SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 720, CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG – B, 20/12/2020

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. (Lc 1, 26-38)
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.
Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.
Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Khiêm Nhường Đón Nhận ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Thiên Sứ Truyền Tin Cho Cả Tôi Nữa! Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Lạy Chúa Xin Nghiêng Trời Ngự Xuống Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Nhịp Cầu Đưa Chúa Đến Với Anh Em Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Xin Vâng Hạt Nắng Trg 9
Hội Ngộ Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Nhiệm Mầu Xin Vâng M. Madanena Hoa Ngâu Trg 11
Ngỏ Ý Nắng Sài Gòn Trg 12
Nhiệm Mầu Xin Vâng A.P Mặc Trầm Cung Trg 13

Khiêm Nhường Đón Nhận

Đọc Tam Quốc Chí, ai cũng mến mộ Trương Lương, một trong những vị tướng tài ba của Lưu Bang. Thuở nhỏ, Trương Lương đi dạo chơi ngoài bờ sông. Thấy một ông lão ăn mặc rách rưới nằm ngủ trên cầu. Ông lão ngủ say làm rơi một chiếc dép xuống sông. Thấy Trương Lương, ông sai bảo: Thằng bé, nhặt chiếc dép cho ta. Trương Lương vui vẻ xuống sông nhặt chiếc dép kính cẩn đưa lại cho cụ già. Cụ cầm lấy. không một lời cám ơn. Loay hoay xỏ mãi không vào, cụ đánh rơi chiếc dép một lần nữa. Cụ lại quát bảo Trương Lương: Thằng bé, xuống nhặt dép cho ta. Trương Lương vẫn vui vẻ giúp cụ. Lần thứ ba cũng thế. Thấy vậy, ông lão khen: Thằng bé này dạy được đây. Thì ra cụ là một cao nhân lỗi lạc. Và cụ nhận Trương Lương làm học trò, truyền dạy binh pháp cho ông. Nhờ thế, Trương Lương trở nên một danh tướng văn võ song toàn, đã giúp cho Lưu Bang dựng nên nghiệp đế vương.

Trương Lương gặp được thầy giỏi một phần nhờ cơ may. Nhưng phần lớn là nhờ sự khiêm nhường phục vụ của ông. Đọc truyện Trương Lương, tôi lại nhớ đến Đức Mẹ. Thời Đức Mẹ, ai cũng mong chờ Đấng Cứu Thế, nhưng chỉ mình Đức Mẹ được diễm phúc đón nhận. Chúa chọn Đức Mẹ, đó là do ơn lành nhưng không của Chúa, nhưng cũng vì Đức Mẹ có tâm hồn khiêm nhường đón nhận.

– Đức Mẹ khiêm nhường trong đời sống bình dị. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Sống trong một thôn xóm nghèo hèn vô danh. Ngày ngày chu toàn những công việc tầm thường như nấu nướng, may vá, dọn dẹp nhà cửa.

– Đức Mẹ khiêm nhường trong thái độ ứng xử. Trước mặt thiên sứ Gabriel, Đức Mẹ xưng mình là nữ tỳ của Thiên Chúa, dù thiên sứ đã loan báo Mẹ sẽ là Mẹ Thiên Chúa. Sau đó, Đức Mẹ đến thăm bà chị họ Elizabeth. Vừa nghe Đức Mẹ chào, bà Elizabeth đã ngợi khen Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Đáp lại, Đức Mẹ chỉ nhận mình là phận hèn bé nhỏ. Nếu có được ơn gì là do Thiên Chúa thương ban.
– Vì khiêm nhường nên Đức Mẹ hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Đức Mẹ đã có chương trình riêng. Chương trình đó là sống độc thân trinh khiết. Đó là một chương trình tốt đẹp. Nhưng khi Thiên Chúa ngỏ ý muốn Đức Mẹ theo chương trình của Chúa, Đức Mẹ đã mau mắn từ bỏ chương trình riêng tư để đi vào chương trình của Thiên Chúa. Đức Mẹ nhận biết rằng, chương trình của Chúa là vô cùng tốt đẹp, còn chương trình riêng chỉ là bất toàn. Thánh ý Thiên Chúa là tuyệt đối, còn ý riêng chỉ là khiếm khuyết.

– Vì khiêm nhường nên Đức Mẹ phó thác trọn vẹn vận mạng trong tay Chúa. Khi thưa Xin vâng, Đức Mẹ đã mạnh dạn vượt qua những toan tính dè dặt của người đời để nép mình vào bàn tay quan phòng của Thiên chúa. Nếu ta hiểu luật lệ khắc nghiệt của người Do thái đối với phụ nữ không chồng mà có con, ta sẽ thấy Đức Mẹ liều lĩnh biết bao, và sự phó thác của Mẹ vào Thiên chúa mãnh liệt đến thế nào.

– Vì đã thưa Xin vâng, nên Đức Mẹ chấp nhận tất cả, dù chưa hiểu hết Thánh ý Thiên Chúa. Tại sao Con Thiên Chúa phải sinh ra trong cảnh thiếu thốn nghèo nàn? Tại sao Vua trời đất lại phải chạy trốn như một kẻ yếu hèn? Tại sao Đấng Cứu thế làm nhiều phép lạ đến thế để cứu nhân độ thế lại bị người ta chống đối, hành hạ, giết chết nhục nhã như một tội nhân? Hoàn toàn không hiểu, nhưng Đức Mẹ vẫn khiêm nhường chấp nhận và tin tưởng phó thác. Vì thế Đức Mẹ vẫn kiên trì theo Chúa Giêsu trên khắp mọi nẻo đường, cho đến dưới chân thánh giá.

Thái độ khiêm tốn chấp nhận của Đức Mẹ đã được Thiên Chúa yêu thương. Nước chảy xuống chỗ trũng. Ân huệ Thiên chúa đổ xuống tâm hồn khiêm nhường. Càng khiêm nhường càng nhận được nhiều ân phúc. Đức Mẹ có một tâm hồn khiêm nhường thẳm sâu, nên Đức Mẹ đã nhận được đầy tràn ân phúc của Thiên chúa, nhận được chính Ngôi Hai Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi ân phúc.

Mùa Vọng là mùa chờ đón Chúa đến. Ta mong được đón rước Chúa vào tâm hồn. Ta mong được ân huệ dư đầy của Thiên Chúa. Ta hãy noi gương Đức Mẹ, biết khiêm nhường nhận mình tội lỗi yếu hèn, biết khiêm nhường từ bỏ ý riêng để thi hành ý Chúa, biết khiêm nhường vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, biết khiêm nhường phó thác vân mệnh trong tay Chúa dù không hiểu hết những ý định mầu nhiệm của Người. Chỉ khi khiêm nhường tan biến thành hư không, ta mới được Chúa thương đổ đầy tràn ân phúc vào tâm hồn.
Lạy Đức Mẹ Maria, xin dạy con biết sống khiêm nhường để con đi vào chương trình của Thiên Chúa.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Bạn có nhận thấy sự khiêm nhường của Đức Mẹ không?
2. Từ bỏ ý riêng có dễ không?
3. Có khi nào bạn cảm thấy hoàn toàn bất lực để phó thác trọn vẹn trong tay Chúa chưa?
4. Khi đã hiểu rõ gương khiêm nhường của Đức Mẹ, bạn có muốn bắt chước Đức Mẹ không?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Thiên Sứ Truyền Tin Cho Cả Tôi Nữa!

Chúa Nhật thứ tư mùa vọng trình bày cảnh truyền tin cho Đức Maria, biến cố cụ thể và thiết thực nhất trong việc thực hiện mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, là điều rất hợp lý, thế nhưng, khi Giáo Hội mời gọi tôi chiêm ngắm biến cố đó, có phải chỉ vì muốn kể cho tôi nghe biết các sự kiện liên quan tới việc Hài Nhi sắp sinh ra hầu giúp tôi thêm hiểu biết dọn mình mừng lễ Giáng Sinh sắp tới hay không? Nếu đúng là như thế thì, khi chiêm ngắm quang cảnh này, tôi vẫn chỉ là một người ngoài cuộc bàng quan, có chăng là chờ đợi để được hưởng một vài lợi ích mà sự kiện này có thể may mắn mang lại cho tôi?

“Trong mầu nhiệm Nhập thể Thiên Chúa làm người,” tác giả Brisson đã tóm lược như thế này khi nói về linh đạo Thánh Phanxicô Salê: “không phải chỉ một ‘Chúa – Người’ duy nhất có thể kết hiệp với Thiên Chúa! Trong kế hoạch thần linh, không phải Thiên Chúa chỉ kết hợp với một người, để biến người đó thành ‘Chúa – Người’, nhưng Ngài còn muốn nhập thể được ứng dụng cho hết thảy mọi người. Qua nhập thể, Thiên Chúa muốn đi vào trong tương quan với hết thảy nhân loại; Người muốn nhập thể trong mọi người, đương nhiên không phải dưới dạng hai bản tính nên một (hypostatic), nhưng không kém phần hữu hiệu và biến đổi trong tất cả những ai sẵn sàng và chuẩn bị đón nhận…; Nhập Thể trên thực tế lan rộng tới mọi phần tử của Nhiệm Thể Đức Kitô tức là Hội Thánh.” (Louis Brisson, Cor ad Cor, trg. 143).

Nếu quả đúng là như thế thì, biến cố truyền tin khởi đầu mầu nhiệm Nhập Thể cũng phải là biến cố dành cho mỗi Kitô hữu chúng ta; chính tôi cũng được truyền tin! Có thể tạm hình dung biến cố này như sau:
Sứ thần [đức tin] đến với tôi, một kẻ thấp hèn, và chào: “Mừng vui lên, hỡi [người] đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng [bạn]”. Tôi sẽ tự hỏi: mình mà được ‘đầy ân sủng’ sao? – Chắc đi rồi, vì ân sủng chính là lòng nhân ái xót thương Thiên Chúa hằng đổ tràn trên tôi! Hội Thánh cho biết ân sủng nhân ái này được ban nhưng không (gratis), nghĩa là không do bất cứ công nghiệp nào của tôi. Hơn thế nữa, Phaolô còn muốn tôi hiểu rằng: nơi đâu càng tội lỗi thì ân sủng Chúa càng dư tràn (xin đọc Thư Rôma chương 5 đặc biệt câu 20); Giakêu, đứa con hoang đàng, Maria Mađalena… là một số trường hợp điển hình tiêu biểu.

Do đó, mỗi khi nhận ra mình tội lỗi, tôi đang tạo ra cho Chúa từ nhân một dịp để thi thố lòng thương xót thứ tha. Chính lúc đó, Thánh Linh cũng hầu như nói với tôi: “Đừng sợ, vì [bạn] đẹp lòng Thiên Chúa… bạn đã làm cho Hài Nhi Giêsu được sinh hạ nơi con người bạn, vì Hài Nhi giáng trần vốn chỉ với mục đích làm cho mọi người nhận biết tình thương cứu độ của Thiên Chúa”. Đối với Maria trong tư cách một phụ nữ Do Thái, thì sứ thần loan báo: Hài Nhi sắp hạ sinh sẽ “được gọi là Con Đấng Tối Cao, Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận”, nhưng đối với một Kitô hữu như tôi, hệt như Maria tin yêu trong suy niệm Tin Mừng nơi thẳm sâu cõi lòng, tôi cũng sẽ được loan báo cho biết: Hài Nhi giáng trần chính là ‘Thiên Chúa, Đấng cứu độ…hằng đoái thương nhìn đến phận hèn… đời nọ tới đời kia Chúa hằng thương xót… và lòng thương xót đó dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời’ (Lc 1:46-55). Có lẽ trong thâm tâm, nhiều lúc tôi cũng đã thốt lên: “Việc ấy xảy ra cách nào… vì con thật không đáng được thương xót thứ tha”. Nhưng tôi nhận được lời đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bạn, và quyền năng Đấng tha thứ sẽ rợp bóng trên bạn, vì thế Đấng Thánh bạn mang nơi mình sẽ được gọi là Con Thiên Chúa từ nhân và cứu độ”.

Phúc Âm chỉ cho tôi thấy người phụ nữ ngoại tình, tên cướp cùng chịu đóng đinh với Đức Giêsu đã được tha thứ như thế nào, và lúc đó đức tin cũng sẽ trấn an tôi: “Vì đối với Thiên Chúa từ nhân thì không có gì là không thể làm được… không tội nào mà không tha thứ được”. Và lúc đó tôi cũng chỉ có thể khiêm tốn cùng với Maria đáp lại: “Vâng, con đây chỉ là người tội lỗi thấp hèn, Xin Chúa cứ làm cho con như lời hứa của Tin Mừng cứu độ!”

Giáng sinh đã gần lắm rồi! Nếu không thật sự coi việc truyền tin của đức Maria đang được lặp lại với mình mỗi dịp Sinh Nhật, có lẽ hệt như những năm trước, tôi sẽ lại chỉ lo dọn mừng lễ thật to, thật long trọng, nhưng vẫn chỉ như một khách bàng quan cử hành lễ hội, còn chính nội dung Giáng sinh thì vẫn ở tít tắp đâu đâu. Biến cố Truyền tin là cho tôi, và Giáng sinh cũng là cho tôi, và vì tôi, trong tình trạng hiện sinh của mình lúc này hơn bao giờ hết!

Lạy Mẹ Maria, trong bài ca ‘Magnificat’, chính Mẹ đã nội tâm hóa biến cố truyền tin theo suy nghĩ sâu lắng của cõi lòng. Mẹ đã thấu hiểu: cưu mang Đấng Cứu Thế chỉ là một phần của điều quan trọng hơn rất nhiều, đó là nhận biết Chúa hằng thương xót. Xin giúp con hiểu được cuộc truyền tin của con, và cùng với Mẹ, con ca ngợi lòng thương xót Chúa đặc biệt trong mùa Giáng Sinh này. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

Lạy Chúa Xin Nghiêng Trời Ngự Xuống

Lịch sử cứu độ là lịch sử Chờ Mong. Chờ Mong với lòng khao khát. Chờ mong trong kiên nhẫn. Chờ mong trong tỉnh thức. Con người qua mọi thế hệ luôn chờ mong Đấng Cứu Thế đến để giải thoát cho nhân trần khỏi khổ đau. Đặc biệt dân tộc Do Thái với vùng đất sa mạc nắng cháy, lại luôn bị các nước lân bang ức hiếp. Họ càng khao khát chờ mong Đấng cứu tinh sớm đến để mang lại cho họ thái bình thịnh vượng. Nỗi khao khát ấy thiết tha liên lỉ trong lời kinh cầu của họ qua suốt dọc dài lịch sử cứu độ.

Lời cầu nguyện mang cung bậc khẩn nài tha thiết: “Lạy Chúa, xin nghiêng trời ngự xuống”. Lời cầu nguyện còn đi vào âm nhạc để hướng muôn người cùng một lời cầu dâng lên Đấng tối cao: “Ngàn mây ơi, xin cùng mưa xuống. Từ cao xanh xin đổ nguồn thánh ân. Những tháng năm từng giây ngóng chờ. Gieo mưa ơi, mây mây ơi trần đời khấn xin”.

Và Trời cao đã lắng nghe. Thiên Chúa đã giáng trần không chỉ vì lòng khát khao của con người lay động, nhưng còn vì Tình Thương của Ngài không đợi chờ được nữa, không chậm trễ được nữa – Ngài xóa đi khoảng cách ngàn năm xa cách giữa đất trời, Ngài xé toang các tầng mây mênh mông mà ngự xuống trần gian tội lỗi.
Thiên Chúa đã đi vào dòng đời và ở cùng chúng ta. Ngài đã mang bình an đến cho nhân loại chúng ta. Nhưng bình an của Chúa chỉ có nơi những ai thành tâm thiện chí sống cuộc đời ngay lành. Đây là lời ca mà các thiên sứ đã loan tin: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Và Đấng Emanuel chỉ có thể chiếm ngự tâm hồn những ai khiêm nhu nhỏ bé như Mẹ Maria. Mẹ được vinh dự là người đầu tiên được Chúa viếng thăm, bởi vì Mẹ biết khiêm nhường nhận mình là tôi tớ, và biết từ bỏ ý riêng để ý Chúa thực hiện nơi Mẹ.
Và có lẽ trong dòng lịch sử nhân lọại của năm 2020 sẽ ghi lại biết bao lời cầu nguyện bi thương, liên lỉ, van xin dâng lên Đấng Tối Cao hãy ghé mắt nhìn xem địa cầu. Vì đây là một năm tai ương. Một năm sự dữ thống trị địa cầu. Một năm con người phải xa nhau, cách ly, đôi nơi kỳ thị lẫn nhau vì dịch bệnh lan tràn. Hình ảnh Đức Thánh Cha một mình đơn độc đứng dưới chân thập giá tại quảng trường thánh Phê-rô để thay lời cho cả nhân loại van xin Thiên Chúa. “Lạy Chúa, xin hãy thức dậy để cứu nhân loại”. Lời cầu nguyện này đã được nhiều nơi, nhiều người dùng để tiếp tục van nài dâng lên Thiên Chúa quyền năng hãy ghé mắt nhìn đến địa cầu đang chìm ngập trong bể khổ trần gian.
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một niềm hy vọng vì Thiên Chúa không để dân Người khổ mãi. Thiên Chúa sẽ không trì hoãn việc thương xót nhân trần. Điều quan yếu là chúng ta đã chuẩn bị tấm lòng cho xứng với sự hiện diện của Ngài hay chưa? Tấm lòng chúng ta đã sửa đổi để hướng về sự thiện và sống ngay lành hay chưa? Và con người chúng ta có đủ khiêm tốn như Mẹ Maria để dám từ bỏ ý riêng của mình mà sống theo thánh ý Chúa hay chưa?
Xin Chúa giúp cho mỗi người biết hoàn thiện đời sống mình cho đẹp lòng Chúa hầu được Chúa viếng thăm và ban bình an. Xin cho nhân loại chúng ta biết ăn năn sám hối sửa lại những lỗi lầm để đầy lùi sự dữ ra khỏi trần gian, và Chúa sẽ thiết lập một nền hòa bình thịnh vượng đến cho nhân loại chúng ta. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Nhịp Cầu Đưa Chúa Đến Với Anh Em

Thiên Chúa là Cha nhân lành đã tạo dựng nên Ađam, Eva là nguyên tổ của loài người và cho hai ông bà vui sống trong tình yêu và ân sủng của Ngài. Tương quan giữa Ngài và ông bà nguyên tổ rất thân tình, thắm thiết như Cha – con trong gia đình.

Điều đau buồn và đáng tiếc là hai ông bà đã vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa nên đã gây ra hậu quả tai hại là quan hệ nồng ấm giữa Thiên Chúa và loài người bị cắt đứt. Tội lỗi khiến con người bị tách lìa và xa cách Thiên Chúa bằng một khoảng cách gần như bất tận.
Vì tự cách ly với Thiên Chúa là nguồn mạch hạnh phúc và ân sủng, con người phải héo hon và tàn lụi dần như những chiếc lá lìa cành.

Tuy nhiên, Thiên Chúa là Cha giàu lòng yêu thương không nỡ để cho loài người phải vĩnh viễn xa lìa Ngài là cội nguồn sự sống. Ngài lên kế hoạch xây dựng một nhịp cầu vĩ đại, nối liền trời với đất, giao hoà Thiên Chúa với con người để mang lại hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu cho muôn người.

Để thực hiện kế hoạch nầy, Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến gặp Đức Maria, mời Mẹ cộng tác vào công trình hệ trọng nầy.

Sau khi biết ý định Thiên Chúa, với tinh thần sẵn sàng vâng phục của người tôi tớ, Đức Maria thưa với thiên thần rằng: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền.”

Thế là từ lúc đó, Đức Maria trở thành nhịp cầu nối liền trời với đất, nhịp cầu kỳ diệu nhất trong lịch sử nhân loại. Thế là qua Mẹ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống với loài người, mặc lấy xác phàm và sống giữa nhân loại, để tỏ bày cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là Cha của mọi người và dẫn đưa họ về với Chúa Cha.

Một kỷ nguyên mới được khởi sự nhờ sự vâng phục và hợp tác của Mẹ Maria. Muôn người trên khắp thế giới ngót hai ngàn năm qua đã nhờ Mẹ mà được giao hoà với Thiên Chúa và đón nhận ơn cứu độ do Đức Giêsu mang đến.

Tuy nhiên, cho tới hôm nay vẫn còn rất nhiều người chung quanh chúng ta chưa nhận biết Đấng Cứu độ nên Thiên Chúa rất cần những nhịp cầu khác, nhỏ bé hơn, để đến với họ và đưa họ về với Ngài.

Thiên Chúa thiết tha mời gọi mỗi chúng ta hãy nối tiếp vai trò của Mẹ Maria, bắc thêm những nhịp cầu mới để đưa Chúa đến với những người chưa biết Chúa đang sống chung quanh. Cụ thể là chúng ta hãy tìm mọi cách để dìu dắt, hướng dẫn những anh chị em này về với Thiên Chúa là Cha.

Về phần mình, chúng ta có sẵn sàng đáp ứng lời mời gọi của Chúa không?

Mẹ Maria nhận thức phận mình chỉ là nữ tỳ hèn mọn nên đã mau mắn đáp lời Chúa mời gọi. Vậy thì chúng ta là ai mà cứ mãi nấn ná chần chừ, chẳng muốn thi hành ý Chúa, chẳng muốn tuân lệnh Chúa truyền để trở thành nhịp cầu đưa Chúa đến với tha nhân?

Lạy Chúa Giêsu. Xin giúp chúng con học theo gương Mẹ Maria, mau mắn vâng lời nghe lời Chúa để trở nên nhịp cầu nhỏ bé đưa Chúa đến với tha nhân.

Lạy Mẹ Maria. Xin dạy chúng con mau mắn đáp lời Chúa mời gọi và sẵn sàng thưa với Chúa như Mẹ ngày xưa: “Nầy tôi là tôi tớ Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời thiên truyền.”
Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Xin Vâng
CN 4 M.VB – (Lc 1, 26 – 38)

Tình yêu đáp trả một tình yêu

Trinh Nữ đơn sơ phút đăm chiêu

Bình dị phân vân đời vắng vẻ

khiêm nhường ứng xử cảnh cô liêu

Xin vâng Thánh Ý tin yêu sự

từ bỏ ý riêng phó thác điều

Ân sủng tuôn tràn nguồn thánh đức

Chương Trình Cứu Chuộc tỏa huyền siêu.

Hạt Nắng

Hội Ngộ
CN 4MV.B – (Lc 1, 26 – 38)

Thời khắc đến Ngôi Lời Nhập Thể,
thỏa mối tình cứu thế hoài mong.
Thu hẹp khoảng cách mênh mông,
nối liền trời đất tình nồng se duyên.

Lòng khiêm nhượng nên duyên hội ngộ
lời đổi trao tỏ lộ tâm tình.
Thánh Ý thể hiện phân minh,
hồng ân Cứu Chuộc chương trình khai hoa.

Lòng trung tín vượt qua gian khó,
lời xin vâng, phó thác cậy trông.
Tin yêu tình Chúa quan phòng,
tình yêu nở giữa bão giông cuộc đời.

Chúa vẫn đến gọi mời nhân thế,
mở con tim để đón nhận Ngài.
Đi vào thế giới hôm nay,
xua tan nghịch cảnh đong đầy bình an.

Ơn Chúa vượt thắng gian nan,
quyền năng Thần Khí trên đàng chứng nhân.
Cùng Chúa sống giữa nhân trần …

Bâng Khuâng Chiều Tím

Nhiệm Mầu Xin Vâng
CN 4MV.B – (Lc 1, 26 – 38)

Có không gian nào nhiệm mầu tràn ơn thánh,
lúc Chúa sai sứ thần đề nghị cùng Nữ Trinh.
Trong sáng uy linh, thiên cung đợi chờ,
trần thế ươm mơ, đất trời ngưng thở.

Tiếng xin vâng ngọt ngào, nồng nàn, lòng khiêm tốn,
Thánh Ý Cha thiện toàn khai mạc ơn tái sinh.
Ánh sáng quang minh, bóng đêm lui tàn,
trần hoàn hoan ca, đất trời nở hoa.

Bầu trời bừng sáng, mặt đất tung hô,
Trinh Nữ đơn sơ, trái tim vô bờ,
đáp lời Thiên Chúa, từ bỏ ý riêng,
đất trời giao duyên, mối tình linh thánh.

Nhiệm mầu tỏa sáng, hai tiếng “Xin Vâng”,
nối kết thiên cung, phút giây tương phùng,
giao hòa trần thế, bóng tối xua tan,
đất trời ca vang, khúc hát an bình.

Tiếng yêu thương ngọt ngào, nồng nàn, lời AI ngỏ?
hiến thân là nhịp cầu loan truyền ơn tái sinh.
Kết nối nhân sinh sống trong ân tình,
hoàn vũ hoan ca, đất trời nở hoa.

M. Madalena Hoa Ngâu

Ngỏ Ý
CN 4MV.B – (Lc 1, 26 – 38)
***
“Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (TV 8, 5)

Từ trời cao, Chúa đến gõ cửa lòng con,
lời nỉ non, đề nghị con,
cho Ngài đi vào thế giới, đến mọi nơi.
Tình khiêm cung, Chúa vẫn nhẫn nại chờ con,
chờ đợi con, lời tình son,
Chúa vẫn nhẫn nại đợi chờ.

Lòng ngổn ngang,
toan tính những chuyện trần gian,
vòng hào quang, chuyện giàu sang,
con đường thế trần rộng mở, ôm mộng mơ.
Đường công danh, phú quí réo gọi mời con,
lời xin vâng, còn xa xăm,
con vẫn lạnh nhạt, hững hờ.

Ôi! Chúa ơi, con người là chi, mà Chúa cần tìm,
phàm nhân là gì, Chúa phải nhớ đến, Chúa phải bận tâm?
Để rồi hôm nay, từ trời cao thẳm,
lặng lẽ âm thầm, tự hạ khiêm cung,
nơi lòng Trinh Nữ, sống giữa cuộc đời,
nối kết tình người, để cho đất trời giao duyên.

Lòng khiêm nhu, Trinh Nữ đáp lại tình yêu,
tình huyền siêu, quyện hòa dâng,
khai màn Chương Trình Cứu Rỗi, trời đất mới.
Lời xin vâng, Chúa vẫn nhẫn nại chờ con,
lời vàng son, lòng thành dâng,
con quyết đáp lại tình Ngài.

Nắng Sài Gòn
Nhiệm Mầu Xin Vâng
CN 4MV.B – (Lc 1,26-38)

Nazareth! Một khung cảnh âm thầm, nhỏ bé,
bí mật Nước Trời được mạc khải giao duyên.
Tương quan tình yêu thật trang trọng diệu huyền,
tình thiên quốc ngỏ lời cùng nhân nhế.

Ôi! Ơn Cứu Độ làm sao có thể,
nếu không có một tình yêu đáp lễ một tình yêu.
Mòn mỏi, đợi trông chiêm ngắm Đấng Cao Siêu,
dung mạo Thiên Chúa, Đấng Messia ngự đến.

Thắc mắc, phân vân, khiêm cung lòng sốt mến,
phận nữ tỳ phó thác trong tay Chúa từ nhân.
Xóa bỏ kế hoạch riêng hầu cộng tác, thông phần,
toàn tâm toàn ý, xin Ý Cha nên trọn.

Maria một tâm hồn hèn mọn,
luôn tin tưởng trung thành dù đời lắm bể dâu.
Cung kính thân thưa,
để kế hoạch cứu độ được khởi đầu,
lời ngọc đáp hai tiếng “XIN VÂNG” huyền nhiệm.

Lạy Mẹ Maria! Tình yêu hằng trải nghiệm,
xin giúp con vững chí trước gian nan.
Tự hủy ý riêng dẫu nghịch cảnh bẽ bàng,
học đòi tiếng “Xin Vâng” của Mẹ
để Con Thiên Chúa
lại được đầu thai vào giữa lòng thế giới.

Ngày Chúa đến đất trời thay áo mới,
nhạc khúc thiên đàng cùng trần thế hòa vang.

AP. Mặc Trầm Cung