5 Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Ngày Tháng 2/2021

01/02/21 THỨ HAI TUẦN 4 TN
Mc 5,1-20

SỰ SỐNG MỚI VÀ SỨ MẠNG MỚI TRONG CHÚA KI-TÔ
Đức Giê-su đã bảo nó: “Thần ô uế kia, xuất khỏi người này!” (Mc 5,8)
Suy niệm: Dưới ách khống chế của cả một đạo binh quỷ, người xứ Ghê-ra-sa bị hành hạ, tra tấn ghê rợn đến độ không còn là con người nữa: Anh ta sống giữa đám mồ mả như một con vật hoang dã, “tru tréo, lấy đá đập vào mình,” hung dữ đến độ cả xiềng xích cũng không thể chế ngự được anh. Nhưng chỉ một lời của Chúa Giê-su, ngắn gọn nhưng quyết liệt và đầy uy lực, đã vĩnh viễn trục xuất đạo binh quỷ đó ra khỏi anh. Sức mạnh của Lời Chúa thật diệu kỳ. Chẳng những quỷ phải xuất ra, mà anh còn được trở lại làm người, một con người với đầy đủ phẩm chất: Anh ngồi đó, bên cạnh Chúa, “ăn mặc hẳn hoi, trí khôn tỉnh táo.” Ngài đã cho anh cuộc sống mới với sứ mạng mới: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương xót anh như thế nào” (Mc 5,19).
Mời Bạn: Thế gian, ma quỷ và xác thịt là ba kẻ thù luôn ngăn cản chúng ta trên con đường hoàn thiện. Bộ ba kẻ thù này luôn lớn mạnh và đông đảo như “đạo binh”, chúng luôn rảo quanh, rình rập và tìm mọi cơ hội để kéo chúng ta xa Chúa. Ý thức phận con người mỏng dòn, yếu đuối bạn hãy năng chạy đến nương tựa vào Chúa Giê-su nơi các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, nguồn mạch tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, để nhận lãnh nguồn ơn thánh và để đủ sức chống trả.
Sống Lời Chúa: Bạn hãy sắp xếp chương trình sống hằng ngày để có thời gian hồi tâm cầu nguyện riêng tư hoặc trước Thánh Thể Chúa.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa là sức mạnh của con, là Đấng con ca ngợi, chính Ngài cứu độ con.” (Tv 118,14).

02/02/21 THỨ BA TUẦN 4 TN
Dâng Chúa Giê-su trong đền thánh
Lc 2,22-40

CHÚA GIÊ-SU LÀ ÁNH SÁNG
“Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ. Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.” (Lc 2,30-32)
Suy niệm: Từ xa xưa, lễ dâng Chúa trong đền thánh đã được gọi là lễ nến, khi các tín hữu đem nến đến làm phép để biểu trưng và cũng để tiếp nối lời ông Si-mê-on đã gọi Chúa Giê-su là “ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.” Quả thật Chúa là ánh sáng ban sự sáng và sự sống cho nhân loại như Ngài đã nói: “Tôi là ánh sáng cho trần gian, ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8,12).
Mời Bạn: Bạn được mời gọi “tin vào ánh sáng, để trở nên con cái ánh sáng” (x. Ga 12,36). Bạn hãy để ánh sáng của Chúa chiếu soi thấu tận mọi ngõ ngách sâu tối nhất trong tâm hồn, để Ngài thanh luyện, chữa lành, gia tăng sức sống và thánh hóa bạn, ngõ hầu bạn được biến đổi trở nên “ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5,9). Giống như ngọn nến bạn hiến dâng đời mình cho Chúa để thuộc trọn về Chúa và dám tiêu hao đời mình như ngọn nến, để phục vụ mọi người, tiếp tục trở nên “ánh sáng cho trần gian” chiếu sáng những nơi còn tăm tối và đưa họ về với nguồn ánh sáng thật là chính Chúa.
Sống Lời Chúa: Bạn suy niệm Lời Chúa hằng ngày để ánh sáng Chúa biến đổi bạn mỗi ngày nên giống Chúa hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con trở nên ngọn nến dám tiêu hao đời mình trong phục vụ âm thầm, hầu chiếu sáng Tình Yêu của Chúa cho nhiều người, để họ được giải phóng khỏi mọi bóng tối của tội lỗi và sự chết. Amen.

03/02/21 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Th. Bla-xi-ô, giám mục, tử đạo
Mc 6,1-6

THOÁT KHỎI THÀNH KIẾN
“Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a và là anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người. (Mc 6,3)
Suy niệm: Dân thành Na-da-rét ngày xưa mang nặng thành kiến về Đức Giê-su. Họ không thể thoát ra khỏi cái “lý lịch trích ngang” của người chỉ là “bác thợ, con bà Ma-ri-a” cùng với những anh em bà con như bao người khác sống trong làng xóm của họ. Chính cặp kính “cận thị” và thiên lệch đó đã che khuất tầm nhìn khiến họ không thể nhận ra Đấng Thiên Sai nơi con người Giê-su thành Na-da-rét ấy dù Ngài giảng dạy “như Đấng có uy quyền” và làm các dấu lạ khiến họ “kinh ngạc vì ở Ít-ra-en chưa từng thấy thế bao giờ” (Mt 9,33).
Mời Bạn: Thành kiến giống như cặp mắt kính bị lỗi khiến cho mọi thứ nhìn xuyên qua nó đều trở thành méo mó lệch lạc, điều hay điều tốt cũng trở nên xấu xí. Người mang thành kiến luôn ở trong tư thế đối kháng, bắt bẻ, xét nét, xét đoán cách thiên lệch, bất công. Và như thế không nhìn thấy được điều tốt đẹp nơi người khác. Để thoát khỏi thành kiến, cần gỡ bỏ cái nhìn tiêu cực để thay vào đó bằng cái nhìn tích cực, thay vì soi mói khuyết điểm thì nỗ lực khám phá ưu điểm nơi anh em. Và nhất là nói không với tính tự ái, tự phụ là nguồn “chống lưng” cho óc thành kiến đó.
Sống Lời Chúa: Để thoát khỏi thành kiến, mời bạn tập khám phá phương diện tích cực, ưu điểm của người khác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con đôi mắt để nhìn, đôi tai để nghe. Xin cho chúng con biết nhìn, biết nghe tha nhân với lòng bao dung, ngõ hầu chúng con thấy được sự hiện diện và ý định của Chúa nơi họ.

04/02/21 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Mc 6,7-13

ĐẾN VÀ Ở LẠI
Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi.” (Mc 6,10)
Suy niệm: Tục ngữ Việt Nam có câu: “Có công mài sắt có ngày nên kim.” Một công việc dù khó khăn và lâu dài đến độ không tưởng nhưng người nào biết nhẫn nại và kiên định đến cùng cũng sẽ gặt hái được kết quả tuyệt vời. Trong hành trình loan báo Tin Mừng không phải chỉ một sớm một chiều là thấy được kết quả. Vì thế, Chúa Giê-su nhắn nhủ các môn đệ đừng có thái độ ‘cưỡi ngựa xem hoa’ mà phải “ở lại cho đến lúc ra đi”. “Ở lại” nghĩa là hiện diện và đồng hành để gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại, để cùng chia sẻ và cảm thông, như Chúa Giê-su từ trời sinh xuống gian trần để làm Đấng Em-ma-nu-en, là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, không chỉ trong chốc lát mà là “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Mời Bạn: Chúa Giê-su là gương mẫu của gặp gỡ, lắng nghe, và đối thoại. Bốn Tin Mừng trình thuật những cuộc gặp gỡ của Ngài với mọi hạng người. Để rồi nhờ lắng nghe tâm hồn của họ, Ngài đã chữa lành “bệnh tật” trong lòng và biến đổi họ thành con người mới. Là môn đệ của Ngài, chúng ta được mời gọi bắt chước Thầy để kiên nhẫn lắng nghe và đối thoại hầu giới thiệu sứ điệp Tình Yêu đến cho người khác. Chúng ta có ý thức và thực hành điều này hay chưa? Hay chúng ta thích nói hơn là lắng nghe; thích tranh phần thắng thua hơn là đối thoại chia sẻ? “Ở lại” chính là chìa khoá để công cuộc loan báo Tin Mừng được thấm sâu đem lại kết quả bền vững.
Sống Lời Chúa: Thực hành việc “ở lại” với tha nhân bằng cách tập lắng nghe-cảm thông và phục vụ-chia sẻ.
Cầu nguyện: Xin cho con kiên nhẫn lắng nghe để nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi anh em con. Amen.

05/02/21 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Th. A-ga-ta, trinh nữ, tử đạo
Mc 6,14-29

SỨ MẠNG CỦA NGÔN SỨ
Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục. (Mc 6,27)
Suy niệm: Các ngôn sứ được sai đi để nói Lời Thiên Chúa là lời chân lý cho con người. Tuy nhiên, người ta nói sự thật thì dễ làm mất lòng, và có khi còn mất cả đầu nữa. Điều đó hoàn toàn đúng với trường hợp của thánh Gio-an Tẩy Giả khi ông dám nói lên sự thật để lên án lối sống vô luân vua Hê-rô-đê: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài.” Đứng trước điều sai trái, Gio-an không im lặng làm ngơ cũng không “gió chiều nào che chiều ấy”, nhưng với sự cương trực, ông đã mạnh mẽ nói lên mệnh lệnh của đạo lý, của lương tâm, dù rằng điều đó đưa ông vào chốn tù tội và phải trả giá bằng cả mạng sống. Nhưng đó là sứ mạng của ông, một ngôn sứ. Và hơn nữa, là Tiền hô của Đấng Cứu Thế, cái chết của Gio-an cũng báo trước Đức Ki-tô, Đấng là Chân Lý, sẽ chịu chết “để làm chứng cho Sự Thật” (Ga 18,37).
Mời Bạn: Chúa Giê-su tuyên bố: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tôi.” Trong thế giới ngày nay, khi mà sự dối trá đang thao túng lương tâm con người, thì các ki-tô hữu, qua bí tích Rửa tội, được mời gọi can đảm làm chứng cho sự thật bằng chính cuộc sống trung thực của mình như thánh Phao-lô nhắc nhở: “sống theo sự thật và trong tình bác ái” để nhờ đó “xây dựng thân thể Chúa Ki-tô” cho tới khi “đạt tới tầm vóc viên mãn của Ngài” (x. Ep 4,11-16).
Sống Lời Chúa: Tôi luôn nói điều thật và làm điều tốt.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng con được mời gọi làm ngôn sứ cho Chúa, làm người loan báo Tin Mừng. Xin ban thêm sức mạnh để chúng con biết can đảm làm chứng cho Chân Lý ấy giữa cuộc đời. Amen.

06/02/21 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Th. Phao-lô Mi-ki và các bạn tử đạo
Mc 6,30-34

BIẾT CÂN BẰNG CUỘC SỐNG
Người bảo các ông: “Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng và nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông nên các ông không có thời giờ ăn uống nữa. (Mc 6,31)
Suy niệm: Trong nhịp sống quay cuồng của thời đại hôm nay, áp lực cuộc sống ngày càng cao, thì nhu cầu được nghỉ ngơi, thư giãn càng nhiều và thiết yếu. Phục hồi năng lượng cho thể xác cũng là phục hồi năng lượng tinh thần. Chúa Giê-su quá biết điều đó nên Ngài ân cần nhắn nhủ các môn đệ “lánh ra nơi thanh vắng để nghỉ ngơi đôi chút” bởi vì các ông chẳng những đã hao kiệt năng lượng sau khi thi hành sứ mạng mà còn bị dân chúng tuốn đến khiến các ông “không có thời giờ ăn uống nữa”.
Mời Bạn: Chúng ta dấn thân cho sứ mạng loan báo Tin Mừng, nhưng cũng không quên nghỉ ngơi thân xác và bồi dưỡng cho đời sống tâm linh. Thời gian thinh lặng chìm sâu trong cầu nguyện để “nghỉ ngơi trong Chúa” cho tâm hồn lắng đọng thật là cần thiết để giữ được sự điều hòa và quân bình trong cuộc sống và nhờ đó nối kết với Chúa là nguồn sức mạnh thần linh, nhờ đó mối thâm tình với Chúa được sưởi ấm lại và nhiệt huyết tông đồ được luôn tươi trẻ.
Chia sẻ: Bạn có nghĩ rằng các dịp tĩnh tâm hằng năm hay trong mỗi dịp lễ quan trọng là thời gian cần thiết để bồi dưỡng tâm linh và lấy đà tiếp tục lên đường cho sứ mạng mới không?
Sống Lời Chúa: Sau mỗi ngày hoạt động, bạn dành thời gian tĩnh lặng và riêng tư nghỉ ngơi bên Chúa để Ngài phục hồi năng lực thiêng liêng cho bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban thêm cho chúng con đức tin và lòng mến, để khi sống giữa trần gian, chúng con luôn trung tín một lòng yêu Chúa và nhiệt thành với sứ mạng tông đồ.

07/02/21 CHÚA NHẬT TUẦN 5 TN – B
Mc 1,29-39

KHÔNG VƯƠNG VẤN
“Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” (Mc 1,38)
Suy niệm: Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy lịch làm việc dày đặc, không ngừng nghỉ của Chúa Giê-su. Vừa ra khỏi hội đường – chắc hẳn Ngài vừa giảng dạy ở đó – Chúa Giê-su đã đến nhà mẹ vợ ông Phê-rô và chữa bà khỏi cơn sốt. Buổi chiều, “khi mặt trời đã lặn” dân chúng vẫn còn xúm đen xúm đỏ trước cửa nhà, để xin được chữa lành, và vì tò mò cũng có. Chúa lại chữa lành và trừ quỷ cho họ. Nhưng dẫu có bận bịu và được quần chúng hâm mộ như thế, Thầy Giê-su để mình vương vấn vì sự thành công và nổi tiếng hay nhân cơ hội đó để ‘đánh bóng tên tuổi’ để rồi sao nhãng sứ mạng chính yếu của Ngài. Đó là kết hiệp thân thiết với Chúa Cha bằng cách “từ sáng sớm đã ra nơi thanh vắng cầu nguyện”, và dứt áo ra đi trước sự chèo kéo của dân chúng để tiếp tục sứ mạng rao giảng Tin Mừng Nước Trời “vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.”
Mời Bạn: Bạn có bao giờ bị kìm chân bởi những thành công của chính mình chưa? Có khi nào bạn lao vào mọi công việc tất bật để rồi bạn đánh mất sự quân bình nội tâm, một mặt không còn dành thời gian để hồi tâm cầu nguyện, kết hiệp với Chúa, mặt khác sinh lòng tự mãn trước những lời khen lao, và trở nên vô cảm nghiệt ngã với tha nhân?
Sống Lời Chúa: Noi gương Chúa Giê-su trung thành với việc cầu nguyện mỗi ngày dù bạn bận rộn thế nào đi nữa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là mẫu mực của phục vụ và cầu nguyện. Xin cho chúng con noi gương Chúa để tất cả những gì chúng con làm là đều nhờ ơn Chúa ban chứ không phải do sức của con. Amen.

08/02/21 THỨ HAI TUẦN 5 TN
Th. Giê-rô-ni-mô Ê-mi-li-a-nô
Mc 6,53-56

CHẠM ĐẾN CHÚA ĐỂ ĐƯỢC CHÚA CHỮA LÀNH
“Người đi tới đâu… người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ… và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.” (Mc 6,55-56)
Suy niệm: Đời vốn là bể khổ; thời đại nào con người cũng phải đối mặt với những bệnh nan trị. Dân chúng chạm đến giới hạn của mình khi bất lực trước những đau khổ bủa vây. Khi hay tin Đức Giê-su xuất hiện, họ tuôn đến với Người. Họ khao khát, đặc biệt các bệnh nhân, được chạm đến Chúa dù chỉ là qua tua áo của Ngài thôi, thì họ cũng toại nguyện. Chạm đến tua áo cũng chính là chạm đến con người Đức Giê-su. Cũng có nghĩa là chạm đến cánh cửa thần linh, để Ngài mở ra cho họ nguồn mạch ân sủng quyền năng và tình yêu vô biên của Ngài, để phá vỡ sự bế tắc bất lực họ đang đối mặt; và như thế nhờ họ được Chúa chữa lành.
Mời Bạn: Bạn có nhận ra mình đang mắc căn bệnh thiêng liêng nào khiến mình trở nên yếu nhược và cần được chữa lành không? Mời bạn tìm cách chạm đến Chúa và để Ngài chữa lành. Thật ra Ngài đã tìm cách để bạn chạm đến Ngài hay đúng hơn Ngài đã thân hành đến để đón chờ bạn khi Ngài mở sẵn những cánh cửa thần linh đó là Tin Mừng và các bí tích, để mỗi khi bạn chạm đến, Ngài liền tuôn đổ muôn ơn phúc thiêng liêng cho bạn.
Sống Lời Chúa: Đến với Chúa Giê-su trong Bí tích Hoà giải để Người chạm đến tâm hồn bạn, để bạn cảm nếm lòng nhân hậu của Ngài, và chữa lành bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết và dám để Chúa đụng chạm đến tâm hồn con. Nhờ đó, không những con được chữa lành thương tích tâm hồn, mà còn được múc lấy nguồn sinh lực thiêng liêng là ân sủng Chúa. Amen.

09/02/21 THỨ BA TUẦN 5 TN
Mc 7,1-13

TÌNH YÊU GIÚP PHÂN ĐỊNH
Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?”… Người trả lời: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”. (Mc 7,5.8)
Suy niệm: Những người Pha-ri-sêu nại đến “truyền thống tiền nhân” để bắt bẻ Chúa Giê-su; nhưng Ngài vạch ra cho thấy những tập tục đó là do họ đề ra, và cũng chính họ ‘nâng cấp’ thành luật buộc. Rồi qua việc thực hành tỉ mỉ, họ cho rằng mình đang rất trung thành tuân thủ luật Chúa, nhưng thực chất là chiêu trò ‘mập mờ đánh lận con đen’ nhằm che đậy việc họ “gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa”. Ngài dẫn chứng việc họ viện cớ dâng cúng của cải cho Thiên Chúa để khước từ bổn phận phụng dưỡng cha mẹ. Và Ngài đưa ra tiêu chí để phân định: Mọi lề luật phải dựa trên “điều răn của Thiên Chúa” và phải được thực thi không chỉ “bằng môi bằng miệng” mà là với cả tấm lòng yêu mến.
Mời Bạn: Truyền thống có thể góp phần tạo nên phong hóa và duy trì những giá trị cho xã hội. Nhưng chúng cũng có nguy cơ trở thành bình phong che đậy cái tôi ích kỷ, hẹp hòi và ganh ghét. Thánh Au-gút-ti-nô khuyên chúng ta: “Cứ yêu đi rồi bạn biết phải làm gì.” Tình yêu chính là tiêu chí phân định. Quả thật, Chúa dạy rằng ai yêu mến Ngài thì giữ giới răn của Ngài, đó là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Sống Lời Chúa: Mỗi tối xét mình: Công việc phục vụ của tôi phát xuất từ tình yêu Chúa hay từ cái tôi ích kỷ?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Đấng kiện toàn mọi sự, xin giải thoát con khỏi những định kiến, để chỉ sống theo Thần Khí Chúa mà thôi. Amen.

10/02/21 THỨ TƯ TUẦN 5 TN
Th. Cô-lát-ti-ca, trinh nữ
Mc 7,14-23

CÁI LÀM CON NGƯỜI RA Ô UẾ
“Không có gì từ ngoài vào trong con người, lại có thể làm nó ra ô uế; nhưng chính cái từ con người xuất ra là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,15)
Suy niệm: Những người Pha-ri-sêu một mực cho rằng phải thanh tẩy tâm hồn bằng cách thực hành các nghi thức như rửa tay, tẩy rửa chén bát. Hôm nay, Chúa Giêsu nhắc lại chân lý hiển nhiên mà họ đã bỏ qua, đó là không có thứ thực phẩm vật chất nào có thể làm cho tâm hồn con người ra ô uế được. Những ý nghĩ xấu xa, những tâm tình lệch lạc từ lòng người phát xuất ra, mới là thủ phạm làm dơ bẩn lòng người và làm cho con người mất ân nghĩa với Chúa, mất tương quan tốt đẹp với tha nhân: “Vì từ bên trong, từ trái tim, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phi báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra và làm cho con người ra ô uế.”
Mời Bạn: Việc thanh tẩy chỉ bằng một số nghi thức tẩy rửa bên ngoài không thể làm cho chúng ta trở nên thanh sạch. Thay vào đó, chúng ta phải bắt đầu bằng việc “tu tâm dưỡng tính,” và nhờ ơn Chúa như “mạch nước hằng sống vọt lên từ trong lòng” (x. Ga 4.14) tâm hồn ta được tẩy sạch mọi vết nhơ tội lỗi. Nhờ đó, chúng ta có thể làm chứng cho Chúa bằng chính cái tâm trong sáng qua những việc làm tích cực, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác.
Sống Lời Chúa: Luôn quy hướng về Chúa để lời nói, hành động của chúng ta xuất phát từ cái tâm ngay thẳng.
Cầu nguyện: Xin cho chúng con biết quy hướng về Chúa, lắng nghe Lời Chúa, để tâm hồn chúng con được thanh tẩy khỏi những sự ô uế hầu chúng con là chứng nhân trung thành của Chúa.

11/02/21 THỨ NĂM TUẦN 5 TN
Đức Mẹ Lộ Đức
Mc 7,24-30

KIÊN TRÌ KÊU XIN CHÚA
“Chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” (Mc 7,28)
Suy niệm: Chúa Giê-su là “ngai Thiên Chúa”, là “nguồn ân sủng” mà con người có thể mạnh dạn tiến lại gần để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần (x. Dt 4,16). Người phụ nữ dân ngoại đã vượt qua rào cản ngăn cách giữa Do Thái và Hy Lạp để sấp mình dưới chân Chúa Giê-su mà kêu xin Người chữa đứa con gái bị quỷ ám. Chúa Giê-su có ý thử thách bà nên chưa nhận lời ngay với lý do dành ưu tiên cho dân Do Thái trước hết. Dù biết phận mình là dân ngoại, nhưng người phụ nữ này quyết không bỏ cuộc. Bà tiếp tục nài nỉ với những lời lẽ đầy khiêm hạ và tin tưởng: “Thưa Ngài, chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”. Rốt cục, lòng chân thành và nhẫn nại của bà đã được Chúa Giê-su đoái đến. Người đã giải thoát đứa con gái bà khỏi quỷ ám.
Mời Bạn: Thánh Âu-gút-ti-nô nói: “Cầu nguyện là sức mạnh của con người và là sự yếu đuối của Thiên Chúa”. Do đó, chúng ta cần lòng kiên nhẫn để kêu xin Chúa luôn mãi, vì không phải bất cứ lời cầu xin nào cũng được toại nguyện ngay tức khắc. Bạn hãy tin rằng, nếu điều mình xin đẹp ý Chúa, thì chắc chắn Chúa sẽ nhận lời vào lúc Người muốn và theo cách Người muốn.
Sống Lời Chúa: Kiên trì xin Chúa ban một ơn nào đó mà Người ‘có vẻ’ chưa nhậm lời: chẳng hạn, xin cho cơn đại dịch mau chấm dứt.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã dạy cầu nguyện luôn, đừng sờn lòng nản chí, nhưng chúng con thường hay ngã lòng khi đối diện với những vấn đề gai góc. Xin giúp chúng con biết kiên trì kêu xin Chúa để được xót thương và trợ giúp.

12/02/21 THỨ SÁU TUẦN 5 TN
Mồng Một Tết. Cầu bình an năm mới
Mc 6,25-34

LỜI CHÚC ĐẦU NĂM CỦA CHÚA
“Anh em đừng lo lắng tự hỏi : ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây ? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,31-33)
Suy niệm: Trong những ngày đầu năm mới, chúng ta vẫn có thói quen chúc nhau nững điều thật tốt đẹp. Thế nhưng chúng ta cũng mường tượng rằng những lời chúc đó nếu không phải là những ngôn từ rập theo khuôn sáo thì cùng lắm cũng chỉ là những ước mơ mà thôi. Phần Chúa, Ngài cũng dùng Lời Ngài mà chúc chúng ta, cách đặc biệt trong phụng vụ ngày đầu năm mới. Lời chúc của Ngài nhắm thẳng vào những nhu cầu thường nhật nhưng cấp thiết, là những mối bận tâm lo lắng hàng đầu của chúng ta : “ăn gì, uống gì, lấy gì mà mặc”. Thế nhưng, tất cả những thứ đó “Chúa đã biết thừa”. Ngài sẵn lòng ban cho chúng ta những điều đó, – “ban thêm” – sau khi Ngài ban cho chúng ta điều quan trọng hơn, quí giá hơn nhiều; đó là chính trọng tâm lời chúc của Ngài: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người”. Lời chúc cũng là lời hứa. Mà đã hứa thì Chúa sẽ thực hiện.
Mời Bạn: Bạn có dám tin, dám nhận vào lời hứa-chúc của Chúa không ? Mà dám tin cũng có nghĩa là dám liều : dốc sức việc “tìm kiếm Nước Thiên Chúa” trước, và sẵn sàng phó thác những sự khác “ăn gì, uống gì hay lấy gì mà mặc” để cho Chúa tuỳ nghi định liệu.
Sống Lời Chúa: Trong ngày đầu năm mới bạn và gia đình bạn đọc kinh gia đình và dâng lên Chúa lời cầu xin và quyết tâm của toàn thể gia đình.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Trông Cậy hoặc hát “Con vẫn trông cậy Chúa”.

13/02/21 THỨ BẢY TUẦN 4 TN
Mồng Hai Tết. Kính nhớ tổ tiên
Mc 15,1-6

THỜ CHA KÍNH MẸ MỚI LÀ ĐẠO CON
“Ngươi hãy kính thờ cha mẹ.” (Mt 15,4)
Suy niệm: Cha ông ta dạy: “Bách thiện, hiếu vi tiên”, trong trăm điều thiện, việc hiếu thảo luôn đứng đầu. Đạo hiếu trong văn hoá Việt Nam không xa lạ với giáo huấn của Chúa. Sau ba điều răn đầu trong Mười Điều Răn dạy ta phải phụng thờ Thiên Chúa, thì điều răn thứ tư, điều răn đầu tiên nói về bổn phận đối với tha nhân là “hãy thảo kính cha mẹ.” Thánh Phao-lô đã nói như thế: “Hãy thảo kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất” (Ep 6,2). Nghiêm khắc hơn, Chúa Giê-su nhắc cho chúng ta, “Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải xử tử.” Và chính Chúa Ki-tô trong những năm tháng ẩn dật tại Na-da-rét cùng với Đức Ma-ri-a và thánh cả Giu-se, “Người hằng vâng phục các ngài.” Người ki-tô hữu tôn kính tổ tiên là thực hành giới răn của Chúa, vừa đền đáp công ơn vừa phá tan thành kiến: “theo đạo là bỏ ông bỏ bà”.
Mời Bạn: Tết là dịp làm mới lại lòng thảo hiếu với ông bà cha mẹ. Bạn sẽ làm gì để bày tỏ lòng hiếu kính: thăm viếng, mừng tuổi các ngài? Mời bạn làm một việc thật ý nghĩa để nói lên lòng hiếu thảo của bạn và thể hiện điều đó trong suốt năm nay và mai sau nữa. Nếu bạn không cho mình một cơ hội làm điều đó ngay hôm nay thì biết đâu ngày mai bạn không còn dịp nào khác nữa. Không lúc này thì lúc nào? Hãy làm ngay hôm nay, kẻo muộn màng.
Sống Lời Chúa: Sự vô tâm của người Ki-tô hữu đối với tổ tiên, cha mẹ đã gây nên hiểu lầm và cản trở công cuộc loan báo Tin Mừng, thì nay, chúng ta xin lỗi Chúa, xin lỗi ông bà, cha mẹ và quyết tâm sống đạo hiếu như Chúa dạy.
Cầu nguyện: Xin cho làn hương trầm trong dịp tết diễn tả được lòng thành của chúng con đối với Chúa và với ông bà tổ tiên. Amen.

14/02/21 CHÚA NHẬT TUẦN 6 TN – B
Mồng Ba Tết. Thánh hoá công ăn việc làm.
Mt 25,14-30

SIÊNG NĂNG VIỆC ĐỨC CHÚA TRỜI
“Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người.” (Mt 25,15)
Suy niệm: Nói theo ngôn ngữ hiện đại, những yến bạc là vốn liếng ông chủ giao cho nhân viên để đầu tư để sinh lợi, chứ không phải là đồng tiền nhàn rỗi cất giấu trong két sắt. Yến bạc, đó là ơn Chúa ban “tuỳ theo khả năng riêng mỗi người.” Bổn phận trước tiên của chúng ta là nhận thức được yến bạc Chúa trao và dâng lời cảm tạ Chúa vì mọi sự mình có đều là hồng ân Chúa ban. Mỗi người có sứ mạng dùng những khả năng ấy để sinh lợi cho Nước Trời. Người nhận được nhiều không vì thế mà huênh hoang tự đắc, vì ai được Chúa ban cho nhiều, thì phải sinh lợi nhiều hơn (x. Lc 12,48); còn người nhận được một nén cũng không buồn phiền tự ti, vì Chúa không đòi hỏi vượt quá sức riêng mỗi người như Ngài nói với thánh Phao-lô: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh” (2Cr 12,9).
Mời Bạn: Dân gian thường nói: “Giàu đâu những kẻ ngủ trưa, sang đâu những kẻ say sưa tối ngày.” Kinh “Cải tội bảy mối” dạy “Thứ bảy: siêng năng việc Đức Chúa Trời, chớ làm biếng.” Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chừa bỏ tính lười biếng, để luôn siêng năng việc thờ phượng Chúa và phục vụ tha nhân ngay trong công việc làm ăn và đời sống gia đình và cộng đoàn của mình.
Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay, tôi sẽ làm một việc hữu ích để phục vụ những người thân của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin phó dâng công việc làm ăn của gia đình con trong năm mới này nơi sự quan phòng của Chúa. Xin cho chúng con luôn biết cộng tác với ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, để ra công làm việc không chỉ cho đời sống vật chất đời này, nhưng còn cho hạnh phúc Nước Trời mai sau.

15/02/21 THỨ HAI TUẦN 6 TN
Mc 8,11-13

NỖI BUỒN CỦA TÌNH YÊU
“Người thở dài não nuột.” (Mc 8,12)
Suy niệm: Thật khó hiểu cho thái độ của những người Pha-ri-sêu, sau biết bao dấu lạ, nhất lạ sau phép lạ Chúa hoá bánh ra nhiều cho hơn bốn ngàn người ăn, mà đây không phải là lần đầu và chắc chắn họ có nghe biết, thế mà họ vẫn đòi Chúa làm “một dấu lạ từ trời để thử Ngài”. Chúng ta lại dễ hiểu nỗi buồn của Chúa khi Ngài “thở dài não nuột” trước sự cứng lòng của người Pha-ri-sêu, nỗi buồn của một tình yêu bị từ chối, mà đây lại là tình yêu của Thiên Chúa, “Đấng đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” để ai tin Người Con đó sẽ được sống muôn đời. Trước những tấm lòng chai đá như thế, Chúa Giê-su cũng phải ‘cạn lời’: Ngài không ban cho họ thứ dấu lạ như họ đòi hỏi. Nhưng tấm lòng của Chúa thì không thể cạn: Ngài hứa sẽ ban cho họ “dấu lạ Gio-na” (Mt 12,39), nghĩa là dấu lạ của cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài, để ai tin vào dấu lạ đó sẽ được sống muôn đời.
Mời Bạn: Chắc hẳn Chúa cũng phải nhiều lần “thở dài não nuột” với chúng ta vì chúng ta cũng ‘cứng lòng’ không kém những người Pha-ri-sêu đó. Chúng ta hãy mở mắt, mở tai và mở lòng để nhận ra hồng ân Chúa trong đời ta. Đó chính là những “dấu lạ” mà Ngài vẫn thực hiện trong cuộc sống thường ngày. Qua đó, chúng ta nhận ra tình yêu mà Ngài dành cho mỗi người chúng ta.
Sống Lời Chúa: Tập đọc và suy niệm Lời Chúa để cảm nhận tình yêu Chúa dành cho mỗi người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa yêu thương chúng con thật nhiều. Nhưng chúng con đã vô tâm vô tình không nhận ra. Xin cho chúng con biết dành những giây phút lắng đọng để cảm nhận được tình yêu đó. Amen.

16/02/21 THỨ BA TUẦN 6 TN
Mc 8,14-21

LÀ MEN, LÀ MUỐI CỦA TIN MỪNG
“Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê.” (Mc 8,15)
Suy niệm: Nước Trời giống như nắm men Tin Mừng dậy lên trong lòng thúng bột nhân loại. Thúng bột bị hư thối cũng vì men, nhưng là “men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê”. Men Pha-ri-sêu là lối sống giả hình, chuộng hư danh: giữ luật bề ngoài thật chi li nhưng lại không sống đạo đức, công bằng, nhân ái thật lòng (Mt 23,1-36). Men Hê-rô-đê là lối sống xảo trá, chạy theo quyền thế, danh vọng, hưởng thụ khoái lạc, chà đạp lên các giá trị đạo đức và phẩm giá con người. Có vẻ như hai thứ men ấy không đội trời chung với nhau, nhưng thực tế cho thấy những người Pha-ri-sêu đã cộng tác với phe Hê-rô-đê để giăng bẫy hại Chúa Giê-su – trong vấn đề nộp thuế cho Xê-da (x. Mt 22,15-22). Nguy hiểm biết bao khi chúng phối hợp với nhau để làm hư hỏng con dân Nước Trời!
Mời Bạn: Sự thâm nhập và tác hại của những loại ‘men thối’ này thường âm thầm và tiệm tiến nên khó nhận biết. Bạn có nhận thấy lối sống háo danh, giả hình, tôn sùng vật chất, óc hưởng thụ ích kỷ đang len lỏi, thấm nhiễm vào lối sống của các ki-tô hữu ngày nay không?
Chia sẻ: Cộng đoàn/gia đình bạn đang nhiễm ‘men thối’ ấy ở mức độ nào?
Sống Lời Chúa: Biện pháp phòng chống ‘men thối’: – thường xuyên kiểm điểm đời sống cách riêng về cách mua sắm, sử dụng của cải xem có đúng tinh thần Tin Mừng không; – tích cực làm dậy men Tin Mừng bằng cách thực hiện những hành vi công bình, bác ái một cách có ý thức.
Cầu nguyện: Hát hoặc đọc: “Vì con muốn là men, muốn là muối ướp cho mặn đời. Vì con muốn liều thân đem Tin Mừng đi khắp nơi.”

17/03/21 THỨ TƯ LỄ TRO
Mt 6,1-6.16-18

NHẬP VAI GIÊ-SU
“Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.” (Mt 6,4)
Suy niệm: Trong một bộ phim Tam Quốc Chí, để có thể nhập vai Quan Vũ, diễn viên đóng vai này đã phải ăn chay trường trong nhiều tháng liền. Kết quả là cung cách quân tử Tàu của Quan Vũ được thể hiện rất đạt, như nhiều khán giả cảm nhận. Hôm nay Hội Thánh bắt đầu bước vào mùa Chay. 40 ngày mùa Chay là 40 ngày các Ki-tô hữu được mời gọi sống lại tâm tình của Đức Giê-su ngày xưa, nhập vai Giê-su một cách nào đó. Phương cách để nhập vai Giê-su là ba công việc truyền thống: ăn chay, làm việc bác ái (bố thí) và cầu nguyện. Mà đã ăn chay thì bụng phải đói, phải cồn cào ruột gan. Cái đói thể lý nhắc ta về một cái đói lớn hơn: đói Thiên Chúa, khát khao Ngài; cần Ngài cho tâm hồn tựa như cần lương thực cho thân xác.
Mời Bạn: Bắt đầu mùa Chay qua việc ăn chay một cách nghiêm túc, chay miệng lẫn chay lòng: giữ tâm hồn thanh thản, an bình, không giận dữ, không oán thù, không nóng nảy chua cay, cũng chẳng tranh giành ảnh hưởng hay tranh chấp tài sản. Làm sao để sau 40 ngày muà Chay, bạn nhập vai Giê-su đạt hơn, để không còn là bạn sống nữa mà là Chúa Giê-su sống trong bạn (Gl 2,20).
Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này, tôi sẽ cố gắng để thực hành ba việc: ăn chay (lòng), bố thí, cầu nguyện mỗi ngày, theo hoàn cảnh của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết sống cuộc vượt qua mỗi ngày của con. Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ, vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống. Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã. Vượt qua đêm tối cô đơn của Vườn Dầu. Vượt qua những khắc khoải của niềm tin. Vượt qua những thành kiến về người khác. Amen. (Rabbouni)

18/02/21 THỨ NĂM SAU LỄ TRO
Lc 9,22-25

TÔI VÁC THÁNH GIÁ
Đức Giê-su nói với mọi người : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9,23)
Suy niệm: Sau lời tiên báo thương khó, Đức Giê-su đề cập ngay đến điều kiện các môn đệ phải có để theo Ngài. Chúa không chỉ nói với nhóm Mười Hai, mà còn với tất cả những ai đang đi sau Ngài. Điều kiện ấy là vác thập giá của mình hằng ngày. Thánh giá của mỗi người đều có dấu riêng, kết liên với kinh nghiệm và cuộc đời. Đức Hồng Y Martini nói: cũng như có hàng ngàn kiểu cầu nguyện, cũng có hàng ngàn cách tiếp cận với thánh giá và sống với thánh giá. Mỗi người có cách của mình để đảm đương thánh giá trên vai. Đó là đảm đương những bổn phận hằng ngày cách kiên trì, dù lắm khi rất nhàm chán. Dĩ nhiên, không có thánh giá nào mà không có sức nặng; chẳng có thánh giá nào mà không đòi nỗ lực, gắng sức. Chỉ có điểm chung cho mọi người môn đệ là không để thánh giá đè bẹp hay bỏ cuộc. Tất cả được kêu gọi tiến bước theo Chúa, mang cuộc đời mình theo Ngài.
Mời Bạn: Bên cạnh Đức Giê-su có hai tên trộm cướp vác thập giá và đang đi, có khi theo Đức Giê-su, lại có khi đi trước Ngài. Xét bề ngoài, họ đáp ứng đủ những đòi hỏi của Đức Giê-su. Tiếc thay lòng họ chưa muốn đi theo Ngài! Còn bạn thì sao?
Chia sẻ: Sự đều đặn của việc bổn phận có dễ làm bạn chán nản không?
Sống Lời Chúa: Bạn làm những công việc bổn phận mà không than vãn, trách móc. Bạn dâng hy sinh đó cho Chúa khi dự Thánh Lễ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con trung thành vác thánh giá theo Chúa, dù lắm khi con tưởng chừng không thể đứng lên tiếp tục tiến bước. Xin nâng đỡ con, lạy Chúa, xin nâng đỡ con.

19/02/21 THỨ SÁU SAU LỄ TRO
Mt 9,14-15

LỜI MỜI GỌI SỐNG MÙA CHAY
“Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay.” (Mt 9,15)
Suy niệm: Những người Do Thái đạo hạnh thường ăn chay một tuần hai lần vào những ngày thứ Hai và thứ Năm. Đây là việc ăn chay vì lòng sốt sắng chứ không bó buộc; môn đệ của Gio-an tẩy giả và người Biệt phái tuân giữ chu đáo nhưng các môn đệ của Chúa Giê-su thì lại không. Giải thích sự khác biệt này, Chúa Giê-su cho biết một hành vi đạo đức có giá trị không phải ở chính nó mà ở nơi Ngài, là Đấng Ki-tô: Ngài ví Ngài giống như chàng rể trong tiệc cưới; đó là lúc mà khách dự tiệc đến để bày tỏ niềm vui với chàng chứ không phải để chay tịnh buồn bã. Sự hiện diện của Đức Ki-tô buộc ta phải có thái độ phù hợp. Vấn đề không phải là ăn chay hay không ăn chay nhưng là phải nhận ra thời điểm ân sủng đang diễn ra.
Mời Bạn: Với nghi thức xức tro trên đầu, người tín hữu cùng với cộng đoàn bước vào Mùa Chay thánh. Mẹ Giáo hội muốn con cái mình chiêm ngắm Chúa Giê-su và công cuộc cứu rỗi Ngài thực hiện qua cuộc khổ nạn và phuc sinh. Đứng trước thập giá Chúa, họ được mời gọi không phải làm một khán giả vô cảm nhưng như môn đệ yêu dấu thấu cảm tình yêu của Thầy chí thánh và sẵn sàng bước theo con đường Thầy đã đi.
Sống Lời Chúa: Trong Mùa Chay, tôi dành thời gian để đọc kinh cầu nguyện, gẫm đàng Thánh giá riêng hay với cộng đoàn và gia tăng việc hy sinh và bác ái.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đến đem cho nhân loại niềm vui được cứu thoát khỏi ách thống trị của tội lỗi và lãnh nhận sự sống mới. Xin cho chúng con biết khiêm nhường sám hối để xứng đáng hưởng nhờ ơn cứu độ.

20/02/21 THỨ BẢY SAU LỄ TRO
Lc 5,27-32

MAU MẮN ĐỨNG DẬY
“Khi ấy, Đức Giê-su trông thấy một người thu thuế tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người. (Lc 5,27-28)
Suy niệm: Thái độ mau mắn của Lê-vi không khỏi làm ngạc nhiên nhiều người: Tại sao ông lại dễ dàng từ bỏ như thế? Vừa nghe tiếng Chúa, ông đã từ bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Ngài như thể không hề có quá khứ, chưa hề vướng bận bụi đời. Không chỉ Lê-vi, khi nghe Chúa gọi lên đường, tổ phụ Áp-ra-ham đã không cật vấn Chúa một lời, ông mau mắn từ bỏ mọi sự và cất bước. Ông Gia-kêu cũng thế, ông vội vàng dứt lìa với quá khứ tội lỗi để chấp nhận đi theo Chúa và làm lại cuộc đời. Họ cũng có quá khứ, có những trì kéo trong đời như những ai khác. Điểm khác biệt có chăng giữa họ với nhiều người khác là sự mau mắn đứng dậy đi theo Chúa. Sự mau mắn đó là hành động của đức tin. Bởi lẽ niềm tin vào Thiên Chúa không dừng lại ở một vài lời tuyên bố. Còn hơn thế, đức tin cần phải được nhập thể trong hành động của kẻ tin. Mau mắn theo Chúa là thước đo lòng tin của mỗi người.
Mời Bạn: Việc mau mắn từ bỏ tội lỗi là cách thế bạn bày tỏ lòng yêu mến Chúa. Càng chần chừ, càng khó từ bỏ.
Sống Lời Chúa: Tật xấu nào của bạn hay phạm và khó bỏ nhất? Bạn hãy quyết tâm từ bỏ tật xấu đó cách dứt khoát và triệt để ngay từ hôm nay, Mùa Chay này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đốt cháy lên những vụn than hồng của sự sống và tình thương còn sót lại dưới lớp tro tội lỗi con mang trên mình. Xin hoán cải hồn con trong bốn mươi ngày chay tịnh này, để mùa Chay trở thành con đường vươn tới Đức Ki-tô Phục Sinh, nguồn sống mới của loài người chúng con.

21/02/21 CHÚA NHẬT TUẦN 1 MC – B
Mc 1,12-15

CHÚA CHỊU CÁM DỖ
Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ. ( Mc 1,13)
Suy niệm: Mùa Chay là một hành trình “chịu cám dỗ” theo chân Chúa Giê-su. Cám dỗ đến từ Xa-tan, “tên cám dỗ” (Lc 4,3), nhưng cũng có thể do chính chúng ta tiếp tay khi chúng ta không quyết liệt chống lại các khuynh hướng xấu, lúc đó việc chúng ta bại trận là cái kết được báo trước. Người con cái Chúa và môn đệ Chúa Ki-tô cũng giống như chủ tướng của mình luôn được đặt trong một cuộc chiến với ma quỷ, thế gian và chính xác thịt của mình. Cuộc chiến không khoan nhượng, một mất một còn, dai dẳng suốt cả cuộc đời. Để có thể trụ vững chiến đấu và chiến thắng, ta phải sống tinh thần chay tịnh, khổ chế, làm chủ giác quan, cảnh giác trước những dụ dỗ đường mật của ma quỉ cũng như tính xác thịt yếu mềm của ta, và nhờ ân sủng Chúa trợ giúp, đặc biệt qua các bí tích, cách riêng qua Bí tích Hòa giải.
Mời Bạn: Sau bốn mươi ngày chay tịnh nơi hoang địa, Chúa chịu cám dỗ; còn ta sau những lần, những ngày ăn uống quá độ, ta lại dễ dàng sa ngã, đầu hàng, thua cuộc trước Xa-tan. Bạn nghĩ sao về nhận định này? Đâu là vũ khí của bạn trong Mùa Chay này để đối phó với các cơn cám dỗ?
Sống Lời Chúa: Hãy biết đi vào hoang địa của lòng mình, là tìm sự tĩnh lặng bên trong cũng như bên ngoài để ăn năn sám hối, sống kết hiệp thân tình với Chúa. Đó sẽ là quyết tâm của tôi trong Mùa Chay năm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con ngắm nhìn mẫu gương Chúa chịu cám dỗ, chiến đấu can trường, và chiến thắng vẻ vang. Xin giúp con biết mình, ban sức mạnh giúp con chiến đấu chống lại tính mê nết xấu cố hữu trong con, vì con cần Chúa trong đời. Amen.

22/02/21 THỨ HAI TUẦN 1 MC
Lập Tông tòa Thánh Phê-rô
Mt 16,13-19

CÁI PHÚC CỦA ĐỨC TIN
“Này anh Si-mon con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 16,17)
Suy niệm: “Toà” –nói nôm na là cái ghế– của thánh tông đồ Phê-rô, là biểu trưng sứ mạng mà Chúa Giê-su giao phó cho ông làm mục tử coi sóc đoàn chiên của Chúa là Hội Thánh ở trần gian. Lễ “Lập Tông toà thánh Phê-rô” tại Rô-ma đánh dấu việc ngài đến thiết lập giáo đoàn và tử đạo tại đây; nhưng chính Đức Ki-tô mới thiết lập Hội Thánh của Ngài, khi Ngài gọi tên ông: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Ngay lần đầu gặp gỡ, Chúa Giê-su đã gọi người ngư dân Si-mon bằng tên mới Phê-rô (Ga 1,42). Và hôm nay khi, ông tuyên xưng “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa,” Chúa đã xác quyết việc thiết lập Hội Thánh của Ngài và giao cho Phê-rô vai trò làm thủ lĩnh.
Mời Bạn: Bạn và tôi, chúng ta cũng được Chúa Cha mặc khải và ban tặng đức tin. Chính Chúa Giê-su đã nói: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha, là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (Ga 6,44). Bạn và tôi, chúng ta có cảm nhận cái phúc của món quà đức tin chưa? Nếu có, chúng ta trân quý đức tin ấy thế nào?
Sống Lời Chúa: Quyết tâm xây dựng Hội Thánh với hai trọng tâm: củng cố sự hiệp nhất trong Hội Thánh và nỗ lực không ngừng loan báo Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mỗi sáng thức dậy, xin cho con nhớ đến Chúa để tạ ơn. Tạ ơn vì hồng phúc đức tin. Tạ ơn vì Chúa cho con sống trong Hội thánh, đồng hành với con mọi ngày, giúp con chiến thắng Xa-tan và thế lực sự ác.

23/02/21 THỨ SÁU TUẦN 28 TN
Th. Pô-li-cáp, giám mục, tử đạo
Mt 6,7-15

TÌNH CHA
“Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.” (Mt 6,14-15)
Suy niệm: Nếu ai đó muốn hình dung một Thiên Chúa cao sang, xa cách, thì đó không phải là chúa của người Ki-tô hữu. Thiên Chúa của chúng ta quá gần gũi, không những gần gũi mà còn có tương quan TÌNH CHA-CON với chúng ta. Muốn biết tình cha-con ấy, hãy nhìn vào Chúa Giê-su, Đấng phản ánh khuôn mặt của Chúa Cha, đồng thời là mẫu gương sống tình con thảo với Chúa Cha. Chúa Giê-su luôn dạy ta sống tâm tình cha–con với Chúa Cha trong mọi giáo huấn của mình, đặc biệt qua kinh Lạy Cha: cầu nguyện xin cho Nước Cha, Danh Cha, ý Cha, lương thực hằng ngày, tha kẻ có lỗi với chúng ta…
Mời Bạn: “Tình Cha ấm áp như vầng thái dương, ngọt ngào như dòng nước trôi đầu nguồn… Hãy nhớ lời cha sống cho nên người, và con hãy chớ bao giờ dối gian” (bài hát Tình Cha). Lời bài hát trên nhắc bạn sống hiếu thảo với người cha trần thế. Còn với Cha trên trời, bạn dành tâm tình gì cho Ngài cho xứng với tư thế người con thảo?
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho kẻ ngược đãi, tha thứ cho kẻ xúc phạm chúng ta, để đáp lại tình Cha.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Cha yêu thương của chúng con. Chúng con cảm tạ Cha. Chúng con yêu mến Cha. Xin cho con biết dâng lời tạ ơn và lòng yêu mến mỗi ngày để đáp lại tình Cha. Xin cho chúng con cảm nghiệm được rằng chúng con được Cha yêu mến, để rồi biết sống yêu thương như Cha mỗi khi chúng con rơi vào cám dỗ của thù hằn và ganh ghét. Amen.

24/02/21 THỨ TƯ TUẦN 1 MC
Lc 11,29-32

TÂM TÌNH SÁM HỐI
“Dân thành Ni-ni-vê sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giô-na giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giô-na nữa.” (Lc 11,32)
Suy niệm: Chúng ta đã bước vào Mùa chay với nghi thức xức tro lên đầu, nói lên tâm tình sám hối của người tín hữu. Nhưng lòng sám hối không chỉ dừng lại ở nghi thức trong ngày thứ Tư Lễ Tro hay trong 40 ngày Mùa Chay; trái lại tâm tình đó phải đi suốt cuộc đời mỗi người chúng ta. Bởi vì tất cả chúng ta đều ý thức rằng thân phận con người vốn mỏng dòn, dễ sa đi ngã lại. Chính nhận thức đó giúp ta dễ sống khiêm nhường hơn, cũng như dễ nghe theo Lời Chúa dạy hơn. Đang khi Giô-na là một ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến kêu gọi dân sám hối, Đức Giê-su đến không chỉ rao giảng lòng thương sót của Thiên Chúa, mà còn có quyền ban ơn tha tội ‘tội con đã được tha rồi’ (Lc 7,48). Một Đấng uy quyền đang ‘ở đây’ lẽ nào chúng ta lại cứng lòng không nghe theo sao!
Mời Bạn: Mùa Chay nhắc nhở chúng ta sống tâm tình sám hối như ý nghĩa của thời gian đặc biệt này. Nhưng thật nguy hiểm nếu sau Mùa Chay, chúng ta lại ‘sống thả giàn’ theo kiểu bù lỗ lại những tháng ngày chay tịnh khắc khổ. Lâu nay bạn có suy nghĩ như vậy không?
Chia sẻ: Chúa mời gọi bạn hoán cải về phương diện nào trong Mùa Chay này?
Sống Lời Chúa: Tôi tham dự các nghi thức phụng vụ với tâm tình sám hối trong Mùa Chay cũng như trong suốt cuộc đời làm con Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa luôn quảng đại và giàu lòng thương xót. Xin cho chúng con đừng lợi dụng lòng tốt của Chúa để ở mãi trong tội lỗi, nhưng cho chúng con luôn sống tâm tình thống hối để làm đẹp lòng Chúa. Amen.

25/02/21 THỨ 5 TUẦN 1 MC
Mt 7,7-12

CỨ XIN THÌ SẼ ĐƯỢC
“Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7,11)
Suy niệm: Khi cầu nguyện và dâng lên Chúa những mong ước của mình, ai cũng mong mỏi lời cầu khẩn ấy được Chúa nhận lời. Chúa Giê-su khẳng định với chúng ta rằng mọi lời ta cầu xin đều được Cha trên trời lắng nghe. Ngài sẽ đáp lời qua việc ban những của tốt lành cho bất cứ ai kêu xin Ngài. Tuy nhiên, Chúa nói “cứ xin thì sẽ được” không có nghĩa là Ngài phải đáp ứng bất cứ điều gì như lòng chúng ta mong ước cầu xin. Bởi nhiều khi, với cái nhìn hữu hạn của phận người, chúng ta không biết điều gì thực sự tốt cho mình; còn Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự, lại biết rất rõ. Vì thế, Ngài sẽ ban cho chúng ta những của tốt lành không theo lời kêu cầu của ta, mà theo lòng nhân hậu và khôn ngoan của Ngài.
Mời Bạn: Rất nhiều người Ki-tô hữu rơi vào cám dỗ muốn Thiên Chúa thực hiện đúng y theo những gì mình cầu xin. Để rồi, khi không thấy kết quả như mong đợi, ta thường dễ có cảm giác hụt hẫng thất vọng, không còn thiết tha với việc cầu nguyện. Còn bạn thì sao? Bạn có tin rằng Thiên Chúa biết và sẽ ban những gì tốt nhất cho bạn cũng như cho những người khác không?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi dâng một lời cầu nguyện, xin ơn trung thành vâng theo ý Chúa trong mọi sự, kể cả những điều trái ý riêng mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa luôn nhận lời chúng con cầu xin. Xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con luôn vững tin vào tình yêu của Chúa. Nhờ đó, trước những khi khó khăn thách đố của cuộc sống, chúng con luôn đặt trọn niềm trông cậy vào Chúa và gắn bó với Chúa trọn đời.

26/02/21 THỨ SÁU TUẦN 1 MC
Mt 5,20-26

TRỞ THÀNH SỨ GIẢ HOÀ BÌNH
“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: chớ giết người… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà.” (Mt 5,23-24)
Suy niệm: Chúng ta rợn tóc gáy khi nghe kể về những vụ giết người chỉ vì vài chục ngàn đồng; hoặc người bị phụ tình dùng dao đâm nhiều nhát vào bụng kẻ bạc tình; vợ giết chồng rồi dùng dao bầu chặt làm nhiều khúc để phi tang… Kinh khiếp quá! Thế nhưng, Đức Giê-su nói với chúng ta rằng không phải chỉ khi cầm dao đâm chém người khác, mới đáng bị lên án! Bởi vì có thể chúng mình đang gây những vết thương nơi trái tim, trong cõi lòng người anh em bằng những hình thức tinh vi hơn nhiều: giận dữ, mắng chửi, đe doạ, với những âm mưu, qua nhiều thủ đoạn. Đức Giê-su cấm cả những hình thức ‘giết người không dao’ ấy! Ngài muốn chúng ta sống tâm tình hoà bình với người chung quanh, để nhờ vậy, sống tâm tình an bình với Ngài.
Mời Bạn nhìn lại để thấy bao lần bạn là ‘hung thủ’ gây bao vết thương lòng cho người anh em với ‘hung khí’ là ánh mắt khó chịu, nụ cười mỉa mai, lời nói chua cay gắt gỏng, cử chỉ nóng nảy thô bạo, thái độ vô tâm lãnh đạm… Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn biến đổi từ ‘hung thủ’ trở thành ‘sứ giả thiện chí’ xây dựng hoà bình của Nước Trời. Bạn đã sẵn sàng?
Chia sẻ: Tôi thường là ‘hung thủ’ với những người anh em nào? Ở những phương diện nào? Làm gì để sửa đổi?
Sống Lời Chúa: Ngày hôm nay, tôi sẽ bớt một cử chỉ gắt gỏng, một lời nói chua cay… với người chung quanh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con thường sống thiếu tế nhị, không tôn trọng yêu thương những anh chị em lân cận. Xin Chúa biến đổi lòng chúng con.

27/02/21 THỨ BẢY TUẦN 1 MC
Mt 5,43-48

ĐÒI BUỘC CÓ QUÁ SỨC KHÔNG?
“Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48)
Suy niệm: “Nên hoàn thiện như Cha trên trời” là mệnh lệnh Chúa truyền cho những ai là con cái Thiên Chúa. Đòi buộc này có vẻ quá sức tự nhiên, nhất là với con người vốn tham sân si, luôn phải đấm ngực nhận rằng mình là kẻ có tội. Tuy nhiên, đừng quên rằng ‘con nhà tông không giống lông cũng giống cánh,’ ta còn được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Nếu không giống Ngài, ta chỉ là những đứa con giả mạo, không thuộc “giống nòi được tuyển chọn, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” nữa (1Pr 2,9). Làm con mới được ở trong nhà cha, còn người dưng không thể có cơ hội ấy. Ta là thánh vì được dành riêng cho Chúa trong ngày lãnh Bí tích Thánh tẩy, được ân sủng Chúa thánh hóa mỗi ngày. Sự thánh thiện là phản ánh khuôn mặt đích thật của Chúa. Cũng vậy, một đời sống thánh thiện là cách tốt nhất để ta giới thiệu cho người khác nhận biết Thiên Chúa.
Mời Bạn: Tính ươn lười, cầu an, không muốn cố gắng, là lực cản bạn sống hoàn thiện như Chúa dạy. Tính tự cao, tự đại, khoe thành tích cũng cản trở bạn không ít trước đòi hỏi nên hoàn thiện như Cha trên trời. Đó chính là chiếc mặt nạ che đậy những khiếm khuyết của bạn trong ơn gọi của bậc sống mình.
Sống Lời Chúa: Từ thực trạng vừa nêu, bạn cần xem xét kỹ lưỡng trước khi hành động: điều gì tốt nên làm; và điều gì xấu nên bỏ, đừng luyến tiếc kẻo làm hư bột hư đường!
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa mời gọi con nên hoàn thiện như Cha trên trời. Xin ban cho con sức mạnh của Chúa để con hoàn thiện bản thân mỗi ngày hầu nên giống Chúa hơn. Amen.

28/02/21 CHÚA NHẬT TUẦN 2 MC – B
Mc 9,2-10

LÊN NÚI CAO
Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. (Mc 9,2)
Suy niệm: Khi nào muốn mặc khải cho các Tông đồ biết một điều quan trọng, Thầy Giê-su thường đưa các ông ra một nơi riêng, thường là lên núi. Chẳng hạn núi Tabor, được cho là nơi Đức Giê-su đã hiển dung để báo trước cuộc khổ nạn hầu củng cố lòng tin cho các môn đệ. Các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an được chiêm ngưỡng vinh quang thiên tính của Thầy mình, rồi sẽ là chứng nhân cho nỗi thống khổ của Thầy trong vườn Ghết-sê-ma-ni, cũng như trên đường thập giá. Các ông sẽ luôn ghi nhớ và tự hỏi “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì, để rồi, sau cuộc phục sinh của Thầy, các ông sẽ hiểu, được biến đổi tận căn, trở thành chứng nhân cho Thầy.
Mời bạn vào sa mạc với Thầy Giê-su; cùng lên núi cao chiêm ngưỡng Thầy, là “Con Yêu Dấu” của Chúa Cha trong biến cố Hiển Dung, để hiểu hơn về cuộc Thương khó mà Thầy sắp lãnh chịu. Đó là mầu nhiệm của đau khổ, và cũng là món quà yêu cho đến cùng của Thầy. Đừng sợ phải mở cuộc sống bạn cho Thầy Giê-su! Đừng quá gắn bó với vật chất, tiện nghi và tham vọng để rồi bạn không thể hướng nhìn lên cao, không thể can đảm “lên núi cao,” lắng nghe được tiếng nói từ trên cao!
Chia sẻ: Điều gì đang ngăn cản bạn đến gần Chúa và tha nhân?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành một ít phút thinh lặng để xin ơn biến đổi trong Mùa Chay này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đem con lên núi cao, để con chiêm ngưỡng tình thương cứu độ của Chúa, cũng như được Chúa biến đổi mỗi ngày nên tốt lành hơn. Amen.