SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 613, CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG – 09/12/2018C

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 3, 1-6).

Đời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa.

Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Con Đường Nội Tâm & Dọn Đường Cho Chúa ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Sám hối Nhằm Mục Đích Gì? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 5
Thế Gian Này Ta Là Ai? Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 7
Dọn Đường Cho Chúa Đến Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 9
THƠ TIN MỪNG
Tiếng Vọng Hạt Nắng Trg 11
Sa Mạc Tâm Hồn Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 12
Tình Vọng M. Madalena Hoa Ngâu Trg 13
Sa Mạc Ân Tình Nắng Sài Gòn Trg 14
Dọn Lòng AP. Mặc Trầm Cung Trg 15

Con Đường Nội Tâm

Bài Tin Mừng mở đầu thật long trọng khi nêu tên tất cả những vị lãnh đạo cao cấp thời đó. Từ Tibêriô, hoàng đế của đế quốc La mã, quyền uy phủ trên toàn thế giới thời ấy, đến Philatô, tổng trấn, đại diện cho hoàng đế cai trị nước Do Thái. Từ Hêrôđê, dù là bù nhìn, cai trị miền Bắc, đến em ông cai trị miền Nam. Từ Anna đến Caipha cùng trong gia đình làm thượng tế nắm giữ quyền đạo Do Thái. Tên tuổi những vị lãnh đạo cao cấp đầy quyền uy nói lên thực trạng của đất nước Do Thái thời đó: bị nô lệ. Chính vì thế, hơn bao giờ hết người Do Thái mong chờ Đấng Cứu Thế đến giải thoát dân Người. Chúa đã đến, không phải bằng con đường phô trương nhưng bằng con đường nội tâm. Thánh Gioan Baotixita hôm nay khi kêu gọi mở đường cũng nhắm đến con đường nội tâm. Chỉ những ai đi đường nội tâm mới gặp được Chúa. Qua lời rao giảng của Thánh Gioan Tiền Hô, đường nội tâm có những đặc điểm sau:

Đường nội tâm đi trong cô tịch. Thật lạ lùng. Một chương trình cứu thế lớn lao như thế mà Chúa chẳng ngỏ lời với các vị lãnh đạo cao cấp uy quyền, nhưng lại ngỏ với Thánh Gioan Baotixita. Một chương trình lớn lao như thế không khởi đầu từ thủ đô đất nuớc nhưng lại phát xuất từ vùng hoang địa xa xôi. Thực ra Chúa vẫn ngỏ lời với nhân loại. Nhưng tiếng Chúa nói âm thầm, sâu thẳm. Các vị lãnh đạo cao cấp sống trong ồn ào của đô thị phồn hoa, bị tiếng thét gào của đam mê, dục vọng, quyền lực lấn át, nên không nghe được tiếng Chúa. Thánh Gioan Baotixita nghe được tiếng Chúa nhờ đi vào con đường cô tịch. Sống ẩn thân nơi hoang địa. Chuyên chăm cầu nguyện trong tu viện. Bỏ ngoài tai tất cả những tiếng ồn ao thế tục. Chỉ khao khát lắng nghe Lời Chúa. Nên đã gặp được Chúa và được biết chương trình cứu độ của Chúa.

Đường nội tâm đi trong đi trong khiêm nhường. Chúa là Đấng vô cùng khiêm nhường. Chỉ những ai khiêm nhường mới gặp được Chúa. Các vị lãnh đạo uy quyền nói trên rất tự mãn. Tự mãn vì Tự mãn vì quyền uy bao trùm khắp mặt đất. Tự mãn vì dinh thự đền đài nguy nga. Tự mãn vì quần áo lụa sang trọng. Tự mãn yến tiệc linh đình. Thánh Gioan Baotixita thật khiêm nhường. Khiêm nhường trong đời sống âm thầm nơi hoang địa. Khiêm nhường trong tu viện đơn sơ. Khiêm nhường trong thực phẩm tự nhiên rất đạm bạc: chỉ ăn châu chấu và mật ong rừng. Khiêm nhường trong trang phục giản dị bằng da thú, chỉ có mục đích che thân. Khiêm nhường xưng mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa. Nhờ thế đã gặp được Chúa, được Chúa tuyển chọn trở thành người mở đường cho Chúa.

Đường nội tâm đi trong chiến đấu. Không phải chiến đấu với người khác. Nhưng chiến đấu với chính mình. Cuộc chiến đấu được Thánh Gioan Tiền Hô dùng lời tiên tri Isaia diễn tả trong việc sửa chữa con đường. Con đường là tâm hồn. Sửa chữa con đường vật chất tuy khó mà dễ. Sửa chữa con đường tâm hồn khó biết bao. Tâm hồn có những núi đồi kiêu ngạo tự mãn. Để sửa chữa phải bát núi đồi xuống. Phải cắt đi một phần tâm hồn không phải dễ dàng. Tâm hồn có những khúc quanh co, để uốn nắn lại phải vạt bớt chỗ quanh co. Gọt dũa tâm hồn đau đớn lắm. Từ bỏ mình là một cuộc chiến khốc liệt. Thắng được mình khó hơn thắng vạn quân.

Đời sống ta quá lo lắng bon chen nên thiếu chiều sâu nội tâm. Hôm nay ta hãy nghe lời Thánh Gioan Tiền Hô dạy, biết ăn năn sám hối trở về với Chúa. Biết rửa sạch tội lỗi. Biết đổi mới tâm hồn bằng cuộc sống đi vào nội tâm. Tìm những giờ phút thanh vắng cô tịch để lắng nghe tiếng Chúa. Sống đơn sơ khiêm nhường để nên giống Chúa. Muốn được như thế ta phải chiến đấu để từ bỏ ý riêng. Chúa đã đến ở đầu đường. Ta chưa nhìn thấy chỉ vì con đường tâm hồn còn lồi lõm quanh co. khi nào ta cắt bỏ được hết những lồi lõm quanh co trong tâm hồn, ta sẽ được thấy Chúa.

Gợi ý chia sẻ:
1. Đường nội tâm có những đặc điểm nào? Cô tịch, khiêm nhường và chiến đấu, đặc điểm nào cần thiết nhất cho đời sống bạn hiện nay?
2. Thánh Gioan Tiền Hô có sống những lời Ngài rao giảng không?
3. Con đường nội tâm của bạn còn phải sửa chữa ở những đoạn nào? Có dễ không? Tại sao?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Dọn Đường Cho Chúa
Trong những trận bão lụt tại miền Trung nước Việt, nhiều làng bị nước ngập; nhiều đoạn đường bị nước lũ cuốn đi hay bị sạt lở, xe cộ không đi lại được… Dân làng muốn thoát ra nhưng không đi được vì đường sá không còn xử dụng được nữa. Nhiều đoàn cứu trợ muốn đến những làng xa xôi, nhưng không có đường đi, nên đành chịu bó tay.
Những con đường thật là quan trọng. Đường đi giúp cho người bị nạn có thể thoát ra. Đường đi giúp cho người bị nạn đón nhận được sự cứu trợ. Đường đi nối liên lạc giữa người với người.
Đường sá hư hỏng làm giao thông ngừng trệ, chậm trễ việc cứu trợ, ngăn cách người với người. Muốn cho giao thông mau lẹ, muốn việc cứu trợ có kết quả, muốn cho con người gần gũi nhau, phải sửa chữa đường đi cho thật tốt.
* * * * *
Bạn thân mến, Con đường vật lý đã cần, nhưng “con đường thiêng liêng” còn cần hơn…Con đường thiêng liêng có thật tốt mới giúp ta lãnh nhận Ơn Chúa và nhất là đón nhận chính Chúa đến. Thật ra Chúa đã đến từ lâu, nhưng ta chưa đón nhận được Ngài vì con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta đã bị hư hỏng.
– Con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta có những đỉnh đồi kiêu ngạo, luôn muốn nâng mình lên, luôn khoe khoang, không chịu thua kém người khác. Tâm hồn ta có những ngọn núi tự ái cao ngất trời xanh, không bao giờ chịu nhận lỗi, không bao giờ chịu tha thứ.
– Con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta có những hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, muốn thu vén tất cả vào túi riêng. Tâm hồn ta có những hố sâu chia rẽ, luôn gây ra bất hoà, luôn giận hờn, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ. Tâm hồn ta có những hố sâu đam mê, miệt mài đuổi theo danh lợi, thú vui dục vọng
– Con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Chúa, không thành thật với người khác và không thành thật với chính mình. Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm.
– Con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta có những lượn sóng gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn. Tâm hồn ta gồ ghề vì sự lười biếng không chịu cố gắng thăng tiến bản thân. Tâm hồn ta gồ ghề vì những phê bình chỉ trích thiếu tính cách xây dựng.
Tất cả những ngọn đồi, những hố sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy ngăn chặn Chúa đến với ta.. Trong Mùa vọng này, chúng ta được mời gọi hãy sửa chữa con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta cho tốt đẹp hơn để đón Chúa đến
Hãy bạt đi những thói kiêu căng tự mãn; tính tự ái ngang ngạnh. Hãy lấp đầy những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà; những đam mê, dục vọng. Hãy uốn thẳng lại những quanh co dối trá, giả hình. Hãy san bằng những lượn sóng gồ ghề độc ác; những câu nói hành nói xấu trong cuộc sống hằng ngày.
Lạy Chúa,
Đổi mới một con đường bằng cách lấp đầy những hố sâu, uốn thẳng những khúc quanh thì thật dễ, dọn dẹp cho sạch sẽ một con đường thì dễ hơn… Nhưng đổi mới tâm hồn, dọn dẹp con đường thiêng liêng trong tâm hồn thì không dễ chút nào. Để chuẩn bị cho ngày Con Thiên Chúa lại đến, xin ban ơn giúp sức cho con trên con đường phấn đấu bản thân, để mỗi ngày con biết “bắt đầu lại” công việc dọn dẹp đổi mới con đường thiêng liêng trong tâm hồn con. Amen
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.

Sám Hối Nhằm Mục Đích Gì?

Xem ra tác giả Luca đã quá trang trọng tới độ không cần thiết khi đặt những lời rao giảng không có gì là đặc sắc của Gioan Tẩy Giả trong một khung cảnh lịch sử quá ư rạch ròi. Gioan chẳng qua cũng chỉ lặp lại, hay nhắc nhở dân chúng về cái sứ điệp quen thuộc mà Isaia và nhiều ngôn sứ khác đã từng hô hào: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa!” Ông kêu gọi người ta chịu phép rửa biểu lộ lòng sám hối để được ơn tha tội. Nếu sứ điệp chỉ có thế thì có chi là đặc sắc mà phải làm to chuyện?

Qua khám phá những di tích khảo cổ nổi tiếng ở vùng sa mạc Kumram bên bờ Biển Chết, người ta cho là Gioan thuộc nhóm ẩn sĩ Étsêni sống trong một tu viện gần đó. Làm phép rửa để tỏ lòng sám hối là một nghi thức được cử hành hầu như hàng ngày trong tu viện. Do đó nhiều tác giả cho rằng chẳng qua Gioan chỉ muốn phổ biến thói tục này trong dân chúng trong bối cảnh chờ mong đấng Thiên Sai. Trước Gioan, tiên tri Giona cũng đã từng làm một công tác đại loại như thế với dân thành Ninivê. Lời cảnh tỉnh của cả hai đều mang cùng một nội dung là kêu gọi sám hối hầu tránh khỏi cơn thịnh nộ giáng phạt của Thiên Chúa. Có thể Gioan đã tiến thêm một bước nữa khi liên kết việc sám hối, biểu lộ qua nghi thức dìm mình xuống dòng sông, với việc được ơn tha tội.

Ngôn sứ Isaia cũng đã từng bóng gió về thời đại của đấng Mêsia “Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Nhưng ơn cứu độ đó hệ tại ở điều gì thì mỗi người Do Thái đều có ý kiến riêng rất khác nhau. Tác giả Luca coi lời kêu gọi sám hối của Gioan có tầm quan trọng đặc biệt, chính vì cái ý nghĩa tha tội của Tin Mừng, điều mà có lẽ ngay cả Gioan lẫn các vị ẩn sĩ Étsêni ở Kumram cũng chưa chắc đã biết tới. Sau này khi Đức Giêsu xuất hiện, Người cũng kêu gọi sám hối, nhưng đồng thời xác định rõ nội dung: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15)… “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến!”(Mt 4,17).

Như vậy đã quá rõ, đối với Luca ‘ơn tha tội’ chính là Tin Mừng, đồng thời cũng chính là Nước Trời. Đối với ông, cũng như đối với mọi môn đệ Đức Giêsu, điều này quả là quan trọng, quan trọng tới độ ông phải lồng lời rao giảng sám hối của Gioan vào một khung cảnh lịch sử thật cụ thể và rõ ràng.

Qua điều này ta nghiệm ra nội dung xác thực của từ ngữ ‘Tin Mừng’ hay ‘Nước Thiên Chúa’; đó chính là Thiên Chúa tha thứ, là Thiên Chúa biểu lộ lòng nhân ái của Người. Việc sám hối tức là nhìn nhận mình tội lỗi (hay nhìn nhận mình đích thực là một tội nhân) là điều kiện tiên quyết để ‘tin vào Tin Mừng’, để đi vào ‘Nước Trời’; nói cách khác là để đón nhận lòng Chúa thương xót được diễn tả nơi Thập giá Đức Kitô. Sẽ không thể có ơn cứu rỗi (hay tin vào Tin Mừng – đón nhận Nước Trời) mà không có sám hối. Ai tự cho mình là tốt lành, là nhân đức sẽ không thể sám hối và do đó cũng không bao giời có thể đón nhận Tin Mừng hay vào Nước Trời. Mối phúc đầu tiên“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3) sẽ là đương nhiên thôi, nếu ta hiểu ‘tâm hồn nghèo khó’ chính là cõi lòng sám hối, là thâm sâu nhìn nhận sự yếu hèn tột cùng của mình.

Khó nghèo mang ý nghĩa thiêng liêng Tin Mừng, trước cả nội dung kinh tế, xã hội hay khổ chế. Thánh ÂuTinh, trong kinh nghiệm bản thân, đã gọi chính các tội ngài từng phạm thời niên thiếu là ‘tội hồng phúc’, chỉ vì chúng đã làm cho ngài biết mình hèn kém để có thể nghiệm ra lòng từ bi vô hạn của Thiên Chúa. Phaolô cũng thừa nhận mình yếu đuối, nhưng là để thấy rằng mình được nên mạnh mẽ trong đức Kitô. Điều này cũng chỉ ra rằng: điều quan trọng nhất khi sám hối (cả trong lẫn ngoài Bí Tích Cáo Giải) không nhất thiết phải là quyết tâm tránh tội hay sửa mình, tức dán cặp mắt lương tâm vào chính mình, mà là cảm nhận cách sâu xa hơn lòng nhân từ tha thứ của Thiên Chúa, tức là nhìn vào Chúa và chiêm ngắm lòng thương xót thứ tha của Người. Phải chăng đó chính là ‘ăn năn tội cách trọn’ mà ta đã từng được dạy từ thời tấm bé? Phải chăng đây chính là nội dung sứ điệp sám hối của Gioan Tẩy giả, một sứ điệp có tầm quan trọng lịch sử, rất đáng được Phúc Âm Luca trân trọng đề cao vì gắn liền với việc Hài Nhi Giêsu giáng sinh sau này?

Lạy Chúa, xin mở lòng cho con biết đón nhận sứ điệp sám hối mà Gioan đã rao giảng. Sám hối để không mạc cảm nhìn vào mình, nhưng là ngước mắt nhìn lên Chúa với lòng đầy cậy trông và hy vọng vào Tin Mừng tình yêu tha thứ. Trong Mùa Vọng này xin cho con có cảm nghiệm sâu xa về con người thấp hèn của mình, qua chính các tội lỗi mà con đã từng phạm, để tâm hồn con rộng mở đón nhận Hài nhi Giêsu giáng sinh, Người là biểu hiện vĩ đại nhất của tình yêu Thiên Chúa thứ tha. Xin đón nhận con vào Nước Trời chính trong tình trạng nghèo hèn nhất của mình, để con càng có khả năng ca tụng tình thương hải hà Chúa đến muôn đời. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

Thế Gian Này Ta Là Ai?

Tình vẫn phân vân về bài thơ: “tôi là ai”?
“Thử hỏi một lần ta là ai?
Mà sao mộng mãi giữa đêm dài
Đêm dài quên ngủ trong sinh tử
Thử hỏi một lần ta là ai?”

Ta là ai vậy nhỉ?Ta có phải là cái tên ngườita vẫn gọikhông? Không rồi, cái tên là do cha mẹ đặt cho, nên nó không thuộc về mình. Ta là ai phải chăng là thân xác này? Nhưng thân xác này rồi cũng không ra khỏi vòng sinh lão bệnh tử, sẽ có ngày trở về cát bụi. Ta là ai mà giữa trốn hồng trần này, cứ mải miết, mải miết trong những vòng xoáy cuộc đời, và rồi cứ luẩn quẩn trong kiếp sinh tử cát bụi.

Và như thế, ta chẳng là gì, chỉ là cát bụi hư vô. Và một khi ta trở về hư vô thì chẳng ai biết ta và ta cũng chẳng còn quan trọng với ai?

Nhưng có một Đấng biết ta, và ta thuộc về Đấng ấy. Đó chính là Đấng tạo thành ta. Một mai ta sẽ trở về hư không, chẳng ai biết ta, cần đến ta, nhưng lại là thời gian ta ở trọn vẹn bên Đấng đã tạo thành nên ta. Đấng đã nuôi dưỡng ta và mãi mãi yêu ta, thế nên, ở đời này ta chẳng là gì nhưng với Đấng đã sinh ra ta thì ta mãi mãi là hình ảnh của Ngài, là con cái thần linh của Ngài.

Như vậy, cuộc đời này ta thuộc về Đấng Tạo Hoá. Ta đang sống sự sống của Ngài, và cũng được mời gọi phải sống làm theo thánh ý Ngài. Nếu ta làm theo ý Ngài hôm nay thì sẽ là công phúc cho ta khi trở về với Ngài. Đấng đó theo niềm tin Kitô giáo chính là một Thiên Chúa toàn năng, đấng sáng tạo mọi loại, Đấng điều khiển vũ trụ vạn vật và con người.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho ta thấy ý Ngài là muốn ta hãy mở một con đường cho Ngài đến với nhân loại. Như Gioan đã mời gọi con ngừời thời đại ông: hãy mở một con đường cho Chúa đến. Con đường mà Gioan muốn nói là lối sống của chúng ta. Hãy sống và loan báo về lòng thương xót của Chúa. Hãy làm chứng cho nhân loại thấy một chân dung đầy yêu thương của Chúa. Hãy mang Chúa đến một cách cụ thể cho những mảnh đời bất hạnh quanh ta. Họ có thể là người nghèo, là người già nua, là người bệnh tật. . . Họ có thể là những người đang cô đơn vì ly dị, hay bị dày vò lương tâm khi đang sống rối vợ rối chồng . . . Họ có thể là những người nam người nữ đang túng thiếu tình cảm lẫn tiền bạc . . . Họ có thể là những đứa trẻ đang bị lạm dụng khi phải bươn chải bán vé số, đánh giày, nhặt ve chai . . .

Họ là những người bất hạnh mà năm nay Giáo hội đang mời gọi chúng ta hãy đồng hành với họ. Đồng hành có nghĩa là cùng chờ nhau bước đi, cũng có thể cần phải nắm tay dìu nhau cùng bước. Đồng hành nghĩa là không để ai ở lại phía sau, nhất là họ đang bị tai nạn, bị đói lả, bị bệnh tật hoành hành . . . hãy quay lại để cứu giúp họ, hãy dìu họ qua khó khăn.

Đây là con đường yêu thương, con đường mà nhân loại hôm nay đang cần phải mở rộng và mở nhiều hơn nữa. Vì thế giới vật chất càng để cao thì tình người càng bị lu mờ. Con đường của kinh tế càng phát triển thì đường tình yêu lại bí đóng vào.

Người ta nói: con đường là do lối mòn đi nhiều sẽ thành. Thế nên, người Kitô hữu hãy quảng đại dấn thân mở lối mòn tình yêu đến cho mọi người. Hãy mở một con đường tình yêu, lòng cảm thông, quan tâm, chia sẻ tới tha nhân. Hãy mở con đường của tình người không biên giới bằng việc phá bỏ bức tường của ích kỷ hưởng thụ cho bản thân đến hướng tới đồng loại.
Ước gì Chúa sẽ đến với tha nhân qua lối mòn yêu thương mà các tín hữu đã tạo ra nên trong cuộc sống hôm nay. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Dọn Đường Cho Chúa Đến

Có vô vàn ngăn trở khiến con người không thể đến được với nhau. Có những ngăn trở bên ngoài và cũng có nhiều ngăn trở bên trong.

Ngăn trở bên ngoài
Trước đây, những ngăn cách vì tường cao, luỹ sâu, vì đồi núi chập chùng hiểm trở… đã từng là những trở ngại lớn cản trở con người qua lại với nhau; hôm nay những ngăn cách như thế không còn đáng kể.

Ngăn cách vì đường xa vạn dặm đã dần dần bị thu ngắn lại; hai người ở cách nhau nửa quả địa cầu có thể gặp nhau sau vài ngày du hành bằng máy bay. Thậm chí ngăn cách giữa các hành tinh xa xôi diệu vợi cũng đã được bắc cầu.

Ngăn trở bên trong
Bên cạnh những ngăn cách về không gian, về đường sá thì ngăn cách về quan điểm, về ý thức hệ đáng quan ngại hơn nhiều.

Đã có thời, ngăn cách bởi ý thức hệ (như ý thức hệ cộng sản và tư bản…), bởi những quan điểm đối nghịch và những chủ trương khác nhau, đã tạo nên những chia cắt rất sâu sắc giữa cộng đồng nhân loại, tạo nên những khoảng cách tưởng chừng không bao giờ có thể vượt qua. Vậy mà hôm nay những ngăn cách như thế xem ra đã được thu hẹp rất nhiều.

Rốt cuộc, chỉ còn ngăn cách vô hình trong lòng người, do lòng hận thù, do ghen tị, do hiểu lầm nhau… mới là ngăn cách đáng quan ngại nhất và tồn tại lâu dài nhất trong lịch sử loài người.

Những ngăn cách loại nầy đã khiến cho hai người láng giềng cách nhau một bức vách không thể đến với nhau được; khiến cho hai người bạn cùng chung sở làm không nhìn mặt nhau; thậm chí hai anh em ruột thịt, hai vợ chồng chung sống dưới một mái nhà, ngồi quanh một mâm cơm, nhưng tâm hồn xa cách vạn dặm.

Con người đã xây dựng được nhiều nhịp cầu thật dài và kiên cố, bắc qua những dòng sông rộng mênh mông để nối kết đôi bờ; nhưng ai có thể xây dựng những nhịp cầu thiêng liêng để kết nối những tâm hồn xa cách?

Thánh Gioan Tẩy giả là người được sai đến để xây dựng những nhịp cầu như thế.
Theo Tin Mừng hôm nay, Ngài được sai đến làm tiền hô, làm kẻ bắc cầu, dọn đường cho Chúa đến, như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Lc 3, 4-5).

Phải dọn đường đón tiếp Chúa thế nào đây?
Nhiều người tỏ lòng sùng mộ, cung kính vái lạy ảnh tượng Thiên Chúa trên bàn thờ, còn Thiên Chúa đang thật sự hiện diện nơi những người chung quanh thì bị người ta xem thường, bị người ta xúc phạm, thậm chí còn bị mắng chửi và đánh đập. Sở dĩ như thế là vì họ không biết rằng Thiên Chúa hiện diện trên bàn thờ và Thiên Chúa hiện diện nơi anh chị em chung quanh chỉ là một.

Chúa Giêsu luôn nhắc nhở chúng ta nhớ rằng Ngài thực sự hiện diện trong các anh chị em chung quanh và những gì chúng ta làm cho những người chung quanh là làm cho chính Chúa. Khi cho người đói một bát cơm, thì Chúa khẳng định là cho Chúa ăn; khi thăm viếng, chăm sóc người đau yếu bệnh tật thì Chúa cho rằng đó là chăm sóc Chúa… (Mt 25, 40).

Chính khi các chủ quán Bê-lem hôm xưa khước từ hai người lữ hành lạc lõng đi tìm chỗ trọ (thánh Giuse và Mẹ Maria) là họ trực tiếp khước từ Thiên Chúa nên Ngôi hai Thiên Chúa phải chịu sinh ra trong hang lừa máng cỏ.

Chính khi Saolê truy lùng bắt bớ các tín hữu tại Đamát là ông ta đang bắt bớ Chúa Giêsu, nên Ngài cảnh cáo ông: “Saolê! Saolê ! Tại sao ngươi bắt bớ Ta? (Cv 9,5).

Vậy thì dọn đường Chúa đến với ta là xoá bỏ hết những giận hờn, oán ghét, nghi kỵ, hiểu lầm… làm cho ta xa cách những người chung quanh, để ta có thể tươi cười niềm nở với mọi người, cảm thông chia sẻ với mọi người, sẵn sàng yêu thương phục vụ mọi người… Như thế là ta đã mở rộng tâm hồn đón tiếp Chúa và Chúa đã đến được với ta.

Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn nhớ rằng dọn đường đón Chúa là quyết tâm xoá bỏ những ngăn cách do chúng con dựng lên giữa mình với tha nhân mà chúng con giáp mặt hằng ngày.

Chỉ khi nào giữa chúng con và mọi người chung quanh không còn phân li ngăn cách, ấy mới là lúc đường sá đã dọn xong và Chúa mới có thể đến với chúng con được.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Tiếng Vọng
CN II MV.C (Lc 3, 1 – 6)

Tiếng vọng gọi mời phút tịnh tâm

Lương tri kiểm điểm bước thăng trầm

Lao xao thế tục hồn xao động

Tĩnh lặng thần thiêng trí lặng thầm

Sám hối chân thành tràn thánh sủng

Ăn năn khẩn thiết nhận hồng ân

Tin Mừng cứu độ ơn tha thứ

Nước Chúa tình thương đã đến gần.

Hạt Nắng

Sa Mạc Tâm Hồn
CN II MV-C ( Lc 3, 1 – 6)

Sa mạc cuộc đời Chúa gọi mời sám hối,
từ giã phù vân bóng tối phủ đam mê.
Dọn đường thiêng liêng vì Nước Chúa gần kề,
lánh xa thế tục thoát u mê dối trá.

Tĩnh lặng tâm hồn ngước nhìn lên thập giá,
Thiên Chúa làm người tình cao cả hiến dâng.
Ánh sáng Tin Mừng lan tỏa khắp thế trần,
khiêm nhường sám hối nhận hồng ân tha thứ.

Bạt phẳng núi đồi thói kiêu căng, tự phụ,
lấp đầy hố sâu thói thu vén tham lam.
Tham vọng, giả hình, quanh co dạ bất an,
uốn lòng ngay thẳng sống theo đàng công chính.

Gợn sóng gồ ghề thói chây lười, xu nịnh,
nặng tiếng phê bình, chỉ trích thiếu yêu thương.
Lời lẽ cay độc, gây xáo trộn nhiễu nhương,
tranh giành quyền chức ngăn chặn đường Chúa đến.

Đổi mới tâm hồn đường quang minh thánh thiện,
thanh luyện đức tin đối diện chính lòng mình.
Sám hối chân thành ơn thánh hóa hồi sinh,
Lòng Thương Xót Chúa lượng tình tha thứ.

Dọn hang đá tâm hồn,
đón Hài Nhi Giêsu trú ngụ.
Đêm Thánh an bình,
cùng vũ trụ hoan ca.

Bâng Khuâng Chiều Tím

Tình Vọng
CN II MV-C – (Lc 3, 1 – 6)

Vẳng nghe khúc nhạc đêm đông,
xa xa vó ngựa qua sông dập dồn.
Kìa Chàng đã đến đầu thôn,
nhạc lòng rộn rã tâm hồn chỉnh trang.
Dọn dẹp ích kỷ ngổn ngang,
san bằng đồi núi kiêu căng, bất hòa.
Uốn thẳng khúc khuỷu gian tà,
quét sạch dối trá, tránh xa giả hình.
Lương tâm xét duyệt chính mình,
loại trừ tham vọng, dục tình đam mê.
Dọn lòng san phẳng gồ ghề,
trong ngoài ngay thẳng thỏa thê đón Chàng.
***
Loan phòng trang trí gọn gàng,
bình hoa đức ái điểm trang khiêm nhường.
Ngọn đèn chiếu tỏa yêu thương,
bức tranh thánh thiện trên tường sáng trong.
Tín trung ép rượu thơm nồng,
ủ men nhẫn nại hiệp thông tình người.
Sa mạc tiếng vọng gọi mời,
nhanh chân em bước đáp lời giao duyên.
Đời em còn lắm oan khiên,
lòng Chàng nhân hậu dịu hiền thứ tha.
Chân thành sám hối nhận ra.
chính Lòng Thương Xót nở hoa ân tình.
Tuôn trào mạch suối trường sinh …

M. Madalena Hoa Ngâu

Sa Mạc Ân Tình
CN II MV-C – (Lc 3, 1 – 6)

Đường đời con bước đi,
đua tranh gian dối tình trường.
Chức quyền, giàu sang bao vấn vương,
hưởng thụ, kiêu căng đời mất hướng.
Núi đồi tự ái cứ vươn cao,
hố sâu tham vọng con cứ đào,
quanh co giả dối tình đổi trao,
gồ ghề lạc thú đời lao đao.
Tình đời gieo đắng cay,
đau thương nước mắt ngập tràn.
Bất hòa tình thân nát tan,
dằn vặt lương tâm tìm ánh sáng.
Ngước nhìn thập giá Chúa trên cao,
trái tim mở rộng dòng máu đào,
yêu thương tự hiến Ngài đổi trao,
tiếng vọng tâm hồn con lao xao.

Tiếng vọng giữa sa mạc cuộc đời,
Chúa gọi con hãy giã từ bóng tối.
Bạt núi đồi tự mãn sống khiêm nhu,
uốn thẳng ngay lại con đường gian dối.
Sa mạc Chúa vang vọng gọi mời,
hồn tịnh tâm thẳm sâu lòng đổi mới.
Quyết san bằng thung lũng những đam mê.
đường thiêng liêng tươi sáng, đón ơn trời.

Sửa đường cho Chúa đi,
ân năn sám hối tội tình.
Sóng đời vùi sâu luôn vững tin,
khát vọng bước theo đường công chính.
Tin Mừng rọi chiếu ánh quang minh,
ơn thiêng phù trợ bước hành trình,
tin yêu dâng hiến đường tâm linh,
khiêm nhượng, quên mình yêu nhân sinh.

Nắng Sài Gòn
Dọn Lòng
CN II Mùa Vọng-C – (Lc 3, 1 – 6)

Trong đau khổ con gặp nhiều vấn nạn,
biết tìm đâu đường xán lạn đời con.
Tim sầu ruột thắt héo hon,
u mê kiếp sống lối mòn khổ đau.

Đường thế trần vàng thau lẫn lộn,
đường thiêng liêng xáo trộn tâm linh.
Đường đi tắc nghẽn vô tình,
giả nhân, giả nghĩa, giả hình, mưu mô.

Ham danh vọng mưu đồ chia rẽ,
gây bất hòa, ghen ghét, nghi nan.
Dối gian chiếm đoạt tham lam,
hố sâu dục vọng bất an tâm hồn.

Thói bất công bồn chồn gợn sóng,
thói biếng lười lối sống vô lo.
Tự mãn, dối trá, quanh co,
thoái thác bổn phận thuyền đò buông trôi.

Thói kiêu căng núi đồi chặn lối,
những vực sâu bóng tối đam mê.
Đường đi khúc khuỷu gồ ghề,
màn đêm u ám tái tê cõi lòng.

Nghe tiếng vọng nơi đồng hoang vắng,
lấp hố sâu, san phẳng núi đồi.
Khiêm nhu hãm dẹp cái “tôi”,
quanh co uốn thẳng, đắp bồi vực sâu.

Lời Sứ Giả gọi mời thẩm thấu,
con cúi đầu sám hối ăn năn.
Dọn đường đón Chúa viếng thăm,
công minh, chính trực ngôn hành sáng trong.

Chúa ơi! Con đã dọn lòng…

A.P Mặc Trầm Cung