“Thời giờ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã gần đến;
anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ:
Bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu được Tin Mừng Mác-cô tường thuật (Mc 1,12-15) tuy rất ngắn nhưng chứa đựng một nội dung hết sức phong phú. Đó không chỉ là bài giảng cho Mùa Chay mà là bài giảng cho cả cuộc đời của mỗi người tín hữu chúng ta vì trong bài giảng ấy chúng ta thấy được tất cả những yếu tố cơ bản của Kitô giáo. Vì thế chúng ta hãy dành chút thời gian để xem xét các bối cảnh (lịch sử và thần học) và nghiền ngẫm nội dung giáo lý của bài Phúc âm Chúa Nhật I Mùa hay Năm B hôm nay.
II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 1,12-15: Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.
III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 1,12-15:
3.1 Bối cảnh lịch sử và thần học của câu chuyện: Muốn thấu hiểu bắt cứ câu chuyện hay sự kiện nào của Thánh Kinh, chúng ta cũng phải tìm hiểu xem câu chuyện hay sự kiện ấy xẩy ra trong bối cảnh nào. Có hai loại bối cảnh là bối cảnh lịch sử và bối cảnh thần học.
a) Bối cảnh lịch sử của câu chuyện trong Mc 1,12-15 là những ngày đầu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu: Gioan Tẩy Già xuất hiện và hoạt động rao giảng việc sám hối và làm phép rửa bên dòng sông Giocđan cho những người Do-thái thống hối. Trong khung cảnh ấy Đức Giêsu xuất hiện và tìm đến với Gioan và xin ông làm phép rửa cho Người. Ít lâu sau Gioan bị bắt giam và bị xử trảm vì đã can đảm tố cáo tội ác của vua Hêrôđê.
b) Bối cảnh thần học của câu chuyện trong Mc 1,12-15 là sau khi Chúa Giêsu bị thử thách và chiến thắng cám dỗ của Satan trong hoang địa. Trước khi bắt tay vào công việc được Chúa Cha giao cho, là rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu phải chứng minh Người là người thế nào, Người chọn lựa con đường hay lối đi nào? Chiến thắng Satan trong hoang địa có nghĩa là Chúa Giêsu là Người mà Thiên Chúa đã chọn làm Đấng Mêsia của Israel và Chúa Giêsu đã chọn con đường hay đường lối của Thiên Chúa là cứu độ nhân loại bằng hiến tế thập giá.
3.2 Nội dung của bài giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa:
(1) Thời gian đã mãn: có nghĩa là thời gian chờ đợi và chuẩn bị cho Chúa Cứu Thế xuất hiện trên trần gian của Thiên Chúa đã kết thúc. Từ nay trung tâm của lịch sử và hoạt động cứu độ của Thiên Chúa tập trung nơi Chúa Giêsu Nagiaret, Thiên Chúa làm người. Cũng có nghĩa là thời gian mà dân Israel và nhân loại chờ đợi Thiên Chúa thực hiện lời hứa đã hết. Ơn Cứu Độ đã được ban nơi/qua Chúa Giêsu Kitô. Nay là thời gian loài người đón nhận và loan truyền Ơn Cứu Độ ấy cho người xung quanh.
(2) Nước Thiên Chúa đã hiện diện: Chúa Giêsu có mặt có nghĩa là Nước Thiên Chúa đã hiện diện trong trần gian. Loài người không còn phải tìm đâu xa mà chỉ cần đến gần và đón nhận Chúa Giêsu Kitô là gia nhập Nước Thiên Chúa là trở thành công dân Nước Trời.
(3) Mỗi người phải ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng: Muốn vào Nước Thiên Chúa hay trở thành công dân Nước Trời thì việc đầu tiên và quan trọng mỗi người phải làm là ăn năn sám hối và Tin vào Tin Mừng
– Ăn năn sám hối vì mỗi người đều phạm tội mất lòng Thiên Chúa và làm tổn hại đến tha nhân. Cần phải ăn năn sám hối để được Thiên Chúa thứ tha và đón nhận lại.
– Tin vào Tin Mừng là tin vào Chúa Giêsu Kitô, vào lời giảng dậy và giáo lý của Người, vào con đường cứu độ bằng thập giá của Người. Tin vào Tin Mừng là sống và loan truyền các giá trị của Tin Mừng cho người bên cạnh. Muốn càng ngày càng tin vào Tin Mừng thì mỗi người phải siêng năng tìm hiểu và đào sâu Tin Mừng qua học hỏi và suy niệm Tin Mừng.
IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 1,12-15:
4.1 Trong bối cảnh của Phúc âm Mác-cô nói chung, của câu chuyện Mc 1,12-15 nói riêng, thì yếu tố không gian (ở đâu? where?) quan trọng hơn yếu tố thời gian (khi nào? when?): Cụ thể là câu chuyện hay sự việc đã xẩy ra ở đâu? Trong cuốc đời Chúa Giêsu có ba nơi (không gian) hết sức quan trọng: Khởi đầu sứ vụ Chúa Giêsu chịu Satan cám dỗ và Người đã chiến thắng nó ở trong HOANG ĐỊA; Người rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, chữa lành các bệnh nhân, trừ quỷ trên mọi nẻo ĐƯỜNG và Người được mai táng trong MỘ. Chi tiết đó gợi ý cho chúng ta hiểu rằng thời gian chúng ta đón nhận Chúa và Tin Mừng của Người không quan trọng (xem câu chuyện thợ làm vườn nho) bằng không gian trong đó chúng ta đón nhận Chúa và Tin Mừng của Người. Giống như những người Israel đã đón nhận trong tâm hồn lời rao giảng về Nước Thiên Chúa và các phép lạ Chúa Giêsu đã làm.
4.2 Hãy ăn năn sám hối: Càng đọc Thánh Kinh và đối chiều đời mình với Lời Chúa, người tín hữu càng cảm thấy mình tội lỗi thiếu sót. Thật vậy đọc bất cứ Lời Chúa nào chúng ta cũng thấy mình chưa thực thi được điều Chúa nói trong lời ấy. Vì thế mà chúng ta cần ăn năn sám hối để được Thiên Chúa thứ tha và cho chúng ta hưởng lòng từ bi thương xót của Người.
4.3 Hãy tin vào Tin Mừng: Càng đọc Tin Mừng chúng ta càng thấy mình chẳng hiểu gì hay chỉ hiểu rất sơ sài thiếu sốt về Tin Mừng. Càng đọc Tin Mừng chúng ta càng thấy rõ mình chưa sống được Tin Mừng vì vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa những đòi hỏi của Tin Mừng và thực tế cuộc sống của chúng ta. Chỉ cần xét mình về ba điều cốt yếu của Mùa Chay là ăn chay cầu nguyện và bố thí chúng ta liền thấy là mình đã buông bỏ (ăn chay) cầu nguyện và thực thi bác ái (bố thí) rất ít. Vì thế Đức Thánh Cha Phanxicô mới kêu gọi chúng ta hãy làm mới lòng tin, niềm hy vọng và tình yêu thương trong sứ điệp Mùa Chay 2021 của ngài.
V. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 1,12-15:
KHAI MỞ: Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô cho chúng con để Người khai lòng mở trí cho chúng con. Xin Cha lắng nghe lời cầu xin tha thiết của chúng con.
Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN
1.- «Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho tất cả mọi người lớn bé già trẻ đều được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn và thức đẩy như Chúa Giêsu Kitô.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2.- «Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy chiến thắng được Satan và tính mê nết xấu của người phàm để thi hành sứ mạng lãnh đạo Dân Chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3.- «Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của Nước Thiên Chúa» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô hữu tích cực loan báo Tin Mừng bằng lời nói, việc làm và bằng cả đời sống.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4.- «Thời giờ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho tất cả mọi Kitô hữu, nhất là những người đang sống trong tội, biết ăn năn sám hối và quay về với Thiên Chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
LỜI KẾT:
Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban cho chúng con Con yêu đầu của Cha để Người giảng dậy và làm gương cho chúng con. Chúng con chẳng những không sống thánh thiện mà còn phạm tội mất lòng Cha, phản bội Cha và Chúa Giêsu Con Cha.
Chúng con xin Cha tha thứ cho chúng con và xóa sạch mọi tội lỗi thiếu sót của chúng con. Chúng con cầyu xin, nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô Con Cha, Chúa chúng con, là Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến để đưa mọi người về với Cha. Amen.
Sàigòn ngày 18 tháng 02 năm 2021
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội