SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 726, CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN – B, 24/01/2021

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 1, 14 – 20)

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”. Đang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Đi xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Đổi Mới Cuộc Đời ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
ThờiKỳĐãMãnVà Triều Đại Thiên Chúa Đã Đên Gần Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Cho Mình Xin Lỗi Sao Khó Nói Vậy? Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Cống Hiến Cuộc Đời Phụng Sự Chúa Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Triều Đại Thần Linh Hạt Nắng Trg 10
Ra Khơi Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Ra Khơi M. Madanena Hoa Ngâu Trg 12
Lệ Tình Nắng Sài Gòn Trg 13
Can Đảm Quay Về A.P Mặc Trầm Cung Trg 14

Đổi Mới Cuộc Đời

Nhiều lần đài phát thanh, truyền hình, trong mục nói về giáo dục trẻ em, giới thiệu chương trình hoạt động của anh Thảo Đàn ở thành phố Hồ chí Minh. Trước đây, Thảo Đàn là một trẻ của đường phố, bỏ nhà đi lang thang bụi đời, tệ hơn nữa, vướng vào nghiện hút. Nhưng khi hiểu được tác hại của ma tuý, anh quyết tâm cai nghiện. Với ý chí cương quyết, anh đã hoàn toàn dứt bỏ được ma tuý. Chừa được ma tuý rồi, anh không chỉ hài lòng với việc làm lại cuộc đời cho bản thân, nhưng còn muốn dùng kinh nghiệm của mình để giúp đỡ các trẻ em đường phố. Với sự hỗ trợ của Nhà Nước và các tổ chức từ thiện, anh mở ra một trung tâm qui tụ 200 trẻ em đường phố. Tại đây, anh giáo dục cho các em hiểu biết những nguy hiểm đang rình rập các em, giúp các em bảo vệ quyền lợi của mình và nhất là tìm cách đưa các em hội nhập vào đời sống xã hội.
Điều mà Thảo Đàn đã làm cho bản thân mình và đang muốn làm cho các trẻ em đường phố, đó là đổi mới đời sống. Không biết anh có đạo hay không, nhưng anh đang thực hiện Lời Chúa trong các bài sách thánh hôm nay. Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Giona kêu gọi dân thành Ninivê đổi mới đời sống để được tha thứ. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu kêu gọi dân Do Thái đổi mới đời sống để đón nhận Nước Chúa đang đến. Đáp lại lời Người, các môn đệ bước theo Đức Giêsu trong một đời sống mới. Cuộc đổi mới được tiến hành qua ba bước.

Bước thứ nhất: Nhận biết mình tội lỗi.
Tội lỗi như một cơn mê làm ta đắm đuối không nhận biết tình trạng tâm hồn của mình. Muốn đổi mới, cần phải thức tỉnh, nhìn rõ sự thực về mình, thấy rõ tình trạng tội lỗi, hiểu biết sự nguy hại của tội. Thảo Đàn bừng tỉnh sau những lầm lỡ, nhận thức mình đang đứng bên bờ vực thẳm, nên đã kịp dừng chân. Dân thành Ninivê, sau khi nghe tiên tri Giona rao giảng, ý thức về tình trạng nguy ngập của thành, nên đã chấm dứt tình trạng tội lỗi. Để biết rõ tình trạng tâm hồn, để nhận biết tội lỗi, cần phải siêng năng xét mình. Xét mình giống như ngọn đèn pha soi vào tất cả những ngõ ngách trong tâm hồn, phơi bày ra tất cả những gì còn ẩn giấu. Xét mình giống như cái cuốc đào bới những tầng lớp sâu thẳm của tâm hồn để lộ ra những tội lỗi còn bị thời gian, sự quên lãng và sự vô tình vùi lấp.

Bước thứ hai: Sám hối.
Khi đã nhận biết tội lỗi, tâm hồn phải tiến tới một thái độ tích cực hơn, đó là sám hối. Nhận thức tội lỗi giống như ta nhìn thấy một căn nhà rác rưới bẩn thỉu. Sám hối là bắt tay vào quét dọn sạch sẽ. Sám hối như giòng nước gột rửa linh hồn. Sám hối như chiếc dao mổ của bác sĩ cắt bỏ những ung nhọt gieo mầm mống bệnh tật. Sám hối càng mãnh liệt, tội lỗi càng lùi xa. Sám hối càng sâu xa, linh hồn càng mau chóng hồi sinh. Nhờ sám hối sâu xa, Thảo Đàn đã từ bỏ con đường nghiện ngập. Nhờ sám hối mãnh liệt, dân thành Ninivê đã bảo nhau, từ người già đến em bé đều xức tro, ăn chay cầu nguyện, quyết tâm từ bỏ con đường tội lỗi. Tâm hồn sám hối là tâm hồn được chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận ơn Chúa.

Bước thứ ba: Đổi mới cuộc đời.
Sám hối chân thành bao giờ cũng đi đến đổi mới cuộc đời. Vì sám hối là muốn đoạn tuyệt với con đường xưa cũ để bước vào một con đường mới. Vì tâm hồn sám hối không những muốn sửa chữa lại những lỗi lầm quá khứ mà còn quyết tâm xây dựng một tương lai tươi mới,trong sạch hơn, tốt đẹp hơn, ích lợi hơn. Vì muốn hoàn toàn đổi mới, Thảo Đàn không chỉ tránh xa nhưng còn dấn thân giúp người khác đâú tranh chống tệ nạn xã hội. Vì muốn đổi mới cuộc đời, các tông đồ đã từ bỏ nếp sống cũ, từ giã những người thân, bỏ hết tài sản để lên đường đi theo Chúa. Con đường mới là con đường theo thánh ý Chúa, con đường dẫn ta đi trong tình yêu mến Chúa và yêu mến anh em. Tình yêu mến sẽ làm cho đời sống ta có ý nghĩa và trở nên phong phú vì sẽ đem lại những hoa quả thiêng liêng. Bước đi trên con đường mới, ta sẽ đón nhận được Nước Chúa đang đến. Bước đi trên con đường mới, ta sẽ góp phần đem Nước Chúa đến với anh em.

Đầu năm mới, ai cũng có ước mong mọi sự mới mẻ. Không gì đẹp hơn một tâm hồn đổi mới. Để đổi mới tâm hồn, ta hãy nhận biết tội lỗi và ăn năn sám hối. Với ơn Chúa giúp và với quyết tâm đổi mới, ta sẽ nhìn thấy những việc cần phải làm. Với những việc làm do Chúa Thánh Thần hướng dẫn, ta sẽ thực sự bước vào Năm Mới với cả tâm hồn đã được đổi mới.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đổi mới mọi sự trong ngoài của chúng con.

GỢI Ý CHIA SẺ
1) Đức Thánh Cha viết cho giới trẻ: “Quả thật, Đức Giêsu là người bạn khó tính nhất. Người chỉ cho ta những đỉnh cao và đòi ta phải ra khỏi chính mình để gặp Người.” Hiện nay, Đức Giêsu đang mời bạn chinh phục những đỉnh cao nào?
2) Để đổi mới cuộc đời, bạn phải từ bỏ nhiều điều. Nhưng quan trọng hơn cả là từ bỏ chính mình. Bạn có kinh nghiệm gì về cái tôi của bạn. Cái tôi ấy ra sao (cứng cỏi, bướng bỉnh, khép kín, tự ái, tự mãn…..).
3) Chừa bỏ tật xấu có dễ không? Ta nên có thái độ nào đối với người nghiện hút, rượu chè?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Thời Kỳ Đã Mãn Và
Triều Đại Thiên Chúa Đã Đến Gần

Tác giả Marcô tóm kết toàn bộ sứ điệp của Đức Giêsu vào một câu tuyên bố long trọng: “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!” Chắc chắn lời công bố này có một nội dung mạnh mẽ lắm đối với các thính giả thời đó, cách riêng đối với các môn đệ tin theo Người, và rồi cả đối với các tín hữu thời Hội Thánh sơ khai nữa. Ngày nay, ngoài một số nhà thần học và Thánh Kinh đào sâu ý nghĩa từ vựng Hy Lạp ‘Kairos’ (= đã đến thời, thời kỳ đã mãn), tôi thiết nghĩ: có rất ít Kitô hữu, thậm chí cả linh mục tu sĩ, nhận ra được tầm quan trọng và sâu sắc của sứ điệp nòng cốt này của Đức Kitô Giêsu.

Đức Giêsu long trọng công bố: “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!” tức là đã đến thời điểm chín mùi trong kế hoạch của Thiên Chúa; đã đến thời Thiên Chúa ra tay hành động. Người gọi đó là ‘Kairos’, là cao điểm, là thời kỳ quyết định của toàn bộ lịch sử – lịch sử của toàn nhân loại nói chung, cũng như lịch sử của từng cá nhân con người nói riêng. Lịch sử cũ đã hoàn toàn chấm dứt, và một kỷ nguyên mới đã thực sự mở màn, kỷ nguyên không do con người mà là do chính Thiên Chúa chủ động. Theo Catholic Dictionary (Tự Điển Công Giáo): trong Tân Ước từ vựng ‘Kairos’ gắn với một hành động mang tính quyết liệt. ‘Kairos được coi là ‘Krisis’ trong nội dung của từ vựng, có nghĩa là bước ngoặt, một cuộc đổi đời, giây phút mà một người hoàn toàn thoát khỏi cái cũ để đi vào cái mới. Đức Giêsu thậm chí khẳng định mạnh hơn: đó là một cuộc sinh lại (chứ không chỉ là một cuộc tái sinh – làm mới theo nghĩa phổ thông) (Ga 3:3-6). Điều này được Phaolô gọi là cuộc tạo dựng mới, một trời mới đất mới, tạo vật mới, Ađam mới…; chính vì điều này mà Phaolô đã không ngần ngại gọi các tín hữu Côrintô vừa mới được rửa tội là ‘các người đã được hiến thánh trong Đức Kitô Giêsu, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta.’ (1 Cr 1:2), cho dầu ngay sau đó, gần như trong suốt lá thư thứ nhất gửi cho họ, ông không ngừng nêu lên những tội lỗi tầy trời họ phạm. Chắc hẳn ông đang nhấn mạnh trên con người mới thánh thiện của họ, trước cả khi kêu gọi họ sửa đổi con người cũ tội lỗi.

Lối nhìn này không thể bị cho là suy tư thần học viển vông mà chính là một nhãn quan rất triệt để và căn bản về ơn gọi Kitô hữu và sứ điệp Tin Mừng. Các Kitô hữu thời đầu đã từng coi “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’ không như một tiến trình lâu dài tiệm tiến, ngược lại như một điều đang xảy ra tức thời, hơn nữa trong một mức độ nào đó được coi như đã thành sự rồi. Vì ơn cứu độ không như một chỉnh sửa luân lý tiệm tiến, nhưng là như một cuộc cách mạng toàn diện, đảo lộn tới tận gốc rễ; còn nếu có lời kêu gọi sửa đổi nào, thì cũng luôn mang tính cấp bách phải làm ngay, vì đã tới ‘Kairos’, ‘thời kỳ đã mãn’. Tư tưởng này nơi cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi mạnh tới nỗi, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử ngày nay có ấn tượng: các tín hữu thời đó đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng: giờ cánh chung, ngày quang lâm đã điểm tức thời, ngay trong thế hệ của họ.

Nguyên nhân của hai nhãn quan đối kháng nhau này phải chăng đơn giản chỉ vì có hai khuynh hướng trái nghịch: hoặc gom hai vế của câu ‘hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’ lại thành một, hoặc tách rời chúng ra? Ngày nay có nhiều người bó gọn Tin Mừng vào việc ‘hãy sám hối’, thậm chí họ còn coi ‘tin vào Tin Mừng’ chỉ là một khởi sự, thậm chí một phương tiện cho việc tu thân tích đức. Người ta đã quên mất rằng: ‘thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần’ thì, với sự xuất hiện của Đức Giêsu Kitô, nhất là với sự chết và sống lại của Người, ‘Kairos’ thực sự đã điểm. Không may, suy nghĩ phổ thông của rất nhiều tín hữu ngày nay vẫn là: một người được cứu độ chính yếu là do đã sửa lỗi, đã ăn năn hoán cải và trở nên tốt lành, với sự hỗ trợ của các bí tich ban ơn sủng…, hơn là do chính ơn cứu chuộc Đức Kitô đã thực hiện qua Nhập Thể và Thập Giá. Nói nôm na bình dân, người ta nghĩ: được lên thiêng đàng là do công nghiệp mình đã thu tích, hơn là do lòng nhân hậu xót thương vô bến bờ, đồng thời cũng hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa từ nhân. Ôi! cùng là Kitô hữu mà sao hai thế hệ lại có thể hiểu nội dụng nền tảng của Tin Mừng nghịch nhau đến như vậy?

Là linh mục, trong vai trò lãnh đạo tôn giáo, tôi đã chu toàn tốt khi giúp các tín hữu ăn năn sám hối để sửa chữa các lỗi lầm đã phạm, nhưng trong tư cách mục tử của Đức Kitô, tôi sẽ phải làm gì đây? Chính bản thân mình, tôi vẫn thường tự hào chau chuốt về trình độ tốt lành đạo đức mình đạt được (qua thời gian dài được đào tạo trong chủng viện), hay vui mừng trông cậy vào ơn cứu độ Chúa đổ xuống tràn lan trên tôi? Và như Phaolô, tôi có thật sự tôn trọng sự thánh hiến mà các tín-hữu đã lãnh hội từ ngày họ lãnh bí tích Rửa Tội, trong khi vẫn nỗ lực nhắc nhở họ vươn lên từ những khuyết điểm của đời sống thường ngày? Tôi có thật sự xác tín “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” phải được áp dụng cho chính tôi trước hết, một linh mục của Đức Kitô, rồi sau đó cho mọi tín hữu Kitô khác?

Lạy Thiên Chúa từ nhân cứu độ, Chúa đến trần gian để chỉ lối và dẫn dắt các chiên đi vào con đường thẳng tắp của ơn cứu độ dẫn tới Chúa Cha; thế nhưng con, một mục tử của Chúa, lại đưa chúng đi trên con đường vòng vo lê thê của luân lý và đạo hạnh; lý do là vì: chính con chưa dám tin vào lối tắt đó. Xin dạy con biết xác tín rằng: hoàn toàn do lòng từ nhân Chúa đã thánh hiến con trước cả khi con được nên hoàn thiện. Xin cho con hiểu: ‘thời kỳ đã mãn’ cho chính con, và cho hết thảy mọi tín hữu, khi đón nhận ơn cứu độ của Đức Kitô. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

Cho Mình Xin Lỗi Sao Khó Nói Vậy?

Đôi khi chúng ta thèm được nghe một lời xin lỗi từ bề trên, từ lãnh đạo nhưng ở cuộc đời này thật hiếm hoi. Có mấy khi cha mẹ sai mà lại đi xin lỗi con của mình? Có mấy khi cha xứ sai khi chửi mắng ai đó mà lại can đảm xin lỗi một cách công khai? Có mấy khi lãnh đạo từ tôn giáo đến chính quyền sai mà dám xin lỗi vì sai lầm của mình mà gây nên tổn thất cho cộng đồng chung?

Ở đời chúng ta rất dễ dàng đấm ngực và đọc chung với nhau câu “lỗi tại tôi,lỗi tại tôi mọi đàng”, nhưng khi phải thốt ra với một ai đó, ta thường cảm thấy “nghẹn nghẹn” trong cổ họng, như ai đó đã từng nói: “Xin lỗi ai đó thật lòng, dường như là từ khó nói nhất”.

Xin lỗi là sự công nhận chúng ta đã làm một điều sai trái – dù đấy là một lời bình phẩm vô tình, một hành động nông nổi hay một cử chỉ không đẹp. Bằng lời xin lỗi, chúng ta muốn đưa ra thông điệp như sau: “Mình cảm thấy vô cùng ân hận và giày vò vì việc mình đã làm. Mong bạn hãy tha thứ cho mình!”.

Xin lỗi đòi hỏi bản thân phải nhìn nhận sự nhỏ bé, bất toàn nên mới có sai lỗi. Xin lỗi là mong tha nhân tha thứ và bản thân sẽ quyết tâm không tái phạm và sống hoàn thiện hơn.

Như vậy, xin lỗi còn là cách để hoàn thiện mình và cải thiện các mối quan hệ theo chiều hướng tốt đẹp và bền vững hơn.

Năm cũ sắp qua đi và năm mới sắp đến luôn là khoảng thời gian để mọi người thay đổi bản thân, làm mới con người của mình. Nếu bạn mong muốn có được một sự tốt đẹp cho những ngày tháng tới, nhưng lúc nào cũng giữ toàn những điều xấu, thói quen không tốt trong người thì khó có thể thăng tiến và đạt được hiệu quả cao hơn. Hãy thay đổi bản thân trong năm mới theo những hướng tích cực nhất mới mong tương lai được tươi sáng và nhiều thành công sẽ chờ đón chúng ta.

Chúa Giêsu khi khởi đầu sứ vụ rao giảng Nước Trời, Ngài đã bắt đầu bằng lời kêu gọi “hãy sám hối”. Sám hối là nhìn nhận cái sai của mình và can đảm nói lời xin lỗi với người, với việc mà ta đã làm, đồng thời còn phải hướng tới sự thay đổi cách sống phù hợp với giáo huấn của Chúa.

Nhưng xem ra chúng ta cũng chỉ đọc những lời sám hối chung chung trong các kinh đọc hằng ngày theo thói quen. Và tệ hơn, khi con người quá đề cao tự do cá nhân sẽ không còn thấy có lỗi với tha nhân để thực tâm xin lỗi. Điểu đáng buồn là người càng làm lớn thì thói gia trưởng càng cao nên càng khó khiêm tốn nhận sai và sửa sai.

Chính Chúa Giêsu khi rao giảng sám hối, Ngài cũng gặp rắc rối với người tội lỗi thì ít nhưng với người chức cao trọng vọng thì nhiều hơn. Tại sao vậy ? Thưa vì kêu gọi người tội lỗi sám hối thì dễ, vì họ biết mình tội lỗi ; còn kêu người chức cao trọng vọng thì cái tôi càng lớn, khiến họ càng khó nhìn lại bản thân để thấy sai mà sửa.

Bởi thế, để đáp lại lời kêu gọi sám hối thì trước hết ta phải thật khiêm tốn để thấy sự yếu đuối mỏng dòn của kiếp người. Vì “nhân vô thập toàn” , thế nên, “ai nên khôn mà không dại một lần” để rồi luôn biết lắng nghe sự góp ý hay những lời trái chiều mà thay đổi cách sống cho phù hợp.

Tiếp đến, sám hối còn đòi phải có can đảm : can đảm không tự lừa dối mình nữa, và can đảm đối diện với thực tại phũ phàng của bản thân mình. Can đảm chấp nhận tội lỗi của mình và can đảm thay đổi. Sự can đảm này rất cần thiết, bởi vì con người thường thích đi trên những đường xưa lối cũ, con người thường lún sâu trong những thói quen đã ăn sâu, cho nên thay đổi rất là khó. Dẫu vậy, con người vẫn phải thay đổi để trở về với hình ảnh ban đầu của tạo dựng là giống hình ảnh Thiên Chúa. Một hình ảnh tốt lành, thánh thiện, tinh tuyền.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết khiêm tốn để nhận ra sự yếu hèn của mình mà ăn năn sám hối và cậy dựa vào ơn Chúa để hòan thiện con người của mình mỗi ngày được tốt hơn. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Cống Hiến Cuộc Đời Phụng Sự Chúa

Khi Chúa Giêsu “thấy ông Simôn với người anh là Anrê, đang quăng lưới xuống biển, Ngài bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Ngài.
Đi xa hơn một chút, Ngài thấy ông Giacôbê và người em là ông Gioan đang vá lưới ở trong thuyền, Ngài liền gọi các ông. Các ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Ngài (Mc1,14-20).

Đối với nhiều người, nghề nghiệp quan trọng nhất đời, nghề nghiệp mang lại tiền bạc, lợi nhuận, cung ứng cho con người rất nhiều tiện ích. Bỏ một nghề béo bở, thu nhập cao là điều dại dột chẳng ai làm.

Nghề chài lưới trên biển hồ Galilê là nghề ổn định đem lại no đủ, hạnh phúc cho gia đình, dễ gì bỏ được. Thế mà khi nghe lời kêu gọi của Chúa Giêsu, Simôn, Anrê, Giacôbê và Gioan đã sẵn sàng buông bỏ hết để phụng sự Chúa Giêsu.

Hôm nay, nếu Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta bỏ việc nhà để lo việc Chúa, chúng ta sẽ ứng xử ra sao?
Có người sẽ trả lời: “Lạy Chúa, con còn phải lo công việc gia đình, kiếm cơm áo gạo tiền nuôi vợ nuôi con. Chừng nào gia đình ổn định, con cái học thành tài, có cơ nghiệp hẳn hoi, mọi sự đâu vào đó cả… thì con sẽ làm việc Chúa sau.”

Nếu ai cũng trả lời như thế thì Giáo hội Chúa không bao giờ được phát triển, các linh hồn không được cứu độ, muôn dân không thể đón nhận Tin Mừng và đạo thánh Chúa sẽ dậm chân tại chỗ.

Trong thời gian kinh tế Việt Nam gặp khó khăn nghiêm trọng, người dân quê tôi sống được là nhờ các vồng khoai, nương sắn.
Những dây khoai lang cố vươn mình ra, đâm nhiều chồi nhánh, cố tạo cho có thật nhiều củ ngon; Những cây khoai mì cố gắng vươn cao, phơi mình dưới ánh sáng mặt trời để quang hợp, để đón những cơn mưa trời… để tạo thật nhiều củ lớn… Những dây khoai, luống sắn đã nỗ lực đêm ngày để giúp người dân nghèo được no cơm ấm áo, trẻ nhỏ được cắp sách đến trường, người đau bệnh có thuốc men…
Đẹp thay những cống hiến âm thầm nhưng rất cần thiết đó!

Bên cạnh những nỗ lực không ngừng nghỉ của những loài cây lương thực, còn có những con trâu ngoan ngoãn kéo cày, những cặp bò cặm cụi kéo xe… từ hừng sáng đến hoàng hôn, để cống hiến thêm cho dân nghèo những bữa ăn nhiều dinh dưỡng, những chi phí về thuốc men, sách vở bút mực cho học sinh đến trường, những nhu yếu phẩm trong đời sống hằng ngày.
Đẹp biết bao, cần thiết biết bao những cống hiến kiên trì, âm thầm nhưng cũng rất đáng trân trọng đó!
Những vồng khoai, luống mì cũng như những gia súc trên đây chẳng được hưởng gì nhiều từ người chủ, nhưng đã cống hiến hết năng lực của mình để mang lại phúc lợi cho chủ.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã cống hiến cho “Chủ” của mình thế nào?
Chủ của chúng ta là Thiên Chúa. Ngài ban cho ta vô vàn hồng ân không kể xiết, chúng ta đã làm gì để đáp lại ơn nghĩa của Ngài?

Chúa sinh chúng ta làm người tuyệt vời chứ không phải làm thú vật, cây cối; Chúa ban cho ta từng hơi thở, từng hớp nước và tất cả những gì cần để được sống an vui khỏe mạnh như ngày hôm nay ; Chúa ấp ủ chúng ta với vô vàn tình yêu và ân sủng ; thậm chí còn ban cho chúng ta sự sống đời đời hạnh phúc viên mãn trên thiên quốc…

Vậy thì chúng ta đã làm gì để đền ơn đáp nghĩa, để cống hiến cho Chúa, để phụng sự Chúa chưa?

Chúa kêu mời chúng ta giới thiệu Ngài cho người khác, giúp họ nhận biết và yêu mến Chúa, chúng ta có sẵn sàng bỏ bớt công việc riêng tư của mình để làm việc cho Chúa chưa?

Lạy Chúa Thánh Thần. Xin thắp lên ngọn lửa nhiệt thành trong lòng chúng con như Ngài đã làm cho các tông đồ xưa, để chúng con biết ưu tiên lo việc Chúa trước việc riêng của chúng con; ưu tiên lo cho Hội thánh hơn là lo việc nhà; dành nhiều nỗ lực cho việc cứu độ các linh hồn hơn là lo cho những nhu cầu bản thân.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Triều Đại Thần Linh
CN III TN.B – (Mc 1, 14 – 20)

Vương triều Thiên Chúa đã gần bên

Mãn hạn thời gian tội phúc đền

Lịch sử cựu trào u tối lặn

Kỷ nguyên tân hội sáng bừng lên

Ăn năn, trông cậy lời thiêng phán

Sám hối, tin yêu lệnh thánh truyền

Biến đổi tâm hồn ơn thánh hóa

Tin Mừng Cứu Độ rạng bình yên.

Hạt Nắng

Ra Khơi
CN III TN.B – (Mc 1, 14 – 20)

Giờ đã mãn, kỷ nguyên ánh sáng,
xua bóng đêm ảm đạm lùi xa.
Lịch sử cũ, bóng chiều tà,
triều đại Thiên Chúa bước qua, gần kề.

Hãy sám hối, trở về nẻo chính,
tỉnh cơn say, thẩm định tâm hồn.
Bên bờ vực thẳm, mồ chôn,
dừng chân đứng lại, dại – khôn phút này.

Quyết từ giã tháng ngày lầm lỗi,
nhận rõ mình, thống hối, ăn năn.
Khiêm nhu thú tội chân thành,
Suối nguồn thanh tẩy, trong lành hồn ta.

Lòng Thương Xót của Cha nhân ái,
xóa tội con nối lại tình yêu.
Chiếu soi ánh sáng huyền siêu,
nên người con thảo ban nhiều hồng ân.

Mời gọi con thông phần sứ mạng,
đem Tin Mừng chiếu sáng trần gian.
Yêu thương, bác ái nồng nàn,
cùng tha nhân tấu cung đàn mùa xuân.

Ra khơi thả lưới hợp quần …

Bâng Khuâng Chiều Tím

Ra Khơi
CN III TN.B – (Mc 1, 14 – 20)

Chiều dần tàn, nắng vội tan,
có tiếng chim kêu gọi đàn.
Hồn bàng hoàng, tim nát tan,
bước nhục nhằn, kiếp sống chiên hoang.
Đam mê lạc thú, say chốn phù du,
thời gian không dừng bước,
sắc xuân giờ tàn phai,
đời gieo nghiệt ngã, mịt mù tương lai.

Hồn nghẹn ngào, gió lao xao,
Lời Chúa dịu êm ngọt ngào.
Lời trần tình, gương hy sinh
giọt máu đào AI hiến dâng trao.
Vinh quang Tình Chúa, triều đại thần linh,
thời gian không dừng bước,
đã đến giờ công minh,
sám hối tội tình, hưởng nhờ ơn tái sinh.

Triều đại Thiên Chúa, đã đến trong trần gian,
đến đem bình an cho người lữ thứ.
Triều đại Thiên Chúa, đã đến trong cuộc đời,
ánh sáng Ngôi Lời chiếu tình yêu muôn nơi.

Thuyền đợi chờ, cá chơi vơi,
giông bão sóng xô cuộc đời.
Lời gọi mời, tiến ra khơi,
dẫu nhọc nhằn, tung lưới đêm thâu.
Tin yêu Lời Chúa, hiến lễ hy sinh,
tình yêu không chùng bước,
sống mối tình Giêsu,
muối men cuộc đời, Tin Mừng sáng soi.

M. Madalena Hoa Ngâu
Lệ Tình
CN III TN.B – (Mc 1, 14 – 20)

Bụi mờ giăng lối, con đã u mê,
tháng ngày tội lỗi, mịt mờ tăm tối,
lặng lẽ buồn trôi, tái tê cuộc đời.
Nước mắt tuôn rơi, xâu xé tim côi,
ngước trông lên trời, con dâng lời thống hối.

Ngâm ngùi tỉnh thức, lê gót dừng chân,
bên dòng suối thánh, đời con yếu đuối,
ân sủng hồi sinh, Chúa quên tội tình.
Lời Chúa sáng soi, quá khứ buông trôi,
đổi mới cuộc đời, tâm hồn sáng tươi.

Con về đây, về đây, Chúa ơi!
Sau bao tháng ngày lang thang.
Con quỳ đây, quỳ đây, Chúa ơi!
Trái tim tội tình, nát tan.
Xin Chúa thứ tha, xin Chúa xót thương,
con tin Chúa là Đường,
con tin vào Lời Chúa,
là ánh sáng, cứu độ trần gian.

Nhẹ nhàng con bước, bước tới tương lai,
tâm hồn thư thái, trổ sinh hoa trái,
phong phú tình yêu, lễ dâng ban chiều.
Tung lưới, ra khơi, giữa sóng biển đời,
gieo rắc Tin Mừng, đất trời vào xuân.

Nắng Sài Gòn

Can Đảm Quay Về
CN III TN.B – ( Mc 1,14-20)

Đã mãn thời gian phải đợi chờ,
con người không còn sống trong mơ.
Triều đại Thiên Chúa đang mở lối,
mời gọi muôn người chớ làm ngơ.

Chướng ngại cản đường, tội lỗi xưa,
ăn năn thống hối quyết tâm chừa.
Sẵn sàng đón nhận lời chân lý,
hoán cải quay về, bỏ đường xưa.

Sứ điệp Tin Mừng, phúc bình an,
tin nơi Tình Chúa rất nồng nàn.
Thi hành kế sách ơn cứu chuộc,
công bố Ngôi Lời đến trần gian.

Kêu gọi môn đồ cách công khai,
chất phát, đơn sơ, dáng thuyền chài.
Huấn luyện, sai đi làm nhân chứng,
rao giảng Tin Mừng giữa trần ai.

Lạy Chúa! Đấng tình yêu bao dung,
xin thánh hóa con, biết phục tùng.
Can đảm giã từ con người cũ,
phục vụ Tin Mừng, phận tôi trung.

AP. Mặc Trầm Cung