Đức Thánh Cha viếng Đài Các thánh Tử đạo Nagasaki

Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha nói rằng các vị tử đạo là ký ức sống động và thúc đẩy canh tân việc loan báo Tin Mừng, đồng thời cũng mời gọi bảo vệ sự sống qua sự phục vụ âm thầm mỗi ngày, đặc biệt là những người nghèo khổ nhất.

Sáng Chúa Nhật 24/11, sau khi từ giã công viên bom nguyên tử, Đức Thánh Cha đi xe hơi đến đồi Nishizaka cách đó 3 km để viếng Đài Các thánh Tử đạo Nagasaki. Đây là nơi thánh Phaolô Miki và 25 bạn tử đạo bị xử tử theo lệnh của shogun Toyotomi Hideyoshi.

Thánh Phaolô Miki

Thánh Phaolô Miki là một trong những tu sĩ dòng Tên đầu tiên người Nhật. Khi vị Pháp quan Phật giáo yêu cầu ngài chối đạo: nếu giẫm lên các tượng Chúa Giêsu và Đức Trinh nữ Maria thì sẽ được sống, nhưng thánh Phaolô Miki đã từ chối vì tình yêu Chúa Kitô. Vì thế ngài bị đóng đinh trên một ngọn đồi ngay bên ngoài thành Nagasaki vào năm 1597, cùng với 25 vị khác.

Đài Các thánh Tử đạo Nagasaki

Đài Các thánh Tử đạo được xây bằng gạch đỏ, trên đó có 26 tượng đồng cao bằng người thật của 26 vị tử đạo Nhật Bản được xếp theo hình thánh giá. Năm 1981 thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã hành hương đến nơi này. Phía sau đài tưởng niệm là bảo tàng các vị Tử đạo, lưu giữ lịch sử của Kitô giáo ở Nagasaki với bộ sưu tập các đồ vật trong cuộc sống hàng ngày.

Đến đài các vị tử đạo Nagasaki vào lúc 10:45, Đức Thánh Cha được Giám đốc bảo tàng, một linh mục và một tu sĩ dòng Tên chào đón. Một gia đình dâng hoa cho Đức Thánh Cha và ngài đặt tại chân đài tưởng niệm. Sau đó Đức Thánh Cha đốt một ngọn nến rồi thinh lặng cầu nguyện trước đài tưởng niệm.

Diễn văn của Đức Thánh Cha

Bắt đầu bài nói chuyện, Đức Thánh Cha nói rằng ngài đến đây để cầu nguyện như một khách hành hương và để củng cố các tín hữu Nhật Bản trong đức tin

Đức Thánh Cha nhắc rằng đền thánh này nói với chúng ta về sự chiến thắng của sự sống và thánh Gioan Phaolô II không chỉ xem đền thánh này như núi các vị tử đạo mà như một “núi Bát phúc” thật sự, nơi chúng ta cảm nghiệm chứng tá của những người tràn đầy Chúa Thánh Thần, được thoát khỏi sự ích kỷ, sự an toàn và kiêu hãnh.

Ánh sáng của Tin Mừng chiến thắng sự bách hại

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Đền thánh này, trên hết, là một tượng đài loan báo sự Phục sinh, vì nó công bố lời cuối cùng – bất chấp tất cả các bằng chứng ngược lại – không thuộc về cái chết, mà thuộc về sự sống. Chúng ta không được gọi để chết, nhưng đến với một cuộc sống tràn đầy; các vị tử đạo đã công bố điều này. Vâng, ở đây có bóng tối của sự chết và tử đạo, nhưng ánh sáng của sự phục sinh cũng được loan báo, nơi máu của các vị tử đạo trở thành hạt giống của sự sống mới mà Chúa Kitô muốn ban cho tất cả chúng ta. Lời chứng của họ củng cố chúng ta trong đức tin và giúp chúng ta đổi mới sự cống hiến và cam kết của chúng ta, để sống như môn đệ truyền giáo, biết hoạt động cho một nền văn hóa có khả năng bảo vệ và luôn bảo vệ mọi cuộc sống, thông qua sự “tử đạo” trong việc phục vụ hàng ngày và âm thầm tất cả mọi người, đặc biệt là những người thiếu thốn nhất.”

Tử đạo không phải là di tích vinh quang nhưng là hồi ức sống động

Đức Thánh Cha nói ngài đến đài dâng kính các vị tử đạo để gặp gỡ những người nam nữ thánh thiện này. Nhưng ngài nói thêm: “Tôi muốn làm điều đó với sự nhỏ bé của tu sĩ Dòng Tên trẻ đến từ ‘tận cùng trái đất’ và tìm thấy nguồn cảm hứng sâu sắc và đổi mới trong lịch sử của những nhà truyền giáo đầu tiên và các vị tử đạo Nhật Bản.”

Và ngài nhắc nhở: “Chúng ta đừng quên tình yêu hy sinh của họ! Xin cho nó không phải là một di tích vinh quang của những việc làm trong quá khứ, được gìn giữ và được tôn vinh trong một bảo tàng, nhưng là một ký ức và ngọn lửa sống động nguồn linh hứng cho mọi hoạt động tông đồ ở vùng đất này, có khả năng canh tân và tiếp tục đốt cháy lòng nhiệt thành truyền giáo.”

Các vị tử đạo của thế kỷ XXI

Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi hiệp nhất với các Kitô hữu trên thế giới ngày nay đang chịu đau khổ và tử đạo vì đức tin. Chứng tá của các vị tử đạo của thế kỷ XXI này thách thức chúng ta đi theo con đường của các mối phúc thật với lòng can đảm. Đức Thánh Cha nói tiếp: “Chúng ta cầu nguyện cho họ và với họ, và chúng ta lên tiếng để tự do tôn giáo được đảm bảo cho mọi người và ở mọi nơi trên thế giới; và chúng ta lên tiếng chống lại bất kỳ sự thao túng nào của các tôn giáo.”

Kết thúc bài nói chuyện, Đức Thánh Cha đã cùng các tín hữu đọc Kinh Truyền Tin.

Hồng Thủy – Vatican News