Thưa quý vị, và các bạn Lời Chúa Chúa Nhật 26 tn hôm nay, thánh Matthêu trình thuật lại Lời giảng dạy của Chúa Giêsu cho chúng ta. Cho chính chúng ta hôm nay, vì Tin Mừng là Lời Hằng Sống, Lời mãi mãi sống với nhân thế.
Vì thế, Lời Chúa luôn nói với thời hiện tại, dù được phát ra trong quá khứ, quá khứ là ngày hôm qua, và quá khứ là hơn hai ngàn năm. Nhưng, những câu chuyện ấy, những dụ ngôn ấy vẫn sống dộng với nhân loại , bởi vì , những dụ ngôn ấy là chân lý, là ánh sáng, là tình yêu cho nhân loại và vì nhân loại.
Theo đó, chúng ta thấy, Thánh Vịnh 24 hôm nay có trước Chúa Cứu Thế Giáng Sinh cũng khoảng hai ngàn năm là những lời ca ngợi chúc tụng Thiên Chúa, những lời than vãn cho kiếp nhân sinh khi phải vướng tội. Thánh Vịnh là những vần thi ca không phải văn xuôi, dùng để ca ngợi, chúc tụng, ngợi khen kỳ công, ân sủng, sự ngọt ngào của tình thương, sự ai oán của kiếp thụ tạo tội lụy. Thánh Vịnh nâng cao tâm hồn cầu nguyện, Thánh Vịnh là lời kinh đầu tiên và chính thức của người Dothai, kinh Sơ-ma là lời kinh ngắn, như câu “thần chú” dễ thuộc lòng, như kinh “Kính mến” ngày nay, không thể sánh với Thánh Vịnh là “kiệt tác cầu nguyện”. Vì, như thế, Thánh Vịnh vừa là lời ca ngợi Thiên Chúa mà còn là những lời sấm ngôn, lời tiên báo Ơn Cứu Độ, và được chính Chúa Giêsu đọc mỗi ngày.
Thánh Vinh là Lời cầu nguyện nối liền cổ kim, lời sám hối, lời nhìn nhận thân phận bụi tro của thụ tạo tội lỗi, lời của khiêm nhường nhân ái, tha thứ bao dung, lời chỉ dẫn biết thờ phượng Đấng Tạo Thành là Thiên Chúa, Lời thi ca để thờ phượng Thiên Chúa, được gọi là Thánh Vịnh. Vì thế, nhờ Thánh Vịnh 24 hôm nay, chúng ta nhận ra “Lòng Xót Thương” bởi Thiên Chúa. Một Lòng Xót Thương vô cùng, vô tận, chảy mãi không ngừng, bởi sự vô biên của Thiên Chúa. Lòng Xót Thương ấy muốn cho nhân loại được hạnh phúc muôn đời.
Đến độ, một Ngôi Vị Thiên Chúa đã từ Trời xuống thế để trực tiếp giáo huấn nhân loại bằng cả một cuộc đời để rao truyền ơn cứu độ . Một Ơn Cứu Độ không phải chỉ bằng sự đau khổ mà bằng “ Lời Hằng Sống”.
Qua Đoạn Lời Chúa (Mt 21, 28-32) hôm nay cho chúng ta nhận ra ba sứ vụ đó là:( cũng có thể gọi là ba vấn đề)
– Thứ nhất : Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
– Thứ hai: Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để kêu gọi con người sám hối.
– Thứ ba : Chúa Giêsu đề cao vai trò của Gioan Tiền Hô.
Qua dụ ngôn hai người con được cha mình kêu gọi làm vườn nho, sự từ chối của người con cả được Chúa Giêsu cho là những kẻ tội lỗi, phường thu thuế và gái điếm. Nhưng, người con cả hối hận, nghĩ lại và vâng lời người cha đi làm vườn nho.Người con thứ mau mắn vâng lời, nhưng lại không đi làm. Được Chúa Giêsu cho là những người tự cho là công chính, tốt lành,vì thế, họ nghe Lời Chúa nhưng không thực thi, là không sám hối, vì vậy họ cũng bị chối từ vào Nước Trời. Vì sự từ chối, nhưng hối hận đáp trả , còn sự đáp trả, nhưng không thi hành.
Và nhân vật Gioan Tiền Hô được Chúa Giêsu “đề cao” như một sứ vụ rao giảng sự sám hối cho dân tộc Israel. Ngôn sứ Gioan đại diện cho sự kêu mời sám hối, cải tà quy chánh, nhưng, những người tội lỗi đáp trả, và những người tự cho là công chính thì không thực thi.
Qua nội dung Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy điểm nổi bật là sự thống hối ăn năn của kẻ có tội thì giá trị hơn người không biết ăn năn.
Dụ ngôn hôm nay cũng hao hao giống dụ ngôn “Người cha nhân hậu”, mang tính chất như thế, nhưng dụ ngôn “ Người cha nhân hậu” nêu bật “Lòng Thương Xót” của Thiên Chúa hơn là tính cách của hai người con. Cùng là chủ đề sám hối và quay về với Thiên Chúa, nhưng , dụ ngôn “Người cha nhân hậu” nhấn mạnh đến tâm tư rõ rệt của ba người, đặc biệt là người cha.
Dụ ngôn “Hai người con” hôm nay, tuy ngắn , không dài chỉ có 05 câu, nhưng nêu bật được ba vai trò, ba sứ mạng của ba “ đối tượng”, đó là :
1/ Thiên Chúa giàu lòng thương xót
2/ Kẻ tội lỗi biết sám hối và người “công chính” tự cao
3/ Sứ mạng ngôn sứ của Gioan Tiền Hô
Tin Mừng hôm nay thật rõ ràng, người nghe, hoặc đọc tự đặt ra cho mình một “ vị trí”, tôi đang ở vị trí nào trong Đoạn Lời Chúa hôm nay.
-Tôi có lòng thương xót như Thiên Chúa , để rao giảng tình thương và lòng nhân từ của Ngài cho thế giới hôm nay, để họ được sám hối hay không?
– Tôi là người “con cả” hay “con thứ”, tôi từ chối lới mời gọi của Thiên Chúa, nhưng tôi hối hận ăn năn, hay tôi, đáp tiếng “vâng lời phũ phàng”, để không thực thi sự mời gọi của Ngài.
– Tôi có đóng trọn vai trò ngôn sứ như Gioan Tiền Hô, hết lòng kêu gọi nhân thế trở về với Thiên Chúa hay không?
Từ chối , nhưng hối hận đáp trả, hay vâng lời mà không thi hành, điều nào đáng giá hơn , thì tôi chọn điều đó. Lời Chúa hôm nay ảnh hưởng đến tâm hồn tôi, đời sống tôi như thế nào? Hối hận đáp trả, hay vâng lời mà không làm.?
Xin Chúa giúp chúng con biết đáp trả và thực thi ý Chúa mọi ngày trong đời con ./. Amen
Phê-rô Trần Đình Phan Tiến