Giữa giáo huấn của Chúa Giêsu và giáo huấn của các hiền nhân quân, có một điểm khác biệt ở chỗ: Chúa Giêsu sẵn sàng chết để chứng minh cho lời rao giảng của Người.
Chúa Giêsu đến trần gian theo lệnh truyền của Chúa Cha. Sứ mạng của Người là loan báo tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, đồng thời mời gọi con người thực thi đức yêu thương. Giữa giáo huấn của Chúa Giêsu và giáo huấn của các hiền nhân quân, có một điểm khác biệt ở chỗ: Chúa Giêsu sẵn sàng chết để chứng minh cho lời rao giảng của Người.
Quả vậy, nếu Chúa đã nói: Ta là Mục Tử tốt lành, Mục Tử tốt lành hiến mạng sống mình vì đoàn chiên, thì Người đã thực thi điều đó qua cái chết trên thập giá. Mặc dù Chúa có run sợ trước cái chết, bởi vì Người là một con người như chúng ta, nhưng tình yêu mến đối với nhân loại và sự tuân phục đối với Chúa Cha đã giúp Người đón nhận thập giá trong sự tự nguyện hy sinh, như chúng ta vẫn nghe đọc trong thánh lễ: Khi tự ý nộp mình chịu khổ hình.
Nếu Chúa đã rao giảng: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu”, thì Chúa đã hiến mình làm của lễ trên thập giá vì yêu thương con người. Tình yêu thập giá là tình yêu cao cả nhất, vì đó là sự hiến mình cho người khác. “Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì người lương thiện chăng? Thế mà Đức Giêsu Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những tội nhân” (Bài đọc II). Chúa Giêsu đã chết cho nhân loại được sống, đã đau khổ cho nhân loại được hạnh phúc, đã mang trên bản thân mình tội lỗi của nhân loại để con người được tha thứ, đã mang lấy gánh thập giá để gánh cuộc đời của con người trở nên nhẹ nhàng.
Nếu Chúa đã chúc phúc cho những ai sẵn sàng vì Chân lý mà chịu bách hại, thì Người đã chấp nhận mọi sỉ nhục khổ đau, và cuối cùng là chết trên thập giá, để làm chứng cho Chân lý. Qua đó, Chúa khích lệ và làm gương và thêm nghị lực cho những ai đang đau khổ chiến đấu chống lại bất công.
Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, chúng ta đặc biệt chiêm ngưỡng Thánh Tâm Chúa Giêsu là “Gương mặt Lòng Thương xót của Chúa Cha”. Nơi Chúa Giêsu, con người mọi thời mọi nơi gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa. Nói cách khác, Chúa Giêsu là hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa. Người đi đến đâu là đem cho con người niềm vui và ân sủng. Người lau khô giọt lệ nơi khoé mắt con người và thay vào đó là niềm vui của ơn tha thứ, ơn hồi sinh.
Các bài đọc trong Phụng vụ hôm nay muốn diễn tả Chúa Giêsu đến trần gian để tìm những người tội lỗi và dẫn đưa về với Chúa Cha. Hình ảnh người mục tử và con chiên lạc nhằm nói lên sự cần mẫn, lòng bao dung không mệt mỏi của Chúa. Hình ảnh này cũng muốn diễn tả, mỗi người chúng ta, mặc dù là thân phận cát bụi hư vô nhưng đáng quý đáng trọng trước mặt Chúa. Sự quý trọng ấy thể hiện qua hình ảnh trên trời vui mừng vì một người trở lại. Một người từ bỏ lối sống tội lỗi để trở về với nẻo chính đường ngay, không chỉ là niềm vui của cá nhân hay gia đình, mà là niềm vui của Thiên Chúa và đại gia đình các thánh, đồng thời cũng là niềm vui của Giáo Hội.
Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, chúng ta hãy cộng tác phần mình làm cho niềm vui hồi sinh được lan toả từ thiên đàng tới trần thế. Một cách cụ thể, chúng ta hãy trở về với Chúa, canh tân bản thân. Một khi canh tân bản thân, chúng ta mới có thể là những hiện thân của Chúa Giêsu Mục Tử, đi vào lòng thế giới để tìm kiếm những con chiên lạc và mang về với gia đình Giáo Hội, để mọi người chung lời ngợi ca Thiên Chúa giàu lòng xót thương.
Tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng là tháng cầu cho các linh mục. Các linh mục có mối tương quan mật thiết với Thánh Tâm, vì chức linh mục xuất phát từ Thánh Tâm Chúa, và có sứ mạng loan báo tình yêu thương. Chúng ta hãy cầu cho các linh mục được ơn thánh hoá, mỗi ngày nên giống Thánh Tâm, cần mẫn đi tìm những con chiên lạc, nhiệt thành đến với mọi người, và sẵn sàng hy sinh vì đàn chiên như Chúa Giêsu vị Mục Tử Tốt Lành.
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên