HIỆP SỐNG TIN MỪNG, CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG B (Is 40,1-5.9-11 ; 2 Pr 3,8-14 ; Mc 1,1-8) SÁM HỐI VÀ CANH TÂN ĐỂ TỈNH THỨC ĐÓN CHỜ CHÚA ĐẾN

I. HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG: Mc 1,1-8
(c 1) Khởi đầu Tin mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa. (c 2-3) Chiếu theo lời đã chép trong sách ngôn sứ I-sai-a: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. (c 4-5) Ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép Rửa cho họ trong sông Gio-đan. (c 6) Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. (c 7-8) Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau. Tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép Rửa cho anh em nhờ nước. Còn Người, Người sẽ làm phép Rửa cho anh em trong Thánh Thần.
2. Ý CHÍNH:
Sách Tin Mừng thứ hai bắt đầu với lời rao giảng của ông Gio-an Tẩy Giả. Mác-cô giới thiệu Gio-an là vị tiền sứ của Đức Giê-su, có sứ mạng đi trước để dọn đường cho Người (c 2-3). Gio-an thực hiện sứ mạng bằng việc rao giảng để kêu gọi mọi người ăn năn sám hối và chịu thanh tẩy nhờ phép rửa dìm mình trong nước sông Gio-đan. Cuối cùng chính Gio-an đã giới thiệu về con người và sứ mạng của Đấng Thiên Sai sắp đến (x. Mc 1,7-8).
3. CHÚ THÍCH:
– (c 1) Tin Mừng: Một từ ngữ Hy Lạp (Euaggelion) có nghĩa là Tin vui, Tin mừng. Ta có thể hiểu Tin mừng Đức Giê-su Ki-tô theo hai nghĩa: Một là chính Tin mừng đã được Đức Giê-su rao giảng. Hai là Tin mừng về Đức Giê-su được Hội Thánh công bố. Như vậy, Đức Giê-su vừa là người rao giảng Tin mừng, lại vừa là đối tượng của Tin mừng được rao giảng (x. Mc 8,38;10,29). + Giê-su: có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ (x. Mt 1,21). Đức Giê-su là một nhân vật lịch sử có thật, quê tại làng Na-gia-rét miền Ga-li-lê (x. Mc 1,9), làm nghề thợ mộc, là con của bà Ma-ri-a, là anh em bà con với các ông Gia-cô-bê, Giu-se, Giu-đa và Si-mon (x. Mc 6,3). + Ki-tô: Ki-tô hay Mê-si-a có nghĩa là Đấng được xức dầu hay được thánh hiến. Trong Cựu Ước có ba chức vị được xức dầu tấn phong là: vua, tư tế và ngôn sứ. Chẳng hạn: Đa-vít được ngôn sứ Sa-mu-en xức dầu phong làm vua (x. 1 Sm 16,13), A-a-ron được Mô-sê xức dầu phong làm tư tế (x. Lv 8,12), Ê-li-sê được Ê-li-a xức dầu phong làm ngôn sứ (x. 1 V 19,16). Qua câu này, Mác-cô quả quyết Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai hay Đấng Mê-si-a cũng gọi là Ki-tô mà người Do-thái đang mong đợi (x. Cv 10,38; Lc 4,18-19). + Con Thiên Chúa: Tước hiệu Con Thiên Chúa tương đương với tước hiệu Con Vua Đa-vít (x. Mc 14,61-62a). Với sự xuất hiện của Đức Giê-su, thời đại hoàng kim của nhân loại đã khởi đầu: Từ đây nhân loại sẽ được giải thoát khỏi ách nặng nề của lề luật, khỏi làm nô lệ cho ma quỉ, nhưng được trở nên con cái của Thiên Chúa (x. Mt 5,9), được gọi Thiên Chúa là “Áp-ba, Ba ơi ! ” (x. Gl 4,6), được nên nghĩa tử của Thiên Chúa nhờ tin yêu kết hiệp với Đấng Ki-tô (x. Gl 3,26-28).
– (c 2-3) Lời đã chép trong sách ngôn sứ I-sai-a: Đây là một đoạn Lời Chúa trích ra từ sách ngôn sứ I-sai-a (40,3). Qua câu này, Mác-cô muốn ám chỉ Đức Giê-su là Con Thiên Chúa. Người được Thiên Chúa trao cho sứ mạng làm Mô-sê Mới của thời Tân Ước để thực hiện một cuộc Xuất Hành Mới. Người sẽ dẫn đưa dân Ít-ra-en Mới là Hội Thánh vượt qua sa mạc trần gian để về miền Đất Hứa là Nước Trời đời sau. + Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con: Vị sứ giả đây chính là Gio-an Tẩy giả. Ông được trao sứ mạng tiền hô, đi trước giới thiệu và giúp mọi người đón nhận Đấng Thiên Sai sắp đến.
– (c 4-5) Phép rửa của Gio-an Tẩy giả: Gio-an làm phép rửa để giúp người ta tỏ lòng sám hối tội lỗi và cầu xin Chúa tha tội. Đồng thời, cũng để chuẩn bị giúp họ đón nhận ơn cứu độ của Đấng Thiên Sai. Nghi thức phép rửa của Gio-an gồm việc khiêm nhường xưng tội trước khi được Gio-an dìm mình dưới nước sông Gio-đan.
– (c 7-8) Bí tích Rửa tội của Đức Giê-su: Sau khi được Gio-an dìm mình dưới nước sông Gio-đan, Đức Giê-su đã được Chúa Thánh Thần lấy hình chim câu ngự xuống trên mình. Qua cuộc thần hiện này, Người đã thiết lập bí tích rửa tội để ban cho những ai có lòng sám hối và có đức tin được ơn tái sinh làm con Thiên Chúa (x. Mt 28,19). Trong nghi lễ rửa tội, sau khi tuyên bố từ bỏ tội lỗi và tuyên xưng đức tin, người chịu phép sẽ được vị chủ sự dìm mình trong giếng nước hay được dội nước trên đầu, và còn được xức dầu thánh để trở nên dưỡng tử của Thiên Chúa.
4. CÂU HỎI:
1) Tin mừng Đức Giê-su Ki-tô có ý nghĩa thế nào?
2) Ý nghĩa của hai từ Giê-su và Ki-tô khác nhau ra sao?
3) Phân biệt giữa phép rửa do Gio-an thực hiện với phép rửa do Đức Giê-su thiết lập giống và khác nhau thế nào?
4) Khi khẩn cấp không có linh mục hay phó tế, người tín hữu có quyền ban phép rửa tội cho một người lương gần chết thực tâm muốn theo đạo hay ban phép rửa tội một trẻ em mới sinh gần chết không? Cần rửa tội như thế nào?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (c 3).
2. CÂU CHUYỆN:
1) SÁM HỐI – ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC CHÚA THA TỘI:
Một hôm, vị Phó Vương xứ Naples là công tước d’ Osone mới lên nhậm chức, ông quyết định sẽ ân xá cho các tù nhân có biểu hiện sám hối thực sự. Ông đã đích thân đến thăm nhà ngục và xét hỏi từng người để sẽ ban lệnh ân xá cho họ. Khi được hỏi, hầu hết tù nhân đều kêu mình bị oan. Riêng chỉ có một người sẵn sàng nhận tội, và còn nói lẽ ra mình phải chịu mức án nặng hơn mới đáng với tội đã làm. Thấy phạm nhân thành tâm nhận lỗi, vị công tước liền nói với anh ta: ”Anh đã nhận mình là tội nhân đang khi nhiều người khác lại chối không nhận tội. Như vậy nhà tù này không hợp với anh, nên anh được ân xá và phải lập tức rời bỏ nơi đây để trở về nhà”.
Một người phàm như công tước xứ Naples mà còn có lòng thương xót và sẵn sàng tha thứ cho một tù nhân có lòng khiêm hạ sám hối, phương chi Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi thương xót lại không tha thứ lỗi lầm cho những hối nhân có lòng sám hối và quyết tâm cải tà quy chính hay sao ? Bởi vì Thiên Chúa là “Đấng từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Ngài không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm” (TV 103,8-10).
2) CẦN TU SỬA BẮT ĐẦU TỪ BẢN THÂN:
Một vị thiền sư Ấn giáo tuổi cao niên đã phát biểu cảm nghĩ về cuộc đời của ông từ nhỏ tới lớn đã từng trải qua như sau :
– Lúc còn trẻ, tôi là một thiếu niên có những suy nghĩ táo bạo và đầy quyết tâm. Khi nhìn thấy thế giới chung quanh đầy tội lỗi gian ác, tôi đã mạnh dạn cầu nguyện với Thượng Đế như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con đủ khôn ngoan để biến đổi thế giới tội lỗi xấu xa này trở nên thánh thiện tốt đẹp hơn”.
– Rồi khi đến tuổi trưởng thành, tôi đã nghiệm ra rằng: Tôi đã trải qua nửa đời người rồi mà vẫn chưa biến đổi được ai nên tốt hơn. Lúc đó, tôi đã thay đổi lời cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, xin cho con đủ sức biến đổi mọi người trong gia đình và bè bạn của con nên tốt hơn. Và như vậy là con đã thỏa mãn rồi”.
– Nhưng giờ đây đến tuổi xế chiều, “răng nong tóc bạc”, khi ngày tháng đời tôi sắp kết thúc, tôi mới nhận ra rằng: tôi thật khờ dại biết bao! Tôi đã chẳng làm được điều tốt nào cho ai cả. Bây giờ tôi chỉ còn biết khiêm tốn cầu nguyện với Chúa như sau: “Lạy Chúa, xin giúp con đủ nghị lực để biến đổi chính bản thân con”… Giả như tôi đã sớm nhận biết và cầu nguyện như vậy ngay từ lúc còn trẻ, thì tôi đã không uổn phí bao thời gian cách vô ích rồi”.
3) CHĂM CHỈ LÀM VIỆC NHƯ CHỦ NHÀ SẼ TRỞ VỀ NHÀ HÔM NAY:
Ngày kia có một khách du lịch dừng chân trước một biệt thự rất sang trọng cạnh một hồ nước trong xanh ở Thụy sĩ. Khách du lịch gõ vào hàng rào sắt, tức thì một cụ già coi vườn ra mở cổng. Sung sướng vì được thấy một người khách, cụ dẫn khách đi tham quan cả khu vườn rộng lớn. Người khách hỏi:
– Cụ ở đây bao lâu rồi?
– Thưa ông, tôi ở đây đã 24 năm.
– Chủ nhà có hay về nghỉ tại biệt thự này không? Cụ đã gặp ông chủ nhà mấy lần rồi?
– Tôi đã trông thấy ông bốn lần. Lần cuối cùng cách đây đã 12 năm.
– Thế ai trả lương cho cụ?
– Người luật sư của ông.
– Thế người luật sư này có đến đây không?
– Tôi chưa hề thấy mặt ông. Ông ấy liên lạc với tôi qua thư từ.
– Thế thì ai hưởng sự đẹp đẽ của vườn hoa này?
– Trừ vợ tôi và tôi thì không ai được hưởng hết.
– Vậy, tại sao cụ phải vất vả chăm sóc vườn hoa này nếu không có người khác thưởng thức.
– Ồ, Thưa ông, tôi làm như chủ tôi sẽ về trong ngày hôm nay.
Mùa Vọng đã bắt đầu. Mùa Vọng là mùa trông đợi trong tin yêu, đợi ngày Chúa đến trong ngày tận thế. Nhưng cũng là trông đợi giây phút cuối cùng của mỗi người khi đi ra gặp Chúa. Chúng ta phải chuẩn bị hành trang là chăm chỉ chu toàn nhiệm vụ, hy vọng Chúa sẽ đến phán xét và ban cho ta niềm vui và hạnh phúc muôn đời.
4) CẦN CHIẾN ĐẤU VỚI NHỮNG ĐỐI TƯỢNG NÀO ?
Vào một buổi chiều kia, cha bề trên đã hỏi một tu sĩ trong dòng được tiếng là người đạo đức: « Hôm nay con đã làm gì? » Tu sĩ liền trả lời: “Thưa cha, cũng như mọi ngày, hôm nay con rất bận bịu làm việc mà nếu không có ơn Chúa, con sẽ không thể chu toàn. Đó là mỗi ngày con đều phải canh chừng hai con chim ưng, giữ hai con nai, kìm hãm hai con diều hâu, giữ một con sấu, trị một con gấu và quan tâm săn sóc cho một bệnh nhân”.
Bề trên cười hỏi lại : « Con nói gì thế? Trong dòng chúng ta đâu có những con thú dữ như con vừa nói ? ». Tu sĩ trả lời : « Thưa cha thật đúng như thế. Hai con chim ưng là hai con mắt của con mà con phải giữ để chúng khỏi nhìn những vật cấm kỵ. Hai con nai tức là hai chân mà con phải trông coi để chúng không đi vào con đường xấu. Hai chim diều hâu là hai bàn tay mà con phải bắt nó làm những việc có ích. Còn con cá sấu là cái lưỡi mà con phải kìm hãm để khỏi nói ra những điều lỗi bác ái. Con gấu chính là trái tim mà con phải canh chừng để khỏi ích kỷ và tự cao tự đại. Còn bệnh nhân là chính thân xác của con mà con cần luôn chăm sóc đề phòng để nhục dục khỏi vùng trỗi dậy.
Ngày xưa Gio-an Bao-ti-xi-ta đã sống như thế để dọn đường đón Đấng Thiên Sai. Nếu mỗi người chúng ta cũng biết sống như vậy trong Mùa Vọng này, chúng ta sẽ biến tâm hồn mình trở thành con đường đón Chúa đến viếng thăm vào lễ Giáng Sinh sắp tới.
5) LỜI NÓI HƯƠNG BAY, GƯƠNG BÀY LÔI KÉO:
Vào thế kỷ 12, nhiều tệ đoan đã xảy ra trong nội bộ Hội thánh, nhiều bè phái đã nổi lên ở khắp nơi phê phán chỉ trích nếp sống xa hoa của nhiều chủ chăn. Lúc đó hai thánh Phan-xi-cô thành Át-si-si và thánh Đa-minh đã được Thiên Chúa sai đến với sứ mạng thức tỉnh và canh tân Hội thánh. Các ngài đã không lớn tiếng phê phán tha nhân mà rao giảng sự ăn năn sám hối bắt đầu từ bản thân của mình. Các ngài không khoe khoang thành tích, không tham lam của cải địa vị, không sống đạo đức giả tạo… Tuy cả hai vị đều thuộc dòng dõi quý tộc, nhưng các ngài đã từ bỏ tất cả địa vị danh vọng tiền của vật chất để chọn lối sống khó nghèo, hiền hòa và khiêm tốn phục vụ người nghèo noi gương Chúa Giê-su…. Thánh Đa-minh đã lập dòng “Anh em thuyết giáo” (OP), còn thánh Phan-xi-cô lập dòng “Anh em hèn mọn” (OFM). Các tu sĩ của hai dòng khổ tu này có nếp sống đơn giản: ăn mặc quần áo vải thô, ngày ngày đi chân đất qua các xóm làng khất thực và đến tối lo dạy giáo lý cho người lớn và trẻ em tại các nhà thờ bị bỏ hoang, tổ chức những tuần tĩnh tâm cho các tín hữu. Chẳng mấy chốc tiếng lành đồn xa, cuộc sống nghèo khó và đạo đức của các ngài đã được nhiều vị chủ chăn và các tín hữu nhận biết nể phục. Nhiều tội nhân và người theo lạc giáo đã được ơn Chúa để hồi tâm sám hối trở về với Hội thánh Công giáo. Nhờ sự quyết tâm canh tân vừa bằng lời giảng kèm theo gương sáng của các ngài và các tu sĩ nam nữ trong dòng mà con thuyền Hội Thánh đã vượt qua cơn phong ba bão táp có nguy cơ bị chìm đắm.
3. SUY NIỆM:
1) SỨ MẠNG DỌN ĐƯỜNG CỦA GIO-AN TẨY GIẢ:
Thiên Chúa đã gọi Gio-an làm ngôn sứ và trao sứ mạng đi trước dọn đường giúp người ta đón Ðấng Thiên Sai sắp đến. Gio-an đã thi hành sứ mạng bằng một cuộc sống khổ hạnh: mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Ông đã từ bỏ mọi tiện nghi vật chất để nêu gương sống siêu thoát hầu thi hành sứ mạng tiền hô cho Đấng Thiên Sai, Ông nói: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến. Tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước. Còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,7-8). Qua đó, Gio-an xác nhận rõ vai trò của ông. Ông chỉ là người đi trước dọn đường cho Đấng Thiên Sai: “Đấng đến sau tôi thì cao trọng hơn tôi!”. Ông đã thực hiện sứ mạng như lời tuyên sấm của ngôn sứ Ma-la-ki-a và I-sai-a như sau: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta” (Ml 3,1) và “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Is 40,3).
2) GIO-AN THI HÀNH SỨ MẠNG BẰNG 4 CÁCH NHƯ SAU:
– Một là vào sa mạc: Gio-an đã đến bên bờ sông Gio-đan là nơi hoang vu vắng vẻ để giúp người đời dễ dàng gặp Chúa.
– Hai là hồi tâm sám hối: Ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép Rửa cho họ trong sông Gio-đan (Mc 1,4-5).
– Ba là sống đơn sơ trong cách ăn mặc và khổ chế: Ông Gio-an “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng” (Mc 1,6).
– Bốn là ăn ở khiêm tốn và phục vụ tha nhân: Gio-an tiên báo về Đấng Thiên Sai và giúp người ta tin theo Chúa: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau. Tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép Rửa cho anh em nhờ nước. Còn Người, Người sẽ làm phép Rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,7-8).
3) CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ ?
Sau khi nhìn thấy gương khổ chế và nghe lời Gio-an giảng, đám đông dân chúng đã hỏi Gio-an: “Chúng tôi phải làm gì ?”. Ông đã trả lời như sau:
– Hãy vào nơi thanh vắng: Mỗi ngày hãy dành ra ít phút khi vừa thức dậy để dâng ngày mới cho Chúa; Buổi tối hãy xét mình ăn năn sám hối trước khi nghỉ đêm; Trong ngày hãy đến nhà thờ dự lễ và dự các buổi Tĩnh Tâm chủ đề mục vụ phù hợp với giới trẻ và gia đình trẻ …
– Hãy làm cho Chúa được lớn lên: Trước khi làm một việc gì, hãy tự hỏi mình: Tôi làm việc này để tôn vinh danh Chúa và vì phần rỗi các linh hồn, hay chỉ tìm tiếng khen?
– Hãy chọn lối sống đơn giản: Trong mùa Vọng này, hãy thôi mua sắm thêm quần áo giày dép nếu không thực sự cần thiết; Không hoang phí trong việc tổ chức ăn uống… để học sống đơn giản noi gương Gio-an và Chúa Giê-su (x. Mt 8,20).
– Hãy sống công minh chính trực: Những người làm nghề buôn bán cần nói năng lễ độ thật thà và ân cần tế nhị khi tiếp xúc với khách hàng. Tránh khoe khoang về mình nhưng hãy khen ngợi và thực lòng đề cao người khác lên.
– Hãy quảng đại chia sẻ niềm vui và tình thương của Chúa: Gửi thiệp Noel cho bạn bè và người thân để biểu lộ sự quan tâm và đi bước trước đến với mọi người; Đóng vai ông già Noel đi thăm viếng phát quà các trẻ em đường phố hay các mái ấm nuôi trẻ mồ côi, các trại nuôi người khiếm thị hay khuyết tật, các người già liệt giường, thăm các bệnh nhân nghèo tại bệnh viện…
4) THỰC HÀNH CHỦ ĐỀ MỤC VỤ NĂM NAY: ĐỒNG HÀNH VỚI GIA ĐÌNH TRẺ:
Chủ đề mục vụ năm nay do Hội Đồng Giám Mục VN nêu ra là: “Đồng hành với gia đình trẻ”. Trong thư mục vụ gửi cộng đồng Dân Chúa có viết: “Mặc dù có nhiều thách đố và khó khăn trong đời sống gia đình, vẫn có những chứng từ tốt đẹp nơi nhiều cặp vợ chồng trẻ Công giáo. Họ chấp nhận những hy sinh lớn lao, vượt qua mọi khó khăn thử thách để sống trung thành với giao ước hôn nhân. Nhiều cặp vợ chồng đã can đảm giữ mầm sống trong mọi hoàn cảnh. Có những đôi bạn chấp nhận tình trạng son sẻ suốt đời, vượt qua cám dỗ muốn sử dụng những phương pháp trợ giúp Giáo Hội không cho phép, đồng thời đón nhận và thực thi tình phụ mẫu thiêng liêng qua việc đảm nhận những hoạt động tông đồ, bác ái xã hội với lòng nhiệt thành hân hoan. Nhiều bậc cha mẹ dù nghèo về kinh tế, vẫn cố gắng chu toàn bổn phận chăm lo cho con cái được giáo dục toàn diện về thể dục, trí dục, cũng như đức dục và tâm linh.
Tuy vậy, phải nhìn nhận rằng do ảnh hưởng trào lưu hưởng thụ, sống ảo, sống gấp và quan niệm lệch lạc về hôn nhân, một số không nhỏ những tiêu cực vẫn tồn tại và có nguy cơ phát triển, ngay trong cộng đồng Công giáo như: phá thai, sống thử, kết hợp đồng tính, ly dị, lựa chọn giới tính. Những hiện tượng này đang làm mất đi những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, đi ngược lại với ý muốn của Đấng Tạo hoá, để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ mới” (số 2).
Vì thế, Lời Chúa hôm nay như là sự cảnh tỉnh cho chúng ta về việc tôn trọng thân xác của nhau, nhất là tôn trọng sự sống, bởi: “Đối với Thiên Chúa, tất cả đều đang sống”.
4. THẢO LUẬN: Đến ngày tận thế, Chúa Giê-su sẽ tái lâm để biến đổi trần gian nên “Trời Mới Đất Mới”. Vậy ngay từ bây giờ, chúng ta phải cộng tác với Chúa để biến gia đình mình ngày một an vui hạnh phúc hơn, khu xóm mình ngày một an toàn sạch đẹp hơn, đất nước mình ngày một văn minh, an bình và thịnh vượng hơn?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Trong những ngày Mùa Vọng này, xin cho chúng con biết siêng năng tham dự thánh lễ và rước lễ, để qua đó, chúng con sẽ “loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”. Chúa sẽ đến thăm chúng con trong lễ Giáng Sinh, và sẽ lại đến trong giờ chết của mỗi người chúng con cũng như trong ngày tận thế của toàn nhân loại. Xin cho chúng con biết dọn lòng đón Chúa đến bằng việc mỗi ngày ăn năn sám hối, quyết tâm loại trừ các thói hư, mỗi ngày làm ít là một việc bác ái cho tha nhân kèm theo một lời nguyện tắt… Nhờ đó chúng con sẽ góp phần thi hành sứ mạng đem niềm vui và sự bình an đến cho mọi người.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.-Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM