TẬP SAN HIỆP SỐNG THÁNG 05.2019

TẬP SAN HIỆP SỐNG
Tháng 05.2019

TƯ LIỆU HỌC TẬP CỦA HIỆP HỘI THÁNH MẪU
Lưu hành nội bộ

NỘI DUNG

TẬP SAN HIỆP SỐNG THÁNG 05/2019

I. THƯ LM G.HUẤN TH 05: CÙNG MẸ THĂM VIẾNG PHỤC VỤ THA NHÂN.
II. THỰC TẬP NHÂN BẢN TH 05: GIỚI TRẺ VÀ TINH THẦN TRÁCH NHIỆM.
III. MVỤ GĐÌNH TH 05: ĐỂ CUỘC SỐNG VỢ CHỒNG LUÔN HÒA HỢP HẠNH PHÚC.
IV. TƯ LIỆU HIỆP SỐNG TIN MỪNG TH 05: CN 3 PS; CN 4 PS; CN 5 PS; CN 6 PS C.
V. TƯ LIỆU H LUYỆN HTRƯỞNG TH 05: ĐIỀU HÀNH MỘT BUỔI HỌP XỨ ĐOÀN
VI. THƯ GIÃN TH 05: QUÁ TRỌNG CỦA CẢI VẬT CHẤT.
VII. NHỎ TO HỮU ÍCH TH 05/2019: 11 MẸO NHỎ RẤT HỮU ÍCH CHO SỨC KHỎE.
VIII. SINH HOẠT HIỆP SỐNG THÁNG 05/2019:
A. THÔNG TIN LIÊN HỘI HHTM THÁNG 05
B. SINH HOẠT LIÊN ĐOÀN BÁC ÁI HHTM THÁNG 05
C. SINH HOẠT LIÊN ĐOÀN GIA ĐÌNH HHTM THÁNG 05
D. SINH HOẠT LIÊN ĐOÀN GIỚI TRẺ HHTM THÁNG 05

I. LÁ THƯ LM GIÁM HUẤN THÁNG 05/2019
CÙNG MẸ THĂM VIẾNG PHỤC VỤ THA NHÂN

Anh chị em Hiệp Hội Thánh Mẫu thân mến
Tháng Năm là dịp để các tín hữu bày tỏ lòng hiếu thảo đối với Mẹ Ma-ri-a bằng việc dâng lên Mẹ những bông hoa tươi tượng trưng các việc bác ái và phục vụ tha nhân. Ngày 31 tháng 05 là lễ Đức Ma-ri-a Thăm Viếng, Bổn mạng của Liên Đòan Bác Ai Hiệp Hội Thánh Mẫu Tổng Giáo Phận. Nhân dịp này các hội viên Hiệp Hội Thánh Mẫu chúng ta cùng nhau học tập để noi gương Mẹ Ma-ri-a Thăm Viếng để cảm thông chia sẻ tình thương và tích cực dấn thân phục vụ tha nhân như sau :
1) TÌNH YÊU CẢM THÔNG CHIA SẺ : Sau khi vâng lời sứ thần truyền và trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Ma-ri-a đã vội vã lên đường đi thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét. Qua sự kiện này, chúng ta có thể rút ra bài học thế nào là một tình thương tha nhân thực sự:
-Tình yêu đích thực phải chủ động đến với tha nhân : Mẹ Ma-ri-a không chờ được bà Ê-li-sa-bét mời, nhưng Mẹ đã chủ động lên đường thăm viếng bà khi vừa được sứ thần báo tin: “Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,36-37). Các Hội viên chúng ta cũng phải chủ động đến với tha nhân khi được báo tin để mang tình thương đến cho họ.
-Tình yêu đích thực phải đi đôi với sự cảm thông và chia sẻ : Đức Ma-ri-a vội vã đi thăm bà chị họ để cảm thông và chia sẻ niềm vui có con trai nối dõi với bà, khiến bà không còn bị tủi hổ giữa người đời (x Lc 1,25), và cũng để chia sẻ niềm vui ơn cứu độ khiến thai nhi Gio-an nhảy mừng vì được khỏi tội tổ tông truyền (x Lc 1,43-44). Cũng vậy, hội viên chúng ta khi đến thăm viếng tha nhân phải mang niềm vui của Chúa đến an ủi những ai đang bị buồn sầu, động viên những người bất hạnh, hòa giải những tranh chấp, phúng viếng cầu nguyện cho những người mới lìa cõi thế…
2) TÌNH YÊU DẤN THÂN PHỤC VỤ :
-Tích cực dấn thân : Dấn thân nghĩa là tích cực nhiệt thành : thấy việc là làm, thấy có nhu cầu là sẵn sàng đáp ứng. Noi gương Mẹ Ma-ri-a, hội viên luôn tích cực chủ động, không quản ngại hy sinh, không tính tóan hơn thiệt khi đi làm công tác, vì biết rằng : “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…” (Kinh Hòa Bình).
-Khiêm nhường phục vụ : Mẹ Ma-ri-a đã ở lại nhà bà Ê-li-sa-bét ba tháng để giúp đỡ bà chị họ quán xuyến việc nhà (x Lc 1,56). Sau này Chúa Giê-su cũng đã rửa chân phục vụ cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly Vượt qua (Ga 13,4-15; Mc 10,45), hội viên chúng ta cũng phải sẵn sàng khiêm hạ phục vụ cộng đòan, nhất là phục vụ những người bất hạnh, những trẻ mồ côi, những người già cả neo đơn, người phong cùi, bệnh nhân HIV-AIDS…
Ước chi mỗi hội viên HHTM luôn sống theo linh đạo : Hiệp sống- Xin vâng- Phục vụ, để ngày một nên giống Chúa Giê-su hơn noi gương Mẹ Ma-ri-a khi xưa, hầu nên nhân chứng tình thương và trở thành ánh sáng chiếu soi giúp người đời nhận biết tin yêu Chúa và được hưởng ơn cứu độ.

Nhà Thờ Thánh Mẫu, tháng Hoa Dâng Mẹ 2019.
LM GIÁM HUẤN HIỆP HỘI THÁNH MẪU

Đa-minh ĐINH-VĂN-VÃNG
(ĐAN VINH)

II. HỌC SỐNG NHÂN BẢN THÁNG 05/2019
GIỚI TRẺ VÀ TINH THẦN TRÁCH NHIỆM
1. LỜI CHÚA : Chúa phán :”Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).
2. CÂU CHUYỆN :
Muốn làm việc thành công trong cuộc đời, ngoài những kiến thức cần thiết thu thập tại học đường và trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các bạn trẻ còn phải trang bị cho mình một số đức tính cần để có thể gây được thiện cảm với những người chung quanh, đặc biệt với bạn bè hay những ai đang làm việc chung với mình. Một trong những yếu tố để dễ gây thiện cảm với ngưới khác là có tinh thần trách nhiệm đối với công việc chung. Câu chuyện sau dây cho thấy điều ấy :
Ngày xưa, có một ông vua kia muốn xem tinh thần trách nhiệm đối với việc chung của dân chúng trong nước thế nào, đã sai người khiêng một tảng đá lớn đặt chắn ngang một con đường liên tỉnh và nấp vào một bụi cây gần đó quan sát thái độ của người qua lại. Vua thấy có nhiều người đi bộ đi xe trên con đường này. Những người đi bộ thì vòng qua tảng đá mà đi. Còn nhiều người đi xe đến nơi gặp tảng đá chắn ngang chỉ biết dừng lại càu nhàu kêu trách nhà vua đã không sớm cho người đến khai thông con đường cho dân được nhờ, rồi họ quay đầu xe trở lại để tìm đi con đường khác, và tảng đá to đùng kia cứ tiếp tục nằm chắn ngang trên mặt đường. Đến gần trưa, nhà vua thấy một bác nông dân đi tới đang ngồi trên chiếc xe bò cồng kềnh. Nhìn thấy tảng đá chắn ngang, bác nông dân liền dừng xe lại nhảy xuống xe và cố sức đẩy tảng đá sang một bên đường. Loay hoay một mình mãi không xong, bác nông dân liền kêu gọi thêm một số thanh niên trai tráng cùng hợp tác với mình để đẩy tảng đá. Chỉ sau một thời gian ngắn, con đường lại trở nên thông thoáng và xe cộ có thể tiếp tục qua lại bình thường. Sau khi dời được tảng đá, bác nông dân đã quay trở lại chiếc xe bò để đi tiếp cho kịp phiên chợ. Bỗng bác nhìn thấy một gói tiền vàng ai đó vừa mang đến đặt ngay tại chỗ tảng đá to đùng kia. Đó chính là món quà do Đức Vua truyền thưởng cho người có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc chung (Viết theo Inspiration and Friendship).
3. SUY NIỆM :
– Trong cuộc sống hằng ngày tại gia đình hay ngòai xã hội, chúng ta thường hay gặp nhiều kẻ thiếu tinh thần trách nhiệm đối với việc chung như người ta thường nói: “Cha chung không ai khóc !”. Khi gặp một việc khó khăn kẻ vô trách nhiệm thường hay đổ lỗi cho người khác mà không nghĩ rằng mình cũng có phần trách nhiệm gây ra sự cố. Chẳng hạn: trong mùa mưa, các lỗ ga trên cống nước tại các khu xóm thường hay bị nghẹt, vì bị rác bít lỗ thông, gây ra tình trạng lụt lội cục bộ, nước dơ bẩn chảy ngược vào các căn nhà nào có nền thấp hơn mặt đường. Thế mà nhiều người trong xóm trong tình trạng đó vẫn bình chân như vại. Họ chỉ lo quét nước dơ từ trong nhà ra ngòai và kêu trách cơ quan chức năng không sớm khắc phục tình trạng lụt lội này, đang khi lẽ ra họ có thể hợp tác để giải quyết việc khai thông cống rãnh kia.
– Cũng có nhiều người sống chung trong một chung cư lại thiếu ý thức vê sinh và vô trách nhiệm, nên đã quẳng nhửng bịch ny-long rác thải từ lầu cao xuống đường làm rác rến trong túi ny-lông bắn tung tóe, gây ô nhiễm môi trường và làm mất vẻ mỹ quan của thành phố.
– Điều cần làm ngay là mỗi người chúng ta hãy ý thức trách nhiệm trong các việc chung. Thay vì đổ lỗi cho tha nhân thì hãy làm hết sức mình để giải quyết sự việc, như có người đã nói: “Thà thắp lên một ngọn đèn, hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối”.
4.THẢO LUẬN : Bạn sẽ làm gì thể hiện tinh thần trách nhiệm, điều kiện thành công sau này ?
5. LỜI CẦU: Lạy Chúa xin ban ơn giúp chúng con có tinh thần trách nhiệm với việc chung. Xin cho chúng con dấn thân hy sinh phục vụ trong tinh thần khiêm hạ noi gương Chúa xưa.- AMEN.
LM ĐAN VINH HHTM
III.MỤC VỤ GIA ĐÌNH TH 05/2019:
ĐỂ CUỘC SỐNG VỢ CHỒNG LUÔN HÒA HỢP HẠNH PHÚC
1. LỜI CHÚA: Thánh Phao-lô khuyên các tín hữu như sau: “Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4,30-32)
2. CÂU CHUYỆN: TÌNH YÊU CẦN HÀNH ĐỘNG HƠN LỜI NÓI.
Ngày nọ, một đôi vợ chồng bướm tranh cãi nhau. Con nào cũng cho rằng tình yêu của mình nhiều hơn bạn kia không ai chịu thua ai. Sau cùng để xác định hơn thua, bướm đực đề nghị: “Ngoài vườn có một cây hoa hồng mỗi sáng đều có nở một bông hồng rất đẹp. Vậy sáng mai chúng ta sẽ thi nhau xem: ai sẽ đến ngồi vào trong bông hoa hồng trước, khi nó vừa nở ra sẽ chứng tỏ mình có tình yêu nhiều hơn”. Bướm cái gật đầu đồng ý.
Hôm sau, ngay từ sáng sớm bướm đực đã bay đến đứng chờ ngay bên bông hoa sắp nở, chờ khi nó vừa nở ra là chú sẽ chui vào trước bướm cái. Có điều khi sắp tới lúc hoa nở mà vẫn chưa thấy bướm cái xuất hiện. Rồi cuối cùng thì cũng tới lúc hoa nở, chú bướm liền nhanh chân chui vào. Nhưng chú rất ngạc nhiên khi thấy bướm cái đã có mặt trong bông hoa từ bao giờ rồi. Có điều khi nhìn kỹ thì chú thấy bướm cái đã chết khô. Thì ra để nắm chắc phần thắng, bướm cái đã bay đến cây hoa hồng ngay từ tối hôm trước. Cô bướm đã chui qua kẽ hở vào trong bông hoa. Cô định sáng sớm hôm sau khi hoa nở và gặp bướm đực cô sẽ chứng tỏ tình yêu cô dành cho chú thật lớn lao. Nhưng chẳng may cô bị chết ngạt trong bông hoa khi nó chưa kịp nở !
3. SUY NIỆM:
1) Tình yêu đích thực đòi vợ chồng biểu lộ tình cảm và năng đối thoại với nhau:
– Đối với tâm lý người nữ: “Tình yêu bởi tai nghe”. Người chồng cần nói những lời dịu dàng êm ái kèm theo những cử chỉ âu yếm với vợ. Những lời yêu thương chính là gia vị giúp tình yêu vợ chồng thêm đậm đà thắm thiết. Nhờ năng đối thoại mà vợ chồng sẽ hiểu biết nhau hơn, giảm bớt những sự bất đồng. Đối thoại đòi sự lắng nghe: hãy nói ra những suy nghĩ của mình và lắng nghe những điều người kia ước mong. Nghe bằng tai, mà còn bằng cả trái tim nữa.
– Nhờ đối thoại, vợ chồng sẽ dễ dàng thống nhất ý kiến khi muốn thay đổi chỗ ở hay công việc làm, sắp xếp đồ đạc cho căn nhà được ngăn nắp hơn, cách nuôi dạy con cái và ứng xử xứng hợp với cha mẹ đôi bên, cách xã giao với bạn bè, hình thành một nếp sống đạo đức cho gia đình… Nên nhớ rằng: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”.
2) Tình yêu đích thực đòi vợ chồng phải hy sinh chịu đựng và tha thứ cho nhau:
– Vợ chồng có nhiều cách bày tỏ tình yêu với nhau: từ lời nói “Anh yêu em” hay “em yêu anh”, đến thái độ ân cần, cử chỉ thân mật, khen nhau thành thật, tặng quà nhân ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm lễ cưới.
– Khi về chung sống các thói hư sẽ dần lộ diện. bấy giờ hai người cần biết nhẫn nhịn chịu đựng nhau, vì “một sự nhịn bằng chín sự lành”. Dĩ nhiên có những điều không thể nhượng bộ, nhất là về luân lý đạo đức. Khi xảy ra bất hòa, vợ chồng cần cấp thời làm hòa với nhau như lời dạy của thánh Phao-lô: “Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26).
3) Tình yêu đích thực đòi vợ chồng phải chung thuỷ và chu tòan bổn phận với nhau:
– Khi cử hành hôn lễ, hai người đã thề hứa “chung thủy với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu”… Do đó, sau giờ tan sở người chồng cần nhớ mình còn có vợ con đang chờ cơm ở nhà, nên cần sớm về nhà. Cần tránh những giao du thân mật với bạn khác phái vì dễ gây nguy hại cho tình cảm vợ chồng. Cũng cần tránh thái độ ghen tuông quá đáng, vì ghen tuông chính là con sâu bào mòn tình yêu giữa hai vợ chồng.
– Thánh Phao-lô khuyên các đôi vợ chồng: “Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Satan lợi dụng để cám dỗ” (1 Cr 7,3-5). Vợ chồng cần học giáo lý hôn nhân trước kết hôn và dự các buổi hội thảo chuyên đề giúp bảo vệ hạnh phúc gia đình.
4) Tình yêu đích thực đòi vợ chồng năng cầu nguyện với nhau và cho nhau:
– Hãy lập bàn thờ nơi trng trọng để gia đình luôn có Chúa hiện diện. Nhờ đó vợ chồng sẽ có nhiều dịp được Chúa chia sẻ vui buồn của gia đình, giúp vợ chồng con cái yêu thương nhau và cùng nhau vượt qua các gian nan thử thách gặp phải trong cuộc sống.
– Giờ cầu nguyện trong gia đình rất cần cho hạnh phúc gia đình. Vì thế, ngay từ khi mới về chung sống, hai người cần hình thành thói quen mỗi tối cầu nguyện chung với nhau khoảng 10 phút. Nghe đọc Lời Chúa và lần hạt một chục kinh Mân Côi cầu nguyện cho nhau như lời Chúa hứa: “Đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18,20).
4. THẢO LUẬN : Hãy cho biết gia đình của bạn hiện có các đặc điểm của tình yêu đích thực nói trên hay không? Bạn cần làm gì để xây dựng cho gia đình bạn ngày một hòa hợp hạnh phúc hơn ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Cha từ ái. Xin giúp chúng con là những người đang chuẩn bị hôn phối hay đang sống trong cuộc sống hôn nhân gia đình, biết từ bỏ ý riêng và những đam mê, tật xấu, để xây dựng thành một gia đình hòa hợp hạnh phúc. Xin cho gia đình chúng con luôn ý thức sứ mệnh loan báo Tin Mừng qua lối sống yêu thương quên mình phục vụ, hầu các gia đình lương dân gần bên sẽ nhận biết Chúa qua chúng con và chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với chúng con.- AMEN.

LM ĐAN VINH

IV. TƯ LIỆU HỌC SỐNG LỜI CHÚA THÁNG 05/2019

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH C
Cv 5,27b-32.40b-41 ; Kh 5,11-14 ; Ga 21,1-19
LÒNG MẾN LÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC ƠN THA TỘI VÀ TRAO QUYỀN MỤC TỬ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 21,1-19
(1) Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển hồ Tibêria. Người tỏ mình ra như thế này: (2) Ông Simon Phê-rô, Ông Tôma gọi là Điđymô, ông Nathanaen người Cana miền Ga-li-lê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. (3) Ông Simon Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền. Nhưng đêm hôm ấy họ không bắt được gì cả. (4) Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. (5) Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không”. (6) Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. (7) Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó”. Vừa nghe nói “Chúa đó”, ông Simon Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. (8) Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ, kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần trăm thước. (9) Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. (10) Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”. (11) ông Simon Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. (12) Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong đám môn đệ dám hỏi: “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. (13) Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông. Rồi cá, Người cũng làm như vậy. (14) Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi chỗi dậy từ cõi chết. (15) Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Simon Phê-rô: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. (16) Người lại hỏi” “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy không? “Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. (17) Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy. Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”. (18) Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng, và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. (19) Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào, để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy”.
2. Ý CHÍNH: Đây là đoạn cuối của Tin mừng thứ tư, được chia làm 4 phân đoạn sau:
1) Các Tông đồ tập trung tại miền Ga-li-lê rủ nhau đi đánh cá và kết quả các ông không bắt được con cá nào! (C 1-3).
2) Chúa Phục Sinh xuất hiện chỉ cho các ông chỗ thả lưới. Các ông vâng lời và đã bắt được mẻ cá lạ lùng. Nhờ đó các ông đã nhận ra Người (C 4-8).
3) Trong bữa ăn sáng đã được dọn sẵn, Chúa Phục Sinh đã truyền lấy thêm cá mới bắt được và đã cử hành Lễ Bẻ Bánh giống như đã từng làm trước đó (C 9-14).
4) Cuối cùng Chúa Phục Sinh đã sát hạch Phê-rô về lòng yêu mến trước khi trao quyền mục tử cho ông. Người cũng tiên báo cái chết đau thương sẽ đến với ông lúc cuối đời (C 15-19).
3. CHÚ THÍCH:
– C 1-3: + Biển hồ Tibêria: Tìn mừng Mátthêu cho biết khi hiện ra với Maria Mácđala và một bà khác tên là Maria, Chúa Giê-su đã yêu cầu các bà báo tin cho các môn đệ để họ đến Ga-li-lê gặp Người (Mt 28,1.10). + Ông Simon Phê-rô…: Tin mừng kể ra số các môn đệ đang ở chung khi ấy là 7 ông: Simon Phê-rô, Tôma, Nathanaen, hai anh em Giacôbê Gioan và hai môn đệ khác. Simon quyết định sẽ đi đánh cá và được các ông kia hưởng ứng.- Đêm hôm ấy họ không bắt được gì: Người ta thường đi đánh cá vào ban đêm. Nhưng hôm ấy các ông đã luống công vô ích!
– C 4-8: + Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!”: Gioan luôn phát hiện ra Chúa Giê-su trước các anh em nhờ lòng yêu mếnThầy. + Phê-rô khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển: Phê-rô tính vốn nóng nảy, nên khi nghe “Chúa đó!”, thì ông đã vội khoác áo vào và nhảy xuống biển bơi nhanh vào bờ để mau gặp Người.
– C 9-11: + Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên: Chúa Giê-su đã nêu gương phục vụ dọn sẵn bữa ăn sáng cho môn đệ. Các ông đã được Người mời ăn và tăng cường thêm bằng cá mới bắt được. + Simon Phê-rô lên thuyền rồi kéo lưới vào bờ: Nếu Gioan là người suy tư chiêm niệm nên sớm nhận ra Chúa trước mọi người, thì Simon Phê-rô lại là người mau mắn hành động để biểu lộ lòng yêu mến Thầy. Điều này cho thấy suy niệm và họat động cần luôn đi đôi với nhau trong việc xây dựng Hội thánh. + Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con: Theo thánh Hi-ê-rô-ni-mô thì các nhà vạn vật học thời xưa đã khám phá ra được 153 loại cá. Con số 153 ở đây tượng trưng mọi dân tộc, và tất cả đều được mời gọi gia nhập vào Hội thánh: “Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển gom được mọi thứ cá” (x. Mt 13,47). + Lưới không bị rách: tượng trưng cho sự hiệp nhất trong Hội thánh.
– C 12-14: + “Anh em hãy đến mà ăn!”: Lời Chúa mời gọi các môn đệ đến ăn, giống như Người đã mời các ông dự tiệc Thánh thể (x. Mt 26,26). Bánh được trao cho môn đệ giống như Đức Giê-su đã làm khi nhân bánh ra nhiều (x. Ga 6,11). + “Con cá”: tiếng Hy-lạp gọi là IK-TUS. Đây là năm chữ đầu của một lời tuyên xưng đức tin: “Giê-su Kitô Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa” (Ièsous Kristos Théou Unios Sôter). Khi chia sẻ Cá, Chúa Giê-su ngụ ý sẽ chia sẻ Thánh Thể Người là “Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa” cho các môn đệ. + Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ: theo Gioan thì lần thứ nhất Chúa Phục Sinh hiện ra vào chiều ngày Thứ Nhất trong tuần không có Tôma (x. Ga 20,19-23); Lần hai 8 ngày sau đó và có Tôma (x. Ga 20,26-31). Đây là lần thứ ba Người hiện với 7 môn đệ tại biển hồ Ga-li-lê.
– C 15-17: + “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”: Sau ba lần sát hạch về lòng mến, Đức Giê-su đã từng bước biến đổi Phê-rô đang từ một người đánh cá trở thành một mục tử có quyền chăn chiên (x. Ga 10,11). Tuy nhiên đàn chiên kia vẫn thuộc về Người: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. + Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?: Phê-rô đau lòng vì việc bị hỏi ba lần làm ông liên tưởng đến ba lần ông đã chối Thầy (x. Ga 13,38 ; 18,17.25-27). Đức Giê-su đã tế nhị khi không trực tiếp đề cập đến tội của Phê-rô, mà chỉ yêu cầu ông xác định tình yêu dành cho Người. Mỗi lần Phê-rô khẳng định lòng mến, lĐức Giê-su lại tha tội và trao thêm quyền: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy…”(C 5-17).
– C 18-19: + Lúc còn trẻ… Nhưng khi đã về già….: Tuổi trẻ có đặc tính là tự do hành động (“Đi đâu tùy ý”). Tuổi già có đặc điểm là gò bó thụ động (“Anh sẽ phải dang tay ra và người khác sẽ thắt lưng cho anh và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn: ). + Người nói như vậy có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào: Quả thật, lời tiên báo này đã được ứng nghiệm vào lúc cuối đời của Phê-rô trong cơn bách hại đạo tại Rôma thời hoàng đế Nêrông. Phê-rô đã phải chịu khổ hình thập giá nhưng lại xin treo đầu ngược xuống đât, vì ông cảm thấy mình không xứng đáng được chịu cùng hình khổ giống như Thầy.
4. CÂU HỎI: 1) Tại sao các môn đệ lại cùng hiện diện tại Biển hồ Tibêria thuộc xứ Ga-li-lê vào thời điểm sau khi Chúa phục sinh ? 2) Có mấy môn đệ cùng đi đánh cá với Simon Phê-rô ? 3) Do đâu mà Gioan luôn nhận ra Chúa Giê-su trước các anh em khác ? 4) Chúa Giê-su đã tiên báo thế nào về số phận cuối đời của Tông đồ Phê-rô ?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền, thì sẽ bắt được cá”(Ga 21,6).
2. CÂU CHUYỆN:
1) THẦY ĐI ĐÂU?
Câu chuyện truyền kỳ về những ngày sau cùng của thánh Phê-rô với cái chết đã được Chúa Giê-su tiên báo: “Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giương tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn. Người nói vậy, để ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa”. Câu chuyện truyền kỳ đã được dựng thành phim “Quo vadis” nghĩa là: “Thầy đi đâu?” như sau:
Bấy giờ tông đồ Phê-rô đã đến Thủ đô của Đế quốc Rôma, giữa lúc hoàng đế Nêrông đang ra tay bách hại đạo Công giáo. Một số tín hữu đã chịu chết vì đạo. Trước tình thế nguy hiểm, các tín hữu đã khuyên Phê-rô hãy mau chạy trốn khỏi thành, để tiếp tục sứ vụ lãnh đạo Hội Thánh.
Nhờ khéo cải trang và thoát được sự rà soát kỹ lưỡng của bọn lính canh cổng, Phê-rô đã ra được bên ngoài. Nhưng rồi ông đã gặp Chúa Giê-su mặc áo trắng đang đi ngược vào trong thành, ông liền hỏi Người rằng: “Quo vadis?” nghĩa là “Thầy đi đâu?” Chúa Phục Sinh đã trả lời: “Thầy đi vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa”. Nói xong Chúa biến mất. Phê-rô hiểu được ý Chúa, nên ông lại quay trở lại vào thành Rôma. Ít ngày sau, ông đã bị quân Rôma bắt giam chung phòng với các tín hữu sắp chịu hành hình. Tai đây, ông đã an ủi động viên họ hãy can đảm và kiên trì trung thành tin vào Chúa Giê-su. Rồi ông đã bị tòa kết án tử hình. Đến ngày bị đưa ra vận động trường chịu hành hình, Phê-rô đã được chứng kiến cảnh các tín hữu: kẻ thì bị quăng ra để làm mồi cho thú dữ cắn xé ăn thịt, kẻ thì bị cháy thành than trên dàn hoả thiêu. Khi đến lượt chịu đóng đinh trên thập giá, Phê-rô đã đề nghị quân lính treo thập giá ngược để đầu ông quay xuống đất và chân giơ lên trời, vì ông nghĩ mình không xứng đáng được đóng đinh cùng một cách thức giống như Thầy Giê-su.
2) CÁI CHẾT ANH DŨNG CỦA ĐỨC CHA ROMERO NƯỚC EL SANVADOR:
Trong số các Giám Mục nổi tiếng can đảm của Giáo Hội Châu Mỹ La tinh, phải kể đến Đức Cha Oscar Arnulfo Romero, Tổng giám mục Giáo phận thủ đô San Sanvador. Ngày Đức Cha còn sống, Chúa nhật nào nhà thờ chính tòa cũng chật ních tín hữu đến tham dự thánh lễ và nghe ngài giảng. Đức Cha thường cho giáo dân biết tin tức liên quan đến Giáo Hội, đến tình trạng trong nước và mạnh mẽ lên án tình trạng bạo lực, bất công và nghèo đói do chính quyền cũng như phe du kích gây ra cho dân chúng. Đức tổng giám mục Romero cũng dùng đài phát thanh để gây ý thức nơi dân chúng và thẳng thắn tố cáo các vụ vi phạm quyền con người do các lực lượng nói trên chủ mưu. Nhưng tiếng nói của Đức cha không làm cho chính quyền quân đội El Sanvador cũng như lực lượng du kích hài lòng. Sau nhiều lần hăm dọa mà không có kết quả, những kẻ thù ghét Đức Cha đã quyết định giết ngài.
Sáng ngày 24/03/1980 họ đã sai người ám sát Đức tổng Giám mục Romero ngay trong nhà nguyện của bệnh việc thủ đô, nơi Đức tổng Giám mục hằng ngày vẫn đến dâng thánh lễ cho các nữ tu, nhân viên y tế và bệnh nhân. Kẻ sát nhân ngồi trà trộn trong số các tín hữu hiện diện. Không hiểu Đức cha có linh cảm mình sắp sửa phải đổ máu ra như hiến tế mưu cầu hòa bình cho một dân tộc El Sanvador hay không, nhưng trong vài lời suy tư ngắn trong Phúc Âm, Đức cha nói: “Như chủ chăn sẵn sàng hiến mình cho đoàn chiên, Ngài cũng sẵn sàng chết miễn là nước nhà được hòa bình tươi sáng, nhân dân El Sanvador được sống trong ấm no thịnh vượng”. Đức Cha rời tòa giảng tiến lên bàn thờ, thì chính lúc đó kẻ sát nhân tiến lên rút súng bắn Ngài. Đức Tổng Giám mục Romero gục ngã trước bàn thờ máu lênh láng chảy và thánh lễ cuối cùng của vị chủ chăn hôm đó đã dang dở, nhưng đã thành Thánh lễ trọn vẹn. Vì vị chủ tế đã trở thành con chiên hiến tế y như Chúa Giê-su trên Thập giá ngày xưa.
Đức tổng Giám mục Romero đã chết vì đã trung thành với sứ mệnh chủ chăn của Ngài: “Thà vâng lời Thiên Chúa còn hơn vâng lời người ta”.- (Trích đài phát thanh Veritas)
3) CẬU ĐÃ LÀM ĐƯỢC GÌ CHO CHÚA GIÊ-SU?
Một buổi tối nọ, viên sĩ quan trẻ tuổi người Pháp SÁC ĐỜ PHUCÔ (Charles de Foucauld) đang say sưa kể cho mọi người trong gia đình nghe về những chiến công hiển hách trong nhiều trận chiến cùng những cuộc thám hiểm của anh ở nước Ma-rốc xa xăm. Người chăm chú lắng nghe kể chuyện nhất lại là cô cháu gái chưa đầy 10 tuổi. Khi anh vừa kết thúc câu chuyện, thì bất ngờ cô bé đã hỏi như sau: “Thưa cậu, cháu rất hãnh diện khi thấy cậu làm được những việc lớn lao cho nước Pháp. Thế nhưng cháu thắc mắc điều này là: “Cậu đã làm đựơc gì cho Chúa Giê-su chưa?”
Câu hỏi ấy như một luồng điện khiến anh giật mình. Từ trước đến nay, chưa bao giờ anh gặp câu hỏi nào bắt phải suy nghĩ nhiều như thế. Phải, “Anh đã làm được gì cho Chúa Giê-su chưa?” Khi đối diện với Chúa, anh đã nhận ra rằng: từ trước đến nay anh đã phí phạm thì giờ ăn chơi xa xỉ, đã chạy theo bả vinh hoa phú quí vô ích. Giờ đây anh đã ý thức được sự nghèo hèn của mình. Sau đó vài ngày, anh xin nhập vào một dòng tu và xin bề trên cho đến ở miền Nadarét nước Ítraen quê hương Chúa Giê-su, để tận hiến trọn đời phụng sự Người.
Một ngày nọ, đang lúc cầu nguyện trong nhà, anh bỗng nghe thấy có tiếng than van rên rỉ của một người Hồi giáo nhưng không biết tiếng nói đó phát ra từ đâu. Anh liên tưởng đến Lời Chúa Giê-su về thái độ phải có đối với những kẻ thù ghét mình, và quyết định sẽ đi làm bạn với người Hồi giáo. Anh dời đến sống ở giữa sa mạc Sahara bên Phi châu, nơi có nhiều người Hồi giáo nghèo khổ. Thế rồi “điều phải đến đã đến”: Vào đầu tháng 12 năm 1916 khi đang cầu nguyện trong nhà, anh đã bị một toán người Hồi giáo cực đoan kéo đến sát hại. Ngày nay các tiểu đệ và tiểu muội tiếp tục sống theo lý tưởng của anh là tự nguyện sống giữa người nghèo để lao động và chia sẻ nỗi khốn cùng của họ, và giúp họ thăng tiến để được ơn cứu độ.
3. THẢO LUẬN: 1) Những khó khăn mà Hội thánh, đặc biệt là Đức Giáo Hoàng phải đương đầu hiện nay là gì? 2) Mỗi tín hữu chúng ta cần làm gì cụ thể để cảm thông với những khó khăn của các chủ chăn, để có thể cộng tác với các ngài trong sứ vụ loan báo Tin Mừng và phục vụ đoàn chiên Hội thánh?
4. SUY NIỆM:
1) Mẻ cá lạ lùng là hình ảnh của sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh:
– Đoạn Tin Mừng CN hôm nay thuật lại câu chuyện đã xảy ra trên bờ hồ Tibêriade hay là Ghen-nê-sa-rét thuộc xứ Ga-li-lê, nơi các môn đệ Đức Giê-su đã từng hành nghề đánh cá trước khi theo làm môn đệ Người. Đây cũng là nơi mà Chúa Phục Sinh đã nhắn tin cho các môn đệ phải trở về Ga-li-lê để gặp Người. Trong lúc rảnh rỗi, các ông đã rủ nhau đánh bắt cá trong biển hồ. Nhưng sau một đêm vất vả cực nhọc vô ích, vào lúc tảng sáng, các ông đã gặp được Chúa Phục Sinh đứng trên bờ hồ mà các ông không nhận ra. Người đã hướng dẫn các ông đánh bắt cá và kết quả là một mẻ cá lạ lùng. Môn đệ Gioan đã nhận ra Thầy Giê-su trước hết. Còn Phê-rô khi biết là Chúa Phục Sinh, liền khoác áo vào rồi nhảy xuống nước bơi vào bờ để gặp Thầy cho nhanh.
– Về con số 153 con cá lớn theo các nhà chú giải Kinh Thánh là tượng trưng cho mọi loại cá thời bấy giờ. Như vậy, dưới ánh sáng của Lời Chúa, mẻ lưới lạ lùng của các tông đồ chính là hình ảnh sứ vụ loan Tin Mừng của Hội Thánh. Chính nhờ Thần Khí của Chúa Phục Sinh mà Hội Thánh sẽ chu toàn được sứ vụ loan báo Tin Mừng, đưa muôn dân tộc gia nhập vào Hội Thánh.
2) Những khó khăn trên bước đường loan báo Tin Mừng:
– Việc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng không phải là điều dễ dàng: Bài đọc I trong sách Công vụ Tông đồ cho thấy các môn đệ của Chúa đã bị các đầu mục Do thái cấm rao giảng về danh Chúa Giê-su. Nhưng các ngài đã sẵn sàng chịu hình phạt để chu toàn sứ vụ này. Tông đồ Phao-lô nhiều lần bị ném đá, bị đánh đòn, bị cùm trong ngục tù, bị đắm tàu, đói khát, mình trần… vì danh Chúa Giê-su. Cuối cùng hầu hết các tông đồ đều chịu chết để làm chứng cho Chúa.
– Thực ra, sứ vụ rao giảng Tin Mừng không dành riêng cho các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ… mà chung cho mọi tín hữu đã chịu phép rửa tội và Thêm Sức. Ở mọi nơi mọi lúc, người làm tông đồ rao giảng Tin Mừng đều có thể gặp phải những khó khăn bách hại … Nếu chỉ dựa vào sức riêng, chắc chắn chúng ta sẽ dễ thất bại và nản chí buông xuôi. Nhưng nếu biết cậy nhờ ơn Thánh Thần của Chúa Phục Sinh hướng dẫn trợ lực, chúng ta sẽ luôn hăng hay chu toàn sứ vụ này và đạt được nhiều thành quả to lớn. Bởi vì “không có gì mà Thiên Chúa không làm được”.
– Điều quan trọng là chuyên cần lắng nghe Lời Chúa, suy niệm để tìm hiểu ý Chúa và quyết tâm thực hành với ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần, thì chắc chắn sẽ đạt được kết quả lạ lùng.
3) Tin yêu: điều kiện để được Chúa tha tội và được trao quyền chăn dắt đoàn chiên:
– Sau bữa ăn thân mật trên bãi biển, Chúa Phục Sinh đã tâm sự riêng với ông Phê-rô. Trước khi trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh, Chúa Phục Sinh đã đòi Phê-rô tuyên xưng ba lần yêu mến như sau: “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Qua đó Người đòi các mục tử phải có lòng mến Người hơn những người khác. Đồng thời qua việc tuyên xưng này, Người gián tiếp tha tội chối Thầy cho ông Phê-rô.
– Đáp lại câu hỏi của Chúa, ông Phê-rô đã ba lần thưa như sau: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Trên cơ sở lòng mến này, Chúa Giê-su đã lần lượt trao ban quyền chăn dắt chiên con và chiên mẹ cho ông. Người cũng tiên báo sau này ông sẽ bị bắt bớ và giết hại để làm chứng cho Người.
4) Cảm thông và cộng tác với các mục tử trong Hội Thánh hôm nay:
– Hiện nay có biết bao mục tử đang âm thầm chịu thiệt thòi đau khổ, để chu toàn sứ vụ loan báo Tin mừng. Các ngài đã can đảm trung thành với nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên, giống như các tông đồ xưa khi bị điệu ra Thượng Hội Đồng Do thái, đã trả lời rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29).
– Các tín hữu chúng ta cần biết cảm thông với những khó khăn gian khổ của các vị mục tử đang phải chịu, để năng cầu nguyện cho các ngài. Nhất là mỗi chúng ta cần trở thành những cánh tay nối dài của các vị chủ chăn bằng cách quảng đại góp phần xây dựng cơ sở vật chất và sẵn sàng đảm nhận việc phục vụ cộng đoàn theo sự phân công của các ngài.
– Để làm được điều này, chúng ta cần hăng hái gia nhập các hội đoàn Tông Đồ Giáo Dân để được bồi dưỡng đức tin qua các sinh hoạt học sống Lời Chúa hằng tuần, qua việc thực hiện các công tác tông đồ bác ái được phân công. Ngoài ra, còn phải năng dự lễ và rước lễ để được kết hiệp với Chúa, hầu có thể chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng như các tông đồ khi xưa.
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH.
Lúc chúng con đi tìm Chúa trong nước mắt sầu thương, xin hãy âu yếm gọi tên chúng con, như Chúa đã gọi tên chị Maria Mácđala khi chị đang đứng khóc bên cạnh ngôi mồ trống.
Lúc chúng con chán nản muốn bỏ Chúa để trở về cuộc sống đời thường, xin hãy cùng đi với chúng con trên những nẻo đường dài, như Chúa đã đồng hành với hai môn đệ về làng Emmau.
Lúc chúng con đang đóng kín cửa lòng vì sợ hãi, xin Chúa hãy ngự đến chúc bình an, như Chúa đã hiện đến trấn an các tông đồ đang khiếp nhược sợ hãi.
Lúc chúng con đang cố chấp muốn làm theo ý riêng và ngày một xa cách anh em, xin hãy biến đổi lòng trí chúng con, như Chúa đã không bỏ mặc tông đồ Tôma cứng tin, nhưng đã giúp ông cảm nghiệm mầu nhiệm Phục Sinh và tuyên xưng đức tin vào Chúa.
Lúc chúng con đã vất vả thâu đêm mà không đạt tới kết quả nào, xin hãy dùng Lời Chúa dẫn đường chỉ lối cho chúng con và bổ dưỡng chúng con bằng bữa tiệc Thánh như Chúa đã phục vụ các Tông đồ tại bờ hồ Ga-li-lê.
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH – HHTM

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH C
Cv 13,14.43-52 ; Kh 7,9.14b-17 ; Ga 10,27-30
TRỞ NÊN MỤC TỬ CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 10,27-30
(27) “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi. (28) Tôi ban cho chúng sự sống đời đời. Không bao giờ chúng phải diệt vong, và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”. (29) “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. (30) Tôi với Chúa Cha là một !”.
2. Ý CHÍNH:
Tin mừng của Gioan hôm nay ghi lại những lời tâm sự của Chúa Giê-su với các môn đệ. Người đã tự ví mình là Mục Tử nhân lành, được Chúa Cha sai đến để thay quyền Cha mà chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ đoàn chiên đã được trao cho Người. Người và Chúa Cha chỉ là Một”.
3. CHÚ THÍCH:
– C 27-28: + Con chiên và Mục Tử: Trong Thánh kinh, hình ảnh con chiên mang một ý nghĩa tốt đẹp: Đức Chúa đã trao đàn chiên Ítraen cho một số mục tử chăn dắt (Tv 100,3) như: Môsê, Aharon (x. Tv 77,21), Giôsuê (x. Ds 27,18-21), Đavít (x.Tv 78,70-72)… Đến thời Tân ước, Chúa Giê-su đã tự xưng mình là Mục Tử nhân lành (x. Ga 10,11) và duy nhất của Thiên Chúa (x.Ga 10,16). Người lại trao quyền mục tử ấy cho các Tông đồ, Giám mục, Linh mục… để các vị này thay Người tiếp tục chăn dắt dân Ítraen Mới là Hội thánh. + Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi: Vào mỗi buổi tối, các mục tử thường đưa chiên về một cái chuồng lớn để nhốt chung với các bầy chiên khác. Sáng đến, mục tử đứng ở cửa chuồng gọi chiên của mình ra. Chiên sẽ nhận ra tiếng của mục tử và đi theo ông ra đồng ăn cỏ. Các mục tử thực sự là chủ của đoàn chiên thì sẽ chăm sóc cho chiên của mình, biết rõ tính của mỗi con để săn sóc và bảo vệ chúng cách hữu hiệu.
Ba thái độ mà các tín hữu cần phải thực hành để trở thành chiên ngoan của Mục Tử GIÊ-SU là Nghe, Biết và Theo Người như sau:
* NGHE: Lắng nghe là khởi đầu của đức tin như Chúa Cha đã nhắn nhủ các môn đệ của Đức Giê-su: “Các ngươi hãy vâng nghe Lời Người” (Mt 17,5) và thánh Phao-lô đã khẳng định: “Đức tin là bởi nghe” (Rm 10,17).
* BIẾT: Biết ở đây không phải là biết về tri thức, nhưng là về đời sống. Biết điều gì tức là có kinh nghiệm cụ thể về điều ấy. Biết một người nào là có liên hệ thân tình với người đó, như liên hệ giữa hai vợ chồng (x. Lc 1,34). Cũng vậy, Đức Giê-su biết rõ từng con chiên của Người.
* THEO: Chiên của Đức Giê-su có nhiệm vụ phải đáp trả lời mời gọi của Người bằng việc dứt khóat đi theo, quyết tâm vâng nghe lời dạy và sống theo gương lành của Người.
+ Tôi ban cho chúng sự sống đời đời: Đức Giê-su dẫn các tín hữu đi từ việc được nuôi sống (x. Ga 10,9) đến chỗ được sống dồi dào (x. Ga 10,10) và sống muôn đời (x. Ga 10,28). + Không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi: Là mục tử có trách nhiệm và đầy quyền năng, không bao giờ Đức Giê-su để chiên của Người bị giết hại hay bị cướp đoạt. Chỉ có chiên tự bỏ đàn để đi hoang. Còn Chúa thì không bao giờ bỏ mặc họ. Người là Mục Tử tốt lành, sẵn sàng đi tìm các chiên lạc để đưa về đoàn tụ trong một đoàn chiên duy nhất (x. Lc 15,4-7).
– C 29-30: + Tôi với Chúa Cha là một !: Lời tuyên bố này nói đến sự hiệp thông thân mật giữa Chúa Cha và Chúa con. Công đồng Nixêa năm 325 đã dựa trên lời này để tuyên tín: “Chúa Cha và Chúa con đồng một Bản tính Thiên Chúa, nhưng là hai Ngôi vị khác nhau”, để chống lại lạc thuyết Ariô (thế kỷ thứ IV) không công nhận Thần tính của Chúa Giê-su. Chính nhờ mang Bản tính Thiên Chúa mà Chúa Giê-su đã hứa ban cho các tín hữu được sự sống đời đời. Người cũng nhiều lần tự xưng: “Ta là” giống như Đức Chúa khi xưa. Sau cùng Người đã bị tử hình thập giá và ngày thứ ba đã từ cõi chết sống lại để phục hồi sự sống cho lòai người chúng ta.
4. CÂU HỎI: 1) Hãy kể tên một số vị Mục tử thời Cựu ước đã được Thiên Chúa trao quyền mục tử để thay Người chăn dắt đòan chiên là dân Ítraen. 2) Ba thái độ mà các con chiên ngoan của mục tử Giê-su phải có là gì ? 3) Chúa Giê-su hứa ban những quyền lợi gì cho các con chiên của Người ? 4) Công đồng Nixêa đã dựa vào đâu để tuyên bố tín điều về Thần Tính của Chúa Giê-su chống lại lạc thuyết Ariô ?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Tôi chính là mục tử nhân lành, Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14).
2. CÂU CHUYỆN:
1) MỤC TỬ TỐT LÀNH SẴN SÀNG THÍ MẠNG SỐNG VÌ ĐOÀN CHIÊN:
Vào cuối thế chiến thứ II, xảy ra vụ năm người lính Đức bị phục kích và bị sát hại gần thành phố Chani, miền bắc nước Ý năm 1943. Thế là viên tướng chỉ huy Đức Quốc Xã liền bắt 50 người có địa vị nhất của thành phố mang ra xử bắn để răn đe.
Hai đức giám mục chánh và phó của thành phố cố gắng can thiệp nhưng không có hiệu quả. Tất cả 50 người đều bị trói, bị bịt mắt và xếp thành hàng dài. Rồi sau thời gian chờ đợi căng thẳng, viên sĩ quan ra lệnh cho quân lính chuẩn bị nhắm bắn. Bấy giờ hai vị giám mục đã yêu cầu viên chỉ huy cho phép ôm hôn từ biệt từng người và được chấp thuận. Các ngài đã lợi dụng giây phút quý báu để ban phép giải tội cho họ. Sau đó hai vị giám mục đã không về chỗ mà lại tình nguyện đứng vào hàng ngũ những người bị xử bắn. Đức giám mục chính tòa đã nói với viên chỉ huy: “Không phải 50, nhưng là 52 người trong đó có chúng tôi. Ông vẫn quyết định bắn chúng tôi, thì hãy ra lệnh. Xin Thiên Chúa tha thứ cho ông.”
Khi ngài vừa dứt lời, thì bầu khí đang nặng nề sự chết chóc đột nhiên biến mất và thay vào bằng những tiếng reo hò vang dậy, vì quân lính Đức đang nhắm bắn tử tội đã được viên sĩ quan ra lệnh hạ vũ khí. Hôm đó trên đường từ pháp trường về, cả hai vị mục tử cũng như đoàn chiên đều sung sướng dâng Chúa lời Thánh vịnh: “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ. Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng. Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán: Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay!” (Tv 126,1-2).
2) “GIAI ĐIỆU HẠNH PHÚC”:
Trong một cuốn phim tựa đề là “Giai điệu hạnh phúc” (La mélodie du bonheur), cô MERI là một người đang đi tìm hiểu ơn gọi tại một tu viện nữ. Một hôm bà bề trên sai cô đi làm gia sư trong một gia đình quí tộc. Ông đại uý chủ nhà là người giàu có, góa vợ và luôn tỏ ra nghiêm khắc trong cách giáo dục con cái. Ông muốn chúng có tinh thần kỷ luật giống như người lính trong quân đội. Khi mới đến nhận việc, cô Meri đã bị bọn trẻ cố tình trêu chọc. Nhưng nhờ tình thương của một thầy giáo, kèm theo sự hiểu biết tâm lý và cách ứng xử mềm dẻo nhưng cương quyết, cùng những bài hát vui tươi và vũ điệu lôi cuốn của cô…
Cuối cùng cô đã chinh phục được tình cảm của lũ trẻ, biến chúng trở nên những trẻ em ngoan ngoãn dễ dạy. Chúng luôn vâng lời cô giáo, không cần cô phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc theo kiểu người cha của chúng. Cuối cùng cô còn chinh phục được tình cảm của chính ông đại uý chủ nhà. Câu chuyện kết thúc bằng việc cả gia đình ông đại úy đã khôn ngoan thoát khỏi sự ruồng bắt của chính quyền phát xít Đức lúc đó. Họ cùng nhau vượt qua biên giới an toàn để bước vào một cuộc sống mới đầy yêu thương và hạnh phúc.
3) MẸ HY SINH CHẾT ĐỂ CON ĐƯỢC SỐNG:
Trong thiệp báo tin Maria Cristina qua đời không mang màu đen tang chế nhưng được viền một màu xanh hy vọng. Chính giữa thiệp nổi lên hình một bông hoa hồng, có đọng những giọt sương mai óng ánh. Giữa bông hoa là ảnh chân dung của Cristina đang tươi cười duyên dáng trong chiếc áo cưới rất đẹp. Bên dưới bức ảnh là lời nguyện rút ra từ nhật ký của Cristina: “Lạy Cha, xin dâng Cha niềm vui của con như ca khúc chúc tụng Cha, trái tim con như căn nhà tiếp đón Cha và cuộc đời con để Cha thực hiện điều Cha muốn.”
Cuộc đời của Cristina đã kết thúc vào năm 26 tuổi. Bệnh ung bướu ác tính tại tử cung đã mắc vào năm 18 tuổi, tưởng đã được chữa lành, giờ lại xuất hiện. Nàng đã có hai con một trai một gái. Cristina đang chờ sinh con thứ ba. Khi nghe bác sĩ thông báo hung tin: “Cristina, tôi rất tiếc phải cho bà biết chứng ung thư ác tính đã tái xuất hiện”. Sau khi im lặng một giây, Cristina đã nhìn thẳng vào mắt vị bác sĩ và nói: “Tôi đang mang thai, bác sĩ ạ!”. Viên bác sĩ đã hiểu và không dám đề ra lối trị liệu hóa chất sẽ giết chết bào thai! Mà chỉ kê toa thuốc dưỡng thai.
Sau đó đến tháng 8 năm 1994 thì Maria Cristina đã sinh hạ bé Riccardo. Ngay sau khi sinh, chị mới bắt đầu dùng phương pháp trị liệu bằng hóa chất, nhưng đã quá trễ, bướu ung thư đã ăn sâu vào các cơ quan nội tạng. Người mẹ trẻ đã êm ái trút hơi thở cuối cùng vào ngày 22-10-1995, để lại 3 con thơ dại. Cái chết anh dũng của Cristina để bảo vệ thai nhi đã cho thấy một tình thương vô bờ của một bà mẹ trẻ đối với đứa con thân yêu của mình. Chị đã thực hành lời Chúa: “Mục tử tốt lành hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên”.
4) ĐÁP LẠI TÌNH THƯƠNG CỦA MỤC TỬ GIÊ-SU:
Một ngày kia, Chúa Giê-su đã hiện ra cho thánh Hiêrônimô và hỏi: “Này Hiêrônimô, hôm nay con có gì để dâng cho Thầy không?”
Hiêrônimô đáp: “Con dâng cho Chúa tất cả những bộ sách con đã viết và nhất là bộ Kinh Thánh con mới dịch xong.”
Chúa Giê-su mỉm cười chấp nhận nhưng vẫn chưa thỏa mãn, Người hỏi tiếp: “Con còn có gì khác để dâng cho Ta nữa không?”
Hiêrônimô không chút do dự trả lời: “Con xin dâng cho Chúa tất cả những hy sinh, khổ cực con gặp thường ngày từ trước cho tới bây giờ. Con dâng cho Chúa trọn cả cuộc đời tu trì của con đây.”
Chúa Giê-su chấp nhận nhưng vẫn chưa hoàn toàn mãn nguyện, Người lại hỏi lần thứ ba: “Con cố nghĩ xem còn có gì thêm để dâng cho Ta nữa không?”
Lần này, Hiêrônimô suy nghĩ và đã thưa cùng Chúa: “Con nghĩ con đã dâng cho Chúa tất cả mọi sự của con rồi, Không còn gì khác xứng đáng để dâng cho Chúa.”
Bấy giờ Chúa Giê-su đã âu yếm nhìn Hiêrônimô và nhỏ nhẹ phán: “Hiêrônimô, tại sao con không dâng cho Ta những tội lỗi cùng những thói hư của con? Con giữ chúng lại làm gì? Ta đã xuống thế, chịu chết trên cây thập tự chính là để đền mọi tội lỗi của con đó”.
Bấy giờ Hiêrônimô đã thành kính dâng lên Chúa tất cả, kể cả mọi tội lỗi của mình.
3. THẢO LUẬN:
1) Hãy cho biết Chúa Giê-su trong Tin Mừng đã tự xưng là mục tử tốt lành , phân biệt với các đầu mục dân Do thái là các kinh sư, Biệt phái và Tư tế đền thờ như thế nào? 2) Mỗi người chúng ta có thể làm gì để tích cực cộng tác với các vị chủ chăn trong giáo xứ trong việc phục vụ cộng đoàn? 3) Mỗi người chúng ta cần làm gì để thêm nhiều bạn trẻ tình nguyện hiến thân phụng sự Chúa trong các chủng viện hay dòng tu nam nữ?
4. SUY NIỆM:
Trong Cựu Ước, hình ảnh Mục Tử Nhân Lành đã được các ngôn sứ dùng để ám chỉ Đức Chúa như sau: “Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính, vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23,1-4). Hình ảnh người mục tử cũng được dùng để ám chỉ các vị lãnh đạo thời bấy giờ. Nhưng thật đáng buồn khi các vua chúa đã không sống đúng vai trò mục tử của mình như ngôn sứ Êdêkien đã tuyên sấm Lời Đức Chúa quở trách họ: “Khốn cho các mục tử Ítraen, những kẻ chỉ biết lo cho mình! … Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng chạy tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi, trên khắp mặt đất… thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm” (Ed 34,2-6).
Sang thời Tân Ước, Đức Giê-su cũng khẳng định: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Kẻ làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh ta, nên khi thấy sói đến, anh ta liền bỏ chiên mà chạy trốn. Sói vồ lấy chiên và làm cho đoàn chiên tan tác, vì anh ta chỉ là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến đoàn chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên tôi, và chiên của tôi biết tôi. Như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” (Ga 10,11-16).
1) Mục tử là ai và được phân thành mấy loại?:
Mục tử là người lãnh đạo và chăn dắt đoàn chiên. Đức Giê-su phân biệt ra hai loại mục tử: Một là mục tử đích thực hay là chủ chiên nhân lành, và hai là mục tử giả hiệu hay là kẻ chăn thuê như sau:
– Mục tử nhân lành: Đức Giê-su đã nói: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14). Đức Giê-su đã thể hiện sứ vụ mục tử của loài người: Trong thời gian giảng đạo, Người đã đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, dạy cho người ta biết Thiên Chúa là Tình Yêu và đòi chúng ta phải biết đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng việc yêu thương tha nhân bên cạnh, nhất là yêu thương những người nghèo hèn bệnh tật và bị bỏ rơi (x Mt 13,1-9). Người đến để cho «chiên được sống và sống dồi dào» (10,10). Đây cũng là sứ vụ mà các mục tử hôm nay cần quan tâm thực hiện, là lo cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào qua việc chuyên tâm dạy giáo lý và rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Dồi dào qua việc tích cực góp phần chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền của dân (x. Mt 8,16-17), xua trừ ma quỷ (x. Mt 9,32-34), chia sẻ cơm bánh (x. Mt 14,15-21), phục sinh kẻ chết (x. Ga 11,43-44).
– Mục tử giả hiệu: hay người chăn thuê, ám chỉ các đầu mục dân Do Thái đương thời gồm các kinh sư, người Pharisêu và các tư tế phục vụ Đền thờ. Những người này không phải là chủ chiên thực sự nên «không thiết gì đến chiên» (10,13). Họ tỏ ra vô trách nhiệm trước sự an nguy của đoàn chiên: «khi thấy sói đến, họ bỏ chiên mà chạy», để «sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn» (10,12). Đối với hạng mục tử này, đoàn chiên chỉ có giá trị lợi dụng để phục vụ cho họ như ngôn sứ Êdêkien đã tuyên sấm lời Đức Chúa trách các mục tử Ítraen như sau: «Khốn cho các mục tử Ítraen, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Sữa chiên thì các ngươi uống, len thì các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, nhưng đoàn chiên thì lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc» (Ed 34,2-4).
2) Hai loại mục tử trong Hội Thánh hôm nay:
Ngày nay trong Hội thánh cũng luôn có hai loại mục tử như thời Đức Giê-su:
– Các mục tử tốt lành: Hầu hết các mục tử trong Hội Thánh hôm nay đều là những người thành tâm đáp lại ơn Chúa kêu gọi để gia nhập chủng viện, được huấn luyện, được giám mục tuyển chọn, đặt tay trao tác vụ linh mục và được sai đi chăm sóc đoàn chiên. Đặc điểm của mục tử tốt lành này là thái độ nhiệt tình yêu mến Chúa và khiêm tốn phục vụ đàn chiên vô vụ lợi noi gương Đức Giê-su. Họ luôn vui vẻ đón tiếp mọi người không phân biệt giàu nghèo sang hèn khi làm các việc dạy giáo lý, rao giảng Lời Chúa, thăm viếng an ủi những người bệnh tật đau khổ, chia sẻ cơm bánh và khiêm tốn phục vụ người nghèo với tình thương noi gương mục tử Giê-su.
– Bên cạnh những mục tử tốt lành nói trên, vẫn còn một số ít mục tử chưa tốt được Đức Giê-su ví như kẻ chăn thuê. Những người này coi việc mục vụ như một nghề kiếm sống. Họ cũng rao giảng Tin mừng, cũng dạy giáo lý, cũng khuyên bảo mọi người… nhưng chính họ lại không thực hành, nghĩa là “họ nói mà không làm” như lời Đức Giê-su đã trách các đầu mục dân Do thái: «Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng làm theo, vì họ nói mà không làm» (Mt 23,3). Hạng mục tử chăn thuê này thường biểu lộ qua các hành vi như: Chỉ quan tâm săn đón người giàu và khinh thường bạc đãi người nghèo, có lối sống xa hoa ích kỷ như: ở nhà quá sang trọng, mặc quần áo thời trang, chọn đi loại xe đời mới đắt tiền… mà không quan tâm đến những nhu cầu của người nghèo và các bệnh nhân đang cần được trợ giúp. Họ có thái độ kiêu căng tự ái cao khi tìm các trả thù những ai dám phê phán các việc làm sai trái của họ. Họ quá quan tâm đến những việc đời thường hơn là các việc thuộc chức năng mục tử của mình, và luôn làm mọi việc chỉ vì lý do lợi nhuận…
3) Mục tử hôm nay cần phải năng tự kiểm về lòng thương xót:
Hiện nay có hiện tượng ngày càng có nhiều tín hữu chủ trương “Tin Chúa chứ không tin Giáo Hội”. Thực tế tại các nước Nam Mỹ, một số không ít tín hữu đã rời bỏ Hội Thánh công giáo để gia nhập các giáo phái lạc đạo, nhưng các người đứng đầu của họ lại có lối ứng xử có tình người hơn và có nếp sống khó nghèo phù hợp với lời Chúa hơn. Ngày lễ Chúa Chiên nhân lành hằng năm chính là dịp để các tín hữu chúng ta, nhất là các người đang có trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên kiểm điểm đời sống, năng xét mình về cung cách phục vụ như sau:
– Có thể chúng ta đã “nói mà không làm” như các kinh sư và người Pharisêu giả hình xưa đã bị Đức Giê-su phê phán: “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,2-4).
– Có thể một số mục tử trong chúng ta đã lối hành xử thiếu lòng thương xót khi giải quyết giấy tờ hôn phối theo ý riêng mà không theo Giáo Hội, đã bày đặt thêm những điều kiện không có trong giáo luật, gây trở ngại không ít cho công việc làm ăn của các tín hữu, gây bức súc cho các di dân từ các nơi xa đến.
– Một số các mục tử trong chúng ta đã có lối hành xử “vụ lề luật”, thiếu lòng thương xót, hoặc ứng xử thiếu nhân bản thân thiện khi tiếp xúc với anh em lương dân, gây cho họ sự bất mãn và tạo thành kiến bất lợi cho công cuộc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh. Chính lối hành xử thiếu lòng thương xót này là nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ phải kết hôn không phép đạo, hoặc khiến một số người lương mới theo đạo có ác cảm và đã bỏ đến nhà thờ sau khi kết hôn…
4) Thế nào là một mục tử lý tưởng theo Đức Thánh Cha Phanxicô ?:
Đức Thánh Cha Phanxicô quan niệm mục tử lý tưởng phải là “người gần gũi với dân chúng, là người cha, người anh em, với sự hiền dịu, kiên nhẫn và thương xót. Là những người yêu sự khó nghèo, sự khó nghèo nội tâm trước mặt Chúa, cũng như khó nghèo bên ngoài như sự đơn sơ và khắc khổ trong cuộc sống. Là những người không có “tâm lý của các ông hoàng”. Là những người không tham vọng và là các phu quân của Giáo Hội. Là những người có khả năng thức tỉnh đoàn chiên được giao phó, và quan tâm duy trì sự hiệp nhất, canh giữ đoàn chiên, chú ý tới các hiểm nguy có thể đe dọa đoàn chiên. Nhất là, làm cho niềm hy vọng được lớn lên. Ước gì các Mục Tử luôn có mặt trời và ánh sáng trong trái tim. Là những người có khả năng hỗ trợ Thiên Chúa nơi dân Người, với tình yêu thương và lòng kiên nhẫn.
Cuối cùng vị mục tử có ba vị trí trong đoàn chiên khi thi hành sứ vụ chăn dắt chiên như sau:
-Một là ở đàng trước để dẫn đường.
-Hai là ở giữa để duy trì sự hiệp nhất và động viên tinh thần của đoàn chiên.
-Ba là ở đàng sau để tránh cho chiên khỏi đi tụt hậu, và tạo điều kiện để đoàn chiên đánh hơi hầu tìm ra một hướng đi mới cho đoàn.
Trong kinh Năm Thánh “Lòng Chúa thương xót” có đoạn cầu cho các thừa tác viên là các mục tử trong Hội Thánh như sau: “Xin cho Hội Thánh được nên gương mặt hữu hình của Chúa nơi trần gian, gương mặt của Chúa sống lại hiển vinh. Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng phải khoác lên người sự yếu đuối để biết đồng cảm với những người đang sống trong u mê và lầm lạc: xin cho mọi người khi đến với các thừa tác viên đều cảm thấy mình được Thiên Chúa tìm kiếm, yêu thương và tha thứ.”
5) Ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu:
– Hiện nay trên thế giới nhất là tại các nước Âu Mỹ đang thiếu ơn gọi linh mục tu sĩ cách trầm trọng. Nhiều nhà thờ không có linh mục coi sóc, nhiều tu viện to lớn bị bỏ hoang vì không còn tu sĩ trẻ. Nguyên nhân của tình trạng này rất nhiều. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính là do lỗi của mỗi tín hữu chúng ta: Vì chưa ý thức được tầm quan trọng của sứ vụ truyền giáo nên chúng ta chưa thiết tha nài xin Thiên Chúa sai thêm thợ gặt đến, chưa canh tân đời sống để làm chứng nhân tình thương của Chúa Giê-su trước mặt người đời; Các bậc cha mẹ công giáo chưa quảng đại dâng con cho Chúa và không khuyến khích chúng đi tu làm linh mục và làm tu sĩ để phục vụ Chúa và Hội Thánh cách hữu hiệu hơn.
– Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II trong sứ điệp về ơn gọi năm 1996 cũng nhắc đến vai trò của giáo xứ trong việc vun trồng ơn thiên triệu như sau: “Phải làm sao để mỗi giáo xứ trở thành một cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa, cộng đoàn cầu nguyện, hăng say làm việc tông đồ và luôn quan tâm phục vụ những người nghèo khổ. Giới trẻ hôm nay vẫn không thiếu những tâm hồn quảng đại, không thiếu những người trẻ muốn sống cuộc đời lý tưởng và có ý nghĩa. Họ cần được hướng dẫn để gặp được Đức Giê-su, để nghe lời Người và đi theo làm môn đệ của Người, sẵn sàng chia sẻ sứ mạng cứu độ của Người”.
5. LỜI CẦU:
– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ban cho chúng con những linh mục biết quảng đại, hy sinh phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Xin ban cho chúng con những linh mục có trái tim biết yêu thương bằng tình yêu của Chúa, một trái tim mở rộng để sẵn sàng đón nhận hết mọi người, nhất là những người đau khổ và bị bỏ rơi. Xin ban cho chúng con những linh mục có đức tin vững mạnh, luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa, để giúp chúng con gặp được chính Chúa qua các ngài. Xin ban cho chúng con những linh mục biết nhiệt tình rao giảng Lời Chúa, có sức làm bùng cháy ngọn lửa tin yêu trong lòng chúng con, giúp chúng con thêm đức tin để nhìn thấy Chúa đang hiện thân trong mọi người. Cuối cùng xin Chúa ban cho chúng con những linh mục là những chủ chăn tốt lành, giàu lòng từ bi thương xót noi gương Chúa xưa, Đấng đến để cho chiên “được sống và sống dồi dào”.
– LẠY CHÚA. Xin cho các gia đình Công giáo trở thành một môi trường tốt ươm trồng ơn thiên triệu, bằng việc tạo bầu khí đạo đức và yêu thương giữa các thành viên với nhau. Xin cho chúng con luôn kính trọng yêu mến các linh mục coi sóc chúng con, thành tâm cộng tác với các ngài, sẵn sàng giúp đỡ các ngài chu toàn nhiệm vụ. Ước gì giáo xứ chúng con trở thành một cộng đoàn luôn hiệp thông giữa chủ chăn và đàn chiên, là điều kiện để giáo xứ phát triển cả về vật chất cũng như tinh thần. Nhờ đó chúng con sẽ chu toàn được sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa giữa lòng xã hội Việt Nam hôm nay.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH – HHTM

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH C
Cv 14,21b-27 ; Kh 21,1-5a ; Ga 13,31-33a.34-35
PHỤC VỤ TRONG YÊU THƯƠNG VÀ KHIÊM HẠ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 13,31-33a.34-35
(31) Khi Giuđa đi rồi, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người. (32) Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. (33a) Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy. Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. (34) Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (35) Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau”.
2. Ý CHÍNH: Bài Tin mừng hôm nay trích trong bài từ biệt của Đức Giê-su nói trong bữa tiệc ly vào chiều thứ Năm tuần thánh. Khi Giuđa rời khỏi bàn tiệc lao mình vào bóng tối thì Đức Giê-su tuyên bố “Giờ Người được tôn vinh” đã bắt đầu đúng theo thánh ý Chúa Cha. Sau đó Đức Giê-su ban cho các môn đệ điều răn mới là “Hãy yêu thương nhau như Thầy”. Tình yêu ấy chính là dấu chỉ để người đời phân biệt môn đệ thực sự của Người.
3. CHÚ THÍCH:
– C 31-32: + Khi Giuđa đi rồi: Có lẽ Giuđa ra khỏi phòng tiệc sau khi Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ và trước khi thiết lập bí tích Thánh Thể. Từ giờ phút này, Người nói về số phận của Người và trăn trối những lời cuối cùng cho các môn đệ. + Giờ đây Con Người được tôn vinh: Cuộc thương khó bắt đầu, vì Giuđa đã tiến hành công việc nộp Người. + Và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người: Thiên Chúa cũng được vinh hiển nhờ việc Đức Giê-su “vâng lời cho đến chết trên cây thập giá” (x. Pl 2,8). + Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình: Nếu Đức Giê-su làm cho Chúa Cha được vinh hiển nhờ cái chết của Người trên thập giá, thì Chúa Cha cũng sẽ ban cho Người được vinh hiển bằng cách cho Người sống lại vinh quang.
– C 33a.34-35: + Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy: Đức Giê-su giống như người cha trăn trối những lời sau hết cho con cái trước khi chịu chết. + Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em: Điều răn này mới ở chỗ: thay vì lấy bản thân làm khuôn mẫu để yêu người khác như luật cũ dạy “Yêu đồng loại như chính thân mình” (x. Lv 19,18), Đức Giê-su lại đòi môn đệ phải yêu thương nhau theo khuôn mẫu tình yêu của Người dành cho họ, là hy sinh mạng sống mình vì họ. Thánh Gioan viết: “Căn cứ vào điều này chúng ta biết được tình yêu là gì: Đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta” (1 Ga 3,16). + Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy…: Tình yêu hy sinh như thế sẽ trở thành dấu chỉ đặc biệt để người đời nhận biết ai là môn đệ đích thực của Đức Giê-su.
4. CÂU HỎI: 1) Giuđa có được Đức Giê-su rửa chân và có được tham dự bữa tiệc Thánh Thể hay không? 2) Tại sao sau khi Giuđa rời bàn tiệc, Đức Giê-su lại nói: “Giờ đây Con Người được tôn vinh” ? 3) So sánh với điều răn yêu người của Luật Môsê, điều răn yêu thương lẫn nhau của Đức Giê-su mới ở điểm nào ?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
2. CÂU CHUYỆN: ĐẶC ĐIỂM CỦA TÌNH YÊU THỰC SỰ:
1) YÊU THƯƠNG LÀ QUÊN MÌNH VÌ NGƯỜI MÌNH YÊU:
Vào năm 1995, một trận động đất với cường độ mạnh đã xảy ra tại Thành phố Kôbê Nhật Bản. khiến cho nhiều nhà cửa trong thành phố sụp đổ trở thành những đống gạch khổng lồ, gây thiệt hại rất lớn cho thành phố về người và của. Các đội cứu hộ ngày đêm làm việc khẩn trương để lôi ra từ những đống gạch đổ nát nhiều xác chết và người bị thương. Nhưng cũng chính từ tai họa này, người ta đã khám phá ra một câu chuyện rất cảm động về một tình yêu hy sinh quên mình như sau:
Đến ngày thứ hai của cuộc đào bới, thì từ dưới một ngôi nhà đổ nát, người ta đã đào lên được hai mẹ con vẫn còn sống thoi thóp. Đứa con nhỏ mới được vài tháng tuổi đang nằm ngủ yên trong lòng mẹ, đang khi mẹ của em lại bị hôn mê bất tỉnh. Sau khi tỉnh dậy, một nhà báo đã phỏng vấn bà mẹ trẻ ấy như sau: “Làm thế nào mà hai mẹ con chị có thể sống được đến hai ngày dưới đống gạch đổ nát kia ?”. Chị đáp: “Tuy bị vùi dưới tòa nhà, nhưng rất may chúng tôi đã không bị đè chết. Mấy tiếng đồng hồ sau thì con tôi khóc đòi ăn đang khi tôi chẳng còn giọt sữa nào. Tôi quờ quạng tìm xem có cái gì ăn cho đỡ đói không. Bất ngờ bàn tay tôi chạm vào một con dao sắc trong cái giỏ bên mình. Tôi cầm dao rạch một đường ở ngón cái cho chảy máu, rồi ấn chỗ bị cắt cho con bú máu thay vì sữa mẹ. Sau khi bú ngón tay tôi được mươi phút thì cháu nằm im ngủ. Nhưng rồi lại tiếp tục khóc vì đói. Tôi liền rạch thêm một đường nữa nơi cổ tay và cho cháu bú. Sau đó tôi ngất đi lúc nào không biết cho tới khi cả hai mẹ con được cứu sống”. Nhà báo tiếp tục hỏi: “Thế chị không nghĩ rằng khi làm như thế thì chị sẽ bị mất máu và sẽ bị chết hay sao?” Chị ta trả lời: “Lúc ấy, tôi không nghĩ đến mình, mà chỉ lo cho con tôi có cái gì bú để cho nó được sống!”.
2) TÌNH YÊU KHÔNG ÍCH KỶ NHƯNG LUÔN BIẾT NGHĨ ĐẾN NGƯỜI MÌNH YÊU:
Một ông lão đang đào đất gieo trồng mấy hột đào. Cháu trai của ông thấy vậy liền thắc mắc hỏi: “Ông ơi, tại sao ông lại phải vất vả trồng đào làm chi ? Liệu ông có sống được tới ngày cây đào ra trái hay không ?”. Bấy giờ ông lão mới âu yếm đặt tay lên vai đứa cháu, vừa cười vừa nói: “Này cháu, trái đào chúng ta ăn bây giờ chẳng phải là do người trước đã trồng đó sao ? Chúng ta ăn trái đào do người trước trồng, thì tại sao ta lại không trồng cho người sau được hưởng hả cháu ? Còn nếu ai cũng nghĩ rằng: chỉ khi nào mình được ăn mới trồng, thì liệu bây giờ chúng ta có được ăn những trái đào thơm ngon này không hả cháu ?”
3) YÊU THƯƠNG LÀ QUẢNG ĐẠI CHO ĐI HƠN LÀ NHẬN LÃNH:
Một sinh viên nghèo nọ theo học ngành mỹ thuật, ngày kia ghé thăm phòng vẽ của một danh họa Pháp. Bấy giờ trong phòng vẽ rất vắng lặng. Rồi cậu ta nhìn thấy một lão hành khất đang ngồi ở một góc tối để chờ làm mẫu cho họa sĩ vẽ. Thấy bộ dạng tiều tụy đáng thương của người hành khất, cậu sinh viên liền động lòng trắc ẩn. Cậu ta mở bóp ra và tìm mãi mới thấy còn một quan tiền và sau đó cậu đã lấy ra tặng cho ông lão nghèo khổ kia. Khi họa sĩ đến làm việc, người hành khất mới hỏi xem cậu sinh viên có lòng quảng đại kia là ai. Dựa theo lời của người hành khất, họa sĩ cho biết : “Thưa đó là một sinh viên nghèo nhưng rất hiếu học”. Chiều hôm đó, cậu sinh viên đã nhận được một món quà gói kín, trên có đề tên người gửi là “Nam tước GIẮC ĐỜ RÓT-SIN” (Jacques De Rothschild). Mở gói quà ra, cậu thật vui mừng khi đếm được tới 10 ngàn quan, kèm theo một bức thư nội dung như sau: “Đây là số tiền lời do một quan tiền mà cậu đã bố thí cho người nghèo vào sáng hôm nay !”. Thì ra người hành khất ngồi chờ làm mẫu cho họa sĩ vẽ chính là một nam tước ham thích hội họa. Ông cũng là một người rất giàu có và tốt bụng.
4) TÌNH YÊU CÓ SỨC BIẾN ĐỔI NGƯỜI YÊU NÊN TỐT:
Cách đây ít lâu, đài truyền hình Thành phố đã chiếu một bộ phim giáo dục rất hay, mang tựa đề là “Giai điệu hạnh phúc” (La Mélodie du bonheur). Câu chuyện về một nữ dự tu tên là MA-RI. Chị được mẹ bề trên sai đi làm gia sư trong một gia đình của viên đại úy góa vợ. Mấy đứa con của viên đại úy lúc đầu tỏ ra ngang bướng khó dạy. Nhưng nhờ thái độ khoan dung vui vẻ cùng với tài năng nhảy múa ca hát, nhất là nhờ một tình thương bao la, với một trái tim biết cảm thông và chia sẻ mà cuối cùng cô giáo Ma-ri đã cảm hóa được các em và biến chúng trở thành những học sinh chăm ngoan và tài giỏi.
5) TÌNH YÊU LÀ ĐIỀU KIỆN TÁI TẠO SỨC SỐNG MỚI CHO CỘNG ĐOÀN:
Một Tu viện trưởng đến thăm một vị ẩn sĩ khôn ngoan, để xin tư vấn về cách điều hành tu viện mà ông đảm trách. Ông cho biết: trước đây tu viện của ông là một trung tâm thu hút rất nhiều khách thập phương đến hành hương cầu nguyện. Nhà nguyện trong tu viện luôn vang tiếng ca hát cầu kinh. Số người đến gõ cửa xin vào tu đông đến nỗi không còn chỗ nhận thêm. Thế nhưng hiện nay tu viện lại rơi vào tình trạng vắng tanh vắng ngắt. Các tu sĩ chỉ còn lèo tèo mười lăm ông già. Ai nấy chỉ biết lo cho bản thân mà không biết nghĩ đến kẻ khác. Nói chung tình trạng tu viện hiện đang xuống cấp trầm trọng. Sau đó, Tu viện trưởng yêu cầu vị ẩn sĩ tư vấn để tìm ra nguyên nhân và phương thế khắc phục. Vị ẩn sĩ sau khi nghe biết tình hình đã góp ý với tu viện trưởng như sau: “Theo thiển ý tôi thì nguyên nhân chủ yếu của tình trạng xuống cấp bi đát kia chính là tội vô tình!” và giải thích thêm: “Đức Giê-su hiện đang cải trang thành một người trong tu viện, nhưng không một ai trong tu viện nhận ra Người”.
Nhận được lời giải đáp, tu viện trưởng trở về tu viện, triệu tập các tu sĩ và cho biết Đức Giê-su hiện đang cải trang thành một người trong nhà. Ai trong cộng đoàn cũng có thể là Đức Giê-su ! Từ ngày đó, các tu sĩ đã đối xử với nhau như đối với Đức Giê-su: họ đã biết quan tâm phục vụ lẫn nhau, tôn trọng nhau và sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm khuyết điểm của nhau. Bầu khí cộng đoàn đã dần dần nồng ấm trở lại. Mọi người đều cảm thấy an vui. Ngày ngày họ chăm chỉ lao động ngòai đồng khiến năm ấy tu viện được mùa nho và lúa mì bội thu. Họ chia sẻ hoa lợi cho dân nghèo. Tấm gương đạo đức của họ ngày càng đồn xa khiến khách hành hương lại lục tục kéo đến nghe giảng dạy và xưng tội. Số tu sĩ ngày một gia tăng. Chính nhờ sống tình yêu thương mà tu viện đã hóa nên sinh động và ngày càng tốt đẹp hơn trước.
3. THẢO LUẬN: 1) Bạn thích câu chuyện nào nhất trong các câu chuyện trên và rút ra cho mình những bài học cụ thể nào về một tình yêu chân chính ? 2) Bạn hãy kể ra những bằng chứng nào cho thấy gia đình, xứ đạo hay hội đoàn của bạn đã sống được giới răn mới yêu thương của Đức Giê-su hôm nay ?
4. SUY NIỆM:
1) THẦY BAN CHO ANH EM MỘT ĐIỀU RĂN MỚI:
Có nhiều dấu hiệu để giúp người khác nhận ra một Kitô hữu như: đeo ảnh, làm dấu thánh giá, treo ảnh Chúa trong nhà… Nhưng dấu hiệu quan trọng nhất Đức Giê-su dạy hôm nay chính là sống tình yêu thương: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới”. Yêu thương nhau cũng chính là một phương thế truyền giáo hữu hiệu như Lời Chúa phán: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
Tiếc thay, hiện nay vẫn còn những bất đồng giữa những người cùng tôn thờ Thiên Chúa và cùng tin Đức Giê-su, nhưng lại chưa hiệp thông được với nhau như Công Giáo, Chính Thống, Anh Giáo, Tin Lành… Thậm chí đã từng xảy ra những mối hận thù và giết hại lẫn nhau giữa những người cùng nhận mình là con của Thiên Chúa như hai cộng đồng Công Giáo và Tin Lành ở Bắc AiLen, hai bộ tộc Hutu và Tútsi ở Ruăngđa. Biết đến bao giờ các tín hữu mới có thể cùng đọc chung một kinh Tin kính, mừng chung các đại lễ Giáng Sinh và Phục Sinh trong cùng một ngày, cùng cử hành một lễ nghi phụng vụ chung ? Thế giới hiện nay giống như một sa mạc khô khan cằn cỗi vì thiếu tình yêu. Ước chi các cộng đoàn Kitô sẽ trở thành những ốc đảo, có cỏ xanh tươi và nước suối trong lành, cuốn hút các con chiên lạc quay về sống trong đại gia đình có Thiên Chúa là Cha, Đức Giê-su là Thầy và mọi người đều là anh em với nhau, như lời ước nguyện của Người: “Xin cho chúng nên một” (Ga 17,21).
2) HÃY YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ THẦY:
Đức Giê-su đòi các môn đệ phải yêu thương nhau “như Thầy đã yêu” như sau:
– Hy sinh mạng sống vì người yêu: chịu chết trên cây thập giá để biểu lộ một tình yêu cao quý nhất và để đền tội thay cho mọi người chúng ta như Người đã nói: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.
– Nâng môn đệ lên bạn nghĩa thiết ngang hàng với Người: “Thầy không coi anh em là tôi tớ, nhưng là bạn hữu của Thầy”. Đức Giê-su là Thầy, là Chúa của các môn đệ, nhưng Người đã coi họ là bạn thể hiện qua việc chia sẻ: “Tất cả những gì Thầy đã nghe được nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho anh em biết”.
– Khiêm nhường rửa chân phục vụ môn đệ, cảm thông với những kẻ bất hạnh bằng việc làm phép lạ: cho người mù được sáng mắt, người què đi được, kẻ điếc nghe được, người câm nói được, những kẻ tội lỗi như các người thu thuế và gái điếm cùng nhận được ơn thứ tha tội lỗi và sau này còn được vào Nước trời với Người…
– “Yêu cho đến tột cùng”, yêu đến nỗi sẵn sàng hiến thân chịu chết để đền tội thay cho loài người và thiết lập bí tích Thánh Thể để nên của ăn cho chúng ta.
– Tóm lai: Chúa dạy “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu” không phải là thứ tình yêu ích kỷ, chỉ tìm cách chiếm đoạt và lợi dụng người yêu (Êros), nhưng là thứ tình yêu quảng đại vị tha, sẵn sàng hiến thân cho người mình yêu được hạnh phúc (Agapê).
3) CẦN THỰC HÀNH YÊU THƯƠNG NHAU CỤ THỂ THẾ NÀO?:
– Năng gặp nhau: Những người kitô hữu có tình yêu thương sẽ năng tụ họp nhau, thích gặp gỡ trao đổi với nhau. Vào ngày Chúa Nhật, chúng ta sẽ đến nhà thờ để cùng nhau cử hành thánh lễ, sau là để gặp nhau trò chuyện, giải trí và chia sẻ tâm tình với nhau. Yêu nhau nên cầu nguyện điều lành cho nhau. Mong cho nhau được sự may mắn, làm ăn thành đạt, sức khoẻ dồi dào, có lòng đạo đức, mãn nguyện theo ý muốn.
– Yêu nhau và làm những điều lành cho nhau: Có thể đó là sự giúp đỡ khi túng thiếu hay ốm đau, sự chăm sóc sức khoẻ, đời sống tâm linh của nhau, là sự chia sẻ của cải vật chất và tinh thần cho nhau. Giúp nhau củng cố và giáo dục đức tin, giúp hoà giải với nhau, giúp nhau xây dựng hạnh phúc gia đình, giúp nhau thành đạt trong công ăn việc làm. Dấu hiệu rõ nhất của tình yêu là hy sinh thì giờ, sức khoẻ, tiền bạc, và thậm chí cả sự sống vì nhau.
– Mang Chúa đến cho nhau: Mỗi người kitô hữu khi đã chịu phép rửa đều là đền thờ của Thiên Chúa, trong đó có Chúa Thánh Thần cư ngụ. Điều tốt nhất mà những người có đạo có thể làm là mang đến cho nhau ơn Chúa Thánh Thần. Thánh Thần sẽ làm cho chúng ta gắn bó mật thiết với Thiên Chúa và nên một với nhau.
4) NGƯỜI TA CỨ DẤU NÀY MÀ NHẬN RA ANH EM LÀ MÔN ĐỆ THẦY:
Cụ thể: trong mỗi cộng đoàn, chúng ta cần thể hiện tình yêu thương nhau như sau:
– Mỗi tuần họp mặt để cùng tìm hiểu Lời Chúa và xin Chúa giúp thực hành Lời Chúa.
– Quảng đại cho đi mà không cần tính tóan.
– Không chấp nhất những lầm lỗi khuyết điểm của nhau.
– Luôn bênh vực, làm trạng sư bào chữa lỗi lầm khuyết điểm cho nhau.
– Sẵn sàng tha thứ cho những ai đã xúc phạm đến mình.
– Quan tâm thăm viếng, phục vụ những người đau liệt, an ủi những cô thân cô thế, viếng xác đọc kinh cho người mới qua đời, an ủi những người gặp tai ương hoạn nạn…
Thể hiện tình yêu thương cách cụ thể chính là một phương thế hữu hiệu để giới thiệu Chúa đến với anh em lương dân, giúp họ sớm nhận biết tin theo Chúa và cùng được hưởng ơn cứu độ là sự sống đời đời với chúng ta.
5. NGUYỆN CẦU:
– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin dạy chúng con biết yêu thương và hợp tác với tha nhân trong việc xây dựng Nước Thiên Chúa ngay ở trần gian. Xin cho chúng con biết đến với tha nhân không chút thành kiến, nhưng luôn biết tin tưởng họ. Khi làm việc chung, xin cho chúng con biết nhìn thấy Chúa ở giữa chúng con để bỏ qua những sự kẻ khác xúc phạm đến tự ái của chúng con, cho chúng con tránh thói xấu ích kỷ nhỏ nhen và những thành kiến hẹp hòi về người khác.
– LẠY CHÚA. Ước chi chúng con biết đi bước trước đến với tha nhân. Xin cho chúng con đón nhận được ơn Thánh Thần để sẵn sàng mở rộng đôi tai lắng nghe người khác, mở lòng yêu thương và mở rộng tay để nối vòng tay lớn và chân thành phục vụ. Xin cho Thánh Ý Chúa sớm được thực hiện nhờ sự hiệp nhất của các môn đệ Chúa, khi biết cùng nhau xây dựng một “Trời Mới Đất Mới” công bình và yêu thương, bắt đầu từ gia đình, cộng đoàn rồi xứ đạo và sau cùng đến các dân tộc trên thế giới.
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH – HHTM

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH C
Cv 15,1-2.22-29 ; Kh 21,10-14.22-23 ; Ga 14,23-29
VƯỢT QUA CƠN KHỦNG HOẢNG ĐỨC TIN
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 14,23-29
(23) Đức Giê-su đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. (24) Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. (25) Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. (26) Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy. Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. (27) Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. (28) Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đến cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. (29) Bây giờ, Thầy nói với anh em, trước khi sự việc xảy ra, để anh em tin khi sự việc ấy xảy ra”.
2. Ý CHÍNH:
Bài Tin mừng hôm nay trích trong bài từ biệt các Tông đồ của Đức Giê-su tại Nhà Tiệc Ly và gồm hai điểm chính như sau:
– THỂ HIỆN LÒNG MẾN: Đức Giê-su đòi các Tông đồ phải chứng tỏ lòng yêu mến Người bằng cách tuân giữ Lời Người truyền dạy, nhờ đó họ sẽ được kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi và sẽ nhận được ơn Thánh Thần trợ giúp.
– HỨA BAN BÌNH AN VÀ NIỀM VUI: Đức Giê-su cũng hứa sẽ ban bình an của Người cho các Tông đồ. Bình an thực sự và ngay trong tâm hồn. Nhờ đó, các ông sẽ không còn bối rối sợ hãi khi gặp phải những cơn bách hại xảy ra. Vì Người hứa sẽ ở lại với các ông luôn mãi.
3. CHÚ THÍCH:
– C 23-24: +Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy: Đức Giê-su đòi các môn đệ phải chứng tỏ lòng yêu mến Người bằng hành động cụ thể chứ không bằng lời nói hay tình cảm suông. Hành động chứng tỏ lòng yêu mến là tuân giữ giới răn Người truyền. +Cha Thầy và Thầy: Cha Thầy và Thầy ám chỉ Thiên Chúa Ba Ngôi, vì Chúa Thánh Thần chính là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con nhiệm xuất ra.
– C 25-26: +Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy: Đức Giê-su loan báo sẽ xin Chúa Cha sai Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ đến với các Tông đồ để Người sẽ ở lại với các ông luôn mãi (x. Ga 14,16). +Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em: Sứ mệnh của Thánh Thần là dạy cho các môn đệ tất cả những gì Đức Giê-su đã bày tỏ nhưng lúc đó các ông chưa thể lãnh hội được hết ý nghĩa (x. Ga 13,7).
– C 27-29: +Thầy để lại bình an cho anh em: Người Do thái thường chào nhau bằng lời chúc “Bình an”. Sự bình an này đồng nghĩa với không có chiến tranh… Còn sự bình an của Chúa Giê-su ban ở đây thuộc lãnh vực đức tin siêu nhiên. có nghĩa là được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết và được hưởng ơn cứu độ. +Bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy: Xét về bản tính Thiên Chúa thì Đức Giê-su ngang bằng Chúa Cha. Nhưng xét về tư cách Đấng Thiên Sai, thì Đức Giê-su là “Ngôi Lời đã hóa nên người phàm”(Ga 1,14) nên không thể cao trọng bằng Thiên Chúa là Đấng đã sai Người (x Ga 14,28b). Thánh Phao-lô đã nói về điều này như sau: “Đức Giê-su Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hòan tòan trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu…” (Pl 2,6-11).
4. CÂU HỎI:
1) Đức Giê-su đòi môn đệ làm gì để chứng tỏ lòng yêu mến đối với Người ? 2) Ai yêu mến Người thì sẽ được Thiên Chúa ban thưởng thế nào ? 3) Đức Giê-su hứa ban Chúa Thánh Thần đến nhằm mục đích gì ? 4) Sự bình an do Đức Giê-su hứa ban giống hay khác với lời chào chúc bình an của người Do thái ? 5) Tại sao Đức Giê-su lại nói : ”Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” đang khi giáo lý dạy ba Ngôi Thiên Chúa bằng nhau và không Ngôi nào lớn hơn !
II. SỐNG LỜI CHÚA:
1. LỜI CHÚA: “Thầy đi thì ích lợi cho anh em” (Ga 16,7).
2. CÂU CHUYỆN:
1) CÁCH LY ĐỂ CON PHÁT TRIỂN TRƯỞNG THÀNH HƠN:
MERIƠN OÉT (Marion West) là một bé gái 4 tuổi. Ngày nào bé cũng vui mừng nhảy nhót khi thấy mẹ từ chỗ làm tới đón về nhà ăn trưa. Vì bận phải đi làm việc gần nhà nên từ sáng sớm, mẹ cô bé đã đem con nhờ người hàng xóm tốt bụng trông giúp. Rồi đến trưa bà tranh thủ ra khỏi chỗ làm để đi đón con, và hai mẹ con hối hả trở về nhà cùng ăn trưa và vui đùa bên nhau. Rồi đến một giờ chiều, bà lại phải từ giã bé để đến chỗ làm tiếp tục công việc. Sau đó, bé MERIƠN thường buồn tủi ngồi im lặng hàng giờ đồng hồ. Thế rồi, theo lời khuyên của chuyên gia tâm lý, một ngày kia, mẹ bé đã thôi không về nhà vào mỗi buổi trưa đón bé nữa. Trưa hôm ấy, bé MERIƠN buồn rầu không thiết ăn uống. Em cứ thắc mắc tại sao mẹ lại không về nhà ăn trưa và chơi đùa với em? Nhưng rồi lâu ngày bé quen dần và trở lại vui vẻ như trước.
Nhiều năm sau đó, MERIƠN mới được mẹ kể cho biết bấy giờ hàng ngày bà vẫn trở về nhà, nhưng không ghé đón cô. Bà thường ngồi bên cửa sổ nhà bếp vừa ăn trưa vừa nhìn con vui chơi với các bạn bên nhà hàng xóm. Bà ao ước được chạy lại ôm ấp cô cho thỏa lòng. Nhưng vì muốn cho con trưởng thành, bà đành nén lòng lại, để con quen dần với sự vắng mặt của bà mà phát triển tâm lý bình thường như bao trẻ khác. Giờ đây khi đã khôn lớn, MERIƠN mới hiểu lý do tại sao mẹ cô lại làm như thế, và cô lại càng biết ơn mẹ nhiều hơn.
2. CẦN TỰ PHẤN ĐẤU ĐỂ VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG ĐỨC TIN:
Một nhà chuyên môn sưu tầm các loài bướm ngày kia đã nhìn thấy một chiếc kén của loài bướm lạ trong khu vườn sau nhà. Ông ta liền ngắt cành cây có chiếc kén kia mang vào trong nhà. Ít ngày sau, ông ta thấy bên trong chiếc kén có sự nhúc nhích, nhưng con bướm vẫn chưa thể phá được chiếc kén để bò ra ngoài. Ngày thứ hai và ngày thứ ba ông ta cũng ghi nhận được sự kiện tương tự và không thấy có sự tiến bộ nào. Thế là ông quyết định dùng mũi dao lam rạch một đường trên chiếc kén giúp chú bướm bò ra. Tuy nhiên, ông rất thất vọng vì chú bướm sau đó chỉ sống được một lúc rồi lăn ra chết. Về sau, một nhà sinh vật học đã giải thích cho ông hiểu: Thiên nhiên đã sắp xếp cho con bướm phải đấu tranh để thoát ra khỏi chiếc kén bao bọc nó, vì chính nhờ sự đấu tranh mà chú bướm mới phát triển toàn diện để sinh tồn khi ra ngoài.
Nhà sưu tầm bướm tưởng rằng dùng lưỡi dao rạch chiếc kén sẽ giúp cho chú bướm dễ dàng thoát ra hơn. Nhưng ông không biết rằng làm như thế là ông đã huỷ diệt khả năng phát triển và sinh tồn của chú bướm.
3. THẢO LUẬN: 1) Khi gặp cơn khủng hoảng về đức tin (chán ngại cầu nguyện, lười biếng làm các việc đạo đức bác ái…), bạn cần làm gì để vượt qua cơn khủng hoảng ấy? 2) Bạn sẽ làm gì để lời chúc bình an cuối lễ được ứng nghiệm trong đời sống thường ngày ?
4. SUY NIỆM:
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay ghi lại lời Chúa Giê-su tâm sự với các môn đệ trong bữa Tiệc Ly trước khi Người lìa bỏ các ông ra đi chịu khổ nạn. Tin Mừng gồm mấy điểm chính như sau:
1) Đức Giê-su hứa ban Thánh Thần:
Khi nghe Đức Giê-su tiên báo việc Người sắp ra đi chịu khổ nạn rồi mới được Chúa Cha tôn vinh (x Mc 10,33-34), các môn đệ rất đỗi buồn phiền chán nản. Đức Giê-su đã phải an ủi khích lệ các ông khi cho biết việc Người ra đi là để dọn chỗ rồi sau đó Thầy trò lại sẽ lại được đòan tụ với nhau, nên lẽ ra các ông phải vui mừng vì Người được Chúa Cha tôn vinh. Hơn nữa các ông sẽ không bị mồ côi vì Chúa Cha sẽ sai Chúa Thánh Thần đến an ủi và phù giúp các ông chu tòan sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời. Quả thật sau khi Chúa Giê-su thăng thiên, các môn đệ không còn thấy Người hiện ra nữa. Nhưng Chúa Thánh Thần đã được sai đến vào lễ Ngũ Tuần đến thay Người giúp các ông chu tòan sứ vụ loan Tin Mừng như Người đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga 14, 26).
Chúa Thánh Thần giống như một thầy giáo phụ đạo, sẽ soi sáng và giúp các môn đệ Đức Giê-su hiểu rõ lời Người dạy và giúp các ông chu tòan sứ vụ làm chứng nhân cho tình thương của Người đến tận cùng trái đất (x Ga 15,26-27).
2) Ích lợi của việc Đức Giê-su ra đi:
Sau khi hoàn tất công việc được Chúa Cha trao phó, Đức Giê-su đã trao lại sứ vụ cứu độ trần gian cho Đấng Bảo Trợ khác là Chúa Thánh Thần. Dù rất yêu thương các môn đệ và luôn muốn ở cùng các ông, nhưng Đức Giê-su vẫn quyết tâm ra đi, vì điều đó mang lại lợi ích thực sự cho các ông: nó vừa giúp các ông trưởng thành về đức tin hơn, lại vừa giúp các ông mở lòng cầu xin ơn Thánh Thần để có thể chu tòan sứ vụ:
– Sứ vụ được sai đi (x Ga 20,22-23).
– Sứ vụ phải loan báo Tin Mừng và dạy người ta giữ các giới răn của Người (x Mt 28,19-20).
– Sứ vụ phải làm chứng cho tình thương của Người “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
3) Chúng ta phải làm gì để giữ vững đức tin khi gặp gian nan thử thách? :
Có những lúc, chúng ta cảm thấy như bị Thiên Chúa bỏ rơi, rồi sinh ra chán nản, không còn thiết tha cầu nguyện hằng ngày, không còn đi chầu Chúa Thánh Thể… Có những lúc đức tin của chúng ta trở nên yếu đuối, không thấy hứng thú với các sinh hoạt đòan hội như hội họp, làm công tác thăm viếng, quét dọn vệ sinh nhà Chúa, tập hát… Có những lúc chúng ta có cảm tưởng bị Thiên Chúa bỏ rơi, giống như Đức Giê-su trong cuộc khổ nạn đã thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con. Sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34).
Thực ra Chúa vẫn luôn yêu thương và không bao giờ bỏ rơi chúng ta, nhưng Ngài biết đã đến lúc chúng ta cần bắt đầu một giai đoạn mới để được biến đổi nên trưởng thành hơn. Đã đến lúc chúng ta phải nhận ra rằng giá trị của sự cầu nguyện không hệ tại ở việc có cảm thấy sốt sắng hay không. Trong những lúc tâm hồn như bị chai cứng, lại là lúc chúng ta càng phải cầu nguyện nhiều hơn, và lời cầu nguyện khi ấy lại ytở nên một lời cầu nguyện tuyệt hảo nhất. Vì bấy giờ chúng ta cầu nguyện do lòng mến Chúa thôi thúc như lời Chúa Giê-su: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).
4) Áp dụng thực hành:
Đã đến lúc chúng ta phải hiểu rằng đức tin không chỉ là một cảm giác mà là một sự dâng hiến, một sự cậy trông phó thác hoàn toàn cho Chúa quan phòng, một lời thưa “xin vâng ý Chúa Cha” như Chúa Giê-su trong vườn Cây Dầu khi xưa: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Thiên Chúa muốn chúng ta phải đấu tranh với các gian khổ gặp phải để nhờ đó có thể lớn lên về đức tin. Trong những giờ phút đen tối ấy, chúng ta hãy ý thức rằng: Chúa Giê-su luôn ở bên và ở trong lòng chúng ta. Người vẫn tiếp tục đổ ơn Thánh Thần của Người để nâng đỡ chúng ta, giúp đức tin của chúng ta ngày một vững mạnh để chu toàn được sứ vụ làm chứng tá cho Người.
Tóm lại: Đức tin chân chính là một tâm tình dâng hiến, là một thái độ phó thác cậy trông vào Chúa quan phòng, là một lời thưa “xin vâng” thánh ý Chúa Cha như Chúa Giê-su và Thánh Mẫu Maria đã nêu gương cho chúng ta (x. Mt 26,39; Lc 1,38). Do đó khi rước lễ hay chầu Mình Thánh Chúa, mà chúng ta không cảm thấy sự hiện diện của Chúa, thì hãy làm như bài hát chầu Mình Thánh Chúa: “Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì”. Bấy giờ đức tin của chúng ta sẽ được Chúa chúc phúc, như lời Chúa Phục Sinh đã nói với ông Tôma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29).
5. LỜI CẦU:
– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Trong Tin mừng hôm nay, Chúa đã hứa rằng: sau khi Chúa ra đi thì Đấng Bảo Trợ khác là Thánh Thần sẽ được Chúa Cha sai đến, để Người sẽ tiếp tục dạy dỗ và giúp các môn đệ nhớ lại mọi điều Chúa đã truyền dạy trước đó. Chính Thánh Thần sẽ giúp Hội thánh, trong đó có mỗi người chúng con thêm lòng yêu mến Chúa để thực hành giới răn quan trọng nhất là “mến Chúa yêu người”.
– LẠY CHÚA. Cho tới bây giờ hầu như chúng con mới chỉ yêu thương tha nhân bằng sự cầu nguyện, bằng lời nói suông hơn là việc làm. Xin Chúa hãy đổ Thần Khí canh tân lòng trí chúng con. Xin cho chúng con ý thức lòng mến Chúa phải được thể hiện bằng hành động cụ thể như: năng nghĩ đến người bên cạnh, luôn quên mình hy sinh phục vụ tha nhân, biết quảng đại chia sẻ giúp đỡ cho người nghèo đói có cơm ăn áo mặc, các bệnh nhân có tiền thuốc thang chữa trị… Nhờ đó, những người đau khổ sẽ tìm được sự cảm thông an ủi, người đang đi lạc được dẫn dắt trở về nẻo chính đường ngay.
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH – HHTM

V. TƯ LIỆU HUẤN LUYỆN HUYNH TRƯỞNG HHTM TH 05/2019
ĐIỀU HÀNH MỘT BUỔI HỌP XỨ ĐOÀN HẰNG THÁNG
A.PHẦN KIỂM ĐIỂM SINH HOẠT
1. LỜI NGUYỆN MỞ ĐẦU: Kinh Khai Mạc buổi họp: “Lạy Chúa Ki-tô, xưa Chúa đã phán: “Đâu có hai người…”.
2. SINH HOẠT NỘI BỘ: Cộng đoàn ngồi. ĐOÀN PHÓ điểm danh và giới thiệu khách quý và các cảm tình viên; Cảm tình viên sau 3 tháng sinh hoạt đều đặn sẽ được công nhận là hội viên mới.- THƯ KÝ cho biết nội dung quyết tâm của lần họp trước nếu có. Thông Báo của Liên Đoàn.- THỦ QUỸ thu quỹ túi kín và báo cáo quỹ công tác bác ái xã hội và tông đồ truyền giáo. Thu quỹ nguyệt liễm hay niên liễm và báo cáo thu chi theo yêu cầu của Đoàn Trưởng.
3. BÁO CÁO CÔNG TÁC: Các Đội Nhóm lần lượt báo cáo công tác tháng qua và phân công tác mới theo 4 loại sau: CT Củng cố phát triển Đoàn; CT Phục vụ Nhà Chúa; CT Bác ái Xã hội và CT Tông đồ Truyền giáo.
4. ĐỌC KINH MÂN CÔI: Mọi người ngồi nêu ý nguyện. Một người đọc suy niệm một mầu nhiệm kinh Mân Côi rồi đọc một kinh Lạy Cha, mười kinh Kính Mừng, một kinh Sáng Danh. Sau đó đứng hát bài: “Mẹ ơi đời con dõi bước theo Mẹ…”.
B.PHẦN HIỆP SỐNG TIN MỪNG:
1. HÁT TRƯỚC TIN MỪNG: Cộng Đoàn hát bài “Xin cho con biết lắng nghe…”
2. TIN MỪNG: Đọc chung Tin Mừng trong Giao Lưu Hiệp Sống hay trong sách Tân Ước.
3. HỌC LỜI CHÚA: Mọi người ngồi. Người hướng dẫn (NHD) tóm tắt nội dung Tin Mừng và hướng dẫn chia sẻ và giải đáp thắc mắc theo Câu Hỏi trong Giao Lưu Hiệp Sống. Sau đó đọc chung phần Chú Thích (Cộng Đoàn đọc chung các câu Lời Chúa in chữ nghiêng đậm, một người sẽ đọc chú giải sau mỗi câu).
4. SỐNG LỜI CHÚA: NHD gợi ý Sống Lời Chúa như sau : +Lời Chúa hôm nay nói chung dạy ta sống thế nào? Câu nào là câu chính yếu? +Chia sẻ kinh nghiệm sống câu Lời Chúa này. +Đề nghị một số việc làm cụ thể sống theo Lời Chúa. +Tóm kết.
5. LỜI NGUYỆN DỐC QUYẾT: Ba lời nguyện tự phát xin Chúa giúp sống theo Lời Chúa trong những ngày sắp tới. Có thể đọc chung Lời Nguyện trong Giao Lưu Hiệp Sống.
6. KẾT THÚC: kinh “Thánh Maria Mẹ Chúa Trời cao cả”-Hát “Lạy Mẹ Maria, vì ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội..”. Buổi tối có thể hát “Con dâng linh hồn trong tay Chúa”. Phép lành của Cha Giám Huấn.
II.CHỈ DẪN ĐIỀU HÀNH BUỔI HỘI
1. THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM: Mỗi tháng họp Đoàn một lần. Buổi hội kéo dài khoảng một giờ đến một giờ rưỡi. Địa điểm tại Nhà Thờ, Nhà Hội hay tư gia. Nếu có thể nên xếp ngồi thành vòng tròn mặt quay vào nhau.
2. TƯ LIỆU: Mỗi người tham dự nên cầm sách Tân Ước giống nhau hoặc Tập San Hiệp Sống trong tháng.
3. TẠO BẦU KHÍ: Nên hội họp trước bàn thờ có tượng ảnh của Chúa Giê-su và Đức Mẹ. Nên tập hát và hát chung các bài thích hợp để tạo bầu khí vui tươi sốt sắng.
4. MỘT SỐ ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI HIỆP SỐNG TIN MỪNG:
– Đoàn Trưởng điều hành phần Kiểm Điểm Sinh Hoạt Đoàn với sự cộng tác của Ban Chấp Hành. Nên phân công người hướng dẫn điều hành phần Hiệp Sống Tin Mừng.
– LM Giám Huấn hay Tu Sĩ Trợ Huần nên tạo điều kiện để người hường dẫn tập điều hành buổi Hiệp Sống Lời Chúa. LM Giám Huấn hay Tu Sĩ Trợ Huấn sẽ cùng tham dự và nêu nhận xét tóm kết vào phút cuối.
– Người Hướng Dẫn nên gợi ý để Khuyến khích nhiều người phát biểu kinh nghiệm sống Lời Chúa. Mỗi người chỉ nói tối đa 3 phút mỗi lần phát biểu. Liệu sao để những người ít nói có dịp được phát biểu. NHD Chỉ nên can thiệp khi nhiều người cùng phát biểu, phát biểu lạc đề hoặc nói xúc phạm người khác gây mất đoàn kết nội bộ.
– Nên phân công người sửa soạn phòng hội. Hội Viên nên đến trước vài phút để buổi họp khai mạc và kết thúc đúng giờ. Hội Viên cần giải tán ngay sau khi kết thúc buổi hội. Tránh mang chuyện nội bộ nói ra với người ngoài Đoàn.
– Nên ấn định thời gian cầu nguyện tự phát. Cần cầu nguyện cách chân thành và khiêm tốn. Nội dung nhằm sám hối và quyết tâm thực hành Lời Chúa. Tránh khoe khoang thành tích hoặc khích bác người khác. Nên giới hạn mỗi lời nguyện 1-2 phút. Cộng Đoàn có thể đọc chung Lời Nguyện trong bài Hiệp Sống Tin Mừng.
Tóm lại buổi Hội chỉ đạt yêu cầu khi tạo được bầu khí đạo đức, hiệp nhất và cùng nhau quyết tâm thực hành những việc cụ thể sống theo Lời Chúa dạy.
LM ĐAN VINH – HHTM

VI. THƯ GIÃN THÁNG 05/2019
1. QUÁ TRỌNG CỦA CẢI VẬT CHẤT
Một ông nhà giàu kia chạy một chiếc xe hơi bóng lộn rất mắc tiền về nhà. Ông ta mở cánh cửa xe và vừa bước chân xuống đường thì bị một xe khác phóng nhanh ngang qua đụng phải làm cửa xe bị văng ra đường. Nửa phút sau thấy cảnh sát giao thông có mặt, thì ông nhà giàu liền lên tiếng phàn nàn rằng :
-Đấy ông xem : chúng vừa gây thiệt hại nặng nề cho chiếc xe đời mới của tối thế này đây.
Sau khi ngó sơ qua viên cảnh sát liền nói :
-Sao ông chỉ quan tâm chiếc xe mắc dịch này mà không để ý đến cánh tay trái của ông cũng bị rơi rụng mất tiêu đâu rồi !!!
Bấy giờ ông nhà giàu mới giật mình bị cụt cánh tay. Ông ta liền la tóang lên :
-Trời ơi ! Các ông hãy mau mau tìm giúp cánh tay có đeo chiếc đồng hồ Rolex gắn kim cương quý giá. Nếu bị kẻ gian lấy mất thì tôi chắc sẽ không thể sống nổi nữa !!!

2. ĂN MIẾNG TRẢ MIẾNG
Trong một công ty phần mềm, Trưởng Nhóm lập trình lên tiếng quở trách một nhân viên đã làm sai chỉ dẫn. Sáng hôm sau khi đến bàn làm việc, anh ta thấy có lá thư trong đó chỉ có 2 chữ : “Đồ Ngốc !!!”.
Trong buổi họp Nhóm cuối tuần, anh Trưởng Nhóm đem công bố lá thư trên và nói với mọi người rằng: “Tôi từng biết có nhiều trường hợp người ta viết thư mà quên không ký tên. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhận được lá thư người viết chỉ ký tên mà quên không viết thư !!!”

3. CHÓ KIỆN LÒAI NGƯỜI
Trên dương gian lũ chó bị bắt làm thịt rất bất mãn liền rủ nhau viết đơn khiếu nại và kiện lên Diêm Vương xin phân xử. Con chó đại diện bắt đầu tâu lên Diêm Vương như sau :
-Thưa Ngài. Trên dương gian nhiều người thường nuôi chúng tôi giữ an ninh cho họ Chúng tôi đã hết lòng trung thành phục vụ con người : Nào là giữ gìn an ninh ngừa trộm đạo; Nào là còn bắt chuột, săn bắt hươu nai; cùng với chủ để phục vụ chăm sóc đoàn chiên, thay lừa ngựa kéo xe trượt tuyết tại miền Bắc Cực… Thế mà lòai người lại đang tâm độc ác để “lấy óan đền ơn” : Họ bắt chúng tôi mang ra giết.lấy thịt mà ăn !!! Kính xin Diêm Vương thương và đòi sự công bằng cho lòai chó chúng tôi.
Nghe xong Diêm Vương liền ôn tồn nói với lũ chó rằng :
– Thế lòai người đã giết thịt các ngươi như thế nào ? Hãy kể chi tiết cho ta nghe.
– Dạ, trước hết họ buộc bốn chân chúng tôi lại rồi cắt tiết chúng tôi một cách dã man. Có người lại bỏ chúng tôi vào bao bố cột lại quăng liệng xuống ao cho chúng tôi chết ngạt. Sau đó họ xối nước sôi để cạo lông. Rồi họ mổ bụng chúng tôi lấy hết bộ đồ lòng ra rồi đem thui bằng rơm. Rồi chặt chúng tối ra từng khúc : Phần thì đun nầu với nước dừa xiêm trong nồi. Phần thì nấu với củ chuối sắt nhỏ làm thành món rựa mận khá đậm đà hương vị. Bộ đồ lòng như gan ruột thì họ làm thành món dồi. Thịt sườn thì nướng trên ngọn lửa khiến mỡ trong thịt nhỏ xuống than hồng cháy xèo xèo bay mùi thơm phức ! Mỗi lần ngồi ăn thịt chó, họ uống bia rượu vui vẻ kéo dài cả mấy giờ đồng hồ. Họ thi nhau chế biến thành bẩy món hay chín món, vừa ăn vừa khen ngon bằng câu : “Sống trên đời ăn miếng dồi chó. Xuống âm phủ biết có hay không !”. Thật là tội nghiệp lòai chó chúng tôi lắm Diêm Vương ơi !.
Diêm Vương vừa nghe kể lại các món ngon vừa phải nuốt nước miếng ừng ừng và cuối cùng phán như sau :
– Hỡi bọn chó kia. Ta rất thông cảm với sự bất công mà các ngươi phải chịu, và quả thật lòai người cũng đáng bị trừng phạt nặng nề, vì đã xử tệ với các ngươi. Tuy nhiên đàng khác ta cũng có bổn phận phải xét xử công minh. Bay đâu ! Hãy bắt một con dưới kia đi làm thịt đúng theo cách thức lòai người đã làm, để ta thử ăn coi có đúng như lời bọn chó vừa tố cáo hay không, kẻo ta lại phạt oan cho lòai người !
Nghe vậy mấy con chó đang đứng dưới liền quay đầu chạy tán lọan ra bên ngòai. Từ đó không con chó nào còn dám lên tiếng kiện cáo lòai người bất nhân ác đức nữa.
SƯU TẦM

VII. NHỎ TO HỮU ÍCH THÁNG 05/2019
MƯỜI MỘT MẸO NHỎ RẤT HỮU ÍCH CHO SỨC KHOẺ
Đợi đến khi có bệnh mới đi viện thì vừa tốn kém mà lại mất thời gian, có bệnh còn vô phương cứu chữa. Nhưng chỉ cần thêm chút lưu tâm cơ thể hằng ngày đến cơ thể, bạn sẽ thu được những lợi ích rất bất ngờ.
Đôi khi những thói quen nhỏ mới làm nên đại sự, hãy in ra và dán lên tủ lạnh nhà bạn để áp dụng mỗi ngày nhé!
1. VIỆC NGHE ĐIỆN THOẠI: Các chuyên gia cũng khuyên rằng người sử dụng điện thoại không nên nghe điện thoại quá lâu, nếu bắt buộc phải nghe liên tục trong hàng tiếng đồng hồ thì nên sử dụng điện thoại cố định hoặc tai nghe. Đặc biệt, nghe điện thoại bằng tái trái hay tai phải đều gây ra tác động như nhau, có nhiều không nên sử dụng một bên tai với tần suất và chu kỳ quá lâu bởi điều này có tác động rất xấu nên não bộ, nên đổi bên tai trong khoảng 1-2 phút 1 lần là tốt nhất.
Bên cạnh đó, khi pin còn dưới 10% thì tốt nhất là không nên nghe điện thoại, vì bức xạ lúc này có thể cao gấp 1.000 lần bình thường.
2. CHỮA NẤC CỤT: Để chữa khỏi nấc cụt, bạn hãy uống nước ngược. Cụ thể, bạn đổ đầy nước vào một ly thủy tinh. Cúi người ngang thắt lưng, tạo thành thế vuông góc với sàn nhà. Uống nước ở phía bên kia rìa ly (như hình). Nghĩa là nếu thông thường, bạn sẽ kề miệng vào phần ly gần mình nhất, thì để chữa nấc cụt, bạn hãy kề miệng vào phía đối diện và uống nước.
Hoặc bạn có thể bịt kín hai lỗ tai lại sẽ hết nấc cụt ngay lập tức.
3. VỆ SINH CHÂN: Khi chân có mùi hôi, bạn hãy lấy rượu vodka thấm vào một miếng vải và lau chân. Cách này sẽ giúp đánh bay mùi.
4. BỊ CHUỘT RÚT: Nếu bạn có cảm giác mình sắp bị chuột rút khi đang chạy, hãy nhấc ngay chân trái của mình lên khỏi mặt đất, để yên trong giây lát sẽ không bị chuột rút nữa. Còn không thì bạn hãy thẳng chân ra và đi lùi, cứ thẳng chân và đi lùi là sẽ không còn bị nữa.
5. TƯ THẾ KHI UỐNG THUỐC: Bạn không nên nằm uống thuốc. Với tư thế này, thuốc sẽ dễ bị dính vào vách thực quản, không những giảm hiệu quả điều trị mà còn gây kích ứng thực quản, dẫn đến ho, viêm, thậm chí tổn thương vách thực quản. Bởi vậy, nên ngồi hoặc đứng khi uống thuốc và cũng đừng uống quá ít nước.
Ngoài ra, bạn không nên vận động ngay sau khi dùng thuốc vì sẽ khiến các cơ quan nội tạng không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết, làm giảm hiệu quả hấp thu thuốc.
6. THỜI ĐIỂM UỐNG NƯỚC: Uống nhiều nước là tốt, nhưng thay vì cả ngày đều uống nhiều nước, bạn hãy uống nhiều nước hơn vào ban ngày và ít đi vào ban đêm. Làm vậy sẽ rất tốt cho hệ tiêu hóa.
7. NGỪA UNG THƯ: Nên ăn lá húng quế mỗi ngày để ngăn ngừa ung thư. Uống nước chanh mỗi ngày cũng giúp trung hòa nồng độ axit trong cơ thể, không chỉ ngừa ung thư, nhiều bệnh tật khác mà còn giúp giảm cân.
Hãy ăn dâu tây để diệt bệnh gout.
8. LỢI ÍCH CỦA TRÁI DÂU TÂY: Dâu tây có khả năng trung hòa axit uric nhờ hàm lượng vitamin C dồi dào. Uống nước ép dâu tây 3 lần/tuần sẽ rất có lợi cho người bị bệnh gout.
9. LỢI ÍCH CỦA QUẢ ANH ĐÀO: Để trẻ mãi không già, hãy ăn quả anh đào mỗi ngày để làm chậm quá trình lão hóa. Quả này rất giàu các chất chống oxy hóa, chống lại gốc tự do có hại. Ngoài ra, anh đào còn có tác dụng làm dịu thần kinh.
10. LỢI ÍCH CỦA RAU CẦN TÂY: Ăn cần tây mỗi ngày có thể hạ thấp huyết áp, giảm thiểu nguy cơ ung thư và giữ răng lợi khỏe mạnh. Trong đó, hạ huyết áp là đặc tính nổi bật của cần tây.
11. NGỦ ĐỦ THỜI GIAN: Thời điểm tốt nhất để ngủ là từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau.
– Từ 21h – 23h là quãng thời gian hệ miễn dịch bài độc (đào thải chất độc), lúc này nên giữ trạng thái yên tĩnh hoặc nghe âm nhạc thư giãn.
– Từ 23h – 1h sáng là quãng thời gian bài độc của gan, cần tiến hành trong khi ngủ say.
– Từ 1h – 3h sáng là thời gian bài độc của mật, cũng cần thực hiện trong giấc ngủ say.
Ngủ đúng giờ là điều tốt nhất bạn có thể làm cho sức khỏe
– Từ 3h – 5h sáng là thời gian bài độc của phổi, cũng chính là lý do tại sao mà người đang mắc bệnh ho lại hay ho dữ dội vào lúc này..
– Từ 5h – 7h là khoảng thời gian ruột già bài độc, cho nên cần đi vệ sinh vào lúc này.
– Từ nửa đêm cho đến 4h sáng là thời gian tủy sống tạo máu, nâng cao miễn dịch, cần phải ngủ say. Thức khuya thì rút ngắn hoặc thậm chí làm cơ thể bỏ qua giai đoạn này, lâu dần sẽ suy sụp thấy rõ.
– Từ 0-1h là lúc cơ thể được nghỉ ngơi thực sự, giúp tinh thần sảng khoái, dung nhan tươi tắn khi tỉnh dậy.
SƯU TẦM

VIII. THÔNG TIN HIỆP SỐNG THÁNG 05/2019
A. THÔNG TIN LIÊN HỘI :
1. MỪNG KỶ NIỆM 46 NĂM THỤ PHONG LINH MỤC :
– Ngày 28.04.2019 là ngày kỷ niệm thụ phong Linh mục của cha Đaminh Đinh văn Vãng Tổng Gíám Huấn HHTM được 46 năm (1973-2019).
Cha Phó Phao-lô Nguyễn Văn Thiện, Ban Chấp Hành Liên Hội HHTM Tổng Giáo Phận, BCH của ba Liên Đoàn (Bác Ái HHTM, Gia Đình HHTM, Giới Trẻ HHTM), các Hiệp Đoàn, Xứ Đoàn cùng toàn thể Hội Viên HHTM đã dự lễ Tạ ơn hồi 16g30 Thứ Hai 29/04/2019 và sau lễ tham dự liên hoan chúc mừng cha Tổng Giám Huấn tại khuôn viên Nhà Thờ Thánh Mẫu Trung Ương.
Nguyện xin Chúa xuống muôn ơn lành để Cha TGH chu toàn sứ mệnh chăm sóc Hiệp Hội Thánh Mẫu TGP ngày một thăng tiến tốt đẹp.
2. MỪNG LỄ BỔN MẠNG :
1) Ngày 29/04 Mừng kính Thánh nữ Ca-ta-ri-na Si-e-na: Bổn Mạng của bà Đào Thị Chiến – Trưởng Ban Bảo Trợ Liên Hội HHTM và cũng là cố vấn của BCH Liên đoàn Bác ái HHTM TGP/SG.
2) Ngày 01/05 kính thánh Giuse Lao Động: Bổn mạng của Xứ đoàn Gia Đình HHTM Mẫu Tâm và kỷ niệm 19 năm thành lập HHTM giáo xứ Mẫu Tâm (01/05/2000- 01/05/2018).
Xin Thiên Chúa ban cho bà Ca-ta-ri-na Chiến và Hội viên Xứ Đoàn Gia đình HHTM Mẫu Tâm được dồi dào ơn Chúa để nhiệt tình phục vụ Chúa và tha nhân theo linh đạo HHTM.

B.THÔNG TIN LIÊN ĐOÀN BA/HHTM TGP-SG THÁNG 05/2019
1. MỪNG BỔN MẠNG:
– Ngày 31/05 : Mừng Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng là Bổn mạng Liên Đoàn Bác Ái HHTM TGP/SG và là Bổn mạng của Xứ đoàn Bác Ái HHTM Nam Hưng.
Xin chúc mừng và chúc Liên Đoàn Bác Ái HHTM TGP-SG và Xứ đoàn HHTM Nam Hưng được tràn đầy hồng ân Thiên Chúa, noi gương Mẹ Maria.
2. TỔ CHỨC LỄ MỪNG BỔN MẠNG LIÊN ĐOÀN MẸ THĂM VIẾNG:
Liên Đoàn Bác Ái HHTM tổ chức lễ mừng BM vào hồi 16g30 ngày 27/05/2019 tại NT Thánh Mẫu. Để chuẩn bị cho Hội Viên mừng lễ Mẹ Thăm Viếng, đề nghị BCH các Xứ đoàn kêu gọi các Hội viên làm các việc đạo đức thiêng liêng hằng ngày như dâng lễ rước lễ, đọc một chục kinh Mân Côi và làm các công tác phục vụ quét dọn làm sạch nhà Chúa, các việc phục vụ tha nhân… như những bông hoa thiêng. Đến ngày 27/05 Ban Chấp Hành Xứ Đoàn sẽ cộng chung các bông hoa thiêng của các Hội viên ghi trên một trang giấy làm thành một bó hoa thiêng dâng Mẹ và làm thành lễ vật dâng lên Chúa trong thánh lễ mừng Bổn Mạng Liên Đoàn.
3. BÁO CÁO CÔNG TÁC BÁC ÁI CỦA CÁC XỨ ĐOÀN VÀ LIÊN ĐOÀN:
1) Đoàn Học Sống Lời Chúa Nhà thờ Thánh Mẫu (CH):
– Thăm bệnh nhân : 3 người tặng quà chi 1.200.000 đ.
– Viếng xác : 3 người
– Vệ sinh quét dọn nhà Chúa : 8 lần / 4 người mỗi lần.
Tổng số tiền làm bác ái là 5.395.000 đ.
2) Xứ đoàn Hợp An (XM):
– Thăm bệnh nhân : 5 người tặng quà chi 300.000 đ
– Thăm hội viên bị đau liệt : 2 người
3) Xứ đoàn Tân Hưng (XM):
– Thăm bệnh nhân : 1 người
– Viếng xác : 1 người
– Thăm hội viên đau liệt : 2 người
– Thăm hội viên không đi họp : 2 người
– Vệ sinh quét dọn nhà Chúa 4 lần / 6 người mỗi lần.
Tổng số tiền làm bác ái 500.000 đ.
4) Xứ đoàn Nam Hòa (CH):
– Thăm bệnh nhân : 3 người
– Viếng xác : 1 người
– Vệ sinh quét dọn nhà Chúa 4 lần / 4 người mỗi lần.
Đóng góp Caritas thăm giáo điểm truyền giáo : 2.000.000 đ.
Đóng góp bữa cơm nhân ái : 500.000 đ / tháng.
5) Công Tác Bác Ái của Liên Đoàn:
– Đóng góp quỹ Bác Ái Truyền Giáo Long An:
Ông bà Cổn (Bùi Phát): 500.000 đ.
Bà Maria Phan Thị Hải (Bùi Phát): 500.000 đ.
Ông bà ĐaMinh Trần Mạnh Huy (Liên Đoàn Phó ngoại) 500.000 đ.
– Riêng bà Thu Thảo (Liên Đoàn phó ngoại) chia sẻ Mùa Chay:
+ Gởi Trung Tâm Bác Ái qua Tòa Giám Mục Lạng Sơn : 30 cây nến phục sinh + 30 kg bánh lễ.
+ Gởi Nhà thờ Chánh Tòa Kontum : 50 kg bánh lễ.
4. MỜI HỌP LĐ :
Mời các Xứ Đoàn trưởng và các thành viên BCH các Xứ đoàn thuộc LĐBA / HHTM đến tham dự buổi sinh hoạt tháng 05/2019 tại Nhà thờ Thánh Mẫu Trung Ương : Số 3-5 Chữ Đồng Tử, P7, Q.Tân Bình, vào lúc 15g00 Thứ Hai, ngày 27/5/2019. Cũng là ngày Liên Đoàn mừng lễ Mẹ Thăm Viếng là Bổn Mạng của Liên Đoàn Bác Ái HHTM TGP.

C. SINH HOẠT LIÊN ĐOÀN GIA ĐÌNH HHTM TGP-SG THÁNG 05/2019:
1. MỪNG NGÀY KỶ NIỆM THỤ PHONG LINH MỤC 28.04.2019: LỜI TÂM TÌNH:
Kính thưa Cha Đaminh Tổng Giám huấn HHTM VN :
Chúng con hân hoan, vui mừng với cha kỷ niệm 46 năm ngày cha thụ phong Linh Mục. Chúng con kính chúc Cha luôn dồi dào sức khỏe, tràn đầy thánh ân. Cha đã trung thành với Chúa trong sứ vụ linh mục 46 năm qua, trong đó cha đồng hành với Giới Trẻ và chung các Giới Gia Đình và Bác Ái HHTM từ năm 1973 đến 1980. Rồi từ 1992 đến nay. Trong vai trò Tổng Giám huấn Hiệp Hội Thánh Mẫu, cha đã đầu tư rất nhiều chất xám cho chúng con để chúng con học hỏi và theo đúng linh đạo “Thánh hóa bản thân”, “Cải thiện xã hội” và “phục vụ Giáo Hội. Nhờ học tập suy niệm các bài học Nhân Bản, bài học Xây dưng Hạnh phúc Gia Đình, bài hiệp sống Tin Mừng hằng tuần… mà chúng con cảm thấy nhờ ơn Chúa giúp và sự phù trợ của Mẹ Ma-ri-a chúng con mỗi ngày nên tốt hơn. Chúng con xin cám ơn Cha, vì mỗi khi chúng con sai lỗi, cha đã sửa sai chúng con trong sự bao dung tế nhị dịu dàng. Chúng con thấy mình thật diễm phúc khi có được một người Cha hiền lành, khiêm tốn, luôn nêu gương sáng cho chúng con noi theo trong việc tu thân và cách đối nhân xử thế, về cách sống làm người và làm con Chúa. Xin Chúa chúc lành và luôn nâng đỡ cha trở tành mục tử như lòng Chúa mong ước.
2. BÁO CÁO CÔNG TÁC CÁC XỨ ĐOÀN:
1) XĐ Gia đình HHTM Mẫu Tâm :
– Hằng tuần Thứ Sáu từ 20g đến 21g: tập hát, sinh hoạt đoàn .
5g30 đến 6g15 sáng Thứ Bảy: hát lễ tại nhà thờ .
– Riêng Thứ tư 01/05/2019 sắp tới: Lễ kính Thánh Giuse Lao Động.
5g30 Gia đình HHTM Mẫu Tâm sẽ hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn mừng bổn mạng tại nhà thờ.
2) XĐ Gia Đình HHTM Tân Hưng Q 12:
– Tham gia ngắm nguyện sự Thương Khó Chúa Giê-su.
– Tham dự giờ chầu thánh thể tối thứ 5 và trưa thứ 6 tuần thánh
– Đi Đàng Thánh Giá hồi 15g chiều Thứ Sáu Tuần Thánh.
– Tiếp tục tiết kiệm đóng góp xây dựng nhà thờ 500.000/th
– Phúng điếu đọc kinh cho một người trong giáo xứ mới qua đời.
3) XĐ Gia đình HHTM Bắc Hà:
– Thăm cụ già neo đơn trong Giáo Xứ.
– Quét dọn vệ sinh trong ngoài nhà thờ hằng tuân .
– Nấu cơm từ thiện phục vụ người nghèo 2000 đ/một hôp .
4) XĐ Gia Đình Trẻ HHTM Châu Binh (TĐ):
– Phụ trách Dâng Hạt Mùa Chay sau ngắm 15 sự thương khó Chúa Giêsu.
– Giữ xe trong các buổi tinh tâm Mừa Chay.
– Trang trí 14 chặng đàng Thánh Giá.
– Khiêng kiệu Đức Mẹ và Thánh Gio-an.
5) XĐ Gia Đình HHTM Hà nội (XM):
– Tham gia công tác bác ái cùng Giáo Xứ tai Kon-tum.
– Đoàn làm Công tác bác ái Mùa Chay tại Củ Chi.
– Ngắm 15 sự thương khó Chúa Mùa Chay tại nhà thờ Bắc Hà.
6) XĐ Gia Đình HHTM Mat-thêu (Sao Mai):
– Học Lời Chúa hằng tuần vào 19g30 Thứ Hai hằng tuần tại Nhà SH Mục Vụ GX Sao Mai
7) XĐ Gia Đình HHTM Sao Mai :
– Ngày 17/3/2019 đoàn đến thăm trại cô nhi Thiên Bình tại Biên Hòa, Đồng Nai. trại có 170 em cô nhi và 30 cụ bà neo đơn.
– Đoàn đã trao đến soeur giám đốc số tiền và quà là 32.800.000 đ.Sau đó Đoàn đi viếng Đức Mẹ Núi Cúi (Gia Kiệm) Đồng Nai.
8) XĐ Gia Đình HHTM Lạc Quang (HM):
– Đọc kinh luân phiên hằng tuần và phụ trách chầu Thánh Thể sau lễ Thứ Năm tuần II.
– Đóng góp Bác Ái GX 2 tạ gạo.
– Đọc dẫn ngắm và hát đi đàng Thánh Giá ngoài trời.
– ngắm than tháo đanh táng xác Chúa.
9) XĐ Gia đình HHTM Caritas Lộ Đức:
– Mua thức ăn cho bịnh nhân nghèo thuộc mái ấm Caritas Hạt Chí Hòa 16 bữa ăn mỗi tháng.
– Đọc Lời nguyện vào CN Lễ Lá và chiều Thứ Năm Tuần Thánh.
– Khiêng kiệu Đức Mẹ chiều thứ 6 Tuần Thánh.
– Tặng chụp nến Lễ Vọng Phục Sinh cho nhà thờ Mẫu Tâm (500) và Sao Mai (700).
– Dự lễ cầu nguyện cho các binh nhân tại mái ấm Hà Đông đường Dương Quảng Hàm.
– Giao lưu với Nhóm Khuyết tật Lạng Sơn GH Xóm mới.
– Phúng viếng và dự lễ an táng LM Giuse Trung Thu tại nhà thờ Chí Hòa.
TRI ÂN : Trong tháng qua, XĐ Gia Đình Caritas Lộ Đức cám ơn lòng quảng đại của chị Chiến và chị Hiền thuộc Giáo Họ Phanxico xavie Sao Mai đã chia sẻ tiền và thức ăn cho mái ấm Chí Hòa.
10) XĐ Gia Đình HHTM Phụng Hiệp (Cần Thơ):
– Hằng ngày đọc kinh và họp sau lễ chiều tại đài Đức Mẹ của nhà xứ.
– Duy trì số lượng trung bình 15/17 Hội viên.
– Chúa nhật có đọc Hiệp Sống Tin Mừng theo Tập San HHTM
3. DỰ KIẾN SINH HOẠT LIÊN ĐOÀN THÁNG 05/2019:
– Ngày 03/5/2019: Lễ Giỗ của Cha Cố Giacobe Đỗ Minh Lý (nguyên Giám đốc Hiệp Hội TM): Liên đoàn Gia đình HHTM sẽ đi viếng mộ cầu nguyện cho Cha Gia côbê tại nghĩa trang La-za-ro đường Bình Long (Bình Hưng Hòa A – Bình Tân) hồi 8g00 sáng 01/05/2019.
– Ngày của Mẹ 15/05/2019: Cứ mỗi dip tháng Năm, người Công giáo Việt Nam cùng Giáo hội hoàn cầu lại bước vào mùa dâng hoa kính Đức Mẹ Maria. Được phép của cha Đaminh Tổng giám huấn HHTM, Liên đoàn Gia đình HHTM sẽ tổ chức ngày HộI THI CắM HOA với chủ đề: “Con yêu Mẹ “ vào 17g30 Thứ Tư 15/05/2019 tại nhà thờ Thánh Mẫu trung ương.
+Thành phần tham dự : Hội viên của các Xứ đoàn thuộc Liên Đoàn Gia Đình HHTM.
+ Chuẩn bị: Do không mang tính chuyên nghiệp nên các bạn hãy mạnh dạn đăng ký tham dự để thể hiện tình yêu dành cho Mẹ qua các châu hoa, bài hát hay bài thơ dâng kính Mẹ.
Đăng ký : qua số 0983 043 997. Hạn chót ngày 12/05/2019. Có thể có lời thuyết minh ngắn. Liên đoàn sẽ trang trí giùm.
+ Chương trình:
Phụ trách MC: Chị Tuyết; Phụng vụ: Chị Dung
* 17g00: các đơn vị thi nhận bàn để chuẩn bị.
* 17g30: khai mạc.
* 7g 45: chấm thi.
* 18g00: Chầu Thánh Thể.
Sau chầu Thánh thể
Dâng hoa lên Mẹ : Mỗi người một cành hoa dâng lên Mẹ.
Đề nghị các đơn vị đăng ký dư thi cắm hoa cũng đem hoa để dâng lên Mẹ.
Kết quả giải thi : Trao quà lưu niệm cho các giải.
Liên hoan nhẹ
+ Phân Công:
Làm quà: XĐ Lạc quang (chi Hường, chị Nguyệt).
Giữ xe: XĐ Mẫu Tâm
Ẩm thực: XĐ Caritas Lộ Đức.
Nước uống: XĐ Sao Mai.
Tiếp tân: XĐ Tân Hưng Q12,
Xếp ghế trước thi: XĐ Hà Nội. XĐ Bắc Hà.
Thu don sau thi : XĐ Mattheu, XĐ Hồng ân.
Trang trí : XĐ Châu Bình. Quý anh : Lệ, Vĩnh, Thắng (Tân Hưng).

D. TIN LIÊN ĐOÀN GIỚI TRẺ HHTM TGP
Liên Đoàn Giới Trẻ HHTM TGP Saigon đến nay gồm 6 Xứ Đoàn Giới Trẻ HHTM đang hoạt động như sau:
Xứ Đoàn Giới Trẻ HHTM Sao Mai,
Xứ Đoàn Giới Trẻ HHTM Thạch Đà,
Xứ Đoàn Giới Trẻ GHHTM Châu Bình,
Xứ Đoàn Giới Trẻ HHTM Thái Bình,
Xứ Đoàn Giới Trẻ HHTM Bình Thái,
Xứ Đoàn Giới Trẻ HHTM Bình An.
Đang hình thành XĐ Sinh Viên HHTM NT Thánh Mẫu.
Hiện nay Liên Đoàn Giới Trẻ HHTM đang trong thời gian củng cố sinh hoạt bằng việc BCH Liên Đoàn sẽ đi thăm các Xứ Đoàn và bầu chọn Tân Ban Chấp Hành Liên Đoàn Giới Trẻ HHTM.

TRUYỀN THÔNG HHTM

XIN TẢI TẬP SAN HIỆP SỐNG THÁNG 05.2019 TẠI DƯỚI.

TẬP SAN HIỆP SỐNG THÁNG 05 2019