“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 1, 29 – 39)
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.
Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Đi Gieo Tin Mừng ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Rao Giảng Và Chữa Lành Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Phục Vụ Theo Gương Thầy Giêsu Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Sống Vì Mọi Người Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Chạnh Lòng Hạt Nắng Trg 10
GieoTin Mừng Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Lương Y Cứu Độ M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Tin Mừng Ca Nắng Sài Gòn Trg 13
Khúc Tri Ân AP. Mặc Trầm Cung Trg 14
Đi Gieo Tin Mừng
Đoạn Tin Mừng hôm nay tóm tắt một ngày làm việc của Chúa Giêsu. Qua những hoạt động của một ngày làm việc, Chúa Giêsu đưa ra những chỉ dẫn khuôn mẫu cho người đi gieo Tin Mừng.
Chỉ dẫn thứ nhất: Tin Mừng phải được rao giảng. Ngày Sabbát, Chúa Giêsu vào Hội đường, đọc Sách Thánh và giải nghĩa. Việc đọc và diễn giải Lời Chúa là một phần quan trọng của đời sống người môn đệ. Vì Tin Mừng phải được rao giảng. Lời Chúa phải được công bố. Người môn đệ phải say mê rao truyền để cho Lời Chúa trở thành ánh sáng soi đường cho con người, hướng dẫn tư tưởng, lời nói, hoạt động của con người. Chính Lời Chúa hướng dẫn con người đi trên đường Sự Thật để đạt được Sự Sống.
Chỉ dẫn thứ hai: Tin Mừng phải chứng tỏ bằng yêu thương. Lời nói đi đôi với việc làm. Đó chính là yếu tố làm cho lời nói có sức thuyết phục. Chúa Giêsu đã làm chứng về điều đó. Ra khỏi Hội đường, Chúa Giêsu vào nhà ông Simon. Bà nhạc của ông đang bị sốt. Chúa Giêsu đến bên giường, cầm tay bà để chữa bà khỏi bệnh. Thực ra Chúa có quyền năng chỉ cần đứng ngoài cửa phán một lời cũng có thể chữa bệnh cho bà nhạc ông Simon. Hơn nữa ở vào thời phong kiến với quan niệm nam nữ thọ thọ bất thân, việc cầm tay phụ nữ có gây nên dị nghị. Nhưng Chúa Giêsu đã đến tận giường cầm tay bà. Điều này nói lên lòng yêu thương kính trọng. Chúa không chỉ chữa bệnh mà còn muốn bày tỏ tình người, sự quan tâm âu yếm đối với người bệnh và cả sự kính trọng đối với phụ nữ nữa.
Chỉ dẫn thứ ba: Tin Mừng phải đem đến tự do. Mà quỉ luôn muốn giam cầm con người trong vòng nô lệ. Bị ma quỉ trói buộc con người mất hết ý chí, không còn làm được việc lành, chỉ có thể làm theo mệnh lệnh ma quỉ. Tin Mừng của Chúa có sức giải phóng con người. Giải phóng khỏi sự trói buộc của ma quỉ. Giải phóng khỏi những mặc cảm. Giải phóng khỏi những thói tục hủ lậu, những mê tín cấm ky. Nhờ đó con người có thể vươn lên, sống xứng đáng với phẩm giá và có thể làm việc lành phục vụ Nước Chúa. Bà nhạc của Simon là một thí dụ điển hình. Khi được khỏi bệnh, bà liền đi đứng và làm việc phục vụ Chúa.
Chỉ dẫn thứ tư: Tin Mừng phải được kín múc từ cội nguồn Thiên Chúa. Sáng sớm, Chúa Giêsu đến nơi vắng vẻ cầu nguyện. Suốt ngày bận rộn với con người, Chúa Giêsu phải dành buổi sáng sớm để cầu ngyện. Điều đó cho thấy, đối với Chúa, việc cầu nguyện là quan trọng biết bao. Chúa Giêsu cầu nguyện vì yêu mến, khao khát được kết hiệp với Chúa Cha. Chúa Giêsu cầu nguyện để tìm thánh ý Chúa Cha, tìm sự hướng dẫn sáng suốt cho cuộc đời. Vì thế trước khi bắt tay vào làm việc, Chúa cầu nguyện với Đức Chúa Cha để múc lấy nguồn sức mạnh cho hoạt động truyền giáo.
Người môn đệ muốn dẫn thân rao giảng Tin mừng, mở rộng Nước Chúa không thể đi ra ngoài những chỉ dẫn khuôn mẫu của Thày Chí Thánh. Phải biết múc lấy nguồn sức mạnh ở nơi Chúa Cha qua việc cầu nguyện. Coi việc cầu nguyện như cội nguồn của hoạt động, như điểm mấu chốt để đi đến thành công. Chuyên tâm học, đọc, suy gẫm Lời Chúa để có thể thấu hiểu và trình bày cho người khác. Nhất là phải làm chứng cho lời rao giảng bằng chính đời sống yêu thương bác ái. Sự yêu thương kính trọng sẽ đưa con người tới tự do, có thể lam những việc tốt đẹp, góp phần vào việc phục vụ Tin Mừng.
Lạy Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, xin hưỡng dẫn chúng con đi trên đường của Chúa Amen.
CÂU HỎI GỢI Ý
1- Bạn hãy thử tóm tắt những việc Chúa Giêsu làm trong một ngày.
2- Bạn tha thiết với việc rao giảng Tin Mừng, bạn sẽ làm gì để cho việc rao giảng Tin Mừng có kết quả tốt đẹp?
3- Lời nói phải đi đôi với việc làm. Bạn áp dụng câu nói này thế nào trong đời sống đạo của bạn.
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Rao Giảng Và Chữa Lành
Mới đọc đoạn Tin Mừng hôm nay tôi có ấn tượng Đức Giêsu coi việc chữa lành các người bệnh tật ốm đau chỉ là công tác phụ, trong khi sứ mệnh chính của Người phải là lên đường rao giảng: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. Có thể lý thuyết nhìn từ trên xuống là như thế, nhưng về phía đám quần chúng bình dân thì, phần đa họ tìm đến với Người trước hết để được chữa lành khỏi bệnh hoạn tật nguyền; họ tuốn đến vì: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” Chính vì được chứng kiến việc chữa lành, mà dân chúng tin vào lời Người giảng dạy: ‘Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền’ (Mc 1:22).
Hình như hơn ai hết Đức Giêsu ý thức rõ điều này: không lời giảng dạy nào về một Thiên Chúa nhân ái từ bi đối với nhân loại đau khổ lại hữu hiệu và hùng hồn cho bằng, khi nhân danh Người mà rộng tay chữa lành các thương đau phần xác cũng như phần hồn của con người cùng khốn. Ngay cả đối với các môn đệ mới chiêu mộ, Đức Giêsu cũng đã hoàn toàn chủ động theo hướng này…: Người đã chữa bà mẹ vợ ông Simon khỏi cơn sốt, cho dù không ai yêu cầu. Phải chăng đó chính là: để ‘các môn đệ tin vào Người’, theo cách nói của Gioan sau phép lạ nước hóa thành rượu tại tiệc cưới Cana (Ga 1:8)? Khi dài dòng thuật lại rất nhiều phép lạ Đức Giêsu đã thực hiện, chắc hẳn tác giả Marcô muốn tô đậm nơi Người nét ông thầy thuốc tốt lành tới chữa khỏi bệnh hoạn tật nguyền; Người ‘chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật’; và đó cũng chính là hình ảnh mà Người sẽ dùng để tự giới thiệu mình: “Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mc 2:17).
Như vậy đối với Đức Giêsu, rao giảng và chữa bệnh không phải là hai công việc tách rời nhau; bởi nếu nội dung cốt lõi của sứ điệp Tin Mừng là ‘Thiên Chúa nhân ái quan tâm đến số phận con người yếu hèn cả trong lãnh vực thể lý lẫn tinh thần’ thì chắc chắn lời rao giảng hùng hồn và sắc bén nhất sẽ là: ‘chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền’ và ‘sua trừ ma quỉ’. Đức Giêsu hẳn có ý nói điều này khi bảo các môn đệ: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa.” Marcô còn ghi nhận thêm: ‘Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỉ’ (người Do Thái thời đó cho rằng mọi bệnh tật đều do ma quỉ gây ra). Qua các việc chữa lành Người chỉ muốn cho mọi người biết: Thiên Chúa từ nhân đã đến với họ, Người đang thật sự ở giữa họ, đang đồng hành với họ, cảm thông nỗi thống khổ yếu đuối của họ, và tích cực can thiệp theo cách thức của riêng Người.
Suy niệm trên xem ra chẳng mấy quan trọng, tuy nhiên nó sẽ giúp ta tránh được điều mà nhiều tín hữu thường mắc phải khi cho rằng Tin Mừng hệ tại ở việc lãnh hội các tín điều cao siêu (điển hình các công thức tuyên tín phức tạp chứa đựng trong Kinh Tin Kính Nicê chẳng hạn…); và rồi cho rằng, làm bác ái chỉ là việc phụ, là tiểu tiết tùy nghi theo khả năng mỗi người, có mục đích duy nhất làm gia tăng công nghiệp trước mặt Chúa hầu đảm bảo phần rỗi linh hồn… Rồi mỗi khi đọc Phúc Âm họ cho rằng: Đức Giêsu làm các phép lạ chẳng qua là để chứng tỏ Người có quyền phép siêu phàm, hầu thúc ép dân chúng chấp nhận các điều Người giảng dạy; trong khi đó các học thuyết cao siêu gồm các qui định luân lý và giới luật tân kỳ mới thật là điều Người xuống thế để dạy dỗ. Suy niệm trên hơn bao giờ hết giúp tôi nhận ra Lời Tin Mừng thật nhất quán, chặt chẽ và đầy thuyết phục: ‘Đức Giêsu – Lời’ đến trần gian để tuyên bố sứ điệp tình yêu của ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi…’; và tình yêu đó cũng thật cụ thể: ‘Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ’ (Ga 3:16.17). Thế đấy, toàn bộ cuộc đời Đức Giêsu chỉ là một ‘Lời tình yêu cứu độ’: Lời trong sứ điệp, Lời trong hành động, Lời trong các phép lạ, thậm chí Lời trong cái chết tự hiến trên Thập Giá và Lời trong Phục Sinh chứa chan niềm hy vọng. Tóm lại tôi nhận ra rất rõ: nội dung duy nhất của sứ vụ Đức Giêsu trên trần gian chính là để quảng bá và thể hiện mọi nơi mọi chốn một ‘Thiên Chúa yêu mến thế gian’ bằng trọn cả con người mình.
Vì là một tu sĩ Salêdiêng, tôi nhiều lần đã áp dụng cho Đức Giêsu câu nói mà chúng tôi vẫn thường dùng để nói về Don Bosco – đấng sáng lập: “Người không đi một bước, không nói một lời, không bắt tay vào bất cứ việc gì, mà không phải vì…phần rỗi giới trẻ!” Ở đây chúng ta cũng nhận ra trong Tin Mừng của Người: ‘Đức Giêsu đã không hề đi một bước, không nói một lời, không bắt tay vào bất cứ việc gì mà không phải vì… muốn chứng tỏ và thể hiện rằng Thiên Chúa yêu mến trần gian cách tuyệt đối tới độ…!’
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được chia sẻ khát vọng Chúa muốn cho Tin Mừng tình yêu nhân ái của Người được thể hiện và nhận biết ‘ở các nơi khác… các làng xã chung quanh nữa’. Con, một linh mục của Chúa, ước mong rằng: mình sẽ không chỉ giảng dạy sứ điệp Tin Mừng này bằng lời nói suông, nhưng phải bằng cả thái độ sống và hành động. Xin cho con biết rao giảng Lời Chúa qua các dấn thận phục vụ quảng đại, mọi nơi và cho hết thảy mọi người. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Phục Vụ Theo Gương Thầy Giêsu
Nhìn vào thực tế của nhiều đôi vợ chồng, người ta phải công nhận rằng cuộc sống lứa đôi không luôn luôn dễ dàng. Hạnh phúc gia đình luôn bị đe doạ bởi những áng mấy đen bất ngờ xông tới. Khiến cuộc sống chung luôn cảm thấy buồn nhiều hơn vui. Khổ đau nhiều hơn hạnh phúc. Đến nỗi ca dao đã từng nói:
Chồng gì anh, vợ gì tôi?
Chẳng qua là cái nợ đời chi đây!
Mỗi người một nợ cầm tay,
Đời xưa nợ vợ, đời nay nợ chồng.
Con đường tình yêu không êm xuôi nhưng luôn lên xuống gập ghềnh, suối thác. Vì, cuộc “trăm năm” nào cũng đầy những thử thách. Biềt bao cặp vợ chồng đang hạnh phúc rồi bỗng dưng cả hai cùng phàn nàn về nhau: không ngờ người ta đổi thay đến thế. Lúc đầu thì thế nào cũng được, miễn là yêu nhau. Nhưng rồi người ta thấy thế này là bất công, thế kia là khó chấp nhận: lẽ nào mình cứ phải quét nhà rửa bát mãi! Tại sao mình cứ phải nấu cơm đi chợ?
Rồi luôn nghĩ thiệt hơn và luôn tìm lợi cho mình mà chẳng ai chịu ai.
Khi mà không còn yêu nhau, người ta thường dễ tố cáo nhau là ích kỷ, là hẹp hòi , chẳng bao giờ làm cho mình được như ý. Quả đúng như lời nhà tâm lý Jacques Dyssord: “Tình yêu thường mở đầu bằng khoa hùng biện và rồi đổi dần ra khoa triết lý”. Từ chỗ nói cho hay trở thành cãi cho hăng. Từ chỗ chín bỏ làm mười đến chỗ kết án hờn ghen.
Thế là đời sống gia đình trở nên như một nhà tù. Có khi vì danh dự gia đình, hay để tránh không cho con cái biết, hai vợ chồng cố gắng đóng kịch, một bi kịch rất não nề thê thảm, thường tệ hại hơn cả những cuộc cãi vã lớn tiếng. Vì cãi vã xong còn nói chuyện được với nhau nhưng khi không còn gì để nói với nhau thì cuộc sống dài lê thể trong đau khổ.
Sở dĩ hôn nhân thất bại là vì họ hết còn hy sinh cho nhau, hết quan tâm chăm sóc nhau. Nhiều người khi chiếm được nhau thì họ không còn quan tâm người bạn đời, có khi còn hắt hủi, bỏ rơi nhau, khiến người bạn đời cô đơn trong chính mái ấm gia đình mình.
Đây là lúc người Kitô hữu cần sống tinh thần phục vụ quên mình của Đức Giêsu. Ngài đã yêu là yêu cho đến cùng. Tình yêu Ngài không so đo tính toán. Ngài chỉ dồn hết tâm sức để mang lại niềm vui, bình an cho người mình yêu.
Lời Chúa hôm nay mô tả một ngày làm việc thật bận rộn của Chúa Giêsu. Ngài giảng dạy trong Hội đường. Ngài cứu chữa một người bị quỷ ám. Ngài đến tận nhà nhạc mẫu Phêrô để chữa lành cho bà. Ngài còn dành thời giờ đón tiếp rất đông khách thập phương đến để cầu cứu Ngài. Ngài đã đặt tay và chữa lành bệnh tật cho họ. Cả ngày dường như Ngài chẳng nghỉ ngơi. Ngài đã dùng cả thời giờ của một ngày để phục vụ cho lợi ích tha nhân.
Vâng, nếu cuộc đời hôm nay có nhiều tấm lòng phục vụ như Chúa, thì gia đình sẽ hạnh phúc biết bao! Nếu cuộc đời ai cũng sống có trách nhiệm với nhau, sẽ không còn những nỗi đau của cô đơn và tuyệt vọng. Nếu vợ chồng biết hy sinh cái tôi của mình để hy sinh cho nhau thì hạnh phúc sẽ ngập tràn trong mái gia đình.
Thế nhưng, dòng đời vẫn còn đó những mảnh đời cô đơn và tuyệt vọng vì lối sống ích kỷ và thiếu trách nhiệm của người bạn đời. Vẫn còn đó những người con mặc cảm, tủi hận vì cha mẹ bỏ rơi, thiếu quan tâm. Vẫn còn đó những giọt nước mắt buồn đau của phận người bị ngược đãi, bị xúc phạm, bị chà đạp lên danh dự và phẩm giá làm người. Vẫn còn đó tiếng khóc than cho phận số nghèo đói, bệnh tật, già nua đang bị anh em đồng loại bỏ rơi.
Ước gì mỗi người chúng ta có được trái tim như Chúa để có thể chạnh lòng thương xót những mảnh đời khổ đau của anh em. Ước gì mỗi người chúng ta cũng có tấm lòng như Chúa để sẵn lòng dấn thân quảng đại vì hạnh phúc tha nhân. Xin cho mỗi người chúng ta luôn có trách nhiệm với nhau, với cuộc đời. Xin đừng để ai đau khổ, thất vọng vì sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm của chúng ta. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Sống Vì Mọi Người
Nhìn vào xã hội loài người, chúng ta nhận thấy có hai hạng người mang hai tính cách đối nghịch: Một là hạng người vị kỷ; hai là hạng người vị tha.
Người vị kỷ
Người vị kỷ là hạng người chỉ biết sống vì mình, đặt bản thân mình làm trung tâm cho cuộc sống. Tất cả mọi hoạt động của họ đều quy về bản thân, nhằm mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình mà không hề quan tâm giúp đỡ người khác, thậm chí còn làm hại người khác để kiếm lợi cho mình.
Người vị tha
Người vị tha là người quên mình để quan tâm chăm lo, phục vụ người khác. Chúa Giêsu là tiêu biểu cho hạng người nầy. Ngài chọn tha nhân làm trung tâm cho tình yêu của Ngài hướng tới; chọn mọi người làm đối tượng cho sự phục vụ tận tuỵ của Ngài và Ngài làm tất cả những gì có thể, để mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Ngài chỉ biết sống vì người khác, sống để cứu độ người khác đến độ hiến trao cả mạng sống mình.
Tin mừng Marcô (1, 29-39) hôm nay phác hoạ lại chân dung Đức Giêsu, một người hoàn toàn vị tha, luôn cúi xuống trên những mảnh đời lầm than khốn khổ để giúp đỡ cứu vớt họ.
Hôm ấy, “Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simôn và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simôn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Ngài biết tình trạng của bà. Ngài lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Ngài. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật và trừ nhiều quỷ.”
Sáng hôm sau, “lúc trời còn tối mịt, Ngài đã thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.”
Cầu nguyện chưa được bao lâu, “Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Ngài, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!”
Chúa Giêsu không khoanh vùng phục vụ của Ngài trong phạm vi nhỏ hẹp. Ngài muốn vươn đến nhiều nơi. Chúa Giêsu không giới hạn tình yêu của Ngài cho một thiểu số, nhưng ban phát cho hết mọi người. Thế nên “Ngài bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Rồi Ngài đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ và trừ quỷ.”
Nói tóm lại, không một người đau khổ nào đến với Chúa Giêsu mà không được Ngài quan tâm chăm sóc. Không một kẻ bất hạnh nào gặp Chúa mà chẳng được Chúa dủ lòng thương. Chúa đến trần gian để sống cho mọi người, yêu thương hết mọi người và hiến thân phục vụ tất cả không trừ ai.
Sống vị tha theo gương Chúa Giêsu
Sở dĩ mỗi chiếc lá trên cây được tươi tốt là nhờ thân cây và nhờ những chiếc lá khác nuôi dưỡng nó.
Tương tự như thế, mỗi người chúng ta được tồn tại và phát triển là nhờ xã hội và nhờ những người khác nuôi sống chúng ta.
Vậy thì đến lượt mình, mỗi người chúng ta cũng phải góp phần vào việc làm cho những người chung quanh chúng ta được tồn tại và phát triển.
Do đó, không ai được phép bo bo chăm lo cho riêng mình, nhưng phải cống hiến đời mình phục vụ anh chị em chung quanh.
Trong khu vườn kia có hai cây cam. Một cây không bao giờ sinh trái nên chủ vườn tỏ ra thất vọng về nó và muốn chặt bỏ nó đi; trong khi cây kia năm nào cũng trỗ sinh nhiều quả ngọt nên được chủ vườn yêu quý. Cũng thế, người nào có nhiều cống hiến tốt đẹp cho đời sẽ làm cho bản thân mình nên cao cả và đáng được mọi người yêu quý hơn.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa luôn vị tha và đã sống hết mình vì mọi người.
Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, đừng ích kỷ chỉ biết quy về mình, chỉ biết mưu tìm hạnh phúc cho mình, nhưng biết hướng về tha nhân để mưu tìm hạnh phúc cho người khác.
Nếu hôm nay chúng con chỉ biết chăm lo phục vụ bản thân mình mà không dấn thân phục vụ người khác, thì vào lúc từ giã đời này, chúng con sẽ cùng chịu án phạt đời đời với lão phú hộ không biết thương xót Lazarô khốn khổ (Lc 16, 19-31), hoặc như những người bị Chúa lên án trong dụ ngôn “Phán xét cuối cùng” vì đã không yêu thương phục vụ những người chung quanh. (Mt 25, 31-46).
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Chạnh Lòng
CN V TN.B – (Mc 1, 29 – 39)
Lòng Chúa nhân từ chạnh xót thương
Cảm thông nhân thế vạ sầu vương.
Chữa lành thân xác tăng cường sức
Băng bó tâm hồn soi sáng đường.
Sứ Điệp Tin Mừng loan khắp chốn
Tình Yêu Cứu Độ tỏa muôn phương
Đồng hành, hiện diện ban sinh lực
Giải thoát nhân sinh chốn dặm trường.
Hạt Nắng
Gieo Tin Mừng
CN V TN.B – (Mc 1, 29 – 39)
Vòng nô lệ, kiếp người thống khổ,
như thuyền nan giông tố bủa vây.
Giam cầm trói buộc tháng ngày,
đói nghèo, bệnh tật đọa đày xác thân.
Chạnh lòng thương thế nhân yếu đuối,
lòng nhân từ nguồn suối yêu thương.
Hồng ân Thiên Chúa trào tuôn,
chữa lành, cứu độ mở đường hồi sinh.
Kiếp nhân sinh vươn mình giải thoát,
đời tự do dứt khoát u mê.
Đón nhận ánh sáng tràn về,
Tin Mừng giải phóng nhiêu khê cuộc đời.
Đường Sự Thật thắm tươi mở lối,
được đắm mình nguồn cội Tình Yêu.
Nguồn ơn thánh sủng phong nhiêu,
khát khao kết hiệp đăm chiêu nguyện cầu.
Đường Cứu Độ thẳm sâu đức ái,
yêu tha nhân, quảng đại dấn thân.
Công Trình Cứu Chuộc thông phần,
Thiên Chúa hiện diện thế nhân an bình.
Quyền năng Thiên Chúa uy linh …
Bâng Khuâng Chiều Tím
Lương Y Cứu Độ
CN V TN.B – (Mc 1, 29 – 39)
Bóng đêm lặng lẽ cô liêu,
xác thân riệu rã tiêu điều lầm than.
Tình đời cát bụi dối gian,
hồn con lạc chốn giang hồ phiêu du.
Đam mê giam hãm ngục tù,
bạc tiền trói buộc mây mù lợi danh.
Đời con chiếc lá lìa cành,
tâm tư bệnh hoạn đang cần lương y.
***
Lòng nhân hậu Chúa từ bi,
tìm con giữa chốn hiểm nguy hoang tàn.
Lời Ngài liều thuốc Bình An,
thêm thang Thánh Sủng hoa tàn hồi sinh.
Vươn mình ngắm ánh bình minh,
tạ ơn Tình Chúa hiến mình vì con.
Tình con quyết giữ vuông tròn,
nguyện cầu kết hiệp sắt son trung thành.
***
Tự do, tung cánh trời xanh,
reo vui loan báo tin lành muôn dân.
Thiên Chúa ở giữa nhân trần,
Tình Thương – Công Lý – Thánh Thần tặng ban.
Tin Mừng Cứu Độ truyền lan …
M. Madalena Hoa Ngâu
Tin Mừng Ca
CN V TN.B – (Mc 1, 29 – 39)
Chúa đến trong cuộc đời, trên bước đường trần ai,
thao thức tim u hoài, chạnh thương người đau yếu.
Hạt nắng soi bóng chiều, miệt mài không nhụt chí,
Lời Ngài soi Chân Lý, gieo rắc niềm tin yêu,
cứu giúp ai đoạn trường, tìm thấy nguồn yêu thương.
Như cánh hoa úa tàn, đâu biết mùa xuân sang,
như cánh chim lạc đàn, hoài mong tìm tổ ấm.
Hạt nắng soi bên đàng, Lời Ngài ban nhựa sống,
tình Ngài tăng sức sống, chiếu sáng đường tương lai,
ánh sáng soi đường dài, vui sống trong niềm tin yêu.
Chúa là Đường, đường giải thoát thương đau,
Đường Tình Yêu, cho con niềm hạnh phúc.
Đường Sự Thật, xua tăm tối, nghi nan,
Tin Mừng loan ban, Sự Sống tuôn đầy tràn.
Như nước trong xuôi dòng, về suối nguồn tình yêu,
vui sống trong ân tình, tình Cha nguồn ơn thánh.
Khao khát tim chân thành, nguyện cầu tìm thánh ý,
sức mạnh Đường Chân Lý, nâng bước đường con đi,
bác ái vui hành trình, tình người tươi thắm xinh.
Nắng Sài Gòn
Khúc Tri Ân
CN V TN.B – (Mc 1, 29 – 39)
Con là kẻ tật nguyền tội lỗi,
xác thân tàn bối rối tâm linh.
Mọi người xa lánh chê khinh,
chạy tìm đến Chúa chút tình ủi an.
Chân lê bước chiều tàn lặng lẽ,
đời con như một kẻ bất tài.
Chỉ gieo rắc những họa tai,
cho người thân cận cho ai đến gần.
Chúa xót thương ân cần trìu mến,
đến bên con âu yếm chữa lành.
Tình yêu vượt mọi cách ngăn,
hồng ân tuôn đổ ơn lành vào tim.
Sống Lời Chúa tìm ơn cứu độ,
con say mê công bố Tin Mừng.
Sự Thật, Công Lý tuyên xưng,
yêu quý Sự Sống yêu từng mầm xanh.
Đường lối Chúa thanh bình sống động,
thoát u mê giải phóng giam cầm.
Thoát vòng ma quỷ dã tâm,
hủ tục mê tín sai lầm hiểm nguy.
Nay con về quỳ bên Thánh Thể,
dâng tâm tư tha thiết nguyện cầu.
Khát khao kết hiệp tình sâu,
múc nguồn sức mạnh khấu đầu tri ân.
Gẫm suy Lời Chúa chuyên cần,
kiếm tìm Thánh Ý thông phần lễ dâng.
AP. Mặc Trầm Cung