SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 743, CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH – B, LỄ CHÚA THĂNG THIÊN, 16/05/2021

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô ( Mc 16, 15-20)

“Đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô . Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”. Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

Đó là lời Chúa

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG

Ngước Mắt Nhìn Trời ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Hãy Đi Loan Báo Tin Mừng Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Thiên Đàng Ở Đâu? Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Chuyển Giao Thông Điệp Cứu Độ Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7

THƠ TIN MỪNG

Đường Nhân Chứng Hạt Nắng Trg 9
Nước Trời Hôm Nay Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Hoan Ca Đời Nhân Chứng M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Chúa Về Trời – Con Vào Đời Nắng Sài Gòn Trg 12
Bài Ca Nhân Chứng A.P Mặc Trầm Cung Trg 13

Ngước Mắt Nhìn Trời

Con người thường có hai thái độ sống đối nghịch nhau. Một bên là những người chỉ biết có việc đạo. Sống dưới đất nhưng lòng trí để cả ở trên trời. Không tha thiết gì với những người chung quanh. Không tham gia những sinh hoạt xã hội. Khinh chê tất cả những giá trị ở đời này. Ngược lại, bên kia là những người sống như chỉ biết có việc đời. Chỉ coi trọng những giá trị vật chất. Chỉ biết có đời này. Sống là còn. Chết là hết. Cả hai thái độ đều bất cập.

Việc Đức Giêsu lên trời và những lời Ngài truyền dạy trước khi từ giã trần gian giúp ta có một cái nhìn đúng đắn hơn đối với trời và đối với đất.
Đức Giêsu lên trời. Điều đó dạy ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác. Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác.

Trời là nơi hạnh phúc không còn khổ đau. Trời là nơi cuộc sống vĩnh viễn không bị tiêu diệt. Trời là nơi tất cả mọi giá trị đạt đến mức tuyệt đối. Trời là nơi con người trở thành thần thánh, sống chung với thần thánh.

Như thế trời là niềm hy vọng của con người. Con người không còn bị trói chặt vào trần gian. Định mệnh của con người không phải chỉ là đớn đau sầu khổ. Số phận con người không phải sinh ra để rồi tàn lụi. Trời cho con người một lối thoát. Trời mở ra cho con người một chân trời hạnh phúc. Trời cho con người cơ hội triển nở đến vô biên.

Trời nâng cao địa vị con người. Có trời, con người không còn bị xếp ngang hàng với súc vật. Súc vật sinh ra để tàn lụi. Con người sinh ra để triển nở, để vượt qua số phận, để đạt tới địa vị con Thiên Chúa. Có trời, con người sẽ được nâng lên ngang hàng thần thánh.

Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian. Trời không phải là cõi mơ mộng viển vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.

Chính vì thế mà hai thiên thần áo trắng đã bảo các môn đệ đừng đứng nhìn trời mãi làm chi, nhưng phải trở về mà lo chu toàn nhiệm vụ.

Chính vì thế mà trước khi lên trời, Chúa căn dặn các môn đệ hãy đi làm việc cho nước Chúa. Sống và làm việc ở trần gian, đó là một nhiệm vụ phải chu toàn. Hoàn thành nhiệm vụ ở trần gian, đó là điều kiện để đạt tới hạnh phúc nước trời.

Chính Đức Giêsu cũng đã chu toàn nhiệm vụ ở trần gian rồi mới lên trời. Nhiệm vụ đó là đi gieo Tin Mừng khắp nơi. Đi đến đâu là thi ân giáng phúc đến đấy. Đi đến đâu là gieo yêu thương đến đấy.

Hôm nay Chúa cũng sai các môn đệ và chúng ta đi gieo Tin Mừng khắp thế gian. Hãy đi làm mọi việc tốt đẹp cho mọi người.

Làm việc tốt đẹp ở trần gian đó là góp phần xây dựng nước trời. Góp phần xây dựng trần gian đó là dọn chỗ ở trên nước trời. Trần gian không phải là nơi cho ta bám víu vì không vĩnh cửu. Nhưng trần gian là cơ hội cho ta đạt tới nước trời.

Chính vì thế, người môn đệ của Chúa phải sống giữa trần gian, phải yêu mến trần gian, phải xây dựng trần gian. Vì trần gian là nơi Chúa sai ta đến làm việc.

Tuy nhiên người Kitô hữu làm việc ở trần gian mà lòng vẫn hướng lên quê trời. Yêu mến trần gian vì nước trời. Yêu mến trần gian để biến trần gian thành Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết nỗ lực xây dựng trần gian trong niềm mong đợi hạnh phúc nước trời. Amen.

Gợi ý chia sẻ:
1) Tin có thiên đàng. Điều này có quan trọng đối với bạn?
2) Người môn đệ của Chúa phải có thái độ nào đối với của cải vật chất?
3) Khi ngắm thứ hai mùa mừng, đọc “Ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời”, bạn nghĩ gì? Bạn phải sống làm sao để thực hiện lời cầu nguyện này?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

Hãy Đi Loan Báo Tin Mừng

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”
Tôi không muốn coi đây là một lệnh truyền, vì mệnh lệnh bao giờ cũng là điều do vị bề trên truyền xuống, chứ không xuất phát từ bản thân, từ một đòi hỏi thâm sâu của cõi lòng mình. Đối với nhóm mười một Tông Đồ, vào thời điểm họ nghe câu nói này, có lẽ đúng là họ đã nhận một mệnh lệnh; đơn giản là vì họ chưa hiểu được rằng các biến cố đang dồn dập xảy ra đích thị là Tin Mừng. Thậm chí họ còn lo âu, họ sợ hãi thì đúng hơn, trong biến cố khổ hình và thập giá đã đành, mà cả trong các lần Đấng Phục Sinh hiện ra với họ. Phải đợi tới khi ‘Thần Chân Lý’ đến dạy dỗ trực tiếp, từ đáy lòng mình họ mới vỡ lẽ ra: ý nghĩa đích thực của câu nói đó (Ga 14:26; 16:12-13). Chỉ khi đó, phải, chỉ lúc đó mệnh lệnh Chúa truyền trước khi về trời mới trở thành một cảm nghiệm không thể cưỡng, bởi vì nó thôi thúc họ từ bên trong (Cv 2:4), và họ thấy cần phải mở tung cửa phòng ra để rao giảng giữa thanh thiên bạch nhật.

Đối với Kitô hữu chúng ta hôm nay thì khác hẳn: ta có nhiều thời gian để suy tư, để cử hành biến cố tử nạn và phục sinh như một Tin Mừng đích thực. Ta đã được ban ‘Thần Chân Lý’ để dạy cho biết mọi sự; vì thế, nếu là Kitô hữu chân chính của thời đại hôm nay, ‘hãy đi khắp tứ phương thiên hạ… loan báo Tin Mừng’ chắc hẳn sẽ không còn là một lệnh truyền từ bên ngoài nữa, mà đã phải là một thúc bách từ niềm tin thâm sâu nhất bên trong.

Nếu Tin Mừng là một thôi thúc từ bên trong, thì quả thực: sự hiện diện hữu hình của Đức Giêsu, cho dầu đã sống lại vinh hiển, sẽ không còn là cần thiết nữa. Người có thể yên tâm mà về trời, và còn nên về sớm hơn nữa là đàng khác, với điều kiện làm sao các môn đệ của Người nắm bắt được đời sống, sự chết và phục sinh của Người đích thị là Tin Mừng: Tin Mừng cho mọi người và cho từng người. Chỉ lúc đó, vâng! chỉ lúc đó, ta mới có thể như các Tông Đồ ‘ra đi rao giảng khắp nơi’. Như vậy thì sứ điệp chính mà Lời Chúa muốn gởi tới chúng ta hôm nay lại không chỉ là tưởng nhớ tới biến cố ‘Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa’, mà là một yêu cầu gửi tới mỗi người: hãy làm một cuộc tổng kiểm tra về những gì ta đã cử hành trong suốt hai tháng qua kể từ đầu Mùa Chay; đối với tôi, những cử hành trong suốt thời gian qua có phải thật sự là Tin Mừng hay không? Cuộc tổng kiểm tra này càng cần thiết hơn nữa vì nó đồng thời cho phép ta nghiệm ra một điều nữa đó là, trong tư cách Kitô hữu, ta cần không ngừng gia tăng ý thức về sự hiện diện của ‘Thần Chân Lý’ nơi chính mình, để sống với Người cách sâu xa hơn, để nhờ Người và trong Người, sức mạnh Tin Mừng sẽ càng tác động tích cực trong thời gian tới của niên lịch phụng vụ (mùa Hiện Xuống).

Chính vì ý thức được Tin Mừng với sức mạnh vô địch của nó, mà ta mới ngộ ra ‘những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin’ mà Đức Kitô hứa hẹn. Những liệt kê mà Đức Giêsu nêu lên, thực ra cũng chẳng có gì là mới lạ, là bất thường cho lắm nếu so với sức mạnh của Tin Mừng. ‘Trừ được quỉ’ đâu có bằng hoàn lại sức sống tình yêu của Thiên Chúa cho nhiều tâm hồn, ‘nói được những tiếng mới lạ’ chẳng qua là nhìn nhận Lời Thiên Chúa chính là Lời tình yêu và từ nhân, tha thứ và không hề luận phạt, ‘cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc thì cũng chẳng sao’ đâu có thể so sánh được với can đảm liều lĩnh gánh vác những công việc mà tự nhiên không ai thèm làm hoặc dám làm, ‘đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe’ chỉ là cách nói khác để diễn tả sức mạnh vô địch mà lòng từ nhân cứu vớt của các tín hữu có thể thi thố với những kẻ yếu hèn tội lỗi nhất. Vài dấu lạ được liệt kê, cho dầu có gây đôi chút ấn tượng, thì cũng chỉ là vài nét chấm phá của một nội dung vô cùng phong phú Tin Mừng chứa đựng! Hãy nhớ rằng: tất cả các điều này, kể cả sức mạnh vô địch của Tin Mừng, mỗi chúng ta đều đang thủ đắc và tận hưởng, dựa vào ơn gọi Kitô hữu ta đã lãnh nhận. Trong Thánh Thần, ta đã đón nhận Tin Mừng Đức Kitô Giêsu – Tin Mừng ‘Thiên Chúa hết lòng yêu thương thế gian’. Và một khi đã sở đắc được niềm tin này, thì dù Chúa có hiện ra hữu hình hay ẩn mình vô hình, dù có được tận mắt chứng kiến phép lạ mặt trời quay cuồng như dân chúng tại Fatima năm nào hay chỉ âm thầm sống tin yêu trong tăm tối như Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta… thì cũng không mấy quan trọng. Sự lạ thì vẫn là sự lạ…! nhưng chỉ tác động được ta từ bên ngoài và nhất thời mà thôi; chỉ có Tin Mừng mới có sức thúc đẩy ta ‘đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo’. Mẹ Têrêxa đã không ngừng loan báo Tin Mừng cho những người hấp hối khốn khổ nhất của thành phố Calcutta bằng những phục vụ âm thầm… chỉ vì Mẹ luôn thâm tín rằng: ‘Chúa thương yêu tôi không phải vì tôi tốt lành, nhưng tôi cố gắng trở nên tốt lành hơn vì biết rằng Chúa hằng yêu thương tôi!’

Phải! chỉ duy những ai thấu hiểu được Tin Mừng tình yêu, mới có thể lên đường loan báo Tin Mừng cho muôn dân, bằng nhiều phương tiện và qua nhiều cách thức rất khác nhau.

Lạy Chúa, nếu trước khi về trời Chúa ban cho con một điều ước, thì con sẽ ước gì đây? Con sẽ ước được thấy Chúa hiện ra hữu hình chăng, ước được khôn ngoan lợi khẩu chăng, ước làm được phép lạ hay làm các việc phi thường chăng? Không! điều ước duy nhất của con sẽ là: được ở lại sâu hơn trong tình thương của Chúa; được thấu hiểu sâu hơn Tin Mừng Chúa yêu thương. Xin hãy đổ tràn Thánh Thần Tình Yêu vào tâm hồn con để, vì thâm tín rằng mình được Thiên Chúa yêu thương, con sẽ hăng say lên đường loan truyền Tin Mừng tình yêu cho mọi người. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

 

Thiên Đàng Ở Đâu?

Ai trong chúng ta sẽ có một lúc nào đó chạnh lòng tự hỏi: “Mình là ai, từ đâu đến và sẽ về đâu sau khi chết?”. Tại sao con người lại có mặt trên trần gian để một ngày nào đó phải chết? Chết là chấm dứt, là biến mất khỏi thế gian này, hay còn có một nơi nào đó để trở về?
Người Ai Cập cổ tin rằng kiếp sống sau là có thật. Vì thế trong những ngôi mộ huy hoàng, họ để lương thực, tiền bạc, vật dụng và tư trang theo người chết hy vọng có cái dùng trong kiếp sau. Người Phật giáo thì đốt vàng mã là để cho người đã khuất có thể sử dụng cho đời sau.
Đời sau mà con người hướng tới đó là thiên đàng, là nơi hạnh phúc và không còn khổ đau. Theo Kinh Thánh, thiên đàng là một nơi có thật, vượt quá mọi mơ ước, đẹp hơn tất cả những mộng ước đẹp nhất của chúng ta. Chúng ta hãy tưởng tượng một thế giới không có chiến tranh, bệnh tật, buồn lo hay sầu thương chi cả. Chúng ta hãy hình dung một thế giới không có đau khổ, già nua, hay chết chóc. Nơi đó, “Thiên Chúa sẽ lau khô mọi nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhứt đã qua rồi.” (Khải-huyền 21:4). Chúng ta sẽ thấy nơi ấy thật đáng sống, đáng là bến đợi cho cuộc đời chúng ta.
Nơi ấy, hôm nay Chúa Giêsu đã được rước về. Nơi đó chính là quê hương mà Đức Chúa Trời dành sẵn cho những người tuân giữ giới răn Chúa. Vì chính Chúa Giêsu đã nói: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó (Ga 14:2-3).
Nhưng nơi đó không phải là một nơi chốn có giới hạn về không gian hay thời gian. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Thiên đàng là một trạng thái sống chứ không phải là một nơi chốn theo nhận thức của ngôn ngữ loài người.” “Thiên đàng là một lối sống, là mối quan hệ giữa cá nhân với Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là cuộc gặp gỡ Chúa Cha, diễn ra trong Chúa Kitô phục sinh, và hiệp thông với Chúa Thánh Thần.”
Như vậy, Thiên đàng hay Quê Trời sẽ là nơi gặp gỡ, là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Điều ấy mang lại cho chúng ta niềm tin tưởng, và gia tăng niềm tín thác. Vì qua cuộc đời khổ ải chóng qua này ta sẽ đến một bến bờ hạnh phúc viên mãn.
Nhưng điều mà Chúa Giêsu hứa ban hạnh phúc cho con người không chỉ là thiên đàng mai sau mà còn là thiên đàng tại thế khi ta sống theo thánh ý Ngài. Thiên Chúa sẵn sàng ban cho chúng ta một cuộc đời bình an và hạnh phúc nếu chúng ta luôn thuộc về Ngài thì ân sủng Thiên Chúa sẽ luôn ở cùng chúng ta.

Nếu hiểu thiên đàng là nơi ta gặp Chúa và ở lại trong Ngài, thì ngay hôm nay, nếu ta chọn Chúa mà tránh xa tội lỗi, chọn Chúa mà từ chối những niềm vui bất chính thì chúng ta đã sống trong hạnh phúc với Chúa.

Xin Chúa ban ơn để mỗi người chúng ta biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa ngõ hầu chúng ta được Chúa ban hạnh phúc đời này và gia nghiệp vĩnh cửu trên thiên đàng mai sau. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Chuyển Giao Thông Điệp Cứu Độ

Đối với chúng ta hôm nay, gửi một lá thư từ Việt Nam đi Âu hay Mỹ là điều dễ như trở bàn tay, nhất là đối với thư điện tử, chỉ cần soạn thư vào điện thoại hay máy tính, rồi nhấn vào phím gửi… thế là bức thư sẽ được chuyển đi đến nơi ta muốn, trong một vài giây!
Thế nhưng vào thời trước đây, khi ngành Bưu chính Việt Nam chưa phát triển chuyển một bức thư từ Bắc vào Nam là cả một hành trình đầy gian truân.

Chuyển giao sắc chỉ nhà vua
Hồi ấy, người lính trạm ở hoàng cung (nay gọi là bưu tá), sau khi tiếp nhận sắc chỉ của nhà vua, tức tốc lên ngựa phóng nước đại bất kể ngày đêm mưa nắng, để chuyển giao sớm hết sức có thể cho nhà trạm kế tiếp. Người lính ở nhà trạm nầy, khi vừa tiếp nhận sắc chỉ được mang tới, phải lập tức phóng ngựa lên đường không trì hoãn để chuyển giao cho nhà trạm tiếp theo…

Cứ thế, các lính trạm nối tiếp nhau phóng ngựa như bay, bất chấp nhọc nhằn gian khổ, băng qua nhiều chặng đường gian nan hiểm trở có lắm thú dữ hoành hành, để chuyển giao nhanh chóng sắc chỉ đến tay người nhận, dù phải tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Chuyển giao sứ điệp của Chúa Giêsu
Trước khi về trời, Chúa Giêsu long trọng trao cho các Tông đồ sứ mạng loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới. Ngài nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mác-cô 16, 15).

Tin Mừng là thông điệp quan trọng bậc nhất vì có liên hệ mật thiết đến phần rỗi, đến số phận đời đời của nhân loại như lời Chúa Giêsu nói: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16, 16).
Tin Mừng là một thông điệp vô cùng quý báu vì mang lại hoà bình và hạnh phúc cho toàn thế giới.

Tin Mừng cũng là thông điệp khẩn cấp, cần phải loan truyền nhanh chóng và rộng rãi khắp nơi vì e rằng có rất nhiều người chết đi mà chưa kịp đón nhận được sứ điệp mang lại ơn cứu rỗi nầy.

Sau khi tiếp nhận sứ điệp Tin Mừng, các tông đồ đã cống hiến toàn bộ cuộc đời còn lại của mình, chấp nhận vô vàn gian lao khổ ải, kể cả ngục tù, xiềng xích và cái chết, để chuyển giao Tin Mừng cho người Do Thái cũng như cho dân ngoại.

Kế đó, các cộng đoàn tín hữu tiên khởi, sau khi đón nhận Tin Mừng do các tông đồ truyền lại, đã nỗ lực chuyển giao cho thế hệ tiếp theo dù phải trả bằng giá máu. Nhờ thế, sứ điệp Tin Mừng của Chúa Cứu Thế đã được loan báo cho nhiều dân tộc khắp năm châu.

Chuyển giao Tin Mừng là sứ mệnh cấp bách
Hôm nay, Chúa Giêsu và Hội Thánh đã trao sứ điệp quý báu và quan trọng nầy tận tay chúng ta và thôi thúc chúng ta chuyển đi khắp thế giới: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”

Nắm trong tay thông điệp tối khẩn có liên quan đến vận mệnh đời đời của toàn thể nhân loại, ít nữa là vận mệnh của hơn 90 triệu đồng bào Việt Nam chưa biết Chúa đang sống quanh ta, nhưng dường như chúng ta còn uể oải chưa muốn lên đường làm trách nhiệm người “lính trạm” của Chúa Kitô.

Lạy Chúa Giêsu. Hôm nay, nhiều người phải sống bất hạnh vì chưa được đón nhận niềm hạnh phúc do Tin Mừng mang đến; nhiều dân tộc phải sống trong thù nghịch, trong cảnh huynh đệ tương tàn, vì không hề biết giải pháp đem lại hoà bình do Tin Mừng cung cấp… đang khi Chúa vẫn thôi thúc chúng con truyền rao Tin Mừng cho họ mà chúng con vẫn nhắm mắt làm ngơ!

Và nếu chung quanh chúng con có nhiều người chết đi mà chưa kịp đón nhận sứ điệp Tin Mừng cứu độ vì sự chểnh mảng, thờ ơ của chúng con là những “người lính trạm” của Chúa… thì đến ngày phán xét, chúng con sẽ trả lời với Chúa sao đây?

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

 

Đường Nhân Chứng
CN VII PS-B – Chúa Thăng Thiên
(Mc 16, 15 – 20)

Ngước nhìn bóng Chúa đã thăng thiên

Xao xuyến hồn con nhận lệnh truyền

Ánh Sáng Phục Sinh soi khắp chốn

Tin Mừng Sự Sống rắc muôn miền

Khổ đau chẳng nản lòng nhân chứng

Gian khó không sờn chí bạn hiền

Thần Khí sáng soi đường chính nghĩa,

Đồng hành có Chúa bước trung kiên.

Hạt Nắng

 

Nước Trời Hôm Nay
CN VII PS-B – Chúa Thăng Thiên
(Mc 16, 15 – 20)

Phút chia tay bùi ngùi nhung nhớ,
Thầy lên trời rạng rỡ oai phong.
Niềm vui chan chứa ngập lòng,
chương trình cứu độ tình nồng Thầy trao.

Đi tứ phương truyền rao Chân Lý,
lời Tin Mừng cao quý vô biên.
Thôi thúc cấp bách triền miên,
để nhân loại biết Cha hiền yêu thương.

Bao sóng gió trên đường nhân chứng,
lòng tin yêu chịu đựng gian lao.
Hồng ân Thần Khí tuôn trào,
đỡ nâng vượt thắng ba đào thế gian.

Đường nhân chứng gian nan thử thách,
chẳng sờn lòng trọng trách kiên trung.
Có Thầy sánh bước theo cùng,
tình yêu thập giá tương phùng nở hoa.

Niềm hạnh phúc Nhà Cha thiên quốc,
mở chân trời mộng ước tương lai.
Yêu thương dâng hiến từng ngày,
trần gian nơi chốn Cha sai vào đời.

Dựng xây hạnh phúc Nước Trời,
giữa bao nghịch cảnh giòng đời hôm nay.
Tha nhân nối kết vòng tay …

Bâng Khuâng Chiều Tím

 

Hoan Ca Đời Nhân Chứng
CN VII PS-B – Chúa Thăng Thiên – (Mc 16, 15 – 20)

Nhìn ngắm Chúa về trời,
giữa ngàn mây sáng trong tuyệt vời.
Cho con niềm tin yêu,
tình vô biên Quê Trời hạnh phúc.
Cho con niềm nao nức,
đường tình yêu nở rộ ngàn hoa.
Sáng mãi Tình Yêu Cha,
mong đợi trần gian xum họp một nhà.

Con tuân giữ lệnh truyền,
đường trần gian, rắc gieo Tin Mừng.
Son sắt lòng thủy chung
dù khổ đau, không hề nao núng.
Trung kiên đời nhân chứng,
lòng hân hoan sứ mệnh chuyển giao.
Giữa sóng xô ba đào,
vượt thắng cám dỗ, sống đời thanh cao.

Chúa về trời, nâng con lên, lên hàng khanh tướng,
Chúa về trời, sai con đi, đi làm nhân chứng.
Đi giữa cuộc đời, gieo niềm tin yêu,
đến với mọi người, gieo niềm hy vọng,
loan báo Tin Mừng – Thiên Chúa yêu thương loài người.

Tin yêu bước vào đời,
tình yêu thương thế nhân gọi mời.
Thanh thoát, vượt biển khơi,
lộc trần gian, kiên cường vượt thắng.
Thanh cao, hồn trong trắng,
nồng men yêu, muối mặn trần gian.
Thần Khí ơn tuôn tràn,
mạnh sức chiến thắng sóng đời nguy nan.

M. Madalena Hoa Ngâu

Chúa Về Trời – Con Vào Đời
CN VII PS-B – Chúa Thăng Thiên
(Mc 16, 15 – 20)

Ngước trông theo, áng mây xanh… đưa Chúa lên trời,
bước tin yêu, giữ lệnh truyền …Tin Mừng đến khắp mọi nơi.
Hạnh phúc vô biên … là con cái Chúa Trời,
hy vọng rạng ngời …đưa con người lên hàng thần thánh.

Khốn cho tôi, nếu tôi không … loan báo Tin Mừng,(*)
khốn cho tôi, nếu Tin Mừng …. không là lẽ sống đời tôi.
Thập giá trung kiên … gieo gương sáng cho người,
men muối giữa đời … đem tình yêu nối kết đất trời.

Chúa về trời – con vào đời,
bước chân – gieo mầm chân lý,
trái tim – tình yêu cứu độ,
gieo giữa lòng đời – Tin Mừng – Sự Sống.
Chúa về trời – con bước vào đời,
có Thần Chân Lý sáng soi,
có quyền năng Chúa đồng hành,
sóng gió vây quanh – vững bước trung thành.

Trái tim yêu, đến muôn phương … gieo rắc Tin Mừng,
Sống yêu thương, quên thân mình … dẫu ngàn bão tố trùng khơi.
Đến với tha nhân …. lòng nhân ái gọi mời,
thập giá đường đời … nên tình yêu hiến tế Chúa Trời.

– (*) Lời Thánh PhaoLô: 1Cr 9, 16

Nắng Sài Gòn

 

Bài Ca Nhân Chứng
CN VII PS.B – Chúa Thăng Thiên
(Mc 16, 15 – 20)

Chúa đặt con giữa lòng trần thế,
sai con đi bốn bể năm châu.
Rao truyền chân lý nhiệm mầu,
chung tay đoàn kết bắc cầu yêu thương.

Yêu trần gian dặm trường gian khổ,
gieo Tin Mừng cứu độ nhân sinh.
Dựng xây cuộc sống chân tình,
trần gian đổi mới thắm xinh cuộc đời.

Hướng lòng người quê trời vinh phúc,
nơi không còn khổ nhục buồn đau.
Không còn trói chặt tủi sầu,
khung trời hạnh phúc thâm sâu ân tình.

Niềm hy vọng, hành trình giải thoát,
Hồn tha nhân thanh thoát vươn cao.
Vượt qua số phận lao đao,
nâng cao địa vị bước vào thần thiêng.

Vui nhiệm vụ thiêng liêng trần thế,
không viễn vông, chiếu lệ, thoảng trôi.
Yêu thương sống giữa cuộc đời,
con người vươn tới nước trời tình yêu.

Chia tay Chúa nhắn đôi điều,
loan truyền chân lý cao siêu nước trời.
Tình yêu nhân chứng giữa đời!

AP. Mặc Trầm Cung