SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 721, LỄ GIÁNG SINH 2020, 24/12/2020

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Lễ Đêm:
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 2, 1-14)

“Hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”.
Ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô ban ra, truyền cho khắp nơi phải làm sổ kiểm tra. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, thực hiện thời Quirinô làm thủ hiến xứ Syria. Mọi người đều lên đường trở về quê quán mình. Giuse cũng rời thị trấn Nadarét, trong xứ Galilêa, trở về quê quán của Đavít, gọi là Bêlem, vì Giuse thuộc hoàng gia và là tôn thất dòng Đavít, để khai kiểm tra cùng với Maria, bạn người, đang có thai.
Sự việc xảy ra trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán.
Bấy giờ trong miền đó có những mục tử đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh giữ đoàn vật mình. Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần bên họ, và ánh quang của Thiên Chúa bao toả chung quanh họ, khiến họ hết sức kinh sợ. Nhưng thiên thần Chúa đã bảo họ rằng: “Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Đavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”.
Và bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Đó là lời Chúa.

Lễ Rạng Đông:
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 2, 15-20)

“Các mục tử đã gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi”.
Khi các thiên thần biến đi, thì các mục tử nói với nhau rằng: “Chúng ta sang Bêlem và coi xem sự việc đã xảy ra mà Chúa đã cho chúng ta được biết”. Rồi họ hối hả tới nơi và gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ đã hiểu ngay lời đã báo về Hài Nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.
Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó, và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.

Đó là lời Chúa.

Lễ Ban Ngày:
Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 1, 1-5. 9-14)

Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thuỷ.
Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.
Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.
Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Các Bài Suy Niệm Lễ Giáng Sinh ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 3
Các Bài Suy Niệm Lễ Giáng Sinh Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 8
Chúa Giáng Sinh Trong Ngôi Nhà Bấp Bênh Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 15
Tình Yêu Thiên Chúa Bao la Như Đại Dương Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 17
THƠ TIN MỪNG
Ánh Sáng Tình Yêu Hạt Nắng Trg 19
Ngôi Lời Nhập Thể Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 20
Ngôi Lời Làm Người M. Madanena Hoa Ngâu Trg 21
Chúa Đã Vào Đời Nắng Sài Gòn Trg 22
Khúc Giao Hòa A.P Mặc Trầm Cung Trg 23

Vinh Danh Thiên Chúa Trên Trời
(Lc 2,1-14)

Đêm nay, tại các nhà thờ trên khắp thế giới vang lên lời ca của các thiên thần trong đêm Giáng Sinh năm xưa:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người Chúa thương”
Lời hát của các thiên thần chính là sứ điệp của Chúa từ trời cao gửi xuống. Lời hát này nối kết đất với trời. Lời hát này ràng buộc Thiên Chúa với con người.
Tại sao ““Vinh danh Thiên Chúa trên trời” phải đi liền với “Bình an dưới thế cho người Chúa thương”? Thưa vì Thiên Chúa yêu thương con người. Thiên Chúa tự ràng buộc mình với con người.

Vì yêu thương nhân loại, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Vì yêu thương nhân loại, Ngài tự nguyện trở nên một trẻ thơ yếu ớt. Vì yêu thương nhân loại, Ngài tự nguyện làm con của loài người, sinh ra bởi một người phụ nữ. Vì yêu thương nhân loại, Ngài đã muốn trở nên một thành viên trong gia đình nhân loại, có một gia đình như những người khác.

Thiên Chúa đã tự nguyện làm một người như chúng ta, Thiên Chúa tự đồng hóa với con người đến nỗi từ nay ai khinh miệt một con người là khinh miệt chính Chúa, ai bạc đãi một con người là bạc đãi chính Chúa, ai hà hiếp một con người là hà hiếp chính Chúa. Ai xúc phạm đến con người là xúc phạm đến Chúa.

Hang đá Bêlem là một lời mời gọi tha thiết và cấp thiết cho tương lai nhân loại. Thiên Chúa hóa thân làm một trẻ sơ sinh để mời gọi ta hãy biết tôn trọng sự sống. Thiên Chúa sinh ra làm một trẻ thơ yếu ớt để mời gọi ta hãy biết yêu thương những người bé nhỏ, yếu hèn. Thiên Chúa sinh ra trong cảnh nghèo nàn để mời gọi ta hãy biết nâng đỡ những người nghèo khổ. Thiên Chúa sinh làm con Đức Mẹ Maria để mời gọi ta hãy biết kính trọng phụ nữ. Thiên Chúa sinh ra trong một gia đình để mời gọi ta hãy biết bảo vệ những truyền thống tốt đẹp đem lại hạnh phúc cho gia đình.

Lời mời gọi này có tính chất quyết định không những cho hạnh phúc chóng qua mà còn cho hạnh phúc vĩnh cửu của con người.

Vì ai tôn trọng con người là tôn trọng chính Chúa. Ai phục vụ con người là phục vụ chính Chúa. Như lời Chúa dạy: mỗi lần ta cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, là ta làm cho chính Chúa (x. Mt 25).

Như thế, lễ Chúa Giáng Sinh là lễ của phẩm giá con người. Chúa xuống trần để nâng cao phẩm giá con người. Chúa làm người để con người được kính trọng. Con người cao quý vì đã được nâng lên làm con Thiên Chúa.

Như thế, lễ Giáng Sinh là lễ của niềm vui. Vui vì con người được Thiên Chúa yêu thương. Vui vì con người được nâng lên địa vị cao trọng. Hôm nay khi đọc Kinh Tin Kính đến câu: “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”, ta hãy quỳ gối trước tình yêu thương cao cả của Chúa dành cho ta. Quỳ gối để suy niệm sự cao cả của con người vì được Chúa yêu thương.

Vì thế, để mừng lễ Chúa Giáng Sinh cho đúng ý nghĩa, tôn thờ Thiên Chúa vẫn chưa đủ, ta còn phải yêu thương kính trọng con người. Dịp lễ Giáng Sinh, chỉ đến viếng hang đá thôi chưa đủ, ta còn phải đến viếng những nhà tranh vách đất, giúp dựng lại những túp lều xiêu vẹo. Chỉ đến viếng Chúa Giêsu bé thơ thôi chưa đủ. Ta còn phải đến viếng những trẻ em bị bỏ rơi, vực dậy những tuổi thơ bất hạnh. Chỉ cảm thương Thánh Gia trong hang đá nghèo nàn thôi chưa đủ. Ta còn phải cảm thương những anh chị em nghèo khổ, thiếu may mắn ở quanh ta.

Chỉ khi nào tất cả mọi người được yêu thương, ta mới có thể mừng lễ Giáng Sinh thật sự vui tươi. Chỉ khi nào tất cả mọi người bé nhỏ, yếu ớt, nghèo hèn được kính trọng, ta mới có thể hát vang lời ca:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người Chúa thương”

Trong tâm tình yêu mến và kính trọng, tôi xin gửi tới tất cả anh chị em lời cầu chúc đầy bình an và ân sủng của Chúa Hài Nhi Giáng Sinh. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ
1) Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương. Khi hát câu này bạn có ý thức mối liên hệ chặt chẽ giữa Thiên Chúa với con người không?
2) Tại sao Chúa Giêsu đòi buộc ta phải yêu mến con người nếu ta thực sự yêu mến Chúa?
3) Lễ Giáng Sinh này, bạn sẽ làm việc cụ thể nào để thực sự mừng đón Chúa đến?

Đêm Ánh Sáng

Đêm Giáng Sinh chìm trong lớp lớp bóng tối dày đặc.
Bóng tối tự nhiên của một đêm mùa đông ảm đạm. Bóng tối cay đắng của đêm dài nô lệ khi đất nước chìm trong ách thống trị ngoại bang. Bóng tối âm thầm nhẫn nhục của những kiếp người nghèo hèn lam lũ. Bóng tối âm u trong túp lều lúc nhúc súc vật hôi tanh. Bóng tối u mê của tội lỗi nhơ nhớp.
Giữa màn đêm dày đặc, Hài nhi Giêsu xuất hiện như một làn ánh sáng rực rỡ.

Đó là ánh sáng tình yêu.
Tình yêu vốn là một ngọn lửa vừa chiếu sáng vừa sưởi ấm. Hài nhi Giêsu là kết tinh tình yêu của Thiên chúa dành cho nhân loại. Tình yêu đã đi đến tận cùng vì đã trao ban cho nhân loại món quà cao quí nhất không gì có thể so sánh được. Trao ban Đức Giêsu là cho tất cả, không còn có thể cho thêm gì nữa. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên chúa đi tìm con người. Thiên chúa đã hạ mình thẳm sâu để xuống gặp con người. Thiên chúa đã tìm thấy con người trong những khốn cùng tột độ của nó. Thật lạ lùng, Thiên chúa quá yêu thương đến độ kết hợp với sự khốn cùng của nhân loại. Thiên chúa đã cưới lấy bản tính nhân loại. Bóng đêm nhân loại nhận được ánh sáng của Thiên chúa. Bóng đêm khổ đau nhận được ánh sáng yêu thương. Anh sáng Thiên chúa soi sáng kiếp người tăm tối. Ánh sáng Thiên chúa sưởi ấm cho nhân loại lạnh lẽo.

Đó là ánh sáng niềm tin.
Anh sáng Giáng Sinh chiếu toả trên những tâm hồn thiện chí. Đêm nhân gian vẫn còn mê đắm. Nhưng vẫn có những tâm hồn thiện chí tỉnh thức. Đó là những tâm hồn bé nhỏ nghèo hèn. Đó là những cuộc đời khiêm tốn sống âm thầm trong bóng tối. Đó là những người nghèo của Thiên chúa. Đó là thánh Giuse, Đức Maria. Đó là Ba Vua. Đó là các mục đồng. Khiêm nhường nên các ngài sẵn sàng đón nhận thánh ý Thiên chúa. Tỉnh thức nên các ngài nhạy bén đón nhận những dấu chỉ Thiên chúa gửi đến. Thiện chí nên các ngài hăng hái lên đường ngay khi nhận được tín hiệu. Đơn sơ nên các ngài nhận được ánh sáng. Hê rô đê và Giêrusalem chìm trong mê đắm nên ngôi sao đã tắt. Trái lại “vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh các mục đồng”. Và ngôi sao xuất hiện dẫn đường cho Ba Vua. Anh sáng đã bao phủ các ngài. Anh sáng đã dẫn đưa các ngài đến bên máng cỏ. Anh sáng đã khiến các ngài nhìn thấy “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” và các ngài đã tin.

Đó là ánh sáng hy vọng.
Hài nhi Giêsu là hạt giống bé bỏng Thiên Chúa gieo vào thế giới. Những tâm hồn thiện chí là mảnh đất phì nhiêu. Những người nghèo của Thiên chúa âm thầm kiên trì chờ đợi. Những tâm hồn thiện chí như Ba Vua ngước mắt lên trời tìm kiếm. Niềm khao khát đã được đáp ứng. Đã đến mùa Thiên chúa gieo hạt. Hạt mầm thần linh gieo vào xác phàm sẽ thần hoá cả nhân loại. Hạt giống Giêsu sẽ triển nở thành cây cao bóng cả cho muôn loài trú ngụ. Mặt trời bé nhỏ Giêsu sẽ trở thành mặt trời chính ngọ soi chiếu đêm tối nhân gian. Anh bình minh Giêsu hứa hẹn một ngày mới chan hoà ánh sáng. Với Hài nhi Giêsu, một thời đại mới khởi đầu: những người bé nhỏ được nâng lên, những người nghèo hèn được kính trọng. Giêsu chính là hạt mầm hy vọng Thiên chúa gieo vào thế giới.

Đó là ánh sáng Tin Mừng.
Được thắp lửa, những tâm hồn thiện chí trở thành những ngọn đuốc, không chỉ sáng lên niềm vui, niềm tin, niềm hy vọng, mà còn chia sẻ ánh sáng với những người chung quanh. “Họ kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này”. Tin Mừng được loan đi. Niềm vui lan tới mọi tâm hồn. Ánh sáng bừng lên phá tan đêm tối.
Hài nhi Giêsu như mầm cây vừa nhú. Mầm cây cần bàn tay ân cần chăm bón để vươn thành cổ thụ cành lá xum xuê. Hài nhi Giêsu như ngọn nến đem ánh sáng vào đêm tối. Ngọn nến cần được nhiều bàn tay liên đới chuyền nhau cho ánh sáng lan rộng.
Xin cho con được trái tim của các mục đồng biết mở lòng ra đón nhận ánh sáng và biết đem ánh sáng của Chúa đi khắp nơi, để đêm tối trần gian được ngập tràn ánh sáng huy hoàng của Chúa.

Lời Ngỏ Của Tình Yêu

Thánh Gioan Tông Đồ định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu”. Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Ngài bằng nhiều cách dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng Thiên Chúa với hình ảnh ta khó thấy được và nhiều khi không nhận ra những công trình tình yêu của Ngài. Yêu nhiều rồi cũng có lúc phải nói ra. Thiên Chúa quá yêu thương con người nên sau cùng đã gửi Con Một của Ngài xuống trần để tỏ cho ta biết tình yêu Thiên Chúa. Con Một Thiên Chúa chính là Lời của Chúa ngỏ với nhân loại. Vì thế ta hãy vào hang đá Bêlem để lắng nghe được Lời Chúa nói với ta. Chúa Giêsu bé thơ không nói bằng âm thanh vật lý, nhưng Ngài nói bằng âm thanh của trái tim. Lời của Ngài là lời của tình yêu. Qua bản thân Ngài, qua ánh mắt Ngài, qua khung cảnh hang đá, ta sẽ nghe được tiếng thì thầm của Thiên Chúa. Tiếng thì thầm đó là tiếng nói của tình yêu dưới nhiều sắc mầu khác nhau.

– Đó là tiếng nói của tình yêu dâng hiến. Bêlem theo tiếng Do Thái có nghĩa là nhà bánh. Chúa Giêsu tự nguyện trở thành tấm bánh nuôi dưỡng chúng ta. Ngài nằm trong máng cỏ như một lương thực mời gọi đoàn chiên đến để được bổ dưỡng. Lương thực đó không phải là lương thực vật chất nuôi xác, nhưng là lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng tâm hồn. Ngày nay, tuy nạn đói cơm bánh đã bớt phần gay gắt, nhưng lại xuất hiện những cơn đói mới: đói văn hóa, đói sự an ủi chia sẻ, và nhất là đói khát đời sống thiêng liêng. Chúa Giêsu chính là tấm bánh bẻ ra cho thế giới mới, đáp ứng những cơn đói mới của thế giới.

– Đó là tiếng nói của tình yêu khiêm nhường. Tình yêu chân thực là tình yêu khiêm nhường. Tình yêu hạ mình vì người yêu. Chúa Giêsu đã hạ mình thẳm sâu. Từ trời xuống đất. Từ địa vị Thiên Chúa xuống địa vị làm người. Khiêm nhường nên nhường hết không gian cho con người. Những không gian rộng lớn, cao sang thuộc về con người. Chúa chỉ thu mình trong một góc nhỏ nghèo hèn của chuồng bò. Nhường không gian cho con người ăn nói. Còn Chúa chịu im lặng, thu nhỏ trong câm nín.

– Đó là tiếng nói của tình yêu đi tìm. Tình yêu của Thiên Chúa luôn đi những bước trước. Yêu con người khi con người chưa biết yêu Chúa. Tha thứ cho con người trước khi con người xin lỗi. Đi tìm con người trước khi con người quay về. Cuộc đi tìm thật vất vả. Chúa phải bỏ trời cao, phải mặc thân phận yếu hèn, phải chịu khổ sở, phải chịu nhục nhã, phải chịu chết mới tìm được con người.

– Đó là tiếng nói của tình yêu hy sinh. Vì yêu nên Chúa chấp nhận hết những thiệt thòi về phần mình. Chịu đói nghèo, chịu bị xua đuổi, chịu khổ nhục. Trẻ thơ Giêsu rét mướt nằm trong máng cỏ nói với ta điều gì nếu không phải là tình yêu, yêu đến độ chấp nhận tất cả.

– Đó là tiếng nói của tình yêu kết hợp. Cứ dấu này các ngươi nhận biết Ngài, đó là một em bé sơ sinh nằm trong máng cỏ. Vâng, kỳ diệu thay tình yêu Thiên Chúa. Vì yêu nên đã kết hợp trọn vẹn với con người. Trở nên một với con người. Chấp nhận hết những gì của con người. Chấp nhận đói khát, khổ sở, nghèo nàn. Chấp nhận cả những bấp bênh, bất trắc của kiếp người.

Lời Thiên Chúa đang ngỏ với ta qua Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Hãy đến bên hang đá để nghe được tiếng nói của Thiên Chúa. Hãy mở rộng trái tim để đón nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Trong bóng tối hận thù, ích kỷ, ghen ghét của thế giới, tình yêu Chúa là ánh sáng xé tan đêm tối. Hãy để ánh sáng tình yêu Chúa soi chiếu tâm hồn ta. Hãy đón nhận ánh sáng tình yêu của Chúa, để đến lượt chúng ta, chúng ta đem ánh sáng tình yêu của Chúa chiếu soi vào môi trường chung quanh ta. Để cho thế giới bớt tối tăm. Bấy giờ Lời của Chúa, Lời tình yêu sẽ vang dội khắp thế giới.

GỢI Ý CHIA SẺ
1) Bạn nghe thấy gì qua tiếng nói thinh lặng của Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ?
2) Yêu thương, ngỏ lời mà không được lắng nghe và đáp lại. Bạn cảm thấy thế nào nếu rơi vào tình trạng đó? Bạn có hiểu được lòng Thiên Chúa khi ngỏ lời yêu thương với bạn không?
3) Còn nhiều người chưa nghe được lời yêu thương của Chúa. Bạn có sẵn sàng làm sứ giả đem lời tình yêu của Chúa đến với họ không?
4) Để làm sứ giả tình thương, bạn cần những đức tính nào?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

CHÚA GIÁNG SINH
LỄ VỌNG
Suy niệm Tin Mừng Lc 1:67-79

Cất Lời Chúc Tụng

Lễ Giáng Sinh tới rồi! Một mùa lễ với nhiều nội dung quá súc tích và phong phú: Hài nhi Giêsu giáng sinh tại Bêlem trong khung cảnh đơn sơ nghèo hèn, một Con Thiên Chúa mặc lấy xác phàn và đi vào kiếp sống của con người nhân loại, một Thiên Chúa khởi đầu việc thực hiện công trình cứu độ mà toàn nhân loại đã từ lâu hằng mong đợi… Lời Chúa của cả ba Thánh Lễ được cử hành trong ngày mừng Chúa Giáng Sinh có mục đích: trình bầy cho chúng ta ba mảng tư tưởng trên; mỗi người đều có quyền chọn lấy cho mình một đề tài riêng để suy niệm. Tuy nhiên chính lúc này, tôi lại muốn buông mình vào tâm tư của ngày lễ vọng (chiều ngày 24 tháng 12) để tận hưởng cái tâm tình tuyệt vời của bài thánh ca “Chúc Tụng” (Benedictus), mà tôi vẫn thường đọc lên mỗi buổi kinh sáng. Bài ca này chứa đựng một tâm tưởng mà, theo tôi, phải là mục tiêu của suy niệm trong cả ba Thánh Lễ tiếp theo; đồng thời cũng phải trải dài suốt cả đời sống Kitô hữu: một tâm tình chúc tụng tạ ơn không ngơi nghỉ.

Dacaria đã có cả một thời gian 09 tháng khá dài để nghiền ngẫm về biến cố đang được khai mở, mà dầu trong tư cách tư tế, ông vẫn thấy mình chẳng hiểu tí gì. Điều quan trọng nhất ông làm trong suốt khoảng thời gian đó có lẽ không phải là làm một suy tư gì cao siêu cho bằng học hỏi lại kinh thánh và các lời tiên tri… khởi đi từ chính cái cảm nghiệm về thân phận của một người bị câm điếc, của một tư tế bị dị nghị và gạt bỏ. Chính trong cái tâm trạng bĩ cực đó và dưới ơn soi dẫn của Thánh Thần, ông đã mơ hồ nghiệm ra được một điều gì thật vĩ đại đang dần trở thành trọng tâm của toàn bộ lịch sử nhân loại, và đối với cuộc sống riêng ông; đó là Thiên Chúa đầy trắc ẩn đã khởi công thực hiện công trình cứu chuộc của Người. Việc con trai ông, Gioan – vị tiền hô của đấng Cứu Thế, hạ sinh chỉ là một dấu khởi đầu, như hừng đông báo trước một bình minh chói lọi. Chính vì thế mà với việc Gioan chào đời, vừa lúc miệng lưỡi ông mở ra và ông nói được, ông lập tức cất tiếng chúc tụng Thiên Chúa.

Và lời chúc tụng (benedictus) thật kỳ diệu: nó khác xa Bài Ca Chiến Thắng mà Môsê cùng với con cái Israel cất lên sau khi đã vượt qua biển đỏ, và tận mắt chứng kiến việc Đức Chúa Giavê hiển hách chiến thắng binh lực hùng mạnh của Pharaô để giải phóng dân riêng Người (Xh 15:1-20). Ở đây phác họa lên hình ảnh một Thiên Chúa rất trái ngược, một Thiên Chúa ‘đầy tình xót thương, đầy lòng trắc ẩn…’ bằng những đường nét của một chuỗi các hành động khác nhau: Người…
– Viếng thăm cứu chuộc dân Người
– Cho xuất hiện vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta
– Cứu ta thoát khỏi địch thù
– Trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên
– Giải phóng ta khỏi tay địch thù
– Cho ta chẳng còn sợ hãi
– Cứu độ và tha thứ hết mọi tội khiên
– Viếng thăm ta
– Soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
– Dẫn ta bước vào đường nẻo bình an

Đối với Dacaria, đích thực một kỷ nguyên mới đang khai mở, kỷ nguyên của Tân Ước trong đó xuất hiện một Thiên Chúa đầy từ tâm và nhân ái; đó phải là một kỷ nguyên mà trong đó, chúc tụng sẽ là công việc chính yếu cần làm.

Lễ Giáng Sinh, mà ngày mai tôi mừng kính, sẽ chẳng có giá trị gì nếu không kèm theo lời chúc tụng. Và lời chúc tụng chân thực nhất sẽ không chỉ là hòa mình với toàn thể nhân loại tham gia một lễ hội, mà là cùng với Hội Thánh – các kẻ tin vang lên lời chúc tụng, xuất phát từ nhận thức khiêm hạ sinh động về thân phận thấp hèn của con người đầy dẫy những khiếm khuyết, lầm lỗi, yếu đuối và đổ vỡ, nhưng chính con người đó lại được chính Thiên Chúa đoái hoài, và… đầy lòng trắc ẩn viếng thăm. Chỉ có như thế, Giáng Sinh mới trở thành một bài ca chúc tụng tạ ơn phát xuất từ tận đáy lòng, một bài ca diễn đạt không ngơi nghỉ niềm tin và hy vọng của cả một tập thể các môn đệ, tức là Hội Thánh.

Lạy Chúa Hài Nhi, quỳ bên máng cỏ, con muốn chiêm ngắm Chúa, đồng thời chiêm ngắm chính con người con. Càng ngắm nhìn Chúa con lại thấy cần phải thẳng thắn nhìn sâu vào con người yếu hèn của mình. Con không thể hiểu hết được ý nghĩa việc Chúa Giáng Sinh, nếu con không nhận ra sự thấp kém tội lỗi của mình. Chúa làm người để con được làm con Thiên Chúa, dẫu trong tất cả yếu đuối và tội lỗi. Chúa làm người để con không còn tự ti mặc cảm, nhưng luôn biết dâng lời ngợi khen và chúc tụng không ngơi. Amen

LỄ NỬA ĐÊM
Suy niệm Tin Mừng Lc 2:1-14

Loài Người Chúa Thương

“Khi hai người đang ở đó thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa; bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong quán trọ”. Sự kiện đơn sơ như thế mà tác giả Luca lại cất công ghi chép rất chi tiết niên đại, như một biến cố có một không hai trong lịch sử nhân loại. Cộng đoàn Kitô hữu thời sơ khai đã sớm nhận ra điều này: Hài Nhi mới sinh ra tại Bêlem trong đơn nghèo lại đang làm đảo lộn cả một lịch sử bi tráng của toàn nhân loại. Sự kiện mang tính cách mạng này lại không hề là một chiến thắng vẻ vang, một cuộc lật đổ ngoạn mục mà nhiều khi chỉ mang lại lo âu và sợ hãi, cũng không phải là hoàn tất một công trình hoành tráng vĩ đại đòi nhiều đóng góp khó nhọc và lao công. Một ‘Trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ’ chính là ‘tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân’ chỉ vì nó tỏ lộ ‘vinh quang Thiên Chúa trên trời’, đồng thời cũng mang lại ‘bình an cho loài người Chúa thương dưới thế’. Có thể như thế được chăng; cái gọi là Tin Mừng vĩ đại lại có thể đơn sơ đến vậy sao?

Thế đấy, cái đêm lễ hội phức tạp và công phu nhất trong năm (chỉ cần nhìn vào cách người ta trang hoàng đường phố cửa tiệm, dọn dẹp nhà cửa, trang trí nhà thờ, mua sắm quà cáp, nấu dọn yến tiệc cho ngày đại lễ) lại có một ý nghĩa, một nội dung quá ư là giản dị và thuần khiết! Và để có thể khám phá ra sự đơn thuần này cần phải có được một đêm tĩnh mịch, đêm thầm lặng, đêm sâu lắng của cõi lòng (silent night). Vinh quang Thiên Chúa (Gloria Dei) không tỏ hiện trong hào quang sáng chói, không tiền hô hậu ủng trong tiếng nhạc tiếng sấm vang rền, không phô trương rầm rộ với binh hùng tướng mạnh. Vinh quang đó âm thầm xuất hiện giữa đêm đông tĩnh mịch, trong hình hài một hài nhi yếu ớt sinh ra trong chuồng chiên bò hôi hám… Điều đó sẽ là hoàn toàn là hợp lý một khi người ta nếm cảm được cái thứ vinh quang của tình yêu thương, của lòng nhân ái; âm thầm và thinh lặng như người cha ngồi bên giường bệnh của đứa con thoi thóp trong góc phòng của một bệnh viện vắng lạnh, hay như người vợ đứng sau chiếc xe lăn của ông chồng tật nguyền trong xó nhà quạnh hiu… Lúc đó sự thinh lặng, nghèo nàn, tăm tối…, và chỉ có như thế, mới nói lên được tất cả, nói cách hùng hồn và diễn đạt đầy đủ nội dung sâu sắc nhất của tình yêu thương vĩ đại.

Và một khi loài người dưới thế, trong thinh lặng và sâu lắng, nhận ra rằng mình được Thiên Chúa yêu mến xót thương, được ‘đầy ân sủng và Đức Chúa ở cùng’ (Lc 1:28), họ sẽ biết đón nhận biến cố này với tâm hồn an bình, với tâm tình mừng vui, diễn tả qua lời ca ngợi tri ân. Đặc biệt Kitô hữu chúng ta, duy nhất giữa muôn người được nhận biết mình là phần tử của ‘loài người Chúa thương’, một loài người không chỉ gồm toàn những kẻ lương thiện tốt lành, mà bao gồm cả rất nhiều tội nhân bất hảo. Qua kinh nghiệm bản thân, các Kitô hữu hiểu rõ mình thuộc về thứ loài người này trong cả diện tích cực lẫn tiêu cực của nó. Và khi cử hành sự kiện Hài Nhi giáng sinh tại Bêlem, họ nhận mình chính là người đầu tiên được tiếp lấy lòng xót thương của một Thiên Chúa từ nhân. Tâm hồn họ lúc đó được tràn ngập thứ bình an độc nhất vô nhị, như chính Đức Giêsu sẽ khẳng định sau này: “Thầy ban bình an của Thầy cho anh em… thứ bình an mà thế gian không thể ban tặng” (Ga 14:27). Đúng là “bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”!

Maria là người nữ đã chào đón ‘hài nhi sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ’ trong thinh lặng và sâu lắng như thế. Sinh nở luôn kéo theo không biết bao nhiêu vấn đề thể lý, tinh thần, vật chất cũng như giao tế… dễ làm xáo trộn bất cứ ai, nhất là một sản phụ đặc biệt trong hoàn cảnh xa nhà, giữa muôn vàn thiếu thốn và bị xua đuổi như thế. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh đó mà tác giả Luca đã ghi nhận được thái độ lạ lùng của người mẹ rất đặc biệt này: ‘Còn Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng’. Maria đúng là Kitô hữu tiên khởi tiêu biểu và tuyệt vời nhất ngay từ giờ phút đầu tiên khi ‘vinh quang Thiên Chúa’ bắt đầu xuất hiện nơi dương thế.

Là một Kitô hữu, hơn nữa là linh mục – tu sĩ, tôi không thể cử hành biến cố Hài Nhi giáng trần cách nào khác. Dầu có bận rộn tới mấy đi nữa (chưa bằng một phần nhỏ của Maria đâu!), tôi vẫn phải tự nhủ: để khám phá ra và ca tụng ‘Vinh quang Chúa’, và nhận biết mình là ‘loài người Chúa thương’, tôi tuyêt đối cần phải giữ cho tâm hồn được thinh lặng và sâu lắng trong suốt thời gian cử hành lễ Giáng Sinh này.

Lạy Hài Nhi sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ, con muốn cùng Mẹ Maria thinh lặng chiêm ngắm tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa giáng trần. Xin cho con nhận ra tăm tối, giá lạnh và nghèo nàn… tại Bêlem hôm đó lại chính là tiếng ca ngợi vinh quang tình yêu Thiên Chúa cách vang dội nhất. Đặc biệt xin cho con nghe thấu được lời tuyên bố long trọng về Hài Nhi giáng thế:“Thiên Chúa yêu thương loài người”; và trong số những kẻ may mắn đó có cả con nữa, trong tất cả thân phận tội lỗi và thấp hèn…, hầu con và… ‘loài người Chúa thương’ được hưởng trọn vẹn thứ bình an có khả năng mở miệng con cất lên lời ca ngợi tình thương Chúa không ngừng. Amen

LỄ RẠNG ĐÔNG
Suy niệm Tin Mừng Lc 2:15-20

Tôi Thực Sự Biết Gì Về Hài Nhi Giáng Sinh?

Đêm qua tôi đã long trọng cử hành lễ Giáng Sinh, thế nhưng tôi tự hỏi: tôi thực sự biết gì về ngày lễ trọng đại mình vừa cử hành?
– Biết nhiều lắm chứ! Tác giả Luca đã tường thuật khá rành rẽ, rồi hang đá các kiểu, rồi hoạt cảnh hoành tráng mà bao lần tôi đã từng tổ chức hoặc được dự khán…, chắc chắn là tôi biết gần như thuộc lòng sự kiện Chúa Giáng Sinh rồi còn gì. Cứ cho là như thế đi! tuy nhiên, nếu có ai đó yêu cầu tôi kể lại cho họ nghe về cái ý nghĩa của đêm ấy thì tôi sẽ nói gì đây? Đặt mình vào trường hợp các mục đồng ‘Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên’, thì liệu có ai ngạc nhiên về điều tôi sẽ kể cho họ về Hài Nhi giáng sinh hay không? Thế nhưng các mục đồng đâu chỉ kể về các điều họ đã được mục kích tại Bêlem, vì tự nó các điều đó chẳng có gì hấp dẫn cả: ‘họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ…’ Dầu vậy chuyện chỉ có thế, nhưng nếu ‘Ai nấy đều ngạc nhiên’ thì là vì…:‘họ kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này’. Dầu rất đơn sơ chất phác, nhưng các mục đồng cũng đã biết vượt qua các sự kiện bên ngoài để nhận ra điều Chúa thật sự muốn cho họ biết. “Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ ra cho ta biết”. Và điều được tỏ ra đó quả là vô cùng trọng đại, vì nó liên quan tới hết thảy mọi người, tới toàn thể nhân loại: “Tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra!” Và‘các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa’ vì đã được diễm phúc nhận biết: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

Thế đấy, khi nói về Chúa Giáng Sinh tôi không thể không đề cập tới một Đấng Cứu Độ, một Thiên Chúa đầy lòng thương xót và từ nhân, một Thiên Chúa tha thứ và cứu vớt. Việc ‘một trẻ sơ sinh bọc trong tã, nằm trong máng cỏ’, cho dầu bên ngoài có vẻ tầm thường, nhưng lại là một dấu chỉ không thể sai lầm để nhận ra ‘cái thứ’ Thiên Chúa cứu độ đó; và dấu đó quả thực là tài tình và tỏ tường vô cùng: thương xót từ nhân phải đi đôi với đơn sơ thấp hèn, tha thứ cứu vớt phải thật gần gũi và bình dị. Tự thâm tâm, đôi lúc tôi cũng có cảm giác khó chịu về cái thấp kém và nghèo hèn của hang Bêlem. Chẳng vậy mà, ngay tại chính máng cỏ thấp hèn xưa nơi Hài Nhi đã từng nằm tại Bétlem, khách hành hương thỏa thuê nhìn thấy một ngôi sao bạc cẩn đá quí lấp lánh trên nền đá cẩm thạch… để làm cho nó thêm tôn nghiêm trang trọng. Nghèo hèn chỉ là gượng ép, hoặc cùng lắm, là lãng mạn đối với một Đức Chúa cao sang, nhưng lại thật tự nhiên và rất xứng hợp đối với một Thiên Chúa đầy từ nhân và hay thương xót. Các mục đồng đơn sơ chất phác dễ dàng nhận ra điều này, trong khi các bậc quyền quí lại không, và khi ‘Họ ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ’.

Tới trước hang Bêlem ngay cả các tín hữu cũng được phân làm hai nhóm: nhóm một gồm những người chỉ muốn nhìn thấy một Thiên Chúa vinh quang, tạm ẩn dấu trong hình hài bé thơ, nhưng đòi phải được thờ lạy kính tôn cách trọng vọng như Ngài xứng đáng, còn nhóm thứ hai sẽ gồm những ai nhìn vào ‘trẻ sơ sinh… nằm trong máng cỏ’ để nhận ra lòng từ nhân vô hạn của Thiên Chúa cứu độ, và do đó sẽ mừng vui hớn hở ca tụng Người trong chính sự thấp hèn nhỏ bé của Hài Nhi: Maria, Giuse và các mục đồng chắc chắn thuộc nhóm thứ hai này như Luca đã muốn mô tả họ như thế. Như vậy điều mà Thánh Sử Gioan đã từng khẳng định: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà không nhận biết Người” không chỉ mang ý nghĩa luân lý của hai hạng người tốt / xấu, nhưng còn chứa đựng một nội dung Tin Mừng phong phú hơn nhiều: nhận biết hay không nhận biết lòng thương xót từ nhân của Thiên Chúa, được thể hiện nơi ‘Ngôi Lời mặc lấy xác phàm’. Vì nếu mà Người đã đến trong vinh quang huy hoàng của công lý và quyền uy thì có lẽ người ta sẽ dễ đón tiếp hơn trong suy tôn và kính sợ, đàng này người lại chọn đến trong nghèo hèn của nhân từ và tha thứ, và thế là người ta dễ coi thường, quên lãng; sau này chính Đức Giêsu đã phải thốt lên: “Con xin ngợi khen Cha, vì đã dấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Lc 10:21). Phải, đúng như thế: những người thông thái khôn ngoan ưa nhìn xem những gì là hợp lý, và nhận ra ngay Thiên Chúa trong sự vinh quang cao cả; còn kẻ bé mọn, nhất là tội lỗi thấp hèn, mới dễ cảm nhận lòng từ ái của Thiên Chúa cứu độ. Họ là những người gần gũi và thoải mái với ‘trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ’ hơn; bởi bì:“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó!” (Mt 5:3).
Vậy thì tôi thuộc nhóm nào trong hai nhóm này đây!

Lạy Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ, mỗi khi con chiêm ngắm ‘Ngôi Lời đã trở nên người phàm’, xin cho con có khả năng được ‘nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Người,’ thứ vinh quang mà chỉ những con người bé mọn mới được mạc khải cho biết. Xin cho con biết, như Mẹ Maria tại Bê-lem, ‘suy đi nghĩ lại trong lòng’ về tình yêu thương xót và lòng nhân ái vô biên của Thiên Chúa, qua hình ảnh ‘trẻ sơ sinh bọc trong tã nằm trong máng cỏ’, để trong mừng vui và bình an, con cũng có thể chân thành cất lên bài ca ‘Ngợi khen – Magnificat’ với Mẹ. Amen

LỄ BAN NGÀY
Suy niệm Tin Mừng Ga 1:1-18

Verbum Dei – Lời Thiên Chúa Ở Giữa Chúng Ta

Lời tựa sách Tin Mừng thứ tư cho chúng ta một khẳng định quan trọng: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả”. Như vậy mọi hiểu biết về Thiên Chúa trước khi Đức Giêsu xuất hiện (Cựu Ước, mọi tôn giáo khác, cũng như các suy luận triết học) đều chỉ là phỏng định; hay nói cách khác, là nhân cách hóa, có nghĩa là người ta dựa phần lớn vào tư duy con người, cho dầu có siêu việt như các triết thuyết; nắm bắt và thấu triệt Thiên Chúa cách chính xác chỉ có thể có được qua sự xuất hiện của Lời Thiên Chúa (Dei Verbum) trên trần gian. Vấn đề quan trọng ở đây là xác định được Lời đó có nội dung chính xác là gì?
Một số khẳng định liên quan tới Lời – Verbum được Gioan nêu lên, đó là ‘Lời đã có từ lúc khởi đầu… Lời vẫn hướng về Thiên Chúa… Lời là Thiên Chúa… Lời tạo thành vạn vật… Lời là sự sống, là ánh sáng… Lời hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha’. Tất cả các điều này chỉ qui vào một điểm duy nhất: ‘Lời phản ánh, và là hình ảnh trung thực nhất của Chúa Cha’ (Dt 1:3; Cl 1:15). Chính Đức Giêsu sau này cũng đã không ngừng lặp đi lặp lại ý tưởng này cho các môn đệ Người, “Không phải là đã có ai thấy được Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha” (Ga 6:46), hoặc “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha, sao anh lại nói: xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?” (Ga 14:9)

Lời – Verbum đó ‘đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta’ là thế! Nếu điều này là đúng thì: từ nay loài người có thể trực tiếp đọc được Lời, nói cách khác, có thể trực tiếp thấy và biết Thiên Chúa. Để làm được điều này, cách duy nhất (và tuyệt đối không còn bất kỳ cách nào khác) là chịu khó đọc Lời, là chiêm ngắm Lời – Giêsu từ lúc còn mang hình hài một ‘trẻ sơ sinh, bọc tã, nằm trong máng cỏ’ (Lc 2:12) cho tới giờ phút cuối cùng của Thập Giá khi ‘một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra’ (Ga 19:34). Maria là người duy nhất đã có mặt ở cả hai biến cố đó: Mẹ đã cẩn thận đọc Lời – Giêsu trong tư thế chiêm niệm thâm sâu nhất. Và rồi thì, Mẹ đã hiểu ra, ‘Thiên Chúa là Đấng cứu độ… hằng thương xót…nâng cao kẻ khiêm nhường… ban cho kẻ khó nghèo đầy dư…’ (Lc 1:47-55). Người môn đệ Gioan cũng đã theo sát, gần gũi với Thầy Giêsu nên đã có thể đọc được Lời: ‘Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe… đã thấy tận mắt… đã chiêm ngưỡng… tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống’ (1 Ga 1:1), và ông đã lên tiếng làm chứng: ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1 Ga 4:8) và ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…’ (Ga, 3:16); đồng thời quả quyết: “Lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật…” (Ga 19:35).
Chỉ những ai chân thành đọc Lời, chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu với tâm hồn sâu lắng nhất mới có cơ hội nhận biết Thiên Chúa cách đích thực; bằng không ý niệm họ có về Người sẽ mãi mãi là mơ hồ và méo mó. Thực tế cho thấy rất nhiều người vẫn tự cho là mình biết rõ, biết sâu về Thiên Chúa (các tư tế, Biệt Phái và luật sĩ thời Đức Giêsu ngày xưa, và cũng có thể là các triết gia – thần học gia ngày nay), thậm chí họ còn mở miệng giảng dạy người khác rằng: Thiên Chúa là thế này thế nọ, nhưng lại không cất công đọc Lời – Giêsu, không dành thời giờ chiêm ngắm, gần gũi và kết hiệp với Lời – Giêsu. Những người như thế thì làm sao có thể vỗ ngực cho là mình hiểu biết về Thiên Chúa được; phải chăng chính họ là các tiên tri giả, mà Đức Giêsu đã tùng đề cập tới (Mt 7:15-20)! Chẳng trách gì: Thiên Chúa tình yêu đã tạo thành thế gian, nhưng khi Lời tình yêu đến, ‘thế gian lại không nhận biết Người’. Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh tình yêu của Người, nhưng khi Lời tình yêu ‘đến nhà mình, thì người nhà lại chẳng chịu đón nhận’; họ đã quá quen với cách suy luận của tri thức rồi, thì làm sao nhận ra Lời yêu thương và cứu độ?
Tôi vẫn được nhắc nhở phải chiêm ngắm mầu nhiệm Giáng Sinh, thế nhưng tôi trộm nghĩ, còn hơn cả mầu nhiệm Giáng Sinh như một biến cố, tôi cần chiêm ngưỡng Giêsu như một ‘người phàm và đang cư ngụ giữa chúng ta’, với mục đích để biết rõ hơn về Thiên Chúa từ bi nhân ái. Tôi cần biết: Giáng Sinh chỉ là khởi điểm để tôi chuyển động từ một hiểu biết Thiên Chúa vinh quang của suy luận triết thần, tới một Thiên Chúa từ nhân cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Giáng Sinh phải bắt đầu nơi tôi một thứ linh đạo chiêm ngắm, đào sâu và kết hiệp với Lời – Giêsu để, như Maria, tôi đặt niềm tin tuyệt đối nơi Thiên Chúa, Đấng cứu độ và giầu lòng xót thương!
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết thinh lặng quì bên máng cỏ và chiêm ngắm Hài Nhi giáng trần; cũng xin giúp con biết ngước nhìn lên Giêsu chết trên thập giá để nhận ra một Thiên Chúa cứu độ đầy từ tâm. Qua việc lần hạt con muốn được cùng Mẹ ghi nhớ mọi điều trong cuộc đời Giêsu và suy niệm trong lòng, hầu biến trọn niềm tin Kitô hữu thành một khám phá và minh chứng cho mọi người về ‘Thiên Chúa – đấng cứu độ… hằng xót thương’. Kể từ lễ Giáng Sinh này, xin Mẹ đưa tay dẫn dắt con tiến bước trên con đường chiêm niệm và sâu lắng, mà Mẹ đã từng bước đi. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

Chúa Giáng Sinh Trong Ngôi Nhà Bấp Bênh

Mỗi mùa Noel về là ta được mời gọi đến chiêm ngắm Chúa nơi hang đá Belem. Nhìn vào hang đá cảm xúc mỗi người khác nhau. Tựa chung lòng ai cũng hân hoan. Người có đạo vui vì Chúa đã đến ở cùng chúng ta. Người không có đạo cũng vui vì được hòa nhịp vào trong dòng người vội vã viếng thăm các hang đá. Đủ sắc màu lung linh. Đủ ánh đèn dọi chiếu lập lòe huyền ảo.

Nhiều người bảo rằng ngày xưa Chúa sinh ra trong hang bò lừa thiếu thốn , mà sao bây giờ lại nguy nga vậy?
Vâng, đúng là nơi Chúa sinh ra thật thiếu thốn. Nhưng khi nghe thiên thần loan báo về hài nhi vừa mới sinh thiếu thốn mọi bề thì những mục đồng lân cận đã mang tất cả những gì mình có để giúp đỡ hài nhi và gia đình trẻ. Rồi còn có cả 3 Vua từ phương xa đã mang lễ vật quý hiếm để dâng tặng cho hài nhi mới sinh mà họ tin rằng đây chính là Minh Quân phải đến trong thế gian.

Ngày nay cũng thế, những gì có nơi hang đá các nhà thờ đều là sự chung góp của nhiều người, và cũng tích lũy từ nhiều năm. Mỗi năm mỗi thêm. Mỗi năm có cũ và có mới. Cứ thế mà hang đá Chúa mỗi ngày một đẹp và lộng lẫy hơn.
Tất cả cũng đều từ tấm lòng mong muốn cho nơi Chúa nằm được tốt đẹp hơn. Tất cả đều ước mong ngày Chúa sinh ra được trang hoàng lộng lẫy và đẹp hơn.

Thực tế, khi nhìn vào hang đá Belem xưa cũng như nay, chúng ta đều thấy “sự bấp bênh của gia đình Thánh Gia vào đêm đó ở Bêlem”. Thiếu thốn mọi sự, hay có thể nói là không có gì cho một mái ấm gia đình. Nhưng nếu con người cứ vô cảm, cứ bỏ mặc những cảnh đời cơ cực ấy thì họ mãi mãi là người nghèo, họ mãi mãi là người ăn chực lòng thương xót của người khác. Ngược lại, nếu trong xã hội biết sống liên đới với nhau, biết chia sẻ và bác ái với nhau thì người nghèo sẽ nhẹ vơi gánh nặng, xã hội sẽ bớt đi những mảnh đời tha phương tủi phận.

Thế nên, nếu hôm nay Chúa chọn nơi giáng sinh, Ngài vẫn chọn nơi bấp bênh nhất của con người, để cảm thông nỗi bất hạnh tột cùng của những người nghèo, vì Ngài đến vì họ. Và Ngài cũng sẽ trở nên thiếu thốn như vậy để con người biết vì Chúa mà chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau hầu xây dựng xã hội văn minh đầy tình liên đới yêu thương.

Năm nay, Việt nam mưa lũ triền miên, gây nên bão lụt Miền Trung kéo dài suốt tháng 10, khiến cho hàng trăm ngàn ngôi nhà chìm trong nước, hàng trăm ngàn hecta hoa màu bị chôn vùi, và đau xót nhất là hơn 100 người đã bị lũ quét cuốn trôi. Cũng qua trận lũ lịch sử này mà ta thấy ánh sao của tình thương đã dẫn lối đưa đường cho nhiều người đến chia sẻ với những người đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất, hay sống tạm bợ nơi ngôi nhà nứt vách siêu vẹo chênh vênh vì nước úng ngập tràn.

Có thể nói điểm ưu việt của năm nay là hình ảnh hàng hàng lớp lớp những chuyến xe từ thiện từ mọi miền đất nước đổ về khúc ruột thịt Miền Trung. Nỗi đau của Miền Trung là nỗi đau cả nước. Đồng bào Miền Trung là anh chị em mình nên “chị ngã thì em nâng”.

Trong đoàn người hành hương đến với những cảnh đời bất hạnh ấy ta thấy thấp thoáng bóng dáng của chiếc áo chùng thâm của cha Nguyễn Sang, đã miệt mài suốt hơn 1 tháng để đến tận nơi, trao tận tay những món quà cứu trợ đúng lúc đúng nơi. Khuôn mặt ngài vẫn hiền lành bao dung không mệt mỏi và vẫn giọng nói ấm áp quả thực ngài đã đến chia sẻ, nâng đỡ, ủi an cho những mảnh đời bất hạnh bởi thiên tai. Tại LaVang, cha Trần An đã cho toàn bộ anh em nhà Hướng Thiện cùng xông pha cứu gíup đồng bào miền lũ để đưa họ tới nơi an toàn và cung cấp lương thực cứu đói cho đồng bào đang bị thiên tai.

Hôm nay chúng ta vui mừng kỷ niệm ngày Con Thiên Chúa giáng sinh cho chúng ta. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa sẽ tiếp tục giáng sinh trong những mảnh đời lầm than bất hạnh ấy. Ngài vẫn tiếp tục chờ đợi những tấm lòng của các mục đồng chia sẻ cho Ngài những thứ thiết yếu trong cuộc sống. Vì Ngài đã từng đồng hoá mình với những con người nghèo đói cơ hàn, những con người bị ngược đãi, bị bỏ rơi. Chính Ngài đã từng nói rằng: “Hỡi những kẻ được cha Ta chúc phúc hãy vào hưởng Nước Trời là gia nghiệp đã dành sẵn cho các ngươi, vì khi ta đói, ta khát, ta trần truồng, bị bỏ rơi, tù đầy, ngược đãi các ngươi đã cho ăn, cho uống và tiếp đón ân cần”. Ngài đã đồng hoá mình với những người khổ đau để con người biết vì Ngài mà biết thương nhau, biết vì Ngài mà phục vụ lẫn nhau, biết vì Ngài mà hy sinh cho nhau, mà đón nhận lẫn nhau trong yêu thương và tha thứ.

Hôm nay ngày lễ giáng sinh, là dịp để chúng ta nhắc lại với nhau, Con Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta. Ngài đang cần chúng ta yêu thương. Ngài đang cần chúng ta giúp đỡ. Ngài đang cần chúng ta đón nhân. Ngài đang cần chúng ta dành cho Ngài cái nôi đón nhận trong sâu thẳm lòng mình. Ngài đang cần chúng ta dành cho Ngài những cọng rơm hy sinh của nhịn nhục, của bác ái vị tha làm ấm áp lòng Ngài. Ngài đang cần chúng ta dành cho Ngài hơi ấm của tình thương chia sẻ với tấm lòng quảng đại, nhiệt thành như các mục đồng năm xưa.

Nguyện xin Đấng Emanuel chúc lành cho những nghĩa cử yêu thương cùa chúng ta. Nguyện xin Ngài đón nhận những hy sinh nhịn nhục và bác ái vị tha của chúng ta dành cho nhau như là dành cho chính Ngài. Và cầu chúc cho mỗi người chúng ta biết đón nhận nhau như là đón nhận Đấng Emmanuel ở cùng chúng ta để nhờ đó mà chúng ta biết trao cho nhau những nghĩa cử ấm áp tình người và chan hoà tình nhân ái bao dung. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Tình Yêu Thiên Chúa Bao La Như Đại Dương

Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, vô cùng cao cả và đầy quyền năng. Để hiểu phần nào quyền năng của Chúa, chúng ta hãy nhìn ngắm công trình do Ngài tác tạo.
Ngài đã hiện hữu từ trước muôn đời, trước khi có vũ trụ càn khôn. Ngài cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần tác tạo nên trời đất, muôn loài muôn vật trong vũ trụ vô biên vô tận này.

Với tầm nhìn hạn hẹp, chúng ta tưởng Trái đất này to lớn lắm. Thật ra, các nhà khoa học cho biết Trái đất chỉ là một quả cầu rất bé nhỏ nằm trong số hàng tỷ, hàng tỷ quả cầu khác lớn hơn rất nhiều.

Với tầm nhìn hạn hẹp, chúng ta tưởng Mặt trời đang tỏa sáng trên đầu chúng ta to lớn nhất, thật ra, Mặt trời của chúng ta chỉ là một ngôi sao trong vô vàn ngôi sao lớn lao trong vũ trụ. Các ngôi sao trong vũ trụ này này nhiều hơn cả số lượng cây cối trên rừng, nhiều hơn số cá bơi lội dưới nước.

Nhìn ngắm vũ trụ bao la vô biên vô tận với vô vàn điều kỳ diệu trong đó thì chúng ta mới biết Đấng sáng tạo nên nó là Chúa Giê-su, là Ngôi Hai Thiên Chúa, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cao cả biết chừng nào, quyền năng của Ngài lớn lao không tưởng được…

Về phần loài người chúng ta, nếu đem con người so sánh với muôn vàn trăng sao trong vũ trụ, thì con người chỉ là một hạt bụi li ti, vô cùng nhỏ bé, chẳng đáng là gì.

Thế mà vì yêu thương loài người thấp hèn, nhỏ bé, Ngôi Hai Thiên Chúa vô cùng cao cả và quyền năng, đã hóa thân làm người phàm, đầu thai trong lòng một trinh nữ miền quê Nazareth, trở thành con của loài người, trở thành cháu chắt của những người tội lỗi… Lạ lùng thay!

Tại sao Chúa tể trời đất, Đấng dựng nên vũ trụ càn khôn vô biên vô tận, lại hạ mình xuống thế làm người thấp hèn như thế?

Thưa vì hai mục tiêu chính:
Mục tiêu thứ nhất là để cứu độ loài người, để mang tội lỗi của họ vào thân, để đền tội thay và chết thay cho họ… Nhờ đó, nhân loại được thoát khỏi hình phạt trong hỏa ngục đời đời; nhờ đó, nhiều người được lên thiên đàng hưởng phúc trường sinh.

Mục tiêu thứ hai là, khi xuống thế cứu chuộc loài người, Ngôi Hai Thiên Chúa ban cho họ một hồng ân vô giá mà trí khôn con người khó hiểu được. Đó là nâng con người lên hàng con Thiên Chúa, và không chỉ là con Thiên Chúa mà thôi, mà còn là chi thể của Chúa Giêsu, được hoàn toàn nên một với Ngài.

Hình ảnh sau đây giúp chúng ta hiểu rõ hơn sự thật này:
Thiên Chúa như một đại dương bao la vô tận, hết sức trong lành thanh khiết; còn loài người như một ao nước nhỏ bé, đen ngòm, chứa đầy rác rến dơ bẩn… nằm bên bờ đại dương. Có một giải phân cách tách biệt đôi bên. Qua biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, giải phân cách giữa Thiên Chúa và loài người được phá bỏ, để Thiên Chúa hòa nhập với con người và để cho con người được nên một với Thiên Chúa, như ao nước hòa nên một với đại dương. Đây là một hồng ân vô cùng cao quý.

Lạy Chúa Giêsu. Tình Chúa yêu thương chúng con bao la như đại dương không bờ, không đáy. Xin giúp chúng con biết cố sức đền đáp tình yêu của Chúa và luôn làm đẹp lòng Ngài trong mọi sự. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Ánh Sáng Tình Yêu
Lễ Giáng Sinh – B

Bóng tối bao trùm phủ thế gian

Mưa tuôn ánh sáng Đấng Minh Quân

Niềm tin chiếu rọi mầm ơn phúc

Hy vọng gieo trồng giống thánh ân

Nhân ái sẻ chia, nhân ái quí

Nghĩa tình trao tặng, nghĩa tình thân

Hài Nhi xuất hiện xua tăm tối

Chiếu tỏa Tin Vui khắp cõi trần

Hạt Nắng

Ngôi Lời Nhập Thế
Lễ Giáng Sinh – B – (Lc 2, 1 – 14)

Ách nô lệ, u mê tội lỗi,
kiếp nhân sinh bóng tối bủa vây.
Giá băng, u uất, đọa đày,
đêm đông ảm đạm mong ngày nắng tươi.

Ngọn lửa hồng từ trời xuất hiện,
xua bóng đêm tan biến phiêu du.
Hài Nhi bé nhỏ – Giêsu,
ánh sáng chiếu tỏa ngục tù tối tăm.

Lòng khiêm hạ thẳm sâu dâng hiến,
tiếng tình yêu đi đến tận cùng.
Nghèo hèn, yếu đuối, lạnh run,
máng cỏ, bọc tã, sống chung bò lừa.

Niềm hy vọng tuôn mưa ân phúc,
hồn khiêm nhu nao nức kiếm tìm.
Ánh sáng soi chiếu niềm tin,
Tin Mừng lan tỏa hành trình muôn nơi.

Vinh quang Chúa rạng ngời linh thánh,
bởi Ngôi Lời thành kiếp phàm nhân.
An bình, chân lý, hồng ân,
Tình Yêu nhập nhế nhân trần hồi sinh.

Bầu trời tinh tú lung linh,
Cành khô nảy lộc vươn mình đơm hoa.
Vạn vật cất tiếng hòa ca …

Bâng Khuâng Chiều Tím

Ngôi Lời Làm Người
Lễ Giáng Sinh – B – (Ga 1, 1 – 18)

Ngôi Lời từ muôn đời, vẫn ở cùng Thiên Chúa,
muôn vật được tác thành, đều do Người dựng nên.
Ngôi Lời là sự sống, sự sáng của nhân sinh,
Ngôi Lời đã làm người, ơn Cứu Độ trần gian.

Ngôi Lời đã giáng trần, chiếu tỏa vùng tăm tối,
nhân loại nhận Tin Mừng, niềm tin bừng rạng đông.
Ngôi Lời, ngọn lửa hồng, sưởi ấm đời cô đơn,
Ngôi Lời mặc xác phàm, gieo rắc mầm thần linh.

Vinh quang, vinh quang Chúa,
trên khắp tầng trời xanh.
Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể giữa trần gian,
đem hồng phúc bình an,
Cho người lành dưới thế.
Đem niềm tin, hy vọng,
giải thoát đời nguy nan.

Ngôi Lời đã làm người, kiếp dãi dầu mưa nắng,
sinh hạ nơi hang lừa, màn đêm trời lạnh lẽo.
Ngôi Lời bước vào đời, nghiệt ngã kiếp nhân sinh,
chấp nhận hiến thân mình, gieo rắc mầm thần linh.

M. Madalena Hoa Ngâu

Chúa Đã Vào Đời
Lễ Giáng Sinh – B

Chúa đã vào đời – Ngài là Vua hùng dũng,
trong kiếp mọn hèn một Hài Nhi bé thơ.
Chúa đã vào đời – Ngài là Hoàng Tử bình an,
chấp nhận cuộc đời hèn mạt, kiếp gian nan.

Chúa đã vào đời – Ngài là Cha muôn thưở,
căn nguyên vạn vật, chấp nhận kiếp nhân sinh.
Cố Vấn diệu kỳ – danh Ngài Thiên Chúa tặng ban,
chấp nhận cuộc đời xáo trộn, kiếp bất an.

Chúa đã vào đời – Chúa đã vào đời,
chấp nhận vòng quay nghiệt ngã,
thăm viếng Dân Ngài, thắm tình Emmanuel.
Chúa đã làm người – Chúa đã làm người,
cho con người được làm con Thiên Chúa,
cứu độ nhân trần, hưởng nguồn hạnh phúc ban sơ.

Chúa đã vào đời, gọi mời con tiếp bước,
đến với mọi người, chia sẻ kiếp nhân sinh.
Với Chúa vào đời, loan Tin Mừng Cứu Rỗi,
hạnh phúc cho người, đón nhận ánh sáng huyền linh.

Nắng Sài Gòn

Khúc Giao Hòa
Lễ Giáng Sinh – B

Tội lỗi nhận chìm trần gian trong bóng tối,
định mệnh con người gặp bế tắc sầu đau.
Phương hướng mịt mù chẳng biết sẽ về đâu,
ý nghĩa cuộc đời con người đã đánh mất.

Bởi yêu thương vượt nghìn trùng xa cách,
Thiên Chúa đến với con người
trong thân xác trẻ thơ.
Yếu ớt, nghèo hèn, bé nhỏ, đơn sơ,
run run trong giá lạnh,
đang mời gọi những tâm hồn quảng đại.

Chia sẻ kiếp người, đồng hành cùng nhân loại,
sướng – khổ, vui – buồn tự nguyện đến trần gian.
Nối kết đất – trời lời giao ước bình an,
chiếu ánh sáng vào tăm tối,
dẫn đưa con người về nguồn sự sống.

Sứ điệp tình yêu cần con tim mở rộng,
biết lắng nghe Lời Cứu Độ thì thầm.
Khao khát hòa bình, công chính, thiện tâm,
nơi sâu thẳm lời yêu thương chạm đến.

Mặc xác phàm Con Chúa Trời diện kiến,
nơi hang bò lừa, yếu đuối một Hài Nhi.
Không mang binh khí hay quyền lực uy nghi,
chỉ có đôi mắt ngây thơ, mong manh, non nớt.

Hãy đến cùng Giêsu thì thầm lời nguyện ước,
vun xới tình yêu, tìm công lý, tự do.
Nơi tha nhân túng nghèo cùng chia sớt âu lo,
để nguồn ánh sáng huy hoàng,
chiếu soi hạnh phúc Nước Trời nơi trần thế.

Sưởi ấm tình người,
sưởi ấm Tình Yêu Nhập Thể,
xây dựng Hòa Bình cho thế giới xinh tươi.

Đêm nay Con Chúa chào đời,
hồng ân lan tỏa khắp nơi an bình.
Xin làm máng cỏ xinh xinh …

AP. Mặc Trầm Cung