“Ông hãy đi và cũng làm như vậy”. Đây là một một gợi ý cụ thể Chúa đang ngỏ với cộng đoàn phụng vụ của chúng ta hôm nay.
Hình ảnh người Samari nhân hậu được chú trọng cách đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, như một thông điệp được gửi đến cho mọi người, tín hữu cũng như lương dân. Bởi lẽ, trong xã hội của chúng ta, con người càng ngày càng dửng dưng vô trách nhiệm với nhau. Những thông tin đau lòng ở mọi lãnh vực chúng ta nhận được hằng ngày qua các phương tiện truyền thông là hậu quả của chứng vô trách nhiệm ấy.
Một căn bệnh nữa không kém phần nguy hiểm, đó là căn bệnh lý thuyết. Nơi nhiều người, lời nói khác xa với thực tế. Trong ngôn từ thì lớn lao, nhưng hiệu quả thì nhỏ xíu.
“Yêu là quan tâm đến người khác và mong muốn những điều tốt lành đến với người đó”. Đây là một trong những định nghĩa của tình yêu. Vì quan tâm đến người khác, nên người ta sẵn sàng chịu thiệt thòi và hứng chịu những phiền toái vì người mình quý mến. Bạn chỉ muốn điều tốt cho mình, mà dửng dưng trước những người mình quý mến, trong lúc họ gặp khó khăn, thì tình yêu nơi bạn chỉ là đầu môi chót lưỡi.
Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta thế nào là tình bác ái đích thực. Thánh Luca kể lại, trước tình trạng một nạn nhân bị đánh “nửa sống nửa chết” và bỏ rơi bên vệ đường, hai người đi ngang qua. Họ là những bậc vị vọng: một thày tư tế và một thày Lêvi. Hai vị này là những bậc đáng kính trong cộng đoàn phụng vụ Do Thái giáo và có chỗ ưu tiên trong Hội đường. Họ thường giảng dạy về đức bái ái và tỉ mỉ tuân giữa luật Môisen. Họ cũng được coi là những người trọn lành, hoàn hảo. Ấy vậy mà hai ông này “tránh qua bên kia mà đi”. Việc né tránh khi gặp người bị nạn là biểu hiện của chứng vô cảm, và cũng là hậu quả của bệnh lý thuyết mà không thực hành.
Nhân vật thứ ba là người Samari, tức là một người ngoại và đáng khinh. Dù không quen biết, không mối liên hệ, nhưng ông đã dừng lại chăm sóc cứu chữa nạn nhân một cách chu đáo. Ông đã chủ động nhận người bị nạn là người thân của mình. Ông không nhân danh một phong trào tổ chức hay tôn giáo nào, mà ông đại diện cho lòng nhân đạo, cho tình người.
Bài giảng của Chúa Giêsu đã làm cho cử tọa xôn xao. Những người vị vọng thì xấu hổ. Những người “thấp cổ bé họng” thì hân hoan. Bởi lẽ qua dụ ngôn này, Chúa đảo ngược quan niệm thông thường về người thánh thiện và người tội lỗi. Chúa xóa bỏ cái nhìn kỳ thị của người Do Thái đối với người ngoại giáo. Theo giáo huấn của Chúa qua dụ ngôn này, người biết quan tâm đến người bị nạn là người có tình yêu đích thực, bất kỳ họ mang nhãn hiệu nào.
Trong cuộc sống hiện tại, vẫn tồn tại một khuynh hướng chú trọng quá nhiều đến danh xưng. Có những danh xưng được mua bằng tiền bạc hay thủ đắc bằng dây dợ vây cánh. Tuy vậy, xã hội hôm nay đánh giá một con người không dựa trên chức vị hoặc danh xưng, mà dựa trên khả năng và tài đức của người đó đối với những người xung quanh. Những chức vị không đi kèm với tài đức sẽ biến người mang chức vị đó thành một nhà tài phiệt. Những hình thức đạo đức mà thiếu nhân tâm, hay những lời có cánh mà thiếu tấm lòng sẽ nhanh chóng bị tróc đi như lớp sơn kém chất lượng phủ phết bên ngoài một bức tường.
Không phải vô cớ mà thánh Luca nhấn mạnh, người đặt câu hỏi cho Chúa là một “nhà thông luật”. Thánh sử cũng cho biết ông ta muốn thử Chúa. Xem ra phép thử của ông đã thất bại, vì qua câu chuyện dụ ngôn, Chúa Giêsu đã buộc ông phải đưa ra câu kết luận cuối cùng. Thay vì đặt câu hỏi: Ai là người thân cận của tôi? Người thông luật được mời gọi đặt câu hỏi: Tôi là người thân cận của ai. Qua sự kiện một người thông luật đặt câu hỏi: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Thánh sử Luca muốn khẳng định ông này chỉ lý thuyết sách vở. Biết đâu, hình ảnh người tư tế hay Lêvi trong dụ ngôn lại là chính vị thông luật đang tỏ ra khôn ngoan về lý thuyết nhưng dại khờ về thực tế!
Bác ái yêu người là cốt lõi của Đạo Chúa. Ông Môisen nhắc lại cho dân Israen điều luật căn bản này, đồng thời khuyên họ hãy đem ra thực hành. Luật Chúa chẳng phải đâu xa, cũng không hệ tại ở những bài thuyết trình tràng giang đại hải. Luật ấy cũng chẳng vượt quá sức con người, nhưng rất gần gũi và giúp con người hướng thiện. Cách nói của ông Môisen đã diễn tả điều đó: “Lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em để anh em đem ra thực hành”. Nói cách khác, ngay thẳng trong ngôn hành, trung thực trong cách sống, chính là thực hành Luật của Chúa và đón nhận Lời Ngài.
Bác ái yêu thương cũng là giới răn mà Chúa Giêsu truyền dạy. Chúa Giêsu, Đấng là Thiên Chúa cao sang, đã không ngần ngại nhận chúng ta làm anh em. Người là người Samari nhân hậu đến trần gian để chăm sóc một nhân loại bầm dập vì tội lỗi, để phục con người, giúp họ trở về tình trạng thánh thiện nguyên thuỷ. Nhờ máu Người, mối giao hoà giữa Thiên Chúa và con người được tái thiết lập (Bài đọc II).
“Ông hãy đi và cũng làm như vậy”. Không rõ người thông luật phản ứng ra sao trước lời khuyên này, nhưng chắc chắn một điều, ông không còn dám khoe khoang sự thông thái của mình nữa.
“Ông hãy đi và cũng làm như vậy”. Đây là một một gợi ý cụ thể Chúa đang ngỏ với cộng đoàn phụng vụ của chúng ta hôm nay. Sau khi được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể, chúng ta lên đường, có Chúa ở với chúng ta. Hãy sống với nhau bằng tấm lòng để trở thành thân cận của anh chị em mình.
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên