Mùa Xuân đang về trên quê hương Việt Nam thân yêu.Nói đến mùa xuân người ta nghĩ ngay đến những lời cầu chúc,đến sự phát triển và đổi mới của đất nước,hay người ta nói đến muôn hoa khoe sắc rực rỡ.Xin nói ngay,những suy tư trong bài viết có thể mang chút cảm xúc riêng tư của người viết, nhưng cũng rất gần gũi với bạn đọc.
Nếu hỏi người mẹ của tôi,cụ bà năm nay 84 tuổi : “Lại sắp đến tết rồi,bà có vui không? Chắc khỏi phải hỏi nhé,bà cụ nhà tôi mắt còn sáng còn xem lịch được,cụ ngày nào cũng mong mỏi đến tết,cụ đếm từng ngày một.Bà mong tết được con cháu quây quầy bên mình chúc thọ mừng tuổi.Bà cũng để dành ít tiền lì xì cho các cháu vui.Tết với gia đình Việt Nam truyền thống mang sắc thái đoàn viên.Vừa vui tươi nhưng sâu sắc ý nghĩa.Tết làm cho mọi thành viên trong gia đình được gắn bó với nhau hơn.
Như vậy,đối với tôi,mẹ là Mùa xuân,mẹ là tình yêu thương.Sự hiện diện của mẹ làm cho con cháu vui tươi hạnh phúc,như ai đó đã nói “mất mẹ mất cả bầu trời”.
Và nếu như còn người mẹ ở nhà mà “xuân này con không về’,thì bà cụ mất cả niềm vui sống trong tuổi xế chiều.Nhạc sĩ Trinh Lâm Ngân sáng tác ca khúc từ năm 1960 miêu tả hình ảnh người mẹ ấy như sau :
“Nếu con không về,chắc mẹ buồn lắm,mái tranh nghèo không người sửa sang.Khu vườn thiếu hoa vàng mừng xuân.Đàn trẻ thơ ngây chờ mong chờ anh trai.Sẽ đem về cho tà áo mới,ba ngày xuân đi khoe xóm giềng.”Đó là tâm trạng của người lính phải hy sinh tình cảm gia đình ra mặt trận vì nghĩa lớn của quê hương.Thế nhưng,người mẹ bao giờ cũng vậy,ngày đêm mong mỏi con trở về. Cả kho vàng bà cụ cũng không quý bằng từng đứa con.Tình thương của mẹ luôn hết lòng dành cho con cái.
Xuân về,chúng ta nhắc nhở nhau trân trọng tình cảm gia đình,biết ơn những gì cha mẹ đã làm cho mình trong cuộc đời.Ngày tết phải là ngày của gia đình,vợ chồng con cái dành thời gian cho nhau,lắng nghe những tâm tư,sửa chữa những thiếu sót trong cư xử,đôi khi do nóng nảy phán đoán sai mà chúng ta đã làm tổn thương người bạn đời của mình.
Cuộc sống bây giờ ai cũng bận rộn lo toan,các cha mẹ trẻ lại cắm đầu vào công việc giao con cái cho người giúp việc,phó mặc cho ông bà ngoại nội chăm sóc.Như vậy là họ thiếu trách nhiệm với con cái của mình.
Những ngày nghỉ tết cha mẹ dẫn con về thăm ông bà ngọai nội,cô dì chú bác.Từ đó,chúng ta dạy cho trẻ mối quen hệ rộng lớn hơn là gia đình anh em họ hàng bên nội bên ngoại,dạy cho trẻ em biết quê hương khi ngắm nhìn cánh đồng xanh bát ngát bao la, nhìn những con đò nhỏ chở khách qua sông.Tất cả những bài học đó trẻ em không thể trải nghiệm được nơi đất Sài Gòn xe cộ tấp nập qua lại.
Những ngày cuối năm và đầu năm vô cùng thiêng liêng,chúng ta phải tận dụng những giờ phút đó để tạ ơn Chúa,nhìn lại cách cư xử của mình trong gia đình,anh chị em với nhau,con cháu với cha mẹ ông bàNhìn lại để thấy rằng,mình hiểu biết đấy,mình nói hay,nói đúng,nhưng mình làm còn “dở ẹt”, từ lời nói đến việc làm còn khoảng cách xa lắm.
Đôi khi, chúng ta cười và đau xót với bài văn của trẻ lớp 2 như : “nhà em có nuôi một ông nội,ông không làm gì,chỉ trùm mềm nằm một chỗ,đến giờ cơm thì hỏi :“Có cơm ăn chưa bay” Thực ra,nếu chúng ta không dạy cho các con của mình về ông bà nội ngoại,thì nhận thức của chúng về ông bà nội ngoại chỉ như thế thôi, ông bà là những người “ăn không ngồi rồi” rất “khó tính”,thỉnh thoảng còn có những cơn ho “sặc sụa”, già nua lẩn thẩn trong suy nghĩ.Chúng đâu biết rằng,ông bà là người thương ta nhất chỉ sau cha mẹ ta và những công khó của ông bà.Chúng tôi đã gặp một trường hợp:Hai vợ chồng trẻ dẫn đứa con lên 3 tuổi về nhà thăm ông bà nội.Đứa bé con của hai vợ chồng trẻ được 3 tuổi.Hai ngươi nói với nó : “Chào ông bà đi con”.Nó không những không chào mà mặt còn găng lại.Hai vợ chồng bực mình vì đứa con trẻ “dở chứng”.Đứa bé còn nói lại :“Tại sao phải chào hai người này ? không chào thì có sao,con không thích“.
Những ngày cuối năm,khoảng hai mươi tháng chạp,những năm gần đây người ta chạy đua với lịch ăn tất niên,tất niên cơ quan,tất niên đối tác,bạn hàng, tất niên xóm,tất niên chợ…và có cả tất niên giáo xứ, giáo hạt nữa.Chúng tôi biết có nhiều vị linh mục không đồng tình với việc giáo xứ ăn tất niên tốn kém.Thử hỏi,chi phí tiệc tùng từ đâu mà ra nếu không phải xin giáo dân “đóng góp” cho các cha các ông bà trùm ăn mừng tất niên.
Phải chăng nhà đạo mình cũng đang chạy theo “thói đòi”say sưa rượu chè suốt ngày,mê thành tích rồi báo cáo “sai”, thích phô trương.
Nếu họp mặt cuối năm cha con ngồi lại với nhau,nhìn lại một năm qua,những việc làm được và những việc chưa làm được,tạ ơn Chúa,xin lỗi Chúa và xin lỗi nhau thì là điều rất tốt.Nhưng ở nhiều giáo xứ,tất niên chỉ đơn giản là “ăn uống”,có khi trên 50 bàn,cha con vô tư hò hét như các công ty xí nghiệp.
Đức Giêsu nói cách đây hơn 2000 năm bây giờ xảy ra vẫn y như vậy.Người ta chè chén say sưa,đam mê sự đời quên cả Chúa và quên cả tha nhân,ngay người trong gia đình cũng quên luôn,con cái của mình,các cụ già trong gia đình.
Ngày tết con cháu phải làm cho các cụ vui, trên nụ cười móm mém,đôn hậu,các cụ thương con thương cháu phải mưu sinh làm việc và học hành.Những ngày nghỉ tết chúng ta hãy làm cho gia đình luôn đầy ắp tiếng cười,những lời thăm hỏi,những lời cầu chúc vấn an sức khỏe ông bà.
Anh B. bạn mình chia sẻ :“Năm nay,mẹ mình không còn.Bà mất vào tháng 8,bố mẹ không còn,các con không còn ông bà nội.Đang tính Tết này định không về nhà cha mẹ nữa,tức là căn nhà cậu út em mình đang ở.Thế nhưng,cậu út mới báo mình,mùng một tết các anh các chị cứ về nhà em nhé.Vợ em sẽ làm cơm,ông bà không còn nhưng anh chị em chúng ta vẫn sum họp như mọi năm như lúc mẹ còn sống.Trước giờ cơm,gia đình mình đọc kinh cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.Nghe cậu em báo thế,mình tự nhiên cảm thấy vui hẳn lên”
Cảm nhận đầu tiên của anh bạn tôi,khi Mùa Xuân về là năm nay không còn mẹ,không còn sự nối kết,dường như xuân về anh buồn man mác,vì đại gia đình lớn không còn dịp để quy tụ lại.Căn nhà được gọi là “nhà thờ tổ”của gia đình anh,thì của đứa em đang ở.Nếu như cậu em không mời tết về nhà nó, thì anh cũng “đành chịu”vậy.Ông anh hai thì có ngôi nhà “nhỏ xíu”(4x10m)ở khu vực Xóm Chiếu,nói chung anh em anh nhà ai cũng nhỏ chật chội,các con các cháu tất cả trên hai mươi người không thể “vùng vẫy” những ngày tết được.
Ngày mồng một tết,dù ông bà không còn nhưng các con các cháu vẫn quy tụ về nhà tổ đọc kinh cầu nguyện cho ông bà.Đây quả thật là một sáng kiến hay, đáng cho các gia đình khác học hỏi.Chúng tôi thấy có nhiều gia đình vẫn làm được.Còn ngồi bên nhau là còn quan tâm đến nhau,nhờ đó các cháu cũng hiểu được mối quan hệ huyết thống gắn bó.Dù ông bà không còn sống,nhưng tình nghĩa gia đình mang đến cho người ta sự ngọt ngào an bình của mùa xuân.
Viết tới đây,tình cờ chúng tôi thấy trên truyền hình trong video clip quảng cáo có một câu hay quá “Ai cũng có một ngôi nhà để về,nghĩ cho nhau một chút ai cũng có Tết”.
Vâng ! Trong gia đình,chúng ta phải biết nghĩ đến nhau,thương người vợ của mình phải đi buôn bán,đi làm công sở về còn phải lo việc nhà,đưa đón các con đi học. Người vợ thương chồng áp lực công việc đừng cằn nhằn, lèm bèm.Chúng ta quan tâm đến ông bà cha mẹ già,dạy các con về lòng hiếu kính,dạy con cháu khái niệm anh chị em con chú con bác,anh chị con cô con cậuChìa khóa của hạnh phúc là hãy làm tất cả cho gia đình được ấm êm. Như vậy,ngày tết mới có ý nghĩa cho mọi nhà,mọi người.
Xin kết thúc bài viết bằng những lời cầu chúc gởi tặng quý bạn.Mong các bạn đọc gần xa có một mùa Xuận tràn đầy phúc lộc bình an của Thiên Chúa,luộn tin tưởng vào Ngài trong mọi hoàn cảnh,lúc vui,khi buồn,dù thành công hay thất bại và có khi nếm trải đắng cay cuộc đời, chúng ta phải bám chặt lấy Chúa,vững vàng trong lòng tin cậy mến.
“Mùa Xuân sang ta chúc nhau
Bao ước muốn bao hy vọng
Cùng rủ nhau mau bay về
Khắp trên môi cười xinh tươi
Ta chúc nhau những lời chúc lành
Ước mong Tết này tiếng cười khắp trời
Mùa xuân sang ta chúc nhau
Năm mới đến mong bao người
Hạnh phúc ơi xin bay về
Xóa tan bao buồn lo âu
Ta nhấc cạn chén rượu ấm lòng
Chúc nhau những lời ước hẹn thắm nồng
Mùa xuân sang ta chúc nhau
Cho ước muốn bay cao vời
Cùng nỗi vui luôn bên người
Xóa ưu tư dài đêm đông”
( Chúc Tết nhạc Trung Hoa
lời Việt Nguyễn Ngọc Thiện)
Giuse Nguyễn Bình An