Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
“Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Ấy là câu nói cửa miệng của những ai tin vào Thiên Chúa, Đấng là chủ tể mọi loài.
Với thánh Phaolô, ngài xác tin mạnh mẽ và quy hướng mọi sự về Thiên Chúa. Ngài khẳng định: “Phaolô trồng, Apollô tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho mọc lên” (1Cr 3,6).
Hôm nay, ngày mồng ba tết, cộng đoàn quy tụ nơi đây, để cùng nhau xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm cho chúng ta trong suốt năm mới.
Tuy nhiên, đây còn là dịp để chúng ta bày tỏ thái độ tích cực về lao động cũng như tìm hiểu về ý nghĩa, giá trị của lao động trong nhiệm cục cứu chuộc của Thiên Chúa.
1. Trở về nguồn để hiểu giá trị của lao động
ủa ban đầu của xã hội loài người, chúng ta thấy Tổ tông Ađam và Eva đã được Thiên Chúa trao ban vườn Địa Đàng để: “Canh tác và giữ vườn” (St 2,15). Mặc dù nơi đây là một nơi đầy đủ và hạnh phúc dồi dào! Tuy nhiên, con người không được ở yên, mà vẫn phải giữ vườn và canh tác…
Sang thời Đức Giêsu, chính Ngài đã nói với dân chúng rằng: “Cho đến nay, Cha Ta vẫn làm việc, thì Ta cũng làm việc” (Ga 5,17).
Ngài không chỉ nói, mà chính Ngài đã kinh qua trong suốt thời gian sống ẩn dật 30 năm trường trong gia đình Nazareth. Ngài đã cùng thánh Giuse lao động để kiếm tiền lo cho gia đình… Điều này đã được chính những người đồng hương với Ngài chứng minh: “Ông ta không phải là bác thợ mộc, con bà Maria sao?”(Mc 6,3).
Với thánh Phaolô, ngài coi lao động là một việc làm có giá trị, nên một đàng thánh nhân loan báo Tin Mừng, đàng khác, ngài không ngừng lao động chân tay để tránh sự phiền hà cho tín hữu. Khi lời nói đi đôi với hành động, thánh nhân đã cất lên lời khuyên bảo: “Ai không làm việc thì đừng ăn. Thế mà chúng tôi nghe nói trong anh em có những người sống vô kỷ luật, ăn không ngồi rồi, lại dây mình vào đủ chuyện. Đối với những người ấy, chúng tôi kêu mời và khuyến khích họ trong Chúa Kitô, hãy bình tâm làm việc và hãy tự tìm cách sinh nhai” (2 Tx 3,10b-13).
Như vậy, lao động là một việc làm chân chính, đáng tôn trọng. Hơn nữa, lao động còn là điều kiện cần để làm người đúng nghĩa. Nếu không lao động, con người không thể thăng tiến!
Bởi vì, lao động là vinh quang và khi lao động sẽ làm cho chúng ta trở nên giống Thiên Chúa hơn. Lao động còn cộng tác với chính Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, bởi vì, nhờ lao động, con người không ngừng làm cho thế giới này ngày càng đổi mới, thăng hoa và tốt đẹp. Khi lao động, chúng ta làm cho bức tranh nhân loại đã được Thiên Chúa tác tạo trở nên sống động và khởi sắc từng ngày.
Nói như thế không có nghĩa là Thiên Chúa không thể làm cho hoàn thiện? Không! Ngài là Thiên Chúa quyền năng, nên Ngài làm được mọi sự. Tuy nhiên, Ngài muốn cho con người cộng tác để sinh ích lợi cho chính chúng ta.
Hơn nữa, khi lao động, con người có cơ hội làm cho tinh thần minh mẫn, trí óc hoạt động, và nhờ đó mà có thể có những phát minh hữu ích để phục vụ Giáo Hội và xã hội…
Thi hào Voltaire nói: Lao động xua đuổi xa ta 3 mối họa lớn lao ‘Buồn nản, thói hư và cùng túng’”. Sách Nho cũng nói: “Nhàn cư vi bất thiện”, và sách Tây thêm: “Sự ở nhưng là mẹ sinh ra các nết xấu”.
Với thánh Gioan Kim Khẩu thì: mỗi khi con người lao động, họ được tôn trọng hơn. Ngài ví von: “Con ong được quí trọng, vì nó làm việc không những riêng cho nó và cho cả mọi người nữa”.
Vì thế, chúng ta cần phải loại trừ quan niệm lệch lạc về lao động, coi lao động là bần tiện, khổ sai, nô lệ. Đây là cái nhìn nguy hại không chỉ cho đời sống thể xác, mà nó còn nguy hiểm cho đời sống tinh thần.
2. Ý nghĩa của ngày lễ thánh hóa việc làm
Ngày mồng ba tết được chọn để cầu nguyện xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm, Giáo Hội muốn mời gọi con cái mình hãy biết dâng cho Chúa và phó thác nơi Ngài tất cả. Tâm tình này đã được cha ông ta đúc kết thành câu đồng dao vừa để sống, vừa để răn dạy con cháu:
“Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cầy
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp”.
Chính niềm tin ấy, đã khiến cho tổ tiên ta luôn cậy dựa bám víu và biết ơn Ông Trời:
“Ơn Trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cầy sâu”.
Khi được mưa thuận gió hòa, và con người biết sống kết hợp với Ông Trời thì:
“Trời nào có phụ ai đâu!
Hay làm thì giầu, có chí thì nên”.
Tuy nhiên, vẫn có những người tưởng chừng như mọi sự là do mình, nên đã có thái độ kênh kiệu và ngạo mạn với Thiên Chúa. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, những người đó không sớm thì muộn, họ sẽ gặp những thất bại thê lương và sẽ chết trong sự ngu dốt của mình.
Vì thế, ngày mồng ba tết, chúng ta xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm là điều hợp lẽ vì: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công. Thành kia mà Chúa không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm” (Tv 127,1).
3. Thế nào là lao động trong công trình cứu chuộc?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dùng dụ ngôn “các nén bạc” để cho thấy rõ giá trị của lao động. Vì thế, với Lời Chúa vừa nghe, ta hiểu rằng:
Con người hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa và phải có trách nhiệm trước mặt Người.
Vì yêu thương, nên Thiên Chúa ký thác cho ta những nén bạc, và đòi hỏi chúng ta phải sinh lời thêm. Vì thế, không được phung phí cũng như ích kỷ chôn vùi đi. Nhưng phải làm cho nó sinh lợi theo thánh ý Thiên Chúa.
Như vậy, điều quan trọng giờ đây, đó là chúng ta cần đặt ra câu hỏi: Lao động cách nào cho đẹp lòng Chúa và hữu ích cho linh hồn?
Câu trả lời, đó là: lao động bằng trí óc và bàn tay chân chính, lao động bằng mồ hôi, khó nhọc của chính mình…
Thiên Chúa không bao giờ chấp nhận những chuyện làm ăn bất chính như: gian tham, hối lộ, bóc lột; buôn gian bán lận, lừa đảo; cờ bạc, số đề, cá độ; thiết lập những khu ăn trơi trác táng để làm giàu trên thân xác phụ nữ chốn lầu xanh…
Những thứ đó không phải là công khó của chính mình, mà là của người khác. Thế nên, không có ý nghĩa và giá trị cứu chuộc, vì không được Thiên Chúa chúc lành. Ngược lại, nén bạc Chúa trao cho chúng ta và đòi hỏi chúng ta phải sinh lời ra, đó là: từ bi, nhân hậu, công bằng, bác ái; liên đới, cảm thông, sống công chính…
Mong sao, mỗi khi xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm, chúng ta biết ý thức sự giới hạn của mình và biết cậy dựa vào quyền năng của Thiên Chúa, đồng thời, chúng ta cũng biết lựa chọn cách lao động chân chính, để qua đó, tâm hồn chúng ta được hướng thiện và đáng được hưởng ơn cứu chuộc. Amen.