SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 584, CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH – B, LỄ CHÚA THĂNG THIÊN, 13/05/2018

7PSB3“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô ( Mc 16, 15-20)

“Đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô . Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”. Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Ngước Mắt Nhìn Trời ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Hãy Đi Loan Báo Tin Mừng Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Chúa Giêsu Hoàn Thành Sứ Mạng và Về Trời Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Chúa Đi Dọn Chỗ Cho Chúng Ta Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Đường Nhân Chứng Hạt Nắng Trg 10
Nước Trời Hôm Nay Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Hoan Ca Đời Nhân Chứng M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Chúa Về Trời – Con Vào Đời Nắng Sài Gòn Trg 13
Bài Ca Nhân Chứng AP. Mặc Trầm Cung Trg 14

Ngước Mắt Nhìn Trời

Con người thường có hai thái độ sống đối nghịch nhau. Một bên là những người chỉ biết có việc đạo. Sống dưới đất nhưng lòng trí để cả ở trên trời. Không tha thiết gì với những người chung quanh. Không tham gia những sinh hoạt xã hội. Khinh chê tất cả những giá trị ở đời này. Ngược lại, bên kia là những người sống như chỉ biết có việc đời. Chỉ coi trọng những giá trị vật chất. Chỉ biết có đời này. Sống là còn. Chết là hết. Cả hai thái độ đều bất cập.

Việc Đức Giêsu lên trời và những lời Ngài truyền dạy trước khi từ giã trần gian giúp ta có một cái nhìn đúng đắn hơn đối với trời và đối với đất.
Đức Giêsu lên trời. Điều đó dạy ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác. Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác.

Trời là nơi hạnh phúc không còn khổ đau. Trời là nơi cuộc sống vĩnh viễn không bị tiêu diệt. Trời là nơi tất cả mọi giá trị đạt đến mức tuyệt đối. Trời là nơi con người trở thành thần thánh, sống chung với thần thánh.

Như thế trời là niềm hy vọng của con người. Con người không còn bị trói chặt vào trần gian. Định mệnh của con người không phải chỉ là đớn đau sầu khổ. Số phận con người không phải sinh ra để rồi tàn lụi. Trời cho con người một lối thoát. Trời mở ra cho con người một chân trời hạnh phúc. Trời cho con người cơ hội triển nở đến vô biên.

Trời nâng cao địa vị con người. Có trời, con người không còn bị xếp ngang hàng với súc vật. Súc vật sinh ra để tàn lụi. Con người sinh ra để triển nở, để vượt qua số phận, để đạt tới địa vị con Thiên Chúa. Có trời, con người sẽ được nâng lên ngang hàng thần thánh.

Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian. Trời không phải là cõi mơ mộng viển vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.

Chính vì thế mà hai thiên thần áo trắng đã bảo các môn đệ đừng đứng nhìn trời mãi làm chi, nhưng phải trở về mà lo chu toàn nhiệm vụ.

Chính vì thế mà trước khi lên trời, Chúa căn dặn các môn đệ hãy đi làm việc cho nước Chúa. Sống và làm việc ở trần gian, đó là một nhiệm vụ phải chu toàn. Hoàn thành nhiệm vụ ở trần gian, đó là điều kiện để đạt tới hạnh phúc nước trời.

Chính Đức Giêsu cũng đã chu toàn nhiệm vụ ở trần gian rồi mới lên trời. Nhiệm vụ đó là đi gieo Tin Mừng khắp nơi. Đi đến đâu là thi ân giáng phúc đến đấy. Đi đến đâu là gieo yêu thương đến đấy.

Hôm nay Chúa cũng sai các môn đệ và chúng ta đi gieo Tin Mừng khắp thế gian. Hãy đi làm mọi việc tốt đẹp cho mọi người.

Làm việc tốt đẹp ở trần gian đó là góp phần xây dựng nước trời. Góp phần xây dựng trần gian đó là dọn chỗ ở trên nước trời. Trần gian không phải là nơi cho ta bám víu vì không vĩnh cửu. Nhưng trần gian là cơ hội cho ta đạt tới nước trời.

Chính vì thế, người môn đệ của Chúa phải sống giữa trần gian, phải yêu mến trần gian, phải xây dựng trần gian. Vì trần gian là nơi Chúa sai ta đến làm việc.

Tuy nhiên người Kitô hữu làm việc ở trần gian mà lòng vẫn hướng lên quê trời. Yêu mến trần gian vì nước trời. Yêu mến trần gian để biến trần gian thành Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết nỗ lực xây dựng trần gian trong niềm mong đợi hạnh phúc nước trời. Amen.

Gợi ý chia sẻ:
1) Tin có thiên đàng. Điều này có quan trọng đối với bạn?
2) Người môn đệ của Chúa phải có thái độ nào đối với của cải vật chất?
3) Khi ngắm thứ hai mùa mừng, đọc “Ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời”, bạn nghĩ gì? Bạn phải sống làm sao để thực hiện lời cầu nguyện này?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Hãy Đi Loan Báo Tin Mừng

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”
Tôi không muốn coi đây là một lệnh truyền, vì mệnh lệnh bao giờ cũng là điều do vị bề trên truyền xuống, chứ không xuất phát từ bản thân, từ một đòi hỏi thâm sâu của cõi lòng mình. Đối với nhóm mười một Tông Đồ, vào thời điểm họ nghe câu nói này, có lẽ đúng là họ đã nhận một mệnh lệnh; đơn giản là vì họ chưa hiểu được rằng các biến cố đang dồn dập xảy ra đích thị là Tin Mừng. Thậm chí họ còn lo âu, họ sợ hãi thì đúng hơn, trong biến cố khổ hình và thập giá đã đành, mà cả trong các lần Đấng Phục Sinh hiện ra với họ. Phải đợi tới khi ‘Thần Chân Lý’ đến dạy dỗ trực tiếp, từ đáy lòng mình họ mới vỡ lẽ ra: ý nghĩa đích thực của câu nói đó (Ga 14:26; 16:12-13). Chỉ khi đó, phải, chỉ lúc đó mệnh lệnh Chúa truyền trước khi về trời mới trở thành một cảm nghiệm không thể cưỡng, bởi vì nó thôi thúc họ từ bên trong (Cv 2:4), và họ thấy cần phải mở tung cửa phòng ra để rao giảng giữa thanh thiên bạch nhật.

Đối với Kitô hữu chúng ta hôm nay thì khác hẳn: ta có nhiều thời gian để suy tư, để cử hành biến cố tử nạn và phục sinh như một Tin Mừng đích thực. Ta đã được ban ‘Thần Chân Lý’ để dạy cho biết mọi sự; vì thế, nếu là Kitô hữu chân chính của thời đại hôm nay, ‘hãy đi khắp tứ phương thiên hạ… loan báo Tin Mừng’ chắc hẳn sẽ không còn là một lệnh truyền từ bên ngoài nữa, mà đã phải là một thúc bách từ niềm tin thâm sâu nhất bên trong.

Nếu Tin Mừng là một thôi thúc từ bên trong, thì quả thực: sự hiện diện hữu hình của Đức Giêsu, cho dầu đã sống lại vinh hiển, sẽ không còn là cần thiết nữa. Người có thể yên tâm mà về trời, và còn nên về sớm hơn nữa là đàng khác, với điều kiện làm sao các môn đệ của Người nắm bắt được đời sống, sự chết và phục sinh của Người đích thị là Tin Mừng: Tin Mừng cho mọi người và cho từng người. Chỉ lúc đó, vâng! chỉ lúc đó, ta mới có thể như các Tông Đồ ‘ra đi rao giảng khắp nơi’. Như vậy thì sứ điệp chính mà Lời Chúa muốn gởi tới chúng ta hôm nay lại không chỉ là tưởng nhớ tới biến cố ‘Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa’, mà là một yêu cầu gửi tới mỗi người: hãy làm một cuộc tổng kiểm tra về những gì ta đã cử hành trong suốt hai tháng qua kể từ đầu Mùa Chay; đối với tôi, những cử hành trong suốt thời gian qua có phải thật sự là Tin Mừng hay không? Cuộc tổng kiểm tra này càng cần thiết hơn nữa vì nó đồng thời cho phép ta nghiệm ra một điều nữa đó là, trong tư cách Kitô hữu, ta cần không ngừng gia tăng ý thức về sự hiện diện của ‘Thần Chân Lý’ nơi chính mình, để sống với Người cách sâu xa hơn, để nhờ Người và trong Người, sức mạnh Tin Mừng sẽ càng tác động tích cực trong thời gian tới của niên lịch phụng vụ (mùa Hiện Xuống).

Chính vì ý thức được Tin Mừng với sức mạnh vô địch của nó, mà ta mới ngộ ra ‘những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin’ mà Đức Kitô hứa hẹn. Những liệt kê mà Đức Giêsu nêu lên, thực ra cũng chẳng có gì là mới lạ, là bất thường cho lắm nếu so với sức mạnh của Tin Mừng. ‘Trừ được quỉ’ đâu có bằng hoàn lại sức sống tình yêu của Thiên Chúa cho nhiều tâm hồn, ‘nói được những tiếng mới lạ’ chẳng qua là nhìn nhận Lời Thiên Chúa chính là Lời tình yêu và từ nhân, tha thứ và không hề luận phạt, ‘cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc thì cũng chẳng sao’ đâu có thể so sánh được với can đảm liều lĩnh gánh vác những công việc mà tự nhiên không ai thèm làm hoặc dám làm, ‘đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe’ chỉ là cách nói khác để diễn tả sức mạnh vô địch mà lòng từ nhân cứu vớt của các tín hữu có thể thi thố với những kẻ yếu hèn tội lỗi nhất. Vài dấu lạ được liệt kê, cho dầu có gây đôi chút ấn tượng, thì cũng chỉ là vài nét chấm phá của một nội dung vô cùng phong phú Tin Mừng chứa đựng! Hãy nhớ rằng: tất cả các điều này, kể cả sức mạnh vô địch của Tin Mừng, mỗi chúng ta đều đang thủ đắc và tận hưởng, dựa vào ơn gọi Kitô hữu ta đã lãnh nhận. Trong Thánh Thần, ta đã đón nhận Tin Mừng Đức Kitô Giêsu – Tin Mừng ‘Thiên Chúa hết lòng yêu thương thế gian’. Và một khi đã sở đắc được niềm tin này, thì dù Chúa có hiện ra hữu hình hay ẩn mình vô hình, dù có được tận mắt chứng kiến phép lạ mặt trời quay cuồng như dân chúng tại Fatima năm nào hay chỉ âm thầm sống tin yêu trong tăm tối như Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta… thì cũng không mấy quan trọng. Sự lạ thì vẫn là sự lạ…! nhưng chỉ tác động được ta từ bên ngoài và nhất thời mà thôi; chỉ có Tin Mừng mới có sức thúc đẩy ta ‘đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo’. Mẹ Têrêxa đã không ngừng loan báo Tin Mừng cho những người hấp hối khốn khổ nhất của thành phố Calcutta bằng những phục vụ âm thầm… chỉ vì Mẹ luôn thâm tín rằng: ‘Chúa thương yêu tôi không phải vì tôi tốt lành, nhưng tôi cố gắng trở nên tốt lành hơn vì biết rằng Chúa hằng yêu thương tôi!’

Phải! chỉ duy những ai thấu hiểu được Tin Mừng tình yêu, mới có thể lên đường loan báo Tin Mừng cho muôn dân, bằng nhiều phương tiện và qua nhiều cách thức rất khác nhau.

Lạy Chúa, nếu trước khi về trời Chúa ban cho con một điều ước, thì con sẽ ước gì đây? Con sẽ ước được thấy Chúa hiện ra hữu hình chăng, ước được khôn ngoan lợi khẩu chăng, ước làm được phép lạ hay làm các việc phi thường chăng? Không! điều ước duy nhất của con sẽ là: được ở lại sâu hơn trong tình thương của Chúa; được thấu hiểu sâu hơn Tin Mừng Chúa yêu thương. Xin hãy đổ tràn Thánh Thần Tình Yêu vào tâm hồn con để, vì thâm tín rằng mình được Thiên Chúa yêu thương, con sẽ hăng say lên đường loan truyền Tin Mừng tình yêu cho mọi người. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

Chúa Giêsu Hoàn Thành Sứ Mạng và Về Trời

Con người khi đối diện với khó khăn vượt quá sức mình thường tìm đến thần linh. Thần linh như một cứu cánh để giúp con người vượt qua phong ba. Thế nên theo dòng lịch sử rất nhiều những câu chuyện huyền thoại được dựng nên kể về những vị thần dạy người ta trồng trọt, chống lại thiên nhiên, chống lại sự dữ, và sau khi hoàn thành sứ mệnh họ bay về trời.

Ở Việt Nam không ai mà không biết đến câu chuyện về Thánh Gióng. Truyện Thánh Gióng được kể rằng: “Cậu bé Gióng được sinh ra do một lần người mẹ nghèo làng Gióng ra đồng, thấy vết chân to lớn lạ thường nên ướm thử, không ngờ về nhà thụ thai. Mười hai tháng sau, bà sinh một bé trai khôi ngô tuấn tú, nhưng thật kỳ lạ là lên ba mà cậu bé vẫn chẳng biết nói, biết cười. Lúc bấy giờ, giặc Ân đang xâm lấn nước ta. Thế giặc mạnh nên vua rất lo, truyền cho sứ giả đi khắp nơi tìm kiếm người tài cứu nước. Cậu bé nghe thấy tiếng loa, liền cất tiếng nhờ mẹ mời sứ giả tới nhà. Gặp sứ giả, cậu bé bảo: “Ông về tâu vua sắm ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt, ta sẽ đánh tan lũ giặc này”. Được lời, sứ giả vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ vội về bẩm báo với nhà vua.

Chuyện càng lạ hơn nữa khi từ hôm gặp sứ giả, cậu bé lớn nhanh như thổi, cơm ăn bao nhiêu cũng chẳng no, áo vừa may xong đã căng đứt chỉ. Mẹ cậu bé phải nhờ đến sự giúp đỡ của bà con trong làng thì mới lo đủ cho cậu. Khi giặc Ân đến chân núi Châu Sơn (Tiên Du, Bắc Ninh) thì cũng là lúc sứ giả đem kiếm, áo giáp và ngựa tới cho cậu bé. Cậu bé vươn vai thoắt biến thành một tráng sỹ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Tráng sỹ mặc giáp, cầm kiếm và nhảy lên mình ngựa. Ngựa sắt bỗng chuyển động, miệng hý vang. Tráng sỹ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác. Roi sắt gẫy, tráng sỹ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc.

Sau khi diệt giặt Ân, Gióng bay đến chân núi Sóc Sơn, cởi giáp, bỏ kiếm, rồi cả người và ngựa cùng thăng thiên. Từ đó dân gian mới có câu:

… Làng Phù Đổng có một người
Sinh ra chẳng nói, chẳng cười trơ trơ
Những ngờ oan trái bao giờ
Nào hay thần tướng đợi chờ phong vân…”.

Hôm nay chúng ta mừng kỷ niệm ngày Chúa Giêsu vinh thăng về Trời sau khi hoàn thành sứ mạng cứu độ trần gian. Đây không phải là một huyền thoại được dựng nên để thỏa mãn lòng người, mà là một sự kiện lịch sử. Một sự kiện xảy ra cách đây hơn 2000 năm đã được biết bao thế hệ tiếp nối nhau làm chứng và loan truyền. Giáo Hội luôn loan tin rằng Chúa Giêsu sau khi hoàn tất việc cứu độ trần gian, Ngài đã được đưa lên trời trước sự chứng giám của các môn đệ. Ngài vinh thăng về trời như một cuộc khải hoàn sau cuộc chiến thắng diệu kỳ là đánh bại sự chết, để từ nay con người không còn chết nữa mà cái chết sẽ mở ra một sự phục sinh trong vinh quang với Đức Giêsu.

Sứ điệp Chúa về Trời là lời khẳng định cho chúng ta về một cõi thiên đường. Một thiên đường có Thiên Chúa sẽ làm no thỏa mọi hạnh phúc cho con người. Một Quê Trời nơi đó con người sống thanh thoát khỏi những nhu cầu vật chất nên sẽ không còn bon chen, tranh giành, đầy đọa lẫn nhau. Một thiên đường hạnh phúc không phải một ngày mà là hạnh phúc miên trường.

Nhưng để về Trời thì con người con người phải biết hoàn thành sứ mạng trần gian là làm chứng cho Chúa. Làm chứng bằng lời nói luôn nói về Chúa và về tin mừng cho anh em. Làm chứng bằng việc dựng xây thiên đường hạ giới ngập tràn tình yêu. Làm chứng bằng đời sống chọn Chúa , chọn giá trị Nước Trời hơn là những vinh hoa phú quý trần. Dẫu chúng ta đang sống trong một xã hội đề cao đồng tiền đến nỗi bán rẻ nhân phẩm của mình, thì người tín hữu phải sống sao cho nhân loại thấy còn một nhu cầu cao quý hơn vật chất chính là tìm kiếm Nước Trời.

Ước mong cho mỗi người chúng ta được hưởng hạnh phúc thiên đường tại thế khi người người biết yêu thương nhau. Xin cho chúng ta biết xây dựng thiên đường hạ giới bằng yêu thương và phục vụ tha nhân như Chúa Giê-su đã sống và phục vụ. Đó cũng là phương thế đạt được hạnh phúc miên trường mai sau trong Nước Chúa. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Chúa Đi Dọn Chỗ Cho Chúng Ta

Hôm nay, cùng với toàn thể Hội thánh Chúa trên khắp hoàn cầu, chúng ta hân hoan mừng Chúa Giêsu lên trời vinh hiển. Sự kiện Chúa lên trời chứng tỏ cho chúng ta biết trần gian chỉ là quán trọ còn quê thật của chúng ta ở trên thiên quốc.

Chúa Giêsu lên trời để dọn chỗ cho chúng ta như lời Ngài nói: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em. … và Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 3).

Chết là bước vào đời sống mới
Có người cho rằng: Chết là hết, không có sự sống đời sau, không còn gì hết.
Tuy nhiên, theo giáo huấn của Hội thánh Công giáo: Chết không phải là chấm dứt nhưng là bắt đầu một cuộc sống mới.

Đời này và đời sau là hai giai đoạn của một cuộc sống
Hôm nay, con lăng quăng ngo ngoe trong vũng nước, nhưng mai đây nó sẽ hoá thành muỗi, giã từ vũng nước và bay sang môi trường khác.

Hôm nay, con sâu còn nằm yên trong tổ kén; mai đây, nó hoá bướm bay lượn đó đây.
Hôm nay, hạt lúa bị chôn vùi trong bùn đất, tưởng sẽ mục nát đi, ai ngờ mấy tháng sau nó hoá thành bụi lúa sum suê mang nhiều bông hạt…

Con lăng quăng mạt hạng kia, con sâu tí ti hèn hạ kia hay hạt lúa bé nhỏ kia… còn có đời này và đời sau, không lẽ con người là tác phẩm tuyệt vời được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Ngài lại chỉ có đời này mà chẳng có đời sau?

Thực ra, hôm nay, con người ở trọ trên mặt đất, nhưng mai đây sẽ từ giã nhà trọ trần gian để bước vào một thế giới khác.
Như thế, chết không phải là bị tiêu diệt, nhưng là biến đổi. Thánh Phaolô viết:“Chúng ta sẽ không chết, nhưng hết thảy chúng ta sẽ được biến đổi… vì chưng cái hư hoại này sẽ mặc lấy bất hoại, đồ chết dở này sẽ mặc lấy trường sinh bất tử” (I Cor 15, 51. 53).

Chúa Giêsu dạy có sự sống đời sau
Khi những người thuộc phái Xa-đốc đến chất vấn Chúa Giêsu về cuộc sống đời sau, Chúa Giêsu khẳng định là có. Ngài dạy rằng có “những người được xét là đáng được hưởng phúc đời sau thì không còn chết nữa. Họ giống như các thiên thần” (Lc 20, 36).

Trong dụ ngôn về ngày phán xét cuối cùng, Đức Giêsu cũng tỏ cho thấy kẻ dữ thì “phải ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25,46). Như thế, Chúa Giêsu khẳng định không những có cuộc sống đời sau mà còn cho biết cuộc sống đó sẽ kéo dài “muôn đời muôn kiếp.”

Ngoài ra, Chúa Giêsu còn báo cho ta biết có sự sống đời sau khi đoan hứa rằng: “Anh em hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở… Thầy đi dọn chỗ cho anh em. … và Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 1-2).
Ngoài những lời dạy của mình, Chúa Giêsu còn lấy cả cuộc đời của Ngài để minh chứng có cuộc sống đời sau.

Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu chứng tỏ có sự sống đời sau
Sở dĩ Chúa Giêsu nộp mình chịu khổ nạn, chịu chết trên thập giá cách đau thương tủi nhục là để đền tội và chết thay cho muôn dân, nhờ đó nhiều người được hưởng hạnh phúc mai sau trên thiên đàng.

Nếu không có cuộc sống đời sau, không có thiên đàng, hoả ngục, con người chết rồi là hết, và sau khi chết, ai cũng chỉ còn là tro bụi như ai… thì cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu là hoàn toàn vô ích; cái chết đau thương của Chúa Giêsu trên thập giá chẳng mang lại lợi ích gì cho bất cứ ai. Chẳng lẽ Ngôi Hai Thiên Chúa lại chịu khổ nạn và chịu chết cách vô ích sao?

Chính vì để mang lại cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu đời sau cho muôn người, Chúa Giêsu đã không ngại nộp mình chịu chết để cứu muôn người được sống. Điều nầy chứng tỏ cuộc sống mai sau hoàn toàn có thực.

Lạy Chúa Giêsu. Chúa lên trời là để dọn chỗ cho chúng con, để bày tỏ cho chúng con biết đời này chỉ là quán trọ và đời sau mới là chốn định cư muôn thuở muôn đời.
Xin cho chúng con luôn bước theo đường lối Chúa, tức là sống theo lệnh Chúa truyền, nhất là tuân giữ cho trọn luật yêu thương, để mai đây được đoàn tụ vĩnh viễn với Chúa trên thiên quốc.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Đường Nhân Chứng
CN VII PS-B – Chúa Thăng Thiên
(Mc 16, 15 – 20)

Ngước nhìn bóng Chúa đã thăng thiên

Xao xuyến hồn con nhận lệnh truyền

Ánh Sáng Phục Sinh soi khắp chốn

Tin Mừng Sự Sống rắc muôn miền

Khổ đau chẳng nản lòng nhân chứng

Gian khó không sờn chí bạn hiền

Thần Khí sáng soi đường chính nghĩa,

Đồng hành có Chúa bước trung kiên.

Hạt Nắng

Nước Trời Hôm Nay
CN VII PS-B – Chúa Thăng Thiên
(Mc 16, 15 – 20)

Phút chia tay bùi ngùi nhung nhớ,
Thầy lên trời rạng rỡ oai phong.
Niềm vui chan chứa ngập lòng,
chương trình cứu độ tình nồng Thầy trao.

Đi tứ phương truyền rao Chân Lý,
lời Tin Mừng cao quý vô biên.
Thôi thúc cấp bách triền miên,
để nhân loại biết Cha hiền yêu thương.

Bao sóng gió trên đường nhân chứng,
lòng tin yêu chịu đựng gian lao.
Hồng ân Thần Khí tuôn trào,
đỡ nâng vượt thắng ba đào thế gian.

Đường nhân chứng gian nan thử thách,
chẳng sờn lòng trọng trách kiên trung.
Có Thầy sánh bước theo cùng,
tình yêu thập giá tương phùng nở hoa.

Niềm hạnh phúc Nhà Cha thiên quốc,
mở chân trời mộng ước tương lai.
Yêu thương dâng hiến từng ngày,
trần gian nơi chốn Cha sai vào đời.

Dựng xây hạnh phúc Nước Trời,
giữa bao nghịch cảnh giòng đời hôm nay.
Tha nhân nối kết vòng tay …

Bâng Khuâng Chiều Tím

Hoan Ca Đời Nhân Chứng
CN VII PS-B – Chúa Thăng Thiên – (Mc 16, 15 – 20)

Nhìn ngắm Chúa về trời,
giữa ngàn mây sáng trong tuyệt vời.
Cho con niềm tin yêu,
tình vô biên Quê Trời hạnh phúc.
Cho con niềm nao nức,
đường tình yêu nở rộ ngàn hoa.
Sáng mãi Tình Yêu Cha,
mong đợi trần gian xum họp một nhà.

Con tuân giữ lệnh truyền,
đường trần gian, rắc gieo Tin Mừng.
Son sắt lòng thủy chung
dù khổ đau, không hề nao núng.
Trung kiên đời nhân chứng,
lòng hân hoan sứ mệnh chuyển giao.
Giữa sóng xô ba đào,
vượt thắng cám dỗ, sống đời thanh cao.

Chúa về trời, nâng con lên, lên hàng khanh tướng,
Chúa về trời, sai con đi, đi làm nhân chứng.
Đi giữa cuộc đời, gieo niềm tin yêu,
đến với mọi người, gieo niềm hy vọng,
loan báo Tin Mừng – Thiên Chúa yêu thương loài người.

Tin yêu bước vào đời,
tình yêu thương thế nhân gọi mời.
Thanh thoát, vượt biển khơi,
lộc trần gian, kiên cường vượt thắng.
Thanh cao, hồn trong trắng,
nồng men yêu, muối mặn trần gian.
Thần Khí ơn tuôn tràn,
mạnh sức chiến thắng sóng đời nguy nan.

M. Madalena Hoa Ngâu
Chúa Về Trời – Con Vào Đời
CN VII PS-B – Chúa Thăng Thiên
(Mc 16, 15 – 20)

Ngước trông theo, áng mây xanh… đưa Chúa lên trời,
bước tin yêu, giữ lệnh truyền …Tin Mừng đến khắp mọi nơi.
Hạnh phúc vô biên … là con cái Chúa Trời,
hy vọng rạng ngời …đưa con người lên hàng thần thánh.

Khốn cho tôi, nếu tôi không … loan báo Tin Mừng,(*)
khốn cho tôi, nếu Tin Mừng …. không là lẽ sống đời tôi.
Thập giá trung kiên … gieo gương sáng cho người,
men muối giữa đời … đem tình yêu nối kết đất trời.

Chúa về trời – con vào đời,
bước chân – gieo mầm chân lý,
trái tim – tình yêu cứu độ,
gieo giữa lòng đời – Tin Mừng – Sự Sống.
Chúa về trời – con bước vào đời,
có Thần Chân Lý sáng soi,
có quyền năng Chúa đồng hành,
sóng gió vây quanh – vững bước trung thành.

Trái tim yêu, đến muôn phương … gieo rắc Tin Mừng,
Sống yêu thương, quên thân mình … dẫu ngàn bão tố trùng khơi.
Đến với tha nhân …. lòng nhân ái gọi mời,
thập giá đường đời … nên tình yêu hiến tế Chúa Trời.

– (*) Lời Thánh PhaoLô: 1Cr 9, 16

Nắng Sài Gòn

Bài Ca Nhân Chứng
CN VII PS.B – Chúa Thăng Thiên
(Mc 16, 15 – 20)

Chúa đặt con giữa lòng trần thế,
sai con đi bốn bể năm châu.
Rao truyền chân lý nhiệm mầu,
chung tay đoàn kết bắc cầu yêu thương.

Yêu trần gian dặm trường gian khổ,
gieo Tin Mừng cứu độ nhân sinh.
Dựng xây cuộc sống chân tình,
trần gian đổi mới thắm xinh cuộc đời.

Hướng lòng người quê trời vinh phúc,
nơi không còn khổ nhục buồn đau.
Không còn trói chặt tủi sầu,
khung trời hạnh phúc thâm sâu ân tình.

Niềm hy vọng, hành trình giải thoát,
Hồn tha nhân thanh thoát vươn cao.
Vượt qua số phận lao đao,
nâng cao địa vị bước vào thần thiêng.

Vui nhiệm vụ thiêng liêng trần thế,
không viễn vông, chiếu lệ, thoảng trôi.
Yêu thương sống giữa cuộc đời,
con người vươn tới nước trời tình yêu.

Chia tay Chúa nhắn đôi điều,
loan truyền chân lý cao siêu nước trời.
Tình yêu nhân chứng giữa đời!

AP. Mặc Trầm Cung