TÍNH TẾT NẾT XUÂN

chuaxuan11Tứ thời, bát tiết, bốn mùa luân phiên thay đổi theo quy luật của thiên nhiên – nói chính xác là “quy luật của Thiên Chúa”. Vì thế có chuyện tất nhiên: Đến và Đi, Sum Họp và Chia Ly, Mới và cũ, Sinh và Tử.

Tết Nguyên Đán – gọi là Tết Ta để phân biệt với Tết Tây – có ba ngày. Điều này gợi nhớ hoặc nhắc nhở chúng ta phải nhớ tới Chúa Ba Ngôi: Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Điều ngẫu nhiên hay sự kỳ diệu? Thiết tưởng chúng ta có thể “nối kết” và nói đó là sự-ngẫu-nhiên-kỳ-diệu, chắc hẳn không ngoài ý Chúa dành cho dân Á Đông, cách riêng đối với dân Việt.

Cứ một rồi lại một, như những giọt nước đều nhịp rỉ rả… Những cái một tuy nhỏ hoặc ngắn nhưng lại có thể tạo nên những cái to hoặc dài. Một viên gạch không là gì, nhưng nhiều viên gạch cùng làm nên tòa nhà. Những chi tiết tạo nên một tổng thể. Và rồi một năm cũ đã qua, một năm mới vừa tới. Đó là quy luật tự nhiên bất biết muôn thuở, vì cái gì cũng có hai “điểm” – khởi sự và kết thúc. Cả hai “điểm” đó đều là Thiên Chúa, bởi vì Ngài chính là “An-pha và Ô-mê-ga, Đầu và Cuối, Khởi Nguyên và Tận Cùng” (Kh 22:13).

Xuân đến rồi Xuân đi. Đoàn tụ ngày Tết rồi lại chia tay. Kinh Thánh cho biết: “Từ sáng sớm tới chiều tà, thời gian thay đổi; trước mặt Đức Chúa, tất cả đều mau qua” (Hc 18:26). Biết vậy không phải để bi quan, yếm thế, mà để chấn chỉnh lối sống sao cho phù hợp – hợp ý Chúa, hợp lòng người.

I. MỒNG MỘT – CẦU XIN BÌNH AN

NGÀY MỒNG MỘT CHUNG LỜI TẠ ƠN CHÚA
LÚC ĐÓN XUÂN HIỆP NHẤT NIỀM KÍNH TIN

Mồng Một Tết là ngày cầu bình an cho năm mới. Khởi đầu cuộc đời, khởi đầu công việc, khởi đầu hôn nhân, khởi đầu sự nghiệp,… đặc biệt là khởi đầu năm mới. Tất cả những cái khởi đầu đều làm người ta cảm thấy lo – lo đủ thứ, đủ kiểu, đủ mức.

Đó cũng là lẽ tất nhiên trong đời thường khi chúng ta là những tội nhân sống kiếp lữ hành. Chúng ta không thể chủ động, không biết tương lai ra sao. Thời gian là của Chúa, vì vậy mà con người cần và phải tín thác vào Thiên Chúa. Đó là cách sống khôn ngoan!

Có một chiếc đồng hồ lớn tại giáo xứ Thánh Gioan Chrysostom ở Inglewood (California, Hoa Kỳ), trên chiếc đồng hồ có khắc chữ “Tempus Fugit” (thời giờ trôi qua). Thật là chí lý! Tương tự, người Việt nói: “Thời giờ thấm thoắt thoi đưa, nó đi đi mãi có chờ đợi ai”. Thời điểm khởi đầu năm mới, Thiên Chúa động viên mỗi chúng ta: “ĐỪNG LO!” (Mt 6:34).

Mùa Xuân chỉ là một phần của thời gian. Cũng như các thứ khác, Xuân đến rồi Xuân lại đi. Thánh Vịnh gia xác định: “Chính Ngài vạch biên cương cho cõi đất, thời hạ, tiết đông, cũng chính Ngài thiết lập” (Tv 74:17). Sau mùa Đông giá lạnh là mùa Xuân ấm áp, mọi vật đều biến đổi, khác lạ, y như được hồi sinh từ cõi chết vậy. Lạ lắm!

Cái vẻ “mới lạ” của mùa Xuân gợi nhớ việc sáng tạo của Thiên Chúa từ thuở hồng hoang. Khoảng thời gian đó được Kinh Thánh cụ thể hóa là sáu ngày, và thêm một ngày nghỉ nữa là thành một tuần.

Kinh Thánh cho biết: “Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao. Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất, để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (St 1:16-18). Ngày để làm việc, đêm để nghỉ ngơi. Thiên Chúa đã tạo cơ hội thuận lợi để chúng ta có thể cân bằng cuộc sống, nhờ đó mà làm việc có hiệu quả cao nhất. Mùa Xuân là lúc Thiên Chúa muốn chúng ta nghỉ ngơi để lấy lại sức mà làm việc trong năm mới.

Cuộc sống luôn có những nỗi lo – không nhiều thì ít, không to thì nhỏ, chẳng ai có thể vô tư. Ngay cả người điên cũng có nỗi lo riêng của họ, thậm chí người sống thực vật cũng lo – vì họ não và tim của họ vẫn hoạt động, tức là họ vẫn sống. Đầu ngày, cứ mở mắt ra là thấy lo rồi. Tuy nhiên, lo là lẽ thường tình của nhân sinh, nhưng đừng lo quá, vì chúng ta “không thể làm cho một sợi tóc hóa trắng hay đen” (Mt 5:36).

Thánh Vịnh gia nhắc nhở chúng ta “thoát” ra khỏi cái “vỏ ốc yếu đuối” của mình: “Cứ tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện thì sẽ được ở trong đất nước và sống yên hàn. Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng. Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay” (Tv 37:4-5).

Sống tốt thì người ta an tâm, hy vọng làm người ta vui vẻ, và càng an tâm hơn nếu người ta biết phó thác tất cả cho Chúa. Thánh Phaolô kêu gọi chúng ta “hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa và đừng lo lắng gì cả” (Pl 4:4-6). Cách sống tín thác là sống “con đường thơ ấu” của Thánh Hoa Hồng Nhỏ Têrêsa Hài Đồng.

Chúa Giêsu khuyên: “Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” (Mt 6:25). Một câu nghi-vấn-xác-định thật là độc đáo!

Ngài biết chúng ta yếu đuối, chưa đủ tin, nên Ngài phải giải thích và đưa ra bằng chứng cụ thể: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6:26-29). Vấn đề quan trọng là chúng ta có thực sự tâm phục khẩu phục hay còn bán tín bán nghi!

Hoa cỏ ngoài đồng, nay xanh mai héo, mà Thiên Chúa còn cho mặc đẹp, huống hồ là chúng ta – những người được diễm phúc làm con cái Ngài. Và Ngài căn dặn: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:33-34). Với sức con người thì khó lắm, nhưng với niềm tín thác, chúng ta sẽ làm được nhờ sức mạnh của Đức Giêsu Kitô. Chúng ta “đầu hàng”, Ngài sẽ ra tay, nhưng Thánh Phaolô đã minh định: “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12:10).

II. MỒNG HAI – CẦU CHO TIỀN NHÂN

NGÀY MỒNG HAI CẦU NGUYỆN CHO NHÂN THẾ
KHẤN THIÊN CHÚA XÓT THƯƠNG CẢ TỔ TIÊN

Mồng Hai Tết là ngày cầu cho tiền nhân. Cây có cội, nước có nguồn, chim có tổ, người có tông. Là người Việt, chắc hẳn không ai lại không thuộc lòng câu ca dao nói về công sinh ơn dưỡng:

Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Ngày xưa, giáo dục chú trọng lễ nghĩa: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Và luôn có lời nhắc nhở: “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời”. Môn công dân dạy học sinh những điều cốt lõi phong cách làm người, để khi lớn lên sẽ thành nhân – dù cho có thể không thành tài. Bởi vì “thành nhân quan trọng hơn thành công”.

Lục Bát là loại thơ đặc trưng Việt Nam, dễ làm hơn các loại thơ khác nhưng khó hay và dễ sai vần, không khéo thì chỉ là vè chứ không là thơ. Câu ca dao “công cha, nghĩa mẹ” trên đây bình dị mà chứa đựng đạo lý thâm sâu. Ai cũng có một gia đình, dù là “ông kia, bà nọ” thì cũng vẫn xuất thân từ một gia đình, và cũng đã từng là người con. Người ta có thể tự chọn nhiều thứ, nhưng không ai có thể tự chọn cha mẹ – tất nhiên kể cả ông bà, tổ tiên. Chắc hẳn không ngẫu nhiên mà người ta gọi gia đình là Tổ Ấm hoặc Mái Ấm, bởi vì trong đó có hơi ấm của tình yêu thương, gia đình thiếu hơi ấm sẽ hoang vu, lạnh lẽo. Dấu hiệu đầu tiên của hạnh phúc gia đình là tình yêu gia đình, chính “ngọn lửa” tình yêu giữ cho gia đình luôn ấm áp trong mọi hoàn cảnh.

Dẫu là Thiên Chúa, nhưng khi giáng sinh làm người, Đức Giêsu đã chọn cách sinh trưởng trong một gia đình và giữ trọn đạo làm con đối với các thụ tạo của Ngài. Điều đó chứng tỏ gia đình rất quan trọng. Hai tiếng “gia đình” đơn giản lắm, nhưng cũng có nhiều phức tạp lắm. Louisa May Alcott (1832-1888, Hoa Kỳ) nhận xét: “Khả năng tìm được cái đẹp trong những điều nhỏ bé nhất khiến gia đình trở nên hạnh phúc và cuộc đời trở nên đáng yêu”. Thomas Fuller (1608-1661, Anh quốc) đề nghị: “Lòng nhân đức bắt đầu từ gia đình nhưng không nên kết thúc ở đó”. Bộ ba Cha-Mẹ-Con là chiếc-kiềng-yêu-thương để chống đỡ gia đình, như ca dao nhắn nhủ: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Tất nhiên phải cần nỗ lực của mọi thành viên – dù nhỏ hay lớn, trẻ hay già.

Thông thường, vào những dịp lễ, tết, và các dịp đặc biệt khác, việc nhớ tới công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và tiền nhân là điều cần thiết. Trên đời này, không có công ơn nào to lớn bằng công ơn cha mẹ, đặc biệt là người mẹ. Chữ Hiếu được mệnh danh là Đạo Hiếu, nhưng vẫn không thể nào bù đắp chín Đức Cù Lao. Cứ tính đơn giản theo nghĩa đen thì cũng thấy không cân xứng: Một chữ không thể so với chín chữ. Con cái chỉ có MỘT chữ Hiếu mà vẫn không bao giờ giữ cho vuông tròn thì chẳng bao giờ đền đáp CHÍN chữ cù lao của cha mẹ!

Trong Kinh Thi có đề cập đức cù lao của cha mẹ qua cách nói ngắn gọn mà súc tích: “Cù lao vu dã” – nhọc nhằn vất vả nơi đồng nội; và “bi ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao” – thương thay cha mẹ nhọc nhằn sinh ta.

Đầu Xuân và ngày Tết là thời gian đẹp nhất trong năm – cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Sách Huấn Ca mời gọi: “Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ” (Hc 44:1). Tại sao? Lý do minh nhiên: “Họ là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen” (Hc 44:10-15).

Về Đạo Hiếu, chính Chúa Giêsu đã nêu gương để chúng ta noi theo: Sau ba ngày lo việc của Chúa Cha, Cậu Hai Giêsu ở lại Đền Thờ khiến Cô Maria và Chú Giuse lo sốt vó, tìm kiếm xuôi ngược suốt ba ngày. Khi gặp cha mẹ, Cậu Hai Giêsu mau mắn “đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2:51). Rõ ràng Chúa Giêsu rất quý tình gia đình, được Ngài thể hiện qua việc kính yêu và tôn trọng cha mẹ.

Được hiện diện trên cõi đời này thì chắc chắn ai cũng có cha mẹ, dù cha mẹ có thế nào thì cũng vẫn là người sinh thành dưỡng dục mình, không thể coi nhẹ chữ Hiếu. Ai sống có hiếu thì được Thiên Chúa chúc lành, như Thánh Vịnh gia cho biết: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may” (Tv 128:1-2).

Đề cập Đạo Hiếu, Thánh Phaolô nhắc nhở những người con: “Kẻ làm con, hãy VÂNG LỜI cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy TÔN KÍNH cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6:1-3). Đồng thời thánh nhân cũng nhắc nhở các phụ huynh: “Những bậc làm cha mẹ, ĐỪNG làm cho con cái tức giận, nhưng HÃY giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6:4). Bổn phận và trách nhiệm với nhau là điều thực sự cần thiết: Con cái đối với cha mẹ, và cha mẹ đối với con cái. Đó là dạng bổn phận song song và trách nhiệm hai chiều.

Nhà có gia phong, nước có quốc pháp. Truyền thống là điều nên duy trì – nếu đó là truyền thống tốt đẹp và hợp lòng người. Cứ mạnh dạn bỏ truyền thống “không hay”, vì có thể đó chỉ là hủ tục. Đừng bao giờ câu nệ hoặc lệ thuộc vào những gì thực sự không cần thiết, cần phải biết “buông” để “bỏ” và tự làm “nhẹ” cuộc đời mình!

Đề cập vấn đề “nghi thức”, trình thuật Mt 15:1-6 cho biết rằng mấy người Pharisêu và mấy kinh sư đến gặp Đức Giêsu và hỏi Ngài: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?”. Ngài trả lời bằng một câu hỏi: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?”. Biết chẳng ai trả lời được nên Ngài lý luận: “Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa”. Họ đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Đúng như tên gọi là “biệt phái”, đầu toàn là “đậu hũ” mà bày đặt lý luận để bắt bẻ người khác. Dốt mà chảnh là thế, học chưa xong vỡ lòng mà đòi làm thầy! Không chỉ vậy, chúng ta lấy cớ với nhiều lý do “vì, bởi, tại, nếu,…” mà biện hộ cho mình. Rất có thể chúng ta cũng có “máu” chẳng khác nhóm Pharisêu đâu. Quá nguy hiểm!

“Mồng Một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Nói như vậy không có ý phân cấp, bên trọng bên khinh. Ý nói rằng ai cũng có cội nguồn, phải tết cha mẹ là tất nhiên, cha mẹ cũng có cha mẹ, tức là Nội Ngoại đề huề, xuôi gia chứ không xui gia. Thời gian gần nhau chẳng nhiều, hãy cố gắng làm cho tươi Xuân thắm Tết, kẻo khi biết hối tiếc thì chẳng còn cơ hội nữa. Tiền nhân buồn mà Chúa cũng buồn lắm!

III. MỒNG BA – THÁNH HÓA CÔNG VIỆC

NGÀY MỒNG BA XIN THÁNH HÓA CÔNG VIỆC
THUỞ THẾ TỤC ƯỚC HÀI HÒA THÁNG NĂM

Thánh Phaolô nói: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2 Tx 3:10). Chỉ đơn giản thế thôi! Người Việt cũng nói: “Tay làm, hàm nhai; tay quai, miệng trễ”. Lười biếng và ỷ lại là thói xấu, sống dựa vào người khác là nhục nhã!

Tại Vườn Địa Đàng thuở xưa, sau khi để cho “cái tôi” nổi dậy, Ông Bà Nguyên Tổ đã bất tuân Thiên Chúa chỉ vì nghe lời đường mật của loài quỷ dữ. Họ tự thấy xấu hổ nên lẩn tránh Đức Chúa. Và rồi Ngài ra nghiêm luật, đồng thời cũng nhắc nhở về “thân phận” của họ: “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3:19).

Từ khoảnh khắc “định mệnh” đó, con người không còn được “ngồi mát ăn bát vàng” nữa, mà phải làm lụng vất vả, đổ mồ hôi trán, dán mồ hôi lưng mới có miếng ăn, thậm chí còn thiếu ăn. Tuy nhiên, cái khó ló cái khôn, cái khổ bổ cái dại. Nhờ vậy mà con người có kinh nghiệm lao động, biết quý trọng công sức, và dần dần người ta có những luật lao động khác nhau – tùy hoàn cảnh cụ thể.

Người ta nói: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Chỉ vì loài người kiêu căng và phạm tội, Thiên Chúa đã “hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Ngài buồn rầu trong lòng” (St 6:6). Ham vui một chút để khổ suốt đời, thật khốn thay! Và rồi Thiên Chúa quyết định “tẩy rửa” địa cầu bằng đại hồng thủy để “làm mới” địa cầu.

Nói về sự lao động, đại văn hào Victor Hugo (1802-1885, Pháp quốc) lý luận: “Người ta không lười biếng chỉ vì người ta chăm chú. Có lao động vô hình và lao động hữu hình. Suy tưởng là cần cù, nghĩ ngợi là thực hiện. Khoanh tay vẫn là làm việc và siết chặt tay vẫn là hành động. Đôi mắt ngước lên Thiên đường là sáng tạo”. Còn nữ tiểu thuyết gia Louisa May Alcott (1832-1888, Hoa Kỳ) xác định: “Công việc luôn là sự cứu rỗi của tôi, và tôi tạ ơn Chúa về điều đó”. Tuyệt vời quá! Quả thật, người khôn là người “làm hay hơn nói giỏi – well done is better than well said” (Benjamin Franklin, 1706-1790, Tổng thống và là một trong những người khai sinh Hoa Kỳ).

Thiên Chúa là Đấng hằng hữu và toàn năng, Ngài tạo dựng mọi sự từ hư vô, biến không thành có. Chính công cuộc tạo dựng đó là công sức lao động của Ngài. Thật vậy, Ngài lao động sáu ngày và chỉ nghỉ một ngày (x. St 1:3 – 2:3). Điều đó cho thấy sự lao động là cần thiết hơn nhàn rỗi, như người ta nói: “Nhàn cư vi bất thiện”. Rảnh rỗi quá hóa cuồng nên hư thân mất nết, kiểu như người ta nói: “Ăn lắm rửng mỡ”. Vô tích sự!

Người Việt nói: “Tay làm, hàm nhai; tay quai, miệng trễ”. Tất nhiên là vậy. Còn nhỏ nhờ cậy cha mẹ, lớn lên phải tự mưu sinh. Lao động để có thể sinh tồn, nhưng đó mới chỉ là duy trì sự sống thể lý. Con người có hai phần là xác và hồn, cần duy trì sự sống thể lý và cũng không thể không duy trì sự sống tinh thần, với người có niềm tin tôn giáo thì đó là sự sống tâm linh. Chúa Giêsu đã minh định rạch ròi: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4; Lc 4:4). Thánh Vịnh gia xác nhận: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119:105).

Thật vất vả trên đường mưu sinh, không hề đơn giản – trừ một số người “đẻ bọc điều”, sướng từ trong trứng nước. Lo thì lo, nhưng lo cũng chẳng thay đổi được theo ý mình. Và chúng ta càng cần Thiên Chúa hơn. Thánh Phaolô cho biết: “Những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:34-35). Muốn CHO thì phải CÓ, muốn CÓ thì phải LÀM. Hoàn toàn hợp lý. Thánh Phaolô đã làm việc để sinh tồn, không ỷ lại vào người khác. Chắc chắn Thiên Chúa muốn chúng ta lao động hết SỨC (lực) để xứng đáng có CÔNG (trạng).

Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Mình muốn không bằng trời muốn. Người vô thần bị “đuối lý” ở điểm này. Họ bảo không có Tạo Hóa mà vẫn kêu trời khi gặp “sự cố”. Chính họ tự mâu thuẫn! Còn đối với các Kitô hữu, không gì hơn là tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu cũng đã nhắn nhủ: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy thì sinh nhiều hoa trái” (Ga 15:4-5). Thật vậy, không có Thiên Chúa thì chúng ta chẳng làm gì được ráo trọi (x. Ga 15:5). Tín thác là trao phó trọn cuộc đời mình cho Thiên Chúa quan phòng và định liệu theo đúng Ý Ngài, thực sự tin tưởng chứ không ỷ lại.

Trình thuật Mt 25:14-30 (≈ Lc 19:12-27) là dụ ngôn Những Yến Bạc, nói về công sức của mỗi người trong quá trình lao động cả đời. Lao động là một dạng hoàn thiện chính mình, nhờ đó mà tích lũy thêm kinh nghiệm sống, và đó cũng là cách nỗ lực làm người. Tuy nhiên, “thành nhân hơn thành công”, đó là điều cần lưu ý.

Tất cả mọi người đều bình đẳng, ai cũng có quỹ thời gian hoàn toàn bằng nhau. Tính theo năm là 12 tháng – nghĩa là 52 tuần, 365 ngày, 8.760 giờ, 525.600 phút, 31.536.000 giây. Không hơn cũng chẳng kém một tích tắc nào. Vấn đề là chúng ta dùng khoảng thời gian đó làm gì. Chúa biết rõ ai như thế nào nên Ngài giao cho “phần việc” tương xứng. Vấn đề không phải là ít hay nhiều, giỏi hay dốt, tốt hay xấu, mà là chúng ta có nỗ lực hết sức để sinh lời hay không. Được nhiều thì PHẢI sinh lời nhiều, đừng tưởng được nhiều mà sung sướng, cứ ngồi rung đùi mà hưởng thụ. Nghĩ cho cùng, được giao nhiều mà lại thấy “nhột gáy” đấy. Đừng tưởng bở! Thảo nào người ta vẫn nói: “Ngu si hưởng thái bình”. Thế cho khỏe!

Đầu năm, đầu tháng, vui mừng đón Xuân, ăn Tết, nhưng đừng quên xem lại “phần việc” và “số nén” của mình để có thể kịp chấn chỉnh trước khi quá muộn. Thật đáng sợ nếu phải nghe câu này của Chủ Nhân Giêsu khi Ngài trở lại tính sổ với chúng ta: “Tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 25:30).

Ôi, đúng là quá khủng khiếp, bởi vì như thế là “chấm hết”. Thật khốn cho tôi!

TRẦM THIÊN THU