Tờ Washington Post, xuất bản tại Hoa Kỳ, trong số đề ngày 6 tháng 11 năm 2013, nữ ký giả Elizabeth Tenety đã viết bản tin có tựa đề Đức Giáo Hoàng Phanxicô ôm một người đàn ông có dị tướng tại quảng trường thánh Phêrô Đức Thánh Cha đã âu yếm ôm hôn người tật bệnh này vào cuối buổi triều yết chung, ngày thứ Tư 6 Tháng 11 năm 2013
Bệnh nhân có diện mạo và thân thể rất kỳ dị đáng thương đến nỗi nhiều người cho rằng ông ta không còn có hình dạng con người. Ký giả tờ Washington Post viết rằng Nếu phải dùng từ ngữ thì cần cả ngàn từ mới diễn tả được ý nghiã Đức Thánh Cha ôm hôn người dị tật. Hình ảnh Đức Thánh Cha ôm hôn người dị tật đã nhanh chóng được phổ biến trên các mạng lưới xã hội và nhiều cơ quan thông tấn quốc tế đã đưa bản tin đặc biệt này
Hình ảnh Đức Thánh Cha ôm hôn và cầu nguyện cho người dị tật làm nhiều người tưởng nhớ đến hình ảnh Chúa Giêsu đã chữa nhưng người phong cùi…
Bệnh phong cùi là một loại bệnh do vi trùng lây nhiễm nghiêm trọng. Đây là một trong các căn bệnh cổ xưa của nhân loại khiến cho con người rất sợ hãi và khinh rẻ những người bị bệnh. Mãi vào năm 1873, Bác sĩ Hansen khám phá ra vi trùng phong cùi, vì thế mà người ta đặt tên là vi trùng Hansen. Bệnh phong có thể bắt đầu bằng những mụn nhỏ và lở loét, những chỗ ung lở thì có mùi tanh hôi. Ở trên mặt thì lông mày rụng hết, mặt lộ ra, thanh quản bị lở, giọng nói trở nên khàn đặc, hơi thở khò khè… Vi trùng Hansen hủy hoại các dây thần kinh chung quanh nhiều phần trong cơ thể đặc biệt là chân tay, khiến cho chúng mất cảm giác, rồi gặm nhấm từ từ khiến cho chúng bị biến dạng rữa nát và rơi rụng. Trung bình bệnh này phát triển trong 9 năm, cuối cùng điên loạn, hôn mê và chết. Hiện nay bệnh phong cùi có thể chữa trị hữu hiệu bằng những loại y dược đặc trị . Tuy nhiên y khoa vẫn chưa có thuốc chủng ngừa chống bệnh phong, nhưng kiểm soát bằng cách chặn bệnh và chữa sớm. Hiện nay trên thế giới đã có khoảng 15 đến 20 triệu người bệnh phong cùi. Ở Việt nam có 21 trại phong, số bệnh nhân phong cùi tiềm tàng có khoảng từ 120.000 đến 150.000.
Trong xã hội của người Do Thái xưa, Người phong cùi phải sống tách biệt khỏi gia đình và bạn hữu, bị coi như đã chết, luật còn quy định: “Người mắc bệnh phung hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên:”Ô uế, ô uế”. Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế, nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13,45-46). Phải tránh xa mọi người, nếu gặp người mạnh khỏe ngoài đường, họ phải hô hoán lên cho người ta biết là mình mắc bệnh, như là dấu hiệu đề phòng cho người khác khỏi tiếp xúc vì đụng đến người phong cùi bị coi như là nhiễm dơ. Ngoài ra, người phong cùi không được phép đến nơi thờ phượng công cộng vì phong cùi bị coi là mắc trọng tội, bị nhơ bẩn và bị Chúa phạt. Cho nên người mắc bệnh phong cùi, đau đớn cả xác lẫn hồn, họ sống mà như chết.
Với bệnh phong cùi, Dân Do Thái qua mọi thời tin rằng chỉ có Thiên Chúa mới chữa được, bởi vì cũng giống như gọi một người chết về lại với cuộc sống hay chính Ngài ban quyền chữa bệnh phong cho những ngôn sứ lớn, như Môsê (x. Ds 12,9-14; Xh 4,6-8) và ngôn sứ Êlisa (x. 2 V 5,9-14). Vì vậy người ta còn có thể chờ đợi chờ đợi Đấng Mêsia (x. Mt 11,5) có thể đến cứu chữa căn bệnh khủng khiếp này.
Cho nên người phong cùi trong Tin Mừng (Mc 1,40-45) nghe danh tiếng Đức Giêsu là Đấng Mêsia thay vì tránh xa như luật quy định, anh lại gần và khẩn xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1, 40), Anh cùi có một niềm tin tưởng phi thường vào Chúa Giêsu khi anh ta gán cho ý muốn của Đức Giêsu một quyền lực to lớn chỉ có nơi Đấng đến từ Thiên Chúa. Trông chờ Đấng có quyền năng từ Thiên Chúa, và Đức Giêsu hành động như Thiên Chúa: chỉ cần Người muốn điều ấy được thực hiện.
Trước tình trạng khốn khó của anh cùi, Người chạnh lòng thương (Mc 1, 41) (Hl. splanchnistheis, partic. aorist của động từ splanchnizomai do từ ta splanchna, lòng dạ) theo nghĩa chính xác hơn là: “bị rung động”; “bị chuyển động trong lòng”. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa xa cách, vô cảm, dửng dưng, nhưng là một Thiên Chúa dễ bị thương tổn bởi đau khổ với sự tín thác vào Ngài, một Thiên Chúa cùng chia sẻ với những người đau khổ, một Thiên Chúa mang trên mình những thương tích của chúng ta (x. Is 53,5).
Đức Giêsu giơ tay đụng vào anh ta – người cùi, Luật cũng đã cấm như thế. Ngay cả, khi một ai đó tiến lại sát kề bên người cùi, người bệnh cũng phải kêu to lên để người khác lánh xa: “Ô uế! Ô uế!”. Đức Giêsu phá đổ một điều cấm kỵ nguy hiểm khi Ngài đụng chạm đến người phong hủi bởi chạnh lòng thương và muốn phá bỏ bức rào ngăn cách giữa người bệnh và người lành bằng tấm lòng bao dung trong yêu thương. Sau này Thánh Phanxicô Khó Khăn đã ôm hôn người cùi, Cha Đa Miêng giam mình trên đảo Molokai để săn sóc anh chị em phong cùi, Đức cha Caisaigne sống bên người như người cha đối với con cái. Đức bác ái yêu thương của Kitô giáo, mời gọi chúng ta vượt mọi bức tường ngăn cách để đến với người đau khổ, bị bỏ rơi…
Khi lành bệnh, bệnh nhân được giới thiệu đến các thầy tư tế để được chứng nhận lành bệnh và gia nhập lại vào xã hội,như mọi người khác và không bị mọi người xa tránh nữa…
Bệnh phong cùi cho đến hôm nay vẫn bị người đời cô lập phải sống tách biệt khỏi xã hội. Các nhà tu đức học và linh hướng luôn coi tội lỗi là một thứ bệnh cùi thiêng liêng, cũng khiến con người bị cô lập hoá về đời sống thiêng liêng. Tội làm cắt lìa khỏi Thiên Chúa, sự cắt lìa này làm họ trở nên như một cành nho khô héo lìa cây nho, thành một bàn tay đứt lìa khỏi cơ thể, làm sứt mẻ tình bạn với Thiên Chúa và người anh chị em. Vì sự cắt lìa không thể nhận sự sống thiêng liêng của Thiên Chúa. Thân phận của người sống trong tội còn tệ hơn cả thân phận người phong hủi…
Như người bệnh phong nhận biết rất rõ tình trạng bệnh tình của mình, khao khát được lành sạch và tìm đến với Chúa Giêsu – Đấng Messia mà anh tin là mang quyền năng và xin được tẩy sạch, chúng ta cũng chạy đến với Đức Kitô xin tẩy chúng ta khỏi mọi vết nhơ của tội lỗi vốn làm chúng ta phong cùi về tinh thần thiêng liêng… qua bí tích gỉai tội, người hối nhận được lành bệnh.
Mang tâm tình như anh cùi đến xin Chúa chữa lành, con vang lời ca vịnh:
“Con đã xưng tội ra với Ngài,
chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con.
Con tự nhủ: “Nào ta đi thú tội với Chúa,”
và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con”
(Tv 32,5).
Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn