SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY, CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN NĂM A (23/08/2020) “CÒN ANH EM, ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?” [Is 22,19-23; Rm 11,33-36; Mt 16,13-30]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Đối với các Kitô hũu của mọi thời mọi nơi thì điều quan trọng nhất là biết Thiên Chúa là Ai hay là Đấng nào? Và Người muốn gì? Biết Thiên Chúa là Ai hay là Đấng nào để chúng ta biết cách sống với Thiên Chúa/ Biết Thiên Chúa muốn gì để chúng ta thực hiện điều muốn ấy.
Trong bài Phúc âm hôm nay Chúa Giê-su đã hỏi các môn đệ hai câu. Câu thứ nhất là “Người ta nói Con Người là ai?” và câu thứ hai là “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Câu hỏi thứ nhất dẫn tới câu hỏi thứ hai là câu hỏi quan trọng hơn và là câu hỏi quyết định. Chúa Giê-su chờ câu trả lời chính xác của các môn đệ. Ông Phê-rô, được ơn mạc khải từ Thiên Chúa Cha, đã trả lời chính xác: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống!”
Chúa Giê-su cũng đặt câu hỏi trên với mỗi Ki-tô hữu chúng ta và Người cũng chờ đợi câu trả lời của riêng mỗi người chúng ta. Vậy đối với riêng bạn, thì Chúa Giê-su là ai? Người có vai trò gì trong đời sống của bạn? Người làm thay đổi cuộc đời bạn như thế nào? Bạn sống hằng ngày với Người như thế nào? Bạn thực thi giới răn của Người như thế nào? Mong bạn có câu trả lời chính xác và đẹp lòng Thầy Chí Thánh!
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
2.1 Trong bài đọc 1 (Is 22,19-23): “Ta sẽ để chìa khoá nhà Đavít trên vai nó” Đây Chúa phán cùng Sobna, quan cai đền thờ rằng: “Ta sẽ trục xuất ngươi ra khỏi địa vị ngươi, và Ta sẽ cách chức ngươi; trong ngày đó, Ta sẽ gọi đầy tớ Ta là Êliaqim, con trai Helcia. Ta sẽ lấy áo choàng của ngươi mà mặc cho nó, lấy đai lưng của ngươi mà thắt cho nó, sẽ trao quyền ngươi vào tay nó, nó sẽ nên như cha các người cư ngụ ở Giêrusalem và nhà Giuđa. Ta sẽ để chìa khoá nhà Đavít trên vai nó: nó sẽ mở cửa và không ai đóng lại được; nó đóng cửa lại và không ai mở ra được. Ta sẽ đóng nó vào nơi kiên cố như đóng đinh, và nó sẽ trở nên ngai vinh quang nhà cha nó”
2.2 Trong Bài đọc 2 (Rm 11,33-36): “Mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người” Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa: sự phán quyết của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người làm sao dò được! Vì chưng, nào ai biết được ý Chúa? Hoặc ai đã làm cố vấn cho Người? Hay ai đã cho Người trước để Người sẽ trả lại sau? Vì mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người: nguyện Người được vinh quang đến muôn đời. Amen.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mt 16,13-20): “Con là Đá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời” Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Đức Kitô.
Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?): Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:
– Là Đấng Thiên Chúa sẽ loại tể tướng Sép-na ra khỏi chức vụ và quyền hành (vì kiêu căng và ham mê tiệc tùng) và chọn En-gia-kim, con của Khin-ki-gia-hu làm người thay thế, và ban quyền hành và chức vụ cao trọng cho ông vì ông khiêm tốn, chính trực.
– Là Chúa Giê-su, Đấng được tông đồ Phê-rô tuyên xưng là Đấng Ki-tô [tức là Đấng được xức dầu tấn phong làm ngôn sứ, tư tế, vương giả của Thiên Chúa], là Con Thiên Chúa hằng sống. Chính Chúa Giê-su là Đấng đã thiết lập Giáo Hội trên nền tảng Phê-rô hay đúng hơn trên nền tảng lời tuyên tín của Phê-rô nhìn nhận Người là Mê-si-a, Con Thiên Chúa hằng sống!
– Là Chúa Thánh Thần, Đấng hiện diện và cùng hành động với Chúa Cha khi Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ qua từng bước tuyển chọn những người tôi trung trong dân Ít-ra-en để chuẩn bị cho Chúa Cứu Thế. Chúa Thánh Thần cũng là Đấng tác động để Phê-rô tuyên xưng Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa hằng sống và Người cũng hiện diện trong lời công bố thiết lập Giáo Hội trên tảng đá Phê-rô của Chúa Giê-su.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?): Qua ba bài Sách Thánh, chúng ta khám phá ra giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa hôm nay gồm hai phần
Một là khám phá và tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Hẳn nhiên tuyên xưng không chỉ bằng lời mà còn bằng việc làm và cách sống nữa. Nói cách khác tất cả lời ăn, tiếng nói, cử chỉ, hành động của chúng ta phải là cách/lời tuyên xưng Đức Giê-su Na-da-rét là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống!
Hai là thiết lập một mối tương quan mật thiết, gắn bó và riêng tư với Chúa Giê-su Ki-tô, như trò với Thầy và như bạn với bạn. Càng sống gần gũi, thân mật với Chúa Giê-su, chúng ta càng biết Người là Ai.

IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như kẻ thụ ơn đối với Đấng ban ơn, như môn đệ sống với Thầy. Sống bằng cả một tấm lòng yêu thương, tôn kính và tuyệt đối tin cậy !

4.2 Thực thi sứ điệp (hay giáo huấn) của Lời Chúa hôm nay bằng cách tìm tòi, học hỏi và khám phá (nhất là trong Thánh Kinh) dung mạo, căn tính của Đức Giê-su và xác tín rằng Người là Đấng Mê-si-a, là Con Thiên Chúa hằng sống. Từ khám phá và xác tín cá nhân ấy sẽ có mối tương quan thắm thiết và gắn bó với Chúa Giê-su Ki-tô.

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho hết mọi người đang sống trên mặt địa cầu này, để họ nhận biết Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng và Cứu Độ.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.2 «Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi » Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thể Hội Thánh Chúa Kitô – nhất là cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ và mọi giáo dân -, để các Ki-tô hữu vững tin vào Hội Thánh là Hội Thánh của Thiên Chúa do Chúa Ki-tô thiết lập, canh tân đổi mới và bảo vệ qua mọi triều đại Giáo Hoàng là những người kế vị Thánh Phê-rô.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.3 «Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?» Chúng ta hãy cầu nguyện cho hết mọi người trong gia đình và giáo xứ/cộng đồng chúng ta để mọi người có được một cảm nghiệm sâu sắc và riêng tư về Chúa Giê-su Ki-tô và có mối tương quan mật thiết gắn bó với Người.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 «Đức Chúa phán những lời này với ông Sép-na, tể tướng triều đình: «Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ, Ta sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị» Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đang nắm giữ quyền bính trong các quốc gia, để họ nhận thức rằng: quyền hành họ đang có là do Thiên Chúa giao cho họ để họ phục vụ lợi ích của mọi người trong xã hội, theo Thánh Ý Thiên Chúa.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

Saigon ngày 18 tháng 08 năm 2020
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.