SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 576, CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – B, 18/03/2018

5MCB3“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 12, 20-33)

Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu”. Philip-phê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh.
Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”.
Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Đám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Hạt Lúa Mục Nát ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Giờ Con Người Được Tôn Vinh Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Mẹ Lạnh Lắm Phải Không? Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Trao Ban Là Nhận Lãnh Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 7
THƠ TIN MỪNG
Đăng Quang Hạt Nắng Trg 9
Tình Yêu Thập Giá Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 10
Vinh Quang Thập Giá M. Madalena Hoa Ngâu Trg 11
Hạt Lúa Thần Linh Nắng Sài Gòn Trg 12
Thách Đố AP. Mặc Trầm Cung Trg 13
Hạt Lúa Mục Nát
Mùa Xuân năm ấy, có hai hạt giống nằm cạnh nhau trong thửa đất màu mỡ. Hạt giống thứ nhất hăng hái nói: “Tôi muốn mọc lên! Tôi muốn cắm rễ sâu xuống lòng đất, và đâm chồi xuyên qua lớp đất cứng bên trên. Tôi muốn vươn lên những búp non mơn mởn như những lá cờ loan báo mùa xuân đã đến… Tôi muốn cảm nhận hơi ấm của mặt trời mơn man trên mặt và hơi nước mát lạnh của sương mai trên những cánh hoa”. Và nó đã mọc lên xanh tốt. Hạt giống thứ hai tự nhủ: “Mình sợ lắm! Nếu cắm rễ xuống đất, mình chẳng biết sẽ gặp gì trong lòng đất tối tăm. Nếu mình tìm đường xuyên qua lớp đất cứng bên trên, biết đâu những chồi non yếu ớt của mình sẽ bị thương tổn… Làm sao mình có thể cho búp non xòe lá khi một chú sâu đang chờ sẵn để xơi tái đọt lá xanh non? Và nếu mình nở hoa, một em bé có thể nhổ đứt mình lên! Không, tốt hơn mình nên đợi cho đến lúc an toàn hơn”. Và nó tiếp tục đợi chờ… Một sáng đầu xuân, cô gà mái bới đất kiếm ăn đã thấy hạt giống đang nằm chờ đợi. Cô chẳng đợi gì mà không mổ lấy, nuốt ngay.
Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này đúng với đời sống cây cỏ. Muốn có thóc lúa trong mùa gặt, ta phải ném hết lúa giống xuống ruộng trong mùa gieo. Muốn có rau xanh trong bữa ăn, ta phải đổ hết hạt giống xuống vườn. Cứ khư khư hạt giống trong kho, ta sẽ chẳng có rau, cũng chẳng có thóc. Hạt giống gieo xuống cứ nằm trơ trơ trên mặt đất sẽ chẳng ích lợi gì. Nó phải chịu vùi sâu trong lòng đất, hút lấy nước, tắm trong phân bón, mục nát đi thì mới mọc lên thành cây mới, sinh nhiều hoa quả.
Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này đúng đối với đời sống tự nhiên của con người. Mục nát ở đây có nghĩa là phải chịu vất vả khó nhọc. Người nông dân muốn có một mùa gặt bội thu, phải thức khuya dậy sớm, dầm mưa dãi nắng chăm chỉ cầy bừa. Người học sinh muốn đỗ đạt vinh quang, phải từ bỏ những giờ vui chơi với bạn bè, đêm đêm chong đèn miệt mài kinh sử.

Mục nát ở đây cũng có nghĩa là phải chịu đau đớn với những từ bỏ. Bào thai muốn phát triển thành một con người, phải từ bỏ lòng mẹ nơi nó được cưu mang an toàn. Em bé muốn nên người phải từ bỏ cha mẹ và những người thân để vào trường học tập. Học sinh muốn phát triển cao phải từ bỏ trường làng đầy kỷ niệm đẹp tuổi thơ để ra tỉnh, lên đại học. Thanh niên thiếu nữ đến tuổi trưởng thành cũng phải từ bỏ cha mẹ, từ bỏ mái ấm gia đình để sống tự lập trong đời sống tu trì hoặc trong đời sống hôn nhân. Đời sống con người là một chuỗi dài những từ bỏ. Từ bỏ nào cũng gây đớn đau. Nhưng chính nhờ những từ bỏ đau đớn ấy mà người ta lớn lên thành người. Chính nhờ những từ bỏ ấy mà gia đình và xã hội luôn phát triển. Chính nhờ những từ bỏ ấy mà cuộc sống trở nên tươi đẹp, phong phú và ý nghĩa hơn.
Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này tuyệt đối đúng với đời sống thiêng liêng. Mục nát đi trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là chết cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình.
Chết cho tội lỗi là dứt lìa những dục vọng đam mê trái luật Chúa. Chết cho tội lỗi là quyết tâm lánh xa những con người. Những đồ vật, những nơi chốn lôi kéo ta phạm tội. Những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy như gắn chặt vào ta, như là một phần đời sống của ta. Dứt bỏ những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy khiến ta đau đớn như chết đi một phần đời mình. Đó là những mất mát to lớn. Nhưng nếu ta chấp nhận những “cái mất” hiện tại, ta sẽ có những “cái được” trong tương lại. Nếu ta dám chấp nhận những “cái mất” chóng qua, ta sẽ có những “cái được” vĩnh cửu.
Đời sống thiêng liêng hệ tại việc kết hợp với Chúa. Ta chỉ kết hợp trọn vẹn với Chúa khi ta từ bỏ ý riêng mình để làm theo ý Chúa. từ bỏ ý riêng nhiều khi là một cuộc chiến đấu khốc liệt với chính bản thân mình. Hãy nhìn Đức Giêsu trong vườn Giệtsimani. Cuộc chiến đấu từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha khiến Người đau đớn đến đổ mồ hôi máu ra. Nhưng chính nhờ từ bỏ ý riêng mà ta trở nên con yêu dấu của Chúa. Chính nhờ làm theo ý Chúa mà ta trổ sinh hoa trái. Từ bỏ bản thân, ta đi đến đích điểm đời mình là được kết hiệp với Chúa. Bấy giờ ta có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là chính Chúa sống trong tôi”. Ta chịu mất bản thân mình để được chính Chúa. Ta chịu mất điều tầm thường để được điều cao cả. Ta chịu mất trần gian để được thiên đàng.
“Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng, chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống đã âm thầm chịu nát tan, để trao cho đời cây lúa trĩu hạt. Có bao điều tốt đẹp chúng con được hưởng hôm nay, là do sự hy sinh quên mình của người đi trước, của các nhà nghiên cứu, của các người rao giảng, của ông bà, cha mẹ, thầy cô, của những người đã nằm xuống cho quê hương dân tộc. Đã có những người sống như hạt lúa, để từ cái chết của họ vọt lên sự sống cho tha nhân. Nhờ công lao của bao người, chúng con được làm hạt lúa. Xin cho chúng con đừng tự khép mình trong lớp vỏ để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình, nhưng dám đi ra để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ. Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày. Để chọn tha nhân và Thiên Chúa, chúng con phải chết cho chính mình. Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm Vượt Qua đi từ cõi chết đến nguồn sống, đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở trước Đấng Tuyệt đối và tha nhân. Amen. (Manna 85).
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Con người chỉ lớn lên khi từ bỏ. Đứa bé rời khỏi bụng mẹ để chào đời. Đôi bạn trẻ rời nhà để lập một tổ ấm mới. Con người rời bỏ cuộc sống này để vào nơi vĩnh cửu. Đối với bạn, sự từ bỏ nào khó hơn cả.
2. Hạt giống phải mục nát mới trổ sinh bông hạt. Bạn hiểu điều này thế nào trong đời sống cây có?
3. Hạt giống phải mục nát mới trổ sinh bông hạt. Bạn hiểu điều này thế nào trong đời sống thiêng liêng?
4. Chúa Giêsu đã là hạt giống chịu mục nát đi. Bạn hiểu điều này thế nào?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Giờ Con Người Được Tôn Vinh

‘Ad Magiorem Dei Gloriam’ là khẩu hiệu được nhiều dòng tu lựa chọn cho mình; tuy nhiên ‘vinh quang Thiên Chúa – Gloria Dei’ hệ tại ở điều gì, và khi nào thì Thiên Chúa thật sự được tôn vinh, thì vẫn còn là điều cần minh định! Không ít lần ta được nghe giải thích: giờ phút vinh quang của Đức Giêsu chính là khi Người phục sinh vinh hiển. Người ta thường chú giải câu “nếu chết đi, hạt lúa mới sinh được nhiều hạt khác” như sau: ‘Chúa Giêsu để di thể của Người chôn vùi trong lòng đất, để khi ra khỏi mồ, chính thân thể đã được vinh quang ấy sẽ là tụ điểm của tất cả mọi người tín hữu (lời bình giải Ga 12:24 trong ‘Christian Community Bible’). Chúng ta quá quen thuộc với câu nói thường được nhắc đi nhắc lại: ‘Qua Thập Giá tới vinh quang – Per Crucen ad lucem’. Câu nói đó hàm ý: cái chết của Đức Kitô trên thập giá chỉ là phương tiện trung gian, là con đường đưa tới vinh quang mà thôi, còn tự nó chẳng vinh quang chút nào, vì toàn là đau đớn nhuốc khổ! Nói như thế quả là hợp lý theo lối nhìn nhân loại, tuy nhiên hình như đó không phải là điều Đức Giêsu đã xác quyết. Đọc kỹ một chút Tin Mừng Gioan chương 12 ta nhận ra ngay: Đức Giêsu công khai khảng định: chính Thập Giá, khi Con Người được ‘giương cao lên khỏi đất… là lúc ngài được tôn vinh’.

Tại sao thời điểm chịu chết lại là giờ phút Con Người được tôn vinh? Cứ theo thói tự nhiên thì không có cách nào lý giải được hết, bởi vì “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến! Lạy Cha xin cứu con khỏi giờ này!” Trong tư cách người phàm, Đức Giêsu cũng đã quằn quoại trước giờ tử nạn, và các Thánh Sử đã không hề muốn che đậy điều này: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mc 14:34); ‘Lòng xao xuyến bồi hồi… Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất’ (Lc 22:44). Thế thì vì lẽ nào cái giờ phút kinh hoàng tột độ đó, khi mà chính Người còn mong trốn thoát, lại có thể được Người gọi là đỉnh điểm (kairos) ‘được tôn vinh’? Và không chỉ tôn vinh riêng Người, mà còn là giờ phút cả Thiên Chúa Cha cũng được tôn vinh nữa, ‘Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha… Bấy giờ có tiếng phán từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa”.

Có thể ai đó trong chúng ta cho rằng: đó chỉ là một kiểu nói, một lối diễn tả bóng bảy. Tuy nhiên tác giả Gioan lồng tuyên bố mang tính mạc khải này vào trong một khung cảnh trang trọng hiếm thấy: một số người Hy Lạp yêu cầu được gặp Đức Giêsu qua trung gian các môn đệ Philípphê và Anrê; họ chân thành muốn tìm hiểu về Thầy Giêsu, nhân vật được họ nể phục. Câu tuyên bố họ nhận được sau đó quả là một cú sốc, nhưng sau này sẽ được Phaolô nhận xét: “… người Hy-lạp tìm kiếm lẽ không ngoan… sẽ cho là điên rồ”; và rồi cũng chính Phaolô mạnh dạn khẳng định thêm: “Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng Kitô chịu đóng đinh ấy, chính là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa…” (1 Cr 1:23-24)

Như vậy Kitô hữu chân chính sẽ không phải là người lên tiếng khẳng định ‘per Crucem ad lucem’; trong niềm tin sâu xa, họ sẽ là những người có khả năng xác quyết: ‘Crux est lux – Thập giá mới thật là vinh quang’. Như môn đệ Gioan, chỉ khi ngước nhìn lên Thập Giá, họ mới nhận rõ một điều: ‘Thiên Chúa là tình yêu… Chúa Cha yêu thế gian đến nỗi…’ Nơi Thập Giá mỗi Kitô hữu nhìn ra vinh quang Thiên Chúa Tình Yêu rạng ngời, “chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1:14). Gioan đã coi chứng từ Thập Giá là quan trọng hơn hết trong niềm tin của mình: “người xem thấy việc này đã làm chứng, và chứng của người ấy xác thật. và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19:35). Chưa nhận ra được vinh quang Thiên Chúa nơi Thập Giá thì cũng kể như chưa thể nói là: mình đã trọn vẹn xác tín rằng ‘Thiên Chúa là tình yêu’. Đây chính là mạc khải độc nhất vô nhị mà Đức Giêsu đã cất công đến trần gian để khai mở! Và vì thế cho nên Người gọi giờ phút Thập Giá là: ‘Kairos’, “giờ Con Người được tôn vinh… và chính vì giờ này mà con đã đến”. Giờ phút quan trọng nhất đời Đức Giêsu chính là ‘khi được giương cao lên khỏi mặt đất’ (‘ám chỉ Người phải chết cách nào’), vì chính lúc đó ‘tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi’, chứ không phải lúc sống lại ra khỏi mồ hay lên trời vinh hiển giữa các tầng mây. Như vậy niềm tin Kitô hữu trước hết và trên hết phải là niềm tin Thập Giá, trước cả niềm tin phục sinh; vì xét cho cùng, Phục Sinh cũng chỉ là Thập Giá tình yêu chiến thắng được tôn vinh; “Ave Crux Gloria!”

Tôi cử hành Vinh Quang Thập Giá ra sao trong mỗi Thánh Lễ để, cho riêng cá nhân tôi, Thánh Lễ sẽ trở thành một lời ca tụng và cảm tạ vinh quang đích thực mà Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu đã mạc khải cho tôi được biết: ‘Thiên Chúa là tình yêu’?

Lạy Đức Giêsu bị giương cao trên thập giá, con tôn thờ Thánh Giá Chúa, con suy tôn Thiên Chúa vinh quang của tự hiến, xót thương và cứu độ. Xin cho con có khả năng luôn đọc được nơi Thập Giá Chúa chịu đóng đinh một chữ T và chữ Y sáng ngời (T là hình tượng thập giá và Y là hình tượng Giêsu chết treo trên đó), một Tinh Yêu vinh quang, vinh quang không phải cho ai khác mà là cho chính sự thấp hèn của con. Càng nhìn nhận mình tội lỗi yếu hèn, hình như con lại càng có khả năng nhận ra vinh quang sáng chói của Thập Giá. Xin gia tăng nơi con khả năng sống niềm tin Thập Giá này, bây giờ và nhất là trong giờ lâm tử. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

Mẹ Lạnh Lắm Phải Không?

Cuộc đời đẹp không phải là ở người có nhiều tiền và biết xài tiền. Cuộc đời đẹp không hẳn là ở địa vị cao sang quyền quý. Cuộc đời đẹp là dù ở cương vị nào cũng hy sinh hết mình vì tha nhân. Cho dẫu có thể hy sinh tính mạng nhưng cuộc đời họ tựa như hạt lúa chịu mục nát cho đời những bông lúa vàng ươm.
Chuyện kể rằng có một người phụ nữ lái xe đến gần chiếc cầu, chiếc xe bỗng chết máy. Bước ra khỏi xe và băng qua cầu, người phụ nữ nghe một tiếng khóc yếu ớt bên dưới. Bà chui xuống cầu để tìm. Nơi đó bà thấy một đứa bé nhỏ xíu, đói lả nhưng vẫn còn ấm, còn người mẹ đã chết cóng. Vì người mẹ đã dùng hết quần áo để quấn cho đứa trẻ. Có lẽ bà chết vì vượt cạn một mình trong đêm lạnh lẽo. Người phụ nữ đem bé về và nuôi dưỡng. Khi lớn lên, cậu bé thường hay đòi mẹ nuôi kể lại câu chuyện đã tìm thấy mình.
Vào một ngày lễ Giáng sinh, đó là sinh nhật lần thứ 12, cậu bé nhờ mẹ nuôi đưa đến mộ người mẹ tội nghiệp. Khi đến nơi, cậu bé bảo mẹ nuôi đợi ở xa trong lúc cậu cầu nguyện. Cậu bé đứng cạnh ngôi mộ, cúi đầu và khóc. Thế rồi cậu bắt đầu cởi quần áo. Bà mẹ nuôi đứng nhìn sững sờ khi cậu bé lần lượt cởi bỏ tất cả và đặt lên mộ mẹ mình.
“Chắc là cậu sẽ không cởi bỏ tất cả – bà mẹ nuôi nghĩ – cậu sẽ lạnh cóng!” Song cậu bé đã tháo bỏ tất cả và đứng run rẩy. Bà mẹ nuôi đi đến bên cạnh và bảo cậu bé mặc đồ trở lại. Bà nghe cậu bé gọi người mẹ mà cậu chưa bao giờ biết: “Mẹ đã lạnh hơn con lúc này, phải không mẹ?” Và cậu bé oà khóc: “Mẹ lạnh lắm phải không””
Cái chết của người mẹ là cái chết đẹp. Một cái chết trở thành bất tử như lời Chúa Giêsu từng nói: “kẻ nào giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai chịu từ bỏ cuối cùng sẽ được lại”. Chính Chúa Giêsu đã sống điều đó. Ngài đã đi qua đau khổ để tiến tới vinh quang. Ngài đã trở nên bất diệt khi Ngài trở thành hạt lúa chịu nghiền nát để trổ sinh muôn vàn bông lúa. Ngài đã trở nên vĩ đại khi Ngài dám chết vì bạn hữu.
Thực vậy, người vĩ đại trong cuộc đời chúng ta không phải là những người nổi tiếng, không phải là các ngôi sao điện ảnh hay ca nhạc mà là chính những người đang hy sinh vì chúng ta. Họ là những người cha “chân lấm tay bùn” đang đổ mồ hôi nơi nương đồng, đang miệt mài nơi công trường. Họ là những người mẹ đang lặn lội ngược xuôi nơi bến chợ, đang hao gầy vì đàn con. Họ là những người anh, người chị đang bôn ba đó đây để bòn nhặt từng đồng tiền để phụ giúp gia đình. Đó là những con người cao cả, là những hạt lúa miến đang chịu nghiền nát vì tha nhân để trở thành tấm bánh cho anh em. Đó là những con người dám quên đi niềm vui riêng của bản thân để lo cái lo của đồng loại, để sống có ích cho tha nhân.
Nhưng thật đáng tiếc! Ý niệm phục vụ tha nhân. Ý niệm sống vì người khác đang mất dần trong thế giới hôm nay. Người ta đang lo cho bản thân. Người ta đang chạy theo danh lợi thú để thoả mãn nhu cầu của chính mình. Có mấy ai dám quên mình để sống cho thân nhân? Có mấy ai chịu nghiền nát đời mình để đem lại niềm vui cho tha nhân?
Thiết tưởng, mùa chay là mùa mời gọi chúng ta hãy sống cao đẹp hơn. Hãy hy sinh niềm vui cùng những đam mê sở thích của mình để đem lại hạnh phúc cho những người chúng ta yêu mến. Thiết tưởng mùa chay là mùa mời gọi chúng ta hãy sống đúng với phẩm giá làm người của mình là biết sống vì hạnh phúc tha nhân. Chúa đã tạo dựng Eva vì niềm vui của Adam. Chúa cũng tạo dựng chúng ta vì niềm vui của thân nhân. Xin Chúa là Đấng đã chết cho người mình yêu, giúp chúng ta biết quảng đại hy sinh để kiến tạo niềm vui và hạnh phúc cho nhau. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Trao Ban Là Nhận Lãnh

Khi những hạt thóc giống được gieo xuống ruộng đồng, hạt nào bị chôn vùi trong bùn đất, bị phân huỷ đi, thì vài hôm sau sẽ nảy mầm, sẽ mọc thành cây, sẽ triển nở sum suê và đơm bông kết hạt dồi dào. Trong khi đó, những hạt rơi trên bờ ruộng, rơi trên đất cứng, vì không chịu phân huỷ như những hạt lúa dưới bùn, nên chúng không thể mọc thành cây, không thể nảy chồi đâm nhánh, không thể đơm bông kết hạt… và rốt cuộc chỉ trở thành lương thực cho chim, cho kiến…

Tiến trình sinh trưởng này được Chúa Giêsu sử dụng để dạy chúng ta bài học quý báu sau đây.
Ngài nói: “Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”
Tiếp đó, Chúa Giêsu kêu mời mọi người chấp nhận hy sinh, chấp nhận hao mòn như hạt lúa gieo vào bùn đất để thu lợi gấp trăm. Ngài nói: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12, 24-25).

Lời dạy này của Chúa Giê-su có 2 ý chính:
– “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất”
Đây là trường hợp những người chỉ biết chăm lo cho bản thân mình, mà không quan tâm phục vụ người khác. Họ như hạt lúa nằm trơ trọi trên bờ ruộng, chứ không chịu phân hủy trong bùn đất, rốt cục chỉ làm mồi cho chim, cho kiến… Và cũng như hạt lúa trơ trọi trên bờ không thể sinh hoa kết hạt được, cuộc đời họ rất cằn cỗi; Họ chẳng nhận được phúc lành của Thiên Chúa.

– “Ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”
Đây là trường hợp những người chấp nhận hy sinh, quên mình, chịu hao mòn sức khỏe, tốn công tốn sức… để phục vụ Thiên Chúa và con người; những người này giống như những hạt lúa chấp nhận được gieo vào bùn đất, tuy có bị hao mòn, mất mát… nhưng sẽ nhận được nhiều thành quả tốt đẹp, được Thiên Chúa rộng ban muôn phúc lành.

Minh hoạ sau đây giúp chúng ta hiểu rõ hơn bài học của Chúa Giêsu.
Tôi có hai cánh tay cùng thuộc về thân mình tôi nhưng mỗi cánh tay lại có một nếp sống khác, một chủ trương khác. Cánh tay trái của tôi theo chủ nghĩa vị kỷ, còn cánh tay phải theo chủ nghĩa vị tha.
Vì theo chủ nghĩa vị kỷ, luôn luôn quy về mình, nên tay trái của tôi rất ít tham gia vào công việc chung mà cứ để cho tay phải đảm đương mọi việc. Khi ăn cơm, tay trái dành cho tay phải cầm đũa. Khi viết bài, tay trái dành cho tay phải cầm bút. Khi phải quét nhà hay cầm búa đóng đinh… nó chẳng chịu tham gia mà nhường cho tay phải làm hết.

Thế là, tuy cả hai tay phải và trái đều thuộc về thân mình tôi, cùng được chăm sóc, nuôi dưỡng như nhau, nhưng vì tay trái theo thói ích kỷ, chẳng bao giờ muốn hy sinh phục vụ toàn thân, chẳng dấn thân chăm lo cho người khác, nên nó trở nên yếu đuối và thua kém trong mọi lĩnh vực. Trong khi đó, vì tay phải theo chủ nghĩa vị tha, luôn chấp nhận đảm đương mọi công việc nặng nề khó nhọc, lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh phục vụ toàn thân và phục vụ nhiều người … nên nó mạnh mẽ hơn, khéo léo hơn, tài giỏi hơn, vượt xa tay trái về mọi mặt.

Hạt lúa Giêsu tự huỷ mình và được tôn vinh
Chúa Giêsu như một “Hạt Lúa” chấp nhận tự huỷ đi. Dù Ngài là Thiên Chúa, đồng hàng với Chúa Cha nhưng Ngài đã không đòi cho được đồng hàng với Thiên Chúa Cha, trái lại Ngài đã hủy mình ra không, mang lấy thân phận giòn mỏng của kiếp người, chấp nhận chết ô nhục trên thập giá, chịu mai táng trong lòng đất… để phục vụ và cứu rỗi muôn dân. Nhờ đó, “Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ … tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Phi-líp-phê 2, 9-11).

Lạy Chúa Giêsu. Một ngọn nến phải chấp nhận tiêu hao thì mới có thể toả sáng. Một hoả tiển phải tiêu hao nhiều năng lượng mới có thể được phóng lên không gian…
Xin giúp chúng con biết khôn ngoan chấp nhận hy sinh mỗi ngày, sẵn sàng tiêu hao thời giờ, sức khoẻ, trí tuệ, nghị lực… để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người, nhờ đó cuộc đời chúng con sẽ phát triển vạn lần tươi đẹp và được vươn đến gần Chúa hơn.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Đăng Quang
CN V MC.B – (Ga 12, 20 – 33)

Giây phút Con Người được hiển vinh

Ngai Vàng Thập Giá lễ ân tình

Vinh quang Thiên Chúa ban nguồn sống

Chiến thắng tà thần tỏa phục sinh

Hạt lúa chôn vùi mầm triển nở

Nến hồng tan chảy ánh lung linh

Hồng ân cứu độ cho trần thế

Ngời sáng Tình Yêu hưởng thái bình.

Hạt Nắng

Tình Yêu Thập Giá
CN V MC.B (Ga 12, 20 – 33)

Hạt lúa giống gieo trong lòng đất,
chịu chôn vùi mục nát nảy mầm.
Đâm chồi qua mặt đất thâm,
đón sương nhận nắng âm thầm trổ sinh.

Như Hạt Giống Thần Linh Thiên Chúa,
chịu hy sinh hạt lúa nghiền tan.
Trở nên Tấm Bánh trao ban,
con đường Thập Giá vinh quang nhiệm mầu.

Tình Thiên Chúa thẳm sâu cao cả,
hủy ra không khiêm hạ giáng trần.
Mỏng dòn thân phận phàm nhân,
chết trong ô nhục xác thân điêu tàn.

Lúc giương cao Ngai Vàng tỏa sáng,,
được tôn vinh xán lạn, huyền siêu.
Muôn dân đón nhận tình yêu,
Hồng Ân Cứu Chuộc nắng chiều vươn cao.

Vinh Danh Chúa máu đào hiến tế,
Lòng Xót Thương của lễ đền bồi.
Hiệp thông nối kết đất trời,
Tình Yêu Thập Giá gọi mời hiến thân.

Chúa ơi! Con muốn dự phần …

Bâng Khuâng Chiều Tím

Vinh Quang Thập Giá
CN V MC.B – (Ga 12, 20 – 33)

Bao năm đi hoang tình yêu mù quáng,
con đâu hiểu gì về hạt giống nát tan.
Tâm tư u mê nhìn lên thập giá,
bâng khuâng ngỡ ngàng chỉ thấy toàn đau thương.

Ơn soi tâm linh nhìn lên thập giá,
con đã hiểu về một Hạt Giống Thánh linh.
Giêsu hy sinh chịu treo thập giá,
giương cao giao hòa tình đất trời đơm hoa

Vinh Quang Tình Yêu Thiên Chúa … Hạt giống chôn vùi.
Vinh Quang Tình Yêu Thiên Chúa … Hạt giống trổ sinh.
Máu đào – hiến lễ trung trinh,
Thân mình – tấm bánh hy sinh,
cứu chuộc nhân sinh, ban nguồn sự sống.

Vinh Quang Tình Yêu Thiên Chúa … Thập giá ân tình.
Vinh Quang Tình Yêu Thiên Chúa … Thập giá giương cao.
Ngai Vàng – Thiên Chúa tôn vinh,
Vương Quyền – Con Chúa uy linh,
Vinh Quang Thập Giá – Vinh Quang Tình Yêu.

Tin yêu trung trinh niềm tin thập giá,
dấn thân vào đời làm hạt giống hiến dâng.
Yêu thương tha nhân trở nên Rượu – Bánh,
hy sinh quên mình tình đất trời Phục Sinh.

M. Madalena Hoa Ngâu

Hạt Lúa Thần Linh
CN V MC.B – (Ga 12, 20 – 33)

Như hạt lúa trên đồng âm thầm chịu nát tan,
trong lòng đất đâm mầm trổ muôn vàn hạt mới.
Hạt vươn mình từng giọt sương rơi,
hạt vui đùa mặt trời buông lơi,
như tình xuân cho đời niềm vui phơi phới.

Như Tình Chúa quên mình dâng lễ vật hy sinh,
trên thập giá hiến mình quàng trong mồ an táng.
Dẫu đồng hàng tầng trời uy linh,
quyết hủy mình cứu độ nhân sinh,
Danh hiệu Ngài trổi vượt được Cha tôn vinh.

Dâng lên Ngài, thân xác con đây,
dâng lên Ngài, dâng trót tâm tư,
noi gương Ngài, hạt giống thần linh,
đồi Can-vê, năm xưa máu đào hiến tế.
Dâng lên Ngài, mạng sống con đây,
dâng lên Ngài, sở thích, ý riêng
nên ân tình, hạt giống hy sinh
sống mầu nhiệm Vượt Qua
đem nguồn sống đến cho cuộc đời.

Như hạt giống âm thầm vui chấp nhận tiêu tan,
như ngọn nến nồng nàn chịu tiêu hao, tỏa sáng.
Dẫu cuộc đời còn nhiều gian nan,
sống quên mình phục vụ tha nhân,
dâng cho đời hiến tặng tình yêu dấn thân.

Nắng Sài Gòn

Thách Đố
CN V MC.B – (Ga 12, 20 – 33)

Đồng lúa chín vàng ươm trĩu hạt,
gợn sóng cùng gió mát đong đưa.
Thương ai đón nắng nhận mưa,
chịu thương chịu khó cầy bừa gian nan.

Như hạt lúa nát tan trong đất,
nẩy mầm non trông thật oai phong.
Mầm xanh lúa trổ đòng đòng,
hạt chín vàng đồng, sự sống vươn cao.

Chịu mục nát chịu bao đau đớn,
chịu hy sinh vươn lớn thành nhân.
Bài học từ bỏ bản thân,
chết cho tội lỗi đến gần Tình Yêu.

Bỏ ý riêng xa điều gian dối,
dẹp đam mê xa lối gian tà.
Hận thù ích kỷ lánh xa,
Con đường thách đố đơm hoa giữa đời.

Đường thập tự gọi mời truyền giáo,
giọt máu hồng tử đạo nêu gương.
Tin Mừng gieo rắc tình thương,
cánh đồng truyền giáo lên đường chung tay.

AP. Mặc Trầm Cung