CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN NĂM C (24.02.2019) THA THỨ CHO KẺ HẠI MÌNH, LÀ DẤU CHỨNG SỨC MẠNH CỦA CHÚA THÁNH THẦN! [1 Sm 26, 2.7-9.12-13.22-23; 1 Cr 15, 45-49: Lc 6,27-38]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Trong cuộc sống đời thường cũng như trong đời sống tâm linh cản trở lớn nhất của sự bình an là lòng ghen ghét, hận thù trong tâm hồn con người. Câu nói “sống để bụng, chết mang theo” nói lên nỗi khăn của việc tha thứ cho những người đã làm hại mình.
Thế mà Chúa Giê-su lại dạy các môn đệ: “hãy yêu kẻ thù, làm ơn cho người ghét mình, chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.” Với, và chỉ với, sức mạnh của Thánh Thần Thiên Chúa, thì những điều tưởng như bất khả kia mới trở thành hiện thực trong đời sống của kẻ tin.
Xin mời quý bạn đọc hãy dành thời gian để đọc kỹ Lời Chúa và tìm hiểu theo sự gợi ý của bài này.

II. LẮNG NGHE & TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong ba bài Thánh Kinh.
(1) Trong bài đọc 1: 1 Sm 26, 2.7-9.12-13.22-23: Đức Chúa đã nộp cha vào tay con, nhưng con đã không muốn tra tay.
2 Vua Sa-un lên đường và xuống sa mạc Díp, cùng với ba ngàn quân tinh nhuệ của Ít-ra-en, để tìm bắt ông Đa-vít trong sa mạc Díp.
7 Đang đêm, ông Đa-vít và ông A-vi-sai đến chỗ quân binh. Vua Sa-un đang nằm ngủ trong trại binh, cây giáo của vua cắm xuống đất, ở phía đầu vua, còn ông Áp-ne và quân binh thì nằm chung quanh. 8 Ông A-vi-sai nói với ông Đa-vít: “Hôm nay Thiên Chúa đã nộp kẻ thù của cậu vào tay cậu. Bây giờ, xin cho cháu dùng giáo ghim nó xuống đất, một nhát thôi; cháu không cần đâm nhát thứ hai.” 9 Ông Đa-vít nói với ông A-vi-sai: “Đừng giết vua! Có ai tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong mà vô sự đâu? “
12 Ông Đa-vít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu vua Sa-un, rồi cả hai người ra đi. Không ai thấy, không ai hay, không ai thức dậy. Họ đều ngủ cả, vì Đức Chúa đã cho một giấc ngủ mê ập xuống trên họ. 13 Ông Đa-vít đi sang phía bên kia và đứng trên đỉnh núi, ở đàng xa; có một khoảng cách lớn giữa họ.
22 Ông Đa-vít trả lời: “Cây giáo của đức vua đây. Một trong các đầy tớ hãy sang mà lấy. 23 Xin Đức Chúa thưởng công cho mỗi người tùy theo sự công chính và lòng trung thành của họ: hôm nay Đức Chúa đã nộp cha vào tay con, nhưng con đã không muốn tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong.

(2) Trong bài đọc 2: 1 Cr 15, 45-49: Như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.
45 Thưa anh em, con người đầu tiên là A-đam được dựng nên thành một sinh vật, còn A-đam cuối cùng là thần khí ban sự sống. 46 Loài xuất hiện trước không phải là loài có thần khí, nhưng là loài có sinh khí; loài có thần khí chỉ xuất hiện sau đó. 47 Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến. 48 Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến. 49 Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.
(3) Trong bài Tin Mừng: Lc 6,27-38: Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.
27 “Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, 28 hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. 29 Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. 30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. 31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. 32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. 33 Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. 34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. 35 Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.
36 “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”
2.2 Trong ba bài Thánh Kinh trên, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng nào?
(1) Bài đọc 1 (1 Sm 26,2.7-9.12-13.22-23) là câu truyện rất cảm động về cách cư xử của ông Đa-vít đối với vua Sa-un. Vua Sa-un, vì ganh tỵ với thành công của ông Đa-vít, đã tìm hết mọi cách để ám hại ông. Còn ông Đa-vít biết rất rõ lòng ganh tỵ và hành động ám hại mình của vua Sa-un. Theo thói thường thì ông Đa-vít sẽ tìm cách/dịp để trả thù. Nhưng ở đây Sách Sa-mu-en quyển thứ nhất cho chúng ta thấy ông Đa-vít đã không trả thù, không giết vua Sa-un khi có thời cơ và hoàn cảnh thuận tiện.
Trong đoạn 1 Sm 26,2.7-9.12-13.22-23 trên, chúng ta khám phá ra dung mạo của Thiên Chúa ẩn sau gương mặt của ông Đa-vít: Thiên Chúa là Đấng rất nhân từ và khoan dung, không ghen ghét, hận thù một ai dù những kẻ chống lại Thiên Chúa thì bao giờ cũng có và thậm chí có rất nhiều trong thế gian này.

(2) Bài đọc 2 (1 Cr 15,45-49) là những lời Thánh Phao-lô Tông đồ diễn giải về A-đam cũ và A-đam mới, về hai yếu tố tạo thành chúng ta là đất (xác) và thần khí (hồn), về trách nhiệm của chúng ta là phải sống theo con người mới (thần khí) chứ không phải theo con người cũ (đất).
Trong đoạn 1 Cr 15,45-49 trên, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Thần Khí Sáng Tạo. Người dựng nên con người là tạo vật thượng thặng trong vũ trụ, để con người sống theo thần khí là phần quan trọng hơn trong cấu trúc con người. Trong đoạn này chúng ta còn khám phá ra Chúa Giê-su là Đấng từ trời mà đến và vì thế chúng ta sẽ được nên giống như Người.

(3) Bài Tin Mừng (Lc 6, 27-38) là đoạn Phúc âm Lu-ca ghi chép lại lời dậy dỗ của Chúa Giê-su về một trong những nét sống quan trọng và độc đáo nhất của Phúc Âm. Đó là “yêu kẻ thù, làm ơn cho người ghét mình, chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.” Sống như thế mới khác, mới hơn những người tội lỗi hay những người chưa biết Chúa. Sống như thế mới xứng đáng là con cái Thiên Chúa, Cha của Đức Giê-su Na-da-rét.
Trong đoạn Phúc Âm Lc 6, 27-38 này, Chúa Giê-su đã mạc khải cho thấy Thiên Chúa là Tình Yêu vô điều kiện. Đối với Thiên Chúa mọi người đều được yêu thương và chăm sóc vì mọi người đều được Người dựng nên.
Chúa Giê-su không chỉ dậy mà còn sống đến mức hoàn hảo bài học “yêu kẻ thù, làm ơn cho người ghét mình, chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.” Đọc lại tường thuật về Cuộc Thương Khó chúng ta sẽ thấy rõ như thế.
2.3 Qua ba bài Thánh Kinh trên, Thiên Chúa muốn gửi sứ điệp gì cho chúng ta?
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là:
“yêu kẻ thù,
làm ơn cho người ghét mình,
chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình và
cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.”

III. SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY
Để thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay,
* trước hết tôi phải nhìn kỹ xem trong tận đáy lòng tôi có còn căm ghét, hận thù người/những người nào không (cha mẹ, vợ/chồng, con cái, bạn bè, người quen, người ngoài, thù địch)?
* kế đến tôi khẩn khoản nài xin Thánh Thần Thiên Chúa đến giải thoát tôi khỏi sự căm ghét, hận thù ấy bằng sức mạnh thần linh của Người.
* sau cùng tôi quyết tâm thứ tha “vô điều kiện” cho người/những người mà tôi căm ghét, thù hận bấy lâu nay, để tâm hồn và cuộc sống của tôi tìm lại được sự bình an và được hoàn toàn giải thoát khỏi vòng nô lệ của căm ghét hận thù độc hại kia.

IV. CẦU NGUYỆN CHO LOÀI NGƯỜI VÀ HỘI THÁNH
4.1 Lạy Thiên Chúa là Đấng Tối Cao và Từ Bi vì “Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.” Chúng con cảm tạ ngợi khen chúc tụng Chúa vì Chúa đã làm mưa làm nắng cho hết mọi người, không phân biệt tội lỗi hay công chính. Xin Chúa dạy chúng con biết “yêu kẻ thù, làm ơn cho người ghét mình, chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho kẻ vu khống mình” như Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Chúa, đã dậy chúng con, để chúng con xứng đáng là con của Chúa.
X. Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa. Đ. Xin Chúa nhận lời chúng con

4.2 Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã dạy các môn đệ xưa và dạy chúng con hôm nay: “hãy yêu kẻ thù, làm ơn cho người ghét mình, chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.” Chúng con cảm tạ và chúc tụng ngợi khen Chúa vì Chúa đã dậy chúng con cách sống phù hợp với phẩm giá của chúng con là tạo vật đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa. Xin Chúa ban ánh sáng và sức mạnh cho chúng con để chúng con hiểu và thực thi giáo huấn của Chúa!
X. Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa. Đ. Xin Chúa nhận lời chúng con.

4.3 Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã không chỉ dậy mà còn sống trọn vẹn giáo huấn riêng của Chúa. Chúng con cảm tạ và chúc tụng ngợi khen Chúa, vì Chúa đã đi trước và lôi kéo chúng sống theo Chúa. Xin Chúa hãy giúp đỡ và dẫn dẵn chúng con để chúng con học cùng Chúa mà “yêu kẻ thù, làm ơn cho người ghét chúng con, chúc lành cho kẻ nguyền rủa chúng con, cầu nguyện cho kẻ vu khống chúng con.”
X. Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa. Đ. Xin Chúa nhận lời chúng con.

4.4 Lạy Thần Khí Thiên Chúa, chỉ với Ơn Soi Sáng và Sức Mạnh của Chúa, chúng con mới hiểu và thực hiện được giáo huấn “yêu kẻ thù, làm ơn cho người ghét mình, chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình và cầu nguyện cho kẻ vu khống mình” của Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con. Chúng con cảm tạ và chúc tụng Chúa vì Chúa đã giúp không biết bao nói với chúng con những lời cảnh cáo “khó nghe” nhưng có sức cứu độ. Xin Chúa hãy ban cho chúng con ơn siêu thoát đối với mọi của cải và hạnh phúc trần gian!
X. Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa. Đ. Xin Chúa nhận lời chúng con.

Sàigòn ngày 17.02.2019.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.