I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Trọng tâm của Mùa Chay là ăn năn sám hối, là cải tà quy chính, là thay đổi suy nghĩ và hành động, cả trong phạm vi cá nhân lẫn trong phạm vi gia đình, giáo xứ, giáo phận. Nếu chúng ta kiểm điểm một cách nghiêm túc thì chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta chưa làm được bao nhiêu, so với điều mà Thiên Chúa mong đợi.
Lời Chúa trong đoạn Sách Xuất Hành chúng ta đọc hôm nay cho chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng – vì yêu thương và quí trọng con cái Ít-ra-en- nên đã cứu thoát họ khỏi cảnh nô lệ Ai-cập. Lời Chúa trong đoạn Phúc Âm Lu-ca thì cho chúng ta biết Thiên Chúa mong đợi hoa trái sám hối ở các tín hữu. Hoa trái sám hối ấy không chỉ là những tâm tình đạo đức mà còn phải là những hành động cứu người, cứu xã hội, cứu thế giới.
Chúng ta được mời gọi nhìn sâu vào cõi lòng và cách sống của mình mà kịp thời thay đổi, để mỗi ngày mỗi tuần còn lại của Mùa Chay năm nay là một ngày, một tuần của sám hối, của sửa mình, của sinh hoa kết trái thánh thiện.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Xh 3, 1-8a.13-15): ‘Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.’ Trong những ngày ấy, Mô-sê chăn chiên cho ông nhạc là Giêt-rô, tư tế xứ Ma-đi-an. Ông lùa đoàn chiên qua sa mạc, đến núi Ho-reb là núi của Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện ra với ông trong ngọn lửa cháy từ giữa bụi gai. Ông nhìn thấy bụi gai bốc lửa, nhưng không bị thiêu rụi. Mô-sê nói: “Ta hãy lại xem cảnh tượng kỳ lạ này, vì sao bụi gai không bị thiêu rụi”.
Thiên Chúa thấy ông lại xem, từ giữa bụi gai Người gọi ông: “Mô-sê! Mô-sê!” Ông thưa: “Dạ con đây!” Chúa nói: “Ngươi đừng đến gần đây. Hãy cởi dép ở chân ra, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh”. Chúa lại nói: “Ta là Thiên Chúa của Tổ phụ ngươi. Thiên Chúa của A-bra-ham, Thiên Chúa của I-sa-ac, Thiên Chúa của Gia-cóp”. Mô-sê che mặt, vì không dám nhìn Thiên Chúa. Chúa nói: “Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực ở Ai-cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than kẻ đốc công áp bức. Ta biết nỗi đau khổ của chúng, nên Ta xuống cứu chúng thoát khỏi tay người Ai-cập và đưa ra khỏi đất ấy đến miền đất tốt tươi rộng lớn, đất tràn trề sữa và mật”.
Mô-sê thưa với Thiên Chúa rằng: “Này con sẽ đến với con cái Is-ra-el và bảo họ: Thiên Chúa của tổ phụ anh em đã sai tôi đến với anh em. Nếu họ hỏi con: ‘Tên Người là gì?’, con sẽ nói sao với họ?” Thiên Chúa nói với Môsê: “Ta là Đấng Tự Hữu”. Chúa nói: “Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: ‘Đấng Tự Hữu sai tôi đến với anh em’ “.
Thiên Chúa lại nói với Mô-sê: “Ngươi sẽ bảo con cái Is-ra-el thế này: ‘Thiên Chúa của tổ phụ anh em, Thiên Chúa của A-bra-ham, Thiên Chúa của I-sa-ac, Thiên Chúa của Gia-cóp sai tôi đến với anh em’. Đó là danh Ta cho đến muôn đời, đó là danh Ta phải ghi nhớ qua mọi thế hệ”.
2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 10,1-6.10-12): “Đời sống dân chúng đối với Mô-sê trong hoang địa được viết ra để răn bảo chúng ta.” Anh em thân mến, tôi không muốn để anh em không hay biết điều này, là tất cả cha ông chúng ta đã được ở dưới áng mây, đi ngang qua biển và tất cả nhờ Môsê mà được thanh tẩy, dưới áng mây và trong lòng biển; tất cả đã ăn cùng một thức ăn thiêng liêng, và uống cùng một thức uống thiêng liêng. Thật vậy, tất cả đã uống nước phát xuất từ tảng đá thiêng liêng đi theo họ: tảng đá ấy chính là Chúa Ki-tô. Tuy nhiên, không phải phần đông trong họ đã sống đẹp lòng Chúa, vì họ đã bị gục ngã trong hoang địa.
Bao nhiêu sự kiện đó nêu gương cho chúng ta, để chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như những người đó đã chiều theo. Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách như một số người trong bọn họ đã làm, và đã vong mạng bởi tay một sứ thần huỷ diệt. Những việc đó đã xảy đến cho họ để làm gương, và đã được ghi chép để răn bảo chúng ta là những người đang sống trong thời đại cuối cùng. Thế nên, ai tưởng mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Lc 13,1-9): “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy.” Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giê-su về việc quan Phi-la-tô giết mấy người Ga-li-lê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Ga-li-lê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Ga-li-lê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giê-ru-sa-lem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.
Ngài nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: ‘Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!’ Nhưng anh ta đáp rằng: ‘Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi'”.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI KINH THÁNH
3.1 Chân dung của Thiên Chúa
3.1.1 Bài đọc 1 (Xh 3, 1-8a.13-15) là một trong những đoạn văn hay nhất của Sách Xuất Hành, vì đoạn văn này tường thuật việc Thiên Chúa tự mạc khải mình cho nhân loại qua ông Mô-sê, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng việc làm:
Trước hết Thiên Chúa tỏ lộ Ngài là Đấng Thánh, Đấng Siêu Việt, Đấng Vô Hình, Đấng Tự Hũu mà con người không nhìn thấy, không thể tiếp cận trực tiếp (mà không phải chết!).
Thứ đến, Thiên Chúa cho thấy Ngài là Đấng quan tâm đến cuộc sống của những người Ít-ra-en nên Người nghe thấy tiếng kêu than của họ.
Sau cùng Thiên Chúa mạc khải là Đấng không thể ngồi yên trước nỗi thống khổ của con dân Ít-ra-en nên nẩy ra sáng kiến cứu thoát, giải phóng họ khỏi cảnh nô lệ Ai -cập, qua một chương trình và kế hoạch mà chính Người thực hiện qua trung gian và công cụ là ông Mô-sê, tôi tớ của Ngài.
3.1.2 Bài đọc 2 (1 Cr 10,1-6.10-12) là những lời giãi bày chí lý của Thánh Phao-lô Tông đồ nhằm khuyên nhủ các tín hữu Cô-rin-tô hãy biết rút ra bài học bổ ích từ lịch sử của dân Chúa, từ cách sống của những người Ít-ra-en trong thời Xuất Hành được xem là cha ông của họ trong dòng dõi những kẻ tin vào Thiên Chúa.
Trong đoạn 1 Cr 10,1-6.10-12 trên, chúng ta thấy Thiên Chúa đã ân cần và rộng tay ban phát nhiều ơn huệ như thế nào cho những người Ít-ra-en: Người đã giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ Ai-cập, đã nuôi sống họ trong suốt 40 năm hành trình xuyên qua sa mạc về Đất Hứa, đã tỏ ra quyền năng và luôn hiện diện bên họ. Thế nhưng nhiều người trong số họ vẫn không tin vào tình thương và quyền năng của Người, vẫn lẩm bẩm than trách mỗi khi gặp khó khăn trở ngại, vẫn quay lưng lại với Người để đi tìm các tà thần…
3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 13,1-9) là tường thuật của Lu-ca về hai quan điểm khác nhau trước một sự kiện cụ thể vừa xẩy ra. Sự kiện đó là những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết chết khi họ đang tiến hành việc dâng của lễ cho Thiên Chúa. Theo quan điểm của những người Do-thái (tiêu biểu là các kinh sư và Pha-ri-sêu) thì những người Ga-li-lê kia bị giết là vì họ là những người tội lỗi, nên bị Thiên Chúa trừng phạt (bằng bàn tay của Phi-la-tô). Còn theo Chúa Giê-su thì sự việc không thể giải thích như thế. Chúa Giê-su không đưa ra một giải thích nào mà chỉ nhân đó lên tiếng cảnh cáo những người Do-thái là hãy coi chừng: đừng kiêu căng, tự phụ mà xem thường và kết án người khác; đừng suy diễn lung tung theo sự hiểu biết hẹp hòi của mình mà vi phạm đến quyền bá chủ lịch sử của Thiên Chúa. Điều quan trọng mà Thiên Chúa mong đợi ở họ là họ phải có đời sống tốt lành, thánh thiện như Giới Răn và Lề Luật đã dạy. Chúa Giê-su kể dụ ngôn cây trồng trong vướn nho không sinh trái để khéo léo và tế nhị nhắc nhở họ điều quan trọng ấy.
Trong đoạn Phúc Âm Lc 13,1-9 này, Chúa Giê-su cho thấy ý nghĩa và mục đích của cuộc sống con người, nhất là của những kẻ tin, là sinh hoa kết trái tức sám hối, khiêm nhường và tin vào Tin Mừng. Cây vả không sinh trái thì sớm muộn gì cũng sẽ bị chặt đi và ném vào lửa, vì nó sống chỉ làm hại đất. Kẻ tin không sinh trái thì sớm muộn gì cũng bị loại trừ vì những người ấy chỉ làm uổng công tình thương và quyền năng và ơn huệ của Thiên Chúa mà thôi!
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa
(1) Nếu chúng ta chú ý vào bài đọc 1 thì sứ điệp của Lời Chúa sẽ là: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật… Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập.”
(2) Còn nếu chúng ta chú ý vào bài Phúc Âm thì sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là chúng ta hãy sinh hoa kết trái trong đời sống đức tin vì chính Chúa Giê-su đã cảnh cáo: “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
Hai sứ điệp trên không hề mâu thuẫn nhau, trái lại bổ sung cho nhau vì thật ra không hoa quả sám hối nào tốt đẹp cho bằng những hành động giải thoát cứu vớt những người bé nhỏ và chịu thiệt thòi trong xã hội loài người.
IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa
Là Đấng gần gũi với con dân của Người là Ít-ra-en và tất cả chúng ta; Người quan tâm chăm sóc, cứu vớt con dân của Người là Ít-ra-en và tất cả chúng ta. Nhưng Thiên Chúa cũng là Đấng đòi hỏi mỗi một người phải sinh hoa trái tốt lành thánh thiện trong đời sống đức tin là tham gia vào việc giải thoát anh em đồng loại khỏi cảnh nô lệ. Năm Tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội cũng nhằm mục đích tốt lành ấy.
4.2 Thực thi sứ điệp của Lời Chúa
Tôi xét mình xem
* Tôi có tuân phục thánh ý Chúa và thực thi sứ mệnh Chúa giao là bênh vực và giải thoát những người bị bất công và áp bức, như ông Mô-sê không?
* Tôi có biết rút ra bài học của lịch sử, của quá khứ mà sống biết ơn và gắn bó với Chúa Giê-su Ki-tô, như lời nhắn nhủ của Thánh Phao-lô không?
* Tôi có sống ăn năn sám hối, khiêm nhu và thánh thiện, như lời Chúa Giê-su nhắc nhở các kinh sư và Pha-ri-sêu trong Phúc Âm không?
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng! Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật!» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi dân, mọi nước trong thế giới hôm nay để ai nấy đều nhận biết rằng Thiên Chúa là Đấng luôn bênh vực những người nghèo khổ, bệnh tật, bị bất công và áp bức trong xã hội loài người!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!
5.2 «Dạ, tôi đây!» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế, để các ngài noi gương bắt chước ông Mô-sê mà mau mắn đáp lại tiếng Chúa gọi và chu toàn sứ mạng giải cứu con người khỏi mọi cảnh áp bức, bóc lột, bất công!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!
5.3 «Bây giờ, ngươi hãy đi!» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, để ai nấy biết sử dụng tài năng, của cải và thời giờ Chúa ban cho mình, để giải thoát những người đang phải sống trong cảnh nô lệ hay ngục tù vì bất công xã hội.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!
5.4 «Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập!» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho tất cả những người bênh vực công lý, xây dựng hòa bình và yêu thương giữa người với người, giữa quốc gia với quốc gia, để họ được ơn hăng say tích cực trong sứ mạng cao cả mà Thiên Chúa đã giao cho.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!
Sàigòn ngày 16 tháng 03 năm 2019
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.