“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 1, 6-8. 19-28)
Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do-thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Elia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”. – “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải”.
Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”.
Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không phải là Elia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”. Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sống Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Chứng Nhân Của Ánh Sáng ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Đấng Mêsia Không Phải Là… Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Chúa Đến Như Thế Nào Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Để Được Thiên Chúa Đong Đầy Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Chứng Nhân Đích Thực Hạt Nắng Trg 10
Chứng Nhân Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Dung Mạo Tình Yêu M. Madanena Hoa Ngâu Trg 12
Chứng Nhân Giữa Đời Nắng Sài Gòn Trg 13
Sống Động Niềm Tin A.P Mặc Trầm Cung Trg 14
Chứng Nhân Của Ánh Sáng
Trên đời có nhiều thứ ánh sáng: ánh sáng vật lý, ánh sáng văn hoá, ánh sáng khoa học, ánh sáng tâm linh. Để nhìn ra ánh sáng, cần có một khả năng nào đó. Để thấy ánh sáng vật lý, chỉ cần có đôi mắt bình thường. Nhưng để nhìn thấy ánh sáng khoa học, phải có một số vốn kiến thức cần thiết. Để thấy ánh sáng văn hoá, cần được khai tâm mở trí. Và để thấy được ánh sáng tâm linh, cần có các chứng nhân chiếu dọi. Thánh Gioan Baotixita là chứng nhân của Đức Kitô ánh sáng. Ngài làm chứng cho Đức Kitô bằng chính cuộc đời trong sáng của ngài. Nhìn vào cuộc đời ngài, ta thấy toả ra các làn ánh sáng sau đây:
Làn ánh sáng thứ nhất mà ta thấy nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự khiêm nhường. Ngài khước từ mọi vinh quang người ta phủ quanh ngài. Ngài thành thực nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế toàn dân mong chờ, không phải là Êlia vĩ đại, cũng không phải là một tiên tri cao cả. Ngài tự nhận mình chỉ là một “tiếng kêu trong sa mạc”. Ngài khiêm nhường nói rằng ngài không xứng đáng xách giày cho Đẫng Cứu Thế. Thật là khiêm nhường tự hạ. Đức khiêm nhường ấy chiếu lên dung mạo ngài một làn ánh sáng. ánh sáng ấy khiến cho lời chứng của ngài càng có sức thuyết phục. ánh sáng ấy phản chiếu dung mạo đích thực của Đấng Cứu Thế, Đấng tuyệt đối khiêm nhường.
Làn ánh sáng thứ hai ta thấy nơi cuộc đời của thánh nhân là làn ánh sáng của sự khổ hạnh. Phần lớn đời ngài ẩn dật trong sa mạc. Sống trong sa mạc đồng nghĩa với sống khổ hạnh. Ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết, sự hoang vu cô tịch, sự đe doạ của thú dữ, thánh Gioan Baotixita còn tự nguyện sống khó nghèo, đơn sơ, đạm bạc. Y phục của ngài chỉ là mảnh da thú quấn quanh thân thể. Thức ăn của ngài là châu chấu và mật ong rừng. Sự khổ hạnh không chỉ loé sáng lên một ý chí mạnh mẽ biết vượt thắng chính bản thân mình, mà còn chiếu ánh sáng hy vọng vào tương lai. Người lệ thuộc vào vật chất là người bị trói buộc trong hiện tại. Người khổ hạnh là người đặt niểm hy vọng ở tương lai. Niềm hy vọng ấy chiếu sáng vào cuộc đời hiện tại vì làm cho cuộc sống có một ý nghĩa cao đẹp và sâu xa. Tương lai tươi sáng mà thánh Gioan Baotixita chờ đón chính là Đức Giêsu Kitô mà ngài loan báo.
Làn ánh sáng thứ ba nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự trung thực. Trung thực trong những lời nói về chính mình, nên ngài không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm Ngài có. Ngài chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình. Trung thực với lòng mình, nên ngài sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối. Trung thực trong những phán đoán về người khác, nên ngài đã thẳng thắn khuyên vua Hêrôđê không đựơc phép lấy chị dâu. Chính sự trung thực này đã phải trả giá bằng cái chết chẳng toàn thây. Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân. Làn ánh sáng ấy cho ta thoáng thấy ánh sáng đích thực của Đấng là Sự Thật, là chính Đức Giêsu Kitô.
Làn ánh sáng thứ tư nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự quên mình. Biết mình chỉ là người đưa tin, thánh nhân luôn xoá mình đi, để cho Đấng là chính Tin Mừng được nổi bật. Biết mình chỉ là người mở đường, thánh nhân luôn tự hạ để cho Đấng là Đường được mọi người nhận biết. Làm chứng cho sự thật, thánh nhân đã tự nguyện hy sinh để cho Đấng là Sự Thật được trân trọng. Khi mọi người tuốn đến với Ngài, Ngài đã không giữ lại cho mình, nhưng đã giới thiệu họ đến với Đức Giêsu, nên ngài nói: “Người đến sau tôi, nhưng tôi không đáng cởi dây giầy cho Người” (Ga 1,27). Nhiều môn đệ đã theo Ngài, nhưng Ngài giới thiệu để họ theo làm môn đệ Đức Giêsu. Khi thấy đám đông đã bỏ ngài để đi theo Đức Giêsu, ngài hài lòng vì thấy nhiệm vụ đã hoàn tất, nên ngài nói: “Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3, 30).
Thánh Gioan Baotixita thật là một chứng nhân tuyệt hảo. Ngài đã biết tự hạ mình xuống để Chúa được nổi bật lên. Ngài đã biết ẩn mình trong bóng tối để Chúa được xuất hiện trong ánh sáng. Ngài đã biết tự huỷ mình đi để Chúa được nhận biết. Ngài đúng là người đi mở đường cho Chúa. Ngài thực là chứng nhân của ánh sáng.
Mùa Vọng này, mọi người đang chờ đón Chúa đến. Chúa muốn tôi hãy đi mở đường cho Chúa. Chúa muốn tôi làm chứng cho Chúa. Chúa muốn tôi giới thiệu Chúa cho anh em. Nhưng rất nhiều khi, thay vì mở đường cho Chúa, tôi chỉ lo mở đường cho tôi. Rất nhiều khi thay vì làm chứng cho Chúa, tôi chỉ lo làm chứng cho tôi. Rất nhiều khi thay vì giới thiệu Chúa, tôi chỉ giới thiệu bản thân mình.
Hôm nay, Chúa mời gọi tôi hãy soi mình vào tấm gương của thánh Gioan Baotixita để biết cách dọn đường cho Chúa ngự đến.
Xin thánh Gioan Baotixita giúp chúng con sống trong sáng để trở nên chứng nhân của ánh sáng.
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Đấng Mêsia Không Phải Là…
Đoạn Tin Mừng mở đầu bằng một xác quyết phủ định: “Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng”. Thế rồi tiếp theo đó, trong chứng từ của Gioan, chúng ta còn gặp thấy nhiều phủ định khác nữa: “Tôi không phải là đấng Kitô! Ông có phải là Êlia không – không phải! Ông có phải là vị ngôn sứ chăng – không!”À thì ra thế, ngay cả lời chứng của Gioan về đấng Thiên Sai trước hết cũng đã phải khởi đầu bằng một số phủ định! Đối với nhiều người chúng ta, đặc biệt những ai tưởng mình đã hiểu biết đủ, thì đôi khi, để xác minh cho chính xác về một đối tượng, ta cần trước hết phủ nhận quan niệm sai lầm ta đã từng có về người, để rồi từ đó hiểu được người chính xác hơn.
Chắc chắn rất nhiều người Do Thái, trong số họ phải kể tới các thầy tư tế và Lêvi, cùng trông đợi đấng Mêsia – đấng Kitô – người Được Sức Dầu; giới giáo sĩ hàng ngày vẫn hướng dẫn dân chúng theo những gì họ đọc được trong Sách Thánh Cựu Ước về đấng Kitô – Mêsia; Ngài là một nhân vật sẽ phải đến trong quyền lực và thống trị về diện chính trị, trong thánh thiện và đầy Thần Khí của Đức Chúa về mặt tôn giáo. Để đón tiếp một vị quyền uy như thế, phải xuất hiện một nhân vật xứng tầm như ngôn sứ Êlia, người đã một mình ngăn cản vua Aháp đi sai lạc, thách thức hoàng hậu Giêdêben đầy quyền uy, và tiêu diệt bọn sư sãi Baan trên đỉnh núi Cát Minh (1 Vua 17); hoặc một vị ngôn sứ tuyệt hảo tầm cỡ Môsê với sức mạnh giải phóng dân khỏi ách thống trị của bạo vương Pharaô. Thế nhưng Gioan đã phủ nhận toàn bộ lối suy nghĩ này khi họ muốn gán cho ông những danh hiệu đó (cho dầu chính Đức Giêsu có ám chỉ, ông chính là hình ảnh Êlia phải đến, có lẽ vì thái độ thẳng thắn ông lên tiếng tố cáo Hêrôđê loạn luân chăng!). Gioan dứt khoát không muốn đặt mình thuận theo lối suy nghĩ phổ thông đó; “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ?” Ông không là đấng Kitô theo lối suy nghĩ của giới tư tế và Lêvi đã đành, ông còn phủ nhận luôn vai trò tiền hô theo suy nghĩ họ có trong đầu. Ông nói rõ rằng, quan niệm họ vốn có về đức Kitô – Mêsia sẽ không bao giờ có thể làm cho họ có thể nhận ra được Người…, vì cụ thể, Người đang ở ngay giữa họ, như một nhân vật bình dân và tầm thường hơn nhiều: “nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.” Nói lên điếu đó, hầu như Gioan yêu cầu chính các tư tế và Lêvi phải bỏ hẳn lối suy nghĩ cũ về đấng Mêsia, là điều kiện cần thiết để họ có thể nhận ra và đón rước một đấng Mêsia chân chính.
Thế ra đôi lúc, nhất là đối với một hạng người nào đó, việc làm tiên quyết để đón đấng Mêsia không phải là từ bỏ đường tội lỗi để cải tà qui chính, mà lại là phải bỏ hẳn lối suy nghĩ cũ để khám phá ra dung mạo hay ánh sáng đích thực của Đấng phải đến. Phải chăng đó là một ứng dụng rất mới của sứ điệp dọn đường: “Thung lũng phải lấp cho đầy, núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng” (Lc 3:5). Cũng như lời kêu mời: “anh em hãy sám hối” (Mt 3:2), sứ điệp này chứa đựng một ý nghĩa vượt xa nội dung thuần luân lý, như nhiều người vẫn hiểu? Ánh sáng mà Hài Nhi Giêsu đem đến trần gian sẽ là một thứ ánh sáng rất khác lạ, có lẽ cho tới lúc đó chưa từng có ai phát hiện ra. Ánh sáng này mới chỉ bắt đầu soi chiếu vào một số tâm hồn đơn sơ hèn mọn, tức các ‘Anawim’ (tôi tớ hèn mọn của Đức Chúa) như Maria, như các mục đồng, như ông già Simêon và bà góa Anna…; vì đó là ánh sáng của một ‘Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian’ (Ga 1:29). Những ai vẫn bảo thủ quan niệm cố hữu về đấng Mêsia quyền uy cao cả và thống trị, như quân vương Hêrôđê, các thượng tế và các thầy thông luật, sẽ chẳng bao giờ có thể nhận ra được Người đâu, vì khuôn mặt Người quá khác lạ với những gì họ biết!
Như thế, ngoài sứ điệp thống hối tội lỗi để thanh tẩy tâm hồn như ta vẫn thường nghe nhắc nhở, Mùa Vọng còn gởi tới chúng ta một sứ điệp khác cấp bách không kém: hãy duyệt lại quan niệm mình vốn có về đấng Kitô – Thiên Chúa giáng trần. Nếu tâm trí tôi vẫn thường chỉ hướng tới Thiên Chúa như một đấng quyền uy cao cả, thì Hài Nhi sinh ra khó nghèo trong hang bò lừa, hoặc sẽ chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi, hoặc là tôi sẽ cố biến hang bò lừa ấy thành một nơi cao sang rực rỡ. Để có thể nhận ra được ‘Chiên Thiên Chúa’, tâm hồn tôi không những phải sạch tội, mà còn phải đơn sơ và hèn mọn, nếu không, Hội Thánh cũng sẽ nói với tôi giống như Gioan đã từng cảnh cáo các Tư Tế và Lêvi: “có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết”. Có không? nhiều tín hữu, trong số đó có cả linh mục tu sĩ, dọn mừng lễ Giáng Sinh rất trọng thể linh đình, nhưng khi Người đến lại không nhận ra, chỉ vì trong thâm tâm họ vẫn chỉ mong được thấy một Thiên Chúa quyền uy thống trị và cao sang. Có thể lắm đấy! bản thân tôi cũng đã từng là một trong số họ, nếu không sớm được giác ngộ để thay đổi tận căn quan niệm tôi có về đấng Kitô Cứu Thế, một Thiên Chúa từ nhân và đầy lòng xót thương.
Lạy Hài Nhi Giêsu giáng sinh trong hang bò lừa nghèo hèn, xin hãy liệt con vào số các người hèn mọn của Giavê để con có thể nhận ra khi Người đến giữa và ở với chúng con. Xin gạt hẳn khỏi tâm trí con hình ảnh một Thiên Chúa công thẳng quyền uy, và thế vào đó là hình ảnh một Thiên Chúa từ nhân cứu độ; và cũng xin đừng bao giờ để hình ảnh này biến mất khỏi tâm trí lòng con, một hãy làm cho nó ngày càng thêm đậm nét hơn. Lạy Mẹ Maria – kẻ hèn mọn tuyệt vời, xin giúp con như Mẹ nhận biết Chúa Hài Nhi nghèo khó. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Chúa Đến Như Thế Nào?
Hôm nay gọi là Chúa Nhật Hồng. Giáo hội bảo chúng ta hãy vui lên vì Chúa đến rồi. Hãy ra nghênh đón Người. Nhưng Chúa đến bằng cách nào? Làm sao nhận ra Chúa ở giữa chúng ta?
Năm xưa bên dòng sông Giordan, Thánh Gioan đã từng nói: “Người đang ở giữa các ngươi” (Ga, 1,26), và ngược dòng lịch sử Tiên tri Isaia đã mô tả về hoạt động của Đấng Messia:
Người sẽ “đem tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đày, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”. (Is 61,1)
Lời tiên báo của Isaia đã được ứng nghiệm. Và Đấng làm chủ lịch sử đã đến ở giữa dân Người, nhưng đáng tiếc: “Người đang ở giữa các ngươi, mà các ngươi không biết”.(Ga, 1,26)
Sở dĩ người Do Thái đã không nhận ra Người, vì họ tự phác họa cho mình về một Thiên Chúa theo ý họ. Một Thiên Chúa ở giữa họ có thể đánh đông dẹp tây! Một Thiên Chúa quyền uy đầy nghiêm khắc. Một Thiên Chúa thiết lập vương triều đầy dũng lực để đưa đất nước họ giầu sang và thịnh vượng.
Đấng Messia đã đến trong khiêm hạ nơi hang đá thành Belem. Ngài lớn lên nơi miền núi Nazareth. Ngài sống ẩn dật trong nghề thợ mộc giữa dân nghèo. Dấu chỉ duy nhất mà Ngài đã tỏ bày về thân phận Đấng Messia chính là: “Cho kẻ mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi lành lặn, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”.
Cuộc đời chúng ta là một Mùa Vọng. Ngày nào Chúa cũng có thể đến với chúng ta. Lúc nào Chúa cũng có thể ngỏ lời cùng chúng ta. Vì vậy, hãy tỉnh thức. Vì Chúa sẽ không đến trong một biến cố kinh thiên động địa. Chúa không có những pha biểu diễn ngoạn mục. Chúa không đến trong những thành công rực rỡ. Chúa không đến trong uy tín hay quyền lực. Chúa sẽ chỉ đến rất âm thầm, bé nhỏ nhưng đầm ấm tình người. Chúa sẽ đến trong một bàn tay kín đáo nâng đỡ. Chúa sẽ đến trong một ánh mắt cảm thông. Chúa sẽ đến trong một nụ cười khích lệ. Chúa sẽ đến trong một cái bắt tay thân ái. Hãy tạ ơn Chúa qua những con người đang sống với chúng ta, đang hy sinh vì chúng ta. Hãy tạ ơn Chúa vì chúng ta luôn được sống trong tình nghĩa thằm thiết của những người thân bên cạnh chúng ta. Họ chính là hiện thân của Chúa để mang lại tình yêu thương hạnh phúc cho chúng ta.
Bên cạnh đó, Chúa cũng mời gọi chúng ta trở nên dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa. Đó chính là lòng bác ái, là tình yêu thương. Đây là hiệu kỳ của người Kitô hữu, là căn tính của người môn đệ Chúa Kitô, vì “người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy. Đó là các con hãy thương yêu nhau”. Đặc biệt trong mùa này, mùa tình yêu, mùa của chia sẻ và trao ban. Vâng, lễ giáng sinh chính là lễ của tình yêu. Thiên Chúa mang lấy thân phận một hài nhi yếu đuối đang cần chúng ta chăm sóc. Ngài đang cần chúng ta tái diễn tình yêu của Ngài cho những người đau khổ, nghèo đói, tật nguyền. Ngài đang cần đôi tay của chúng ta để Ngài băng bó vết thương cho trần thế. Ngài đang cần đôi chân chúng ta để Ngài lại có thể ra đi đến với những ai đang thất vọng sầu khổ. Và Ngài cũng cần trái tim của chúng ta để Ngài lại có thể cảm thông, chia sẻ với những ai bất hạnh đang mang nặng gánh đau thương. Đây cũng là phương thế để chúng ta dọn đường cho Chúa đến với nhân thế hôm nay.
Xin Chúa chúc lành cho những dự định, ước mơ và công việc của chúng ta ngõ hầu người ta sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ Thầy Chí Thánh Giêsu. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Để Được Thiên Chúa Đong Đầy
Một chiếc ly đã đầy tràn thì không thể rót gì thêm vào ly đó được và chẳng ai dại dột rót rượu ngon vào đó.
Một cái thùng đầy cát thì không thể đổ thêm gạo, bắp hay bất cứ thứ gì. Cũng thế, một tâm hồn đầy kiêu căng, tự mãn, tham lam… thì không còn chỗ trống cho Thiên Chúa rót thêm ân sủng vào.
Tin Mừng hôm nay mời chúng ta chiêm ngắm một nhân vật quan trọng của mùa Vọng là Gioan Tẩy giả, một con người sẵn sàng trút bỏ mọi tham vọng và hư danh, trở thành như một chiếc ly rỗng không; nhờ đó, ngài đã được Thiên Chúa rót đầy ân phúc.
Người đời bị cuốn hút bởi lợi danh và cố làm gia tăng giá trị mình bằng những lớp vỏ, lớp sơn bên ngoài.
Người đời nay tìm cách làm gia tăng giá trị của mình bằng những đồ trang sức đắt giá, bằng xe hơi sang trọng, bằng dinh thự nguy nga…
Trong khi đó, Gioan chê bỏ những “lớp vỏ” hào nhoáng của người đời. Ngài chỉ cần cào cào châu chấu trong hoang mạc làm thức ăn; chỉ cần tấm da thú thô sơ làm áo mặc.
Người đời khát khao danh vọng, muốn khoác cho mình nhiều danh hiệu cao sang; còn Gioan thì trái lại, ngài rủ bỏ hết mọi danh hiệu cao quý mà người đời gán cho ngài.
Thời bấy giờ Gioan là người tiếng tăm lỗi lạc. Có luồng dư luận cho rằng ông là Đức Kitô, một tước hiệu cao cả đầy vinh dự. Gioan trả lời với các tư tế và các thầy Lêvi từ Giêrusalem rằng ông chẳng phải là Đấng Kitô. Ngài đã không nhận vơ cho mình một danh hiệu rất cao quý.
Thế rồi có dư luận cho rằng Gioan là ngôn sứ Êlia vĩ đại giáng lâm, vì theo kinh thánh thì vị ngôn sứ nầy phải đến trước để dọn đường cho Đấng Cứu Thế; Gioan cũng từ chối tước hiệu nầy. Thế là ngài lại trút bỏ thêm một vinh dự thứ hai.
Có một số khác nghĩ rằng nếu Gioan không là Đấng Kitô, không là ngôn sứ Êlia, ít nữa thì ông cũng là một vị ngôn sứ cao cả nào đó. Gioan cũng từ khước luôn cả danh hiệu nầy.
Và đang khi nhiều người coi trọng phép rửa của Gioan, đã tuôn đến với ngài đông đảo, xin ngài làm phép rửa cho mình, thì Gioan khiêm tốn nói rằng phép rửa của ngài chỉ là phần chuẩn bị cho một phép rửa khác quan trọng hơn, do một Đấng rất cao cả cử hành mà ngài chẳng đáng cởi quai dép cho Đấng ấy.
Và đang khi danh tiếng của Gioan vang dội, còn Chúa Giêsu chưa được nhiều người biết đến, thì Gioan đã tự xoá mình đi, để cho Chúa Giêsu được tỏa sáng. Gioan nói: “Đức Giêsu phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi.”
Thế là Gioan đã trút bỏ hết mọi vinh dự người ta gán cho mình, chỉ nhận mình là tiếng kêu trong sa mạc hoang vu.
Gioan đã hạ mình xuống, nên đã được Thiên Chúa nâng lên. Gioan đã trút bỏ mọi thứ vinh quang và của cải, trở thành trần trụi rỗng không, như một chiếc bình trống rỗng, nên Thiên Chúa đã đổ đầy ân sủng cho ngài. Nhờ đó, Gioan trở nên vị ngôn sứ rất cao cả. Chính Chúa Giê-su đã xác nhận sự cao cả của Gioan. “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy giả (Mt 11, 11)
Gioan đã tự xoá mình đi nhưng ngài đã sáng bừng lên như một ngôi sao trên bầu trời Hội thánh. Gioan luôn hạ mình xuống nhưng Giáo hội vẫn hằng ngưỡng mộ ngài suốt dòng thời gian. Cuộc đời khiêm hạ của thánh nhân mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho bao thế hệ nối tiếp.
Lạy Chúa Giêsu. Khi tâm hồn chất chứa đầy tự mãn, kiêu căng, tham lam, ích kỷ… thì không thể đón nhận nhiều hồng ân của Chúa.
Xin thương giúp chúng con có đủ nghị lực và quyết tâm trút bỏ những thứ cặn bã đáng ghét này đi cho tâm hồn được trong sáng và rỗng không.
Nhờ đó, chúng con mới trở thành ống sáo rỗng để Chúa tấu lên những khúc hoan ca.
Nhờ đó, chúng con mới trở nên một chiếc ly, chiếc bình trống không để cho Chúa rót đầy tình yêu và ân sủng.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Chứng Nhân Đích Thực
CN III – MV.B – (Ga 1,6-8.19-28)
Chứng nhân chiếu rọi ánh tâm linh
Đời sống sáng trong vượt thắng mình
Khổ hạnh, đơn nghèo tình tự hiến
Khiêm nhu, đạm bạc nghĩa hy sinh
Không mơ danh tiếng hồn trung thực
Chẳng ước vinh quang dạ khiết trinh
Tự hủy, xóa mình nơi bóng tối
Thánh Nhan tỏ hiện giữa nhân sinh.
Hạt Nắng
Chứng Nhân
CN III – MV.B – (Ga 1,6-8.19-28)
Nhân chứng sống truyền rao chân lý,
Giữa dòng đời ý chí vươn cao.
Nêu gương cuộc sống thanh tao
nên nguồn ánh sáng ngọt ngào tin yêu
Dẫu nghịch cảnh tiêu điều khắc nghiệt,
đức khiêm nhu, thanh khiết giữ mình.
Khổ hạnh lướt thắng phú vinh,
đơn sơ, đạm bạc, hy sinh, khó nghèo.
Không ham hố trèo cao danh vọng,
không để lòng dao động vinh hoa
Lòng trung thực, sống thật thà,
trước bao cám dỗ thiết tha gọi mời.
Sống trung tín nói lời sự thật,
không ngả nghiêng đường mật thế gian.
Tinh thần khí khái hiên ngang,
bảo vệ công lý, bảo toàn lương tâm.
Đời nhân chứng thăng trầm, phúc họa,
biết quên mình, tự xóa mình đi.
Mở đường đón Chúa Hài Nhi,
chính Nguồn Ánh Sáng huyền vi giữa đời.
Chứng nhân tia sáng rạng ngời …
Bâng Khuâng Chiều Tím
Dung Mạo Tình Yêu
CN III – MV.B – ((Ga 1,6-8.19-28)
“có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.”
Chúa đến trong cuộc đời, Chúa đến với mọi người,
Chúa đến nơi hồn con âm thầm, lặng lẽ.
Chúa sống giữa cuộc đời, Chúa sống giữa mọi người,
Chúa đến thăm hồn con,
con vẫn ngu ngơ, con vẫn thờ ơ.
Ánh sáng ban an bình, ánh sáng ban ân tình,
chiếu ánh quang bình minh cho người nghèo khó.
Ánh sáng soi cuộc đời, ánh sáng soi lòng người,
ánh sáng ban tình yêu,
tình yêu Giêsu, đơn sơ, mọn hèn.
Chúa đã đến sống giữa trần gian,
không kèn, không trống,
không kết hoa đăng, đèn màu giăng lối.
Chúa đến nơi chốn hoang vu,
gió lạnh, sương mù,
tăm tối âm u Hài Nhi lạnh lẽo…
Xin cho con nhận ra Chúa,
đang sống giữa cuộc đời, Chúa ơi!
Có Chúa trong cuộc đời, thấy Chúa nơi mọi người,
thấy Chúa nơi đời con âm thầm, lặng lẽ.
Sống chứng nhân quên mình, thế giới vui an bình,
chiếu dung mạo Tình Yêu,
dung mạo Giêsu, đơn sơ, mọn hèn.
M. Madalena Hoa Ngâu
Chứng Nhân Giữa Đời
CN III – MV.B – (Ga 1,6-8.19-28)
Chúa gọi con vào đời,
cho con làm người sống giữa cuộc đời.
Để con rao truyền chân lý,
ánh sáng Nước Trời, nhân chứng tình yêu.
Sống khiêm nhu, khó nghèo,
chẳng màng bon chen, mưu lợi trần thế.
Dẫu khó khăn trăm bề,
vững niềm cậy trông, tình Chúa quan phòng.
Nắng rọi ban ân tình,
dạy con quên mình trên bước hành trình.
Để con không màng danh tiếng,
nhân chứng Sự Thật về Đấng Tình Yêu.
Sống đơn sơ, chân thành
chẳng màng vinh quang, danh vọng trần thế.
Dẫu vinh hoa gọi mời,
vững niềm tin yêu, tình Chúa quan phòng.
CHỨNG NHÂN GIỮA ĐỜI – CHỨNG NHÂN GIỮA ĐỜI
ÁNH SÁNG TÌNH YÊU ĐI VÀO THẾ GIỚI.
Dám bơi ngược dòng giữa những bất công,
gian nan bềnh bồng số phận long đong.
CHỨNG NHÂN GIỮA ĐỜI – CHỨNG NHÂN GIỮA ĐỜI
ÁNH SÁNG TÌNH YÊU GIEO NIỀM TIN MỚI.
Sống trong âm thầm ánh mắt cảm thông,
nụ cười nhân ái nồng ấm tình người.
Trái tim con vào đời,
mang theo tình Ngài sống giữa cuộc đời.
Ủi an tâm hồn sầu khổ,
chung gánh nhọc nhằn chia sẻ yêu thương.
Biết hy sinh, quên mình,
dẫu ngàn hiểm nguy bảo vệ công lý.
Sống lương tâm trung thành,
quyết làm vinh danh, tình Chúa nhân lành.
Nắng Sài Gòn
Sống Động Niềm Tin
CN III MV.B – (Ga 1, 6-8. 19-28)
Đời sống con người, cuộc hành trình lữ thứ,
dòng đời vẫn trôi, thời gian vẫn chuyển luân.
Bao lo âu, thử thách cứ tăng dần,
mong ai đó,
cùng đồng hành sẻ chia niềm hy vọng.
Giữa dòng đời, chơi vơi, hồn lạc lõng,
nỗi khổ đau bóng tối cứ bủa vây.
Gian dối, bất công, thù hận cứ chất đầy,
khát khao ánh sáng,
mong tìm đường về chân lý.
Cơn khát vọng bình an ơn Thần Khí,
nơi cuộc đời của sứ giả tình yêu.
Quyết dấn thân vào trận địa hoang liêu,
giữa cuộc sống dòng đời đầy bão tố.
Giữa cạm bẫy hiểm nguy đầy gian khổ,
bao tâm hồn khiếp nhược ngước cậy trông.
Mong có ai chia sớt ánh lửa hồng,
sưới ấm lòng băng giá,
xua tan sương mù,
nhận ra Chúa chính nguồn hồng ân cứu độ.
Nay Lời Chúa sáng soi hồn giác ngộ,
sửa thẳng tâm hồn đón Chúa đến viếng thăm.
Gương chứng nhân khiêm hạ sống âm thầm,
làm chứng về ánh sáng,
dọn đường cho Chúa đến với lòng người,
giới thiệu Chúa chính là nguồn bình an hạnh phúc.
AP. Mặc Trầm Cung