Thánh lễ Ngày thế giới người nghèo: tuân thủ luật lệ thôi thì chưa đủ

Sáng Chúa Nhật 15/11, Ngày thế giới người nghèo lần thứ IV, Đức Thánh Cha đã dâng Thánh Lễ tại bàn thờ Ngai Toà trong Đền thờ Thánh Phêrô, với khoảng 100 người đại diện những người nghèo, các tình nguyện viên và các ân nhân. Đức Thánh Cha nói rằng: “Trung thành với Chúa Giêsu không chỉ là không phạm sai lầm. Nhưng Thiên Chúa mời chúng ta dấn thân vào cuộc chơi với lòng quảng đại.”

Bài giảng của Đức Thánh Cha dựa trên bài Tin Mừng Chúa Nhật XXXIII TN về dụ ngôn những yến bạc. Ngài nói rằng: “Phần mở đầu, phần giữa và phần kết thúc của dụ ngôn tương ứng với sự khởi đầu, phần giữa và kết thúc của cuộc đời chúng ta.” Do đó, Đức Thánh Cha khai triển bài giảng theo 3 phần này của dụ ngôn:

Khởi đầu. Mọi sự đều bắt đầu từ một điều tốt lành vĩ đại: ông chủ không giữ của cải cho riêng mình, nhưng ông cho các đầy tớ: người năm yến, người hai yến, người một yến, “tùy theo khả năng của mỗi người” (Mt 25,15). Ước tính mỗi yến tương đương với tiền lương của khoảng 20 năm làm việc. Đây là số tiền lớn, đủ sử dụng cả đời. Sự khởi đầu là như thế, ngay cả đối với chúng ta: tất cả bắt đầu với ân sủng của Thiên Chúa, Đấng là Cha và đã đặt vào tay chúng ta rất nhiều điều tốt lành, giao cho mỗi người những khả năng khác nhau. Chúng ta là những người mang một kho tàng lớn, nó không phụ thuộc vào những gì chúng ta có, nhưng những gì chúng ta là: từ sự sống được lãnh nhận, từ sự tốt lành bên trong chúng ta, từ vẻ đẹp tuyệt vời được Thiên Chúa ban tặng, bởi vì chúng ta giống hình ảnh Người, mỗi người đều quý giá trong mắt Thiên Chúa, duy nhất và không thể thay thế trong lịch sử.

Có điều quan trọng cần nhớ: rất nhiều lần chúng ta nhìn vào cuộc sống của chúng ta và chỉ thấy những gì chúng ta thiếu và than thở về những điều thiếu đó. Và chúng ta dừng lại ở cám dỗ “thôi cũng được”: thôi cũng được có công việc, thôi cũng được có cái nhà… Nhưng sự ảo tưởng về “thôi cũng được” ngăn cản chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp và quên mất những yến bạc chúng ta có. Thiên Chúa trao cho chúng ta bởi vì Ngài biết mỗi người chúng ta và biết điều gì phù hợp với chúng ta; Ngài tin tưởng chúng ta, mặc cho những giới hạn của chúng ta. Ngài cũng tin tưởng cả người đầy tớ đem chôn giấu yến bạc.

Đến phần giữa của dụ ngôn về cách làm của các đầy tớ, tức là việc phục vụ. Phục vụ là công việc của chúng ta để làm cho những yến bạc sinh lợi và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta: thật vậy, ai không sống để phục vụ thì chẳng phục vụ việc sống. Nhưng cách thế phục vụ thế nào? Trong Tin Mừng, những đầy tớ tốt lành là những người chấp nhận rủi ro, không giữ lại điều mình nhận được, nhưng sử dụng nó. Bởi vì của cải không đầu tư thì sẽ mất; bởi vì sự vĩ đại trong cuộc sống chúng ta không phụ thuộc vào những gì chúng ta bỏ qua, nhưng những gì mang lại hoa trái. Nhiều người sống chỉ để tích góp, nghĩ đến cuộc sống tốt của mình hơn là làm việc tốt.

Có điều này cần chú ý, trong Tin Mừng, những đầy tớ đầu tư, mạo hiểm, được bốn lần gọi là “trung thành” (cc 21.23). Đối với Tin Mừng, không có sự trung thành nào mà không có rủi ro. Không chấp nhận rủi ro thì giống như người thứ ba: chôn giấu khả năng, sự giàu có thiêng liêng, vật chất, tất cả. Thật đáng buồn khi một Kitô hữu chỉ phòng thủ, chỉ gắn mình với việc tuân thủ các quy tắc và giữ các điều răn. Điều này là chưa đủ, tuân thủ luật lệ thôi thì chưa đủ; trung thành với Chúa Giê-su không chỉ là không phạm sai lầm: điều này tiêu cực. Có thể nhìn thấy đầy tớ lười biếng trong dụ ngôn: không sáng kiến hay sáng tạo, giấu mình trong nỗi sợ hãi vô dụng và chôn vùi yến bạc đã nhận được. Ông chủ đã gọi người đầy tớ này là “xấu xa” (c. 26). Anh không làm điều gì sai! Phải, mà anh cũng chẳng làm bất cứ điều gì đúng. Anh muốn phạm thiếu sót hơn là phạm sai lầm. Thiên Chúa thì mời gọi chúng ta dấn thân vào cuộc chơi một cách quảng đại, để chiến thắng nỗi sợ bằng lòng can đảm của tình yêu, để vượt thắng sự thụ động trong việc cùng tham dự.

Vậy phục vụ theo ý muốn của Thiên Chúa thế nào? Ông chủ đã giải thích cho đầy tớ: “đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ” (c. 27). Vậy những “ngân hàng” này đối với chúng ta là ai? Họ là những người nghèo. Những người nghèo là trung tâm của Tin Mừng. Không thể hiểu Tin Mừng nếu bỏ qua người nghèo. Những người nghèo đảm bảo cho chúng ta lợi tức vĩnh cửu và ngay cả bây giờ đã cho phép chúng ta làm giàu chính mình trong tình yêu. Bởi vì cái nghèo lớn nhất cần phải chiến đấu là cái nghèo của chúng ta về tình yêu.

Chúng ta đến phần cuối của dụ ngôn: ai sẽ là người dư tràn và ai vẫn sẽ nghèo nàn (xem c. 29). Đến cuối cuộc đời, thực tế sẽ được tỏ lộ: sự hư ảo của thế giới sẽ tàn dần, trong khi tình yêu, điều chúng ta đã cho đi, sẽ xuất hiện như sự giàu có thực sự. Một Giáo phụ vĩ đại đã viết: “Đây là cách xảy ra trong cuộc sống: sau khi cái chết đến và vở kịch kết thúc, mọi người đều cởi bỏ lớp mặt nạ của sự giàu có và nghèo khó, và rời khỏi thế giới này. Và họ chỉ được đánh giá dựa trên những gì đã làm, một số thực sự giàu, một số khác lại nghèo” (Gioan Kim Khẩu, Các bài giảng về Lazarus nghèo khó, II, 3). Nếu chúng ta không muốn sống cách nghèo nàn, chúng ta cầu xin ơn để nhìn thấy Chúa Giêsu trong người nghèo, để phục vụ Chúa Giêsu trong người nghèo.

Văn Yên, SJ – Vatican News

Nguồn : https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-11/thanh-le-ngay-the-gioi-nguoi-ngheo.html