“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 15, 1-8)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho, các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy. Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy.
Đó là lời Chúa
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Sinh Nhiều Hoa Trái ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Ở Lại Trong Thầy Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Đừng Lạm Dụng Phụng Vụ Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Cành Nho Khô Héo Và Cành Nho Tốt Tươi Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Ở Lại Trong Thầy Hạt Nắng Trg 10
Cây Nho Thật Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Cây Nho Thật M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Cây Nho Tình Yêu Nắng Sài Gòn Trg 13
Lắng Đọng A.P Mặc Trầm Cung Trg 14
Sinh Nhiều Hoa Trái
Ai trồng cây cũng mong được ăn quả. Muốn có quả, cũng phải lắm công phu. Không phải cứ xanh tốt lớn mạnh là có quả. Có những ruộng lúa xanh tốt, nhưng chỉ tốt lá, nên chỉ cho những bông lúa lép. Có những cây xum xuê cành lá, nhưng đến mùa chẳng thấy quả nào. Xanh tốt như thế không phải là thành công, nhưng là thất bại. Cành lá chỉ là phụ, hoa quả mới là chính. Được điều phụ mất điều chính, đó là thất bại. Đức Giêsu quan sát cây nho và thấy rằng một cây nho muốn có nhiều hoa quả cần phải có hai điều kiện sau đây:
Điều kiện thứ nhất: Cành phải liên kết với cây. Cành không liên kết với cây, không thể sinh hoa kết quả. Cành không liên kết với cây khi dòng nhựa nuôi dưỡng thân cây bị tắc nghẽn không luân lưu sang cành. Có những con sâu con bọ đục khoét làm cho cành cây bị thương tổn, không còn tiếp nhận được nguồn nhựa sống của thân cây truyền sang. Chỉ khi cành kết hiệp chặt chẽ với cây, dòng nhựa từ cây mới truyền sang cành, cho cành trổ sinh hoa trái.
Điều kiện thứ hai: Cành lá phải được cắt tỉa. Ai đã trồng nho thì biết: Nếu cứ để cành lá phát triển tự do, cây sẽ xanh tươi coi rất đẹp mắt nhưng không có hoa trái. Muốn cây có quả, phải tỉa bớt cành lá. Việc cắt tỉa làm cho dòng nhựa không bị phân tán, nhưng tập trung vào những cành chính, dồn vào cho hoa sung sức, cho quả đầy đặn.
Đức Giêsu muốn dùng hình ảnh cây nho để nói về đời sống đạo của ta. Đời sống của ta được sánh ví như đời sống của cây nho.
Cũng như người trồng nho muốn cho vườn nho của mình không bị tàn lụi, nhưng phát triển, sinh hoa kết quả, Đức Chúa Cha đã tạo dựng nên con người không phải để con người tàn lụi đi, nhưng để con người phát triển, sinh hoa kết quả và tồn tại.
Để được phát triển, con người cũng cần những điều kiện.
Điều kiện thứ nhất: Phải kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu. Như cành nho phải liên kết với thân nho mới sinh hoa kết quả, ta phải liên kết mật thiết với Đức Giêsu. Người là nguồn cội sự sống của ta. Tách lìa Người, ta không thể sống, càng không thể phát triển được. Người là dòng sông ân sủng. Khi ta kết hiệp với Người, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, làm cho ta được sống và sống sung mãn. Ân sủng thấm nhập nội tâm, uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, sinh ra những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Sự kết hiệp mật thiết với Chúa làm cho ta sống sự sống của Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hiệp đã đến mức hoàn hảo, chính Người hành động qua ta và vì thế, những hoa trái sẽ vô cùng phong phú.
Điều kiện thứ hai: Phải chịu cắt tỉa. Cành nho muốn sai trái phải chịu tỉa bớt những cành lá rườm ra. Cũng thế, linh hồn phải để Chúa cắt tỉa nhưng gì dư thừa cản trở ơn thánh sinh hoa kết quả. Phải cắt tỉa những ý muốn riêng tư để chuyên tâm tìm thánh ý Thiên Chúa. Phải cắt tỉa những hình thức bề ngoài để chìm vào nội tâm sâu lắng. Phải cắt tỉa những phô trương quyền lực để mặc lấy tâm tình đơn sơ khiêm nhuờng. Chúa cắt tỉa ta bằng những thất bại ta gặp phải. Chúa huấn luyện ta bằng những lời phê bình chỉ trích của những người chung quanh. Chúa mãi dũa ta bằng những nghi kỵ hiểu lầm của người khác. Chúa đào tạo ta trong những phản bội của người thân tín. Việc cắt tỉa làm cho ta đau đớn, nhưng đem lại những lợi ích vô cùng phong phú.
Chính Đức Giêsu đã làm gương cho ta khi Người sống kết hiệp mật thiết với Đức Chúa Cha. Sự kết hiệp ấy được diễn tả qua việc Người chuyên tâm cầu nguyện và luôn luôn làm theo ý Chúa Cha. Người đã để cho Chúa Cha cắt tỉa khi Người từ bỏ ý riêng, nhận uống chén đắng, nhận vác thập giá, nhận lấy cái chết tủi nhục. Chính vì thế, Người đã sinh hoa trái dồi dào nuôi sống tất cả chúng ta. Chính vì thế, Người đã trở nên gốc nho sung mãn sự sống để chuyển thông cho chúng ta.
Lạy Đức Giêsu là Cây Nho Thật, xin cho con biết kết hiệp mật thiết với Chúa. Xin hãy cắt tỉa những gì vô ích trong con để con sinh nhiều hoa trái thiêng liêng như Chúa mong ước. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Còn những gì trong bạn ngăn cản bạn kết hiệp với Chúa?
2- Trong bạn còn những gì phải cắt tỉa?
3- Bạn có sẵn sàng để Chúa cắt tỉa không
4- Những thất bại, những đau khổ bạn gặp phải có ích gì cho bạn không?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Ở Lại Trong Thầy
‘Hãy ở lại trong Thầy!’
Chúng ta không rõ đây có phải là một giới răn, một lệnh truyền, một lời khuyên nhủ hay một thổ lộ tâm tình của Đức Giêsu với các môn đệ Người…? Cũng có thể là tất cả các điều đó cùng một lúc tùy theo góc độ nhận định; tuy nhiên tầm quan trọng tột cùng của lời gửi gấm này lại là điều không thể chối cãi. ‘Ở lại trong Thầy… Ở lại trong tình thương của Thầy (câu 9)’ là nền móng của chính tòa nhà thiêng liêng: ‘mến Chúa – yêu người’, mà mọi Kitô hữu đang cố công xây dựng.
Ngũ Kinh của Cựu Ước ghi chép nhiều giới răn mà Môsê nhân danh Đức Chúa Giavê ban hành; chúng thật sự là những lệnh truyền; thậm chí được lặp đi lặp lại cách khá lộn xộn để buộc phải ghi nhớ. Khi trả lời vấn nạn do nhóm Pharisêu đặt ra: ‘trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?’, Đức Giêsu đã tóm gọn tất cả trong câu giải đáp: “Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn”: mến Chúa hết lòng và yêu người thân cận như chính mình (Mt 22: 34-40). Cái thiếu trầm trọng trong lời giải đáp này (cũng như toàn bộ các luật lệ của Cựu Ước) là chưa cho thấy được một nền tảng, một động lực nào để giữ được các giới răn hay lệnh truyền đó. Phaolô, đặc biệt trong thư gửi giáo đoàn Rôma, đã cho mọi người thấy cái giới hạn căn bản của các giới răn hay các lệnh truyền kiểu này chỉ là một áp đặt từ bên ngoài mang tính nô lệ (chương 2).
‘Hãy ở lại trong Thầy… trong tình thương của Thầy’ chính là cái nền tảng, cái động lực rất cần thiết đó, mà mãi tới giờ này, Đức Giêsu, trong tâm tình chí thiết với các môn đệ, mới bộc lộ cho thấy! Và để các môn đệ dễ dàng nắm bắt được điều rất căn bản và tối hệ trọng này, Người đã sử dụng một hình ảnh rất quen thuộc đối với dân vùng Địa Trung Hải: “Thầy là cây nho, anh em là cành… Cành nào gắn liền với cây mới sinh hoa trái”. Đúng thế, làm sao một người có thể ‘yêu mến Thiên Chúa’ nếu không trước hết ngụp lặn trong tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho mình? Thiên Chúa là tình yêu, cho nên mọi thứ tình yêu đều phải do Người khởi xướng và chủ động. Con người không thể tự mình chủ động được tình yêu đối với Thiên Chúa, mà chỉ có thể đáp trả tình yêu mình mà mình đã nhận được mà thôi. Ngay trong Cựu Ước, Giavê đã là Đấng chủ động biểu lộ lòng thương xót đối với dân riêng: biết bao lần Ngài đã giải thoát họ, dẫn dắt và chăm sóc họ…; và để có thể duy trì lòng trung thành với Ngài, hàng năm họ phải long trọng cử hành các biến cố đó (Lễ Vượt Qua và luật Sa-bát là điển hình). Trong Tân Ước, Thiên Chúa nơi Người Con chí ái là Đức Giêsu Kitô, nhất là qua cái chết tự hiến trên thập giá của Người Con đó, đã không những chủ động mà còn cụ thể hóa tình yêu Người dành cho con người tội lỗi thấp hèn. Do đó Thập Giá, xét như một biểu hiện tình yêu, cần phải được thường xuyên tưởng niệm và cử hành; “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22: 19). Chính trong ánh sáng này mà ta nhận ra ý nghĩa phong phú của biến cố Phục Sinh; Chúa Kitô sống lại tiên vàn là để tình yêu cứu độ của Người lan rộng ra khắp chốn và kéo dài cách hữu hiệu cho tới muôn đời, Người tiên vàn sẽ ‘ở lại cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế’ (Mt 28: 20). Như thế chỉ đôi khi cử hành tưởng nhớ thôi chắc chắn là chưa đủ; ‘Ở lại trong Thầy… Ở lại trong tình thương của Thầy’ không ngơi nghỉ và ngày càng thâm sâu hơn, đó mới đích thực là mục tiêu của toàn bộ đời sống Kitô hữu: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em!” Tùy thuộc và tỷ lệ thuận với việc ‘ở lại’ này mà người Kitô hữu mới dần học biết phải yêu mến Thiên Chúa như thế nào cho phải lẽ, đồng thời phải yêu mến tha nhân ra làm sao, “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (câu 12). Trong lãnh vực đặc biệt này, ta thấy câu khẳng định của Thầy Giêsu: “không có Thầy, anh em chẳng làm được gì!” lộ ra tất cả sự khẩn trương và tuyệt đối của Tin Mừng cứu rỗi.
Thế đó, cũng như biết bao tu sĩ và Kitô hữu khác, thường thì tôi đã cố công, đã nỗ lực rất nhiều để xây dựng cho mình có được một tình mến lớn hơn đối với Thiên Chúa và tha nhân, thế nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng: sau nhiều năm tháng, kết quả cụ thể vẫn chẳng đi đến đâu; Cái mà tôi còn thiếu xót chính là đã rất ít khi cất công hoặc dành thời giờ đề chiêm ngắm Thánh Giá, để qua đó đi sâu vào và ở lại trong tình yêu mà Thiên Chúa đã đối xử với tôi. Cứ thử xem lại các lần đi xưng tội, đã mấy khi tôi dành thời giờ sau lúc xét mình hoặc xưng tội để say sưa chiêm ngắm tình yêu thứ tha vĩ đại của Thiên Chúa cứu độ dành cho tôi, thay vì chỉ chu chu chắm chắm quyết tâm sửa mình để có thể đạt được tiến bộ trong lý tưởng mến Chúa yêu người? Cũng vậy, đối tượng nguyện gẫm của tôi có thể bao gồm đủ thứ cao đẹp trên trời dưới đất, nhưng chiêm ngắm tình yêu Thập Giá, và ở lại trong tình yêu đó, quả thực còn quá hiếm khi; cụ thể, tôi có thực sự thâm tín rằng: ‘ở lại trong tình thương của Thầy’ là thiết yếu (a must) đối với đời Kitô hữu hoặc tu sĩ – linh mục của tôi chưa?
Lạy Chúa, tâm tình của Chúa tha thiết biết bao khi kêu gọi các môn đệ: “Hãy ở lại trong Thầy…, ở lại trong tình thương của Thầy”. Qua những lời này, Chúa mách cho con ‘nước hiểm’ để chiến thắng trong ván cờ xây dựng tình yêu. Xin nhắc con đừng bao giờ quên nước đi kỳ diệu này, nhất là những khi nhận thấy mình tội lỗi, tức là khi tình mến Chúa và yêu người nơi con thấp kém nhất. Xin cho con biết cử hành Thánh Lễ với tâm tình chiêm ngưỡng sâu xa hơn, và tích cực kéo dài trong cuộc sống hơn. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Đừng Lạm Dụng Phụng Vụ
Ngày nay người ta nói nhiều đến việc lạm dụng Phụng Vụ. Lạm dụng Phụng vụ đến nỗi không thấy tôn vinh Chúa mà chỉ thấy những việc làm sáng tạo ngộ nghỉnh của con người. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói: “Nếu Chúa Kitô không được nổi bật trong khi cử hành, thì phụng vụ đó không thuộc về Kitô giáo, nghi thức phụng vụ hoàn toàn phụ thuộc vào Thiên Chúa và phải được Đấng Thực Tại tác thành” chấp nhận.
Những việc lạm dụng phụng vụ hình như đều xa rời Thiên Chúa, xa rời Hội Thánh là đầu mà tất cả đều phải liên kết nên một với nhau trong Chúa Kitô để dâng lên Thiên Chúa Cha lời tôn vinh chúc tụng và cầu xin. Sự lạm dụng đến nỗi tùy mỗi tư tế làm theo sở thích, sáng tạo của mình dẫn đến giáo dân ngộ nhận rằng: thánh lễ là việc mà linh mục cùng giáo xứ mình làm chung với nhau với những nét riêng, hấp dẫn của xứ mình. Xứ này hay, xứ kia dở, và như vậy thánh lễ không phải là hành động của Chúa Giêsu hiện tại hóa hy tế thập giá mà là của cha nọ, xứ kia…
Ngày tôi qua Mỹ mới thấy rất nhiều nhà thờ khi chúc bình an thì từ cha đến con quay tứ phương thiên hạ để bắt tay, chào hỏi nhau rôm rả ngay lúc ca đoàn hát chúc vinh Chúa là Chiên Thiên Chúa. Rồi có những xứ ở thành phố khi đọc kinh lạy Cha thì cha con đều giơ tay lên Trời cầu nguyện đến nỗi không biết ai đang nhân danh Chúa để cầu nguyện và hiến tế. Có lần tham dự một thánh lễ dành cho các trưởng chuẩn bị tuyên hứa đến phần đọc kinh lạy Cha thì chủ tế mời gọi các trưởng cầm tay nhau nối đuôi đi lên cung thánh tạo thành vòng tròn xoắn ốc thật ấm áp tình người như bài “nối vòng tay lớn”…
Rất nhiều sự lạm dụng từ việc đưa nhau lên làm chứng về ơn này ơn kia, rồi vỗ tay khi cha giảng hay, vỗ tay khi ca đoàn hát hay, vỗ tay chào cha ra về trước lời chúc ra về bình an…
Phẩm phục thì các cha Tây Nguyên rất độc lạ với áo lễ mang sắc thái dân tộc thiểu số cho người ta biết mình truyền giáo Cao Nguyên. Các cha gốc Bắc thì áo dài khăn đống cho ra các quan nhị phẩm thời xưa, các cha xứ giầu thì thêu rồng thêu hoa kín cả phẩm phục…
Có lần tôi hỏi một cha giáo là chuyên viên của phụng vụ từ Vatican về rằng: khi dâng lễ phải có tượng Chúa chịu nạn vậy tượng Chúa dành cho chủ tế hay giáo dân? Nếu dành cho chủ tế thì chủ tế phải làm lễ hướng về Thánh giá. Nếu cho giáo dân thì Thánh giá phải quay xuống? Vị ấy bảo rằng: muốn quay đâu cũng được. Hóa ra phụng vụ không phải lấy Chúa làm trung tâm sao?
Theo giáo lý thì Phụng Vụ phải được nối kết từ Đức Giêsu và trong Đức Giêsu chúng ta mới lãnh được muôn vàn ơn lành của Thiên Chúa. Thế nên, điều quan trọng của phụng vụ là phải để Thiên Chúa được tôn vinh, và qua hành động phụng vụ bắt nguồn từ Thiên Chúa thì con người mới lãnh nhận được muôn vàn ơn lành hồn xác. Do đó, phụng vụ phải hợp nhất, phải thống nhất từ trên xuống dưới để khắp vũ trụ hoàn cầu này mọi lễ nghi đều đồng thanh ca tụng Thiên Chúa và xin ơn cứu độ đến cho con người.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta phải liên kết với Chúa Giêsu như cành nho liền với thân nho mới được nuôi dưỡng bởi nguồn sống đích thực từ Thiên Chúa. Chúa mời gọi chúng ta hãy để cho sự sống của Chúa tuôn chảy trong tâm hồn chúng ta. Hãy sống gắn bó với Chúa, kết hợp với Chúa như cành liền cây để có thể sinh hoa kết trái là những việc lành phúc đức. Hãy ở lại trong Chúa để hiểu rằng con người chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa nên khi ở lại trong Chúa cũng là để tôn vinh chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa, qua đó con người được nuôi dưỡng bởi sức mạnh thần linh của Thiên Chúa.
Hãy ở lại trong Chúa cũng nói lên tính hiệp nhất và nhất quán của phụng vụ Giáo hội. Giáo Hội phụng thờ Thiên Chúa không đơn lẻ một mình mà là cùng với toàn thể mọi thành phần dân Chúa cùng tôn vinh Thiên Chúa và cùng được nuôi dưỡng bởi ân sủng của Thiên Chúa.
Nguyện xin Chúa Giêsu Phục sinh luôn ở lại trong cuộc đời chúng ta để dẵn dắt chúng ta đi trong chân lý vẹn toàn. Xin cho nguồn thánh ân Chúa tưới gội tâm hồn chúng ta mãi thanh sạch xứng đáng là hình ảnh của Chúa. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Cành Nho Khô Héo Và Cành Nho Tốt Tươi
Chúa Giêsu tự ví Ngài là thân nho, còn chúng ta là những cành nho.
Ngài tha thiết mời gọi chúng ta hãy ở lại trong Ngài, kết hợp mật thiết với Ngài như cành nho nên một với thân nho. Ngài nói: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.”
Giờ đây, mỗi người chúng ta hãy tự nhìn lại mình: Chúng ta là cành nho khô héo hay cành nho tốt tươi?
Thánh Gioan tông đồ cho chúng ta biết rằng: “Thiên Chúa là Tình Yêu, ai ở trong tình yêu, nghĩa là ai luôn mến Chúa yêu người thì người đó ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy” (1 Ga 4,16).
Như vậy, nếu chúng ta luôn mến Chúa yêu người, thì chúng ta là những cành nho tốt tươi vì được gắn bó nên một với thân nho Giê-su. Trái lại, nếu chúng ta không có lòng yêu mến, thì chúng ta là những cành nho khô héo, vì đã lìa xa thân nho Giêsu.
Số phận của cành nho khô héo
Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng: Ai không thể hiện tình yêu thương đối với Thiên Chúa và con người, thì kẻ đó “không ở lại trong Chúa Giêsu, họ là những cành nho lìa thân, và sẽ bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.”
Như vậy, số phận của những ai không có lòng mến Chúa yêu người sẽ vô cùng bi đát, họ như những cành nho khô héo, không thể sinh bất cứ một hiệu quả thiêng liêng nào, chỉ còn chờ ngày bị quăng vào lửa mà thôi!
Cho dù người đó có lập nên những kỳ tích vĩ đại trước mặt người đời, có làm được những việc lớn lao hoành tráng… cũng không có công phúc gì trước mặt Thiên Chúa;
Dù người đó có đầu óc siêu đẳng, trí tuệ siêu phàm, có thể nói được cả trăm thứ tiếng;
Dù người đó có đức tin mạnh mẽ đến độ có thể chuyển núi dời non hay đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, thậm chí có nộp mình chịu thiêu đốt… thì cũng chẳng được ích gì trước mặt Thiên Chúa.
Thánh Phaolô viết về trường hợp này như sau:
“Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (I Cor 13, 1-3).
Số phận của những người không có lòng yêu thương cũng giống như số phận cành nho khô héo…rốt cuộc chẳng có gì, chẳng được tích sự gì! Bi đát biết bao!
Thành quả của cành nho tốt tươi
Trái lại, ai có lòng mến Chúa yêu người thì họ là những cành nho kết hợp khắng khít với thân nho Giêsu; họ là những cành nho tươi tốt như lời Chúa Giêsu dạy: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.”
Dù họ chỉ làm những công việc âm thầm nhỏ bé thôi, mà làm với lòng yêu mến, thì hiệu quả vẫn tốt đẹp phi thường.
Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu, nhờ thực hiện những việc nhỏ bé như thế mỗi ngày với tất cả lòng yêu mến, nên đã lập được nhiều công phúc lớn lao, đẹp lòng Thiên Chúa và được Giáo hội tôn vinh.
Lạy Chúa Giêsu. Xin đừng để chúng con trở nên những cành nho khô héo vì không thể hiện lòng mến Chúa yêu người.
Xin giúp chúng con yêu Chúa hết lòng và yêu mến mọi người như chính bản thân; nhờ đó, chúng con trở thành cành nho tươi tốt, sinh hoa kết quả dồi dào. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Ở Lại Trong Thầy
CN V PS-B – (Ga 15, 1 – 8)
Hãy ở trong Thầy, trong mến yêu
Cây Nho đích thật, nhựa huyền siêu
Cành cây cắt tỉa thêm sung sức
Hoa lá đâm mầm nét diễm kiều
Đau khổ luyện rèn lòng trung tín
Gian nan thử thách dấu tin yêu
Gốc Nho sung mãn truyền sinh lực
Hoa trái sinh sôi nặng trĩu nhiều.
Hạt Nắng
Cây Nho Thật
CN V PS-B (Ga 15, 1 – 8)
Sinh con ra giữa lòng trần thế,
nét họa hình cội rễ thần linh.
Thông truyền nhựa sống ân tình,
như cành nho gắn đời mình cùng thân.
Ham quyền thế vong ân bội nghĩa,
uốn cong mình tứ phía ươm mơ.
Tà thần, ngẫu tượng tôn thờ,
gian ngoa, thế lực nương nhờ u mê.
Nho thoái hóa não nề tạp chủng,
Chủ đau lòng chịu đựng sầu thương.
Trần gian lâm cảnh đoạn trường,
sai CON MỘT đến mở đường hồi sinh.
Cây Nho Thật công trình cứu độ,
nhựa Tình Yêu, công bố Tin Mừng.
Hy sinh, phục vụ, tín trung,
chấp nhận cắt tỉa trên từng bước đi.
Lương thực sống thi hành Thánh Ý,
sáng soi đường chân lý vinh quang.
Vườn Nho xưa đã hoang tàn,
máu hồng Người tưới bình an nẩy mầm.
Cây Nho Thật vẫn lặng thầm,
thông truyền nhựa sống hồng ân cho đời.
Cành nho liên kết với Người,
trổ sinh hoa trái thắm tươi trĩu cành.
Hiệp thông, bác ái thi hành …
Bâng Khuâng Chiều Tím
Cây Nho Thật
CN V PS-B – (Ga 15, 1 – 8)
Chất ngất yêu thương, bao la, diệu vợi,
từ hư vô Cha đưa con vào đời.
Dòng nhựa sống yêu thương,
chuyển thông tình sung mãn.
Con sống vui tươi trong ánh mặt trời,
hạnh phúc ngập tràn cuộc đời luôn thắm tươi.
Đắng chát, đau thương, bơ vơ, lạc loài,
hồn u mê, lãng quên, xa tình Ngài.
Như cành nho lìa thân,
mục khô tàn sức sống.
Cha vẫn yêu thương, Ngôi Hai giáng trần,
hiến tế cứu đời, cành nho con lại tươi xanh.
Giêsu – Cây Nho Quí, Cha tặng ban cho đời.
Giêsu – Cây Nho Thật, cứu chuộc Vườn Nho cũ.
Cành nào kết hiệp cùng thân,
được chuyển thông nguồn sức sống.
Tình ai ở lại trong Ngài,
sinh hoa trái, cho đời thái lai.
Hãy sống yêu thương, yêu thương như Thầy,
đừng âu lo, ngụp sâu trong tình Thầy.
Như cành kết hiệp thân,
trổ sinh đầy hoa trái.
Sức sống vươn cao, yêu thương cuộc đời,
mến Chúa – yêu người, cành nho sống đời chứng nhân.
M. Madalena Hoa Ngâu
Cây Nho Tình Yêu
CN V PS-B – (Ga 15, 1 – 8)
Cha dựng nên con, đưa con vào chốn hồng trần,
liên kết với cội nguồn, dòng suối tuôn hồng ân.
Như cành nho, kết hiệp thân nho mật thiết,
nhựa sống lưu truyền, trổ sinh hoa trái thơm ngon.
Ham mê lầu son, sa chân, say đắm bụi trần,
khô héo tấm thân tàn, cành đã xa lìa thân.
Cứu chuộc con, máu hồng Giêsu hiến tế,
mở lối con về, kết hiệp nguồn suối thánh ân.
Cây Nho Tình Yêu, Cha đã ban cho cuộc đời,
Giêsu làm người, thông truyền nhựa sống muôn nơi.
Cắt tỉa đớn đau, vâng ý Cha, uống cạn chén đắng,
sung mãn ân tình, cho nhân thế, cuộc sống xanh tươi.
Giêsu Tình Yêu, sự sống cây nho tuôn tràn,
yêu thương nồng nàn, thông truyền nhựa sống bình an.
Cắt tỉa đời con, bỏ ý riêng, nhẫn nhục, khiêm tốn,
ở lại trong Ngài, sinh hoa trái, cho đời khang an.
Trong niềm tin yêu, con luôn tuân giữ lệnh truyền,
nền móng xây tình đời, bác ái nhựa thần duyên.
Yêu tha nhân, kết hiệp trong tình yêu Chúa,
dâng hiến như Ngài, hiến trọn, dù lắm truân chuyên.
Nắng Sài Gòn
Lắng Đọng
CN V PS. B –(Ga 15, 1 – 8)
Qua mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể,
Chúa Ngôi Hai xuống thế làm người.
Một vườn nho mới xinh tươi,
một dân tộc mới sống đời Phục Sinh.
Sức sống mới trong tình liên kết,
Đức Kitô mật thiết hiệp thông.
Luân lưu dòng nhựa tinh ròng,
sự sống viên mãn thắm nồng yêu thương.
Đường phục vụ tấm gương ngời sáng,
bỏ ý riêng hiến mạng vì yêu.
Đón nhận chén đắng tiêu điều,
như cây cắt tỉa đơm nhiều trái ngon.
Phận yếu đuối mòng dòn thân xác,
thú đam mê xé nát tâm can.
Chạy theo lối sống hoang đàng,
như cành khô héo lụi tàn lửa thiêu.
Đời phong phú đượm nhiều ân sủng,
cành liền cây sung sức dồi dào.
Tâm hồn, nhân cách thanh cao,
đồng lòng hiệp nhất dẫu bao thăng trầm.
Sống đời nhân chứng thành tâm,
khiêm nhường lắng đọng âm thầm hiến dâng
Cành luôn kết hiệp cùng Thân …
AP. Mặc Trầm Cung