ĐTC Phanxicô cử hành Thánh lễ Ngày Thế giới Người Nghèo lần II

Trong Thánh lễ Ngày Thế giới Người Nghèo lần II, ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu noi gương Chúa Giêsu yêu thương vô vị lợi. Ngài nhấn mạnh rằng gia tài thật sự là Thiên Chúa và tha nhân.
úc 10 giờ sáng Chúa nhật hôm qua, ĐTC Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ tại đền thờ thánh Phêrô nhân ngày thế giới người nghèo lần thứ hai. Đồng tế với ĐTC trong Thánh lễ có 15 HY, 35 GM và khoảng 200 LM, cùng với sự hiện diện tham dự của khoảng 6000 người nghèo.
Trong bài giảng, dựa trên đoạn Tin mừng theo thánh Mt 14,22-33, kể lại việc Chúa Giêsu, sau khi đã hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn no, Ngài yêu cầu các môn đệ rời đi, rồi Ngài giải tán dân chúng, và Ngài lên núi cầu nguyện, rồi khi các môn đệ đang ở trên thuyền và lo sợ vì bão tố giữa đêm đen thì Chúa Giêsu xuất hiện, trấn an họ, ĐTC mời gọi các tín hữu quan sát 3 hành động của Chúa Giêsu trong đoạn Tin mừng nói trên và học theo Chúa Giêsu: biết rời đi khi thành công để không dính bén với thành công của cải; biết trấn an, an ủi người khác khi họ gặp khó khăn; và cuối cùng là biết đưa tay ra, giúp đỡ những người khốn khổ.
Thứ nhất: Rời bỏ sự thành công và yên hàn
Đầu tiên là rời đi. Chúa Giêsu rời bỏ đám đông khi đang trên đỉnh điểm thành công, khi được dân chúng tung hô sau khi đã hóa bánh ra nhiều. Trong khi các môn đệ của Ngài muốn tận hưởng giây phút vinh quang thì Ngài lại yêu cầu họ rời đi và Ngài giải tán đám đông (x Mt 14,22-23). Khi được đám đông tìm kiếm thì Ngài lại tìm ở một mình; khi mà sự nôn nóng thúc đẩy mọi người đi xuống đồng bằng gặp Chúa Giêsu thì Ngài lại lên núi cầu nguyện; rồi giữa đêm tối Chúa đến với các môn đệ trên mặt nước. Trong tất cả mọi sự kiện, Chúa Giêsu luôn đi ngược dòng: đầu tiên là rời bỏ sự thành công và tiếp đến là thanh thản. Qua đó, Ngài dạy chúng ta biết can đảm rời bỏ: rời bỏ sự thành công làm cho con tim hãnh diện tự mãn và rời bỏ sự thanh thản làm cho tâm hồn ngủ quên.
Đi lên với Chúa bằng cầu nguyện và đi xuống với tha nhân qua yêu thương
Nhưng rời bỏ để đi đâu? Để đến với Chúa qua việc cầu nguyện và đến với những người nghèo khổ bằng cách yêu thương, ĐTC nói: vì “kho tàng thật sự của cuộc sống chính là: Thiên Chúa và tha nhân. Đi lên với Thiên Chúa và đi xuống đến với tha nhân, đây là con đường Chúa Giêsu đã chỉ.” Chúa Giêsu đã tách các môn đệ của Ngài ra khỏi tình trạng tiện nghi thoải mái, khỏi sự nhàn rỗi của những thỏa mãn nhỏ nhặt thường ngày. Các môn đệ không được chọn để sống tĩnh lặng trong cuộc sống bình thường. Họ cũng được mời gọi như Thầy của mình, dong duổi trên đường, hành trang gọn nhẹ, sẵn sàng rời bỏ giây phút vinh quang, cảnh giác để không bị dính bén với của cải chóng qua. Kitô hữu biết rằng quê hương của mình ở trên trời như thánh Phaolô đã nhắc trong thư gửi tín hữu Êphêsô: “là đồng hương với các thánh và người nhà của Thiên Chúa.” (Ep 2,19).
Giáo hội bước đi, biết rời bỏ và trung thành phục vụ
ĐTC mời gọi các tín hữu như những người lữ hành, chúng ta không thu góp của cải; vinh quang của chúng ta nằm ở chỗ bỏ lại sau lưng những thứ sẽ qua đi để nắm chặt lấy những điều sẽ tồn tại mãi. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta trở nên như Giáo hội trong bài sách Công vụ tông đồ: luôn luôn bước đi, biết rời bỏ và trung thành phục vụ (x. Cv 28,11-14).
Lạy Chúa xin nâng chúng con dậy từ sự thanh thản lười biếng, từ sự ru ngủ thinh lặng của những bến cảng an toàn của chúng con. Xin hãy giải thoát chúng con khỏi sự gắn chặt vào việc tự quy chiếu nơi mình làm giảm nhẹ cuộc sống; xin giải phóng chúng con khỏi thái độ luôn tìm kiếm thành công. Xin dạy chúng con biết cách “rời bỏ” để khởi hành trên con đường mà Chúa đã chỉ cho chúng con: đến với Chúa và tha nhân.
Thứ hai: Bảo đảm, trấn an
Thái độ thứ hai của Chúa Giêsu là bảo đảm, trấn an. Trong đêm đen, Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với các môn đệ (c.25). Biển ở đây, với độ sâu thăm thẳm của nó, muốn nói đến các thế lực của sự ác. Chúa Giêsu đến gặp các môn đệ của Người bằng cách chà đạp những kẻ thù kiểm ác của con người. Đây là ý nghĩa của dấu chỉ: thay vì sự biểu diễn chiến thắng của sức mạnh, nó là mạc khải về sự chắc chắn rằng Chúa Giêsu, chỉ có Chúa Giêsu, chiến thắng các kẻ thù mạnh mẽ nhất của chúng ta: ma quỷ, tội lỗi, sự chết và sợ hãi. Hôm nay Ngài nói với chúng ta: “Hãy can đảm, chính Thầy đây; đừng sợ.”
Để Chúa lèo lái con thuyền cuộc đời ta
Chiếc thuyền đời của chúng ta thường bị giông bão thổi lật. Ngày cả khi biển có vẻ lặng thì nó nhanh chóng nổi sóng. Khi chúng ta bị kẹt trong giông bão, nó dường như là vấn đề của riêng chúng ta. Vấn đề không phải là thời điểm giông bão, nhưng là cách thức chúng ta vượt qua cơn bão. ĐTC nói: Chỉ có Ngài ban sự sống trong sự chết và hy vọng trong đau khổ; mình Ngài chữa lành trái tim của chúng ta bằng sự tha thứ của Ngài và giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi bằng cánh truyền cho chúng ta sự tự tin.
ĐTC nhắc nhở các tín hữu hãy mời Chúa Giêsu lên con thuyền cuộc đời của chúng ta. Như các môn đệ, chúng ta sẽ nhận ra rằng một khi Chúa ở trên thuyền thì giông gió sẽ lặng im và thuyền sẽ không bị đắm chìm. Chỉ có Chúa Giêsu mới có thể ban cho chúng ta sự bảo đảm này. Chúng ta cần biết bao những người có thể an ủi người khác không chỉ bằng lời nói trống rỗng nhưng với lời sự sống. Nhân danh Chúa Giêsu, chúng ta có thể trao tặng sự an ủi thật sự. Nó không phải là những lời động viên trống rỗng nhưng là sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng ban sức mạnh.
Lạy Chúa, xin trấn an chúng con: được Chúa an ủi, chúng con sẽ có thể đem sự an ủi thật sự đến cho người khác.
Thứ ba: Đưa tay ra
Việc thứ ba Chúa Giêsu làm là đưa tay ra. Giữa bão táp, Ngài đã đưa tay ra cho Phêrô (c.31). Chúng ta có thể đặt mình vào chỗ của Phêrô: chúng ta là những người kém lòng tin và chúng ta là những hành khất của ơn cứu độ. Chúng ta là người nghèo sự sống thật và chúng ta cần bàn tay giơ ra của Chúa, kéo chúng ta ra khỏi sự dữ. Đây là khởi đầu của đức tin: tẩy sạch lòng mình sự tin chắc kiêu ngạo cho rằng mình đang an vị, mình có khả năng, tự lập và nhận ra chúng ta cần ơn cứu độ. Đức tin lớn lên trong bối cảnh này, bối cảnh trong đó chúng ta hòa mình đứng bên cạnh bao nhiêu người không đang đứng trên các bục cao nhưng đang cần và cầu xin sự giúp đỡ. Vì thế, sống đức tin trong sự giao tiếp với những người nghèo khổ là điều quan trọng đối với tất cả chúng ta. Đây không phải là một chọn lưạ xã hội học, không phải là cách thế của một giáo hoàng, mà là một yêu cầu thần học. Nhận ra mình là hành khất cầu xin ơn cứu độ. Bằng cách này, chúng ta nhận lấy Thần khí của Tin mừng. “Thần khí của sự nghèo khó và tình yêu – công đồng nói – thật sự là vinh quang và chứng tá của Giáo hội của Chúa Kitô” (Vui mừng và hy vọng, 88).
Tiếng kêu của người nghèo
Chúa Giêsu nghe tiếng kêu của Phêrô. Chúng ta cầu xin ơn để biết nghe tiếng kêu của những người bị nhấn chìm bởi những đợt sóng của cuộc sống. Tiếng kêu của người nghèo: đó là đó là tiếng kêu gào thét của đứa trẻ chưa được sinh ra, của những trẻ em bị chết đói, của những người trẻ tuổi được sử dụng để làm bom người hơn là tiếng reo vui hò hét của sân chơi. Đó là tiếng kêu của người già, bị hất hủi và bỏ rơi. Đó là tiếng kêu của tất cả những người phải đối mặt với những cơn bão của cuộc sống mà không có sự hiện diện của một người bạn. Đó là tiếng kêu của tất cả những người bị buộc phải chạy trốn khỏi nhà của họ và quê hương để rồi có một tương lai bất định. Đó là tiếng kêu của mọi người dân, bị tước đoạt ngay cả những nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của họ. Đó là tiếng kêu của tất cả những Ladarô, những người khóc trong khi một số ít người giàu có hội hè ăn mừng, về tất cả những gì thuộc về họ . Bất công là gốc rễ của nghèo đói. Tiếng kêu của người nghèo hàng ngày trở nên mạnh mẽ hơn nhưng ít được nghe hơn, bị nhấn chìm bởi sự ồn ào huyên náo của số ít người giàu, những người ngày càng ít hơn nhưng càng giàu có hơn.
Kitô hữu không thể dửng dưng đứng im hay đầu hàng trước sự ác
Đứng trước sự coi thường nhân phẩm, chúng ta thường đứng im khoanh tay hoặc giơ tay tỏ vẻ vô vọng trước sức mạnh ác nghiệt của sự ác. Nhưng Kitô hữu chúng ta không thể đứng khoang tay dửng dưng hay dang tay cách bất lực. Chúng ta phải giơ tay mình ra như Chúa Giêsu đã làm với chúng ta. Tiếng kêu của người nghèo tìm thấy sự lắng nghe của Chúa, nhưng còn chúng ta thì sao? Chúng ta có mắt để thấy, có tai để nghe, tay để đưa ra giúp đỡ không? Chính Chúa Kitô đã kêu gọi lòng bác ái của các môn đệ nơi những người nghèo. Ngài yêu cầu chúng ta nhận ra Ngài nơi những người đói khát, nơi khách lạ và những người bị tước đoạt nhân phẩm, nơi các bệnh nhân và tù nhân (x. Mt 25,35-36).
Yêu thương vô vị lợi
Chúa Giêsu đã đưa tay ra, cách tự do, chứ không vì bổn phận. Và chúng ta cũng phải thế. Chúng ta không được mời gọi chỉ làm điều tốt cho người mình thích. Chúa Giêsu yêu cầu hơn: cho những người không có gì để cho lại chúng ta, yêu thương vô vị lợi (x. Lc6,32-36). Hãy nhìn quanh chúng ta. Những gì chúng ta làm, chúng ta có làm cách tự do, cho người không thể trả lại cho chúng ta không? Đó sẽ là cánh tay dang ra của chúng ta, gia tài thật sự của chúng ta ở trên thiên đàng.
Lạy Chúa, xin hãy dang tay ra với chúng con và nắm lấy chúng con. Xin giúp chúng con yêu như Chúa yêu. Xin dạy chúng con để lại đàng sau những gì đang qua đi, dạy chúng con là nguồn bảo đảm cho những người quanh chúng con và trao ban cách tự do cho những người nghèo khổ.

Hồng Thủy – Vatican