HIỆP SỐNG TIN MỪNG, LỄ THÁNH TÂM NĂM C, (Ed 34,11-16 ; Rm 5,5b-11 ; Lc 15,3-7) ĐÁP LẠI TÌNH YÊU CỦA THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

lethanhtamI. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 15,3-7
(3) Đức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này: (4) “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị lạc mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?”. (5) Tim được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. (6) Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”. (7) Vậy tôi nói cho các ông hay: Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”.
2. Ý CHÍNH:
Để trả lời cho lời phiền trách của nhóm Pharisêu và kinh sư về lý do tại sao gần gũi với các người thu thuế và gái điếm tội lỗi…, Đức Giêsu đã dùng 3 dụ ngôn: Con chiên bị lạc, đồng bạc đánh rơi và người cha nhân hậu. Tin mừng hôm nay chỉ đề cập đến dụ ngôn con chiên bị lạc. Dụ ngôn đề cao hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng từ bi thương xót. Người xót thương kẻ lầm đường lạc lối, mau mắn đi tìm kiếm và sẽ vui mừng nếu họ thực tâm sám hối trở về với Người.
3. CHÚ THÍCH:
– C 3-4: + Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà nếu mất một con: Ở đây, khi dùng hai con số 100 và 1, Đức Giêsu muốn làm nổi bật tầm quan trọng của sự mất mát. Dù chỉ bị mất một phần trăm nhưng đối với người chủ chiên cũng là mất mát to lớn. + Để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm kỳ được con chiên bị mất: Để lại ngoài đồng hoang không phải là bỏ rơi, bỏ mất vì chúng kém giá trị hơn, nhưng là giữ chúng lại trong một nơi an toàn. Chi tiết này chỉ muốn nói lên rằng: con chiên bị lạc dù chỉ là số ít, nhưng vẫn là điều quan trọng khiến chủ chiên phải nhất quyết đi tìm cho bằng được. Việc đi tìm xuất phát từ tình thương của chủ chiên, ám chỉ tình thương yêu và khoan dung của Thiên Chúa đối với các tội nhân. Người không thụ động ngồi yên chờ họ tự quay về, nhưng chủ động lên đường tìm kiếm họ.
– C 5-7: +Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai: Người chủ vui mừng khi tìm thấy con chiên lạc. Niềm vui này thể hiện qua hai cử chỉ: Một là là vác chiên lên vai và hai là mở tiệc ăn mừng. Vác chiên lên vai nói lên sự thân mật gần gũi đối với con chiên lạc. + “Xin chung vui với tôi”: Mời bạn bè đến chung vui cho thấy ông chủ muốn chia sẻ niềm vui cho nhiều người khác nữa. + “Trên trời cũng thế”: Niềm vui tột đỉnh của Thiên Chúa là muốn cho mọi người trần gian đều được ơn cứu độ. Chỉ những ai xúc phạm đến Chúa Thánh Thần, thể hiện qua thái độ cứng lòng không tin Chúa Giêsu, cố tình không muốn tái sinh trong phép rửa tội, chọn theo ma quỷ làm sự gian ác chống lại Thiên Chúa và tha nhân… mới không được cứu độ.
4. CÂU HỎI: 1- Trong dụ ngôn này phải chăng người chủ chiên đành hy sinh 99 con chiên ở ngòai đồng hoang, mặc chúng cho sói rừng cắn xé, dể đi tìm một con chiên lạc kia sao? 2- Người chủ chiên đã làm gì để thể hiện tình thương và niềm vui khi tìm lại được con chiên bị lạc mất? 3- Những người bị lọai ra khỏi ơn cứu độ hoặc phai sa hỏa ngục là những ai?
II. SỐNG LỜI CHÚA:
1. LỜI CHÚA: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn ăn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính” (Lc 15,7).
2. CÂU CHUYỆN: ÔNG CHỦ CHIÊN TỐT LÀNH
Trong cuộc họp của những nhà giáo dục, một vị giáo sư đã kể lại câu chuyện về một con chiên bị lạc mất như sau: Một người kia có nuôi một đàn chiên nhốt trong chuồng ở ngay sau nhà ông. Một hôm có một con chiên non trông thấy một lỗ hổng ở hàng rào và tò mò chui qua. Khi đã ra ngoài chuồng, con chiên vội chạy thật xa để tận hưởng thú vui được tự do giữa đất trời bao la. Nó chạy đến một cánh rừng rộng lớn và không nghĩ đến nguy hiểm đang chờ. Trời tối dần và đột nhiên con chiên nhìn thấy bóng dáng của một con sói đang rình núp ở một lùm cây gần đó. Vô cùng sợ hãi, nó ba chân bốn cẳng chạy thục mạng về chuồng. Nhưng con sói vẫn không ngừng bám sát phía sau. Khi con sói tiến đến gần và sắp vồ được chiên, thì may mắn thay ông chủ chiên cũng vừa xuất hiện. Ông dùng gậy đánh đuổi con sói hung dữ kia để cứu con chiên khỏi chết trong gang tấc. Sau đó ông vác con chiên non đang run sợ trên vai và đưa về chuồng băng bó những vết trầy xước. Rồi nhiều người nhắc ông phải rào kín lỗ hổng ngay để tránh cho chiên khỏi tiếp tục chui ra khỏi chuồng. Nhưng ông không nghe và cứ để lại lỗ hổng ở hàng rào như trước.
3. THẢO LUẬN:
1)Bạn nghĩ thế nào về lời thánh Augúttinô sau: “Chúa dựng nên bạn không cần đến bạn, nhưng Chúa không thể cứu bạn, nếu bạn không cộng tác với Người”?
2)Noi gương vị Mục Tử Giêsu trong Tin mừng hôm nay, mỗi người chúng ta sẽ làm gì để đưa các người thân hay bạn bè đang lạc xa Chúa trở về với Người?
4. SUY NIỆM:
Tình yêu luôn tồn tại trong cuộc sống nhân loại con người. Có nhiều thứ tình yêu như: tình mẫu tử phụ tử, phu phụ, huynh đệ, tình đồng nghiệp, tình bằng hữu hay tình yêu nam nữ… Dù mang tên gọi là gì đi nữa, thì tình yêu vẫn mang đặc điểm là có sức lôi cuốn mãnh liệt khiến người ta phải luôn gắn bó với nó và có thể hy sinh mọi sự khác vì nó.
1)TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA THẬT BAO LA:
Con người đã được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh của Ngài như thánh Gioan đã định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4, 8). Tình Yêu của Thiên Chúa thật vô cùng, vượt trên tình thương của cha mẹ dành cho con cái, như Ngôn Sứ Isaia đã tuyên sấm: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng, đẻ đau? Cho dù nó có quên đi chăng nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ… Ta đã khắc ghi ngươi trong lòng bàn tay Ta” (Is 49,15–16a). Thánh Phaolô cũng viết: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi”, và ngài kết luận: “Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).
Nói đến tình yêu, chúng ta không thể không nhắc đến trái tim, một biểu tượng rõ nét của tình yêu. Hội Thánh đã dành riêng tháng sáu và đặc biệt ngày Thứ Sáu sau Chúa Nhật Mình Thánh Chúa để mừng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, là Trái Tim đã bị lưỡi đòng đâm thâu trên thập giá, đổ ra đến giọt máu và nước cuối cùng để biểu lộ tình yêu thương chúng ta (x. Ga 19, 34). Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta thật bao la sâu thẳm khôn lường. Tuy nhiên, chúng ta cũng phần nào hiểu được tình yêu ấy qua hình ảnh người Mục Tử tốt lành trong Tin Mừng hôm nay, đã bỏ 99 con chiên khác nơi hoang địa để đi tìm bằng được con chiên thất lạc.
2)TÌNH THƯƠNG CỤ THỂ CỦA ĐỨC CHÚA LÀ MỤC TỬ DÂN ÍTRAEN:
Bài Đọc Một cho thấy thời ngôn sứ Êdêkien, dân Do Thái đứng trước nguy cơ nước mất nhà tan. Các vua chúa và đầu mục đã bị sa đoạ, chạy theo các tà thần. Họ không quan tâm đến việc chăm dắt đoàn chiên được Đức Chúa trao quyền chăn dắt. Họ chỉ nghĩ đến việc vơ vét, bóc lột sao cho đầy túi tham mà không nghĩ đến dân chúng lầm than cơ cực. Mặt khác, viễn cảnh bị ngoại xâm đã gần kề và việc dân chúng sắp bị phân tán đi khắp nơi là điều không thể tránh khỏi. Toàn dân sống trong tuyệt vọng, chẳng còn biết trông cậy vào ai. Chính lúc đó, Ngôn Sứ Êdêkien đã được Thiên Chúa sai đến loan báo tin vui về một thời đại mới: Chính Thiên Chúa sẽ là mục tử chăn dắt dân Người. Người sẽ dẫn đưa những con chiên bị phân tán được trở về. Người sẽ bảo vệ và giải thoát họ khỏi bàn tay áp bức của kẻ thù đang đè nặng trên họ. Chúa phán: “Này chính Ta săn sóc đoàn chiên của Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng… Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán. Ta sẽ dẫn chúng ra khỏi các dân tộc, Ta sẽ tụ họp chúng từ khắp măt đất, và đưa chúng vào đất của chúng”. Hơn nữa, Đức Chúa còn lo cho đoàn chiên được ăn uống no nê, như lời Người phán: “Ta sẽ thả chúng ăn trên những đồng cỏ màu mỡ,… chúng sẽ nghỉ ngơi trong những đồng cỏ xanh tươi, và chúng ăn trong đồng cỏ màu mỡ trên miền núi Ítraen”. Vua Đavít cũng ngợi ca tình thương của Đức Chúa như sau: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi Người lo bồi dưỡng…” (Tv 22,1-3)
3. ĐỨC GIÊSU VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH ĐƯỢC THIÊN CHÚA SAI ĐẾN:
– Vị Mục Tử mà Ngôn Sứ Êdêkien và vua Đavít tiên báo sẽ đến không ai khác hơn là Đức Giêsu. Ngài chính là vị Mục Tử nhân lành mà Thiên Chúa đã hứa ban cho dân Ítraen. Ngài không chỉ chăm sóc bảo vệ đàn chiên, mà còn tự hiến mạng sống mình vì chúng ta, như Thánh Phaolô đã viết trong Bài Đọc Hai hôm nay: “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta” (Rm 5,8). Nghĩa là khi chúng ta đang thù ghét chống lại với Chúa, nhưng Đức Giêsu vẫn tình nguyện chịu chết để đền tội thay để loài người được ơn tha tội và được giao hoà với Thiên Chúa. Nhờ cái chết thập giá của Người, mà chúng ta được lãnh ơn cứu độ của Thiên Chúa.
– Ngoài ra, Mục Tử Giêsu không dừng lại ở việc chăm sóc, giữ gìn, mà tình yêu còn thúc bách Người đi tìm chiên lạc như lời Chúa trong Tin Mừng: “Ai trong các ông có 100 con chiên và nếu mất một con, lại không để 99 con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc cho đến khi tìm thấy sao?” (Lc 15,4). Cho dù bấy giờ chúng ta đang là những con chiên đầy ghẻ lở tội lỗi, thì Mục Tử Giêsu vẫn giang rộng vòng tay yêu thương để băng bó vết thương, vác lên vai đưa về đàn.
4. ĐÁP LẠI LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA VÀ CỦA ĐỨC GIÊSU:
Chúng ta cần làm gì để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa và Thánh Tâm Chúa Giêsu?
-Đáp lại tình yêu của Chúa bằng việc “Năng ở lại trong tình yêu của Người” (x. Ga 15,9b).: Đức Giêsu chỉ vui khi chúng ta năng nhớ đến Người. Chúng ta nên năng dâng lên Người những lời nguyện tắt. Chẳng hạn: “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin dạy con yêu mến Chúa. Xin gia tăng lòng mến cho con để con năng đến gặp Chúa trước Nhà Tạm, dự lễ rước lễ mỗi ngày hầu được kết hiệp mật thiết với Chúa và được yêu thương hiệp nhất với nhau”. Hoặc: “Lạy Chúa Giêsu. Con xin làm việc … này để biểu lộ lòng con yêu mến Chúa. Xin thương cho một người lương sớm tin yêu Chúa – Xin thương cho một người đang lạc xa Chúa được sớm trỏ về với Chúa”.
-Đáp lại tình yêu của Chúa bằng việc yêu thương phục vụ nhau: Hãy tập nhìn thấy Chúa Giêsu đang hiện thân nơi người bên cạnh, nhất là nơi những người nghèo khó bệnh tật hoặc bị bỏ rơi, để đến thăm viếng và khiêm nhường phục vụ họ như phục vụ chính Chúa, như Người dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau”.
-Đáp lại tình yêu của Chúa bằng việc cầu nguyện cho các tội nhân: Quan tâm thăm viếng những gia đình rối vợ rối chồng, để đưa họ sớm trở về đàn chiên Hội thánh, noi gương Đức Giêsu xưa đã ngồi đồng bàn ăn với những người thu thuế tội lỗi… để gây thiện cảm với họ và giúp họ trở thành nhưng người lương thiện, như tông đồ Mátthêu, bà Maria Mađalena, ông Giakêu, kẻ trộm lành trên thập giá…
-Đáp lại tình yêu của Chúa bằng việc truyền giáo, đưa nhiều anh em lương dân về với Chúa: Thượng Hội Đồng Giám mục Á châu họp tại Rôma gần đây đã cho biết: Dân số Á châu hiện đã trên ba tỷ năm trăm triệu người. Thế mà mới chỉ có một trăm mười triệu là người tín hữu Kitô. Còn tới ba tỷ bốn trăm triệu người châu Á đang ở ngoài đoàn chiên Hội thánh. Đó là chưa kể đến biết bao tín hữu tuy đã chịu phép rửa tội, nhưng không hành đạo, lười biếng làm việc lành như không đọc kinh dự lễ hoặc phạm phải những tội ác lớn lao khác… Những người này chính là những con chiên lạc cần phải được mọi người chúng ta quan tâm tìm kiếm, cầu nguyện và giúp họ sớm nhận biết tin yêu Chúa để được hưởng ơn cứu độ sau này với chúng ta.
5. NGUYỆN CẦU:
– LẠY THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU. Chúng con xin cảm tạ Chúa đã sẵn sàng hy sinh chịu chết để cứu chuộc chúng con, và đã mở trái tim ra để ban cho chúng con được muôn vàn ơn phúc, nhất là ơn được làm con cái Chúa.
– LẠY CHÚA GIÊSU MỤC TỬ NHÂN LÀNH. Chúa luôn dẫn dắt chúng con từng ngày, luôn tha thứ những lỗi lầm của chúng con. Chúa cũng sẵn sàng đến ở với chúng con qua bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng con nhận biết tình thương của Chúa, để luôn sống tin yêu phó thác và cậy trông vào Chúa. Xin cho chúng con biết thể hiện lòng yêu mến Chúa bằng những việc bác ái cụ thể phục vụ tha nhân, nhất là quảng đại chia sẻ cơm áo cho những người nghèo đói bệnh tật và khiêm nhương phục vụ họ là hiện thân của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH-HHTM