“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 13, 24-43)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Đầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: ‘Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?’ Ông đáp: ‘Người thù của ta đã làm như thế’. Đầy tớ nói với chủ: ‘Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ’. Chủ nhà đáp: ‘Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: “Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta”.
Người lại nói với họ dụ ngôn khác mà rằng: “Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó”.
Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: “Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men”.
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: “Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn, Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian”. Sau khi giải tán dân chúng, Người trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. Người đáp rằng: “Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Tất Cả Là Hồng Ân ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Nước Trời Được Ví Như Chuyện … Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Sao Bạn Lại Nói Chúa Phạt? Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Thiên Chúa Không Tiêu Diệt Người Tội Lỗi Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Khát Vọng Hạt Nắng Trg 10
Hồng Ân Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Công Lý Tình Thương M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Thiên Chúa – Gương Kiên Nhẫn A.P Mặc Trầm Cung Trg 13
Tất Cả Là Hồng Ân
Dụ ngôn cỏ lùng là một trong những dụ ngôn hiếm hoi được chính Chúa giải thích rõ ràng. Giải thích của Chúa giúp ta có những hiểu biết hữu ích cho đời sống đạo.
Dụ ngôn nhắc nhớ ta về sư hiện diện của ma quỷ. Ma quỷ hiện hữu. Chúng luôn có mặt để gieo rắc sự xấu. Chúa đã chuẩn bị những thửa ruộng tốt. Những thửa ruộng đó là thế giới, là Giáo hội, là tâm hồn mỗi người. Chúa đã gieo những hạt giống tốt. Hạt giống đó là Lời Chúa, là ơn Chúa, là những thiện chí, những ý hướng cao đẹp trong tâm hồn con người. Nhưng ma quỷ lén gieo vào những hạt cỏ xấu.
Chúa gieo vào thế giới hạt giống khát vọng hoà bình. Đẹp biết bao nếu mọi dân tộc nắm tay nhau xây dựng một thế giới huynh đệ tươi thắm tình người. Nhưng buồn thay, cánh đồng hoà bình tươi xanh đã bị những ngọn cỏ tham vọng, ích kỷ, ác độc làm hoen ố. Lịch sự thế giới được ghi bằng những trang buồn vì không ngày nào không có chiến tranh.
Thế giới sẽ đẹp biết bao nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp phần xây dựng. Nhưng buồn thay, rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc huỷ hoại, tha hoá, nô lệ hoá con người.
Ngay trong bản thân mỗi người, không thiếu những sáng kiến, những hoạt động ban đầu xem ra tốt đẹp, nhưng dần dà vị vẩn đục vì những biến tướng nặng mùi trần tục như khoe khoang, tìm hư danh, tìm lợi lộc.
Đó là những hạt cỏ xấu ma quỷ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt.
Tuy nhiên, dụ ngôn cho thấy sự kiên nhẫn và lòng bao dung của Chúa. Chúa đợi cho đến ngày tận thế mới thu lúa cùng với cỏ lùng. Chúa kiên nhẫn đợi chờ vì hi vọng những người tội lỗi ăn năn sám hối. Chúa bao dung tha thứ không nỡ phạt người tội lỗi tức khắc. Chúa yêu thương, tin tưởng người xấu sẽ có ngày nên tốt. Nếu phạt ngay nhưng người tội lỗi thì ta đâu còn cơ may được chiêm ngưỡng ông thánh trộm lành. Nếu Chúa thẳng tay thì ta đâu có thánh nữ Madalêna, Tông đồ của các Tông đồ, thánh Augustinô, Tiến sĩ lừng danh, thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại. Nếu Chúa chấp tội thì bản thân ta sẽ là người bị phạt đầu tiên, vì trong ta cũng đầy những tội lỗi, những sự xấu. Trong tâm hồn ta cỏ lùng vẫn mọc xen với lúa tốt.
Sau cùng, dụ ngôn cho ta hiểu tất cả là hồng ân của Chúa. Có sự lành để ta hiểu biết và yêu mến sự tốt lành của Thiên Chúa. Có sự dữ để ta gớm ghét tránh xa và càng thêm gắn bó với sự lành. Có sự lành để ta được hưởng niềm an ủi ngọt ngào của Chúa. Có sự dữ để ta phấn đấu vượt qua, chứng minh lòng trung tín của ta với Chúa. Có thuận lợi tiến bước trên đường thánh thiện. Có khó khăn để ta rèn luyện thêm đức.
Mọi sự đều nên tốt cho kẻ lành. Thật vậy, việc cấm đạo là sự dữ. Nhưng nhờ đó mà Giáo hội có được những chứng nhân anh hùng. Đau khổ và bệnh tật là những khiếm khuyết trong cuộc sống, nhưng lại giúp con người được thông phần đau khổ với Chúa. Thánh Nữ Têrêsa đã nhìn thấy tất cả là hồng ân của Chúa. Sự lành cũng như sự dữ. Hạnh phúc cũng như đau khổ. Thành công cũng như thất bại. Tất cả đều góp phần rèn luyện, vun đắp và thăng tiến người lành.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Khi gặp những người xấu trong xứ đạo, trong hội đoàn, bạn có muốn khai trừ người đó ngay tức khắc không?
2) Trong con người bạn có những khuyết điểm, những bệnh tật, bạn có phấn đấu khắc phục những khuyết điểm, vượt qua bệnh tật để thăng tiến bản thân không?
3) Chúa đã khoan dung, kiên nhẫn đợi chờ bạn ăn năn hối cải. Bạn có biết kiên nhẫn với người khác?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Nước Trời Được Ví Như Chuyện…
Đoạn Tin Mừng dài hôm nay chỉ có một chủ đề duy nhất: qua một số hình ảnh dễ hiểu, Nước Trời được Đức Giêsu phác lên những nét đặc thù, mà thoạt nhìn xem ra rời rạc, nhưng nếu nhìn thật kĩ, ta mới thấy chúng bổ sung cho nhau cách hết sức chặt chẽ. Vì thế, để có thể hiểu sâu rộng hơn về các dụ ngôn này, tôi thiết nghĩ cần phải đầu tư thêm đôi chút suy nghĩ nữa.
Hai dụ ngôn đầu chẳng hạn, được nhiều người giải thích như sau: sức mạnh của Nước Trời được ví như hạt cải, tuy nhỏ bé nhưng lại mọc thành cây lớn, như dúm men ít ỏi mà làm cho cả ba thúng bột dậy men, vì đó là sức mạnh của chân thiện mỹ, mà chân thiện mỹ thì không gì có thể cưỡng lại được. Giải thích như vậy thật có lý, nhưng chỉ mới dựa trên lý luận lô-gích về mặt lý thuyết; thực tế cho thấy: ngay cả giữa các tu sĩ, nhiều người còn nghi ngại về sức mạnh của gương mù gương xấu hơn là tin tưởng vào sức mạnh của gương lành hay nhân đức. Ngay cả Hội Thánh, tuy rất tự hào về các chân lý mình sở đắc nhưng nhiều khi vẫn run sợ, lép vế trước các thói đời, lạc thuyết… Vậy thì, trong suy nghĩ của Đức Giêsu, sức mạnh vô địch của Nước Trời hệ tại điều gì? Chắc chắn phải hệ tại ở điều gì khác xa thứ lô-gích thông thường lắm!
Còn dụ ngôn thứ ba thì được Đức Giêsu kể, rồi sau đó lại được chính Người giải thích, nhằm đáp ứng yêu cầu của các môn đệ. Nhiều người cho rằng, dụ ngôn này nói về tình trạng chịu vậy của người lành phải sống chung với kẻ dữ chờ ngày phán xét. Nếu quả thật là như thế thì, xem ra ý nghĩa của nó đi ngược hẳn tới độ, gần như triệt tiêu luôn hai dụ ngôn trước. Chắc chắn không thể thế được! Hơn nữa như nhiều người chúng ta vẫn hiểu: Đức Giêsu đang ví von Nước Trời giống như… hạt cải, nhúm men…, thậm chí nhiều cuốn Kinh Thánh còn đặt tiêu đề ‘dụ ngôn cỏ lùng’ dễ gây hiểu lầm: ‘Nước Trời giống như cỏ lùng’. Thực ra các dụ ngôn trên đều là các câu chuyện, và ở đây Nước Trời được ví như ba hành động chứ không phải ba vật thể; riêng dụ ngôn thứ ba (lúa tốt và cỏ lùng) Nước Trời được ví với thái độ của chủ ruộng: ông chấp nhận tình trạng sống chung tốt xấu vì một mục đích nào đó cao cả hơn nhiều. Nếu ta đọc cả ba dụ ngôn, và hiểu là ba hành động trong thế liên hoàn, và ta sẽ thấy ý nghĩa của chúng hiện ra rõ hơn; tôi xin phép thử suy diễn như sau:
Nước Trời chính là lòng từ nhân của Thiên Chúa, và là một thực tại mà trong đó lòng thương xót của Người ngự trị và hành động; lòng nhân này hầu như chấp nhận, và thực tế còn như ‘mong’ cho có sự dữ, ‘đòi’ phải có sự tội trên trần gian này, mọi nơi và mọi thời đại (kể cả trong Hội Thánh, trong đời tu… và đương nhiên nơi từng tâm hồn…) Felix culpa (tội hồng phúc) mà Thánh Âu-tinh nghiệm ra là thế đấy: ‘Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt!’ Yếu đuối và tội lỗi không hề làm cho tình yêu thương xót bị giảm sút hay thu hẹp chút nào. Thoạt nhìn, lòng nhân ái có vẻ như âm thầm và rất mực khiêm tốn, thế nhưng trước tội lỗi và sự dữ, hình như nó lại càng lớn mạnh và bùng nổ mạnh mẽ hơn: ‘Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải (nhỏ bé) người nọ lấy gieo trong ruộng mình…như nắm men vùi vào ba thúng bột…’; và cũng chính trong cái môi trường tội lỗi và thấp kém đó (thửa đất đen hay mấy thúng bột chai lì) mà lòng thương xót càng chứng tỏ được sức mạnh cải tạo và biến đổi vô địch của nó, ‘cho đến khi tất cả bột dậy men’.
Lấy trường hợp thầy thuốc để minh họa, một hình ảnh mà Đức Giêsu rất hay sử dụng để nói về mình: nghề của thầy thuốc rất cần…, tới độ đôi khi gần như ‘đòi’ phải có người đau yếu bệnh tật. Người ta không gởi bác sĩ tới một nơi toàn những người khỏe mạnh, lành lặn, trái lại con bệnh càng nhiều với những chứng bệnh càng hiểm nghèo thì tay nghề của bác sĩ, không những không mai một, mà ngược lại còn phát huy và nổi danh hơn. Cũng vậy, một bác sĩ giỏi được gởi tới bệnh viện là để chữa cho thật nhiều bệnh nhân, nhất là những con bệnh nặng nhất, và ông phải ở lại đó… cho tới khi tất cả bệnh nhân hoàn toàn bình phục trước khi có thể về nhà. Nước Trời của Đức Kitô là như thế đó, và kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa cũng là như thế đó!
Cụ thể hơn, ta thử nhìn vào trường hợp cha sở họ Ars – thánh Gioan Maria Vianey; một hình ảnh mà tôi đã nhiều lần chiêm ngắm trong sứ vụ linh mục của mình. Sứ mệnh mục tử tìm chiên lạc của ngài gần như đòi ngài phải được phái tới một họ đạo hẻo lánh, khô khan, nguội lạnh như cái họ đạo Ars xa xôi; và cũng chính vì được gởi tới cái họ đạo tội lỗi bê tha đó mà, từ một linh mục tầm thường vô danh Gioan Maria đã trở nên lừng danh thánh thiện; và vì ngài đã trung thành ở lại phục vụ chứ không trốn chạy (như đã có lần ngài muốn làm vì nản chí) mà họ đạo Ars và cả vùng lân cận dần dần được cải hóa. Có như thế, Jean Marie Vianey mới nối bước theo chân Thầy Giêsu, mới xứng danh là linh mục của Nước Trời, linh mục của Thầy Giêsu cứu độ, linh mục của Thiên Chúa nhân hậu và xót thương.
Tôi cũng không thể khác hơn! Chính vì muốn trở nên một linh mục (hay Kitô hữu) của Nước Trời mà tôi phải chấp nhận, và vui sướng được, sống giữa một trần gian tội lỗi, hầu nhiều người có thể nhận ra rằng: ‘Nước Trời đang ở giữa anh em’.
Lạy Thiên Chúa là chủ của Nước Trời đang được thể hiện nơi trần gian, xin biến đổi con nên linh mục của Nước Trời, để con không phàn nàn kêu trách tội lỗi của người đời, không khó chịu chán nản trước các lầm lỗi của chính con, cũng như của giáo dân con chăm sóc. Ngược lại, xin cho con biết dâng lời cảm tạ vì nhờ đó con càng được đồng hành với lòng thương xót Chúa hơn, được tiến bộ và lớn mạnh lên trong sức mạnh yêu thương, và được tham gia vào hiệu năng cải hóa và biến đổi, mà chỉ có lòng thương xót của Thập Giá mới có thể mang lại. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Sao Bạn Lại Nói Chúa Phạt?
Đôi khi chúng ta thường độc miệng nói những lời xui xẻo đến với anh em. Có người khi thấy bạn bị tai nạn thì bảo Chúa phạt nó vì cái tội bỏ Chúa. Có người bị bệnh thì bảo là Chúa cho bệnh để mà có thời giờ đền tội. Có người làm ăn lam lũ mà vẫn nghèo thì nói chắc đời cha ăn ở ác nhân nên Chúa phạt con cái như cha ông xưa nói: “đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Có người nói Tàu đang bị thiên tai liên tiếp nên nói: Chúa phạt vì Tàu dám động đến trời cao…
Thiên Chúa không phạt con người. Những gì Tàu đang chịu là do chính họ đã gây ra như xây đập thiếu tính toán, rồi phá rừng gây nên lũ lụt. Thiên Chúa cũng không mang đang tai họa cho ai, vì tất cả những sự dữ xảy ra đôi khi là do chính con người đã tiếp tay với ma quỷ để gieo vãi sự dữ dẫn đến đau khổ, bệnh tật và tai ương …
Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta thấy Ngài là một người cha nhân lành. Ngài có giận thì giận trong giây lát nhưng yêu thương thì vô bờ. Ngài đã được Chúa Giêsu ca ngợi là Đấng cho mưa rơi trên cả người lành cũng như kẻ dữ. Hơn nữa, Người còn tạo dựng ra con người giống hình ảnh Người nên chắc chắn một điều là Thiên Chúa luôn muốn con người được hạnh phúc, bình an.
Bài Phúc âm hôm nay nói rằng vì ma quỷ đã gieo sự dữ vào trần gian, và vào chính tâm hồn chúng ta. Sự dữ như cỏ lùng khiến cho tâm hồn chúng ta biến chất và mọc đầy cỏ dại là đam mê tật xấu. Chỉ cần chúng ta ngủ mê trong đam mê tội lỗi một thời gian thì cỏ dại sẽ mọc kín tâm hồn chúng ta. Chỉ cần chúng ta mải mê tìm kiếm những thú vui trần thế một thời gian thì con người chúng ta sẽ biến chất trở thành những con người ích kỷ, kiêu căng và truỵ lạc.
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn lúa và cỏ lùng như muốn nhắc nhở chúng ta sự phát triển rất nhanh của tính hư nết xấu trong con người chúng ta. Chỉ một chút thờ ơ thì cỏ lùng đã lấn lướt cây lúa. Cũng vậy, chỉ một chút mất cảnh giác cũng đủ chúng ta lây nhiễm biết bao thói đời xấu xa. Cỏ thì dễ mọc. Lúa thì phải chăm bón. Thói xấu thì dễ nhiễm, nhưng nhân đức phải tập luyện mới thành. Đó là nỗi khổ mà thánh Phaolô đã từng thốt lên: “việc lành tôi muốn làm mà tôi lại không làm. Việc dữ tôi không muốn làm mà tôi lại làm”. Đó là lý do mà có biết bao người đang hiền lành bổng dưng làm chuyện ác, đang sống tốt bỗng trở thành kẻ sát nhân. Đó cũng là mâu thuẫn tự nội tâm con người , đôi khi vượt tầm kiểm soát của chúng ta. Nhưng hôm nay Chúa bảo chúng ta đừng lo lắng hay thất vọng. Hãy tin tưởng vào sức mạnh của ân sủng Chúa. Chính Chúa sẽ hoàn tất những điều tốt đẹp nơi chúng ta. Tựa như một cây cải nhỏ bé tưởng chừng như bị nuốt chửng giữa cỏ dại um tùm nhưng một lúc nào đó nó sẽ trở thành cây cao bóng cả. Hay việc tốt chúng ta làm tuy nhỏ bé như nắm men được ủ vào ba thúng bột, thế mà nó làm cho tất cả đều phải dạy men. Hãy kiên nhẫn rèn luyện nhân đức. Hãy kiên nhẫn sửa lại lỗi lầm bằng những việc cao thượng hơn hầu khống chế những tính hư nết xấu trong ta.
Cuộc sống con người có cái tốt, cái xấu. Nó có thể biến chúng ta thành thiên thần hay ác quỷ trong một khoảnh khắc rất nhanh. Điều quan yếu là chúng ta đừng bao giờ mất cảnh giác với lời mời gọi đi vào đường xấu. Hãy tỉnh thức kẻo sa vào cám dỗ. Hãy nói không với tội lỗi. Hãy tránh xa môi trường xấu để giữ mình khỏi quyến luyến tội lỗi.
Xin cho tâm hồn chúng ta luôn tràn đầy ân sủng để trở thành những cánh đồng lúa xanh tươi bằng những việc lành phúc đức. Xin đừng để tính lười biếng và thói hưởng thụ mà biến hồn ta thành nơi chất chứa những điều xấu xa. Xin cho chúng ta biết chiến thắng cỏ lùng bằng việc rèn luyện những nhân đức tốt thay cho những cái xấu làm mất vẻ đẹp cuộc đời chúng ta. Ước gì chúng ta luôn biết cậy dựa vào ơn Chúa để hoàn thiện đời mình nên hoàn hảo như Cha chúng ta ở trên trời là Đấng hoàn hảo. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Thiên Chúa Không Tiêu Diệt Người Tội Lỗi
Khi nhìn thấy chiến tranh, khủng bố, bạo loạn và tội ác xảy ra nhiều nơi trên thế giới thì có người tỏ ra bất mãn, oán trách Thiên Chúa và chua chát kêu lên: “Chúa ở đâu? Tại sao Chúa để cho bao nhiêu thảm cảnh đau lòng xảy ra như thế mà không ra tay can thiệp? Biết bao người vô tội bị áp bức đọa đày bởi phường gian ác mà tại sao Chúa không cứu giúp? Tại sao Thiên Chúa không quét sạch những người gây ra tội ác để cho nhân loại được thái bình?”
Dụ ngôn “Cỏ lùng trong ruộng lúa” được trích đọc hôm nay soi sáng cho chúng ta biết tại sao có tội ác xảy ra trên thế gian. Chúa Giêsu nói:
“Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó!”
Qua dụ ngôn trên, Chúa Giêsu ví Thiên Chúa như chủ ruộng gieo vãi những hạt giống tốt vào ruộng mình, có nghĩa là Ngài đã dựng nên những con người có phẩm chất tốt lành trên thế gian. Trong khi đó, ma quỷ là kẻ thù nghịch với Thiên Chúa đến gieo cỏ lùng vào ruộng lúa, có ý nói ma quỷ gieo những mầm giống xấu xa, những ham muốn tội lỗi vào lòng dạ con người, khiến con người làm điều gian ác và thế là, chiến tranh, bạo loạn, tội ác… xảy ra khắp thế gian.
Trước thảm cảnh đau lòng đó, Thiên Chúa đã làm gì?
Ngài không thể còng tay người phạm tội, không bắt bỏ tù người gian ác, không tiêu diệt kẻ bạo tàn… vì làm như thế là không tôn trọng tự do con người. Tự do là phẩm tính cao quý nhất Thiên Chúa ban cho con người. Nhờ có tự do, con người trỗi vượt hơn tất cả mọi loài vật khác. Một khi đã ban tự do cho con người, Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng và không bao giờ lấy lại.
Cách duy nhất Thiên Chúa dùng để ngăn chặn con người ngừng làm hại nhau, đừng gây đau khổ cho nhau… là dạy cho họ biết rằng tất cả mọi người là anh chị em ruột thịt con cùng một Cha là Thiên Chúa nên phải xóa bỏ hận thù và phải yêu thương đùm bọc nhau.
Một khi người ta không vâng lời Chúa dạy, không giữ luật yêu thương thì Thiên Chúa vô cùng đau khổ, tan nát cõi lòng… mà không thể làm gì hơn.
Dụ ngôn “Cỏ lùng trong ruộng lúa” cũng cho ta biết rằng: Thiên Chúa không thể nhổ bỏ cỏ lùng làm hại lúa tốt trong ruộng, tức là không muốn diệt trừ phường gian ác làm hại người lành; Ngài “để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt…” (Mt 13,30).
Như thế, Thiên Chúa không tiêu diệt kẻ gian ác nhưng kiên nhẫn đợi chờ, đợi chờ họ hồi tâm và tỉnh ngộ, để nhận ra mọi người là anh chị em một nhà con cùng một Cha… Nhờ đó, hận thù sẽ được xóa bỏ, ghen ghét sẽ bị đẩy lùi, hòa bình và yêu thương sẽ ngự trị trong tâm hồn mọi người…
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã ban cho chúng con tự do vì chỉ khi có tự do, chúng con mới thật sự là người có phẩm giá cao đẹp, mới xứng đáng là hình ảnh của Chúa. Chúa cũng không bao giờ tước đoạt tự do mà Chúa đã thông ban cho chúng con vì không muốn chúng con sống như người máy, như nô lệ.
Xin cho chúng con không bao giờ dùng tự do để làm điều ác, nhưng biết sử dụng tự do để làm lành, lánh dữ, nhờ đó chúng con trở thành người có phẩm chất cao đẹp và đạt được hạnh phúc muôn đời.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Khát Vọng
CN 16TN.A – (Mt 13, 24-43)
Thửa ruộng tâm hồn con, Chúa ơi!
Đan xen tốt xấu của tình đời
Cỏ lùng chen chúc hồn hoang dại
Cây lúa lưa thưa dạ rối bời
Ước vọng Hòa Bình thôi xáo động
Khát khao Công Lý hết chơi vơi
Hồng ân Thiên Chúa xin tuôn đổ
Thánh hóa cuộc đời được xinh tươi.
Hạt Nắng
Hồng Ân
CN 16TNA – (Mt 13, 24 – 43)
Chuộng tiếng khen tỏ ra đạo đức,
vỏ bề ngoài hình thức nghiêm trang.
Lòng dạ tính toán mưu toan,
kiếm tìm danh vọng, giàu sang, uy quyền.
Như cỏ lùng đảo điên chen lấn,
át lúa non chấp nhận hơn thua.
Thói đời sáng nắng chiều mưa,
hồn con chết ngạt ngày mùa kề bên.
Hồn khắc khoải xiết rên khốn khổ,
mong trời cao tuôn đổ hồng ân.
Giúp con thánh hóa bản thân,
đón nhận ân sủng Thánh Thần trao ban.
Biến đổi con đầy tràn sức sống,
quyết giã từ ảo mộng trần gian.
Vượt thắng cám dỗ nguy nan,
vươn mình đón gió đại ngàn reo vui.
Như hạt lúa chôn vùi bé nhỏ,
vẫn lớn lên sáng tỏ phận mình.
Mùa gặt Chủ Ruộng phân minh,
Lúa vàng đón nhận ân tình thiên thu.
Hồn con thoát cảnh ngục tù …
Bâng Khuâng Chiều Tím
Công Lý Tình Thương
CN 16TNA – (Mt 13, 24 – 43)
Vui giữa cánh đồng thênh thang,
đong đưa từng hạt lúa vàng,
nhè nhẹ trong làn gió mát,
khúc hát hòa ca vang.
Đi giữa cuộc đời nhân sinh,
xin dâng trọn một mối tình,
tin vào hồng ân Thiên Chúa,
nâng đỡ, hồn trung trinh.
Dù đời bao cám dỗ, gieo rắc đường con đi,
có Chúa con lo gì, vững vàng con bước tới.
Cỏ lùng chiêu thức mới, lấn át, hòng chia phôi,
có Chúa trong cuộc đời, lúa vẫn mọc sinh sôi.
Bông lúa chín vàng thơm hương,
hồng ân hạnh phúc miên trường,
cỏ lùng gom lại thiêu đốt,
công lý của tình thương.
M. Madalena Hoa Ngâu
Thiên Chúa – Gương Kiên Nhẫn
CN 16TN.A – (Mt 13, 24 – 30)
Sống giữa trần gian vàng thau lẫn lộn,
ánh sáng chói ngời, bóng tối cũng bon chen.
Như ruộng lúa cỏ dại mọc đan xen,
Lời Chúa dạy con,
hãy luôn tỉnh thức, nguyện cầu và chiến đấu.
“Nhân vô thập toàn!” Chúa ơi! Ngài đã thấu,
bao tính hư, tật xấu, phận ươn hèn.
Danh vọng, kiêu kỳ, nhỏ mọn lẫn hờn ghen,
con ngại qua cửa hẹp,
ngại đẩy lùi tội lỗi.
Thửa ruộng trần gian ngập chìm trong bóng tối,
hạt giống Ngài gieo mầm khát vọng yêu thương.
Hòa Bình, Công Lý là ánh sáng soi đường,
đã bị cỏ bất tuân,
cỏ tham lam,
cỏ uy quyền,
cỏ thống trị,
viết lên những trang sử buồn đầy tang tóc.
Mảnh ruộng hồn con luôn được Ngài chăm sóc,
gieo hạt giống Công Bình, hạt Bác Ái, hạt Yêu Thương.
Con lại tìm hư danh, lợi lộc, thiếu khiêm nhường,
nặng mùi trần tục,
con đã để cỏ khoe khoang, cỏ tự cao làm vẫn đục.
Tình yêu Chúa bao dung đầy nhẫn nhục,
vẫn ban nắng, ban mưa cho lúa lẫn cỏ lùng.
Kiên nhẫn đợi chờ giờ khắc điểm Cánh Chung,
chờ người tội lỗi và con quay về,
ăn năn trước khi mùa gặt đến.
Lòng Nhân Từ Chúa đốt lòng con say mến,
dạy con sống hiền hòa, quảng đại với tha nhân.
Biết nhạy cảm trước khổ đau,
biết nhìn anh chị em,
bằng ánh mắt trìu mến, ân cần,
Biết kiên nhẫn đợi chờ,
như Chúa hằng kiên nhẫn.
Đợi chờ con quay về,
đón nhận nguồn hồng ân,
niềm an ủi, ngọt ngào trong vòng tay từ ái.
***
Gương Kiên Nhẫn, Khoan Dung hôm nay Ngài răn dạy,
dạy con bắt chước Ngài,
trên bước đường loan báo Tin Vui.
AP. Mặc Trầm Cung