HIẾU THẢO VỚI ÔNG BÀ CHA MẸ
1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Thiên Chúa đã dạy : Ngươi hãy thờ cha kính mẹ. Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: Ai nói với cha với mẹ rằng: Những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa” Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa” (Mt 15,4-6).
2. CÂU CHUYỆN:
1) LÁ THƯ CHA MẸ KHUYÊN DẠY CON VỀ LÒNG HIẾU THẢO:
Con thân yêu.
“Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và cảm thông với bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống có làm rơi vung vãi… Nếu như bố mẹ có gặp khó khăn trong cái ăn cái mặc… Xin con hãy bao dung! Con hãy nhớ lại những ngày giờ mà bố mẹ đã phải trải qua với con, để dạy cho con bao điều hay kẽ phải khi con còn thơ bé.
+ Nếu như bố mẹ cứ lập đi lập lại hàng trăm lần mãi một chuyện, thì con cũng đừng bao giờ cắt ngang lời bố mẹ… mà hãy lắng nghe! Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu truyện hằng đêm đến khi con đi vào giấc ngủ… và bố mẹ luôn làm cho con.
+ Nếu như bố mẹ không tự tắm rửa được thường xuyên, thì đừng quở trách bố mẹ và đừng nên coi đó là điều xấu hổ. Con hãy nhớ… lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải bao lần dỗ ngọt để vỗ về mỗi khi tắm rửa cho con.
+ Khi con thấy sự giới hạn về kiến thức của bố mẹ trong cuộc sống văn minh hiện đại, con cũng đừng tỏ vẻ thất vọng nhưng hãy để bố mẹ có thêm thời gian tìm hiểu. Bố mẹ đã từng dạy con bao điều… từ cái ăn, cái mặc cho đến tự chăm sóc bản thân và đương đầu với bao thử thách trong cuộc sống.
+ Nếu như bố mẹ có đãng trí hay không nhớ hết những gì con nói… hãy để bố mẹ có thời gian nhớ lại và nếu như bố mẹ có quên, con cũng đừng vì thế mà bực mình nổi giận… vì điều quan trọng nhất đối với bố mẹ là luôn được nhìn thấy con, được ở bên và nghe con nói, thế thôi!
+ Nếu như bố mẹ chưa muốn ăn, con cũng đừng ép!… vì bố mẹ biết khi nào bị đói hay không.
+ Khi đôi chân của bố mẹ không còn đứng vững… hãy giúp bố mẹ, nắm lấy tay bố mẹ như thể ngày nào bố mẹ đã tập cho con trong những bước đi đầu đời.
+ Một ngày nào khi con lớn khôn, con sẽ hiểu rằng, không ai tránh được hết mọi sơ sót lầm lẫn. Con đừng xót xa về sự già nua của bố mẹ.
+ Con chỉ cần hiện diện bên bố mẹ để chia sẻ những gì bố mẹ đang sống và cảm thông cho bố mẹ, như bố mẹ đã làm cho con từ khi con mới chào đời. Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi lúc tuổi già bóng xế… Hãy giúp bố mẹ những tháng ngày vắn vỏi còn lại với tình yêu thương và lòng nhẫn nại…
Điều bố mẹ mong ước duy nhất là có thể nở nụ cười mãn nguyện trước khi nhắm mắt lìa đời giữa đoàn con cháu đầy lòng kính tin Chúa và chân thành yêu thương nhau.
Thương con thật nhiều… Bố mẹ…”
2) SÓNG TRƯỚC VỖ ĐÂU, SÓNG SAU VỖ ĐÓ:
Một người đàn ông kia sống chung với người cha cao niên và đứa con trai mới năm tuổi của anh ta. Một hôm người cha của anh do tuổi già tay bị run, thường hay làm bể cái chén kiểu đắt tiền khi ăn cơm, nên anh ta ra vườn nhặt mang về một chiếc gáo dừa rồi gọt dũa làm thành một cái chén gáo dừa cho bố anh ta dùng. Đứa con trai thấy vậy liền hỏi lý do tại sao thì anh ta trả lời con rằng: Để ông nội con dùng khỏi bị bể nếu ăn cơm có bị run tay làm rơi xuống đất.
Một hôm anh ta thấy đứa con trai của anh đang loay hoay dùng dao chơi với một chiếc gáo dừa. Sợ con bị đứt tay anh liền ngăn cản. Khi được hỏi tại sao làm như vậy thì được đứa con trả lời: “Con thấy bố cho ông nội ăn cơm bằng chiếc gáo dừa để khỏi bị bể, nên con cũng chuẩn bị trước cho bố một cái, để sau này bố già dùng nếu bố có bị run tay giống như ông nội bây giờ!”.
3. THẢO LUẬN: 1) Về lối sống hiếu thảo với ông bà tổ tiên, bạn có đồng ý với câu người xưa nói: “Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó” hay không? Tại sao? 2) Bạn sẽ làm gì để thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ ông bà trong dịp Tết và trong thời gian sắp tới?
4. SUY NIỆM:
1) Ngày Xuân xây dựng tình thân gia đình:
Hôm nay, ngày Mồng Hai Tết là dịp để các tín hữu chúng ta thực hành bổn phận hiếu thảo với ông bà tổ tiên, cụ thể là cha mẹ sinh thành ra chúng ta. Sự hiếu thảo được thể hiện qua những lời nói, thái độ cử chỉ và hành động của con cái với cha mẹ, cụ thể là món quà chúng ta dâng tặng cha mẹ nói lên lòng thảo hiếu đối với các ngài.
Ngày Tết cũng là ngày hội vui của đại gia đình. Ai cũng mong ngày Tết được đoàn tụ với người thân trong gia đình. Mọi người Việt Nam đều muốn được chờ đón những giờ phút thiêng liêng của ngày đầu năm bên cạnh cha mẹ ông bà cùng với anh chị em con cháu.
2) Phương cách tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ:
Sự hiếu thảo không chỉ được biểu lộ trong những ngày Lễ Tết, nhưng còn phải được thể hiện trong suốt những ngày tháng dài sống chung với ông bà cha mẹ trong gia đình.
Phải sống thế nào cho tròn chữ hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ. Nếu cha mẹ chúng ta còn khỏe, con cái phải tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta lá chắn che chở suốt đời mình.
Nếu cha mẹ già yếu, con cháu phải tránh coi thường và coi các ngài như gánh nặng. Hãy nói với các ngài bằng những lời thưa gởi hiếu kính, cảm thông với những sự lẩm cẩm của các ngài và đừng bao giờ tỏ thái độ vô lễ to tiếng cãi lại hoặc khinh thường cáu gắt với các ngài. Hãy luôn tôn trọng các ngài vì chính các ngài cũng đã từng phải kiên nhẫn ân cần chăm sóc, bú mớm dọn dẹp vệ sinh cho ta khi ta còn thơ bé.
Khi cha mẹ qua đời, con cái hãy năng đọc kinh cầu nguyện, xin lễ và làm các việc lành để các ngài sớm được về thiên đàng. Hãy lập bàn kính nhớ tổ tiên bên cạnh và thấp hơn bàn thờ Chúa. Hãy năng đọc kinh cầu nguyện cho ông bà cha mẹ vào giờ kinh tối gia đình hằng ngày hoặc trong những ngày Giỗ Tết trong năm.
3) Làm gì trong những ngày này?:
– Tết là dịp để con cháu làm việc ở xa trở về nhà để xum họp với ông bà cha mẹ. Thế nhưng có mấy ai đã thực sự đã sống tròn chữ hiếu?
Người xưa có câu: “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”, diễn tả những nỗi vất vả, công khó cực nhọc của các bậc làm cha mẹ khi phải chăm sóc cho con cái từng miếng ăn giấc ngủ, giúp con được học hành vui chơi….
– Xin đừng phụ công ơn dưỡng dục của các bậc sinh thành. Hãy sống sao cho đúng phận làm con, vì: “Công cha như núi thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
– “Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó”. Chúng ta cư xử với cha mẹ mình thế nào thì con cái của chúng ta sau này cũng sẽ đối xử với chúng ta như vậy.
Dịp Xuân Mới, bạn sẽ biếu món quà gì cụ thể để tỏ lòng hiếu thảo biết ơn cha mẹ ông bà đang còn sống và các bậc tổ tiên đã qua đời?
5. LỜI CẦU:
Lạy Thiên Chúa Cha là Chúa tể của Mùa Xuân đất trời. Xin chúc lành cho ngày họp mặt của gia đình chúng con hôm nay. Xin liên kết mọi người chúng con trong tình yêu của Cha. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết trân trọng giây phút xum vầy trong ngày đầu Xuân, coi đó là hồng ân Cha ban để sống trọn tình con thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ và sống yêu thương huynh đệ với anh chị em trong gia đình ruột thịt của chúng con.- Amen.
LM ĐAN VINH – HHTM