ĐTC Phanxicô: Mẹ Maria ở bên cạnh những người qua đời đơn độc trong đại dịch

Tiếp tục loạt bài giáo lý về cầu nguyện, tại buổi tiếp kiến chung ngày 24/3/2021, Đức Thánh Cha suy tư về cầu nguyện trong sự hiệp thông với Mẹ của Chúa Giêsu, Đấng mà Ngài đã ban cho chúng ta “như là người Mẹ, không phải như nữ thần, không phải là đồng cứu chuộc”. Và thái độ của Mẹ là một “giáo lý sống” cho mọi Ki-tô hữu. Đức Thánh Cha khẳng định rằng, là người Mẹ, Mẹ Maria ở bên những người qua đời đơn độc, không có người thân an ủi.

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng thứ Tư 24/3, trước ngày lễ Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã suy tư về vai trò của Mẹ Maria trong đời sống cầu nguyện.

Trước hết Đức Thánh Cha nhắc rằng mọi kinh nguyện Ki-tô giáo đều theo mẫu gương cầu nguyện của Chúa Giê-su. Là Chúa Con nhập thể, Chúa Giê-su không chỉ dạy chúng ta cầu nguyện nhưng như Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và con người, Chúa còn không ngừng chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Chúa Cha.

Và Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giê-su, cũng là Mẹ của Giáo hội, Mẹ của chúng ta, chăm sóc cho chúng ta với tình yêu của người mẹ. Mẹ che chở chúng ta dưới áo choàng của Mẹ. Khi chúng ta cầu nguyện, đọc kinh Kính Mừng, Mẹ cầu bầu cho chúng ta, những người tội lỗi và những người đang hấp hối, đưa chúng ta đến gần Chúa Giê-su Con của Mẹ. Như Mẹ đã đứng dưới chân Thánh giá của Chúa Giê-su, kết hiệp với nỗi đau bị bỏ rơi của Người, Mẹ cũng gần gũi yêu thương, như một người Mẹ, bên cạnh những người lạc lối hay không có người cầu nguyện cho họ. Mẹ gần bên những anh chị em qua đời không có người thân bên cạnh.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha lưu ý rằng con đường chính yếu trong việc cầu nguyện của Ki-tô giáo là nhân tính của Chúa Giê-su. Nếu Ngôi Lời không nhập thể và cho chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa khi tham dự vào tương quan Cha Con của Người với Chúa Cha, thì sự tin tưởng trong lời cầu nguyện Ki-tô giáo sẽ là vô nghĩa.

Vai trò trung tâm của Chúa Ki-tô trong việc cầu nguyện của Ki-tô giáo

Tiếp đến Đức Thánh Cha nêu bật vai trò trung tâm của Chúa Ki-tô trong mọi hình thức cầu nguyện của Ki-tô giáo. Chúa là Đấng Trung gian, là cầu nối mà qua đó chúng ta đến với Chúa Cha (xem GLCG 2674). Chúa là Đấng Cứu Độ duy nhất: không có những người đồng cứu độ cùng với Chúa. Người là Đấng Trung gian tuyệt đối. Mỗi kinh nguyện chúng ta dâng lên Thiên Chúa nhờ Chúa Ki-tô, với Chúa Ki-tô và trong Chúa Ki-tô và được thực hiện nhờ sự chuyển cầu của Người. Chúa Thánh Thần mở rộng sự trung gian của Chúa Ki-tô qua mọi thời và mọi nơi: không có danh nào khác mà nhờ đó chúng ta có thể được cứu độ (xem Cv 4,12). Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người.

Nhờ sự trung gian duy nhất của Chúa Kitô, những danh khác mà các Kitô hữu cầu khẩn khi cầu nguyện và sùng kính được có ý nghĩa và giá trị, trên hết là danh Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giê-su. Mẹ có một vị trí đặc biệt trong đời sống của các Kitô hữu, và do đó, cả trong lời cầu nguyện của họ, bởi vì Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu.

Odigitria, Đấng chỉ đường đến với Chúa Giê-su

Đức Thánh Cha nhắc lại truyền thống của các Giáo hội Đông phương thường miêu tả Mẹ Maria bằng từ tiếng Hy Lạp Odigitria, “người chỉ đườngđến với Chúa Giêsu Kitô, Con của Mẹ. Đức Thánh Cha nói về bức họa cổ Odigitria tại nhà thờ chính tòa Bari ở miền nam nước Ý. Bức họa mô tả Đức Mẹ bế Chúa Giê-su mình trần; sự trần trụi đó cho thấy Chúa Giê-su, một con người, sinh bởi Đức Maria, là Đấng Trung gian. Và Đức Mẹ chỉ cho thấy Đấng Trung gian: Mẹ là Odigitria.

Mẹ Maria: nữ tỳ khiêm hạ của Chúa Giê-su

Tuy Mẹ Maria hiện diện trong khắp các biểu tượng của Ki-tô giáo, đôi khi rất nổi bật, nhưng luôn liên quan đến Con của Mẹ và nối kết với Người. Đức Thánh Cha nhận xét: Đôi tay, đôi mắt, cách ứng xử của Mẹ là một “bài giáo lý” sống động, luôn chỉ ra bản lề, trung tâm: đó là Chúa Giêsu. Đức Maria hoàn toàn hướng về Người (xem GLCG 2674), đến mức chúng ta có thể nói rằng Mẹ giống như một môn đệ của Chúa hơn là một người Mẹ. Trong tiệc cưới Cana Mẹ đã bảo: “hãy làm theo lời Người bảo”. Mẹ luôn luôn chỉ cho thấy Chúa Ki-tô.; Mẹ là môn đệ đầu tiên.

Đây là vai trò mà Mẹ Maria đã hoàn thành trong suốt cuộc đời trần thế của Mẹ và Mẹ luôn luôn giữ vai trò này: là nữ tỳ khiêm hạ của Chúa, không có gì khác hơn. Tại một thời điểm nào đó trong các sách Phúc âm, Mẹ gần như biến mất; nhưng rồi Mẹ lại xuất hiện vào những thời khắc quan trọng hơn, chẳng hạn như tại Cana, khi Con Mẹ, nhờ sự can thiệp quan tâm của Mẹ, thực hiện “dấu lạ” đầu tiên của Người (x. Ga 2,1-12), và sau đó dưới chân thập giá trên đồi Golgotha.

Dưới sự che chở của Mẹ

Tình mẫu tử của Mẹ Maria được Chúa Giê-su mở rộng cho toàn thể Giáo hội khi Người giao phó Mẹ cho môn đệ yêu quý của Người, ngay trước khi hy sinh trên Thánh giá. Kể từ khi đó, tất cả chúng ta đã được quy tụ dưới áo choàng của Mẹ, như được mô tả trong một số bức bích họa hoặc tranh ảnh thời Trung cổ.

Đức Thánh Cha nhắc đến câu tiền xướng bằng tiếng Latinh – sub tuum praesidium confugimus, sancta Dei Genitrix: Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, và ngài giải thích: Đức Mẹ che chở, như người Mẹ, đấng mà Chúa Giêsu đã phó thác cho chúng ta, tất cả chúng ta; nhưng như một người Mẹ, không phải như nữ thần, không phải như người đồng cứu chuộc. Đức Thánh Cha nhận định rằng lòng đạo đức Kitô giáo luôn dành cho mẹ những danh hiệu đẹp đẽ, như người con đối với người mẹ: người con nói với người mẹ mình yêu quý bao điều tốt đẹp! Nhưng chúng ta hãy cẩn thận: những điều Giáo hội, các thánh nói về Mẹ không loại bỏ Chúa Giê-su là Đấng cứu độ duy nhất. Ngài là Đấng Cứu Chuộc duy nhất.

Mẹ ở bên chúng ta trong giờ lâm tử

Đức Thánh Cha nói tiếp: Từ tình cảm của người con, chúng ta cầu nguyện với Mẹ bằng một số cách diễn đạt trực tiếp với Mẹ, được trình bày trong các sách Phúc âm: “đầy ơn phúc”, “được chúc phúc giữa các phụ nữ” (xem GLCG 2676 tt.). Tước hiệu “Theotokos”, “Mẹ Thiên Chúa”, được Công đồng Ê-phê-sô nhìn nhận, cũng sớm được thêm vào kinh Kính Mừng. Và, giống như điều xảy ra trong Kinh Lạy Cha, sau lời ngợi khen, chúng ta thêm lời khẩn cầu: chúng ta cầu xin Mẹ cầu nguyện cho chúng ta là những kẻ tội lỗi, để Mẹ cầu bầu với sự dịu dàng của Mẹ, “bây giờ và trong giờ lâm tử của chúng ta”. Giờ đây, trong những tình huống cụ thể của cuộc sống, và trong giây phút cuối cùng, để Mẹ đồng hành với chúng ta – như là người Mẹ, người môn đệ đầu tiên – trong hành trình dẫn đến sự sống vĩnh cửu.

Mẹ Maria luôn hiện diện bên giường bệnh của những người con rời xa cõi đời này. Nếu ai đó thấy mình đơn độc và bị bỏ rơi, thì Mẹ là người Mẹ, Mẹ đang ở gần, như Mẹ đã ở cạnh Con Mẹ khi mọi người đã bỏ rơi Người.

Trong đại dịch Covid 19, khi nhiều người qua đời đơn độc trong các bệnh viện vì tình trạng cách ly xã hội, Mẹ Maria đã hiện diện, gần gũi với những con người không may kết thúc cuộc hành trình trần thế trong tình trạng bị cô lập, không có sự an ủi gần gũi của những người thân yêu. Mẹ Maria luôn ở đó, bên cạnh chúng ta, với tình mẫu tử dịu dàng của Mẹ.

Mẹ luôn lắng nghe lời cầu xin của chúng ta

Đức Thánh Cha khẳng định: Những lời cầu nguyện với Mẹ không phải là vô ích. Người phụ nữ “xin vâng”, người đã sẵn sàng đón nhận lời mời của thiên thần, cũng đáp lại lời khẩn cầu của chúng ta, lắng nghe tiếng nói của chúng ta, ngay cả những tiếng nói vẫn giữ chặt trong lòng, không có sức mạnh để bộc phát ra nhưng Thiên Chúa biết rõ hơn chúng ta. Mẹ lắng nghe chúng như một người Mẹ.

Kết thúc bài giáo lý Đức Thánh Cha nói: Giống như và hơn bất kỳ người mẹ tốt lành nào, Mẹ Maria bảo vệ chúng ta trong nguy hiểm, Mẹ quan tâm đến chúng ta, ngay cả khi chúng ta bị những lo lắng của mình lấn át và lạc hướng trong cuộc hành trình, và chúng ta không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng cả ơn cứu độ của chúng ta. Mẹ Maria ở đó, cầu nguyện cho chúng ta, cầu nguyện cho những người không cầu nguyện. Để cầu nguyện với chúng tôi. Tại sao? Vì Mẹ là Mẹ của chúng ta.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban.

Hồng Thủy – Vatican News

Nguồn : https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-03/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-cau-nguyen-me-maria.html