SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY, CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM A (22/12/2019), THIÊN-CHÚA-Ở-CÙNG-CHÚNG-TA, [Is 7,10-14; Rm 1, 1-7; Mt 1, 18-24]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Xét về thời gian thì Chúa Nhật thứ 4 Mùa Vọng là thời gian cận kề với Lễ Chúa Giáng Sinh. Hội Thánh cho chúng ta đọc các Bài Thánh Kinh công bố Vị Thiện-Chúa-ở-cùng-chúng-ta là Đấng đã và sẽ đền trong đêm 24 tháng 12.
“Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” là mạc khải vĩ đại của Thiên Chúa cho loài người. Mặc khải ấy đem lại NIỀM VUI và làm nên CĂN TÍNH cho Dân riêng Chúa là Ít-ra-en xưa và Hội Thánh Chúa Ki-tô ngày nay.
Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn đón mừng “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” và sống mật thiết với Người để hưởng Niềm Vui mà Hài Nhi Giê-su là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta đã đem đến cho nhân loại nói chung, cho những người thành tâm thiện chí nói riêng.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Is 7,10-14): “Này trinh nữ sẽ thụ thai” Ngày ấy, Chúa phán bảo vua A-chaz rằng: “Hãy xin Thiên Chúa, Chúa ngươi, một dấu ở dưới lòng đất hay ở trên trời cao!” Nhưng vua A-chaz thưa: “Tôi sẽ không xin, vì tôi không dám thử thách Chúa”.
Và I-sai-a nói: “Vậy hãy nghe đây, hỡi nhà Đa-vít, làm phiền lòng người ta chưa đủ ư, mà còn muốn làm phiền lòng Thiên Chúa nữa? Vì thế, chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Em-ma-nu-el, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Rm 1,1-7): “Đức Giêsu, thuộc dòng dõi vua Đavít, là Con Thiên Chúa” Phao-lô, tôi tớ Chúa Giê-su Ki-tô, đã được kêu gọi làm Tông đồ và đã được tuyển chọn để rao giảng tin mừng Thiên Chúa. Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Đa-vít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần, đã sống lại từ cõi chết. Đó chính là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, nhờ Người, chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về Đức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giê-su đã kêu gọi.
Tôi chúc tất cả mọi người trong thành Rôma được Thiên Chúa yêu mến và kêu gọi nên thánh, được ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Đức Giê-su Ki-tô là Chúa chúng ta.

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Mt 1,18-24): “Chúa Giê-su sinh ra bởi Đức Ma-ri-a, đính hôn với Thánh Giu-se con vua Đa-vít” Chúa Ki-tô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Ma-ri-a đính hôn với Giu-se, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giu-se, bạn của bà, là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo.
Nhưng đang khi định tâm như vậy thì thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giu-se, con vua Đa-vít, đừng ngại nhận Ma-ri-a về nhà làm bạn mình, vì Ma-ri-a mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần: bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giê-su: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”.
Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-el, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.
Khi tỉnh dậy, Giu-se đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: ông tiếp nhận bạn mình nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Ma-ri-a sinh con trai đầu lòng, thì Giu-se đặt tên con trẻ là Giê-su.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Chúa là ai?)
Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa là:
* Đấng đã chiều lòng dân Ít-ra-en mà ban cho họ một dấu chỉ đặc biệt là “người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” có nghĩa là “Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”
* Đấng đã sai sứ thần đến giải thích và hướng dẫn cho ông Giu-se biết cách hành xử phù hợp với Thánh Ý và Kế Hoạch của Thiên Chúa: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”
* Đấng đã dùng các ngôn sứ mà hứa trước Đấng Cứu Thế và đã dùng Phao-lô để loan báo Tin Mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
* Đấng đã yêu thương các tín hữu Rô-ma (và mọi tín hữu khác) và kêu gọi họ làm thành dân thánh.

3.2 Sứ điệp hay Giáo Huấn của Lời Chúa (Chúa dậy gì hay Chúa muốn chúng ta làm gì?)
Qua ba bài Sách Thánh hôm nay, giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa là:
“Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
Thiên Chúa mời chúng ta đáp lại Tình Thương và Ơn Mạc Khải của Người bằng hai cách như sau:
4.1 Sống với Chúa là Đấng-đang-ở-cùng-chúng-ta nơi Chúa Giê-su Hài Nhi và Chúa Ki-tô Phục Sinh:
Người ngự trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta;
Người hiện diện trong các Bí Tích, nhất là Thánh Thể, và trong từng trang Sách Thánh;
Người có mặt trong cộng đoàn Hội Thánh và trong mọi người, nhất là trong những người nghèo hèn, túng thiếu, ở ngoài lề xã hội và bị khinh khi và lãng quên;
Người ẩn mình trong các biến cố lớn nhỏ của cuộc sống đời thường.
Công việc của chúng ta là tìm kiếm, khám phá ra Chúa và sống với Người với một tấm lòng ngưỡng mộ yêu mến, một tâm tình biết ơn và lời cảm tạ.

4.2 Thực thi Ý Chúa hay Giáo Huấn của Chúa là đón nhận Đức Maria và Con Trẻ Giêsu vào nhà mình.
Cụ thể là:
(a) Đón nhận Hài Nhi Giê-su là Thiên Chúa Ngôi Lời Nhập Thể làm người do quyền năng của Chúa Thánh Thần, là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta!
(b) Nhìn nhận Đức Ma-ri-a thụ thai Chúa Giê-su là do quyền năng của Chúa Thánh Thần nên vẫn là Nữ Trinh.
(c) Đón rước Chúa Giê-su và Mẹ Người vào nhà mình tức đón rước các Ngài vào tâm hồn và cuộc sống của mình; đối xử với các Ngài như những người thân thương nhất, cao trọng nhất.
(d) Thường xuyên dâng lời chúc tụng, ngợi khen Tình Thương và Quyền Năng của Thiên Chúa trong Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể.
Mỗi người nhìn lại xem mình đã và đang sống như thế nào với giáo huấn hay thánh ý trên của Thiên Chúa?

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh.» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các dân, các nước trong thế giới hôm nay, biết nhận ra dấu chỉ mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại.
Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

5.2 «Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ và Giáo Dân để mọi thành phần Dân Chúa mở rộng tâm hồn đón rước Thiên Chúa giáng thế làm người là Hài Nhi Giê-su sinh ra ở Bê-lem.
Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

5.3 «Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ!» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi người xác tín hơn nữa vào Con Trẻ Giê-su là Đấng cứu họ khỏi tội lỗi và sự chết.
Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

5.4 «Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người đang ngày đêm miệt mài với Công Cuộc Truyền Giáo cho những người chưa biết Chúa, ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, để họ hăng say và kiên trì với sứ mạng loan báo Tin Mừng.
Xướng: Chúng con cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

Sàigòn ngày 15 tháng 12 năm 2019
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.