“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 20, 19-23).
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa.
Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Ra Đi – Tha Thứ ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Nguồn Nước Hằng Sống Tuôn Chảy & Sự Thật Toàn Vẹn Và Thần Khí Sự Thật Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Hãy Xin Thần Linh Chúa Sửa Dạy Chúng Con Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 8
Ngọn Lửa Thánh Linh Soi Chiếu Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 10
THƠ TIN MỪNG
Ra Đi Hạt Nắng Trg 12
Đổi Mới Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 13
Khát Vọng M. Madalena Hoa Ngâu Trg 14
Thần Khí Chúa Nắng Sài Gòn Trg 15
Xin Thánh Linh Biến Đổi A.P Mặc Trầm Cung Trg 16
Ra Đi – Tha Thứ
Khi nói về Chúa Thánh Thần, ta thường nghĩ đến bảy ơn Người ban qua bí tích Thêm Sức. Ta như người lãnh nhận một cách thụ động. Và những ơn Người ban chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống ta. Đó thực là một quan niệm sai lầm tai hại. Thực ra, Đức Chúa Thánh Thần là nguồn sự sống mãnh liệt, là sự trẻ trung của Giáo Hội, là năng lực đổi mới thế giới. Hãy đọc lại bài đọc I, ta sẽ thấy sức mạnh đổi mới của Người mãnh liệt như thế nào. Người như luồng gió cường tráng. Người như ngọn lửa bừng bừng. Luồng gió và ngọn lửa ấy đã khơi dậy nguồn năng lực tiềm ẩn nơi những bác thuyền chài thất học, biến họ thành những con người thay đổi thế giới. Nhận lãnh ơn Đức Chúa Thánh Thần là nhận lãnh sứ mạng hành động. Hôm nay, Chúa Giêsu tóm tắt sứ mạng hành động đó qua 2 nhiệm vụ: Ra đi và Tha thứ.
Nhiệm vụ thứ nhất mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là RA ĐI: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nhận lãnh Chúa Thánh Thần là được sai đi. Chúa Thánh Thần là sức mạnh hành động. Người không thể bị giam hãm trong những căn phòng đóng kín cửa. Người không ưa thích những tâm hồn khép kín trong ủ rũ điêu tàn. Người đến đâu là mở tung cửa nhà ra đến đấy. Mở ra để đón lấy những luồn gió mới tươi mát. Mở ra để đón nhận mọi người đến với mình. Và nhất là mở ra để mình đến với mọi người. Một cuộc sống không giao tiếp sẽ trở nên nghèo nàn, tàn lụi. Một tâm hồn chỉ quy hướng về bản thân sẽ chẳng khác một vũng ao tù, ô nhiễm. Ra đi sẽ giúp ta nên phong phú, mạnh mẽ. Ra đi không phải là lang thang không mục đích, nhưng là đi đến những địa chỉ Thánh Thần muốn gửi ta đến. Những địa chỉ Thánh Thần muốn ta đến đó là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19). Chúa Thánh Thần sẽ mở tung cánh cửa ích kỷ. Người sẽ phá tan cánh cửa hẹp hòi. Người sẽ củng cố những tâm hồn nhút nhát. Người sẽ quét sạch mọi lớp bụi bặm rêu phong. Người sẽ đổ tràn vào hồn ta nguồn nhựa sống mới giúp ta hăng hái lên đường.
Nhiệm vụ thứ hai mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là THA THỨ: “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha”. Tha thứ, hoà giải luôn là một vấn đề lớn của thế giới. Trên thế giới, những cuộc chiến tranh, chia rẽ, xung khắc xảy ra hầu như hằng ngày. Con người là bất toàn, nên sống chung là có bất đồng, xung khắc. Nếu cứ mỗi lần có xung khắc, ta loại trừ đi một người bạn, thì có lẽ cuối cùng ta sẽ chẳng còn người bạn nào. Người ta không thể sống một mình. Mỗi người đều cần đến người khác. Sống chung với nhau là một nhu cầu. Vì thế, việc tha thứ, hoà giải là vô cùng cần thiết. Hoà giải hệ tại ở hai động tác: xin lỗi và tha lỗi. Hai việc đều khó làm. Vì con người đầy tự ái. Dù biết mình lỡ lầm, nhưng ít có ai đủ can đảm nhận lỗi và xin lỗi. Xin lỗi đã khó, tha lỗi còn khó hơn. Chính vì thế, việc hoà giải cần rất nhiều ơn Chúa Thánh Thần, ở đây, ta phải nhìn vào Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô như tấm gương sáng chói. Người là tấm gương sáng về sự ra đi. Cuộc đời Người là một cuộc ra đi không biết mệt mỏi. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng Người vẫn lên đường đi đến với mọi dân tộc, mọi đất nước. Người tiếp xúc với tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, chính kiến, mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ. Người đi đến với cả những kẻ chống đối, bất hoà và thù nghịch với Người. Để chuẩn bị đón mừng Năm Thánh, Người đã làm một cử chỉ ngoạn mục chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội. Đó là Người công khai nhìn nhận những lỗi lầm của Giáo Hội để xin mọi người tha thứ. Đây quả là một hoạt động của Chúa Thánh Thần để thanh tẩy Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã được ơn Chúa Thánh Thần nên đã ra đi làm hoà với mọi người. Chính cử chỉ khiêm nhường ấy đã giúp đổi mới Giáo Hội, đem đến cho Giáo Hội một khuôn mặt mới trẻ trung hơn, một sức sống mới dồi dào hơn, một phong cách hiện diện mới dễ thương dễ mến hơn.
Ta hãy biết noi gương Đức Thánh Cha. Hãy biết ra đi, không chỉ là đi hành hương viếng nhà thờ để lãnh ơn toàn xá, nhưng còn là ra đi đến với những người bé nhỏ, nghèo hèn, những người bị bỏ rơi, những người kém may mắn ở đời, những người ta không ưa thích, những người chống đối ta, cả những người làm hại ta nữa. Nhất là hãy gieo rắc sự tha thứ. Tha thứ cho anh em để anh em cũng tha thứ cho ta, để chúng ta xứng đáng trở thành con Thiên Chúa. Đức Chúa Thánh Thần muốn đổi mới Giáo Hội. Nhưng việc đổi mới phải bắt đầu từ mỗi tâm hồn. Đức Chúa Thánh Thần sẽ canh tân bộ mặt thế giới, nhưng việc canh tân phải khởi đi từ mỗi con người. Ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhân ơn Chúa Thánh Thần và hăng hái cộng tác với chương trình của Người.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đổi mới tâm hồn con.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Đức Chúa Thánh Thần mời gọi bạn ra đi đến với người khác. Bạn có thường đi thăm viếng những người nghèo hèn, nhất là những người bạn không có cảm tình không?
2- Bạn có muốn tha thứ, làm hoà với người khác không? Bạn đã có cố gắng nào để làm hoà trong Năm Thánh?
3- Bạn nghĩ gì về việc Đức Thánh Cha xin lỗi?
4- Bạn có sẵn sàng để Đức Chúa Thánh Thần biến đổi bạn không?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Lễ Vọng
Nguồn Nước Hằng Sống Tuôn Chảy
Vào ngày bế mạc tuần Lễ Lều, ngày mừng long trọng nhất, một đám rước đi đến hồ nước Silôác để lấy nước theo nghi lễ, đó chính là dịp để Đức Giêsu loan báo về ‘ân huệ’ Thiên Chúa ban các tín hữu, đó là ‘nước hằng sống’: “Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Xem chú giải Ga 7:33… của Christian Community Bible). Tuy nhiên, để nắm bắt được nội dung và ý nghĩa của lời tuyên bố này, ta cần nghiên cứu sâu rộng thêm nữa. Người Do Thái biết và hiểu ra ngay, lời đó ám chỉ điều mà ngôn sứ Isaia đã muốn nói tới trong Is 58:11, nhưng cách nói và bối cảnh nói thì họ ngầm hiểu Người đang muốn đề cập tới một điều gì đó có tầm quan trọng vô cùng lớn lao.
Ngay từ khởi thủy, khi trời đất mới được tạo thành, sách ‘Khởi Nguyên’ đã ghi nhận: “Thần khí của Đức Chúa ngập tràn cõi đất” (Kn 1:7). Thần khí lúc đó, theo cách hiểu của Cựu Ước, chính là sức sống mà Thiên Chúa tuôn đổ trên vạn vật. Sau này khi ‘thần khí’ được hiểu như sức mạnh hay uy lực đặc biệt mà Đức Chúa thông ban cho một số ít người, thì câu trên được hiểu là thời đại nào Thiên Chúa cũng cho xuất hiện các ngôn sứ, các bậc anh hùng kỳ tài; nói cách khác, thần khí Chúa luôn tác động nơi những tâm hồn ngay chính và được chọn lọc. Khi sức dầu phong Saun làm vua, ngôn sứ Samuen đã nói với ông: “Bấy giờ thần khí Đức Chúa sẽ nhập vào ông, ông sẽ lên cơn xuất thần ngôn sứ cùng với họ, và ông sẽ biến thành một người khác” (1Sm 10:6). Chính trong cách hiểu đó mà Môsê đã từng mơ ước sẽ tới một ngày “Đức Chúa ban thần khí của Người trên toàn toàn dân của Người, để họ đều là ngôn sứ, vì Đức Chúa đã ban thần khí của Người trên họ” (Ds 11:29). Thần khí theo nội dung này vẫn luôn hoạt động cho tới ngày hôm nay trên toàn thế giới, nơi mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa và truyền thống khác nhau… trong tất cả mọi lãnh vực như kinh tế, nghệ thuật, chính trị, khoa học v.v… chứ không chỉ trên lãnh vực tôn giáo.
Thế còn Thần Khí của Đức Kitô mà Kitô hữu vẫn quen gọi là Chúa Thánh Thần thì sao? Người được ban cho ai, và ai mới là người có khả năng đón nhận? Sau nữa, để đón nhận được Người ta cần có các điều kiện nào? Nếu trả lời được các vấn nạn trên tức là ta đang xác lập cho mình nền móng vững chắc của đời sống Kitô hữu vậy! Trước hết ta hãy nghe tác giả Gioan khẳng định: “Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh”. Qua câu nói trên Gioan rõ ràng đang đưa ra lời giải đáp dứt khoát cho các vấn nạn trên.
Thần Khí này được ban cho những ai, và ai mới là người có khả năng đón nhận? – Thưa cho tất cả những ai đặt niềm tin vào Đức Kitô Giêsu Cứu Chúa. Kitô hữu chúng ta biết rằng Thần Khí được ban sau khi Ngôi Lời – Con Thiên Chúa xuất hiện; và cũng như Ngôi Lời đến với tất cả mọi người thì mọi người cũng sẽ được thông ban Thần Khí của Người. Nói như thế có nghĩa là: bất cứ Kitô hữu nào cũng có thể đón nhận Thần Khí, chỉ vì họ đã đón nhận Lời. Thế nhưng Lời Chúa không được hiểu như những lời dạy dỗ được viết ra trong các Sách Thánh hay luật lệ Giáo Hội, mà Lời đây là chính Đức Kitô – Ngôi Lời mạc khải tình yêu của Chúa Cha. Ai tiếp nhận Lời đó mới có tư thế đón nhận Thần Khí của Lời, vì Thần Khí chính là mạc khải và tín thác vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa là Cha trong Đức Kitô. Theo nội dung này thì Thần Khí chỉ có thể được ban cho các Kitô hữu – mọi Kitô hữu, vì họ là những người duy nhất trên trần gian đón nhận Lời tình yêu cứu độ.
Trong điều kiện nào ta mới có thể đón nhận Thần Khí? – Thưa Gioan khẳng định: “thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần khí”. Điều đó có nghĩa là: cho tới lúc đó ngay cả các môn đệ và nhóm mười hai đi theo Chúa vẫn chưa ai nhận được Thần Khí, chính xác hơn, chưa ai có khả năng đón nhận vì chẳng ai hội đủ điều kiện. Và lý do là: “… vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh”. Vậy thì khi nào thì Người mới được tôn vinh? – Về vấn nạn này thì đoạn văn Ga 11:20-33 đã cống hiến cho ta lời giải đáp từ cửa miệng của chính Đức Giêsu; Người gọi giờ phút tiến lên nhận lấy cái chết Thập Giá là “giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 13:31-32), và không riêng Người, đó cũng là giờ mà cả Chúa Cha từ nhân cũng được tôn vinh nữa. Có lẽ chính vì thế mà chỉ sau khi đã sống lại, trong lần hiện ra đầu tiên với các môn đệ, Người mới “thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận Thánh Thần” (Ga 20:22). Phần trao ban là như thế, còn phần các môn đệ đón nhận thì sao? Trong dịp lễ Ngũ Tuần sau khi Người về trời, các ông mới ‘được giác ngộ’ về sự tôn vinh Thập Giá nhờ hiệp ý với nhau cầu nguyện cùng với thân mẫu Đức Giêsu; và chỉ lúc đó Thánh Thần mới thật sự được ban cho các ông (Cv 1:12-14; 2:1-4).
Đối với Kitô hữu chúng ta thì, ngày Rửa Tội phải chính là ngày ‘được giác ngộ’ để khởi sự tôn vinh Đức Kitô Thập Giá và Chúa Cha nhân lành trong cuộc sống mình! Chính vì thế mà Hội Thánh ngay từ thuở ban đầu, đã luôn coi Phép Rửa là thời điểm trao ban và lãnh nhận Thánh Thần (điển hình, xin tham khảo Công Vụ Các Tông Đồ chương 10 về việc Phêrô ban Phép Rửa cho gia đình Cọcnêliô, và chương 9 về việc Phaolô lãnh Phép Rửa sau khi trở lại). Tuy nhiên không phải cứ lãnh Phép Rửa cách máy móc là được trao ban Thần Khí đâu, mà chỉ khi nào ta thật sự tôn vinh Đức Kitô Thập Giá trong đời sống mình, lúc đó ta mới thật sự lãnh nhận. Thần Khí lúc đó mới đích thực là sức mạnh cứu rỗi của Thiên Chúa nhân hậu được ban cho từng người chúng ta.
Như Môsê, hôm nay tôi cũng có quyền mơ tới một ngày, khi ‘Đức Kitô tuôn ban Thần Khí của Người trên toàn thể Kitô hữu từng người một, để họ trở thành chứng nhân tình yêu nhân ái, vì Đức Kitô Thập Giá đã ban Thần Khí của Người khi họ lãnh nhận Phép Rửa nhân danh Người’, như thế cũng có nghĩa là, tôi mơ ước mọi người sẽ biết tôn vinh Đức Kitô thập giá trong đời sống mình, và nhận biết tình yêu của Người đối với mình.
Lạy Thánh Thần của Đức Kitô tự hiến trên Thập Giá, xin cho con biết không ngừng tôn vinh Thập Giá Đức Kitô trong cuộc sống, để con hội đủ điều kiện lãnh nhận Thần Khí Chúa cách trọn vẹn hơn, đồng thời cũng có khả năng cộng tác với Người để trở nên chứng nhân tình yêu nhân ái của Chúa cho hết mọi người con gặp gỡ. Xin biến đổi con thành con người Thần Khí khi nhìn nhận tình yêu Chúa đổ chan hòa trên con. Amen
Đại Lễ
Sự Thật Toàn Vẹn Và Thần Khí Sự Thật
Tôi vẫn thường thắc mắc về ý nghĩa hay nội dung đích thực của điển ngữ ‘sự thật toàn vẹn’. Nhiều bản văn Thánh Kinh Anh ngữ dùng các từ ‘all truth, whole truth, all the truth’ để dịch từ ‘aletheia pase’ tiếng Hy Lạp. Đối với tôi, vấn đề chính ở đây là xác định được nội dung của ‘sự thật’ hay ‘chân lý’ mà Đức Giêsu nhiều lần đề cập tới, thậm chí có lúc còn tự đồng hóa mình với aletheia nữa (xem Ga 14:6). Nói như thế, vì tôn giáo nào cũng thường cho mình là dạy dỗ sự thật, hoặc thủ đắc chân lý duy nhất đúng, rồi đề ra cả một hệ thống thuyết giáo phức tạp để quảng diễn chân lý đó; trong lãnh vực này, thiết tưởng đạo Công giáo chúng ta cũng không là ngoại lệ.
Thế nhưng nếu như có thứ chân lý của hiểu biết, thì cũng có chân lý hay sự thật của cứu rỗi; chính Đức Giêsu đã từng khẳng định rằng: có sự thật giải thoát và có chân lý thánh hóa’ (Ga 4:22; 17:17-19). Trong cuộc đối đáp giữa Đức Giêsu với Philatô, thuật ngữ ‘sự thật’ đã được hai người hiểu theo hai nghĩa rất khác nhau là thế. Như vậy rõ ràng: ‘chân lý toàn vẹn’ không thể chỉ là hiểu biết, mà phải là ‘sự thật cứu rỗi’. Khi tuyên bố với các kỳ mục trong Hội Thánh Êphêxô rằng: ông đã rao giảng cho họ ‘tất cả ý định của Thiên Chúa’, Phaolô chỉ đơn thuần khẳng định ông rao truyền cho họ tất cả những hiểu biết cần thiết để tiến tới ơn cứu độ (Cv 20:17-35). Ông cũng nói với các tín hữu Côrintô: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu… mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì!” (1 Cr 13:2). Như vậy đức mến mà ông đề cập tới chính là sự thật cứu rỗi!
“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi”.
Có điều gì mà các môn đệ không chịu nổi hay chậm hiểu, tôi tự hỏi? Các lý luận thần học hay các tín lý trong đạo chăng? Đương nhiên là mấy ông môn đệ đó khó mà kham nổi…, nhưng thiết tưởng Đức Giêsu đâu có đòi nơi những người bình dân chất phác như các ông điều này! Đơn giản tất cả các ông đều đang đi tìm sự cứu rỗi cho bản thân mình và cho toàn dân Israel. Tuy nhiên cũng như phần đa các người Do Thái khác, các ông cho rằng: sự cứu rỗi rõ ràng hệ tại ở việc tuân giữ lề luật. Thực hiện Giao Ước với Đức Chúa Giavê là con đường duy nhất dẫn tới giải thoát, cả về mặt chính trị lẫn thiêng liêng. Vấn đề ở đây là: làm sao các ông chịu hiểu ra rằng: sự cứu rỗi và giải thoát duy nhất phải tới từ Đức Kitô, từ cuộc tử nạn của Người, vì qua đó Thiên Chúa mới biểu lộ được cách trọn vẹn tình yêu và lòng nhân ái?
Rõ ràng là khi giáo huấn các môn đệ bằng các dụ ngôn và lời giảng dạy, Đức Giêsu đã cố giải thích cho các ông hiểu nội dung cứu rỗi này. Thế nhưng Người cũng thừa hiểu rằng: thực hiện trước mắt các ông biến cố cứu rỗi qua tử nạn Thập Giá Người chịu là điều còn quan trọng hơn rất nhiều. Thứ tới, trong suốt thời gian sau khi đã sống lại, Người vẫn không ngừng giải thích cho các ông hiểu sự thật giải thoát này hệ tại ở điều gì. Về điều này có vẻ như các ông vẫn chưa thấm; đúng là các ông không có sức chịu nổi! Và các ông sẽ chẳng bao giờ chịu nổi, bao lâu còn bị truyền thống xã hội và tôn giáo ngàn năm bủa vây; do đó Đức Giêsu thấy cần phải “sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha… một Đấng Bảo Trợ”. Công việc chính của Đấng này là ‘làm chứng về Thầy’, là làm cho Đức Giêsu được nhận biết, qua cuộc vượt qua Thập Giá và Phục Sinh của Người. Cuộc Vượt Qua này là dấu chỉ chân thực nhất của mạc khải vĩ đại: ‘Thiên Chúa đã yêu thế gian tới nỗi đã ban Con Một Người…’ (Ga 3:16).
Như vậy ‘sự thật toàn vẹn – all truth – aletheia pase’ rõ ràng phải là sự thật cứu rỗi và giải thoát, sự thật yêu mến chứ không chỉ là sự thật hiểu biết suy tư. Và sự thật này thì chỉ Thần Khí Chúa mới ‘dẫn’ tới được! Phaolô từng khẳng định với các Kitô hữu gốc Do Thái đang sinh sống tại Rôma rằng: không có Thần Khí này, họ vẫn chỉ là ‘nô lệ và phải sợ sệt như xưa’; nhưng một khi lãnh nhận Thần Khí, “Anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên Abba! Cha ơi!” (Rm 8:14-17). Chính vì thế mà Đức Giêsu gọi Chúa Thánh Thần là: ‘Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha’ (Ga 15:26). Công việc của Thánh Thần không chỉ là dạy dỗ các tín hữu biết mọi lẽ đạo, mà phải là ‘làm chứng về Thầy…’, và ‘cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu’.
Thần học hay giáo lý, chủ yếu vẫn là công việc của trí tuệ và hiểu biết của con người. Tuy nhiên điều mà cá nhân tôi cũng như mọi Kitô hữu thực sự cần là: ‘sự thật toàn vẹn’, sự thật có sức cứu rỗi và giải thoát. Vì thế: sống Thánh Thần liên tục phải là điều kiện thiết yếu để tôi vun trồng niềm tin yêu vào Thiên Chúa cứu độ trong Đức Kitô Giêsu, vì Người là tác nhân biến đời tôi thành nhân chứng sống động của tình yêu nhân hậu đó. Vì từng là một linh mục của thần học và trí tuệ nên tôi càng có khuynh hướng coi sự thật chỉ đơn thuần là hiểu biết và suy luận; chính vì thế mà tôi càng phải xác tín về ‘sự thật cứu rỗi’ này, và nhận ra sự cần thiết tuyệt đối của nó nhất là cho chính mình.
Lạy Đấng Bảo trợ là Thánh Thần Thiên Chúa đang hiện diện nơi thẳm sâu cõi lòng con, xin không ngừng dẫn con tới ‘sự thật toàn vẹn’ mà rất nhiều khi con bị trí tuệ làm cho quên lãng. Trong mọi hoàn cảnh, nhất là giữa những thử thách yếu đuối và sa ngã, xin hãy cứ tiếp tục ‘rên siết khôn tả’ trong con (Rm 8:26), cho tới khi con dám chân thành mở miệng thốt lên từ đáy lòng mình: ‘Abba! Cha ơi!’ Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Hãy Xin Thần Linh Chúa Sửa Dạy Chúng Con
Hôm nay lễ Chúa Thánh Thần có thể gọi là ngày khai sinh của Hội Thánh. Nhờ sự soi sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh đã ký giao ước mới với Chúa Giêsu để từ đây ra đi làm chứng cho Chúa phục sinh trong Giáo Hội Công Giáo khởi đi từ các thánh Tông đồ và cho đến tận cùng thế giới.
Nhờ lời rao giảng của các tông đồ: họ lãnh nhận phép rửa tội, được nhận lãnh Thánh Thần, làm thành Giáo Hội sống dưới sự lãnh đạo duy nhất của các Tông Đồ: ”Các con hãy lãnh nhận Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, các con cầm tội ai, tội người ấy bị cầm lại”(Ga 20, 22-23).
Cũng chính nhờ Chúa Thánh Thần mà Giáo Hội qua muôn thế hệ vẫn luôn đứng vững dù có lúc gặp phong ba bão tố, gặp thử thách lớn lao. Vì Giáo Hội luôn có bàn tay Chúa Thánh Thần dẫn dắt, phù trợ giúp Giáo Hội vượt qua phong ba.
Ở Việt Nam hôm nay đức tin của nhiều người cũng chao đảo bởi những giáo thuyết sai lạc như Sứ Điệp Từ Trời, hay Nhóm Trừ quỷ Bảo Lộc đã dẫn đến hệ lụy nhiều người u mê để tin theo, trong đó có linh mục, tu sĩ và giáo dân. Điểm chung của những người này là kiêu căng, ngạo nghễ luôn xem mình là đạo đức và xem thường bề trên. Thậm chí với nhóm sứ điệp từ trời còn xem Đức Giáo hoàng Phanxicô là ngụy giáo hoàng và xuyên tạc nhiều tin đồn thất thiệt.
Thế nên, hôm nay lễ Chúa Thánh Thần chúng ta hãy xin Ngài cho chúng ta hiểu được chân lý, những cái đúng, cái sai để khắc phục và sửa đổi cho phù hợp với giáo lý đức tin tinh tuyền của Hội Thánh.
Thứ nhất là nhóm Sứ Điệp Từ Trời, tuy không còn công khai nhưng hiện nay đang ẩn núp dưới danh nghĩa Hội Mân Côi để âm thầm phát tán lời đe dọa tận thế, lời phân tán giữa chủ chiên và đàn chiên nơi các giáo xứ.
Sứ điệp từ trời này do một người có tên là Maria Divine Mercy [Maria của Lòng Chúa Thương Xót]. Người này tự cho mình là ngôn sứ của Chúa Giêsu. Nhưng lời của người này chỉ loan báo về sự diệt vong và gây chia rẽ thù hận dựa trên vài câu được trích trong sách Đaniel và sách Khải Huyền nói về ngày Quang Lâm.
Thứ Hai là Nhóm trừ quỷ Bảo Lộc. Ở đây chúng ta không bàn tới trừ quỷ. Vì chính Chúa Giêsu từng nói “muốn trừ quỷ thì phải ăn chay cầu nguyện thì mới có thể trừ được chúng”. Thế nên, những ai được chỉ định hay tự nguyện trừ quỷ phải hy sinh, phải chay tịnh nhiều lắm, và phải cầu nguyện thì mới có sức mạnh của Chúa để đẩy lùi sự dữ. Tôi rất hoan nghênh sự hy sinh chay tịnh của họ. Điều đáng buồn là nhóm này đã làm chứng về lời Chúa Cha nói qua chị Thiên Thương một cách mơ hồ và không có kiểm chứng. Điều này cũng nghịch lại với đức tin Công giáo là chỉ duy nhất một mình Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, là lời mạc khải duy nhất về Chúa Cha, ngoài ra không ai biết Chúa Cha như thế nào?
Điểm chung của hai nhóm này là thiếu sự hiệp nhất trong vâng phục quyền bính Giáo Hội. Thật không thể hiểu nổi một người Công giáo vẫn đọc Kinh Tin Kính mà lại chống lại chính điều mình tuyên xưng, đó là: một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”, điều mà chính Đức Giêsu đã trao ban cho Tông đồ Phêrô, các Đấng kế vị Phêrô.
Ngày thứ sáu Tuần Thánh năm 2021 các rạp chiếu phim Việt Nam đã cho chiếu bộ phim của Mỹ mang tựa đề Ấn Quỷ- The Unholy. Bộ phim bắt đầu với một cô gái trẻ khiếm thính tên là Alice, được Mẹ Maria chữa lành có thể nghe, nói như bình thường. Kể từ đó Alice có được năng lực chữa bệnh cho mọi người một cách thần kỳ. Khi tin đồn lan rộng và mọi người từ xa gần đổ xô đến để chữa bệnh. Trong số này, nhà báo Gerry Fenn đã theo dõi làm phóng sự để câu view. Nhưng, từ đây ông nhận ra thế lực ma quỷ thật sự đứng sau lưng cô gái trẻ. Cô gái trẻ đạo đức nhưng bị thế lực ma quỷ đàng sau lợi dụng để biến cô thành thần thánh cho chúng trục lợi.
Ấn quỷ đã gửi được thông điệp đức tin có thể mang lại niềm tin, lý tưởng sống nhưng vẫn phải tỉnh táo để không lạc lối.
Người Công giáo nếu không tỉnh táo, và không nghe theo giáo huấn của các Đấng kế vị thì rất dễ bị mắc mưu Kẻ vì: “Satan cũng đội lốt các thiên thần sáng láng”. (2 Cr 11, 14)
Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần, xưa đã lấy hình lưỡi lửa mà đổ trên đầu các tông đồ để soi sáng, hướng dẫn các ông hiểu được giáo huấn của Chúa Giêsu, xin cũng đổ tràn đầy ơn khôn ngoan, thông hiểu để chúng ta biết phân định đúng sai mà đi theo đường lối Chúa.
Xin Chúa Thánh Thần đã đến để hiệp nhất trần gian, xin cũng giúp cho những ai đang u mê biết quay trở về để nghe tiếng chủ chiên mà sống trong hiệp nhất Giáo hội. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Ngọn Lửa Thánh Linh Soi Chiếu
Vào năm 1976, trong xóm tôi có một em gái nghèo chừng mười lăm tuổi đi giúp việc nhà cho một gia đình giàu có. Gia đình nầy mới nhận được một bức tranh quý do người thân trao tặng, nên cho hạ bức tranh cũ có mấy chữ lớn mạ vàng xuống, để nhường chỗ cho bức tranh quý báu nầy. Chủ nhà tưởng rằng bức tranh cũ chỉ có mấy chữ lớn mạ vàng rẻ tiền, chẳng có giá trị là bao, nên trao cho cô gái giúp việc đem về nhà tuỳ nghi sử dụng.
Cô gái đem bức tranh về cho mấy em nhỏ làm đồ chơi. Chơi chán, bọn trẻ phá nát bức tranh, xả rác đầy nhà, khiến người mẹ phải ra công quét dọn và đem đi đốt.
Khi đốt rác vào lúc trời tối, bọn trẻ phát hiện những dòng chữ vàng trên bức tranh không bị thiêu rụi mà lại sáng ngời lên trong lửa. Hoá ra những dòng chữ này lại bằng vàng thật dát mỏng chứ không phải là giấy mạ vàng!
Thế là người nhà hăm hở xăm xoi đào bới, sàng sảy đống tro tàn để tìm kiếm và cuối cùng thu lại được cả lượng vàng! Cả nhà vui mừng khôn xiết, vì vào thời đó, kiếm được chừng ấy vàng chẳng khác gì trúng số độc đắc.
May thay, nhờ ngọn lửa cháy lên, người ta mới phát hiện ra những dòng chữ bằng vàng quý báu!
Hôm nay, mỗi người chúng ta cũng được Chúa Giêsu trao tận tay một cuốn Tin Mừng, là cuốn sách đáng giá ngàn vàng. Đó là một kho báu không hề vơi cạn, chứa đựng những điều khôn ngoan của Thiên Chúa được Chúa Giêsu mang từ trời xuống ban tặng cho thế gian. Đây là một cuốn sách chứa đựng những bí quyết đem lại bình an hạnh phúc cho muôn người, một kiệt tác được kết tinh bằng tình yêu, bằng trí tuệ, bằng tim óc của Chúa Giêsu và được hình thành trong suốt 33 năm dương thế của Ngài.
Nhưng tiếc thay, nhiều người đón nhận cuốn Tin Mừng nầy cách hờ hững, xem đó là một tác phẩm khô khan, vô bổ, chứa đựng những dòng chữ vô hồn.
Sở dĩ kho tàng Tin Mừng của Chúa Giêsu không được xem là quan trọng và quý giá vì những dòng chữ của cuốn sách nầy chưa được ngọn lửa của Chúa Thánh Linh soi chiếu.
Thượng Phụ Athénagoras nhận định rằng: “Nếu Hội Thánh vắng bóng Thánh Linh, thì Thiên Chúa trở nên nghìn trùng xa cách, Đức Giêsu trở thành một huyền thoại và Phúc âm của Ngài chỉ là một mớ chữ không hồn.”
Quả vậy, vì không có lửa của Chúa Thánh Thần soi sáng nên lời dạy của Chúa Giêsu như: “Những gì các ngươi làm cho các anh em bé mọn của Ta đây là làm cho chính Ta” (Mt 25,40) trở thành những dòng chữ chết, không thể lay động lòng người. Tuy nhiên, đối với mẹ thánh Têrêxa Calcutta, nhờ ánh sáng Thánh Linh tác động, lời đó trở thành châm ngôn vàng ngọc thúc đẩy mẹ hiến cả đời mình yêu mến và phung sự Chúa Giêsu nơi những con người bất hạnh và đau thương.
Cũng vì không có lửa của Thánh Linh soi chiếu nên những lời nhắc nhở như: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì chẳng được ích gì” (Mt 16, 26) được xem như những lời vô nghĩa. Tuy vậy, đối với thánh Phanxicô Xaviê, nhờ ngọn lửa của Thánh Linh soi sáng, lời đó trở thành sức mạnh vạn năng giúp ngài từ bỏ công danh địa vị để dấn thân vào những miền đất lạ xa xôi, đem ơn cứu độ đến cho nhiều dân tộc Á châu.
– Không có Chúa Thánh Thần soi sáng, không ai có thể nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu.
– Không có ánh sáng của Chúa Thánh Thần chiếu soi, những trang Tin Mừng chỉ là những dòng chữ chết.
– Không có Chúa Thánh Thần dạy dỗ, Thiên Chúa trở thành Đấng nghìn trùng xa cách.
Lạy Chúa Giêsu. Xin ban Thánh Thần Chúa cho chúng con, để nhờ ánh sáng Thánh Linh soi dẫn, chúng con nhận biết, yêu mến Chúa và tìm được nơi kho tàng Tin Mừng những lời thần thiêng đem lại cho chúng con sức sống mới.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Ra Đi
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
(Ga 20, 19 – 23)
Ra đi loan báo khắp trần gian
Thần Khí đồng hành Chúa tặng ban
Thanh luyện tâm hồn đường khốn khó
Sáng soi tâm trí nẻo nguy nan
Khổ đau giăng lối không chùn bước
Nguy hiểm cùng đường chẳng bất an
Loan báo Tin Mừng ơn cứu độ
Thứ tha ơn thánh Chúa tuôn tràn.
Hạt Nắng
Đổi Mới
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
(Ga 20, 19 – 23)
Thưở trời đất hỗn mang vô định,
Ơn Thánh Linh chấn chỉnh kiện toàn.
Điểm trang diện mạo huy hoàng,
thổi hơi sự sống thông ban chính mình.
Thần khí Chúa hồi sinh sự sống,
các môn sinh thụ động cài then.
Không còn nhát đảm ươn hèn,
bừng lên sức sống như đèn sáng soi.
Ngọn lửa mến gọi mời dâng hiến,
trái tim yêu tiến bước lên đường.
Loan truyền tình Chúa yêu thương,
chấp nhận gian khổ tai ương nhục hình.
Sống bác ái quên mình phục vụ,
gieo niềm tin tha thứ khoan dung.
Bài ca tiến bước ngàn trùng,
dạy con bài học thủy chung đáp lời.
Xin Thần Khí Chúa Trời thánh hóa,
trái tim con chai đá u mê.
Tinh thần thế tục nặng nề,
Lửa Thiêng thiêu đốt đam mê thói đời.
Sự sống con được phục hồi,
mạnh mẽ can đảm đáp lời dấn thân.
Đem Tin Mừng đến tha nhân …
Bâng Khuâng Chiều Tím
Khát Vọng
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Ga 20, 19 – 23)
Như hoa dại gục đầu mong đợi,
mưa đầu mùa diệu vợi nơi nao?
Nguyện xin trời đổ mưa rào,
cho hoa ngửa mặt đón chào bình minh.
Em như kẻ bạc tình ảo vọng,
phụ tình Chàng xây mộng trời mơ.
Thân em tơi tả bơ phờ,
Chàng yêu vẫn đợi vẫn chờ tình em.
Chàng là Gió êm đềm rung động,
ru đời em tỉnh mộng cơn say.
Ru em thoát kiếp đọa đày,
nhìn ra Sự Thật tháng ngày trôi qua.
Trời lạnh giá xót xa thân phận,
Ngọn lửa Chàng sưởi ấm lòng em.
Lửa hồng soi sáng đêm đen
xua tan tăm tối dậy men ân tình.
Chàng là Nước hồi sinh nhân cách,
tẩy bụi trần, rửa sạch đam mê.
Rửa hết nỗi nhục ê chề,
thoát cơn bĩ cực lối về hân hoan.
Chàng là Đấng Ủi An, Dũng Lực,
là Trạng Sư, Bênh Vực vỗ về.
Theo em khắp nẻo sơn khê,
dìu em từng bước đi về Nhà Cha.
Đất trời nở rộ muôn hoa…
M. Madalena Hoa Ngâu
Thần Khí Chúa
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Ga 20, 19 – 23)
Thần khí Chúa,
từ thưở hồng hoang, lặng lẽ đăng trình,
bay trên mây ngàn, lướt trên mặt nước thênh thang.
Trang điểm trần gian, ban cho diện mạo tươi sáng,
nguồn sức sống cho muôn loài,
luồng sinh khí cho nhân sinh.
Thần khí Chúa,
Ngọn lửa hồi sinh, thánh hóa tâm hồn,
đua tranh tình trường, sáng soi cuộc sống yêu thương.
Ích kỷ dẹp tan, dấn thân quảng đại chung hướng,
nguồn sưởi ấm cho muôn lòng,
nguồn ánh sáng mọi trí khôn.
Thần Khí Chúa, ánh lửa tình yêu,
Thần Khí Chúa, sức mạnh huyền siêu.
Cha đã tặng ban cho nhân trần,
Cha đã tặng ban cho con, mà sao con vẫn lãng quên?
Thần Khí Chúa, biến đổi hồn con,
Thần Khí Chúa, dũng lực đời con.
Cho ước vọng con luôn đong đầy,
cho sứ mạng con mê say, đường gian nan vẫn sắt son.
Thần Khí Chúa,
bảo trợ đời con trên bước hành trình,
tin yêu trung thành, giữa bao bão tố vây quanh.
Muối mặn trần gian, men yêu, tự hủy, tha thứ,
thờ kính Chúa trong sự thật,
nguồn cứu rỗi của nhân sinh.
Nắng Sài Gòn
Xin Thánh Linh Biến Đổi
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – (Ga 20, 19 – 23)
Lạy Thánh Linh xin ban thần khí,
đến chiếu soi tâm trí u mê.
Nặng nề chân bước lê thê
hoang mang sợ hãi tái tê cõi lòng.
Xin tuôn đổ hồng ân thiên phúc,
biến đổi con dũng lực can trường.
Hiên ngang đứng dậy tuyên dương,
Tình yêu Thiên Chúa xót thương nhân trần.
Biến đổi con chuyên cần phục vụ,
không đam mê lạc thú cầu an.
Cậy trông Tình Chúa vững vàng,
ơn Ngài biến đổi hân hoan nhiệm mầu.
Xin phá tan hố sâu ngăn cách,
hố nghi ngờ, tọc mạch, ghen tuông.
Bao dung rộng mở khiêm nhường,
ơn Ngài thánh hóa mở đường tương lai.
Lạy Thánh Linh! Xin Ngài gột rửa,
miệng luỡi con bằng “Lửa Tình Yêu”.
Rao truyền Tình Chúa cao siêu,
chứng nhân lòng mến, lòng yêu đong đầy.
Ngọn lửa mến hăng say nhiệt huyết,
trái tim con tha thiết chung tay.
Hân hoan khúc hát xum vầy,
Tin Mừng Cứu Độ dựng xây Nước Trời.
Dù gông cùm, lệ rơi cay đắng,
quyết tín trung vào Đấng Quyền Năng.
Con thuyền Giáo hội trầm thăng,
vượt qua giông tố, vĩnh hằng tin yêu.
Ngọt ngào ân sủng phong nhiêu,
lửa thiêng thiêu đốt tình yêu tuôn trào.
Hồn con sốt mến dâng trao…
AP. Mặc Trầm Cung