Thưa quý vị, khi chúng ta đọc kinh là chúng ta chúc tụng Thiên Chúa, nhưng ai có lợi? Thưa đó là linh hồn chúng ta có lợi, như vậy khi chúng ta đọc kinh là cho chính chúng ta, chứ không phải cho Thiên Chúa, đọc kinh cho chúng ta mặc nhiên, vì chúng ta, “…vì Chúa không cần chúng ta phải ca ngợi Chúa,vì sự ca ngợi cho chúng ta không thêm gì cho Chúa…” (lời nguyện sách lễ).
Vậy, đọc kinh là một phần của cầu nguyện, là “nói với Chúa”.Nhưng, nói với Chúa cách nào cho có hiệu quả? Thưa có nhiều cách, tùy mỗi người, chung , riêng, nhưng phải tìm cách để “Nói với Chúa”.
Nói với Chúa qua Thánh Lễ, nói với Chúa qua hy sinh, nói với Chúa qua suy niệm, nói với Chúa qua gặp gỡ tha nhân, nói với Chúa qua việc làm hằng ngày, và nói với Chúa qua suy nghĩ và hành động. Như vậy, cầu nguyện không nhất thiết là đọc kinh, nhưng đọc kinh dễ nâng cao tâm hồn để nói với Chúa.
Nói với Chúa như người con nói với Cha mình, nói với Chúa như người bạn thân, nói với Chúa như nói với người yêu, nói với Chúa như người Thầy đang lắng nghe, nói với Chúa như vị quan toà công minh, nói với Chúa như Ông CHỦ NHÂN LÀNH DUY NHẤT. và nói với Chúa như một thọ tạo mỏng giòn với Đấng Toàn Năng.
Như vậy, người truyền giáo là người tông đồ, người tông đồ là đem Chúa đến cho tha nhân, đừng nghĩ mình là người có đạo đi dạy người khác.
Người tông đồ trước nhất phải truyền giáo cho chính mình, dạy Chúa cho chính mình, sau đó mới truyền sang tha nhân. Vì, không ai cho người khác điều mình không có. Có người bảo vẫn còn có nụ cười, nhưng nụ cười chưa chắc đã “quyết định”, bởi vì, ”nụ hôn” còn xảo trá, huống chi nụ cười, như “nụ hôn Giu-đa”, nụ hôn phản Thầy.
Như vậy, Truyền giáo là “ Nói về Chúa”, nói về Chúa mặc nhiên phải có Chúa, Chúa là nguồn động lực cho chúng ta, nếu không có động lực cổ máy không chạy được. theo đó, Truyền giáo là bản chất là sứ vụ tiên quyết của Hội Thánh.
Ngày xưa, các vị truyền giáo lỗi lạc đã truyền sang các Quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, gần năm trăm năm qua, Hội Thánh Việt Nam thật anh dũng, kiên cường, trung trinh, bất khuất, oanh liệt rạng ngời, trong đó có tổ tiên người Công giáo Việt Nam.
Người Công giáo, bản chất là truyền giáo, cách truyền giáo tiên phong là “nói về Chúa”, nói về Chúa qua nhiều lãnh vực, qua nhiều hoạt động. Nếu, truyền giáo là “nói về Chúa”, thì nói về Chúa bằng việc rao giảng Tin Mừng là chính xác, nhưng việc rao giảng chỉ giới hạn cho người “được rao giảng”. Như vậy, việc rao giảng Tin Mừng không phải đợi đến Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo mới nhắc đến, mà là mỗi ngày đều là “Khánh Nhật Truyền giáo”.
Nhưng, Khánh Nhật Truyền Giáo, kêu gọi chung tay đóng góp “mạnh “ hơn , để giúp vào công cuộc Truyền Gíao của Hội Thánh tốt đẹp hơn.
“NÓI VỚI CHÚA” và “NÓI VỀ CHÚA” là hai cụm từ tuyệt vời của dòng Đa-minh, một dòng thuyết giáo, có nghĩa là dòng giảng thuyết, khi đặt làm khẩu hiệu của dòng. Khi đặt trọng tâm cho việc rao giảng Tin Mừng, là làm chứng cho Mầu Nhiệm Cứu Độ, dòng Đa-minh đã khởi xướng châm ngôn trên.
NÓI VỚI CHÚA là cầu nguyện, kín múc ân sủng Thiên Ân, để ban phát cho chính mình và tha nhân.
NÓI VỀ CHÚA là rao truyền Ơn Cứu Độ , là tình thương vô biên, là Lòng Xót Thương của Đấng Tạo Thành dành cho thụ tạo.
Như vậy, tại sao phải truyền giáo? Thưa, trước hết là sự công bằng, đó là nhận lãnh thì phải trao ban.
Thứ hai : là bác ái Ki-tô giáo, vì tình thương và ân sủng mình nhận lãnh từ Thiên Chúa, mặc nhiên phải lan tỏa cho tha nhân, để sự sống dương thế được giáo dục, được phủ kín tình yêu của Thiên Chúa.
Như vậy, Tin Mừng và Ơn Cứu Độ là tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa chưa được phủ kín trên quê hương đất nước Việt Nam, dân số khoảng gần một trăm triệu dân, nhưng chỉ có khoảng bảy triệu người Công giáo.Nhưng, trên thế giới có khoảng bảy tỷ dân số, thì có đến một tỷ hai người Công giáo.
Hai quốc gia có tỷ lệ dân số đông nhất hành tinh là Trung Hoa và Ấn Độ, hai quốc gia nầy làm cho các nhà truyền giáo lỗi lạc phải thao thức, đó là thánh Phanxico xavie. Ngày nay, hai quốc gia, thuộc Châu Á nầy cũng đang phát triển Đức Tin, dù gặp muôn ngàn gian khó. Con luôn ngưỡng mộ các vị truyền giáo và giữ Đạo Trung Hoa, một đất nước mà Đức Tin Công giáo đến sau, rồi tiếp đến là ý thức hệ cộng sản.
Ngày nay, Việt Nam đón nhận Tin Mừng sau Trung Hoa, nhưng, các nhà Truyền Giáo Việt Nam đang tích cực truyền giáo ở các Châu lục khác, nhất là Châu Phi, nơi mà nghèo đói, bệnh tật, giáo dục còn hạn chế.
Năm 2020 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam được thiết lập 60 năm, từ năm 1960, đến 1980, đến 2000, và nay là 2020, là những mốc son cho các hội nghị thường niên của HĐGMVN. Năm nay, chủ đề quan trọng vẫn là TRUYỀN GIÁO, hình thức dù thay đổi, nhưng mục tiêu bất biến.
Cầu xin Thiên Chúa gia ân, ban Chúa Thánh Thần như những ngày Hội Thánh tiên khởi trên quê hương Việt Nam, để HĐGMVN sẽ luôn ngoan ngoãn đón nhận luồng gió Thần Khí của Chúa Thánh Thần, để hướng dẫn đoàn dân Chúa gia tăng về số lượng cũng như về chất lượng./. Amen
Phê-rô Trần Đình Phan Tiến