I. DẨN VÀO PHỤNG VỤ
Trong các bìểu hiện mừng Tết Nguyên Đán và Xuân Kỷ Hợi đậm nét văn hóa Việt tôi thích nhất là việc XIN CHỮ. Xin chữ là cách thể hiện ước mơ, cầu chúc của người xin, cho chính mình hay cho người khác. Có nhiều người xin chử AN. Có nhiều người xin chử BÌNH. Có nhiều người xin chử ĐẠT. Có nhiều người xin chử LỘC. Có nhiều người xin chữ THỌ và có rất nhiều người xin chữ PHÚC. Phúc là Ơn Phúc, là Hạnh Phúc, là Phúc Lộc. Phúc quả là cái mà người người mong ước, cầu khấn để có.
Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật VI Thường Niên Năm C, chúng ta thấy Đức Giê-su cũng nói về cái PHÚC hay đúng hơn là Người nói về những người được/có Phúc.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA 6,17.20-26:
Khi ấy, Chúa Giê-su từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giu-đê-a, Giê-ru-sa-lem, miền duyên hải Ty-rô và Si-đon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.
“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”.
III. TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU-CA 6,17.20-26:
3.1 Bối cảnh của những lời công bố của Đức Giê-su về cái Phúc hay đúng hơn về những người có phúc: Thánh Lu-ca ghi lại một chi tiết rất quan trọng về bối cảnh ấy: “Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là…..” Thế có nghĩa là Đức Giê-su trực tiếp ám chỉ các môn đệ đang đứng trước mặt Người là những người có phúc. Các ông là những người có phúc vì các ông đã bỏ tất cả (gia đình, của cải, sự nghiệp) mà đi theo Chúa. Các ông đã, đang và sẽ chịu cực chịu khổ vì sứ mạng mà Chúa giao.
3.2 Ý nghĩa đích thực của lời công bố của Đức Giê-su: Không phải tất cả những người nghèo khó, đói khát, phải khóc lóc, bị thù ghét, trục xuất và phỉ báng đều đương nhiên là những người có phúc, mà chỉ những người nghèo khó, đói khát, phải khóc lóc, bị thù ghét, trục xuất và phỉ báng vì Chúa và vì Tin Mừng mới là những người có phúc.
Tương tự như thế, không phải tất cả những người giàu có, no nê đầy đủ, vui cười, được mọi người ca tụng đều là những người bất hạnh mà chỉ những người giàu có, no nê đầy đủ, vui cười, được mọi người ca tụng mà chỉ biết có mình, không quan tâm giúp đỡ chia sẻ với người xung quanh…. mới là những người bất hạnh.
IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU- CA 6,17.20-26:
Muốn được là những người có phúc (được Chúa chúc phúc), chúng ta phải sống như các môn đệ Đức Giê-su đã sống: hy sinh, từ bỏ, chia sẻ, cống hiến, phục vụ tha nhân. Động lực là chúng ta muốn nên giống Chúa, muốn bước theo Chúa, muốn thực thi sứ mạng ra đi loan báo Tin Mừng mà Chúa giao cho chúng ta, muốn mở rộng Nước Chúa và cứu vớt các linh hồn.
V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN [VỚI LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG LU- CA 6,17.20-26:
MỞ ĐẦU:
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, chúngl con ngợi khen, chúc tụng và cảm tạ Cha vì Con Cha là Đức Giê-su Ki-tô đã chỉ cho chúng con con đường có được phúc thật. Xin Cha đón nhận lời cầu xin tha thiết của chúng con.
Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN:
1.- « Khi ấy, Chúa Giê-su từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giu-đê-a, Giê-ru-sa-lem, miền duyên hải Ty-rô và Si-đon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho mọi người trên thế giới này có cơ hội được nghe Lời Thiên Chúa và được Chúa chữa lành.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2.- «Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và cho các Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy noi gương các môn đệ tiên khởi mà từ bỏ tất cả mà đi theo Chúa và chia sẻ sứ mạng cứu độ của Chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3.-«Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi người lớn bé già trẻ biết tránh xa lối sống hời hợt, ích kỷ và thỏa mãn cá nhân.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
KẾT:
Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su và là Cha của chúng con, chúng con chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã sai Con Một Cha xuống trần gian để đem Ơn Cứi Độ cho chúng con và dậy chúng con con đường hạnh phúc thật.
Xin cho chúng con biết sống như các tông đồ của Chúa mà hy sinh, tử bỏ, cống hiến phục vụ và chịu khó chịu khổ vì Tin Mừng.
Chúng con cầu xin, nhờ công nghiệp Chúa Giê-su Ki-tô Con Cha, Chúa chúng con. Amen
Sài-gòn ngày 13 tháng 02 năm 2019
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội