“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 18, 15-20)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.
“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.
“Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Sửa Lỗi Anh Em ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Một Hội Thánh Thứ Tha Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Cần Loại Bỏ Văn Hóa Chửi Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Cảm Thương Người Lầm Lỗi Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Vun Đắp Yêu Thương Hạt Nắng Trg 10
Yêu Thương Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Khúc Hát Yêu Thương M. Madalene Hoa Ngâu Trg 12
Sứ Giả Tình Thương A.P Mặc Trầm Cung Trg 13
Sửa Lỗi Anh Em
Con người ai cũng có lầm lỗi. Vậy mà thái độ ứng xử trước lầm lỗi của người khác lại không giản đơn. Đối với lỗi lầm của người khác, ta thường có hai thái độ, hoặc quá khắc nghiệt loại trừ, hoặc quá thờ ơ lãnh đạm. Cả hai thái độ đó đều thiếu xây dựng. Quá khắc nghiệt loại trừ sẽ khiến ta can thiệp thô bạo vào đời tư, sẽ gây ra bất mãn, đổ vỡ. Quá thờ ơ lãnh đạm sẽ buông thả mặc cho sự xấu tràn lan, sẽ làm cho xã hội suy thoái.
Giáo Hội là một cộng đoàn những con người. Lầm lỗi là không thể tránh khỏi. Vì thế muốn cộng đoàn phát triển, việc sửa lỗi là cần thiết, nhất là đối với những lầm lỗi công khai ảnh hưởng đến đời sống cộng đoàn.
Tuy nhiên sửa lỗi là việc khó. Không khéo thì lợi bất cập hại. Lời Chúa hôm nay đưa ra những hướng dẫn cần thiết giúp việc sửa lỗi có kết quả.
Muốn sửa lỗi phải quan tâm. Chúa nói: Khi anh em ngươi sai lỗi. Vâng, người sai lỗi đó không phải ai xa lạ. Đó là anh em tôi, là người nhà của tôi, là một thành phần của đời tôi. Nếu lầm lỗi giống như một cơn bệnh, làm sao tôi không lo lắng chạy chữa cho người thân, nhất là cho chính bản thân khi bị mắc bệnh? Nếu lầm lỗi giống như mất mát người thân, làm sao tôi không đau xót lên đường đi tìm ngay tức khắc?
Muốn sửa lỗi cần can đảm. Càng ngày người ta càng muốn tránh đụng chạm, mích lòng. Dại gì nói những chuyện không vui để mua thù chuốc oán vào thân. Vì thế, để sửa lỗi, cần phải can đảm. Can đảm đến với người lầm lỗi. Can đảm nói sự thật về lỗi lầm của họ. Can đảm chấp nhận những rủi ro do việc sửa lỗi đưa đến như sự giận ghét, sự công kích, chấp nhận bị phê bình ngược lại.
Muốn sửa lỗi phải trân trọng. Trân trọng vì người lầm lỗi đó là người anh em tôi, là đáng quí trọng đối với tôi. Trân trọng vì người anh em tuy có lầm lỗi, vẫn có khả năng sửa đổi. Sửa lỗi là tin vào thiện chí, vào mầm mống tốt đẹp Chúa gieo vào lương tâm mỗi người. Sự khinh miệt, lên mặt kẻ cả sẽ chỉ chuốc lấy thất bại.
Muốn sửa lỗi phải rất tế nhị. Tâm hồn người lầm lỗi rất mong manh. Vừa đầy tự ái vừa đầy mặc cảm. Một lời nói không khéo sẽ dẫn đến đổ vỡ. Một thái độ vô tình sẽ càng khơi thêm hố ngăn cách. Vì thế Chúa dạy tôi phải rất tế nhị khi sửa lỗi. Thoạt tiên chỉ gặp riêng một mình. Gặp riêng là một thái độ tế nhị. Sự tế nhị tạo nên cảm giác an toàn, kính trọng và yêu thương. Sự tế nhị tạo ra một bầu khí tín nhiệm thuận lợi cho việc cởi mở tâm tình, khai thông bế tắc. Sự tế nhị sẽ trở thành chiếc cầu đưa người lầm lỗi trở về cộng đoàn.
Sau cùng, muốn sửa lỗi phải kiên trì. Việc sửa lỗi không giản đơn. Không phải làm một lần là thành công ngay. Vì thế phải rất kiên trì và có nhiều phương án. Kiên trì để vẫn tiếp tục dù đã một lần thất bại. Có nhiều phương án để cương quyết đi đến thành công. Hôm nay Chúa đưa ra cho ta ba phương án để chinh phục người anh em: Gặp riêng, gặp có người làm chứng và sau cùng mới đưa ra cộng đoàn.
Như thế, việc sửa lỗi hoàn toàn là một việc làm được thúc đẩy do tình yêu. Chính bầu khí tin yêu đó sẽ khiến cộng đoàn phát triển. Ai cũng mong được sống trong một cộng đoàn yêu thương như thế. Vì khi lầm lỡ ta biết mình không bị loại trừ nhưng sẽ được quan tâm giúp đỡ, một sự giúp đỡ chân thành, tế nhị và đầy yêu thương.
Lạy Chúa, xin ban cho con tâm hồn bác ái đầy tế nhị của Chúa.
GỢI Ý CHIA SẺ
1/ Sửa lỗi anh em, góp ý phê bình, dễ hay khó?
2/ Khi biết anh em lầm lỗi, bạn làm gì? Vạch mặt chỉ tên hay giả điếc làm ngơ?
3/ Trong gia đình, trong xứ đạo bạn, đã có sự góp ý tốt đẹp chưa?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Một Hội Thánh Thứ Tha
Hội Thánh mà Đức Giêsu thành lập trên nền đá tảng Phêrô, ngoài việc tuyên xưng niềm tin vào Giêsu ‘là đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’, còn phải sống quên mình trong tinh thần tự hiến như Thầy Giêsu, Đấng ‘phải chịu nhiều đau khổ… rồi bị giết chết’. Chính vì lẽ đó mà trong Hội Thánh ấy, hành vi sửa lỗi ‘các người anh em trót phạm tội’, và thái độ khoan dung đối với tội nhân phải rất khác, so với các đoàn thể hoặc tổ chức khác của nhân loại. Đoạn Lời Chúa được đọc lên hôm nay tiếp liền ngay sau câu chuyện về tìm kiếm chiên lạc (Mt 18:12-14) mà theo tác giả Matthêu, không chỉ là dụ ngôn nói về lòng nhân hậu của Thiên Chúa như trong Luca 15, mà còn về cộng đoàn Hội Thánh (đặc biệt hơn, các vị phụ trách) phải đặc biệt quan tâm đến những kẻ bé mọn, nhất là những ai đang gặp thử thách thất bại mọi mặt. Cũng như Cha trên trời, cộng đoàn Hội Thánh này không chấp nhận để cho bất cứ ai trong các kẻ bé mọn ấy, dù chỉ một mà thôi, phải hư mất (Mt 18:12 trong Christian Community Bible).
Trong mạch tư tưởng này, việc sửa lỗi ‘người anh em của anh trót phạm tội’, trong tất cả trình tự của nó, làm lộ rõ ý nghĩa cũng như nội dung của vấn đề. Qua trình tự rất hợp lý ấy, điểm nhấn không phải là thái độ của Hội Thánh chuyển từ bao dung tới nghiêm khắc trừng trị, mà là sự cố chấp của chính phạm nhân khước từ lòng thương xót tha thứ ngày càng chai lì, không chỉ đối với Thiên Chúa của lòng xót thương mà cả đối với Hội Thánh là tập thể hữu hình của Người. Matthêu lập lại ở đây câu tuyên bố Đức Giêsu đã nói khi thành lập Hội Thánh của Người (Mt 16:19): “Dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy”. Thương xót và tha thứ là quyền mà Chúa Cha đã trao cho Đức Giêsu, để rồi Người trao lại cho Hội Thánh; và nếu quyền tha thứ đó là vô tận nơi Thiên Chúa thì nó cũng phải là vô tận cả nơi Hội Thánh của Người. Ngược lại, kẻ nào cố chấp khước từ quyền tha thứ và thương xót của Hội Thánh, ‘nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe’, thì kẻ đó cũng đồng thời chối bỏ ‘quyền thương xót’ này nơi chính Chúa Cha, Đấng đã trao nó cho Đức Kitô Giêsu.
Với khẳng định điều này, Đức Giêsu cho thấy: mối liên kết bền chặt giữa Cha Ngài – Đấng giầu lòng thương xót và Hội Thánh của Người. Sự liên kết bền chặt được thể hiện qua cầu nguyện là hành vi then chốt mà Hội Thánh không ngừng thực hiện. Hội Thánh cầu nguyện, không chỉ để thờ lạy tôn vinh Đức Chúa như dân Israel đã từng thực hiện nơi đền thánh Giêrusalem; mà còn để mở lòng đón nhận điều quan trọng và quí giá hơn nhiều từ nơi ‘Cha Thầy, Đấng ngự trên trời’, đó là lòng thương xót thứ tha. Theo Đức Giêsu, trong số các ân huệ Hội Thánh nhận được, trọng đại nhất chính là được tham dự vào lòng nhân từ của Cha; “Anh em hãy xót thương như Cha anh em trên trời là đấng thương xót” (Lc 6:36), Đấng “không muốn một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”. Như thế, nếu hiểu được vai trò chính yếu của Hội Thánh là: thể hiện lòng thương xót thứ tha của Chúa Cha, thì ta mới hiểu hết được sức mạnh của lời cầu nguyện mà Hội Thánh hằng dâng lên Cha để cầu xin cho các tội nhân; “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, đấng ngự trên trời, sẽ ban cho”.
Mỗi khi đọc câu “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”, tôi liên tưởng ngay tới lời cầu nguyện của Đức Giêsu được Gioan ghi lại trong chương 15: “Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng…” (Ga 15:12). Tôi tự hỏi: khi một cộng đoàn thật sự họp lại cầu nguyện nhân danh Đức Kitô Giêsu, và một khi đã có Người hiện diện giữa họ, thì điều gì chắc chắn sẽ phải xảy ra? -Thưa, cộng đoàn đó sẽ cầu nguyện để ‘các người anh em đã trót phạm tội’ sẽ được canh giữ, để không ai trong số họ phải hư mất… với niềm xác tín thâm sâu rằng: điều cầu xin đó chắc chắn sẽ được Cha của Đức Kitô Giêsu nhận lời ban cho. Điều này được bảo đảm kể cả trong những trường hợp bất khả kháng, khi mà Hội Thánh buộc phải công khai hóa sự cố chấp của một phần tử lỗi phạm, phải ‘kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế’; vì chính những lúc đó, việc Hội Thánh cần làm nhất vẫn sẽ là kết hiệp với Đức Giêsu cầu nguyện… để ‘không một ai phải hư mất’.
Mong rằng Hội Thánh đích thực của Đức Kitô Giêsu, mong rằng mọi cộng đoàn mà Người qui tụ nhân danh Chúa Cha, nhất là các cộng đoàn tu sĩ và giáo xứ, sẽ luôn mãi là như thế: những cộng đoàn cầu nguyện để tha thứ và cứu vớt tội nhân!
Lạy Chúa Cha nhân từ, con cầu nguyện cho Hội Thánh, và cho chính con là một phần tử trong lòng Hội Thánh, được luôn biết kết hiệp với Chúa Giêsu, Con Cha trong lời cầu nguyện hàng ngày cho các tội nhân. Có lẽ chính con đã từng là đối tượng của lời cầu nguyện này, và vì thế mà giờ đây, con càng phải khiêm tốn hiệp thỉnh. Xin cho con được cùng Hội Thánh không ngừng dâng lên Cha lời khẩn nguyện tha thiết cho kẻ có tội, đặc biệt trong các trường hợp tuyệt vọng nhất. Trong Hội Thánh, một khi ‘hai ba người họp lại nhân danh Thầy’, con tin chắc rằng, ơn tha thứ Cha dành cho các tội nhân, nhân danh và cùng với Đức Kitô Con Cha, sẽ không bao giờ vơi cạn. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Cần Loại Bỏ Văn Hoá Chửi
Hình như con người hôm nay mất dần tính kiên nhẫn để sửa dạy cho nhau. Ở nhà cha mẹ thấy con cái sai thì đánh. Ra nhà trường thầy cô thấy học trò sai thì mắng. Ở cơ quan thấy nhân viên sai thì chửi. Ra đường thấy người mắc lỗi thì la lối có khi còn phang nhau giữa phố đông người.
Điểm chung là con người Việt Nam hôm nay dễ nổi giận và chửi mắng nhau. Đi đâu ta cũng có thể thấy họ chửi bới lẫn nhau. Chửi nhau để trút cái bực của mình qua người khác rồi mặc kệ họ. Chửi cũng có muôn màu muôn vẻ: chửi từ ngoài đường vào trong nhà, từ nhà tới cơ quan,… chửi từ người cho tới vật, từ pháp luật tới chính sách Nhà nước, chửi cả Tàu cho tới Mỹ… Người chửi hoặc bị chửi có thể là trẻ trâu, già trâu, người lao động hay trí thức. Hình thức chửi có thể là công khai hoặc chửi sau lưng, dạng online hoặc offline. Lãnh đạo chửi nhân viên, nhân viên chửi phụ tá, phụ tá về chửi vợ/chồng/con; đứa con vừa bị cô giáo rày, bạn ăn hiếp lại thêm bị ba mẹ mắng, thế là trút giận lên bạn bè của nhau…
Thực ra, con người ai cũng có sơ sót và lầm lỗi. Đối với bản thân ta dễ cảm thông, bao dung với chính mình, nhưng đối với lỗi lầm của người khác, ta thường có hai thái độ, hoặc quá khắc nghiệt loại trừ, hoặc quá thờ ơ lãnh đạm. Cả hai thái độ đó đều thiếu xây dựng. Quá khắc nghiệt loại trừ sẽ khiến ta can thiệp thô bạo vào đời tư, sẽ gây ra bất mãn, đổ vỡ. Quá thờ ơ lãnh đạm sẽ buông thả mặc cho sự xấu tràn lan, sẽ làm cho cộng đoàn và xã hội suy thoái…
Người ta nói “ai nên khôn mà không dại một lần”. Lầm lỗi là không thể tránh khỏi. Vì thế, sống trong xã hội phải chấp nhận sống chung với những con người đang còn thiếu sót và đang còn hoàn thiện. Vì thiếu sót và đang hoàn thện nên việc sửa lỗi là cần thiết, nhất là đối với những lầm lỗi công khai ảnh hưởng đến đời sống cộng đoàn. Im lặng là đồng lão cho cái xấu lên ngôi. Chửi bới là đẩy xa anh em vào vòng tội lỗi. Nhưng góp ý và sửa lỗi cho nhau là cùng giúp nhau hoàn thiện và làm cho xã hội bình an.
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay Chúa Giêsu nói rằng: “Khi anh em ngươi sai lỗi” (Mt.18:15). Vâng, người sai lỗi đó không phải ai xa lạ. Đó là anh em tôi, là người nhà của tôi, là một thành phần của đời tôi. Dù họ là ai thì chúng ta cũng phải lấy tình yêu mà nhắc nhở họ về cái sai cần sửa. Nhắc nhở trong tế nhị và kín đáo. Thoạt tiên chỉ gặp riêng một mình. Gặp riêng là một thái độ tế nhị. Tế nhị là tôn trọng nhau, là đề cao nhau sẽ giúp cho người được sai lỗi dễ dàng tiếp thu lời góp ý chân thành. Sau đó là gặp có người làm chứng và sau cùng mới đưa ra cộng đoàn. (Mt.18:15-17)
Người ta nói rằng: “tình yêu thì luôn vun đắp cho nhau nên tốt hơn”. Nếu chúng ta yêu nhau thì hãy yêu cả cái xấu của nhau để có thể cảm thông tha thứ và giúp nhau loại bỏ dần tính xấu. Tình yêu cũng đòi hỏi chúng ta hoàn thiện mình cho xứng với kỳ vọng của người mình yêu. Nếu chúng ta muốn cho người mình yêu hạnh phúc thì chúng ta cũng cần khiêm tốn để đón nhận những lời góp ý mà thực tâm sửa đổi.
Cụ thể: nếu người chồng say sỉn, cờ bạc thì hãy thương vợ mà loại bỏ tật xấu để sống có trách nhiệm với gia đình. Người vợ thích an nhàn, lười làm việc, nếu yêu chồng hãy biết chăm sóc gia đình hơn là chăm sóc bản thân. Người con thích đua đòi, lao vào chốn ăn chơi, nếu yêu cha mẹ hãy nghĩ đến mồ hôi nước mắt mà các ngài bỏ ra vì mình mà bỏ chốn sa đọa.
Xin Chúa là Đấng nhân từ chậm bất bình và rất mực khoan nhân giúp chúng ta luôn kiên nhẫn để sửa lỗi cho nhau, luôn lấy lòng bao dung để nâng đỡ sự yếu đuối của anh em, và xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta biết khiêm tốn để nhận sai và sửa sai, ngỏ hầu biết hoàn thiện mình nên tốt hơn xứng với tình yêu của Chúa và mọi người đã dành cho chúng ta. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Cảm Thương Người Lầm Lỗi
Một người mù đang dò đường, cố đi vội để tìm chỗ trú, vì trời nổi cơn giông tố và sắp đổ mưa; ông vô tình xông vào hàng rào kẽm gai, gai móc rách quần áo và da thịt. Những người qua đường thấy vậy bày tỏ những thái độ khác nhau:
– Hạng người thứ nhất là những người không biết ông bị mù nên trách móc: “Người gì đâu mà bất cẩn, dại dột… đường thẳng không đi, lại cứ hàng rào kẽm gai mà xông vào, chắc là đang say xỉn!”
Tương tự như thế, có nhiều người hễ thấy người khác lầm lỗi thì lên án, chửi rủa, trách móc… dù chẳng biết nguyên nhân, chẳng tìm hiểu ngọn nguồn.
– Hạng thứ hai là những người vô cảm vô tâm, khi thấy người người mù lâm nạn như thế, chỉ ngoái cổ lại nhìn rồi thinh lặng bỏ đi.
Tương tự như thế, khi thấy người khác sa vào tội lỗi, nhiều người chọn thái độ im lặng, dửng dưng, không quan tâm hay cho lời khuyên bảo.
– Hạng người thứ ba là những người tốt bụng, tỏ lòng thương xót, chạy đến hỏi han, khử trùng vết thương, rồi dìu ông tránh khỏi hàng rào kẽm gai.
Tương tự như thế, có những người nhân đức, khi thấy người sa vào tội lỗi, họ tìm cách khuyên lơn, dạy dỗ người có tội ăn năn sửa mình.
Còn chúng ta, chúng ta thuộc hạng người nào trong ba thành phần trên đây?
Một là chỉ trích, phê bình, lên án, trách móc người có tội, mặc dù chưa biết rõ đầu đuôi sự việc thế nào mà cũng “ngứa miệng” phán xét, phê bình người khác.
Hai là thinh lặng làm ngơ trước những sai lỗi của người khác. Ứng xử cách này xem ra khỏe khoắn, nhẹ nhàng hơn cả.
Ba là cảm thương, khuyên lơn, dạy bảo cho người lầm lỗi trở về đàng lành. Việc này khó nhọc, tốn công tốn sức, ít ai muốn làm.
Qua bài Tin mừng Mátthêu được trích đọc hôm nay, Chúa Giêsu truyền dạy chúng ta phải cảm thương, dạy bảo, sửa lỗi cho người khác, không phải chỉ một lần, mà nếu cần, thì phải kiên trì sửa dạy nhiều lần. Chúa nói: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh” (Mt 18, 15-17).
Chúa truyền dạy như thế nhưng chúng ta thấy đây là việc khó làm, đòi hỏi nhiều hy sinh và nhẫn nại, nên đã bỏ qua. Cần có lòng cảm thương sâu xa mới làm được.
Cảm thương người tội lỗi vì họ mù quáng
Người sa vào tội lỗi cũng y như người mù vương vào hàng rào kẽm gai. Họ sa vào tội lỗi vì họ “không thấy đường.”
Nhà hiền triết Socrate cho rằng: “Không ai cố tình làm điều ác.” Đúng vậy. Sở dĩ người ta gây ra tội ác là vì không am hiểu, thiếu khôn ngoan, không đủ sáng suốt để nhận định điều đúng điều sai… Đó cũng là một thứ mù, thường được gọi là mù quáng. Mù quáng còn tai hại hơn mù mắt nhiều lần, vì thế, họ đáng thương hơn là đáng trách.
Trong cuộc thương khó, Chúa Giêsu chẳng những không lên án những người phỉ báng, xỉ nhục, hành hung Ngài cách dữ dằn thô bạo, rồi đóng đinh Ngài vào thập giá cách dã man… mà còn thương xót họ. Ngài thương xót họ vì họ mù quáng, không biết việc mình làm. Thế là Ngài tha thiết cầu xin Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Ngay cả Charlie Chaplin (được gọi là vua hề Charlot) cũng nhận ra sự thật này. Ông nói: “Sở dĩ người ta gây ra tội ác là do sự mù quáng của mình. Vì thế, người khôn thì thương xót họ, người ngu thì lên án họ.”
Chúa Giêsu đầy khôn ngoan, Ngài thừa biết người ta phạm tội vì mù quáng, nên Ngài thương xót những người có tội, ngay cả những kẻ đóng đinh Ngài; còn chúng ta, chúng ta có đủ khôn ngoan để thương xót họ và cảm hóa họ hay không?
Lạy Chúa Giêsu. Xin ban cho chúng con tấm lòng yêu thương và cảm thông sâu sắc đối với tội nhân, nhờ đó chúng con có thể yêu mến họ chân thành và tìm cách cảm hóa họ như Chúa đã nêu gương. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Vun Đắp Yêu Thương
CN XXIII TN.A – (Mt 18, 15 – 20)
Chân tình nồng thắm tiếng yêu thương
Nâng đỡ ủi an chớ chán chường
Nghiêm khắc, loại trừ gieo thảm họa
Thờ ơ, lãnh đạm rắc tai ương
Ôn tồn, tế nhị người lầm lỗi
Cởi mở, khoan dung kẻ lạc đường
Bầu khí tươi vui bừng đức ái
Hoa lòng hé nụ tỏa thơm hương.
Hạt Nắng
Yêu Thương
CN XXIII TN. A (Mt 18, 15 – 20)
Lòng khoan dung, tâm hồn quảng đại,
với anh em bác ái yêu thương.
Ai kia lạc lối dặm trường,
kiên trì sửa lỗi mở đường hối nhân.
Lời ôn tồn tình thân rộng mở,
không loại trừ, chẳng nỡ bàng quan.
Không để sự xấu tràn lan,
quan tâm nâng đỡ ủi an thắm tình.
Cần can đảm phê bình lầm lỗi,
dẫu giận hờn, rắc rối, phản công.
Lời sự thật dễ mất lòng,
phải biết trân trọng thanh danh con người.
Lời tế nhị vui tươi bầu khí,
làm khai thông tri kỷ tình thân.
Tình huynh đệ xích lại gần,
cộng đoàn phát triển hồng ân tuôn tràn.
Đời ai không một lần phạm lỗi,
đừng vô tâm kết tội anh em.
Đức Ái bừng sáng ngọn đèn,
tình yêu sáng tỏ, ghét ghen lụi tàn.
Tâm hồn thư thái bình an …
Bâng Khuâng Chiều Tím
Khúc Hát Yêu Thương
CN XXIII TN.A – (Mt 18, 15 – 20)
Ngọn gió ru êm, dịu mát tâm hồn,
tiếng Ai thì thầm, dịu dàng nỉ non.
Nhẹ nâng bước con về bên suối mát,
hòa chung cùng ràn chiên vui ca hát,
tung tăng vui đùa đồng cỏ xanh non.
Tội lỗi năm xưa, nước mắt nhạt hòa,
tiếng Ai thì thầm, ngàn lần thứ tha.
Lòng Ai xót thương, thương đời lầm lỡ,
vòng tay dịu hiền ôm con thương nhớ,
đưa con vào đời khúc hát hoan ca.
Ôi! Thật nhiệm mầu, tình yêu tha thứ,
lòng khoan dung vô bờ của Chúa nhân từ.
Vượt xa ngàn tinh tú,
mênh mông khắp đất trời,
vượt muôn ngàn trùng khơi,
cho con ấm tình Người.
Hạnh phúc hôm nay, con bước vào đời,
thắm tô tình người, nụ cười trên môi.
Tình trao mến thương, thương người lầm lỗi,
anh em một nhà, cùng Cha nhân ái,
theo gương Ngôi Lời, rực sáng tương lai.
M. Madalena Hoa Ngâu
Sứ Giả Tình Thương
CN XXIII TN.A – (Mt 18, 15 – 20)
Sống giữa đời tránh sao điều lầm lỗi,
bởi yếu hèn, bao cám dỗ, đam mê.
Bởi bóng đêm trên vạn nẻo đường về,
thần dữ rình mò,
rắc gieo lòng nghi kị.
Nay Lời Chúa dạy con điều tuyệt mỹ,
lấy tình thương sửa lỗi nơi anh em.
Trái tim yêu bao phủ những yếu hèn,
tránh lời xúc phạm,
xây dựng tình thân,
bằng những lời dịu dàng êm ái.
Biết tôn trọng nhau dù lắm điều ngang trái,
chuyện riêng tư, giữ cẩn mật chân tình.
Gợi tâm tình bằng lời lẽ công minh,
lòng cởi mở, lời yêu thương thuyết phục.
Gặp thất bại, vẫn giữ tràn cảm xúc,
vài người thân tìm hiểu góp lời khuyên.
Nếu chưa nghe, trình báo với giáo quyền,
tính công khai hóa,
vẫn trong giới hạn,
phạm vi của cộng đoàn Hội thánh.
Vẫn ngoan cố, đừng vội vàng xa lánh,
kẻo vô tình lỗi phạm Đức Yêu Thương.
Bởi Chúa luôn thương xót kẻ lầm đường,
Ngài hằng mong đợi,
bằng lời cầu nguyện,
bằng sự khoan dung,
bằng tình tha thứ,
và bằng muôn ân sủng,
kẻ lạc bước, hồi tâm,
quay về trong vòng tay Giáo Hội.
Đức Ái là nền tảng trong tâm tình sửa lỗi,
Cầu Nguyện kiên trì trong liên kết hy sinh.
là Muối, là Men, là Ánh Sáng ân tình,
là Sứ Giả Tình Thương,
loan báo Tin Mừng Bình An và Tha Thứ.
AP. Mặc Trầm Cung