Jos. Vinc. Ngọc Biển
THỨ HAI
BÀN TAY CỦA NIỀM TIN VÀ QUYỀN NĂNG
(Mt 9, 18-26)
Xem lại CN 13 TN B
và Thứ hai tuần 4 TN.
Chúng ta vẫn thường nghe đến câu nói: “Con đường dài nhất là con đường từ miệng đến tay”. Thoạt nghe xem ra có vẻ khó tin, nhưng thực tế là vậy. Bởi lẽ vẫn còn đó những người chỉ thích nói mà không làm; chỉ thích nghe mà không muốn hành động. Vì thế, họ nói rất hay, khẩu lệnh rất kêu, nhưng làm thì không đáng gì!
Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thánh Mátthêu đã rất tinh tế khi tập chung đến hành động của bàn tay:
Trước tiên là lời van xin của vị kỳ mục: “Xin Ngài đến đặt tay trên nó, thì nó sẽ sống lại”;
Tiếp theo là hành động tin tưởng của người phụ nữ bị bệnh, bà tìm mọi cách để chạm tay vào gấu áo của Đức Giêsu để mong được khỏi bệnh;
Cuối cùng là hành động nhân ái của chính Đức Giêsu khi Ngài “… vào cầm tay đứa bé và nó liền chỗi dậy”.
Với ba hình ảnh khác nhau về cử chỉ bàn tay, thánh sử Mátthêu đã dệt nên một bức tranh diễn tả niềm tin của vị kỳ mục và người phụ nữ bị bệnh, đồng thời cũng làm toát lên quyền năng và ân sủng của Thiên Chúa qua bàn tay của Đức Giêsu.
Như vậy, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có một niềm tin mãnh liệt như vị kỳ mục và người đàn bà. Không được buông trôi, thất vọng khi những khó khăn, bệnh tật xảy đến trong đời. Những lúc như thế, hãy vững tin tuyệt đối vào Chúa. Mặt khác, noi gương Đức Gêsu, luôn dùng bàn tay của mình để hành động vì đức ái, luôn giúp đỡ và làm ơn cho tha nhân, nhất là những anh chị em kém may mắn hơn chúng ta.
Mong thay, Lời Chúa mà chúng ta vẫn lắng nghe hằng ngày sẽ được hiện tại hóa cách sống động nơi đời sống đức tin của chúng ta, để “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày hôm nay cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của người môn đệ Đức Kitô”.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Xin giúp chúng con biết sống liên đới và yêu thương mọi người như Chúa. Amen.
THỨ BA
XIN MỞ MIỆNG CON
(Mt 9, 32-38)
Hôm nay, Đức Giêsu đã chữa lành một người bị quỷ câm ám. Khi đã được thoát khỏi quỷ câm, người đó liền nói được.
Sau đó, Đức Giêsu còn đi khắp các làng mạc giảng dạy, chữa lành các bệnh tật.
Tiếp theo, Ngài đã mời gọi các môn đệ hãy đi để loan báo về tình thương của Thiên Chúa cho mọi người.
Khi nói đến câm, chúng ta thấy có hai dạng: một là câm ngoài ý muốn, tức là câm từ lúc mới sinh, hay bị một sự cố nào đó mà ảnh hưởng đến thanh quản, khiến bệnh nhân không nói được; hai là câm tự ý muốn, tức là đương sự không muốn nói.
Giữa hai dạng, câm ngoài ý muốn, tự bản chất, không ảnh hưởng đến ơn cứu độ. Tuy nhiên, dạng thứ hai, tức là câm tự ý muốn thì nguy hiểm, và có thể mất ơn cứu độ! Họ là những người mê tiền tài, danh vọng, dâm dục… nên mọi hành vi, cử chỉ đều hướng chiều về nó, khiếm người đó bị câm không nói được về Chúa cho anh chị em mình.
Thật vậy, nói về sự thanh thoát làm sao được khi chính mình ham tiền, hám bạc! Nói về sự từ bỏ sao được khi chính mình ham quyền, cố vị! Nói về khiết tịnh sao được khi chính mình khoái danh, sắc, dục…! Và, nói về đạo đức, bác ái, dấn thân, phục vụ… làm sao khi chính tôi còn đang tham sân si! Hay không thể nói về tha thứ được, vì tôi còn đang nuôi hận thù!
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy nên ngôn sứ của Đức Giêsu và thuộc về Ngài để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, chứ không chỉ như cái xác vô hồn hay chiếc bóng trong cuộc sống, để rồi sống buông tha, suy đồi và không dám làm chứng cho Tin Mừng. Bên cạnh đó, sứ điệp Lời Chúa cũng nhắc cho mỗi người chúng ta cần loại bỏ những hệ quả của ma quỷ như: độc địa, ích kỷ, gian tham, hận thù, rượu chè, cờ bạc… và không được đứng về phía sự ác để thành kiến, ghen tương, đố kỵ mà trà đạp người anh chị em chúng ta để đưa mình lên như những người Pharisiêu khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp sức cho chúng con, để chúng con không bị câm về phần hồn. Xin cho chúng con can đảm nói và làm chứng về Chúa cho anh chị em. Và, xin cho chúng con đừng vì miếng cơm manh áo mà chà đạp anh chị em mình xuống để vươn lên trong sự bất chính. Amen.
THỨ TƯ
“PHẢI TRUYỀN GIÁO”
(Mt 10, 1-7)
Xem lại CN 11 TN A,
thứ Sáu tuần 2 TN và thứ Tư tuần 25 TN
Truyền Giáo là bản chất của Giáo Hội. Nếu không truyền giáo, chúng ta đánh mất bản chất của mình. Vì thế, Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định “Giáo Hội vẫn sẽ tiếp tục là một Giáo Hội truyền giáo trong tương lai, bởi vì đặc tính truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo Hội” (Thông điệp Tertio Millennio Adveniente, số 57). Bởi vì Giáo Hội coi: “Truyền giáo là một ân sủng, ơn gọi xứng hợp, và là căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 14).
Hôm nay, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ chung chia sứ mạng mà Ngài đã lãnh nhận từ Chúa Cha. Sứ mạng ấy là: hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi hầu cho “muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).
Cùng một sứ mạng, Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta, những Kitô hữu, mỗi người một cách, hãy loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi bằng nhiều cách thế khác nhau để cho muôn dân được nhận biết Đức Giêsu và ơn cứu độ của Ngài mang lại.
Mong sao, lệnh truyền của Đức Giêsu “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15), và thái độ, ý thức về truyền giáo của thánh Phaolô cũng là của chính chúng ta: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9, 16).
Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn trợ lực cho các nhà thừa sai trên cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội, để các ngài chu toàn bổn phận đã được trao phó, đồng thời, xin cho chúng con được trở nên môn đệ và được tiếp bước với Chúa trên cánh đồng mênh mông bao la hiện nay. Amen.
THỨ NĂM
CĂN TÍNH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ
(Mt 10, 7-15)
Xem lễ thánh Banaba Tông Đồ ngày 11/ 6
Đức Giêsu đã trao truyền cho các môn đệ sứ mạng và sự nghiệp của chính Ngài.
Thật vậy, hôm nay, như một người thầy nhắn nhủ các môn sinh của mình trước lúc lên đường, Đức Giêsu trao cho các ông quyền trên mọi thần ô uế, để các ông chữa lành, và củng cố lời giảng của mình, hầu cho lời giảng có giá trị và thuyết phục, đồng thời để lời nói và hành động không bị mâu thuẫn.
Sau đó, Đức Giêsu đã căn dặn các ông về căn tính của người môn đệ:
Trước tiên là nhiệm vụ của người ra đi: người được sai đi là để loan báo Tin Mừng chứ không phải là loan báo tin buồn, đồng thời sai đi để chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền chứ không phải gieo rắc đau thương.
Thứ hai là tinh thần của người ra đi: người được sai đi sẽ gặp không ít khó khăn, nên cần phải tin tưởng, trao phó mọi sự nơi Chúa. Ra đi trong tinh thần thanh thoát, không cần phải cồng kềnh và quá lo lắng cho ngày mai. Hãy là người tôi tớ phục vụ, bởi vì : “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”.
Thứ ba là thái độ của người ra đi: người môn đệ muốn được thành công thì phải mặc lấy thái độ của hạt lúa, tức là tự hủy ra không, phải nhân từ để “ngửi thấy mùi chiên” và “mang mùi chiên nơi mình”. Không ngại khổ, ngại khó và cần phải hy sinh. Luôn quan tâm đến người khác hơn là nghĩ về mình.
Thứ tư là lập trường của người ra đi: sống trong một xã hội chủ chương vô thần, muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi tư tưởng, nhận thức của con người. Lập trường của họ là không có Thiên Chúa, cũng chẳng có niềm tin… Vì thế, họ không ngần ngại uốn nắn và tìm đủ mọi cách dưới nhiều hình thức tinh vi để gây nên những hoang mang, thất vọng. Bên cạnh đó là những trào lưu tục hóa, những văn hóa phẩm đồi trụy… nhằm gieo rắc những chân lý nửa vời và làm cho con người lấn sâu trong tội mà không biết! Và cũng những con người đó, họ muốn loại bỏ người môn đệ của Chúa, vì thế, cái chết là kết cục cuối cùng của người môn đệ. Số phận của người môn đệ là: như chiên đi vào giữa bầy sói.
Tuy nhiên, lập trường của người môn đệ, trong mọi hoàn cảnh, không bao giờ và không có cách nào được phép đồng lõa, thỏa hiệp để chỉ vì mục đích “rẻ tiền” nhằm được yên thân. Lập trường của người môn đệ còn là hiện diện và sống những giá trị Tin Mừng cách thực tế chứ không chỉ lo cái gọi là bề ngoài cho thật “hoành tráng” theo thói đời, nhưng bên trong thì rỗng tuếch.
Thứ năm là chiến lược của người môn đệ: được mời gọi hiện hữu giữa thế gian nhưng không bị thế gian điều khiển và đẩy đưa để dẫn đến cái gọi là: dùng phương tiện xấu để biện minh cho mục đích tốt. Phải khôn như rắn để xây dựng, bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo Hội, và phải hiền lành, đơn sơ như chim bồ cầu trong tinh thần huynh đệ.
Cuối cùng, lời chào của người ra đi là lời chúc bình an của Chúa chứ không phải là những gợi ý, mong muốn để được nâng đỡ cách này hay cách khác mang tính phàm tục.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được trở nên môn đệ đích thực của Chúa như lòng Chúa mong ước. Amen.
THỨ 6
SỐ PHẬN NGƯỜI MÔN ĐỆ
(Mt 10, 16-23)
Xem lễ thánh Tử Đạo Việt Nam 24/11,
Lễ thánh Stêphanô 26/ 12
Từ vài năm qua, phong trào bách hại các tín hữu Kitô ngày càng gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có các nước như Irak, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia, Nigeria …
Thoạt nghe, chúng ta có thể thấy rất thương tâm và xót xa cho số phận của các Kitô hữu bị cách hại tại những nơi này!
Tuy nhiên, nếu quy chiếu cuộc đời người môn đệ với Đức Giêsu thì không có gì là lạ cả, bởi lẽ người môn đệ là người bước theo Đức Giêsu trên chính con đường mà Ngài đã đi. Bước theo Thầy thì Thầy đi đâu, trò đi đấy; Thầy sống sao, trò sống vậy; và số phận của Thầy cũng là số phận của trò.
Tư tưởng này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến ngày 05-05-2013, ngài nói: “Có quá nhiều những cộng đoàn Kitô hữu trong thế giới này đang bị bách hại. Con đường của các tín hữu Kitô là con đường của Đức Giêsu. Nếu muốn là các môn đệ của Ngài, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường Ngài đã chỉ ra với những hệ lụy là bị thế gian căm ghét”.
Chân lý đó được bắt nguồn từ những lời tiên báo của Đức Giêsu cho các môn đệ hôm nay. Ngài muốn báo trước cho các ông, để những sự việc đó đến, các ông can đảm và vững bước thi hành sứ vụ, dầu có phải chết.
Thật vậy, nếu Thầy Chí Thánh đã chấp nhận cái chết để làm chứng cho sự thật, cho tình yêu, thì đến lượt các môn đệ và mỗi chúng ta, chắc chắn không có con đường nào sáng giá hơn là con đường đón nhận hy sinh, đau khổ và ngay cả cái chết để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng của Ngài.
Ngày nay, tại đất nước của chúng ta chỉ còn chút ít những chuyện bách hại về mặt thể lý để ngăn chặn bước chân loan báo Tin Mừng. Có chăng chỉ là những vùng sâu vùng xa, do những con người thiếu hiểu biết gây nên mà thôi!
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra và suy tư một chút, hẳn chúng ta thấy hơn bao giờ hết, ngày nay, con người lại đang bị bách hại khủng khiếp nhất. Cuộc bách hại trên diện rộng và sâu xa, nó có sức tàn phá mãnh liệt hơn cả thương tích, chết chóc về mặt thể lý. Cơn cám dỗ đó đến từ những trào lưu tục hóa, những phim ảnh, sách báo đồi trụy, những chủ thuyết triết học hiện sinh muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của con người và xã hội, để thay vào đó là những quan niệm “tự nhiên có”; hay “có là do tôi làm ra”.
Dần dà, nó làm cho con người có những lựa chọn sai lạc vì những “chân lý nửa vời” chỉ đạo.
Thiết nghĩ, những cơn cám dỗ đó đến với người môn đệ, đòi hỏi chúng ta phải có một chọn lựa. Tiếp tục theo Chúa hay buông xuôi. Nếu theo Chúa thì phải cẩn trọng và cương quyết từ bỏ những quyến luyến, cám dỗ của bản năng.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết can đảm, trung thành theo Chúa đến cùng. Xin cho chúng con biết khước từ những điều bất chính để được thuộc trọn về Chúa. Amen.
THỨ 7
“ĐỪNG SỢ”
(Mt 10, 24-33)
xem lại CN 12 TN A
và CN 4 PS C.
Khi khởi đầu sứ vụ Phêrô, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Đừng sợ! Hãy mở rộng cánh cửa đón nhận Đức Kitô”. Tại sao Đức Giáo Hoàng lại nói như thế? Phải chăng ngài nhận ra một thế giới đang xa dần Thiên Chúa, hay lòng người đã buông xuôi và không chấp nhận hoặc không dám đứng về phía sự thiện?
Thật vậy, ngày nay, khi con người được Thiên Chúa quan phòng cho có khả năng để phát minh ra nhiều điều mới lạ, hữu ích để phục vụ nhân loại cho tốt hơn, thì cũng là lúc con người muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của họ. Bởi vì họ sợ Chúa và những giá trị Tin Mừng của Ngài làm cho họ phải thay đổi một nếp sống mà họ đang theo, nếp sống đó là sự bất chính, trái với Tin Mừng của Chúa dạy.
Như vậy, dù trong mọi hoàn cảnh, mọi thời… người môn đệ Chúa Kitô vẫn được sai đến với những nơi đang xa dần Thiên Chúa như thế. Dẫu biết rằng đây là điều khó, đôi khi phải chết vì sứ vụ.
Lời Chúa hôn nay mời gọi chúng ta đừng sợ cái giá phải trả cho việc làm chứng về Đức Giêsu. Hãy can trường tín thác nơi Chúa. Hãy tin tưởng vào Đức Giêsu vì Ngài đã thắng thế gian.
Mong sao trong mọi hoàn cảnh, chúng ta đều xác tín rằng: sự thật sẽ giải thoát chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn tỏa sáng niềm vui Tin Mừng trong cuộc sống. Xin cho chúng con luôn được ơn can đảm để dấn thân vào mọi môi trường, hầu loan báo về Chúa cho muôn dân. Amen.