“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 5, 17-37)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri; Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời. Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu. “Các con đã nghe dạy người xưa rằng: ‘Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án’. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là ‘ngốc’, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là ‘khùng’, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi, thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa ngươi ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao ngươi cho tên lính canh và ngươi sẽ bị tống ngục.
Ta bảo thật các ngươi biết: Ngươi sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng. “Các con đã nghe nói với người xưa rằng: ‘Chớ ngoại tình’. Còn Ta, Ta bảo các con: Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi. Nếu con mắt phải của con nên dịp tội cho con, thì hãy móc nó mà ném xa con; vì thà mất một chi thể còn lợi hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con nên dịp tội cho con, thì hãy chặt mà ném nó xa con; vì thà mất một chi thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. “Cũng có lời dạy rằng: ‘Ai ly dị vợ mình, thì hãy trao cho vợ tờ ly dị’. Còn Ta, Ta bảo các con: Hễ ai ly dị vợ mình, trừ trường hợp tà dâm, thì làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ đã ly dị, cũng phạm tội ngoại tình. “Các con cũng đã nghe có lời bảo người xưa rằng: ‘Chớ thề gian, nhưng hãy giữ trọn lời mình thề với Chúa’. Còn Ta, Ta bảo các con: Đừng thề chi cả; đừng lấy trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì đất là bệ chân Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả. Cũng đừng chỉ đầu ngươi mà thề, vì ngươi không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hay đen được. Nhưng lời nói của các con phải là: Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra”.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Luật Lệ: Giữ Trọn Hay Làm Nên Trọn? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 3
Sống Yêu Thương Như Chúa Dạy Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 5
Phẩm Giá Cao Qúy Của Con Người Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 6
THƠ TIN MỪNG
Thiên Pháp Hạt Nắng Trg 8
Đường Thiện Hảo Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 9
Luật Pháp Chúa M. Madalena Hoa Ngâu Trg 10
Luật Thiện Hảo A.P Mặc Trầm Cung Trg 11
Luật Lệ: Giữ Trọn Hay Làm Nên Trọn?
Đối với người Do Thái, Lề luật có tầm quan trọng số một. Thái độ trước lề luật chính là khuôn vàng thước ngọc để đánh giá một con người. Đức Giêsu cũng được các đồng bào Người đánh giá và chấp nhận dựa trên tiên chuẩn này; vì thế mà Người lên tiếng tuyên bố: “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” lề luật.
Không ai có quyền bãi bỏ luật lệ, trừ chính vị ra luật hay nhà lập luật. Trong Israel, chỉ mình Đức Chúa Giavê có quyền này; ngay cả Môsê cũng không, vì ông chỉ là người truyền đạt cho dầu luật có mang tên ông. Luật này cũng không cần được ai kiện toàn vì nó đã hoàn hảo; có chăng chỉ là giải thích và đó là bổn phận dành riêng cho các luật sĩ. Hiểu như thế thì lời công bố của Đức Giêsu có thể bị coi là lộng ngôn, vì không ai có quyền bãi bỏ cũng như không ai được phép ‘kiện toàn’ – sửa chữa bộ luật Môsê đã truyền lại.
Thông thường thì người ta sẽ coi như phá luật những kẻ không cặn kẽ tuân giữ lề luật. Rõ ràng nhóm Biệt Phái và luật sĩ đã nhận xét Đức Giêsu là như thế, do đó đã liệt Người vào hạng tội lỗi, vì cho rằng Người có thái độ coi thường, bất tuân luật thánh, cụ thể trong việc giữ ngày Sabát và các nghi thức tẩy rửa.
Về phần Đức Giêsu, Người luôn khẳng định việc căn kẽ giữ luật là cần thiết “một chấm một phết trong lề luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành”. Các môn đệ hiểu rõ điều đó cho nên sau này, kể cả khi Đức Giêsu đã về trời, họ vẫn tuân giữ căn kẽ mọi lề luật Môsê. Các tông đồ còn muốn mọi tín hữu (nhất là các người gốc Do Thái giáo) phải tiếp tục giữ trọn luật pháp theo lời Chúa dạy: “Ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời”. Tuy nhiên, sứ mạng đích thực của Đức Giêsu không nhằm kêu gọi dân chúng giữ luật. Điều này đã được các Pharisêu, các luật sĩ… và Gioan Tiền hô làm bằng nhiều cách. Người khẳng định: “Thầy đến… để kiện toàn luật Môsê!” Và không chỉ Người, mà bất cứ kẻ nào tin vào Người cũng phải kiện toàn lề luật như thế: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vài Nước Trời”. Tác giả Matthêu thẳng thắn muốn các tín hữu gốc Do Thái (đối tượng chính của sách Tin Mừng ông viết) phải hiểu rằng: Đức Giêsu và các lời Người dạy tuy không chống lại nhưng cao trọng hơn luật Môsê rất nhiều, “Luật xưa dạy rằng…. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…” Thế thì ta phải hiểu điều các khẳng định này theo ý nghĩa nào?
Trước hết ở đây ta không được hiểu Đức Giêsu tự giới thiệu mình là một nhà lập pháp mới (legislator novus), theo nghĩa giao ước mới thì đòi phải tuân giữ luật mới, cũng như giao ước cũ phải tuân giữ luật cũ của Môsê. Không! Đức Giêsu không phải là người làm luật, nhưng là người làm cho mọi luật được nên trọn. Không có Người, luật lệ cho dầu có thể là rất tốt, rất hoàn chỉnh, vẫn chưa có thể được coi là trọn; và duy nhất chỉ một mình Người mới làm được điều đó. Ai tin vào Đức Giêsu, đặc biệt qua biến cố tử nạn và phục sinh của Người, đều có khả năng kiện toàn, hay làm cho nên trọn bất kỳ luật lệ nào họ nắm giữ (dầu là luật dân sự bất toàn hay luật tôn giáo thánh thiện). Lòng thương xót, từ ái cứu độ của Thiên Chúa, mà Đức Giêsu mạc khải, mới là nền tảng duy nhất để canh tân và kiện toàn mọi thứ luật lệ. Chỉ cần nhìn vào các trường hợp được nêu trong bài Tin Mừng: không giết người, không ngoại tình, ly dị, thề gian dối… ta mới thấy chỉ Tin Mừng tình yêu Thiên Chúa mới có thể kiện toàn và làm cho chúng được nên trọn tới thế. Sự nên trọn này chắc chắn không hệ tại ở luật pháp hoàn hảo hơn hay kém, nhưng hệ tại ở thái độ bình an và tự do ta có khi nắm giữ các lề luật đó, trong tư thế của một người con được Chúa Cha yêu thương. Không tin tuyệt đối vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Kitô Giêsu, ta sẽ không bao giờ có được thái độ này, và đương nhiên sẽ thấy khó có thể chấp nhận các đòi hỏi của luật pháp, kể cả những lề luật hoàn thiện và cao đẹp nhất.
Phaolô biết rõ hơn ai hết sự cao đẹp của luật Môsê, nhưng cũng chính vì thế mà ông càng xác tín hơn ai hết về giới hạn của nó so với Tin Mừng. Trong chương 3 thư gởi giáo đoàn Galát ông lấy hình ảnh người giám hộ để chỉ luật Môsê rất thánh thiện (và bất cứ luật lệ nào khác, kể cả luật Hội Thánh), và hình ảnh con cái tự do để chỉ sự ‘kiện toàn – nên trọn’ của niềm tin vào Đức Kitô Giêsu. Tôi thiết nghĩ ông quả đã nắm bắt rõ vấn đề: “Khi đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa… vì tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa…” (Gl 3,25-26)
Ôi, niềm tin Kitô hữu vào tình yêu Thiên Chúa nhân ái thứ tha có khả năng nâng chúng ta lên cao biết mấy, vượt xa sự kiểm tỏa của luật pháp, cũng như mọi lo lắng sợ hãi của thưởng phạt nghiêm minh!
Trong tư cách là công dân Việt Nam, là Kitô hữu, là tu sĩ – linh mục… con phải khoác lên mình biết bao nhiêu thứ luật lệ. Con thâm tín một điều rằng không một luật lệ nào trong số đó tự nó có thể cứu thoát được con. Lạy Chúa từ nhân! Xin cho con được như Phaolô xác tín rằng: chỉ có niềm tin vào Chúa cứu độ và từ nhân mới giúp con làm cho các luật trên được nên trọn, đồng thời biến con thành con cái tự do đích thực của Cha trên trời. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty
Sống Yêu Thương Như Chúa Dạy
Theo thống kê của Bộ Y Tế trong dịp tết Canh Tý đã có hang ngàn người vì đánh nhau mà phải nhập viện. Đa số người nhập viện là thanh thiếu niên có sức khoẻ nhưng không làm chủ được bản thân.
Vì đâu mà người Việt nên nỗi? Đừng đổ lỗi cho thầy cô giáo, vì môi trường giáo dục nào cũng dạy học sinh phải trở thành người biết yêu thương, giúp đỡ mọi người. Đừng đỗ lỗi cho tôn giáo, vì tôn giáo nào cũng dạy biết yêu thương. Nhiều người Việt Nam rất sùng đạo, điển hình là ngày tết số lượng người đến lễ Chùa có lẽ còn đông hơn đi du lịch. Vậy tại sao nhiều người vẫn bạo lực và bất khoan dung với nhau?
Người Công giáo luôn được Kinh Thánh dạy dỗ biết sống hiền lành và khiêm nhường , biết sống bao dung và ôn hoà như Đức Kitô, thế mà ở đâu đó ta vẫn thấy người có đạo đã sống thiếu tình yêu. Thậm chí, có người còn nói rằng tin đạo chứ không tin người có đạo. Bởi vì vẫn còn đó những người mang danh Kitô hữu mà sống thiếu bác ái, thiếu công bình và thiếu tình yêu. Họ đi lễ nhưng không dám sống thánh lễ trong cuộc đời của họ. Họ có đạo nhưng hành động của họ lại ngược với giáo huấn của Chúa. Họ vẫn đến nhà thờ nhưng vẫn trộm cắp gian tham, vẫn ăn gian nói dối, vẫn cãi nhau , chửi nhau giữa chốn chợ đời …
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống theo tinh thần Phúc Âm. Hãy ăn ở ngay lành. Hãy làm việc thiện. Hãy từ bỏ những tính hư nết xấu, những đam mê tội lỗi. Đừng có đạo mà sống xa rời tình nghĩa với anh em, xa rời tình nghĩa với Chúa. Đạo không dừng lại ở việc tuân giữ điều này điều kia mà còn thể hiện tình liên đới, sự chia sẻ, cảm thông với anh em. Đạo Chúa còn coi trọng sự hoà giải với nhau hơn cả việc đến dâng của lễ. Vì khi “anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ mà sực nhớ có người đang bất bình với anh, thì hãy bỏ của lễ mà đi làm hoà trước đã rồi hãy trở lại mà dâng lễ”.
Sống giữa một xã hội đầy hận thù như vậy, người Kitô hữu chúng ta được mời gọi phải sống triệt để giới răn yêu thương để làm chứng cho Tin Mừng. Yêu thương thì “chín bỏ làm mười”. Yêu thương thì nhẫn nại đến nỗi “người ta có tát má này thì đưa má kia cho người ta tát”. Yêu thương thì luôn sống bao dung và sẵn lòng cầu nguyện cho kẻ đã xúc phạm đến mình.
Nguyện xin Chúa là Đấng đã tha thứ cho mọi tội khiên của nhân loại xin cũng tha thứ cho những yếu đuối của chúng ta, và xin Ngài giúp chúng ta cũng biết sống tha thứ và hoà giải với nhau. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Phẩm Giá Cao Quý Của Con Người
Dưới chế độ chiếm hữu nô lệ khởi đầu từ năm 1502, người nô lệ da đen Châu Phi bị săn bắt như những con thú rừng, bị lùa lên tàu buôn như súc vật rồi bị đem đi bán cho các chủ đồn điền, cho những chủ nhân khai thác hầm mỏ ở Châu Mỹ… như những món hàng ngoài chợ. Họ không được xem là con người mà chỉ như là con vật, bị đối xử như súc vật, như trâu kéo cày, như ngựa kéo xe…
Như thế, người nô lệ không có chút phẩm giá nào trước mắt chủ cũng như trước mặt mọi người trong xã hội đương thời.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là trong xã hội phong kiến, phẩm giá của người phụ nữ cũng bị hạ thấp so với nam giới. Họ phải gánh chịu nhiều trói buộc, bị nhiều thiệt thòi, bị xem thường… vì não trạng trọng nam khinh nữ.
Theo quan điểm của những người theo thuyết tiến hóa, họ cho rằng con người là hậu duệ của loài khỉ, vượn… do khỉ, vượn tiến hóa mà thành, thì phẩm giá con người không hơn loài vật bao nhiêu.
Phẩm giá con người theo nhãn quan Kitô giáo
Trong khi đó, theo giáo lý Công giáo, con người có phẩm giá rất cao.
– Con người có phẩm giá rất cao vì con người là tạo vật ưu việt của ba ngôi Thiên Chúa, do chính Thiên Chúa sáng tạo nên theo hình ảnh Ngài.
– Con người có phẩm giá rất cao vì con người là con chí ái của Chúa tể trời đất, được Thiên Chúa ưu ái như đứa con bé bỏng trong gia đình.
– Con người có phẩm giá rất cao vì con người, một khi đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, được trở thành một phần trong thân thể Chúa Giêsu (I Cr 6,15, GLCG số 1267).
– Con người có phẩm giá rất cao vì con người được đồng hóa với Thiên Chúa, được nên một với Chúa; vì thế, những gì ta làm cho người chung quanh là làm cho chính Chúa. “Con Thiên Chúa đã làm người để biến chúng ta thành Thiên Chúa” (Thánh Athanasio, GLCG số 460).
Như thế, theo giáo huấn của Hội Thánh Công giáo, con người có giá trị cao vời, cao tột đỉnh.
Chính vì thế, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải tôn trọng phẩm giá con người tối đa. Việc gây tổn thương cho con người dưới mọi hình thức đều bị Chúa Giêsu lên án mạnh mẽ.
Vì thế, chẳng những “không được giết người” mà ngay cả việc hờn giận người khác cũng bị luận phạt: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà”; ngay cả việc mắng chửi người khác cũng bị tuyên án gắt gao như lời Chúa nói: “Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt”, còn ai đang có điều bất hòa với người khác thì phải liệu làm hòa trước khi đến dâng lễ vật cho Thiên Chúa (Mt 5,22-23).
Ngoài ra, chiếu theo luật Môsê: “Con cái phải thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử!” (Mc 7,10).
Và ngay cả kẻ thù cũng phải được thương yêu, cả những người tội lỗi cũng phải được tôn trọng, những kẻ bé mọn nhất cũng không được xem thường (Mt 18, 10).
Nói tóm lại, vì con người có phẩm giá rất cao, nên phải tôn trọng mọi người cách tuyệt đối và không được xúc phạm con người dưới bất cứ hình thức nào. Mọi hình thức khinh khi, mắng chửi, xúc phạm con người đều bị Thiên Chúa lên án nặng nề.
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con hết lòng cảm tạ Chúa vì từ thân phận bụi đất thấp hèn, Chúa đã nâng chúng con lên hàng thần thánh, cho làm con của Vua cả trời đất, cho trở nên phần thân thể của Thiên Chúa chí tôn và được Chúa cho nên một với Ngài.
Xin cho chúng con luôn biết tôn trọng, yêu mến, phục vụ những anh chị em chung quanh, vì họ cùng là anh chị em con cùng một Chúa, cùng là những chi thể trong thân thể Chúa, cùng được chung hưởng hạnh phúc với Chúa trên thiên đàng mai sau.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Thiên Pháp
CN 6 TNA – (Mt 5, 17 – 37)
Luật pháp kiện toàn Chúa rộng ban
Yêu thương, thanh khiết chẳng tà gian
Điều không nói có loài ma quỷ
Chuyện bé xé to thuộc ác thần
Lòng dạ thẳng ngay đường chính trực
Tâm hồn trong trắng lộ bình an
Tuân hành luật lệ hồn vui thỏa
Công lý, hòa bình phúc tỏa lan.
Hạt Nắng
Đường Thiện Hảo
CN 6 TNA – (Mt 5, 17 – 37)
Đường lối thế trần sao dối gian!
tham lam, ích kỷ lắm bạo tàn.
U tối lương tâm mong tiến chức,
chà đạp nhân quyền, thích cầu an.
Thỏa mãn dục tình, nát gia trang,
chồng chung vợ chạ, sống lăng loàn.
Mua vui mây gió, đùa thân xác,
nhân phẩm lụi tàn, trí hoang mang.
Chính trực lu mờ, tối lương tâm,
lời gian, lời dối, thỏa thuận ngầm.
Đổi không thành có, gây mâu thuẫn,
ma quỷ gieo mầm, nát tình thâm.
Luật pháp công minh Chúa kiện toàn,
bao dung nhân hậu, diệt mưu toan.
Cảm thông, tha thứ, tình hòa giải,
tay bắt, mặt mừng vui hân hoan.
Quí trọng tâm hồn, thân xác ta,
đề cao nhân phẩm, sống thật thà.
Gìn giữ trung trinh, hồn thanh sạch,
đền thờ Chúa ngự ngát hương hoa.
Đường lối Chúa Trời, sống yêu thương,
luật pháp Tình Yêu, giữ kiên cường.
Kỷ cương tuân giữ, gieo nhân ái,
hoa lòng tươi nở khắp muôn phương.
Bâng Khuâng Chiều Tím
Luật Pháp Chúa
CN 6 TNA – (Mt 5, 17 – 37)
Lạc bước cuộc đời, con sa vòng tội lỗi,
cuộc sống bon chen, tâm hồn phủ mây đen.
Giận dỗi, ghét ghen, bao toan tính thấp hèn,
phỉ báng, đua tranh,
tìm kiếm chút hư danh.
Tình Chúa yêu thương, sáng soi đường công chính,
hạnh phúc, bao dung, giao hòa với anh em.
Của lễ con dâng, đơn sơ thắm ân tình,
trong sáng tâm hồn,
đẹp lòng Đấng Chí Tôn.
Luật pháp Chúa! Công minh.
Luật pháp Chúa! Bao dung.
Luật pháp Chúa! Thanh cao.
sáng soi đường công chính.
Luật pháp Chúa! Thứ tha.
Luật pháp Chúa! Yêu thương.
Luật pháp Chúa! Cao quang,
cho cuộc đời nở hoa.
Nhịp bước hân hoan, vâng theo đường lối Chúa,
đời sống tươi vui, tình Chúa sống trong con.
Từ giã u mê, tránh xa mọi lối mòn,
thánh hóa tâm hồn,
tôn thờ Đấng Chí Tôn.
M. Madalena Hoa Ngâu
Luật Thiện Hảo
CN 6TNA –(Mt 5, 17 – 37)
Lề luật Chúa cao minh chính trực,
dạy con đường đích thực yêu thương.
Bao dung, nhân hậu, khiêm nhường,
giao hòa, tha thứ tình thương nồng nàn.
Không ghen ghét, vu oan, chì chiết,
không giận hờn, mắng nhiếc, rẻ khinh.
Anh em nhân nghĩa chân tình,
tôn trọng sự sống, sinh linh kiếp người.
Hồn thanh khiết, vui tươi, cẩn mật,
biết giữ gìn nhân phẩm thanh cao.
Không ham hoa dại mời chào,
trân quí khiết tịnh ngạt ngào hương thơm.
Lòng ngay thẳng ươm mầm công chính,
không đặt điều, mưu tính gian ngoa.
Lời ăn tiếng nói thật thà,
thêm thêm bớt bớt quỷ ma chiếm lòng.
Đường ánh sáng thong dong ta bước,
luật Chúa truyền ân phước đời ta.
Lòng ngay chính, thắng gian tà,
lề luật thiện hảo đậm đà tình yêu.
Chim vui bay dưới nắng chiều,
đời con có Chúa phong nhiêu ân tình.
Luật pháp Chúa giữ trung trinh…
AP. Mặc Trầm Cung