(19.7.2020 – Chúa Nhật 16 Thường Niên, Năm A) Để cả hai cùng lớn lên

Lời Chúa: Mt 13, 24-43

Hôm ấy, Ðức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn này: “Nước Trời thì ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Ðầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thi cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó!” Ðầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra nhặt đi không?” Ông đáp: “Ðừng, sợ rằng khi nhặt cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Ðến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy nhặt cỏ lùng trước đã, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”

Ðức Giêsu còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời làm tổ trên cành được.”

Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

Suy niệm:

Dụ ngôn cỏ lùng là một dụ ngôn chỉ có trong Tin Mừng Mátthêu.
Dụ ngôn này cũng thuộc loại khó hiểu nên các môn đệ đã phải đến
để xin Thầy Giêsu giải thích riêng tại nhà (Mt 13,36).
Thầy Giêsu kể dụ ngôn người gieo giống để giải thích cho họ biết
tại sao việc gieo vãi Lời Chúa lại không sinh trái ở một số người.
Qua dụ ngôn cỏ lùng, Thầy lại muốn giải thích cho họ biết
tại sao trong thế giới và trong Hội Thánh lại có những phần tử xấu xa.
Tại sao lại có cuộc xung đột giữa cái tốt và cái xấu trên thế gian này?

“Cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?”
Câu hỏi của các đầy tớ ông chủ ruộng là câu hỏi ngàn đời của chúng ta.
Khi thấy sự dữ tác oai tác quái trên mặt địa cầu,
chúng ta vẫn thường hỏi câu đó: tại sao có cỏ lùng? tại sao có sự dữ?
Chúng ta muốn biết nguyên nhân, gốc rễ của sự dữ đang xảy ra.
Như các đầy tớ, chúng ta ngỡ ngàng khi thấy cỏ lùng trong ruộng lúa,
khi lúa đã mọc lên và trổ bông.

“Kẻ thù đã làm đó !”, ông chủ trả lời.
Ông chủ chỉ gieo giống tốt, vậy phải có một kẻ đã gieo cỏ lùng vô ruộng.
Kẻ đó đã lén lút, lợi dụng bóng tối ban đêm, khi mọi người ngủ,
để gieo cỏ lùng vào giữa lúa, rồi trốn đi.
Kẻ đó là quỷ, là kẻ thù của Đức Kitô, ông chủ của cả thế giới.
Hóa ra không phải chỉ có một người gieo là ông chủ tốt lành.
Còn có Xatan, kẻ chỉ muốn phá hoại ruộng lúa là thế giới.
Xatan là nhân vật có thật, chứ không phải là chuyện hư cấu.
Xatan là quỷ, là ác thần, có mặt và hoạt động trong cánh đồng thế giới.
Nó hoạt động khéo léo, bí mật, gian manh và có tính phá hoại.
Không dễ bắt gặp khi nó đang gieo cỏ lùng.
Cỏ lùng là “con cái của ác thần”, của Xatan (Mt 13,38).
Cỏ lùng là “mọi kẻ làm gương xấu, mọi kẻ làm điều gian ác” (Mt 13,41).
Như vậy Xatan đã biến người thường thành cỏ lùng,
khi nó cám dỗ, lôi kéo, làm người ta sa ngã
và ngả về phía nó, rốt cuộc thành tay sai của nó để đi hại người khác.
Chẳng ai tự bản chất là “con cái của ác thần”.
Người ta thành con cái của ác thần khi nghe lời Xatan mà chối bỏ Chúa.

“Vậy ông có muốn chúng tôi đi gom cỏ lùng lại không?”
Như lúa tốt phải sống chung với cỏ lùng,
“con cái của Nước Trời” phải sống chung với “con cái của ác thần”:
Đó là chuyện làm chúng ta khó chịu và muốn giải quyết ngay.
Chúng ta muốn thửa ruộng chỉ gồm có lúa tốt.
Chúng ta muốn thế giới và Hội Thánh chỉ gồm những người thánh thiện.
Chúng ta muốn nhổ ngay mọi thứ xấu xa, vì biết cỏ lùng làm hại lúa.
Nhưng đó lại không phải là ý của ông chủ.
Ông không muốn nhổ cỏ lùng vì sợ gây hại cho cây lúa đang trổ bông.
Ông nghĩ cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt,
khi ấy có nhổ cỏ lùng và đốt đi cũng không muộn.

Dụ ngôn cỏ lùng cho thấy sự bao dung, kiên nhẫn của Chúa Giêsu.
Ngài không trừng phạt trước ngày tận thế.
Khi ấy, Ngài mới tống những kẻ làm điều gian ác ra khỏi Nước của Ngài.
Như vậy, Ngài vẫn cho mọi người chúng ta thời gian hoán cải.
Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa tốt,
nhưng “con cái của ác thần” có thể trở thành “con cái của Nước Trời”.
Khi còn sống trên đời, ai cũng có thể trở thành con cái của Chúa,
và ai cũng có thể trở thành con cái của Xatan.
Chúng ta là con cái Chúa, đừng biến mình thành cỏ lùng.
Đừng để cỏ lùng lấn át chúng ta, làm chúng ta suy yếu,
nhưng cuộc sống của chúng ta phải “chói lọi như mặt trời” (Mt 13,43),
để có thể biến cỏ lùng thành lúa tốt.

Cầu nguyện:

Lạy Thầy Giêsu,
thật là khó khi phải giữ thái độ khoan dung
đối với những ai đang gây ra bất công và đau khổ
cho bao người trên thế giới.
Chúng con chỉ muốn bứng gốc sự dữ ra khỏi địa cầu,
và làm cho Giáo Hội gồm toàn người thánh thiện.

Nhưng lạy Thầy Giêsu,
Thầy lại muốn chúng con để cỏ lùng sống chung với lúa,
và để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt.
Chúng con hiểu tại sao ác nhân vẫn tung hoành,
và Xatan dường như thắng thế trong cuộc chiến hiện tại.
Thầy cho chúng con thấy khuôn mặt của Chúa Cha,

Đấng chậm giận, thứ tha và đầy nhân hậu.
Cha cho mặt trời sáng trên kẻ dữ,và cho mưa rơi trên ác nhân.
Cha quý cả những ai đã trở nên kẻ thù của Cha,
và kiên nhẫn đưa họ trở về chính lộ.

Xin Thầy dạy chúng con biết cách chấp nhận
cuộc xung đột kéo dài đến tận thế
giữa con cái ánh sáng và con cái tối tăm, giữa lúa tốt và cỏ lùng.
Và xin cho chúng con tin rằng
chiến thắng cuối cùng
sẽ thuộc về ánh sáng và sự thiện, công lý và tình yêu.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.