“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 1, 21 – 28)
(Đến thành Capharnaum) ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
Đang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy.
Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Đấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Ma Qủy Thời Đại Mới ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Giảng Dạy Như Có Thẩm Quyền Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Tin Mừng Về Lòng Thương Xót Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Ma Qủy Còn Biết Vâng Lệnh Chúa Truyền Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Kỷ Nguyên Cứu Độ Hạt Nắng Trg 10
Quyền Năng Chúa Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Ngợi Ca Quyền Năng Chúa M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Ngợi Ca Quyền Năng Chúa Nắng Sài Gòn Trg 13
Phá Tan Xích Xiềng AP. Mặc Trầm Cung Trg 14
Ma Quỷ Thời Đại Mới
Từ ngàn xưa, ma quỷ luôn luôn là một mối bất hạnh cho con người. Ma quỷ luôn tìm cách làm hại con người không những bằng xúi giục con người làm điều tội lỗi mà còn hành hạ, khống chế, trói buộc, bắt con người làm nô lệ cho chúng. Trong cuộc chiến với ma quỷ, con người không phải là địch thủ ngang tài đồng sức, nên thường thua cuộc. Ngay trong trận chiến đầu tiên, hai ông bà nguyên tổ đã thua mưu chước ma quỷ. Từ đó, con người chẳng thể nào tự mình thoát được nanh vuốt ma quỷ giam hãm.
Đức Giêsu đến mở đầu một kỷ nguyên mới: Nước Thiên Chúa đến chiến thắng nước ma quỷ. Ngay khi Đức Giêsu xuất hiện, ma quỷ mở lại bài cũ cám dỗ Đức Giêsu đi vào con đường kiêu ngạo, phô trương, cậy sức mình, ham hố danh, lợi, thú. Nhưng ngay trong lần đầu tiên giáp chiến, ma quỷ thất bại nặng nề. Đức Giêsu đã toàn thắng vì Người cương quyết đi theo con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha, sống khiêm tốn, đơn sơ, khiêm nhường, phó thác. Từ đó, Đức Giêsu đi đến đâu là khuất phục ma quỷ, giải thoát con người đến đấy.
Đọc trong Tin Mừng, ta thấy Đức Giêsu giải thoát con người ở các khía cạnh sau đây.
– Người trực tiếp giải thoát con người khỏi bàn tay hung ác của satan. Hôm nay, Người xua đuổi thần ô uế công khai trước mặt mọi người trong hội đường. Lần khác, Người xua đuổi cả một đạo quân quỷ dữ. Chúng đã xin nhập vào đàn heo đang ăn bên bờ biển, và cả đàn heo lăn xuống biển chết hết.
– Người gián tiếp giải thoát con người khỏi ách thống trị của satan qua việc chữa bệnh. Theo quan niệm của người Do Thái, bệnh tật là dấu chỉ của tội lỗi. Vì thế, người bệnh là người sống dưới ách satan. Đức Giêsu đã chữa lành rất nhiều người bệnh. Nhiều lần Người nói với người bệnh: “Tội con đã được tha”.
– Người tha thiết với việc cứu con người khỏi ách nô lệ tội lỗi, nên Người thường lui tới với những người thu thuế. Người không chỉ nói lời tha thứ bên ngoài, nhưng thực sự hoán cải họ từ bên trong. Nhất là Người giải thoát họ khỏi những mặc cảm và giúp họ tái hội nhập vào đời sống cộng đoàn.
Qua những việc làm của Đức Giêsu, ta thấy Người không chỉ giải thoát con người khỏi bàn tay hung ác của ma quỷ mà còn quan tâm cứu chữa con người khỏi những thế lực đen tối của chúng.
Cuộc chiến giữa con cái Thiên Chúa và ma quỷ vẫn tiếp tục, nên Đức Giêsu khi sai các Tông đồ đi rao giảng, vẫn luôn kèm theo mệnh lệnh xua đuổi ma quỷ. Hôm nay, Người sai chúng ta tiếp bước các Tông đồ, đi chiến đấu chống lại ma quỷ. Ma quỷ không hiện hình cho ta thấy, nhưng chúng ẩn nấp trong các sự dữ, sự ác còn tồn tại trên thế giới.
Có thứ quỷ nghèo đang trói buộc con người, không cho họ sống một cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm con người. Có thứ quỷ đói đang giết chết nhân loại dần mòn. Có thứ quỷ dốt giam cầm những người thất học trong tù ngục tối tăm. Có thứ quỷ bệnh không ngừng hành hạ và đẩy con người vào hố sâu tuyệt vọng.
Ngày nay, ma quỷ rất tinh khôn nên thường xuất hiện dưới những hình dáng bên ngoài xinh đẹp, hấp dẫn. Chúng xuất hiện dưới những đồng tiền bất chính và hứa hẹn cho ta một cuộc sống thoải mái. Chúng xuất hiện dưới chiêu bài tự do hưởng thụ để xúi giục ta lao mình vào những nơi ăn chơi độc hại. Chúng kích thích sự tò mò của thanh niên muốn thử sức với ma túy.
Với bàn tay nham hiểm, ma quỷ âm thầm len lỏi vào tận đáy tâm hồn, khơi lên những làn sóng chia rẽ, ganh ghét, thù hận, bất hòa. Chúng kích thích lòng tham lam vô đáy, đưa ta đến chỗ trộm cắp, kiện cáo và tranh giành. Chúng khơi dậy thói kiêu căng, lòng tự ái để ta ham hố vinh danh và quyền lực. Chúng vuốt ve thói ích kỷ để xui giục ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, làm ngơ trước những nhu cầu của người khác. Chúng lừa gạt ta để ta coi thường tội lỗi, mất ý thức về tội.
Hôm nay, Chúa muốn ta tiếp tục công việc của Chúa, xua trừ ma quỷ ra khỏi đời sống chúng ta. Hãy cùng nhau xua đuổi quỷ đói, quỷ nghèo ra khỏi thế giới. Hãy góp phần tích cực diệt trừ quỷ dốt, quỷ bệnh ra khỏi xã hội con người.
Hãy tỉnh táo nhận ra ma quỷ dưới những khuôn mặt đẹp đẽ của vật chất, tiền bạc, hưởng thụ, cám dỗ.
Nhất là, hãy trục xuất khỏi tâm hồn ta những con quỷ gây chia rẽ, bất hòa, tham lam, kiêu căng, tự mãn, gian trá, giả hình, hám danh, ích kỷ, dửng dưng.
Tự sức riêng, ta khó mà chiến thắng được ma quỷ. Muốn chiến thắng ma quỷ, ta phải nhờ ơn Chúa giúp. Ta múc lấy sức mạnh nơi Chúa bằng ăn chay và cầu nguyện. Ta rèn luyện tinh thần bằng khiêm nhường từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin thương xót con, xin cứu con khỏi mọi sự dữ. Amen.
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Giảng Dạy Như Có Thẩm Quyền
Tác giả Marcô giới thiệu sứ vụ của Đức Giêsu tại Galilê gồm hai phần: giảng dạy và chữa lành; tuy nhiên, đặc biệt là ở chỗ: ông không tách hai điều này riêng ra từng thứ một nhưng đã liên kết chúng lại cách rất tài tình; chữa lành chính là để lời rao giảng trở nên thuyết phục.
Marcô trước hết giới thiệu Đức Giêsu như một nhân vật xuất hiện hầu công bố một sứ điệp trọng đại: “Thời đại đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Ông không những xác địch công việc chính của Đức Giêsu là: công bố sứ điệp, nhưng còn nói thêm Người đã gây ấn tượng mạnh trên dân chúng; ‘Đức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Caphácnaum. Ngay ngày Sabát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư’. Tác giả hình như quan tâm tới thái độ dân chúng tiếp nhận sứ điệp nhiều hơn là chính nội dung thuyết phục hay sự phong phú của sứ điệp Tin Mừng được rao giảng.
Rõ ràng là như thế khi Marcô lập tức tường thuật các công việc đầy từ tâm Đức Giêsu thực hiện như chữa người bị quỉ nhập, chữa nhạc mẫu ông Simon, chiều đến chữa mọi kẻ ốm đau bệnh tật mà cả thành đem đến cho Người…, hầu như để cho thấy tại sao dân chúng có phản ứng tích cực như vậy trước sứ điệp, hay đúng hơn, với con người công bố sứ điệp đó. So với các cuốn Tin Mừng khác, tác giả cuốn thứ hai này hầu như không chú trọng tới nội dung sứ điệp nhiều cho lắm; ông dành nhiều giấy mực hơn cho việc tường thuật các hành động chữa lành và yêu thương Đức Giêsu thực hiện. Và tất cả chỉ để minh chứng cho điều mà ông muốn khẳng định ngay từ đầu: ‘Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư’.
Thật ra thì đám quần chúng bình dân thời nào và ở đâu cũng vậy thôi! với trình độ hiểu biết hạn chế, họ ‘nghe’ thì ít, mà muốn ‘thấy’ nhiều hơn. Đúng hơn, họ là các thính giả có tầm hiểu biết bằng con tim nhiều hơn là bằng khối óc, nhất là trên con đường đi tìm chân lý; trong khi đó các bậc mô phạm hay hiền triết lại có khuynh hướng sử dụng khối óc nhiều hơn con tim. Các hành động chữa lành đầy từ tâm của Đức Giêsu đánh thẳng vào con tim của đám thính giả bình dân và chinh phục họ; trong khi các thính giả tri thức như các luật sĩ, biệt phái và kinh sư lại chỉ tìm đến để nghe thuyết pháp, để tìm lý luận, rồi sau đó thi nhau đem ra phân tích mổ xẻ, và tìm lỗi bắt bẻ; chính vì vậy mà các tranh luận căng thẳng giữa họ với Đức Giêsu đã không ngừng nổ ra. Đối với dân chúng, sứ điệp của Đức Giêsu quả là một Tin Mừng, vì nó làm cho con tim của họ được an bình no thỏa, trước khi làm trí óc họ được say mê. Trong thẳm sâu cõi lòng, họ khao khát tìm thấy một Đấng Mêsia nhân ái, đầy từ tâm và xót thương, gần gũi với nỗi thống khổ yếu hèn của con người hơn. Đó chính là lý do để mà, trong tất cả sự chân thành mộc mạc, họ chân nhận cách thẳng thắn và đơn sơ: ‘Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền’ hơn hẳn các kinh sư và Biệt Phái.
Suy niệm trên đây, tuy đơn giản thật, nhưng lại có tầm quan trọng lớn đối với hết thảy mọi người chúng ta, nhất là đối với các linh mục của Đức Kitô.
– Quan trọng đối với đời sống thiêng liêng: vì là một tu sĩ linh mục, tôi luôn có nguy cơ xa rời sự nhạy cảm thiêng liêng của người bình dân. Không biết từ khi nào, suy luận triết thần đã hoàn toàn chiếm lĩnh đầu óc và suy nghĩ của linh mục. Tôi quan tâm tới hiểu biết và lý luận nhiều tới độ không còn thời giờ để lắng nghe khát vọng thầm kín của chính con tim mình cũng như của quảng đại quần chúng… Kết quả là: Tin Mừng đối với chúng ta phải là chân lý hơn là lòng nhân ái. Vì quả thực, rất ít khi trong đời sống thiêng liêng, tôi dành thời giờ và nỗ lực để nhận ra cái ‘thẩm quyền’ này của Tin Mừng phải tác động trên chính tôi trước hết!
– Quan trọng đối với việc mục vụ: suy niệm trên đưa tôi tới nhận thức sau đây: trước một cộng đoàn phụng vụ, các bài giảng của tôi có được ‘thẩm quyền’ Tin Mừng chỉ khi nào chúng quảng diễn được lòng xót thương cứu độ của Thiên Chúa. Trong thực tế nó đã bị chi phối quá nhiều bởi các kiến thức thần học hay luân lý, các lý luận hay dẫn chứng mang tính biện giáo. Ngay khuôn mặt Hội Thánh hoặc nội dung Tin Mừng mà tôi trình bày cũng thường khi còn quá mô phạm và nghiêm khắc.
Biết bao giờ thì dung mạo từ nhân tha thứ của Đức Kitô mới được sáng tỏ nơi các linh mục chúng ta, để các tín hữu có thể chiêm ngắm tỏ tường cách mãn nguyện?
Lạy Chúa, đúng là những kẻ bé mọn nhận biết Chúa rõ ràng hơn các bậc khôn ngoan thông thái. Xin đừng để học vấn và hiểu biết làm cho con, một linh mục của Chúa, không còn nhận ra nổi ‘thẩm quyền’ đích thực của Tin Mừng Chúa. Cũng xin làm cho lời rao giảng của Hội Thánh được nhiều người lắng nghe bằng con tim và qua đó nhận ra Thiên Chúa thật gần gũi và xót thương hết thảy mọi người. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Tin Mừng Về Lòng Thương Xót
Có hai vợ chồng kia đã nhiều lần nghi ngờ xét đoán nhau.
Lần này đang lúc tranh cãi hăng say, người chồng bèn đề nghị:
“Này chúng ta đừng cãi nhau nữa, mỗi người hãy lấy giấy bút ra, rồi viết tất cả những lỗi lầm tật xấu của nhau, rồi trao cho nhau”
Người vợ đồng ý liền, người chồng cầm tờ giấy, nhìn vợ rồi cúi xuống viết.
Người vợ thấy chồng viết, cũng hối hả viết và kể lể hết mọi sự xấu xa của chồng, người vợ viết xong xem ra hả dạ.
Sau đó họ trao bản kết tội cho nhau.
Khi nhìn vào tờ giấy của chồng, nét mặt vợ bổng đổi sắc vì xúc động, chị vội vã đòi lại tờ giấy đã đưa cho chồng, và có thái độ làm hòa.
Trong tờ giấy, người chồng chỉ viết một câu duy nhất: “Em à, Anh yêu em, đừng giận anh nữa!”
Có lẽ ai trong chúng ta cũng hiểu sức mạnh của lòng thương xót. Lòng thương xót chữa lành. Lòng thương xót mang lại bình an hạnh phúc. Lòng thương xót gìn giữ ngọn lửa tình yêu cho các gia đình.
Gia đình nếu không có lòng thương xót sẽ gây gỗ, bất hòa, nghi kỵ, hiểu lầm nhau. Gia đình không có lòng thương xót là một hỏa ngục tại thế. Vì sống bên nhau nhưng không hiểu nhau, không đối thoại được với nhau sẽ làm cho đời sống chung ngột ngạt và đau khổ.
Tin Mừng Chúa Giêsu loan báo là Tin Mừng về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho con người.
– Lòng Thương Xót của Chúa đã đích thân đi tìm con người.
– Lòng Thương Xót ấy chữa lành, xoa dịu nỗi đau cho con người.
– Lòng thương xót đẩy lùi sự dữ và mang lại bình an cho nhân thế.
Nhìn vào những việc làm của Chúa Giêsu người Do Thái cũng thấy nơi người toát lên lòng thương xót. Lòng thường xót chính là một giáo lý mới mẻ và đầy uy quyền mà người Do Thái ngỡ ngàng cảm phục. Chúa Giêsu không nói về sự công thẩm của Thiên Chúa mà trọng tâm rao giảng của Chúa là về tình thương của Ngài.
Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mô tả không phải là vị thẩm phán, nhưng là người cha giầu tình thương.
Một Thiên Chúa không phân biệt giữa dân tộc này hoặc dân tộc nọ.
Một Thiên Chúa không quan tâm đến của lễ toàn thiêu cho bằng con người thương yêu đùm bọc nhau.
Một Thiên Chúa muốn đối xử với chúng ta trong quan hệ cha-con, chứ không phải là vua-tôi.
Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng là một Đấng trung tín, từ bi và nhân hậu. Ngài chậm giận và chan chứa tình thương. Ngài sẵn sàng tha thứ tất cả, sẵn sàng đón nhận tất cả.
Năm nay với chủ đề “gia đình hãy là dấu chỉ Lòng Thương Xót” cụ thể là đồng hành cùng gia đình trẻ như là tiếng mời gọi các gia đình hãy tham gia vào sứ mạng của Hội thánh, rao truyền một nền văn minh tình thương và sự sống. Bằng tình thương chúng ta hãy cùng nhau đẩy lùi nền văn hoá bạo lực và chết chóc đang lan tràn chung quanh chúng ta.
Vợ chồng hãy đối xử từ bi nhân ái với nhau.
Cha mẹ hãy sống bao dung với con cái.
Người trong xứ đạo hãy sống hòa hợp với nhau.
Đây chính là sức mạnh của lòng thương xót mà người Do Thái đã nhìn ra nơi Chúa Giêsu như Đấng có đầy uy quyền. Bởi vì, uy quyền của Ngài đến từ lòng yêu thương, tinh thần phục vụ khiến mọi con tim thán phục, cảm mến.
Ước mong bóng tối sẽ bị đẩy lùi khi mỗi người tín hữu hãy thắp sáng lên tình yêu của Lòng thương xót ngay từ mái ấm gia đình mình.
Xin cho các người cha người mẹ đừng lấy quyền mà áp đặt con cái nhưng biết thể hiện uy quyền của mình qua tình thương quan tâm dành cho con cái.
Xin cho các đôi vợ chồng không đối xử hơn thua nhau nhưng bằng tình thương phục vụ mà khiêm tốn phục vụ lẫn nhau.
Xin cho các đôi vợ chồng biết sống lòng thương xót để mái gia đình ngập tràn niềm vui và hạnh phúc. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Ma Quỷ Còn Biết
Vâng Lệnh Chúa Truyền
Hôm ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ đi vào thành Caphácnaum. Ngài vào hội đường giảng dạy. Lúc ấy, trong hội đường có người bị ma quỷ ám. Thấy Chúa Giêsu, quỷ biết ngay Ngài là Con Thiên Chúa, nên la lên: “Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Bấy giờ Chúa Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”
Lập tức Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người chứng kiến đều hết sức kinh ngạc trước quyền lực của Chúa Giêsu. Ngài không cần dùng roi vọt hay bạo lực để trục xuất ma quỷ. Ngài chỉ cần phán một lời là quỷ phải vâng lời mà xuất ra ngay (Mc 1, 21-28).
Các tác giả Tin Mừng cũng thuật lại tại vùng đất Ghêraxa có một người bị quỷ dữ ám hại, khiến anh ta trở nên hung tợn và có sức mạnh phi thường. Dù người ta có khống chế anh ta bằng bao nhiêu gông cùm xiềng xích thì anh ta cũng bứt tung hết.
Khi Chúa Giêsu gặp người bị quỷ ám và biết là có cả một cơ binh quỷ sứ xâm nhập vào anh, hành hạ anh ngày đêm, khiến anh sống ở trong khu vực mồ mả và trên đồi núi, tru tréo liên hồi và lấy đá đập vào mình, Ngài truyền lệnh “Thần ô uế kia! Hãy xuất khỏi người này!” (Mc 5,8). Lập tức, lũ quỷ liền vâng lệnh Ngài mà xuất ra và nhập vào đàn heo. Sau đó, cả đàn heo đông đảo vừa bị lũ quỷ nhập từ trên sườn núi lao xuống biển chết đuối hết (Mc 5,1-15. Lc 8, 27-33. Mt 8, 28-32).
Khi giáp mặt với những người bị quỷ thâm nhập và ám hại bằng nhiều cách, Chúa Giêsu dùng lời của Ngài truyền cho quỷ phải xuất ra và chúng tức khắc vâng lệnh, không hề chần chừ hay kháng cự.
Thật lạ lùng, ma quỷ là thứ bị người ta khinh dể nhất đời, bị gọi là đồ quỷ, đồ yêu tinh, đồ quỷ sứ… và người ta cũng thường gán cho những kẻ nào xấu xa, đê tiện, tàn ác nhất trên đời này là “đồ quỷ sứ”… thế mà khi nghe lệnh truyền của Chúa Giêsu, ma quỷ ngoan ngoãn vâng lời ngay. Chúa bảo: “Hãy câm đi!”, chúng liền câm miệng. Chúa bảo “Hãy xuất ra khỏi người này”, chúng liền vâng theo.
Còn loài người thì sao?
Thiên Chúa Cha đã sai Con một của mình là Chúa Giê-su xuống trần gian để trực tiếp dùng lời khôn ngoan dạy cho loài người vâng phục Thiên Chúa, đi theo đường lối Chúa để được cứu rỗi và được sống đời đời.
Thế nhưng khi Chúa Giêsu dùng lời phán bảo con người đừng gian tham, thì người ta tiếp tục gian tham; Chúa bảo đừng trộm cắp, đừng ngoại tình, thì người ta vẫn cứ trộm cướp, cứ ngoại tình; Chúa dạy đừng giận hờn, ghen ghét… thì nhiều người vẫn trơ trơ như đá, chẳng vâng theo lời Chúa dạy.
Khi Chúa truyền cho mọi người: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, nhiều người vẫn im lìm bất động. Khi Chúa truyền “Hãy tha thứ thì sẽ được thứ tha”, nhưng sự giận hờn ghen ghét vẫn chất chứa trong lòng nhiều người. Khi Chúa truyền hãy quan tâm phục vụ nhau như Ngài đã hiến thân mình phục vụ con người, thì nhiều người vẫn dửng dưng vô cảm với anh em đồng loại…
Ma quỷ bị xếp vào hạng xấu xa, tồi tệ nhất mà còn biết vâng lệnh Chúa, lẽ nào loài người vốn được xem là con cái yêu quý của Chúa mà chẳng màng vâng lệnh Chúa truyền sao!
Không lẽ con người còn cứng đầu, chai đá hơn cả quỷ sứ trước lời Chúa dạy hay sao!
Lạy Chúa Giêsu. Chúa cứu rỗi nhân loại bằng Lời Chúa. Lời Chúa như hải đăng soi đường trong đêm tối để đưa tàu thuyền vượt biển về bến an toàn. Lời Chúa như kim chỉ nam chỉ lối dẫn đường cho người lạc bước giữa rừng sâu. Chỉ có những ai lắng nghe Lời Chúa và mau mắn đem ra thực hành thì mới được hưởng ơn cứu độ.
Từ chối vâng nghe Lời Chúa khác nào thuyền trưởng không theo ánh sáng của hải đăng, như người lạc lối giữa rừng sâu không đi theo hướng chỉ của la bàn.
Xin cho chúng đừng gác bỏ Lời Chúa ngoài tai kẻo phải khốn khổ muôn đời, nhưng biết mau mắn vâng theo lời Chúa dạy để được sống hạnh phúc đời này và được hưởng hoan lạc muôn đời mai sau.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Kỷ Nguyên Cứu Độ
CN IV TN.B – (Mc 1, 21 – 28)
Quyền năng Thiên Chúa đến trần gian
Giải thoát nhân sinh ách bạo tàn
Ma quỷ mưu đồ gieo thống khổ
Satan ác ý tạo lầm than
Tin Mừng chiếu tỏa tình yêu tặng
Lời Chúa sáng soi sự sống ban
Dung mạo nhân từ Người hiển trị
Kỷ nguyên Cứu Độ mở sang trang.
Hạt Nắng
Quyền Năng Chúa
CN IV TN.B – (Mc 1, 21 -28)
Ách satan mưu đồ thống trị,
gieo hạt mầm bi lụy đau thương.
Mây mù giăng lối lạc đường,
thù hận, ghen ghét sầu vương cuộc đời.
Gieo bệnh tật rã rời thân xác,
gieo u mê, dốt nát trí khôn.
Gieo kiêu ngạo, thích tự tôn
tranh giành quyền lực tâm hồn u mê.
Hòng trói buộc, đường về công chính,
kiếp giam cầm, bất định tương lai.
Tự do, hưởng thụ chiêu bài,
nhân phẩm bất xứng, nhạt phai tình người.
Quyền năng Chúa, Ngôi Lời ngự đến,
đưa nhân loại đến bến bình an.
Thoát ách thống trị satan,
đạp tan xiềng xích buộc ràng tội khiên.
Đường chân lý, Lời Thiêng giải thoát,
đem niềm vui, hoan lạc cho đời.
Lòng Thương Xót Chúa rạng ngời,
bao phủ nhân loại muôn đời không phai.
Giọt sương đọng cánh hoa mai,
như giọt ân sủng của Ngài thông ban.
Hồn con mừng đón xuân sang …
Bâng Khuâng Chiều Tím
Ngợi Ca Quyền Năng Chúa
CN IVTN.B – (Mc 1, 21 – 28)
Chập chùng gió bụi đường xa,
đời con lạc bước, sa vòng oan khiên.
Tranh giành, căng thẳng triền miên,
ham hố danh vọng, bạc tiền, cầu vinh.
Ghét ghen, chia rẽ, bạc tình,
vuốt ve quyền lực, rẻ khinh kiếp nghèo.
Đường đời khúc khuỷu cheo leo,
chết mòn nhân phẩm bọt bèo buông trôi.
Vòng dây oan nghiệt trói đời
hố sâu tuyệt vọng đất trời cuồng quay
*
Lòng Thương Xót Chúa đong đầy,
cứu con thoát khỏi tháng ngày lầm than.
Thoát ách thống trị satan,
thoát vòng tội lỗi hoang mang dục tình.
Chữa lành căn bệnh tâm linh,
hội nhập cuộc sống kết tình giao duyên.
Lời Chúa tỏa sáng uy quyền,
xua đi bóng tối ưu phiền tan bay.
Thương con kiếp sống đọa đày,
Lòng Nhân Hậu Chúa giãi bày tín trung.
*
Diện mạo Thiên Chúa hiển dung,
dìu con tiếp bước tận cùng yêu thương.
Quyền năng Chúa phủ dặm trường …
M. Madalena Hoa Ngâu
Ngợi Ca Quyền Năng Chúa
CN IV TN.B – (Mc 1, 21 – 28)
Ngài đã đến trong cuộc đời,
khiêm tốn, đơn sơ, vâng phục Thánh Ý.
Cuộc chiến sa mạc, khuất phục quỷ ma,
cám dỗ xa hoa, phô trương, danh vọng,
quyền cao chức trọng, cũng không màng,
Ngài luôn phó thác trong tình yêu Cha.
Thiên Chúa toàn năng, Thiên Chúa uy quyền,
Ngài đã đến, cứu trần gian thoát vòng tội lỗi.
Đấng Thánh tình yêu – Đấng Thánh nhân lành,
lòng nhân ái Chúa bao la,
giải phóng nhân sinh, tặng ban ơn thánh an bình.
Ngài đã bước trong đường đời,
xao xuyến tim yêu, chạnh lòng thương xót.
Giải thoát con người, quyền lực satan,
tội lỗi u mê, ăn năn quay về,
chiên hoang lưu lạc, trở về đàn,
hồi sinh sức sống, trong tình yêu thương.
Ngài đã thấy con bên đường,
lê bước phong sương, bụi đời giăng lối.
Tăm tối lạc loài, giữa ngàn đắng cay,
ơn thánh trao ban, vết thương chữa lành,
Tin yêu, hy vọng, sống Tin Mừng,
con tim dâng hiến, trên đường chứng nhân.
Nắng Sài Gòn
Phá Tan Xích Xiềng
CN IV TN.B –(Mc 1, 21 – 28)
Thế giới ngày nay ràng buộc nhiều xiềng xích,
trói chặt con người làm nô lệ bóng đêm.
Cám dỗ ngọt ngào, những hứa hẹn dịu êm,
đủ mánh khóe, lắm bịp bợm,
biến con người thành tay sai cho quỷ dữ.
Yếu đuối mỏng dòn, vô phương chống cự,
xiết chặt con người vòng nô lệ đam mê.
Đam mê quyền lực quên mất nẻo đường về,
đam mê tình dục quên mất câu chung thủy.
Say phù du, nô lệ vòng ma túy,
cờ bạc, rượu chè làm lệch lạc tương quan.
Cuồng tín trầm mình cùng chủ nghĩa cực đoan,
bao mãnh lực đê hèn,
cố kéo con người ngày càng xa cách Chúa.
Ích kỷ, oán thù khiến tâm hồn sầu úa,
tham vọng, bạc tiền, hưởng thụ những tiện nghi.
Thủ đoạn, phỉnh lừa đánh mất cả lương tri
chống lại Thiên Chúa cứ tưởng mình hạnh phúc.
Ám ảnh thần ô uế, cứ ngỡ mình sung túc,
lạc hướng bơ vơ như kẻ sống bên lề.
Bệnh hoạn tâm hồn mang lối sống u mê,
Chúa ơi!
xin chạnh lòng xót thương…
hãy phán một lời…
trục xuất thần ô uế.
Lời Chúa phán tà thần run… kính nể,
vâng lệnh ngay… xuất khỏi thế giới này.
Phá tan xích xiềng, satan phải biến ngay,
đưa nhân loại đi vào kế hoạch…
Chương Trình của Thiên Chúa.
Lời Chúa phán đầy uy quyền, rực lửa,
thần dữ phải cúi đầu, xiềng xích bị đập tan.
AP. Mặc Trầm Cung