CON HEO TRONG NGỤ NGÔN

ĐÊM BA MƯƠI CẦU BÌNH AN HẠNH PHÚC
SÁNG MỒNG MỘT KHẤN THÁNH THIỆN TIN YÊU

Con Heo, còn gọi là con Lợn, không hề xa lạ với mọi người – dù thuộc dân tộc nào trong cộng đồng nhân loại, có nghĩa là nó rất “quen thuộc” và “thân thiết” với con người, thế nên cũng có nhiều câu chuyện về con vật này – cả tốt và xấu. Trong văn hóa, con Heo còn được gọi bằng các tên khác như chú ỉn, cậu hợi, lão trư.

Khi ngụ ý nói về những người có thói xấu, người ta thường dùng hình tượng con Heo để ví von, chì chiết hoặc mỉa mai. Thiết tưởng, khi muốn ám chỉ cái xấu của con người, sử dụng chữ LỢN nghe có vẻ nặng nề và “đểu” hơn là sử dụng chữ HEO.

Nhân dịp tân niên Kỷ Hợi – 2019, chúng ta cùng suy tư về hai truyện ngụ ngôn – một tích cực và một tiêu cực. Có thể coi đây là cách thư giãn trong khoảng thời gian thư thái đón Xuân, ăn Tết, nhưng là cách thư giãn hoàn toàn nghiêm túc và hữu ích.

1. HEO và THỎ

Truyện kể rằng… Có con Heo rừng đang đi ăn đêm trong nương khoai thì bị mắc bẫy. Một chân sau của nó bị bẫy treo lơ lửng trên mặt đất, nó càng giẫy giụa thì vòng bẫy càng thắt chặt.

Trời gần sáng, bỗng Heo rừng tức giận quay đầu lại cắn đứt chân sau của nó đang vướng bẫy, rồi nó tập tễnh đi nhanh vào rừng. Con Thỏ thấy Heo rừng chân cụt đẫm máu bèn hỏi cho rõ đầu đuôi. Biết chuyện, Thỏ tỏ vẻ thán phục sự can đảm của Heo và khen Heo: “Ôi, anh thật là gan dạ”.

Heo rừng thản nhiên đáp: “Có gan góc gì đâu, chẳng qua ở lại đó thì sẽ bị giết thịt, thà mất một chân mà được trả lại với rừng có phải hơn không?”

Trong cuộc sống, đôi khi những trường hợp không có cách chọn lựa nào khác, như bị “triệt buộc” vậy. Tuy nhiên, chúng ta không thể buông xuôi hoặc thúc thủ, thụ động, mà phải dám bỏ cái gì đó – dù cái đó vẫn rất cần, để có thể đạt được cái quan trọng hơn. Con Heo dám tự cắn đứt chân mình để thoát khỏi sự kiềm chế, đó là tự giải thoát để có được sự tự do đích thực.

Lệ thuộc là hèn nhát, tồi tệ, nhục nhã. Cố gắng tìm cách tự giải thoát mình rồi trời sẽ giúp, không thể thụ động ngồi buồn rồi than thân trách phận. Các thói hư và tật xấu là “vòng kim cô” khiến chúng ta bị lệ thuộc; còn về tâm linh, “vòng kim cô” đó là tội lỗi, là ba thù (ma quỷ, thế gian, xác thịt). Tất cả đều bởi “cái tôi” mà ra: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.

Vì thế, Chúa Giêsu luôn nhắc nhở chúng ta phải can đảm “từ bỏ mình và vác thập giá” (Mt 10:37-39; Mt 16:24-26; Mc 8:34-37; Lc 9:23-27; Lc 14:26-27). Cũng giống như con Heo, không ai có thể cắt bỏ “phần vướng víu” của mình ngoài chính mình, nghĩa là chúng ta phải tự “cắt” phần nào đó trong cuộc đời mình để có thể sống than thản và tự do đúng nghĩa – cả đời thường và tâm linh.

2. SÓI và LỢN

Truyện kể rằng… Một hôm, Sói xin Lợn cho vào ngủ trọ. Lợn cho Sói vào. Một lúc sau, Sói đẻ một bầy Sói con. Lợn đòi lại chỗ của mình, nhưng Sói phân bua: “Chị thấy đấy, sói con còn nhỏ cả, chị thư thả cho ít lâu”. Lợn nghĩ: “Thôi thì mình đợi ít lâu vậy!”

Thời gian cứ trôi qua, rồi mùa hè cũng qua, Lợn quyết đi gặp Sói để đòi lại chỗ. Sói mẹ ngang nhiên trả lời bằng giọng điệu thách thức: “Cứ thử động vào bọn ta đi. Bọn ta có những sáu, bọn ta sẽ xé xác mày”.

Ở dụ ngôn này, Lợn là hiện thân của hiền nhân, Sói là hiện thân của ác nhân. Lợn có lòng nhân ái nhưng bị Sói lợi dụng và chiếm đoạt tài sản. Tình trạng “tréo ngoe” này thường thấy xảy ra, nhất là trong xã hội Việt Nam ngày nay. Tiền nhân nói chí lý: “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Chỉ có những kẻ có chức quyền mới ngang ngược và hống hách một cách công khai, đúng “quy trình”, đúng “tiêu chuẩn” và đúng “sách lược” như vậy. Dân đen thấp cổ bé miệng không thể làm như thế, mà họ cũng chẳng bao giờ dám làm gì quá đáng.

Kinh nghiệm cho thấy rằng vật chất dễ khiến con người mù quáng, biến lòng người đổi trắng thay đen: “Sức mê hoặc của sự ác làm lu mờ sự thiện, và dục vọng quay cuồng biến đổi tâm hồn chất phác” (Kn 4:12). Thánh Phaolô xác định: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Tm 6:10). Thật vậy, hiền nhân cũng có thể hóa thành ác nhân. Tại sao vậy? Cái gì cũng có hệ lụy tất yếu: ý nghĩ xúi giục ham muốn, ham muốn sinh ra hành động, hành động tạo nên thói quen, thói quen trở thành tính cách, và tính cách hóa thành số phận.

Giáo dục coi thường nhân nghĩa nên thoái hóa, chú trọng lượng mà bỏ qua phẩm, đồng thời chỉ cho học những thứ gian xảo thì làm sao giới trẻ thành nhân? Đó là cách tự tiêu diệt, đầu độc dân tộc, sát nhân không cần vũ khí. Thật đáng sợ! Con người tiến hóa thành loài sói ác độc, thế nên rắp tâm làm hại loài lợn hiền lành.

Thánh Vịnh gia thân thưa: “Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết. Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con” (Tv 139:4-5). Thế gian như ao nước đục, nhưng Kitô hữu không được phép để mình đồng hóa. Hãy nghe lời khuyên của Thánh Philip Romolo Neri (1515–1595) và quyết tâm sống trong năm nay: “Hãy gieo mình vào vòng tay Thiên Chúa và hãy vững tin, nếu Người muốn anh em làm gì thì Người nhất định sẽ làm cho anh em thích hợp với công việc ấy và sẽ ban sức mạnh cho anh em”.

Và đây là một số Lời Quý Ý Thơm của các hiền nhân, những bậc trượng phu dày dạn kinh nghiệm. Họ không chỉ là những bậc khôn ngoan mà còn thông suốt và sống nhân bản.

“Có sai lầm mà không sửa, đó mới thật là sai lầm” (Khổng Tử).

“Biết đúng mà không theo là dở, biết sai mà không sửa là mê” (Dục Tử).

“Biết người là khôn, biết mình là sáng. Người tri túc không bao giờ nhục” (Lão Tử).

“Gần son thì đỏ, gần mực thì đen, gần người hiền thì sáng, gần người tài thì thông, gần người lành thì có đức, gần người ngu thì dại, gần kẻ nịnh hót thì a dua, gần đứa tham lam thì trộm cắp” (Mạnh Tử).

Lạy Thiên Chúa, xin soi sáng cho con biết phân định đúng đắn và rạch ròi. Xin giúp con sống nhân bản, xin biến đổi con nên hiền nhân và nên khí cụ hữu ích của Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU