SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY, CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM B (21/03/2021) CÁI GIÁ CỦA YÊU THƯƠNG & VÂNG PHỤC [Gr 31,31-34; Dt 5,7-9; Ga 12,20-33]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Kinh nghiệm của mọi người, nhất là của những người từng trải là “cái gì cũng có cái giá của nó.” Nếu không đầu tư công sức, tài năng, tiền của và thời gian thì chúng ta chẳng có thể có được cái gì đáng giá cả. Nếu muốn được những người chung quanh yêu mến và ngưỡng mộ, chúng ta phải chứng tỏ mình thật sự là người có giá trị bằng sự cống hiến cho tha nhân và cộng đồng xã hội! Đó là kinh nghiệm của đời thường.
Trong lãnh vực tâm linh chúng ta cũng nghiệm thấy như vậy. Muốn có sụ hiểu biết về giáo lý, thần học, thánh kinh, chúng ta phải dành nhiều thời gian học hỏi, nghiên cứu. Muốn có sự khiêm tốn, trong sạch thánh thiện chúng ta phải rèn luyện và hy sinh rất nhiều thứ. Chính Chúa Giê-su, Con Một Thiên Chúa, xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại tội lỗi, Chúa đã phải chịu nạn chịu chết đau thương và nhục nhã trên thập giá. Đó là “cái giá phải trả” cho Tình Yêu “vô biên” và “nhưng không” của Chúa Giệsu Kitô đối với con người.
Để đáp lại Tình Yêu “vô biên” và “nhưng không” ấy của Chúa Giêsu Kitô thì chúng ta cũng phải trả giá bằng một đời sống hy sinh, hãm mình, từ bỏ và nhiệt thành với công cuộc xây dựng Vương Quốc của Thiên Chúa. Ý nghĩa của Phụng Vụ Lời Chúa ngày hôm nay là như thề. Chúng ta hãy thực hiện đi!

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Gr 31,31-34): “Ta sẽ ký kết giao ước mới và Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi nữa” Chúa phán: “Đây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, giao ước này không giống như giao ước Ta đã ký kết với tổ phụ của chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai-cập; giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng”. Chúa phán: “Đây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta”. Chúa phán: “Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em rằng: “Ngươi hãy nhìn biết Chúa”, vì mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng”.
2.2 Trong bài đọc 2 (Dt 5,7-9): “Người đã học vâng phục và đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời” Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Đấng có thể cứu Người khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Ga 12,20-33): “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt” Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu”. Philip-phê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Đám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.

III. TÌM HIỂU CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung của Thiên Chúa
(1°) Trong bài đọc 1 (Gr 31,31-34), ngôn sứ Giê-rê-mi-a chia sẻ với chúng ta cảm nghiệm về một Đấng Thiên Chúa
* chỉ biết yêu thương và tha thứ hết mọi lỗi lầm, thậm chí cả mọi tội ác, của dân Ít-ra-en,
* chỉ có một thao thức và kế hoạch là tái lập lại mối tương quan của Giao ước ban đầu bằng một Giao ước mới: “Chúa là Chúa của dân (Ít-ra-en) và dân (Ít-ra-en) là dân của Chúa”,
* chỉ có một bận tâm khi hành động là làm sao cho mọi người (lớn/nhỏ) ghi nhớ và tuân giữ Lề Luật của Người.

(2°) Trong bài đọc 2 (Dt 5,7-9) Thánh Phao-lô Tông đồ nhắc đến cái giá cực đắt (mắc) mà Chúa Giê-su đã phải trả trong cuộc Thương Khó hay Khổ nạn Thập giá, để thiết lập Giao Ước mới với Ít-ra-en mới là toàn thể nhân loại. Trong cuộc Khổ nạn Thập giá, Chúa Giê-su vừa thể hiện sự vâng phục tuyệt đối đối với Thánh Ý và Chương trình Cứu độ của Cha, vừa thể hiện lòng yêu thương tột cùng của Người đối với loài người là anh em của Người.
(3°) Trong bài Tin Mừng của Thánh Gio-an (Ga 12,20-33), Chúa Giê-su như trải cõi lòng mình ra với các môn đệ, để họ thấy:
(a) những tâm tư thầm kín riêng tư nhất của Người và
(b) mối tương quan mật thiết đặc biệt của Người với Chúa Cha,
với ước mong là các môn đệ thấu hiểu và chia sẻ tâm tình với Người mà bước theo chân Người, để:
* Thày ở đâu, môn đệ ở đó,
* và được Cha Thày quí trọng.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa
Sứ điệp của Lời Chúa trong ba bài Thánh Kinh hôm nay là:
Thiên Chúa và Chúa Giê-su Ki-tô
đã nhận lấy phần thiệt về mình để yêu thương và cứu vớt nhân loại.
Vậy các môn đệ Chúa Giê-su, là các Ki-tô hữu chúng ta, hãy học lấy bài học của hạt lúa được gieo vào lòng đất “chịu chết đi” để sinh ra nhiều hạt lúa khác, cũng là bài học “dám coi thường mạng sống mình” vì Chúa và vì anh em mà chính Chúa Giê-su đã thực hiện và mời chúng ta làm theo!

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY
4.1 Sống với Thiên Chúa là mở rộng tâm hồn và cuộc sống để Thiên Chúa và Chúa Giê-su, chia sẻ tình yêu dành cho nhân loại và cách các Ngài thể hiện tình yêu ấy bằng sự hy sinh vĩ đại với cái giá ngất trời là Thập giá.

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Muốn sống sứ điệp của Lời Chúa hôm nay thì mỗi người/cộng đoàn Ki-tô hãy chọn con đường
tự hạ
tự hiến
tự hủy
coi thường mạng sống mình vì Nước Trời mà chính Chúa Giêsu đã chọn.
Trong cụ thể,
mỗi người hãy suy nghĩ,
mỗi cộng đoàn hãy trao đổi
xem trong tuần này mình nên làm những việc gì để thể hiện việc tự hạ/tự hiến/tự hủy/coi thường mạng sống mình vì Nước Trời?
rồi hãy cố gắng thực hiện những việc ấy trong tinh thần khiêm tốn và vâng phục!

V. CẦU NGUYỆN CHO HỘI THÁNH VÀ THẾ GIỚI
5.1 «Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới» Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban các dân tộc các quốc gia trên thế giới ý thức rằng Giao Ước mà Thiên Chúa đã ký kết với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa cũng chính là Giao Ước mà Thiên Chúa đã ký kết với mọi dân mọi nước.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.2 «Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi thành phần Dân Chúa, biết noi theo gương sống và vâng phục của Chúa Giê-su Ki-tô, là Chúa và là Thầy cùa mọi Ki-tô hữu.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.3 «Thày bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác» Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, càng ngày càng biết sống hy sinh từ bỏ để đem lại hoa trái cho mình và cho gia đình, giáo xứ và xã hội.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.4 «Ai phục vụ Thày, Cha của Thày sẽ quý trọng người ấy» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tông đồ giáo dân trên khắp thế giới, để họ xác tín và cảm nghiệm sâu sắc tấm lòng ưu ái của Chúa Cha đối với họ, trong mọi hoạt động tông đồ của họ.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

Ngày 17 tháng 03 năm 2021
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.