Trong cuộc viếng thăm cộng đoàn Qaraqosh, thành phố bị Nhà nước Hồi giáo xâm chiếm và tàn phá vào tháng 8/2014, Đức Thánh Cha khuyến khích người dân cùng nhau phục hồi và tái thiết thành phố, đặc biệt là các mối liên hệ cộng đồng. Ngài kêu gọi tha thứ và khẳng định rằng bạo lực không phải là tiếng nói quyết định nhưng là chính Thiên Chúa, dấu chỉ của sự sống chiến thắng sự chết.
Trưa Chúa Nhật 7/3/2021, sau khi thăm Mosul, Đức Thánh Cha đã viếng thăm cộng đoàn Qaraqosh ở miền bắc Iraq, thuộc Tỉnh bang Ninive, cách Mosul khoảng 32 km về phía đông nam và cách Erbil 60 km về phía tây, gần khu di tích của các thành phốNimrud và Nineveh của đế quốc Assyria cổ đại.
Thành phố Qaraqosh
Đây là thành phố Ki-tô giáo chính yếu của Iraq, sống chủ yếu về nông nghiệp, với hơn 50.000 dân, 90% là Ki-tô hữu. Mùa hè năm 2014, thành phố đã bị dân quân của Nhà nước Hồi giáo tự phong xâm chiếm. Nhà cửa và các nhà thờ, thư viện và các tòa nhà quan trọng khác bị tàn phá. Hàng chục ngàn Ki-tô hữu phải vội vã rời bỏ nhà cửa, tìm nơi trú ẩn chủ yếu ở miền Kurdistan.
Hai năm sau, năm 2016, thành phố được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Hồi giáo IS. Trong những năm gần đây, các tổ chức bác ái Ki-tô giáo và các hiệp hội quốc tế đã cố gắng tái thiết những gì đã bị phá hủy, như Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, là nhà thờ Ki-tô giáo lớn nhất của đất nước, tại Tahira al-Kubra. Ngày nay, sự giúp đỡ của Giáo hội và cộng đồng quốc tế trong việc tái thiết trung tâm đô thị đã cho phép khoảng 46% những người sống ở thị trấn này trước khi Nhà nước Hồi giáo xâm lược, tháng 8 năm 2014, quay trở lại quê nhà.
Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội
Cuộc gặp gỡ với cộng đoàn Công giáo Qaraqosh diễn ra tại Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Nhà thờ được xây dựng giữa các năm 1932 và 1948 nhờ sự đóng góp và làm việc tích cực của các công dân vùng bình nguyên Ninive, ở đông nam Mosul. Nhà thờ lớn nhất Iraq này dài 54m và rộng 24m, có sức chứa 2500 người. Năm 2014 nhà thờ đã bị dân quân Nhà nước Hồi giáo phá hoại, xúc phạm và đốt cháy: một phần của tháp chuông bị phá hủy, các bức tượng bị chặt đầu, nhà thờ bị đốt cháy, đồ đạc, sổ đăng ký và sách thánh bị ném vào lò…
Sau khi thành phố được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Nhà nước Hồi giáo, vào tháng 10 năm 2016, tòa nhà trở lại là nơi thánh; một bàn thờ tạm và một cây Thánh giá lớn bằng gỗ trên mái nhà đã được dựng lên. Tuy nhiên, việc tái thiết thực sự của nhà thờ đã bắt đầu vào tháng 1 năm 2020. Một tượng mới của Đức Mẹ Maria đã được dựng lên trên tháp chuông đã được trùng tu, các bức tường và cột bằng đá cẩm thạch bị ám khói đen đã được tẩy rửa, và một tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội cao hai mét được đặt trên bàn thờ.
Dân chúng Qaraqosh chào đón Đức Thánh Cha
Lúc khoảng 10:15, xe chở Đức Thánh Cha tiến vào trung tâm thành phố Qaraqosh. Hai bên đường, rất đông người dân Iraq đứng đợi chào đón Đức Thánh Cha.
Đến cửa nhà thờ, Đức Thánh Cha được Đức Thượng phụ Younan, Đức tổng giám mục và cha sở đón tiếp. Hai em bé bị hội chứng Down cũng chào đón Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha hôn Thánh giá và rảy nước thánh trước khi tiến vào trong nhà thờ. Trong nhà thờ rất đông tín hữu hiện diện chờ đón, reo hò chào mừng Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha chậm chậm tiến lên cung thánh, vẫy chào các tín hữu. Lên đến gần cung thánh ngài chào các thiếu nhi và bệnh nhân ở hàng ghế đầu. Sau đó Đức Thánh Cha tiến đến bàn thờ, dâng hoa và cầu nguyện trong giây lát.
Cộng đoàn đa sắc tộc và đa tôn giáo
Mở đầu cuộc gặp gỡ, Đức Thượng phụ Younan của Công giáo Syri đã có lời chào đón Đức Thánh Cha và phái đoàn Tòa Thánh. Đức Thượng phụ giới thiệu cộng đoàn hiện diện gồm một phần các tín hữu những người đã phải rời nhà cửa vào năm 2014 khi khủng bố Hồi giáo tấn công. Trong số này cũng có các tín đồ Hồi giáo Ả-rập, người Kurrd, Yezidi, vv. Đây là một cộng đoàn đa tôn giáo và đa sắc tộc trong quá khứ đã tì cách cùng chung sống trong hòa bình.
Chứng từ của bà Doha Sabah: tha thứ
Tiếp đến, bà Doha Sabah, một giáo dân, đã chia sẻ ký ức kinh hoàng vào ngày 6/8/2014, khi những quả bom của Hồi giáo IS đã giết chết con trai, cháu bà và một cô gái trẻ. Đức tin giúp bà tin rằng những người trẻ này đang ở trong vòng tay của Chúa Ki-tô và chúng ta, những người đang sống, cố gắng tha thứ cho kẻ xâm lược bởi vì Chúa Giê-su đã tha thứ cho kẻ hành hình ngài. Bà nói: “Bằng cách theo gương Chúa chúng tôi làm chứng rằng tình yêu mạnh hơn tất cả.”
Chứng từ của cha Ammar Yako: “Chúa không bỏ rơi chúng tôi”
Tiếp theo là chứng từ của cha Ammar Yako, tổng đại diện của tổng giáo phận Mossul của Công giáo Syri. Khẩu hiệu linh mục của cha là “Xin đừng làm rạng rỡ chúng con nhưng xin cho Danh Ngài rạng rỡ” (Tv 15,1). 20 năm linh mục, một hành trình không dễ dàng giữa những năm chiến tranh, nhưng Chúa luôn là sức mạnh của Cha và giúp cha sống châm ngôn đời linh mục cách vui tươi.
Đã hai lần cha suýt chết vì bom đạn khủng bố. Cha và người dân trong thị trấn đã di tản khi khủng bố IS xâm chiếm thị trấn. Từ đó cha cùng với mọi người sống lang thang trên các con đường, quảng trường, công viên, không nơi cư trú, không thức ăn… Cha chỉ có thể giải thích: “Với sức mạnh của Thiên Chúa, chúng tôi đã có thể giúp các gia đình, ở bên họ, phân phát thức ăn, quần áo…3 năm sống tị nạn đối với chúng tôi không phải là những năm “bị nguyền rủa”, mà là những năm được Chúa chúc phúc.”
Cha nói rằng Chúa đã tỏ hiện vinh quang của Người sau khi các thành phố và làng mạc được giải phóng. Mọi sự bị phá hủy hoàn toàn “nhưng Chúa không bỏ rơi chúng tôi, thật là một phép màu khi mang sự sống trở lại thành phố này.”
Diễn văn của Đức Thánh Cha
Sau khi nghe các chứng từ Đức Thánh Cha chia sẻ với cộng đoàn hiện diện. Ngài nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Tôi tạ ơn Chúa về cơ hội được ở giữa anh chị em hôm nay. Tôi đã mong đợi thời gian này từ rất lâu. Tôi cảm ơn Đức Thượng Phụ Ignace Youssif Younan đã có lời chào đón, cũng như cảm ơn bà Doha Sabah Abdallah và cha Ammar Yako về chứng từ của họ. Khi nhìn anh chị em, tôi thấy sự đa dạng văn hóa và tôn giáo của người dân Qaraqosh và điều này cho thấy điều gì đó tốt đẹp mà vùng đất của anh chị em cống hiến cho tương lai. Sự hiện diện của anh chị em ở đây nhắc rằng vẻ đẹp không đơn sắc, nhưng tỏa sáng trong sự đa dạng và khác biệt.
Chiến thắng của sự sống trên sự chết
Đồng thời, với sự đau buồn lớn lao, chúng ta nhìn xung quanh và nhìn thấy những dấu hiệu, những dấu hiệu của sức mạnh hủy diệt của bạo lực, thù hận và chiến tranh. Bao nhiêu thứ đã bị phá đổ! Bao nhiêu điều cần phải xây dựng lại! Chúng ta tụ họp ở đây hôm nay cho thấy rằng khủng bố và chết chóc không bao giờ có tiếng nói quyết định. Quyết định thuộc về Thiên Chúa và Con của Người, Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết. Ngay cả giữa sự tàn phá của khủng bố và chiến tranh, chúng ta có thể nhìn thấy, với con mắt của đức tin, chiến thắng của sự sống trên sự chết.
Anh chị em có tấm gương của những người cha và người mẹ của anh chị em trong đức tin, những người đã thờ phượng và ngợi khen Thiên Chúa tại nơi này. Họ kiên trì với niềm hy vọng vững chắc trong suốt cuộc hành trình trần thế, tin cậy nơi Thiên Chúa, Đấng không bao giờ để ai thất vọng và luôn nâng đỡ chúng ta bằng ân sủng của Người. Di sản tinh thần to lớn mà họ để lại vẫn tiếp tục sống động trong anh chị em. Hãy giữ chặt lấy di sản này! Đó là sức mạnh của anh chị em! Bây giờ là lúc để xây dựng lại và bắt đầu lại từ đầu, dựa vào ân sủng của Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn số phận của tất cả các cá nhân và dân tộc. Anh chị em không đơn độc! Toàn thể Giáo hội gần gũi với anh chị em bằng những lời cầu nguyện và lòng bác ái cụ thể. Và trong khu vực này, có rất nhiều người đã mở cửa cho anh chị em vào lúc cần thiết.
Người già và người trẻ được mời gọi khôi phục và tái thiết
Các bạn thân mến, đây là thời điểm để khôi phục không chỉ các tòa nhà nhưng cả các mối liên kết của cộng đồng, những thứ gắn kết cộng đồng và gia đình, người trẻ và người già với nhau. Ngôn sứ Giô-en nói, “Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ,người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến.” (xem Ge 3,1). Điều gì sẽ xảy ra khi người già và người trẻ xích lại gần nhau? Người già ước mơ, họ mơ về một tương lai cho lớp trẻ. Và những người trẻ có thể thực hiện những giấc mơ và lời ngôn sứ, biến chúng thành hiện thực. Khi già và trẻ đến với nhau, chúng ta gìn giữ và truyền lại những món quà mà Thiên Chúa ban tặng. Chúng ta nhìn con cái của mình, biết rằng chúng sẽ không chỉ được thừa hưởng một vùng đất, một nền văn hóa và truyền thống, mà còn là những thành quả sống động của đức tin, những ân sủng của Thiên Chúa trên mảnh đất này. Vì vậy tôi khuyến khích anh chị em: Đừng quên anh chị em là ai và đến từ đâu! Đừng quên những liên kết đã nối kết anh chị em lại với nhau! Đừng quên bảo tồn nguồn gốc của anh chị em!
Đừng bỏ cuộc
Chắc chắn, sẽ có những thời điểm mà đức tin có thể bị lung lay, khi dường như Chúa không nhìn thấy hoặc không hành động. Điều này đúng với anh chị em trong những ngày đen tối nhất của cuộc chiến, và nó cũng đúng trong những ngày này trong cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và vô cùng bất an. Những lúc như thế này, hãy nhớ rằng Chúa Giê-su đang ở bên cạnh anh chị em. Đừng từ bỏ ước mơ! Đừng bỏ cuộc! Đừng mất hy vọng! Từ trời cao các vị thánh đang nhìn xem chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện với các ngài và đừng bao giờ mệt mỏi khi cầu xin sự chuyển cầu của họ. Ngoài ra còn có các vị thánh ở nhà bên cạnh, “những người đang sống ở giữa chúng ta và phản chiếu sự hiện diện của Thiên Chúa” (Gaudete etExsultate, 7). Vùng đất này có nhiều người trong số họ, bởi vì nó là vùng đất của nhiều người nam nữ thánh thiện. Hãy để họ đồng hành cùng anh chị em đến một tương lai tốt đẹp hơn, một tương lai đầy hy vọng.
Tha thứ và lòng biết ơn
Một điều mà bà Doha nói đã khiến tôi vô cùng xúc động. Bà nói rằng sự tha thứ là cần thiết đối với những người sống sót sau vụ khủng bố. Tha thứ; đó là từ khóa. Tha thứ là điều cần thiết để duy trì tình yêu, để tiếp tục là Ki-tô hữu. Con đường để hồi phục hoàn toàn có thể còn dài, nhưng tôi xin anh chị em đừng nản lòng. Điều cần thiết là khả năng tha thứ, nhưng cũng là dũng khí để không bỏ cuộc. Tôi biết rằng điều này là rất khó khăn. Nhưng chúng ta tin rằng Chúa có thể mang lại hòa bình cho vùng đất này. Chúng ta tín thác vào Chúa và, cùng với tất cả những người thiện chí, chúng ta nói “không” với khủng bố và thao túng tôn giáo.
Cha Ammar thân mến, khi nhắc lại tất cả những gì đã xảy ra trong các cuộc tấn công khủng bố và chiến tranh, cha cảm ơn Chúa đã luôn ban cho cha tràn đầy niềm vui, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc khỏe mạnh. Lòng biết ơn được sinh ra và lớn lên khi chúng ta nhớ đến những món quà và lời hứa của Chúa. Hồi ức về quá khứ hình thành hiện tại và dẫn chúng ta tới tương lai.
Kêu gọi cầu nguyện
Trong mọi lúc, chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì những món quà ân sủng của Người và xin Người ban sự bình an, tha thứ và tình huynh đệ cho vùng đất này và dân tộc của nó. Chúng ta hãy cầu nguyện không ngừng cho sự hoán cải của trái tim và cho sự chiến thắng khải hoàn của một nền văn hóa sự sống, hòa giải và tình yêu thương huynh đệ giữa mọi người nam và nữ, tôn trọng sự khác biệt và các truyền thống tôn giáo đa dạng, trong nỗ lực xây dựng một tương lai hiệp nhất và hợp tác giữa tất cả mọi người thiện chí. Một tình yêu huynh đệ công nhận “những giá trị nền tảng của nhân loại chung của chúng ta, những giá trị mà nhờ đó chúng ta có thể và phải hợp tác, xây dựng và đối thoại, tha thứ và trưởng thành” (FratelliTutti, 283).
Cám ơn và cầu nguyện cho những người nữ Iraq
Khi đến đây bằng trực thăng, tôi đã thấy tượng Đức Mẹ Maria trên Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Tôi đã phó thác sự tái sinh của thành phố này cho Mẹ. Đức Mẹ không chỉ bảo vệ chúng ta từ trên cao, nhưng bước đến với chúng ta bằng tình yêu của một người Mẹ. Hình ảnh của Mẹ ở đây đã bị ngược đãi và thiếu tôn trọng, nhưng khuôn mặt của Mẹ Thiên Chúa vẫn tiếp tục nhìn chúng ta với tình yêu thương. Đó là điều các bà mẹ làm: họ khuyên giải, họ an ủi và trao tặng cuộc sống. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả những người mẹ và người phụ nữ của đất nước này, những người phụ nữ dũng cảm, những người vẫn tiếp tục cống hiến sự sống, bất chấp những sai trái và đau đớn. Chớ gì những người phụ nữ được tôn trọng và bảo vệ! Chớ gì họ được tôn trọng và trao cho cơ hội!
Và bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Mẹ của chúng ta, khẩn cầu sự chuyển cầu của Mẹ cho những nhu cầu và kế hoạch tương lai của anh chị em. Tôi đặt tất cả anh chị em dưới sự chuyển cầu của Mẹ. Và tôi xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi.
Kết thúc bài diễn văn Đức Thánh Cha đã cùng cộng đoàn đọc Kinh Truyền Tin kính Đức Mẹ.
Tiếp đến Đức Thánh Cha đã ký vào sổ lưu niệm và tặng cộng đoàn một ảnh Đức Mẹ. Từ giã cộng đoàn Qaraqosh, Đức Thánh Cha di chuyển đến chủng viện thánh Phê-rô ở Ankawa, cách đó 63 km để dùng bữa trưa. Đây là chủng viện duy nhất còn hoạt động ở Iraq; là nơi đào tạo các linh mục của Giáo hội Can-đê.
Hồng Thủy – Vatican News
Nguồn : https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-03/dtc-phanxico-tham-cong-doan-qaraqosh-khung-bo-tan-phan-nam-2014.html