(14.12.2020 – Thứ Hai Tuần 3 Mùa Vọng) Gioan là một ngôn sứ

Lời Chúa: Mt 21, 23-27

Khi ấy, Ðức Giêsu vào Ðền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” Ðức Giêsu đáp: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” Họ mới nghĩ thầm: “Nếu mình nói: “Do Trời”, thì ông ấy sẽ vặn lại: “Thế sao các ông lại không tin ông ấy?” Còn nếu mình nói: “Do người ta”, thì lại sợ đám đông, vì ai nấy đều cho ông Gioan là một ngôn sứ.” Họ mới trả lời Ðức Giêsu: “Chúng tôi không biết.” Người cũng nói với họ: “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”

Suy niệm:

“Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?
Ai đã cho ông quyền ấy” (c. 23).
Hai câu hỏi của giới lãnh đạo tôn giáo ở Giêrusalem đặt cho Đức Giêsu.
Làm các điều ấy là vào thành thánh giữa đoàn dân tung hô vang dội,
là đuổi những người buôn bán trong Đền thờ,
là chữa bệnh và giảng dạy ở đó (Mt 21, 12-15).
Ai là Đấng đã cho ông Giêsu quyền ấy?
Đây không phải là câu hỏi để thượng tế và kỳ mục tìm thông tin.
Đây là câu hỏi để họ tìm thêm lý lẽ nhằm bắt bẻ Đức Giêsu khi có dịp.

Đức Giêsu đã không trực tiếp trả lời câu hỏi này.
Hay đúng hơn Ngài trả lời bằng cách đặt một câu hỏi khác (c. 24).
Ngài chỉ hỏi họ đúng một điều thôi, về nguồn gốc phép rửa của Gioan.
“Do trời hay do người phàm”, do Thiên Chúa hay do loài người (c. 25).
Câu hỏi này lập tức đưa họ vào thế bị động, lưỡng nan.
Nếu do Thiên Chúa, tại sao họ lại không tin Gioan? (c. 25).
Nhưng họ lại không dám bảo phép rửa của Gioan là do người phàm,
vì dân chúng tin Gioan là một ngôn sứ (c. 26),
nghĩa là người của Thiên Chúa, người được sai để nói lời của Ngài.

Các thượng tế và kỳ mục đã không dám trả lời câu hỏi của Đức Giêsu.
Nếu nhìn nhận phép rửa của Gioan là đến từ Thiên Chúa,
thì họ cũng phải nhìn nhận Đức Giêsu,
vì Gioan làm chứng Đức Giêsu là Đấng Mêsia.
Điều này thì họ không hề muốn, vì nó đòi họ phải thay đổi cuộc sống,
thay đổi mọi lối suy nghĩ và mọi niềm tin xưa nay.
Ngược lại nếu coi thường phép rửa của Gioan, họ lại sợ dân chúng.
Họ không dám đi ngược với cái nhìn của dân, vì muốn được lòng dân.
Rõ ràng họ không có tự do để chọn một trong hai.
Đức Giêsu đã bắt họ phải công khai quan điểm của mình.
Nhưng họ đã chọn thái độ né tránh: “Chúng tôi không biết.” (c. 27).
Nói câu này trước mặt dân chúng thì quả là khó nghe và khó tin.
Làm sao họ lại không biết chuyện quan trọng đó?
Vì họ không thỏa mãn điều kiện Đức Giêsu đưa ra (c. 24),
nên Ngài sẽ không trả lời cho họ biết Ngài dùng quyền nào (c. 27).

Thành thật với chính mình thật khó biết bao!
Đón nhận sự thật với trọn cả tâm hồn đòi phải trả giá.
Sự thật bao giờ cũng đòi ta đổi đời, không để ta yên.
Chính vì thế ta thích quanh co và dễ né tránh sự thật.
Nhưng dù ta có né tránh sự thật, thì sự thật vẫn cứ theo đuổi ta luôn.
Chẳng ai làm át được tiếng nói của sự thật.
Mùa Vọng là thời gian ra khỏi bóng tối của dối trá, để đón lấy sự thật.
Chỉ cần bớt một chút cứng cỏi của tự mãn về cái tôi,
thêm một chút mềm mại của tình yêu khiêm hạ,
là ta có cơ may gặp được chân lý như đám đông dân chúng.
Và chân lý sẽ cho ta được tự do (Ga 8, 32).

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
xin dẫn con vào nhà của con,
căn nhà của trái tim,
căn nhà vừa quen vừa lạ.

Xin hãy cho con thấy
những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co,
những mâu thuẫn và vô lý nơi con.
Xin hãy cho con thấy
những nhỏ mọn, ích kỷ,
những yếu đuối, khô khan,
những cứng cỏi và tự ái nơi con.

Xin cho con ý thức
những lo âu, sợ hãi
đang đè nặng làm con ngột ngạt,
những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui,
những vết thương không biết bao giờ lành,
những đổ vỡ khiến lòng con khép lại.

Lạy Chúa Giêsu,
xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.
Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,
hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.

Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,
bằng trái tim bao dung của Chúa.
Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,
trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn
để yêu mến mọi người. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.