SUY NIỆM CÁC NGÀY TRONG TUẦN 3 MÙA CHAY

4.3.2018aTHỨ HAI
KHÔNG CHỪNG SẼ MẤT ƠN CỨU ĐỘ VÌ KIÊU NGẠO!
(Lc 4,24-30)
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
Quê hương đã trở nên máu thịt cho mỗi người. Nó chẳng khác gì tâm tư của nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở đất chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.
Với nhà thơ Đỗ Trung Quân thì:“Quê hương là chùm khế ngọt, nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Vì thế, trong dân gian, người ta không ngớt khen ngợi quê hương và tự hào: “Không nơi đâu đẹp bằng quê hương mình”; hay để nói về tình nghĩa quê hương, người ta cũng thường nhắc nhở nhau: “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.
Những tâm tình ấy cho chúng ta thấy một điều là: nơi mà mình đã từng chôn nhau cắt rốn sẽ theo ta suốt cuộc đời, và dù có đi muôn phương ngàn lối, nhưng ai cũng chỉ có một chốn để về, đó là quê hương.
Có lẽ mang trong mình tâm tình ấy, nên Đức Giêsu cũng đã trở về quê hương của Ngài, nhưng điều oái oăm thay, dân làng đã không đón nhận Ngài, ngược lại, họ tìm cách để hãm hại Ngài. Vì thế, Đức Giêsu đã nói một câu bất hủ mang tính tiên tri: “Không tiên tri nào được sùng mộ nơi quê hương”.
Thật thế, người đương thời với Đức Giêsu, họ không thể chấp nhận một con người bình dân học vụ như thế mà lại là Đấng Cứu Thế! Dưới mắt họ, Ngài chỉ là con của ông thợ mộc Giuse và bà Maria, bản thân Ngài không hơn không kém một thanh niên như mọi thanh niên khác trong làng.
Chính sự coi thường, khinh khi, nên lòng họ ra chai cứng, không còn khiêm nhường, nhạy bén để nhận ra Đấng Uy Quyền, là Chúa Tể trời đất đang ở giữa họ, vì thế, họ đã khước từ chân tính đích thực của Đức Giêsu. Thấy vậy, Đức Giêsu mặc khải cho họ biết: họ sẽ không được bằng dân ngoại, và ơn cứu độ lẽ ra đến với họ trước tiên và phong phú, nhưng khi đã từ chối thì ơn đó sẽ đến với dân ngoại.
Xuyên suốt câu chuyện Tin Mừng cho chúng ta thấy, người Dothái “thích sự thật khi sự thật tán tụng họ, nhưng họ căm ghét sự thật khi sự thật lên án họ” (thánh Augutstinô).
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết khiêm tốn nhìn nhận sự yếu hèn của mình để cần đến ơn cứu độ. Cần tránh thói hư là: “Gần Chùa gọi Bụt bằng anh”; hay “bụt nhà không thiêng”. Hãy biết tôn trọng anh chị em mình trong sự thật, đừng vì ghen ghét, hiềm khích hay sợ người anh em trổi trang hơn mình mà ra tay làm hại hay nói năng những lời nguy hại đến thanh danh tiếng tốt của họ! Làm như thế, ấy là chúng ta đang đi vào vết xe đổ của những người đồng hương với Đức Giêsu, và như một lẽ tất yếu, chúng ta sẽ mất ơn cứu độ vì không thuộc về Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết tôn trọng và yêu mến mọi người. Nhất là những người cùng sống và làm việc trên quê hương với chúng con. Amen.
THỨ BA
HÃY BIẾT “YÊU” NHƯ CHÚA
(Mt 18, 21 -35)
Có một anh bạn hỏi một người Công Giáo rằng: “Nếu để nói một câu ngắn gọn nhất nhằm tóm gọn toàn bộ giáo lý về đạo Công Giáo thì bạn sẽ nói câu nào?”; bạn trẻ công Giáo trả lời, đó là chữ: “Yêu”.
Thật vậy, chữ “yêu” là chữ cốt lõi của đạo Công Giáo. Vì yêu, Thiên Chúa dựng nên trời đất và con người. Vì yêu, Ngài đã cứu thoát họ khỏi Ai Cập, đưa về Đất Hứa. Vì yêu Thiên Chúa đã gửi các ngôn sứ đến để dạy dỗ dân. Vì yêu, Thiên Chúa đã ban Con Một của mình đến để cứu chuộc nhân loại. Đấng ấy là Đức Giêsu. Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã dạy dỗ, yêu thương, tha thứ cho kẻ thù và cuối cùng, vì yêu nên Đức Giêsu đã chết cho người mình yêu.
Hôm nay, Tin Mừng một lần nữa xác định căn cốt đó khi trình bày cuộc nói chuyện giữa Đức Giêsu và Phêrô. Khởi đi từ câu hỏi của Phêrô: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”.
Tha như thế là tha mãi, tha không giới hạn, không điểm dừng, không so đo tính toán thiệt hơn. Tha như thế là đi vào mối tương quan với Thiên Chúa là tình yêu và làm toát lên đạo mới, “đạo yêu thương”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tha thứ và tha thứ không ngừng nghỉ! Tha thứ như thế thì mới được Thiên Chúa tha thứ cho mình.
Tha thứ là một điều rất khó, nhưng nó là tuyệt đỉnh và cao quí nhất mà Đức Giêsu đã cống hiến cho con người.
Tha thứ còn là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất, bởi vì nhờ tha thứ, con người trở nên giống Thiên Chúa, vì Thiên Chúa mà Đức Giêsu mạc khải cho loài người là Thiên Chúa của tha thứ không ngừng. Thế nên, chỉ có một mình Vị Thiên Chúa tha thứ không ngừng ấy, mới có thể đòi hỏi con người: “Ta không bảo con phải tha đền bẩy lần, nhưng là đến bẩy mươi lần bẩy”, tức là tha không ngừng.
Nếu có khó khăn trong việc tha thứ, ấy là chúng ta vẫn nhìn vào sức nặng của sự xúc phạm mà đối phương đã gây ra cho ta, trong khi đó, lẽ ra chúng ta phải nhìn vào tình thương của Thiên Chúa đối với mình khi Ngài tha thứ tội lỗi cho ta.
Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa dạy chúng con hôm nay thật tuyệt vời, vì nếu chúng con không tha thứ thì làm sao chúng con được Chúa thứ tha trong khi chúng con là kẻ có tội? Xin Chúa ban cho chúng con có lòng nhân hậu như Chúa là Đấng Nhân Hậu. Biết yêu tha thiết để sẵn sàng tha thứ không ngừng nghỉ như Chúa. Amen.
THỨ TƯ
“TA ĐẾN KHÔNG PHẢI ĐỂ PHÁ HỦY MÀ LÀ KIỆN TOÀN”
(Mt 5, 17-19)
Thánh Gioan Bosco nói với các môn sinh của ngài rằng: “Hãy trung thành giữ luật, luật sẽ gìn giữ con”.
Thật vậy, lề luật nó như cái bản lề để giúp cho cánh cửa cuộc đời được đứng vững.
Chính Đức Giêsu đã trung thành giữ luật cách yêu mến và trung thành. Chỉ khi nào luật không làm cho con người tốt hơn, mà ngược lại, nó đè bẹp con người, thì lúc đó Ngài mới lên tiếng chống đối.
Hai lối hiểu và hai cách giữ luật khác nhau, nên những nhà lãnh đạo Dothái và Đức Giêsu có sự đối kháng kịch liệt. Họ cho rằng Đức Giêsu đến để bãi bỏ lề luật, còn Đức Giêsu thì khẳng định: “Các người đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ các lề luật hay các tiên tri. Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn”.
Nói cách khác, Đức Giêsu vẫn rất tôn trọng luật Cựu Ước, mà cụ thể là trong Ngũ Kinh, vì ở đó chứa đựng ý muốn và lệnh truyền của chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhiều lúc, vì họ đã giữ luật theo kiểu mặt chữ, nên không còn tình thương, lòng mến, và luật đã trở thành phương tiện cho người ta hà hiếp, bóc lột và kết án nhau.
Khi phản đối lối gán ghép tội của các Luật Sĩ và Pharisêu gây ra cho mình, Đức Giêsu khẳng định không những không phá bỏ, mà còn kiện toàn và làm cho luật trở nên nhân nghĩa hơn.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta rằng: hãy biết giữ luật trong lòng mến. Trung thành yêu mến luật, vì nơi đó Thiên Chúa tỏ bày thánh ý của Ngài. Tuy nhiên, giữa việc giữ luật và đời sống phải đi đôi với nhau. Không thể sống theo kiểu “ngôn hành bất nhất” như Luật Sĩ và Pharisêu, vì họ đã bóp méo ý nghĩa đích thực của luật và dùng nó như phương tiện nhằm triệt hạ nhau.
Lạy Chúa Giêsu, luật của Chúa nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Xin Chúa ban cho chúng con biết yêu mến và thi hành luật ấy cách trung thành trong lòng mến. Xin cho chúng con đừng vì luật mà cứng ngắc với anh chị em mình khi chúng con rơi vào tình trạng giả hình, chỉ câu nệ vào những hình thức bên ngoài mà quên đi những cái chính yếu bên trong. Amen.
THỨ NĂM
ĐỪNG “CHỤP MŨ” NHAU NHƯ THẾ!
(Lc 11, 14-23)
Có một tu sĩ đảm trách công việc mục vụ bệnh nhân Sida. Tuy nhiên, do sơ xuất, ngài đã bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này qua người bệnh trong khi chăm sóc họ. Nhưng thật trớ trêu, thay vì được mọi người nâng nỡ, khích lệ, thì họ lại bàn tán, gán ghép những chuyện không mấy tốt đẹp cho vị tu sĩ nhiệt tình vì sứ vụ này!
Đây cũng chính là căn bệnh truyền kiếp ở mọi thời, đó là, người ta không thích ai, hay ai đó uy tín hơn mình, thì họ sẵn sàng dùng đến biện pháp nói hành, hay chụp mũ để hạ gục đối phương!
Hôm nay, Đức Giêsu cũng rơi vào tình trạng trên khi bị dân chúng chụp cho Ngài thứ mũ hết sức đê hèn như:
Ngài trừ được quỷ là do liên minh với quỷ khi nhân danh tướng quỷ để trừ quỷ!
Tại sao họ lại vu khống và nói hành Đức Giêsu như vậy? Thưa chỉ vì một chuyện rất đơn giản, ấy là:
Đức Giêsu ngày càng uy tín trước mặt dân chúng vì những việc tốt đẹp và lời dạy khôn ngoan của Ngài, khiến dân chúng tôn vinh Ngài là một tiên tri vĩ đại. Vì thế, những Luật Sĩ và Phairisêu bối rối, hoang mang và sinh lòng ghen tuông, tức tối đối với Ngài.
Bởi vậy, họ đã dùng đến trò thâm hiểm nhất để bêu rếu, mục đích nhằm hạ gục Đức Giêsu khi nói là Ngài “nhờ tướng quỷ để mà trừ quỷ”.
Khi gán cho Đức Giêsu như thế, họ muốn nói với dân rằng: Đức Giêsu là người thuộc về thế giới của ma quỷ. Khi Ngài đã thuộc về ma quỷ, thì lẽ đương nhiên không nên tin vào con người này cũng như những lời dạy dỗ của Đức Giêsu.
Đây là một phương pháp triệt hạ đối phương bằng cách đánh vào uy tín.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã đặt ngược lại vấn nạn với hai câu hỏi để lật tẩy trò đê hèn của chúng, Ngài hỏi:
“Nếu Satan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?”; và: “Nếu tôi dựa thế Bêendêbun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ?”!
Khi hỏi như thế, Đức Giêsu một mặt cho thấy lý chứng của những Luật Sĩ và Pharisêu tự mâu thuẫn, khập khiễng, không ăn khớp với nhau, bởi vì cứ theo lập luận của họ, thì phải chăng một nước mạnh lại dùng chính kẻ mạnh để tiêu diệt kẻ yếu cùng đồng minh với mình hay sao? Hay nếu Quỷ Vương cho mượn quyền lực của hắn để tiêu diệt tay chân của hắn thì nước đó đã đến thời mạt vận?
Trong đời sống của chúng ta hôm nay nhiều khi rơi vào tình trạng của những Luật Sĩ và Pharisêu khi sử dụng những chiêu thức bỉ ổi là nói hành, nói xấu để bôi nhọ thanh danh tiếng tốt của anh chị em mình.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đứng về phía sự thật để trả lại cho anh chị em mình những giá trị đích thực khi họ vì lòng yêu mến Chúa mà thi hành những bổn phận của họ để loan báo tình thương của Thiên Chúa cho mọi người. Đồng thời chúng ta biết cộng tác với nhau để làm cho triều đại của Thiên Chúa mau đến.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con trong Mùa Chay thánh này, luôn biết yêu thương, nâng đỡ nhau để cùng nhau loan truyền và làm chứng cho Chúa bằng đời sống bác ái, yêu thương. Amen.
THỨ SÁU
YÊU MẾN BẰNG CẢ TÂM HỒN
(Mc 12,28-34)
“Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng hết sức hết trí khôn”; và: “Phải yêu người thân cận như chính mình”. Đây là một mệnh lệnh của Trời.
Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện đối thoại giữa Đức Giêsu và một Kinh Sư. Khởi đi bằng một câu hỏi của ông này về việc: điều nào là quan trọng trong toàn bộ luật. Thấy vậy, Đức Giêsu đã tóm cho ông toàn bộ nội dung và mục đích của luật trong câu: “Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng hết sức hết trí khôn”; và: “Phải yêu người thân cận như chính mình”.
Yêu mến Thiên Chúa hết lòng là làm sao? Thưa! Là thờ lạy, quy phục, là giữ và thực thi Lời Chúa, sẵn sàng từ bỏ mọi sự để tin và theo Chúa, dù có phải khổ đau, hoạn nạn, thử thách và cuối cùng sẵn sàng chết cho Thiên Chúa là Đấng chúng ta tôn thờ, yêu mến.
Còn yêu người như chính mình thì như thế nào? Thưa! Là yêu hết mọi người, không phân biệt bạn hay thù, thánh thiện hay tội lỗi, giàu hay nghèo, quý tộc hay thường dân, người già hay trẻ nhỏ, phụ nữ hay đàn ông, màu da hay chủng tộc…. Tóm lại: Yêu mình làm sao thì yêu người như vậy.
Yêu như thế là chúng ta đi vào tình yêu của chính Thiên Chúa, bởi vì bản chất của Thiên Chúa là tình yêu mà tình yêu của Ngài là hướng tha, là thực tế, không trừu tượng.
Muốn yêu được như thế, chúng ta phải chấp nhận cho đi, thiệt thòi, chịu liên lụy và đôi khi đành mất chính mình.
Chúa không bao giờ chấp nhận chúng ta cho đi theo kiểu: “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”; hay “bỏ con tép, bắt con tôm”; hoặc “ông bỏ nắm xôi, bà thò nậm rượu…”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đi theo Chúa trên con đường tình yêu ấy bằng cả lòng mến chân thành được hiện tại hóa nơi hành động của mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống và giữ Giới Luật của Chúa bằng cả con tim, khối óc và linh hồn, để chúng con được sự sống đời đời. Amen.
THỨ BẢY
KHIÊM TỐN THẬT THÌ MỚI ĐƯỢC THA THỨ
(Lc 18,9-14)
Có một câu chuyện kể rằng: một ông giáo dân nọ nổi tiếng là đạo đức với những câu chuyện về lòng quảng đại, giúp đỡ của ông cho người nghèo. Ông được nhiều người ca tụng là người tốt lành, thánh thiện, nhất là khiêm tốn khi quảng đại giúp đỡ người cùng khốn mà không cần đến danh vọng….
Chính bản thân ông cũng nghĩ mình như thế! Tuy nhiên, đến lúc về già, ông đến gặp cha xứ và tâm tình với ngài rằng: “Cả cuộc đời con đã hy sinh cho Chúa, Giáo Hội và mọi người, con không hề tính toán thiệt hơn, bởi xác tín rằng: mọi sự con có là bởi Chúa”. Nhưng ngay sau đó, ông xin cha xứ một đặc ân, đó là: khi ông chết, cho ông được chôn ở gầm bàn thờ!
Câu chuyện mang tính ngụ ngôn, nhưng thực tế, trong cuộc sống hôm nay, vẫn còn đó rất nhiều người có tư tưởng khiêm tốn như ông lão trong câu chuyện trên. Thiết nghĩ, một lần khiêm tốn kiểu đó phải chăng bằng bốn lần kiêu ngạo! Nó thật giống với người Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm nay.
Dụ ngôn kể về việc hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một Pharisêu và một thu thuế. Hai người này là điển hình của hai thành phần cực đoan, thái quá trong dân Dothái thời bấy giờ.
Với nhóm Pharisêu thì bảo thủ, kiêu ngạo, tự coi mình là người thành toàn, nắm toàn bộ lề luật và trở thành kiểu mẫu cho mọi người. Điều này được chứng minh qua lời cầu nguyện của ông với Thiên Chúa. Ông kể lể: “Con không gian tham, không bất công, không ngoại tình, không như người thu thuế đằng sau”; “một tuần ăn chay hai lần và dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”.
Còn người thứ hai, bác thu thuế. Người thu thuế thì ai cũng biết, biết về tội ác của ông là phản bội và cấu kết với đế quốc La mã để hà hiếp, bóc lột, vơ vét của cải nhân dân. Vì thế, họ bị dân chúng khinh bỉ vì tội công khai của họ. Chính vì lý do đó, nên chúng ta dễ hiểu là tại sao ông thu thuế này lại đứng đằng xa, không dám ngẩng đầu lên, vừa đấm ngực vừa cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.
Kết cục, hai người ra về và người thu thuế thì được Chúa nhận lời, còn người Pharisêu thì không những không được Chúa nhận lời mà lại còn phạm thêm tội vì coi khinh người khác ngay khi cầu nguyện.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: đừng bao giờ coi khinh người khác khi cầu nguyện. Không được phán xét anh chị em của ta, trong khi mình cũng là kẻ có tội. Cầu nguyện là hướng tâm hồn lên với Chúa chứ không phải quy về mình.
Hãy khiêm tốn thật lòng như người thu thuế, Chúa cần những tâm hồn trung thực và thật tâm như vậy, bởi vì tình thương của Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của con người, chỉ cần con người thống hối ăn năn thì dù tội có đỏ như son thì Chúa cũng làm cho trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, Chúa cũng làm cho trắng như bông.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết “xé lòng chứ đừng xé áo” để đáng được Chúa tha thứ mọi tội lỗi. Amen.