I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Văn hóa Á Đông giúp các Ki-tô hữu Á Đông hiểu giáo huấn của Đạo Chúa một cách dễ dàng hơn vì truyền thống Á Đông và Giáo Lý Công Giáo đều rất coi trọng những giá trị của Gia Đình, nhất là sự hiếu thảo của con cái đối với ông bà cha mẹ. Trong gia đình Việt Nam, người con hiếu thảo là người con biết nghe lời ông bà cha mẹ mà kính trên nhường dưới, sống thuận hòa với người trong gia đình và thân ái với người xung quanh cũng như hữu ích cho xã hội cộng đồng.
Trong đạo Công Giáo, người Ki-tô hữu hiếu thảo thực hiện (thi hành) thánh ý của Thiên Chúa là Cha. Thánh ý của Cha là con cái đáp lại lời đề nghị của Cha là đi làm vườn nho của Người, tức là xây dựng một xã hội công bình và yêu thương (mời đọc lại bài SLCHN Chúa Nhật XXV TNA), là xây dựng Nước Thiên Chúa (hay Nước Trời) là Vương Quốc của Chân Lý và Tình Yêu trong trần gian này. Trong việc thi hành Thánh ý của Cha, chúng ta có một tấm gương tuyệt vời là Chúa Giê-su Ki-tô, “Con Yêu Dấu của Cha”, Người đã đến trần gian để thực thi Thánh Ý của Cha, cho dù đã phải chết trên thập giá.
II. LẮNG NGHE/ĐỌC LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
2.1 Trong bài đọc 1 (Ed 18,25-28): “Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, nó sẽ được sống” Đây Chúa phán: “Các ngươi đã nói rằng: ‘Đường lối của Chúa không chính trực’. Vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây: Có phải đường lối của Ta không chính trực ư? Hay trái lại đường lối của các ngươi không chính trực? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội ác, nó phải chết, chính vì tội ác nó phạm mà nó phải chết. Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết”.
2.2 Trong bài đọc 2 (Pl 2,1-11): “Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Đức Giêsu Kitô” Anh em thân mến, nếu có sự an ủi nào trong Đức Kitô, nếu có sự khích lệ nào trong đức mến, nếu có sự hiệp nhất nào trong Thánh Thần, nếu có lòng thương xót nào, thì anh em hãy làm cho tôi được trọn niềm hân hoan, để anh em hưởng cùng một niềm vui, được cùng chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau, chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình, mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác. Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Đức Giêsu Kitô.
Người tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong hoả ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mt 21,28-32): “Nó hối hận và đi làm. Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông” Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!’ Nó thưa lại rằng: ‘Con không đi’. Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: ‘Thưa cha, vâng, con đi’. Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?” Họ đáp: “Người con thứ nhất”. Chúa Giêsu bảo họ: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài”.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?): Trong ba bài Sách hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:
* Là Đấng có đường lối chính trực và ngay thẳng. Đó là những người tội lỗi bất lương ăn năn trở lại thì sẽ được cứu sống (bài đọc 1).
* Là Chúa Giê-su, Đấng đã dậy các thượng tế và kỳ mục trong dân biết rằng điều quan trọng nhất trong cuộc đời là thi hành ý của Thiên Chúa là Cha. Những ai đã chót dại mà từ chối thi hành ý của Cha lúc ban đầu (ví dụ: những người thu thuế và những cô gái điếm trong dụ ngôn) thì thay đổi suy nghĩ mà hoán cải cũng chưa muộn. Còn những ai chỉ biết “nói vâng nói dạ” bằng môi bằng miệng mà không có hành động hoán cải tương ứng (ví dụ: các thượng tế và kỳ mục trong dân của dụ ngôn) thì hãy coi chừng.
Chúa Giê-su đã không chỉ giảng dậy mà còn sống một cách hoàn hảo tư cách làm con hiếu thảo (thi hành ý của Chúa Cha) như cộng đoàn Phi-líp-phê vẫn ca tụng: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”.
* Là Chúa Thánh Thần, Đấng dậy dỗ, hướng dẫn, giúp đỡ mọi tín hữu nhận ra đường lối của Chúa Cha và giáo huấn của Chúa Con để họ hoán cải tâm hồn mà đón nhận Chúa Con là Đấng được Cha sai đến và sống theo gương mẫu của Người là thi hành Ý của Cha một cách trọn vẹn.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?): ba bài Sách Thánh, chúng ta khám phá ra giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: “thi hành ý của Cha là đi làm vườn nho.”
IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như kẻ thụ ơn đối với Đấng ban ơn, nhất là ơn được mời gọi thực thi thánh ý cũng là kế hoạch và chương trình yêu thương của Thiên Chúa.
4.2 Thực thi sứ điệp (hay giáo huấn) của Lời Chúa mỗi người chúng ta được mời gọi nhìn lại sự dấn thân của mình vào công trình xây dựng Vườn Nho của Thiên Chúa là thế giới, xã hội và Giáo Hội Việt Nam hiện nay.
Để giúp chúng ta nhìn lại việc thực thi sứ điệp Lởi Chúa của mình, chúng ta hãy thành thực trả lời 2 câu hỏi này:
* Tôi đã và đang làm những gì cho Giáo Hội Việt Nam nói chung và cho giáo xứ của tôi nói riêng, phát triển cả về số lượng lẫn về chất lượng?
* Tôi đã và đang làm những gì cho xã hội Việt Nam phát triển cả trong lãnh vực tinh thần và tâm linh, cả trong lãnh vực vật chất?
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân tộc trên thế giới, để càng ngày càng có nhiều người từ bỏ điều dữ và làm điều lành để cứu mạng sống mình và mạng sống của những người chung quanh.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 «Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ Nam Nữ và cho toàn thể các tín hữu, để mọi người đều học được tâm tình của Chúa Giê-su Ki-tô mà đối xử tốt với nhau và với những người xung quanh, nhất là với những người chưa biết chưa tin Chúa.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 «Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tín hữu trong giáo xứ/cộng đoàn chúng ta, để mọi người biết sống khiêm nhường, yêu thương và kính trọng người khác trong cộng đoàn của Chúa.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 «Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các giáo lý viên và tông đồ giáo dân, để họ ý thức được tầm quan trọng của việc họ đảm nhận trong sứ mạng của Hội Thánh mà hăng say nhiệt thành với việc tông đồ và giảng dậy.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
Sàigòn ngày 22 tháng 09 năm 2020