Sir Launfal, một hiệp sĩ trẻ hào hùng. Một ngày nọ chàng hiệp sĩ lên đường đi truy tìm chiếc chén thánh mà Chúa Giêsu đã sử dụng trong bữa tiệc ly. Khi chàng bắt đầu rời khỏi thành phố ra đi thì gặp ngay một người cùi đang ngồi ăn xin bên vệ đường. Chạnh lòng thương, chàng đã giúp cho người cùi một đồng, rồi ra đi.
Chàng tìm hoài tìm mãi, nhưng chẳng thấy chén thánh đâu !
Thất bại, chàng hiệp sĩ bèn lên ngựa quay trở về nhà. Lúc này chàng đã già hơn xưa sau cuộc hành trình tìm kiếm thật gian khổ. Còn người cùi vẫn ngồi ăn xin ở chỗ cũ. Chàng hiệp sĩ chẳng còn tiền bạc gì nữa để cho, anh chia sẻ với người cùi mảnh bánh vụn còn lại của anh. Ăn xong, họ chẳng có gì để uống. Chàng hiệp sĩ bèn lấy cái tô của người cùi đi tìm nước cho người cùi uống. Khi chàng bưng tô nước quay trở lại đưa cho người cùi thì người cùi đã biến thành Chúa Giêsu và tô nước hoá nên chén thánh mà chàng đang đi tìm kiếm.
Cách hành xử của chàng hiệp sĩ giống cách hành xử của người Samaria trước người bị nạn: là một người đáng thương cần được cứu giúp, và ông đã ra tay dù chính mình đang bân rộn với sứ mạng…
“Hãy đi và làm như thế…” (Lc 10,37)
Chúa Giêsu nói với người thông luật nơi gương theo người Samaria, thấy người anh em đồng loại xa lạ, dù không cùng gia tộc, lại là người bất đồng chứng kiến trong niềm tin, nhưng trong cơn “hoạn nạn thập tử nhất sinh”, anh đã dừng lại, băng bó vết thương, thanh toán mọi chi phí cho chủ quán. Trong lúc Thầy tư tế lo việc dâng của lễ, Thầy Lêvi trợ tế trong các việc phụng vụ, đã thấy người anh em cùng dân tộc, niềm tin trong cơn hoạn nạn trước đó, nhưng lại bỏ đi qua…
Tình yêu mà Chúa Giêsu nói đến có hai chiều kích: Yêu mến Thiên Chúa và yêu mến anh em. Việc tôn thờ, yêu mến Thiên Chúa có lẽ chẳng ai thắc mắc. Còn chiều kích yêu mến với anh em thì Chúa Giêsu đã làm một cuộc cách mạng khi mạc khải một tình yêu không biên giới nơi tha nhân bằng dụ ngôn người Samaria nhân hậu(x. Lc 10,30-35).
Do những nguyên nhân về lịch sử và thực hành tôn giáo, người Samaria và người Do Thái không ưa nhau, quan hệ giữa hai miền này rất căng thẳng đến nỗi họ không thể nói chuyện với nhau. Người Samaria là những người cư ngụ trong miền Trung, khoảng đất giữa Giuđê và Galilê, về phía tây sông Giođan. Họ chỉ chấp nhận Bộ Ngũ Thư là Kinh Thánh và đã xây mộtđền thờ trên núi Garidim để thờ Giavê. Trong lúc người Do Thái hành hương về đền thờ Giêrusalem. Với người Do Thái, người Samaria là lạc đạo, như Dân ngoại. Và người Samaria cũng đáp lễ với người Do Thái cùng cách cư xử. Vì thế người phụ nữ thành Samaria khi đàm đạo với Chúa Giêsu đã chất vấn sự khác biệt này và đặt vấn đề cách thờ phượng ở Giêrusalem hay tại núi Garidim, ở đâu là việc thờ phượng chính đạo (x. Ga 4,21). Trước đó, chị cũng bày tỏ ngạc nhiên khi Chúa Giêsu – người Do Thái xin chị là người Samaria nước uống, chị bối rối và trả lời: “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?”. Các môn đệ của Chúa là người Do Thái rất ngạc nhiên khi Chúa nói chuyện với người phụ nữ Samaria. Cũng thể Tin Mừng Gioan đã khẳng định: “Quả thế, người Do thái không được giao thiệp với người Samaria” (x. Ga 4,1-42)
Vì thế, chúng ta hiểu cách hành xử một làng Samaria không tiếp đón Đức Giêsu và các môn đệ hành hương về Giêrusalem (x.Lc 9,51-54).
Trong dụ ngôn Chúa Giêsu trình bày, người Samaria đã vượt qua ranh giới chủng tộc mà con người đã tự tạo ra để ngăn cách tình anh em, xé rào những bất đồng để đến cứu nguy người anh em Do Thái bị cướp, đánh đập nguy hiểm đến tính mạng. Chúa Giêsu cũng kêu gọi người anh em Do Thái cũng hãy đáp lễ, xé rào hận thù, xóa bỏ ngăn cách của chủng tộc để đến với tha nhân mà bước đầu tiên là anh em Samaria bên cạnh. Trước đó, Chúa Giêsu đã xé rào bằng tinh thần đối thoại qua việc Chúa đã trao đổi với người phụ nữ Samaria, một hình ảnh tối kị trong quan hệ Do Thái – Samaria.
Yêu thương anh em và anh em chính là tha nhân, bất cứ người nào ngoài ta dù khác biệt dân tộc hay niềm tin, “Cứ làm như vậy là sẽ được sống” (Lc 10,28) như Chúa Giêsu đã truyền. Hãy thi hành một tình yêu không biên giới đối với tất cả mọi người dù là người thân cận hay có thù oán. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải yêu thương mọi người, kể cả những người không hợp với mình và thù ghét mình (Mt 5,44).
Tình yêu mới: “Yêu không biên giới”, là cơ bản trước mọi hành động của đời sống người Kitô hữu như thánh Augustinô nói: “Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Tình yêu sẽ cho ta biết ta phải làm gì. Không tình yêu, mọi hành độngđều vô nghĩa. thánh Phaolô nói rất rõ: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,3). Tình yêu không biên giới dành cho tha nhân là dấu chứng cho tình yêu của mình đối với Thiên Chúa, nếu có biên giới, tình yêu với Thiên Chúa là giả dối, như thánh Gioan Tông đồ có viết: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20).
“Tôi phải làm gì để được sống đời đời”, đó cũng là điều luôn thao thức trong tâm hồn tôi tâm hồn bạn. Tiếng vang vọng lại trong cõi lòng “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37): Làm như người Samaria nhân hậu, dám phá tan cái rào cản thù hiềm của ngăn cách chủng tộc, màu da, ngôn ngữ để giúp người anh em trong lúc khốn cùng cần có người giúp đỡ. Làm như người Samaria là thiệt thòi về thời gian, công sức, tiền của để cứu người anh em xa lạ có hiềm khích. Làm như hiệp sĩ Sir Launfal luôn hết lòng với anh em, làm thành tâm tình của tình yêu luôn vang vọng trong đời sống…
Thật thế, như Tagore tâm niệm:
“Tình yêu này là lời ca, lời ca đánh thức tôi. Lời ca dạy tôi những gì tôi đã học, chỉ cho tôi những nẻo đường bí mật và những vì sao nơi chân trời của trái tim tôi” (Tagore – Lời dâng).
Lm Vinh Sơn SCJ, Sài gòn 8/07/2017.