công việc là đi quét rác. Cô chợt hiểu ra, vì lo cho cô có chiếc xe đạp mới mà mẹ phải vất vã như thế. Cô vội chạy đi tìm mẹ với những dòng nước mắt tuôn trào.
Tôi suy nghĩ: Động lực nào đã thêm sức cho người mẹ như thế. Động lực nào đã làm cho người con hiểu được tình mẹ. Một sức mạnh vô hình mà người ngoài không thể nhìn thấy được. “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.
Các môn đệ được nhận lãnh Chúa Thánh Thần. Người đời chẵng ai nhìn thấy các ngài được thêm điều gì. Nhưng bên trong con người các ông đã thay đỗi hoàn toàn. Từ những người nhút nhát, vào phòng đóng kín cửa, lo sợ bị người khác nhìn thấy, lo sợ cho bản thân bị nguy hiểm. Nhưng giờ đây con người của Các Ông đã hoàn toàn thay đỗi. Thay vì cửa được đóng kín, giờ đây lại mở tung ra.
Thay vì sợ người khác nhìn thấy, giờ đây các ông đứng giữa đám đông để rao giảng. Thay vì sợ nguy hiểm cho bản thân, giờ đây các ông vui mừng vì được chịu đau khổ do những điều mình rao giảng. Người đời chẵng nhìn thấy điều gì. Nhưng Chúa Giêsu biết rõ và các môn đệ cũng biết rõ điều gì đang xẩy đến với mình, nên các Ngài không thể ngồi yên. Các ngài phải hoạt động, phải chạy đi, phải rao giảng.
Mỗi người trong chúng ta cũng đã được nhận lãnh Chúa Thánh Thần, đặt biệt trong ngày lãnh Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức. Hằng ngày trong đời sống, ơn Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong con người của mình. Nhưng chúng ta có nhận ra, có nhìn thấy được không? Hay chúng ta cũng như bao nhiêu người khác không thể nhìn thấy được biến chuyển trong con người của chính mình. Thiên Chúa đã làm tất cả những gì cần thiết, những gì có thể làm được, Ngài đã làm cho chúng ta rồi. Còn phần của mỗi người, hãy nhìn vào chính mình chúng ta sẽ nhìn thấy ơn Chúa Thánh Thần hoạt động.
Hiện tại, ơn Chúa Thánh Thần vẫn hiện diện trong mỗi người chúng ta. Nhưng có những nơi ơn Chúa đành phải chịu số phận bị đóng kín cửa. Vì nỗi lo sợ, nếu khi mở tung cửa tâm hồn họ sẽ bị mất mát đi một phần lợi ích riêng tư. Đó là những người sống ích ky, chỉ biết nghĩ đến chính mình, còn những người khác ra sao họ không cần biết. Cũng có những người đã mở cửa nhưng không dám bước ra khỏi nhà, không dám đi đến những nơi cần thiết. Họ sợ liên lụy bản thân. Đó là những người hèn nhát. Còn có những người, họ biết rất rỏ những công việc phải làm, biết đâu là tốt, đâu là xấu. Nhưng họ vẫn nằm yên bất động. Đó là những người lười biếng.
Còn chúng ta, có giống được cô bé trong câu chuyện, chạy vội đi tìm mẹ để chứng tỏ lòng yêu thương và biết ơn của mình. Đó cũng là tâm tình của các Tông Đồ khi được nhận lãnh Chúa Thánh Thần. Xin Chúa ban sức mạnh cho mỗi người biết sống theo ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
164. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Năm mươi ngày hoan lạc phục sinh đã khép lại và giờ đây, chúng ta được bao phủ bởi ân huệ từ trời của Chúa Cha gởi đến qua Chúa Giêsu là Thánh Thần. Thánh Thần đến ban sự dũng cam, can đảm, làm nhân chứng, sự thông cảm, hiệp nhất và tự do… cho tất cả con cái Thiên Chúa.
Thánh Luca tường thuật việc trao ban Thánh Thần xảy ra vào ngày lễ Ngũ Tuần. Truyền thống Do Thái tin rằng Thiên Chúa ban lề luật trên núi Sinai cũng vào ngày lễ Ngũ Tuần. Còn thánh Gioan tường thuật việc trao ban Thánh Thần vào chính ngày lễ phục sinh. Tuy nhiên chúng ta tránh việc nhấn mạnh một trong hai khía cạnh trong ngày lễ Ngũ Tuần là trao ban Thánh Thần. Thánh Gioan nói đến việc Chúa Giêsu phục sinh ban tặng Thánh Thần và khơi màu sứ mạng của Giáo hội.
Nếu như ngày Thiên Chúa ban lề luật cho dân Do Thái là ngày khai sinh một cộng đồng dân tộc sống trong đường lối của Thiên Chúa. Thì Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay cũng đánh dấu một bước ngoặc quan trọng, là ngày sinh ra một cộng đoàn mới là cộng đoàn Giáo Hội.
Chuyện kể rằng: Ngày xưa, có một nhóm người có thế lực muốn bắt tay xây dựng một ngọn tháp đến tận trời. Họ tập hợp các kiến trúc sư, các thợ nề và một lực lượng lao động đông đảo. Để chuẩn bị cho việc xây cất, họ đã mua một số lượng lớn vật liêu gồm: đá gan-nít và xi-măng. Những nhà tổ chức có cùng một ý kiến và nói cùng một ngôn ngữ. Các kế hoạch đã được soạn thảo và các đề án bắt đầu được thi công.
Tuy nhiên, có sự trục trặc trong công việc là tiếng nói. Những ngươi chủ chỉ thích một điều duy nhất là làm vinh danh họ. Ngọn tháp được trở thành đài kỹ niệm biểu dương cho quyền lực của họ. Vì thế, lòng ganh tỵ giữa các kiến trúc sư và từng người muốn rời bỏ vị trí làm việc của mình. Họ làm việc cách ẩu tả nên có nhiều tai nạn xảy ra. Các công nhân bị la mắng, bị hành hạ cách thậm tệ. Vật liệu bị mất cấp liên miên. Chi phí cho công trình bị thâm thủng. Ngân hàng bắt đầu lên tiếng phản đối. Các nha đầu tư thu hồi vốn lại. Sự nghi ngờ cũng lan tràn khắp nơi. Những người thợ xây dựng không còn nói chung một ngôn ngữ. Ngọn tháp phải dừng lại và bỏ hẳn.
Đây là câu chuyện hiện đại mà kịch bản giống với câu chuyện tháp Babel. Ngọn tháp là biểu tượng cho những cố gắng của nhân loại trong ý định muốn tạo một thiên đường ở trần gian mà không phải trông cậy vào quyền năng của Thiên Chúa. Sau khi tổ tông loài người ăn trái cấm. Thiên Chúa đuổi hai ông bà ra khỏi vườn địa đàng. Khi đó, họ đã làm gì? Họ đã có sự “hiểu biết” và tự xây dựng một thiên đường bằng chính nổ lực của mình và loại trừ Thiên Chúa. Nhưng thiên đường đó là gì?
Sự nỗ lực của con người vẫn còn đó. Chúng ta có những sa lộ rộng lớn, có những chiếc phản lực siêu âm, có những lò năng lượng nguyên tử, người ta có thể điều khiển tàu vũ trụ bay vào không gian… Nhưng chúng ta vẫn chưa thể sống bình an với người khác.
Lễ Ngũ Tuần mang một ý nghĩa đảo ngược hoàn toàn với những gì xảy ra nơi tháp Babel. Chúng ta cũng có một nhóm người tụ hợp với nhau, những con người tầm thường mà họ không chút tự tin vào khả năng hạn hẹp của mình. Nhưng lại có một niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa. Họ cũng bắt đầu xây dựng một “ngọn tháp” với thể loại hoàn toàn khác biệt. Ngọn tháp này làm nên một cộng đoàn mới, ngọn tháp vươn lên trời nhờ những bậc thang thiêng liêng.
Các Tông Đồ cũng bắt đầu xây dựng cộng đoàn mới này. Họ cùng nói một ngôn ngữ mới là ngôn ngữ của tình yêu và cùng nhau hoạt động. Một ngôn ngữ mà tất cả những người thánh thiện đều co thể hiểu. Nó rạng ngời trên những khuôn mặt và được cảm nhận qua những bàn tay siết chặt với nhau.
Hôm nay là ngày kỷ niệm một biến cố vĩ đại đã xảy ra. Đó chính là ngày khai sinh của Giáo Hội, là cộng đoàn của những người theo Chúa Giêsu. Trong ngày này, chúng ta hãy tạ ơn vì Chúa Thánh Thần đã đến với chúng ta và tạ ơn vì Giáo hội sơ khai đã khai mở những bước chân đầu tiên. Cộng đoàn này được xây dựng không phải từ những con người thánh thiện, nhưng từ những con người tội lỗi. Trải qua bao thăng trầm, dù đối diện với những khó khăn và thất bại, nhưng cộng đoàn này vẫn tồn tại và từng bước được xây dựng thêm.
Ngày hôm nay, chúng ta tụ hợp nơi đây không phải như con người kỳ thị và cạnh tranh nhau nhưng như là những người bạn. Cái nhân tố thông thường để chia cắt hay phân biệt con người là giai cấp, màu da, tuổi tác và của cải. Chúng không có giá trị ở đây! Ơ đây, chúng ta là một gia đình sống dưới bàn tay che chở của Thiên Chúa.
Lễ Ngũ Tuần đã thay đổi tai hoạ của tháp Babel đã làm cho nhân loại trở nên lộn xộn và chia rẻ thành một gia đình hiệp nhất. Chúa Thánh Thần đã làm cho mọi người nhận ra một Thiên Chúa Thật và làm cho tất cả nhân loại thuộc nhiều ngôn ngữ thành một tiếng nói là cùng tuyên xưng một niềm tin.
Đây là một kỳ công mà nó được được bắt đầu vào ngày lễ Ngũ Tuần. Vì vậy, chúng ta không chỉ tìm chổ nương tựa nơi toà tháp là cộng đoàn Giáo Hội, mà chúng ta cần phải có bổn phận xây dựng nó.
165. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Tờ báo tuổi trẻ Chủ Nhật ra ngày 29.4. 2001, có đăng tải một câu chuyện ngắn như thế này: Có một vị vua nọ treo một phần thưởng rất lớn cho bất kỳ họa sĩ nào vẽ được một bước tranh đẹp nhất về sự bình an.
Chỉ năm ngày sau, rất nhiều bức tranh được đưa tới. Và trong số nhiều bức tranh đó, có hai bức tranh tuyệt đẹp mà nhà vua phải chọn lấy một để trao giải. Bức tranh thứ nhất thể hiện một hồ nước êm ả, nước trên mặt hồ nhìn như thể là một tấm kiếng to lớn soi rõ những ngọn núi chót vót bao quanh. Phía trên nó là một bầu trời trong xanh với những cụm mây trắng mịn màng. Đúng là một bức tranh tuyệt hảo về sự bình an.
Bức tranh thứ hai cũng có những ngọn núi, nhưng những ngọn núi ấy lại trần trụi xấu xí. Còn bên trên nó là một bầu trời giận dữ, sấm sét bảo bùng cộng với những cơn mưa như thác đổ, tạo thành một dòng chảy hãi hùng, sẳn sàng tiêu diệt tất cả. Thế nhưng ông vua lại phát hiện ra nơi bức tranh này có một chi tiet nhỏ nữa: Đó là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe đất của một tảng đá. Và trong bụi cây đó, ở giữa một dòng thác ầm ầm tuôn đổ, một con chim mẹ vẫn an nhiên đùa giỡn với chim con trên tổ của mình.
Cuối cùng nhà vua đã công bố: Bức tranh thứ hai là bức tranh được chọn để trao giải. Bởi vì sự bình an không có nghĩa là không ồn ào nguy hiểm, không khó khăn cực nhọc. Thế nhưng sự bình an đúng nghĩa là cho dù đang phải ở trong những phong ba bão táp, ta vẫn thấy đượcsự yên tĩnh an bình trong trái tim của mình.
Thưa anh chị em! Bức tranh mà Đức vua đã chọn nó có phần giống giống như bức tranh mà Thánh Gioan đã vẽ lại trong bài Phúc âm mà chúng ta mới vừa nghe xong: Giữa những phong ba bão táp đang chụp xuống đầu các môn đệ sau những ngày mà Thầy của mình bị giết chết, Đức Giêsu hiện ra với các ông như chim mẹ ngang nhiên đậu trên tổ để canh giữ bầy con mình: “Bình an cho các con”.
Bình an của Chúa ban cho các môn đệ không phải là một thứ bình an không có sóng gió, hay đối diện với kẻ thù. Có lẽ vì thế mà sau khi ban bình an cho các học trò của mình, Đức Giêsu đã cho họ xem tay và cạnh sườn như thể là bằng chứng của một sự chiến đấu đầy gian truân mà các môn đệ của Chúa sẽ phải đi tới. Và vì biết rằng các học trò của mình sẽ không đủ sức để vượt qua những sống gió đó, nên Đức Giêsu tiếp tục ban tặng cho họ một sức mạnh đặt biệt hơn, đó là Chúa Thánh Thần.
Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các tông đồ của Chúa đã có một sự đổi mới lạ lùng. Nơi bài đọc thứ nhất, sách Tông Đồ Công Vụ đã thuật lại rằng: Các môn đệ Chúa Giêsu ngày xưa, đa số là những người quê mùa kém cỏi, ít học chậm hiểu.
Ròng rã theo Đức Giêsu ba năm trời, nghe không biết là bao nhiêu những lời dạy dỗ củaNgười, chứng kiến nhiều phép lạ mà Chúa đã làm, vậy mà dường như đâu cũng vào đó. Các ông cũng chẳng hiểu về Chúa về Thầy của mình là bao nhiêu. Chúa nói một đàng, các ông lại hiểu một nẽo. Chúa dạy các ông hãy khiêm tốn phục vụ lẫn nhau, nhưng liền sau lời dạy đó, các ông ôm thơ dệt mộng được chức được quyền, tranh giành với nhau xem ai sẽ làm lớn, còn ai phải làm nhỏ. Rồi lúc Đúc Giêsu bị bắt các ông bỏ chạy hoảng loạn, mỗii người một nơi.
Thế nhưng khi Đức Giêsu đến với các ông rồi, khi các ông có được Chúa Thánh Thần rồi, các ông đã thay đổi hoàn toàn. Từ những con người nhúc nhát sợ hãi, trở thành những con người can đãm anh hùng. Từ những con người kém cõi khờ khạo, trở thành những con ngươi thông minh giỏi dắn, có khả năng thu hút nhiều người, và làm cho tất cả mọi người đều có thể nghe và hiểu lời dạy của các ông. Và cuối cùng như sách Tông Đồ Công Vụ đã kể lại, các ông đã mạnh dạn dùng cái chết của mình để làm chứng cho tin mừng Chúa Phục Sinh.
Đức Giêsu đã ban Chúa Thánh Thần cho các Tông Đồ cũng là ban cho Hội Thánh, cho mọi người chúng ta. Chúa Thánh Thần đang hiện diện, đang đổi mới Hội Thánh, cũng là đang hiện diện và đang đổi mới cuộc đời chúng ta. Thế nhưngchúng ta hãy thử một lần nhìn lại xem: Tôi đã có hàng bao nhiêu năm được học giáo lý, được nghe lời Chúa, được tham dự Thánh lễ, nhưng rồi cuộc sống của tôi có được biến đổi chút nào không, hay là còn tệ hơn những người xung quanh mình?
Trời có mưa một chút tôi có can đảm khoác cái áo mưa vào, để đến nhà thờ đọc kinh xem lễ, giữ ngày chúa nhật không? Mỗi lần đến nhà thờ này, là tôi đến để thờ phượng Chúa thật sự, hay là tôi đến chỉ để xin ơn này ơn khác: xin cho được thoát khỏi những nỗi buồn này, đạt được những ước vọng kia. Và rồi xin mãi mà không dược thì đâm ra buồn phiền, thất vọng không còn muốn đến nhà thờ nữa.
Thưa anh chị em! Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống ngày hôm nay, điều quan trọng mà chúng ta cầu xin với Chúa Thánh Thần, không phải là một cơn gió ào ào cùng với những đốm lữa bùng cháy tren đầu mọi người, giống như các Tông đồ ngày xưa. Nhưng chúng ta hãy cầu xin có được một sự biến đổi mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần nơi con người của mình.
Xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta trong cung cách sống đạo hàng ngày đối với Chúa. Chúng ta gọi Chúa là Cha, thì phải hoàn toàn tin tưởng vào Cha chứ không phải là bắt Cha làm theo ý mình. Một người Cha thương con thật sự thì cũng không phải là lúc nào cũng chiều theo ý con mình mà ban cho chúng tất cả những gì chúng xin.
Bởi vì người cha biết rằng: có những điều khi cho nó, thì chỉ làm nó ra hư hỏng, là đưa nó vào chỗ chết. Chúng ta cũng xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta trong cách sống hằng ngày đoi với những người xung quanh mình. Bởi vì cho dù họ có nghèo nàn, kém cỏi, tệ bạchơn mình đi nữa, thì trong niềm tin, trong ngôi nhà Giáo hội, chúng ta là những anh em của nhau. Và như Chúa đã nói trước: “Người ta cứ dấu nay mà nhận biết các con là môn đệ của thầy: là các con sống yêu thương nhau”.
166. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
“Người thổi hơi vào các ông và bảo: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20, 22)
Chúng ta ít biết về Chúa Thánh Thần, nên cũng ít cầu nguyện với Người. Đó là một thiếu sót lớn. Chúa Thánh Thần vừa là nguồn mạch mọi ơn sủng, vừa là Đấng ban phát các ơn cần thiết cho ta. Đương nhiên, khi hoạt động, Chúa Thánh Thần luôn kết hợp mật thiết với Chúa Cha và Chúa Con. Khi xuống thế làm người, không có việc nào của Chúa Giêsu làm mà không được sự hỗ trợ của Chúa Thánh Thần.
Tại sao như thế? Thưa, vì cả Ba Ngôi kết hiệp mật thiết với nhau trong bản tính và trong quyền năng, nhất là vì: Ba Ngôi là một. Sau Phục sinh, vai trò của Chúa Thánh Thần còn hiện rõ hơn nữa, để giúp cho Hội Thánh vững mạnh và phát triển. Chính Chúa Giêsu trước khi ra đi, đã ban Chúa Thánh Thần lại cho các tông đồ.
Hơn nữa, Chúa Thánh Thần là căn nguyên sự sống và hoạt động của Hội Thánh: Khi ta lãnh nhận phép Rửa tội,nhất là Bí Tích.Thêm sức, Chúa Thánh Thần đến và hoạt động trong ta, sống trong ta nữa. Người thông ban cho ta sự sống của TC cách dồi dào, biến đổi ta, giúp ta nên trưởng thành mạnh mẽ hơn, kết hợp mật thiết với Chúa.
Chính Chúa Thánh Thần dạy dỗ, nâng đỡ, phù trợ và nuôi ta lớn lên trong đời sống làm con cái Thiên Chúa – Chúa Thánh Thần hoạt động trong người tín hữu, trong Hội Thánh nói chung, bằng bảy ơn Thánh Thần, để soi sáng, hướng dẫn và giúp Hội Thánh, vì Chúa Thánh Thần chính là Đấng bàu chữa, Đấng đem lại sự hiệp nhat, Đấng của tình yêu.
Ta có thể lấy ví dụ để dễ hiểu về Chúa Thánh Thần: cũng như thân xác ta cần hơi thở để sống, cần có nhịp đập con tim để máu lưu thông nuôi cơ thể thế nào, thì Chúa Thánh Thần cũng được ví tương tợ như vậy; Người chính là hơi thở, là nhịp đập của con tim của Hội Thánh, của người Kitô hữu.
Thân xác ta không có hơi thở, chỉ là cái xác chết. Con người không có nhịp đập con tim, không có máu lưu thông trong huyết quản, đó chỉ là hồn ma có cử động, không phải là con người nữa. Chúa Thánh Thần quan trọng đối với Hội Thánh, với chúng ta cũng tương tợ như thế. Trong đời sống đức tin, người Kitô hữu cảm nhận về Chúa Thánh Thần còn quá ít!
Một người Tin lành, khi trở về công giáo, đã nói: “tôi đã tìm hiểu hết các đạo, kể cả công giáo, tôi thấy công giáo cũng có những khuyết điểm, nhưng cuối cùng tôi theo công giáo, vì tôi nhận ra dù có khuyết điểm, nhưng Hội Thánh công giáo luôn có Chúa Thánh Thần hiện diện nơi họ”.
Qua lịch sử của Hội Thánh, các thánh là những chứng nhân hùng hồn nhất về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh, trong người tín hữu. Vì có Chúa Thánh Thần, họ dám hy sinh mọi sự, kể cả mạng sống. Các tông đồ trước ngày lễ Ngủ tuần, nhút nhát bao nhiêu, nhưng sau đó họ can đảm bấy nhiêu. Chính Chúa Thánh Thần biến đổi họ nên những con người hoàn toàn khác.
Chúa Thánh Thần là nguồn mạch ơn sủng, là Đấng ban phát mọi ơn, là hơi thở, là nhịp đập của con tim, là Người không thể thiếu cho ta; ta có tin tưởng và năng chạy tới, cầu nguyện với Chúa Thánh Thần không? Bằng mọi cách, ta có cố gắng sống theo sự chỉ dẫn của Chúa Thánh Thần không?
Thánh Phaolô nói: “Thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần”. Chúa Thánh Thần rất quan trọng và cần thiết cho ta nhưng ta có cố gắng sống sao cho xứng đáng là đền thờ của Ngài không?
167. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Dưới vòm trời, vạn sự đều phải chịu luật mòn của thời gian: Một đôi guốc mang lâu ngày sẽ mòn, mất hình thù guốc. Một chiếc áo mặc lâu ngày sẽ mòn, mat hình thù áo. Một ngọn núi cao, cái mà con người tưởng chừng như không có gì có thể làm thay đồi được nó. Vậy mà, với thời gian, khi đứng lâu ngày dưới gió bão mưa sa, ngọn núi cũng mất đi phần nào hình thù của nó… Không những các vật hữu hình bị luật mòn của thời gian chi phối, mà ngay cả các sự vật vô hình cũng bị một số phận tương tợ như vậy, chẳng hạn như: lời nói, tình cảm con ngưòi… cũng bị mòn, bị vo tròn bóp méo, làm mất hẵn ý nghĩa của nó.
Có một điều rất quen thuộc, rất cần thiết với con người, điều đó cũng vô hình nữa, nhưng không bị bào mòn theo thời gian, đó là: Hơi thở của chúng ta, cái mà con người gọi là không khí đó. Nếu không khí mà cũng chịu luật mòn của thời gian, thì vũ trụ này không không còn tồn tại bất cứ một sinh vật nữa, kể cả con người. Bởi khi đó vũ trụ này không có sự sống.
Ngay trang đầu tiên của sách sáng thế ký, khi nói về việc Thiên Chúa sáng tạo trời đất, đã có “THẦN KHÍ THIÊN CHÚA” bay lượn trên mặt nước (St 1,1). Hình ảnh bay lượn trên mặt nước, như đang muốn nói với chúng ta rằng: Thánh Thần Thiên Chúa chính là “hơi thở”, là sự sống trên mặt đất này. Và do đó mọi vật đang hít thở sự sống là chính Chúa
Từ sáng sớm đến chiều tối, chúng ta làm được bao nhiêu công việc, chúng ta biết rất rõ. Gặp gỡ bao nhiêu người, bàn bạc những chuyện gì chúng ta cũng đều kiểm soát được hết. Vậy còn hơi thở của chúng ta, chúng ta có nhớ mình đã thở bao nhiêu hơi trong một ngày không? Hơi thở quá quen thuộc, quá gần gũi thân thương với chúng ta, đến nỗi chúng ta đã quên mất là: “chúng ta đang thở, vạn vật trên mặt đất này đang thở”.
Như vậy, chúng ta đang sống trong Chúa Thánh Thần, vạn vật trong vũ trụ này đang sống trong Chúa Thánh Thần. Mà hễ sống trong Chúa Thánh Thần, cuộc sống của chúng ta phải sinh hoa trái,đó là: Chúng ta phải sống bác ái, sống trong niềm vui, biết nhẫn nhục, phải có lòng nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà và tiết độ… Nhưng rồi nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta cũng đồng thời hít thở Thánh Thần.
Nhưng lại không buôn theo Thánh Thần, không để cho Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời của chúng ta. Cho nên, thay vì sống bác ái, chúng ta sống thù nghịch nhau. Thay vì sống hiền hoà, chúng ta thích sống hung dữ…
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, một lần nữa đưa chúng ta trở về với ngôi nhà tiệc ly. Ở đó, chúng ta nhìn ngắm cuộc đổi đời của các Thánh Tông Đồ. Chúng ta nhớ lại coi, bao nhiêu năm theo chân Chúa Giêsu, các ngài cũng hít thở chính sư sống của Thánh Thần đó chớ. Nhưng rồi chúng ta thấy đó, một Phêrô chối Chúa, Giuda thì tự tử, Giacôbê và Gioan thì đòi chức quyền…cuộc sống các ngài cũng đã không xin hoa trái được, chỉ vì các ngài đã không đe cho Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời các ngài.
Sự kiện ở nhà tiệc ly hôm nay, các Thánh Tông Đồ như được sinh lại. Hãy cùng với Mẹ Maria và các thánh tông đồ, chúng ta để cho Chúa Thánh Thần qua những ngọn lửa của Ngài thiêu đốt chúng ta khỏi những mê muội. Xin Người cũng tái sinh chúng ta trong tình yêu của Ngài. Xin Người là chính hơi thở, là chính sự sống của đời con chúng ta. Amen.
168. Đấng ban bình an
1. Nếu như được một điều ước duy nhất, có lẽ nhiều người sẽ phải đắn đo suy nghĩ, nhưng cũng không ít người sẽ nhanh chóng ước ngay rằng làm sao có được một cuộc sống bình an. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ trong cuộc sống, nhất là hiện thời, có nhiều lý do khiến cho ta có quá nhiều bất an. Các môn đệ của Đức Giêsu sau cuộc tử nạn của Thầy mình, đang trong tình trạng khép kín, bối rối… Trong lúc bất an như vậy; một luồng sinh khí mới đến với các ông, Đức Giêsu Phục Sinh hiện đến để ban Chúa Thánh Thần và những ơn của Người cho các ông, đặc biệt đó là ơn bình an.
2. Chúng ta dễ nhận ra qua các bài Kinh Thánh hôm nay có 2 tường thuật về việc trao ban Chúa Thánh Thần: Theo Thánh Gioan, ngay buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần (chính hôm lễ Phục Sinh), Đức Giêsu đã ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ. Trong khi đó theo Luca, qua sách Tông Đồ Công Vụ (Bài đọc I) cho ta thấy Đức Giêsu ban tặng Chúa Thánh Thần hôm lễ Ngũ Tuần, tức 50 ngày sau khi Chúa sống lại (Cv 2,1 tt), và được tường thuật với nhiều chi tiết hơn.
Sự khác biệt này được giải thích như thế nào? Thưa Thánh Gioan gom góp vào một ngày những sự kiện mà Thánh Luca đã phân chia rải rác trong thời gian 50 ngày: Đức Giêsu sống lại (Ga 20,1tt; Lc 25,1tt), lên trời (Ga 20,17; Cv 1,9) và ban tặng Thánh Thần (Ga 20,22; Cv 2,1tt). Thực ra, Chúa Thánh Thần đã hoạt động ngay từ thời sáng thế: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng… và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước”(St 1,1-2); Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn các tổ phụ các tiên tri mà chúng ta vẫn thường tuyên xưng trong kinh Tin Kính. Thời Tân Ước, Ngài vẫn luôn hoạt động: nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần mà Ngôi Hai nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, và chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn hoạt động của Đức Giêsu nơi trần thế…
3. Giơ đây chính Đức Kitô Phục Sinh lại trao ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ, môn đệ như trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, việc trao ban Chúa Thánh Thần như được hoà quyện với lời chúc bình an, quyền tha tội và lời sai đi rao giảng. Cho nên có thể nói đây là những ơn đặc biệt mà các tông đồ, môn đệ Đức Giêsu có được khi nhận lấy Chúa Thánh Thần của Đức Kitô Phục Sinh.
Trong một cuộc gặp gỡ ngắn mà hai lần Đức Kitô nhắc tới “bình an”, cho nên có thể nói “bình an” là ơn cao trọng nhất của Chúa Thánh Thần, rất cần thiết cho con người. Khi nói tới bình an thường được hiểu là bình an bên ngoài (như không có chiến tranh, không có hận thù giết chóc, bắt bớ…), nhưng có một thứ bình an cần thiết hơn, quan trọng hơn đó là bình an sâu thẳm trong tâm hồn.
Nhờ việc nhận Thánh Thần, các tông đồ, môn đệ của Đức Giêsu đã có thứ bình an đó. Thật vậy, chúng ta thấy rõ dường như các ngài không có được sự bình an bên ngoài: bị tra tấn đánh đập vì Đức Giêsu, vì Tin Mừng, ngay cả phải thiệt thân… Nhưng nhờ có ơn bình an của Chúa Thánh Thần, thì những đau khổ vì danh Đức Kitô lại trở thành niềm vui, danh dự… như Phaolô đã nói: khốn cho thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng Đức Kitô (x. 1 Cr 9,16).
Ơn bình an của Chúa Thánh Thần vẫn luôn được trao ban trong Hội Thánh, điều này càng thấy rõ vào những thời, những nơi Giáo Hội gặp khó khăn: đã có hơn 70 triệu anh hùng trung kiên với Đức Kitô, qua 20 thế kỷ, các vị này không cho rằng việc đầu rơi máu chảy là bất hạnh, mà đó là niềm vui, tự hào… bởi các ngài có được sự bình an sâu thẳm.
Khi h iểu rằng bình an thực là như thế, chúng ta mới có thể cảm nhận được một ý nghĩa khác của việc Đức Giêsu trao ban Thánh Thần: đó là bình an qua việc được tha thứ. Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta có được cảm nghiệm bình an trong tâm hồn khi đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa qua bí tích Giải Tội, nhất là khi ta lỗi phạm càng nặng. Vì thế Đức Giêsu muốn bình an của Chúa Thánh Thần được lan toả từ các tông đồ và những người kế vị các ngài trong chức linh mục, qua việc tha tội: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha…” (Ga 20,23). Không chỉ qua Bí Tích Giao Hoà, mà việc tha thứ cho nhau rất cần thiết trong đời sống của Kitô hữu, khi chúng ta tha thứ cho nhau là dấu hiệu Chúa Thánh Thần đang hoạt động nơi ta.
Những ai được diễm phúc đón nhận sự bình an của Chúa Thánh Thần không phải để thụ hưởng mà phải ra đi, phải chia sẻ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con “. Đức Giêsu đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, giờ đây đến nhiệm vụ của Giáo hội, của mọi người chúng ta. Sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại rằng sau khi nhận ơn Chúa Thánh Thần, các môn đệ nói được nhiều ngôn ngữ khác lạ của người nghe, tức Hội Thánh phải biết nói ngôn ngữ của mọi thời, mọi nơi; nói cách khác Hội Thánh, tức chính chúng ta, phải rao giảng Tin Mừng mọi thời, mọi nơi. Có như vậy mới có thể đem bình an của Chúa đến cho mọi người, bởi nếu không có ai rao giảng thì làm sao tha nhân có thể nghe danh Chúa và tin vào Ngài được (x. Rm 10,14)?
4. Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là dịp tốt để mỗi chúng ta nhìn lại, như các tông đồ, môn đệ xưa đã lãnh nhận dồi dào ơn Chúa Thánh Thần, cũng thế qua bí tích Rửa Tội, nhất là qua bí tích Thêm Sức, Đức Kitô Phục Sinh đã đổ tràn Chúa Thánh Thần trên mỗi Kitô hữu, nhưng chúng ta đã cong tác và làm cho ơn này phát triển như thế nào. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy tự hỏi:
Tôi có được sự bình an trong tâm hồn, một niềm vui sâu xa trong tâm tình phó thác nơi Thiên Chúa dù có những nghịch cảnh trong cuộc sống hay không?
Tôi có là khí cụ bình an của Đức Kitô qua đời sống yêu thương, tha thứ đối với nhau hay không?
Tôi có cảm nhận được niềm vui khi giới thiệu Đức Kitô cho người khác bằng lời rao giảng và nhất là bằng đời song chứng nhân như: bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm… hay không (x. Gl 5,22-24)? Nếu chúng ta có được những điều đó, hãy cảm tạ Thiên Chúa, đó là dấu chỉ có sự hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi ta, một cuộc Hiện Xuống mới đang tái diễn; nhờ đó đem lại cho chúng ta sự bình an thật đời này và sự sống đời đời: “Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an” (Rm 8,6).
169. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
1. Thánh Thần là Ruah
Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống là dịp để chúng ta cùng nhau đào sâu và chia sẻ kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần. Nhưng thật là khó để nói về Thánh Thần. Chính sách Giáo lý của Giáo Hội Cong giáo nhận định rằng: “Nói về Chúa Thánh Thần là rất khó. Bởi vì Chúa Thánh Thần nói cho ta biết về Chúa Cha, dạy cho ta biết về Chúa Con, nhưng Người không nói gì về chính mình”.
Vì thế, trong bài suy niêm và chia sẻ này, tôi xin mạn phép tạm bỏ qua những gì mà thần học, triết học…nói về Chúa Thánh Thàn. Ở đây chỉ xin mượn một từ trong Kinh Thánh đã dùng, để chia sẻ một chút về Thánh Thần. Đó là từ Ruah (Hip). Chính từ ngữ này đã làm nên tên gọi của Chúa Thánh Thần. Ruah có nghĩa là: khí, gió, hơi thở.
Chúng ta sống mà không thể không thở. Thế mới cho thấy hơi thở là rất cần cho sự sớng con người. Có lẽ vì thế mà Kinh Thánh đã dùng hình ảnh hơi thở để diễn tả về Thánh Thần. Thánh thần là hơi thở của Thiên Chúa, là hơi thở làm cho ta được sống. Và sự sống đó không phải chỉ là sự sống của thân xác mà còn là sự sống thần linh nữa. Chính sự sống này làm cho ta có phẩm giá vượt lên trên các sinh vật khác.
Vì thế, chỉ khi nào ta cảm thấy cần đến sự sống ấy, lúc đó ta mới thấy cần Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, khi ta khao khát sống là ta khao khát Chúa Thánh Thần. Xuyên qua khát khao đó, ta sẽ cảm nhận được hoạt động và tác động của Thánh Thần, vốn là Đấng khơi nguồn và là Đấng ban sự sống đó, cách mãnh liệt.
2. Hít thở Thánh Thần.
Ngày hôm nay có rất nhiều phương pháp dưỡng sinh giúp ta được khoẻ mạnh. Trong số nhữgn phương pháp đó có 1 phương pháp rất đơn giản mà người ta thường nói tới đó là phương pháp hít thở 3 thì. Phưong pháp này khuyên chúng ta: chỉ cần 3-5 phút mỗi ngày, ta nên tìm một nơi thanh vắng, trong bầu không khí trong lành, vào lúc sáng sớm khi thức dậy hoặc khi đêm về, ta ngồi đó và thực hiện 3 động tác:
1. Nhẹ nhàng hít vào thật sâu
2. Ngưng
3. Từ từ thở ra.
Ta cần có những giây phút như thế để mình hít thở thật sâuThần Khí của Thiên Chúa. để Thần Khí của Thiên Chúa thấm vào lòng ta, thấm vào tâm hồn ta, thấm vào trái tim ta, thấm vào suy nghĩ của ta, càng sâu càng tốt. Những giây phút hít thở như thế, người công giáo gọi là những giây phút cầu nguyện. Rất hữu ích!
Thưa anh chị em và các bạn! Ngày xưa, sau khi Chúa sống lại, các tông đồ họp nhau lại và cùng với Mẹ Maria. tất cả cùng cầu nguyện. Chính trong gây phút cầu nguyện đó, Thánh Thần được ban xuống. Chúng ta cũng vậy, chính trong những phút giây tập trung cầu nguyện là ta hít thở Thần Khí của Chúa. Chính lúc đó hoa trái của Thầ Khí thiên Chúa sẽ trổ sinh trong ta. Hoa trái mà trong thơ gởi giáo đoàn Galát, Thánh Phaolô nói rằng: ” hoa trái của Thần Khí là: bác ái, vui mừng, bình an, nhẫn nhục, nhân hâu, từ tâm, trung tín, hiền hoà và tiết độ”.(Gl 5,22-23b)
3. Thay cho lời kết,
Xin mượn tâm tình của một lời kinh như một lời gởi gắm đến anh chị em và các bạn. Ước gì tâm tình ấy cũng phải là tâm tình của mỗi chúng ta. Lời kinh ấy thế này:
Lạy Chúa là Thần Khí Sự Sống và Tình Yêu!
Xin ban cho con một thời để yêu và một thời để sống.
để con sống vì tình yêu Thiên Chúa,
để con yêu vì cuộc sống muôn loài
Xin dạy con biết yêu những điều tốt đẹp cao quý
và biết ghét những điều đê tiện xấu xa.
Xin dạy con luôn sống vì những điều mình yêu,
và dám chết chống lại những điều mình ghét.
Xin cho con biết đưa tình yêu vào cuộc sống
để mỗi giây phút sống,
con đều cảm nhận được niềm hạnh phúc yêu thương.
Xin cho con biết đưa cuộc sống vào tình yêu,
để từng giây phút yêu
con đều làm cho cuộc sống thêm giá trị.
Cuối cùng,
Xin cho con biết hoà nhập cả hai nên một:
để sống là yêu và yêu là sống
vì hiểu được rằng:
Thiên Chúa Hằng Sống cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu. Amen.
170. Ơn làm nghĩa tử – Lm. Vũ Đình Tường
Hàng năm vài ba tháng trước Giáng Sinh và Phục Sinh, giới thương mại trưng bày hàng hoá, kêu gọi, cổ võ và đếm giật lùi từng ngày cho đến đại lễ. Mục đích nhắc nhở, thúc dục chi tiêu, mua bán để họ thu lợi. Tuy nhiên giới thương mại dường như không biết nhiều về Đại lễ Chúa Thánh Thần. Có lẽ một là không thu được mấy lợi lộc. Hai là không có ngày nghỉ kèm theo dịp lễ trọng này. Đối với Kitô hữu, lễ Chúa Thánh Thần ban muôn ân như lời Đức Kitô hướng dẫn các môn đệ.
Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em 14,26
Ngài là Đấng bào chữa, trợ giúp, bênh vực, chỉ đường.
Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người Gn 14,16
Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật 15,26
Nghĩa tử
Dường như hai đại lễ Giáng Sinh và Phục Sinh là những lễ lớn chung cho toàn thế giới vui mừng chào đón. Riêng đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống dành ưu tiên, trước tiên cho các Tông Đồ và cho các Kitô hữu, những người tin vào Đức Kitô qua lời rao giảng của các Kitô hữu khác. Đây là ơn Chúa ban riêng giúp ta trở nên nghĩa tử Đức Kitô.
Chúng ta nhớ lại lời loan báo của sứ thần Thiên Chúa trong đại lễ Giáng Sinh cho các mục đồng.
Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân. Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em. Lc 2,10
Trước khi tự hiến, nộp mình, vâng lời Chúa Cha, chết trên thập giá, Đức Kitô loan báo Người sẽ chết cho toàn dân được ơn cứu độ.
Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi Gn 12,32
Khi nói về Thánh Thần Đức Kitô dường như nói món quà quí trọng này dành riêng cho những ai thuộc về Ngài.
Những kẻ Cha đã ban họ cho con, con đã cho họ biết danh Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha Gn 17,6
Con cầu nguyện cho họ, con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. 17,10
Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần Gn 17,15
Kinh tiền tụng lễ Chúa Thánh Thần ca tụng Thiên Chúa đã ban Thánh Thần xuống trên con cái Chúa.
Để hoàn thành mầu nhiệm Vượt qua, hôm nay Cha rộng ban Chúa Thánh Thần cho những người đã được Cha nhận làm nghĩa tử, nhờ kết hợp với Con Một Cha.
Điều kiện cần thiết để nhận ơn Chúa Thánh Thần là nhận biết Đức Kitô Con Một Thiên Chúa. Kitô hữu nhận ơn Thánh Thần qua lời cầu xin của chính Đức Kitô. Nhờ lời Ngài cầu xin mà Chúa Cha ban Thánh Thần cho những ai tin vào Ngài, trở thành nghĩa tử. Chỉ những ai trở thành nghĩa tử mới được nhận ơn khôn ngoan của Thánh Thần Thiên Chúa. Nghĩa tử được Đức Kitô cầu cho trước mặt Chúa Cha. Nghĩa tử được kết hợp mật thiết với Ba Ngôi Thiên Chúa.
Biểu tượng
Đại lễ Chúa ThánhThần mừng kính 50 ngày sau khi Đức Kitô sống lại từ cõi chết và 10 ngày sau khi Đức Kitô về cùng Chúa Cha. Trong ngày lễ Chúa Thánh Thần. Hình lưỡi lửa xuống trên đầu các thánh tông đồ. Các ngài bắt đầu rao giảng, làm chứng về Đức Kitô. Hôm nay cũng được coi là ngày Giáo Hội chính thức khai sinh. Cuộc rao giảng về Đức Kitô bắt đầu, trước khi về trời Ngài chính thức trao sứ mạng rao giảng lại cho các môn đệ.
Qua giòng lịch sử Giáo Hội, Lễ Chúa Thánh Thần mang nhiều biểu tượng, nói lên ý nghĩa linh hoạt khác nhau của Thánh Thần Chúa.
Trước hết là hình lưỡi lửa được sách Công Vụ Tông Đồ ghi nhận. Màu đỏ còn tượng trưng cho màu máu các thánh tử đạo đổ ra làm chứng cho đức tin, do sức mạnh của Thánh Thần thôi thúc.
Màu Trắng hay còn gọi là Chúa Nhật thanh tẩy tượng trưng cho áo màu trắng các tân tòng mang trên mình trong ngày gia nhập Giáo Hội. Màu trắng tượng trưng cho ơn khôn ngoan do Thánh Thần ban, hướng dẫn giúp các tân tòng nhận biết Thiên Chúa.
Thánh Thần Đấng làm thay đổi bộ mặt trái đất, sưởi ấm tâm hồn nguội lạnh, làm sống lại những con tim chai đá và làm cho đời sống Giáo Hội sinh mầm, nảy lộc. Trong ý nghĩa đó cành lá xanh tươi mang dấu chỉ của sự sống mới, tốt lành. Lịch sử Giáo Hội có thời người Kitô hữu thường trang hoàng các cành, lá non, xanh trong thánh đường và tư gia nhắc hở nhau canh tân cuộc sống.
Cầu chúc Chúa Thánh Thần xuống tràn đầy tâm hồn các tín hữu.
171. Chung hình ảnh – Lm Vũ Đình Tường
Tương tự nhau không hẳn là giống nhau mà chỉ giống phần nào thôi. Cùng chung hình ảnh nói rõ điều muốn diễn tả. Hình ảnh gợi lên điểm giống nhau. Chúng ta hay nghe ví von hai người giống nhau như hai giọt nước. Ví von như thế diễn tả hình dáng bề ngoài nhiều hơn là nhấn mạnh đến phẩm chất bên trong của nước. Khi diễn tả con người được dựng nên theo hình ảnh Chúa dẫn chúng ta đến việc nhận biết chúng ta bề ngoài tuy nhìn khác nhau nhưng trong nội tâm cùng chung hình ảnh Thiên Chúa. Sách Sáng Thế Kí chương Sáng Tạo nói Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Người. Sau khi tạo dựng Thiên Chúa ban cho con người Thần Khí và con người có sự sống. Nhân loại được khai sinh trong trường hợp đó- mang hình ảnh của Thiên Chúa. Giáo Hội Chúa quy tụ những người tin vào Thiên Chúa vì thế Giáo Hội Chúa cũng mang hình ảnh Thiên Chúa. Hình ảnh này trở nên sống động trong ngày các tông đồ nhận lãnh Chúa Thánh Thần. Đây chính là ngày khai sinh của Giáo Hội.
Giáo Hội và Kitô hữu cùng mang hình ảnh Chúa, nhận chung một Thánh Thần nên có chung một nguồn gốc và chung một sứ mạng rao giảng. Vì thế rao giảng, mang Tin Mừng đến cho muôn dân là sứ mạng chung của Giáo Hội và là sứ mạng riêng của mỗi Kitô hữu. Chúng ta có chung sứ vụ rao giảng, cùng làm chứng cho Tin Mừng nhưng không phải tất cả các Kitô hữu đều tích cực trong việc rao giảng. Kitô hữu nào trung thành trong việc vác thập giá hàng ngày bước theo Đức Kitô mới thực sự là môn đệ trung tín của Đức Kitô. Trong ngày lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy chúng ta được ghi dấu ấn tín đức tin. Ấn chứng đức tin này giúp chúng ta trở thành người mang Đức Kitô trong mình, mang tình yêu Chúa đến cho tha nhân, cho thế giới.
Hãy cảm tạ Chúa vì Ngài đặt tin tưởng nơi ta, trao phó việc rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Rao giảng là sứ mạng của mọi Kitô hữu. Đây không phải là sứ mạng mới mà là sứ mạng chính Đức Kitô làm và chúng ta được mời gọi nối tiếp công việc Đức Kitô bắt đầu. Vì thế chúng ta không rao giảng một mình hay bơ vơ nhưng có Đức Kitô cùng đồng hành trong việc rao giảng. Ngoài ra Ngài còn ban cho Đấng bảo trợ là Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta trong việc rao giảng và làm chứng nhân cho Ngài.
Thiên Chúa yêu thương thế gian nên ban Con một Ngài là Đức Kitô cho chúng ta. Đức Kitô yêu thương chúng ta nên hy sinh trên thập giá ban ơn cứu độ và ban Thánh Thần Chúa. Thánh Thần Chúa yêu thương nên đến ở cùng chúng ta, để trở nên tim óc, hướng dẫn chúng ta trong việc rao giảng và làm chứng về Tin Mừng. Thánh Thần là tình yêu nhưng mắt thường không thể nhìn thấy tình yêu mà chỉ nhìn thấy kết quả hay sản phẩm của tình yêu. Sản phẩm tình yêu thường không mang tâm tình của người tạo dựng nên nó. Chúng ta không phải là sản phẩm của tình yêu bởi trong chúng ta có ấn tínThánh Thần Thiên, có sự liên hệ thân thương giữa ta và Đấng tạo dựng vì thế Kitô hữu trở thành dân riêng của Thiên Chúa vì vừa mang hình ảnh Chúa vừa là nơi Chúa ngự, đền thờ Thánh Thần Chúa.
Như thế hình ảnh sau cùng là gì? Bắt đầu bằng hình ảnh tạo dựng con người tiến đến hình ảnh cứu chuộc con người và hình ảnh cuối cùng chính là hình ảnh trở nên giống hình ảnh lúc tạo dựng con người nguyên thuỷ, trong sáng và tràn đầy hạnh phúc. Tội lỗi làm cho hình ảnh chúng ta ra lu mờ. Thánh Thần Chúa đến đánh bóng giúp chúng ta lấy lại hình ảnh trong sáng của ngày sáng tạo vì thế chúng ta là tạo vật mới sinh ra trong tình yêu của Thánh Thần.
172. Vô hình vô dạng – Lm Vũ Đình Tường
Nó vung tay chụp trước, chụp sau, phải trái xoè bàn tay ra vẫn không có gì. Có người thắc mắc hỏi bắt gì vậy. Nó đáp tỉnh bơ: Bắt gió. Vô hình vô dạng hay thiên hình vạn dạng chính là thực tế của gió. Gió hình thù ra sao không xác định được, không có câu trả lời. Nhìn hàng cây uốn cong rạp ta biết có gió to. Thấy bông hoa lay động ta biết gió thoảng. Nghe tiếng thổi ào ào qua tai ta biết gió lớn. Sóng biển dâng cao ta biết gió lộng. Thấy mát quanh người ta biết có gió. Tất cả những hình ảnh đó không phải là gió mà là ảnh hưởng của gió. Không nhìn thấy, không sờ mó được, không hoạ được nhưng không thể chối cãi gió không có thật. Gió có thật và rất cần cho đời sống, ở bên ta, quanh ta, cảm được nhưng không sờ bắt được.
Lửa Cháy
Nó vẽ ngọn lửa nhưng lửa cháy bập bùng, liên tục hình này nhô lên ngọn kia phụp xuống. Cố vẽ trên hình vẽ thành một biển lửa, vẫn chưa xong còn nhiều hình mới để vẽ. Các hoạ sĩ diễn tả tượng trưng một lưỡi lửa cháy bập bùng thoáng nhìn qua biết là hình của lửa. Nhận biết vì được học như thế, thực tế lửa không mang hình nhất định. Cứ quan sát ngọn đèn cháy trước gió chúng ta thấy hình lửa cháy thay đổi liên tục từng chớp mắt. Mỗi một giây, một tích tắc lửa thay hình đổi dạng nhiều lần. Không lần nào giống lần nào như thế thì hình lưỡi lửa cháy bập bùng chỉ là hình tượng trưng được mọi người công nhận hình của lửa. Thực tế hình lửa cháy thay đổi liên tục, không ngớt cho đến khi tàn mới thôi. Lửa còn có một thực tế vô hình khác đó là khói. Khói thay đổi liên tục, cứ lan ra mãi, lan mãi cho đến khi chìm vào thinh không. Hình ảnh khói bay cũng vậy càng lan rộng càng thay đổi hình và không thể vẽ cho hết được. Có lẽ ngay cả khí nóng do lửa phát ra cũng liên tục thay đổi.
Mây
Nằm ngoài sân ngó lên trời xanh thẳm thấy đám mây hình con gấu, chớp mắt vài lần thấy hình con gấu biến mất. Thay hình đổi dạng liên tục là thực thể của mây. Mây không cánh mây vẫn bay. Mây trời dầy đặc nhưng cũng nhẹ nhàng treo gềnh núi. Mây dầy đặc lại dễ tan. Mỗi đám mây có mầu riêng. Mây thuộc dạng vô hình hay muôn hình vạn sắc.
Thần Khí
Gió, lửa và mây là ba hình ảnh tượng trưng cho ngày lễ chúng ta long trọng mừng kính trong ngày Chúa Nhật Chúa Thánh Thần. Ba hình đó là hình lưỡi lửa, gió thổi và cột mây.
Cả ba thực thể đều gần con người.
Cả ba thực thể đều vô hình hay muôn hình.
Cả ba thực thể đều cần thiết.
Cả ba thực thể đều không thể sờ mó, cầm bắt được.
Cả ba thực thể đều có thể cảm nghiệm.
Tinh thần mới
Sống tinh thần mới chính là cảm nhận Lời Chúa Jesu. Sau ngày Chúa về trời Kitô hữu không nhìn thấy Chúa, không nghe tiếng Chúa nhưng cảm nghiệm bằng mắt đức tin, lòng tin. Cảm thấy Chúa hiện diện, đồng hành, cùng sống, cùng hoạt động trong các sinh hoạt thường nhật. Sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần chính là những cảm nghiệm ấm áp, gần gũi đó. Cảm nghiệm đến từ trong, từ trong nội tâm và hành động vì lòng mến. Sống và thực hành Lời Chúa trong tâm tình mới, tâm tình yêu thương, phó thác.
Biết Thánh Thần qua Chúa Giêsu
Trước khi về trời Chúa Jêsu hứa ban Thánh Thần. Thánh Thần Chúa đến không mang điều mới mẻ nhưng làm mới lại những điều Chính Chúa Kitô đã giảng dậy, làm sống lại những điều Chúa Kitô đã rao giảng. Giúp các Kitô hữu thấu hiểu sự thật được Chúa giảng dậy, giúp các Kitô hữu nhớ lại điều Chúa đã dậy và sống Phúc Âm theo tinh thần mới trong hoàn cảnh mới.
Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy cho anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em’ (Gn 14,26)
Nếu anh em yêu mến Thầy anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy và Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí Sự Thật. (Gn 14,15)
Thần Khí sự thật sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn, Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến (Gn 16,13)
Thánh Thần
Trong các thực thể kể trên, gió, lửa và mây chúng ta đi vào chi tiết một thực thể là để nhận biết công việc của Thánh Thần.
Lửa, khói và nhiệt đều được liệt kê vào thực thể vô hình vô dạng hay thiên hình vạn dạng. Lửa biến ải khôn lường, sức nóng phát ra khủng khiếp, khói toả lan mọi góc kẽ và ánh sáng lửa đánh tan mọi tối tăm. Hình ảnh Thánh Thần Chúa hứa ban có sức mạnh hơn biển lửa. Sưởi ấm và ban sức mạnh cho mọi tâm hồn, liên kết mọi dân tộc, hiệp nhất người thiện tâm. Ban sức mạnh, sai rao giảng Tin Mừng, giúp thấu hiểu các mầu nhiệm, hướng dẫn đến chân lí, ban sự sống. Bài ca tiếp liên ghi Thánh Thần đổi mới mặt đất, cha kẻ cơ hàn, đấng an ủi tuyệt diệu, thượng khách của tâm hồn, là gió mát, là hào quang, rửa sạch mọi vết nhơ, tưới gội nơi khô cạn, chữa lành mọi vết thương, uốn thẳng lòng cứng cỏi, sưởi ấm chốn lạnh lùng, sửa sang cho ngay thẳng, ban niềm vui muôn thuở trong giờ phút lâm chung.
173. Việc làm – Lm. Vũ Đình Tường
Nói đến Thánh Thần mà không nói đến việc làm; đến công việc của Thánh Thần là một thiếu sót. Công việc chính của Thánh Thần là sáng tạo và đổi mới tâm hồn các tín hữu. Đổi mới và sáng tạo phát xuất từ tâm hồn lan ra bên ngoài như thế toàn thể con người trở thành tạo vật mới trong Đức Kitô Phục Sinh. Họ trở nên con cái sự sống lại, con cái sự sáng, con cái Đức Kitô Phục Sinh nên thừa hưởng sự sống đời đời của Đức Kitô.
Thánh Thần Thiên Chúa không đến để làm thay, làm dùm mà là hướng dẫn, khuyến khích, tác động tâm hồn các tín hữu để họ trở nên tạo vât mới. Hướng dẫn không phải theo ý riêng, muốn sao được vậy, mà là hướng dẫn theo khuôn mẫu Đức Kitô đã vạch ra trong cuộc đời rao giảng của Ngài nơi trần thế. Nói cách khác Lời Chúa là đèn soi giúp con người đổi mới. Thánh Thần Thiên Chúa giúp sưởi ấm tâm hồn, làm chất xúc tác thúc đẩy con người đó manh dạn tiến đến đổi mới bằng cách sống thể hiện Lời Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Công việc của Thánh Thần là giúp Kitô hữu trở thành con người mới, không phải chỉ một lần mà đổi mới mỗi ngày trong suốt cuộc đời của họ nơi trần thế. Ngày nào thiếu đổi mới là ngày đó còn thiếu sót. Một ngày thiếu sống Lời Chúa ngày đó việc đổi mới bị đình chỉ, một khi không đổi mới có nghĩa là con người cũ lại tái xuất hiện. Đời sống nội tam của Kitô hữu không phát triển đều hoà vì tình trạng nay sống Lời Chúa mai không. Hôm nay Lời Chúa sưởi ấm tâm hồn, ngày mai để nguội lạnh nên đời sống nội tâm lúc nóng, lúc lạnh, lúc tiến, lúc thoái tạo nên tình trang dậm chân tại chỗ, không tiến cũng chẳng lui đó chính kinh nghiệm nhiều người vấp phải. Việc đổi mới cần làm liên tục, nhẹ nhàng, kiên tâm bền chí mới có kết quả xác thực. Việc đổi mới cần thể hiện mỗi ngày trong cuộc sống và kéo dài trọn đời người bởi Lời Chúa là đèn soi, từ bỏ đèn sẽ bước đi trong đêm tối, trong tối tăm và sẽ bị vấp ngã. Từ bỏ con người cũ để trở thành con người mới. Từ bỏ nếp sống cũ để trở thành con cai Thiên Chúa là điều dễ dàng, dễ thực hiện, nhưng kiên tâm trong việc từ bỏ, trung thành trong việc đổi mới hàng ngày là điều nhiều Kitô hữu không thực hành được vì Lời Chúa chưa thực sự bám rễ sâu trong tâm hồn. Một tâm hồn trưởng thành là tâm hồn thấy thiếu thốn, bất an nếu ngày đó thiếu được đón nhận lời Chúa. Lời Chúa được dùng làm thực phẩm tâm linh hàng ngày. Một ngày nhịn là một ngày đói.
Là con cái Thiên Chúa chúng ta sống trong tình yêu Chúa. Tình yêu Chúa biến chúng ta thành anh chị em trong đại gia đình Giáo Hội Chúa nơi trần gian. Chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha nhờ tác động của Thánh Thần hướng dẫn. Vì là con nên đồng hưởng chiến thắng vinh quang của Đức Kitô, Đấng sống lại từ cõi chết. Là con Thiên Chúa chúng ta tự hào là không cám dỗ nào mà không thắng được vì chúng ta không chiến thắng đơn độc nhưng nhờ sức mạnh Phục Sinh chúng ta chiến thắng được tất cả các sự dữ, các cám dỗ, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Thánh Thần giúp chúng ta kết hợp với sức mạnh Lời Chúa. Thánh Thần hướng dẫn chúng ta đi trên con đường lành thánh. Thánh Thần ban sức manh Lời Chúa cho chúng ta khi chúng ta kêu cầu tới Ngài. Tất cả những điều trên thực hiện được nhờ vào cuộc tử nạn và sống lại của Đức Kitô. Sức mạnh Phục Sinh chiến thắng tất cả mọi khó khăn, thử thách nơi trần gian kể cả sự chết cũng bất lực trước sức mạnh Phục Sinh.
174. Suy niệm của Anmai, CSsR
Nhạc sĩ Phanxicô gởi gắm tâm tình của mình trong bài hát cầu xin Chúa Thánh Thần thật dễ thương: “Hãy chiếu soi lửa hồng vào đêm tối sâu thẳm hồn con, lửa tình yêu, lửa huyền siêu, Ngôi Ba Thiên Chúa ban nhiều thánh ân…”
Linh mục nhạc sĩ Thành Tâm bộc lộ: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, canh tân đổi mới đời sống chúng con, tăng sức linh hồn, bồi thêm lửa mến soi sáng trí khôn, hiệp nhất muôn lòng …”
Không chỉ có thế, linh mục Thành Tâm thêm: “Thánh Thần! khấn xin ngự đến. Hồn con đang mong chờ Ngài, sưởi lòng những ai lạnh giá, gặp phong ba, không còn tin yêu. Ngài ơi, xin Ngài trông đến, đốt cháy lửa thiêng vô biên, mến thương. Ngài ơi, xin Ngài hãy đến, đến ban bình an.
Lạy Ngài xin đến, dẫn dắt chúng con trên đường. Cầu Ngài liên kết chúng con nhất tâm trong Ngài. Cầu Ngài ban ơn, thêm sức kiên vững không lay. Sống sao nên người con Chúa chứng nhân tình yêu…”
Nhiều và nhiều bài hát nữa viết về Chúa Thánh Thần, nhưng tất cả chỉ có một điểm chung duy nhất đó là xin Chúa ban cho con người, xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta tình yêu của Chúa.
Tình yêu là cái gì đó thật trừu tượng, thật huyền nhiệm, thật lung linh, thật dễ thương. Nói về tình yêu thật là khó! Không biết bao nhiêu nhạc sĩ, không biết bao nhiêu thi sĩ, khong boết bao nhiêu giấy mực viết về tình nhưng hình như chưa bao giờ làm thoả mãn lòng người. Không có gì có thể diễn đạt được tình yêu! Tình yêu là cái chi chi thật khó hiểu, chỉ có ai yêu mới có thể biết tình yêu là gì.
Tưởng nhớ đến một chuyện tình đẹp để rồi hằng năm người ta nhớ đến ngày gọi là Ngày Lễ Tình Nhân. Cả thế giới kỷ niệm ngày 14 – 02 để ca tụng, tôn vinh tình yêu nam nữ, tình yêu đôi lứa thì Hội Thánh Công Giáo cũng co cái ngày Tình Yêu. Love’s day – ngày tình yêu – vì hôm nay Giáo hội tha thiết van nài, mời Thánh Thần Tình Yêu đến trên mình. Tình yêu mà người ta mừng ngày Valentine chỉ dành riêng cho tình yêu nam nữ. Ngày Tình Yêu hôm nay chúng ta mừng tất cả mọi người không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, tuổi tác, địa vị xã hội, chủng tộc, màu da. Vì lẽ, đã là con người thì cần lắm một tình yêu. Nếu không có tình yêu thì thật là chán, nếu không có tình yeu thì cuộc sống thật nhạt nghẽo và vô vị.
Cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu, thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá Đời”.
Thân phận con người hữu hạn và quả thật là quá vắn vỏi còn tình yêu thì vô cùng. Tình yêu thì cứ trải rộng ra vô biên vô tận với trời, với đất và với người. Như cố nhạc sĩ nói đấy, là người, chúng ta phải bằng mọi cách để nuôi dưỡng tình yêu trong lòng ta. Cuộc đời mà không có tình yêu chắc ngột ngạt và chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Thử nghĩ xem thế giới này mà không con tình yêu thì không còn lý do gì để tồn tại.
Hôm nay, cử hành lễ tình yêu – Love’s day thật là tuyệt vời. Ngày Chúa Giêsu về Trời cũng chính là ngày Ngài ban Thánh Thần Tình Yêu xuống cho chúng ta. Thế nhưng đứng trước Tình Yêu bao la của Thiên Chúa thái độ con người như thế nào?
Điều mâu thuẩn, điều nghịch lý của cuộc đời, của con người đó là ai ai cũng cần tình yêu, ai ai cũng mong cho mình có tình yêu nhưng thực tế nhìn vào đời sống chúng ta thấy làm sao? Tình yêu ngày hôm nay nó làm sao đấy! Nó không còn thật nữa, nó đã bị vẩn đục bởi những thứ tình yêu thực dụng, tình yêu ích kỷ, tình yêu chỉ nghĩ đến bản thân mình. Để rồi từ đó chúng ta thấy con ngươi ngày hôm nay dẫu rằng đời sống tiện nghi, đời sống vật chất có đi lên đấy nhưng mà tình yêu hình như tỷ lệ nghịch với vật chất thì phải. Vật chất càng đi lên thì tình yêu càng đi xuống.
Ngày nay người ta ở trong những căn nhà thật rộng, thật sang trọng, thật tiện nghi nhưng lòng của họ thì khép lại.
Ngày nay phương tiện đi lại dễ hơn trước nhưng rồi người ta lại ít đến thăm viếng, chia ngọt sẻ bùi với nhau hơn.
Ngày nay vật chất nhiều hơn nhưng rồi người ta lại ích kỷ nhiều hơn, cứ khư khư giữ lấy cho bản thân mình chứ không hề biết chia sẻ.
Qua những phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thấy đau lòng làm sao đấy khi mà người con gái được người mẹ già ở Cần Thơ cho về ở chung nhà khi cô làm ăn thất bại. Sau đó cô gom góp tiền sửa nhà cho mẹ. Mẹ tưởng mừng lắm vì con mình có hiếu nhưng nào ngờ sau khi căn nhà hoàn tất việc sửa chữa thì cũng là lúc mà cô đã đẩy người me ruột của mình ra khỏi căn nhà của bà. Chẳng còn cách nào hơn là ra tòa. Được hay mất nhà không cần biết nhưng tình thương, tấm lòng mẫu tử hình như cũng chẳng còn.
Mới đây, trên con đường Thủ Khoa Huân quận 1 thành phố Hồ Chí Minh, người ta vẫn thường nói với nhau là con đường có lá me bay bay vào mỗi buổi chiều đã phải chứng kiến sự tan vỡ của một gia đình. Người anh bên Mỹ về, nhờ người em đứng tên mua căn nhà để người anh kinh doanh. Thế nhưng sau một thời gian người anh đi Mỹ về rồi thì người em đã tráo trở không cho anh vào nhà và rồi lại phải ra tòa. Người anh đã đưa ra chứng cứ về thu nhập của mình bên Mỹ để chứng minh anh bỏ tiền ra mua căn nhà ay và người anh dẫn thêm một người anh về làm chứng. Đau đớn thay trước tòa người em ở Việt Nam đã nói với Tòa rằng người anh dẫn về làm chứng ấy đã chết! Vụ việc vẫn còn giằng co chưa đến hồi kết. Cũng thế! Nếu kết rồi thì tình anh em, tình máu mủ cũng chẳng còn.
Thế nhưng, nói gì thì nói, thế giới và con người có muôn màu muôn vẻ của nó. Thế gian này không phải toàn là người chưa tốt, vẫn còn đâu đó những con người chỉ sống vì tình yêu và thậm chí dám chết cho tình yêu.
Cũng chẳng phải là để xông hương, cũng chẳng có huân chương để mà gắn vì mình chẳng là cái gì trên cái cõi đời này nhưng sự thật ta phải nhìn sự thật. Sự thật là đâu đó giữa những mảng đen thiếu vắng tình yêu trong cuộc đời này thì vẫn còn đó những ánh sáng lấp lánh dáng dấp của một tình yêu chân thật, một tình yêu vô vị lợi.
Ai đã từng đi xa lộ thì đều kinh hoàng với tệ nạn đinh tặc.
Có gia đình bà Nguyễn Thị Chí ở khu phố 3, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, gia đình ấy có bảy mẹ con kể cả 3 người con dâu, chẳng ai bảo ai đã đi chế cái máy thu đinh của bọn đinh tặc rải. Họ cứ lặng lẽ đi thu đinh ở quốc lộ 1A, 52, 22… Công việc của họ dưới cái nhãn giới bình thường thì chẳng là cái gì cả nhưng nhìn vào chiều sâu, nhìn bên dưới cái hành động đấy quả là một hành động phi thường. Một hành động mà trong đó chất chứa quá lớn cái tình người, cái tình yêu đồng loại. Vì lẽ họ biết rằng nếu họ không dọn đinh thì những người khách đi ngang qua đó chẳng may cán vào thì tai nạn sẽ kinh khủng như thế nào và hậu quả khó mà lường được.
Gia đình đi nhặt đinh này không có đạo, không biết Chúa Thánh Thần là ai nhưng Chúa Thánh Thần biết họ. Chúa Thánh Thần đã đến và Ngài ở lại trong họ, Ngài đốt lên trong lòng họ một ngọn lửa, thắp lên trong họ một tình yêu khiến họ quên mình để giúp anh chị em đồng loại.
Ai đã từng đến các trung tâm nuôi dưỡng người bị phong, khuyết tật, nạn nhân của tệ nạn xã hội thì đều nhận ra một tấm lòng, một tình yêu chân thật của những người phụ trách, của những người nuôi dưỡng.
Xin vị phụ trách Trung Tâm Sida giai đoạn cuối Mai Hòa niệm tình tha thứ khi mà nhắc đến Dì. Phải nói rằng với cái nhiệm vụ cơm ăn ngày ba bữa, thuốc sida uống 2 cử 8 giờ sáng – 8 giờ tối là đã quá tốt cho những bệnh nhân vô gia cư! Đàng này, mọi lúc, mọi cách có thể được Dì phụ trách đã cho bệnh nhân, cách riêng các em thiếu nhi ở Trung Tâm được hưởng những điều gì tuyệt vời nhất.
Cách đây 2 tuần, Dì dẫn tất cả các em gần 20 chục lớn bé làm một chuyến hành hương Đức Mẹ La Vang. Nghe tin ấy, tôi không tin vào tai mình vì lẽ thường ngày Dì đã quá bận bịu với công việc của Trung Tâm, ấy vậy mà người nữ tử bác ái Thánh Vinh Sơn Phaolô đã vượt qua những hạn chế của con người, của sức khỏe hầu mong làm điều gì đó cho những em bất hạnh. Giữa những tất bật lo toan của cuộc sống nhưng cảm nhận được sự Bình An, Tình Yêu Thiên Chúa, sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần nên vị nữ tu đấy đã chung chia, phân phát những gì mà vị nữ tu nhận được cho những người bất hạnh, kém may mắn.
Thế đấy! vẫn còn đó sự giằng co giữa tình yêu và lòng ích kỷ, độc ác của con người.
Trước khi về trời, Chúa lo lắng cho các môn đệ, Chúa lo lắng cho mỗi người chúng ta như trong trang Tin mừng theo Thánh Gioan công bố. Tin mừng hôm nay thuật lại Chúa làm hai chuyện: trước hết Chúa Ban Bình An và sau đó ban Thần Khí.
Bình an cũng quan trọng, Thần Khí cũng quan trọng.
Vì sao phải ban bình an? Vì lẽ con người ta cư xử với nhau thiếu tình yêu. Thiếu tình yêu thì ắt sẽ gây ra bất an. Ta cứ thử nghiệm chính đời của ta ta sẽ thấy. Nếu như ta có tình yêu chân thật với Thiên Chúa, với anh chị em đồng loại thì ta sẽ có một sự bình an thật trong lòng của mình. Khi lòng ta cạn đi ngọn lửa tình yêu thì khi đấy tự nhiên sự bất an sẽ đến.
Bình an của Chúa ban không giống như bình an của thế gian. Bình an là bình an của Chúa, bình an trong tâm hồn chứ không phải bình an khi có dư thừa của cải vật chất. Cũng chính trải nghiệm của từng người, có nhiều của cải vật chất chưa hẳn là có bình an. Nhưng nếu có Chua thật, có Chúa là gia nghiệp đời mình thì mình sẽ cảm thấy bình an.
Thiếu tình yêu: cần bình an.
Thiếu tình yêu: cần Thần Khí Chúa đến để ban tình yêu.
Cử hành lễ tình yêu hôm nay nhắc nhớ chúng ta rằng không phải giờ này Chúa mới ban Bình an, Chúa mới ban Thánh Thần, Chúa mới ban tình yêu. Nhưng những điều ấy Chúa đã ban từ lâu, cho Hội Thánh Tiên Khởi từ ngày Ngài về Trời.
Như các tông đồ ngày xưa cũng thế! Khi chưa có bình an của Chúa, khi chưa có Thần Khí của Chúa thì họ chia rẽ, hơn thua, tranh giành nhưng khi Thần Khí xuống trên họ thì cuộc đời của họ hoàn toàn thay đổi. Họ đồng tâm nhất trí, họ hiệp nhất với nhau để cùng nhau tham dự lễ Bẻ Bánh và chia sẻ Tình Yêu mà họ nhận được cho người khác.
Các môn đệ và cộng đoàn Hội Thánh Tiên Khởi đã mở lòng ra để đón nhận Bình An, đón nhận Thánh Thần, đón nhận tình yêu và họ đã mạnh dạn ra đi làm chứng cho Chúa như sách Công vụ Tông đồ chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ nhất. Có Thần Khí, họ lên đường, họ hăng say chia sẻ tình yêu, loan báo tình yêu mà họ vừa đón nhận cho anh chị em đồng loại.
Hôm nay, chúng ta có dịp dừng chân lại, nhìn lại chính bản thân của mỗi người chúng ta, chúng ta mở lòng hay khép lòng lại với Thần Khí của Chúa. Lúc nào Ngài cũng đến cạnh bên lòng của mỗi người chúng ta cho dù chúng ta có bất xứng, có tội lỗi, có hèn yếu đi chăng nữa nhưng còn lại, phần chúng ta, chúng ta như thế nào với Chúa?
Nguyện xin Chúa Thánh Thần là Đấng đã đến và ở lại với các tông đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Ngài cũng đến và ở lại với mỗi người chúng ta. Nguyện xin Chúa mở toang cửa tâm hồn chúng ta ra để chúng ta đón Chúa vào trong tâm hồn của mình để sau khi có Chúa Thánh Thần, có Tình Yêu, có Bình An của Chúa thì cách hành xử, lời ăn tiếng nói của chúng ta sẽ khác. Khi có Thánh Thần thì trong lòng mỗi người chúng ta bỗng nhiên sẽ phát sinh ra bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.
175. Mở lòng đón nhận Ơn Thần Khí – Anmai, CSsR
Nhiều lần nhiều lúc trong cuộc sống, chúng ta đã quên đi sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Đôi khi ta có cảm giác như Ngài không còn hiện diện nữa thì phải. Nếu như chúng ta đánh mất đi sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời, quả thật đó là điều đáng tiếc trong cuộc đời của mỗi người chúng ta
Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta mừng kính Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Chúa Giêsu, sau khi Ngài lên Trời, trở về cùng Cha là Đấng đã sai Ngài xuống trong trần gian này Ngài đã không để chúng ta mồ côi. Bằng chứng cụ thể trong Tin mừng theo Thánh Gioan mà chúng ta vừa được nghe đấy, Chúa Giêsu đã hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ. Phải nói rằng Chúa Giêsu quá tinh tế, quá lo lắng cho con cái của mình. Chúa Giêsu hiểu con cái của mình, may mà có Thầy ở bên mà nhiều khi con yếu tin huống chi là khi Chúa ra đi. Biết các môn đệ sẽ bị hụt hẫng, sẽ bơ vơ và nhất là quên các lời của mình dạy nên Chúa đã lo lắng hết sức mình là xin cùng Cha để Ngài gửi Thánh Thần xuống.
Thật sự, không phai Thánh Thần chỉ mới xuất hiện sau khi Chúa Giêsu về Trời nhưng Chúa Thánh Thần đã xuất hiện từ ngày tạo thiên lập địa.
Chúa Thánh Thần trong Cựu Ước:
. Thánh Thần tích cực lôi kéo vũ trụ ra khỏi tình trạng hỗn mang lúc ban đầu. “Đất trời trông không mông quạnh, và tối tăm trên mặt uông mang, và Thần Khí là là trên mặt nước” (St 1, 2).
. Thánh Thần trong mầu nhiệm tạo dựng con người. Thánh Thần là Đấng ban sự sống thể lý cho con người: “Chính hơi thở của Thiên Chúa đã làm ra tôi, khí Shadday đã cho tôi sự sống” (G 33, 4).
. Thánh Thần phục sinh kẻ chết về thể lý cũng như tinh thần. Người phục hồi sự sống cho những bộ xương khô, biểu tượng của sự chết: “Ta sẽ ban Thần Khí của Ta xuống trong các ngươi. Và các ngươi sẽ được sống” (Ed 37, l4).
. Thánh Thần, Đấng bảo tồn toàn thể sự sống trên trái đất. Khi Giavê Thiên Chúa rút hơi thở Người lại, thì không tạo vật nào còn sống: “Nếu Người chỉ nghĩ đến Người, nếu Người rút về làn khí hơi thở của Người, thì mọi xác phàm sẽ chết cùng một lúc, và con người sẽ trở về với cát bụi” (G 34, 14-15)
Chúa Thánh Thần trong các Tin mừng:
Thánh Thần và bien cố Nhập Thể của Chúa Giêsu
Có hai điều nổi bật trong các bài tường thuật biến cố Nhập Thể của Đức Kitô:
– Các Tin Mừng Nhất Lãm, đặc biệt là Matthêu và Luca khẳng định Đức Maria là một Trinh Nữ, khi thiên thần truyền tin. Matthêu ứng dụng cho Maria sấm ngôn của Is 7, 14 (bản LXX) về một mgười nữ sẽ sinh con được đặt tên là Emmanuel.
– Cả Matthêu lẫn Luca đều nhấn mạnh tác động siêu nhiên của Thánh Thần trong lúc Đức Maria chịu thai Đức Giêsu:
“Xảy ra là Bà dã có thai do tự Thánh Thần” (Mt 1, 18. 21).
“Thánh Thần sẽ đến trên người và quyền năng Đấng Tối Cao trên người rợp bóng” (Lc 1, 35).
Luca: Tác động của Thánh Thần rộng rãi hơn.
Các tác động của Thanh Thần nơi Đức Kitô
Đức Kitô được xức dầu Thánh Thần khi chịu phép rửa.
Cả bốn Phúc Âm đều nói tới sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa và đều mô tả sự kiện ấy như một biến cố đặc biệt mở đầu thời gian rao giảng của Đức Kitô (Mt 3, 1)
Biến cố Đức Giêsu chịu phép rứa có giá trị mạc khải sứ vụ và chân tính của Ngài. Trong biến cố ấy, Thánh Thần đáp xuống và lưu lại nơi Đức Giêsu, Người làm chứng cho sứ vụ cứu thế của Đức Giêsu là sứ vụ thanh tẩy trong Thánh Thần. Thánh Thần không thể đến trên Đức Giêsu cách nhất thời nhưng lưu lại trong Ngài, và vì thế tất cả sứ vụ của Ngài đếu thể hiện trong quyền năng của Thánh Thần.
Thánh Thần và việc Đức Giêsu chịu cám dỗ.
Các Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật sự kiện Đức Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ, và khẳng định Ngài được Thánh Thần đưa vào sa mạc để chịu thử thách (Lc 4, 1)
Satan tìm cách lung lạc tinh thần Đức Giêsu, mong Ngài thay đổi quan điểm về sứ vụ. Nhưng Đức Giêsu vẫn giữ vững tinh thần và lập trường, vì Ngài được đầy Thần Khí (trong biến cố phép rửa).
Thánh Thần và dấu lạ Đức Kitô thực hiện.
Tin mừng Luca ứng dụng sấm ngôn Messia của Is 61, 1-2 cho sứ vụ của Đức Giêsu (4,18-22). Tất cả các việc làm, đặc biệt là những phép lạ, đều là dấu chỉ sứ mạng Thiên Sai của Ngài.
Nhờ Thần Khí mà Ngài làm những điềm thiêng dấu lạ: chữa bệnh tật, xua trừ ma quỷ, cho kẻ chết sống lại (x. Mt 11, 5)
Và đó là bằng chứng Nước Thiên Chúa đang đến (Mt 12, 28; Lc 11, 20…).
Thánh Thần và cái chết của Đức Giêsu Kitô.
Cuộc chiến khốc liệt nhất mà Đức Giêsu phải đương đầu chống lại Satan, đầu mục của thế gian, là cuộc Khổ Nạn và cái chết bi thảm của Ngài. Danh tánh của Thánh Thần không được minh nhiên đề cập đến trong các bài tường thuật cuộc Khổ Nạn, nhưng hoạt động của Thánh Thần vẫn tiềm tàng và mạnh mẽ nơi Đức Giêsu, trong những giờ phút cam go nhất như trong vườn Cây Dầu và trên thập giá. Chính nhờ Thánh Thần và trong Thánh Thần mà Đức Kitô hiến thân làm của lễ hy sinh vô tì tích dâng lên Thiên Chúa, như Chien Con “hiến tế” để xoá tội trần gian (Dt 9, 14).
Thánh Thần và sự phục sinh của Đức Kitô.
Rất nhiều đoạn trong các thư khẳng định Đức Kitô sống lại từ trong cõi chết nhờ tác động của Thánh Thần. Phục sinh là chứng từ vưng chắc nhất về sứ vụ và chân tính của Đức Giêsu Kitô. Thánh Thần, vì thông phần vào sự phục sinh thân xác Đức Giêsu, cũng là tác giả của chứng từ Phục Sinh.
Phaolô minh nhiên gán sự phục sinh Đức Giêsu Kitô cho tác động của Thánh Thần: “…được đặt làm Con Thiên Chúa quyền năng, theo Thánh Khí, do tự phục sinh từ cõi chết, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Rm 1, 4).
Thư Phêrô cũng rõ ràng không kém: “Người đã bị giết chết về xác thịt, nhưng đã được tác sinh về Thần Khí” (1Pr 3, 18). Tóm lại, cả cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu đều diễn tiến trong Thánh Thần; Thánh Thần làm chứng về Ngài và loan báo mầu nhiệm của Ngài.
Nhìn lại lịch sử của Giáo hội, chúng ta thấy tác động, ảnh hưởng của Thánh Thần trên Giáo hội sơ khai là gì.
Khi Chúa Giêsu chịu chết, các ông nhát đảm và đã tỏa đi muôn phương vì mất định hướng, mất đi Lẽ Sống của mình. Khi Chúa Giêsu sống lại, lòng cua các ông cũng tin đó nhưng cũng chưa vững lắm. Chỉ khi Chúa Thánh Thần đến và ngụ trên các ông, lòng tin của các ông khác hẳn.
Qua sách Công vụ tông đồ chúng ta thấy đó, đến ngày lễ Ngũ Tuần, khi mọi người đang tề tưu cầu nguyện như mọi lần thì Thánh Thần đến và tuôn đổ muôn ơn trên các ông và rồi họ nói các thứ tiếng tùy theo khả năng mà Thánh Thần ban cho.
Thế đấy! Từ khai sơ của Giáo Hội, Thánh Thần đến và ban cho mỗi người một ơn riêng tùy khả năng của mình.
Ngày nay cũng vậy, Chúa Thánh Thần đã đến và ban cho mỗi kitô chúng ta qua sự đặt tay và cầu nguyện của linh mục chủ sự trong bí tích Thanh Tẩy, qua sự đặt tay và cầu nguyện nhất là xức dầu Thánh từ tay Giám mục trong bí tích Thêm Sức. Chúa Thánh Thần đã xuống muôn ơn lành trên mỗi người chúng ta nhưng chúng ta đã không nhận ra và có thể chúng ta đã nhận ra nhưng chúng ta chôn vùi, chúng ta dập tắt ơn cua Thần Khí đang hoạt động trong ta.
Nếu chúng ta mở lòng ra để đón nhận Thần Khí của Chúa, tức khắc hoa quả của Thần Khí sẽ đến và ở lại trong tâm hồn, trong cuộc đời của ta ngay. Nhìn vào một người, ta có thể nhận ra là người ấy có hoa quả của Thần Khí không? nếu có, chúng ta sẽ nhận ra nơi người ấy sống theo Thần Khí. Hoa quả của Thần Khí trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galat chúng ta vừa nghe rất rõ ràng. Hoa quả ấy là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Và ngược lại, nếu không có Thần Khí thì người ấy sẽ hướng về những ước muốn của xác thịt. Nếu hướng theo xác thịt thì sẽ gây ra những tính xác thịt là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thồ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén và những điều khác giống như vậy.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần, nguồn mạch của tình yêu, nguồn mạch của bình an, hoan lạc, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâp, trung tín, hiền hòa, tiết độ đến và ở lại trong tâm hồn mỗi người chúng ta để sau khi cùng nhau cử hành Thánh Lễ Hiện Xuống này, mỗi người chúng ta sẽ được biến đổi để khi chúng ta trở về với môi trường sống của chúng ta, hoa quả của Thần Khí sẽ tỏa lan trên mọi người chúng ta gặp gỡ, tiếp xúc.
176. Cuộc đổi mới kỳ diệu – Jos. Hồng Ân
Chúa Giêsu về trời thực hiện lời Ngài đã hứa ban Chúa Thánh Thần (Ga 14, 16) để củng cố niềm tin của các môn đệ và tăng cường sức mạnh giúp các ông can đảm, mạnh dạn tuyên xưng đức tin và đi ra rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.
Chúa Thánh Thần hiện xuống tuôn đổ muôn ơn của Ngài trên các môn đệ. Chúa Thánh Thần nhắc lại và giúp các môn đệ hiểu rõ hơn những điều Chúa Giêsu đã dạy khi còn tại thế, nhất là về thân thế sự nghiệp của Chúa Giêsu, về cái chết ô nhục trên thập giá và sống lại vinh quang của Người: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 26).
Ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống là một cuộc biến đổi kỳ diệu: bộ mặt trái đất được canh tân; chỗ trật đường lạc lối được chỉnh đốn lại; điều cứng cỏi được uốn nắn; chỗ lạnh lùng được sưởi ấm; chỗ khô khan được tưới gội; nơi thương tích được chữa cho lành, nơi sầu khổ được ủi an… Chúa Thánh Thần hiện xuống đem lại cho các môn đệ nguồn sống mới, niềm vui mới, biến đổi các ông từ những con người yếu đuối, hèn nhát, không dám công khai đi lại, không dám họp nhau cầu nguyện, trở thành những con người can trường rao giảng sứ điệp của Tin mừng. Khi chưa nhận được Chúa Thánh Thần, các ông ẩn trốn ở trong nhà với cửa đóng then cài, vì sợ người Do-thái: “Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái” (Ga 20, 19). Nhưng khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các ông đã trở thành những con người mạnh mẽ trong đức tin, vững vàng trong đức cậy, nồng nàn trong đức mến. Các ông đã cam đảm, mở cửa, công khai đi lại, hăng hái rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh, chịu chết và sống lại hiển vinh, bất chấp mọi cấm cản, mọi cực hình, mọi hiểm nguy đe dọa. Các ông còn dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho Tin Mừng Chúa Kitô.
Chúa Thánh Thần biến đổi các môn đệ từ những con người quê mùa, ít học, trở thành những con người thông thái, nói những điều chưa hề được nghe nói bao giờ: nói được các thứ tiếng mới lạ, nói tiên tri… làm được những việc lạ lùng, mà sức con người không thể làm được: trừ quỷ, chữa bệnh… “Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2, 4). Người nghe ai cũng ngạc nhiên “Họ sửng sốt, thán phục và nói: những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?” (Cv 2, 7-8).
Khi thổi hơi để ban Thánh Thần cho các môn đệ, Chúa Giêsu chúc bình an và sai các ông đi rao giảng Tin Mừng, làm chứng nhân cho Chúa: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 19, 21). Như vậy, việc lãnh nhận Thánh Thần còn có mục đích quan trọng là để làm công việc của Thiên Chúa. Sách Công Vụ Tông Ðồ kể lại, ngay sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các tông đồ lập tức làm việc cho Thiên Chúa, rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng.
Thánh Thần được ban xuống trên những ai xứng đáng lãnh nhận ơn của Ngài với năng lực kèm theo, không phải để phục vụ cho lợi ích của riêng mình hay phục vụ vì lợi ích của một nhóm người, hoặc một đảng phái nào đó…, mà phục vụ vì lợi ích chung của nhân loại, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt chủng tộc: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1Cr 12, 7). Vì thế, những ai lãnh nhận được ơn của Thánh Thần phải dùng ơn ấy để phục vụ mọi người, nhất là để loan báo Tin Mừng, giúp cho con người được thăng tiến về đời sống vật chất cũng như tinh thần, giúp cho phẩm giá của mọi người được tôn trọng, nhất là thăng tiến về đời sống tâm linh, giúp mọi người nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, để canh tân Giáo Hội, xã hội và thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.
Chúa Thánh Thần ban ơn để biến đổi và thánh hóa chúng ta từ những con người yếu đuối, hèn kém, trở nên những con người mạnh mẽ, can đảm, để chúng ta làm việc cho Nước Chúa, nói về Chúa cho muôn dân, làm chứng cho Chúa trước mặt người đời. Chúng ta phải trung thành với ơn Chúa, phải dùng khả năng Chúa ban để phục vụ Chúa, và mưu ích cho đồng loại. Như Thánh Phaolô đã nói: “Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu” (Gl 2, 21). Chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần hoạt động trong ta, hãy sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô đã khuyên: “Anh em hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí” (Gl 5, 16-17).
Chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, đổi mới chúng ta, để ta nhận được hoa trái của Thần Khí là: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5, 22-23). Với những ơn đặc sủng của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ trở thành những “chiến sĩ Phúc Âm”, ra đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho muôn dân nước, can đảm tuyên xưng đức tin trước mặt thiên hạ, thà chết chẳng thà bỏ đạo, bất chấp mọi ngăn cản, mọi cực hình, mọi hiểm nguy đe dọa của ma quỷ; của thế gian; của kẻ vô thần; của tà thần… Chúng ta không chỉ tuyên xưng đức tin trên môi miệng mà còn phải tuyên xưng bằng việc làm cụ thể. Hơn thế nữa, chúng ta còn phải dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho Tin Mừng Chúa Kitô.
177. Suy niệm của Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
LỄ NGŨ TUẦN, NGÀY HỘI CỦA THÁNH THẦN và GIÁO HỘI
Lễ Ngũ Tuần đánh dấu sự hiện xuống của Chúa Thánh Thần trên các thánh Tông Đồ và trên Giáo Hội sơ khai.
Biến cố này xảy ra năm mươi ngày tiếp theo sau biến cố Chúa Giêsu sống lại (Trong ngon ngữ tiếng Hy Lạp, pentêkostê có nghĩa là thứ năm mươi). Giáo Hội Công Giáo mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống năm nay vào Chúa Nhật ngày 31 tháng 5.
Biến cố ngày lễ Ngũ Tuần chỉ có thể được hiểu trong mối quan hệ vơi biến cố lễ Chúa Phục Sinh và Chúa Lên Trời. Chịu chết để cứu độ nhân loại (Thứ Sáu Tuần Thánh), sống lại (vào ngày Phục Sinh) và về cùng Chúa Cha (Lên Trời), Đức Kitô phái Thánh Thần đến cho nhân loại (dịp lễ Ngũ Tuần). Do đó, ngày lễ này khép lại Mùa Phục Sinh vốn được kéo dài trong suốt bảy tuần lễ và cũng là sự đăng quang của Mùa Phục Sinh.
Vào ngày ấy, «các Tông Đồ đang hội họp cùng với nhau. Bỗng nhiên, từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bat đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho. (…) Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình » (Cv 2, 1-6).
Hơn nữa, đây cũng là dịp thực hiện lời hứa của Chúa Giêsu Phục Sinh đối với các Tông Đồ vào thời điểm lên trời xảy ra mười ngày trước đó: « Anh em sẽ lãnh nhận một sức mạnh, sức mạnh của Chúa Thánh Thần sẽ đến trên anh em. Và anh em sẽ là những chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong vùng Giuđê và Samari cho đến tận cùng bờ cõi trái đất ».
Thực tế cho thấy, các Tông Đồ khi nhận được sức mạnh của Thánh Thần liền can đảm rời khỏi gian phòng mà trước đây họ tự giam hãm trong nỗi sợ sệt. Ngay lập tức họ bắt đầu làm chứng cho Chúa Phục Sinh, rao giảng giáo huấn của Ngài cho muôn dân và làm phép Rửa Tội. « Trong dịp lễ Ngũ Tuần, Giáo Hội được khai sinh không do ý muốn của loai người, nhưng là bởi sức mạnh của Thánh Thần ». Trong thực tế, tiếp theo biến cố này các cộng đoàn tín hữu đầu tiên được ra đời, được củng cố, phát triển và lan truyền rộng rãi.
Trình thuật trong sách Tông Đồ Công Vụ mang hàm ý: gió và lửa, cũng như các trình thuật khác trong Kinh Thánh, biểu hiện sự hiện diện của Thiên Chúa. Những lưỡi lửa chứng tỏ sự ngự xuống của Thánh Thần trên các Tông Đồ. Và khả năng của họ làm cho tất cả những người nghe hiểu được mà theo như bản văn liệt kê một cách rất cụ thể và chính xác rằng đây là những người dân « Pácthia, Mêđia, Êlam, Mêxôpôtamia, Giuđê, Capađôkia, Pontô và Asia, có người là dân Physia, Pamphylia, Ai Cập, và những vùng Libya giáp giới Kyrênê; nào là những người từ Rôma đến đây; nào là người Do Thái cũng như người mới trở lại đạo; nào là người đảo Kêta hay người Arập ». Hết thảy đều đều nghe các Tông Đồ rao giang bằng tiếng bản xứ của mình.
Cũng vậy, Tin Mừng có liên quan đến tất cả nhân loại, ơn Chúa Thánh Thần cho phép các Tông Đồ đáp trả lời mời gọi của Chúa Phục Sinh: trở nên những chứng nhân của Ngài cho đến « tận cùng trái đất ».
Cũng như các Tông Đồ, các Kitô hữu được mời gọi không được khép kín nơi bản thân mình như người đứng bên ngoài cuộc sống và ở ngoài thế giới, trái lại phải là những người công bố Tin Vui trong Phúc Âm mot cách mạch lạc và tự do. Bổn phận này được đặc biệt nhắc đến trong Công Đồng Vatican II về vai trò của người giáo dân, cũng như trong tông huấn Christideles laici của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề ngày 30 tháng 12 năm 1998.
Nguồn mạch được tỏ hiện trong biến cố Lễ Ngũ Tuần, Bí Tích Thêm Sức thường xuyên được cử hành trong dịp lễ này. Trong nghi thức, giám mục đặt tay trên người lãnh nhận, cử chỉ biểu lộ ơn Chúa Thánh Thần. Ngày nay, người lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức có thể là những thiếu niên cũng như những người trưởng thành.
(Nguồn: La Pentecôte, fête de l’Esprit Saint et de l’Eglise)
178. Suy niệm của Lm. Phêrô Nguyễn Hương
CHÚA THÁNH THẦN, NGƯỜI LÀ AI và NGƯỜI LÀM GÌ?
Một người bạn linh mục kể với tôi một câu chuyện vui như sau: Một ngày nọ, Chúa Cha nói với Chúa Con: “Cha muốn đi thăm lại Sinai, nơi Cha đã tới đó một lần rồi”. Chúa Con nói: “Con muốn đi thăm Giêrusalem, nơi mà người ta đã giết Con, nào chúng ta cùng đi”. Còn Chúa Thánh Thần thì nói: “Tôi muốn tới tham quan Vaticăng” Chúa Cha hỏi: “Tại sao”, Chúa Thánh Thần trả lời: bởi vì… Tôi chưa bao giờ tới đó lần nào cả”!!!
Đây chỉ la một câu chuyện tưởng tưởng thôi, nhưng có lẽ nó cũng nói với chúng ta một điều gì đó về sự lãng quên Chúa Thánh Thần ở trong Giáo Hội như các nhà thần học cảnh tĩnh: “Chúa Thánh Thần là Đấng đại bị quên lãng” (von Baltharsar). Chúng ta thường không để ý tới Chúa Thánh Thần trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
Nhưng Chúa Thánh Thần là ai? Và Người làm? Chúng ta có thể nói về Người được không? Điều này không dễ tý nào! Quả thế, trong Ba Ngôi Vị thần linh, Chúa Thánh Thần là Đấng bí nhiệm hơn cả, ẩn dấu hơn cả, một Ngôi vị không có khuôn mặt, như “gió muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,5). Người không nói về mình và tự mình nói. Cả tên gọi của Người cung không phải là riêng của Người, từ “Thánh – Thần” cũng có thể áp dụng tương tự cho Chúa Cha và Chúa Con, bởi vì “Thiên Chúa là Thần khí và thánh thiện” (Ga 4,24). Chúa Thánh Thần tự trút bỏ chính mình (kenosi) để được liên hệ tất cả với Chúa Cha và Chúa Con. Vì thế, Người là Deus sempre major (Thiên Chúa luôn lớn hơn), là Đấng không thể diễn tả, nói theo Thánh Basilio Cả. Chúng ta không thể biết Người cách trực tiếp, nhưng chúng ta có thể tới gần với mầu nhiệm của Người qua sự biểu lộ, những hoạt động và dấu chỉ của Người trong lịch sử cứu độ.
Trong bài đọc I: Chúa Thánh Thần được diễn tả bởi hai hình ảnh: đó là gió và lửa. Trước hết, gió là sự dien tả về sức mạnh. Đối với thế giới cổ đại, gió là dấu chỉ của sức mạnh thần linh làm thay đổi thế giới và chuyển dời các tinh tú. Nhưng gió cũng là sự diễn tả về một trong bốn yếu tố chính cấu thành vũ trụ – không khí (ruach). Chỉ ở đâu có không khí, thì ở đó có thể hít thở và có sự sống ở đó. Chỉ ở đâu hít thở được, ở đó có thể tồn tại con người, nhân loại và đời sống tinh thần.
Hình ảnh thứ hai được dùng để chỉ về Chúa Thánh Thần đó là lửa: Nếu trong thế giới cổ đại, không khí xuất hiện như là yếu tố nền tảng của sự sống, thì lửa là những gì mà nền văn minh nhân loại cổ dùng nó để phát triển. Lửa là ánh sáng, là sức nóng, là sự vận động, là sức mạnh của sự biến đổi. Và lửa cũng là yếu tố của sư huỷ diệt, của sự phá hủy nếu. Lửa cũng được coi là một phần của mặt trời, là yếu tố của sức mạnh thần linh. Nên khi con người biết sử dụng lửa, con người ý thức mình là giống thần linh. Thế giới hy lạp đã tạo ra huyền thoại về Prometeo, nhân vật đã chiến đấu với các thần, ăn cắp lửa từ trời, rồi mang lửa xuống trái đất và từ đó khởi đầu một thế giới mới.
Như vậy, biểu tượng gió và lửa được dùng trong Kinh Thánh muốn xác định sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn Giáo Hội và trong thế giới như là nguyên lý của sự sống, của sự biến đổi, của sự thanh tẩy và soi sang. Biến cố ngày lễ hiện xuống nói với Chúng ta rằng: Chúa Thánh Thần là lửa và Chúa Kitô là Prometeo đích thực đã lấy lửa từ trời và đã mang xuống trái đất để “canh tân bộ mặt trái đất” (Tv 103,30). Với việc sai Thánh Thần như gió và lửa, Giáo hội được khai sinh và bắt đầu sứ mạng truyền giáo mà chính Thánh Thần là vai chính của việc truyền giáo (protagonist of mission). Chúa Thánh Thần là nguyên lý hiệp nhất của Giáo Hội, Người tập hợp tất cả các dân tộc khác nhau về màu da, ngôn ngữ, quốc gia… trong một Thân Thể duy nhất của Đức Kitô (Bài đọc I). Qua Giáo hội, “Lửa Thánh Thần” của Đức Kitô đó đã bùng lên khắp thế giới từ hơn 20 thế kỷ qua, va đã thay đổi khôn mặt thế giới này trở nên nhân bản hơn, tự do hơn, đẹp đẻ hơn.
Chúng ta chuyển sang ý nghĩa khác của bài đọc Tin Mừng trong đó Chúa Thánh Thần xuất hiện như là “Đấng Phù trợ mà Thầy sẽ sai xuống trên các con từ Chúa Cha, Thánh Thần Chân Lý nhiệm xuất từ Chúa Cha sẽ dẫn các con tới Chân lý toàn vẹn” (Ga 15,26). Ở đây, Mạc khải về Chúa Thánh Thần không chỉ đơn thuần là sức mạnh, là năng lực, nhưng là chính Thiên Chúa, là Ngôi Ba. Trong trật tự của Thiên Chúa Ba Ngôi nội tại, Chúa Thánh Thần là Tình Yêu-Ngôi Vị (Amore-persona) như là nexus amoris (rợi dây tình yêu) của Chúa Cha và Chúa Con; là sự viên mãn và sự kết thúc của sự phì nhieu thần linh ba ngôi. Trong nhiệm cục cứu độ, Người là Quà Tặng (Dono-persona) của tình yêu ba ngôi dành cho nhân loại. Như lời thánh Phaolô nói: “Tình Yêu của Thiên Chúa được đổ vào lòng chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta” (Rm 5,5).
Như thế, Chúa Thánh Thần không xuất hiện như một ngôi vị “xa lạ” với chúng ta, nhưng là Đấng ở trong chúng ta, thần hóa chúng ta và hành động với chúng ta (x. 1Cor 3,16). Chúng ta biết rất ít về Người không phải tại vì Người ở quá xa chúng ta, nhưng tại vì Người ở quá gần chúng ta. Một cách tuyệt vời theo lời Thánh Agustino, Người là Thiên Chúa “”intimior intimo meo et superior summo meo” (Thiên Chúa gần gủi thân mật hơn cả chính con với con), Người trở thành Luật Mới, luật của Tình Yêu được in vào lòng người. Người thực hiện sự thánh hóa của chúng ta, làm cho chúng ta thành nghĩa tử của Chúa Cha, và nhờ Người, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Abbà, Cha ơi! (Rm 8,15). Và như thế đời sống của người kitô hữu là hành trình bước đi theo và trong Thánh Thần: “Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Những việc do tính xác thịt gây nên, thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, hận thù, bất hoà, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, hận thù, bất hoà, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy… Tôi nói cho mà biết: những kẻ làm những điều đó sẽ không được hưởng Nước Thiên Chúa” (Gl 5,16.19-21).
Ngày hôm nay chúng ta đang đối diện với đầy dẫy những dối trá và nộ lệ dưới nhiều hình thức khác nhau. Tất cả chúng ta được mời gọi hãy nhạy bén và dễ bảo với Chúa Thánh Thần. Ai bước đi trong Thần Khí và Sự Thật sẽ đón nhận được hoa quả của Thánh Thần: đó là “hoa quả của Thần Khí là: bác ái, vui tươi, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế” (Gal 16,22).
Veni Sancte Spiritus! Xin Chúa Thánh Thần hãy đến để thắp lên trong lòng chúng con ngọn lửa tình yêu Chúa. Bởi lẽ chỉ có ngọn lửa của Thánh Thần mới có thể biến đổi chúng con, chỉ có Tình Yêu mới cứu độ! Amen!
179. “Thánh Thần khấn xin ngự đến…”
(Suy niệm của Lm. Anphong Trần Đức Phương)
Theo Sách Tông Đồ Công Vụ (cuốn sách ghi lại các hoạt động truyền giáo của các Thánh Tông Đồ vào thuở ban đầu của Giáo Hội), Chúa Giêsu sau khi sống lại, đã hiện ra với các Thánh Tông Đồ nhiều lần trong vòng “40 ngày” (Cv 1:3) Trong những lần hiện ra đó, Chúa Giêsu Phục Sinh đã “nói chuyện với các Ông về Nước Trời”, củng cố đức tin cho các Ông về việc Chúa thực sự đã sống lại, chuẩn bị tâm hồn các Ông để “đón nhận Chúa Thánh Thần” và trao cho các Ông nhiệm vụ truyền giáo “cho đến tận cùng trái đất”. Sau đó Chúa Giêsu đã “lên Trời trước mặt các Ông” (Cv 1:1-9).
“Chúa Giêsu Lên Trời” chỉ có nghĩa là Ngài không còn hiện ra với các Tông Đồ nữa; tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn ở cùng các Thánh Tông Đồ và Giáo Hội Chúa, như lời Chúa đã hứa “Thầy vẫn còn ở với chúng con mỗi ngày cho đến tận thế…” (Mat 28:20). Chúa Giêsu vẫn họat động truyền giáo với các Thánh Tông đồ: “Các Tông đồ ra đi rao giảng các nơi, có Chúa cùng họat động với các Ông…” (Matcô 16,20…). Chúa Giêsu vẫn là vị Chủ Chăn Chính của Giáo Hội. Các Đức Giáo Hòang chỉ là vị “Đại Diện” (Vicar) của Chúa Giêsu nơi trần gian; nhưng không “kế vị” Chúa Giêsu. Qua họat động của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu vẫn rao giãng, ban ơn Thánh hóa chúng ta qua các phép Bí Tích, ban ơn tha tội, Tế lễ trên Bàn Thờ, nuôi dưỡng chúng ta bằng Mình và Máu Thánh Chúa trong Bí Tích Thánh Thể…
Trước khi “Lên Trời”, Chúa Giêsu đã hứa với các Thánh Tông Đồ là Chúa Thánh Thần sẽ đến (Cv 1:8); (Gn 16:7…). Chúa Thánh Thần là “Đấng Bảo Trợ” (The Advocate), là “Đấng an ủi” (the “Paraclete”, “Comforter”).
Đúng như lời Chúa Giêsu đã hứa, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống dưới “hình lửa” trên từng Tông Đồ và các Tông Đồ “được tràn ngập ơn Chúa Thánh Thần” (Cv 2: 1-4). Ngày đó trùng vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Lễ Ngũ Tuần là Đại Lễ của Do Thái Giáo, vào đúng vào ngày thứ 50 sau ngày Chúa Giêsu sống lại (‘Pentecost’ ‘ngày thứ 50); vì thế chúng ta mừng Lễ Chúa Thánh Thần vào ngày thứ 10 sau Lễ Chúa lên Trời. Lễ Chúa Giêsu Lên Trời được mừng vào ngày Thứ Năm sau Chúa Nhật VI mùa Phục Sinh (đúng 40 ngày sau Chúa Nhật Phục Sinh), nhưng thường được chuyển vào Chúa Nhật VII mùa Phục Sinh. Như vậy Lễ Chúa Thánh Thần được mừng vào Chúa Nhật sau Chúa Nhật VII mùa Phục Sinh; sau đó chúng ta bước sang Mùa Thường Niên, chu kỳ II.
Ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là ngày khởi đầu của Giáo Hội, ngày “Sinh Nhật” của Giáo Hội, cũng là ngày khởi đầu công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Ơn Chúa Thánh Thần đã biến cải các Tông đồ trở nên những người can đảm, những người thông hiểu Kinh Thánh và nhớ lại các điều Chúa Giêsu đã giảng dạy. Các Ngài không còn “đóng kín cửa vì sợ người Do Thái” (Ga 20:19); nhưng bắt đầu rao giảng cho dân chúng đang tụ họp chung quanh nơi các Ngài ở (Cv 2:14…) và đã có nhiều người ăn năn sám hối và xin chịu Phép Rửa để gia nhập Giáo Hội Chúa (Cv 2:41).
Từ ngày đó, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, công cuộc truyền giáo của Giáo hội tiếp tục phát triển qua thời gian cho đến ngày nay, và Giáo hội được mở rộng đến các dân tộc (Luca 24:47) để đem Tin Mừng tình thương và ơn cứu rỗi đến cho mọi người, để “ai tin thì sẽ được cứu rỗi…” (Matcô 16:15…). Qua các thời gian, Chúa Thánh Thần vẫn che chở Giáo hội Chúa qua “mọi cơn gian nan khốn khó!”; qua bao cuộc “bách hại” khủng khiếp.
Ngay từ thuở ban đầu, Giáo hội đã bị “bách hại” mà vị tử đạo đầu tiên là Thánh Têphanô. Các Giáo hữu đầu tiên đã phải tản mát đi khắp nơi để bảo vệ đức tin và đi đến đâu lại rao truyền Đạo Thánh Chúa cho mọi người họ gặp gở hàng ngày; nhờ thế càng thêm nhiều người được rao giảng Tin Mừng và gia nhập Giáo Hội Chúa. Đó là phong trào “Diaspora” của người Kytô hữu thuở Giáo hội lúc ban đầu.
Khi Giáo hội tràn lan đi khắp nơi, tới Thủ đô Rôma thì cuộc bách hại trở nên dử dội hơn với Néron và nhiều Hòang Đế Rôma khác, suốt hai ba thế kỷ cho đến năm 313. Trong những cuộc bách hại đó, từ các vị Giáo Hòang (mà đầu tiên là Thánh Phêrô), các Giám Mục, và mọi Kytô hữu đều bị lùng bắt và bị hành hạ dã man cho đến chết, có người bị thiêu sống, có người bị ném cho thú dử ăn thịt nơi các hý trường tại Rôma. Thánh Phaolô và các Tông Đồ đều bị tử đạo. Thánh Gioan bị đày ra đảo Patmos. Lúc đó chẳng có một tổ chức “Nhân quyền” nào, hoặc một tổ chức nào có thể lên tiếng để bênh vực. Các vua chúa có toàn quyền bách đạo. Các Tin hữu không còn đường nào trốn chạy, phải vào các Nghĩa trang để đào các hầm mộ mà trú ẩn trong những điều kiện thật khổ sở; đó là các “Catacombes” đào sâu xuống đất và dài hằng cây số. Các “Hầm Mộ” hiện còn ở Rôma, mà khách hành hương có thể đến thăm viếng để thấy đức tin của các tín hữu lúc ban đầu mạnh mẽ như thế nào. Tất cả đều nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Cũng nhờ ơn Chúa Thánh Thần họat động trong Giáo hội mà dù bách hại tàn bạo như vậy, nhưng Giáo hội tại Rôma lúc đó không bị tiêu diệt, trái lại vẫn triển nở, vẫn lan tràn đi khắp nơi cho đến ngày nay. Trái lại các Hòang Đế Rôma cũng như đế quốc Rôma hùng vĩ như vậy đã tan biến đi, nay chỉ còn là “vang bóng một thời”.
Ngay tại quê hương Viêt Nam, Giáo hội lúc ban đầu cũng bị các vua chúa triều Nguyễn bách hại thật tàn bạo và bằng nhiều cách khôn khéo, như chủ trương “Gia Tô phân sáp…” Tất cả đều nhằm tiêu diệt Đạo Chúa, dù mới được chớm nở tại quê hương chúng ta. Dầu vậy Giáo Hội tại Việt Nam cũng đã không bị tiêu diệt, mà vẫn triển nở; còn các triều đại Nhà Nguyễn đều đã đi vào dỉ vãng.
Nếu không có Chúa Thánh Thần nâng đở che chở làm sao Giáo hội mới chớm nở ở Rôma, ở Việt Nam, và nhiều nơi khác trên thế giới không bị tiêu diệt dù bị đàn áp tàn bạo như vậy. Những người Cộng Sản vô thần cũng đã tìm đủ mọi cách để tiêu diệt đức tin của các tín hữu nơi các nước họ đã chiếm được. Với những tính tóan rất kỹ lưỡng họ đã tin tưởng mạnh mẻ là Giáo hội sẽ bị họ tiêu diệt mau chóng ở khắp nơi họ tràn đến; nhưng chế độ Công Sản đã bị sụp đổ ở hầu hết các nơi; nhưng Giáo hội ở các nơi đó vẫn không bị tiêu diệt mà vẫn phát triển nhờ Chúa Thánh Thần che chở, giữ gìn.
Đạo Thánh Chúa không phải chỉ bị bách hại ở một nơi nào đó, vào một thời kỳ nào đó; nhưng luôn bị bách hại ở mọi nơi và dưới thật nhiều hình thức khác nhau do mưu mô của “ma quỷ thế gian” bày đặt ra; vì “bóng tối thì luôn ghét ánh sáng…” Chúng ta hãy luôn cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến để canh tân thế giới chúng ta, để bảo vệ nhân quyền và tự do Tôn giáo, “hiệp nhất chúng ta nên một” trong cùng một gia dinh nhân loại và ban hòa bình cho các tâm hồn, các gia đình và thế giới chúng ta.
Xin Chúa Thánh thần ngự đến giúp chúng ta là các tín hữu của Chúa, luôn biết sống làm sao để “làm chứng cho Chúa” bằng chính đời sống lương thiện, công chính, và hòa hợp, yêu thương đối với mọi ngừơi. Xin Chúa Thánh thần ngự đến để giúp chúng ta biết đem Tin Mừng tình thương của Chúa đến cho mọi người chung sống với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày: trong gia đình, trong khu xóm, nơi sở làm, trừơng học… Xin Chúa Thánh thần ngự đến để gìn giữ Gíao Hội qua mọi cuộc bách hại, và gìn giữ chúng ta luôn nắm vững Đức Tin tinh tuyền giữa bao chủ trương sai lạc của thế giới hôm nay.
180. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
(Suy niệm của Lm. Anphong Trần Đức Phương)
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống thường được gọi là Lễ Hiện Xuống với Lễ Vọng và Lễ Chính Ngày. Lễ Vọng được mừng trọng thể vào chiều Thứ Bảy tuần VII Mùa Phục Sinh, trước hoặc sau Kinh Chiều. Lễ Chính Ngày được mừng trọng thể vào Chúa Nhật hôm sau. Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuong chấm dứt Mùa Phục Sinh và bước sang Mùa Thường Niên II.
Trong Thánh Lễ Vọng, ngày Thứ Bảy: Bài Đọc I có thể chọn: Khởi Nguyên 11: 1-9; Xuất hành 19: 3-8, 16-20; Egiêkien 37:1-14 hoặc Giôen 3: 1-5. Bài Đọc II: Roma 8: 22-27. Bài Phúc Âm Gioan 7: 37-39.
Trong Thánh Lễ Chính Ngày vào ngày Chúa Nhật hôm sau: Bài Đọc I: Công Vụ Tông Đồ 2: 1-11; Bài Đọc II: 1 Corinto 12: 3-7, 12-13 (Năm B có thể chọn: Galat 5:16-25, Năm C có thể chọn: Roma 8: 8-17). Bài Phúc Âm: Gioan 20:19-23 (Năm B có thể chọn: Gioan 15: 26-27; 16:12-15. Năm C có thể chọn: Gioan 14: 15-16, 23-26).
Qua các Bài Đọc trên đây, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là dịp để chúng ta nhớ lại và mừng một biến cố rất trọng đại: “Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trên các Thánh Tông Đồ, đúng như lời Chúa Giêsu đã thông báo trước (Gioan 14:26, 15:26, 16: 7-15). Với Ơn Thánh Hóa của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ đã được biến đổi hoàn toàn: Từ những người sống bằng nghề ‘chài lưới’, những người bình dân, ít học thức, các Ngài đã trở nên ‘những con người mới’ thông hiểu Thánh Kinh, ‘những Tông Đồ nhiệt thành’ sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời và cả mạng sống để rao giảng Phúc Âm Tình Thương của Chúa cho mọi người, ở mọi nơi mà Chúa Thánh Thần soi sáng cho các Ngài tìm đến: Từ Giêrusalem đến các vùng lân cận, đến các dân tộc chung quanh, đến mãi Thủ Đô Rôma, trung tâm văn hóa của nhân loại thời đó.
Như vậy, ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống là ngày khởi đầu của Giáo Hội, ngày ‘Sinh Nhật’ của Giáo Hội, cũng là ngày khởi đầu công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Ơn Chúa Thánh Thần đã biến cải các Tông Đồ trở nên những người can đảm. Các Ngài không còn “đóng kín cửa vì sợ người Do Thái” nữa (Gioan 20: 19), nhưng bắt đầu rao giảng cho dân chúng đang tụ họp chung quanh nơi các Ngài ở (Cv 2: 14…) và đã có nhiều người ăn năn sám hối, xin chịu Phép Rửa để gia nhập Giáo Hội Chúa (Cv 2: 41).
Từ ngày đó, nhờ Ơn Chúa Thánh Thần, công cuộc truyền giáo của Giáo Hội tiếp tục phát triển qua dòng thời gian cho đến ngày nay, và Giáo Hội được mơ rộng đến các dân tộc (Luca 24: 47) để đem Tin Mừng tình thương và Ơn Cứu Rỗi đến cho mọi người, để “ai tin thì sẽ được cứu rỗi…” (Matcô 16:15…). Chúa Thánh Thần vẫn che chở Giáo Hội Chúa qua “mọi cơn gian nan khốn khó”, qua bao cuộc “bách hại” khủng khiếp ở mọi thời và mọi nơi.
Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến để canh tân thế giới chúng ta, để bảo vệ Nhân Quyền và tự do Tôn Giáo, “hiệp nhất chúng ta nên một” trong cùng một gia đình nhân loại, và ban hòa bình cho các tâm hồn, các gia đình và thế giới chúng ta.
Xin Chúa Thánh Thần ngự đến giúp chúng ta là các tín hữu của Chúa, luôn biết sống làm sao để “làm chứng cho Chúa” bằng chính đời sống lương thiện, công chính của mình, và hòa hợp yêu thương đối với mọi người.
Xin Chúa Thánh Thần ngự đến để giúp chúng ta biết đem Tin Mừng tình thương của Chúa đến cho mọi người chung sống với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày: trong gia đình, trong khu xóm, nơi sở làm, trường học… Xin Chúa Thánh Thần ngự đến để gìn giữ Giáo Hội qua mọi cuộc bách hại; đặc biệt để nâng đỡ tinh thần các vị chủ chăn và các tín hữu đang bị phân tán, đang bị tù đầy, bị đe dọa, đang gặp bao nhiêu khó khăn thử thách ở nhiều nơi trên thế giới. Xin Chúa Thánh Thần ngự đến để giúp chúng ta luôn giữ vững Đức Tin tinh tuyền giữa bao chủ trương sai lạc của thế giới hôm nay.
181. Suy niệm của Lm. Nguyễn Hữu Thy
CHÚA THÁNH THẦN MỞ TUNG MỌI CÁNH CỬA KHÉP KÍN
Không phải tất cả những gì Jean Paul Sartre (1905-1980), một trong những triết gia hiện sinh, viết đếu có thể chấp nhận được đối với những tín hữu đạo đức. Nhưng những gì nhà triết học người Pháp này tưởng tượng về hỏa ngục, rất đáng cho chúng ta lưu ý. Trong vở kịch «Phía sau những cánh cửa khép kín»của ông. Jean Paul Sartre đã nêu lên vấn nạn: Ðiều gì sẽ xảy ra, nếu con người sống hay chết đều gắn bó ràng buộc với nhau, và đều ý thức được rằng họ sẽ không bao giờ tách rời nhau được nữa? Ðiều gì sẽ xảy đến, nếu họ không được phép hay không muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài? Nếu họ không tùy thuộc vào bất cứ điều gì khác ngoài quá khứ, ngoài tội lỗi, ngoài sự cao ngạo, ngoài sự cố chấp, ngoài những điều nhảm nhí và ngoài những trách móc phàn nàn lẫn nhau của họ? Theo Sartre: Ðó chính là hỏa ngục!
Dĩ nhiên, các nhà thần học còn có thể nói cho chúng ta nhiều hơn nữa về những gì mà Thánh Kinh gọi là «hỏa ngục». Nhưng có một điều chắc chắn – và đó cũng là điều Jean Paul Sarte muốn nói tới – đó là: Ngay ở đời này, con người chúng ta đã có thể làm cho cuộc sống của nhau trở thành hỏa ngục.
Cũng thế, người ta có thể tưởng tượng được tình trạng của các môn đệ Ðức Giêsu sau ngày Thứ Sáu Chịu Nạn một cách tương tự như thế! Theo sự tường thuật của Thánh Kinh: Vì sợ người Do-thái, nên họ đã lẩn trốn sau những cánh cửa khép kín. Ðức Giêsu đã chết. Phải chăng họ đã chẳng đặt hết hy vọng vào Người, đã hy sinh tất cả cho Người, đã gắn bó hoàn toàn với Người?
Nhưng giờ đây Người đã chết: Bị đóng đinh nhục nhã vào thập giá, đã tắt thở và đã được an táng! Và Người đã để họ lại trong cảnh bơ vơ, thất vọng và chán nãn, lo âu sợ hãi và hoảng hốt. Họ trở nên bất đồng ý kiến với nhau và bị rơi vào một hoàn cảnh bất ổn, khiến họ không còn đủ khả năng để ngồi lại nói với nhau về sợi dây đầy tình nghĩa từng ràng buộc họ lại với nhau trong ba năm qua. Họ không còn đủ bình tỉnh để có thể tìm ra được câu giải đáp cho những vấn nạn quan trọng: Ðức Giêsu Na-da-rét thực sự là ai? Và chúng ta là ai, khi cùng với Người hay khi không có Người? Những gì thực sự còn nối kết chúng ta lại với nhau? Và trước hết, tình trạng cộng đoàn các Tông đồ xem ra rất bi quan và đang trên bờ của sự tan rã. Các bạn hãy nghĩ đến trường hợp hai môn đệ Em-mau hay trường hợp Thoma cứng lòng: Mỗi người đi mỗi ngã, ai nấy đều trở nên nghi ngờ, tất cả họ đều mất hết mọi hy vọng và tin tưởng!
Các bạn hãy tự xét đoán lấy, hãy tự chất vấn chính những kinh nghiệm sống của mình: Phải chăng tất cả những điều đó đã không quả quyết rằng, một đoàn thể khi phải đứng trước một tình trạng đen tối và tuyệt vọng như thế lại không bị tan rã hay sao?
Tuy nhiên, mọi chuyện lại đã xảy ra hoàn toàn khác hẳn. Các nhà tâm lý và phân tâm học sẽ phải bóp trán nghĩ ngợi nát óc, là: Làm thế nào hoàn cảnh các Tông đồ lại có thể xảy ra ngược lại như vậy được! Thánh Kinh đã trả lời cho vấn nạn đó: Chính Chúa Thánh Thần là Ðấng đã liên kết các Tông đồ lại với nhau, ngược lại với sự hợp lý và sự suy luận nhân loại. Vâng, Chúa Thánh Thần hiện diện giữa các Tông đồ như sợi dây nối kết họ lại với nhau và như động lực giúp cho họ có đủ khả năng để lại cùng nhau nói về chính mình và nói về Sư Phụ. Chính Chúa Thánh Thần là Ðấng ban cho họ có được sự xác tín rằng: Ðức Giêsu vẫn sống! Từ những câu chuyện đó, từ sự tưởng nhớ lại Ðức Giêsu như thế đã làm phát xuất ra điều mà ngày nay chúng ta gọi là Giáo Hội: Cộng đoàn của những người tin vào Ðức Giêsu! Thần Khí Thiên Chúa dẫn đưa và qui tụ họ lại từ bốn phương trời.
Vâng, Thần Khí Thiên Chúa, Thần Khí Ðức Giêsu, đã tác động, để một nhân loại đang trong cảnh chia rẽ và phân hóa lại trở về đoàn tụ với nhau. Và trước hết, điều đó đã được chứng mình nơi chính các Tông đồ: Các ngài đã tìm về với nhau, các ngài lại thông cảm nhau và các ngài lại hiểu được những gì đã xảy ra cho Ðức Giêsu. Nhất là bây giờ các ngài có thể làm cho người khác hiểu được Ðức Giêsu là ai và Người muốn gì nơi họ. Nhân loại thuộc mọi quốc gia, mọi ngôn ngữ, mọi màu da và mọi giai cấp trong xã hội đã tìm về với nhau và qui tụ thành một cộng đồng huynh đệ mới. Và đó là điều chúng ta cùng tưởng niệm lại trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay.
Thần Khí Thiên Chúa mở tung mọi cánh cửa của sự sợ hãi, của sự nhát đảm và của sự co rúm lại trong thế giới bản thân, một chỗ các Tông đồ dùng làm nơi ẩn trốn! Giờ đây, họ không còn sợ hãi lẩn trốn nữa, nhưng lòng đầy can đảm và phấn khởi đi đến với mọi người và loan báo cho họ biết rằng, cuộc đời Ðức Giêsu Na-da-rét tuy trước mắt người đời xem ra như đã thất bại và đổ vỡ, nhưng trong thực tế lại chính là một cuộc sống đầy hạnh phúc trong vinh thắng. Nó đã được Thiên Chúa chấp nhận và chúc phúc. Bởi vì cuộc sống Ðức Giêsu là một cuộc sống không còn bị ràng buộc bởi sự ích kỷ, nhưng đã được hoàn toàn hiến dâng cho Thiên Chúa và và cho hạnh phúc chân thật của nhân loại. Ðức Giêsu đã mở tung nhiều cánh cửa từng bị khóa kín.
Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều cánh cửa đang bị niêm phong khép kín trong cuộc sống xã hội. Qua kinh nghiệm trong cuộc sống cụ thể, nhiều khi chúng ta đã phải ngỡ ngàng và thất vọng đứng trước những cánh cửa bị đồng loại khóa kín để cản đường chúng ta. Nhưng chính chúng ta cũng không ít khi đã đóng chặt bao cánh cửa trong các tư duy và trong cuộc sống mình, tự cô lập mình khỏi đồng loại.
Vâng, còn có bao nhiêu người vẫn chưa có đủ can đảm để tìm cho hoàn cảnh của mình một lối thoát? Còn có biết bao nhiêu cặp vợ chồng đang sống một cuộc sống chồng vợ bất đắc dĩ? Còn có biết bao nhiêu gia đình đang phải sống trong cảnh bất hòa và mỗi người là một tiểu vũ trụ, chứ không ai muốn nói chuyện với ai nữa? Và trong một cộng đoàn giáo xứ cũng còn có bao cánh cửa đang bị khóa kỹ: Giữa các cá nhân với nhau, cũng như giữa gia đình này với gia đình khác? Vâng, đó là những cánh cửa chúng ta đã tự khép kín và khóa chặt đối với nhau: Những cánh cửa dẫn đưa người khác đến với chúng ta, nhưng đã bị chúng ta khóa chặn lại. Hoặc là những cánh cửa đã làm cho chúng ta không thể tự do tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đã chứng minh cho thấy rằng người ta rất có thể mở tung mọi cánh cửa vốn bị đóng kín. Ðiển hình nhất là nơi các Tông đồ: Các ngài đã học được điều đó nơi chính bản thân mình. Các ngài đã có được kinh nghiệm là: Khi bản thân hay gia đình mình rơi vào cảnh khó khăn thử thách, thì tốt nhất là không nên vội đầu hàng bỏ cuộc. Các ngài đã học được là không một ai được phép nghi ngờ người khác, cả khi xem ra có người này kẻ nọ trong họ tỏ ra hoang mang và muốn bỏ cuộc. Các Tông đồ cũng đã cảm nhận được rằng:
Thái độ lẩn trốn và dấu mình sau các cánh cửa đóng kín càng làm tăng sự sợ hãi hoang mang.
Sự nghi ngờ nhau, sự đố kỵ mù quáng đối với thế giới bên ngoài, thường cũng chính là cái hố sâu ngăn cách con người với Thiên Chúa.
Các Tông đồ đã học được là chính Thần Khí Ðức Giêsu đã thúc bách và động viên họ:
Phải mở rộng các cánh cửa.
Phải loại bỏ sự bất động và bám bíu vào các thói quen cũ.
Phải can đảm đi đến với những người xa lạ chưa quen biết, hầu có thể: a) Hiểu biết và thông cảm với họ; b) Tin tưởng và chia sẻ với họ định mệnh khắt khe của họ; c) Giúp họ mở rộng mọi cánh cửa, nhất là cánh cửa dẫn họ tới nguồn hạnh phúc chân thật và vĩnh cửu: Ðức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi!
Phải chăng đó không phài là điều kiện cho tình yêu to lớn đã được mặc khải trong cuộc đời Ðức Giêsu Na-da-rét?
Tôi luôn xác tín rằng: Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống không chỉ là một kỷ niệm biến cố trọng đại đã xảy ra trong buổi khai nguyên Giáo Hội, nhưng là một thực tại luôn sinh động! Bởi vì, Thần Khí Ðức Giêsu không hề chết. Người vẫn sống và vẫn tác động không ngừng trong Giáo Hội, trong vũ trụ và trong cuộc sống mỗi người. Chúng ta có thể mở rộng tâm hồn mình cho Người. Bên ngoài, những người đã từ xa gần đến và đang chờ đợi trước cửa nhà chúng ta. Họ chờ đợi Thần Khí Ðức Giêsu. Họ chờ đợi những người đã biết mở rộng tâm hồn cho Thần Khí đó! Amen.
182. Thánh Thần và ác thần
(Suy niệm của Lm. Nguyễn Hữu Thy)
Qua các phương tiện truyền thông như báo chí, Radio và truyền hình, chúng ta thấy thế giới nhân loại ngày nay không có một ngày nào hoàn toàn được an bình, không co một ngày nào mà không xảy ra những bạo hành và tội ác. Chưa lâu, bộ Nội Vụ CHLB Đức đã công bố một danh sách dài của các tội phạm trong năm: trên 5 triệu hành vi phạm pháp đủ các loại đã được ghi nhận. Nghĩa là khoảng 7 giây đồng hồ lại xảy ra một tội phạm. Nếu tại một nước văn minh, giàu có và tiến bộ vào bậc nhất thế giới như CHLB Đức mà còn xảy bao điều tiêu cực như vậy, thử hỏi tại các nước nghèo nàn lạc hậu mỗi ngày con xảy ra biết bao tội ác, bao điều tồi tệ nữa!
Bởi vậy, nhiều người đâm ra hoài nghi tự hỏi: Phải chăng ác thần đã xâm nhập vào đời sống xã hội hôm nay của chúng ta? Đúng vậy, và chúng ta đang cố sức tìm kiếm các phương tiện và đường hướng để chống trả lại ác thần đó. Đồng thời chúng ta cũng tìm kiếm sự quân bình, các đường hướng và sức mạnh của sự cứu rỗi và của sự hoàn thiện.
Trong khi đi tìm kiếm phương tiện và sức mạnh để chong trả ác thần như thế, chúng ta mừng đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và được nghe nói đến một Thần Khí khác: Thánh Thần. Hoa trái của Thánh Thần đã được thánh Phaolô trình bày trong Thư gửi các tín hữu Ga-lát, là: «Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ » (5,22-23), nghĩa là tất cả những điều tích cực và thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta cũng như cho thế giới. Ở đâu có Thần Khí đó ngự trị, thì ở đó bộ mặt trái đất được đổi mới. Về Thần Khí của lòng nhân hậu và của sự cứu rỗi, Phúc Âm thánh Lu-ca đã viết: « Chúa Cha sẽ ban Thánh Thần cho những ai kêu xin Người » (11,13). Tuy nhiên, Thánh Thần, Đấng làm cho bộ mặt méo mó của trái đất trở thành xinh đẹp, sẽ không do con người tạo ra được. Tự khả năng nhân loại của mình, chúng ta không thể dàn xếp hay đặt kế hoạch trước về Người được. Điều chúng ta có thể làm và cần phải làm, là: Chúng ta hãy luôn thành khẩn cầu xin và hãy mở rộng tâm hồn mình đón nhận ân huệ đó của Thiên Chúa, vì nhận biết mình yếu hèn, giới hạn và bất toàn.
Đồng thời chúng ta hãy để cho Thánh Thần Thiên Chúa dìu dắt hướng dẫn cuộc sống cũng như mọi hành động của mình, chứ không phải các tham vọng và ước muốn trần thế. Thánh Phaolô sau khi nêu lên những hoa trái của Thánh Thần, đã không quên nhắc lại điều kiện của những ai bước theo Thánh Thần: « Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê » (Gl 5,24). Cuộc sống theo Thánh Thần Thiên Chúa là một cuộc sống thanh thản và đầy an vui thánh thiện, tức: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu,…Tuy nhiên, đó không phải là một cuộc sống dễ dãi, theo kiểu được sao hay chớ.
Những ai biết sống và hành động theo Thần Khí, những người đó sẽ được Chúa Cứu Thế chúc phúc. Những vị thánh nhân, như Ê-li-sa-bét Th#-ring-gen, Phan-xi-cô Át-xi-xi, Mác-xi-mi-li-ê Khôn-bê, Vin-xen-tê đệ Phaolô, v.v…là những người đã hoàn toàn trao phó đời mình cho Thần Khí hướng dẫn và dìu dắt! Ngày nay vẫn còn tiếp tục có những thánh nhân biết sống theo Thánh Thần của Đức Giêsu chăng?
Trong số các thánh nhân đó, chúng ta có thể kể tên, như: Đức Gioan XXIII, Đức Gioan Phaolô II, hay như Mẹ Tê-rê-xa, vị Tông đồ của người nghèo ở Culcutta/Ấn Độ, hay rất có thể như Martin Luther King, người tranh đấu cho sự tự do và hoà bình giữa mọi người. Chính ông là người đã phát biểu những lời thời danh như sau: « Tôi có một giấc mơ là một ngày nào đó, các con cái của những kẻ nô lệ và các con cái của những người chủ nô lệ xưa kia sẽ cùng nhau thân hữu ngồi vào một bàn ăn… Tôi có một giấc mơ là một ngày nào đó, bốn đứa con của tôi đây sẽ được sống trong một đất nước, nơi chúng không bị đánh giá theo màu da, nhưng theo tư cách sống của chúng… » (Reden, die die Welt bewegten, nhà xuất bản Emil Vollmer, trang 590).
Nếu chúng ta để cho hai tiếng „tự do” của mỗi thành phố, cua mỗi thôn xóm, của mỗi nhà nước, của mỗi thủ phủ mỗi miền vang dội lên, thì chúng ta đã thực sự làm cho xuất hiện được cái ngày tất cả mọi con cái Thiên Chúa, dù là da đen hay da trắng, dù Do-thái, Tin Lành, Công Giao hay ngoại đạo, đều bắt tay nhau và cùng ca hát những lời của vị linh hướng người da đen già: „Thế là được tự do, lạy Thiên Chúa thượng trí toàn năng, thế là chúng con được tự do!” (Srephen B. Oates, Matin Luther King, 1982, tr. 3169).
Vâng, ở đâu sự tự do được thể hiện trong đoàn kết và sự đoàn kết được thể hiện trong tự do, ở đó có Thần Khí của Đức Giêsu, tức Chúa Thánh Thần, ngự trị. Thánh Phaolô cũng đã viết: „Ở đâu có Thần Khí, ở đó có sự tự do” và „chúng ta đã nhờ Thần Khí mà trở nên một”.
Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống có nghĩa là để cho Chúa Thánh Thần trở nên sức mạnh nội tâm của cuộc sống chúng ta. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta sự tự do và sự đoàn kết, đồng thời chúng ta cũng phải sẵn sàng cộng tác vào việc kiến tạo sự tự do và sự đoàn kết theo khả năng của chúng ta, hầu để cho: Một sự tự do không bị giới hạn và một sự đoàn kết không trùng nghĩa với một sự đồng điệu nhàm chán. (Trong thực tế, điều đó đối với Giáo Xứ của chúng ta ở… có nghĩa là là…) Con người ở trong Giáo Hội cũng như trong xã hội cần đến cả hai. Chúa Thánh Thần tác động và muốn cho cả hai cùng được hiện thực trong xã hội loài người chúng ta.
183. Canh tân thế giới
(Suy niệm của Lm. Minh Vận, CRM)
Bài đọc: Ga 20:19-23
Lễ Chúa Thánh Linh Hiện Xuống phát xuất từ Lễ Pentecost của người Do Thái. Pentecost là từ ngữ Hy Lạp có nghĩa là 50, quen gọi là Lễ Ngũ Tuần. Đây là lễ kết thúc mùa thu hoạch, khởi đầu từ Lễ Vượt Qua trước đó 50 ngày. Lễ này dần dần được mặc nhiều đặc tính tôn giáo để kỷ niệm việc Chúa ban hành Thập Giới tại núi Sinai qua Maisen và việc Chúa thiết lập Israel làm Dân Riêng Chúa tuyển chọn.
Những đặc tính của Lễ Pentecost được Kitô Giáo canh tân bằng nhiều ý nghĩa mới có tính cách tôn giáo như sau:
* Hoa Mầu của mùa thu hoạch được thay thế bằng những Hồng Ân của Chúa Thánh Linh ban xuống cho con cái được tuyển chọn.
* Luật Cựu Ước xưa được thay thế bằng Tân Luật Yêu Thương của Chúa Kitô.
* Dân Riêng Israel được thay thế bằng Dân Thánh mới là Giáo Hội Công Giáo Chúa Kitô thiết lập.
I. XIN CANH TÂN BỘ MẶT THẾ GIỚI
Hôm nay, chúng ta hân hoan cùng với toàn thể Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, long trọng mừng Lễ Chúa Thánh Linh Hiện Xuống, chúng ta thành tâm tha thiết dâng lên Chúa lời nguyện cầu: “Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến và xin canh tân bộ mặt thế giới!”
Tại sao thế giới chúng ta đang sống hôm nay lại cần phải được canh tân, được đổi mới? Như chúng ta đã thấy, thế giới vật chất ngày càng được văn minh tiến bộ: Các nhà khoa học mỗi ngày lại khám phá ra được những sự kỳ diệu trong thiên nhiên, phát minh ra những máy móc tân kỳ, đơn giản và tiện lợi, giúp cho đời sống con người ngày càng thoải mái, dễ chịu và hạnh phúc. Người ta còn chế tạo ra được những phản lực cơ, những hỏa tiễn để thám hiểm không gian, đổ bộ tới các hành tinh để gây thế lực kiểm soát được các quốc gia yếu kém hơn mình. Cậy vào những phát minh tân kỳ khoa học đó, con người lại sinh lòng kiêu căng tự phụ, quá tự tin vào tài năng và khoa học với trí óc hạn hữu của mình, trở nên mù tối, dám chối bỏ cả Thiên Chúa, phủ nhận quyền năng và công trình sáng tạo của Ngài đã được hiện thể trong vũ trụ bao la như những dấu tích của lòng Ngài yêu thương nhân loại.
Chính vì lòng kiêu căng vô ơn đó, mà những văn minh khoa học, đã không làm cho con người được hạnh phúc; mà trái lại, còn làm cho con người ngày càng thêm mê tín dị đoan, đến nỗi tôn thờ khoa học, nô lệ cho bản ngã hư hèn, coi vật chất và thụ tạo như chúa tể. Họ đã biến thế giới này trở thành cổ hủ, lỗi thời, với biết bao tệ đoan, đồi phong bại tục, các triết thuyết lầm lạc, luân lý đồi bại… Tất cả các tội lỗi này đang dâng lên trời cao, trêu cơn nghĩa nộ Thiên Chúa, đáng Chúa trừng phạt, đúng như lời Đức Mẹ đã mạc khải tại La Salette và Fatima.
II. MỆNH LỆNH CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG
Thời Giáo Hội sơ khai, Chúa Thánh Linh đã hiện xuống Giáo Hội để trào đổ muôn ơn phúc xuống trên các Tông Đồ, các Môn Đệ, các Tín Hữu với biết bao sự lạ lùng, những phép lạ phi thường; biến cải các Tông Đồ từ những con người hèn nhát, sợ sệt, yếu đuối, dốt nát trở nên dũng cảm, anh hùng, khôn ngoan, thông thái; can đảm làm chứng nhân cho Chúa, sẵn sàng liều mạng sống mình vì vinh danh Thiên Chúa. Nhờ ơn Chúa, các ngài đã thực hiện biết bao phép lạ phi thường, nhưng luôn luôn với một lòng khiêm nhu thánh thiện, để chứng minh cho chân lý các ngài rao giảng, khiến mọi người sửng sốt bỡ ngỡ thán phục, ăn năn sám hối tội lỗi, trở về với Thiên Chúa.
Ngày nay, dù nhân loại kiêu căng tội lỗi, mặt đất đã ra ô uế đồi bại, nhưng tình Chúa yêu thương nhân loại vẫn không nỡ giáng phạt cân xứng với tội phạm; Chúa Kitô đã gởi Mẹ Ngài đến ban bố mệnh lệnh cải thiện đời sống, kêu gọi loài người cấp tốc, bỏ đàng tội lỗi, trở về làm hòa với Thiên Chúa, để đáng được lãnh nhận ơn tha thứ và hưởng sự bình an hạnh phúc chân thật của ơn làm con Chúa.
Nhưng sứ điệp Mẹ ban truyền tại Fatima đã được loài người hưởng ứng và tuân theo tới mức nào? Là con cái Chúa, là con ngoan thảo của Mẹ, chúng ta đã làm gì để hài lòng Chúa và Mẹ? Chúng ta đã đáp lại lời kêu gọi cải thiện đời sống của Mẹ tại Fatima chưa? Mỗi ngày chúng ta hãy tự kiểm điểm, để chân thành trả lời đúng với tiếng lương tâm trước tôn nhan Chúa và Mẹ.
III. NGHĨA VỤ TIẾP TỤC SỨ MẠNG CỨU THẾ
Lời Chúa phán với các Tông Đồ qua sứ điệp Tin Mừng, hôm nay Chúa cũng phán với mỗi người chúng ta: “Các con hãy nhận lãnh Chúa Thánh Linh” (Jn 20:22). Rồi Chúa cũng trao cho chúng ta sứ mạng tông đồ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con!” (Jn 20:21). Mỗi người chúng ta đều đã đón nhận Chúa Thánh Linh và các ơn Ngài ban, được trở nên con Chúa ngày chúng ta lãnh Nhiệm Tích Thánh Tẩy; được trở nên chứng nhân, nên người truyền bá Danh Chúa cho muôn dân khi chúng ta lãnh Nhiệm Tích Thêm Sức. Không những chúng ta có nghĩa vụ phải cải thiện đời sống, phải đổi mới tâm hồn, phải canh tân cuộc sống, mà chúng ta còn có nghĩa vụ phải cộng tác với toàn thể Giáo Hội, tiếp tục Sứ Mạng Cứu Thế Chúa đã ủy thác; chinh phục các linh hồn trở về với Chúa, tức là làm cho thế giới được đổi mới, được canh tân, được nên tốt đẹp, xứng đáng là Vương Quốc Chúa Kitô hiển trị.
Tại thành phố Tokyo, Nhật Bản, có một khu phố thật nghèo nàn, bẩn thỉu, dơ dáy với biết bao điều thương luân bại lý, khiến ai cũng chán ghét khinh bỉ, không ai thèm nhòm ngó quan tâm đến, ngoại trừ những cảnh sát an ninh luôn rình rập để chặn bắt những kẻ phạm pháp trong các băng đảng trộm cắp, cướp của giết người. Vì thế, nơi đây người ta đã đặt cho nó cái tên là “Ổ Chuột” hay “Sào Huyệt Du Đãng”.
Nhưng trong lúc mọi người đều khinh bỉ, thì cô Maria, một nữ sinh viên trong đại học y khoa, lại thường hay lui tới quan sát thăm hỏi vào những ngày rảnh rỗi cuối tuần. Động lòng thương những con người xấu số, cô đã quyết định bỏ học, để đến đây sống với họ trong cảnh nghèo nàn bẩn thỉu. Cô đã đi gõ cửa từng nhà, kêu xin những nhà hảo tâm, các cơ quan từ thiện để có được những quần áo, đồ dùng, tiền bạc đem về giúp đỡ họ. Chỉ sau một thời gian vắn, cái “Ổ Chuột” và “Sào Huyệt Du Đãng” dơ dáy nghèo nàn bẩn thỉu này đã biến đổi, cảnh nghèo khó bớt dần, những tội ác không còn nữa và đặc biệt hơn hết, nhiều người đã tìm thấy chân lý, tự nguyện xin học giáo lý để trở lại Công Giáo. Mọi người đều cảm phục trước tấm lòng hy sinh cao cả của cô nữ sinh viên trẻ tuổi, đến nỗi họ tôn cô như một vị Đại Ân Nhân và như một bà Mẹ Hiền của họ, ai cũng mến phục và tôn trọng nghe lời cô. Nhưng mới chỉ thời gian chưa đầy một năm phục vụ những con người xấu số tại đây, vì quá lao tâm lao lực lo cho họ, cô đã lâm bệnh và qua đời cách thánh thiện. Mọi người đều thương tiếc và tôn trọng cô như một vị Thánh, như một sứ giả hòa bình và tình yêu thương Chúa sai đến để cải hóa, để canh tân trần gian. Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận Tokyo đã đích thân đến chủ tọa Lễ An Táng và ca ngợi công đức của cô, cùng với nhiều vị quan khách trong Giáo Quyền cũng như trong Chính Quyền và một số đông đảo quần chúng từ khắp nơi đổ về, vì đã từng nghe biết danh tiếng và ngưỡng mộ cô.
Kết Luận
Là những bậc phụ huynh, chúng ta đã nỗ lực tìm cách biến đổi gia đình chúng ta nên tốt đẹp, thuận hòa, hạnh phúc chưa?
Là những con cái Chúa, chúng ta đã nỗ lực làm việc tông đồ để Chúa được vinh danh, góp công vào việc canh tân thế giới, cải thiện nhân loại, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn trong hòa bình chân chính, xứng đáng trở nên một Vương Quốc thánh thiện của Chúa Kitô nơi trần gian, như sứ điệp Mẹ Maria đã ban truyền tại Fatima chưa?
184. Sứ mạng truyền giáo – Lm. Minh Vận, CRM
Báo “Le Figaro” đã đăng câu trả lời phỏng vấn của Tổng Thống Nga Putin, trong đó có mấy sâu đối đáp sau đây:
– Trong một cuộc phỏng vấn báo chí tại Nga, ông cho biết là ông đã đến cầu nguyện tại Mồ Thánh Chúa ở Jeruselem, trong tay cầm Thánh Giá. Nhưng ông lại là một cựu sĩ quan của tình báo KGB. Ông nghĩ thế nào về sự trái ngược đó?
– Cuộc sống được tạo nên bằng những điều trái ngược nhau. Khi không còn những điều trái ngược thì đó là cái chết. Nước Nga không phải là một quốc gia giả tạo mà nó đã có một lịch sử từ lâu đời. Thời kỳ còn là Liên Xô, đã có nhiều ý đồ làm thay đổi truyền thống, nhưng vẫn không sao tách nước Nga khỏi những giá trị văn hóa của dân tộc. Nền văn hóa đó, cũng giống như những cây cỏ mọc trên các đại lộ của thành phố, xuyên thủng nhựa đường để tự tồn tại.
Mẹ tôi là một phụ nữ theo Đạo Chúa, mặc dù đi tham dự Thánh Lễ tại Nhà Thờ không phải là không gặp nguy hiểm trong thời Liên Xô trước đây. Mẹ tôi đã bí mật làm nghi lễ Thánh tẩy cho tôi tại Nhà Thờ. Vậy tại sao các ông lai có vẻ ngạc nhiên khi tôi cầm Thánh Giá đến cầu nguyện tại Mồ Thánh Chúa Giêsu?
Tổng Thống Putin quả là một chứng nhân anh dũng. Ông đã công khai tuyên xưng Niềm Tin, xưng mình là người theo Đạo Chúa, sống Đạo Chúa. Ông đã tuyên bố trước báo chí: “Tôi tự hào là Tín Hữu… Niềm Tin của tôi làm cho tôi thêm tinh thần và sự bình an trong tâm hồn!”
I. CẦN PHẢI CANH TÂN TRÁI ĐẤT
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội hoàn vũ, long trọng mừng Lễ Chúa Thánh Linh hiện xuống, chúng ta thành tâm dâng lên Chúa lời nguyện cầu tha thiết: “Lậy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến và xin canh tân bộ mặt thế giới!”
Thế giới chúng ta đang sống, hiện nay có biết bao tệ đoan xuất hiện khắp đó đây làm lũng đoạn đời sống tâm linh, đầu độc trí lòng con người, khiến con người không còn phân biệt được đâu là phải đâu là trái, đâu là tội đâu là phúc, đâu là chân thật đây là giả trá! Các kẻ thù của Chúa đang vận dụng mọi cách để phá hoại những giá trị luân lý đạo đức, chối bỏ những thực tại của đời sống siêu nhiên, đời sống Đức Tin và hạnh phúc vĩnh cửu của đời sống mai hậu. Họ chủ trương chỉ có những thực tại của đời sống vật chất ở đời này. Vì thế, cần phải tận hưởng tất cả các tiện nghi, những phát minh của khoa học tân tiến, những tiền của giầu sang, để được thoải mái tối đa kẻo uổng phí. Tóm lại, họ mong gạt bỏ Thiên Chúa và Tôn giáo ra ngoài đời sống con người, để đời sống thoải mái dễ chịu, khỏi phải gò bó theo luật lệ. Do đó, họ sống buông thả theo thú tính, khiến con người thời đại mất dần ý thức tội lỗi!
II. SỨ MẠNG TUÂN GIỮ VÀ TRUYỀN BÁ TIN MỪNG
Là con cái Chúa, chúng ta có nghĩa vụ phải nỗ lực chống lại những tấn công của kẻ thù, duy trì những giá trị luân lý, những thuần phong mỹ tục, những nền văn minh Kitô Giáo, những truyền thống lành mạnh phù hợp với giáo huấn của Chúa và Giáo hội. Tuyệt đối trung thành với Đức Tin và tinh thần của Chúa Kitô theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha, đấng đại diện tối cao của Chúa nơi trần gian. Chính Chúa đã truyền dạy chúng ta: “Nếu các con yêu mến Thầy, hãy vâng giữ lời Thầy truyền dạy. Thầy sẽ nài xin Chúa Cha ban Đấng An Ủi khác đến ở cùng các con muôn đời, tức là Thần Chân Lý mà thế gian không thể nhận được, vì họ không thấy cũng chẳng biết Ngài, còn các con, các con sẽ nhận biết Ngài, vì Ngài sẽ ở cùng các con, lại ngự trong tâm hồn các con nữa” (Jn 14:15-17).
Hơn nữa, ngày lãnh Bí Tích Thánh Tẩy, trở nên con cái Chúa, mỗi người chúng ta đã lãnh sứ mạng truyền bá Đức Tin, rao giảng danh Chúa và Ơn Cứu Độ của Chúa đến cho mọi người. Trước khi Chúa về trời, lệnh Chúa truyền cho các Tông Đồ và các Tín Hữu thời Giáo Hội sơ khai, cũng là lệnh Chúa cho mỗi người chúng ta qua các thời đại là: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ, ai không tin sẽ bị luận phạt” (Mc 16:15). Thánh Mathêu còn ghi lại minh bạch hơn nữa lệnh truyền đó: “Thầy được toàn quyền trên trời dưới đất: Vậy, các con hãy đi giảng dạy muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con, và Thánh Thần. Hãy dạy họ vâng giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con; và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế!” (Mt 28:19-20).
III. THỰC THI SỨ MẠNG TÔNG ĐỒ BẰNG CÁCH NÀO
Công Đồng Vaticanô II nhấn mạnh đến nghĩa vụ của tất cả chúng ta, là phải trở nên chứng nhân cho Chúa giữa trần gian khi truyền dạy: “Tất cả con cái Giáo Hội phải tích cực ý thức trách nhiệm của mình đối với thế giới, phải hun nóng cho mình thực sự có tinh thần Công Giáo, và phải hy sinh góp sức vào công cuộc rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên, mỗi người phải biết rằng bổn phận đầu tiên và quan trọng nhất đối với việc truyền bá Đức Tin là sống sâu xa đời sống Kitô Hữu” (Ad Gentes # 36). Để đời sống chúng ta thực sự trở nên ánh sáng chiếu soi cho mọi người, để mọi người thấy các việc thiện chúng ta làm mà ngợi khen Chúa là Cha chúng ta ngự trên trời, và chúng ta là môn đệ đích thực của Người như Chúa đã truyền dạy.
Đó là lời rao giảng Tin Mừng cách hùng hồn và hữu hiệu nhất. Chúng ta có thể quả quyết chắc chắn rằng: Không có lời rao giảng nào có hiệu lực hơn bằng chính cuộc sống thánh thiện của người tông đồ, là sống trước chính lời mình rao giảng, như lời tiền nhân thường răn dạy: “Lời nói như gió lung lay, gương bày như tay lôi cuốn”.
Tuy nhiên, Công Đồng còn nhấn mạnh hơn nữa đến căn tính của sứ mạng cao cả này khi quả quyết với chúng ta: “Người Giáo Dân có bổn phận và quyền lợi làm tông đồ do chính việc kết hợp với Chúa Kitô là Đầu. Họ được Chúa chỉ định làm việc tông đồ, vì Phép Rửa tháp nhập họ vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, Phép Thêm Sức làm cho họ thêm mạnh mẽ nhờ quyền năng Chúa Thánh Linh. Họ được thánh hiến vào chức vụ Tư Tế Vương Giả và Dân Thánh Chúa, hầu trong mọi việc họ dâng những lễ vật thiêng liêng và làm chứng cho Chúa Kitô ở mọi nơi trên hoàn cầu” (Apostilicam Actuositatem # 3).
Người ta kể rằng: Một hôm, có một bác nông dân chở gạo lên thành phố Sài gòn bán. Tới giờ ăn trưa, ông vào tiệm gọi một tô phở. Sau khi cô chiêu đãi viên bưng ra cho ông một tô phở thơm phức, ông nghiêm trang làm dấu Thánh Giá trên mình và cúi đầu, miệng lâm râm cầu nguyện. Một tên cán bộ ngồi bàn bên cạnh, trông thấy cử chỉ đạo đức đó lấy làm bực rọc khó chịu, bèn lên tiếng khà khịa với ông: “Thời buổi xã hội chủ nghĩa này mà còn kinh với kệ, lỗi thời lắm rồi lão già kia ơi!” Ông già nghe thấy lời hỗn xược và xúc phạm đó khiến ông không thể nhịn được, nên đã mạnh dạn lên tiếng: “Chỉ có loài chó loài heo mới không biết cầu nguyện cám ơn Chúa trước khi ăn!”
Ngày nay, chúng ta thấy không thiếu những người không dám xưng mình là Kitô Hữu, không dám hãnh diện biểu lộ niềm tin của mình trước mặt tha nhân, không dám dấu Thánh Giá trước bữa ăn tại tiệm, sợ bạn bè chê cười đàm tiếu. Người ta còn kể: Có những tiệc cưới người Công Giáo được tổ chức rất trọng thể tại tiệm ăn, thế mà cũng không dám mời Linh Mục chủ sự lên trước công chúng, để cầu nguyện xin Chúa chúc lành cho các thực khách và thực phẩm trước khi khai mạc bữa tiệc!
Kết luận
Tổng Thống nước Nga Putin và ông nông dân trong hai mẩu truyện trên đây đã có những hành động tuyên xưng niềm tin của mình thật đáng chúng ta khâm phục và noi theo bắt chước. Khi chế độ Cộng Sản Liên Xô mới sụp đổ, theo sự khôn ngoan, hẳn ông cần phải khéo léo uyển chuyển để khỏi mích lòng những phe đối lập, thế nhưng ông đã can đảm tỏ mình là Kitô Hữu theo Đạo Chúa cách hãnh diện khi tuyên bố trước mặt mọi người: “Tôi tự hào là người Tín Hữu… Niềm Tin của tôi cho tôi thêm tinh thần và sự bình an trong tâm hồn!”
Còn ông nông dân của chúng ta cũng thật đáng mọi người phải cảm phục, mặc dầu lời ông nói có thể xảy đến cho ông những nguy hiểm bởi những kẻ có quyền thế, nhưng ông vốn can đảm nói lên sự thật, chứng tỏ Niềm Tin sâu xa của ông. Đó là một tấm gương sáng đáng chúng ta noi theo bắt chước.
Xin Mẹ Maria là Mẹ của Niềm Tin, ban cho chúng ta được can đảm sống Niềm Tin của chúng ta trong đời sống hằng ngày; nhờ việc tuyên xưng và sống Niềm Tin đó, sẽ thánh hóa chúng ta và giúp chúng ta chu toàn sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa trước mặt mọi người như Chúa đã truyền dạy.
185. Chúa Thánh Thần hiện diện
(Suy niệm của Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.)
Trước khi về trời, nhiều lần Chúa Giêsu đã nói và đã hứa với các môn đệ: Ngài sẽ ban Chúa Thánh Thần xuống. Lời hứa đó đã được hoàn tất trong ngày lễ Ngũ Tuần, tức là lễ ngày thứ 50 tính từ lễ Vượt Qua của người Do Thái, và từ khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, lễ này được gọi là lễ Hiện Xuống. Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa và bien đổi các ông thành những con người mới. Như vậy, Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá là điều kiện để ban Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội. Và khi được vinh quang bên hữu Chúa Cha, Chúa Giêsu đã sai Chúa Thánh Thần xuống và ban Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội như linh hồn của Giáo Hội.
Đối với Giáo Hội nói riêng và đối với toàn thể nhân loại nói chung, ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống thật là quan trọng, vì đánh dấu một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần, kỷ nguyên áp dụng ơn cứu độ, thời kỳ cuối cùng, thời kỳ cánh chung, trước khi Chúa Kitô trở lại để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Nhưng tại sao chúng ta có thể nói hay dám nói Chúa Thánh Thần đươc ví như linh hồn của Giáo Hội? Bởi vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, cũng như linh hồn quan trọng đối với thân xác thế nào thì Chúa Thánh Thần cũng quan trọng đối với Giáo Hội như vậy. Bởi vì Giáo Hội được ví như một than thể nhiệm mầu, mà Chúa Kitô là đầu và tất cả chúng ta là thân mình. Vậy nếu đã là một nhiệm thể thì cần phải có một linh hồn, linh hồn của Giáo Hội là Chúa Thánh Thần.
Thứ hai, cũng như linh hồn ở khắp thân thể và ở trong từng phần thân thể, thì Chúa Thánh Thần cũng ở trong toàn thể Giáo Hội và trong từng người. Linh hồn là nguyên lý, là căn bản của sự sống tự nhiên của thân thể, không có linh hồn thì chúng ta không sống đươc, không có linh hồn thì thân thể chúng ta là cái xác chết. Chúa Thánh Thần cũng là nguyên lý căn bản siêu nhiên nơi đầu là Chúa Kitô và nơi các chi thể là chúng ta, Ngài trực tiếp ban ơn cho từng thành phần để sinh hoa quả là những việc lành.
Thứ ba, cũng như nơi con người, linh hồn hoạt động qua trí khôn, ý chí, tình cảm. Cũng vậy, Chúa Thánh Thần hoạt động qua những khả năng siêu nhiên là bảy ơn Chúa Thánh thần, qua ba nhân đức đối thần là tin, cậy, mến. Chúa Thánh Thần gìn giữ, thánh hóa, biến đổi từng tâm hồn. Chẳng hạn: 12 tông đồ trước kia nhút nhát, sợ hãi, Chúa Thánh thần đã làm cho họ mạnh bạo can đảm. Rồi suốt hai mươi thế kỷ qua, biết bao gương anh dũng của các thánh đồng trinh, hiển tu, tử đạo…và hôm nay cả tỉ con cái Chúa đang được Chúa Thánh Thần thôi thúc bước mau về trời, Ngài hướng dẫn, trợ giúp chúng ta trên đường về trời.
Thứ tư, cũng như một linh hồn hiện diện nơi mỗi người làm cho người đó thành một người riêng biệt, khác với những người khác, thì Chúa Thánh Thần cũng hiện diện nơi mỗi tín hữu, để làm thành những tín hữu khác nhau: Chúa Giêsu, Đức Maria, các thánh, kẻ lành …và ơn Chúa Thánh Thần khác nhau, nên có những loại thánh khác nhau, rồi lại có những ơn sủng khác nhau, tùy theo chức bậc: người truyền giáo, người làm cha mẹ, người đi tu v,v…
Ngoài ra, ngày lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống dưới hình lưỡi lửa. Hình ảnh này thật đầy ý nghĩa: Giáo Hội của Chúa được ví như một đống củi, được lửa của Chúa Thánh thần đốt cháy lên và sưởi ấm trần gian lạnh lẽo. Không có Chúa Thánh Thần, Giáo Hội chỉ là một tổ chức trần gian như bao hội khác trên đời này, nhưng suốt hai mươi thế kỷ qua, Chúa Thánh Thần luôn ở giữa Giáo Hội, hướng dẫn mọi hoạt động của Giáo Hội và Ngài vẫn tiếp tục hoạt động mãi cho đến tận thế.
Mỗi người chúng ta đều đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần ngày chúng ta chịu phép Rửa tội, và nhất là khi lãnh nhận phép Thêm sức, Ngài luôn ở cùng chúng ta, hướng dẫn và trợ giúp chúng ta. Vậy chúng ta chớ dập tắt Chúa Thánh Thần. Nếu dập tắt Chúa Thánh Thần thì chẳng khác gì chiếc tàu bỏ bánh lái, đoàn xe lửa bỏ đầu tàu, con người bỏ trái tim. Chúng ta có thể dập tắt Chúa Thánh Thần thế nào? Nhiều cách lắm, chẳng hạn: chúng ta không sử dụng tối đa những ân huệ Ngài ban, những khả năng, những tiền bạc Chúa ban để chúng ta làm lợi cho linh hồn, cho gia đình, chúng ta sử dụng vào những việc có hại cho mình và người khác. Chẳng han: Chúa cho chúng ta cơ hội để phục vụ Chúa và Giáo Hội, nhưng chúng ta không lợi dụng những cơ hội đó, bỏ dịp tốt qua đi đó là dập tắt Chúa Thánh Thần.
Đàng khác, Chúa Thánh Thần là Đấng Phù Trợ. Phù trợ chứ không phải là làm thay chúng ta. Chúng ta phải làm hết sức mình, hết khả năng mình, phải học hỏi, phải nghiên cứu, phải thực hiện hết sức của mình, Chúa Thánh Thần sẽ phù trợ thiện chí của chúng ta. Ngài không bao cấp làm thay chúng ta. Nếu chúng ta không cố gắng đổi mới chính mình, đổi mới môi trường của mình, nếu chỉ cậy trông suông, khoán trắng cho Chúa Thánh Thần, thì Chúa Thánh Thần sẽ không làm thay. Bởi vì trách nhiệm ấy thuộc về chúng ta, những người Chúa đã trao cho những khả năng để có thể làm được, không nhiều thì ít, không việc lớn thì việc nhỏ, ai cũng có khả năng làm việc tốt.
Xin Chúa Thánh Thần khơi dậy trong chúng ta những nguồn sinh lực mới, để chúng ta biết quyết tâm đổi mới chính mình, biết quyết tâm góp phần xây dựng thời đại chúng ta. Sự quyết tâm này chúng ta sẽ gữi gấm nơi Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ ban phép lành cho chúng ta, Ngài sẽ phù trợ cho chung ta thực hiện. Mặc dầu hôm nay chúng ta không thấy kết quả nhưng hãy kiên trì nhẫn nại như những người gieo giống, mùa màng không thấy ngay, nhưng mùa màng nếu làm đúng, làm với cố gắng, với ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, chắc chắc sẽ thành công và hiệu quả sẽ phong phú.
186. Sức mạnh Chúa Thánh Thần
(Suy niệm của Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.)
Có một câu truyện kể rằng: Một hôm thần dữ Xa-tan triệu tập tất cả các sứ giả của hắn lại, để sai đến trần gian với sứ mạng duy nhất là giải thích cho con người biết Thiên Chúa đã chết rồi. Các sứ giả ra đi. Nhưng không bao lâu sau tất cả trở về. Thần dữ Xa-tan ngạc nhiên hỏi: “Tại sao cac ngươi thực hiện công tác nhanh thế, hay là có chuyện gì trục trặc?”. Các sứ giả đồng thanh đáp: “Thưa ngài, chúng tôi không còn việc gì để làm nữa. Bởi vì tất cả những nơi chúng tôi đi qua trên trần gian, nơi nào con người cũng sống như thể Thiên Chúa đã chết thật rồi. Họ ghen ghét nhau, họ gian tham, trộm cắp, sa đọa, họ chém giết nhau…không có gì xấu mà con người không làm. Dù nhiều người vẫn còn xưng mình là kẻ tin Thiên Chúa, nhưng cách sống của họ không hề biểu lộ niềm tin này, mà ngược lại như là loan báo Thiên Chúa đã chết rồi. Như vậy chúng ta đâu cần tốn công thuyết phục con người nữa”.
Con người sống như thể Thiên Chúa đã chết. Đó là một lời cảnh tỉnh nghiêm trọng đáng cho chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu, suy nghĩ để kiểm điểm lại đời sống của mình. Vài chục năm gần đây, người ta tỏ ra lo ngại cho Giáo Hội, khi thấy có một số đông Ki-tô hữu tại nhiều nước Âu Châu dửng dưng với đạo. Đạo hầu như chẳng còn ảnh hưởng gì đối với họ; đạo hầu như đứng ngoài cuộc sống của họ. Phải chăng Ki-tô giáo đã qua những ngày hưng thịnh và đang đi vào giai đoạn lụi tàn? Phong trào “Thời Mới”, một phong trào mang tính tôn giáo huyền bí hàm hồ, đang phát triển tại Mỹ và Âu Châu xác tín rằng: Kỷ nguyên Ki-tô giáo sắp qua đi và một kỷ nguyên mới với một tôn giáo mới đang xuất hiện.
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã đến trần gian để thi hành sứ mạng cứu chuộc loài người. Ngài đã sống kiếp người như chúng ta, Ngài đã giảng dạy, loan báo Tin Mừng. Cuối cùng, Ngài đã chấp nhận đau thương và chết nhục nhã trên thập giá để hoàn tất sứ mạng cứu chuộc của Ngài. Ngài đã chết thật, nhưng không phải là chết luôn, trái lại, Ngài đã sống lại và sống mãi. Ngài vẫn hiện diện trên trần gian dưới nhiều hình thức, đặc biệt là qua Chúa Thánh Thần.
Quả thực, ngay từ khi tại thế, Chúa Giêsu đã sống dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, nhưng Ngài chưa ban Thánh Thần cho các môn đệ. Chúa Giêsu phải ra đi, rồi mới cử Thánh Thần đến với họ được, nghĩa là Ngài phai được tôn vinh, mới có thể ban Thánh Thần cho họ. Vì thế, ngay buổi chiều ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra thổi hơi vào các môn đệ và ban Thánh Thần cho họ; đồng thời ban cho họ quyền tha tội. Như vậy, Chúa Giêsu đa ban Chúa Thánh Thần, và các tông đồ đã nhận được Chúa Thánh Thần ngay chiều ngày Phục Sinh.
Tuy nhiên, để đánh dấu việc các tông đồ thực sự thoát khỏi tình trạng “khép kín” vì sợ hãi hay nuối tiếc quá khứ, và “mở cửa” lao mình về phía trước để công bố Tin Mừng Phục Sinh cho các dân tộc, đem ơn hòa giải đến cho mọi người, hầu qui tụ mọi người vào trong đại gia đình của Thiên Chúa…Chúa Thánh Thần đã hiện xuống với các tông đồ một cach long trọng và rõ ràng với những dấu hiệu bề ngoài như gió thổi mạnh, lưỡi lửa xuất hiện trên đầu họ. Gió và lửa là những dấu hiệu để chứng tỏ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Và liền theo đó, mọi người được tràn đay Chúa Thánh Thần.
Như vậy, Chúa Thánh Thần đã đến với các tông đồ, đã biến đổi họ thành những con người mới, đã tác động nơi họ để trở thành những chứng nhân cho Đức Kitô và loan báo Đức Kitô cho mọi người. Chúa Thanh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa và ngọn lửa Ngài đậu trên đầu các tông đồ không gì khác chính là ngọn lửa tình yêu. Chính ngọn lửa đó đã thúc giục các tông đồ mở toang cánh cửa đã đóng kín vì sợ hãi, để mạnh dạn ra đi loan báo Tin Mừng tình yêu. Từ đó cho đến nay, Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hoạt động nơi từng con người thiện chí, từng Kitô hữu, đang hăng say hoạt động để đem chân lý, bình an, yêu thương và hy vọng đến với những ngươi chung quanh.
Mỗi người Kitô hữu hôm nay cũng đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần khi chịu phép Rửa tội và Thêm sức. Nhưng chúng ta đã cộng tác với Chúa Thánh Thần thế nào? Chúng ta có để Chúa Thánh Thần gọt giũa, loại bỏ khỏi chúng ta tính ích kỷ, hẹp hòi không? Chúng ta đã làm gì và đang làm gì cho thế giới này, cho những người sống chung quanh chúng ta được sưởi ấm bởi ngọn lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận? Thật là đau đớn cho Thiên Chúa và Giáo Hội khi những người mang danh Kitô hữu, những môn đệ của Chúa, lại sống ích kỷ, ghen ghét nhau, cạnh tranh nhau…Nếu ngày nay biết bao người chưa biết đến tình yêu thương của Chúa, có lẽ một phần trách nhiệm là do chúng ta; có lẽ chúng ta phải đấm ngực mình mà nhận rằng: vì chúng ta chưa sống tốt, chưa làm chứng nhân, vì trong chúng ta còn nhiều ích kỷ, nhỏ nhen, hẹp hòi…
Mừng lễ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống từng người chúng ta, và mời gọi chúng ta cùng cộng tác với Chúa Thánh Thần để đổi mới chính mình, đổi mới cuộc sống của mình, để cuộc đời chúng ta trở thành chứng tá cho Thiên Chúa tình yêu. Chúng ta phải dùng chính cuộc sống tốt lành của mình để làm chứng cho Thiên Chúa hằng sống, để xác quyết rằng: Thiên Chúa đang sống và đang hành động trong trần gian.
187. Lễ Hiện Xuống
(Suy niệm của Lm. Nguyễn Văn Phan, CSsR.)
Thế là chúng ta đã hân hoan đón mừng Lễ Phục Sinh của Đức Chúa Giêsu Kitô hơn bẩy tuần lễ rồi; trong thời gian ấy, chúng ta đã cùng nhau ôn lại những lần Chúa hiện ra cùng các thánh Tông đồ. Khi nhận ra sự hiện diện của Chúa bên mình, trái tim các ông như bừng cháy bên trong, các ông đã tràn đầy an ủi, tin tưởng bình an và sức mạnh nội tâm. Chúa nhật hôm nay còn gọi là Lễ Ngũ Tuần, nhắc lại việc Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ dưới hình thức cơn gió thổi, và lưỡi lửa.
Bài đọc đầu tiên mô tả những tác động hiệu quả phi thường nơi các tông đồ sau khi được Thần Khí ngự xuống trên các ông. Nếp sống các ông thay đổi đến kinh ngạc vì Thần Khí luôn thúc giục các ông trở nên hoàn thiện hết mình. Các ông gạt sang một bên những dè dặt đề phòng, không còn sợ hãi để mà hối hả ra đi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng, nhất là can đảm công bố niềm tin vào Đức Kitô chịu đóng đanh. Đột nhiên các ông không còn chút nghi hoặc, mọi thứ cứ như đâu vào đấy và trở nên rõ ràng minh bạch đầy đủ ý nghĩa. Nhất là mọi lời Kinh Thánh, mọi lời giảng dạy của Đức Chúa Giêsu tự nhiên ăn khớp với nhau mạch lạc trong tâm trí các ông. Đúng lúc này Giáo Hội được khai sinh. Thần Khí đổ tràn tâm hồn các ông một niềm hy vọng mới và lòng dũng cảm khác thường. Sau khi đã nhận được quyền năng và sức mạnh, các tông đồ đã lên đường đi khắp thế gian và hăng say tiếp tuc công trình Đức Kitô đã khởi sự.
Việc Thần Khí ngự đến vào ngày đầu tiên trong mùa Lễ Ngũ Tuần đã không phải là một biết cố một lần thay cho tất cả nhưng chính là biến cố khởi đầu cho sự hiện diện của Giáo Hội nơi trần thế. Nhờ nhiệm tích Thánh Tẩy, Thần Khí đã được ban tặng cho chúng ta, nêh Thần Khí luôn gần gũi kề cận chúng ta hơn là chúng ta dám nghĩ tới. Bất cứ nơi đâu có những tâm hồn mở rộng đón nhận Thần Khí, Thiên Chúa se đổ tràn Thần Khí xuống tâm hồn ấy để khai lòng mở trí, thúc đẩy họ đảm nhân nhiệm vụ mới: làm sứ giả cho Đức Kitô.
Lễ Hiện Xuống hôm nay nhắc lại cho chúng ta một điều này là Thiên Chúa hằng kêu gọi chúng ta bước sâu vào mối thâm giao với Ngài và muốn chúng ta cùng chia sẻ cuộc sống với Ngài. Đó là lời mời gọi nhóm lên ngọn lửa Tình Yêu và khuấy động lên tất cả ân sủng của nhiệm tích Thánh Tẩy. Chúng ta hoàn toàn không biết Thần Khí sẽ dẫn đưa chúng ta đi đâu, đi lúc nào, nhưng chúng ta lại thường lắm phen ngạc nhiên vì thấy Thần Khí dẫn đưa chúng ta làm việc này việc nọ. Bất cứ khi chúng ta bước ra khỏi tính do dự ích kỷ của riêng mình và vươn ra đến với những con người đang gặp khó khăn, thì ngay lúc ấy Thần Khí hoạt động hướng dẫn chúng ta, trao cho chúng ta một sức mạnh canh tân để đảo ngược những giá trị cố hữu của con người và một ý chí mãnh liệt tiến len theo một chiều hướng mới.
Khi chúng ta đối diện với những thử thách và thánh giá, khi đương đầu với những khó khăn và thất vọng, chúng ta cần đến sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, vì sự hiện diện của Ngài sẽ chẳng những thay đổi cái nhìn của chúng ta mà còn cả dáng vẻ bên ngoải của chúng ta nữa. Đức Kitô đã hứa rằng nếu chúng ta cầu xin, quyền năng của Thần Khí sẽ đến với chúng ta. Bởi thế trước khi cầu nguyện, chúng ta cần mở rong tâm hồn mời đón Chúa Thánh Thần ngự đến. Chúng ta sẽ trở nên những con người khác, con người đã được đổi thay bao nhiêu tùy theo mức độ chúng ta cho phép Thần Khí can thiệp vào cái tính tự mãn ù lì cố hữu của chúng ta và dọn đường cho chúng ta phát triển con người một cách lành mạnh… Nếu chúng ta cứ để cho Thần Khí dẫn dắt như thế, thì hoa trái của Ngài đem lại cho đời sống chúng ta sẽ là niềm vui, bình an và yêu thương.
Nhân dịp lễ Hiện Xuống hôm nay, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta món quà quý giá là Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động với vô số phương thức kín đáo để khơi dậy và đào sâu đức tin, củng cố sức mạnh, thúc đẩy cảm hứng và canh tân cuộc sống chúng ta.
188. Thánh Thần – Nguồn hiệp nhất
Năm mươi ngày sau Lễ Chúa Phục Sinh, Giáo hội long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Có khuynh hướng lấy ngày Chúa Giêsu đổ hết máu và nước trong mình ra để cứu độ trần gian làm ngày khai sinh Giáo hội, cũng có khuynh hướng lấy ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống làm ngày khai sinh Giáo hội. Như vậy, Chúa Thánh Thần là Đấng nào và Ngài đã làm gì cho các thụ tạo và cho Giáo hội?
Giở lại những trang đầu của Sách Sáng Thế, chúng ta bắt gặp hình ảnh mà tác giả Sách Sáng Thế trình bày “Thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St1,2). Như thế, Thánh Thần hay Thần Khí Thiên Chúa đã tác thành vạn vật ngay từ buổi đầu của công trình tạo dựng.
Trong sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo thì nói: Chúa Thánh Thần là Ngôi thứ ba bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, cùng một bản tính và một quyền năng như Chúa Cha và Chúa Con. Như vậy, không phải là Chúa Thánh Thần chỉ hiện diện trong các thụ tạo từ ngày lễ Ngũ Tuần nhưng Ngài đã hiện diện trong các loài thụ tạo ngay từ buổi ban đầu, nhưng các hiện diện của Ngài thâm sâu và khó nhận biết. Nhưng từ khi được Chúa Giêsu mạc khải thì sự hiện diện của Ngài nổi bậc hơn. Ngài không đến để thay thế Chúa Giêsu nhưng Ngài đến để làm cho sự hiện diện của Chúa Giêsu được thể hiện cách thâm sâu nơi các loài thụ tạo.
Chúa Thánh Thần là Đấng hiệp nhất trong tình yêu. Như chúng ta nhận biết, Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa duy nhất, Ba Ngôi vị. Tại sao có sự hiệp nhất cao siêu này? Thưa: Ba Ngôi hiệp nhất với nhau trong tình yêu hay nói cách khác là gắn kết nhau trong Chúa Thánh Thần. Chính trong tình yêu và sự hiệp nhất nên một là muôn loài được tạo thành.
Con người khi chưa phạm tội, được hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa nên họ thương yêu nhau và nên một trong nhau. Nhưng khi họ bị tội lỗi chia cắt thì họ không còn có thể hiệp thông với Thiên Chúa nữa nên họ cũng bị chia cắt với nhau. Sự kiện Ađam – Eva cũng như câu chuyện tháp Babel cho ta thấy rõ sự chia cắt đó.
Đến ngày lễ Ngũ tuần, các tông đồ cũng còn e sợ, còn ngại ngùng. Nhưng khi được Thánh Thần ngự xuống trong họ thì họ hăng hái mở toang cửa loan báo Tin Mừng Đức Giêsu đã chết và sống lại. Bởi không hiệp thông được với Thiên Chúa mà con người không thể xây được tháp Babel thì nay nhờ sự hiệp thông trong Chúa Thánh Thần mà các tông đồ rao giảng tiếng bản địa của các ông mà thính giả thì lại nghe như tiếng bản địa của mình.
Ngày nay, Chúa Thánh Thần vẫn hằng hoạt động trong Giáo hội “ở đâu có sự hiệp nhất ở đó có Thánh Thần”, Ngài làm cho mọi người có khả năng đón nhận Tin mừng mạc khải như Chúa Giêsu đã nói “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16, 12-13).
Nhưng phải làm sao để có thể hoạt động theo Chúa Thánh Thần? Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống như là một cơ hội nhắc nhở mỗi người chúng ta về nguyên lý tối hậu của niềm tin “Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống”, cho chúng ta năng cầu nguyện với Chúa Thánh Thần xin Ngài hướng dẫn cho chúng ta luôn được hiệp nhất trong Chúa và hiệp nhất trong nhau để Giáo hội mà Chúa Giêsu đã thiết lập mãi là sự hiện diện của tình yêu, sự hiện diện của sự hiệp nhất, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin cho chúng con luôn ý thức được sự hiện diện của Ngài, biết năng nghe tiếng Ngài hằng nói với chúng con trong thâm sâu của tâm hồn và cho chúng con trở nên mềm mại trong sự uốn nắn của Chúa và mỗi ngày chúng con được tiến lên trong đường nhân đức, tiến lên trong tình yêu và tiến lên trong sự hiệp nhất với Chúa và với mọi người.
189. Veni Creator, Spiritus
Xin Chúa Thánh Thần, Đấng sáng tạo ngự đến
(Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI – Bài giảng lễ Vọng đón Đức Chúa Thánh Thần, Roma 2006)
Hằng năm Giáo Hội mừng lễ kính Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trọng thể. Trong đời sống, người Công giáo chúng ta vào lứa tuổi thanh thiếu niên, đều đã nhận lãnh Bí tích Thêm sức, đón nhận ân đức Đức Chúa Thánh Thần củng cố đức tin ngày chịu phép bí tích Rửa tội năm xưa.
Rồi mỗi khi làm dấu Thánh Gía, đều nhắc đến đức Chúa Thánh Thần: “…và Thánh Thần. Amen”. Nhất là người Công giáo Việtnam thường đọc lời kinh: “Chúng con lạy ơn đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng sáng vô cùng. Chúng con xin đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con…” mỗi khi đọc kinh lần hạt mân côi hay trước khi dâng thánh lễ.
Một tập tục thói quen đạo đức tốt lành ăn rễ sâu thấm nhuần trong cung cách sống đức tin! Nhưng càng ngày, nhiều người thắc mắc: Đức Chúa Thánh Thần là ai hay là gì? Làm thế nào chúng ta có thể nhận ra Ngài?
1. Dominum et vivicantem – Là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống.
Mỗi khi đọc kinh tin kính, chúng ta tuyên xưng Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Sự sống phát xuất từ Ngài và Ngài là sự sống. Trong chương khởi đầu sách Sáng Thế (1, 1-2, 4a) thuật lại công trình sáng tạo trời đất, Kinh Thánh diễn tả Thần linh Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước trong cảnh u minh hỗn mang. Thiên Chúa sau khi đã tạo dựng con người từ bụi đất hà hơi vào họ và họ liền có sự sống. Thần linh Thiên Chúa là hơi thở phát sinh ra sự sống.
1.1. Sự sống do đâu?
Nhiều cái, nhiều sự trong đời sống chúng ta có thể hay phải làm ra. Nhưng sự sống con người ngay từ khởi đầu là do được tiếp nhận, chứ không do làm hay chế tạo ra. Người mẹ không chế hay làm ra đứa con. Nhưng người mẹ đón nhận sự sống đứa con của mình. Người ta đã hay sẽ còn khảo nghiệm để khám phá ra mầm sự sống trong quá trình thụ thai sinh con nơi bà mẹ. Nhưng cho tới bây giờ cũng chỉ biết được những khía cạnh ngoại vi bên lề giữa tình yêu và sự sống, giữa sự sống và tình yêu, giữa sự hoà nhập của yếu tố sinh lý, yếu tố hoá học… còn chính sự sống trước sau vẫn là điều mầu nhiệm chưa khám phá ra. Sự sống không do tự phát xuất ra và cũng không do chúng ta làm ra. Sự sống là ân đức, là quà tặng đến với và cho chúng ta. Chúng ta được quyền đón nhận sự sống và là người đón nhận sự sống.
1.2. Kinh nghiệm trong đời sống.
Không ai làm ra sự sống, nhưng chúng ta có kinh nghiệm nhiều ít, thành công hay thất bại, buồn hay vui, sung sướng hay đau khổ trong đời sống. Kinh nghiệm chúng ta thu lượm được trong đời sống. Chúng ta cũng không thể chế ra kinh nghiệm được. Và mỗi người có kinh nghiệm về đời sống khác nhau, dù cùng cảnh ngộ, cùng điều kiện vật lý… Kinh nghiệm chúng ta trải qua trong đời sống cũng là ân đức từ trời ban cho. Một người kể cho tôi nghe ngày sinh nhật thứ hai trong đời ông (không phải sinh nhật lúc hai tuổi!). Tôi ngạc nhiên hỏi lại: tại sao lại có tới hai ngày sinh nhật? Ông hân hoan thuật lại biến cố đó. Số là cách đây hai năm, đang trong bữa tiệc mừng con trai út người bạn mới thi đậu ra trường, bỗng dưng ông ngã lăn đùng ra giữa nhà nằm bất tỉnh…
Người ta đưa ông vào nhà thương cấp cứu. Sau hai ngày ông sống tỉnh dậy và sống khoẻ mạnh trở lại. Ông cho là đã được tái sinh lại lần thứ hai. Vì thế ông có hai ngày sinh nhật: ngày mở mắt chào đời khi xưa cách đây hơn năm mươi lăm năm, và ngày sống trở lại sau hai ngày trong hôn mê bất tỉnh, như được tái sinh! Còn nỗi vui mừng nào lớn hơn niềm vui được sống trở lại khỏe mạnh với mọi người! Ông không chế ra sự sống ngày tái sinh này. Nhưng ông đã đón nhận nó như món quà tặng, như ân đức từ trời cao. Nhà nghệ thuật, nhà nghiên cứu sau năm tháng miệt mài suy nghĩ, bỗng dưng trong tâm trí bừng lên ý tưởng mới. Thế là họ cặm cụi ghi chép lại và phát triển ra những bức họa, những bản nhạc hoà tấu, những cuốn sách, những công trình phát minh sáng chế nổi tiếng để đời cho hậu thế.
Ý tưởng mới bừng lên trong tâm trí cũng không do họ tự chế tạo ra, nhưng do được gợi hứng ban cho.
1.3. Sự sống cho con người, nhưng…
Chúng ta đón nhận sự sống, thu lượm kinh nghiệm trong đời sống, hoạch định cách sống hôm nay và ngày mai. Nhưng chúng ta không thể thu ngắn, kéo dài hay bằng cách nào đó biến đổi sự sống theo ý muốn mình được. Chúng ta không là chủ sự sống và không thể nắm giữ sự sống lại được. Quá trình sinh lão bệnh tử nói cho chúng ta điều đó. Và nào đã có ai là con người thoát khỏi quá trình này đâu? Sự sống được ban cho và sự sống có ngày được thu hồi về bởi Đấng là chủ là nguồn sự sống. Đó đây ngườ ta thường nói: Đời sống mỗi ngày mỗi khó khăn. Cuộc sống không còn đơn giản như xưa nữa. Điều kiện sống càng ngày càng phức tạp và tạo ra nhiều vấn đề…!
Con người chúng ta đón nhận sự sống và có bổn phận duy trì, xây dựng phát triển sự sống cho mình, cho gia đình, cho xã hội đất nước. Đó là điều quan trọng, nhưng đó chưa phải là tất cả. Qua việc làm, qua hoạch định hay qua những công trình đã xây dựng, chúng ta mới chỉ đạt được điều kiện, cách thế khắc phục những khó khăn trở ngại trong đời sống, cách xây dựng sự sống. Còn chính sự sống chúng ta không thể làm chế ra được. Sự sống là ân đức, là quà tặng và có giá trị cao qúi tuyệt đối hơn mọi công trình việc làm của con người. Vì sự sống được ban cho, chứ không do chế tạo làm ra. Con người có bổn phận kính trọng, gìn giữ bảo vệ sự sống. Thần Linh Thiên Chúa là sự sống và là Đấng ban sự sống.
2. Creator, Spiritus – Thần linh sáng tạo
Ngày nay khắp mọi người ta nói đến bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Các quốc gia kỹ nghệ tân tiến đưa ra những chương trình bảo vệ rừng núi, bảo vệ nguồn nước dưới lòng đất, bảo vệ đất đai mặt bằng, bảo vệ không khí trong lành, bảo vệ khí trời không bị nóng làm cho khi hậu đảo lộn, bảo vệ súc vật côn trùng… vì con người càng ngày càng nhận ra mức quan trọng của thiên nhiên cho sự sống còn của họ. Đó là nguồn tài nguyên, tài sản cho mọi thời đại mọi thế hệ. Thắc mắc đặt ra: Thiên nhiên cho con người hay con người cho thiên nhiên?
Cả hai vế đều đúng, đều quan trọng như nhau. Không có thiên nhiên làm sao con người có thể sinh sống được. Và nếu con người không nhận ra giá trị của thiên nhiên, không bảo vệ thiên nhiên, thì cuộc sống của những thế hệ kế tiếp sẽ ra sao? Con người có thể sống trong một môi trường thiên nhiên khô chồi, trơ trụi bị ô nhiễm khí độc hại hay bị khói cháy rừng bao phủ ngày đêm khắp bầu trời được không? Sức khoẻ thể xác và tinh thần của họ sẽ như thế nào nếu nguồn nước dưới lòng đất hay ngoài sông ngòi là một vũng ao tù xình lầy chứa đầy rác rưởi, phân tro hay đầy chất hoá học độc hại?
Thiên nhiên cho con người và con người cũng phải cho thiên nhiên! Nhưng nếu chỉ nghĩ đến việc bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên đã đủ chưa? Phải chăng thiên nhiên chỉ nguyên là môi trường sinh thái cho mọi loài? Phải chăng khi đưa ra chương trình cứu nguy bảo vệ môi trường sinh thái là đã cứu nguy được thiên nhiên, công trình sáng tạo rồi? Thiên nhiên đâu phải chỉ bao gồm dưới dạng tài nguyên không khí để thở, đất đai rừng núi nguồn nước cây cối, côn trùng sinh vật. Thiên nhiên hay thế giới chúng ta đang sống còn có chiều kích thánh thiêng tôn giáo nữa: Thiên nhiên, vũ trụ do Thiên Chúa tạo dựng cho con người (Sách Sáng thế 1, 1-2a).
Sự sống trong thiên nhiên là do Thần Linh Thiên Chúa tác dụng vào. Chính với sức sống này, con người tìm thấy ý nghĩa của đời sống. Nhận ra chỗ đứng của mình trong vũ trụ. Và vì thế con người sống trong đó, đâu phải chỉ nguyên có trách nhiệm với thiên nhiên không thôi đâu. Họ còn có bổn phận với Đấng là nguyên ủy của thiên nhiên. Môi trường sinh thái được trao vào tay con người. Họ được quyền xử dụng vào việc xây dựng cho phù hợp với hoàn cảnh sống; và môi trường sinh sống cũng có thể bị lợi dụng hay sử dụng vô trách nhiệm, khiến gây nên tình trạng phá huỷ ô nhiẽm môi sinh. Còn thiên nhiên là do Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá dựng nên ban cho như quê hương xứ sở, nơi sự sống Thần Linh của ngài tác dụng và đổi mới. Như thế con người không thể dùng thiên nhiên theo ý nghĩa xử dụng được.
Con người có bổn phận kính trọng thiên nhiên và họ luôn luôn khám phá ra những công trình sáng tạo mới trong đó. Những công trình này gây ngạc nhiên, mang lai hạnh phúc niềm vui, mang nguồn cảm hứng cho con người. Và vì thế phải biết cúi mình tạ ơn Đấng là chủ thiên nhiên, là chủ nguồn sự sống trong thiên nhiên. Thiên Chúa răn bảo con người: “Con không được phép giết hại!” (Sách xuất hành 20, 13; Đệ nhị luật 5,17). Ngài có ý nhắn nhủ con người:
Con chỉ là người quản lý thiên nhiên Cha trao cho. Nhưng không là chủ thiên nhiên.
Con phải kính trọng sự sống do Cha tạo dựng.
Con không được phá huỷ môi trường sinh thái của cây cối cùng súc vật trong đó.
Con không được coi trái đất này là sở hữu của riêng con.
Con không được vì quyền lợi riêng mình gây đau khổ cho các công trình sáng tạo của Cha trong thiên nhiên.
Khi kính trọng hay ngạc nhiên bỡ ngỡ những kỳ công, sự sống trong thiên nhiên, là nhận ra dâu vết Đấng là chủ, là nguồn sự sống, nguồn tình yêu của thiên nhiên: Đức Chúa Thánh thần. Bài thánh ca ngày lễ mừng kính Đức Chúa Thánh Thần mở đầu bằng câu: “Veni Creator, Spiritus – Xin Chúa Thánh Thần, Đấng sáng tạo, ngự xuống…” nói đến những hình ảnh về sáng tạo vũ trụ đã diễn tả trong Kinh thánh, nơi sách Sáng Thế ký.
Bài tường thuật về sự sáng tạo vũ trụ đã diễn tả, Thánh Thần Thiên Chúa bay lượn trên khoảng không hỗn độn đen tối, trên biển nước bao la. Thế giới vũ trụ, nơi chúng ta sinh sống, là công trình của Thần linh sáng tạo. Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống không chỉ là nguồn gốc khai sinh khởi đầu của Giáo Hội Chúa, nhưng còn là lễ của sự sáng tạo.
Thế giới vũ trụ không phải tự mình mà có. Nó có nguồn gốc khởi thủy từ Thánh Thần Thiên Chúa, do từ Lời sáng tạo của Thiên Chúa. Và như vậy, nó phản chiếu sự khôn ngoan của Ngài. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa, theo chiều trải rộng ra xa và bao gồm lý luận của những luật lệ, gợi hướng về Thần linh sáng tạo của Thiên Chúa. Nó nhắc nhở tới sự kính trọng, cho người tín hữu Chúa Giêsu Kitô tin vào Thần Linh sáng tạo. Nó nhắc nhớ họ nhận biết thế giới vũ trụ này, và những vật thể trong đó không phải là những vật dụng đơn giản của con người cùng ý muốn được phép sử dụng hay được phép lạm dụng. Chúng ta con người, không được phép nhìn công trình sáng tạo trong vũ trụ như một của riêng đã được ban cho để hủy hoại. Nhưng đó là khu vườn của Thiên Chúa cùng là khu vườn cho con người.
190. Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
NHỮNG NGƯỜI RAO GIẢNG TIN MỪNG ĐẦY THÁNH THẦN
Bốn mươi ngày sau Đại lễ Phục Sinh, Giáo hội long trọng cử hành mầu nhiệm cao cả Chúa về Trời, tiếp đến là cầu nguyện thiết tha: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; lạy Đấng an ủi tuyệt vời, xin ngự đến.
Giáo hội xin Ngài đến để làm gì? Thưa, để rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa cho lành nơi thương tích. Uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ trật đường… (Ca tiếp liên)..
Đúng 10 ngày sau khi Chúa về Trời, chúng ta cử hành lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống với niềm vui khôn tả, Ngài là Đấng mà Đức Giêsu đã hứa với chúng ta (x. Ga 16, 7). Ngài “hiện diện” trong lịch sử Giáo hội, và hành động không biết mệt mỏi. Giáo hội sẽ tiếp tục nói các thứ tiếng cho đến muôn đời, giao tiếp với hết mọi dân tộc trên toàn thế giới, và con người ở mọi nơi mọi thời sẽ còn tiếp tục sửng sốt và bỡ ngỡ, (x. Cv 2, 6), vì những người rao giảng Tin Mừng luôn đầy Thánh Thần. Khắp mọi nơi, người ta sẽ nghe thấy Giáo hội diễn tả cùng một Đức tin trong ngôn ngữ của chính dân tộc ấy (x. Cv 2, 6), và vì thế, phép lạ ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần sẽ luôn đồng hành với Giáo hội để Ngài tiếp tục làm nhiệm vụ đổi mới và canh tân. Thần Chân Lý đã “nhập thể” trong Hội Thánh. Như lời ca nhập lễ diễn tả: “Thánh Thần Chúa tràn ngâp địa cầu, liên kết hết mọi người, thông thạo mọi ngôn ngữ. Hallêluia.”
Sách Tông đồ Công vụ thuật lại: “Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói” (Cv 2, 4). Thật là một kỷ niệm tuyệt đẹp về ngày Chúa Thánh Thần trong ngày Ngài hiện xuống trên các thánh Tông đồ và những người qui tụ chung quanh họ, ngày mà chúng ta có lại được hồng ân vô giá mà mưu chước Quân Thù và sự yếu đuối của nhân loại đánh mất là phúc Thiên Đàng.
“Bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp” (Cv 2, 2).
Gioan Taulê (1300-1361), tu sĩ dòng Daminh ở Strasbour nói: Ngôi nhà, sách Tông đồ Công vụ nói ở đây tượng trưng trước hết cho Hội Thánh, nơi Thiên Chúa ngự, nhưng cũng là biểu tượng của mỗi người chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần ngự trị. Một ngôi nhà có nhiều tầng, nhiều phòng, nhiều công dụng, cũng như nơi con người có những khả năng, giác quan và nghị lực khác nhau, Chúa Thánh Thần viếng thăm tất cả cách đặc biệt. Khi Chúa Thánh Thần đến, Ngài nhào nặn, cổ vũ và gợi ý nơi con người một số khuynh hướng tốt, Ngài tác động và soi sáng họ. Cuộc viếng thăm và tác động nội tâm này, hết thảy mọi người đều được ơn không ai giống ai. Mặc dù Chúa Thánh Thần là Đấng duy nhất hoạt động nơi con người. (Trích bài giảng số 26, 2 ngày lễ Ngũ Tuần)
Chúa Thánh Thần ở nơi những con người có lòng ngay thật, cũng như bất cứ ai muốn trở nên dễ uốn nắn bởi Chúa Thánh Thần trong hòa bình và trật tự, người nào càng nhiệt tâm đón nhận, người ấy càng hiểu biết hơn về sự thể hiện nội tâm này và ngày càng gia tăng ơn của Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho con người ngay từ ban đầu.
Những “Hoa quả của Thần khí là: mến yêu, vui mừng, bình an, rộng rãi, tốt lành, lương thiện, tín trực” (Gal 5, 22).
Phải khẳng định rằng “Chúa Thánh Thần đến vì chúng ta. Ngài không chỉ đến “để ở với Giáo hội luôn mãi” (Ga 14, 16). Như lời Chúa Giêsu hứa: “Để Người ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Ngày hiện xuống, Chúa Thánh Thần còn đổ tràn đầy ân sủng và ơn đoàn sủng xuống trên Giáo hội thật phong phú dồi dào! Chúng ta đọc thấy trong sách Tông đồ Công vụ (…) Chúa Thánh Thần hiện xuống một cách hữu hình trên những người chịu phép rửa tội và làm cho họ ngập tràn niềm vui. Ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần hiện xuống một cách hữu hình trên các Tông đồ; kể từ ngày hôm đó, Giáo hội, Vương Quốc của Đức Giêsu lan rộng khắp địa cầu, chính Chúa Thánh Thần cùng với Chúa Cha và Chúa Con điều khiển Giáo hội. Bằng sự thánh thiện, Ngài kiện toàn nơi tâm hồn con người ngay từ lúc khởi đầu Ơn Cứu Chuộc. Thánh Tôma Aquinô nói: “Ngài là linh hồn của thân thể nhiệm mầu là Giáo hội ” (Tổng luận Thần học, I-II, q. 106, a. 1c.). Ngài ngự trong Giáo hội cách thường hằng, Ngài không ngừng trao ban sự sống và thánh hóa Giáo hội như lời Thánh Phaolô nói: “Vì Ngài lưu lại nơi các ngươi và ở trong các ngươi” (Ga 14, 17). Vì là Thần khí Sự Thật, “khi nào Ngài đến, Ngài sẽ hướng dẫn trong Chân Lý” (Ga 16, 13) và gìn giữ khỏi mọi sai lầm. Chính Ngài làm bừng lên trong Giáo hội sự phong phú siêu nhiêu: làm nảy sinh và triển nở những nhân đức anh hùng nơi tâm hồn các thánh trinh nữ; các thánh tử đạo, các thánh hiển tu, ẩn tu, đó là một trong những dấu chỉ sự thánh thiện. Tóm lại, Chúa Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn nhân thế; nhờ linh hứng trong Hội Thánh, nhờ máu châu báu của Đức Giêsu Kitô đổ ra ,” tinh tuyền, không vết nhơ, không tì ố” (Ep 5, 27), ngõ hầu tất chúng ta xứng đáng trình diện trước tòa Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu trong ngày thẩm phán.
Ðức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI nói: Đây là mầu nhiệm của Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí con người, và qua việc soi sáng cho họ biết về Chúa Kitô chịu đóng đinh, chết và đã sống lại, Chúa Thánh Thần chỉ cho biết con đường để trở nên giống Chúa hơn, nghĩa là trở nên “sự biểu lộ và phương thế” của tình yêu, một tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa (x. Thiên Chúa là Tình Yêu, số 33).
Cùng với Mẹ Maria và toàn thể các thánh trên Trời, chúng ta cùng cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin hãy đổ tràn xuống tâm hồn các tín hữu, và đốt lên trong họ ngọn lửa Tình Yêu Chúa trong lòng họ !” Amen.
191. Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
CHÚA THÁNH THẦN NGUYÊN LÝ SÁNG TẠO VÀ HIỆP NHẤT
(Suy niệm Lễ vọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – Ga 7,37-39)
Sau khi Chúa về Trời, Đức Maria đã cùng với Các Tông Đồ qui tụ trong nhà Tiệc Ly để cầu xin Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chúng ta cũng thế, trong Tuần Chín Ngày qua đã không ngớt cầu xin Ngài ngự đến.
Giờ đây chúng ta tự hỏi nhau: Hỏi Đức Chúa Thánh Thần là Đấng nào? Làm sao chúng ta có thể đón nhận Ngài? Ngài có thự sự cần thiết không và Ngài đến với chúng ta để làm gì?
Câu hỏi thứ nhất Sách Bổn Địa phận Hà Nội cho chúng ta câu trả lời vắn gọn khá rõ ràng: Đức Chúa Thánh Thần là Ngôi thứ Ba, cũng là Đức Chúa Trời thật (tr.51).
Chúa Thánh Thần là Đấng sáng tạo
Câu đầu tiên trong Thánh Thi Kinh Chiều của ngày lễ Ngũ Tuần có viết: “Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo…” làm cho chúng ta nhớ lại công cuộc tạo dựng vũ trụ thủa ban đầu, Thánh Thần Chúa bay lượn trên mặt nước trong cảnh hỗn mang (x. St 1,2).
Phải khẳng định rằng, thế giới chúng ta đang sống là cộng cuộc của Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo. Nên Lễ Ngũ Tuần không chỉ là nguồn gốc của Giáo hội, là lễ của Giáo hội. Nhưng Lễ Ngũ Tuần còn là lễ của tạo vật. Thế giới không tự mình hiện hữu; nhưng đến từ Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa, đến từ Lời có sức sáng tạo của Thiên Chúa. Và vì vậy, thế giới phản chiếu sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự việc tay Ngài làm” (Tv 19,2). Đức nguyên Giáo hoàng Benedicto nói: “Sự khôn ngoan này hé mở cho chúng ta thấy được điều gì đó về Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhìn tạo vật như là hồng ân được trao ban cho chúng ta, không phải để bị hủy diệt, nhưng để trở thành ngôi vườn của Thiên Chúa” (Trích bài giáo lý về Chúa Thánh Thần).
Theo mạc khải Cựu Ước, Thánh Thần là một trong những Tác Giả của vũ trụ vật chất. Thánh Thần tích cực lôi kéo vũ trụ ra khỏi tình trạng hỗn mang lúc ban đầu. “Đất trời trông không mông quạnh, và tối tăm trên mặt uông mang, và Thần Khí là là trên mặt nước” (St 1, 2). Trong mầu nhiệm tạo dựng con người. Thánh Thần là Đấng ban sự sống thể lý cho con người: “Chính hơi thở của Thiên Chúa đã làm ra tôi, khí Shadday đã cho tôi sự sống” (G 33, 4). Thánh Thần phục sinh kẻ chết về thể lý cũng như tinh thần. Người phục hồi sự sống cho những bộ xương khô, biểu tượng của sự chết: “Ta sẽ ban Thần Khí của Ta xuống trong các ngươi. Và các ngươi sẽ được sống” (Ed 37, l4). Thánh Thần, Đấng bảo tồn toàn thể sự sống trên trái đất. Khi Giavê Thiên Chúa rút hơi thở Người lại, thì không tạo vật nào còn sống: “Nếu Người chỉ nghĩ đến Người, nếu Người rút về làn khí hơi thở của Người, thì mọi xác phàm sẽ chết cùng một lúc, và con người sẽ trở về với cát bụi” (G 34, 14-15).
Chúa Thánh Thần là Ðấng Sáng Tạo, đến trợ giúp chúng ta. Ngài đã buớc vào trong lịch sử, và như thế, Ngài nói với chúng ta trong cách thức mới. Ngài đến gặp chúng ta qua tạo vật. Ngài là Tình Yêu, là sự hiệp nhất. Ngài mang đến cho chúng ta sự sống và sự tự do. Tất cả mọi tạo vật đều khao khát Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần là nguyên lý sự hiệp nhất
Nếu như tại Babel, sự ngạo mạn kiêu căng của con người nổi lên chống lại Thiên Chúa tự sức riêng của mình muốn “xây một thành với một cây tháp mà ngọn nó chạm tới trời” (x. St 11,4). Hậu quả của hành động đó là Thiên Chúa làm cho họ phân tán, bất đồng ngôn ngữ với nhau, khiến họ không thể hiểu nhau làm gì nữa. Thì Lễ Hiện Xuống, điều ngược lại đã xảy ra: nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ nói được ngôn ngữ mà tất cả mọi người thuộc các nền văn hóa nghe đều hiểu như tiếng thổ âm của mình (x. Cv 2,6). Mọi chia rẽ bất đồng được vượt thắng, không còn kiêu căng chống lại Thiên Chúa nữa, cũng không còn có sự khép kín đối với nhau, họ mở rộng lòng mình ra cho Thiên Chúa và tha nhân, giao thiệp với nhau bằng một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của tình yêu thương mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng họ nhờ Chúa Thánh Thần (x. Rm 5,5). Chúa Thánh Thần thúc đẩy họ làm điều thiện, an ủi họ trong cảnh sầu khổ, hoán cải nội tâm và trao ban sức mạnh và khả năng mới, dẫn đưa họ tới chân lý vẹn toàn, yêu thương và hiệp nhất.
Từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra
Thánh lễ vọng chiều nay đưa chúng về với Chúa Giêsu và chiêm ngắm Người vào ngày cuối cùng và trọng đại của dịp lễ, nghe Chúa giảng: “Ai khát hãy đến cùng Ta và uống; ai tin nơi Ta, thì như lời Thánh Kinh dạy: từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra như dòng sông” (Ga 7, 37-38). Người muốn nói điều ấy về Chúa Thánh Thần.
Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một cuộc thần hiện trong đó gió và lửa nhắc nhở chúng ta về tính siêu việt của Thiên Chúa. Sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, các môn đệ nói mà không sợ hãi. Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban xuống cho Giáo hội như là “nước hằng sống chảy ra như giòng sông” (Ga 7,38) vì nước ấy ở trong cung lòng của Thiên Chúa, cùng một lúc, chúng ta khám phá ra rằng, cũng trong Giáo hội, Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống thật. Thường chúng ta đề cập đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong phương diện cá nhân, tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay hiển nhiên cho thấy tác động Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn Kitô hữu: “Thánh Thần mà những kẻ tin Người sẽ lãnh lấy” (Ga 7,39). Thánh Thần duy nhất biến cộng đoàn thành một thân thể duy nhất, thân thể Chúa Kitô. Hơn nữa, Ngài là suối bẩy nguồn đa dạng về các ơn: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết và ơn thông minh, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn đạo đức và ơn kính sợ Chúa và tài năng như:tông đồ, làm tiên tri, nói tiếng mới lạ… làm cho mỗi người chúng ta trở nên phong phú và đa dạng.
Sự duy nhất là dấu chỉ rõ ràng về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn tín hữu. Điều quan trọng nhất của Giáo hội chính là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần Đấng ban sự sống. Với con mắt loài người nhìn vào Giáo hội, chúng ta không thể nhận ra sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Trong lời nguyện mở đầu của Thánh lễ vọng chiều nay, chúng ta cầu xin Chúa tuôn đổ Thánh Thần để “các dân tộc chia tuy ngôn ngữ bất đồng, được hiệp nhất cùng nhau mà tuyên xưng danh Chúa.” (Lời nguyện nhập lễ)
“Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin hãy đổ tràn xuống tâm hồn các tín hữu, và đốt lên trong họ ngọn lửa Tình Yêu Chúa!” Amen.
192. Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
SUY NIỆM THÁNH LỄ VỌNG (Ga 7,37-39)
Thánh lễ vọng chiều nay đưa chúng về với Chúa Giêsu và chiêm ngắm Người vào ngày cuối cùng và trọng đại của dịp lễ, nghe Chúa giảng: “Ai khát hãy đến cùng Ta và uống; ai tin nơi Ta, thì như lời Thánh Kinh dạy: từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra như dòng sông” (Ga 7, 37-38). Người muốn nói điều ấy về Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần là nguyên lý sự hiệp nhất
Nếu như tại Babel, sự ngạo mạn kiêu căng của con người nổi lên chống lại Thiên Chúa tự sức riêng của mình muốn “xây một thành với một cây tháp mà ngọn nó chạm tới trời” (x. St 11,4). Hậu quả của hành động đó là Thiên Chúa làm cho họ phân tán, bất đồng ngôn ngữ với nhau, khiến họ không thể hiểu nhau làm gì nữa. Thì Lễ Hiện Xuống, điều ngược lại đã xảy ra: nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ nói được ngôn ngữ mà tất cả mọi người thuộc các nền văn hóa nghe đều hiểu như tiếng thổ âm của mình (x. Cv 2,6). Mọi chia rẽ bất đồng được vượt thắng, không còn kiêu căng chống lại Thiên Chúa nữa, cũng không còn có sự khép kín đối với nhau, họ mở rộng lòng mình ra cho Thiên Chúa và tha nhân, giao thiệp với nhau bằng một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của tình yêu thương mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng họ nhờ Chúa Thánh Thần (x. Rm 5,5). Chúa Thánh Thần thúc đẩy họ làm điều thiện, an ủi họ trong cảnh sầu khổ, hoán cải nội tâm và trao ban sức mạnh và khả năng mới, dẫn đưa họ tới chân lý vẹn toàn, yêu thương và hiệp nhất.
Chúa Thánh Thần là Đấng sáng tạo
Câu đầu tiên trong Thánh Thi Kinh Chiều của ngày lễ Ngũ Tuần có viết: “Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo…” làm cho chúng ta nhớ lại công cuộc tạo dựng vũ trụ thủa ban đầu, Thánh Thần Chúa bay lượn trên mặt nước trong cảnh hỗn mang (x. St 1,2).
Phải khẳng định rằng, thế giới chúng ta đang sống là cộng cuộc của Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo. Nên Lễ Ngũ Tuần không chỉ là nguồn gốc của Giáo hội, là lễ của Giáo hội. Nhưng Lễ Ngũ Tuần còn là lễ của tạo vật. Thế giới không tự mình hiện hữu; nhưng đến từ Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa, đến từ Lời có sức sáng tạo của Thiên Chúa. Và vì vậy, thế giới phản chiếu sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự việc tay Ngài làm” (Tv 19,2). Đức nguyên Giáo hoàng Benedicto nói: “Sự khôn ngoan này hé mở cho chúng ta thấy được điều gì đó về Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhìn tạo vật như là hồng ân được trao ban cho chúng ta, không phải để bị hủy diệt, nhưng để trở thành ngôi vườn của Thiên Chúa” (Trích bài giáo lý về Chúa Thánh Thần).
Ðứng trước những hình thức khác nhau của việc lạm dụng trái đất, “mọi tạo vật đang rên siết trong cơn đau đớn như lúc sinh nở. Nhưng không phải chỉ tạo vật mà thôi đâu, mà cả chúng ta nữa, tức là những kẻ đã được hưởng của đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên rỉ trong mình chúng ta khi mong Thánh Thần nhận làm nghĩa tử, và cứu chuộc thân xác chúng ta”. (Rm 8,22-24)
Chúng ta tự hỏi: Chúa Thánh Thần là ai hay là gì? Làm sao chúng ta có thể nhận ra Ngài? Bằng cách nào, chúng ta đến với Ngài và Ngài đến với chúng ta? Ngài tác động điều chi? Câu trả lời cho câu hỏi Chúa Thánh Thần là gì, Ngài làm điều chi và làm sao chúng ta có thể nhận biết Ngài. Chúa Thánh Thần là Ðấng Sáng Tạo, đến trợ giúp chúng ta. Ngài đã buớc vào trong lịch sử, và như thế, Ngài nói với chúng ta trong cách thức mới. Ngài đến gặp chúng ta qua tạo vật. Ngài là Tình Yêu, là sự hiệp nhất. Ngài mang đến cho chúng ta sự sống và sự tự do. Tất cả mọi tạo vật đều khao khát Chúa Thánh Thần.
Từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra
Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một cuộc thần hiện trong đó gió và lửa nhắc nhở chúng ta về tính siêu việt của Thiên Chúa. Sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, các môn đệ nói mà không sợ hãi. Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban xuống cho Giáo hội như là “nước hằng sống chảy ra như giòng sông” (Ga 7,38) vì nước ấy ở trong cung lòng của Thiên Chúa, cùng một lúc, chúng ta khám phá ra rằng, cũng trong Giáo hội, Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống thật. Thường chúng ta đề cập đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong phương diện cá nhân, tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay hiển nhiên cho thấy tác động Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn Kitô hữu: “Thánh Thần mà những kẻ tin Người sẽ lãnh lấy” (Ga 7,39). Thánh Thần duy nhất biến cộng đoàn thành một thân thể duy nhất, thân thể Chúa Kitô. Hơn nữa, Ngài là suối bẩy nguồn đa dạng về các ơn: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết và ơn thông minh, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn đạo đức và ơn kính sợ Chúa và tài năng như: tông đồ, làm tiên tri, nói tiếng mới lạ… làm cho mỗi người chúng ta trở nên phong phú và đa dạng.
Sự duy nhất là dấu chỉ rõ ràng về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn tín hữu. Điều quan trọng nhất của Giáo hội chính là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần Đấng ban sự sống. Với con mắt loài người nhìn vào Giáo hội, chúng ta không thể nhận ra sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Trong lời nguyện mở đầu của Thánh lễ vọng chiều nay, chúng ta cầu xin Chúa tuôn đổ Thánh Thần để “các dân tộc chia tuy ngôn ngữ bất đồng, được hiệp nhất cùng nhau mà tuyên xưng danh Chúa.” (Lời nguyện nhập lễ)
“Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin hãy đổ tràn xuống tâm hồn các tín hữu, và đốt lên trong họ ngọn lửa Tình Yêu Chúa!” Amen.
193. Chúa Thánh Thần, Đấng Tác Sinh
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Năm mươi ngày ngày sau Đại lễ Phục Sinh, giờ đây Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống với niềm vui khôn tả, Chúa Thánh Thần chính là Đấng mà Đức Giêsu đã hứa với chúng ta (x: Ga 16, 7). Ngài “xuất hiện” trong lịch sử của Giáo hội, và hành động không biết mệt mỏi. Đến muôn đời, Giáo hội sẽ tiếp tục nói các thứ tiếng, vì Giáo hội không chỉ giao tiếp với một quốc gia nhưng với hết mọi dân tộc trên toàn thế giới. Khắp mọi nơi, người ta sẽ nghe thấy Giáo hội diễn tả cùng một Đức tin trong ngôn ngữ của chính dân tộc ấy, và vì thế, phép lạ ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần sẽ luôn đồng hành với Giáo hội để Ngài tiếp tục làm nhiệm vụ đổi mới và canh tân. Thần Chân Lý đã “nhập thể” trong Hội Thánh. Lời ca nhập lễ: Thánh Thần Chúa tràn ngâp địa cầu, liên kết hết mọi người, thông thạo mọi ngôn ngữ. Hallêluia.
* Bài đọc Phụng vụ
– Tđcv 2, 1-11: Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ
– Tv 104, 1: Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, để Ngài đổi mới mặt đất này!
– 1 Cr 12, 3-7; 12-13 hoặc Gal 5, 16-25: Thần Khí Đức Kitô làm cho hiệp nhất hoặc Hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta
– Ga 20, 19-23 hoặc Ga 15, 26-27; 16, 12-15: Đức Giêsu Phục Sinh trao ban Chúa Thánh Thần cho các Tông Đồ hoặc Thần Chân Lý sẽ hướng dẫn anh em
Sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại: “Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói.” (Tđcv 2,4.11)
Đây là một kỷ niệm tuyệt đẹp về ngày Chúa Thánh Thần được sai phái xuống trên các Tông Đồ và tất cả những người qui tụ chung quanh họ, ngày mà chúng có lại được hồng ân vô giá mà mưu chước Quân Thù và sự yếu đuối của nhân loại đánh mất là phúc Thiên Đàng…
“Bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp”. (Tđcv 2,2)
Gioan Taulê (1300-1361), tu sĩ dòng Daminh ở Strasbour nói: Ngôi nhà Sách Tông Đồ Công Vụ nói ở đây tượng trưng trước hết cho Hội Thánh, nơi Thiên Chúa ngự, nhưng cũng là biểu tượng của mỗi người chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần ngự trị. Một ngôi nhà có nhiều tầng, nhiều phòng, nhiều công dụng, cũng vậy nơi con người có những khả năng, giác quan và nghị lực khác nhau: Chúa Thánh Thần viếng thăm tất cả, cách đặc biệt. Khi Chúa Thánh Thần đến, Ngài nhào nặn, cổ vũ và gợi ý nơi con người một số khuynh hướng tốt, Ngài tác động và soi sáng họ. Cuộc viếng thăm và tác động nội tâm này, hết thảy mọi người đều được ơn không ai giống ai. Mặc dù Chúa Thánh Thần là Đấng duy nhất hoạt động nơi con người. (Trích bài giảng số 26, 2 ngày lễ Ngũ Tuần)
Chúa Thánh Thần ở nơi những con người có lòng ngay thật, cũng như bất cứ ai muốn trở nên dễ uốn nắn bởi Chúa Thánh Thần… trong hòa bình và trật tự… người nào càng nhiệt tâm đón nhận, người ấy càng hiểu biết hơn về sự thể hiện nội tâm này và ngày càng gia tăng ơn của Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho con người ngay từ ban đầu.
Những “Hoa quả của Thần khí là: mến yêu, vui mừng, bình an, rộng rãi, tốt lành, lương thiện, tín trực,” (Gal 5, 22)
Phải khẳng định rằng “Chúa Thánh Thần đến vì chúng ta. Ngài không chỉ đến “để ở với Giáo hội luôn mãi” (Ga 14, 16). Như lời Chúa Giêsu hứa: “Để Người ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Ngài còn đổ tràn đầy ân sủng và ơn đoàn sủng xuống trên Giáo hội thật phong phú dồi dào! Chúng ta đọc thấy trong sách Tông Đồ Công Vụ (…) Chúa Thánh Thần hiện xuống một cách hữu hình trên những người chịu phép rửa tội và làm cho họ ngập tràn niềm vui. Ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần hiện xuống một cách hữu hình trên các Tông Đồ; kể từ ngày hôm đó, Giáo hội lan rộng khắp địa cầu, Giáo hội là Vương Quốc của Đức Giêsu, chính Chúa Thánh Thần cùng với Chúa Cha và Chúa Con điều khiển Giáo hội. Bằng sự thánh thiện, Ngài kiện toàn nơi tâm hồn con người ngay từ lúc khởi đầu Ơn Cứu Chuộc. Ngài ở trong Giáo hội, Ngài là linh hồn của thân thể nhiệm mầu là Giáo hội (…) Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo hội cách thường ngày và vĩnh viễn, Ngài không ngừng trao ban sự sống và thánh hóa Giáo hội như lời Thánh Phaolô Tông Đồ nói: ” Vì Ngài lưu lại nơi các ngươi và ở trong các ngươi.” (Ga 14, 17). Vì là Thần khí Sự Thật, Đức Giêsu nói: khi nào Ngài đến, “Ngài sẽ hướng dẫn trong Chân Lý” (Ga 16, 13) Ngài sẽ đưa tất cả vào sự thật. Chính Ngài làm bừng lên trong Giáo hội sự phong phú siêu nhiêu: Ngài làm nảy sinh và triển nở những nhân đức anh hùng nơi tâm hồn cách thánh trinh nữ; các thánh tử đạo, các thánh hiển tu, ẩn tu, đó là một trong những dấu chỉ sự thánh thiện. Tóm lại, Chúa Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn nhân thế; nhờ linh hứng trong Hội Thánh, nhờ máu châu báu của Đức Giêsu Kitô đổ ra, “tinh tuyền, không vết nhơ, không tì ố” (Ep 5, 27), ngõ hầu tất chúng ta xứng đáng trình diện trước tòa Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu trong ngày thẩm phán”.
Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI nói: Đây là mầu nhiệm của Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí con người, và qua việc soi sáng cho họ biết về Chúa Kitô chịu đóng đinh chết và đã sống lại, Chúa Thánh Thần chỉ cho biết con đường để trở nên giống Chúa hơn, nghĩa là trở nên “sự biểu lộ và phương thế” của tình yêu, một tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa (x. Deus Caritas Est, số 33).
Cùng với Mẹ Maria và toàn thể các thánh trên Trời, chúng ta cùng cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin hãy đổ tràn xuống tâm hồn các tín hữu, và đốt lên trong họ ngọn lửa Tình Yêu Chúa trong lòng họ!” Amen.
194. Tất cả được tràn đầy Thánh Thần
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Trong suốt tuần chín ngày, chúng ta đã cầu xin tha thiết: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; lạy Đấng an ủi tuyệt vời, xin ngự đến.
Giáo hội xin Chúa Thánh Thần đến để làm gì? Thưa, Chúa Thánh Thần đến để rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa cho lành nơi thương tích. Uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ trật đường… (Ca tiếp liên).
Hôm nay ngày lễ Ngũ Tuần, ngày mà lời Chúa Giêsu hứa với các tông đồ được hoàn tất. “Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Dothái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông… thổi hơi trên các ông và nói: “Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga 20,22). Chúa Thánh Thần đã xuống trên các ông và ban đầy đủ các ơn cùng với các sự kiện bên ngoài.
Vì thế, chúng ta cử hành lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống với niềm vui khôn tả. Vui, vì có Chúa Thánh Thần, Giáo hội không bị mồ côi, có Chúa Thánh Thần, Giáo hội sẽ lĩnh hội được tất cả những gì Chúa Giêsu muốn, Chúa Thánh Thần là sức mạnh vô biên, là suối bẩy nguồn.
Giáo hội được Chúa Giêsu sai đến với mọi dân mọi nước và sẽ tiếp tục nói các thứ tiếng cho đến muôn đời, giao tiếp với hết mọi dân tộc trên toàn thế giới, và con người ở mọi nơi mọi thời sẽ còn tiếp tục sửng sốt và bỡ ngỡ, (x. Cv 2, 6), vì những người rao giảng Tin Mừng luôn đầy Thánh Thần. Khắp mọi nơi, người ta sẽ nghe thấy Giáo hội diễn tả cùng một Đức tin trong ngôn ngữ của chính dân tộc ấy (x. Cv 2, 6). Thế nên, phép lạ ngày lễ Ngũ Tuần, chứng tỏ Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với Giáo hội để tiếp tục làm nhiệm vụ canh tân mặt đấy đổi mới lòng trí con người và đổi mới lòng trí con người hôm nay. “Thánh Thần Chúa tràn ngâp địa cầu, liên kết hết mọi người, thông thạo mọi ngôn ngữ. Hallêluia.” Lời ca nhập lễ chứng tỏ Chúa Thánh Thần đã “nhập thể” trong Hội Thánh.
Điều gì đã xảy ra trong ngày xa xưa ấy, lúc các Tông Ðồ đang tụ họp với nhau ở tầng trên của phòng Tiệc Ly vậy?
Thưa: dấu hiệu đầu tiên là ” Tiếng động từ trời phát ra tựa như gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp” (x. Cv 2,1). Tiếng động bất thình lình phát ra và các lưỡi lửa chia ra đậu trên đầu từng Tông Ðồ là các dấu chỉ cụ thể đụng chạm tới các Tông Ðồ, không chỉ bề ngoài, nhưng cả trong nội tâm; trong tâm trí nữa. Kết quả là “tất cả đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói” (Cv 2, 4).
Ngọn lửa đó là ngọn lửa tình thương đốt cháy mọi cứng cỏi; ngôn ngữ đó là thứ ngôn ngữ mới, ngôn ngữ đại đồng của tình thương mà Chúa Thánh Thần đổ vào lòng các tín hữu (x. Rm 5,5); một ngôn ngữ mà tất cả mọi người đều hiểu, và khi tiếp nhận có thể được diễn tả ra trong mọi cuộc sống và mọi nền văn hóa. Ngôn ngữ ấy là thứ ngôn ngữ của Tin Mừng vượt qua mọi ranh giới do con người đặt ra và đánh động tâm hồn nhiều người, không phân biệt ngôn ngữ, chủng tộc, màu da, tiếng nói hay quốc tịch.
Trong một Thánh Thần, tất cả được chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thẻ. Vì khi Chúa Thánh Thần đến, Ngài nhào nặn, cổ vũ và khơi dậy nơi con người một số khuynh hướng tốt, Ngài tác động và soi sáng họ. Cuộc viếng thăm và tác động nội tâm này, hết thảy mọi người đều được ơn tùy theo lợi ích không ai giống ai. Có một Thánh Thần duy nhất hoạt động trong Hội Thánh, nên có nhiều chức vụ, công việc, những chỉ có một Thánh Thần điều khiển và hướng dẫn thể (x. 1 Cr 12, 3-7. 12-13).
Chúa Thánh Thần ở nơi những con người có lòng ngay thật, cũng như bất cứ ai muốn trở nên dễ uốn nắn bởi Chúa Thánh Thần trong hòa bình và trật tự. Người nào càng nhiệt tâm đón nhận, người ấy càng hiểu biết hơn về sự thể hiện nội tâm này và ngày càng gia tăng ơn của Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho con người ngay từ ban đầu.
Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý và tình thương nhắc nhớ chúng ta về tất cả những gì Chúa Kitô đã nói. Ngài dạy dỗ chúng ta và làm cho chúng ta nói với Thiên Chúa, gọi Chúa là Cha, là Abba (Xc Rm 8,15; Gl 4,4); đồng thời làm cho chúng ta đối thoại với nhau trong tình huynh đệ và ngôn sứ.
Chúa Thánh Thần là sức mạnh vô biên đã biển đổi các môn đệ từ những con người nhát đảm sợ sệt trở nên những nhà truyền giáo can đảm phi thường không sợ tù đày, tra tấn và cái chết, vì sức mạnh của Chúa Thánh Thần ở cùng họ. Có Chúa Thánh Thần, sự khép kín nhường chỗ cho sự loan báo và mọi nghi ngờ bị xua tan bằng niềm tin đầy tình thương mến. Bằng chứng là ngày lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô được tràn đầy Thánh Thần, đứng lên “cùng với mười một tông đồ… lớn tiếng” (Cv 2,14) và “thẳng thắn” (Cv 2, 29) loan báo tin vui của Chúa Giêsu, là Ðấng đã hiến mạng sống mình để cứu độ chúng ta và Thiên Chúa đã cho sống lại từ các kẻ chết.
Ngài là suối bẩy nguồn.Với vẻ bề ngoài, xem ra Chúa Thánh Thần tạo ra sự mất trật tự trong Giáo hội, bởi vì Ngài mang đến sự khác biệt các đặc sủng, các ơn; nhưng dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần là Thần Khí của hiệp nhất đã dẫn đưa tất cả tới sự hài hòa. Vì Chúa Thánh Thần “chính là sự hài hòa”.
Không có sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Giáo hội sẽ không thể sống và thực hiện nhiệm vụ mà Chúa Giêsu phục sinh đã giao phó, là ra đi và làm cho tất cả mọi dân tộc trở thành môn đệ.
Chúng ta hãy xin cùng Chúa Cha, nhờ qua Chúa Giêsu Kitô, trong ân sủng của Chúa Thánh Thần, ngõ hầu việc cử hành Lễ Trọng Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, được trở nên như ngọn lửa sốt mến và như luồng gió mạnh cho đời sống kitô hữu và cho sứ mạng của toàn thể Giáo Hội. Amen.
195. Những người rao giảng Tin Mừng đầy Thánh Thần
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; lạy Đấng an ủi tuyệt vời, xin ngự đến. (Ca tiếp liên)
Lời cầu nguyện trên đây được Giáo hội tha thiết dâng lên Thiên Chúa Cha cùng với Chúa Giêsu để Người đoái thương đổ tràn Thánh Thần xuống trên Giáo hội và trên mỗi người chúng ta.
Hồi tưởng lại thời điểm “sau khi Chúa Giêsu lên trời, Các Tông đồ xuống khỏi núi … trở về Giêrusalem… các ông lên lầu gác… Mọi người đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện, cùng với mấy người phụ nữ, và Bà Maria mẹ Chúa Giêsu, kiên trì cầu nguyện” (x. Cv 1, 12-14). Chuyện gì đã xảy ra khi họ đang cầu nguyện với nhau vậy? “Chính lúc tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên tưng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tùy theo Thánh Thần ban cho họ nói” (Cv 2, 4). Ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống cách uy phong trên các Tông đồ; sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới đã bắt đầu như thế. Chính Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho 11 Tông đồ khi yêu cầu các ngài hãy ở lại chung với nhau để chuẩn bị lãnh nhận hồng ân Chúa Thánh Thần. Và các ngài họp nhau trong kinh nguyện cùng với Mẹ Maria trong Phòng Tiệc Ly, để chờ biến cố Chúa đã hứa (x. CV 1,14). Họ đã làm như Chúa Giêsu truyền, và hết thảy được đầy Chúa Thánh Thần (x. Cv 2, 4).
Thật là một kỷ niệm tuyệt đẹp về ngày Chúa Thánh Thần được sai phái xuống trên các Tông đồ và tất cả những người qui tụ chung quanh họ, ngày mà chúng ta có lại được hồng ân vô giá mà mưu chước Quân Thù và sự yếu đuối của nhân loại đánh mất là phúc Thien Đàng.
Gioan Taulê (1300-1361), tu sĩ dòng Daminh ở Strasbour nói: “Nơi” mà sách Tông đồ Công vụ nói ở đây tượng trưng trước hết cho Hội Thánh, nơi Thiên Chúa ngự, nhưng cũng là biểu tượng của mỗi người chúng ta là đền thơ Chúa Thánh Thần ngự trị. Một ngôi nhà có nhiều tầng, nhiều phòng, nhiều công dụng, cũng như nơi con người có những khả năng, giác quan và nghị lực khác nhau, Chúa Thánh Thần viếng thăm tất cả cách đặc biệt. Khi Chúa Thánh Thần đến, Ngài nhào nặn, cổ vũ và gợi ý nơi con người một số khuynh hướng tốt, Ngài tác động và soi sáng họ. Cuộc viếng thăm và tác động nội tâm này, hết thảy mọi người đều được ơn không ai giống ai. Mặc dù Chua Thánh Thần là Đấng duy nhất hoạt động nơi con người. (Trích bài giảng số 26, 2 ngày lễ Ngũ Tuần)
Những “Hoa quả của Thần khí là: mến yêu, vui mừng, bình an, rộng rãi, tốt lành, lương thiện, tín trực” (Gal 5, 22).
Phải khẳng định rằng “Chúa Thánh Thần đến vì chúng ta. Ngài không chỉ đến “để ở với Giáo hội luôn mãi” (Ga 14, 16). Như lời Chúa Giêsu hứa: “Để Người ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Ngày hiện xuống, Chúa Thánh Thần còn đổ tràn đầy ân sủng và ơn đoàn sủng xuống trên Giáo hội thật phong phú dồi dào! Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI nói: Đây là mầu nhiệm của Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí con người, và qua việc soi sáng cho họ biết về Chúa Kitô chịu đóng đinh, chết và đã sống lại, Chúa Thánh Thần chỉ cho biết con đường để trở nên giống Chúa hơn, nghĩa là trở nên “sự biểu lộ và phương thế” của tình yêu, một tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa (x. Deus Caritas Est, số 33).
Khi nói đến tác động của Chúa Thánh Thần trên người rao giảng Tin Mừng, Đức Phanxicô viết: ” Những người rao giảng Tin Mừng đầy Thánh Thần có nghĩa là những nhà truyền giáo mở lòng ra với tác động của Chúa Thánh Thần mà không sợ hãi. Trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã làm cho các Tông Đồ ra khỏi chính mình và biến các ngài thành những người loan báo những việc cao cả của Thiên Chúa, mà mỗi thính giả bắt đầu hiểu theo ngôn ngữ riêng của mình. Chúa Thánh Thần cũng đổ vào chúng ta sức mạnh để loan báo sự mới mẻ của Tin Mừng với sự mạnh bạo lớn tiếng, ở mọi nơi và mọi lúc, ngay cả những lúc phải lội ngược dòng. Chúng ta hãy cầu khẩn Ngài hôm nay, để được thiết lập một cách vững chắc trên cầu nguyện, vì nếu không có cầu nguyện thì mọi hoạt động có nguy cơ trở thành trống rỗng và rốt cuộc lời rao giảng cung trở nên không có hồn. Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành những nhà truyền giáo loan báo Tin Mừng không chỉ bằng lời nói, nhưng trên hết, bằng một cuộc sống được sự hiện diện của Thiên Chúa biến đổi”. (Trích Tông Huan Niềm Vui Phúc Âm, số 259)
Đức Phanxicô còn nhấn mạnh: Chúa Thánh Thần là linh hồn của việc truyền giáo “Khi chúng ta nói rằng một điều gì có một “tinh thần”, thì thường ám chỉ một số động lực bên trong tạo ra một sự thúc đẩy, động cơ, khích lệ cùng làm cho các hành động cá nhân và cộng đồng có ý nghĩa. Một việc truyền giáo đầy Thánh Thần khác xa với một mớ những công tác bị coi như những nhiệm vụ nặng nề mà chúng ta chỉ đơn thuần phải làm, hoặc việc gì bị coi như mâu thuẫn với những xu hướng và ước muốn của chúng ta. Tôi rất ước ao tìm được những lời để cổ võ một mùa rao giảng Tin Mừng nhiệt thành, vui mừng, quảng đại, táo bạo, tràn đầy tình yêu cho đến cùng và một đời sống truyền cảm! Nhưng tôi biết rằng không có động lực nào có thể đủ nếu không có ngọn lửa của Chúa Thánh Thần đốt cháy trong lòng chúng ta. Cuối cùng, truyền giáo với tinh thần là truyền giao với Chúa Thánh Thần, vì Ngài là linh hồn của việc truyền giáo của Hội Thánh”. (Trích Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, số 261)
Cùng với Mẹ Maria và toàn thể các thánh trên Trời, chúng ta cùng cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin Ngài đến canh tân, lay động và thúc đẩy Hội Thánh mạnh dạn ra khỏi chính mình để rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc. Xin Ngài đến đổ tràn xuống tâm hồn các tín hữu, và đốt lên trong họ ngọn lưa Tình Yêu Chúa trong lòng họ!” Amen.
196. Việc làm cản trở Ơn Chúa Thánh Thần
(Suy niệm của Lm Trần Bình Trọng)
Có thể nói Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là ngày Sinh nhật của Giáo Hội và cũng là Giáo Hội chính thức lãnh sứ vụ rao giảng Tin mừng cứu độ. Trước ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ta thấy cái cảnh một môn đệ bán Thầy, môn đệ khác chối Thầy, số còn lại bỏ chạy trốn. Sau ngày Lễ Hiện Xuống, các tông đồ trở nên hăng say, làm chứng cho việc Chúa sống lại và rao giảng Tin mừng cứu độ, mà không còn sợ hãi. Vậy thì cái động lực nào đã khiến có sự thay đổi đó?
Sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại: Các tông đồ được đầy tràn Chúa Thánh Thần (Cv 2,4), và tiếp tục rao giảng Lời Chúa cách tự tin (Cv 4,31) và với quyền năng Chúa trao ban, họ làm chứng cho việc Chúa sống lại (Cv 4,33) và làm nhiều phép lạ cho người ta tin tưởng (Cv 5,12). Không những Chúa Thánh Thần biến đổi đời sống các tông đồ, mà còn biến đổi đời sống của những người nghe lời họ giảng dạy. Sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại: Tất cả mọi kẻ tin đều sống hòa hợp với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán tài sản gia nghiệp rồi phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu từng người (Cv 2,44-45). Hằng ngày họ hiệp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền th (Cv 4,33). Mỗi ngày Chúa cho gia tăng số những người được cứu rỗi (Cv 2,47). Có ngày thêm chừng năm ngàn người gia nhập đạo Chúa (Cv 4,4).
So sánh những hoạt động của Chúa Thánh Thần thời Giáo Hội sơ khai với thời nay, nhiều người tự hỏi: Tại sao Chúa Thánh Thần không làm những việc đại thể trong thời đại ta đang sống? Rồi họ kết luận: Thời đại ta đang sống không phải là thời đại Chúa Thánh Thần. Thiết tưởng hôm nay mỗi người phải loại trừ ra khỏi đầu óc cái quan niệm cho rằng thời đại ta đang sống không phải là thời đại Chúa Thánh Thần.
Trước hết không có chuyện bỏ rằng thời đại nọ là thời đại Chúa Thánh Thần, còn thời đại kia không phải là thời đại Chúa Thánh Thần. Cái thời đại mà người ta cho rằng không phải là thời đại Chúa Thánh Thần là tại người ta chứ không phải tại Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần bao giờ cũng hiện diện trong ta hay xung quanh ta. Nếu ơn Chúa Thánh Thần không thấm nhập vào tâm hồn ta là vì ta đã đóng cửa tâm hồn, không cho Chúa vào hoặc ta làm tắc nghẽn ơn Chúa Thánh Thần ở trong ta. Ta làm cho ơn Chúa Thánh Thần bị sa lầy bằng những chướng ngại vật trong đời sống như khi ta làm việc thờ phượng đạo đức một cách máy móc cho qua lần chiếu lệ. Ta làm bế tắc ơn Chúa Thánh Thần khi ta chỉ giữ những điều kiện tối thiểu của người Công giáo, khi ta tiếc rẻ thời giờ với Chúa, bủn xỉn và mặc cả với Chúa như: Lạy Chúa, nếu con theo đạo, nếu con làm việc tông đồ, đạo đức, nếu con thế nọ thế kia thì con sẽ được hưởng lợi gì trong đời sống?
Theo kinh nghiệm của những nhà dẫn đàng thiêng liêng thì Chúa không thích lối mặc cảm đó của loài người. Ta cứ làm cho Chúa cách quãng đại, Chúa sẽ bù đắp lại. Ta làm tắc nghẽn ơn Chúa Thánh Thần khi ta phân chia trái tim thành những ngăn ơ khác nhau như một ngăn dành cho công việc làm, một ngăn dành cho việc giải trí, một ngăn dành cho việc ăn uống, một ngăn dành cho việc ngủ nghỉ. Và những ngăn đó thì ta không cho Chúa vào. Còn cái ngăn nhỏ nhất cuối cùng, ta mới dành cho Chúa, cho việc thờ phượng và cầu nguyện. Một chướng ngại vật nữa làm cản trở ơn Chúa Thánh Thần là tính lười biếng, tham lam, ích kỷ, ghen tương, giận hờn, nói hành nói xấu, bỏ vạ cáo gian, bịa đặt, vu khống, khoe khoang, tự phụ…
Vậy để ơn Chúa Thánh Thần có thể tác động trong tâm hồn và đời sống, ta cần:
– Loại bỏ những chướng ngại vật trong tâm hồn.
– Mở nắp đậy để ơn Chúa khỏi bị tắc nghẽn mà tuôn trào vào tâm hồn.
– Khuấy động ơn Chúa Thánh Thần như khuấy một ly cà phê hay sinh tố để có thể uống chất bổ béo.
Ơn Chúa Thánh Thần có thể tác động tâm hồn bất cứ ai miễn là họ biết mở rộng tâm hồn đón nhận ơn Chúa và cộng tác với ơn Người. Và đó là chính lúc mà ta cảm nghiệm được thời đại Chúa Thánh Thần trong đời sống. Và nếu các thành phần trong Giáo Hội cũng làm như vậy thì ta sẽ có được thời đại Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội.
197. Suy niệm của Lm. Trần Bình Trọng
Thống hối để nhận ơn Chúa Thánh thần
Trong bữa tiệc ly Chúa Giêsu phán với các môn đệ: Thày ra đi, thì có ích lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thày không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thày đi, Thày sẽ sai Đấng ấy đến với anh em (Ga 16:7). Ta có thể tưởng tượng ra cái tâm trạng của các tông đồ sau khi Chúa về trời. Các ông phải cảm thấy cô dơn và lo sợ. Vì thế họ tụ họp nhau lại trong phòng đóng cửa kín mít, vì sợ người Do thái truy nã tố cáo. Và Mẹ Maria ở giữa họ và cầu nguyện với họ để xin Chúa Thánh thần hiện xuống.
Đọc Thánh kinh, ta thấy có một sự khác biệt nơi các tông đồ trước và sau ngày lễ Chúa Thánh thần hiện xuống. Trước lễ Chúa Thánh thần hiện xuống, người ta thấy cái tình trạng: một môn đệ bán thày, môn đệ khác chối Thày, số còn lại bỏ chạy trốn. Trong ngày lễ Chúa Thánh thần hiện xuống, các tông đồ đổi mới hẳn. Các ông hăng say rao giảng tin mừng cứu độ, làm chứng cho viêc Chúa sống lại, mà không còn sợ hãi. Ta tự hỏi có cái động lực nào đã khiến có sự thay đổi đó? Sách Tông đồ Công vụ ghi lại: Ai nấy đều được tràn đày ơn Thánh thần. Họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác lạ, tuỳ theo khả năng Thánh thần ban cho (Cv 2:4). Không những Chúa Thánh thần biến đổi đời sống các tông đồ mà còn biến đổi đời sống của những người nghe lời giảng dạy của họ.
Nếu có ai hỏi Chúa Thánh thần lài ai? Đa số ta sẽ được nghe câu trả lời là Ngôi Ba Thiên Chúa với hình chim bồ câu hoặc ngọn lửa. Ngưòi công giáo thường sao lãng việc tôn sùng Chúa Thánh thần. Ta có khuynh hướng lãng quên Ngôi Ba Thiên Chúa vì ta không ý thức được về quyền năng và hoạt động của Chúa Thánh thần. Các tông đồ đã nhận lấy ơn Chúa Thánh thần khi Chúa Giêsu hiện ra với các ông sau khi Người sống lại từ cõi chế. Còn trong ngày lễ Chúa Thánh thần hiện xuống các ông nhận lấy ơn Chúa Thánh thần cách đặc biệt hơn. Cũng một cách tương tự như vậy, người giáo hữu nhận lấy ơn Chúa Thánh thần trong khi chịu Phép rửa tội, nhưng trong ngày lễ Thêm sức, người giáo hữu nhận lấy ơn Chúa Thánh thần cách đặc biệt hơn. Sau khi chịu phép Thêm sức, nếu ta không biết khuấy động hoạt động của Chúa Thánh thần, ta sẽ không có kinh nghiệm về quyền năng của Người.
Có nhiều cách thế để làm cho ơn Chúa Thánh thần tác động trong đời sống. Đây là một cách để khơi động hoạt động của Chúa Thánh thần trong đời sống: đó là tâm tình ăn năn sám hối. Tâm tình ăn năn sám hối là điều kiện tiên quyết để mở lối cho ơn Chúa Thánh thần đến trong tâm hồn. Quan sát sơ, ta cũng thấy trong ly cà phê hay ly nước trái cây sinh tố, cái chất bổ béo thường đọng lại dưới đáy ly. Để có thể uống được chất bổ béo, ta phải khuấy lên. Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy. Sự hiện diện của Chúa Thánh thần được tiềm ẩn trong đáy lòng người tín hữu. Dùng tiếng bình dân ta có thể coi là Chúa Thánh thần ‘ngủ quên’ trong đời sống. Vì thế ta phải đánh thức Chúa Thánh thần dạy, nghĩa là phải khuấy động hoạt động của Chúa Thánh thần.
Trong ngày lễ Chúa Thánh thần hiện xuống, dân chúng hỏi các tông đồ: Chúng tôi phải làm gì? (Cv 2:37). Phêrô trả lời: Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh thần (Cv 2:38). Có những người đến bàn chuyện thiêng liêng với linh mục. Lúc đầu họ không coi những việc họ đã làm trong quá khứ là có tội. Khi họ nhận ra đó là tội, họ ăn năn khóc lóc thảm thiết với những giọt lệ sám hối. Sau khi họ nhận được ơn ăn năn hối cải, không ai bảo họ phải đi lễ thờ phượng, không ai phải thúc đẩy họ đọc kinh cầu nguyện, không ai bảo họ phải đọc Thánh kinh, không ai bảo họ phải làm việc từ thiện bác ái. Họ tự ý làm những việc ấy. Ước muốn của họ bây giời là muốn sống đời sống mới trong thánh thần với việc đ¨¢nh giá trị mới cho những giá trị trong đời sống, với việc họ khát khao cho nhu cầu thiêng liêng được toại nguyện, với việc họ xác tín về đức tin, với việc họ ước muốn phục vụ người khác. Cái bậc thang giá trị của họ trước kia là: giá trị vật chất, thứ đến là giá trị tinh thần rồi đến giá trị thiêng liêng. Bây giờ họ đổi ngược lại cái bậc thang giá trị. Họ đặt giá trị thiêng liêng lên hàng đầu, rồi đến giá trị tinh thần, và sau là giá trị vật chất.
198. Thánh Thần, khấn xin hiệp nhất chúng con
(Suy niệm của Lm. Trần Bình Trọng)
Khi chịu phép Thêm sức, người tín hữu học hỏi về Ngôi Ba Thiên Chúa, về ơn Chúa Thánh linh và những hoạt động của Chúa Thánh thần trong Giáo hội và trong đời sống người tín hữu. Giáo lý công giáo dạy có bảy ơn Chúa Thánh Thần là ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn thông thái, ơn đạo đức, và ơn kính sợ Thiên Chúa. Đó là những ơn căn bản cần thiết cho đời sống người Ki-tô giáo. Còn có những ơn khác nữa như ơn nhẫn nại, chịu đựng, ơn đơn sơ, hồn nhiên… Thánh Phao-lô trong Thư gửi tín hữu Cô-rin-tô giải thích là ơn Chúa Thánh thần không chỉ giới hạn nơi các tông đồ mà thôi, nhưng còn được tác động trong nhiều cách thế, nơi nhiều người khác nhau.
Ta thấy ơn Chúa Thánh thần tác động như thế nào trong đời sống của Giáo hội như Thánh Phao-lô chỉ dạy: Có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một thánh thần, có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa, có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa là Đấng hoàn thành mọi sự trong mọi người (1Cr 12:3). Như vậy tất cả các phần tử trong Giáo hội đều đóng những vai trò quan trọng khác nhau và thi hành những phận vụ khác nhau. Ơn Chúa Thanh thần ban cho mỗi phần tử khác nhau là để hợp nhất các phần tử. Và cái dấu chỉ của việc hoạt động tông đồ nhằm mục đích tìm kiếm vinh danh Chúa là cộng tác và ủng hộ hàng giáo sĩ ít là về phương diện tinh thần.
Công Đồng Va-ti-ca-nô II dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh thần đã làm sáng tỏ trong việc giáo huấn là tất cả mọi phần tử của Giáo hội đều được gọi để sống đời thánh thiện và làm chứng nhân của đức tin. Như vậy thì tất cả mọi người đều được gọi để đóng vai trò của mình trong việc hoạt động tông đồ của Giáo hội tuỳ theo khả năng và phương tiện có thể. Cũng như một thân thể có nhiều chi thể: tai, mắt, mũi, miệng, chân tay.. và mỗi chi thể có phận vụ khác nhau. Chi thể nọ cần đến chi thể kia để bổ túc cho nhau và để nhắm lợi ích cho toàn thân. Và cái dụng cụ Chúa dùng trong việc mở mang nước Chúa không chỉ tuỳ thuộc vào cái tài khéo, mưc độ học vấn, hay địa vị xã hội của mỗi người mà thôi, nhưng còn tuỳ thuộc vào quyền năng của Chúa với sự cộng tác của mỗi người với ơn Chúa.
Khi so sánh về những hoạt động của Chúa Thánh thần trong thời Giáo hội sơ khai với đời nay, một số giáo dân nghĩ rằng họ không có đủ tài năng và ân sủng để hoạt động tông đồ. Vì thế họ rút lui vào bóng tối, không muốn xuất đầu lộ diện làm việc tông đồ. Có những người khác nghĩ rằng họ yếu hèn và tộị lỗi nên không muốn hiến thân trong đời sống và thực hành đức tin. Lại có những người khác cho rằng họ phải được Chúa vỗ vai mời gọi làm việc phục vụ nước Chúa. Khi mà Chúa muốn để lại cái ấn tượng sâu xa về quyền năng của Người, Chúa không ngần ngại dùng những dấu hiệu đặc biệt cho ta nhận thấy. Tuy nhiên đối với đa số, thì đức tin đi vào đời sống ta được phát triển một cách từ từ khó nhận ra ngay. Nói cách khác là Thiên Chúa đi vào đời ta một cách âm thầm, lặng lẽ. Ngoài ra còn có những người tự hỏi tại sao Chúa Thánh thần không làm những việc lạ lùng vĩ đại trong thời đại ta đang sống? Để trả lời, ta cần nhận định là Thiên Chúa vẫn làm những công việc lạ lùng vĩ đại trong thời đại ta đang sống miễn là ta biết mở rộng tâm hồn và cộng tác với ơn Chúa và để Chúa làm chủ đời sống.
Khi để Chúa Thánh thần hoạt động trong con người và đời sống, ta sẽ không phân chia trí óc, trái tim thành những ngăn ô khác nhau: một ngăn dành cho công việc làm ăn, một ngăn cho việc giải trí, nghỉ ngơi, ngăn kia cho việc ăn uống… Và những ngăn đó thì ta không mời Chúa vào. Còn ngăn cuối cùng ta dành cho Chúa, cho việc thờ phượng và cầu nguyện. Để cho ơn Chúa Thánh thần có thể tác động trong đời sống, ta phải đem Chúa vào tất cả mọi ngăn ô và lãnh vực của cuộc sống. Đó chính là điều mà Thánh Phao-lô nói: Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, nhưng là Chúa Ki-tô sống trong tôi (Gl 2:20).