ĐTC Phanxicô: Ơn gọi không phải là chiêu dụ mà đối thoại với Chúa

“Làm việc với giới trẻ đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và khả năng lắng nghe. Cần phải mệt. Không thể làm việc về ơn gọi mà chẳng mệt”, đây là những lời nói ứng khẩu của Đức Thánh Cha nói với các vị lo mục vụ ơn gọi ở Châu Âu.

VATICAN. Lúc 12h trưa 6/6, tại hội trường Consistoro của Vatican, ĐTC Phanxicô đã gặp khoảng 80 thành viên hội nghị về chăm sóc mục vụ ơn gọi tại Châu Âu. ĐTC trao cho các tham dự viên bản văn bài huấn dụ và ngài nói ứng khẩu với các tham dự viên.

Trong phần nói ứng khẩu, Đức Thánh Cha đề cập đến 4 điểm. Trước tiên, làm việc cho ơn gọi không phải là chiêu dụ, nhưng chính sự lớn lên của Giáo hội sẽ thu hút. Thứ đến là giúp cho người trẻ có thể đối thoại với Chúa, để họ có thể hỏi Chúa: Ngài muốn gì ở con? Thứ ba là thái độ của người đồng hành. Làm việc với giới trẻ đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và khả năng lắng nghe. Cần phải mệt. Không thể làm việc về ơn gọi mà chẳng mệt. Và cuối cùng là ngôn ngữ của người trẻ. Thời xưa, việc đồng hành với người trẻ đơn giản hơn. Cần đồng hành để giúp người trẻ đọc được tâm hồn của họ, chứ không phải đưa ra những lời khuyên hay mà chẳng đụng gì đến họ.

Về bản văn bài huấn dụ được trao cho các tham dự viên, ngay phần mở đầu, ĐTC nhắc đến tông huấn Christus Vivit, với trích dẫn lời khuyến khích “hãy lớn lên trong sự thánh thiện và dấn thân với chính ơn gọi của mình” (số 3). Đức Thánh Cha gọi Châu Âu là “lục địa già” nhưng ngài khuyến khích những vị hữu trách trong việc chăm sóc mục vụ ơn gọi hãy tin rằng “tất cả những gì được Đức Kitô đụng chạm đến đều trở nên trẻ trung và tràn đầy sự sống” (x. Ibid., 1).

ĐTC trình bày với những người tham dự 3 ý tưởng: sự thánh thiện, hiệp thông và ơn gọi.

Điểm đầu tiên về sự thánh thiện. Về sự thánh thiện, người ta luôn nghĩ đến người trẻ, vì “tuổi trẻ là thời gian đặc biệt cho những chọn lựa cuộc sống và đáp lại lời mời gọi của Chúa” (Tài liệu làm việc Thượng HĐGM về Người Trẻ, 140). Nhưng cũng không được quên, ơn gọi là một hành trình kéo dài suốt đời. Bởi vì, khi còn trẻ thì ơn gọi liên quan đến việc định hướng đáp lại lời mời của Chúa và khi trưởng thành thì liên quan đến những hoa quả và phân định điều gì phải làm. Cuộc sống là sinh hoa trái trong đức ái và điều này đáp lại lời mời gọi nên thánh mà Chúa dành cho tất cả mọi người, mỗi người bằng con đường riêng (x. Gaudete et exsultate, 10-11). Thường ơn gọi được xem là một cuộc phiêu lưu cá nhân, của “tôi” chứ không phải của “chúng ta”. Thực ra, “không ai được cứu độ một mình, nhưng là nên thánh cùng nhau.” Và “cuộc sống của người này gắn kết với cuộc sống của người khác”. Do đó, cần phải quan tâm đến việc nên thánh chung này.

Điểm thứ hai về sự hiệp thông. Từ sự hiệp thông của Giáo hội sẽ sinh ra những ơn gọi mới. ĐTC nhắc: “Thông thường trong các cộng đoàn của chúng ta, trong các gia đình, trong linh mục đoàn, chúng ta đã suy nghĩ và làm việc với tư duy thế tục, điều này chia cắt và chia rẽ chúng ta. Đây cũng là một trong những lối văn hóa ngày nay và lịch sử chính trị đau buồn của châu Âu cũng cho thấy điều đó. Chỉ khi thực sự nhận ra rằng cộng đoàn với những đặc tính cởi mở, sống động, không loại trừ thì chúng ta mới có viễn tượng tương lai. Giới trẻ đang khát điều này.

Điểm thứ ba về ơn gọi. ĐTC viết: “từ ‘ơn gọi’ vẫn chưa hết hạn. Tôi biết một số cộng đoàn đã chọn không nói từ ‘ơn gọi’ trong các chương trình giới trẻ, vì họ sợ những người trẻ sẽ không tham gia các hoạt động như thế. Nhưng đây là một chiến thuật thất bại. Loại bỏ từ ‘ơn gọi’ khỏi từ vựng đức tin là đang lao vào một mối nguy mà, sớm hay muộn, người ta sẽ không còn hiểu nhau. Vì thế thay vào đó, chúng ta, những người nam nữ, giáo dân, tận hiến, những người khao khát gặp gỡ Thiên Chúa và ước mong biến đổi nhân loại, cần có khả năng loan báo bằng cuộc sống hạnh phúc đến từ ơn gọi của mình.”

Sau ba ý tưởng về sự thánh thiện, hiệp thông và ơn gọi, ĐTC đề cập đến ba từ khoá cần quan tâm. Trước hết là “hạnh phúc”, cần cho thấy đây là niềm vui vừa sâu xa vừa lâu bền. Kế đến là “tự do”, làm sao để người trẻ không thấy ơn gọi là đáng sợ, do nhầm lẫn ơn gọi tước đi tự do, ngược lại đây là việc tự do đáp lại tiếng Chúa. Từ khoá thứ ba là “cùng nhau”, chẳng ai có thể hoàn tất chọn lựa cuộc sống riêng mình, vì ơn gọi luôn cho và với người khác.

Để kết thúc bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nhắc đến cách riêng những ơn gọi thánh hiến. Ngài viết: “Nếu chúng ta khởi đi từ việc tin rằng Thánh Thần vẫn tiếp tục khơi dậy ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến, thì chúng ta có thể ‘thả lưới một lần nữa’ nhân danh Chúa, với niềm tin trọn vẹn” (Christus Vivit, 274). Đức Thánh Cha khuyến khích: “tôi nghĩ đến những cộng đoàn sống đời thánh hiến đang lo cho các cơ sở bác ái và truyền giáo, các đan sĩ, các linh mục, phó tế, giám mục, các tu sĩ mỗi ngày trung thành và tận tuỵ phục vụ giới trẻ. Những công việc của họ là một rừng cây phát triển mà không gây ra tiếng ồn nào. Do đó, đừng ngại chấp nhận thách đố loan báo ơn gọi đời sống thánh hiến và sứ vụ linh mục. Giáo hội cần điều đó! Và khi những người trẻ gặp gỡ những người nam nữ tận hiến đáng tin cậy, không phải vì họ hoàn hảo mà vì mang dấu ấn từ cuộc gặp gỡ với Chúa, thì những người trẻ biết cảm nếm một cuộc sống khác và tự vấn về ơn gọi của họ.

Văn Yên, SJ – Vatican